Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 07:16:51 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một cây cầu quá xa  (Đọc 132112 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #20 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2010, 11:30:29 pm »

Montgomery, thiếu tế nhị đến mức khó tin, khăng khăng muốn hội kiến riêng với tổng tư lệnh. Ông yêu cầu tham mưu trưởng của Eisenhower, tướng Bedell Smith, không được có mặt trong cuộc hội kiến. Smith rời khỏi căn lều, và trong suốt một giờ liền Eisenhower, lầm lỳ cố kiềm chế, được cấp phó của mình lên lớp về sự cần thiết « của một kế hoạch đúng đắn và chắc chắn ». Montgomery yêu cầu Eisenhower « quyết định nơi tiến hành mũi đột kích quyết định » để « chúng ta có thể sớm chắc chắn có được kết quả quyết định ». Ông không ngớt nhấn mạnh về « một mũi đột kích », cảnh cáo rằng nếu tổng tư lệnh cứ tiếp tục « chiến lược mặt trận rộng với toàn chiến tuyến cùng tiến và tấn công tại tất cả mọi nơi cùng một lúc, bước tiến sẽ không khỏi bị chậm lại ». Nếu điều đó xảy ra, Montgomery cảnh cáo, « quân Đức sẽ có thời gian để hồi phục, và chiến tranh sẽ tiếp tục trong suốt mùa đông và có thể sang tới năm 1945. Nếu chúng ta chia sẻ dự trữ hậu cần, » Montgomery nói, « và tiến lên trên một chiến tuyến rộng, chúng ta sẽ quá yếu ở mọi điểm đến mức chúng ta sẽ không có cơ hội thành công. » Trong đầu ông chỉ có một quyết sách : « dừng cánh phải lại và tấn công bằng cánh trái, hay làm ngược lại ». Sẽ chỉ có thể có một mũi đột kích và cần phải dồn hết sức hỗ trợ cho nó.

Eisenhower nhận thấy đề nghị của Montgomery là một canh bạc khổng lồ. Nó có thể dẫn tới chiến thắng nhanh chóng và quyết định. Ngược lại nó cũng rất có thể kết thúc trong thảm hoạ. Ông không được chuẩn bị để chấp nhận nguy cơ này. Tuy thế ông thấy mình bị mắc kẹt giữa một bên là Montgomery, bên kia là Bradley và Patton, phía nào cũng nghiêng về « mũi đột kích chủ yếu », và ai cũng muốn được trao quyền thực hiện nó.

Về điểm này, Montgomery, nổi tiếng về sự thận trọng chậm rãi của mình, cho dù là người thành công về chiến thuật, vẫn chưa chứng minh được rằng ông có thể khai thác được một tình thế thuận lợi với tốc độ như của Patton ; và trong lúc này, đạo quân của Patton, tiến xa hơn hẳn những người khác, đã vượt sông Seine và đang tiến như vũ bão tới nước Đức. Một cách ngoại giao, Eisenhower giải thích với Montgomery rằng, cho dù ý tưởng về một mũi đột kích có lý đến đâu chăng nữa, ông khó lòng có thể dừng chân Patton lại và đình chỉ bước tiến của đạo quân Mỹ số ba. « Dân chúng Mỹ, » vị tổng tư lệnh nói, « sẽ không bao giờ ủng hộ việc đó, và dư luận giúp thắng các cuộc chiến ». Montgomery không đồng ý. « Các chiến thắng giúp thắng các cuộc chiến », ông nói. « Hãy cho dân chúng chiến thắng và họ sẽ chẳng quan tâm ai là người đem lại chúng ».

Eisenhower không bị thuyết phục. Tuy rằng ông không nói ra lời như vậy vào lúc đó, ông nghĩ rằng tầm nhìn của Montgomery « quá nhỏ hẹp », và rằng viên thống chế « không hiểu tình hình toàn cục ». Eisenhower giải thích cho Montgomery rằng ông muốn Patton tiếp tục tiến về phía đông để tiến hành hội quân với lực lượng Mỹ và Pháp đang từ phía nam đánh lên. Tóm lại, ông đã cho thấy rõ ràng rằng « chiến lược chính diện rộng » của ông sẽ vẫn tiếp tục.

Montgomery xoay cuộc nói chuyện sang chủ đề về một tư lệnh mặt đất. « Cần có ai đó chỉ huy chiến trường trên lục địa cho ngài ». Eisenhower, Montgomery tuyên bố, cần « ngồi ở một vị trí cao hơn để có được một tầm nhìn bao quát về những vấn đề toàn cục, bao gồm tình hình trên bộ, trên biển, trên không, v.v và v.v. » Ông này rút lui từ thái độ ngạo mạn về nhún nhường. Nếu « cần cân nhắc đến thái độ của dư luận Mỹ, » Montgomery tuyên bố, ông sẵn sàng « để Bradley kiểm soát chiến trường và phục vụ dưới quyền ông. »

Eisenhower lập tức bác bỏ đề nghị này. Đặt Bradley lên trên Montgomery sẽ là chuyện không thể chấp nhận được với dư luận Anh cũng như chuyện ngược lại với dư luận Mỹ. Còn về vai trò của bản thân mình ông không thể, vị tổng tư lệnh giải thích, thay đổi kế hoạch để tự mình kiểm soát diễn biến chiến trường. Tuy nhiên, để tìm ra giải pháp cho một số khó khăn trước mắt, ông sẵn sàng thực hiện một số nhượng bộ với Montgomery. Ông cần các cảng ven biển Manche và Ăntwerpt. Chúng có vai trò sống còn với tình hình hậu cần của lực lượng Đồng minh. Vì thế, trong lúc này, ưu tiên sẽ được dành cho mũi đột kích của cụm quân 21 ở phía Bắc. Montgomery có thể sử dụng đạo quân đổ bộ đường không thứ nhất của Đồng minh hiện đóng ở Anh – lúc đó là lực lượng dự trữ duy nhất của SHAEF. Thêm vào đó, ông này sẽ có được sự hỗ trợ của đạo quân Mỹ thứ nhất đang ở bên sườn phải của mình.

Montgomery, theo như đúng lời của tướng Bradley, « đã thắng hiệp thứ nhất », nhưng viên thống chế Anh còn xa mới hài lòng. Ông đoan chắc rằng Eisenhower đã bỏ lỡ « cơ hội lớn ». Patton chia sẻ ý kiến này - với các lý do khác hẳn – khi tin này tới tai ông. Không những Eisenhower đã ưu tiên hậu cần cho Montgomery thay vì đạo quân số 3, mà ông còn bác bỏ luôn đề nghị tấn công vào Saar của Patton. Với Patton, đây là « sai lầm tệ hại nhất của cuộc chiến ».

Trong hai tuần lễ kể từ khi cuộc va chạm giữa các tính cách và triết lý quân sự này diến ra, tình hình đã thay đổi nhiều. Cụm quân 21 của Montgomery lúc naỳ tiến nhanh chẳng kém gì Patton. Tới ngày 5/9, với các đơn vị mũi nhọn đã tiến vào Ăntwerpt, Montgomery càng được thuyết phục hơn bào giờ hết rằng quan điểm một mũi đột kích của ông là đúng. Ông quyết định sẽ buộc tổng tư lệnh phải thay đổi quyết định. Cuộc chiến đã đến bước ngoặt quyết định.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #21 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2010, 11:30:44 pm »

Montgomery tin tưởng rằng quân Đức đã bị đẩy đến bờ vực của sự sụp đổ hoàn toàn.

Viên thống chế không phải là người duy nhất nghĩ như vậy. Gần như ở tất cả các cấp chỉ huy, các sĩ quan tình báo đều nói đến kết thúc đã gần kề của cuộc chiến. Đánh giá lạc quan nhất tới từ Uỷ ban tình báo Đồng minh tại London. Tình hình Đức đã xấu đi đến mức uỷ ban này tin rằng đối phương không còn khả năng hồi phục. Có đầy đủ các bằng chứng, đánh giá của họ viết, rằng « sự kháng cự có tổ chức dưới sự chỉ huy của bộ tư lệnh tối cao Đức khó có thể tiếp diễn quá ngày 1/12/1944, và ... rất có thể sẽ chấm dứt còn sớm hơn. » Tổng hành dinh cũng chia sẻ sự lạc quan này. Vào cuối tháng 8, tổng kết tình báo của SHAEF tuyên bố rằng « các trận đánh trong tháng 8 đã đạt mục tiêu và kẻ địch ở mặt trận phía tây đã tổn thất nặng. Hai tháng rưỡi ác chiến đã đưa kết cục của cuộc chiến ở châu Âu tới gần , gần như trong tầm tay. » Lúc này, một tuần sau đó, họ coi lực lượng Đức « không còn là một lực lượng có tổ chức mà chỉ là những nhóm tàn quân tháo chạy, vô tổ chức và không còn tinh thần chiến đấu, thiếu thốn quân trang và vũ khí ». Ngay cả viên phụ trách tác chiến đầy bảo thủ của Bộ Chiến tranh Anh, thiếu tướng John Kennedy, cũng ghi ngày 6/9 rằng « Nếu chúng ta cứ tiếp tục tiến với tốc độ vừa qua, chúng ta sẽ tới Berlin ngày 28... »

Trong bản hoà tấu của những lời dự đoán lạc quan này dường như chỉ có một giọng nói lạc điệu. Phụ trách tình báo của đạo quân Mỹ số 3, đại tá Oscar W.Koch, tin rằng kẻ thù vẫn còn khả năng tổ chức kháng cự tới cùng và cảnh báo rằng « các đạo quân Đức sẽ tiếp tục chiến đấu cho tới khi bị tiêu diệt hay bắt giữ. »

Thế nhưng những cảnh báo thận trọng do chính phụ trách tình báo của mình đưa ra chẳng làm bận tâm nhiều viên tư lệnh nóng như lửa của đạo quân thứ ba, trung tướng George S.Patton. Cũng như Montgomery ở phía bắc, Patton ở phía nam lúc này cũng chỉ còn cách sông Rhine có một trăm dặm. Ông cũng tin rằng thời cơ đã tới, như Montgomery đã nói, để « chúng ta thò cổ ra húc một cú duy nhất thật sâu vào lãnh thổ kẻ thù », và kết thúc chiến tranh. Sự khác biệt duy nhất nằm ở nhận định của mỗi người rằng ai sẽ thò cổ ra. Cả hai viên tư lệnh, kiêu hãnh với những chiến thắng và luôn cố dành thêm nhiều ánh hào quang hơn nữa, lúc này kèn cựa nhau để dành lấy cơ hội. Trong sự hiếu thắng của mình, Montgomery đã dồn cả sự đố kỵ vào một mình Patton : một thống chế lục quân Anh quốc có dưới tay cả một cụm quân lúc này đang cố gắng triệt hạ một viên trung tướng Mỹ với chỉ một đạo quân trong tay.

Nhưng trên toàn mặt trận, cơn sốt thành công đã bám lấy các tư lệnh chiến trường. Sau cuộc đột kích ngoạn mục qua Pháp và Bỉ, thêm vào đó là bằng chứng về thất bại toàn diện của Đức trên khắp các mặt trận, mọi người giờ đây đều tin rằng không gì có thể ngăn cản cơn thuỷ triều chiến thắng tiếp tục tràn qua phòng tuyến Siegfried và xa hơn nữa, tới tận trái tim của nước Đức. Tuy thế, muốn làm cho kẻ thù luôn bị động và rối loạn đòi hỏi một sức ép liên tục không giảm nhẹ từ phía Đồng minh. Duy trì sức ép đó đã làm nảy sinh một cuộc khủng hoảng mà có vẻ chưa mấy người nhận ra. Sự lạc quan quá độ đã đi gần tới chỗ trở thành tự lừa dối mình vì vào lúc này, các đạo quân khổng lồ của Eisenhower, sau cuộc đột kích thần tốc hơn hai trăm dặm kể từ sông Seine, lúc này đang bị kìm chân bởi nhu cầu khổng lồ về hậu cần và tiếp liệu. Sau sáu tuần hành tiến hầu như liên tục mà không vấp phải kháng cự đáng kể, ít người nhận ra sự mất đà đột ngột của cuộc truy kích. Nhưng khi những chiếc xe tăng đầu tiên áp sát cửa ngõ nước Đức và những cứ điểm ngoại vi của bức tường phía tây, tốc độ tấn công bắt đầu chậm lại. Cuộc đột kích của Đồng minh đã chấm dứt, bị ngáng lại bởi chính thành công của nó.

Trở ngại chính làm chậm trễ cuộc tấn công là việc thiếu cảng. Tiếp tế hậu cần không hề thiếu, nhưng chúng bị chất đống lại ở Normandy, và vẫn phải được chuyên chở qua các bãi biển hay qua cảng duy nhất sử dụng được, Cherburg - nằm cách các đơn vị tiền tiêu tới 450 dặm. Đảm bảo hậu cần cho bốn đạo quân lớn đang hành tiến hết tốc độ quả là một cơn ác mộng. Thiếu phương tiện chuyên chở càng làm tình hình tệ thêm. Mạng lưới đường sắt, bị oanh tạc trước cuộc đổ bộ hay bị phá hoại bởi lực lượng kháng chiến Pháp, không thể hồi phục nhanh như yêu cầu. Đường ống dẫn xăng dầu cũng mới chỉ đang được lắp đặt. Kết quả là mọi thứ, từ xăng cho tới khẩu phần ăn đều phải vận chuyển bằng đường bộ, mà xe tải thì thiếu trầm trọng.

Để theo kịp tốc độ truy kích, ngày một xa hơn về phía đông, tất cả các loại phương tiện vận tải đều được huy động. Pháo, súng phòng không, xe tăng dự trữ đã bị đưa khỏi xe chở bỏ lại sau để các xe này có thể dùng chở đồ tiếp tế. Rất nhiều sư đoàn đã bị trưng dụng toàn bộ các đại đội vận tải của mình. Người Anh đã để lại phía tây sông Seine cả một quân đoàn để lực lượng vận tải của họ có thể phục vụ được phần còn lại của quân đội đang tiến như vũ bão. Khó khăn của Montgomery còn trầm trọng hơn khi người ta phát hiện ra rằng 1400 xe tải 3 tấn của Anh không sử dụng được vì hỏng pit tông.

Lúc này, trong một nỗ lực khổng lồ nhằm duy trì cuộc tấn công được liên tục, một vành đai không ngừng nghỉ xe vận tải – « Red Bull Express »- chuyển động về phía đông, giao hàng rồi lại quành về phía tây nhận hàng, một số đoàn xe đã tạo thành một vòng tròn khổng lồ dài chừng sáu đến tám trăm dặm. Nhưng ngay cả khi tất cả xe vận tải có thể huy động được đều đã hối hả di chuyển theo chiều kim đồng hồ, còn các chỉ huy chiến trường đã áp dụng những biện pháp tiết kiệm ngặt nghèo nhất, nhu cầu hậu cần của các đạo quân vẫn không thể được đáp ứng đủ. Bị sử dụng quá cường độ và khả năng, hệ thống hậu cần tạm thời đã gần như bị quá tải.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #22 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2010, 11:30:56 pm »

Bên cạnh khó khăn về vận tải, binh lính cũng đã kiệt sức, trang bị hao mòn hỏng hóc sau cuộc tiến quân thần tốc từ Normandy. Xe tăng, xe half track cũng như mọi phương tiện cơ giới khác đều đã trải qua một quãng đường quá dài mà không được bảo trì chu đáo, giờ đây thi nhau hỏng. Nhưng đáng quan ngại hơn cả là nguy cơ thiếu xăng. Các đạo quân của Eisenhower, cần tới 1 triệu gallon mỗi ngày, chỉ nhận được một phần nhu cầu của mình.

Kết quả thật nghiêm trọng. Tại Bỉ, trong khi quân địch tháo chạy ngay trước mặt họ, cả một quân đoàn của đạo quân Mỹ thứ nhất phải án binh bất động suốt 4 ngày, tất cả xe tăng của họ cạn khô không còn một giọt xăng. Đạo quân Mỹ thứ ba của Patton, tiến xa hơn những người khác đến hơn một trăm dặm, và gặp rất ít kháng cự, bị buộc phải dừng lại 5 ngày bên sông Meuse, vì các đơn vị thiết giáp đã hết nhiên liệu. Patton phát khùng khi ông phát hiện ra rằng ông chỉ nhận được 32000 gallon thay vì 400000 như ông đã yêu cầu do bị cắt giảm cho các ưu tiên khác. Ông lập tức ra lệnh cho viên tư lệnh quân đoàn mũi nhọn của mình : « Vứt hết đồ đạc của các vị càng nhanh càng tốt và tiến lên cho đến khi động cơ đã khô cháy, sau đó xuống xe mà cuốc bộ tiếp, trời đánh thánh vật ! » Với bộ tham mưu của mình, Patton gầm lên rằng ông phải « chiến đấu với hai kẻ thù- bọn Đức và bộ tư lệnh của chúng ta. Tôi có thể xử lý được bọn Đức, nhưng tôi không rõ có thắng được Montgomery và Eisenhower. » Ông đã thử. Tin chắc rằng mình có thể chọc thẳng vào Đức chỉ trong vài ngày, Patton lớn tiếng kêu gọi Bradley và Eisenhower. « Lính của tôi có thể ăn thắt lưng cũng được, » ông bực tức, « nhưng xe tăng của tôi cần có xăng. »

Thất bại thảm hại của quân Đức tại Normandy và sự sụp đổ nhanh chóng một cách hệ thống của chúng sau khi phòng tuyến bị chọc thủng đã gây ra cuộc khủng hoảng về hậu cần. Với giả thiết rằng đối phương sẽ chống giữ và đánh trả theo các con sông, những người hoạch định kế hoạch tấn công lục địa đã dự tính một phương thức tấn công thận trọng hơn. Kế hoạch này dự trù rằng một thời gian ngừng lại để củng cố đội hình và tập trung hậu cần sẽ được thực hiện sau khi các đầu cầu ở Normandy đã được củng cố và các cảng ở biển Manche đã được đánh chiếm. Khu vực tập kết dự định nằm ở phía tây sông Seine theo thời gian biểu của kế hoạch sẽ không thể được đánh chiếm trước ngày 4/9 (90 ngày sau D day). Sự tan rã bất ngờ của kẻ địch cùng cuộc tháo chạy cuống cuồng của chúng về phía đông đã làm thời gian biểu của Đồng minh trở nên vô dụng. Ai có thể dự liệu trước được rằng vào ngày 4/9 xe tăng Đồng minh đã cách xa sông Seine đến hai trăm dặm về phía đông và đã tiến vào Ăntwerpt ? Bộ tham mưu của Eisenhower đã ước tính rằng sẽ cần tới khoảng 11 tháng để tiến tới biên giới Đức tại Aachen. Giờ đây, khi các đơn vị thiết giáp áp sát Đế chế, Đồng minh đã đi trước kế hoạch gần 7 tháng. Việc hệ thống vận tải và hậu cần, được dự bị cho một tốc độ tiến quân chậm hơn nhiều, đã có thể giữ vững được vai trò trong suốt cuộc truy đuổi chóng mặt đó đã gần như là một điều kỳ diệu.

Thế nhưng, bất chấp tình hình hậu cần hết sức khó khăn, không ai muốn thừa nhận rằng các đạo quân sẽ cần phải sớm dừng lại và cuộc truy kích đã chấm dứt.

« Tất cả các cấp chỉ huy từ sư đoàn trở lên, » Eisenhower sau này đã viết, đều « bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng chỉ cần thêm vài tấn quân nhu nữa thôi, anh ta có thể tiếp tục xông lên và thắng cuộc chiến... Mỗi chỉ huy, vì thế, đều lý luận và yêu cầu được ưu tiên hơn những người khác, và quả thực khó có thể phủ nhận được rằng phía trước mặt họ đều là những tình huống hết sức thuận lợi cần được tận dụng triệt để khiến yêu cầu của họ hoàn toàn chính đáng. » Tuy thế, sự lạc quan vẫn ảnh hưởng ngay cả đến vị tổng tư lệnh. Rõ ràng ông tin rằng đà tiến công có thể tiếp tục được duy trì đủ lâu để các đạo quân Đồng minh có thể vượt qua phòng tuyến Siegfried trước khi quân Đức kịp phòng thủ nó, vì ông nhìn thấy những dấu hiệu « tan rã » trên « toàn mặt trận ». Vào ngày 4/9, ông lệnh cho cụm quân số 12 của Bradley đánh chiếm Saar và vùng Frankfurt. Cụm quân số 21 của Montgomery sẽ đánh chiếm vùng Ruhr và Ăntwerp.

Patton có vẻ bất bình trước lệnh này. Lúc này ông tin chắc rằng, chỉ cần được cung cấp hậu cần đầy đủ, đạo quân số 3 hùng mạnh của ông có thể một mình tiến tới vùng công nghiệp Saar rồi sau đó chọc thẳng tới sông Rhine.*

*Những cuộc họp báo hàng tuần của Patton luôn luôn đầy thông tin quan trọng, nhưng đặc biệt đáng nhớ là những nhận xét ngoài thông báo chính thức của viên tướng này, những nhận xét đó, vì ngôn ngữ đầy màu sắc của ông, chẳng bao giờ có thể đưa lên mặt báo. Vào tuần đầu tiên của tháng Chín đó, với tư cách là phóng viên chíên tranh của London Daily Telegraph, tôi đã có mặt khi, với phong cách quen thuộc của mình, ông diễn giải kế hoạch tấn công quân Đức của mình. Với giọng nói oang oang và vung tay chỉ lên bản đồ, Patton tuyên bố rằng « Có thể có năm ngàn hay mười ngàn gã con hoang Nazi đang rúc trong những hang cáo bằng bê tông của chúng trước mặt đạo quân số 3. Bây giờ, nếu Ike đừng có tiếp tay cho Monty nữa mà cho tôi tiếp tế, tôi sẽ lao vọt qua vòng tuyến Siegfried như phân phọt khỏi một con ngỗng vậy ».
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #23 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2010, 11:31:09 pm »

Trong bầu không khí chưa từng có tiền lệ với những chiến thắng liên tiếp, Montgomery, với bức điện mật hôm 4/9, lại một lần nữa bướng bỉnh nhấn mạnh quan điểm của mình. Lần này ông còn đi xa hơn đề nghị hôm 17/8 cũng như cuộc hội kiến với Eisenhower hôm 23/8. Tin tưởng rằng quân Đức đã suy sụp, viên tư lệnh cụm quân Anh số 21 cho rằng ông không chỉ có thể tiến được tới Ruhr mà còn có thể thẳng tiến tới chính Berlin.

Trong bức điện mật dài tới chín đoạn gửi cho Eisenhower, Montgomery lại một lần nữa đưa ra những lý do đã khiến ông tin tưởng rằng đã tới thời điểm cho « một mũi đột kích toàn lực thực sự mạnh ». Có hai cơ hội chiến lược đang mở ra cho Đồng minh, « một qua vùng Ruhr và một qua Metz và Saar. » Nhưng, ông lý luận, vì « chúng ta không có đủ nguồn lực, hai mũi đột kích như vậy không thể được duy trì ». Vậy chỉ có cơ hội cho một mũi đột kích – mũi đột kích mà ông đề nghị. Mũi đột kích này, theo hướng bắc « qua vùng Ruhr », theo Montgomery, « có cơ hội mang lại kết quả nhanh nhất và tốt nhất ». Để đảm bảo cho thành công của nó, mũi đột kích duy nhất của Monty sẽ cần đến « toàn bộ nguồn hậu cần... một cách vô điều kiện ». Lúc này ông đã có vẻ sốt ruột không muốn cân nhắc tới bất cứ điều gì khác. Ông nhấn mạnh đến giá trị của kế hoạch của chính mình và năng lực của bản thân cũng như niềm tin vào chính mình như là người duy nhất có thể thực hiện nó. Các kế hoạch khác sẽ tiếp tục với lượng hậu cần còn dư lại. Sẽ không có bất cứ thoả hiệp nào, ông cảnh cáo vị tổng tư lệnh. Ông bác bỏ khả năng của hai mũi đột kích, vì « chúng sẽ làm chia sẻ nguồn lực của chúng ta và không mũi đột kích nào được toàn lực » và kết quả là «chíên tranh sẽ kéo dài ». Theo quan điểm của Montgomery, vấn đề này « đã rõ ràng và không cần bàn cãi nữa ». Nhưng thời gian « là yếu tố quan trọng cốt tử ... và cần có một quyết định ngay lập tức ».

Khô khan và quan cách, viên tướng Anh được nể vì nhất kể từ Wellington bị ám ảnh bởi niềm tin của chính mình. Cân nhắc đến tình hình khó khăn về hậu cần, ông lý luận rằng quan điểm một mũi đột kích của ông lúc này còn đúng đắn hơn so với hai tuần trước. Với cách thức bất di bất dịch của mình – hoàn toàn dửng dưng không quan tâm đến việc liệu giọng điệu ông sử dụng để chuyển tải thông điệp của mình sẽ được đón nhận ra sao – Montgomery không chỉ gợi ý phương thức hành động cho Tổng tư lệnh ; vị thống chế đang áp đặt một chiến lược. Eisenhower cần đình chỉ mọi đạo quân khác trên đà tiến của họ - đặc biệt là đạo quân của Patton - để mọi nguồn lực được tập trung cho cuộc đột kích của ông. Và bức điện số M-160 của là một ví dụ điển hình cho sự cao ngạo của Montgomery. « Nếu ngài tới đây có lẽ ngài sẽ muốn xem qua và bàn về nó, » ông ta gợi ý. « Nếu vậy, rất vui được đón ngài vào bữa trưa ngày mai. Đừng nghĩ rằng tôi có thể rời khỏi chiến trường vào thời điểm như hiện nay. » Ngay cả chuyện những lời kết của ông đã gần như đạt đến mức kênh kiệu cũng không làm Montgomery bận tâm đến trong nỗi lo lắng sẽ để mất cơ hội cuối cùng để kết thúc sớm với bọn Đức. Dai như đỉa, ông này bám khư khư lấy kế hoạch một mũi đột kích của mình. Vì lúc này ông tin chắc ngay cả Eisenhower cũng phải nhận ra đã đến thời điểm ra đòn quyết định cuối cùng.

Trong phòng ngủ tại ngôi biệt thự của mình tại Granville bên bờ tây của bán đảo Cherbourg, vị Tổng tư lệnh bực tức không tin nổi vào mắt mình khi đọc bức điện M-160. Viên tướng 55 tuổi Eisenhower cho rằng đề nghị của Montgomery là « phi thực tế » và « hoang tưởng ». Ba lần Montgomery đã giục ông đưa ra ý kiến về kịch bản của một mũi đột kích duy nhất. Eisenhower nghĩ rằng ông đã đặt dấu chấm hết cho những cuộc đôi co về chiến thuật từ hôm 23/8. Thế nhưng lúc này không những Montgomery lại biện hộ cho chiến lược của mình một lần nữa mà ông này còn đang đề nghị đánh thẳng đến Berlin. Bình thường vốn điềm tĩnh, lần này Eisenhower đã mất tự chủ. « Chẳng có ma nào tin rằng việc này có thể thực hiện được, trừ Montgomery », ông ta bực tức bùng nổ trước ban tham mưu của mình. Tại thời điểm đó, trong đầu Eisenhower, vấn đề khẩn cấp nhất là khai thông các cảng bờ biển, đặc biệt là Ăntwerp. Tại sao Montgomery lại không chịu hiểu điều đó ? Tổng tư lệnh chẳng phải không nhận ra cơ hội ngon ăn đang hiển hiện trước mắt. Nhưng, như ông đã nói với Phó Tổng tư lệnh, thống chế của không quân hoàng gia Sir Arthur Tedder, cũng như trung tướng Frederick Morgan, trợ lý tham mưu trưởng của SHAEF, việc « Montgomery nói tới chuyện tiến về Berlin với một đạo quân đang phải khó nhọc nhận toàn bộ tiếp tế từ các bãi đổ bộ thật hoang tưởng ».
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #24 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2010, 11:31:23 pm »

Thông điệp của viên thống chế không thể tới nơi vào một thời điểm tệ hơn. Tổng tư lệnh lúc này đang bị dính chặt vào giường, đầu gối phải bị đau, hậu quả của một vết thương mà Montgomery vẫn chưa biết. Tuy vậy, Eisenhower còn có nhiều lý do hơn thế để phát bẳn. Để lại phần lớn SHAEF ở London, ông đã tới lục địa để đích thân nắm tình hình hôm 1/9, trước đó 4 ngày. Bộ chỉ huy tiền phương nhỏ của ông đóng bản doanh ở Jullouville gần Granville hoàn toàn không đủ người. Vì tốc độ tiến công kinh ngạc của các đạo quân, Eisenhower bị bỏ xa sau mặt trận tới 400 dặm – và tệ hơn là vẫn chưa có điện thoại hay bất cứ phương tiện điện tín nào.

Trừ radio và liên lạc chạy chân, ông không thể nào liên hệ trực tiếp được với các tư lệnh ngoài tiền tuyến. Vết thương đã làm tệ thêm những khó khăn gặp phải đã xảy ra sau một chuyến bay thường lệ của ông tới thăm một trong các tư lệnh của mình. Vào ngày 2/9, khi trở về từ một cuộc họp với các tướng lĩnh cao cấp của Mỹ tại Chartres, máy bay của Eisenhower, vì gió mạnh và tầm nhìn hạn chế, đã không thể hạ cánh xuống sân bay tại tổng hành dinh. Thay vào đó, nó đã hạ cánh xuống bãi biển gần biệt thự của ông. Nhưng sau đó, khi cố giúp viên phi công đưa máy bay ra khỏi bờ nước, Eisenhower đã làm trật khớp đầu gối phải của mình. Kết quả là, tại thời điểm bước ngoặt quan trọng này của cuộc chiến, trong vị tổng tư lệnh cố gắng kiểm soát diễn biến chiến sự trên lục địa trong bối cảnh tình hình diễn biến rất nhanh và các quyết định tức thời là rất cần thiết, Eisenhower lại phải nằm bất động.

Cho dù Montgomery – và về quan điểm này, cả Bradley và Patton – có thể cảm thất Eisenhower « không còn nắm bắt được tình hình chiến sự trên lục địa », cảm giác này chỉ đúng về mặt khoảng cách. Bộ tham mưu hỗn hợp Anh -Mỹ rất có năng lực của ông nắm chắc diễn biến chiến trường hàng ngày hơn các tướng lĩnh của ông nghĩ nhiều. Và trong lúc trông đợi sự chủ động và táo bạo từ các tư lệnh chiến trường, chỉ có Tổng tư lệnh và bộ tham mưu của ông có thể quan sát được tình hình toàn cục và đưa ra những quyết định phù hợp. Nhưng cũng đúng là trong giai đoạn chuyển tiếp này, khi Eisenhower đang dần trực tiếp nắm lại quyền chỉ huy, có vẻ đang thiếu một sự chỉ đạo rành mạch, một phần cũng do vai trò phức tập của chức Tổng tư lệnh. Điều kiện chỉ huy khó có thể nói là dễ dàng. Thế nhưng, Eisenhower, trong lúc cố gắng duy trì một sự cân bằng dù rất khó khăn, và thực hiện chính xác các kế hoạch của Bộ tham mưu liên quân, đã giúp hệ thống hoạt động. Vì lợi ích toàn cục của Đồng minh, ông có thể điều chỉnh chiến lược, nhưng Eisenhower không hề có ý định dẹp mọi sự thận trọng sang bên và cho phép Montgomery, như sau này vị Tổng tư lệnh có nói, thực hiện một « mũi đột kích duy nhất như một nhát dao thẳng tới Berlin »*

* Để công bằng với Montgomery, cần nói rõ rằng bản thân ông chưa bao giờ nói câu này. Ý tưởng của ông là tập trung 40 sư đoàn lại với nhau và tiến về Berlin - hiển nhiên là không phải một « nhát dao » - nhưng câu nói này đã bị gán cho ông và theo tôi nghĩ đã ảnh hưởng bất lợi rất nhiều cho ông tại SHAEF trong nhiều cuộc họp bàn về chiến lược tại đó.

Tổng tư lệnh đã tỏ ra nhún nhường với Montgomery, nhượng bộ ông này hết lần này tới lần khác, một điều thường làm các tướng lĩnh Mỹ dưới quyền ông bực bội. Thế nhưng, xem ra « Montgomery luôn muốn có tất cả mọi thứ và ông ta chẳng làm điều gì một cách chóng vánh trong đời mình ». Eisenhower có nói rằng ông hiểu rõ về Montgomery hơn là viên thống chế người Anh có thể ngờ. « Hãy nhìn xem, người ta đã nói với tôi về thời trai trẻ của ông ta, » Eisenhower nhớ lại, « và khi bạn có một cuộc ganh đua giữa Eton và Harrow ở một bên, và một số trường ít danh giá hơn ở bên kia, một số thanh niên loại này khi vào quân đội cảm thấy thấp kém hơn. Anh chàng này, trong suốt đời mình, đã luôn cố để chứng minh anh ta là một ai đó. » Tuy vậy, rõ ràng quan điểm của viên thống chế phản ánh niềm tin cuả các thượng cấp người Anh của ông về việc quân Đồng minh cần hành động ra sao.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #25 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2010, 11:31:37 pm »

Cho dù có thể hiểu được, sự cao ngạo của Montgomery khi luôn ương ngạnh cứng nhắc về quan điểm như vậy đã làm các viên tư lệnh người Mỹ rất khó chịu. Với tư cách Tổng tư lệnh, được Bộ tổng tham mưu liên quân trao cho quyền lực tuyệt đối, Eisenhower chỉ có một lo lắng thường trực : làm sao để lực lượng Đồng minh hợp tác với nhau và thắng cuộc chiến một cách nhanh chóng. Cho dù một số thành viên của SHAEF, bao gồm cả rất nhiều người Anh, coi Montgomery là kẻ không thể chịu nổi và nói ra lời như vậy, Eisenhower không bao giờ bình phẩm về ông này trừ lúc chỉ có một mình với Tham mưu trưởng của ông, Bedell Smith. Nhưng, trên thực tế, ác cảm của Tổng tư lệnh với Montgomery còn sâu sắc hơn nhiều những gì người ta biết. Eisenhower cảm thấy viên thống chế là « một gã tâm thần...một kẻ tự mãn » luôn cho rằng tất cả những gì hắn ta từng làm « đều hoàn hảo ...một kẻ không bao giờ nhầm lẫn trong đời mình ». Eisenhower sẽ không cho phép ông ta phạm một sai lầm vào lúc này. « Tước lấy khẩu phần của anh chàng người Mỹ Peter đang được tiếp vận từ Cherbourg, » ông nói với Tedder, « sẽ chẳng thể giúp gã người Anh Paul đến được Berlin ».

Tuy nhiên, Eisenhower rất băn khoăn về sự rạn nứt đang rộng dần ra giữa mình và viên tướng con cưng của người Anh. Trong vòng mấy ngày sau đó, Tổng tư lệnh quyết định, ông cần gặp Montgomery để cố gắng làm rõ điều mà ông coi là một sự hiểu nhầm. Thêm một lần nữa ông lại cố gắng bảo vệ chiến lược của mình và hy vọng có được sự đồng thuận, cho dù có khó khăn đến đâu. Trong lúc chờ đợi cuộc gặp, ông đã làm rõ một điều. Ông kiên quyết bác bỏ kế hoạch một mũi đột kích của Montgomery cũng như canh bạc liều chiếm Berlin của ông này. Vào tối ngày 5/9, trong một bức điện mật cho viên thống chế, ông nói, « Trong khi tán thành với quan điểm của ngài về một mũi tấn công tổng lực mạnh mẽ tới Berlin, tôi không đồng ý rằng cần thực hiện nó trong lúc này và bỏ qua mọi động thái tấn công khác. » Theo như quan sát của Tổng tư lệnh, « phần chủ lực của quân đội Đức ở phía tây đã bị tiêu diệt, » và thành công có thể được khai thác « bằng cách nhanh chóng phá vỡ phòng tuyến Siegfried, vượt sông Rhine trên một chính diện rộng và chiếm lấy Saar cũng như Ruhr. Đó là điều tôi định thực hiện với tốc độ nhanh nhất có thể. »

Những động thái này, Eisenhower tin tưởng, sẽ « giáng một đòn chí tử vào những vùng công nghiệp chủ đạo của Đức và tiêu diệt phần lớn khả năng duy trì chiến tranh của đối phương... » Khai thông các cảng Le Havre và Ant werp là nhiệm vụ sống còn, Eisenhower tiếp tục, trước khi bất cứ « mũi đột kích tổng lực » vào nước Đức có thể được tung ra. Nhưng, vào lúc này, Eisenhower nhấn mạnh, « không sự tái phân bố dự trữ hậu cần nào có thể đủ cung cấp cho một mũi đột kích tới Berlin. ... »

Quyết định của Eisenhower đã cần tới 36 giờ để đến tay Montgomery, và ngay cả lúc đó cũng chỉ có nửa cuối bức điện tới nơi. Montgomery nhận được hai đoạn kết bức điện vào 9 giờ sáng ngày 7/9. Phần đầu chỉ tới nơi vào ngày 9/9, chậm hơn tới 48 giờ. Và Montgomery nhận xét rằng cách thức liên lạc của Eisenhower chỉ là một minh chứng nữa cho thấy Tổng tư lệnh đã « tụt lại sau chiến tuyến quá xa ».

Từ phần bức điện tới tay Montgomery trước tiên cũng đã quá rõ rằng Eisenhower bác bỏ kế hoạch của ông, vì nó có câu, « không sự tái phân bố dự trữ hậu cần nào có thể đủ cung cấp cho một mũi đột kích tới Berlin. » Montgomery lập tức gửi đi một bức điện kịch liệt phản đối.

Với đà truy kích bị chậm lại, điều mà Montgomery e ngại nhất đã trở thành hiện thực. Sự kháng cự của quân Đức quyết liệt dần lên. Trong bức điện của mình, tập trung chủ yếu vào tình trạng thiếu hụt hậu cần, Montgomery tuyên bố rằng ông chỉ nhận được có một nửa yêu cầu của mình, và « tôi không thể tiếp tục lâu hơn trong điều kiện như hiện tại ». Ông từ chối thay đổi kế hoạch tấn công Berlin của mình. Sự cấp bách quá hiển nhiên của việc khai thông lập tức cảng Ant werp thậm chí còn không được nhắc đến trong bức điện của ông, tuy nhiên ông vẫn nhấn mạnh « ngay khi cảng Pas de Calais có thể sử dụng được, tôi muốn yêu cầu chừng 2500 xe tải ba tấn bổ sung nữa, thêm vào đó là một cầu vận chuyển hàng không chừng 1000 tấn mỗi ngày để tôi có thể tiến tới Ruhr và cuối cùng là Berlin. » Vì « rất khó diễn tả tình hình », viên thống chế « tự hỏi liệu Eisenhower có thể » tới gặp ông. Tin chắc như đinh đóng cột rằng quyết định của Tổng tư lệnh là một sai lầm nghiêm trọng và tin tưởng rằng kế hoạch của mình sẽ thành công, Montgomery từ chối cấp nhận sự bác bỏ của Eisenhower như là quyết định cuối cùng. Thế nhưng ông cũng không hề có ý định bay tới Jullouville để cố gắng thuyết phục Eisenhower thay đổi quan điểm. Một động thái ngoại giao như thế không phải là một phần tính cách của ông, cho dù ông hoàn toàn ý thức được hy vọng duy nhất để đề nghị của mình được phê chuẩn là qua một cuộc gặp trực tiếp với Tổng tư lệnh. Nóng nảy và bồn chồn, Montgomery đợi câu trả lời của Eisenhower. Viên thống chế người Anh đang ở trong tâm trạng cáu bẳn sốt ruột, gần như không muốn gặp ai, vào thời điểm hoàng thân Bernhard tới sở chỉ huy để thăm xã giao ông.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #26 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2010, 11:31:51 pm »

Bernhard đã tới Pháp tối ngày 6. Với một đoàn tuỳ tùng nhỏ, 3 chiếc xe jeep, chú chó Martin của ông ta và một chiếc cặp dày cộp đựng các báo cáo của lực lượng kháng chiến ngầm tại Hà Lan, hoàng thân cùng các trợ lý của mình đã bay tới lục địa, được bảo vệ bởi hai máy bay tiêm kích, trong ba chiếc Dakota, trong đó một chiếc do Bernhard điều khiển. Từ sân bay Amiens họ đi xe tới Douai, 50 dặm về phía bắc, và sáng sớm ngày 7 lên đường đi Bỉ và Brussels. Tại sở chỉ huy ở Laeken, hoàng thân được đón bởi tướng Horrock, được giới thiệu với bộ tham mưu của Montgomery và đưa vào gặp thống chế. « Thống chế đang ở trong tâm trạng không vui và rõ ràng là không thích thú gì khi phải gặp tôi, » Bernhard nhớ lại. « Ông ta đã có quá nhiều thứ phải quan tâm, và sự có mặt của một ông hoàng ở chỗ ông ta hiển nhiên là một trách nhiệm mà ông ta sẽ thấy dễ dàng hơn nhiều nếu không phải gánh lấy. »

Tiếng tăm của thống chế như là người lính Anh vĩ đại nhất của cuộc chiến đã khiến ông, theo như lời của Bernhard, « trở thành thần tượng của hàng triệu người Anh ». Và ông hoàng 33 tuổi cũng rất e ngại Montgomery. Không như phong cách thoải mái gần như dễ dãi của Eisenhower, thái độ của Montgomery khiến Bernhard khó có thể trao đổi thoải mái với ông. Khô khan và khó chịu ngay từ đầu, Montgomery nói thẳng ra rằng sự có mặt tại đó của Bernhard làm ông « e ngại ». Với một lời giải thích thẳng tuột chẳng chút khéo léo xã giao, Montgomery nói với hoàng thân rằng sẽ rất thiếu khôn ngoan nếu ông này định đến thăm sở chỉ huy của đơn vị Hà Lan - lữ đoàn công chúa Irene – đang phối thuộc đạo quân Anh số 2, lúc bấy giờ đang đóng ở Diest, chỉ cách chiến tuyến vẻn vẹn mười dặm. Bernhard, với tư cách Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Hà Lan, hiển nhiên có ý định đến thăm Diest, đã không trả lời ngay. Thay vào đó, ông bắt đầu nói tới các thông báo của lực lượng kháng chiến Hà Lan. Montgomery đã ngắt lời hoàng thân. Quay trở lại vấn đề ban đầu, ông nói với hoàng thân, « Ngài không được tới Diest. Tôi không thể chấp nhận chuyện này ». Mếch lòng, Bernhard cảm thấy bị buộc phải làm rõ rằng ông « phục vụ trực tiếp dưới quyền Eisenhower và không dưới quyền chỉ huy của ngài thống chế. » Như vậy, ngay từ đầu, như Bernhard hồi tưởng lại cuộc gặp, «đúng hay sai, chúng tôi đã bắt đầu không hợp nhau ». (sau đó, Eisenhower đã ủng hộ Montgomery về chuyện Diest, nhưng ông cũng nói rằng Bernhard có thể ở lại Brussels « gần sở chỉ huy cụm quân 21, nơi có thể cần tới sự có mặt của ngài »)

Bernhard tiếp tục điểm lại tình hình Hà Lan theo báo cáo của các nhóm kháng chiến ngầm. Montgomery được thông báo về cuộc tháo chạy và sự tan rã vô tổ chức của quân Đức, tình hình này đã diễn ra liên tục từ ngày 2/9, và sự nổi dậy của các nhóm kháng chiến. Theo những gì chắc chắn nhất mà ông được biết, Bernhard nói, những thông báo này chính xác. Montgomery, theo lời kể của hoàng thân, đã gạt đi, « tôi không nghĩ rằng lực lượng kháng chiến của ngài có gì hữu ích cho chúng tôi. Vì thế, tôi tin rằng tất cả những chuyện này đều không cần thiết ». Sững sờ trước sự thẳng thừng của viên thống chế, Bernhard « bắt đầu hiểu ra rằng Montgomery dường như không tin vào bất cứ thông báo nào tới từ các điệp viên của tôi ở Hà Lan. Một mặt, tôi khó có thể trách ông. Tôi được biết ông phần nào cũng đã quá chán ngán những tinh tức sai lệch nhận được từ lực lượng kháng chiến Pháp và Bỉ trong quá trình tiến quân của mình. Nhưng, trong trường hợp này, tôi biết rõ những nhóm kháng chiến tham dự, những người chỉ huy chúng và tôi biết thông tin thực sự chính xác. » Hoàng thân tiếp tục thuyết phục. Đưa cho thống chế các tập báo cáo và trích dẫn hết báo cáo này đến báo cáo khác, Bernhard đặt ra một câu hỏi : « Trước bối cảnh này, tại sao ngài không tấn công ngay ? »

"Chúng tôi không thể dựa vào những thông báo đó," Montgomery nói với ông ta. "Vì việc lực lượng kháng chiến Hà Lan tuyên bố rằng bọn Đức đã rút lui từ hôm 2/9 không có nghĩa là chúng vẫn đang tiếp tục rút lui." Bernhard đã phải thừa nhận rằng cuộc tháo lui "đang chậm lại", và đã có "dấu hiệu tái tổ chức". Tuy nhiên, theo quan điểm của hoàng thân, có lý do xác đáng cho một cuộc tấn công ngay lập tức.

Montgomery vẫn không bị lay chuyển. "Dù sao đi nữa," ông nói, " mặc dù tôi rất muốn tấn công và giải phóng Hà Lan, tôi không thể thực hiện được vì thiếu hậu cần. Chúng tôi đã gần cạn đạn. Chúng tôi không còn đủ nhiên liệu cho xe tăng và nếu cứ cố tiến hành một cuộc tấn công, chắc chắn nó sẽ bị chặn đứng".
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #27 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2010, 11:32:07 pm »

Bernhard sững sờ. NHững thông tin hoàng thân nhận được khi còn ở Anh từ cả SHAEF và các cố vấn của ông đã thuyết phục ông rằng việc giải phóng Hà Lan sẽ hoàn tất chỉ trong vài ngày. "Hiển nhiên là tôi nghĩ rằng Montgomery, người chỉ huy chiến trường trực tiếp, nắm tình hình rõ hơn ai hết," Bernhard nhớ lại sau này. " Thế nhưng chúng tôi đã có tất cả những thông tin chi tiết về quân Đức- quân số, số lượng xe tăng và xe thiết giáp, vị trí đặt súng phòng không - và tôi biết rõ, ngoài lực lượng triển khai trực tiếp trên chiến tuyến, kẻ thù không còn nhiều lực lượng phía sau. Tôi cảm thấy thật nặng nề, vì tôi biết sức mạnh của bọn Đức sẽ tăng lên từng ngày. Tôi không thể thuyết phục được Montgomery. Trên thực tế, chẳng lời nào tôi nói tỏ ra có trọng lượng".

Sau đó Montgomery tiết lộ một cách thật đáng kinh ngạc. "Tôi cũng nóng lòng muốn giải phóng Hà Lan như ngài vậy," ông nói, "nhưng chúng tôi dự định thực hiện nó bằng một cách khác, thậm chí tốt hơn." Thống chế dừng lời, suy nghĩ giây lát, sau đó nói gần như miễn cưỡng,"Tôi đang xây dựng một kế hoạch đổ bộ đường không ngay phía trước lực lượng của tôi." Bernhard ngỡ ngàng. Lập tức trong đầu hoàng thân nảy ra hàng loạt câu hỏi. Các bãi thả dù sẽ được lựa chọn ở đâu? Khi nào kế hoạch đó sẽ được tiến hành? Và ra sao? Thế nhưng ông kìm mình không hỏi. Thái độ của Montgomery có thấy viên thống chế sẽ không tiết lộ thêm. Cuộc tấn công hiển nhiên vẫn còn trong giai đoạn thành hình và hoàng thân có cảm tưởng chỉ thống chế và vài người trong ban tham mưu của ông biết về kế hoạch. Tuy viên thống chế không đưa ra thêm chi tiết nào, giờ đây Bernhard lại thầm hy vọng rằng việc giải phóng Hà Lan, bất chấp việc thiếu hụt về hậu cần mà Montgomery đã nói trước đó, đã gần kề. Ông cần kiên nhẫn và chờ đợi. Danh tiếng của ngài thống chế không ai không bíêt. Bernhard tin vào nó và bản thân viên thống chế. Hoàng thân cảm thấy hy vọng một lần nữa quay trở lại, vì "bất cứ điều gì Montgomery làm, ông sẽ làm đến nơi đến chốn."

Eisenhower, nhượng bộ yêu cầu của Montgomery, ấn định cuộc gặp giữa hai người vào chủ nhật 10/9. Ông không thích thú gì vào cuộc gặp với Montgomery cũng như những lời lẽ thái độ mà ông đã quen chờ đợi từ phía ngài thống chế. Tuy thế, ông cũng quan tâm muốn biết những tiến bộ nào đã đạt được trong một khía cạnh tác chiến của Montgomery. Cho dù tổng tư lệnh cần phê duyệt mọi kế hoạch tấn công đổ bộ đường không, ông đã trao cho Montgomery quyền sử dụng đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng minh cũng như quyền xây dựng các kế hoạch có tính đến việc sử dụng lực lượng này. Tổng tư lệnh biết Montgomery, ít nhất kể từ ngày 4, đã lặng lẽ nghiên cứu khả năng dùng một cuộc tấn công đổ bộ đường không để chiếm lấy một đầu cầu qua sông Rhine.

Kể từ khi đạo quân đổ bộ đường không số 1 của đồng minh được thành lập 6 tuần trước dưới quyền một tư lệnh người Mỹ, trung tướng Lewis Hyde Brereton, Eisenhower đã tìm kiếm cả một mục tiêu và một cơ hội phù hợp để sử dụng lực lượng này. Vì mục đích đó ông đã thúc giục Brereton và nhiều tư lệnh các đạo quân khác xây dựng những kế hoạch đổ bổj đường không sáng tạo và táo bạo nhằm tấn công quy mô lớn vào sâu trong hậu phương kẻ thù. Nhiều nhiệm vụ đã được đưa ra và phê chuẩn, nhưng tất cả đều bị đình chỉ. Gần như trong tất cả các trường hợp, bước tiến nhanh chóng của lục quân khiến lực lượng này đã tới các mục tiêu vốn chỉ định cho quân dù.

Kế hoạch táo bạo do Montgomery đưa ra dự định dùng các đơn vị của Brereton để mở một đột phá khẩu ở phía tây thành phố Weselm ngay trên biên giới Hà Lan - Đức. Tuy nhiên, hỏa lực phòng không quá dày đặc tại đây đã buộc viên thống chế phải thay đổi kế hoạch. Lần này, địa điểm ông lựa chọn nằm xa hơn về phía tây trong lãnh thổ Hà Lan: cây cầu qua sông Rhine Hạ tại Arnhem - một nơi nằm phía sau chiến tuyến Đức 75 dặm.

Vào ngày 7/9, chiến dịch Cornet, như kế hoạch này được đặt tên, đã sẵn sàng; sau đó thời tiết xấu, cộng với sự lo ngại của Montgomery trước sức kháng cự ngày càng tăng của quân Đức mà binh lính của ông gặp phải, đã khiến chiến dịch bị bãi bỏ. Những gì có vẻ sẽ thành công vào ngày 6 hay ngày 7 xem ra quá mạo hiểm vào ngày 10. Eisenhower cũng lo ngại; một mặt ông cảm thấy tung ra một cuộc tấn công đổ bộ đường không vào mục tiêu này sẽ làm chậm việc giải tỏa cảng Ant werp. Thế nhưng vị tổng tư lệnh vẫn bị thu hút bởi khả năng của một cuộc tấn công đổ bộ đường không.

Những cuộc tấn công bị bãi bỏ, có lần gần như vào phút cuối cùng, đã gây ra một vấn đề đau đầu cho Eisenhower. Mỗi lần kế hoạch đến bước chuẩn bị cuối cùng, máy bay vận tải, vốn đang tiếp tế nhiên liệu cho tiền tuyến, phải được tập trung lại dưới mặt đất ở trạng thái sẵn sàng. Thiếu hụt gây ra khi thiếu nguồn tiếp tế đường không quý giá này đã khiến Bradley và Patton kịch liệt phản đối. Trong bối cảnh truy kích không ngừng nghỉ như hiện tại, việc vận chuyển nhiên liệu bằng đường không, họ tuyên bố, quan trọng hơn nhiều so với những kế hoạch đổ bộ đường không. Eisenhower, nóng lòng muốn sử dụng lực lượng dù và bị Washington hối thúc làm vậy - cả tướng Marshall lẫn tướng Henry H. Arnold, chỉ huy không lực của quân đội Mỹ, đều muốn xem đạo quân mới toanh của Brereton có thể làm được gì - không hề có ý để các sư đoàn dù tinh nhuệ của ông ngồi dài dưới đất. Ngược lại, ông nhấn mạnh rằng các đơn vị này cần được sử dụng ngay khi có cơ hội. Quả thực, đây có thể là một cách để giúp đưa quân vượt sông Rhine trong bối cảnh đà tấn công đang chững lại. Nhưng vào buổi sáng ngày 10/9 này, trong khi bay tới Brussels, mọi thứ khác đều trở thành thứ yếu trong đầu ông so với việc khai thông cảng chiến lược Ant werp.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #28 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2010, 11:32:29 pm »

Montgomery thì không. Nóng ruột và kiên quyết, ông chờ sẵn ở sân bay Brussels khi máy bay của Eisenhower hạ cánh. Với sự chính xác đặc trưng của mình, ông đã trau chuốt lại các lý lẽ chuẩn bị cho cuộc hội kiến. Ông đã trao đổi với tướng Miles C.Dempsey của đạo quân Anh số 2, và trung tướng Frederick Browning, tư lệnh quân đoàn đổ bộ đường không số 1 của Anh, đồng thời là tư lệnh phó đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng minh. Browning đợi bên ngoài cho đến khi cuộc gặp kết thúc. Dempsey, lo ngại trước sức kháng cự mỗi lúc một quyết liệt của kẻ thù phía trước mình và biết rõ từ các báo cáo tình báo cho biết các đơn vị mới của kẻ thù đang xuất hiện, đã yêu cầu Montgomery hủy bỏ kế hoạch tấn công đổ bộ đường không vào cây cầu tại Arnhem. Thay vào đó, ông này đề nghị tập trung vào chiếm đầu cầu vượt sông Rhine tại Wesel. Ngay cả khi phối hợp với lực lượng đổ bộ đường không, Dempsey e ngại, đạo quân Anh số 2 có thể vẫn không đủ mạnh để một mình tiến tới bắc Arnhem. Ông tin tưởng rằng tốt hơn nên tiến lên hội quân với đạo quân Mỹ số 1 về hướng đông bắc tới Wesel.

Dù thế nào đi nữa, bằng mọi giá lúc này cần mở một mũi tấn công vào Hà Lan. Bộ chiến tranh Anh đã cho Montgomery biết rằng V2- loại tên lửa đầu tiên của Đức - đã rơi xuống London hôm 8/9. Các bãi phóng được cho là nằm đâu đó ở phía tây Hà Lan. Montgomery đã thay đổi kế hoạch của mình, có thể trước hay sau khi nhận được tin này. Kế hoạch Comet, như trong dự kiến ban đầu, chỉ sử dụng một sư đoàn rưỡi - sư đoàn dù Anh số 1 và lữ đoàn dù Ba Lan số 1; lúc này ông tin rằng lực lượng này không đủ mạnh để thành công. Kết quả là ông bãi bỏ Comet. Tuy vậy, chỉ có một số ít sĩ quan cao cấp dưới quyền viên thống chế biết về nó và, biết quá rõ ảnh hưởng của tướng Bradley với Eisenhower, họ đã cẩn thận giữ gìn để không một tin phong thanh nào về kế hoạch này lọt tới tai các sĩ quan liên hợp Mỹ có mặt tại các sở chỉ huy Anh. Cũng như Eisenhower, trung tướng Browning và bộ tư lệnh đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng minh tại Anh vào lúc này vẫn chưa biết gì về kế hoạch đổ bộ đường không mới của Montgomery.

Vì đầu gối bị thương, Eisenhower không thể rời khỏi máy bay và cuộc họp diễn ra ngay trên máy bay. Montgomery, giống như ngày 23/8, quyết định ai được có mặt trong buổi hội kiến. Tổng tư lệnh đã mang theo người phó của mình, Thống chế tư lệnh không quân Sir Arthur Tedder, và một trợ lý tham mưu, trung tướng Sir Humphrey Gale, phụ trách tổ chức. Cụt lủn, Montgomery yêu cầu Eisenhower loại Gale khỏi cuộc họp, đồng thời khăng khăng đề nghị người phụ trách tổ chức và hậu cần của chính mình, trung tướng Miles Graham, được ở lại. Một tổng tư lệnh ít nhún nhường hơn rất có thể đã phản pháo lại thái độ của Montgomery. Eisenhower kiên nhẫn chấp nhận đề nghị của viên thống chế. Tướng Gale rời nơi họp.

Gần như ngay lập tức Montgomery chỉ trích chiến lược chính diện rộng của tổng tư lệnh. Liên tục trích dẫn các thông điệp liên lạc của Eisenhower đã tới trong tuần trước đó, ông cảnh cáo tổng tư lệnh về sự thiếu nhất quán của mình khi không định nghĩa rõ "ưu tiên" có nghĩa là gì. Ông phàn nàn rằng cụm quân 21 của ông đã không nhận được "ưu tiên" về hậu cần mà Eisenhower đã hứa; rằng cuộc tấn công của Patton vào Saar vẫn được chấp nhận cho tiếp tục thay vì sự trợ giúp cho lực lượng của Montgomery. Eisenhower bình thản trả lời rằng ông không bao giờ có ý cho Montgomery " ưu tiên tuyệt đối" và gạt sang bên tất cả những ngừơi khác. Chiến lược của Eisenhower, Montgomery lặp lại, là sai lầm và sẽ có "hậu quả nghiêm trọng". Chừng nào hai mũi đột kích "đơn độc và thiếu lực vẫn tiếp tục", với tiếp tế bị chia sẻ giữa ông và Patton, " không ai có thể thành công". Eisenhower cần quyết định lựa chọn giữa ông hoặc Patton. Ngôn từ của Montgomery gay gắt và thiếu kiềm chế đến mức Eisenhower bất thần cúi người về phía trước, đập tay vào đầu gối Montgomery và nói.

"Hãy chừng mực, Monty! Ông không được nói bằng giọng đó với tôi. Tôi là sếp của ông". Cơn bực tức của Montgomery hạ hỏa. "Tôi xin lỗi, Ike", ông khẽ nói. Lời xin lỗi không hay gặp nhưng có vẻ thành thật này vẫn chưa phải là câu kết. Kiên quyết, cho dù ít gay gắt hơn, Montgomery tiếp tục biện minh cho "mũi đột kích duy nhất" của mình. Eisenhower lắng nghe một cách chăm chú và thiện chí, nhưng quan điểm của ông vẫn không thay đổi. Cuộc tấn công trên chính diện rộng sẽ vẫn tiếp tục. Tổng tư lệnh giải thích rõ với Montgomery tại sao. Như Eisenhower sau này hồi tưởng lại (với tác giả), ông nói "Điều mà ngài đề nghị với tôi là như sau - nếu tôi cho ngài toàn bộ lượng tiếp tế cần thiết, ngài có thể tiến thẳng tới Berlin - tới tận Berlin? Monty, ngài thật là khùng. Ngài không thể làm được điều đó. Chết tiệt! Nếu ngài thử một mũi đột kích dài như thế, ngài sẽ phải ném hết sư đoàn này đến sư đoàn khác vào để bảo vệ hai bên sườn mình khỏi bị đột kích. Bây giờ hãy giả sử rằng ngài chiếm được một đầu cầu qua sông Rhine thật. Ngài sẽ không thể phụ thuộc lâu vào chỉ một cây cầu để tiếp tế cho mũi tấn công của mình. Monty, ngài không thể làm được điều đó."

Montgomery, theo lời Eisenhower, đã trả lời, "Tôi sẽ tiếp tế được ổn thỏa. Chỉ cần cho tôi những gì tôi cần và tôi sẽ tiến tới Berlin và chấm dứt chiến tranh."
Logged

IN PAUL WE TRUST
Paul the Octopus
Thành viên
*
Bài viết: 537


St. Paul


« Trả lời #29 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2010, 11:32:41 pm »

Eisenhower vẫn kiên quyết bác bỏ. Ông nhấn mạnh rằng Ant werp cần được giải tỏa trước khi cân nhắc tới bất cứ cuộc tấn công quan trọng nào vào Đức. Montgomery liền giở cây bài cuối cùng của mình ra. Những diễn biến gần đây nhất - cuộc tấn công bằng tên lửa vào London từ các bãi phóng ở Hà Lan - đòi hỏi cần tiến công lập tức vào Hà Lan. Thống chế biết chính xác cần bắt đầu tấn công từ đâu. Để đánh vào nước Đức, Montgomery đề nghị sử dụng hầu như toàn bộ đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng minh trong một cuộc tấn công chớp nhoáng quy mô lớn.

Kế hoạch của ông là một phiên bản mở rộng của chiến dịch Comet. Montgơmry giờ đây muốn sử dụng 3 sư đoàn rưỡi - các sư đoàn 82 và 101 của Mỹ, sư đoàn dù Anh số 1 và lữ đòan dù Ba Lan số 1. Lực lượng đổ bộ đường không sẽ chiếm một loạt điểm vượt sông tại Hà Lan phía trước lực lượng của ông, với mục tiêu chính là cây cầu qua sông Rhine Hạ tại Arnhem. Thấy trước quân Đức sẽ chờ đợi ông sử dụng con đường ngắn nhất và tiến về phía đông bắc tới sông Rhine và vùng Ruhr, Montgomery đã cố ý chọn một "cánh cửa sau" phía bắc hướng tới đế chế. Cuộc tấn công đổ bộ đường không bất ngờ sẽ tạo ra một hành lang cho xe tăng của đạo quân Anh số 2 thuộc quyền ông, lực lượng này sẽ nhanh chóng vượt qua các cây cầu đã được chiếm giữ tới Arnhem, vượt qua sông Rhine và xa hơn nữa. Một khi mục tiêu này đạt được, Montgomery có thể quay sang phía đông, đánh thọc sườn phòng tuyến Siegfried và tiến thẳng vào vùng Ruhr.

Eisenhower đã bị ấn tượng và thu hút bởi ý tưởng này. Đó là một kế hoạch táo bạo và đầy sáng tạo, đúng là mô hình tấn công quy mô lớn mà tổng tư lệnh đang tìm kiếm cho các sư đoàn dù đã ăn không ngồi rồi quá lâu của mình. Nhưng lúc này ông đang lâm vào thế trên đe dưới búa: nếu chấp nhận kế hoạch này, việc giải tỏa cảng Antwerp sẽ bị trì hoãn và sẽ phải lấy bớt phần tiếp tế dành cho Patton. Tuy thế, đề nghị của Montgomery có thể làm hồi sinh đà tấn công đang đuối dần và rất có thể sẽ giúp đẩy ra cuộc truy kích qua sông Rhine vào vùng Ruhr. Eisenhower, thực sự bị thu hút trước sự táo bạo của kế hoạch, không những phê chuẩn, mà còn yêu cầu tiến hành chiến dịch ngay khi có thể.

Thế nhưng tổng tư lệnh cũng nhấn mạnh rằng cuộc tấn công là "có giới hạn". Và ông cũng nói rõ với Montgomery rằng ông coi cuộc tấn công phối hợp mặt đất - đổ bộ đường không "chỉ là sự kéo dài mũi tiến công phía bắc tới sông Rhine và vùng Ruhr." Như Eisenhower hồi tưởng lại cuộc nói chuyện, ông đã nói với Montgomery, " Tôi sẽ cho ngài hay tôi sẽ làm gì, Monty. Tôi sẽ cho ngài tất cả những gì ngài yêu cầu để ngài vượt qua được sông Rhine vì tôi muốn có một đầu cầu... Nhưng trước hết hãy qua song Rhine đã, sau đó chúng ta sẽ thảo luận những chuyện khác." Montgomery tiếp tục tranh luận, nhưng Eisenhower không thay đổi. Thất vọng, viên thống chế đành phải chấp nhận cái mà ông gọi là "một biện pháp nửa vời", và tới đây cuộc hội kiến chấm dứt.

Sau khi Eisenhower rời khỏi, Montgomery phác họa kế hoạch của chiến dịch dự kiến trên một tấm bản đồ cho trung tướng Browning. Viên tướng hào hoa Browning, một trong những tướng lĩnh Anh đi tiên phong trong việc ủng hộ lực lượng đổ bộ đường không, nhận thấy lực lượng nhảy dù và lực lượng đổ bộ bằng tàu lượn sẽ được yêu cầu chiếm giữ một loạt điểm vượt sông - 5 trong số chúng là những cây cầu huyết mạch bao gồm cả cầu qua các sông rộng: Maas, Waal, và sông Rhine Hạ - trải dài chừng 64 dặm giữa biên giới Hà Lan và Arnhem. Thêm vào đó, họ có nhiệm vụ giữ cho thông suốt dải hành lang - tại phần lớn chiều dài chỉ là một con đường xa lộ duy nhất chạy lên phía bắc- qua đó lực lượng thiết giáp Anh sẽ tiến quân. Tất cả các cầu cần được chiếm nguyên vẹn nếu muốn cuộc đột kích của xe tăng thành công. Nguy hiểm là hiển nhiên, nhưng đây đúng là kiểu tấn công bất ngờ mà lực lượng đổ bộ đường không được huấn luyện để thực hiện. Tuy thế, Browning vẫn thấy áy náy. Chỉ vào cây cầu xa nhất về phía bắc qua sông Rhine Hạ tại Arnhem, ông hỏi, "Lực lượng thiết giáp sẽ mất bao lâu để tới chỗ chúng tôi?" Montgomery đáp ngắn gọn, "Hai ngày". Vẫn nhìn vào bản đồ, Browning nói, " Chúng tôi có thể giữ nó trong 4 ngày". Sau đó ông nói thêm, "Nhưng thưa thống chế, tôi nghĩ có lẽ chúng ta đã chọn một cây cầu quá xa."

Những điểm cơ bản (sau đó sẽ mang mật danh "Chiến dịch Market Garden" - Market là lực lượng đổ bộ đường không và Garden cho lực lượng thiết giáp) cần được gấp rút vạch ra, Montgomery hạ lệnh. Ông nhấn mạnh rằng cuộc tấn công cần bắt đầu trong vài ngày nữa. Nếu không, ông nói với Browning, sẽ là quá muộn. Montgomery hỏi: "Ngài có thể sẵn sàng sau bao lâu?" Browning, vào lúc đó, chỉ dám ước đoán. "Thời điểm sớm nhất cho chiến dịch có thể vào ngày 15 hay 16," ông trả lời thống chế.
Logged

IN PAUL WE TRUST
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM