Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 10:10:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 1  (Đọc 2866 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 23 Tháng Hai, 2023, 08:12:07 pm »

Việt Nam không thể nào quên - Quyển 1
Dịch giả: Ninh Công Khoát
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
Năm xuất bản: 2019
Người số hóa: macbupda

BAN BIÊN SOẠN (tiếng Nga):

- Giáo sư danh dự Viện Hàn lâm khoa học Nga N.N. Kolesnik - Trưởng ban
- V.V. Skoryak - Phó Trưởng ban
- A.V. Davudov - Ủy viên
- Giáo sư, Tiến sĩ khoa học quân sự A.I. Khiupenen - Cố vấn về những vấn đề kỹ thuật, quân sự



LỜI CỦA DỊCH GIẢ


Đầu tháng 6 năm 2017, tôi có vinh dự là thành viên đoàn Cựu chiến binh Trung đoàn tên lửa phòng không 236, Quân chủng Phòng không Không quân, do Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quang Hùng làm trưởng đoàn sang Nga tri ân đồng đội. Trong buổi gặp mặt nồng ấm tại trụ sở Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh và quân nhân thành phố Moskva, tôi đã được Trung tướng Vladimir Ivanovich - Chủ tịch Hội đồng những chiến sĩ làm nhiệm vụ quốc tế thuộc Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh và quân nhân thành phố Moskva tặng cuốn sách “Việt Nam, không thể nào quên”, Đây là tập hồi ức thứ tư của các chuyên gia quân sự Liên Xô từng công tác ở Nam trong những năm 1961-1974.

Khi tặng sách cho tôi,Trung tướng Ivanovich bày tỏ hy vọng   cuốn sách này sẽ được sớm chuyển ngữ sang tiếng Việt để giới thiệu với các bạn đọc Việt Nam. Tiếp sau đó, ngày 27 tháng 9 năm 2017, đồng chí Nikolai Kolesnik, Chủ tịch đoàn Hội Cựu chiến binh Xôviết ở Việt Nam đã gửi thư tới đồng chí Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đề nghị dịch và xuất bản tập hồi ức này.

Cuốn sách này là một tài liệu chứng minh một phần nhỏ nhưng rất quan trọng mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên Xô. Hy vọng rằng, những câu chuyện giản dị, chân thực của những người con Xôviết từng trực tiếp tham gia giúp đỡ và chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những hình ảnh các chuyên gia quân sự Liên Xô đã gác lại tình thương gia đình, xa rời cuộc sống đầy đủ vật chất và tinh thần ở Liên Xô để sang Việt Nam. Họ đã làm việc quên mình, giúp quân đội ta nắm vững các loại khí tài hiện đại, góp phần đáng kể vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đọc cuốn sách này, các độc giả, đặc biệt là các độc giả trẻ trong các lực lượng vũ trang sẽ thấy được một điều là: dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, được sự giúp đỡ kịp thời và có hiệu quả của Chính phủ và nhân dân Liên Xô, lực lượng tên lửa phòng không và không quân Việt Nam đã được hình thành và phát triển như thế nào? Ngoài ra các độc giả trẻ còn thấy được thế hệ cha anh đã vượt qua rào cản lớn về trình độ văn hóa để nắm vững và sử dụng thành thạo và có hiệu quả các loại vũ khí hiện đại do Liên Xô viện trợ.

Để thuận tiện cho bạn đọc khi đọc sách chúng tôi đã thống nhất với Nhà xuất bản Quân đội nhân dân sẽ xuất bản bản dịch cuốn sách này thành 2 tập. Trong quá trình chuyển ngữ sang tiếng Việt, một số trường hợp tên riêng chưa xác định chính xác được tên tiếng Việt nên chúng tôi tạm thời để theo phiên âm không dấu của tác giả. Sau này nếu tra cứu được thông tin chính xác, chúng tôi sẽ bổ sung khi cuốn sách được tái bản.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!


                                                                                                                         
Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2018
NINH CÔNG KHOÁT
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Hai, 2023, 08:22:31 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2023, 08:17:16 pm »

THAY CHO LỜI CỦA BAN BIÊN SOẠN


Trong lịch sử đương đại, cuộc chiến tranh ở Việt Nam được xếp vào một trong những cuộc chiến tranh dài nhất và tốn kém nhất về tài chính, trang thiết bị, vật tư, nguồn lực và gây thương vong lớn nhất so với các cuộc chiến tranh cục bộ khác trong thế kỷ XX.

Bắt đầu từ năm 1961, đế quốc Mỹ can thiệp vũ trang vào Việt Nam. Sự can thiệp đó đã biến Việt Nam thành lò lửa chiến tranh lâu nhất trong lịch sử đương đại và sau đó còn lan sang cả Lào và Campuchia.

Một điều rất rõ là, gần như ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc và sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thành công ở Việt Nam, đế quốc Mỹ bắt đầu can thiệp vào các quốc gia Đông Dương. Họ không công nhận Hiệp định Genève đã được ký vào năm 1954. Theo Hiệp định này, vĩ tuyến 17 là giới tuyến tạm thời phân chia Việt Nam thành hai miền. Đế quốc Mỹ đã làm mọi thứ có thể hòng phá bỏ việc thực hiện Hiệp định đó.

Năm 1955, ở miền Nam Việt Nam, dựa trên những tàn tích chế độ thuộc địa của thực dân Pháp, chính quyền Sài Gòn được thành lập và chịu sự kiểm soát hoàn toàn của đế quốc Mỹ. Nhưng nhân dân miền Nam Việt Nam đã không đồng tình với những toan tính của Mỹ và ủng hộ mạnh mẽ việc thực hiện các điều khoản của Hiệp định Genève. Sau khi thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vào năm 1960, phong trào cách mạng đã được phát triển rộng khắp.

Và cũng từ năm 1961, để quốc Mỹ đã can thiệp trắng trợn hơn vào công việc ở miền Nam Việt Nam. Thay vì tìm kiếm một giải pháp chính trị để giải quyết vấn đề, Washington lại tăng cường hành động vũ trang.

Sau khi đưa quân vào miền Nam Việt Nam, năm 1968 quân số binh sĩ Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã tăng trên 500 nghìn người. Tuy thế sự viện trợ khổng lồ về quân sự và kinh tế của đế quốc Mỹ dành cho chế độ Sài Gòn đã không đạt được kết quả mong muốn.

Khi không thể ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc ở miền Nam Việt Nam, và tin rằng phong trào này vẫn tồn tại và phát triển là do có hậu phương lớn miền Bắc Việt Nam, đế quốc Mỹ quyết định ném bom miền Bắc Việt Nam. Đế quốc Mỹ muốn loại bỏ lý do chính ngăn cản Mỹ “giải quyết” các vấn đề của miền Nam Việt Nam bằng cách: ngày 5 tháng 8 năm 1964, tạo ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, lấy cớ leo thang chiến tranh nhằm ném bom miền Bắc Việt Nam.
 
Quyết định này đã khiến nước Mỹ tiêu tốn hàng trăm tỳ đôla và làm cho hàng trăm nghìn người Mỹ chết và bị thương trong cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài nhiều năm.

Đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, thực chất là tiếp tục cuộc chiến tranh bắt đầu năm 1940 của quân đội phát xít Nhật Bản xâm lược Đông Dương. Nói cách khác, chiến tranh ở Việt Nam kéo dài gần 35 năm nếu tính cả thời gian gián đoạn rất ngắn giữa hai cuộc chiến với Nhật và Mỹ. Những thập niên đầy gian nan nhưng anh dũng đã trôi qua đế quốc Mỹ không làm nhụt ý chí của các thế hệ người Việt Nam, chúng để lại dấu tích trên tất cả các mặt đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước Việt Nam. Trong khoảng thời gian đó, hàng triệu người Việt Nam bị thương vong.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 18 tháng 1 năm 1971, Thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ Dzhordzh Makgovern, cho biết: “Nước Mỹ đang lãng phí xương máu của mình trong những khu rừng của khu vực Đông Nam Á, công khai coi thường lương tri của thế giới văn minh”.

Sau này, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Mc Namara, người hoạch định chính sách quân sự của Washington, trong cuốn sách giật gân của mình “Bi kịch và những bài học Việt Nam”, cũng đã công nhận rằng, Việt Nam là một đất nước không thể hiểu được đối với ông ta, và chiến tranh là “một sai lầm bi thảm” và người Mỹ không thể thắng ở đất nước này.

Đánh giá việc xâm lược của Mỹ chống Việt Nam là như thế. Trước đây và sau này, các đại diện của chính quyền Mỹ, những nhà hoạt động chính trị - xã hội có uy tín của nhiều nước phương Tây cùng không ít lần nhắc lại sự đánh giá trên.

Mọi người đều biết rằng, đế quốc Mỹ sử dụng chiến trường Việt Nam như một trường bắn để thử nghiệm các loại vũ khí và thiết bị quân sự, thử nghiệm cách họ sử dụng vũ khí trong chiến tranh để tìm ra những nguyên lý cơ bản cuộc chiến tranh chống du kích và nói chung là đấu tranh chống lại phong trào giải phóng dân tộc.

Nhưng dù đế quốc Mỹ đã đổ rất nhiều binh lính tham gia trực tiếp vào cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam, và dù đế quốc Mỹ có tiến hành những vụ ném bom ác liệt xuống miền Bắc Việt Nam, thì họ cũng không thể giành được chiến thắng trong cuộc chiến này. Washington đã buộc phải chấp nhận một giải pháp chính trị để giải quyết vấn để này: năm 1968 các cuộc đàm phán đã được bắt đầu tại Paris. Các cuộc đàm phán tuy đã trải qua những khó khăn và kéo dài, nhưng cuối cùng tháng 1 năm 1973 Hiệp định Paris về Việt Nam đã được ký kết và tháng 3 năm đó, các đơn vị quân sự cuối cùng của đế quốc Mỹ phải rời khỏi Việt Nam.

Cả thế giới hoan nghênh việc ký kết Hiệp định Paris. Hiệp định Paris là nền tảng chấm dứt sự xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam, nhưng trong thực tế nó là thất bại hoàn toàn của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến này.

Chế độ Sài Gòn, mặc dù đã được đế quốc Mỹ cung cấp một số lượng lớn các thiết bị quân sự và vũ khí, và đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ kinh tế và chính trị, song chế độ  Sài Gòn không thể giữ chính quyền. Và mùa Xuân năm 1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, họ đã sụp đổ.

Lịch sử của cuộc chiến tranh Mỹ xâm lược Việt Nam được mô tả trong nhiều tài liệu nghiên cứu và các hồi ức. Tuy nhiên, lịch sử của sự hợp tác quân sự - kỹ thuật giữa Liên Xô và Việt Nam ít được biết đến. Sự hợp tác này bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ XX, sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào tháng 1 năm 1950, nhưng trước khi đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, sự hợp tác đó vẫn mang tính thứ yếu.

Tình hình đã thay đổi đáng kể sau cuộc không kích của Mỹ xuống miền Bắc Việt Nam. Các hướng chính của sự hợp tác giữa hai nước trong những điều kiện mới đã được xác định trong chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Kosygin sang Việt Nam tháng 2 năm 1965. Chuyến thăm này đã diễn ra trong bối cảnh các cuộc không kích của không quân Mỹ ngày đêm trút xuống miền Bắc Việt Nam.

Cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho tất cả các mặt đời sống ở miền Bắc Việt Nam. Tất cả các xí nghiệp công nghiệp chủ chốt, các trường đại học và phổ thông, nhiều cơ quan nhà nước và các cơ sở y tế đều phải sơ tán khỏi các thành phố.

Tuy nhiên, cuộc sống vẫn tiếp tục. Sau các vụ ném bom, các xí nghiệp được phục hồi và các cơ quan nhà nước, các tổ chức, trường học, bảo tàng và nhà hát lại tiếp tục hoạt động. Ví dụ: Tháng 3 năm 1967 tại Nhà hát lớn Hà Nội đã tổ chức một buổi hòa nhạc âm nhạc cổ điển có “nhạc đệm” là những âm thanh của máy bay Mỹ và tiếng bom nổ trên bầu trời Hà Nội.

Làm việc trong những năm chiến tranh gian khổ tại Việt Nam, không chỉ có các chuyên gia quân sự và dân sự Liên Xô mà có cả các chuyên gia từ các nước khác trong khối xã hội chủ nghĩa.

Sự hợp tác quốc tế của các nước tại Việt Nam, đó chính là sự ủng hộ quốc tế toàn diện và cần thiết cho Việt Nam, và sự ủng hộ đó không đơn giản là một cụm từ, một khẩu hiệu, mà là những hành động thực tế hằng ngày.

Đầu năm 1973, một hội nghị quốc tế chào mừng việc chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương đã được tổ chức tại Paris. Đại diện của tất cả các nước tham gia hội nghị, đã nhiệt liệt hoan nghênh việc ký kết Hiệp định Paris. Nhưng chiến tranh chỉ thực sự chấm dứt vào tháng 4 năm 1975, khi các cánh quân giải phóng Việt Nam tiến vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam. Ước mơ cháy bỏng bao thế hệ là Tổ quốc được tự do và thống nhất của nhân dân Việt Nam đã trở thành hiện thực.

Tháng 4 năm 1976 trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội thống nhất. Tháng 7 cùng năm, khi toàn dân đã đồng lòng, nhất trí, Quốc hội tuyên bố thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là chiến thắng của chính nghĩa, là chiến thắng cho tất cả các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Và thật vui mừng khi các chuyên gia quân sự Liên Xô đã đóng góp một phần xứng đáng vào thắng lợi này.

Các chuyên gia quân sự Liên Xô đã làm việc tại Việt Nam trong những năm đầu chiến tranh, giúp đỡ nhân dân Việt Nam chiến đấu chống lại đế quốc Mỹ một cách vô điều kiện và với tinh thần quốc tế cao cả. Sự giúp đỡ này đã đi vào lịch sử như một tài sản quý báu trong lịch sử quan hệ hai nước.

Cuốn sách này là một tài liệu chứng minh một phần nhỏ nhưng rất quan trọng về mối quan hệ lịch sử hai nước Liên Xô - Việt Nam. Hy vọng, những câu chuyện giản dị, nhưng chân thực của những người tham gia những sự kiện năm đó sẽ giúp nhân dân chúng ta hiểu rõ hơn sự thật lịch sử về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống lại đế quốc Mỹ, hiểu rõ hình ảnh các chuyên gia Liên Xô đã làm việc quên mình trong các điều kiện khó khăn của cuộc chiến đấu chống không quân Mỹ ở miền Bắc Việt Nam.

 
Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt
                                                                                                                 
Phó Tiến sĩ khoa học kinh tế E.P. Glazunov
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2023, 08:26:43 pm »

THƯ CỦA THƯỢNG TƯỚNG KHYUPENEN ANATOLY IVANOVICH


Bạn đọc thân mến! Cuốn sách bạn đang cầm trong tay là những hồi ức của các chuyên gia quân sự và dân sự Liên Xô đã từng công tác tại Việt Nam trong những năm chiến tranh chống Mỹ, cứu nước và họ đã làm việc quên mình để giúp nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến này.

Cuốn sách này viết tiếp tập hồi ức của   các cựu chiến binh Xôviết đã tham gia chiến đấu ở Việt Nam: “Chiến tranh Việt là thế đó (1965-1973)”, đã được xuất bản tại Moskva năm 2005.

Cuốn sách là tập hợp những hồi ức các chuyên gia quân sự Liên Xô từng công tác tại Việt Nam trong năm 60 và 70 của thế kỷ XX, là thời kỳ đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc Việt Nam và các chuyên gia quân sự Liên Xô đã trực tiếp giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống lại đế quốc Mỹ.

Các tác giả trong cuốn sách không phải là nhà báo hay nhà văn, mà họ là những người lính bình thường, những công dân Liên Xô vĩ đại, tự nguyện trở thành người bảo vệ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Tổ quốc của người anh em. Những dòng hồi ức họ viết không chỉ đẹp về mặt văn học, mà nội dung các hồi ức đó còn phản ánh đúng, trung thực và đáng tin cậy về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành tự do và thống nhất đất nước. Nội dung các hồi ức đó cũng phản ánh tầm quan trọng của sự giúp đỡ mà Liên Xô đã dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ.

Các sự kiện và câu chuyện được miêu tả trong cuốn sách từ trước đến nay ít được ai ở Liên Xô biết đến, vì thế hôm nay chúng ta cần truyền lại cho thế hệ trẻ biết về sự giúp đỡ của chúng ta đã dành cho nhân dân Việt Nam trong những năm chiến tranh, đó không phải bằng “truyền khẩu” của các chính trị gia và các nhà sử học, mà là những câu chuyện của những người tham gia trực tiếp vào các sự kiện và những người chứng kiến những sự kiện đó.

Cuốn sách cũng phần nào trả lời một phân cho câu hỏi lớn: “Sự giúp đỡ tích cực của Chính phủ Liên Xô dành cho Việt Nam trong chiến đấu được tiến hành như thế nào?”.

Nhân loại vẫn còn nhớ những nỗi kinh hoàng của Chiến tranh thế giới thứ hai và kiên quyết phản đối bất kỳ một hành động bạo lực vũ trang nào. Sự xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam đã gây ra những cuộc biểu tình mạnh mẽ trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Mỹ. Trong tình huống này, Liên Xô, một quốc gia là chỗ dựa lớn cho tự do và bình đẳng của các dân tộc, không thể đứng ngoài phong trào tích cực chống xâm lược trên toàn thế giới.

Đất nước chúng ta đã làm mọi thứ để ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng và giúp đỡ, ủng hộ tích cực, toàn diện cho nhân dân Việt Nam chống lại các âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ.

Chúng tôi, những cựu chuyên gia quản sự Liên Xô tại Việt Nam, có thể hiểu một cách sâu sắc ý nghĩa lịch sử về cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và. thống nhất đất nước. Lãnh thổ Việt Nam có thể bị kẻ thù tạm thời xâm chiếm, nhưng nhân dân Việt Nam nhất định chiến thắng, sẽ không có một thế lực nào có thể khuất phục được nhân dân Việt Nam yêu chuộng tự do! Điều này đã được chứng minh bằng những trang sử hào hùng đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam, và cuối cùng là thống nhất đất nước và xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Giờ đây, Việt Nam đang hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng thành công đất nước.

Chúng tôi gần gũi và dễ hiểu hơn về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, là vì nhân dân Liên Xô, Tổ quốc Liên Xô để có được sự thống nhất và phát triển như ngày nay đã phải trải qua các cuộc đấu tranh chống lại nhiều kẻ thù, mà sự giàu có của Liên Xô là miếng mồi ngon của chúng, cho đến hôm nay miếng mồi ngon đó không bị mất. Chính vì thế, sợi chỉ vàng xuyên suốt trong các bài hồi ức của các cựu chiến binh Liên Xô từng phục vụ ở Việt Nam, đó là sự chân thành của mối quan hệ giữa Liên Xô với Việt Nam, là tình bạn chân thật và sự kính trọng của các bạn Việt Nam đối với Liên Xô và là lòng dũng cảm của các bạn Việt Nam cứu mạng sống của chúng tôi trong trận chiến, và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chúng tôi trong công việc. Chúng tôi luôn ghi nhớ và đánh giá cao những hình ảnh đó. Trong hồi ức của mỗi cựu chiến binh đều nhắc tới những hình ảnh đó.

Tôi hy vọng rằng bạn đọc sẽ không khắt khe đối với bài viết của các tác giả vì việc nhắc lại các sự kiện trong các bài viết khác nhau và một số mô tả khác biệt trong cùng một sự kiện.

Tôi chắc chắn rằng cuốn sách này sẽ giúp bạn đọc, đặc biệt là bạn trẻ có thể tìm được câu trả lời cho nhiều câu hỏi về lịch sử hiện đại và đánh giá khách quan các sự kiện của những năm tháng đó.


Chủ tịch Hội đồng Liên minh các cựu chiến binh
Bộ đội Phòng không Các lực lượng vũ trang Nga
                                                                                           
Thượng tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học A.I. Khyupenen
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2023, 08:35:58 pm »

LEONID STEPANOVICH PADUKOV


Đại tá Padukov sinh ngày 2 tháng 2 năm 1920. Sau khi tốt nghiệp trường kỹ thuật, ông làm công tác giảng dạy.

Năm 1939 ông gia nhập vào Hồng quân Liên Xô và phục vụ trong quân đội 30 năm.

Từ tháng 4 năm 1942, ông tham gia chiến đấu trên nhiều mặt trận trong cuộc Chiến tranh vệ quốc, trong đội hình Lữ đoàn xe tăng 202 thuộc Quân đoàn xe tăng 19. Quân đoàn này hoạt động trên 6 mặt trận: Mặt trận Bryansk, Mặt trận Trung tâm, Mặt trận Phía Nam, Mặt trận Ucraina thứ 4, Mặt trận Vùng Bantích thứ nhất và hai.

Ông đã trải qua nhiều cương vị từ chỉ huy kíp chiến đấu xe tăng đến chỉ huy trung đoàn xe tăng hạng nặng ở tất cả các cấp.

Sau chiến tranh, ông tốt nghiệp Học viện Thiết giáp I. V. Stalin. Ông là chỉ huy Trung đoàn, phó chỉ huy thứ nhất rồi lên chỉ huy Binh đoàn Tên lửa Phòng không. Đây là binh đoàn ngày 1 tháng 5 năm 1960 đã bắn rơi máy bay do thám U-2 do phi công Powers điều khiển xâm phạm bầu trời Liên Xô.

Ngoài mặt trận, ông đã nhiều lần bị thương. Do lập nhiều thành tích trong các trận đánh ở vùng Bantích năm 1944, ông đã được chỉ huy mặt trận, đồng chí Bagramyan đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Tiểu đoàn do ông chỉ huy đã lập chiến công lớn trong trận đánh từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 8 năm 1944 ở khu vực Zagar, ba chiến sĩ Hồng quân của Tiểu đoàn đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Đây là Tiểu đoàn xe tăng duy nhất trong Binh chủng xe bọc thép và cơ giới của cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941-1945.

Ông được tặng thưởng 7 Huân chương Chiến công và hơn 20 Huy chương các loại. Ông xuất ngũ với quân hàm Đại tá. Dưới đây là bài viết của Đại tá, Anh hùng Liên Xô Padukov:


TRUYỀN THỐNG CHIẾN ĐẤU CỦA LỰC LƯỢNG VŨ TRANG CHÚNG TA
LÀ CƠ SỞ SỨC MẠNH CỦA QUÂN ĐỘI NGA

Trên các chiến trường trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945), chúng ta sử dụng các chiến thuật đặc sắc, áp dụng và nghiên cứu các chương trình chiến thuật chiến đấu mới với nhiều cách đánh phong phú, đa dạng và bất ngờ.

Nhờ đó, chúng ta đã đánh bại kẻ thù hùng mạnh như quân đội phát xít Đức, một quân đội có nhiều kinh nghiệm chiến đấu.

Trong điều kiện hiện đại, đối với các sĩ quan đang phục vụ trong các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, phải thực hiện các yêu cầu chiến đấu sau đây:

- Nâng cao trình độ hiểu biết thiết bị quân sự phức tạp và biết sử dụng nó một cách khéo léo trong chiến đấu, tận dụng tối đa các khả năng chiến đấu.

- Thành thạo và khéo léo trong lựa chọn vị trí, sử dụng địa hình và áp dụng ngụy trang các trận địa.

- Chủ động tìm ra phương pháp tốt nhất trong sử dụng trang thiết bị quân sự, chủ động trong tiến công vào đối phương.

- Và cuối cùng là yếu tố đạo đức, tâm lý và sự tự tin để đạt được chiến thắng ít phải đổ máu.

Để trở thành một sĩ quan thực sự không thể không nghiên cứu kinh nghiệm chiến đấu trong các hoạt động quân sự trước đó của quân đội chúng ta tại Triều Tiên, Việt Nam, Afghanistan và Chechnya.

Sự kết nối chặt chẽ kinh nghiệm chiến đấu từ thế hệ này sang thế hệ khác là một yêu cầu rất cần thiết của mỗi người lính.

Tập hồi ức này do Tổ chức Xã hội liên khu vực các cựu chiến binh Khu vực Ural đã tham gia chiến đấu ở Việt Nam biên soạn. Tập sách gồm những hồi ức của các chuyên gia quân sự Liên Xô kể lại những câu chuyện về công tác dạy và học, về sự phối hợp với các chiến sĩ Bộ đội Phòng không Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống lại đế quốc Mỹ.

Một điều đặc biệt quan trọng cần phải thấy là, việc lựa chọn trận địa, biết ngụy trang trận địa, để trận địa không bị nhiễu khi phát hiện mục tiêu, chính là những điều kiện tất yếu để các đơn vị Bộ đội Tên lửa Phòng không sử dụng bộ khí tài tên lửa S-75 đạt được thắng lợi trong chiến đấu.

Để giành được thắng lợi trong cuộc chiến chống lại các mục tiêu trên không tại Việt Nam, cần phải giải quyết rất nhiều vấn đề:

- Lựa chọn trận địa và ngụy trang trận địa đúng với các yêu cầu.

- Tạo trận địa giả.

- Biết di chuyển trận địa trong một thời gian ngắn.

- Biết cách đánh các mục tiêu bay thấp.

- Biết tiêu diệt mục tiêu với độ phản xạ thấp.

- Chiến đấu trong điều kiện nhiễu tích cực và nhiễu tiêu cực.

- Biết chiến đấu khi máy bay của Mỹ cơ động tránh tên lửa và sử dụng tên lửa Shrike (sơrai - đây là tên lửa chống rađa, tiêu diệt mục tiêu bằng cách bám theo sóng phát ra từ đài điều khiển tên lửa tới mục tiêu - ND) tiến công lại.

Cần phải tính đến các điều kiện khí hậu của Việt Nam (nhiệt độ và độ ẩm cao), vì khí hậu ở Việt Nam tác động rất lớn đến đời sống của con người và hoạt động của hệ thống tên lửa.

Tôi đã nhiều lần phải dạy giả định cho cán bộ chỉ huy của các lực lượng phòng không (chỉ huy quân đoàn, sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn) bằng cách thay đổi vị trí của tiểu đoàn chiến đấu và những buổi học như thế đã đạt được thành công lớn trong cuộc chiến chống lại máy bay Mỹ.

Các chuyên gia quân sự của chúng ta đã góp công bắn rơi “pháo đài bay” B-52 và nhân dân Việt Nam rất yêu mến và kính trọng các chuyên gia quân sự Liên Xô, họ xứng đáng với tình yêu và lòng kính trọng đó.

Tôi tự hào rằng, Lữ đoàn tên lửa phòng không 57 của chúng tôi là nguồn nhân lực chính để lựa chọn các chuyên gia tên lửa sang Việt Nam và Tiểu đoàn 4 của Lữ đoàn ngày 1 tháng 5 năm 1960 đã bắn rơi một máy bay do thám của Mỹ trên bầu trời Ural. Hai trung đoàn pháo phòng không trực thuộc Lữ đoàn hoạt động tại Triều Tiên đã bắn rơi 19 chiếc máy bay của Mỹ.

Và giờ đây, Trung đoàn cận vệ đã bảo vệ thành công bầu trời khu vực của chúng ta. Trung đoàn làm nên chiến công của Bộ đội Tên lửa thế hệ cha anh.

Cuốn sách sẽ là một tài liệu quan trọng, kể về những truyền thống vẻ vang của những người lính làm nhiệm vụ quốc tế bảo vệ bầu trời Việt Nam, một đất nước thân thiện với chúng ta.

Lời chào trân trọng!

Ekaterinburg, tháng 2 năm 2008
Đại tá, Anh hùng Liên Xô
                                                                                                                               
LEONID STEPANOVICH PADUKOV
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2023, 08:43:52 pm »

BOBUKH ANATOLY VLADIMIROVICH


Trung tá Bobukh Anatoly Vladimirovich sinh ngày tháng 6 năm 1933 tại làng Svyatogorovk, quận Dobropolsky, tỉnh Donetsk, Ucraina.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 1952, ông vào học Trường đào tạo phi công quân đội Pugachev, tốt nghiệp năm 1956.

Sau khi tốt nghiệp, ông được cử đi công tác ở Viễn Đông. Ông đã phục vụ ở Kamchatka, đảo Sakhalin, vùng duyên thành phố Khabarovsk và trải qua các cương vị: Phi công - hoa tiêu máy bay trực thăng, chỉ huy phi hành đoàn máy bay trực thăng, chỉ huy Biên đội máy bay trực thăng, phó chỉ huy Phi đội máy bay trực thăng, chỉ huy phi đội, phó chỉ huy trung đoàn huấn luyện bay, phó chỉ huy thứ nhất trung đoàn máy bay trực thăng yểm trợ hỏa lực. Từ năm 1974 đến năm 1980, ông giữ chức vụ Thanh tra viên cao cấp ngành an toàn bay của quân đội.

Từ tháng 1 đến tháng 5 năm 1961, ông được cử sang Việt Nam công tác trên cương vị là chỉ huy phi hành đoàn trực thăng. Phi hành đoàn của ông được giao nhiệm vụ:

- Chuyển số máy bay trực thăng mà Chính phủ Liên Xô viện trợ sang Hải Phòng để bàn giao cho Việt Nam.

- Đào tạo phi công trực thăng cho Việt Nam.

- Trong khi Việt Nam chưa có phi công trực thăng, phi hành đoàn của ông thực hiện các chuyến bay đưa đoàn cán bộ cao cấp của Lào từ Hà Nội đến một địa điểm thuộc Cánh Đồng Chum để đàm phán về hiệp ước hòa bình ở Lào. Phi hành đoàn của ông còn được giao nhiệm vụ đưa đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn vào khu vực giới tuyến ở vĩ tuyến 17.

Cùng với một số nhiệm vụ khác.

Với những thành tích đã đạt được, ông được Chính phủ Liên Xô trao tặng các Huân chương Sao Đỏ, Huân chương Phục vụ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang Liên Xô và 12 Huy chương các loại.

Ông được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao tặng Huy chương Hữu Nghị và Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam tặng kỷ niệm chương.

Năm 1980 do bị bệnh nên ông phải xuất ngũ với quân hàm Trung tá. ông cùng gia đình sống ở thành phố Ekenterenburg thuộc vùng Ural.

Những tháng ngày công tác ở Việt Nam đã để lại cho ông nhiều kỷ niệm tốt đẹp và khó quên. Trong hồi ức có đoạn ông viết: “Trong thời Xôviết, mọi thứ chúng tôi làm ở Việt Nam đều được giữ bí mật. Kể từ những ngày đáng nhớ này đến nay đã gần một nửa thế kỷ trôi qua, nhưng tôi vẫn giữ những cảm xúc ấm áp nhất về những người bạn Việt Nam. Cảm ơn các bạn về sự giúp đỡ và những tình cảm tốt đẹp mà các bạn đã dành cho chúng tôi. Ở Việt Nam, chúng tôi đã được làm ‘việc với những con người can đảm, cứng rắn, yêu lao động. Họ yêu đất nước của họ. Tôi rất tự hào vì đã được giúp Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập”.

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài hồi ức “Tôi đã tham gia vào sự khởi đầu đường Hồ Chí Minh” của Cựu chiến binh Liên Xô Bobukh Anatoly Vladimirovich.


CHUYẾN CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT

Tôi đã tham gia vào sự khởi đầu đường Hồ Chí Minh

Những sự kiện mà tôi đã tham gia đã diễn ra cách đây gần nửa thế kỷ. Tuy nhiên, ký ức về những sự kiện đó không hề bị phai mờ.

Đầu năm 1960, Nikita Khrushev đã tuyên bố giảm quân số lực lượng vũ trang của Liên Xô xuống còn 1,2 triệu người. Tại thời điểm đó, tôi đang phục vụ trong đội cứu hộ độc lập, là chỉ huy phi hành đoàn trực thăng Mi-4 trên đảo Sakhalin. Theo lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, phi đội đã bị giải tán. Các phi hành đoàn trực thăng được cử đến vùng duyên hải tiếp tục công tác. Một trung đoàn trực thăng độc lập được thành lập tại đây. Tháng 5 năm 1960, chúng tôi bay từ Sakhalin đến sân bay Chernigovka.

Vào thời điểm này, phi công của các đơn vị bay tiêm kích và ném bom đã bị giải thể được tập trung về trung đoàn. Các phi công phải được đào tạo lại (chuyển loại) để điều khiển máy bay trực thăng. Trong trung đoàn bắt đầu xây dựng cơ sở đào tạo, nghiên cứu phần vật liệu của các máy bay trực thăng, nghiên cứu khí động học. Tất cả những việc trên cần phải thực hiện đúng với lịch trình đã đề ra để vào năm mới 1961 những phi công cần chuyển loại có thể bắt đầu huấn luyện bay.

Một đêm thứ bảy trước năm mới, một sĩ quan trực ban chạy đến và thông báo trong trung đoàn có báo động, tất cả cán bộ, chiến sĩ cần phải lập tức về đơn vị. Chỉ huy trung đoàn là đồng chí Anokhin. Trung đoàn trưởng đã ra lệnh, tất cả các thành viên trong đội bay trực thăng tập trung trong lớp học.

Nhiệm vụ được giao là: dưới sự dẫn đường của hoa tiêu trung đoàn, năm phi hành đoàn bắt đầu chuẩn bị cho chuyến bay trên hành trình có các điểm dừng để tiếp nhiên liệu trên các sân bay của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đến điểm hạ cánh cuối cùng là sân bay Hải Phòng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ huy ra lệnh nhận sơ đồ bay trong thư viện bảo mật. Thời hạn chuẩn bị: đêm thứ bảy và cả ngày chủ nhật. Khởi hành vào sáng thứ hai. Nhiệm vụ của chuyến bay là chuyển máy bay trực thăng sang Việt Nam.

Trung đoàn trưởng nói rằng, ở Hải Phòng đã có máy bay chờ sẵn để đưa chúng tôi trở về Liên Xô. Tại thời điểm này, kỹ sư của trung đoàn cùng các cán bộ kỹ thuật tiến hành sơn các số và các ngôi sao trên thân máy bay trực thăng, tiếp nhiên liệu và dầu bôi trơn, đóng gói phụ tùng thay thế để đảm bảo chuyến bay đường dài.

Chỉ huy của chúng tôi khẳng định rằng, chúng tôi sẽ trở về nhà sau khi đã chuyển giao máy bay trực thăng cho các bạn Việt Nam. Trong quá trình chuẩn bị chuyến bay, các phi công đã thảo luận về các vấn đề đang nổi lên. ở Việt Nam ai sẽ lái máy bay trực thăng của chúng tôi? Chắc chắn Việt Nam chưa có phi công lái máy bay trực thăng. Và tại thời điểm đó, tất cả chúng ta đều biết rằng ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ bắt đầu các cuộc càn quét, chống chiến tranh du kích. Họ tăng cường ném bom các khu dân cư do lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam kiểm soát. Điều đáng chú ý là, chiến tranh ở miền Nam Việt Nam đang trở nên khốc liệt và mở rộng về lãnh thổ, đang rình rập mối đe dọa lan rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2023, 08:45:39 pm »

Chúng tôi cần chuẩn bị những công việc sau đây để khởi hành bay đúng vào thời gian đã định:

- Kiểm tra các tài liệu bay.

- Kiểm tra kỹ thuật của máy bay trực thăng.

Sáng thứ hai chúng tôi bay. Nhóm trưởng là người bay trước, tiếp theo là các phi hành đoàn theo thứ tự với khoảng thời gian 15 giây trong tầm nhìn xa bằng mắt. Theo thứ tự này, tất cả các phi hành đoàn đã cất cánh.
 
Chúng tôi hạ cánh đầu tiên tại sân bay quốc tế Truân Khê, Hoàng Sơn, Trung Quốc để tiếp nhiên liệu. Trên chặng hành trình bay này, chúng tôi đã bay với nhiệt độ bên ngoài là âm 27 độ. Đang tháng 12 mà! Máy sưởi bằng xăng đã thổi không khí lạnh vào cabin. Mặc dù chúng tôi mặc quần áo bằng lông thú, đi giày ống, song vẫn thấy lạnh thấu xương. Đặc biệt là bàn tay và chân đều lạnh. Khi chúng tôi quay sang hướng nam bay về phía Vũ Hán, phi công Naghibovich ngồi bên phải tôi, mặc dù bị lạnh cứng vẫn vui đùa:

“Thế nào, kia là đâu, đã đến vùng nhiệt đới chưa?”.

Chỉ sau khi bay qua Vũ Hán tới Bắc Kinh, nhiệt độ mới ấm dần lên. Chuyến bay được thực hiện nhanh chóng trên toàn tuyến: bay, hạ cánh, tiếp nhiên liệu, ăn trưa, và lại bay, hạ cánh, tiếp nhiên liệu, ăn tối, ngủ - và lại bay.

Các bạn Trung Quốc đã ân cần tiếp đón chúng tôi ở mọi sân bay, nhanh chóng phục vụ, cung cấp mọi thứ cần thiết. Thức ăn rất ngon và dồi dào. Những nơi nghỉ ngơi được thoải mái. Chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Trung Quốc, nhờ đó việc phục vụ và đón tiếp chúng tôi rất chu đáo.

Khi chúng tôi hoãn bay do thời tiết xấu, các bạn Trung Quốc đã cố gắng tạo điều kiện để chúng tôi được nghỉ ngơi và giải trí. Chúng tôi được đi tham quan. Ví dụ: chúng tôi đã được đến thăm sông Hoàng Hà, nơi Chủ tịch Mao Trạch Đông đã bơi qua. Chúng tôi được đến thăm quê hương của Chủ tịch Mao Trạch Đông, thăm ngôi nhà nơi lãnh tụ Trung Quốc chào đời.

Chúng tôi đã đón năm mới 1961 tại thành phố Trang Sa. Chỉ huy trưởng Quân đội miền Nam Trung Quốc tổ chức tiệc đón giao thừa tiếp đoàn chúng tôi. Trong bữa tiệc, ông chúc mừng chúng tôi nhân dịp năm mới và chúc chúng tôi bay tới đích và chiến thắng quay trở về. Lúc đó chúng tôi cũng nghĩ rằng, ở Hải Phòng máy bay sẽ đợi chúng tôi và đưa chúng tôi về Liên Xô. Nhiều người trong chúng tôi cho rằng, ở Liên Xô có nhiệm vụ khác đang chờ chúng tôi.

Chúng tôi biết được mục đích thực sự chuyến công tác của mình sau một tuần bay trên đất nước Trung Quốc và hạ cánh tại sân bay Cát Bi, Hải Phòng, Việt Nam. Thiếu tướng Antipov, Tùy viên quân sự Liên Xô tại Việt Nam đã nhanh chóng tập hợp chúng tôi để trao đổi. Ông chúc mừng tất cả mọi người sau chuyến bay thành công và thông báo rằng tình hình đã thay đổi. Chúng tôi sẽ phải ở đây vô thời hạn. Nhiệm vụ là: đào tạo các học viên Việt Nam ở trường bay (các học viên được tuyển chọn từ những lái xe). Một tổ là phi công, tổ thứ hai là kỹ thuật máy bay trực thăng. Việc này cần phải hoàn thành trong thời gian ngắn nhất.

Tiếp theo, Thiếu tướng Antipov thông bảo rằng, chúng tôi sẽ tạm thời sống tại nhà nghỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bờ Vịnh Bắc Bộ; có xe đưa chúng tôi tới đó; các thợ may đo Việt Nam sẽ đến nơi chúng tôi ở để lấy số đo may quần áo dân sự cho chúng tôi; các bộ quân phục sẽ được đóng gói trong hộp để gửi về cho đơn vị ở Liên Xô.

Rồi chúng tôi đã đến nơi nghỉ. Hình như các nhà nghỉ ở đây được xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là biệt thự để nghỉ hè, vì các cửa sổ không phải bằng kính mà bằng mành tre. Lúc này đã là tháng giêng, nhưng ngoài đường phố nhiệt độ không khí là 18 đến 20 độ. Nhiệt độ này dễ chịu đối với chúng tôi. Mỗi phi hành đoàn đều có biệt thự riêng. Từ sân thượng nhìn ra vịnh rất đẹp, trên mặt vịnh luôn có những chiếc thuyền đánh cá. Vào buổi hoàng hôn, phong cảnh thật tuyệt vời.

Nhưng chúng tôi đã rất buồn và lo lắng. Vào buổi chiều tối, khi mặt trời vừa mới lặn, bóng đêm đã buông xuống, những ngôi sao phía nam lấp lánh, mặt trăng xuất hiện, và thủy triều bắt đầu dâng. Nước đã đến hiên nhà. Mọi người đều ngồi im lặng. Mỗi người đều nghĩ về mình. Còn nghĩ về cái gì? Cá nhân tôi, sau khi di chuyển khỏi Sakhalin, tôi có một người vợ trẻ với một cô con gái một tuổi trong căn hộ chưa xây dựng hoàn chỉnh. Nhà có lò sưởi ấm và “tiện nghi” trong sân. Tôi lo lắng vì có thể gia đình không được chú ý và giúp đỡ khi chúng tôi đi công tác xa. Lúc đầu nói là đi công tác trong một thời gian ngắn, nhưng nay đã được thông báo là chưa xác định.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2023, 08:47:36 pm »

Ngày hôm sau, thợ may đã đến nhà nghỉ gặp chúng tôi lấy số đo quần áo. Hai ngày sau, quần áo dân sự đã được may xong. Sau đó, chúng tôi được chuyến đến sân bay ở Hải Phòng.

Trường đào tạo phi công có các lớp học và nhà ở, đều nằm ở vùng lân cận sân bay. Chúng tôi sống ở đó. Đầu tiên, chúng tôi cần phải tìm ra những hỏng hóc trên máy bay trực thăng để sửa chữa, cũng như dùng sơn kẻ các dấu hiệu nhận dạng: “Liên Xô. Aeroflot”. Công việc này được phân công cho các kỹ thuật viên và các học viên Việt Nam thực hiện. Còn các phi công chúng tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu khu vực bay sắp tới. Để làm được điều này chúng tôi đã được cung cấp các bản đồ bay. Tất cả các tên gọi, tên khu định cư, sông, núi... đều ghi bằng tiếng Pháp. Các bản đồ có nhiều đốm trắng, đặc biệt ở vùng núi. Vì thế cần phải có phiên dịch Việt Nam biết tiếng Pháp, và yêu cầu này đã được đáp ứng.

Vào thời điểm khi vùng bay của chuyến bay đã được lên kế hoạch, những đám mây thấp từ vịnh bắt đầu xuất hiện, thời tiết trở nên xấu, không bay được. Tôi đã phải thay đổi lịch bay và dạy học viên phần lý thuyết. Song buổi lên lớp cũng bị gián đoạn, vì có lệnh cần bay vòng quanh khu vực để đồng thời thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.

Tất cả các phi hành đoàn phải bay tới sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Ở đó, chúng tôi được giao nhiệm vụ bay tới Lào để vận chuyển thực phẩm, đạn dược và thuốc từ sân bay Sầm Nưa đến Cánh Đồng Chum, rồi từ Cánh Đồng Chum, chúng tôi sẽ đưa thương binh và người ốm trở về. Hóa ra, quân đội của Đại úy Koong Le, ủng hộ Hoàng thân Suvana Phuma, đang bị lực lượng Hoàng gia Lào thân Mỹ bao vây ở Cánh Đồng Chum. Người ta cho rằng: gia đình hoàng gia đang bất hòa, và đã xảy ra nội chiến. Nhiệm vụ này đã được chúng tôi hoàn thành tốt. Nhưng một số phi công khi bay trở về với tâm trạng căng thẳng, vì họ phải bay qua chiến tuyến mặt trận, luôn luôn có tiếng súng. Vì vậy, khi cấp trên yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, một số phi công đã viện lý do sức khỏe và họ đã không được giao nhiệm vụ. Trong khi đó phi hành đoàn của tôi luôn tỏ thái độ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, do đó Đội trưởng trực thăng, Đại úy Karachkov rất hài lòng và tin tưởng khi giao phi hành đoàn của tôi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Trong phi hành đoàn, ngoài tôi người Ucraina, còn có Thượng úy Naghibovich Alphret là phi công hoa tiêu bên phải, người Belarus, và Thượng úy Selishev là kỹ thuật viên máy bay, người Nga.

Chúng tôi bắt đầu chuẩn bị mọi thứ cho việc thực hiện nhiệm vụ đặc biệt: Kiểm tra máy bay trực thăng, rửa máy bay, dọn dẹp tất cả các đồ thừa trong cabin hàng hóa. Có thể chúng tôi được phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc một lãnh đạo nào đó của Chính phủ Việt Nam?

Trong những ngày cuối tháng 1 năm 1961, phi hành đoàn chúng tôi bay từ Hải Phòng về sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Chúng tôi được dành riêng một chiếc xe khách loại nhỏ và bố trí ăn nghỉ tại tầng trên cùng một khách sạn ở trung tâm Hà Nội. Vì ở trung tâm Hà Nội, nên khí hậu ở đây không được như ở Hải Phòng, mặc dù có quạt điện, song vẫn rất nóng bức.

Trước khi rời Hải Phòng, lần đầu tiên chúng tôi được cấp tiền sinh hoạt phí, từ đó chúng tôi trở thành những người “giàu có”. Thậm chí chúng tôi có thể vào cửa hàng ăn ở tầng 1 khách sạn.

Khi chúng tôi đã có mặt đầy đủ trong phòng, một người Nga lạ vào phòng chúng tôi. Ông chúc chúng tôi nghỉ ngơi thật thoải mái và vui vẻ. Và ông thông báo ngày mai vào lúc 10 giờ, chúng tôi cần có mặt ở Đại sứ quán Liên Xô. Lái xe sẽ chờ chúng tôi ở bãi đậu xe gần khách sạn lúc 9 giờ sáng. Lúc này chúng tôi cảm nhận sẽ có nhiệm vụ quan trọng.

Buổi tối, chúng tôi quyết định ăn tối tại nhà hàng. Trong nhà hàng có rất nhiều khách, chúng tôi tìm một bàn trống. Chúng tôi nhìn quanh và thấy tất cả thực khách đều là người châu Âu: Người Đông Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan. Người phục vụ là người Việt Nam đến chào chúng tôi:

“Chào các đồng chí Liên Xô!”

Tất nhiên, chúng tôi đã rất ngạc nhiên tại sao người phục vụ có thể nhanh chóng và biết chính xác chúng tôi đến từ Liên Xô. Sau đó, tôi được đồng chí phiên dịch giải thích (đồng chí ấy đã học ở Liên Xô và bay cùng chúng tội và là một phi công An-2):

“Tôi không biết tại sao, nhưng chỉ cần nhìn các bạn đã biết các bạn là người Nga. Trong các bạn có một điều gì đó không thể giải thích được”.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này chúng tôi đã trở thành những người bạn thân thiết với đồng chí phiên dịch. Tên gọi của đồng chí ấy là Phan Nhi Can, song chúng tôi gọi đồng chí là Seryoza (tên tiếng Nga khi gọi thân mật, biến âm từ chữ Sergey - ND).

Buổi sáng hôm sau, chúng tôi đến Đại sứ quán. Ngồi trên xe, tôi tập trung nhìn xung quanh. Tôi muốn nhìn thấy và nhớ tất cả những gì đang diễn ra trên đường phố thủ đô của Việt Nam. số lượng người đi xe đạp khá đông, họ tràn ngập cả đường phố. Bên cạnh những người đi xe đạp, còn có loại xe kéo chở khách; người đi bộ gánh trên vai đôi sọt lớn. Tất cả điều này tạo ra một màu sắc đặc biệt của thành phố, đó là sự khác biệt so với thành phố của chúng tôi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2023, 07:30:48 pm »

Tại Đại sứ quán, chúng tôi được dẫn đến phòng làm việc của Thiếu tướng Antipov, Trưởng tùy viên quân sự Liên Xô tại Việt Nam, người đã đến nơi nghỉ của chúng tôi. Chúng tôi giới thiệu về mình với Thiếu tướng. Sau khi chào hỏi chúng tôi và hỏi thăm tình hình ăn ở tại khách sạn, ông giải thích ngắn gọn tình hình ở Lào, nơi đang có chiến sự ở thung lũng Cánh Đồng Chum. Quân đội của Đại úy Koong Le đã bị bao vây và đang cần sự giúp đỡ. Cách duy nhất để giúp đỡ họ là đàm phán với Chính phủ của tỉnh Bắc Lào - tỉnh trước đây tách ra khỏi Nam Lào. Cần thuyết phục giới lãnh đạo của Bắc Lào để giúp đỡ lực lượng của Koong Le trong lúc khó khăn này. Ở Bắc Lào có một sư đoàn bộ binh được trang bị tốt. Qua các lần trao đổi bằng điện báo, đã đạt một thỏa thuận với chính quyền tỉnh Bắc Lào về cuộc gặp gỡ của phái đoàn. Địa điểm của cuộc gặp đã được xác định, nằm trên lãnh thổ của Lào. Đây là địa điểm được giữ bí mật nghiêm ngặt. Nếu bên đối phương biết về địa điểm gặp của phái đoàn, họ sẽ cố gắng ngăn cản cuộc họp và có thể cho quân nhảy dù xuống khu vực này.

Tiếp theo, Thiếu tướng nhắc nhở rằng, chúng tôi được trao bí mật có tầm quan trọng quốc gia và chúng tôi phải chịu trách nhiệm về việc giữ bí mật đó. Thiếu tướng chỉ trên bản đồ điểm mà phái đoàn sẽ được đưa đến. Đây là một vùng núi cao với một thung lũng sâu có dòng sông chảy dọc theo. Trên bờ sông có một lô cốt của Pháp, lô cốt này được xây dựng từ những năm quân đội Pháp đóng quân tại đây. Đây là nơi hạ cánh của chúng tôi. Tín hiệu hạ cánh sẽ là ba đống lửa sáng lên khi chúng tôi xuất hiện phía trên. Trong trường hợp không có lửa hoặc số đống lửa không phải là ba thì không được hạ cánh và phải quay trở lại.

Sau đó, Thiếu tướng nói thêm, chúng tôi cần có sơ đồ bay, chúng tôi ngồi xuống bàn và chuẩn bị cho chuyến bay. Sau khi chuẩn bị xong, ông ra lệnh nộp lại bản đồ cho ông. Ông nói, sẽ giữ lại bản đồ, chúng tôi chỉ được nhận nó trước khi khởi hành từ tay người đứng đầu phái đoàn.

Chúng tôi tạm biệt Thiếu tướng và ra sân bay. Tại sở chỉ huy, tôi đã làm quen với chỉ huy bay và cơ quan khí tượng. Theo dự báo thì thời tiết xấu. Vâng, chính tôi đã thấy thời tiết tương tự như ở Sakhalin vào thời điểm mùa xuân chuyển sang hè. Vào ban đêm và buổi sáng có sương mù thấp, mưa phùn. Ban ngày sương mù lên cao, với đáy mây ở độ cao 50-100 mét, và nó lặp lại chu kỳ đó mỗi ngày đêm. Thời tiết như thế này ở Sakhalin thường kéo dài một tháng rưỡi vào cuối mùa xuân sang đầu hè. Còn ở đây thời tiết tương tự xảy ra vào mùa đông. Tôi đã có kinh nghiệm bay trong thời tiết như thế này. Trong 5 năm làm công tác bay ở Sakhalin, mọi thứ đã xảy ra như thế.

Sau đó, chúng tôi phải trải qua một quãng thời gian chờ đợi khá lâu. Sáng đến sân bay, khởi động và thử nghiệm hệ thống trực thăng, kiểm tra. Tại trạm khí tượng học, chúng tôi phân tích tình hình và dự báo các điều kiện thời tiết. Kiểm tra lại trình tự liên lạc vô tuyến điện. Ngồi chờ lệnh đến trưa. Rồi chúng tôi trở về khách sạn. Ăn trưa, nghỉ ngơi, ăn tối, ngủ đến sáng. Chúng tôi luôn sẵn sàng bay khi có lệnh.

Sáng ngày thứ hai, kế hoạch đã thay đổi một chút. Một nhân viên của Đại sứ quán Liên Xô mà chúng tôi đã quen, đề nghị buổi tối chúng tôi đi đến nhà hát. Tất nhiên, chúng tôi vui vẻ đồng ý, thậm chí chúng tôi còn không hỏi ai sẽ biểu diễn và chương trình là gì.

Nhà hát được xây dựng rất đẹp. Chúng tôi trông nó giống như Nhà hát lớn (Bolshoi) ở Moskva. Tối hôm đó, đoàn ca múa nhạc dân tộc Việt Nam biểu diễn. Tôi đã bị choáng ngợp bởi màu sắc rực rỡ, đa dạng về trang phục dân tộc của các diễn viên. Các bài hát đi kèm với phong cách biểu diễn của diễn viên đã làm cho khán giả hiểu rõ họ đang hát về gì. Nhưng ấn tượng hơn tất cả, chúng tôi thích các điệu múa, đặc biệt là điệu múa sạp. Các vũ công thực hiện các điệu nhảy như biểu diễn xiếc thực sự giữa các cặp ống tre dài, nhịp nhàng dập vào nhau trên mặt sàn nhà. Các nghệ sĩ múa sạp nhảy rất điêu luyện theo nhịp nhạc, khéo léo không để các ống tre đập vào chân. Các khán già, chủ yếu là các nhân viên của Đại sứ quán các nước tại Hà Nội, đã nhiệt liệt hoan nghênh các nghệ sĩ. Chương trình buổi hòa nhạc tại Nhà hát lớn đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng khó quên.

Trong những ngày đầu của tháng hai, cuối cùng chúng tôi cũng nhận được mệnh lệnh, và kết thúc sự chờ đợi của mình. Như thường lệ, buổi sáng, chúng tôi chuẩn bị cho trực thăng bay. Thật may mắn, thời tiết không còn sương mù, nhưng trên sân bay có một khối mây dày và thấp. Đoàn công tác đã đến trên ba xe ô tô, tổng cộng có bảy người. Trưởng đoàn đã đưa cho tôi một gói trong đó là sơ đồ bay của chúng tôi. Chúng tôi trao đổi với nhau phải qua phiên dịch. Chuyến bay phải được thực hiện ngày hôm nay. Và tất cả đoàn công tác đều đã lên máy bay.

Có hai phiên dịch tiếng Lào và tiếng Pháp sang tiếng Việt và từ tiếng Việt sang tiếng Nga.

Trên máy bay ngoài đoàn công tác còn một thùng hàng hóa. Rõ ràng, từ sở chỉ huy, chỉ huy chuyến bay đã quan sát tất cả những gì xảy ra xung quanh trực thăng. Vì thế, vừa mới bắt đầu khởi động động cơ và bật radio, tôi đã nghe thấy mật danh của tôi. Tôi được gọi vào liên lạc. Sau khi được phép cất cánh, tôi lấy độ cao, khi ở độ cao 50 mét, tôi cho trực thăng đi vào đám mây. Lái máy bay theo các đồng hồ, ở độ cao 600 mét, chúng tôi ra khỏi những đám mây và bay theo đường bay.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2023, 07:32:15 pm »

Năm phút sau, tôi nhận ra rằng đường chân trời “bị lật” nghiêng, và la bàn điện tử cho thấy đường bay không được xác định. Chúng tôi cố gắng thiết lập các thông số cần thiết cho các thiết bị đo, nhưng tôi và hoa tiêu dẫn đường thấy rõ ràng, các thiết bị này đều không đáp ứng. Làm thế nào bây giờ? Quay trở lại và hạ cánh khi các đám mây ở độ cao thấp mà không có thiết bị đo là điều không thể.

Trong tình huống này, tôi giữ đường bay theo la bàn từ trường, và độ nghiêng được xác định theo đường chân trời của phi công bên phải. Tôi quyết định tiếp tục bay dọc theo tuyến đường đến sân bay Điện Biên Phủ. Chúng tôi đã có kế hoạch hạ cánh tại đó để tiếp nhiên liệu.

Một vài phút sau, tôi nghe thấy mật danh của mình trên radio. Có người đang liên lạc với tôi. Hình như đó là phi công máy bay Li-2, bay cách bên phải tôi hai kilômét. Trước lúc đó tôi có ý định sử dụng điện báo trên máy bay để báo cáo với chỉ huy ở sở chỉ huy Hải Phòng về các thiết bị trên máy bay gặp sự cố. Giờ tôi thông báo vấn đề này cho phi công máy bay Li-2, nêu rõ tên của các thiết bị gặp sự cố.

Phi công máy bay Li-2 đã nhận được thông tin của tôi và khẳng định rằng sẽ gửi ngay thông tin này qua hệ thống điện báo telegraph. Phi công Li-2 yêu cầu tôi phải giữ tiên lạc với anh ấy, vì anh ấy luôn bay cạnh tôi, phòng trường hợp chúng tôi cần sự giúp đỡ. Hóa ra, phi hành đoàn của chiếc máy bay Li-2 đang thực hiện nhiệm vụ hộ tống chuyến bay của chúng tôi. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì mình không cô đơn trên bầu trời này.

Chúng tôi bay đến Điện Biên Phủ một cách an toàn Thời tiết dọc theo tuyến đường bay quang xanh. Định hướng các đỉnh núi trên bản đồ và nhìn rõ địa hình.

Chúng tôi đã hạ cánh, nạp thêm nhiên liệu và quyết định xem phi hành đoàn cần làm gì. Phải mất một ngày chờ đợi cho các chuyên gia khắc phục sự cố thiết bị, trong thời gian đó chúng tôi nghiên cứu thời tiết từ độ cao của chuyến bay. Xung quanh không hề có mây. Do đó, chúng tôi quyết định ngày hôm nay vẫn tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ, mặc dù các thiết bị vẫn còn sự cố.

Chúng tôi bay lên, đạt độ cao 2.500 mét so với sân bay và hướng sang Lào theo lộ trình đã chọn trên bản đồ, Chúng tôi định hướng bằng mắt theo các ngọn núi và dọc theo các thung lũng. Có những đỉnh núi đạt đến độ cao tới 4.000 mét. Cuối cùng, theo thời gian ước tính, bằng trực quan, chúng tôi xác định được thung lũng cần tìm có dải màu bạc lấp lánh gây chú ý của dòng sông.

Không hạ độ cao, chúng tôi bắt đầu bay dọc theo thung lũng. Tôi ra lệnh cho phi công và kỹ thuật viên dùng mắt tìm kiếm khói từ các đống lửa. Chúng tôi bay ngang qua địa điểm, đã chọn, rồi quay 180 độ bay theo hành trình ngược lại. Lúc này phi công bên phải đã nhìn thấy khói từ đống lửa. Chúng tôi bay qua ngay phía trên đống lửa – chỉ có một cột khói, không còn lửa nữa. Chúng tôi hạ độ cao, quay lại 180 độ, cố gắng nhìn xem, có thể xuất hiện khói của các đống lửa khác chăng. Nhưng ngọn lửa đã cháy tàn và tắt rồi, không xuất hiện những đống lửa mới. Chúng tôi rời khỏi địa điểm, cần phải quyết định ngay: bay đi hay hạ xuống...

Chúng tôi quyết định bay xuống độ cao cực thấp và chú ý quan sát một lần nữa. Tôi bay đến địa điểm ở độ cao 30 mét. Không nhìn thấy một bóng người nào. Tôi quyết định hạ cánh xuống mép địa điểm, không tắt động cơ, giữ cho chiếc trực thăng ở tư thế cất cánh.

Chúng tôi nhìn thấy một người xuất hiện. Anh ta dừng lại và đứng cách chúng tôi một trăm mét, anh ta không tới gần. Tôi ra lệnh cho thợ máy mở cửa và cử phiên dịch tiếng Pháp đi ra. Đồng chí phiên dịch nhanh chóng ra khỏi trực thăng chạy đến .chỗ người đó. Họ nói chuyện với nhau. Tôi không hiểu họ đang nói gì. Tôi yêu cầu đồng chí Phan Nhi Can phiên dịch tiếng Nga đi ra. Đồng chí Can chạy đến chỗ hai người, họ đứng nói chuyện kèm theo các động tác bằng tay. Cuối cùng, đồng chí Phan Nhi Can giơ tay lên, vẫy tay trên đầu. Đó là tín hiệu “Tắt máy đi!”, ơn trời!

Tôi tắt động cơ. Đoàn công tác bước ra khỏi trực thăng trong lòng vẫn còn lo lắng và nhìn quanh. Các đồng chí phiên dịch đi tới chỗ chúng tôi, nói về một điều gì đó, sau đó mọi người đều thở phào nhẹ nhõm.

Khoảng 20 phút sau, hai người xuất hiện từ rừng cây phía bờ sông. Một người mặc quân phục, người thứ hai mặc quần áo dân sự. Một cuộc trò chuyện ngắn đã diễn ra với sự trợ giúp của đồng chí phiên dịch tiếng Pháp. Sau đó các đồng chí phiên dịch lấy thùng hàng và toàn bộ phái đoàn đi về phía bờ sông và khuất dần sau rừng cây. Năm phút sau, đồng chí Phan Nhi Can trở lại và nói rằng có thêm ba người nữa đang ở bên sông, và các cuộc đàm phán đã bắt đầu.

Đã đến lúc bình yên và cần phải ăn thứ gì đó. Đồng chí thợ máy trải rộng tấm bạt nhựa trong bóng râm của chiếc trực thăng và xếp các khẩu phần ăn khô ra. Đúng lúc đó một nhóm người xuất hiện từ các bụi cây. Hóa ra đó là trẻ em, thanh thiếu niên và một số phụ nữ trong khu dân cư gần đó. Những đứa trẻ tò mò nhìn chiếc trực thăng kỳ lạ mà chúng chưa bao giờ thấy.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2023, 07:33:35 pm »

Người phiên dịch của chúng tôi, đồng chí Can không biết tiếng Lào, nhưng anh hiểu tiếng Pháp. Khi những đứa trẻ tiến gần trực thăng hơn, một vài người trong số họ đã nhìn thấy gói muối đang bày trên tấm vải bạt của chúng tôi. Họ bắt đầu nói chuyện với nhau, gọi muối bằng tiếng Pháp. Người phiên dịch cho rằng người dân địa phương thiếu muối trong bữa ăn hằng ngày, và trẻ em, nhìn thấy muối trên “bàn của chúng tôi”, đang trao đổi với nhau điều gì đó.

Tôi đề nghị cấp phát muối của chúng tôi cho bọn trẻ. Đây sẽ là một món quà ý nghĩa của chúng tôi dành cho họ. Kỹ thuật viên Selishev, người lớn tuổi nhất của chúng tôi, tìm thấy một bình kim loại trong máy bay trực thăng, đổ hết muối trong gói ra và đi đến chia cho nhóm trẻ. Cả chục bàn tay giơ về phía anh. Anh bắt đầu đổ muối vào mỗi lòng bàn tay, và bọn trẻ bắt đầu nếm muối ngay, rõ ràng chúng đang nhấm nháp và thưởng thức. Selishev chia cho mọi người kể cả phụ nữ, cho họ một chiếc bát nhỏ đựng muối. Tất nhiên, chúng tôi không ăn trưa nữa. Chúng tôi xấu hổ khi ăn trước mặt mọi người.

Chẳng bao lâu sau đồng chí phiên dịch tiếng Pháp đã trở lại và nói rằng các cuộc đàm phán đã kết thúc, cả hai phái đoàn sẽ bay khỏi nơi đây và tiếp tục các cuộc đàm phán tại Hà Nội. Tôi yêu cầu phiên dịch giải thích cho tất cả người dân địa phương biết là trực thăng sắp cất cánh và yêu cầu họ di chuyển ra xa trực thăng. Rất nguy hiểm khi máy bay cất cánh mà lại đứng ở gần. Tất cả mọi người đều nhanh chóng tản ra xa máy bay.

Cả hai phái đoàn gồm 10 người đã đến. Số người đã tăng gấp đôi. Cần sắp xếp lại chỗ ngồi để không làm ảnh hưởng đến trọng tâm của trực thăng. Chúng tôi cất cánh nhẹ nhàng và đưa cả hai phái đoàn về Điện Biên Phủ.

Sau khi hạ cánh, chúng tôi được thông báo là các chuyên gia sẽ sửa chữa những thiết bị hỏng hóc trên trực thăng của chúng tôi, bây giờ máy bay khác đưa phái đoàn về Hà Nội. Các đại biểu đã lên đường.

Các sự cố trên máy bay trực thăng đã được xử lý: thay thế các thiết bị cung cấp điện cho thiết bị. Lúc này trời đã chuyển sang tối. Chúng tôi chuẩn bị một máy bay trực thăng khác để ngày mai bay về Hà Nội.

Chúng tôi trùm bạt cho máy bay trực thăng và đi đến phòng điều hành bay để đăng ký chuyến bay vào ngày mai. Anh Phan Nhi Can - phiên dịch của chúng tôi đang ở trong đó. Anh không bay về Hà Nội cùng với phái đoàn. Lãnh đạo Việt Nam đã cử anh ở lại để sắp xếp nơi ăn, nghỉ cho chúng tôi. Kế hoạch bay của chúng tôi đã được chấp nhận tuy nhiên ngày mai, ngày kia và... 17 ngày sau đó chúng tôi vẫn chưa thể bay. Hằng ngày đến phòng điều hành chúng tôi đều nghe câu: “Không bay đi Hà Nội được!”.

Đây là câu mà anh Can hướng dẫn cán bộ điều hành bay giải thích cho chúng tôi khi từ chối bay. Người điều độ đã vẽ một sơ đồ cho chúng tôi thấy cạnh dưới của các đám mây là 50-100 mét.

Chúng tôi chờ một thời gian dài không có việc gì làm Sau 2-3 ngày, anh Phan Nhi Can đã bay về Hà Nội, còn ba chúng tôi vẫn đợi ở đây, trên núi, “giữa biển mây mù”.

Chúng tôi đã được bố trí ở trong khách sạn rất tốt. Nhà ăn rất tuyệt vời, mặc dù không có bánh mì và xúp.

Đầu tháng 2, Việt Nam bắt đầu đón năm mới theo lịch phương Đông. Mọi người tổ chức các lễ hội, các cuộc thi đấu thể thao tại sân vận động. Có khiêu vũ, nhảy múa trong trang phục đầy màu sắc lễ hội và mặt nạ kỳ lạ của một đôi nam nữ (đôi hề múa trước sư tử hoặc kỳ lân - ND). Tất cả mọi thứ có vẻ thú vị và kỳ lạ. Chúng tôi được mời tham dự những lễ hội này. Một lần chúng tôi tham gia khiêu vũ – “chiến đấu” với con rồng, chúng tôi đã giúp sức giành chiến thắng. Do chiến thắng con rồng, chúng tôi đã được tặng một buồng chuối nặng đến cả tạ. Cả ba chúng tôi không thể nâng buồng chuối lên nổi, và các bạn Việt Nam phải chạy đến giúp chúng tôi mang món quà này lên xe và chở nó đến khách sạn.

Ở khắp mọi nơi và mọi lúc chúng tôi đến, chúng tôi luôn cảm nhận được sự thân thiện, chan hòa và ấm áp. Mọi người Việt Nam luôn nở nụ cười mỗi khi gặp chúng tôi. Cho đến nay, tôi vẫn nhớ lại sự ấm áp và chân thành từ các bạn Việt Nam của chúng tôi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM