Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 02 Tháng Sáu, 2024, 02:43:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức chạy Tàu  (Đọc 18478 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
thanhsondlbk
Thành viên
*
Bài viết: 37


« vào lúc: 19 Tháng Hai, 2016, 08:39:30 am »

Thưa các bác, các chú, cháu thuộc thế hệ sinh sau chưa được cầm súng chiến đấu bao giờ. Nhưng lại trải qua một khoảng thời gian cùng gia đình sơ tán tránh cuộc chiến chống TQ xâm lược. Các bác đã viết rất nhiều bài về các trận chiến với những hy sinh mất mát không gì bù đắp nổi để giữ cho đất nước được bình yên. Hôm nay cháu mạn phép xin gửi vài dòng hồi ức của một đứa trẻ phải chịu ảnh hưởng của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Quốc góp thêm vào cái nhìn từ phía người dân chạy giặc nhân dịp kỷ niệm 37 năm cuộc chiến chống TQ của dân tộc. (Qua đây cũng hy vọng tìm được mấy chú bộ đội quen gia đình ngày trước)

KÝ ỨC CHẠY TÀU (Phần 1)

Ngày 17/2/1979. Vào ngày này cách đây 37 năm. Từ sáng sớm đã nghe tiếng ùng oàng từ biên giới vọng về Thị xã Lạng Sơn. Chúng tôi những đứa trẻ 9-10 tuổi trong khu phố chạy ra bám các bác, các chú, các anh đang túm tụm bàn tán để hóng chuyện. Đã có đứa nào biết gì về chiến tranh đâu, khi đó có một chút lo sợ và cả thích thú nữa. Những bác đã trải qua cuộc chiến chống Mỹ là bàn tán sôi nổi nhất làm cho mấy đứa trẻ như tôi há mồm ra nghe. Tiếng pháo nào của quân ta, tiếng pháo nào của quân Tàu, tiếng nổ nào của đạn pháo 130 ly, tiếng nổ nào của đạn pháo 155 ly... Nhưng rút cục cũng chả ai biết mình đánh nó hay nó đánh mình, cứ bàn tán vậy thôi. Mãi gần trưa có chú bộ đội quen gia đình tôi đóng quân trong "Thành" (Hồi đó cơ quan chỉ huy quân sự của Lạng Sơn đóng trong thành cổ) ra nhà bảo đấy là tiếng pháo của mình chiếm lại chốt bị Tàu chiếm??? Không hiểu là tuyên truyền chính trị hay là cũng đoán mò vậy. Rồi thì gia đình đừng lo quân ta "một tấc không đi một ly không rời"... Khi đó nghe nói thế mọi người cũng yên tâm. Về trưa chiều tiếng pháo lúc dồn dập, lúc thưa nhưng dường như nó đang dịch gần hơn về phía thị xã nhỏ bé này. Người lớn bắt đầu lo lắng ra mặt, một số gia đình dọn dẹp lại hầm trú ấn được đào ở cửa nhà từ trước, thu dọn quần áo, nồi niêu... Phố tôi khi đó có rất nhiều người lái xe trong các cơ quan của tỉnh, các bác mang xe về nhà gần hết để đề phòng có gì thì chở gia đình đi sơ tán (Ngày đấy các cơ quan quản lý có vẻ cũng không chặt chẽ vả lại gia đình luôn là số 1, chiến tranh xảy ra thì cứ lo cho gia đình trước đã). Chúng tôi trải qua đêm 17/2 trong lo âu mặc dù trẻ con thì có biết gì đâu, thấy người lớn lo thì cũng lo sợ theo thôi. Sáng ngày 18/2 vẫn là cái chú bộ đội quen gia đình chạy ra nhà bảo bố mẹ tôi là tình hình không ổn rồi, anh chị cho các cháu đi sơ tán ngay đi. Thế là tất cả nháo nhào bê nồi niêu xong chảo, quần áo, chăn màn, gạo, lợn, gà... ầm ĩ cả khu phố nhờ luôn xe của mấy bác hàng xóm. Tất cả bắt đầu rời thị xã theo đường QL1 về Bản Loỏng cách thị xã khoảng 4-5 km. Vì lúc đầu không ai nghĩ phải chạy xa chỉ nghĩ cùng lắm là nó pháo kích vào thị xã thôi. Dọc đường từng đoàn xe ô tô, xe ngựa, xe trâu...đủ loại phương tiện rồi người đi bộ bồng bế nhau lếch thếch đầy đường. Tìm một chỗ dưới mái hiên nhà ven đường cho gia đình xong, bố tôi cùng một số hàng xóm trở lại thị xã để thu dọn tiếp đồ đạc. Tại chỗ sơ tán tạm này, bên kia đường, trên sườn núi có một khẩu pháo có xe kéo của quân ta, vừa đi vừa bắn đùng đoàng, bọn trẻ con thích thú chạy ra xem còn mấy bác lớn tuổi thì lo sợ quát tháo bảo tránh xa tìm chỗ nấp vì lo bị phản pháo, nhưng cũng bắn đâu được 5-6 quả là mất hút luôn. Khi bố tôi quay về cùng các bác thấy nét mặt mọi người căng thẳng hò hét mấy gia đình leo hết lên cái xe "Giải Phóng" chạy một mạch về Mỏ đá 4 Đồng Mỏ cách thị xã 32 km. Bắt đầu từ đây gia đình tôi trải qua những năm tháng sơ tán vất vả do chiến tranh...(còn nữa...)
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Hai, 2016, 10:47:49 pm gửi bởi thanhsondlbk » Logged
thanhsondlbk
Thành viên
*
Bài viết: 37


« Trả lời #1 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2016, 08:45:39 am »

(Tiếp phần 2: KÝ ỨC CHẠY TÀU)
...Về đến Mỏ đá 4- Đồng Mỏ gia đình tôi vào ở nhờ bên ngoài hành lang của trường Cấp 1-2 Mỏ Đá, kề bên đường QL1. Lúc này gia đình thằng bạn tôi thì đi thẳng về thị trấn Đồng Mỏ vì bố nó lái xe bệnh viện, còn lại vài gia đình sắp xếp khu Hotel Bờ La Hiên để ở. Mặc dù đói, mệt nhưng gần như không ai muốn ăn gì cả. Nét lo âu, căng thẳng hiện rõ trên nét mặt từng người. Gần như tất cả đổ ra bên cạnh đường QL1 nhìn dòng người sơ tán, hỏi han: "Tàu nó đến đâu rồi?", " Quân mình có đánh được chúng nó không?" "Tàu nó vào thị xã chưa?"... Từng đoàn người dắt díu nhau, trâu, bò, gà, lợn hầm bà lằng đủ thứ đi từ phía Lạng Sơn xuống, ngược chiều là từng đoàn xe quân sự ầm ầm chạy ngược lên. Tất cả tạo nên một bầu không khí lo sợ, căng thẳng... Lúc này bố tôi bảo: "Có khi phải sơ tán về Hà Nội thôi!" Nhưng khổ nỗi là đi thì đi bằng gì? Ô tô các bác hàng xóm đi mất rồi, tàu hỏa thì họ bảo ưu tiên cho quân sự. Vậy là cứ ngồi bên lề đường nghe ngóng, nhìn dân tình đi sơ tán. Đến tầm chiều bắt đầu thấy lác đác bộ đội bị thương quấn băng trắng ở tay, ở đầu, chú có súng, chú không, quần áo nhếch nhác đi cùng đoàn người sơ tán. Bố tôi túm lấy một chú bộ đội vác mỗi quả đạn DKZ, quần áo đầy bùn đất mời điếu thuốc lá cuốn hỏi han. Thấy chú này đói nên bố tôi nấu cho chú ấy bát mì thanh, ăn xong mới kể là bộ đội đóng trên chốt, chúng nó đông quá bắn hết đạn thế là lăn xuống đồi chạy. Bố tôi hỏi: "Sao không vứt mẹ quả đạn đi chạy cho nhẹ người?" Chú này trả lời: "Chỉ huy của em bảo không được để vũ khí rơi vào tay địch!!!" Cũng phải nói thật là trong số bộ đội chạy ngược về cũng có rất đông bộ đội không bị thương gì, mặt mày vẫn tái mét chắc vì sợ, nhưng âu họ cũng là con người, ai chả biết sợ, toàn lính trẻ măng có khi chưa cầm súng đánh nhau trận nào. Nhưng cũng có nhiều người máu chiến lắm, thấy mọi người đang ngồi nói chuyện bên nồi mì có chú xà vào xin ăn xong hỏi đơn vị thu dung ở chỗ nào để lấy thêm đạn rồi ngược lên đánh nhau tiếp. Lúc đó trong mắt tôi họ là những "ANH HÙNG"...(còn nữa...)
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Hai, 2016, 11:46:41 am gửi bởi thanhsondlbk » Logged
thanhsondlbk
Thành viên
*
Bài viết: 37


« Trả lời #2 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2016, 08:51:35 am »

(Tiếp phần 3: KÝ ỨC CHẠY TÀU)

Qua ngày hôm sau, một gia đình ở phía bên kia đường đối diện trường học đó là gia đình bác Thân sang bảo bố tôi chuyển cả gia đình sang nhà bác ở tạm. Vậy là chúng tôi không phải nằm Hotel Bờ La Hiên nữa. Trong những ngày tháng khó khăn đó, tình cảm người dân dành cho nhau thật đáng trân trọng. Họ có thể chia sẻ cho nhau từng bơ gạo, cái bát, cái thìa... mặc dù họ cũng không phải dư dả gì. Bên phía ngoài đường thì vẫn vậy, dòng người sơ tán giờ đã có đông bộ đội đi cùng hơn, bên cạnh những chuyến xe quân sự ngược lên biên giới thì cũng đã có những chuyến xe ngược từ biên giới về chở thương binh, tử sỹ. Có lúc vài chiếc đỗ dừng gần chỗ chúng tôi, mọi người chạy ra hỏi han xem xét. Nhìn những bao, túi ni lon, tăng võng nằm bất động dưới sàn xe bê bết máu, những người lính cởi trần quấn băng đầy người ngồi la liệt trên thùng xe, ánh mắt thất thần, ngồi bất động mà nghĩ thấy thương quá. Có chú lính mất một tay, bị thương khá nặng nằm trên cáng khóc gọi mẹ, mọi người xúm vào động viên, có người nhảy hẳn lên thùng xe bê bát nước kê vào miệng cho uống. Được một lát thì không thấy chú lính kêu la gì nữa nằm im trong chiếc cáng, một chú khác kéo cái áo lên che mặt cho đồng đội, vài người dân đứng gần mắt đỏ hoe...Hình ảnh này tôi nhớ mãi đến tận bây giờ. Chiến tranh tàn khốc quá, người lính kia quê quán ở đâu? Bố, mẹ anh có biết hôm nay đứa con mình đã ra đi mãi mãi không?
Một vài ngày tiếp theo, bắt đầu thấy bộ đội của đơn vị thu dung đeo băng đỏ đi dọc đường gom bộ đội chạy về để tập hợp lại. Họ trưng dụng ngôi trường cấp 1-2 làm nơi đóng quân và để vũ khí. Hàng ngày 2-3 người khoác súng cứ đứng ở cạnh đường thấy lính ta chạy về đến đấy là túm lại tập trung về sân vận động Đồng Mỏ phân loại ra những ai còn khỏe mạnh, lấy quân trang, súng đạn tiếp tục lên xe chạy ngược lại về phía Lạng Sơn. Nhiều chú lính khi bị bắt lại khóc tu tu như trẻ con nhìn vừa buồn cười vừa thương. Thực tình thì cũng phải thông cảm cho họ thôi.
Thời điểm này quân ta bắt đầu chuyển bộ đội lên tiếp viện rất đông, xe chạy cả ngày lẫn đêm, có những đơn vị thì hành quân bộ, pháo to, pháo nhỏ, hỏa tiễn 40 nòng... tất cả trực chỉ hướng Lạng Sơn thẳng tiến. Những chuyến xe ngược lại thì bịt bạt kín mít nhưng ai cũng hiểu đó là những xe chở thương binh, tử sĩ, họ che kín không cho bộ đội đang lên trông thấy chắc để tránh hoang mang dao động tư tưởng. Rồi những thông tin chiến sự dồn dập truyền về, nào là Trung Quốc nó đánh chỗ này, nó đánh chỗ kia, lính nó đông lắm bộ đội mình bắn đỏ nòng, hết đạn mà không xuể, rồi nó đã chiếm thị xã đang chuẩn bị lực lượng đánh sâu về đây ...Đặc biệt cái thông tin thám báo của nó đã mò đến cây số 16 chân đèo Sài Hồ bên kia rồi làm dân tình ở Đồng Mỏ lúc này cứ nháo nhác cả lên... Bố tôi bàn tính gửi mấy anh em tôi về Hà Nội trước nhưng nghe mấy chú bộ đội bên thu dung họ bảo Tàu nó biết mình chuẩn bị phản công nên rút khỏi thị xã rồi (cái đơn vị thu dung này là Trung tâm thông tin chiến sự chính xác ra phết vì toàn lính vừa đánh nhau về mà lị) Thấy thế cả gia đình tôi quyết định không đi nữa. Những ngày này được sự giúp đỡ của những người dân nơi đây, mấy đơn vị bộ đội nên cũng không bị đói lắm. Hàng ngày lũ trẻ con chúng tôi chỉ quanh quẩn với mấy chú bộ đội hóng chuyện xong lại chạy về truyền đạt lại cho mọi người nghe. Ở cái đơn vị này có ông chỉ huy nói suốt ngày toàn nói chuyện chính trị giáo huấn cho lính bỏ chạy về (chắc là chính trị viên) chúng tôi nghe nhiều đến mức thuộc, biết trước là ông ý mở đầu như thế nào và nói cái gì tiếp theo...Tựu chung cũng chỉ loanh quanh quân ta dũng cảm, các đơn vị đang chuyển quân tiếp viện lên, Liên Xô, Cu Ba sẽ không để yên, thằng Tàu nó có biết đánh đấm gì đâu mà sợ nó... Trong khi mấy chú vừa đánh nhau về thì kể chúng nó phản pháo chính xác lắm mình bắn đi 1 quả sau chưa đầy 1 phút nó phản pháo đúng chỗ khẩu pháo của mình luôn, ai nghe cũng sợ lè lưỡi. Mãi sau này chúng tôi mới biết ngày đó bộ đội chính quy của mình phòng thủ biên giới phía Bắc rất ít, mỗi chốt chỉ 3-5 người, vũ khí thì tạp nham, hành quân đi qua cửa nhà tôi đầy chú vác súng K50 của Hồng Quân Liên Xô, K44 loại bắn một phát phải lên đạn một lần từ thời nảo thời nào, lính nó thì đông lại chủ động trước, mình bị bất ngờ nên cũng không phòng bị. Thì cũng có ai nghĩ nó đánh mình đâu. (Còn nữa...)
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Hai, 2016, 11:45:33 am gửi bởi thanhsondlbk » Logged
thanhsondlbk
Thành viên
*
Bài viết: 37


« Trả lời #3 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2016, 08:57:14 am »

(Tiếp phần 4: KÝ ỨC CHẠY TÀU)

Bố tôi làm lái xe bên Dịch Tế thuộc Sở Y Tế tỉnh Lạng Sơn, thời gian này cơ quan cũng sơ tán về đây. Đến một hôm (Ngày tháng thì giờ chịu không nhớ) ông bảo phải đưa cán bộ y tế về để tẩy trùng trong thị xã. Hôm đó ông cho tôi theo cùng, lúc này Tàu mới rút khỏi thị xã chỉ có mấy đơn vị bộ đội tiếp quản là được đi lại trong khu vực. Xe chạy qua đèo Sài Hồ tôi cứ để ý xem có dấu tích gì của thám báo Tàu không nhưng chỉ thấy rất nhiều pháo đủ loại bố trí trên đèo. Xe về đến cách thị xã 3 cây số thì gặp một cái barie của bộ đội ngăn lại, các bác xuống xe lấy giấy phép để đi vào thị xã, có 2 chú bộ đội lên xe đi theo cùng cả đoàn. Vào đến đầu thị xã tất cả xuống đi bộ, chỗ này về nhà tôi cũng gần nên 2 bố con đi bộ về xem nhà cửa. Số còn lại chuẩn bị xăng bột và thuốc gì đó cho vào cái bình đeo trên lưng, họ chia nhau đi theo hướng dẫn của 2 chú bộ đội. Do Tàu mới rút nên lúc này khu vực thị xã rất nguy hiểm, thám báo, mìn gài, đạn chưa nổ nhất là đạn cối cắm đầy đường thò cái đuôi xòe như bông hoa lên, 2 bố con vừa đi vừa tránh mấy quả đạn. Quả thực lúc đó bé quá chả biết sợ là gì, vừa nắm tay bố vừa đi vừa ngoái lại xem. Bố tôi có vẻ cũng hiểu biết về súng đạn giải thích là đạn cối lép không sợ đâu. Dọc đường nhà cửa bị phá tan hoang, cây cối đổ ngổn ngang đầy đường. Lạng Sơn trước chiến tranh là một thị xã rất đẹp với những hàng Phượng Vỹ, Nhội và đặc biệt là cây Dã Hương to cỡ 1-2 người ôm tỏa bóng mát trên những con đường nho nhỏ xinh xinh. Giờ cây bị bật gốc, cây bị đạn pháo phạt ngang, phạt dọc, nhựa cây tứa ra thâm đen. Mặt đường hố đạn pháo chi chít dày đặc. Hai bố con đi đến đầu phố thì có 2 chú bộ đội chặn lại xét hỏi, bố tôi trình giấy của Ban Quân quản và bảo: Nhà tôi ở phố này về xem nhà cửa thế nào!. Về đến nhà may quá nhà tôi không bị quả pháo nào chỉ bị bay ngói, trên bàn giữa nhà chình ình một quả đạn B40, bố tôi sợ có mìn gài chạy ra gọi 2 chú bộ đội khi nãy vào bảo họ bê đi cho. Xem xét một hồi thì thấy tủ, rương, hòm bị cậy phá tung tóe hết. Mấy cái cánh cửa thì bị lấy đi làm ván lát hầm. Trong hầm vàng chóe toàn đạn nhọn AK có khi phải đến mấy trăm viên. Lúc này 2 chú quân quản bảo không nên ở đây lâu vì thế bố con tôi lại đi nhưng bố tôi cũng gan lắm ra khỏi tầm nhìn của 2 chú kia là dắt tay tôi đi một vòng bên Tỉnh ( Ở Lạng Sơn chia làm 2 khu: Bên Kỳ Lừa và bên Tỉnh ngăn cách nhau bởi con sông Kỳ Cùng. Bên Tỉnh chủ yếu cơ quan nhà nước còn bên kia là buôn bán). Vừa ra đến đầu Chợ Tỉnh chỗ có cái gốc cây Sung (bây giờ là chợ Chi Lăng) bố tôi chỉ tay bảo: " Người chết kìa"! Theo tay ông chỉ tôi thấy một cái xác mặc quần áo màu xanh Tô Châu cắm đầu vào gốc cây người trương to, ruồi nhặng bay vo ve. Đi tiếp ra đến UBND tỉnh thì ôi thôi... ngôi nhà thời Pháp xây đẹp thế với 2 khẩu thần công để ở cổng mà lũ trẻ con chúng tôi vẫn thường ra chơi giờ chỉ còn là đống gạch vụn. Ngó sang bên này đường cũng vậy tất cả những ngôi nhà to được xây từ thời Pháp rất đẹp đều bị phá hủy. Đến trước cổng UBND tôi thấy có 1 cái biển cắm giữa đường chèn bằng mấy hòn gạch. Bố tôi lại gần đọc: " Nhà báo Nhật Isa Takano chết ở đây". Sau này họ có làm cái bia tưởng niệm dịch vào phía hè đường và đến bây giờ thì cũng đã chuyển lên Nghĩa trang Hoàng Đồng. Tiếp tục đi ra gần bờ sông Kỳ Cùng đập vào mắt tôi trước tiên là một cái xe bọc thép cháy đen thui, sườn xe thủng một lỗ to tướng nhưng chẳng biết của mình hay Tàu. Nhìn về phía cầu Kỳ Cùng thì cây cầu đã bị đánh sập gục xuống dòng sông, nhưng con chó đá ở chân cầu thì vẫn còn. Đứng được một tí bố tôi lại giơ tay chỉ xuống chỗ nước sông quẩn lại ở đó một đám xanh xanh đen đen lập lờ dập dềnh trên mặt nước trôi ra rồi lại trôi vào ông bảo: "Người đấy". Bố con tôi cũng không dám ở lâu vì thấy bộ đội bảo trong thị xã nhất là bên kia sông có thể vẫn có thám báo nó hoạt động vì vậy vội quay về chỗ để xe ô tô.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Hai, 2016, 11:45:55 am gửi bởi thanhsondlbk » Logged
thanhsondlbk
Thành viên
*
Bài viết: 37


« Trả lời #4 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2016, 09:04:43 am »

(Tiếp phần cuối: KÝ ỨC CHẠY TÀU)

Sau khi Tàu rút, gia đình tôi tiếp tục ở lại Đồng Mỏ với rất đông người sơ tán từ các nơi về. Tập trung nhiều tại khu Mỏ Chảo, Than Muội...Những túp lều được dựng lên vội vã bằng tranh tre nứa lá. Mọi người bắt tay vào cuộc sống mới tại nơi ở mới. Thời gian này phần vì chưa quen, phần vì sau chiến tranh nên mọi thứ vô cùng khó khăn. Trong khi các khu vực từ thị xã Lạng Sơn trở lên biên giới, chính quyền chưa cho dân về ở do tình hình vẫn chưa ổn định. Mặc dù Tàu nó rút về biên kia biên giới, nhưng bộ đội mình với nó vẫn xảy ra chạm súng liên miên. Gia đình tôi cũng đã làm một cái nhà nhỏ tường vách đất, mái lá tranh gần cổng ra vào khu Mỏ Đá 4 bên đường QL1 bán dăm ba điếu thuốc, chén nước kiếm sống và tôi được đi học trở lại. Thời gian này không khí vẫn sặc mùi chiến tranh, thỉnh thoảng từng đoàn tàu chở các thiết bị quân sự vẫn ngược lên phía Bắc, trên đường quốc lộ những đoàn xe tăng, xe thiết giáp, xe tải chở người, chở đạn vẫn nối đuôi nhau. Gần khu chúng tôi sống, một bộ phận của đơn vị thu dung đã chuyển hẳn vào khu tập thể của Mỏ nhưng giờ chủ yếu là họ giữ cái kho súng đạn thập cẩm thu hồi từ các chiến trường về. Chính thời gian này, một thằng bé 9 tuổi như tôi được làm quen với súng đạn nhiều nhất. Cứ rảnh là cùng vài thằng bạn mới quen cùng lứa như thằng Sơn Nấm, thằng Quỳ Cò ( 2 thằng này đều đã chết, cầu cho linh hồn chúng mày siêu thoát) thằng Tân Bệu, thằng Thắng Còi... vào kho của bộ đội lục lọi tìm súng đạn để nghịch. Trong cái nhà ba gian cấp 4 to đùng họ để nhiều nhất là lựu đạn quả dứa, lựu đạn chầy cứ từng rổ thép xếp chồng lên nhau không có hòm xiểng gì cả, rồi thuốc nổ miếng như bánh xà phòng. Còn súng họ cứ chất đống nhưng toàn súng hỏng đủ loại từ đại liên, B40, B41, AK, RPD, K44, K50, Cacbin, CKC, M79, AR 15...nhưng tịnh không có khẩu súng ngắn nào, chắc là các chú giấu hết rồi. Đạn các loại chỗ thì cho vào bao, chỗ thì đựng ở rổ thép, chỗ thì cho vào hòm đạn pháo. Được cái 2 chú lính trông kho cũng hiền (nghĩ lại có khi còn dại nữa) cho nghịch thoải mái, sửa lấy mấy khẩu súng xong còn dạy chúng tôi cách bắn. Cứ vác ra bờ suối sau khu tập thể bắn bì bọp suốt ngày. Chúng tôi nhỏ không được ném lựu đạn nhưng mấy anh lớn của tôi thì toàn vác đi ném cá dưới suối. Mãi cho đến năm 1982 gia đình tôi mới về lại thị xã Lạng Sơn, kết thúc thời gian mà người dân gọi là "Chạy Tàu".
Cuộc chiến chính thức đã qua nhưng hệ lụy của nó còn dai dẳng đến tận mãi những năm 1986-1988, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân nơi biên giới nói chung và gia đình tôi nói riêng. Cơ sở vật chất bị tàn phá, cuộc sống bị đảo lộn, vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Những năm sau chiến tranh vào ngày Tết lũ trẻ con chúng tôi thường không quan tâm lắm đến ăn gì mà chỉ cần quần áo mới và pháo đốt. Bố mẹ tôi cũng cố dành dụm để Tết nào mấy anh em tôi cũng có được một bộ quần áo mới diện Tết mặc dù chỉ là cái quần vải xanh chéo, cái áo vải phin, đôi dép nhựa tái sinh xanh, đỏ. Diện mấy ngày Tết xong cất đi để dành, ngày thường thì mặc quần áo bộ đội đã được sửa cho vừa. Còn pháo đốt thì hiếm, cùng lắm được 1-2 bánh pháo tép phải gỡ ra từng quả đốt lẹt đẹt cho được lâu. Tuy nhiên thiếu pháo thì lại được bắn súng thoải mái (những ai ở Lạng Sơn đón Tết thời kỳ này đều biết). Cứ đến đêm giao thừa là từ chập tối đạn đã bay đỏ trời mà họ chọn toàn loại đạn lửa, đạn vạch đường để bắn cứ hàng tràng dài lên trời. Dân quân bắn, bộ đội bắn, dân thường cũng bắn...cứ vác súng ra cửa ra sân mà chĩa lên trời xả cả băng đạn mà cũng chả thấy ai đi bắt cả. Đạn bay từ phía Mai Pha, trên Đèo Giang- Văn Vỉ, trên Dốc Đồn, Núi Đầu rồi cả trong lòng thị xã tằng... tằng...tạch... tạch... xen lẫn cả tiếng bộc phá ùng oàng, lũ trẻ con cứ ra đường ngửa cổ xem rất khoái chí. Anh trai tôi sau khi về Lạng Sơn đi bộ đội ở đơn vị C30 huấn luyện đóng quân ở Mai Pha, Tết cũng đem về 1 khẩu AK (phải chọn loại AK Tàu sản xuất mặc dù nó nặng hơn AK Tiệp nhưng bắn tiếng nó nổ to, giòn nghe thích hơn) cùng mấy trăm viên đạn cho cả nhà bắn. Tôi bé nhưng cũng được anh lắp cho 15 viên kéo một loạt tí ngã ngửa ra đằng sau vì yếu quá không giữ chắc được khẩu súng may mà lúc đấy hết đạn chứ lắp cả 30 viên nó cứ giật lên như thế có khi hôm đấy ngã thật.
Hang Tam Thanh trước đây đẹp lắm, những dải nhũ đá chảy dài từ trần hang xuống tận đất, đủ các hình thù,mỗi khi có ánh sáng chiếu vào nhìn lòng hang lấp lánh như có hàng ngàn hàng vạn viên kim cương được gắn vào đá. Nhưng giờ thì không còn rồi, cũng chẳng phải Tàu nó phá đâu mà là khi đó trong hang bộ đội có cất mấy quả đạn, lũ trẻ con vào chơi thấy thế đục lấy thuốc nổ đem bán. Hôm đấy có 8 học sinh trốn học vào hang lấy thuốc nổ, 1 thằng bé nhất ngồi bên cạnh cửa hang trông cặp sách còn 7 thằng đem theo đục sắt mò vào (trong số này có một thằng ở phố tôi tên là Quý). Lúc đó tôi đang ngồi trong lớp học nghe một tiếng nổ rất to cả lũ chạy ra nhìn về phía Kéo Tấu thấy có đụn khói đen đùn lên, tò mò cũng bỏ học chạy đến xem. Khoảng 200 mét xung quanh cửa hang phủ màu tro xám xịt nhà cửa của dân nứt tường, tốc mái, may cho cái thằng bé nhất trông cặp lại sống (mà nó sống nên mới biết chúng nó rủ nhau đi lấy thuốc nổ trong hang).
Những hệ lụy của chiến tranh thì nhiều lắm toàn chuyện buồn, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đủ đường, nhà cửa, đường sá cầu cống bị phá, chết chóc, cụt chân cụt tay do đạn mìn còn sót lại...người dân bươn trải kiếm ăn từng bữa, cái chuyện vác rá đi vay bơ gạo là chuyện thường tình. Những năm đó vẫn còn trong thời kỳ bao cấp nên đã khổ càng khổ hơn những vùng không có chiến tranh, nhưng dù sao đây cũng là một giai đoạn lịch sử của vùng đất này.
Để kết thúc, xin được thắp lên một nén tâm hương tưởng nhớ những con người đã ngã xuống trên mảnh đất biên cương để bảo vệ đất nước, cầu mong cho linh hồn của họ được siêu thoát và dù cho có thế nào đi nữa với tôi họ là những vị Thánh của nước Việt!
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Hai, 2016, 11:46:18 am gửi bởi thanhsondlbk » Logged
Binh đoàn chi lăng
Thành viên
*
Bài viết: 10


« Trả lời #5 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2016, 10:32:45 am »

Chào Thanh son blbk ;Tôi thường xuyên theo dõi trang này và đặc biệt những đồng đội viết về Lang Son.mặc dù khi ấy bạn có 9 tuổi nhưng cảm nhận ,quan sát trong Ký ức chạy tàu của bạn rất hay ,tôi đọc k sót 1 chữ nào cả, bài viết rất chân thực và nó khơi lại những ký ức không bao giờ phai nhạt trong tôi, khi đó tôi là một người lính  chưa tròn 18 tuổi cũng có mặt tại TX Lang Sơn cùng thời điểm với bạn .. và nhũng địa danh bạn kể trong ký ức thì sau đó tôi đều đã từng đóng quân như mỏ đá 4 (năm 1981 )....và có nhiều kỷ niệm 4 năm 6 tháng ở LS.Hiện nay tôi sống cách  rất xa nơi ấy nhưng vẫn thường theo dõi tin tức về LS.
Chúc bạn khỏe và viết tiếp để chúng ta cùng nhớ về những năm tháng gian khổ và rất đáng tự hào ấy.
Logged
thanhsondlbk
Thành viên
*
Bài viết: 37


« Trả lời #6 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2016, 10:55:53 am »

Chào Thanh son blbk ;Tôi thường xuyên theo dõi trang này và đặc biệt những đồng đội viết về Lang Son.mặc dù khi ấy bạn có 9 tuổi nhưng cảm nhận ,quan sát trong Ký ức chạy tàu của bạn rất hay ,tôi đọc k sót 1 chữ nào cả, bài viết rất chân thực và nó khơi lại những ký ức không bao giờ phai nhạt trong tôi, khi đó tôi là một người lính  chưa tròn 18 tuổi cũng có mặt tại TX Lang Sơn cùng thời điểm với bạn .. và nhũng địa danh bạn kể trong ký ức thì sau đó tôi đều đã từng đóng quân như mỏ đá 4 (năm 1981 )....và có nhiều kỷ niệm 4 năm 6 tháng ở LS.Hiện nay tôi sống cách  rất xa nơi ấy nhưng vẫn thường theo dõi tin tức về LS.
Chúc bạn khỏe và viết tiếp để chúng ta cùng nhớ về những năm tháng gian khổ và rất đáng tự hào ấy.

Cháu chào chú! Rất vui được biết chú! Hàng năm, vào những ngày này cháu lại nhớ đến những năm tháng sơ tán do cuộc chiến tranh chống TQ. Mặc dù còn bé, chưa phải cầm súng nhưng cảm nhận về cuộc chiến không sao quên được theo góc nhìn của một cậu bé. Nhưng rõ nét nhất là sự vất vả, thiếu thốn, mất mát do chiến tranh đem lại. Trong bài có những chi tiết cháu không đưa vào ví dụ như có người lính mới hôm qua còn ngồi với gia đình cháu nói chuyện, đêm hành quân đi lên chốt mà sáng ra đã biết tin vấp mìn cụt cả 2 chân... nhiều lắm những ký ức nhưng phần nhiều là ký ức buồn do chiến tranh đem lại.
Logged
Binh đoàn chi lăng
Thành viên
*
Bài viết: 10


« Trả lời #7 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2016, 12:08:51 pm »

Chào Thanh Son ,Theo Chú nghĩ ký ức do chiến tranh đem lại thì phần lớn là ký ức buồn vì nó kèm theo mất mát ,đau thương - vinh quang nào mà không phải trả giá ,tuy nhiên kể lại,nhớ lại để bản thân mình và mọi người hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh bảo vệ TQ đó,để mọi người đừng bao giờ được mất cảnh giác và không được quyền lãng quên, chú và mọi người đang chờ để được đọc thêm hồi ức của Cháu..
Vì Chú hiện nay sống xa quê hương  và xa Lang son gần 2 ngàn KM -Chú tên Hải quê Bac Giang,1979-1983 linh QĐ 14- LS,sau khi ra quân chuyển ngành vào SG ctac đến nay ( 0984239567 ). rất muốn làm quen với cháu..
Logged
thanhsondlbk
Thành viên
*
Bài viết: 37


« Trả lời #8 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2016, 01:16:48 pm »

Chào Thanh Son ,Theo Chú nghĩ ký ức do chiến tranh đem lại thì phần lớn là ký ức buồn vì nó kèm theo mất mát ,đau thương - vinh quang nào mà không phải trả giá ,tuy nhiên kể lại,nhớ lại để bản thân mình và mọi người hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh bảo vệ TQ đó,để mọi người đừng bao giờ được mất cảnh giác và không được quyền lãng quên, chú và mọi người đang chờ để được đọc thêm hồi ức của Cháu..
Vì Chú hiện nay sống xa quê hương  và xa Lang son gần 2 ngàn KM -Chú tên Hải quê Bac Giang,1979-1983 linh QĐ 14- LS,sau khi ra quân chuyển ngành vào SG ctac đến nay ( 0984239567 ). rất muốn làm quen với cháu..

Gia đình cháu thời kỳ chú đóng quân ở Lạng Sơn cũng có quen 2 chú người Đồi Ngô- Bắc Giang. Chú Thất người to đen, chú Hạnh người gầy cao. Cả 2 đều ra quân khoảng 1983-1984. Riêng chú Hạnh sau khi ra quân có quay lại Lạng Sơn về chơi đơn vị cũ thì bị vấp mìn chết.
Logged
Binh đoàn chi lăng
Thành viên
*
Bài viết: 10


« Trả lời #9 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2016, 01:58:49 pm »

Như vậy là 2 anh này cùng huyện với chú chỉ khác xã thôi,xã chú cách xã Tiên hưng ( khu Đồi ngô) khoảng 7 km . có thể chú k biết hoặc k nhớ ra 2 anh này do cháu k nói các anh ấy thuộc đv nào ? theo chú lính HB thời đó ở sư 3 rất nhiều ,kể cả chú lúc lên LS cũng ở E 141 nên chú đoán 2 anh ấy ở đv trung đoàn 141 thuộc sư đoàn 3 ,E bộ đóng tại bản Loỏng (cây số 5) hay vào TX chơi lắm ,hay ra ga xe lửa ,vườn hoa ĐăcLăc ,bến xe ...Nhà TS ở khu nào ?
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM