LuuHuongSoai
Cựu chiến binh

Bài viết: 1111
|
 |
« vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 02:33:20 am » |
|
Sóng chìm Tác giả: Đình Kính Nhà xuất bản: Nhà xuất bản CAND Nguồn: Đả tự toái thạch công Cuốn sách này lấy sự kiện tàu không số đã từng chuyển vũ khí vào Vũng Rô bằng đường biển trong những năm kháng chiến chống Mỹ làm bối cảnh, nhưng toàn bộ câu chuyện đã được tiểu thuyết hóa. Bởi vậy, nếu có sự trùng khớp nào với tên đất, tên người đều là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Rất mong được bạn đọc thông cảm. Chương một I Sóng từ biển như một gã lười nhác ềnh ra mặc gió xô vào bờ, lừ đừ lăn qua lăn lại một cách nhẫn nhịn nơi mép nước. Đêm đặc sánh. Không gian nhức nhối, ngột ngạt như sắp có giông. Phía biển, mây đen phủ kín bầu trời, thỉnh thoảng một ánh chớp loằng ngoằng rạch dọc xé ngang vẽ lên không trung những hình thù kỳ quái…. Sông Thạch Bàn hệt dải lụa đen thẫm, dẻo quẹo ôm lấy làng Cát. Cái làng giống con ve sầu lột xác sau hè, một chiều tựa vào biển, chiều còn lại ngả ngốn ngửa ra áp vào dòng sông và phần đầu húc vào thị trấn Lân Cồ; đêm về nặng nề, thấp thỏm y như người đàn bà goá sắp đến ngày trở dạ, ngủ không đẫy giấc. Tiếng sóng rời rạc mài lên bãi vọng vào và ánh sáng mỏng mảnh từ thị trấn hắt về tạo cảm giác buồn thảm. Có cái gì đó bí bức giống quả bóng cao su bơm căng, chực bục… Căn nhà lợp lá dừa cuối xóm lù mù đèn dầu. Chưa đầy chục khuôn mặt chụm lại trên chiếc chiếu mộc trải xuống nền đất, hướng về phía ngọn đèn. Sáu Sinh ngồi kề đó, ánh sáng vàng nhợt hắt lên khuôn mặt, trông ông bợt bạt, mắt trũng sâu, cằm dài ra. Không khí nén lắng. Mọi người háo hức chờ đợi. Linh cảm mách bảo rằng, Sáu Sinh sắp nói điều gì đó hình như có liên quan đến sự mất còn của cái làng ven biển này. Ông vốn cẩn trọng. Đâu phải ngẫu nhiên mà cùng lúc triệu tập cán bộ, du kích làng Cát cụm vào một nơi. Vùng này chỉ còn bấy nhiêu người, đếm không hết mười đầu ngón tay, là lực lượng sót lại sau nhiều lần địch cào đi, cuốc tới; mất số này, coi như trắng cán bộ, trắng du kích.
|
|
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Ba, 2021, 11:33:09 am gửi bởi ptlinh »
|
Logged
|
Hiên ngang trước cửu trùng Lạnh lùng nhìn trần thế
|
|
|
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh

Bài viết: 1111
|
 |
« Trả lời #1 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 02:33:42 am » |
|
Sáu Sinh cũng căng thẳng, ý thức được điều mình sắp trình bày khiến ông thấp thỏm, hồi hộp. Một lát ông nói, giọng xúc động: - Thưa các đồng chí! Hôm nay tôi thay mặt lãnh đạo tỉnh về đây để thông báo với các đồng chí điều hệ trọng rằng, chúng ta sắp có vũ khí. Rất nhiều vũ khí…-Không gian lặng phắc. Mọi người nín thở. Gần chục đôi mắt hướng về phía ngọn đèn. Có người cố dịch lại gần ông nghển lên để nghe cho rõ. Vũ khí là nỗi bức xúc, là niềm khát khao bấy nay của nhiều người, nên hai tiếng đó như thể ma lực đối với họ…- Cuộc họp này, tôi chỉ phổ biến sơ bộ… Như các đồng chí đã rõ, vũ khí đang trở thành vấn đề sống còn của cách mạng miền Nam. Vũ khí đang là đòi hỏi bức thiết không phải chỉ tỉnh ta mà toàn Liên khu… Trung ương đã cố gắng chi viện nhưng con đường bộ mới vươn tới các tỉnh phía bắc Khu Năm, mà cũng rất khó khăn. Rồi đây Trung ương sẽ tìm cách đưa vũ khí vào. Nhưng để thực hiện được việc ấy phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, phụ thuộc vào chính chúng ta, trong đó có làng Cát… Làng Cát, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tiếp nhận súng đạn. - Đề nghị đồng chí Bí thư nói rõ hơn được không? – Xã đội trưởng Mười Bàng dường như nóng lòng, kìm không nổi, bật ra… - Vậy người làng Cát phải làm gì, thưa anh Sáu? – Bí thu Ba Tánh đệm theo. - Tiếp nhận vũ khí là việc lớn, việc hệ trọng và cũng hết sức bí mật. – Sáu Sinh nói tiếp - Bởi vậy, phải làm từng bước rất cẩn thận, tiến hành đến đâu tỉnh sẽ phố biến đến đó… Chúng ta khẩn trương nhưng không được nóng vội… Tôi nhắc lại, đây là việc ảnh hưởng đến toàn bộ chiến trường của tỉnh, của liên khu… Hôm nay, tôi chỉ có thể nói với các đồng chí bấy nhiêu thôi. Chúng ta hãy chuẩn bị tinh thần thật tốt, trước mắt xin phổ biến mấy bước cần chuẩn bị gấp như sau…
|
|
|
Logged
|
Hiên ngang trước cửu trùng Lạnh lùng nhìn trần thế
|
|
|
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh

Bài viết: 1111
|
 |
« Trả lời #2 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 09:38:08 pm » |
|
Chợt tấm liếp chắn ở cửa bật mở. Không ai hô, hết thảy những người có mặt đều quay lại. Một bóng con gái hốt hoảng lách vào. - Chú Sáu! Tám Phụng đã chiêu hồi, đang dẫn lính tới... - Cô gái nói một cách khó khăn. Hình như sau thông báo đó, cô mới thật nhận ra nỗi nghiêm trọng của sự việc. Cô thở gấp gáp. - Bình tĩnh, rồi nói lại coi, Sáu? - Chú ơi, Tám Phụng đang dẫn lính vào làng Cát. - Tám Phụng phản bội? - Lẹ lên chú ơi, bảo an và dân vệ đã vô tới bãi... - Có việc đó thiệt sao?... - Tiếng Sáu Sinh bật ra tựa một hơi thở dài. - Lính đông lắm, lão Trần Nhũng chỉ huy... Sáu Sinh đứng như chôn chân giữa nhà. Mọi người nhìn ông, chờ đợi. - Lại có việc đó sao!... Chừ tính vầy... - Sáu Sinh nói - Tạm thời giải tán cuộc họp. Chia ra, rút thiệt êm... Ai quen biết Tám Phụng thì lánh một thời gian hoặc rút lên cứ nghe... Ngọn đèn vụt tắt. Nhiều bóng người lách ra khỏi nhà, lẫn vào đêm. Trời tối đen. Không một sợi gió. Giữa làng, tiếng chó sủa rộ lên. Làng Cát tỉnh giấc. Quả bóng cao su như thể chạm vào gai nhọn, vỡ ra. Lính túa vào mọi lối. Xã trưởng Trần Nhũng hí hới dẫn một trung đội bảo an và dân vệ hối hả đổ về ngôi nhà lợp lá dừa cuối xóm. Lão thấy chộn rộn. Tóm được Bí thư Tỉnh ủy Trần Sinh là bọn theo đóm Cộng sản vỡ hết. Sẽ chẳng còn kẻ nào dám giơ tay múa chân ngo ngoe. Làng Cát sẽ yên. Lão có thể vểnh cằm, chỉ tay năm ngón, kê cao đầu lên cặp đùi trắng mập như nõn chuối của mụ vợ ba mà ngủ... Lão kêu người đàn bà vợ lão bây giờ là mụ ba, bởi sau khi Ba Hương, má của Trần Hoàng qua đời, lão cưới thêm người đàn bà khác, sống với nhau được mấy năm, nghe nói người này không chịu thấu sức lực Trần Nhũng bèn trốn tiệt theo bà con vào Sài Gòn sinh sống, khi đã chạm tuổi năm mươi, lão lại tậu thêm bà ba này... Song xã trưởng bị hẫng. Khi lão và đám lính lố nhố lần tới, ngôi nhà trống trơn. Trần Nhũng sững lại. Lão biết mình vồ trượt. Con mồi lão săn lâu nay lủi mất tăm. Trần Nhũng trơ ra một lúc. - Thưa, cho xăm hầm? - Có tiếng hỏi. Trần Nhũng phẩy tay. Lão rõ mình phải làm gì trong tình huống này. - Chúng ngu chi chui hầm nơi đây. Chia ra, vây kín mọi ngả ra, vô làng. - Lão lệnh - Bọn này chưa thể lủi xa... Ai bắt được Bí thư cộng sản Sáu Sinh sẽ có thưởng. Thưởng lớn. Lính tản ra. Mọi ngả đường đều được ém chặt. Xã trưởng vẫn gọi cách vây ráp này bằng cái tên nôm na: sục ao bắt cá. Nghĩa là giăng lưới vòng ngoài, sục quậy vòng trong, khi cá sặc bùn, đành liều nhảy ra, lập tức mắc vào lưới. Có lúc cao hứng, lão gọi là chiến thuật nhện giăng tơ bắt mồi. Nhiều con mồi, Trần Nhũng khoái kêu là mồi bự, đã rơi vào tay lão nhờ cách đó. Bởi vậy thỉnh thoảng xã trưởng làng Cát lại được xe nhà binh về tận nhà rước đi “truyền thụ kinh nghiệm” cho nhiều nơi... Có tiếng súng nổ. Trần Nhũng chạy về hướng đó, hét lớn: - Biểu bắt sống, sao nổ súng? - Có hai người đi vô bãi dương... - Sục cho ngạt, khắc nó vọt ra... Không bắn! ... Trần Sinh và Sáu Quyên loay hoay trong bãi dương. Phía nào cũng mắc lính. Lưới của Trần Nhũng giăng ra mỗi lúc một thít vào. Sáu Quyên kéo tay Sáu Sinh: - Chú vô xóm nhờ thím Tư đưa qua sông, về cứ nghe. - Không được... Cháu cũng phải... - Cháu có cách. Lẹ lên kẻo kẹt! Cô gái vọt về hướng biển. Lập tức lính của Trần Nhũng hô nhau rượt theo. Trần Sinh bươn qua bãi dương nhào vào xóm. Ông lần vườn chuối bước đến ngôi nhà thím Tư Đởn. - Chị Tư! Chị Tư! - Sáu Sinh ngoái nhìn hướng mình vừa qua, gọi gấp... Nhận ra tiếng người quen, thím Tư vùng dậy. Linh tính báo cho thím điều chẳng lành rồi! Hồi hôm tới giờ chó sủa inh làng, biết là lính đang quây, ôm chặt cu Nhặt vào lòng, vỗ vỗ cho thằng nhỏ khỏi thức giấc, thím thấp thỏm dỏng tai nghe chừng. Mọi lần Sáu Sinh đâu có gọi giật vậy. Thím đặt nhẹ đứa con trai mới chừng tám tháng tuổi xuống chiếu, vấn vội mớ tóc, hấp hả bước ra: - Chú Sáu hả? - Thím quờ tay mở chốt cửa, giọng run run. Sáu Sinh không lách vào như mọi lần, đôi mắt dáo dác nhìn ra phía đường cái. - Nguy rồi chị Tư. Tụi bảo an có dân vệ dẫn đường đang rượt theo. - Chú vô lẹ lên... Để tôi mở nắp hầm. - Không! Tôi phải đi. - Đi ngay? - Có đứa làm phản. Chúng quây cuộc họp. Có lẽ một số anh em đã hi sinh... - Lạy phật! - Chị đưa tôi qua sông nghe! - Vào giờ này? - Thím Tư nhìn nhanh về phía chiếc giường, nơi có thằng con trai chưa đầy tuổi đang ngủ say - Nước cả lắm! - Thằng Tám Phụng chắc đã khai ra nhiều chuyện... Xuồng của chị vẫn để ở bãi Chò chớ... - Chú vừa bảo Tám Phụng làm sao? - Nó phản rồi! Tư Đởn bàng hoàng. Nhưng thím không có thời gian nghĩ nhiều. Phía đầu xóm có tiếng súng nổ, tiếng chó sủa gắt và tiếng quát tháo vọng lại. Thím quay vào lần chiếc chăn đơn, đắp ngang bụng cu Nhặt, rồi đẩy con vào sát vách. Cẩn thận hơn, thím cuộn thêm chiếc chiếu, chắn phía mép giường, rồi quay ra: - Đi, chú! Hai người như hai cái bóng lách ra khỏi làng. Tới gần mép sông, chợt nghe phía sau tiếng nhiều bước chân chạy huỳnh hụych, rồi ánh đèn pin hất tới hất lui, kế đó là tiếng lão xã trưởng: - Vừa thấy hai bóng người đi ngả này! Mũi Trần Nhũng rất thính, lão đã đánh hơi ra... Thím Tư dừng lại, sợ hãi ngó nghiêng. - Xuồng để gần đây không, chị Tư? - Sáu Sinh hỏi. - Ta đi thôi. Chị cứ bình tĩnh. - Sáu Sinh cúi xuống, nhặt một hòn đất ném vào bụi rậm cách đó không xa, rồi kéo thím Tư chạy về hướng thím vừa chỉ. - Bọn nó ra bờ sông! - Tiếng xã trưởng đuổi phía sau. Hòn đất của Sáu Sinh không đánh lừa được cái mũi, đôi tai tinh khôn của lão. Tiếng súng chí chát. Bờ sông thoáng chốc náo loạn. - Không được bắn. Để bắt sống! - Trần Nhũng tỏ ra đắc thắng, lão ra lệnh. Nhưng một lần nữa lão lại chậm. Khi tốp lính nhào tới mí nước, chiếc xuồng của Tư Đởn và Sáu Sinh đã trườn ra được một quãng xa. Xã trưởng nhìn theo, giậm chân: - Đuổi theo, mau! Bọn lính tìm được chiếc xuồng cạnh đó, nhảy xuống. Nhưng vì không biết chèo nên chiếc xuồng cứ chòng chành quay tròn. Xã trưởng rối ruột đi lại trên bờ. Lão cay cú nhìn theo, hậm hực hô: - Bắn!... Bắn bỏ... Đạn rắc xuống sông như mưa. Những đường đạn rạch dọc, rạch ngang, đan vào bóng đêm. Nhưng chiếc xuồng đã mất hút trong bóng tối, trên dòng sông. - Nhà Tư Đởn thiệt to gan - Giọng xã trưởng rin rít. Rồi lão hô: Xăm nền! Đốt nhà!... Có lẽ lúc đó thím Tư không nghe rõ tiếng hét bất lực mà tai vạ đó. Chiếc xuồng vẫn gấp gáp bươn sang sông. Bầu trời đen kịt. Chớp vẫn loằng ngoằng xé mây ra từng mảng. Những tia sáng bất chợt soi rõ bóng thím, nhỏ nhoi đang rạp xuống mái chèo... Nhưng khi chiếc xuồng đã sang sông, nằm yên bên một mô đất, thím Tư quay lại nhìn thì, trời ơi, thím thất sắc, hoảng loạn đến không hay biết gì nữa. Rất bản năng, thím nhào xuống nước, tưởng như thế là có thể sang ngay được bên kia bờ. Sáu Sinh vội vã nhào theo. - Chị Tư! Phía bên ấy, sau vệt đen thẫm của những hàng cây, một cột lửa bốc cao, liếm vào màn đêm, cháy rần rật. - Thằng Nhặt... Con tôi! - Thím Tư gào không ra hơi và cố vùng ra khỏi đôi tay Sáu Sinh...
|
|
|
Logged
|
Hiên ngang trước cửu trùng Lạnh lùng nhìn trần thế
|
|
|
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh

Bài viết: 1111
|
 |
« Trả lời #3 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 09:39:59 pm » |
|
*
Làng Cát náo loạn. Sáng sớm, lính từ thị trấn ngồi trên những cái xe tải túa về vây kín các ngả. Lệnh ban ra: Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Không một ai được ra khỏi làng. Người lớn, trẻ con chỉ biết tựa cửa ngóng ra. Thấp thỏm. Sợ hãi. Chẳng rõ rồi điều gì sẽ xảy đến. Trâu bò chồn chân, lạch cạch cọ sừng vào chuồng, lộp cộp gõ móng xuống sàn đất. Phía bờ sông, lính dàn hàng ngang tiến vào. Chiếc xe Jeep chở đại úy Ba Hoàng, con trai xã trưởng Trần Nhũng vọt lên. Đến rìa làng, chiếc xe dừng lại. Trần Nhũng và Nguyễn Xấn, chỉ huy dân vệ, từ ngôi nhà kề đó vọt ra. Ba Hoàng bật khỏi thùng xe, trung sĩ Độ, vệ sĩ của gã nhảy ra theo. Nguyễn Xấn sán tới, hình như định nói gì đó, nhưng gã đại úy xua tay: - Khỏi thanh minh. Tôi rõ cả rồi. - Thưa đại úy! - Thưa gửi chi nữa... Để xổng mất Sáu Sinh là tội rất lớn. Đã có chỉ điểm, đã tăng cường lực lượng mà... Mấy ông làm ăn như cứt... - Ba đã hết sức... - Trần Nhũng cố vớt vát. Ba Hoàng im lặng. Gã nhìn khắp lượt làng Cát, rồi không quay lại, nói: - Bằng mọi giá, phải bắt cho được Trần Sinh và đồng đảng. Cần cày nát cái làng này lên cũng làm. Mệnh lệnh được thực thi. Chưa bao giờ làng Cát bị trận càn nào lớn đến vậy. Các ngõ lối đen đặc lính. Chúng chia làm nhiều tốp, kéo vào từng nhà lục lạo. Nền nhà, chuồng trại, vườn tược bị xới lên. Xuyến đồng xăm không sót chỗ nào. Làng Cát tróc lở như người vảy nến đang kì phát bệnh. Ba Hoàng có trung sĩ Độ và đám lính hộ tống, theo sau là Tám Phụng đi vào nhà ông Năm Bào. Năm Bào ở xóm dưới, nhà Ba Hoàng ở xóm trên. Hồi nhỏ, viên đại úy từng nghe ba hắn kể rằng những người như Năm Bào đã vặt trụi râu ông nội, đấu tố cho đến chết, và sau đó thì chia nhau ruộng đất, của nả trong nhà. Họ không từ một thứ gì, kể cả chiếc bát mèo ăn. Những kẻ như Năm Bào dẫu là người làng, dẫu là có hơi hướng họ hàng, với gia đình hắn đời đời kiếp kiếp không thể đội trời chung. Đứng dạng chân giữa sân, Ba Hoàng gọi, giọng kẻ cả: - Ông Năm! Từ trong nhà, Năm Bào thấy Ba Hoàng đang hướng về phía nhà mình, biết có chuyện nhưng ông làm bộ không hay, vờ lúi húi cho heo ăn, chỉ thỉnh thoảng mới lé nhìn, khi nghe tiếng gọi, ông luýnh quýnh chạy ra, ngơ ngác. Ba Hoàng chỉ Tám Phụng: - Ông biết người này chớ? Năm Bào giật mình, miệng cứng lại. Ông khẽ lắc đầu. Ba Hoàng cười khẩy: - Không nhớ thiệt sao? Đồng chí Tám Phụng, Huyện ủy viên, đã từng cùng Bí thư Tỉnh ủy Sáu Sinh ẩn nấp trong hầm bí mật ở ngôi nhà này mà... Tám Phụng! Sao Năm Bào lại không hay! Lúc cao điểm tố cộng, ông đã từng nuôi người này. Hồi đó Tám Phụng là cán bộ cỡ nào, ông đâu rành. Máy chém lê khắp nơi, không nên biết nhiều, biết nhiều càng dễ chết. Ban ngày Sáu Sinh và Tám Phụng náu dưới chiếc hầm bí mật vợ chồng ông đào xiên chéo xuống chuồng heo. Đêm đến, sau khi xem chừng động tĩnh, Năm Bào mở nắp để hai người rờ rẫm chòi lên. “Yên chớ chú Năm?” “Hôm rày đi lối Bà Quẹo nghe. Trước quán mụ Tư Chung có lính bảo an phục đó.” Họ chỉ kịp trao đổi có vậy. Sáu Sinh và Tám Phụng đi rồi, vợ chồng Năm Bào nằm trên chõng tre, giương mắt nhìn bóng tối nơi trần nhà, lòng dạ không yên, thấp thỏm như đi trong bãi mìn... Gần sáng, có tín hiệu đập bên vách, biết Sáu Sinh và Tám Phụng an toàn trở về mới nhè nhẹ thở hắt ra... Sau nay, khi bà Hai Hậu, vợ của Năm Bào bị bệnh qua đời, ông vẫn một thân một mình nuôi giấu họ. Dịp đó là thời kỳ địch mở chiến dịch tố cộng. Làng xã ngộp ngạt, nơm nớp. Ra đường chẳng dám nhìn thẳng vào mặt nhau. Không ai dám tin ai. Chưa tối mọi nhà đã cài chặt cửa, tắt đèn dỏng tai nghe ngóng. Phấp phỏng. Lo âu. Ai rõ được ngày mai nhà nào có người lên máy chém. Chỉ một chỉ điểm vu vơ, hàng chục người bị giết. Mạng người không bằng con cóc, con ngóe. Các quan chức chính quyền chẳng tuyên bố: giết nhầm còn hơn bỏ sót đó sao!... Vào một đêm tối trời, sấm chớp đì đùng, Năm Bào đang nằm vểnh tai nghe chừng thì có tiếng gọi: “Chú Năm!”. Nhận ra tiếng Tám Phụng, Năm Bào trở dậy, lần ra cửa. Tấm liếp vừa mở, Tám Phụng run rẩy lách vào. “Sáu Giáo đâu?” - Ông Năm chèn tấm liếp, quay lại hỏi. “Ra cứ rồi!” “Tưởng chú cùng đi?” “Được phân công ở lại nắm tình hình...” - Tám Phụng chán chường đáp.
|
|
|
Logged
|
Hiên ngang trước cửu trùng Lạnh lùng nhìn trần thế
|
|
|
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh

Bài viết: 1111
|
 |
« Trả lời #4 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 09:40:22 pm » |
|
Đêm hôm sau, rồi đêm hôm sau nữa vẫn không thấy Tám Phụng trở lại. Có người bảo Tám Phụng đã tự động lần lên cứ. Hôm nay con người Ba Hoàng kêu là Huyện ủy viên đó đang lù lù đứng trước mặt ông. So với trước, Tám Phụng gầy hơn, da mặt nhăn nheo, còn thần sắc thì giống cái xác chết đuối dưới sông vừa được vớt lên. - Trí não ông Năm dịp này không được minh mẫn nghe - Ba Hoàng nói - Tui gợi cho mà nhớ lại. Hồi chín năm chính đồng chí Tám Phụng tự tay chia cho ông cái nồi đồng rộng miệng, phải đến hai người khiêng của nội tôi. Nhớ chưa? Tôi còn bé xíu vẫn không quên lúc đó ông cười đến chảy nước mắt... Đúng không Tám Phụng? Tám Phụng không nói, cúi mặt tránh cái nhìn của Ba Hoàng, tránh cái nhìn của ông Năm. Tám Phụng vốn có cái cụp mắt lảng tránh như thế. Thời còn chui lủi trong ngôi nhà này, Tám Phụng cứ thèm một bữa được ăn thiệt no. Đêm nào về cũng ghé sát tai ông Năm, thỉ thảo: “Nhà còn gì không chú, đói quá!”. Biết tính, ông Năm thường để phần bát canh rau tập tàng. Canh nấu với muối trắng mà cứ xuýt xoa khen ngon. Cái hôm ông Năm kiếm được nửa lon gạo, nấu cháo, đêm về Tám Phụng đánh liền hai tô, ăn luôn cả phần Sáu Sinh... Lúc đó Tám Phụng cũng cụp mắt xuống tránh cái nhìn của ông như hôm nay... - Ông rõ tội chứa chấp Cộng sản là tù mọt gông chớ? - Ba Hoàng vẫn dạng chân như chiếc com pa chôn giữa sân, và nói - Nể tình người làng, lại có chút họ hàng xa, bắn đại bác không tới, tôi sẽ tha. Nhưng phải biết điều. Chỉ cần ông hất hàm chỉ chỗ Sáu Giáo ẩn nấp, tôi để ông tự do. Hứa danh dự. Một cái hất hàm là êm mọi sự. Quả giữa Năm Bào và Ba Hoàng nghĩa nào đó có họ hàng xa. Bà Hai Huệ, vợ ông và Ba Hương, người vợ trước của Trần Nhũng, má của Ba Hoàng là chị em con dà con dì. Thời Ba Hương sinh ra thằng ác ôn này, một mình vợ ông túc trực bên cạnh chăm bẵm, săn sóc. Chị em con dà con dì nhưng quý nhau như cùng một người sinh ra. Khi trở dạ, Ba Hương nhất định đòi kêu cho được chị Hai Huệ tới. Chính bà Hai Huệ vợ ông là người đã cắt rốn cho thằng trời đánh này. Khi mới lọt lòng, Ba Hoàng không có nét gì của Trần Nhũng, nó giống má như tạc. Dáng cao, da trắng, mỏng và mịn. Hai Huệ nhìn đứa cháu mà bây giờ nó nói với Năm Bào là bắn đại bác không tới, cười rất tươi khen rằng thằng nhỏ có nước da và đôi mắt to thiệt đẹp, lớn lên nhất định thông minh, học hành sáng láng. Và cũng chính vợ ông nói rằng dù thằng này là con cả, nhưng để dễ nuôi, nên hạ nó xuống một cấp. Trần Nhũng thấy phải, mới cho gọi con là Ba. Nó có cái tên Ba Hoàng bởi thế. Rồi khi nó mới hai tuổi, má nó, dì Ba Hương chẳng may qua đời, lại vợ ông vuốt mắt, lo lau rửa và nghe những lời trăng trối nhắn gửi cuối cùng của người em họ xấu số. Vậy mà khi bà Hai Huệ lâm bệnh trọng, ba con Trần Nhũng, Trần Hoàng không một lần hỏi han, khi bà mất cũng chẳng nén nhang tới viếng, còn đánh tiếng rủa rằng sống thân Cộng sản, ăn lộc Cộng sản chết cũng là ma của Cộng sản, ai thương... Cái thằng, trông mẽ ngoài dễ coi, mặt mũi sáng sủa giống như người có chữ, phom dáng cũng thư sinh mà sao tâm địa đen thui vậy? Thấy Năm Bào im lặng, Ba Hoàng lại hạch: - Sao ông Năm, còn nghĩ ngợi chi, chỉ lẹ lên. - Tui không thể chỉ vu vơ... - Ai biểu chỉ vu vơ... Chỉ chỗ Sáu Sinh ẩn nấp chớ... Lòng kiên nhẫn của tôi có giới hạn nghe... Tám Phụng, ông nói gì với ông già đi chớ. - Tôi đâu biết Tám Phụng là ai... - Tám Phụng là đồng chí của Sáu Sinh. - Tám Phụng là đồng chí của Sáu Sinh thì ông đại uý phải hỏi hắn chớ. - Tôi muốn chính ông trả lời, ông bác họ ạ. Hầm bí mật ở đâu? - Nhà tôi chỉ có hầm tránh pháo. - Ông không biết? Vậy để đồng chí Tám Phụng giúp. Ba Hoàng quay qua Tám Phụng, hất hàm. Tám Phụng như thể chạm vào lửa, giật mình. Y chật chưỡng bước vào nhà, lảo đảo như thể đang đi trên boong tàu chòng chành giữa đại dương. Hoàng gạt ông Năm, bước theo. Tám Phụng lấm lét ngó quanh, rồi hệt người câm, lão run run chỉ vào chuồng heo. - Khui! - Hoàng ra lệnh. Trung sĩ Độ hất hàm, tên lính lập tức vớ cái cuốc cạnh đó, bổ xuống. Có tiếng bùng bục. Lưỡi cuốc nảy trên mặt gỗ. Tên lính ngước nhìn. Hoàng hơi lùi ra xa, hô: - Bậy nắp! Tấm ván bết phân heo được cậy lên. Một khoảng trống lộ ra, tối om. Như chiếc lò xo, tên lính bật khỏi miệng hầm. Ba Hoàng quay về phía Năm Bào: - Đây là hầm tránh pháo? Năm Bào không đáp, đánh mắt nhìn qua Tám Phụng. Tám Phụng xoay người, vờ như không biết ánh mắt đang xoáy vào mình... Hoàng quay hỏi Năm Bào: - Sáu Sinh trong đó chớ? - Nếu mấy ông nghĩ Sáu Sinh dưới ấy thì biểu Tám Phụng xuống gọi lên. Ông Năm đã bình tĩnh trở lại. Ông rõ là Tám Phụng chỉ điểm hú họa. Đã lâu Sáu Sinh không tới nhà ông. Mỗi lần về làng, Sáu Sinh náu ở đâu ông cũng chẳng hay. Năm Bào thấy mừng. Nếu Sáu Sinh qua đây, hôm nay sập bẫy là cái chắc. Tám Phụng chung quy vẫn là một thằng ngu! - Phá hầm! Sau mệnh lệnh đó, nhiều nhát cuốc bổ xuống. Chiếc hầm được đào công phu xiên chéo qua chuồng heo, trống trơn, phả ra mùi ẩm mốc. Ba Hoàng thất vọng. Viên đại úy lẳng lặng bước ra sân: - Giải đi! - Giải đi! - Trung sĩ Độ nhắc lại như một cái máy. Hai cánh tay bị giật mạnh về phía sau, một sợi dây ni lon thít chặt quanh người, ông Năm Bào bị lính xô tới, ẩy đi.
|
|
|
Logged
|
Hiên ngang trước cửu trùng Lạnh lùng nhìn trần thế
|
|
|
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh

Bài viết: 1111
|
 |
« Trả lời #5 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 09:40:54 pm » |
|
*
Sóng biển uể oải liếm lên bãi, mệt mỏi và chán chường. Về trưa, càng nặng nhọc, nghe rời rạc đơn điệu như hơi thở của người lâm bệnh trọng. Gió lặng. Nước đứng nên không khí ngột ngạt, bí bức. Trên khu đất trống cạnh đó, hơn hai chục người dân làng Cát bị dồn tới, vón vào nhau. Người đứng, kẻ ngồi lổn nhổn. Tám Phụng khẳng định rằng trong số này, không nhiều thì ít, đều có liên quan tới Sáu Sinh và du kích. Xã trưởng Trần Nhũng mặt lạnh tanh, bước qua, bước lại trước đám đông do lính của lão và con lão giải tới. Khác với dáng vóc cao ráo đẹp mã của thằng con, người lão ngắn ngủn, thấp tè. Chiếc mũ rộng vành mới tậu hồi vào Nha Trang cùng mụ vợ ba “thay đổi không khí” chụp trên đầu. Hai tay chắp đít, lưng hơi gù xuống, trông lão giống như con sên di chuyển trên thân gỗ ẩm. Thói quen bước tới, bước lui nhằm khẳng định uy lực, có từ thời lão được cất nhắc lên làm xã trưởng. Hồi ấy lão như kẻ phát cuồng. Và lão cũng thị uy quyền lực của mình trước dân làng Cát bằng điệu bộ như hôm nay. Khác chăng là khuôn mặt thời đó không lạnh tanh và bực bõ mà phồng nở hết cỡ như hạt bắp rang muối với tất cả sự đắc thắng của kẻ vừa lật ngược thế cờ, đã mãn nguyện trong ý thức trả thù. Lão không những thỏa ước giật lại toàn bộ đất đai ruộng vườn của gia đình lão bị cướp đi trong thời “chín năm” dưới chính thể Cộng sản, mà điều khiến lão khoái trá, thỏa lòng là những kẻ đã chen xô vào nhà lão giật đi từng chiếc bát sứt, chiếc cối đá thủng, đã từng chỉ mặt gọi tên bố lão là thằng này, thằng nọ, vặt râu đấu tố, nay trở nên xun xoe, nịnh nọt một điều ông xã trưởng, hai điều ông hội đồng... và lại cầu cạnh để được làm thuê, để được cuốc mướn. Ra đường gặp lão thì khúm núm, sợ hãi, len lén chẳng dám ngẩng cao mặt... Lão khoái điều ấy và rất ý thức về quyền uy ấy. Chỉ cần lão chỉ vào ai đấy, kêu họ là “Việt Cộng”, hôm sau người đó lập tức bị lôi xềnh xệch lên máy chém, nhẹ cũng là vào bao thả trôi sông hoặc nhốt trại tập trung. Quyền lực ở cái làng Cát sát biển này gom hết vào tay bố con lão... Nhưng khuôn mặt phồng nở như hạt bắp rang muối ấy không kéo dài được lâu. Chẳng rõ sao nảy nòi ra Sáu Sinh. Ngỡ lão thầy giáo này theo đồng đội đi tập kết, ai ngờ vẫn lẩn khuất lúc ẩn lúc hiện quanh làng. Sáu Sinh làm lão điên đầu. Cấp trên đã tư giấy về thông báo rằng Sáu Sinh là hiểm họa lớn, Sáu Sinh là người đứng đầu Cộng sản vùng này. Một dạo không thấy Sáu Sinh xuất hiện, Trần Nhũng vơi lo, lão cho rằng, vì không chịu được sự quẫy sục của lão, Sáu Giáo đói ăn, khát uống đã chết rục đâu đó... Nhưng cấp trên lại thông báo rằng vụ phục kích chỗ này, vụ nổi loạn chỗ kia đều do Trần Sinh cầm đầu..., lão lại nơm nớp. Biết vậy lão đã triệt từ khi Sáu Sinh còn là thầy giáo trường làng. Nhưng mọi sự đều biết trước đã chẳng là cuộc sống... Ai dè, kẻ mà con lão và cả lão một thời kính nể vòng tay “chào thầy” bây giờ là hiểm họa. Sự đời cứ như trò đùa. Có Sáu Sinh lão không thể sống yên lành, mà có lão nhất quyết không thể tồn tại Sáu Sinh. Khuôn mặt lão hôm nay đóng băng, bởi vậy. - Bà con nghe cho rõ đây! - Một lát, Trần Nhũng mở miệng. Lão cố lấy giọng bình tĩnh. - Tôi được mật báo rằng, tối qua tên trùm Cộng sản Sáu Sinh đã vào làng ta. Thiệt tình tôi đâu muốn làm khó dễ bà con. Nhưng là dân của một chính thể, mọi người phải có bổn phận với quốc gia chớ? Nếu bắt được Sáu Sinh, tôi lập tức ra lệnh thả bà con liền. Suy nghĩ đi... Một phụ nữ lên tiếng: - Dân đen chúng tôi tối ngày cắm mặt ngoài ruộng, làm sao biết Sáu Sinh là ai để giúp Quốc gia đây... - Thiệt không rõ Sáu Sinh là ai chớ? - Trần Nhũng sán lại gần, rồi hỏi. Người phụ nữ nhìn lão: - Thầy giáo Sáu Sinh cả làng này ai chẳng rõ. Nhưng Sáu Sinh trùm Cộng sản quả không ai biết... - Không biết thiệt? - Trần Nhũng giễu, rồi bước tới, lôi Tám Phụng đến trước người phụ nữ. Lão chỉ tay vào Tám Phụng: - Người này cũng không biết? - Người này thì... Hình như đã gặp rồi. - Người phụ nữ ngước lên, nói thong thả. Mọi ánh mắt lo lắng đổ dồn vào chị. - Đó! Tôi rõ mọi người biết người này mà... Là đồng chí của Sáu Sinh, phải chưa? - Trần Nhũng nói. - Tôi vẫn thấy người này ngày ngày liếm lá bánh ngoài chợ. Còn có làm Cộng sản không, chẳng rành nữa... Trần Nhũng cáu. Lão đưa chiếc gậy vẫn cầm ở tay, chỉ vào mặt người phụ nữ: - Đây là việc đại sự quốc gia, không phải chỗ đùa bỡn. - Thì tôi đâu có đùa. Thấy sao nói vậy... - Con mụ này... Sáu Sinh ở đâu? - Không biết!
|
|
|
Logged
|
Hiên ngang trước cửu trùng Lạnh lùng nhìn trần thế
|
|
|
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh

Bài viết: 1111
|
 |
« Trả lời #6 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 09:43:54 pm » |
|
Có tiếng súng nổ. Người phụ nữ hơi rướn lên, rồi ôm ngực đổ xuống. Đám đông sợ hãi lùi lại. Ba Hoàng nhảy xuống xe, thổi khói nơi nòng khẩu súng ngắn, bước tới, tay gạt con sên Trần Nhũng sang bên: - Đừng nhu nhược vậy! Khẩu súng trong tay Hoàng tiếp tục nhả đạn. Ba người nữa oằn oại... Chờ đám đông định thần lại, Ba Hoàng rê rê súng trước mặt họ: - Lời cuối cùng nghe: Nếu không chỉ ra chỗ ẩn nấp của Bí thư tỉnh Sáu Sinh, mạng các người coi như bỏ... Tôi chưa bao giờ nói giỡn. Năm Bào cảm thấy ngạt thở. Ông cố nhoài người đứng lên. Hai tay bị trói vặt sau lưng, nên ông hơi lảo đảo. Ông rướn về phía Ba Hoàng: - Thích bắn thì bắn tao đây nè... Dân làng có tội tình chi mà bắn họ... Người phụ nữ mày vừa bắn, thời má mày bệnh đã tự tay đặt má mày vào võng, khênh đòn càn trên vai đưa lên tận Lân Cồ nhằm chữa chạy, mày quên rồi sao? Mày làm càn vậy không sợ vong linh má mày bất an, Ba Hoàng? - Không được phép lôi má tôi ra đây nghe... Đồng chí Năm Bào thích chết thay cho đồng chí Sáu Sinh? Không dễ vậy đâu... Bắn đồng chí tôi thấy tội nghiệp cho viên đạn của mình... nên chờ dịp khác. Với nữa, riêng đồng chí thì phải sống để nhìn thấy sự đổi thay ở cuộc đời này... - Ba Hoàng lạnh lùng gõ gõ nòng súng vào lòng bàn tay. - Cái gì cần quên thì quên... Nhưng có những điều, ví như cuộc cướp tài sản hồi chín năm của Cộng sản... phải nhớ chớ. Lúc hớn hở nhặt từng cái bát mẻ trong nhà tôi về làm của riêng, các đồng chí có sợ vong linh má thằng này bất an?... Sao?... Lý do gì để bây giờ đồng chí Năm Bào không muốn sống nữa, hả? Khẩu súng trong tay Ba Hoàng bất thần chĩa vào người đàn ông đứng bên cạnh Năm Bào. Một tiếng nổ khô khốc. Người đàn ông nảy lên, đổ xuống. Năm Bào trừng mắt, nhổ bãi nước bọt vào mặt Ba Hoàng. Viên đại úy chậm rãi móc túi lấy khăn, lau, rồi bất ngờ dùng cùi chỏ, thúc mạnh vào ngực Năm Bào. Ông Năm oằn người lảo đảo, nhưng vẫn cố đứng thẳng lên: - Còn lâu chúng mày mới bắt được Sáu Sinh... - Để rồi xem ai to gan hơn... - Hoàng vẫy tay, tốp lính đứng cạnh chiếc xe lập tức bước tới. Những khẩu AR.15 lên đạn. Tiếng khóa cò nghe đanh, vụn tơi. Nhiều mũi súng chĩa vào người làng Cát. Hoàng ngoắc vòng cò khẩu súng ngắn vào ngón tay, quay quay hệt những kẻ cao bồi tìm vàng trong phim Mỹ, hai chân mở ra chôn trên cát. - Tôi sẽ đếm từ một tới ba... Ngậm miệng nghĩa là thi gan với súng đạn đó... Một! Mạng Sáu Sinh đáng để đổi mạng hai mươi con người này sao? Hai! Nào, chỉ cần một cái chỉ tay, một cái hất hàm... Đừng dại dột chết thay cho Cộng sản. Nghĩ chín đi nghe... Một phút nữa... B...a! - Không được bắn! Ba Hoàng và tốp lính cùng quay lại. Thím Tư Đởn từ phía hàng dương bươn bả bước tới. Trông thím bợt bạt. Khuôn mặt xọm hẳn. Thím gạt mũi súng, xấn đến trước mặt Ba Hoàng: - Đừng giết dân làng... Các người muốn biết thầy giáo Sinh ở đâu phải không? - Chào thím Tư! - Ba Hoàng dùng mũi súng đẩy ngược lưỡi trai chiếc mũ, cười giễu - Đã lâu không gặp... Chắc thím có tin tốt lành? - Đêm qua tôi đã đưa Sáu Sinh qua sông... Hãy thả dân làng ra...Họ không liên lụy. Có báng súng thúc mạnh vào lưng thím, Trần Nhũng từ phía sau nhảy tới. - Thì ra Sáu Sinh đã sang sông... Chính mụ - Lão tát mạnh vào mặt thím Tư Đởn, rít lên - Con mụ... đúng là nòi Cộng sản... Được lắm... Lính, trói lại. Bọn lính xông vào quặt mạnh hai cánh tay thím Tư về phía sau. Ba Hoàng vẫn chôn chân một chỗ, hất hàm: - Đẩy lên xe, đưa về đồn... ... Chẳng hay bằng cách nào, từ khi trời chưa sáng rõ mặt người, thím Tư như một cái bóng, đã thất thả bước thấp bước cao lặng lẽ đi vào làng. Lính giăng kín đặc, thím vẫn lần được về nền đất ngôi nhà của mình. Trông thím lúc đó phờ phạc, rũ rượi, nhếch nhác giống kẻ mất trí, mới qua một đêm mà khuôn mặt hóp hắt, già hẳn. Thím đi một vòng quanh nơi trước đây mấy giờ còn là ngôi nhà, lúc này chỉ là đống tro, miệng lẩm bẩm như thể gọi ai. Rồi thím sà xuống chỗ thím biết chắc trước đó mình kê chiếc giường gỗ, hối hả dùng bàn tay trần bới bới lớp tro, tìm kiếm, miệng tặc tặc: - Nhặt ơi, nóng lắm phải không con?... Tại má! Tại má! Lỗi là ở má... Cuối cùng, thím xé áo, bốc một nắm tro, gói lại và ngồi lặng, đôi mắt đục dại mở to, nhớn nhác nhìn ra đâu đó. Nhìn mà như thể không nhìn, ngơ ngáo vô hồn giống đôi mắt kẻ tâm thần. Thím lặng đờ tựa một tượng đá, khuôn mặt lạnh đanh...
|
|
|
Logged
|
Hiên ngang trước cửu trùng Lạnh lùng nhìn trần thế
|
|
|
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh

Bài viết: 1111
|
 |
« Trả lời #7 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 09:46:00 pm » |
|
Đã bao năm Tư Đởn sống một mình trong ngôi nhà này. Khi chồng thím và thằng Thanh, đứa con cả theo ông đi tập kết, thằng em nó, thằng Thành sống với thím. Nhưng chỉ mấy năm, nó lèo nhèo đòi theo thầy giáo Sáu Sinh lên cứ. Nó rứt rả không để thím yên. Sáu Sinh hỏi: - Chị tính sao? - Tính sao, chú nghĩ tôi gàn được nó? Thằng Thành đã quyết vậy, tôi chỉ còn trông vào sự chăm nom của chú. Coi như tôi gửi chú nuôi giùm đứa con trai. - Vậy là chị đồng ý rồi nghe. Nhưng không phải tôi nuôi, cách mạng nuôi. Thằng Thành đi rồi, lọi trọi một mình trong ngôi nhà, thím thấy trống trải chơ vơ quá. Buồn hơn thời ông Tư và thằng Thanh đi tập kết lận. Lại lo nữa, đêm nào cũng thấp thỏm về đứa con trai. Nghe tin có trận càn đâu đó, hoặc những lời đồn thất thiệt dân làng vẫn rỉ vào tai nhau, thím lại không ngủ được, mong mong ngóng ngóng Sáu Sinh có dịp qua làng ghé vào để hỏi thăm. Rồi thím quen dần. Mà không quen cũng phải ráng. Với nữa nghĩ thằng Thành đi với Sáu Sinh thím có phần an tâm, trong sự cô đơn, thím cũng thoáng chút bằng lòng, con nó biết đi con đường của ông Tư là điều đáng mừng. Vậy rồi chẳng rõ run rủi thế nào, theo cách nói của thím, trời phật lại ban cho Tư Đởn thêm mụn con trai nữa. Như thể định mệnh, khi địch càn vào làng Hiệp Hưng, thím đang có công chuyện đi ngang qua đó. Tiếng nổ của các cỡ súng váng óc, dậy đất. Mảnh đạn, mảnh bom rắc như vãi thóc. Lửa đỏ trời, cháy ngùn ngụt suốt đêm, kéo sang cả sáng hôm sau. Không một ngôi nhà nguyên vẹn. Làng Hiệp Hưng bỗng chốc biến thành đống tro. Đến chuối cũng sém cả ngọn lẫn gốc... Cuối trưa, khi tiếng súng đã yên, vẫn chưa hoàn hồn, thím lóp ngóp chui từ bờ mương lên, ngó trước ngó sau đặng thoát nhanh ra khỏi chốn thím đã bất đắc dĩ khổ sở, hãi sợ ẩn nấp suốt một ngày qua. Đang nghênh ngó tìm hướng chợt thím nghe đâu đó, gần lắm, như thể có tiếng tiếng trẻ nhỏ khóc. Tư Đởn chững lại. Không phải! Sao có thể là tiếng trẻ lúc này. Thím định bước, nhưng trong không gian đang hầm hập nắng nóng và ngột ngạt khói rõ ràng có tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Tiếng khóc tắc nghẽn, đứt nối, hụt hơi. Chẳng lẽ đầu óc thím đã mụ lỵ? Tư Đởn lại dóng tai nghe. Quả có tiếng khóc thiệt! Sao vô lý vậy được hở trời? Thím Tư đánh bạo lần về phía đó, phía thím nghĩ đang phát ra cái âm thanh ứ ứ như là tiếng mèo kêu. Và, trời ạ, thím giật mình. Nơi mấy thi thể đàn ông có, đàn bà có, người nằm nghiêng, người nằm ngửa đã cứng queo, bê bết máu và bùn đất có một vật gì đó nho nhỏ đang ngọ nguậy. Thím Tư như không tin vào mắt mình nữa. Một đứa bé chừng hai tháng tuổi, đang cố rướn ra khỏi vòng tay người mẹ một cách bản năng, bất lực và yếu ớt. Người mẹ chắc chưa đầy ba mươi, có khuôn mặt tròn tròn, hai môi xám ngắt, méo xệch, và đôi mắt chưa chịu khép, vẫn he hé mở ra nuối tiếc nhìn trời. Tư Đởn bàng hoàng, chân tay bủn rủn, phải đến mấy phút sau mới định thần lại. Đứa bé nhỏ xíu, tươm tả trông như một con mèo gặp mưa, mặt bầm tím đang bị cánh tay khô khấc, vô cảm của người mẹ kẹp chặt. Nó thở mệt nhọc và thỉnh thoảng lại bật ra thứ tiếng như thể tiếng khóc. Tiếng oa oa rất mỏng, đứt nối của nó khiến thím Tư bừng tỉnh. Thím run rảy, xiêu vẹo bước tới. Và thím cúi xuống, lập cập gỡ tay người đàn bà, rồi đỡ đứa bé lên... Từ đó Tư Đởn có thêm một đứa con trai. Thím bận bịu với nó và cũng nhiều niềm vui nơi nó. Nghe tin Tư Đởn có thêm thằng nhỏ, cả làng háo hức tới thăm. Ai thấy vậy cũng mừng. Ông Năm Bào nói rằng nên đặt cho nó cái tên là thằng cu Nhặt. Tên xấu thì khỏi sợ ma qủy bắt đi. Cả làng đồng tình. Cu Nhặt được thím Tư và bà con làng Cát chăm bẵm, hay ăn chóng lớn. Chỉ ngày mấy bữa nước cháo, với thỉnh thoảng bú rình chòm xóm tí chút, mà cu cậu cứ vậy nhỉnh dần. Lại ít quấy. Người làng đi qua ghé vào thăm đều khen kháu, khen ngoan. Chưa đầy năm mà biết đủ thứ. Biết vỗ tay khi có người dạy. Biết phân biệt người lạ, người quen... Cu Nhặt bám rịt thím Tư. Đêm đêm gối đầu lên cánh tay mẹ nuôi, ngủ ngon lành. Từ ngày có cu Nhặt, dân làng bảo rằng thím Tư nom lại khỏe ra, trẻ ra. Có cu Nhặt vất vả, nuôi bộ ai nhàn, nhưng đỡ hưu quạnh, mà vui. Chẳng mấy nữa cu Nhặt sẽ biết nói. Trong nhà có tiếng trẻ thơ bi bô thích biết mấy!... Vậy mà... Trời ơi, sao lại có thể... Thằng Nhặt con thím vẫn chưa được trọn năm... Thím Tư ôm nắm tro vào lòng, ngồi lặng, thỉnh thoảng cúi xuống lẩm bẩm nói một mình, giọng xám hối như kẻ cầu kinh: - Cu Nhặt ơi, cu Nhặt xá tội cho má nghe... Tất cả là tại má... Tại má... Vừa lúc đó có tiếng súng nổ ngoài bãi dương vọng vào. Tiếng súng khô khốc vang lên trong sự im ắng ngột ngạt của làng Cát sau trận càn như thể là tiếng quạ kêu khi đã tìm ra xác chết khiến Tư Đởn giật mình, choàng tỉnh. Thím ngước lên, ngơ ngác nhìn. Rồi có lẽ nhận ra điều gì, thím vội vã gói gọn nắm tro, cho vào một góc và quýnh quáo bước khỏi nơi vốn là ngôi nhà của mình. Thím đi về phía có tiếng súng nổ, đi về phía bãi dương...
|
|
|
Logged
|
Hiên ngang trước cửu trùng Lạnh lùng nhìn trần thế
|
|
|
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh

Bài viết: 1111
|
 |
« Trả lời #8 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 09:48:14 pm » |
|
II
Sau lần địch càn, làng Cát nham nhở, tang thương hệt trận bão lửa vừa tràn qua. Những gia đình có người chết nuốt hận vào lòng, lặng lẽ đào huyệt chôn cất kẻ xấu số. Bà con đến thăm viếng, chẳng rõ nên an ủi thế nào, chỉ nhìn nhau, gật đầu thông cảm. Quả bóng làng Cát xì hơi, chùng xuống, nhợt nhão... Song sự sinh tồn không chỉ thói quen cố hữu, một tất yếu, còn là bản năng, còn là vô thức dần dà kéo làng Cát về với nhịp sống thường nhật. Người ta vẫn phải tồn tại, vẫn phải ăn và vẫn phải duy trì mọi sự... Lại lo toan. Lại chạy chợ. Lại bươn bả ra đồng, xuống biển... Công việc chen lấn, đan cài. Cuộc sống như con tàu lăn trên đường ray, theo đà vẫn cứ trôi... Hôm nay Tư Nhâm ở chợ về muộn. Chị đẩy cổng bước vào nhà. Từ ngày cho con gái xuống dưới quê sống với bà ngoại, mỗi lần ở chợ hoặc đi đâu đó về, chị cảm thấy trống lạnh, căn nhà như rộng ra, thiếu thiếu cái gì. Hồi đầu mới vắng con, nghĩ rằng chỉ một thân một mình, chị sà vào quán, ăn qua quýt thứ gì đó, nhiều lúc chỉ là tấm bánh, tối về chỉ việc tắm rửa, nghỉ ngơi. Nhưng rồi Tư Nhâm nhận ra sinh hoạt như vậy không ổn. Căn nhà không có hơi lửa chẳng những lạnh lẽo, mà còn như thể là sự tạm bợ, buông trôi. Bởi vậy đến bữa, chỉ cho già lẻ gạo vào nồi, chị vẫn buộc mình phải bận rộn. Tư Nhâm thu dọn quang gánh gọn vào một góc rồi lẳng lặng xuống nhà ngang. Chị đong gạo ra rá, tìm thêm chút bận bịu bằng cách bới tìm những hạt thóc còn sót lại. Chị nhóm bếp. Và ngồi lặng. Trông chị như một cái bóng. Nhìn ngọn lửa liếm quanh chiếc nồi nhôm bé xíu mới sắm, Tư Nhâm thấy nhớ con quá chừng! Hồi chưa về sống với ngoại, bé Thảo thường hét om sòm và tất tả chạy ra đón mỗi lần chị về. Rồi cúi xuống lục lạo thúng mủng xem hôm nay mẹ mua những gì làm quà. Đã hơn mười tuổi vẫn hí hớn như trẻ nít. Vớ được quả mận, quả ổi là chùi ngay vào áo đưa lên miệng cắn. Vừa ăn vừa nói, vừa phô chuyện. Vắng mẹ mới nửa buổi mà như đã lâu lắm. Lúc chị nấu cơm, Thảo ngồi bên cạnh, phụ giúp nhặt rau, làm cá, hoặc lăng xăng chạy ra, chạy vào. Thảo khoái được mẹ sai vặt. Căn nhà ở cuối bãi, gần như tách biệt với xóm láng và chỉ hai mẹ con mà không thấy cô đơn, vẫn vui, vẫn ấm cúng. Hồi mua mảnh đất này dựng nhà, có người hỏi: thiếu đàn ông, sao không tìm chỗ giữa xóm ở, đỡ trống? Lập tức có người dè bỉu trả lời hộ: bởi thiếu đàn ông nên cần chỗ vắng vẻ để các loại giống đực dễ vo ve. Tư Nhâm không tỏ ra phật lòng, cũng không phản đối. Chị cười đau, nhẫn nhịn, cam chịu. Dưới con mắt thóc mách soi mói của không ít người rỗi hơi ở làng Cát, chị thuộc hạng đàn bà chẳng ra gì. Không chồng mà chửa cũng thường tình, nhưng cứ nhơn nhơn ưỡn vú, cặp mông mẩy dồ ra nhẩy tành tạch, lúc nào cũng háo, lúc nào cũng như có ý mời chào, quyến rũ đàn ông thì khó chấp nhận. Hồi Tư Nhâm mới ôm con về sinh sống ở làng Cát, dò ra biết đây là kẻ lang chạ, không chồng, mấy bà mấy chị hết sức cảnh giác. Họ nơm nớp lo lắng, và rỉ vào tai nhau rằng căn nhà cuối bãi là cái bẫy, là hiểm họa. Người đàn bà còn trẻ, đẹp, lúc nào cũng phây phây, lại chỉ sống với một đứa trẻ non dại, nơi ngôi nhà vắng đó khác gì miếng mồi thơm. Gái một con nom mòn mắt! Bọn đàn ông thì cha nào không khoái hà hít mùi lạ. Mật ngọt khắc chết ruồi... Mà cái ngữ ấy sao không về quê sinh sống, cớ chi ưỡn ẹo dẫn xác tới làng Cát này chớ? - Nhiều bà lo lắng đặt câu hỏi. Trời ơi, không chồng mà vẫn có con sao dám về quê. Về đó rồi họ hàng người ta không tụt quần ỉa vào mặt. Có là đeo mo. Đàn ông nhà mình thì mình phải giữ thôi. Để bọn ấy chui được vào cái rọ đó, coi như mất. - Có người giải thích. Nghe những lời như vậy, Tư Nhâm thấy tủi; chị cố co mình lại. Với đàn ông, càng giữ gìn. Ra đường gặp họ, đâu dám ngẩng lên chào to, chỉ nhi nhí cho phải phép rồi cụp mắt lủi thật nhanh. Nhưng sự cố gắng ấy càng như thể là cái cớ để đám đàn ông làng Cát tò mò, muốn khám phá. Đã không ít kẻ khát của lạ vờn ve quanh ngôi nhà, có ý thử cái điều dân làng vẫn xì xèo bàn tán. Xã trưởng Trần Nhũng cũng đã mấy lần ngất nghểu dẫn xác đến. Lão ngồi lì hàng giờ, ánh mắt cắm vào cặp mông rắn tròn như hai quả bóng bơm căng của người đàn bà một con, hỏi đủ chuyện. Và gạ gẫm. Gạ rất sỗ. Gạ bằng quyền uy thế lực của mình và điểm yếu của người đàn bà ngụ cư thân cô thế cô không chốn nương tựa... Sự dị nghị của đám đàn bà và sự cợt nhả của Trần Nhũng cùng đám đàn ông làng Cát, Tư Nhâm chịu được. Chị chịu được vì có chỗ bấu víu, dẫu sự bấu víu ấy chỉ một mình chị hay, song đó là chiếc phao để không chết ngạt trong dư luận, thậm chí lắng nhẹ chút tự mãn. Nhưng những câu hỏi thơ dại của đứa con gái khi đêm đêm mẹ con đã ôm nhau nằm trên giường mới thực sự là những mũi kim đâm vào da thịt. - Má ơi, thiệt là con có ba hả? Má không được nói dối con nghe. - Con tin má hay nghe lời nói bậy của mấy đứa nhỏ? Không có ba, sao sinh được ra con? - Chúng nhiếc con là đồ con hoang. Con hoang tức là không có ba... Tư Nhâm xiết bé Thảo vào lòng, nước mắt ứa ra. Vừa thương con, vừa nhớ chồng. Đã hơn mười năm qua, không một tin tức của Tư Lăng. Chị thấp thỏm, chơ vơ ngóng đợi như chiếc thuyền con trôi lạc giữa đại dương, chỉ mong thấy bờ. Khi chia tay để theo ô tô ra Quy Nhơn xuống tàu đi tập kết, Tư Lăng ráng nán lại ít phút, vụng về xoa bàn tay thô ráp vào bụng vợ, dặn: “Con trai hay con gái cũng đặt tên là Thảo, nghe em. Thảo là thảo lảo, thảo hiền, là hiếu thảo...”. Tư Nhâm cầm tay chồng cà lên mặt, nén nước mắt vào lòng, “dạ” một tiếng rất mảnh. Đấy là hình ảnh cuối cùng về Tư Lăng lắng lại nơi chị... Đã gần bốn ngàn ngày... Hồi đó, giá anh ở thêm ba hôm nữa, Tư Lăng sẽ được nhìn thấy mặt con. Vậy mà... - Con có thương má không, Thảo? - Tư Nhâm xoay qua con gái, hỏi nhỏ. - Con thương má, thương ngoại bằng trời. - Vậy từ rày đừng vấn má chuyện đó nữa nghe. Ba con là người tốt, thiệt tốt. Con nhớ chưa? - Sao ba không về với má, với con? - Ba còn bận việc. Ba phải đi xa... Lớn chút nữa rồi con hiểu. - Ba già hay trẻ, má? Tư Nhâm bật cười, chị lấy tay lau nước mắt. Mười năm rồi chẳng rõ Tư Lăng có đổi khác, còn ngày ấy, trẻ khỏe, nhanh nhẹn như một con sóc... - Con giống ba hả má? - Giống! Soi vào gương con khắc gặp khuôn mặt ba. - Vậy mà ba cứ đi miết. - Ngủ đi! Má biểu không được hỏi nhiều mà. - Con cũng có ba... Con có ba thiệt, má nhỉ. - Thiệt! - Tư Nhâm vỗ vỗ vào lưng con, và không sao ngủ được nữa. Những lần như vậy, đêm thật dài.
|
|
|
Logged
|
Hiên ngang trước cửu trùng Lạnh lùng nhìn trần thế
|
|
|
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh

Bài viết: 1111
|
 |
« Trả lời #9 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 09:51:20 pm » |
|
Những ngày đó, khi trăng lên, Trần Nhũng thường mon men tới. Lão gượng gạo rặn cái cười trên đôi môi dày nên trông khuôn mặt bì bì dưới ánh đèn dầu, cứ như mếu. Chẳng là vui, cũng chẳng phải buồn. Cái bụng phưỡn ra tọa trên ghế không làm lão mặc cảm. Lão khoe rằng đã trên sáu mươi nhưng vẫn ăn khỏe, ngủ khỏe. Mụ vợ ba, mắt ti hí, người ngầu ngậu vậy mà cũng xin chào thua, đêm đêm trốn lão, ra phòng ngoài nằm. Lão cười hì hì, hai con mắt híp lại hướng vào cặp đùi Tư Nhâm, ánh nhìn đó như thể mũi dao lách vào cơ thể, phơi trần chị ra. Những lần như vậy, Tư Nhâm sợ hãi, kêu bé Thảo tới và ôm chặt con vào lòng. Bé Thảo là bùa hộ mệnh của chị. - Đừng ngại! Mụ nhà này không ghen... Đêm đêm không quậy, mụ càng khỏe... Tư đồng ý thì tui kêu người sửa lại ngôi nhà này cho đàng hoàng... Tư cũng khỏi đi chợ... Hai má con tiêu pha đáng là bao, để tui chu cấp... Không cần sống chung với mụ ba nhà này, má con cứ ở đây... Chị ậm ừ, chẳng ra đồng ý, cũng không hẳn từ chối. Chị tìm cớ hoãn binh. Quyền thế Trần Nhũng vùng này lớn lắm, để mếch lòng lão là gieo tai họa. Bố con lão có từ ai mà không vu vạ, ăn tươi nuốt sống người ta... Đang xoay xở nghĩ cách ứng đối với Trần Nhũng thì Tư Nhâm gặp Hai Rạng, cũng tại làng Cát này. Cuộc đời sao lắm ngẫu nhiên vậy chớ! Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Tư Nhâm quen thân Hai Rạng từ ngày hai người còn nhỏ xíu. Nhà Tư Nhâm cách nhà Hai Rạng chỉ ba mảnh vườn. Khi Tư Nhâm còn thò lò mũi, Hai Rạng đã biết cắp sách tới trường. Về chiều, mỗi lần Hai Rạng ra bãi đổ dế, Tư Nhâm lẽo đẽo gằn chân chạy theo. Phát hiện ra hang dế mới, Tư Nhâm hí hở gọi: “Anh Hai! Anh Hai!” váng bãi. Rồi chụm đầu hì hụi đổ nước, hí húi đào. Khi dế vọt ra khỏi lỗ, cả hai cùng co cẳng rượt. Vồ không được dế mà vồ vào tay nhau... Hai Rạng chơi dế giỏi nhất vùng. Cuộc chọi nào, dế của Hai Rạng cũng đứng đầu. Những con dế quán quân đó, gã trai thường mang về tặng Tư Nhâm. Cô nuôi nó trong bao diêm, đêm đêm hé mở một lỗ nhỏ để dế ăn sương. Một buổi sáng, mở bao diêm ra thấy con dế cụ cứng đơ, nằm không cựa quậy, Tư Nhâm hốt hoảng bật chạy, đạp qua mấy mảnh vườn, tới đứng ngấp nghé trước cổng nhà Hai Rạng. - Anh Hai! Anh Hai ơi! - Tay run run cầm bao diêm, Tư Nhâm gọi to và khóc tức tưởi. Nhà Hai Rạng nuôi nhiều chó. Đánh hơi thấy người lạ là chúng xồ tới, nhe nanh, nhe vuốt gầm gừ dọa. Nên mỗi lần có việc đi qua đó, Tư Nhâm hãi lắm, run rén như kẻ trộm, hoặc ngó trước ngó sau rồi ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh. Vậy mà lần này dám đứng ngay trước cổng, réo gọi. Từ trong nhà, Hai Rạng hơ hải chạy ra. Hai Rạng xua đàn chó rồi bước tới. Tư Nhâm chìa bao diêm. - Làm sao? - Hai Rạng hỏi. - Con dế... chết rồi! Hai Rạng mở bao diêm ra xem. - Thiếu không khí! Để tìm cho Tư con khác, đá còn hay hơn... - Nhưng tội nghiệp nó! - Thương hả? Chúng mình làm đám ma cho nó nghe. Cạnh gốc cây xoan trong mảnh vườn xế đó, bao diêm như chiếc quan tài tí hon được Hai Rạng và Tư Nhâm đặt xuống một hố nhỏ. Đất và mấy chiếc lá phủ lên. Chiều ấy, Tư Nhâm xách chiếc xô méo xẹo bằng sắt tây, bước thấp bước cao, lẵng nhẵng theo Hai Rạng ra bờ sông. Con dế đực kiếm được lúc xế chiều, quả như Hai Rạng nói, đá rất diệu nghệ, chẳng dế nào thắng nó. Thằng bạn trạc tuổi Hai Rạng ở xóm trên, ham chọi dế như nghiền thuốc phiện, nì nèo gạ đổi chiếc gụ bằng gỗ ổi, khi chơi, xoay tít mù, Hai Rạng lắc đầu. Hai Rạng kiếm hộp giấy, vốn dùng đựng thuốc tây, trổ mấy cửa nhỏ, bỏ dế vào đó, cầm sang cho Tư Nhâm. Song, dế cũng chỉ ở với cô được năm ngày. Lần này tự tay Tư Nhâm chôn cất. Mộ nó được đặt cạnh mộ con dế cụ lần trước. - Đừng bắt dế chọi nhau nữa, anh Hai. Tội lắm! Một lần Tư Nhâm bảo, Hai Rạng nhìn cô, cười rất người lớn: - Tư đa cảm hệt má anh! Lớn lên, gặp kì loạn lạc, Hai Rạng và Tư Nhâm phiêu bạt mỗi người mỗi ngả. Cô theo ba lên cứ, và từ đó bặt tin Hai Rạng. Mãi sau này, khi hòa bình lập lại đã vài ba năm, có lần, cô nghe ai đó nói rằng Hai Rạng hiện là sĩ quan trong quân lực cộng hòa. Cái thông tin tơ nhện ấy, thoảng đến vô tình, rồi tắt ngay như lửa nến trước gió, không mảy may ấn tượng. Hình ảnh Hai Rạng nhòa dần theo năm tháng, và khi Tư Nhâm lấy chồng, gần như không còn chỗ trong bộ nhớ của cô... Vậy mà, như thể sự sắp đặt có tính định mệnh của tạo hóa, Tư Nhâm gặp lại Hai Rạng trong trạng huống éo le này... Từ ngày có tin đồn, ngôi nhà cuối bãi đang được thiếu tá Hai Rạng để mắt tới, đám đàn bà làng Cát nhẹ người, thở hắt ra như trút được vật nặng vẫn canh cánh đeo trên vai... Biết ở đó có mật ngọt nhưng đám đàn ông đâu còn nghĩ chuyện sẽ nếm thử. Muốn sập bẫy cũng không dám. Xã trưởng Trần Nhũng biết là mồi ngon, thèm, vẫn cố nuốt ực nước bọt vào họng, cay đắng nhịn... Tư Nhâm sống yên hơn, nhưng sao rõ đó là họa, hay phúc!
|
|
|
Logged
|
Hiên ngang trước cửu trùng Lạnh lùng nhìn trần thế
|
|
|
|