Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 02 Tháng Sáu, 2024, 02:26:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hình ảnh & Tiểu sử Lãnh đạo, Tướng lĩnh, Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam  (Đọc 828839 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
rongxanh
Thành viên
*
Bài viết: 2085

Mơ về nơi xa lắm.


« Trả lời #170 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 07:52:46 am »

--

Em giờ vẫn có thói quen đọc báo Quân đội Nhân dân và Văn nghệ Quân đội, đúng ra là "bị nhiễm" từ hai cụ nhà em. Thi thoảng đọc được vài bài báo khóa thú vị xin hầu các bác trong quân sử:

--Trung tướng giữa đời thường
Nguồn: Báo văn nghệ quân đội
Link: http://vannghequandoi.com.vn/t-liu-vnq/3413-trung-tng-gia-i-thng.html

Theo các bác thì bút ký này viết về tướng nào trong số những tướng trong topic này?

Trừ tên "Lương" và quân hàm "Trung tướng" là không đúng, còn tất cả các chi tiết còn lại đều lấy gần như nguyên mẫu ngoài đời luôn: Quê quán, Ngoại hình, Tính cách, Đời tư, Quan niệm sống...Trong thực tế thì đúng là ông rất xứng đáng được phong quân hàm Trung tướng nhưng bởi cái lẽ "thời bình nó khác thời chiến"  Grin




Trung tướng Nguyễn Quốc Thước!
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #171 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 08:58:30 am »

Bác này là phó cho bác Kim Tuấn và quền tư lệnh QĐ3 sau khi bác Kim Tuấn hy sinh?
Logged
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #172 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 02:51:47 pm »

Bác này là phó cho bác Kim Tuấn và quền tư lệnh QĐ3 sau khi bác Kim Tuấn hy sinh?

Không phải bác ạ. Đó là Thiếu tướng Hoàng Kiện  Grin Có thể dẫn ra đây một số chi tiết:

-- Nhân vật Trung tướng Hoàng Lương trong khi ngoài đời là Thiếu tướng Hoàng Kiện,
--
-- Người cao cao tóc cắt ngắn, da nâu (đúng hơn là da ngăm  Roll Eyes)
-- Thiếu hẳn cái vẻ oai vệ của cấp tướng với những bài diễn văn hùng hồn, cổ vũ.
-- Mê bóng đá (cái này nhiều cụ nhà mình mê lắm như cụ Tấn, cụ Thanh, cụ Vũ..., nói chung lính tráng hình như đều mê bóng thì phải)
-- "ông ấy không thích nói chuyện vợ con, gia đình đâu nhé. Làm việc xong còn muốn nấn ná ngồi chơi, hãy gợi chuyện bóng đá, chuyện săn chim, đừng có thói quen hỏi thăm: "Thủ trưởng mấy cháu rồi, chị nhà hiện ở đâu ạ" là ông ấy sẽ dùng cái giọng nhát gừng hỏi lại "Xong việc chưa? Nếu xong rồi thì nên về" cụ Kiện không vợ không con các bác ạ  Grin
-- "Hồi làm giám đốc một học viện cách Hà Nội hai mươi ki-lô-mét, nhân ngày chủ nhật có trận đấu bóng đá quốc tế, lái xe chuẩn bị xe chu đáo tính giờ giấc để vượt qua cầu Long Biên," Học viện Hậu cần chứ còn cái gì nữa.
-- "Hoàng Lương không cần của cải, không cần vật chất. Cả cuộc đời Hoàng Lương chỉ có chiến tranh, chỉ rực sáng lúc chiến tranh" nghỉ hưu là cụ bỏ phố về quê sống, mặc dù phong quân hàm thiếu tướng năm 77 mà lúc về hưu vẫn mang quân hàm thiếu tướng.
-- "Về Đô Lương chỉ bảy mươi ki-lô-mét, xe chạy mất gần bốn tiếng đồng hồ" cụ quê ở Đô Lương mà.

...
Em xin kết thúc bằng câu nói của Bác Hồ khi tuyên dương về đức thanh liêm trong quân đội: "Tướng Thanh, tá Kiện"



« Sửa lần cuối: 19 Tháng Ba, 2009, 03:10:38 pm gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #173 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2009, 02:17:51 am »


Thiếu tướng Hoàng Kiện (03.1921-2000), nguyên : Phó viện trưởng học viện Quân sự cấp cao, Viện trưởng Học viện Hậu cần, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh 559 (Trường Sơn), Phó Tư lệnh Quân khu 4, Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không.

Thiếu tướng (11.1977).

Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng (chống Pháp) hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy hiệu 40 và 50 năm tuổi Đảng.


Thiếu tướng Hoàng Kiện quê ở xã Đông Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Ông tham gia Cách mạng tháng 8 năm 1945, tham gia Nam tiến và là tiểu đội trưởng Giải phóng quân ở Huế. Sau đó, tháng 11 năm 1945, ông là Trung đội trưởng giải phóng quân ở Vinh (Nghệ An) rồi tham gia hoạt động ở Mường Xén của Lào. Tháng 4 năm 1946, ông là Đại đội trưởng rồi Tiểu đoàn phó Tiếp phòng quân. Ông được kết nạp vào Đảng tháng 7 năm 1946 (chính thức tháng 11 năm 1946).

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, tháng 12 năm 1946, khi đó ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 (Tiểu đoàn Đống Đa) trực thuộc Trung đoàn 48 (Trung đoàn Thăng Long). Tháng 5 năm 1947, ông là Trung đoàn phó Trung đoàn 48 trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 316. Từ tháng 10 năm 1948, ông lần lượt giữ các chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48, Trung đoàn 64 rồi Trung đoàn 66. Năm 1953, ông là Tham mưu trưởng Đại đoàn 312 (Đại đoàn chiến thắng). Tháng 9 năm 1954, ông được cử giữ chức vụ Đại đoàn phó Đại đoàn pháo cao xạ 367 trực thuộc Bộ Tư lệnh Pháo binh.

Sau khi hòa bình được lập lại trên miền Bắc, năm 1955 ông được cử đi học pháo binh ở Trung quốc, trở về nước ông tiếp tục giữ chức vụ Đại đoàn phó Đại đoàn pháo cao xạ 367. Tháng 5 năm 1958, ông là Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không. Từ tháng 11 năm 1958, ông lần lượt giữ quyền Tư lệnh rồi Tư lệnh (tháng 11 năm 1960) Bộ Tư lệnh Phòng không. Năm 1962, ông được biệt phái về Cục Phòng không nhân dân trực thuộc Phủ thủ tướng.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông được cử giữ chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 304 vào chiến đấu tại mặt trận Tây Nguyên (B3) cho đến năm 1966 là Tham mưu trưởng mặt trận. Tháng 1 năm 1967, ông ra Bắc giữ chức vụ Phó Tư lệnh Quân khu 4 kiêm Tư lệnh Phòng không Quân khu. Tháng 5 năm 1970, ông vào làm Phó Tư lệnh Mặt trận 968, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559. Tháng 10 năm 1970, ông tiếp tục giữ chức vụ Phó Tư lệnh Quân khu 4, rồi Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 (Bộ đội Trường Sơn). Tháng 8 năm 1974, ông giữ chức vụ Viện trưởng Học viện Hậu cần.

Đầu năm 1975, ông được cử đi học bổ túc tại Học viện Hậu cần Lê-nin-grát của Liên Xô cho đến tháng 8 năm 1975. Tháng 2 năm 1981, ông là Phó Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao, Ủy viên Hội đồng khoa học của Viện cho đến tháng 3 năm 1986.

Tướng Hoàng Kiện không vợ, không con và từng được Bác Hồ biểu dương trước toàn quân về tính liêm khiết bằng câu nói ‘’Tướng Thanh (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh), tá Kiện’’




« Sửa lần cuối: 20 Tháng Ba, 2009, 02:19:54 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #174 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2009, 02:51:04 am »


Thiếu tướng Giáo sư Đoàn Huyên (1925-2002), nguyên : Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân.

Huân chương Quân công (hạng Nhất, hạng Ba), Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng (chống Pháp) hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vể vang (hạng Nhất, Nhì, Ba) Huân chương Tự do hạng Nhất của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy chương ‘’Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ’’, Huy hiệu 40 và 50 năm tuổi Đảng.

Thiếu tướng (02.1983).


Thiếu tướng Đoàn Huyên quê ở xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Trước Cách mạng tháng 8, ông theo học ở Trường thanh niên tiền tuyến ở Huế. Học sinh của trường này phần lớn là sinh viên các trường đại học ở Đông Dương. Trường do triều đình nhà Nguyễn mở, tuy nhiên lại do những trí thức yêu nước như Phan Anh, Tạ Quang Bửu...lãnh đạo. Cho nên, sau khi Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945) học sinh của trường dưới sự lãnh đạo của ông Phan Tử Lăng (khi đó là Chỉ huy trưởng Bảo an binh Trung kỳ, trong đợt phong quân hàm đầu tiên năm 1948 ông được phong quân hàm Đại tá) đã nhanh chóng về với Cách mạng, ủng hộ Việt Minh. Qua 2 cuộc kháng chiến, nhiều học sinh của Trường đã trở thành tướng lĩnh trong Quân đội như các tướng: Cao Văn Khánh, Đào Hữu Liêu, Mai Xuân Tần, Phan Hàm, Nguyễn Thế Lâm (tức Nguyễn Kèn).

Trong Cách mạng tháng 8 năm 1945, ông tham gia giành chính quyền tại Huế, là Trung đội trưởng Giải phóng quân (19 tháng 8 năm 1945). Sau khi thực dân Pháp núp bóng quân Anh trở lại Nam Bộ, ông tham gia Nam Tiến trên cương vị Trung đội trưởng. Tháng 11 năm 1945, Đại đội phó rồi Đại đội trưởng Giải phóng quân trực thuộc Chi đội 3 Nam Long chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ. Từng bị bắt ở Biên Hòa, 2 lần địch đưa ra dọa hành quyết ông nhất quyết không khai và trốn thoát về với đơn vị. Từ tháng 1 năm 1946, ông lần lượt là Đại đội trưởng, Tiểu đoàn phó rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cao Thắng, Trung đoàn 80 thuộc khu 6 chiến đấu ở mặt trận Phú Yên rồi tham gia hoạt động trong vùng định hậu ở phía Bắc Khánh Hòa.

Tháng 6 năm 1948, Trung đoàn phó Trung đoàn 80 Khu 6 rồi Liên Trung đoàn phó Liên trung đoàn 80-83 Liên khu 5. Tháng 6 năm 1949, ông cùng đơn vị sang hoạt động ở Hạ Lào trong Ủy ban kháng chiến miền Nam Trung Bộ, là Khu phó Hạ Lào. Ông là phái viện Quân sự cạnh đại diện Chính phủ Kháng chiến Lào tại Khu Hạ Lào, Ủy viên Thường vụ Ban cán sự Hạ Lào trực thuộc Liên khu ủy Liên khu 5.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, tháng 10 năm 1954 ông tập kết ra Bắc và được cử làm Trưởng phòng Tác chiến Bộ Tư lệnh Pháo binh (tháng 11 năm 1954). Tháng 3 năm 1955, là Trưởng phòng Huấn luyện Bộ Tư lệnh 350. Tháng 8 năm 1960, ông được cử đi học tại học viện Quân sự Pháo binh Lê-nin-grát của Liên Xô. Về nước ông được cử làm Chủ nhiệm Khoa Pháo binh kiêm Phó trưởng Hệ Quân sự Học viện Quân chính (tháng 10 năm 1964).

Bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông được cử vào Nam là Trưởng đoàn nghiên cứu đánh Mỹ ở chiến trường khu 5 (tháng 12 năm 1965). Tháng 1 năm 1967, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân. Tháng 3 năm 1967, Tư lệnh Binh chủng Tên lửa Quân chủng Phòng không Không quân. Tháng 1 năm 1968, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân.

Tháng 12 năm 1968, ông được cử làm chuyên viên cho phái đoàn quân sự Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Pa-ri về Việt Nam.
Tháng 1 năm 1970, ông tham gia chiến dịch phản công Đường 9 Nam Lào trên cương vị Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 70. Tháng 2 năm 1971, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân.

Tháng 7 năm 1972, tiếp tục tham gia Hội nghị Pa-ri là Tổ trưởng Tổ quân sự. Tháng 3 năm 1973, ông là Phó Trưởng đoàn Ban liên hiệp Quân sự 4 bên ở miền Nam.

Tháng 2 năm 1975, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân. Tháng 6 năm 1977, chuyển sang làm công tác tổng kết ở Quân chủng Phòng không Không quân. Tháng 7 năm 1978, là Trợ lý Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao. Tháng 4 năm 1980, là Phân viện trưởng Phân viện Chiến lược Học viện Quân sự cấp cao. Tháng 1 năm 1981, ông là Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng. Ủy viên ban chỉ đạo biên soạn Tư điền Bách khoa Quân sự Bộ Tổng Tham mưu (từ tháng 10 năm 1989) cho đến khi nghỉ hưu ngày 1 tháng 1 năm 1996. Ông mất năm 2002 tại thành phố Hồ Chí Minh.




« Sửa lần cuối: 20 Tháng Ba, 2009, 04:17:29 pm gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #175 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2009, 07:28:57 am »


Thiếu tướng Đào Hữu Liêu (1919), nguyên : Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế, Cục trưởng Cục kiến thiết cơ bản Tổng cục Hậu cần.

Huân chương Quân công (hạng Nhì, Ba), Huân chương Chiến thắng (chống Pháp) hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy hiệu 40 và 50 năm tuổi Đảng.

Thiếu tướng (12.1984).


Thiếu tướng Đào Hữu Liêu quê tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông nhập ngũ tháng 8 năm 1945 và đươc kết nạp vào Đảng tháng 1 năm 1950 (chính thức tháng 5 năm 1950).

Trong Cách mạng tháng 8 năm 1945, ông cùng các học viên của Trường thanh niên tiền tuyến Huế đứng về phía Cách mạng, gia nhập Việt Minh, tham gia cướp chính quyền ở Huế. Cùng thời gian này ông nhập ngũ giữ cương vị Trung đội trưởng Cônb binh rồi Trưởng ban Công binh Quân giải phóng tỉnh Thừa Thiên vì trước khi theo học Trường thanh niên tiền tuyến ông đã từng học đại học về cầu đường. Đến tháng 1 năm 1946, ông là Đội trưởng Công binh Liên khu 4.

Tháng 1 năm 1947, là Phó Ban Công binh, phụ trách Trường Công binh Liên khu 4. Tháng 4 năm 1948, Trưởng phòng Công binh Liên khu 4. Tháng 6 năm 1949, ông được điều lên Việt Bắc giữ chức vụ Trưởng phòng nghiên cứu Cục Công binh. Từ tháng 1 năm 1951, là Tham mưu trưởng rồi Trung đoàn phó Trung đoàn 151 Công binh (tháng 12 năm 1951). Tháng 7 năm 1952, ông là Phó Chủ nhiệm Hậu cần, rồi Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 351. Tháng 7 năm 1954, là Trưởng ban Tác huấn Phòng Công binh.

Sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, trước nhu cầu của xây dựng và phát triển của Quân đội trong thời kỳ mới, ông được cử giữ chức vụ Trưởng phòng Công trình sân bay Gia Lâm. Tháng 1 năm 1958, ông dẫn đầu đoàn thực tập sinh sang thực tập về Công trình hàng không tại Trung Quốc trong vòng 8 tháng. Sau khi trở về nước, ông giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Hậu cần Ban nghiên cứu sân bay Cục Không quân.

Tháng 7 năm 1964, ông là Cục phó Cục doanh trại Tổng cục Hậu cần. Tháng 11 năm 1966, Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Công binh. Tháng 3 năm 1970, là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Công binh. Tháng 8 năm 1971, ông được cử giữ chức vụ Cục trưởng Cục Kiến thiết cơ bản Tổng cục Hậu cần.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, tháng 6 năm 1976 ông được cử làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế. Tháng 7 năm 1979, ông tiếp tục giữ chức vụ Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh cho đến tháng 8 năm 1980 thì giữ vai trò Chuyên viên Bộ Quốc phòng. Ông nghỉ hưu ngày 13 tháng 6 năm 1988 tại Hà Nội.




Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #176 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2009, 03:40:32 pm »


Thiếu tướng Trần Xanh (02.04.1927-12.08.1988), nguyên : Phó Tư lệnh kiêm Cục trưởng Cục nhà trường Quân chủng Phòng không.

Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công (hạng Nhất, Ba), Huân chương Chiến thắng (chống Pháp) hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Thiếu tướng (04.1984).


Thiếu tướng Trần Xanh quê ở thông Tứ Mỹ, xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Trước Cách mạng tháng 8, ông là công nhân trong Nam, tháng 7 năm 1945 là Đoàn trưởng Thanh niên tiền phòng Sở cao su Quản Lợi, Thủ Dầu Một.

Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công không lâu, thực dân Pháp núp bóng quân Anh quay trở lại xâm lược Nam Bộ, nhân dân Nam Bộ đứng lên kháng chiến. Tháng 9 năm 1945, ông nhập ngũ là chiến sĩ rồi Trưởng ban Ý tế Mặt trận sông Bé, Suối Cầu, Đại đội 3, Chi đội 1 miền Đông Nam Bộ.

Tháng 11 năm 1947, ông được cử đi học lớp chính trị do Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức. Tháng 1 năm 1948, là Cán bộ nghiên cứu Văn phòng Chính ủy Quân khu 7, Trưởng ban huyấn luyện, Khoa Khảo huấn, Phòng Chính trị Quân khu 7 – Văn phòng Khu ủy Khu 7. Tháng 7 năm 1950, ông ra Việt Bắc dự khóa học về Chính trị tại Trường Nguyễn Ái Quốc. Tháng 11 năm 1952, ông quay trở vào chiến trường miền Nam làm Bí thư cho ông Trần Văn Tràn (sau này là Thượng tướng) khi đó là Tư lệnh miền Đông Nam Bộ.

Sau khi tập kết ra Bắc, ông là Cán  bộ Phòng Bí thư Bộ Tổng Tư lệnh Quận đội Nhân dân Việt Nam. Tháng 7 năm 1961, trước yêu cầu phát triển hiện đại hóa của Quân đội ta trong thời kỳ Cách mạng mới ông cùng các ông Nguyễn Quang Tuyến, Trần Nhẫn, Trần Xanh, Nguyễn Văn Ninh, Hồ Sĩ Hưu, Lê Thanh Cảnh…là lớp cán bộ đầu tiên được cử sang Liên Xô học về Tên lửa tại Học viện Phòng không Ki-ép. Trở về nước, tháng 10 năm 1964, ông tiếp thục theo học khóa học bổ túc cao xạ 57 mm tại Trường Sĩ quan Phòng không Quân chủng Phòng không Không quân.

Khi những đơn vị Tên lửa đầu tiên của Quân đội được thành lập, tháng 2 năm 1965 ông là Tham mưu trưởng rồi Trung đoàn phó Trung đoàn Tên lửa 236 Quân chủng Phòng không Không quân. Tháng 5 năm 1967, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tên lửa 236 Sư đoàn Phòng không 361 Bộ Tư lệnh Binh chủng Tên lửa Quân chủng Phòng không Không quân. Tháng 2 năm 1968, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tên lửa 236 Quân chủng Phòng không Không quân. Tháng 10 năm 1969, Tham mưu phó rồi Tham mưu trưởng Sư đoàn Phòng không 361 Quân chủng Phòng không Không quân. Tháng 7 năm 1971, Phó Tư lệnh Sư đoàn Phòng không 361 Quân chủng Phòng không Không quân. Tháng 12 năm 1971, ông là Tham mưu phó Quân chủng Phòng không Không quân được tăng cường cho Sở chỉ huy tiền phương Quân chủng cho đến tháng 2 năm 1974. Tháng 5 năm 1977, Tham mưu phó Quân chủng Phòng không.

Tháng 5 năm 1979, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Sư đoàn trưởng Sư đoàn Phòng không 361 Quân chủng Phòng không kiêm Bí thư Đảng ủy Sư đoàn. Tháng 8 năm 1980, ông được cử đi học lớp bổ túc lý luận tại Học viện Nguyễn Ái Quốc rồi Học viện Quân sự cấp cao. Tháng 9 năm 1982, ông là Phó Tư lệnh kiêm Cục trưởng Cục Huấn luyện Nhà trường Quân chủng Phòng không. Thiếu tướng Trần Xanh mất ngày 13 tháng 8 năm 1988 tại Hà Nội.



Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #177 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2009, 04:08:17 pm »


Trung tướng Đoàn Chương (bí danh Đoàn Ái Nhân, 01.05.1927), nguyên : Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng, Cục trưởng Cục xuất bản Quân đội kiêm Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội, Phó Tư lệnh Quân khu 3 kiêm Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 68 Quân khu 3, Phó Chính ủy Quân đoàn 2, Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Cục phó Cục Tuyên huấn.

Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến công (2 hạng Nhất, 1 hạng Nhì), Huân chương Chiến thắng (chống Pháp) (hạng Nhì, Ba), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy hiệu 40 và 50 năm tuổi Đảng.

Thiếu tướng (04.1984), Trung tướng (08.1990).


Trung tướng Đoàn Chương quê ở làng Gia Đẳng, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông là em ruột của Đại tướng Đoàn Khuê nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Ông tham gia Cách mạng tháng 3 năm 1945, hoạt động Việt Minh và vận động khởi nghĩa giành chính quyền ở quê nhà làng Gia Đẳng, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tháng 8 năm 1945, ông là Cán bộ trinh sát Công an, là Phó rồi Trưởng phòng Hánh chính Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị. Tháng 4 năm 1946, làm công tác tuyên huấn, thanh niên, tự vệ chiến đấu ở quê. Tháng 8 năm 1946, Cán bộ trinh sát nội bộ, Bí thư Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị.

Tháng 8 năm 1948, ông là Cán bộ nghiên cứu Văn phòng trực thuộc Liên khu 4. Tháng 7 năm 1949, chuyển sang làm Bí thư cho ông Nguyễn Chí Thanh (sau này là Đại tướng) khi đó là Bí thư Khu ủy Khu 4. Sau khi ông Nguyễn Chí Thanh ra Việt Bắc giữ chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy ông nhập ngũ và tiếp tục làm bí thư.

Tháng 11 năm 1954, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị, Đảng ủy viên Đảng bộ Tổng cục, Bí thư Đảng ủy Văn phòng Tổng cục và đi học văn hóa. Tháng 4 năm 1956, là Trưởng phòng Giáo vụ (Trường Lý luận chính trị), Trưởng phòng Huyến luyện kiêm Chủ nhiệm Giáo dục Trường Chính trị Trung cao của Quân đội. Tháng 4 năm 1961, là Phó Chủ nhiệm hệ chính trị Học viện Quân chính cho đến tháng 7 năm 1964 thì giữ chức vụ Chủ nhiệm.

Tháng 3 năm 1965, ông là Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không Không quân. Tháng 5 năm 1968, là Tổ trưởng Chuyên viên quân sự Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Pa-ri về Việt Nam. Tháng 11 năm 1968, là Trưởng Ban Nghiên cứu tổng kết Tổng cục Chính trị. Tháng 4 năm 1970, Cục phó Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị. Tháng 4 năm 1973, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quân đội.

Tháng 6 năm 1978, ông được cử sang giữ chức vụ Phó Chính ủy, Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 2, Ủy viên thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban kiểm tra Đảng ủy Quân đoàn. Tháng 12 năm 1979, là Phó Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân đoàn 68 Quân khu 3. Tháng 8 năm 1980 là Phó Tư lệnh kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 3 và Phó Tư lệnh về Chính trị Quân đoàn 68, Ủy viên thường vụ Đảng ủy Quân khu 3.

Tháng 9 năm 1981, đi học bổ túc tại Học viện Quân sự cấp cao. Tháng 8 năm 1982, ông được cử giữ chức vụ Cục trưởng Cục Xuất bản Quân đội kiêm Giám đốc Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân. Tháng 4 năm 1990, ông là Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự Bộ Quốc phòng cho đến tháng 3 năm 1994 là Viện trưởng, Bí thư Đảng ủy, Đảng ủy viên Đảng bộ Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam cho đến khi về hưu tháng 5 năm 2002. Trung tướng Đoàn Chương hiện đang sống tại Hà Nội.




Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #178 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2009, 03:58:06 am »


Đại tá Đỗ Đức Kiên (tên thật : Phạm Khương, 10.01.1924-11.04.2003), nguyên : Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân, Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu, Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng, Chính ủy Khu 11, Chính ủy Khu 12.

Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, Huy chương Vì sự nghiệp Lao động, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Huy chương Cựu Chiến binh Việt Nam, Huy hiệu 50 tuổi Đảng.

Đại tá (12.04.1955).


Đại tá Đỗ Đức Kiên, tên thật là Phạm Khương, sinh ngày 10 tháng 1 năm 1924. Ông nguyên quán tại xã Vũ Hồng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, ông theo học Trường Cao đẳng Nông Lâm và tham gia vào các hoạt động của học sinh sinh viên yêu nước tại Hà Nội. Ông giác ngộ và tham gia cách mạng năm 1944, hoạt động Việt Minh tại Hà Nội. Tháng 3 năm 1945, là cán bộ Hội thanh niên cứu quốc. Trong Tổng khởi nghĩa tháng 8, ông nhập ngũ và được cử vào Ban chỉ huy Đội tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu hỗ trợ quần chúng đứng lên giành chính quyền và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.

Trong Kháng chiến chống Pháp, ông lần lượt giữ các chức vụ : 2.1947, Trưởng Ban Tuyên truyền Thành bộ Việt Minh Hà Nội, Bí thư Thành bộ Việt Minh thành Hà Nội ; 3.1947, Chính ủy Khu 12 ; 9.1947, Chính ủy Khu 11 (gồm Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây) ;  4.1948, Chủ nhiệm Chính trị kiêm Phó Bí thư Trường Sĩ quan Lục quân (khóa 4) ; 10.1949, Bí thư Văn phòng Quân ủy Trung ương ; 11.1950, Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng ; 12.1950, Cục phó rồi Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu. Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trên cương vị Phái viên đốc chiến Bộ Tổng Tham mưu.

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, ông được cử đi học ở Trường lý luận Chính trị trung cao rồi đi học tại Học viện Quân sự cao cấp Liên Xô.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu quốc, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ : 11.1964, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Tổng Tham mưu ; 12.1964, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân ; 1.1966, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân ; 12.1971, Đảng ủy viên Đảng ủy Quân chủng Phòng không Không quân.

Trong ‘’vụ án xét lại, chống Đảng’’, ông bị bắt giam. Sau khi được thả, ông bị chuyển công tác ra khỏi Quân đội và về làm Chuyên viên thuộc Ủy ban Nông nghiệp tỉnh Thái Bình (1.1972).

Sau khi được phục hồi, tháng 2 năm 1978 ông chuyển lên bộ làm Chuyên viên-Tổng cục phó Tổng cục Khai hoang Bộ Nông nghiệp. Tháng 7 năm 1982, là Phó trưởng ban chỉ đạo phân bổ lao động và dân cư Trung ương cho đến tháng 5 năm 1985 là Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Ông nghỉ hưu ngày 1 tháng 7 năm 1989 và mất ngày 11 tháng 4 năm 2003 tại Hà Nội.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười Hai, 2011, 02:28:17 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #179 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2009, 03:07:47 am »


Trung tướng Hoàng Văn Khánh (tên thật : Hoàng Văn Thiệu, bí danh : Trần Giới, 12.01.1923 – 19.09.2002), nguyên :  Phái viên Bộ Tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Pháo binh, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, Hiệu phó Trường Sĩ quan Pháo binh.

Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Quân công (hạng Nhất, Nhì), Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huân chương Hữu nghị của Liên Xô-Cuba-Mông Cổ, Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy hiệu 40 và 50 năm tuổi Đảng.

Thiếu tướng (01.1979), Trung tướng (01.1986).


Trung tướng Hoàng Văn Khánh quê tại thôn Chi Long, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông tham gia Cách mạng từ tháng 3 năm 1942 trong Phong trào Công nhân cứu quốc ở Hà Nội. Tháng 12 năm 1943, ông tham gia Ban chấp hành Công nhân cứu quốc ở Hà Nội, Bí thư chi bộ, tham gia Ban chấp hành Công vận. Tháng 7 năm 1944, ông được bầu vào Ban chấp hành Công vận Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 5 năm 1945, trước tình hình mới của Cách mạng, chuẩn bị tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền, ông được cử đi học lớp Quân chính kháng Nhật ở Tân Trào. Tháng 7 năm 1945, là Chính trị viên Trung đội rồi Đại đội Giải phóng quân Chi đội ‘’Lâm Kính’’. Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, ông được cử làm Trưởng ban Nhân sự Phòng Tham mưu Hà Nội cho đến tháng 3 năm 1946 là Tham mưu trưởng Khu đặc biệt Hà Nội. Tháng 2 năm 1947, là Phái viên Quân sự Mặt trận Hà Nội.

Trong Kháng chiến chống Pháp ông lần lượt giữ các chức vụ : Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 80 trực thuộc Liên khu 2 (7.1947) ; Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 15 bảo vệ các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ở căn cứ địa Việt Bắc ; Tiểu đoàn trưởng rồi Tham mưu trưởng Trung đoàn 88 trực thuộc Đại đoàn Quân tiên phong (F308) (1.1950) ; Tham mưu trưởng, Trung đoàn phó Trung đoàn 99, Trung đoàn phó Trung đoàn 64 Đại đoàn Đồng Bằng (F320) Đảng ủy viên Trung đoàn ; Trung đoàn trưởng Trung đoàn 52 Đại đoàn Đồng Bằng (4.1953) ; Trung đoàn trưởng Trung đoàn 63 Bộ Tư lệnh Pháo binh Đại đoàn 351 (10.1954).

Tháng 11 năm 1955, ông được cử làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 349, Đảng ủy viên Sư đoàn. Tháng 8 năm 1956, ông được cử đi học tại Học viện Pháo binh ở Liên Xô. Trở về nước, ông được cử giữ chức vụ Hiệu phó Trường Sĩ quan Pháo binh.

Trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ : Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Pháo binh (10.1964) ; Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Bắc trực thuộc Quân chủng Phòng không Không quân (6.1966) ; Tư lệnh phó kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Tên lưu Quân chủng Phòng không Không quân (3.1967) ; Tư lệnh Bộ Tư lệnh Sư đoàn Phòng không Nam khu 4 (Sư đoàn 375) (12.1967) ; Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không Không quân (1.1968) ; Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân (10.1969) ; Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Pháo binh (3.11974).

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, tháng 6 năm 1977 ông được cử giữ chức vụ Tư lệnh Quân chủng Phòng không. Tháng 12 năm 1983 là Phái viên Bộ Tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng cho đến khi nghỉ hưu (năm 1988). Trung tướng Hoàng Văn Khánh mất ngày 19 tháng 9 năm 2002 tại Hà Nội.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười Hai, 2011, 02:29:54 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM