Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 02 Tháng Sáu, 2024, 03:08:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Giao liên Quảng Đà  (Đọc 12388 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
pt.hung
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #10 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2015, 12:22:38 am »

Tôi nói: “Tôi không biết thằng nhỏ này.” Chúng lại đánh tôi. Nhưng sau đó thằng thông dịch viên của Mỹ đi thẩm vấn thằng nhỏ và nói với nó: “Mày có biết con đó là giao liên quận II thiệt không? Có biết giao liên thiệt thì mày nói, còn không phải nó là giao liên, mà mày khai bậy cho nó là mày ở tù rục xương đó nghe.” Nghe thằng thông dịch viên nói vậy, thằng nhỏ sợ quá nó phản cung khai lại: “Vì các ông nói nếu khai cho hai chị nớ là Việt Cộng thì tôi được thả ra nên tôi khai đại, chứ thiệt ra tôi không biết họ.” Nhờ lời phản cung của thằng nhỏ mà tôi và chị Lan được thoát nạn. Ở Trảng Nhựt được gần 10 ngày, số bị bắt vào đông quá chúng lại đưa chúng tôi ra đồn Hầm Xẻ (ở Yến Nê, Hòa Tiến). Đồn này không thẩm vấn như ở đồn Trảng Nhựt nhưng chúng đánh ác chiến lắm. Mấy thằng Mỹ ở đây không to, cao như mấy thằng Mỹ ở Trảng Nhựt. Nhưng gặp những người ở đây trước, họ truyền miệng với nhau rằng: “Tụi này ban đêm hay đi tuần tra, đốt rác, nó thích là vào gọi ai bất kỳ lôi ra đánh nhừ tử rồi mới dẫn vào thay người khác ra.” Không rõ là nó đánh vì việc gì. Vì không ai biết tiếng, không có thông dịch viên nên nó thích là gọi ra đánh. Những ngày ở đây, ai cũng sợ chúng, trông cho bọn nó đưa đi đâu cũng được. Nơm nớp lo sợ cả đêm, ngày không ai ngủ được. Không lâu, khoảng 05 ngày sau chúng gọi tên tôi và một số người lên xe đưa ra khu quân sự Hòa Cầm.
 Ở đây, có vẻ nề nếp hơn. Nhốt nam riêng, nữ riêng. Nữ ở một căn nhà to, giống như một cái xưởng trống trơn. Chỉ có vài chục chị em nằm một góc, trời mùa đông lạnh buốt mà chúng cho ngủ dưới nền xi măng trải chiếc chiếu mỏng đơn sơ, bốn phía phòng che bằng tôn, mái cũng lợp bằng tôn, ban đêm sương xuống lạnh ơi là lạnh.
Mỗi ngày, vào lúc 3g sáng, chúng tôi đang ngủ thì nghe ổ khóa ngoài cửa kêu rổn rảng, rồi cánh cửa từ từ mở ra, chúng gọi dậy đi vệ sinh (chúng học được tiếng Việt từ đâu không biết cứ lặp đi lặp lại một câu, cái giọng nghe lơ lớ: Đi đái, Đi cầu! Đi đái, Đi cầu!...). Chúng tôi giựt mình vùng dậy đi theo thằng Mỹ (khu vệ sinh cách xa khu vực tù nhân ở), vệ sinh xong rồi về phòng không ngủ được nữa, chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau đến 4g30. Thằng Mỹ hồi nãy, gọi chúng tôi đi đánh răng, miệng, vệ sinh cá nhân. 5g sáng nó gọi chúng tôi ra xếp hàng lấy thức ăn. Thức ăn toàn đồ hộp của Mỹ, không có cơm.
Tại khu quân sự Hòa Cầm, chúng gọi tôi lên làm cung, thẩm vấn. Ở đây cũng có thông dịch viên, chúng hỏi tôi những lời y như ở đồn Trảng Nhựt. Tôi khai tôi đi ở cho họ ở Đà Nẵng về thăm nhà, đến đó nghe đại bác, bom sợ quá tôi vào hầm núp thì gặp các ông Mỹ đến bắt. Thông dịch hỏi ở Đà Nẵng là ở đâu? Tôi khai đại là ở cho nhà chú tôi, tôi có ông chú đang làm Trưởng đoàn bình định nông thôn của Quảng Nam, nhà ở Đà Nẵng.
- Ổng tên gì?
- Chú tôi tên Ngô Yên.
- Tại sao gọi chú mà lại khác họ?
- Chú bà con cô cậu với ba tôi nên khác họ.
 Chúng gọi tôi một vài lần để hỏi cung, lần nào tôi cũng nói như vậy. Sau đó, tôi không thấy bọn nó gọi tôi làm cung nữa. Một tuần sau chúng gọi tôi và chị Lan lên xe, trả chúng tôi về quận Điện Bàn học tập. Về quận Điện Bàn, phòng thẩm vấn của Điện Bàn gọi lên hỏi cung, tôi phản cung, coi như mình không biết gì.
Tên thẩm vấn hỏi:
- Mày tên gì? Ở đâu?
- Dương Thị An (tên An, bạn tôi đã hy sinh), quê thôn Giáng La, xã Kỳ Minh (nay là xã Điện Thọ)
- Mày làm gì mà Mỹ bắt, có phải là Việt Cộng không?
- Dạ không.
- Không phải Việt Cộng mà sao Mỹ bắt vào Hòa Cầm rồi đưa vào đây?
- Dạ, tôi đi ở đợ ngoài Đà Nẵng, tôi về thăm nhà, tôi đi đường Cầu Đỏ, trên đường về nhà thì gặp Mỹ bắt, chứ tôi đâu có biết.
- Tự nhiên họ bắt mày à?
- Họ bảo tôi về vùng Việt Cộng để tiếp tế cho Việt Cộng, rồi họ bắt chứ tôi có làm chi đâu. Không tin thì ông hỏi chú tôi là ông Ngô Yên đang làm Trưởng đoàn bình định nông thôn của tỉnh Quảng Nam, ông đang ở Hội An đó.
- Mày bảo ông Yên là chú mày mà sao mày họ Dương, ông Yên họ Ngô?
- Chú Yên là cháu gọi bà nội tôi bằng cô ruột.
Thấy tôi nói thật thà, nó tin, không hỏi nữa. Cho tôi về trại, từ đó về sau nó không gọi thẩm vấn nữa, rồi sáng nào cũng cho tôi, chị Đỗ Thị Lan cùng nhiều người đi quét dọn, làm vệ sinh dưới quận. Chắc nó biết chú Yên, vì chú Yên người xã Kỳ Minh ra làm Trưởng đoàn bình định nông thôn là có thật. Có mấy lần dân trên quê bị bắt mà chú biết được chú cũng nhận xin cho họ về, ông bảo đảm: “Những người này không phải là Việt Cộng.”
Trong thời gian ở nhà lao Vĩnh Điện, ai cũng phải nộp tiền cơm. May mà lúc bị bắt ở Điện An, bọn chúng đã lấy mất của tôi đôi khuyên tai bằng vàng, khi biết tụi nó lấy vàng của tôi, còn lại một cái khâu trên tay tôi liền gim giấu trong lưng quần nên bây giờ mới có để bán nộp tiền cơm cho tôi và cả chị Lan. Sau gần một tháng thì tôi được thả tự do tại Vĩnh Điện. Được tự do, sướng quá. Còn tiền, tôi và chị Lan ra chợ mua mỗi đứa một chiếc nón lá rồi lên đường cái đón xe về Thanh Quýt. Ra đến Thanh Quýt chúng tôi xuống xe đi lên thôn Đông Hồ về lại cơ quan, gặp các chú, các anh tôi mừng lắm. Chú Khương nói một câu làm tôi vừa buồn vừa giận chú.
- May mà cháu bị bắt đó.
- Cháu bị bắt, chúng nó đánh đập gần chết, mà chú bảo là “may”? Chú tưởng bị bắt sướng lắm hả? Chú Khương nói:
- Không phải chú nói rứa đâu. Chú nói cháu bị bắt may ra còn sống, chứ như con Ba, con Thọ khi Mỹ rút quân, thằng Long ra công sự gọi bọn nó, nó bò lên không nổi, cố gắng lên khỏi miệng hầm bọn nó ngất xỉu luôn! Sau khi ở tù về tôi nghe con Ba kể lại: “Lúc mi bị đánh ở bờ sông, bọn tau nằm dưới công sự nghe mi khóc, la to quá bọn tau sợ mi chịu không nổi, mi dẫn Mỹ tới chỉ khưi công sự thì bọn tau cũng chết!”
Phải chịu đựng trận càn 21 ngày đêm, nhất là mấy ngày cuối trận càn, bọn chúng siết chặt vòng vây nên không thể lên kiếm đồ ăn, uống được gì đành nhịn đói, nhịn khát. Trận càn đã đi qua nhưng ai cũng hãi hùng vì một phen gian nan vất vả, đói khát. Về đây tôi mới biết chị Bảy, người chị nuôi của cơ quan đã hy sinh vào ngày thứ 15 của trận càn. Tối hôm đó chị về lo cơm cho anh em cơ quan, nấu xong chị tranh thủ ra hố bom tắm gội, rúc công sự cả ngày bẩn quá. Chị đang tắm, có một chiếc máy bay nghe u..u trên trời cao thả đèn sáng và bắn mấy loạt đạn lửa nghe ụt..ụt…xuống đây, chúng bắn vu vơ trong vùng giải phóng, nhưng lại trúng vào khu vực cơ quan đang ở, chị bị ngay loạt đạn đó và hy sinh. Trận càn 21 ngày này, cơ quan tôi có hai người hy sinh: anh Nguyễn Muộn và chị Lê Thị Bảy.
Trận càn này lớn nhất từ trước tới nay. Khi nó càn, có đơn vị bộ đội chủ lực cũng toàn người miền bắc. Họ là những người đa số tuổi đời còn chưa biết đến tình yêu là gì. Nhưng họ đều có một tấm lòng cao cả, chấp nhận hy sinh anh dũng để bảo vệ tổ quốc và nhân dân, không có con đường nào khác là phải chờ địch đến rồi đánh. Mình biết ơn họ, yêu thương họ với tất cả tấm lòng của mình, nhờ những người đồng đội đó mình mới có ngày hôm nay.
 Họ đóng quân ở thôn Hạ Nông xã Điện Phước cũng nằm trong vòng vây của địch, cũng giống như các đơn vị dân chính, không ra khỏi vòng vây phải ở lại chiến đấu với địch. Một phần hy sinh, thương vong do địch ném bom, thân xác không toàn vẹn, một phần chiến đấu với địch đến phút cuối cùng không cách nào khác là chấp nhận hy sinh, có số bị thương rồi cũng bị địch bắt. Nhiều lắm, thương các anh lắm, ăn uống thiếu thốn, mà lúc nào cũng chiến đấu với kẻ thù cả trên không lẫn dưới đất.
Tôi ở tù về, anh Long tính tiền sinh hoạt phí, cấp cho tôi hai tháng trong thời gian tôi bị tù. Ở tù gần hai tháng nhưng anh cấp luôn 2 tháng, được bao nhiêu tôi không nhớ rõ, chỉ nhớ, sau khi nhận được tiền sinh hoạt phí, tôi đi công tác ra Đà Nẵng và đổ một chỉ vàng bù lại chỉ vàng mà tôi đã bán nộp tiền ăn trong nhà lao Vĩnh Điện. Thời gian này cơ quan cứ ăn gạo thối miết, gạo chôn cất bằng thùng phuy nhưng không biết sao nước cũng vào ngâm hư hỏng hết, khi lấy lên trải, canh ra hong cho khô, nhưng rồi nấu cơm, cơm cũng thối, nhưng không ăn thì biết ăn cái gì, nên đành phải nuốt! Khi tình hình yên ả, các anh trai tráng ra sông Cầu Thang lặn dưới bèo lục bình bắt ốc bưu vào nấu ăn với cơm. Tôi còn nhớ có lần trời mưa, nước lớn, mấy anh cơ quan thấy con rắn ở trên trần nhà, các anh bảo nhau:
   - Có con rắn bò lên trần nhà, mình đập làm thịt ăn!
Rứa là thi nhau thọc rắn rớt xuống, đập làm thịt ăn. Tôi sợ quá không ăn được. Rồi các anh đề nghị làm bánh xèo ăn. Anh Long nói:     
- Hương, em đi xay bột đúc bánh xèo ăn hỉ.
- Nước lụt làm sao đi xay bột được.
Anh Long (lớn) bảo: “Anh với em dò đường đi chứ có chi đâu.”
- Rứa thì đi, nhưng em sợ sụp ướt hết đó. Anh Long (lớn) nói:
- Không sao đâu.
Logged
pt.hung
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #11 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2015, 12:23:03 am »

Hai anh em dò dẫm đi trên đường nước còn tràn đồng mà ra thôn Nam xay bột. Đem bột về, tôi đúc cái bánh đầu tiên, bánh xèo không rỗ mặt, nó láng bóng. Anh Long (nhỏ) nói:
- Bánh xèo nó giống cái mặt của con H. quá.
- Vì răng?
- Nó láng bóng chứ răng!
Tôi tức quá không đúc nữa.
- Ai biết thì vô đúc, em không biết làm đâu.
-Anh nói đùa chút mà cô em giận liền. (anh Long nhỏ phân bua)
Tôi lại vào bếp. Lần này tôi đổ nước lạnh thêm vào, khuấy bột cho đều rồi đúc tiếp. Cái bánh thứ hai này là bánh xèo thật rồi, ai cũng vào bếp xem thử rồi khen: “Em giỏi lắm”. Cuối cùng cũng được một bữa ăn bánh xèo ngon lành, mặc dù chẳng có gì ngoài bột gạo, khi ăn bánh xèo chấm với nước mắm, rứa mà ngon quá trời.
Tháng sau, khi ở tù nhà lao Vĩnh Điện về chưa đầy tháng, khoảng cuối tháng 2/1969 chú Sáu Hưng điều tôi về công tác cho chú, chú là Phó bí thư Quận ủy phụ trách Đấu tranh chính trị của quận Hai, cơ quan cũng ở gần nhau.Trong cơ quan có chú Sáu là thủ trưởng còn lại cô Mười Hoa (cơ sở bị lộ mới về), cô Năm Cao phụ trách các tiểu thương, phụ nữ trong thành, anh Long (nhỏ) bảo vệ chú Sáu, anh Tám bảo vệ cơ quan, chị Hoa, Hiền, chị Bảy (Huỳnh), chị Bảy (Xê) là giao liên hợp pháp và một số giao liên, cán bộ công tác trong thành phố thường hay về họp hội. Về đây cũng lại ăn gạo thối bị ngâm nước lụt, lúc nào trong nhà cũng nghe mùi thum thủm. Tôi còn nhớ, đơn vị bộ đội toàn người miền bắc, nghe nói trung đoàn hay tiểu đoàn 36 gì đó về đóng quân ở đây rất đông, ban ngày lo làm lán trại ở, đào hầm công sự chống càn, ban đêm đi lấy gạo dưới vùng C (vùng cát Điện Bàn), có đêm không gặp địch phục kích thì lấy được ít gạo về ăn, có đêm bị địch phục kích không lấy được phải về tay không. Quân đông, gạo ít, ăn không đủ làm sao dự trữ khi có địch càn. Có ngày các anh bộ đội phải đào củ chuối nấu ăn thay cơm. Chỉ có những người thanh niên nhiệt huyết với non sông đất nước mới làm được như vậy. Bọn giao liên hợp pháp chúng tôi, mỗi lần đi công tác về thường hay mua bột ngọt, mì ống (mì Ông Phật), cá hộp về cho cơ quan, thỉnh thoảng chúng tôi lấy cho các anh bộ đội, có lúc bị cô Năm biết được phê bình. Chúng tôi biết sai nhưng thấy các anh cực khổ nên thương mà cho thôi. Nghĩ mình thường ngày ra, vào Đà Nẵng, muốn mua gì cũng được, còn các anh ấy đâu có được như cơ quan mình. Các anh bộ đội miền bắc lúc đó còn trẻ non, thư sinh lắm, hỏi chuyện, các anh tâm sự: Đang học dở dang cấp ba, nghe Đảng nhà nước kêu gọi tòng quân đánh Mỹ, vì miền Nam ruột thịt, các anh, sẵn sàng đăng ký đi ngay. Anh Bốn y sĩ của đơn vị, 19 tuổi, kể: “Anh học hết cấp ba, đi học y sĩ rồi vào Nam chiến đấu luôn.” Khi nào không có địch càn, thời gian rảnh anh Bốn hay lại cơ quan tôi chơi lắm. Vùng này không có dân, mỗi khi đi hái rau, lượm củi các anh thường ghé vào chơi, cô Mười Hoa cũng thường lấy đồ hộp (cá, thịt) ra cho mấy anh.
Quanh thôn Đông Hồ hồi đó có cơ quan của An ninh quận do chú Kim Thanh phụ trách, Thanh niên quận có anh Ngô Tấn Kháng phụ trách, cánh anh Hoàng Tư Nghĩa của Hải Châu, cánh Ngũ Xã do ông Triệu phụ trách còn có Bộ chỉ huy Quân sự của Quận đội do chú Kim làm quận trưởng và nhiều đơn vị lắm. Đơn vị nào cũng có giao liên hợp pháp đi vào đi ra, mỗi lần đi công tác đụng đầu nhau, khi gặp như thế là tự mình tránh mặt để bảo vệ bí mật cho mình. Một thời ở đây rất vui.
Hồi nhỏ ở nhà tôi không biết ăn khổ qua, rau má vì các thứ rau này nó đắng lắm nhưng khi tôi ở với dân công tác dưới Điện Nam, Điện Ngọc riết rồi cũng biết ăn khổ qua. Vì dân vùng này ở đất cát nên họ chuyên trồng rau xanh như: cải, rau thơm, khổ qua .v.v…Còn rau má hồi năm 1973 ở Sơn Phúc, trong các bụi cây xanh, đồi tranh thường có rau má, không có gì khác nên chúng tôi đi hái về ăn, ăn mãi rồi cũng quen.
Nhớ có một lần hồi đầu năm 1969 chú Sáu Hưng phân công tôi đi ra Cẩm Lệ đưa thư cho một anh cơ sở lính biệt động quân ngụy. Hôm đó tôi ra Cẩm Lệ nhưng chưa vào nhà anh ta, vì tôi chưa biết mặt cũng chưa biết nhà nên tôi ghé vào nhà bà Huynh là cơ sở, nhà bà ở quán Đoai nhưng quê ở Cẩm Lệ nên bà biết rõ ở đây. Tôi hỏi kỹ tên, công việc của họ, tả hình dáng người, tôi nắm chắc rồi đi đến nhà anh ta vào lúc trưa để gặp anh ở nhà. Tôi mới bước vào nhà, thấy tôi anh hỏi:
- Cô tìm ai?
- Dạ, em muốn gặp anh H., xin hỏi anh có phải là anh H. không?
- Tôi đây. Nhưng cô là ai, tìm tôi có việc gì?
- Dạ, em là người của chú Sáu Hưng, chú bảo em ra gặp và đưa thư này cho anh. Tôi mới nói vậy là ông nớ đuổi tôi liền, ổng nói:
- Tôi không biết ông Sáu Hưng là ông mô, cô hãy đi mau ra khỏi nhà tôi chứ không thì tôi gọi cảnh sát ở Hòa Vang gần đây đến bắt cô bây giờ. Tôi không tin và cố nói với anh ta:
- Chú Sáu Hưng nói chính xác ở đây mà, em không nhầm đâu.
- Tôi nói mà cô không tin, tôi gọi cảnh sát bây giờ cô có tin không?
Anh ta trả lời dứt khoát như vậy, tôi xin chào đi ra mà lo sợ nếu nó gọi cảnh sát tới thiệt thì coi như mình bị bắt quả tang. Tôi ra khỏi cổng nhà anh ta rồi cố đi thật nhanh và liếc nhìn thử có ai theo sau không. Tôi lẻn vào chợ Cẩm Lệ quanh một vòng, thấy không có gì khả nghi tôi mới ra đón xe về. Tôi đi đường mà cứ suy nghĩ chú Sáu bảo đưa cho thằng này là đúng rồi, mà sao nó lại từ chối và dọa mình. Về đếnThanh Quýt rồi coi như yên tâm, thế mà vẫn còn hồi hộp hai chân tôi vẫn thấy như run run. Nhưng tôi cũng nghĩ: “Đúng ra thì thằng này nó cũng tốt, chứ không, nó báo cảnh sát bắt mình thiệt thì làm gì được nó.” Tôi về cơ quan báo lại chú Sáu, ông nói:
- Lạ hè, cơ sở báo với chú là họ đã xây dựng được thằng lính biệt động quân tên nớ là đúng rồi. Thôi, để chú kiểm tra lại thử.
Ngày 25/2/1969 tôi công tác ở Đà Nẵng về và cũng gặp Hiền ở Đà Nẵng vừa về. Chúng tôi gặp nhau ở chợ Thanh Quýt rồi cùng nhau về dưới xóm nhà ông Hương Bốn ở bến đò của ông Cửu Đoan - Điện Nam để tối đó cùng nhau đi theo đường dây của giao liên tỉnh về vùng B Điện Bàn. Xuống đây, hai đứa gặp anh Long (nhỏ) bọn tôi mừng, vì có người của cơ quan cùng về. Bọn tôi hỏi:
- Vừa rồi địch càn, cơ quan mình có ai hờ chi không anh Long?
- Có anh Tám bị thương! Nghe anh Tám bị thương, tôi và Hiền sốt ruột hỏi tiếp:
 - Anh Tám bị thương ở đâu, có nặng không? Anh Long làm im một lúc, tôi và Hiền hối thúc hỏi:
- Anh Tám bị thương ở đâu? Anh Long trả lời:
- Bị thương ở chân giữa, mà cơ quan chuyển về phía sau để điều trị rồi. Hai đứa nghĩ: “Cái ông này nói chi lạ rứa, mình hỏi thiệt mà ổng trả lời kiểu đùa cợt!” Hiền tức quá mếu máo như gần khóc, anh Long nói tiếp:
- Anh nói thiệt đó. Rồi ổng bỏ đi chỗ khác. Sáng hôm sau về cơ quan hai đứa hỏi mấy cô ở nhà về anh Long, Mấy cô nói:
- Thằng Tám nó bị thương chỗ hiểm, khó nói đó mà. Từ đó đến nay chúng tôi không gặp lại anh Tám nữa.
Cuối tháng 3 năm 1969, con Xê (giao liên của chú Khương), do con Hoa (Voi) giao liên quận đội chỉ điểm đã bị địch bắt trong lúc ra công tác tại Đà Nẵng vì mắc mưu, dụ dỗ của địch, nó chỉ cho địch bắt con Thọ, người cùng quê, cũng là giao liên chú Khương. Vào đây chúng rủ nhau chiêu hồi và cùng nhau ra đứng các điểm chốt mà giao liên thường đi qua lại để chỉ cho địch bắt. Sau một tháng, đột nhiên con Thọ về, nó nghĩ chưa ai biết nó đi chiêu hồi, nên nó nói là nó chạy trốn được nhưng thực ra là để dẫn địch về bắt chú Hưng. Nhưng khi nó về đến cơ quan thì cơ quan giữ lại và đưa lên tỉnh (trên núi) “học tập” (nó có ba đi tập kết, mẹ cán bộ). Trong thời gian ở Trung tâm chiêu hồi nó khai không sót một ai. Anh Tâm biệt động cánh Hòa Cường, bị bắt cũng vì nó.
Bấy giờ giao liên phải rất cẩn thận khi đi qua những nơi như: bến xe chợ Cồn, bến xe Vườn Hoa. Có thời gian bọn nó đón mãi ở bến xe chợ Cồn nhưng không bắt được ai, nó lại đi đón những đường huyết mạch có trạm gác của cảnh sát như: bót cảnh sát đường đất đỏ (nay là đường Hà Huy Tập), bót cảnh sát Hòa Cầm, bót cảnh sát Miếu Bông v.v.
Logged
pt.hung
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #12 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2015, 12:23:35 am »

Tháng 4 năm 1969, lúc đó tôi được 15 tuổi, đang đi giao liên cho Văn phòng Quận ủy quận 2 (nay là quận Hải Châu) do chú Sáu Hưng trực tiếp phụ trách. Thường ngày, tôi đi xe ra đến ngã 3 Cai Lang, tôi xuống xe đi bộ để tránh bọn chỉ điểm ở bến xe chợ Cồn. Lần này, trên đường đi từ xã Điện An (Điện Bàn, Quảng Nam) ra Đà nẵng, đang ngồi xe lam đến đường Đất Đỏ, thì một tên chỉ điểm đang ngồi trong bót cảnh sát phát hiện ra, mặc dù tôi đã ngồi quay lưng ra ngoài. Tên cảnh sát ra hỏi giấy, bắt tôi xuống. Lúc ấy, tôi nghĩ “Rứa là rồi!” Chúng lập tức chở tôi về bót cảnh sát trên đường Hoàng Hoa Thám để lột quần áo kiểm tra. Lúc đó, tôi có đem theo một bức thư. Trên đường chúng chở đi, tôi tranh thủ nhai nuốt để thủ tiêu. Nhờ đó khi về đồn cảnh sát lục soát, trên người tôi không có gì cả. Buổi chiều cùng ngày, chúng đưa tôi xuống Trung tâm chiêu hồi ở đường Đống Đa hòng dụ dỗ để khai ra tổ chức, cơ sở. Ở đây, tôi thấy nhiều người trạc tuổi mình cũng bị bắt, nhưng không biết ai đã chỉ bắt mình. Sau khi theo dõi, tôi được biết Xê đã khai rất cụ thể về tôi. Bữa cơm tối hôm ấy, chúng đưa vào cho tôi một tô cơm, chén canh để ăn uống đàng hoàng, sau đó mới gọi lên thẩm vấn. Trước tên cảnh sát hỏi cung, tôi giả vờ ngơ ngác: “Mấy ông kêu tôi hỏi giấy rồi bắt tôi chứ tôi có biết chi mô.” Nghe vậy, chúng liền đưa Xê, Cúc lên đối chứng. Tôi lắc đầu: “Tui không biết họ.” Tên giấy khai sinh giả của tôi là Hồ Thị Bông, nhưng con X. khai tôi tên Hương. Tôi cãi lại và nhấn mạnh tôi là Hồ Thị Bông. Bọn cảnh sát liền bộc lộ bản chất “đồ tể”, chúng thẳng tay đánh tôi không thương tiếc. Tuy nhiên, cô bé mười lăm tuổi này vẫn khăng khăng: “Tôi không biết. Tôi là Bông chứ không phải là Hương.” Tên cảnh sát đem lời khai của Thọ ra đọc có nội dung tôi được kết nạp đoàn cùng một đợt với Thọ vào năm 1968. Kết quả chúng thu được vẫn là câu trả lời “Tôi không biết.” Cũng cần nói thêm rằng, ở Trung tâm chiêu hồi, không chỉ riêng tôi mà số cán bộ, giao liên từ nhỏ đến lớn bị bắt vào đây thẩm vấn đánh đập, có lúc bị lột hết quần áo để rồi tra tấn. Thủ đoạn tra tấn chung vẫn là bắt người tù nằm ngang qua thành bồn tắm, lấy chiếc khăn lông dày tẩm xà phòng đắp lên mặt, sau đó xả nước từ vòi hoa sen từ từ chảy xuống. Mỗi thằng giữ một tay ở hai bên, còn một thằng giữ hai chân tôi ghì chặt xuống thành bồn tắm. Hồi lâu, khi tôi không còn nhúc nhích và không biết gì nữa thì chúng nghỉ tay, khiêng về phòng. Sáng hôm sau gọi lên, lại đối chứng với Xê, tôi vẫn không chịu. Chúng lại đánh tiếp, chúng dùng nắm tay tộn từ dưới bụng ngược lên sườn, sau đó đem nhồi nước xà phòng y như trước. Sau này mỗi lần thấy khăn lông và xà phòng là tôi rùng mình, kinh hãi. Tên Nga trên Trung tâm thẩm vấn Thanh Bình xuống thẩm vấn tôi rồi nổi cáu nói: “Con nít còn chưa biết chi hết trơn mà cũng theo cộng sản lại còn ngoan cố.”
Tôi biết, một số người bị bắt đã khai về tôi rất nhiều, nhưng tôi không chịu. Nửa tháng sau làm cung xong, chúng bịt kín mắt tôi dẫn tôi ra xe bịt bùng, đưa tôi xuống Trung tâm thẩm vấn Thanh Bình và tống tôi vào phòng xà lim luôn. Lúc được tháo dây bịt mắt ra, tôi dụi mắt nhìn quanh phòng không thấy gì hơn ngoài cái cầu tiêu. Ở đây cảnh sát chuyên thẩm vấn vào ban đêm, thi thoảng cũng có thẩm vấn ban ngày, nhưng không có quy luật nào hết. Mỗi lần tên Nga thẩm vấn, ngoài việc đổ xà phòng, đập đầu tôi vào tường nó còn có cách đánh khác là: miệng nó hỏi mà tay của nó cứ véo hai bên trái đùi của tôi, vết đỏ nó véo tôi cả tháng sau mà vẫn còn bầm tím. Các anh chị bị bắt trước truyền tai lại rằng: “Sợ nhất là gặp tên Nga.” vì hắn vốn là người đằng mình chiêu hồi. Hắn biết nhiều chuyện nên nói y như thật, từ đồng chí lãnh đạo này đến ông cán bộ kia nên không ít người bị mắc mưu. Với tôi, dù hắn có giở mọi thủ đoạn, vẫn chỉ là: “Tui ở trong quê ra đi ở, đến chỗ nớ thì các ông bắt, chứ tui có biết cái chi mô.” Trong phòng biệt giam bé tí của Trung tâm chiêu hồi Thanh Bình, không có gì ngoài cái cầu tiêu và một chiếc chiếu manh đã cũ và rách nát. Sau khi đi thẩm vấn về, vừa bị đánh đập đau vừa mệt nên ngủ say, khi giựt mình thức giấc tôi thấy đầu mình gối lên thành cầu tiêu. Những ngày ở đây thần kinh luôn căng thẳng, lúc nào cũng trong tình trạng sợ bị thẩm vấn, hỏi cung. Hằng ngày thì ăn cục cơm thiu, một miếng canh khoai lang thối, nửa tháng mới cho đi tắm qua loa năm phút là xong, nên tóc tai rối bời vì bẩn thỉu, sinh ra chấy nó bò tận xuống mang tai, bò quanh cả cổ. Còn nước súc miệng thì đúng 5g sáng phải dậy hứng vòi nước dội cầu. Khoảng nửa tháng sau chúng gọi tên tôi ra, bịt mắt đưa xuống Ty cảnh sát Gia Long. Xuống Gia Long, chúng tiếp tục gọi lên hỏi cung, thẩm vấn lần cuối cùng. Chúng cũng không thu được gì thêm. Gia Long là nơi tạm giam người từ các nơi đưa đến nên nhốt tập thể, tù cũ có, tù mới có nên tuy còn thẩm vấn, đánh đập, nhưng có tập thể, mỗi lần ai đi thẩm vấn bị đánh về là chị em xúm lại xoa bóp, hỏi han, động viên nhau nên thấy yên tâm và không còn sợ nữa. Nhưng nhà lao Ty Gia Long tù nhân rất đông, phòng nhỏ hẹp, kín nên nóng nảy. Đúng là:
“Ngày đêm không có chổ ngồi,
Chen nhau mà đứng, mồ hôi ước dầm.”
Trong lúc, anh em ốm đau bệnh tật, bọn chúng không cho thuốc men mà còn đối xử hà khét với tù nhân.
“Ôi! Mở cửa, mở cửa có người xâm ngã gục.
Ê, Im đi tau múc quẹo sườn!”
Những lúc như vậy, ai cũng thấy thương xót cho đồng đội mình, ngày đêm phải chịu bao cảnh gian nan, đớn đau.
“Nhìn lên thấy bạn thảm thương,
Mỗi lần tra tấn thịt xương tím bầm…
Gặp tên Nghiêm nơi nào cũng bị.
Mặt kiêu kỳ,gậy sẵn trong tay.
Trẻ già chỉ một tiếng mày.
Chẳng cần phải trái, gậy thì vào lưng…
Như thế, nhưng lúc nào bọn nó cũng rêu rao là: chính nghĩa, là tự do.v.v.
             “…Ôi cái tự do của Mỹ, ngụy kinh hoàng”
               Trong hoàn cảnh đó ai cũng lo lắng và thương yêu nhau, tối nào ngủ chị em cũng phải cùng nằm nghiêng một bên như sắp cá chuồn, nếu có phải trở mình thì phải cùng nhau trở đồng loạt. Có hôm, một chị mỏi quá mới cố gắng trở mình nằm ngửa ra một tí, tên giám thị đi ngang qua nhìn thấy, nó lập tức lấy dây roi dài đứng ngoài cửa quất thẳng vào người đó nhưng cả một dãy người đang nằm ngủ cũng đều bị đánh luôn. Hồi ấy ở đây, phòng chật, nóng lắm, cái lưng của tôi bị mọc sảy dày như cơm cháy, ngứa rần không sao ngủ được, khổ sở vô cùng. Ở Gia long, nước sinh hoạt cũng rất hạn hẹp, trời mùa hè mà bọn nó cho tù nhân một tuần tắm qua loa một lần thì làm sao chịu nổi. Vì thế cho nên mấy chị lớn hơn mỗi buổi sáng vào lúc 4g thường xin đi dọn vệ sinh dưới bếp, ở WC và lượm rác trong sân khu vực của Ty thì mới có nước tắm, giặt được nhiều hơn một tí. Bên mấy anh nam giới thì suốt ngày phải mặt quần cộc và cầm chiếc khăn để lau mồ hôi chứ mặc đồ dài là nóng lắm. Cuối tuần mới cho họ tập trung ra ngồi quanh giếng nước trước dãy trại giam của nữ, có một người đứng sẵn ở đó để múc nước xối qua loa cho họ, thế mà gọi là tắm đó. Cho nên, hồi năm 1969 chú Lương Trí Nghĩa có sáng tác bài hát về Gia Long, tôi còn nhớ:
“Xối qua một lượt chưa kỳ.
 Xối lại lượt nữa chúng xô đi vào”
Xối chưa ướt cái lưng trần của họ mà đã xô vào, nếu ai chậm trể là giám thị lấy roi quất liền không thương tiếc.
Tắm rửa thì như thế, còn ăn uống thì thôi khỏi phải nói. Một hôm, hỏa thực đem cơm đến và múc canh rau muống ra chia cho mọi người, thấy có chiếc dép nhựt bị đứt quai đen thui nằm trong nồi canh rau đó. Thấy thế, ai cũng rùng mình, không dám ăn canh.
Logged
pt.hung
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #13 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2015, 12:23:52 am »

Bởi vậy, tôi mới nghĩ: “Tụi nó khai cho mình như rứa chắc gì mình được thả ra sớm nên tôi mong được lên kho đạn để khỏi bị tra tấn, đánh đập nữa, mà tắm rửa chắc cũng đỡ hơn.” Vì tôi nghe các chị ở trên kho đạn về nói ở đó có nước tắm và sinh hoạt tự do hơn ở Gia Long nhiều. Lúc còn ở Gia Long, một hôm mới sáng sớm tôi thấy thằng giám thị cầm gói đồ đi vào phòng, đứng trước cửa nó gọi: “Nguyễn Thị Hương có thân nhân gửi đồ, nhanh ra nhận.” Nghe đúng tên mình, nhưng nghĩ bọn chiêu hồi khai tên mình, mình đâu có chịu nhận, mà bây giờ ra nhận quà sao được.” Thằng giám thị gọi miết nhưng không có ai ra, nó liền cầm gói đồ qua phòng nam gọi: “Nguyễn Văn Hương,” cũng không ai ra nhận, nó lại chạy sang phòng nữ gọi lại lần nữa. Lần này mấy chị cùng phòng bảo: “Mi cứ ra nhận đại thử ai gửi đồ cho mi, chắc thằng gác cổng này nó không biết hồ sơ của mi đâu.” Nghe lời các chị, tôi ra nhận đại đem vào, cầm trên tay gói quà bọc bằng giấy xi măng, ngoài bìa đề người gửi: Nguyễn Văn Thao gửi cháu Nguyễn Thị Hương. Tôi ngạc nhiên và thấy thương bác tôi. Ông là bác họ, hồi ở quê, ông ở bên xứ vợ dưới Điện An, mỗi lần có giỗ ông mới về Điện Thọ. Chiến tranh xảy ra, gia đình ông đi tản cư ra Đà Nẵng. Có lần ông dẫn người con trai lớn của ông là Nguyễn Văn Cư về quê cho đi bộ đội, và dẫn một người em họ mà ông nuôi từ nhỏ cũng về đi bộ đội luôn. Từ ngày xảy ra chiến tranh hai bác cháu không gặp được nhau mà sao giờ này ông biết tôi bị bắt ông gửi đồ cho tôi. Tôi mở gói đồ ra, thấy trong đó có một ổ bánh mì nhân thịt, một cái bánh chưng và một bộ đồ vải tám. Tôi đem bánh chưn chia ra mỗi người ăn một chút cho vui, tôi ăn ổ bánh mì trừ bữa sáng, còn bộ đồ tôi cất giữ làm kỷ niệm. Tôi vào đây, các chị bị bắt trước mà có gia đình thăm nuôi thường xuyên, các chị cho áo quần tôi mặc cũng đủ rồi. Khoảng một tháng sau chúng đưa tôi lên kho đạn. Không có chứng cứ nên không ra tòa mà mang án an trí. Ở kho đạn có một mảnh đất cát rộng bỏ hoang, giám thị trại giam bắt chị em tù chính trị ra cuốc đất lên vun hàng để trồng rau khoai. Trồng rau xong, bọn nó giao cho tù nhân chính trị hằng ngày phải xách nước tưới. Thế là, trưởng phòng phân công mỗi tổ vào ngày chủ nhật phải múc nước ra tưới bằng nước hố tiêu. Một thời gian sau, đám rau lên xanh tốt, ngọn rau vượt lên non mơn mởn, chị em ai thấy đám rau cũng thèm. Hôm đó có giám thị tên Mật xuống đây, chị em xúm lại xin ít rau lang để nấu canh. Lúc đầu nó không cho, chị em kiên trì nói miết cuối cùng nó cũng đồng ý, nhưng không cho nhiều. Nó dặn đi dặn lại là: “Một người chỉ hái được một nhắm rau thôi nghe chưa”. Chỉ chờ có vậy, mừng quá, chị em ùa ra mỗi người hái một nắm cầm trong tay đem vào bỏ chung lại từng mâm ăn của mình. Hôm ấy cả phòng ai cũng được ăn bữa rau lang tươi ngon lành. Sáng hôm sau vào lúc giữa buổi, tên giám thị tên Phú mặt mày dữ dằn xuống gọi chị em tù chính trị tập trung nhanh, nó hối thúc và dí chị em vào gấp. Cửa phòng thì nhỏ, người thì đông nên khi chạy vào, chị em chen lấn nhau té ngã lăn chiêng, chưa ai hoàn hồn thì nó vào đóng cửa và khóa lại. Không ai biết việc gì mà tên giám thị này lằm lằm cái mặt thấy dữ quá. Nhưng chị em cũng thầm to nhỏ với nhau là: “Chắc do chị em mình hái sạch đám rau lang của nó”. Y rằng, khi tập trung hết vào phòng, nó vào đứng nghiêm nghị và gặng hỏi:
- Ai là người chủ trương hái sạch đám rau của trung tâm?
Chị Ba Thương trưởng phòng đứng lên trả lời với nó là:
- Chị em tôi đã xin giám thị Mật rồi. Nó không tin, nó gọi giám thị Mật xuống làm chứng, tên giám thị Mật bảo:
- Tôi cho mấy bà mỗi người một ít thôi, chứ tôi có cho hết đâu mà sao mấy bà hái sạch đám rau? Chị em trong phòng đồng thanh đáp lại:
- Thì bọn tôi mỗi người một nhắm trong tay theo ý của Thầy chứ mấy!
- Nói như mấy bà tại sao đám rau không còn một cộng?
- Chị em trong phòng đông, chỉ cần mỗi người một nắm trong tay chứ có nhiều đâu Thầy!
Thì chỉ cần mỗi người hái một nắm là đủ sạch sẽ đám rau lang rồi chứ còn gì nữa. Cả mấy trăm người thì hỏi rau đâu mà không hết!
Cuối cùng nó đuối lý, không biết làm gì được. Nó tức quá, nên bắt phạt chị em bằng cách đóng cửa phòng, không cho ra ngoài ba ngày. Bọn nó cho hỏa thực  đưa cơm vào phòng ăn. Cả phòng đấu tranh không chịu, mỗi lần bọn nó đưa cơm xuống, giám thị mở cửa đẩy mấy thùng cơm và thức ăn vào phòng, thì chị em đẩy thùng cơm ra ngoài không nhận. Chị em lý giải rằng: “Bọn tôi ở tù lâu năm mà ăn, ngủ, vệ sinh cùng một chỗ, sẽ sinh bệnh tật là không được.” Nhất quyết cả phòng đấu tranh không chịu nhận, thà nhịn đói còn hơn là ăn, ở mất vệ sinh. Cả ngày hôm đó phòng nữ tù chính trị không nhận cơm ăn và chịu phạt đóng cửa. Bọn nó gọi trưởng phòng lên Ban giám thị, ngăm nghe, hù dọa đủ điều nhưng chị em không sợ, vì chị em nói mình không sai. Cuối cùng ý đồ phạt 3 ngày của bọn nó coi như bất thành. Ở đây cũng có tổ chức sinh hoạt Đảng, Đoàn trong bí mật. Mỗi lần muốn họp thông báo việc gì là chị em gọi ngồi lại với nhau, người thêu thùa, người đan áo như bình thường để qua mắt địch. Tổ chức sinh hoạt Đoàn của bọn tôi do chị Hoa (Chữ) phụ trách. Cái ngày Bác Hồ mất chị em biết tin, ai cũng ngậm ngùi thương tiếc, được sự chỉ đạo của mấy chị lớn (lãnh đạo) phòng, sang ngày hôm sau, cả phòng đúng 4g30 sáng phần ai tự động dậy đứng im tại chỗ của mình làm lễ mặc niệm trong sự trang nghiêm hướng về Bác Hồ.
Tôi ở đây được gần hai năm, đến tháng chạp, chị em tù tổ chức văn nghệ cho vui trong đêm giao thừa. Ở nhà lao kho đạn có chị Hoàng Mai là cơ sở, ngoài đời chị làm giáo viên sử nên chị biết lịch sử Việt Nam nhiều, chị thuộc lòng lịch sử của Nguyễn Trãi. Chị viết kịch, và chị cũng là người đóng vai Nguyễn Trãi, Nhung đóng vai Sa Mây (người yêu Nguyễn Trãi), chị Thanh đóng vai Phi Khanh (cha Nguyễn Trãi). Vở kịch được tập dượt gần hoàn thành chờ ngày biểu diễn cho chị em trong phòng xem vui xuân. Đột nhiên, vào một ngày gần tết âm lịch (25/12) âm lịch năm 1970, đúng 5g sáng, giám thị đùng đùng mở cửa gọi tất cả chị em trong phòng dậy, chuẩn bị đồ đạc sẵn sang, ai nghe đúng tên mình thì mang đồ ra ngoài. Tâm tư ai cũng hồi hộp, lo lắng và sẵn sàng chờ đợi, thế rồi chúng đưa nhiều chị em đi, trong đó có nhóm văn nghệ của phòng. Chị em trong phòng bị đưa đi gần hết, để lại cảnh tượng trong phòng lúc nầy trống trải, hoang tàn như vừa có một trận bão qua đây.
Sau đợt đó, số ít chị cốt cán của phòng vẫn còn lại nên họ sớm ổn định tổ chức của phòng và động viên nhau không nản chí. Chị em lại chọn người tích cực tập dượt tiếp vở kịch đó để biểu diễn trong dịp tết. Lần này chị Năm (Tào) đóng vai Nguyễn Trãi, chị Nga Hòa Quý đóng vai Sa Mây. Chị em đội văn nghệ khẩn trương tập để đúng tối giao thừa phòng tổ chức biểu diễn văn nghệ cho chị em vui xuân, đỡ nhớ nhà.
Đến ngày 28 tháng 4 năm 1971, đến lượt tôi bị chúng đưa đi, cũng vào nhà lao Thủ Đức. Từ Đà Nẵng chúng chở chúng tôi bằng máy bay vào Sài Gòn chúng đưa đến nhà lao Khám Chí Hòa, nhốt ở đây 5 ngày mới đưa lên Thủ Đức. Lên Thủ Đức vào khỏi cổng to của trại giam, chúng dẫn chúng tôi đi luôn vào khu tù nhân ở. Khu này gần phòng can nhân của giám thị. Ở đây có sân rộng để tù nhân trại A ra chào cờ vào mỗi buổi sáng. Chúng tập trung tất cả lại đây, gọi tên từng người phân ra từng trại. Chúng đưa tôi, Chiến, Lan cả ba đứa nhỏ nhất vào trại A. Vào trại, ban đại diện trại nhận ngay chúng tôi vào tổ 4 (tổ của ban đại diện). Vào đây, bà trưởng đại diện trại A căn dặn: “Ở đây là tổ nào sinh hoạt tổ đó, không chạy chơi lung tung.” Mới vào nghe nói vậy, bọn tôi sợ không dám đi chơi đâu. Mấy chị tổ 7 toàn là những người ngoài kho đạn vào đây, các chị thấy chúng tôi cũng mừng mà không dám ngồi nói chuyện. Ở tổ 4 có bà Bốn Lan người Điện Ngọc làm cộng tác viên cho bọn giám thị, hớ một chút là bà báo liền với chúng. Hai ngày sau, mấy chị tổ 7 (miền trung) nhờ chị Cát tổ trưởng tổ 1, người Quảng Ngãi vào hoạt động trong Sài Gòn bị bắt vào đây, xin cho ba đứa tôi về tổ của chị. Lấy cớ tổ 1 không có trẻ nhỏ nên chỉ muốn có sắp nhỏ cho vui. Rứa là ba đứa chúng tôi được về tổ 1 của chị Cát. Trong nhóm của chị Cát có 3 chị người Bến Tre và người ở Củ Chi (đất thép) lớn tuổi hơn 3 đứa bọn tôi, mấy chị mới ngoài hai mươi, rất dễ thương. Lúc nào mấy chị cũng gọi bọn tôi là “Cưng” nghe rất gần gũi và thân thương, vì mấy chị ai cũng có cảm tình với người miền Trung.
Ba đứa tôi đều không có gia đình thăm nuôi, các chị bảo vào ăn cùng mâm với mấy chị, mấy chị có 4 người ăn trong mâm mà ai cũng có thăm nuôi (1 tuần 2 lần), thức ăn của 4 người ăn không hết. Rứa là bọn tôi như chuột sa hũ nếp, được các chị thương yêu, nhắc nhở đủ điều, cho chạy đến tổ 7 (miền trung) chơi với mấy chị một cách bình thường không bị cấm như tổ 4.
Logged
pt.hung
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #14 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2015, 12:24:16 am »

Các chị tổ 1 không ăn thức ăn do hỏa thực phát, mà nhận thức ăn về đem cho các chị tổ 7 hết, vì các chị tổ 7 toàn người ở miền trung vào, không ai có gia đình thăm nuôi, thức ăn không đủ bữa. Ở trại A rộng rãi thoáng đãng hơn các trại khác, tù nhân cũng đông hơn, lại ở sát tường với câu lạc bộ của trung tâm. Sáng hôm đó ra chào cờ, bên trại Y, các bạn: Nhung, chị Hoa (Chử), Hoa (Luyện), Hiền, Minh thấy chúng tôi bên này, mừng quá ra hiệu xin qua bên đó ở chung cho vui. Chúng tôi ở ngoài đời công tác cùng nhau. Sau đó, thấy bên kia ra câu lạc bộ, bên này cũng xin ra câu lạc bộ, gặp nhau nói chuyện, rồi thống nhất qua bên trại Y ở chung cho vui. Bên đó mấy chị làm đơn xin chúng tôi qua trại Y. Mấy tháng sau phòng can nhân gọi ba đứa tôi lên cho qua trại Y ở. Trại Y thì ẩm thấp, chật chội nóng nực hơn trại A, nhưng vui vì có mấy chị em cùng cơ quan ở bên đó. Ở trại giam Thủ Đức phần lớn là án tù lâu năm, nên ai thêu hoặc đan áo đều lấy tiền để mua sắm đồ dùng cá nhân. Ở câu lạc bộ có bà Nghĩa Lợi người Đà Nẵng, bọn chúng kêu án bà 8 năm tù giam, nhưng nhờ bà giàu, chạy tiền cho bọn chúng nên bà được ra làm việc ở câu lạc bộ. Bà ở tù vì tội đổi tiền USD cho cách mạng bị lộ. Chúng tôi người miền trung nhờ bà lắm, chị em trại này cần liên lạc với chị em trại kia chỉ cần ra gặp bà gửi thư là bà đưa giúp ngay. Chị em trại Y chúng tôi cũng nhờ bà. Bà lại nhờ chị em thêu khăn bàn, áo quần cho con, cho cháu, khăn tay, gối. Hết cái này bà đưa cái khác, thêu hoài không hết, khăn bàn của bà toàn khăn loại vải của Mỹ. Một khăn bàn thêu hoa 4 góc, có 6 khăn nhỏ để tách, một khăn lớn hơn để ấm trà. Khi bà trả tiền, chúng tôi muốn ăn thứ gì nhờ bà mua, bà bảo bọn hỏa thực mua giúp cho. Ở Đà Nẵng bà được ra ngoài nhà “thiện chế” (nhà để dạy may cho tù nhân, cả tù chính trị, cả tù tư pháp). Sau năm 1973 bà được về trước án và ra nước ngoài sinh sống với gia đình.
Vào tháng 2/1972, tôi được phòng can nhân gọi lên báo tin tôi sắp được trả tự do. Mừng quá, nhưng chưa biết thời gian cụ thể, về phòng ai cũng xúm lại hỏi.
- Phòng can nhân gọi lên hỏi có gì không?
- Nó báo cho tôi biết sắp được trả tự do!
Cả mâm ăn vui mừng ríu rít. Chị Hoa (Chử) nói:
- Thôi, bọn mình đem lon guy gô tiền ra đếm và chia ra mỗi người một phần, người nào sắp về thì lấy phần tiền của mình để mua sắm đồ: vải để thêu khăn, thêu gối, túi rút về tặng bạn bè, ai chưa về thì lại bỏ tiền vào lon guy gô tiếp (trong nhà lao bọn tôi thêu cho bà Nghĩa Lợi, bà trả tiền bọn tôi bỏ vào lon guy gô để cùng tiêu chung).
Phần tiền của tôi được chia bao nhiêu, giờ tôi không nhớ, chỉ nhớ là tôi nhờ bà Nghĩa Lợi mua dùm mấy mét vải KT 3000 về thêu, loại khăn ba tấc và loại khăn bốn tấc, cả hai loại là 30 cái khăn, 2 cặp gối về cho em (con chú tôi), thêu 2 chiếc túi rút nhỏ xinh xắn, may cho hai đứa 02 cái áo trắng bằng vải KT 4000, tôi nhờ bà Nghĩa Lợi mua vải, đem về nhờ chị Hoa (Luyện) cắt dùm rồi tôi may tay và thêu lên túi con chim bồ câu trắng tượng trưng cho hòa bình, đẹp lắm. Trong thời gian còn ở kho đạn, sáng nào tôi cũng đi lượm tóc của những người lớn chải đầu bị rụng, vuốt thẳng, mỗi bữa một ít, lâu ngày tôi cũng làm được một cái chan tóc rất đẹp đem về cho cô Sáu tôi. Dù chưa biết lúc nào tôi được trả tự do, nhưng mâm ăn của tôi cũng liên hoan một bữa bằng tinh thần, mừng tôi sớm được về.
Sáng ngày 28/4/1972 chúng xuống phòng gọi tên nhiều người trong đó có tôi. Chạy vào phòng bắt tay, tạm biệt chị em rồi cùng ôm nhau khóc, mừng mình được tự do mà cũng buồn là xa chị em. Xách đồ đạc ra xe, chúng tôi ra luôn sân bay về Kho Đạn và kết thúc quãng đời tù đày ngay chiều hôm đó. Ra cổng Kho Đạn, trời gần tối, tôi không biết đi đâu bây giờ, chị Hiền ở cùng quê và cùng về một lượt với tôi, nói:
- Em đến nhà chị ở qua đêm nay rồi mai hẵng tính. Nhà chị tạm trú ở Xuân Hà. Hồi chiến tranh, Xuân Hà là vùng biển, chỉ có bãi cát trống không có nhà cửa, dân cư, cho nên ai trong quê tản cư ra Đà Nẵng cũng lên che chái tá túc lại đây để làm ăn sinh sống qua ngày, lâu dần thành ra khu dân cư của bà con trong quê ra đây ở. Tôi cùng chị lên xe xích lô về nhà, gia đình chị vui mừng vì chị được trả tự do. Tối ở lại đây, chị Hiền giới thiệu tôi với gia đình, tôi nói tôi có người bác họ cũng tản cư ra Đà Nẵng làm nghề chạy xích lô nhưng tôi không biết nhà, mẹ chị Hiền nói bà có biết bác tôi. Sáng hôm sau, bà đi chợ nhắn cho bác tôi biết. Đến chiều bác tôi đến đón tôi về nhà. Gặp nhau hai bác cháu mừng lắm. Chính bác là người đi thăm nuôi tôi một lần ở trại giam Gia Long. Biết ơn người bác đã nhớ và thương tôi là đứa trẻ mồ côi mà gặp nhiều cực khổ. Nhà bác tôi đang ở dưới khu dân cư Thuận Thành, nơi đây dân tản cư trong quê ra làm ăn sinh sống. Tôi ở đây được 2 ngày, nghe tình hình thành phố không ổn, ban đêm địch thiết quân luật, không ai được ra ngoài đường từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau. Lúc này dân ở Quảng Trị chạy vào Đà Nẵng tấp nập, nên bọn chúng đề phòng triệt để. Ở tù mới về nên tôi thấy ai làm gì mình cũng sợ, sợ bọn chúng cho người theo dõi. Tôi không dám đi đâu, ở nhà mà giống như trốn vậy. Có người bạn của anh tôi gần nhà biết tôi ở tù mới về, lúc anh ta đi làm thì thôi, khi về là anh ta sang nhà bác tôi chơi mà lại mang thêm cái kính đen nhìn trước ngó sau, tôi rất ái ngại. Tối tôi nói với anh con bác:
- Anh Thi ơi, có một ông cứ vào nhà mình mà lúc nào cũng nhìn trước ngó sau miết, em sợ lắm.
- Không sao đâu, bạn của anh ở cùng quê, nó làm thợ sửa xe máy, ở sát nhà anh đó mà.
- Thôi, mai anh đừng cho ông nớ qua nhà mình nữa, em thấy ông nớ giống bọn mật thám quá.
AnhThi cười rồi nói:
- Tại em sợ quá đó, chứ nó không có gì đâu.
Một hôm, bác tôi dẫn tôi đi ăn giỗ nhà ông chú họ ở đường Hoàng Diệu, tôi gặp chú Năm Yên cũng ăn giỗ ở đây, chú biết được tôi ở tù mới về, chú nói:
- Tình hình căng thẳng lắm, cháu ở đây để chú kiếm chỗ nào đó cho cháu đi ở giữ em cho người ta, kiếm sống chứ đừng về quê nữa, chết đó! Ba con còn có mình con, con chết coi như hết.
Tôi nói với chú: “Con không thích đi ở giữ em, con thích về quê thôi.”
- Chú nói vậy là chú lo cho con mà con không thích thì thôi.
Ở ráng thêm ngày nữa, tôi cảm thấy không yên tâm. Hôm sau bác tôi đi làm, anh chị tôi đi học, ở nhà chỉ có một chị còn nhỏ. Tôi làm im ra đường đón xe đi thẳng vô chợ Thanh Quýt, nghe ngóng tình hình, hỏi thăm bà con quen biết để dò la thử cơ quan hiện ở đâu, chiều tôi về lại nhà bác. Tối ăn cơm, tôi nói với bác tôi. “Con muốn về quê.”
Tối đó bác tôi khóc và làm thinh bác lại cho tôi 500 đồng, bác gái tối cũng cho tôi 500 đồng để làm lộ phí về quê. Sáng ra bác đi xích lô, bác gái đi phụ hồ cũng sớm, anh tôi đi mua đem về cho tôi một đôi dép nhựt màu trắng, có hai cục ngù ở trên ngón chân cái, một bình kem và một cái bót đánh răng. Anh dẫn tôi đi chụp một bao ảnh lấy liền, anh giữ lại một tấm, còn đưa tôi đem theo về để làm kỷ niệm. Bác tôi có anh con trai lớn tên Cư, đi bộ đội, là Chính trị viên Đại đội Lê Độ, hy sinh ngày 23/8/1968 trong trận đánh quân trấn (nay là BCH Quân sự Thành phố) tại đường Lê Duẩn.
Tôi lên xe về chợ Thanh Quýt, hỏi thăm, không có địch trên thôn An Tự, tôi theo dân đi chợ về, đến thôn Phái Nhì, tôi vào hỏi thăm cơ quan Quận Nhất ở đâu? Họ chỉ tôi vào trạm giao liên quận để hỏi. Vào đây, tôi trình bày sự việc cho anh Trần Văn Trà Trạm trưởng. Anh Trà báo cáo lại cho anh Năm Dừa, Bí thư Quận. Anh Trà về nói lại với tôi:
- Các anh lãnh đạo bảo em cứ ở đây, rồi các anh sẽ tính. Khi về đến đây, hỏi thăm thì tôi mới biết được tin các anh cơ quan cũ nay không còn ai. Chú Khương, chú Dõng, chú Thăng, chú Mười Một, anh Long (lớn), anh Thiệu đều hy sinh trong năm 1969, 1970. Còn anh Long (nhỏ) bị địch bắt ở tù từ năm 1970 ở Điện Sơn. Những năm ấy tình hình các vùng giải phóng vô cùng ác liệt, địch ra sức càn quét, đánh phá gây nhiều khó khăn cho quân ta.
Tôi ở lại trạm giao liên, đến sáng mai Dũng giao liên của trạm đưa tôi ra công sự để chống càn, nhưng ngày hôm đó không có địch càn. Chiều tối về trạm, anh Trà nói với tôi:
- Lãnh đạo của Quận bảo em ra công tác lại Đà Nẵng được không?
- Không, em còn sợ lắm, ở ngoài đó mấy ngày mà lúc nào cũng nghĩ là bọn mật thám theo dõi, chưa làm được gì mà bị bắt trở lại thì mệt, em thích đi bất hợp pháp thôi. Anh nói giùm với lãnh đạo cho em đi bất hợp pháp, làm gì cũng được.
Logged
pt.hung
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #15 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2015, 12:24:43 am »

Hôm sau, tôi nhận quyết định phân công về cơ quan Tuyên huấn do anh Lê Văn Huấn phụ trách, Phan Văn Long làm bảo vệ, anh Nhị phụ trách tài mậu. Chiều hôm đó, lần đầu tiên tôi nấu cơm bằng củi tre khô, tôi chụm củi, khói ùn lên nghi ngút. Anh Nhị chạy vào bếp lật ngửa cây củi tre và nói: “Chụm củi tre thì nằm ngửa, đàn bà có chửa thì nằm nghiêng.” Câu nói đó đến nay 43 năm rồi tôi vẫn nhớ như in. Sau bữa cơm tối xong, anh Huấn, anh Nhị đi họp, tôi và Long ở nhà. Khoảng 8g, tàu soi vào quầng lượn trên bầu trời La Thọ, nó soi đèn pha qua lại nhiều chỗ. Không may, nó soi đúng vào chính cơ quan của Tuyên Huấn, thấy mấy cái đồ đen của chị Mười Tần giặt phơi trong nhà khi chiều. Thế là nó gọi 2 chiếc máy bay đến bắn thẳng xuống cơ quan. Nó bắn lân tinh xuống sáng chói cả nhà làm đồ đạc cơ quan nát bét, vừa ngớt một đợt bắn phá của chúng, tôi và Long tuôn lên khỏi hầm và chạy một mạch sang thôn Phái Nhì trước khi máy bay quay lại. Tôi chạy, ngã lên ngã xuống vì vấp mấy tảng đất bệ (đất vừa cuốc lật lên), Long thấy tôi chạy lâu quá sợ không kịp, bọn nó quay lại thì khốn, nên Long đến kéo tôi chạy thật nhanh, làm dép của tôi văng lung tung mỗi nơi một chiếc tôi bỏ luôn, chạy chân không một mạch qua nhà bà Năm Liêm ở Phái Nhì. Đến sáng, mấy anh họp ở dưới văn phòng về gọi, nhưng không nghe động tĩnh gì, các anh đi tìm quanh vẫn không thấy. Khi anh Mạnh cán bộ tổ chức quận đi ra đường thấy hai chiếc dép của tôi anh mới báo lại: “Chắc hai đứa nó chạy qua Phái Nhì rồi.”
Ở tù quen với ánh sáng đèn điện, giờ tối mịt tôi không thấy đường để đi. Lại thêm đất bệ chỗ cao chỗ thấp, cỏ mọc kín lên nên càng khó đi hơn. Hai ngày sau có tin xe tăng trong đồn Bình Long càn ra, tôi cùng anh Nhị (tài vụ), anh Mạnh (tổ chức) xuống công sự trong bụi tre gần nhà. Long và cô Bốn Xạo xuống công sự cũng gần đó. Ở công sự từ sáng tới khoảng 3g chiều chưa thấy xe tăng ra, tôi lên ngồi trên miệng hầm viết nhật ký. Chợt nghe tiếng súng bắn rất gần kèm theo tiếng hô: “Ê, Việt Cộng.” Hoảng quá, tôi thả một chân xuống miệng hầm, chân kia còn vướn lại ở trên, tôi loay hoay mãi cũng không sao xuống được. Thấy thế, anh Nhị bảo nhỏ: “Em bình tĩnh, bỏ hai chân xuống trước rồi người xuống sau. Nghe địch la ré sát bên bụi tre có công sự, tôi vội vàng làm theo. Tôi vừa xuống, anh Nhị nhẹ nhàng đậy nắp công sự lại và ngồi im nghe ngóng. Trên mặt đất có xe tăng địch đang chạy ngang qua công sự của tôi để đuổi bắt cho được cái tên“Việt Cộng”mà nó mới phát hiện. Xe vừa chạy vừa bắn như mưa.
Đến địa điểm vừa phát hiện có “Việt Cộng” nó sục tìm, dậm nát cả vườn cỏ lùng và bốn phía khu vườn nhưng không tìm ra, cũng chán, cuối cùng nó cho xe đi thẳng về hướng đường quốc lộ 1A và đến 5g chiều, chúng rút khỏi Điện An. Nghe ngóng, thấy tình hình im ắng, các anh ở công sự cùng với tôi lên và đi về hướng công sự của Long. Cảnh tượng tan nát bày ra trước mắt, các anh rất lo lắng, không biết số phận của Long thế nào? Anh Mạnh vén cỏ lùng, bò vào cửa hầm bí mật thì thấy miệng hầm vẫn còn nguyên, anh mừng quá liền mở nắp lên và gọi: “Long ơi! Chị Bốn ơi!” Cô Bốn nghe tiếng gọi của anh em mình nhưng không dám lên tiếng. Gọi mãi cô mới chịu lò dò bò lên mặt mày xanh lét.
Cô kể: “Thằng Long nó thấy vắng nên nó bảo chị lên miệng hầm nằm cho khỏe, còn nó đi xem thử địch đang ở đâu. Nó ra nhìn lên, nhìn xuống, chưa thấy xe tăng ở đâu thì tụi chúng đã phát hiện nó rồi. Chị nghe địch bắn gần quá, rồi đến dậm nát cỏ lùng tìm kiếm, chị run quá không rúc xuống hầm được mà nằm im chết lặng, sau khi tụi nó đi rồi chị mới rúc xuống.”
Nói đến Long, khi địch đã phát hiện và bắn thì Long không dám vào lại công sự mà chạy thẳng ra sông. Vừa cúi, vừa chạy trước tầm đạn xe tăng của địch, con ruồi của nòng súng AK lại vướng vào cỏ lùng, nhùng nhằng khó chạy, Long quyết định bỏ súng lại, chạy người không để thoát thân. Ra đến bờ tre, Long nhảy ùm xuống sông La Thọ, bơi qua bờ bên kia tìm chỗ núp.  Còn địch, khi lấy được cây súng của Long, bọn nó lùng sục mãi nhưng cũng không phát hiện được gì thêm nên chúng bỏ đi luôn. Sau này, cơ quan kiểm điểm Long: cái tội không bảo vệ được súng. “Vũ khí bất ly thân”. Riêng bản thân, tôi biết rõ là Long rất dày dạn với địch, rất nhanh trí và dũng cảm, nhưng trong trường hợp này không biết tại sao?
Tháng 5/1972 tôi được điều về cơ quan Ban An ninh quận công tác, anh Lê Thanh Tân quyền Trưởng ban, phụ trách chung, anh Kế ủy viên ban. Cơ quan còn có anh Thi bảo vệ kiêm hành chính, anh Chước, chị Năm, chị Cúc (chị nuôi), anh Kháng, anh Chiến ở vùng ven mới về, anh Tẩn cán bộ an ninh học ở Bắc cũng mới được về cơ quan, chị Hương (y sĩ), sau một thời gian có chú Dậu ở An ninh tỉnh bổ sung về làm Trưởng ban. Mỗi buổi sáng tôi thường thấy anh Tẩn ra sau vườn tập thể dục giống như đánh võ, tôi thích quá, nhìn không chớp mắt. Anh Tẩn hỏi:
- Em thích học võ không, nếu thích thì ít bữa nữa anh dạy em mấy chiêu, để phòng thân con gái.
Về đây không lâu, tôi lại được cơ quan an ninh cho lên tỉnh (trên núi) học y tá để về phục vụ cơ quan. Tôi đi học y tá hai tháng ở Ban Dân y tỉnh Quảng Đà. Lên đây chờ khai giảng, nhà trường tổ chức tất cả học viên xuống đồng bằng (Đại Lộc) mua gạo gùi về để ăn trong thời gian học. Ngay ngày hôm sau, học viên chúng tôi xuống Ái Nghĩa - Đại Lộc.
Tối hôm đó học viên của trường đi cùng với nhiều đơn vị khác qua sông Hà Nha đến Ái Nghĩa lấy gạo. Sông này sâu, chảy xiết. Mấy chuyến ghe đầu tiên chở qua sông là các anh ở địa phương, cơ quan an ninh tỉnh Quảng Đà, cơ quan dân vận, và một số đơn vị khác. Chuyến sau, cùng đi với nhiều đơn vị, trường y tế có 5 học viên trong đó có tôi. Vừa qua sông, xuống ghe bước lên bãi cát, mới chuẩn bị đi vào thị trấn, thì bất ngờ một loạt đạn lửa bắn ra từ phía đường cái, mọi người liền chạy ngược ra sông. Tôi cố chạy ra cho kịp chiếc ghe đang gần cập bến, nhưng nghe súng nổ, nó quay đầu bơi đi rất nhanh, bọn tôi cố chạy theo nhưng không được. Dưới chân, đôi dép cao su của tôi chỉ còn mắc lại hai quai hậu, dính lủng lẳng, rất khó đi. Tuy vậy, bọn tôi cũng cố gắng nắm tay dìu nhau, đi mãi đến khi ra ngoài nước sâu, hỏng chân chúng tôi bị nước cuốn trôi. Năm đứa tôi dần dần rời tay nhau mỗi người trôi mỗi ngã.
Lúc đó, nhìn bên cạnh, tôi thấy có một người đàn ông đang bơi với chiếc phao, tôi cố chụp lấy, nhưng không kịp, vì họ bơi đi nhanh quá, nên thôi. Tôi bơi được khoảng 5m thì không bơi được nữa, nằm trên mặt nước, nhìn quanh thấy cả mặt sông Hà Nha kín đầy người đang bơi, trong khi máy bay thả đèn sáng, sáng choang như ban ngày, thỉnh thoảng còn bắn từng tràn đạn dài xuống nghe ụt..ụt.., và thấy từng tua đạn lửa bay xuống đỏ rực.
Tôi bơi mãi mà sao không tới bờ, người mệt lả, rồi nghĩ “Lỡ mình bơi không vào bờ được lại trôi luôn xuống cầu Giao Thủy thì chết.” Qua mấy giờ trôi nổi bồng bềnh, lặn hụp dưới sông Hà Nha, cuối cùng tôi cũng vào được bờ. Lần mò theo ven bờ, ngược sông đi lên tìm về bến đò, về đến đơn vị là đúng 3g sáng. Ở nhà các chị các anh đi lên đi xuống bên bờ sông tìm kiếm bọn tôi. Mãi đến sau mới có thêm hai đứa nữa về. Đức ở Điện Phong, nó nói: “Cũng nhờ biết bơi sơ sơ chứ không thì cũng chết trôi rồi.”Trận phục kích đó của địch đã cướp đi 5 sinh mạng anh em ta, trong đó có một anh cán bộ an ninh của tỉnh.
Đợt đi gùi gạo đầu tiên của trường vậy là đã có hai bạn hy sinh, mất xác. Sau này nghe đâu hai bạn ấy trôi xuống cầu Giao Thủy, bọn lính vớt vào lấy hết tư trang rồi đẩy hai người ra sông cho trôi đi mất.
Tôi biết bơi sơ sơ cũng nhờ hồi còn nhỏ ở Quảng Ngãi nhà tôi ở gần sông. Chiều nào tôi cũng ra sông tắm, tập bơi. Tôi nhớ lại, hồi tôi tập bơi, mấy anh, chị lớn hơn biểu tôi bắt chuồn chuồn cho cắn rún là biết bơi. Tôi nghe theo, bắt chuồn chuồn cho cắn lỗ rún, đau quá mà cũng có bơi được bao nhiêu đâu!
Sau lần phục kích đó, nhà trường cho nghỉ xả hơi một ngày để lại sức, tối hôm sau tiếp tục đi lấy gạo, nhưng không đi hướng Ái Nghĩa mà đi hướng Đại An. Vì ở sông Vu Gia, chỗ thôn 10 Đại Cường, đoạn sông đi qua bãi bắp, bãi dâu của Đại An do cát bồi nên nó cạn, lội bộ qua sông tới lưng quần, nếu gặp địch phục kích, mình lội bộ chạy về cũng được. Nhưng đi qua đoạn đường này cũng sợ lắm, bãi bắp, bãi dâu rộng thênh thang, như đi trong rừng vậy, cứ men theo đường mòn trong bãi bắp của họ mà đi, đi hoài mà không đến xóm nhà của dân. Nhiều lúc cũng sợ bọn địch nắm được quy luật đi lại của mình nó phục kích thì chạy ra tới bờ sông cũng đuối chứ chẳng chơi. Nhưng dẫu sao, đi lấy gạo dưới này cũng yên tâm hơn là đi trên sông Hà Nha.
Lấy gạo ở Đại Lộc được rồi, lại phải gùi trung chuyển nó từ Đại Lộc lên núi Phú Thọ về trường. Lần đầu tiên leo dốc cao mà trên lưng nặng trĩu, mệt quá, sổ hơi tai, tôi nghĩ: Khi mình đi xuống đâu thấy có dốc, mà sao bây giờ dốc cao thế! Cứ đi một đoạn, mệt quá lại kiếm phiến đá to bên đường ghé lưng để gùi gạo xuống nghỉ một chút. Dần dà rồi cũng về đến trường.
Logged
pt.hung
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #16 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2015, 12:25:09 am »

Thời gian học hai tháng ở đây, khi sắp ra trường chúng tôi đi thực tập ở bệnh viện Y10 – thuộc Ban Dân y tỉnh Quảng Đà. Ở bệnh viện hồi ấy khó khăn lắm, kim tiêm thì đùi nhây, đùi nhách, phải mài đi mài lại mấy lần mới tiêm được, băng gạc dùng cho thương binh xong phải ra suối giặt, rồi hấp để dành dùng cho lần sau, Hồi ở nhà, tôi nhát gan lắm, thấy máu là sợ. Cơ quan quyết định cho tôi đi học, chấp hành tổ chức tôi đi chứ sợ ghê lắm. Khi đi thực tập, tôi không biết chọn làm cái gì đây. Mỗi tuần luân phiên nhau thực tập một phần, tuần này ai đi tiêm thuốc thì tuần sau đi rửa thương. Tôi chọn đi tiêm thuốc trước. Hôm đó đi tiêm, đụng phải anh bệnh nhân đau lâu ngày nên ốm nhôm ốm nhách, còn da bọc xương, thấy mà tội nghiệp. Tôi lấy thuốc tiêm bắp vai cho anh, lụi miết mà mũi kim không vào qua da được, tôi sợ quá. Sau đó, tôi cố kèm chặt trái tay của anh rồi đẩy mạnh kim tiêm vào, lần này kim vào được khỏi lớp da, nhưng khi qua khỏi lớp da tôi nghe tay anh nó kêu cái cợp, tôi giựt mình hỏi:
- Có đau không anh?
- Không đau.
Anh nói vậy chứ sao lại không đau được. Nghĩ thế, tôi thương anh quá. Còn một chuyện khác, cũng hôm đó có một anh bệnh nhân người cao dong dỏng, da trắng trẻo không biết đau gì mà bụng anh to tướng như bà bầu gần sinh. Hôm đó phiên trực của tôi, trưa ăn cơm xong bác sĩ, y tá cũng đi nghỉ trưa, tôi thấy anh không nằm trên võng mà cứ đi qua đi lại trong lúc mọi bệnh nhân khác đều nằm im trên võng nghỉ. Một lúc, có người la lên: “Cấp cứu, cấp cứu!” Tôi chạy lại thấy nước trong bụng anh chảy xòa ra, còn anh thì nằm im bất động. Tôi chạy đi gọi bác sĩ. Bác sĩ đưa đi cấp cứu, cố chạy chữa, nhưng sau đó anh cũng chết. Các anh cùng nằm gần kể lại:
- Anh ấy cứ than thở tức bụng quá, chịu không nổi, nên anh lừa khi không ai để ý, anh lấy dao lam rạch cho nước chảy ra để đỡ tức trong bụng. Ai dè…
Còn tới phiên đi rửa thương mới ớn lạnh. Vết thương mủ nhiều, màu vàng rực, dính đầy trong miếng gạc. Làm thương xong phải đem gạc ra suối giặt, tôi đem gạc để trên cục đá ngay ngọn nước suối chảy mạnh, lấy đá xát cho mủ, máu trôi bớt, sau đó mới lấy xà phòng bỏ vào gạc và lấy chân dậm chà xát rồi mới vò, làm cho sạch. Mấy ngày thực tập ở bệnh viện về, mỗi lần ăn cơm nghĩ tới là ơn ớn. Tôi học 2 tháng, mãn khóa, về lại cơ quan. Khi về, tôi được nhà trường cấp bằng loại giỏi. Hồi ấy tôi có trí nhớ tốt lắm, được làm lớp phó học tập, kèm mấy bạn học yếu ở vùng C (Điện Nam, Điện Ngọc) lên. Còn bây giờ thì tôi nói đằng trước rồi lại quên đằng sau.
Từ trường về, tôi đi cả ngày lẫn đêm, qua đường Duy Xuyên nằm dưới chân đồn Hòn Bằng của địch rất nguy hiểm, đến 2g khuya mới tới cơ quan ở La Thọ, Điện An. Sáng ra, anh Tân bảo:
- Em có việc làm rồi đó. Mọi người kể tối qua các anh em đang ngồi, nghe tiếng máy bay quầng lượn trên khu vực cơ quan mình, và còn đang nghe ngóng bỗng dưng nó thả xuống một quả bom bi, nổ tung trên nóc nhà, mọi người chạy xuống hầm mà không kịp, anh Tẩn trúng bom, vết thương quá nặng hy sinh tại chỗ. Anh Lê Thanh Tân bị thương nhẹ, đồ đạc trong cơ quan hư hỏng nhiều. Các anh chôn anh Tẩn ngay sau nhà, tôi ra mộ thăm anh, nhớ lời anh hứa với tôi, nhưng anh chưa thực hiện được. “Anh sẽ dạy cho em vài chiêu võ nghệ để em phòng thân con gái.” Thời điểm này ở đồng bằng ác liệt lắm. Sau đó An ninh tỉnh  bổ sung anh Lê Minh Tại người Bắc về. Sáng đó tôi thấy anh Tại vô đứng trước cửa cơ quan. Nói là cửa cho ra cái nhà, chứ thực ra nó chỉ là cái thềm của cơ quan  thôi, một cơ quan bằng lều lá. Lúc đó làm nhà cơ quan là phải đào nền nhà thấp so mặt đất tự nhiên là 60 phân, nền nhà xuống gần miệng hầm và mái nhà phải thấp dưới ngọn cây keo, cây chuối lấy ngọn cây ngụy trang, máy bay khỏi phát hiện. Anh Tại người cao, to, đen, có hàm râu quai nón, đeo bên hông cây súng ngắn K54, mặc bộ đồ miền bắc rộng thùng thình. Anh đứng đấy, người anh cao hơn mái nhà của cơ quan, anh phải khom lưng mới bước vào nhà được. Về đây thời gian không lâu, ác liệt quá, địch càn liên tục, anh Tại được cơ quan bố trí về ở tuyến sau (căn cứ ở Điện Trung, Gò Nổi). Ở đó tình hình dịu hơn, địch ít càn vào, được tự do hơn một chút. Nhưng ở phía bên này sông (phía thôn Bì Nhai, Điện Thái) địch cũng hay càn ra. Một hôm vào buổi chiều, thấy tình hình vắng vẻ, tưởng không có địch, chị Cúc và anh Tại đi ra sông Thu Bồn. Chị Cúc rửa rau, bắt hến, còn anh Tại thì rửa mặt, tay, chân. Bên kia sông bọn địch nhìn sang thấy có người, nó bắn qua tới tấp, hai người chạy tóa hỏa, mất hút vào bên trong, nhưng anh Tại do chưa quen nên chạy lạc đường còn bị mất dép nữa. Sau đó anh Kế đi tìm dép giùm đem về cho ảnh. Mấy anh miền Bắc mới vào chiến trường chưa quen tiếng súng gần và tiếng hô la của địch, nên anh nào cũng sợ. Chú Dậu ở trên núi xuống đồng bằng cũng rứa, mỗi lần nghe địch chuẩn bị càn quét là ông bồn chồn, lo lắng không yên, chứ không bình tĩnh như anh Tân, anh Kế.
Ở cơ quan có anh Lê Thanh Tân, anh trầm tĩnh, khó tính, kỹ lưỡng ai cũng ớn. Đi chống càn, anh dặn mọi người phải cầm theo một cây nhỏ, khi đi vào công sự là phải đi thụt lùi, mặt xây lại phía sau và lấy cây nhỏ đang cầm theo lật những phiến lá cỏ lùng trở lại ngay ngắn như cũ, vì khi mình đi lá cỏ lùng bị lật ngửa, nếu không sửa lại như cũ, địch sẽ phát hiện đường đi của mình. Tôi còn nhớ, hồi tôi mới ở tuyên huấn chuyển về, cơ quan chưa có chị Cúc về làm chị nuôi, tôi nấu cơm, chụm củi khói lên nghi ngút, anh Tân vào bếp bày cho tôi:
- Em đổ vào đống tro này một ca nước cho tro ướt đều, lát nữa nếu nghe tiếng máy bay, em dụi hết đầu củi đang đỏ vào đống tro, lập tức nó sẽ tắt mà không có khói.
Đúng là kinh nghiệm xương máu khi sống và làm việc ở vùng giải phóng điều kiện không có dân.
Có lần ra công sự chống càn, thấy cây ớt, có nhiều trái chín đỏ tươi, tôi đứng lại hái. Đang hái thật hấp dẫn, tôi bỗng thấy một con rắn to tướng đang từ từ  bò xuống, tôi hết hồn bỏ chạy lại chỗ công sự. Anh Thi, anh Tân hỏi:
- Có chi rứa?
- Trời ơi, con rắn ngắn củn nằm trên cây ớt, em mới đụng vào là nó bò xuống đi.
- May cho em đó, con rắn lục ban ngày nó không thấy đường, chứ ban đêm là em nộp mạng cho nó rồi.
Mỗi lần nhớ lại thời xưa, cái năm 1972, nhớ tới anh Thi, tôi ngồi cười một mình. Anh Thi mỗi lần đi qua thôn Phái Nhì mua thức ăn cho cơ quan, khi về phải nhờ người dìu sang sông, không có chị Hương (y sĩ) thì cũng phải có người khác, nếu không thì anh chịu. Mấy người cứ nói khích anh Thi:
- Đàn ông, con trai gì mà không biết bơi, lỡ địch càn ai kéo cho ông?
Anh Thi tức quá, về ra sông cố gắng tập bơi (lúc này cơ quan đóng ở sát bờ sông La Thọ). Tối hôm nớ, trời sáng trăng, anh Thi xuống sông tập bơi, tôi ngồi trên thềm cơ quan chơi, nhìn xuống thấy anh bơi thật nhanh, hai tay đập ầm ầm, nước văng tung tóe trắng xóa, tôi thầm khen:“Anh Thi tập bơi tiến bộ ghê.” Một lát sau anh Thi lên bờ, tôi hỏi anh Thi:
- Anh tập bơi hồi mô mà bơi giỏi rứa?
- Giỏi đâu mà giỏi, chọc quê anh đó hả?
- Bơi không giỏi răng hồi nãy em thấy anh bơi thiệt nhanh. Anh Thi cười khì rồi nói:
- Anh đi đó chứ…bơi đâu mà bơi! Rồi anh chửi thề:
- Mẹ cha hắn, sao tối dạ rứa không biết, tập hoài mà cũng bơi không được. 
- Trời…đất ơi! Rứa mà hồi nãy giờ em cứ thầm khen anh!
Một hôm, chiều tối chị Hương (y sĩ) rủ tôi đi xuống cơ quan binh vận chơi, chị đi có việc, chị rủ tôi theo cho vui. Xuống đó tôi thấy một người hơi quen mà không dám hỏi, về nhà tôi hỏi chị Hương:
- Chị Hương, ở binh vận có một người, em thấy quen quen mà không biết ở đâu, tên gì chị biết không?
- Thằng Tuấn đó chớ ai, nó cũng ở Đà Nẵng mới về.
À…, tôi nhớ ra rồi, cái ông mà chị Hương gọi là Tuấn này không phải là Tuấn mà tên là Thuận ở Đà Nẵng, gần nhà của bác mình đây, là bạn của anh Thi con bác mình, và có lần anh Thi nói với mình là yên tâm đi: “Hắn là bạn của anh đó.” Hèn gì hồi ở ngoài nhà bác mình, ổng cứ qua nhà dòm dòm ngó ngó làm mình sợ hết hồn. Sợ cha này làm mật vụ hay sao mà lúc nào cũng đeo gương đen, lườm lườm liếc liếc, dòm trước ngó sau. Giờ mình mới nghĩ ra: “Chắc lúc đó ổng định qua hỏi thăm, mình có về vùng giải phóng không để đi theo về đó mà, nhưng nhát gan quá nên không dám hỏi.”
Logged
pt.hung
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #17 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2015, 12:25:31 am »

Một hôm tôi về Gò Dê, Điện Thọ thăm hai bà cô và các em. Muốn về đây phải qua con sông Gò Dê, sông này nhỏ mà sâu, chảy dữ lắm, ở đây không có ghe mà lại có thúng chai (có nơi gọi thúng rái), nhà nào cũng có một cái  để qua lại sông. Thôn Gò Dê ở dưới chân đồn Bồ Bồ nên phải đi về ban đêm chứ đi sớm một chút lỡ mình quên không mặc áo trắng hợp pháp, nó thấy được đằng nào cũng bị ăn pháo hoặc bị bắn tỉa. Mỗi lần về nhà, tôi đều gọi đò, nhờ họ đưa tôi qua sông, Mấy đứa con nít ra giúp tôi. Ngồi trong cái thúng chai mà tôi run, cái thúng thì tròn quay, bọn con nít lấy cái dầm bỏ xuống nước ngoáy qua ngoáy lại một hồi, cái thúng rái xoay xoay tôi sợ thật. Nhưng thoáng một cái, bọn nó cũng đưa tôi qua được bên kia. Tôi về thăm chơi và ngỏ ý muốn xin cô Sáu cái đồng hồ xem giờ. Không có đồng hồ cũng bất tiện lắm. Một hôm tôi đang ngủ ngon giấc, bỗng giật mình thức dậy vội vội vàng vàng đi nhúm lửa nấu cơm ăn sáng. Nấu cơm xong đâu vào đấy rồi mà sao mọi người còn ngủ im re. Tôi nhẹ nhàng vào xem đồng hồ của chị Hương (y sĩ) thì thấy mới có 2g sáng. Tôi lại rúc vào võng ngủ thêm lại một giấc ngon lành. Cho nên lần này về xin cô cái đồng hồ xem giờ để khỏi mất ngủ, cô Sáu hứa: “Để hòa bình rồi cô mua cho.” Cũng xui cho cô tôi, chỉ một tháng sau đó, đúng ngày 27/1/1973 Hiệp định Paris được ký kết, tôi lại về nhắc với cô: “Nay hòa bình rồi đó cô!” Cô “Ừ!”, rồi nói: “Cô nhớ rồi!” Một tuần sau, cô gửi xuống cho tôi chiếc đồng hồ Seinko thứ thiệt, đẹp lắm. Nghe anh Thu nói lại là: cô mua nó 1.800 đồng tương đương với tám chỉ vàng y hồi đó chứ không phải ít. Tiền này là tiền của cô Hai cho, nhưng cái công là của cô Sáu, chứ cô Sáu làm gì có tiền. Năm 1970 cô Hai về Gò Dê – Điện Thọ ở. Lúc này thằng Dũng cũng lớn rồi, thằng Minh thì đã lành vết thương, đi lại được nhưng chưa vững. Còn hai đứa nhỏ sinh đôi thì sau khi tôi về quê cô tôi cũng cho bớt một đứa còn cô nuôi một đứa nhưng sau đó không lâu nó cũng đau rồi chết. Khi ra tù tôi may cho hai em, mỗi đứa một chiếc áo trắng, tôi thêu chim bồ câu lên túi áo bên ngực trái của nó. Nhưng khi về gặp lại cô, nghe cô Sáu kể: “Đầu năm 1972, vết thương của em Minh bị tái phát cô phải đưa ra bệnh viện Việt Đức ngoài Đà Nẵng để chữa, nhưng sau đó trúng đợt chộn rộn của Quảng Trị rồi tàu bệnh viện về nước đến nay vẫn không tin tức về em.” Cô Hai tôi giỏi lắm, vừa đi làm nuôi hai đứa nhỏ con chú Bốn, vừa giúp cô Sáu nuôi ba đứa con thơ, còn một đứa được huyện cho ra Bắc học. Bà đi buôn ở ngoài Đà Nẵng, sáng đi chiều về. Rứa mà còn làm mấy sào ruộng và nuôi một con heo nái, một bầy heo con, nên bà có tiền lắm. Nhưng tôi không bao giờ xin cô đồng nào, cô có tính hay la, mắng nên tôi buồn, tự ái không bao giờ lấy tiền của cô. Cái tính của bà là vậy đó, nhưng bà tốt bụng, bà thường hay đem cá và tiền cho các ông cán bộ ở xã mỗi lần ra đây. Bà nói: “Biết đâu tối nay mình thấy nó mai đây nó chết thì sao, cho nó ăn được bao nhiêu thì cho, kẻo tội nghiệp.” Có lẽ  nghĩ rứa nên cô mua đồng hồ cho tôi.
Tôi còn nhớ, hồi anh Tẩn còn sống, anh cứ trêu chọc tôi:
- Con Hương nó giống Địch Nghi lắm. Tôi không biết Địch Nghi là gì, tôi cứ theo anh gặn hỏi, anh bảo:
- Từ từ rồi em sẽ biết. Ai nghe thấy cũng mắc cười, nhưng không ai giải thích cho tôi. Sau này anh chị em cơ quan ngồi với nhau tôi mới nhắc lại chuyện ấy, anh Tân nói:
- Ai bảo em ngồi đâu ngủ đó làm chi. À, rứa là tôi hiểu rồi, thành ra ngủ nhiều gọi là “Địch Nghi”. Mấy anh nói rất đúng, hồi đó tôi ngủ nhiều lắm, mỗi khi đi chống càn, xuống công sự là tôi trải ni lông ra nằm ngủ một giấc, hoặc ngồi ở đâu chống càn cứ gục đầu lên cái gùi là tôi cũng đều ngủ được, vô tư thiệt (đúng là cái tuổi ăn, tuổi ngủ) đó mà.
Có lần tôi đi chống càn với anh Tẩn, tôi trêu chọc anh: “Thanh niên gì mà chẳng có cái gùi đẹp đẹp một chút, để mang cái gùi xấu hoắc.” “Gùi của anh nó xấu, anh lỡ bỏ quên không ai thèm lấy. Rứa mà một khi đi chống càn mấy ngày ở công sự cũng không bị đói. Còn bọn bây mang gùi đẹp mà bị địch càn một ngày là cái bụng đói meo.” Anh đi học ở Bắc mấy năm mới về, gia đình ở Đà Nẵng biết được tin anh về nên gởi tiền ra chu cấp cho anh, do đó trong gùi của ảnh lúc nào cũng có bánh, kẹo và đủ các loại đồ ăn.
   Hồi nớ mới về anh cũng có cái ba lô to của miền Bắc chứ không có gùi. Cái ba lô ấy to, không hợp với điều kiện công tác của vùng ven nên anh bỏ đi và lấy bao cát làm gùi mang tạm.
Logged
pt.hung
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #18 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2015, 12:25:56 am »

Chương III: NIỀM TỰ HÀO CỦA TÔI
Sau ngày ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973) địch mở nhiều cuộc lấn chiếm đất, giành dân. Tình hình rất căng thẳng. Chiều hôm 28/1/1973, nghe tin ở Điện Sơn báo về là anh Hạng bị thương, cơ quan ra đưa anh về. Anh Tân phân công tôi và anh Kế, anh Thi ra Điện Sơn, ba anh em đi từ Điện An lên Điện Thọ, đi luôn lên thôn Cẩm Văn của xã Điện Văn, qua đường Cẩm Lý đi đò qua xóm Nổ - Điện Tiến, trên đường đi thấy cờ giải phóng hai màu xanh đỏ của ta và cờ ba que của địch cắm san sát nhau, bọn lính ngụy đứng dọc hai bên đường cái nhựa.
Ba anh em mặc đồ hợp pháp đi, thấy có lính cũng vẫn bình thường. Đến xóm Nổ trời đã tối, anh Kế liên hệ với địa phương dẫn đường cho anh em tôi đi qua Điện Sơn. Du kích địa phương nói: “Không được! Tụi địch hiện giờ nằm giăng hàng ngang hết dọc đường, không có đường nào qua Điện Sơn được.” Anh Kế lo lắng rồi nói với các anh em du kích Điện Tiến về chuyện của anh Hạng. Các anh du kích bảo: “Không được đâu, nếu anh có ra đến nơi thì anh cũng không thể nào đưa thương binh về được, anh đừng lo, ngoài nớ họ có cách giúp anh Hạng được mà.” Cuối cùng ba anh em tôi trở về cơ quan ở Điện An ngay trong đêm.
Trên đường về thấy cờ của địch cắm lấn sang đất của mình nhiều hơn, hồi chiều. Chúng tôi về không phải đi hợp pháp nữa mà đi bất hợp pháp để kịp về báo lại cho anh Tân biết tình hình. Sau đó mấy ngày địch liên tục càn quét, lấn chiếm các vùng ven. Thấy tình hình ngày càng căng thẳng cấp trên rút một số cán bộ, chiến sĩ về tuyến sau (lên núi). Ở đồng bằng còn lại những người thạo địa hình, sức khỏe tốt, biết bơi giỏi. Cơ quan an ninh quận Nhất có anh Kế được phân công ở lại bám địa bàn.
Trong quá trình phấn đấu công tác, tôi được chi bộ an ninh giới thiệu vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 01/4/1973 tôi được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Người giới thiệu tôi vào Đảng là anh Lê Thanh Tân lúc này là Quyền Trưởng ban An ninh quận, và anh Võ Kế là Ủy viên Ban.
Trong số người đi lên núi có tôi. Chiều ngày lên đường, tất cả tập trung ở Văn phòng Quận ủy chờ đến giờ giao liên đến đón. Tôi thấy cô Mười Nhạn ngồi nói chuyện với bạn Lê Thị Hoa (cơ quan Binh vận). Không biết nói chuyện gì mà  hai người lớn tiếng với nhau, tôi nghe Hoa nói với cô Mười: “Cô trả nhật ký lại cho con.” Cô Mười nói: “Không trả được, đây là việc làm có ảnh hưởng đến chính trị.” Hoa nói:“Nếu cô không trả, con đi tự tử đó!” Tôi nghe nói vậy rồi thấy Hoa đang ngồi vội vùng đứng dậy chạy thẳng ra sông La Thọ (VP Quận ủy đóng gần bờ sông). Nghe thấy vậy tôi chạy theo thử. Ai dè, nó nhảy thiệt, nghe cái ầm, rồi hụp lên hụp xuống mấy cái ngoài sông. Tôi chạy vào gọi anh Ba Phong ở Văn phòng Quận, anh Ba Phong chạy ra leo lên ghe có sẵn ở bến, bơi ra, anh Phong đưa cái dầm tới chỗ nó, nó vịn cái dầm rồi anh Phong đưa nó từ từ vào bờ. “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường.” Sau vụ đó, lên núi ai cũng hỏi: “Con Hoa nó tự tử hả?”
Lên núi tôi được đưa về Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Đà. Nghỉ ngơi được ít ngày, sau đó cơ quan đưa tôi lên phục vụ y tá ở Trạm đón tiếp của Ban tổ chức. Trên đường đi lên Trạm, lần đầu tiên tôi leo núi cao từ sáng ở chân dốc, tới trưa mới lên được đỉnh núi. Ăn trưa xong, xuống dốc là tới làng Trà Linh. Tối vào một trại sản xuất của bộ đội người miền bắc nghỉ lại. Tối đó các anh bộ đội tổ chức văn nghệ vui lắm. Lần đầu tiên tôi được nghe anh bộ đội hát bài “Chào em cô gái Lam Hồng”. Mọi người ngồi im lẳng lặng nghe.
“Xe ta bon bon trên những dặm đường giữa làng quê
Ta băng qua giữa bao suối đèo
Mà xe ta bon qua giữa chiến trường…..
Chào em cô gái Lam Hồng
Giữa tiếng bom gào đạn dội
Vẫn nghe vang vang câu hò trên đường…..”
Giọng của anh bộ đội nghe vừa hùng hồn, vừa ấm áp ngọt ngào lạ! Hôm đó tôi và chị Hoa (công an) cùng đi cứ khen mấy anh bộ đội hát giọng bắc nghe hay quá. Đến sáng mai đoàn chúng tôi tiếp tục về trạm đón tiếp, ở đây có trại nghỉ dưỡng của Ban tổ chức tại núi Dốc Gió của Đại Lộc. Mấy ngày tôi ở đây, có chị Nhớ người Điện Dương học ở bắc mới về, trên đường đi B mấy tháng trời lăn lộn với núi rừng chị bị rốt rét. Mỗi lần chị lên cơn rét, nhà cửa rung hết, chị rên hù hù, hết lên cơn rét chị lại đến lên cơn sốt, chị tung tấm đắp vung vãi ra và la lối om sòm. Thấy chị sốt rét quá, tôi sốt ruột lấy thuốc tiêm cho chị, nào ngờ chị vung tay không cho tiêm mà còn mắng chửi tôi thậm tệ, chị nói: “Bọn bây tiêm thuốc để giết con tau hả? Con tau mới có vài tháng tuổi mà bọn bây tiêm Quinin (ký ninh) thì làm sao nó sống được.” Nhất quyết chị không cho tôi tiêm. Cuối cùng tôi chịu thua và nói với mấy anh mấy chị cơ quan nên đưa chị Nhớ đi bênh viện Y10 cho họ điều trị. Thuyết phục mãi chị mới chịu đi bệnh viện. Vì chị sốt rét nặng quá, khi đến bệnh viện họ tiêm cho chị một ngày hai mũi Quinin (ký ninh) mới dứt sốt hẳn và đến đây chị không dám nói năng gì nữa.
Hồi mới lên công tác ở trạm đón tiếp, lúc này trạm làm căn cứ ở Lộc Sơn- Đại Lộc. Ban tổ chức tỉnh điều tôi ra phục vụ cho đoàn Hội nghị 4 bên tại Lộc Sơn. Sau này cơ quan này gọi là Ban Giao tế, thuộc UBND tỉnh Quảng Đà) do ông Phạm Đức Nam Chủ tịch phụ trách. Khoảng một tháng sau tôi trở về lại công tác ở trạm đón tiếp. Chỗ Lộc Sơn mà trạm làm căn cứ có chè xanh nhiều lắm, chè ở đây cũng ngon có tiếng nhưng lâu năm rồi không ai hái. Cây chè cao to mà lá xanh mướt, bọn tôi cứ ra vườn hái vào nấu nước uống. Năm 1973 khi tôi ở và làm việc trên núi, ở nhà cô tôi nhẩm tính năm nay tôi cũng đã lớn khôn, biết giữ của rồi, nên cô gửi cái dây chuyền vàng cho chú Bốn Xin đem lên núi đưa lại cho tôi. Sau này trạm đón tiếp chuyển lên Thạnh Mỹ. Tôi lên Trạm đón tiếp, cơ quan của trạm đóng ở gần Khe Dung, dưới bến Giằng khoảng mấy cây số. Trên đường đi từ cơ quan lên Thạnh Mỹ phải đi qua cái dốc gió B. Đường dốc gió A gần hơn nhưng dốc cao hơn nhiều nên không đi. Đi đường này sên nhiều dữ lắm. Hôm đi lên Thạnh Mỹ chú Tám cán bộ cơ quan dẫn tôi đi. Mới sáng sớm sương còn đọng trên các ngọn lá rừng, chú đi trước dẫn đường cho tôi. Sên nó ở dưới lá rụng ẩm ướt bò lên mặt đường nằm chờ bước chân người qua. Tôi thấy một đầu nó bám dưới đất còn đầu kia ngóc lên huơ qua huơ lại, tôi sợ quá, nếu nó bám lên chân thì làm sao mà bắt được trời! Thế là tôi leo lên tảng đá to bên đường đứng và chờ chú Tám đi thật xa, tôi nhảy xuống chạy cái vù một mạch đến một tảng đá khác rồi lên đó đứng. Chú chống gậy đi lững thững, thỉnh thoảng đứng lại gỡ sên đang bám trên chân. Chân chú máu chảy đỏ lòm trên suốt cả đoạn đường đi. Tôi không dám nhìn, sợ lắm. Quá trưa lên đến Thạnh Mỹ, hết đoạn đường rừng tôi mới đi chậm lại cùng với chú. Trạm đón tiếp trên Thạnh Mỹ có một trại sản xuất nhỏ ở cuối con sông, gần giáp ngã ba sông Bung (sông Thạnh Mỹ và sông Bung từ trên nguồn chảy xuống giáp nhau). Ở đây mấy anh, chị trồng sắn, trồng khoai nhiều lắm. Trong những đám sắn, khoai, rau dền cơm mọc lên không biết làm gì cho hết, giống như mình gieo rau cải vậy, ngoài rừng thì có rau bát bát, rau má, rau lủi, rau dớn ngoài suối v.v. Hằng ngày chúng tôi ra đây nhổ rau dền đưa ra sông rửa sạch, đem vào luộc ăn với cơm, vì rau dền còn nhỏ, non nên chúng tôi luộc cả rễ để ăn. Khoảng 3-4 ngày chị nuôi đi cắt lá sắn non, đem về xắt nhỏ ra bóp với muối sống rồi dầm với nước vo gạo, để một vài ngày nó lên men chua. Chị nuôi đem rửa sạch vắt khô thêm gia vị rồi xào ăn với cơm. Gọi là xào chứ chẳng qua là bắt nồi lên bếp cho nóng, bỏ rau vào khuấy đều rồi nhắc xuống đem ra ăn thôi, chứ làm gì có dầu mà xào. Những năm ấy ở trên núi có người bảo ăn lá sắn “bổ hơn trứng gà”. Thời gian đầu mới lên đây tôi bị sốt rét, mỗi lần sốt như vậy thật là khổ sở, đi không nỗi, đau đầu không tưởng được. Cố gắng đi lại trong nhà thì cái đầu của tôi nặng trĩu, nó cứ chúi xuống nhào về phía trước, hai cái chân thì mỏi rã rời, miệng thì đắng ngắt, môi khô, thân thể thì lúc nào cũng hừng hực nóng ran. Hết cơn sốt rồi lại lên cơn rét, rét gì mà cả người run bật bật, xương sống lạnh nhức nhối, do rét quá cả người co rúm lại, đắp bao nhiêu tấm dù cũng không đỡ cơn rét. Rứa mà vừa dứt cơn sốt rét xong là tôi thấy khỏe re, đi gùi bình thường cứ tưởng như mình chưa bao giờ bị ốm. Đúng là "Tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu" thiệt.
Ở đây, thức ăn thì được thiên nhiên ban tặng cho mình đủ thứ, còn chất độn thay lương thực thì cứ sắn khô ghế cơm (sắn của dân tộc, thường ngày họ chặt khúc đem phơi khô để dành cho heo, chắc khi nhà nước khó khăn, dân tộc họ ủng hộ lương thực bằng sắn thay cho gạo). Trước khi ghế cơm, chị nuôi phải chẻ nhỏ sắn ra rồi luộc cho nó chín trước, khi nồi cơm sôi lên thì đổ nó vào nếu không làm thế cơm sống không ăn được. Có lần mấy chị nuôi giao cho tôi nấu bữa trưa, tôi làm y như rứa nhưng cuối cùng cơm đâu có ăn được.
Logged
pt.hung
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #19 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2015, 12:26:31 am »

Trạm đón tiếp này có nhiệm vụ đón tiếp cán bộ ở Bắc về, đón những cán bộ ở đồng bằng lên, tất cả về đây chờ Ban tổ chức phân công đi nhận công tác ở các đơn vị. Làm việc ở đây cũng vui mà cũng nhức đầu lắm. Cán bộ dưới đồng bằng thì không thích lên núi, thích ở lăn lộn với dân, quầng với địch. Cán bộ ở bắc về cũng tưởng đồng bằng dễ ăn nên họ ưng về dưới nớ, tư tưởng không thông nên giả vờ ốm, phân công công tác không chịu đi. Hôm nào có ai mà giả vờ ốm chị Phin biết liền, chị bảo tôi:
- Ông nớ ốm giả vờ đó, là ốm tư tưởng, em cứ lấy nước cất tiêm cho ổng, ổng tưởng mình tiêm thuốc bổ, ít bữa là ổng hết đau liền hà! Tôi sợ lắm nên hỏi:
- Tiêm nước cất có ảnh hưởng chi không chị?
- Không sao hết, em cứ tiêm, có gì chị chịu cho.
Ở Thạnh Mỹ thời kỳ 1973 có bòong boong ngon lắm. Hôm ngày đám cưới của anh Yên (Phó Ban tổ chức tỉnh Quảng Đà) với chị Thu (Trưởng trạm đón tiếp tổ chức). Anh Nhố người dân tộc Cà Tu học ở bắc mới về, anh thích đi rẫy săn bắn. Hôm nớ ảnh dẫn mấy anh đi hái bòong boong trên núi tại làng Mực của huyện Giằng đem về làm tiệc đãi đám cưới. Cứ một mâm khách là một thau bòong boong (thau bới cơm), ăn hết thau nọ đi lấy thau khác. Ăn tiệc cưới mà giống như tằm ăn dâu. Anh Nhố đi săn giỏi nên cơ quan thường hay có thức ăn tươi. Hễ đêm nào không có heo rừng thì có nai, có nhím, có chim, có hôm anh dẫn về một đàn vượn, con nhỏ con lớn, cái thì bồng cái lai dắt về cột một bầy ngoài suối. Thời nớ Ban tổ chức có thêm một trại điều dưỡng cán bộ, trại điều dưỡng lại sinh hoạt Đảng chung một chi bộ ghép với trạm đón tiếp nên trạm có gì ăn cũng chia cho điều dưỡng. Điều dưỡng có một đội đánh cá trên sông Thạnh Mỹ, nếu có cá nhiều cũng chia bớt cho trạm cùng ăn. Sông Thạnh Mỹ hồi ấy nước sâu, xanh biếc mà sông rộng lắm chứ không phải như bây giờ nó cạn kiệt lòi cát và đá đâu. Hồi đó sông Thạnh Mỹ có cái thác Khe Dung chảy dữ lắm, mỗi lần ghe bọn tôi qua đây đi xuôi dòng thì dễ ợt, nhưng lúc về chống ghe đi ngược suối không được, phải dìu và chống ghe đi sát mé suối mới đi lên được.
Một buổi sáng tôi cùng chị Năm đi ra sườn núi hái rau bát bát về nấu canh. Tôi leo lên sườn núi hái những dây rau non vứt xuống cho chị Năm. Bất ngờ tôi nghe từ dưới suối vang ra một tiếng ạch…, tôi nhìn xuống thấy chị Năm ngã nằm bất tỉnh, tôi nhảy xuống lật ngửa chị Năm lên để nước khỏi vào miệng. Tôi vội vã nhảy từ hòn đá này, vọt lên hòn đá kia, chạy thục mạng về cơ quan, hớt hơ hớt hãi lấy hộp kim và thuốc xách chạy đi. Mấy anh cơ quan không biết việc gì nhưng cũng cầm võng chạy theo tôi. Đến nơi tôi lấy thuốc ra tiêm cho chị. Do mệt và hồi hộp quá, nên lấy thuốc xong mà tay tôi run, không tiêm được. Anh Chiến nói: “Đưa đây anh tiêm cho, y tá gì mà thấy bệnh nhân run như cầy sấy!” Tiêm thuốc cấp cứu xong, anh em xúm đưa chị lên võng cáng về nhà, chị nằm bất động. Chị Năm mập lắm, khiêng chị về đến nhà anh nào cũng thở hổn hễnh như chạy giặc. Về đến cơ quan, tìm chị Phin y sĩ không thấy. Chị đang chơi bên trường bổ túc với bạn đồng hương ngoài bắc mới vào. Gọi chị Phin về, cấp cứu xong, đưa chị Năm đi bệnh viện y 70 điều trị.
Y 70 lúc đó đóng ở Khe Điên – Thạnh Mỹ, cách trạm đón tiếp khoảng gần 10km. Khiêng đi bệnh viện có anh Chiến, anh Hay, anh Long, anh Thành và tôi. Anh Vấn đi theo chứ anh khiêng không được vì anh bị thương ở chân từ hồi ở khu 3, anh ra điều trị ngoài Bắc mới về. Chúng tôi khiêng đi một đoạn, anh Vấn bảo nghỉ chân và tiêm thuốc cho chị Năm, mấy anh cùng đi nói: “Sao hôm nay ông này nhiệt tình, sốt sắng dữ quá.” Khiêng đi mấy tiếng đồng hồ mới đến nơi và vào nhập viện ngay, đến bệnh viện mấy ông mệt quá, thời tiết lại nắng nóng nên anh nào cũng sổ hơi tai! Chị Năm ở đây mê man 4 ngày liền, bác sĩ bảo: “Chị bị sốt ác tính, may mà đưa đến kịp.” Trên đường về lại cơ quan, đến ngã ba Thắng Lợi tôi ghé vào đồn công an ở đây hỏi thăm anh Lê Minh Tại.
Có một lần tôi nghe và biết được anh Tại dưới quận Nhất về đây công tác, nên lần nầy tiện thể ghé hỏi thăm thử. Tôi hỏi:
- Ở đây có ai tên là: Lê Minh Tại không anh?
Anh gác cổng trả lời:
- Có, nhưng anh ấy đi vắng rồi.
Không gặp được anh Tại tôi cũng buồn, vì khi anh về cơ quan ở tuyến sau,  ác liệt quá chú Mai Văn Dậu cho anh lên núi luôn, do đó tôi không gặp. Một tuần sau đó tôi xuống bệnh viện thăm chị Năm và cũng không quên ghé lại hỏi thăm anh Tại, lần này cũng không gặp được anh. Họ bảo anh mới chuyển lên công tác ở đồn công an bến Giằng rồi.
Chị Năm nằm bệnh viện 20 ngày, khi ra viện chị mang theo về hai bên mông hai ổ áp xe cho cơ quan điều trị. Sức khỏe còn yếu, chị chưa làm gì được. Thời gian này chị suốt ngày lên ngồi chỗ làm việc của anh Vấn chơi. Ai dè, hai người này thầm “yêu nhau” từ bao giờ mà cơ quan không ai biết. Sau vụ chị Năm bị sốt ác tính mới phát hiện tình cảm của hai người sâu đậm đến vậy. Tính anh Vấn lúc nào cũng toang toang, vô tư, còn chị Năm thì tính tình điềm đạm ít nói hay cười mà sao hai người để ý với nhau lúc nào vậy ta... Hèn gì, chị Năm đau là anh Vấn cứ lăng xăng chạy lên, chạy xuống bệnh viện mấy lần, mặc dầu chân của anh còn đi hơi “chấm phẩy”. Sau ngày giải phóng hai người cưới nhau và đã có với nhau hai cậu con trai. Nay anh Vấn bị bệnh đã mất chị Năm bây giờ ở với con trai và cháu nội.
Mãi đến năm 2009 tôi mới biết hồi chiến tranh ở La Thọ 1972, anh L. người cùng quê Điện Thắng đã đem lòng yêu chị Năm. Gặp lại chị Năm tôi hỏi chị về chuyện ấy: “Ôi trời ơi! Ông nớ khó tính lắm, ổng nói chuyện mà hai hàm răng không hở, tau không thích.” chị Năm nói vậy. Sau này tôi gặp lại anh L. tôi trêu chọc anh, anh chỉ cười trừ…xem ra đến bây giờ anh L. vẫn còn quý chị Năm. Anh cũng thường hỏi thăm sức khỏe của chị và gia đình.
Tháng 8/1973 Trạm đón tiếp phân công một số anh em lên làng Pà Bân (giáp biên giới Lào) để đào sắn, đào khoai xắt đem về ăn. Tiêu chuẩn gạo cấp trên phát có hạn, ăn không đủ vì phải đón nhiều đoàn cán bộ các nơi về, cơ quan phải tự xoay xở trong tình hình khó khăn. Cơ quan phân công các anh đi lên làng Pà Bân thu hoạch sắn. Lần này đi có 6 người, trong đó tôi đi theo phục vụ ốm đau cho anh em. Trước khi đi lên núi cao, rừng già tôi phải chuẩn bị đèn pin phòng khi tối tăm, không có đèn. Tôi nhờ anh Hay (tiếp vụ) xuống đồng bằng mua dùm tôi một cái đèn pin và một đôi pin đại. Anh Hay đi công tác chưa về thì chúng tôi đã lên đường. Anh Vấn (quản lý) cho tôi mượn đèn pin của anh dùng tạm. Sáng hôm đó chúng tôi đi, đi đúng một ngày mới đến làng Chà Vành thì trời đã tối. Chúng tôi vào làng xin nấu ăn tối và ngủ nhờ. Anh chủ nhà cho tôi treo võng nằm vắt ngang qua sạp của chị vợ anh, chị vợ anh mới sinh con. Nửa đêm tôi cứ nghe tiếng loét choét, sợ không biết điều gì xảy ra, tôi đem đèn pin soi dòm thì không thấy gì cả (đèn pin lúc nào cũng ở trên võng). Nhưng tôi ngủ không được, vừa lạnh vừa nghe tiếng gì lạ. Sáng ra ngồi dậy, tôi thấy chị ngồi với con nhỏ trên sạp gỗ, trên mình chị chỉ có một vài mảnh vải rách che thân thật đáng thương, dưới đất một đống vỏ boòng boong to tướng. Xem ra, cả đêm chị phải cho con bú và vì đói bụng, chị phải ngồi cả đêm để ăn boòng boong.
Chúng tôi nấu cơm ăn sáng rồi chuẩn bị lên đường. Chúng tôi đi ra suối để lội qua bên kia thì lại đi không được, nước lũ ống vừa mới qua đây làm trôi đi một người dân tộc, mọi người đang loay hoay tìm kiếm. Chúng tôi phải ngồi lại đây chờ đến gần trưa nước xuống mới đi sang được. Qua bên kia bờ suối, đi xuôi dòng nước chảy, đi mãi, đi mãi. Mỗi khi nghe hơi gì thum thủm là chúng tôi dừng lại kiểm tra sợ có cọp đang ở quanh đây. Chúng tôi đi đến ngã ba sông (sông Bung) thì lội ngược dòng suối đi lên cơ quan (thời kỳ 1965-1966, ba ban của Tỉnh ủy Quảng Đà đóng ở đây). Chúng tôi đến đây trời đã tối nhà cửa lại sụp xệ hết. Tối nay lại cũng một đêm nữa không ngủ, vắng vẻ sợ cọp!
Phải nói ở rừng già đêm dài thật, 6g sáng mà vẫn còn tối om. Chúng tôi dậy sớm, lo ăn uống xong, ai vào việc nấy, mấy anh trai tráng đi đốn cây làm giàn để sấy sắn, khoai, rồi đốn cây khô lẫn cây tươi đem về làm củi. Chuẩn bị xong xuôi mọi việc, chúng tôi đi lên rẫy nhổ sắn, nhổ khoai lang đem về lột vỏ, đưa ra suối rửa sạch rồi xắt bỏ lên giàn chất lửa sấy. Ở đây lâu ngày không có người ở, mà sắn khoai thì nhiều nên heo rừng tha hồ mà ủi lên ăn. Lên đây mấy ngày rồi mới gặp một anh cán bộ của Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Đà. Hỏi chuyện, anh ấy kể: “Cơ quan chuyển về phía trước hết, để anh ở lại đây giữ đồ, bảo vệ cơ quan, ốm đau mãi, ở một mình cũng sợ lắm, nhưng làm sao bây giờ. Tôi nhìn thấy anh mà tội nghiệp, anh sốt nhiều quá, da vàng chạch, đi đứng khó khăn. Muốn đi đâu phải chống gậy. Anh nói: “Sốt rét nhiều, lá lách to, mệt và khó thở lắm, đi lại không cẩn thận, té ngã vỡ lá lách chứ chẳng phải chơi. Lâu quá mới thấy có người lên đây, anh vui mừng lắm!…
Logged
Trang: « 1 2 3 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM