Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:24:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một cây cầu quá xa  (Đọc 131612 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #120 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:12:35 pm »

Model đã không thông báo cho tướng Bittrich về tài liệu này. "Tôi không hề biết cho tới tận sau chiến tranh,"Bittrich nói, "rằng kế hoạch của Market Garden đã rơi vào tay chúng tôi. Tôi không rõ tại sao Model không cho tôi biết. Dù sao đi nữa, kế hoạch đó cũng sẽ chỉ khẳng định lại quan điểm của tôi rằng điều quan trọng cần làm là phải ngăn chặn việc hội quân giữa lực lượng đổ bộ và đạo quân Anh số 2 - mà để làm được điều đó, đối phương chắc chắn cần đến những cây cầu. Một sĩ quan dưới quyền Bittrich lại biết đến tài liệu nọ. Trung tá Harzer có vẻ là sĩ quan duy nhất ngoài ban tham mưu của viên thống chế được Model cho biết về kế hoạch bắt được. Harzer nhớ lại rằng "Model luôn chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất, vì thế ông không hoàn toàn bỏ qua bản kế hoạch. Như ông nói với tôi, ông hề có ý định để đám lính trọc đầu của đối phương tóm được". Chỉ có thời gian mới có thể nói cho người Đức liệu bản tài liệu đó có là thật hay không. Cho dù viên thống chế định kiến vẫn chưa được chuẩn bị sẵn sàng để chấp nhận bằng chứng đang bày ra trước mặt ông ta, thì phần lớn ban tham mưu của ông đều bị ấn tượng. Với kế hoạch của Market Garden nằm trong tay mình, sở chỉ huy của Model báo động tất cả các đơn vị phòng không đang triển khai về những đợt đổ quân mới mà theo kế hoạch sẽ xảy ra sau vài giờ nữa. Cả OB West cũng không được thông báo về việc thu được bản kế hoạch của Market Garden, ngay cả báo cáo của Model cho Von Runstedt cũng chẳng đả động đến việc này. Vì một số lý do nào đó Model đã coi nhẹ bản kế hoạch và không chuyển lên cấp trên.

Ít nhất cũng có một nghi ngờ được loại trừ. Trung uý Gustav Sedelhauser, sĩ quan hành chính của sở chỉ huy, nhớ lại rằng theo nội dung của bản kế hoạch thu được, Model giờ đây tin rằng ông ta và sở chỉ huy tại Oosterbeek đã không bao giờ là mục tiêu tấn công của lực lượng đổ bộ đường không.

Đúng vào lúc trung tá John Frost đang củng cố vị trí tại đầu cầu phía bắc ở Arnhem, cuộc tiếp cận thận trọng tới một mục tiêu sống còn khác cách đó 11 dặm mới chỉ bắt đầu. Cây cầu năm nhịp bắc qua sông Waal tại Nijmegen nằm trên đoạn giữa hành lang chiến dịch do sư đoàn 82 đảm trách là điểm vượt sông cuối cùng mà xe tăng quân đoàn 30 của tướng Horrock phải vượt qua trên đường tới Arnhem.

Với thành công ngoạn mục, lính dù trung đoàn 504 của chuẩn tướng James M.Gavin đã chiếm được cây cầu quan trọng tại Grave cách Nijmegen 8 dặm về tây nam; và, vào lúc 7h30 tối, các đơn vị thuộc các trung đoàn 504 và 505 đã làm chủ một điểm vượt kênh đào Maas-Waal tại làng Heumen, cách Grave gần 5 dặm về phía đông. Hy vọng của Gavin muốn chiếm cả 3 điểm vượt sông cùng cây cầu đường sắt đã bị phá sản. Những cây cầu còn lại đã bị nổ tung hay phá hoại nghiêm trọng bởi quân Đức trước khi sư đoàn 82 kịp chiếm. Tuy vậy, 6 giờ sau khi đổ quân, lực lượng của Gavin đã mở thông được một con đường để lực lượng mặt đất của Anh có thể tiến qua. Thêm vào đó, các đội tuần tiễu của trung đoàn 505 lùng sục khu vực giữa khu đổ quân của sư đoàn 82 gần cao điểm Groesbeek và biên giới Đức đã chỉ gặp phải kháng cự yếu ớt; và, đến khi đêm xuống, một lực lượng khác của trung đoàn 508 đã khống chế một vạt rừng dài 3 dặm dọc biên giới Hà Lan - Đức ở phía bắc khu đổ bộ tại Groesbeek rồi ngoặt xuống ngoại ô phía đông nam Nijmegen. Lúc này, với ba trong số 4 mục tiêu chính đã được kiểm soát, mọi việc phụ thuộc vào việc đánh chiếm cây cầu đường bộ dài 1960 bộ tại Nijmegen.

Mặc dù tướng Browning đã lệnh cho Gavin không được tấn công cây cầu tại Nijmegen cho đến khi cao điểm gần Groesbeek đã được khống chế, Gavin tự tin rằng tất cả mục tiêu của sư đoàn 82 có thể được chiếm hết trong ngày đầu tiên. Đánh giá tình hình 24 giờ trước khi đổ bộ, Gavin đã gọi đến gặp tư lệnh trung đoàn 508, đại tá Roy E.Lindquist, và lệnh cho ông ta điều 1 tiểu đoàn tiến thẳng tới cây cầu. Trong sự bất ngờ và hỗn loạn do cuộc tập kích đổ bộ gây ra, Gavin lý luận, cũng đáng thử canh bạc liều này. "Tôi đã nói kỹ càng với Lindquist về nguy hiểm nếu bị phục kích trong các khu phố", Gavin nhớ lại, "và chỉ ra rằng để tới cầu cần tiếp cận từ phía động thành phố, không đi qua các khu đông dân". Không rõ do hiểu lầm hay muốn làm khác chỉ thị ban đầu, Lindquist lại nhớ rằng ông ta được lệnh không cho người của mình tấn công cầu cho tới khi các mục tiêu khác của trung đoàn đã được chiếm giữ. Với tiểu đoàn 1 do trung tá Shields Warren Jr. chỉ huy, Lindquist chỉ định nhiệm vụ chiếm lĩnh các vị trí bảo vệ dọc theo xa lộ Groesbeek-Nijmegen cách thành phố khoảng 1 1/4 dặm về phía đông nam. Warren phải bảo vệ khu vực này và hội quân với hai tiểu đoàn còn lại của trung đoàn theo hướng tây và đông. Chỉ khi các nhiệm vụ này hoàn tất, Warren nhớ lại, ông ta mới được chuẩn bị tiến vào Nijmegen. Như vậy, thay vì tiếp cận cầu từ những khu đất canh tác bằng phẳng ở hướng đông, tiểu đoàn của Warren lại đi vào đúng giữa trung tâm khu vực dày đặc nhà cửa mà Gavin đã muốn tránh.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #121 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:13:14 pm »

Đêm đã buông xuống hẳn trước khi Warren tới được mục tiêu của mình. Lúc này, sau khi đã để mất nhiều thời gian quý báu, các đơn vị dẫn đầu đội hình bắt đầu vận động chậm chạp qua những con phố yên ắng, hầu như vắng tanh của Nijmegen. Mục tiêu chính là tiếp cận được bùng binh dẫn tới đầu cầu phía nam. Ngoài ra còn có một mục tiêu ngoài dự kiến. Lực lượng kháng chiến ngầm Hà Lan đã báo lại rằng thiết bị phát nổ dùng phá cầu được đặt tại trụ sở bưu điện chính. Thông tin quan trọng này tới được Warren chỉ sau khi họ đã bắt đầu vận động về phía cầu. Một trung đội lập tức được điều tới bưu điện, tại đó, sau khi đã khống chế được lính gác Đức, lính công binh cắt đứt dây điện và phá nổ tất cả những gì họ nghi là thiết bị kích nổ. Không ai biết rõ thiết bị này có thực sự nối với những khối bộc phá gài trên cầu không, nhưng lúc này ít nhất đường dây điện và các công tắc đã bị phá hủy. Khi trung đội này định quay về hội quân với lực lượng chính, họ phát hiện ra quân địch đã ở sát sau lưng. Họ bị cô lập và trong 3 ngày sau đó buộc phải cố thủ trong tòa nhà bưu điện cho tới khi tiếp viện tới.

Trong lúc đó, khi lực lượng còn lại của Warren tiếp cận một công viên dẫn tới cầu, họ bất ngờ hứng chịu đạn súng máy và xe bọc thép bắn tới dữ dội. Đại úy Arie D.Bestebreurtje, sĩ quan Hà Lan phối thuộc sư đoàn 82, nhớ lại rằng "súng bất thần bắn thẳng vào chúng tôi, và tôi có thể nhìn thấy chớp lửa lóe lên sau những bụi cây. Quân địch có vẻ ở khắp xung quanh chúng tôi". Trước khi anh kịp nâng khẩu carbin của mình lên bắn, Bestebreurtje bị trúng đạn vào tay trái , khuỷu tay và ngón trỏ bàn tay phải. Với hạ sĩ James R.Blue, trận đánh bất ngờ nổ ra trên đường phố tối mò chẳng khác gì một cơn ác mộng. "Ngay lập tức chúng tôi rơi vào một trận cận chiến," Blue nhớ lại. Anh đang đi trên phố cùng binh nhất Ray Johnson, cả hai đều cầm súng trường M1 lắp lưỡi lê, khi họ đối mặt với lính SS. Khi Johnson định dùng lê hạ một tên Đức, Blue lao tới một tên sĩ quan với một con dao găm. "Lệnh cho chúng tôi là không được nổ súng. Nếu phải cận chiến chúng tôi có lệnh chỉ dùng dao và lưỡi lê". Nhưng,"Blue nhớ lại," những con dao dã chiến có vẻ ngắn quá, vậy là tôi dùng khẩu súng của tôi. Màn này lập tức được khép lại, nhưng gần như ngay lúc đó một khẩu pháo tự hành bắt đầu bắn về hướng chúng tôi và chúng tôi quay vào công viên rồi tập hợp lại với những người khác trong trung đội". Binh nhì James Allardyce nhớ lại nghe thấy ai đó gọi cứu thương ở phía trước, nhưng "đạn rít lên dọc theo phố và trong bóng tối mọi việc hỗn độn đến mức không ai biết những người khác đang ở đâu. Chúng tôi thiết lập một vành đai phòng ngự quanh một ngôi trường xây bằng gạch. Phía trước chúng tôi nghe thấy những giọng nói tiếng Đức và tiếng kêu gào rên rỉ của những người bị thương. Chúng tôi không thể tới được cầu. Cuối cùng bọn Jerry đã chặn đứng được chúng tôi". Đúng vậy, tiểu đoàn trinh sát của đại úy Paul Grabner, trước đó đã để xổng mất tiểu đoàn của Frost tại cầu Arnhem, đã đến Nijmegen sớm hơn nhiều so với những người Mỹ quá chậm trễ.

Tới nửa đêm ngày đầu tiên của cuộc tấn công đổ bộ đường không lớn nhất trong lịch sử, lính đổ bộ Anh -Mỹ đang trên đường hành quân, hay chiến đấu, hướng tới các mục tiêu chính của họ. Trong những giờ dài hành quân và chiến đấu ác liệt với một kẻ thù mạnh và kiên cường ngoài dự kiến,họ đã chiếm được phần lớn các mục tiêu mà những người thiết kế chiến dịch đã trông đợi họ đánh chiếm một cách nhanh chóng và dễ dàng. Từ những người lính can đảm thuộc tiểu đoàn 2 của trung tá John Frost đang bám lấy đầu bắc cây cầu Arnhem, suốt dọc hành lang về phía nam cho tới nơi binh lính sư đoàn 101 của đại tá Robert Sink đang vật lộn để sửa lại cây cầu tại Son, tất cả mọi người đều chung một quyết tâm cao độ; họ cần giữ thông con đường qua đó xe tăng và bộ binh của đạo quân Anh số 2 sẽ tiến qua. Vào lúc nửa đêm này, họ tin chắc rằng viện binh đang trên đường hoặc rằng tiếp tế và tăng viện, theo kế hoạch sẽ tới nơi ngày 18, sẽ giúp họ củng cố vững vàng hơn vị trí của mình. Bất chấp tổn thất nặng nề, hỗn loạn và trục trặc về liên lạc, những người lính của đạo quân đổ bộ vẫn hoàn toàn lạc quan. Nói gì thì nói, ngày Chủ nhật ra quân đã không đến nỗi nào.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #122 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:13:23 pm »

Có một quầng đỏ hắt lên bầu trời Arnhem trong khi chiếc xe lao hết tốc độ đưa thiếu tướng Heinz Harmel từ Berlin về tới gần thành phố. Căng thẳng và mệt mỏi sau cuộc hành trình dài, Harmel tới sở chỉ huy sư đoàn Frunsberg tại Ruurlo, chỉ để biết hiện sở chỉ huy của ông đã chuyển tới Velp, cách Arnhem chừng 3 dặm về hướng đông bắc. Tại đây, ông tìm thấy tham mưu trưởng của mình, trung tá Paetsch, trông có vẻ kiệt sức. "Cảm ơn Chúa là ngài đã quay về!" Paetsch nói. Ông ta nhanh chóng báo cáo tóm tắt tình hình trong ngày cho Harmel cùng những lệnh nhận được từ tướng Bittrich. "Tôi lặng người," Harmel nhớ lại. "Mọi việc có vẻ hỗn độn và không rõ ràng. Tôi rất mệt, nhưng tình hình nghiêm trọng đến mức tôi gọi cho Bittrich và báo với ông ta rằng tôi sẽ tới gặp ông".

Bittrich cũng không ngủ. Harmel vừa xuất hiện, Bittrich lập tức bắt đầu tóm tắt tình hình. Bực bội và thất vọng, ông cúi xuống bản đồ. "Lính dù Anh đã đổ bộ xuống đây, phía tây Arnhem," ông nói với Harmel. "Chúng ta không rõ sức mạnh thực sự cũng như ý đồ của chúng." Chỉ xuống Nijmegen và Eindhoven, viên quân đoàn trưởng nói, "Lực lượng đổ bộ của Mỹ đã chiếm giữ nhiều vị trí tại hai khu vực này. Đồng thời, lực lượng của Montgomery đã tấn công lên phía bắc từ kênh đào Meuse-Escaut. Tôi tin rằng mục tiêu là nhằm chia cắt lực lượng của ta. Theo quan điểm của tôi, mục tiêu của chúng là các cây cầu. Khi những cây cầu đã được kiểm soát, Montgomery có thể đánh thẳng vào trung tâm Hà Lan và từ đó, vào vùng Ruhr." Bittrich phẩy tay. "Model không đồng ý. Ông ta vẫn tin rằng sẽ có thêm lực lượng đổ bộ được thả xuống phía bắc sông Rhine, phía đông và tây Arnhem và tiến về Ruhr".

Sư đoàn Hohenstaufen của Harzer, Bittrich tiếp tục giải thích, đã được lệnh tấn công quân Anh ở phía tây và bắc Arnhem. Chỉ huy lực lượng vũ trang tại Hà Lan, tướng Christiansen, đã được lệnh điều động lực lượng của mình - một hỗn hợp gồm các tiểu đoàn huấn luyện và phòng vệ - đặt dưới quyền chỉ huy của trung tướng Hans von Tettau. Nhiệm vụ của họ là giúp sư đòan Hohenstaufen ở hai bên sườn nhằm đánh chiếm các khu đổ quân và đáp tàu lượn của quân Anh.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #123 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:13:30 pm »

Sư đòan Frunsberg, Bittrich tiếp tục, được giao phụ trách đối phó với mọi diễn biến ở đông Arnhem và kéo xuống phía nam tới Nijmegen. Dùng ngón tay khoanh lên bản đồ, Bittrich nói với Harmel, "Cây cầu tại Nijmegen cần được
giữ bằng mọi giá. Bên cạnh đó cây cầu tại Arnhem và toàn bộ khu vực về phía nam tới Nijmegen là trách nhiệm của anh." Bittrich dừng lời và đi đi lại lại trong phòng. "Nhiệm vụ của anh," ông nói với Harmel, "đã bị làm cho khó khăn
hơn. Harzer đã không bố trí đơn vị thiết giáp nào ở đầu cầu phía bắc tại Arnhem. Quân Anh hiện đã ở đó".

Càng nghe, Harmel càng giật mình nhận ra rằng khi cầu Arnhem bị quân Anh khống chế, sẽ không có cách nào đưa thiết giáp của ông ta vượt sông Rhine một cách nhanh chóng và hướng xuống Nijmegen. Cả sư đòan của ông ta sẽ
phải chuyển qua sông Rhine bằng một chiếc phà tại làng Pannerden, cách Arnhem 8 dặm về hướng đông nam.

Bittrich, lường trước được khó khăn này, đã ra lệnh bắt đầu chuyển quân bằng phà. Đó sẽ là một cuộc hành quân chậm chạp, đầy bất trắc và vòng vèo tới Nijmegen, và để chuyển toàn bộ xe, binh lính sẽ đòi hỏi toàn bộ nguồn lực của Harmel.

Khi rời sở chỉ huy của Bittrich, Harmel hỏi tư lệnh của mình, "Tại sao không phá hủy cây cầu tại Nijmegen trước khi quá muộn?" Giọng Bittrich đầy mỉa mai. "Model đã thẳng thừng bác bỏ ý kiến này. Chúng ta có thể cần đến cầu để phản công." Harmel ngớ người ngạc nhiên. "Bằng cái gì ?" ông hỏi.

Trong màn đêm, Harmel lại lên đường, hướng tới Pannerden. Các đơn vị của ông đã trên đường hành quân về phía bến phà, đường đông chật lính và xe cộ. Tại Pannerden, Harmel phát hiện ra nguyên nhân của tình trạng hỗn loạn ông đã thấy dọc đường. Xe quân sự kẹt cứng lại trên các con phố thành một nút tắc nghẽn giao thông khổng lồ. Tại bờ sông, những chiếc phà tự chế chậm chạp chở xe cộ qua sông. Từ tham mưu trưởng của mình, Harmel được biết một tiểu đoàn đã tới được bờ bên kia và đang trên đường tới Nijmegen. Một số xe tải và xe hạng nhẹ cũng đã qua sông. Thế nhưng tới lúc này, các xe thiết giáp hạng nặng vẫn chưa được đưa xuống phà. Theo ý kiến của Paetsch, các đơn vị thuộc sư đòan Frunsberg của Harmel rất có thể sẽ chưa sẵn sàng chiến đấu ở khu vực Arnhem-Nijmegen cho tới tận ngày 24/9 nếu quá trình vận chuyển chậm chạp bằng phà không được đẩy nhanh.

Harmel chỉ thấy có một giải pháp cho tình thế này. Ông ta cần tái chiếm cây cầu Arnhem và khai thông đường xa lộ tới Nijmegen. Khi ngày đầu tiên của Market Garden, ngày 17/9, kết thúc, mọi sự chú ý của quân Đức đều tập trung cả vào một người cứng đầu cứng cổ, trung tá John Frost tại cầu Arnhem.

Hết phần 3
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #124 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:13:53 pm »

Phần 4: Cuộc bao vây

Sương mù buổi sáng từ sông Rhine bốc lên bao trùm quanh cây cầu Arnhem và những ngôi nhà tối đen im lìm nằm quanh nó. Ngay gần đầu cầu phía bắc là Eusebius Buiten Singel - một đại lộ dài rất đẹp đánh dấu giới hạn của khu nội đô cổ kính - chạy dài tới những khu ngoại vi phía bắc và đông trước khi kết thúc tại Musis Sacrum, nhà hát rất được ưa thích của người Arnhem. Vào ngày thứ 2 18/9 này, trong màn ánh sáng mờ, thủ phủ cũ của vùng Gelderland có vẻ như bị bỏ hoang. Không có bất cứ tiếng động nào trên các con phố, khu vườn, quảng trường hay công viên.

Từ vị trí của họ xung quanh đầu cầu phía bắc, binh lính của trung tá Frost bắt đầu nhìn thấy lần đầu tiên toàn cảnh thành phố với những ngôi nhà và dinh thự chính: toà án, dinh hội đồng tỉnh, kho lưu trữ quốc gia, toà thị chính, bưu điện trung tâm, và một ga xe lửa nằm cách đó chưa đến 1 dặm về phía tây bắc. Gần hơn, nhà thờ thánh Eusebius, với chóp mái cao 305 bộ vươn lên nổi bật giữa lòng thành phố. Một vài người lính của Frost, thận trọng quan sát từ sau những khung cửa sổ vỡ nát và từ những hố cá nhân mới đào trên một vành đai gồm 18 ngôi nhà, nhận ra ngôi nhà thờ giờ đây là một mối đe doạ nguy hiểm. Lính bắn tỉa Đức đã chiếm lĩnh toà tháp nhà thờ trong đêm. Thận trọng ẩn nấp kín đáo, cũng như những người lính Anh, họ căng thẳng chờ trời sáng hẳn.

Trận đánh tranh giành cây cầu đã diễn ra ác liệt suốt đêm. Một khoảng ngừng vào lúc nửa đêm đã không kéo dài. Khi giao tranh bùng phát trở lại, gần như mỗi người đều trực tiếp cận chiến. Hai lần trong đêm, người của Frost đã cố đánh sang đầu cầu phía nam, nhưng đều bị đánh bật trở lại. Trung uý John Grayburn, dẫn đầu cả hai đợt xung phong, đã bị thương nặng vào mặt, nhưng vẫn ở lại trên cầu chỉ huy việc rút tất cả người của mình về nơi an toàn (Grayburn đã hi sinh trong trận Arnhem. Ngày 20/09, anh đứng ngay trong tầm ngắm của một xe tăng địch để chỉ huy đơn vị rút lui về vành đai phòng ngự chính. Vì sự dũng cảm, khả năng chỉ huy và tinh thần trách nhiệm trong toàn trận đánh, anh đã được truy tặng huân chương quân sự cao quý nhất của Anh, chữ thập Victoria). Sau đó, những chiếc xe chở lính Đức cố vượt qua cầu chỉ để chịu hoả lực dữ dội của quân Anh. Dùng súng phun lửa, người của Frost đã đốt cháy xe địch. Lính tùng thiết Đức bị thiêu sống hoặc gào thét nhảy xuống sông Rhine nằm phía dưới đến 100 bộ. Mùi cao su cháy khét lẹt cùng những cuộn khói đen đặc bốc lên từ những xác xe gây rất nhiều khó khăn cho những đội cứu thương của cả hai tiến hành tìm kiếm những người bị thương của phía mình còn lẫn trong những thi thể nằm ngổn ngang trên cầu. Hạ sĩ Harold Back, thuộc một đội như vậy, đang giúp mang thương binh xuống tầng hầm của một trong những căn nhà đang do người của Frost chiếm giữ. Trong bóng tối của căn hầm, anh ta nhìn thấy cái gì đó mà lúc đầu anh nghĩ là vài ngọn nến đang cháy. Thương binh nằm la liệt dưới sàn và bất chợt Back hiểu ra cái anh trông thấy là những mảnh lân tinh đang sáng lên trên cơ thể một số thương binh. Bị trúng mảnh trái phá phospho, những người này phát sáng trong bóng tối.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #125 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:14:15 pm »

Không hiểu vì sao, vào lúc rạng sáng, trận đánh lại ngừng. Có vẻ cả hai bên đều nghỉ lấy hơi. Bên kia đường, đối diện với sở chỉ huy tiểu đoàn của Frost, trong một phố ngách nằm ngay dưới gầm cầu, đại uý Eric Mackay lặng lẽ tìm hiểu những ngôi nhà mà đơn vị công binh nhỏ bé của anh cùng một số người lính thuộc các đơn vị khác đang chiếm lĩnh. Trong một cuộc giao chiến giáp lá cà đêm trước, Mackay đã chiếm được 2 trong số 4 ngôi nhà trong khu vực và lập điểm chỉ huy tại một trong hai ngôi nhà đó, một trường học xây bằng gạch. Quân Đức, không ngừng phản kích, đã bò qua bãi trống ném lựu đạn vào trong nhà. Đột nhập được vào trong, quân Đức đã đánh một trận giáp lá cà ác liệt gần như hoàn toàn câm lặng với quân Anh. Từ phòng này sang phòng khác, xuống cả tầng hầm, người của Mackay đánh bật quân địch bằng lưỡi lê và dao. Sau đó, dẫn theo một toán nhỏ, Mackay xông vào các bụi cây truy kích đám quân Đức đang rút lui. Một lần nữa, lại với lưỡi lê và lựu đạn, những người lính Anh đẩy lui kẻ địch. Mackay bị mảnh đạn văng vào chân, một viên đạn khác xuyên qua mũ sắt cào sát da đầu anh.

Lúc này, kiểm tra lại người của mình, Mackay phát hiện thấy nhiều người cũng bị thương như anh. Thêm vào đó, tình hình tiếp tế không được thuận lợi. Họ có sáu khẩu Bren, đạn, lựu đạn và một ít bộc phá. Nhưng Mackay không có vũ khí chống tăng, rất ít thức ăn, không có thuốc và y cụ, trừ morphin và băng sơ cứu. Hơn nữa, quân Đức đã cắt nguồn nước. Giờ đây, tất cả nước họ có là những gì còn lại trong biđông của mọi người.

Cho dù trận đánh trong đêm đã rất ác liệt, nhưng Mackay vẫn kiên cường. "Chúng tôi đã đánh rất cừ và tổn thất tương đối nhẹ, "anh nhớ lại. "Bên cạnh đó, ngày đã tới, chúng tôi có thể nhìn thấy những gì cần làm và chúng tôi đã sẵn sàng." Tuy vậy, Mackay, cũng như Frost, không hề ảo tưởng. Trong hình thức tác chiến ác liệt nhất này - trong từng con phố, từng ngôi nhà, từng căn phòng - anh biết việc lực lượng Anh đang chiếm lĩnh đầu cầu bị tiêu diệt sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Quân Đức hiển nhiên hy vọng sẽ nghiền nát đội quân nhỏ bé của Frost bằng ưu thế số lượng trong vài giờ. Trước những đợt tấn công tổng lực dữ dội như thế, điều duy nhất có thể giải nguy cho những người lính can trường đang chiếm giữ đầu cầu là việc quân đoàn 30 hoặc phần còn lại của lữ đoàn dù số 1, vẫn đang giao chiến để mở đường tiến vào thành phố, kịp đến nơi.

Đêm trước đã là một đêm kinh hoàng cho những người lính SS chiến đấu xung quanh cầu. Trung tá Harzer, có vẻ thoả mãn vì đã chặn được các tiểu đoàn của Urquhart, đã đánh giá thấp cả số lượng lẫn chất lượng của những người lính đã tới được đầu cầu phía bắc. Harzer thậm chí còn không buồn ra lệnh đưa số khẩu pháo tự hành ít ỏi ông ta có tới chi viện cho cuộc tấn công. Thay vào đó, hết đơn vị này đến đơn vị khác lính SS được tung lên tấn công vị trí của người Anh ở những ngôi nhà xung quanh chân cầu. Những đơn vị thiện chiến này đã chạm phải một đối phương mà phần lớn trong số họ đều nhớ tới như là những người lính cừ nhất họ đã từng đối mặt.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #126 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:14:29 pm »

Tiểu đội trưởng SS Alfred Ringsdorf, 21 tuổi, một lính cựu đã từng chiến đấu ở Nga, đang ở trên một đoàn tàu hướng tới Arnhem, nơi mà theo như anh ta được phổ biến, đơn vị của anh ta sẽ được củng cố lại. Nhà ga Arnhem vô cùng hỗn loạn khi Ringsdorf và đơn vị tới nơi. Binh lính từ nhiều đơn vị được sáp nhập nháo nhào lại với nhau, sắp thành hàng và hành quân khỏi nhà ga. Đơn vị của Ringsdorf được lệnh lập tức tới trình diện tại một sở chỉ huy trong thành phố. Tại đó, một viên thiếu tá phối thuộc họ vào một đại đội thuộc trung đoàn tùng thiết số 21. Cả tiểu đội tới nơi không vũ khí, nhưng đến cuối buổi chiều ngày chủ nhật họ được cấp phát súng máy, súng trường, lựu đạn và vài khẩu Panzerfauste. Thắc mắc vì lượng đạn quá ít, họ được giải thích là tiếp tế đang trên đường đến. "Lúc đó," Ringsdorf kể,"tôi không biết chúng tôi sẽ chiến đấu ở đâu, trận đánh đang diễn ra tại nơi nào, và trước đó tôi chưa từng tới Arnhem".

Tại khu trung tâm thành phố, rõ ràng là nhiều trận ác chiến trên đường phố đã diễn ra. Lần đầu tiên Ringsdorf được biết lính dù Anh đã đổ bộ và chiếm giữ đầu phía bắc của cây cầu Arnhem. Có vẻ không ai biết quân số của lực lượng này. Tiểu đội của anh ta được tập hợp trong một nhà thờ và được phổ biến mệnh lệnh tác chiến. Họ có nhiệm vụ luồn vào các ngôi nhà nằm ở hai bên rầm cầu và đánh bật quân Anh ra. Ringsdorf hiểu kiểu tác chiến này ác liệt đến thế nào. Kinh nghiệm tại mặt trận Nga đã dạy anh ta. Tuy vậy, binh lính trong tiểu đội của anh này đều là các lính cựu sung sức. Họ nghĩ rằng trận đánh sẽ nhanh chóng.

Khắp nơi trong khu vực dẫn tới cầu, cả tiểu đội trông thấy những ngôi nhà hư hại nặng vì bom, và họ phải lần mò đi qua những đống đổ nát. Khi tới gần vành đai phòng ngự mà người Anh đã thiết lập quanh đầu cầu phía bắc, họ gặp phải hỏa lực súng máy dữ dội. Bị ghìm xuống, cả tiểu đội không tài nào tới cách đầu cầu 600 yard. Một viên trung úy yêu cầu một người tình nguyện băng qua quảng trường ném bộc phá vào ngôi nhà nơi có vẻ hỏa điểm của địch được bố trí. Ringsdorf xung phong. Dưới làn đạn bắn yểm trợ, anh ta băng qua quảng trường. "Tôi dừng lại nấp sau một gốc cây gần một cửa sổ tầng hầm nơi làn đạn đang bắn ra và liệng bộc phá vào trong. Rồi tôi chạy trở lại đơn vị mình". Nằm dán xuống giữa các đống đổ nát chờ bộc phá nổ, Ringsdorf ngoái người nhìn lại phía sau đúng lúc một ngôi nhà cao nằm ở góc đường, trong đó đang có một số lính công binh Đức nấp, bất thình lình bị trúng một quả trái phá. Toàn bộ mặt tiền ngôi nhà đổ sụp, chôn vùi tất cả những người bên trong. Ringsdorf chợt nghĩ nếu tiểu đội của anh ta nấp ở đó thì hẳn là cả tiểu đội đã bị xóa sổ. Cùng lúc, khối bộc phá anh ta đã liệng vào tầng hầm nổ tung ngay trên đường không xa chỗ anh ta đang nấp. Quân Anh đã ném nó ra.

Khi đêm đến nhiều đơn vị bắt đầu thâm nhập vào các ngôi nhà để đánh bật quân Anh ra. Mục tiêu của Ringsdorf là một tòa nhà lớn màu đỏ, mà anh ta được biết là một ngôi trường. Đang vận động hướng tới đó, tiểu đội của anh ta nhanh chóng bị một xạ thủ Anh đầy cảnh giác buộc phải dạt vào nấp trong một ngôi nhà gần cạnh. Đập vỡ cửa sổ, lính SS nổ súng bắn trả. Người Anh lập tức nấp vào ngôi nhà kế bên và một cuộc đấu súng cận chiến bắt đầu. "Lính Anh bắn rất chính xác," Ringsdorf nhớ lại. "Chúng tôi không tài nào ló mặt ra được. Chúng nhằm bắn vào đầu, và nhiều người bắt đầu ngã xuống ngay cạnh tôi, mỗi người với một lỗ to giữa trán".
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #127 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:14:41 pm »

Tổn thất tăng dần, quân Đức liền chĩa một khẩu Panzerfaust bắn thẳng vào ngôi nhà có lính Anh. Khi trái đạn nổ tung trong nhà, tiểu đội của Ringsdorf xung phong. "Trận đánh rất ác liệt," anh ta nhớ lại. "Chúng tôi đẩy lùi họ từ phòng này sang phòng khác, dành giật từng thước, chịu tổn thất nặng nề". Giữa trận hỗn chiến, viên tiểu đội trưởng trẻ được gọi tới gặp tiểu đoàn trưởng của mình; anh ta được lệnh phải đánh bật quân Anh ra bằng mọi giá. Quay về đơn vị, Ringsdorf ra lệnh cho tiểu đội của mình tiến lên, ném lựu đạn tới tấp để quân Anh liên tục bị tấn công. "Chỉ bằng cách này, " Ringsdorf nói, " chúng tôi mới có thể tiến lên và tiếp tục tấn công được". Nhưng tất nhiên là khi từ Đức tới tôi không lường trước được việc bất ngờ phải tham gia một trận đánh dữ dội trong khu vực chật hẹp như vậy. Nó còn ác liệt hơn bất cứ trận nào tôi đã từng tham chiến tại Nga. Đó là một trận đánh liên tục không nghỉ, giáp lá cà. Người Anh ở khắp nơi. Các đường phố phần lớn đều hẹp, đôi khi không quá 15 bộ, và hai bên tham chiến bắn vào nhau từ khoảng cách chì vài yard. Chúng tôi phải chiến đấu để nhích lên từng phân, khống chế từng căn phòng. Thật là địa ngục!"

Thận trọng tiếp cận một ngôi nhà, Ringsdorf thoáng nhìn thấy một chiếc mũ sắt Anh bọc ngụy trang chợt ló ra khỏi một cửa tầng hầm. Giơ tay lên định ném lựu đạn, anh ta chợt nghe thấy tiếng thì thầm và những tiếng rên rỉ. Ringsdorf không ném quả lựu đạn đi. Anh ta lặng lẽ bước xuống cầu thang dẫn xuống hầm, rồi hô lớn, "Giơ tay lên". Mệnh lệnh này hoàn toàn không cần thiết. Theo lời Ringsdorf kể lại, "trước mắt tôi là một cảnh ghê sợ. Căn hầm không khác gì một lò sát sinh chật ních lính Anh bị thương". Ringsdorf nói chậm rãi, biết rằng những người Anh không hiểu được những lời anh nói, nhưng có thể đoán ra ý định của anh. "OK", anh ta nói với những người bị thương. "Tất cả sẽ ổn thôi". Anh ta gọi quân y tới, tập hợp các tù binh lại, yêu cầu các tù binh Anh lùi về phía tuyến sau để được chăm sóc.

Khi các tù binh được đưa khỏi căn hầm, Ringsdorf bắt đầu khám xét một tù binh bị thương còn tự đi được. Anh kinh ngạc khi thấy người này kêu khẽ rồi gục xuống chết dưới chân mình. "Đó là một viên đạn định dành cho tôi," Ringsdorf kể lại. "Người Anh muốn bảo vệ người của họ. Họ không biết chúng tôi đang cố cứu thương binh của họ. Trong giây lát, tôi cứng đờ người ra. Rồi tôi toát mồ hôi lạnh và cắm đầu chạy."

Trong lúc người Anh kiên cường bám trụ xung quanh ngôi trường, Ringsdorf hiểu rằng cả đơn vị thiện chiến của anh cũng không đủ mạnh để khiến đối phương đầu hàng. Rạng sáng ngày thứ hai, anh cùng tiểu đội đã tổn thất nặng rút lui về Eusebius Buiten Singel. Gặp một chỉ huy pháo binh, Ringsdorf nói với ông ta "cách duy nhất để lôi đám người Anh đó ra là đánh sập những ngôi nhà đó, dỡ tung từng viên gạch ra. Tin tôi đi, đó là những tay đàn ông thực sự. Chúng sẽ không chịu từ bỏ cây cầu cho đến khi chúng ta phải lôi xác chúng ra đến tên cuối cùng".
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #128 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:14:56 pm »

Thượng sĩ nhất Emil Petersen cũng có đủ lý do để kết luận tương tự như vậy. Anh này được xếp vào lực lượng công binh, và khi nước Đức trở nên thiếu nhân lực trầm trọng, Petersen và trung đội 35 người của mình đã được điều động sang một đơn vị phòng không, rồi sang bộ binh. Họ đã phải tham dự vào toàn bộ cuộc tháo chạy từ Pháp về.

Vào chiều chủ nhật, đang đợi tại nhà ga Arnhem để lên tàu về Đức, nơi họ sẽ được tổ chức lại, trung đội của Petersen được điều động và nhận lệnh từ một viên trung úy phải tham gia đánh trả lực lượng đổ bộ Anh vừa đổ xuống thành phố. "Đơn vị chúng tôi tập trung vào gồm 250 người," Petersen nhớ lại. "Không ai có bất cứ thứ vũ khí gì. Chỉ có tôi và bốn người nữa có tiểu liên".

Người của Petersen đã kiệt sức. Họ chưa có gì vào bụng suốt 24 giờ qua, và viên thượng sĩ có nhớ lúc đó đã nghĩ giá tàu đến đúng giờ thì trung đội của anh ta đã được ăn uống, tránh được trận đánh và về tới Đức.

Tại một doanh trại SS, họ được phát vũ khí. "Tình hình thật bi hài," Petersen kể. "Thứ nhất, chẳng ai trong chúng tôi thích đánh bên cạnh đám Waffen SS. Đám này có tiếng là không biết thương xót là gì. Vũ khí họ phát cho chúng tôi là những khẩu súng trường cũ kỹ. Để mở quy lát khẩu của tôi, tôi đã phải đập nó vào một cái bàn. Tinh thần những người dưới quyền tôi khó mà gọi là cao khi họ cũng nhận được những thứ cổ lỗ tương tự".

Cũng mất một thời gian để làm quen với các khẩu súng, và tới lúc đó, đơn vị của họ vẫn chưa nhận được bất cứ lệnh nào. Có vẻ chẳng ai biết chuyện gì đang xảy ra và họ sẽ bị điều đi đâu.

Cuối cùng, lúc chập tối, họ hành quân tới trụ sở bộ tư lệnh thành phố. Tới nơi, họ thấy tòa nhà vắng tanh. Một lần nữa, tất cả lại đợi. "Tất cả những gì chúng tôi nghĩ tới là thức ăn", Petersen kể. Cuối cùng,một thiếu úy SS tới nói họ cần vượt qua trung tâm thành phố tới cây cầu trên sông Rhine.

Cả đơn vị tiến theo từng trung đội theo Markt Street hướng tới sông Rhine. Trong bóng đêm họ không nhìn thấy gì; nhưng, Petersen nhớ lại, "chúng tôi đều cảm thấy có chuyển động xung quanh mình. Thỉnh thoảng chúng tôi lại nghe tiếng súng nổ từ xa vọng lại và tiếng động cơ xe cộ. Một hay hai lần tôi nghĩ đã trông thấy thấp thoáng hình dạng của một chiếc mũ sắt".

Còn cách cầu chưa đầy 300 yard nữa, Petersen nhận ra họ đang đi qua những hàng lính khác và anh ta đoán có lẽ đơn vị mình đến thay thế những người này. Thế rồi một trong số những người lính nọ nói gì đó mà Petersen không hiểu. Bất thần Petersen nhận ra người nọ nói tiếng Anh. "Chúng tôi đang đi bên cạnh một đơn vị lính Anh cũng đang hướng tới cầu như chúng tôi". Bất thần tất cả đều nhận ra sự nhầm lẫn. Một giọng Anh hét lớn, "Chúng là Jerry!" Petersen nhớ anh ta đã hô, "Bắn!"
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #129 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 09:15:04 pm »

Chỉ trong giây lát cả con phố vang rền tiếng súng máy và súng trường khi hai bên đánh giáp lá cà. Một loạt đạn chỉ chệch Petersen có vài phân, xuyên qua ba lô. Lực của luồng đạn hất anh ta ngã xuống đất. Anh ta nhanh chóng bò lại nấp sau một đồng đội đã chết.

"Nhìn về phía nào cũng có thể thấy những người lính đang bắn loạn xạ, thậm chí bắn nhầm cả bên mình," Petersen nhớ lại. Anh ta chậm chạp bò lên phía trước. Anh ta đến bên hàng rào sắt bao quanh một công viên nhỏ và trèo qua hàng rào. Tại đó, anh này tìm thấy phần lớn những người sống sót của các trung đội Đức đang nấp rải rác sau những lùm cây. Quân Anh đã rút về một cụm nhà nằm bao lấy hai bên công viên, và quân Đức nằm ở giữa bị kẹt giữa hai làn đạn chéo cánh sẻ. "Quân Anh bắn pháo sáng chính xác xuống vị trí của chúng tôi và chia cắt chúng tôi ra. Mười lăm người trong trung đội của tôi đã chết chỉ sau chưa tới 5 phút".

Đến tảng sáng quân Anh ngừng bắn. Quân Đức cũng vậy. Trong ánh bình minh, Petersen nhận thấy trong số 250 người lúc lên đường đi tới cầu, quá nửa đã chết hoặc bị thương. "Chúng tôi không bao giờ tới được đầu cầu. Chúng tôi chỉ đơn giản là nằm chết gí ở đó chịu trận, chẳng được sự hỗ trợ nào từ đám SS kênh kiệu, cũng chẳng được khẩu pháo tự hành nào yểm trợ". Đó," Petersen nói, "là màn chào mừng chúng tôi tới với trận Arnhem. Với chúng tôi, đó không gì khác hơn một cuộc tàn sát".

Từng giờ trôi qua, binh lính thuộc hai tiểu đoàn lạc đường của lữ đoàn đổ bộ số 1 đã tìm cách này hay cách khác tới được cầu. Họ đã thành công, theo từng toán vài ba người, vượt qua vành đai phòng ngự của trung tá Harzer theo hướng bắc và hướng tây. Rất nhiều người trong số họ bị thương, đói lả và lạnh cóng. Họ có lẽ sẽ làm tăng khó khăn về hậu cần và quân y cho nhóm của trung tá Frost. Nhưng vào lúc này, những con người tả tơi đó đều rất hăng hái và lạc quan, bất chấp sự mệt mỏi và những vết thương. Họ đã tới nơi mà những sĩ quan vạch kế hoạch ở tít nước Anh xa xôi và chỉ huy trực tiếp của họ đã lệnh cho họ đến. Họ tới từ tất cả các đơn vị đã lên đường đầy tự tin tới cầu Arnhem vào chiều hôm trước, và cho tới rạng sáng ngày 18, Frost ước lượng trong tay mình có khỏang 600 đến 700 người tại đầu cầu phía bắc. Nhưng mỗi giờ trôi qua mang thêm người cho họ cũng làm tăng lên tiếng động cơ khi các phương tiện cơ giới thuộc các đơn vị thiết giáp của tướng Harmel tiến vào thành phố triển khai chiếm lĩnh vị trí.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM