Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 01:39:39 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương  (Đọc 64911 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #110 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:27:20 am »

Chiếc Enola Gay và chiếc Great Artiste

Trong những ngày cuối cùng của tháng 12 năm 1944, một phi cơ vận tải đưa đến Tinian một viên Đại tá mà mặc dầu có vẻ còn niên thiếu, nhưng được các giới chức quân sự tiếp đón như là một nhân vật tối quan trọng. Quả thật ông có những thư giới thiệu và giấy phép do đích thân tướng Marshall ký để “dành dho Đại tá Tibbets mọi sự dễ dàng trong khi thăm viếng các cơ sở hải cảng và phi trường trên đảo”. Đấy là một con người nhỏ con, vóc dáng trung bình, cặp mắt rất linh động làm rạng rỡ một khuôn mặt dễ thương. Mọi người đều cố hết sức để làm cho sứ mạng của ông được dễ dàng vì dường như đó là sứ mạng cải thiện các cơ sở hiện có. Riêng phần hiểu biết công cuộc canh tân ấy nhằm mục đích gì, thì bí mật. Đối với vấn đề này Đại tá Tibbes hoàn toàn câm lặng.


Vài tuần sau, một toán công binh đến Tinian và bắt tay vào việc. Đến tháng 3 năm 1945, các phi đạo được nối dài, hải cảng được cung cấp những phương tiện bốc dỡ mạnh mẽ và nhiều dãy nhà được dựng lên trong một doanh trại đặc biệt nằm bên ngoài doanh trại của không quân. Khi các công tác vừa hoàn tất thì một phi đội B-29-phi đội Composite Wing 509-đáp xuống đảo. Chính Đại tá Tibbets là người chỉ huy phi đội. Các toán chuyên viên dưới đất đã đến từ hôm trước liền chiếm lấy các phi cơ, trong khi các sĩ quan, dù muốn dù không cũng phải vào ở trong các dãy trại chung quanh thép gai bao bọc.


Hai trong số các siêu pháo đài bay của phi đội có một vẻ kỳ dị: tất cả vũ khí nặng đều biến mất cả, ngoại trừ những khẩu đại liên đằng đuôi. Các phi hành đoàn được nhiều nhân viên dân sự và vài sĩ quan có cấp bậc cao tháp tùng: 1 Hải quân Đại tá, một Hải quân trung tá và nhiều Thiếu tá Không quân. Số lượng lon đáng chú ý này đã tạo cho nhóm người mới đến một vẻ gì đặc biệt. Không thể nói rằng ở đó kỷ luật được buông thả, nhưng nó có dáng dấp khác hẳn. Nó gợi ra hình ảnh của kỷ luật trong một đội bóng bầu dục. Hai siêu pháo đài bay mang trên thân tàu những cái tên cũng đặc thù. Một chiếc tên là Enola Gay, tên mẫu thân của Đại tá Tibbets. Chiếc kia tên là Great Artiste, biệt danh của một trong các thành viên của phi hành đoàn, đại uý Kermit K.Beahan, rất nổi tiếng vì vẻ hào hoa và những thành quả tỏng lĩnh vực giao thiệp với phái yếu.


Các phi vụ huấn luyện-luôn luôn do Tibbets chỉ huy-bắt đầu ngay hôm sau. Các pháo đài bay cất cánh từ 3 chiếc một và mỗi lần như thế chúng quần trên không chừng 10 giờ trước khi trở về căn cứ. Không một ai biết được các đội hình này thi hành những cuộc thực tập bí mật gì. Bí mật bao quanh các phi vụ ấy, lực lượng canh gác tuần phòng xung quanh phi cơ và sự phân cách rõ rệt mà các phi hành đoàn đó phải chịu đựng, đã kích thức cực điểm óc tòm mò của các phi công khác thuộc không lực 20. Thái độ dè dặt và có đôi phần kiểu cách của vài người trong số mới đến, đã mau lẹ trêu tức các tay kỳ cựu tại Tinian khiến họ bị gọi một cách chế giễu là “những chàng trai của chiến thắng”, “những đứa con của vinh quang”, và bị tặng cho những lời nhạo báng ít nhiều có tính cách xúc phạm. Sự xác định thái độ ghét bỏ ấy đã lan tràn nhanh chóng từ trên xuống dưới. Nhóm của Tibbets luôn luôn bị bạc đãi nhất trong phòng ăn sĩ quan và khi lĩnh các vật phẩm hàng tuần. Vì hơi nóng ngày càng ngột ngạt, đời sống trong các doanh trại trở nên cực kỳ khổ nhọc và vẻ giận dữ đã bộc lộ ra ngoài. Ngoài Tibbets, Hải quân Đại tá Parson và Thiếu tá Ferebee, không một ai hiểu được đây là vụ gì và tại sao hầm chứa bom của hai pháo đài bay lại bị sửa đổi và hầu hết vũ khí tự vệ đều bị tháo gỡ hết. Chỉ có những cuộc thực tập lẩn tránh bằng kỹ thuật bán-đâm bổ xuống ở tốc độ cao sau khi ném bom, và các dây nịt đặc biệt móc vào ghế ngồi, là cho phép phi hành đoàn nghĩ rằng một ngày nào đó họ sẽ sử dụng một vật nổ có sức mạnh lớn lao.


Do đó họ rất vui sướng được biết một hải vận hạm vừa đổ bộ lên Tinian những quả bom khổng lồ mang tên hiệu rất rợi ý “quả bí đao Pumpkins”. Họ nghĩ rằng đây là lúc chấm dứt cực hình chờ đợi! Sự chán nản thật là dữ dội khi những người phải đi ném loại bom Pumpkins một cách thận trọng trên những vùng không có dân chúng tại Nhật, khám phá ra rằng những quả bom to lớn ấy chỉ có đặc thù ở khối lượng còn hiệu quả thì dường như cũng giống với loại bom khác. Sự buồn bực bộc lộ đến mức Tibbets, Parson và Ferebee phải hé một góc màn bí mật và hứa với các bạn là những quả bom Pumpkins sẽ được thay thế ngay bằng các chiến cụ có một sức mạnh chưa từng thấy.


Quả thật họ không phải chờ đợi lâu vì đúng vào lúc ấy, nhóm bác học Los Almos đang tập họp trong một đường hầm ngay giữa sa mạc trong khi chờ đợi cho nổ lần đầu tiên một quả bom plutonium. Tại đấy cũng vậy, chính các nhà bác học cũng đã gặp phải những nỗi thất vọng kịch liệt hơn cả các phi hành đoàn của Tibbets nữa. Cuộc thí nghiệm bị hoãn lại nhiều lần vì các lý do kỹ thuật hoặc thời tiết.


Do đó chỉ có một số ít hiện diện trong đường hầm quan sát tại sa mạc Alamogordo ngày 15 tháng 7 năm 1945 lúc 5 giờ sáng khi Groves và Oppenheimer ra lệnh khai hoả chiến cụ to lớn đã từng được đưa lên một đài cao 100 thước từ hai ngày qua. Mặc dầu có mang kính, nhưng cũng hoàn toàn bị loá mắt bởi một tia chớp có sức chiếu sáng phi thường, các nhà bác học đều theo linh tính cúi mình xuống và bám chặt vào tường của căn hầm núp. Họ chờ đợi một làn song chấn động cực kỳ dữ dội và hoàn toàn ngạc nhiên khi chỉ nhận thấy một loạt gió tạt ôn hoà 50 giây sau khi bom nổ. Lúc ấy tất cả những người có mặt tại đấy để lộ thái độ cực kỳ khích động. Oppenheimer bị một cái vỗ vai đến suýt té ngửa. Có những cái bắt tay và những nụ hôm cảm động. Người ta nghe đại tá Parrell, phụ tá của Groves, thét lên oang oang: “Thưa quí ngài, chiến tranh đã chấm dứt!”.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #111 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:28:32 am »

Trong khi máy móc mật mã đập lách cách để báo tin thành công, Tổng Thống Truman đã lên đường đi Postdam, Groves liền ra lệnh cho khắp nơi thi hành các biện pháp được ông dự liệu trước từ nhiều tuần lễ. Phần lớn Uranium 235 của quả bom Little Boy được đưa đến San Francisco. Ngay sáng ngày 16, chết liệu ấy được chuyển lên chiếc tuần dương hạm Indianapolis, chiến hạm nhổ neo ngay với tốc độ 32 gút lên đường đi Tinian. Hai trong số các nhà bác học thuộc nhóm Los Alamos, các giáo sư Furman và Nolan cũng lên tàu, cải trang làm hai thuỷ thủ. Vì người ta cho họ huy hiệu xạ thủ đại bác, họ được bổ nhiệm đến một tháp pháo và phải hết sức vất vả để trả lời các sĩ quan lục vấn. Ngoài sự kiện này, cuộc hành trình không gặp chuyện gì lạ. Quả bom Little Boy được đưa lên hải cảng Tinian ngày 26 tháng 7. Cùng ngày hôm đó số lượng U-235 bổ túc cũng được hai phi cơ vận tải C-54 đưa đến. Viên chỉ huy trưởng không vận đã thốt ra những tiếng kêu công phẫn khi thấy phải động viên hai phi cơ khổng lồ để rồi mỗi chiếc chỉ mang hai cái hộp nhỏ, toàn thể chỉ nặng có 50 kilô, nhưng vì mệnh lệnh lại do chính tướng Arnold ký cho nên ông ta phải nhượng bộ.


Tướng Spaatz vừa nhận quyền chỉ huy không lực chiến lược tại Thái Bình Dương cũng đích thân đến Tinian hai ngày trước quả bom Little Boy mang theo mệnh lệnh của Stimson, chỉ thị không đoàn Composite Group 509 “ném quả bom đặc biệt thứ nhất từ ngày 3 tháng 8 ngay cơ hội đầu tiên khi có thời tiết thuận lợi xuống một trong các mục tiêu: Hiroshima, Kokura, Niigaha hoặc Nagasaki”.


Thời hạn 8 ngày cách biệt ấy là để tạo cơ may cho quả bom Fat Man đang được nhồi nhét với tất cả những gì còn lại của plutonium có sẵn sau cuộc thí nghiệm ngày 15 tháng 7. Groves muốn rằng quả Fat Man được sử dụng trước bởi vì chỉ có nó mới được công nhận nhờ cuộc thí nghiệm, nhưng trong trường hợp có sự chậm trễ, quả Little Boy cũng có thể được ném trước.


Kể từ ngày 3 tháng 8, chiếc siêu pháo đài bay Enola Gay do đại tá Tibbets lái, sẵn sàng cất cánh với quả bom Little Boy trong hầm bom. Hai siêu pháo đài bay khác sẽ phải hộ tống, để che chở khi gặp biến cố và để quan sát hiệu quả của trái bom. Tính cách khả hữu của một phản ứng địch rất thấp bởi vì không có một mục tiêu nào ghi trong mệnh lệnh lại bị oanh tạc từ nhiều tháng qua.


Tối ngày 5 tháng 8, quả Fat Man vẫn chưa được đưa đến, và vì các tiên đoán thời tiết thì lại rất tốt, Tibbets tổ chức một cuộc “Briefing” chót cho phi hành đoàn. Sau cùng ông nói rõ sức mạnh kỳ lạ của quả bom này, một sức mạnh tương đương với 20.000 tấn chất nổ TNT, nhưng ông nói thêm rằng theo sự ước tính của các chuyên gia, các kỹ thuật vận dụng mà họ đã được huấn luyện thật sự có thể giúp đưa chiếc Enola Gay bay xa chừng 10 cây số lúc làn sóng chấn động lan đến chỗ phi cơ. Kiến trúc của chiếc máy bay lúc ấy chỉ phải chịu đựng các nỗ lực không quá một nửa trọng lượng giới hạn đã được tính trước (2g thay vì 4g). Sau khi nhắc lại một lần nữa các biện pháp phòng ngừa phải theo: mang kính đặc biệt, và các dây nịt an toàn thật chắc chắn, quay đầu về phía trong phi cơ, chỉ nhìn ra ngoài sau khi bom nổ và ghi chú cẩn thận những điều quan sát được, ông yêu cầu tất cả mọi người hết sức bình tĩnh và tin tưởng bằng cách chấp nhận phần còn bí ẩn của cuộc thí nghiệm này vốn là một cuộc thí nghiệm chưa hề xảy ra lần nào trong lịch sử nhân loại.


Giọng nói nghiêm trang của Tibbets khi đọc bài diễn văn ngắn của ông tương phản hẳn với thái độ cười cợt thường lệ đến nỗi sự huyên náo thân hữu vẫn thường nối tiếp các cuộc hội họp loại này đã không xảy ra. Làm như đột nhiên họ ý thức được tầm nghiêm trọng của sứ mạng sắp phải chu toàn, các hoa tiêu rời nhau trong im lặng để trở về những chiếc giường khắc khổ như của các tu sĩ và cầu nguyện trong khi chờ đợi bình minh hôm sau.


Lúc 0 giờ ngày 7 tháng 8, chiếc pháo đài bay có nhiệm vụ quan sát thời tiết trên mỗi mục tiêu, cất cánh rời Tinian. Đúng 3 giờ 45, chiếc Enola Gay có mặt tại đầu phi trường. Chiếc Great Artiste và pháo đài bay thứ ba theo sau. Tibbets đạp mạnh thắng, cho động cơ quay hết tốc lực, và những viên nham thạch nhỏ trên phi đạo Tinian bị gió thổi bắn tung như những viên đạn. Sau khi thử lại hai hoặc ba lần, Tibbets nới lỏng thắng và chiếc oanh tạc cơ to lớn tiến tới nặng nề trên các giàn bánh xe bẹp dí rồi dần dần gia tăng tốc độ. Đối với phần đông những người đã rành việc có dự kiến cuộc cất cánh lịch sử này, giờ phút đó thật là đầy âu lo. Nếu chiếc Enola Gay chở quá nặng vì xăng bị vỡ tan tại đầu kia của phi đạo với quả bom nguy hiểm Little Boy, thì không một ai có thể biết đúng tai biến nào sẽ xảy ra. Các nhà bác học đưa ra giả thuyết rằng, sự khởi động phản ứng dây chuyền là chuyện không thể xảy ra được, nguy cơ duy nhất phải gánh chịu là một vụ nổ có sức mạnh kém kéo theo những tia Uranium bị bắn tung. Chung qui cũng chỉ là một vụ lộn xộn nhỏ… chẳng có gì nguy cấp. Nhưng họ không có vẻ tin tưởng những gì khác hơn.


Vì thế, khi chiếc Enola Gay với những ngọn đèn báo hiệu vị trí khuất dần tầm mắt, nhảy chồm lên hai lần nhẹ nhàng trước khi bốc lên không, một hơi thở dài khoan khoái thoát ra từ mọi lồng ngực. Các nhà bác học và các nhân vật quân sự trở lại phòng ăn và bàn luận huyên náo những cơ may thành công của cuộc thí nghiệm phi thường. Khó khăn đầu tiên đã được vượt qua.


Thì giờ trôi qua, Nolan, Furman và 20 chuyên viên khác, những người đã o bế con ngựa tơ trước cuộc đua, giờ đây đang chờ đợi, với tâm trạng nóng nảy còn sôi động hơn cả những quân nhân, các tin tức liên quan đến phi vụ Enola Gay và hai pháo đài bay khác.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #112 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:29:39 am »

Trên chiếc phi cơ định mệnh, trong thời gian đó mọi việc xảy ra y như trong một cuộc thực tập. Lúc bờ biển Nhật Bản hiện ra trước mắt, chiếc B-29 quan sát cơ báo hiệu: “Trời tốt trên Hiroshima, độ trông rõ tuyệt hảo”. Hướng bay được điều chỉnh để tiến thẳng mục tiêu.

Từ cao độ 10.000 thước1 (Cao độ đặc biệt này do Tibbets lựa chọn vì các lý do an toàn. Cao độ ấy đòi hỏi phải tháo bỏ tất cả các vũ khí). Nhật Bản hiện ra dưới mắt các hoa tiêu của phi hành đoàn như một trang sách địa dư mở rộng trên màu xanh của Thái Bình Dương. Mặc dầu họ rất quen thuộc, quang cảnh này mỗi lần lại đưa họ vào một thứ cảm giác ngây ngất thuộc về địa lý; thế giới xinh đẹp, quả đất tròn, cuộc đời thật tươi thắm. Nhưng điểm mà họ chưa bao giờ được thấy vì khu vực ấy bị cấm, chính là thành phố Hiroshima với kích thước thật sự, khác với hình ảnh lờ mờ khi nhìn ở ngoại biên. Tibbets để ra một lát nhìn cái bàn cờ ô vuông gồm nhà cửa kiểu Nhật với mái nhà màu xám, chung quanh có khu vườn tí hon bao bọc, như ông bám sát ngay vào các chỉ dẫn của Beahan, chiếc oanh tạc cơ đang cố giữ tiêu điểm trong thị trường dợn sóng của chiếc máy nhắm. Những người khác có một vài phút để chiêm ngưỡng sự bài trí bình dị của thành phố mênh mông này.


Nhưng tiếng kèn báo động kêu vang ngay dưới các chiếc nón phi hành. Các động cơ mở cửa hầm bom bắt đầu chạy và dưới chiếc bụng mở rộng của chiếc Enola Gay những mái nhà của Hiroshima xuất hiện dưới ánh chớp mặt trời, gợi lên hình ảnh ngay hàng thẳng lối của mộ chí trong một nghĩa trang.


“Coi chừng! Bốn, ba, hai, một, zéro!”, Little Boy được giải phóng khỏi gốc, nhào lăn xuống trong một tiếng động lớn của các cây sắt nhỏ, trong khi chiếc phi cơ trống rỗng bị chòm lên trước khi đổi hướng và chúi xuống mặt đất. Tất cả nhân viên phi hành đoàn của chiếc Enola Gay thở hổn hển một lát dưới áp lực dữ dội của các dây nịt, rồi như những người máy, một tia loé sáng không thể tưởng tượng làm loá mắt họ bất chấp mặt kính đen của cặp kính hình vòng cung bao kín mắt của những người thợ hàn. Tia chớp thoáng qua rất mau và khi áp lực của thắt lưng giảm bớt, họ kéo bức màn che chở nơi các cửa kính phi cơ, quang cảnh hùng vĩ nhất mà một con người có thể nhìn ngắm được đang diễn ra dưới mắt họ với sự chậm chạp huy hoàng. Trước hết, một quả cầu lửa sáng chói hơn cả mặt trận bốc lên cao đến độ chóng mặt trước khi loang ra thành một lò lửa đỏ rực. Rồi một cột khói trắng bốc lên trời như cái đuôi của một hoả tiễn nở ra bên trên lò lửa đỏ hồng để rồi ẩn dưới một vành hoa mênh mông.
Còn mạnh hơn cả quang cảnh ảo mộng ấy, chiếc Enola Gay bị chấn động vì hai cái tát tàn bạo. Chiếc phi cơ bị rơi một lúc như hòn đá, rồi gượng lại được trong khi tất cả sườn tàu đều rung chuyển. Với một thái độ bình tĩnh tuyệt đối, Tibbets đưa phi cơ trở lại đường bay và la lớn trong máy vi ấm:

“Này các bạn! Chúng ta vừa ném quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử!”.

Đến 15 giờ, nhẹ nhàng như một phi cơ kiểu Piper Cub, chiếc Enola Gay đáp xuống phi đạo Tinian. Một cuộc biểu dương đặc biệt của rất nhiều sao và lá sồi đang chờ nó trên phi trường. Tướng Spaatz tiến tới trước đại tá Tibbets lúc đó đang bình tĩnh bước xuống phi cơ sau lưng kéo lê các dây nịt được tháo lỏng. Ông ta gắn lên bộ áo phi hành chiếc huy chương “Distinguished Service Cross”, trong khi một ban nhạc hoan nghênh đứng thành hàng dài, chào các nhân viên phi hành đoàn đang bước xuống từng người một, mang theo bản đồ và tài liệu. Tất cả rượu Whisky dự trữ của vị tư lệnh không lực chiến lược tại Thái Bình Dương đều được hy sinh trong những giờ tiếp theo đó cho cổ họng cháy khát của những con người đã tạo nên chiến thắng khó tin này.


Tại Hiroshima, quả bom của Tibbets đã gây ra những sự tàn phá vượt khỏi sức tưởng tượng. Sau tiếng nổ kinh khủng làm cháy tiên trong nháy mắt 70.000 nhân mạng đang làm công việc thường nhật, một đoàn ma quỉ rùng rợn sắp hàng dọc đi lang thang vô định trong đám mây tro bụi bao phủ thành phố. Tất cả đều ngây ngô lạc thần nghĩ rằng một quả bom đã rơi đúng lên trên nhà mình. Họ chạy trốn khỏi nơi mà họ tưởng là tai biến đã xảy đến và hy vọng thấy được tiếp cứu ở địa điểm xa hơn. Nhưng khi dần dần tiến tới, họ chạm phải một hàng rào lửa hoặc những người chạy trốn khác theo chiều ngược lại. Những người còn giữ lại được cái nhìn bình thường đều phải kinh hãi lùi lại khi thấy những con quỉ mặt cháy bỏng mà “da tay đong đưa như những chiếc găng lộn ngược”.


Những đoàn tiếp cứu đầu tiên đến được ngoại ô thành phố khi các sĩ quan của căn cứ hải quân Kuro kế cận ý thức được tầm rộng lớn của thảm hoạ. Tin tức liền được chuyển về Đông Kinh nhưng tại đây nó đụng phải một thái độ nghi hoặc. Mãi đến 10 giờ đêm, một phóng viên của hãng thông tấn Domei mà ngôi biệt thự tại vùng ngoại ô không bị thiêu huỷ và là người có có can đảm đạp xe đạp đi xuyên qua thành phố, rốt cuộc mới có thể gửi một báo cáo cô đọng cho đài phát thanh. Suốt đêm, nhiều đoàn người từ các thành phố lân cận ùa đến các khu ngoại ô và nhiệm vụ cứu trợ siêu phàm bắt đầu.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #113 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:30:44 am »

Khi nhận các báo cáo đầu tiên, các giới chức quân sự hoàn toàn bế tắc không đoán ra được bản chất sát đúng của thứ vũ khí đã rơi xuống Hiroshima. Các ý kiến nêu ra đều khác biệt nhau. Các tướng lĩnh nghĩ rằng đây, hoặc là loại bom hoả tiễn được ném thành chùm vĩ đại, hoặc là một loại mìn khổng lồ được các pháo đài bay còn lớn hơn loại B-29 thả dù xuống. Chỉ có hải quân là nghĩ rằng rất có thể đây là quả bom nguyên tử. Họ được khẩn cầu đừng làm lan truyền dư luận này, và nhiều mệnh lệnh đã được ban hành cho cơ quan kiểm duyệt để giảm thiệu hậu quả của thảm hoạ. Thủ tướng chính phủ Suzuki vốn đã bí mật thương thuyết hoà bình qua trung gian của Nga Sô, liền điện cho viên đại sứ Nhật Sato hoả tốc yêu cầu Molotov chấp thuận gửi giúp những đề nghị mới cho Hoa Kỳ. Những kỳ vọng của Nhật Bản lần này được giới hạn xin được thong thả rút các đạo quân trú phòng ở hải ngoại trở về, xin được tự giải giới mà không có sự chiếm đóng lãnh thổ Nhật Bản và xin tôn trọng quyền uy của Thiên hoàng. Molotov kéo dài các cuộc thương thuyết trong suốt ngày 8 tháng 8 mà không hé hai một lời nào với Hoa Kỳ. Staline đang chuẩn bị một lát dao găm đâm sau lưng: tuyên chiến với Nhật Bản. Ông ta hoàn toàn có lợi khi kéo dài sự xung đột.


Trong thời gian đó một chiếc C-54 được trang bị đặc biệt, do hai phi cơ B-29 hộ tống, rốt cuộc đã chở đến Tinian những thành phần cấu tạo chót của quả bom Fat Man chứa đầy putonium cần thiết. Những cơ phận khác nhau của quả bom thứ hai được ráp vội vàng vì khí tượng còn rất tốt. Mục tiêu chọn lựa là hải cảng rộng lớn Kokura; nếu thời tiết tại đó  hỏng, chiếc Great Artiste sẽ cố ném quả Fat Man xuống Nagasaki.


Mối nguy hiểm do sự chuyển vận bằng phi cơ đã được Groves chấp nhận, không những chỉ vì để tranh thủ thời gian, nhưng còn vì ông thấy ít nguy hiểm hơn là sự chuyển vạn bằng đường biển để chở quả bom Little Boy. Thật vậy, tuần dương hạm Indianapolis, sau khi khởi hành khỏi Tinian, đã gặp phải số phận bi thảm. Trong lúc chạy về Phi Luật Tân một mình không hộ tống, nó bị trúng thuỷ lôi ngay trong đêm tối, ngày 29 tháng 7, của một tàu ngầm Nhật Bản. Một sự trùng nhập các hoàn cảnh đã làm cho thảm hoạ thêm trầm trọng. Những tín hiệu S.O.S của chiếc Indianapolis không được ai nghe, và sự bí mật bao quanh chuyến hải hành của nó được giữ cẩn thận đến nỗi không một ai lo lắng gì về sự mất tích của nó. 800 thuỷ thủ sống sót sau khi tàu bị chìm đã phải bám vào các bè hay cano cấp cứu trong suốt ba ngày liền. Gần 500 người trong số đó đã bị chết chìm khi những người tiếp cứu đến được nơi xảy ra thảm hoạ. Biết bao nhiêu là lầm lỗi và sơ xuất đã làm cho Tướng Groves phải rùng mình vì một sự ghê rợn phản hồi…


Tối ngày 7 tháng 8, một trục trặc về vận hành đã được khám phá nơi một trong các động cơ của chiếc Great Artiste liền có quyết định đưa quả bom Fat Man vào hầm chứa của chiếc pháo đài bay Box Car vẫn được dùng làm trừ bị cho đến lúc đó. Tất cả phi hành đoàn của thiếu tá Sweeney chuyển qua chiếc Box Cả lúc này tạm thời được đổi lại tên là Great Artiste. Trong đêm 8 tháng 8, trong lúc tưởng đâu mọi chuyện êm đẹp cả, thì các cơ khí viên báo hiệu chiếc bơm xăng bị hư hỏng. Thiếu tá Ashowrth và phi công Sweeney đến gặp Đô đốc Purnell là người có trách nhiệm về an ninh. Sự hư hỏng chiếc bơm xăng làm giảm bớt 1/4 số xăng dự trữ. Sau những cuộc bàn cãi thật lâu và sau những ước tính chặt chẽ, Purnell tính rằng phải chấp nhận mạo hiểm bởi vì giai đoạn thời tiết tốt đẹp sắp chấm dứt. Hơn nữa Stimson đã nhấn mạnh qua một công điện rằng cần phải ném hai quả bom liên tiếp nhau để gia tăng xúc động tâm lý và để làm cho đối phương tin rằng có cả một kho dự trữ bom vô hạn.


Phi hành đoàn của ba pháo đài bay được tập họp để nghe “Briefing” một lần chót vào lúc 3 giờ sáng. Vì lý do có một số lớn phi cơ Nhật trên đảo Kiou-Siou, cho nên một điểm hẹn được ấn định cho các khu trục cơ che chở tại Yakoshima. Nhiều khu trục hạm và tuần dương hạm cũng phải tuần tiễu theo đoạn đường bay qua của đoàn phi cơ.


Lúc 3 giờ 45 ngày 9 tháng 8, chiếc phi cơ quan sát thời tiết báo hiệu độ trông rõ tại Kokura “chấp nhận được”, chiếc Great Artiste mới, chở nặng, được thiếu tá đưa lên không vừa đúng, theo sau là hai chiếc B-29 quan sát cơ, và lên đường tiến về phía Yakoshima.


Ngay khi khởi hành, đoàn phi cơ đã bay vào mây, kỹ thuật phi hành trở nên khó khăn và các phi cơ thường bay khuất tầm mắt của nhau. Nhiều tia chớp đáng lo ngại vạch lên bầu trời ở phía xa. Tuy vậy, đến rạng sáng, thời tiết khá hơn và các tin tức nhận được lúc 8 giờ báo hiệu rằng độ trông rõ tại Kokura là “thoả đáng”. Nhưng khi bay đến bên trên Yakoshima, Sweenney thấy đằng sau mình chỉ có một pháo đài bay, chiếc thứ ba không thấy đâu cả. Sau 25 phút chờ đợi đầy lo âu, thiếu tá Sweeney quyết định tiếp tục hành trình. Đồng hồ trên phi cơ chỉ 9 giờ và phải còn bay qua 400 cây số nữa. Từ đây chiếc Great Artiste đã bị trễ mất 400 giờ so với thời biểu ấn định trong chương trình.


Than ôi, những thất vọng ấy mới chỉ là bắt đầu. Khi đến Kokura, một cơn mưa phùn nhẹ làm nhãn quan tối sầm lại, Đại uý Beahan, chuyên viên thả bom không thể phân biệt rõ các điểm chuẩn. Chiếc Great Artiste bay qua bay lại trên thành phố, nắp hầm bom mở rộng, bom sẵn sàng và đã ba lần, Beahan không thể ra lệnh ném bom. Đến lần bay thứ ba ngang qua thành phố, hải quân trung tá Ashworth, chuyên viên gắn ngòi bom báo hiệu thấy khu trục cơ Nhật, rồi những cụm khói đen của đạn cao xạ phòng không D.C.A xuất hiện… Yếu tố bất ngờ đã mất, phải bỏ đi! Sweeney đổi hướng phi cơ và nhắm về phía Nagasaki. Nhưng mức dầu xăng hạ dần và độ trông rõ chỉ khá hơn trên Kokuru một chút. Sweeney, Ashworth và Beahan chỉ có vài phút để quyết định. Mặc dầu các mệnh lệnh giao cho họ không có tiên liệu kỹ thuật nhắm bằng rada, nhưng họ đồng ý với nhau rằng đấy là đường lối độc nhất còn lại phải áp dụng. Sau khi lấy một điểm chuẩn trên một đại lộ của thành phố, Sweeney nhìn vào các chỉ dẫn của rada để bay dọc theo thung lũng Urakani trên đó có điểm chuẩn được tiên liệu. Nhà cửa xây từng bậc trên các sườn đồi bắt đầu xuất hiện trong các khoảng không trống mấy. Hình ảnh lờ mờ của hải cảng vạch lên trên mặt kính rada và quả bom đã được ném đi… Có lẽ hơi quá sớm, nhưng còn hơn là không ném được khi phi cơ bay hết chiều ngang thành phố. Cuùn với tia chớp dữ dội giống như tại Hiroshima, cùng cây nấm như thế bốc lên cao và, trong khi chiếc Great Artiste vừa đổi hướng vừa đâm chúi xuống hết tốc độ, nó bị chấn động năm lần như bị một quả đấm khổng lồ giáng xuống. Làn sóng chấn động lần này bị dội lại và phóng đại thêm bởi các ngọn đồi.


Khi yên tĩnh đã trở lại, phi hành đoàn quá kiệt sức đến nỗi không thể quan sát diễn tiến của quang cảnh. Thành phố và hải cảng Nagasaki hoàn toàn bị bao phủ bởi một thảm khói điểm những ánh lửa của các đám cháy. Chiếc pháo đài bay thứ hai bay vòng chung quanh cây nấm khổng lồ mà một khi bị phân tán liền mở lối cho một cột khói mới bốc thẳng lên trời và phản chiếu ánh sáng muôn màu. Sweeney không có thì giờ trì hoãn để ngắm nhìn quang cảnh ảo mộng ấy. Đồng hồ xăng chỉ rõ mức hạ thấp báo động. Không còn có thể có vấn đề trở về Tinian được nữa. Chính Okinawa là nơi phải cố gắng đáp chiếc Great Artiste xuống.


Lúc ấy là 12 giờ 15, máy vô tuyến trên phi cơ gửi về Tinian điện văn qui ước: “Fat Man đã chu toàn nhiệm vụ". Một giờ sau, hòn đảo Okinawa dài ngoằn với những bờ biển uốn cong gồ ghề xuất hiện trong bầu trời xám ngắt. Nhân viên vô tuyến gọi đài kiểm soát phi trường Yontan. Không nhận được hồi âm, anh lập lại lời kêu hai phút một lần, nhưng than ôi, vẫn không có kết quả gì. Độ trông rõ vừa đủ để trông thấy những ngọn núi cao và pháo đài Shuri vốn là chiến trường trong cuộc chiến tranh trên Thái Bình Dương. Sweeney bắt đầu hạ xuống và thấy phi đạo ngay. Dường như nó quá bừa bộn với một số phi cơ ấy mà không có phép của đài kiểm soát là cả một sự nguy hiểm lớn lao, vì thế ông vẫn phải bay vòng trên Yontan và lập lại dấu hiệu báo nguy: “May Day! May Day!”. Trước 14 giờ một chút, đồng hồ xăng chỉ số không, Sweeney ra lệnh bắn hoả tiến báo nguy và tiến vào vị trí đáp. Sau cùng một ánh đèn bật lên trên đài kiểm soát và phi đạo có vẻ được dẹp trống. Chiếc Great Artiste đáp xuống ngay. Phi cơ chạm mặt đất dữ dội. Sweeney phải đảo ngược chong chóng để thắng phi cơ và nó dừng lại đúng lúc ngay đầu phi đạo. Trong sự im lặng trở về, người ta nghe có ai thì thầm: “Tạ ơn chúa!”. Thần kinh căng thẳng đến mức độ không ai nhúc nhích gì được.


Một lát sau, cửa phi cơ mở và một đại uý nhô đầu vào khung phi cơ la lớn: “Trong đó bình yên không? Không có bị hãy tay chân gì chứ?”. Rồi khi mọi sự đều tốt đẹp, ông ta nói một tràng: “Các anh có nghe đài phát thanh không? Người Nga đã tuyên chiến với Nhật và một phi cơ Mỹ đã ném một quả bom nguyên tử xuống Nagasaki!”.


Viên phi công của chiếc Great Artiste vốn là dân Ái Nhĩ Lan chính cống, làm như là giật mình trên ghế và trả lời viên đại uý: “Xuống Nagasaki! Ông khong đùa đấy chứ!”.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #114 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:32:14 am »

Tro tàn thảm bại

Tại Đông Kinh quả bom rơi xuống Nagasaki đã biến tâm trạng bối rối của các nhà lãnh đạo Nhật thành ra tình trạng hỗn loạn hoàn toàn. Các nhân viên chính phủ họp thường trực tại phủ Thủ Tướng đã cho phổ biến các thông cáo đưa ra những lời kêu gọi thường mâu thuẫn nhau. Các nhật báo đầu tiên trong ngày 10 tháng 8 chạy những hàng tít lớn về bố cáo của Tổng trưởng Nội vụ: “Dân tộc Nhật Bản đã chuẩn bị cho tình trạng tệ hại nhất. Chúng ta phải thừa nhận rằng sự tệ hại đã đến. Chính phủ sẽ làm những gì có thể làm để cứu vãn Vương quốc và danh dự của dân tộc. Chính phủ chờ đợi nơi nhân dân vượt qua mọi khó khăn để giúp chính phủ tiếp tục nhiệm vụ”. Nhưng trong ấn bản tiếp theo của các nhật báo thì chính một lời kêu gọi của tướng Anami, Tổng trưởng Chiến tranh, thế chỗ bố cáo trên: “Sự chọn lựa duy nhất của chúng ta là lãnh đạo cuộc chiến tranh thần thánh để bảo vệ tổ quốc, ngay cả khi chúng ta phải ăn cả rễ cây và cả khi chúng ta chỉ còn đồng ruộng để nằm. Nếu chúng ta tiếp tục chiến đấu với sự can đảm, chúng ta sẽ tìm thấy lại cái Sống trong cái Chết”.


Đến tối, Suzuki họp các nhân viên chính phủ và các tham mưu trưởng Lục quân và Hải quân để thông báo cho họ kết quả thất bại của các cuộc thương thuyết. Ông loan báo với họ rằng, Thiên hoàng có ý định chuyển đến các Quốc Trưởng đồng minh sự chấp thuận trên nguyên tắc các điều kiện của họ ngay khi nào Ngài nhận được sự xác nhận chính thức là họ từ chối những đề nghị sau chót của Nhật. Phiên họp hết sức sóng gió. Tướng Anami phẫn nộ quyết liệt chống đối. “Lục quân, ông nói, sẽ không bao giờ chấp nhận một sự nhục nhã như vậy!”. Bộ trưởng Hải quân thì ít cuồng nhiệt hơn, nhưng ông cũng phát biểu ý kiến tương tự. Các cấp chỉ huy quân sự thì giữ im lặng. Điểm duy nhất mà tất cả mọi người đều đồng ý là sẽ không đưa ra một sáng kiến hành động nào trước khi nhận được sự xác định từ chối chính thức của đồng minh.


Tình trạng hỗn tạp ngự trị tại Potsdam và tình trạng tắc nghẽn của các đường liên lạc vô tuyến đã làm cho tài liệu này đến trễ mất ba ngày tang tóc. Dân chúng Nhật Bản vốn đã bị yếu kém vì thiếu thực phẩm và bị mất tinh thần vì các cuộc oanh tạc, nên chỉ theo dõi biến cố với sự nhận nhục thụ động. Tổ chức cực đoan Kempi Tai, mà Tojo vẫn còn điều khiển hoạt động, tuyên cáo tử chiến, nhưng quần chúng còn có những lo âu khác hơn là nghe các nhà hùng biện. Những thanh niên được đưa vào các đơn vị Kamikaze bắt đầu đào ngũ. Nhiều người trong số đó đã bị bắt buộc gia nhập và sự tình nguyện của họ chỉ là thuần tuý hình thức. Nhiều cuộc ẩu đả đã xảy ra giữa những tay tổ cứng đầu và những kẻ mềm yếu. Đây là lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh bắt đầu, những quân nhân công khai thúc nhận sự mệt mỏi của họ. Sự nhất trí quốc gia đang tan rã dần.


Sáng ngày 13 tháng 8, sự từ chối tàn bạo các đề nghị của Nhật được đưa đến Đông Kinh. Thủ tướng Suzuki và Ngoại trưởng Togo hấp tấp đến Hoàng cung, Thiên hoàng tiếp họ ngay và với vẻ lạnh lùng bề ngoài, lắng nghe lời loan báo tin tức tai biến ấy. Ông tin cho Suzuki rõ ý định triệu tập một hội đồng đặc biệt vào ngày mai.


Ngày 14 tháng 8 lúc 8 giờ, những binh sĩ phòng vệ Hoàng cung dùng xe gắn máy chạy ồ ạt qua các đường phố để mang đến các nhân viên chính phủ, và các tướng lĩnh thuộc Tổng hành dinh Thiên hoàng thư mời họp long trọng. Vì lý do giờ họp-10 giờ-quá gấp nên họ được miễn mặc trào phục. Đấy là lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản đã xảy ra những sự xáo trộn như thế đối với hiến pháp cũng như đối với nghi thức.


Khi đến Hoàng cung, các nhân vật cao cấp được đưa vào một phòng khách dưới hầm sâu qua một hàng rào quân danh dự và binh sĩ vũ trang. Thiên hoàng tiến vào phòng hội và phác một cử chỉ nghi lễ ngắn gọn thường lệ. Thủ tướng Suzuki đọc ngay một phúc trình trong đó ông trình bày các biến cố của những ngày vừa qua và các lý do đã khiến ông đề nghị chấp nhận đơn thuần tối hậu thư của đồng minh. Đến lượt tham mưu trưởng Lục quân và Hải quân tiếp lời, cả hai đều ước tính rằng lực lượng mà họ đang nắm trong tay còn có thể chiến đấu và còn có thể chống trả cả một cuộc đổ bộ xâm chiếm lãnh thổ. Tổng trưởng Bộ Chiến tranh Anami, mà sự xúc động đã bộc lộ cực điểm, đã bác bỏ một cách cuồng nhiệt sự chấp nhận những điều kiện nhục nhã “sẽ làm cho cả bản thân Thiên hoàng lâm nguy”.


Nét mặt tái ngắt biểu lộ tình trạng thần kinh căng thẳng tột độ, Hiro Hito đưa mắt nhìn khắp lượt những người dự hội và đến lượt ông lên tiếng trong một không khí lạnh lẽ đầy tử khí: “Nếu không còn ai có ý kiến gì để phát biểu, trẫm sẽ diễn tả ý kiến của trẫm. Trẫm yêu cầu các khanh chấp nhận nó. Trẫm thấy chỉ có một lối thoát cho Nhật Bản. Chính vì lý do đó mà Trẫm chấp thuận đề nghị của Đồng minh!”.

Một sự dao động khó tả lan khắp hội trường. Nước mắt rào rụa trên các nét mặt. Những lời than vãn dâng cao âm thầm. Đột ngột phá vỡ nghi thức, tướng Anami khóc nức nở quì mọp xuống chân Thiên hoàng.

“Anami, đừng khóc”, Hiro Hito nói với ông ta. “Nếu Trẫm đi đến quyết định này, chính là do sau khi suy nghĩ lâu dài”.

Khi sự xúc động lắng dịu đôi chút, nhà vua loan báo với hội đồng rằng ông sẽ đích thân nói với dân chúng qua một bài diễn văn sẽ được truyền thanh vào ngày mai. Còn hơn cả sự chấp nhận bại trận nữa, lời tuyên bố này đã làm cho các nhân vật cao cấp ngẩn ngơ thật sự. Nếu Đấng Chí Tôn vốn tượng trưng cho sự vĩ đại của Đế quốc và nhân cách hoá linh tiền nhân vẫn phò trợ cho sự vĩnh phúc của Người lại chấp nhận bước xuống ngai vàng để cho những thần dân hèn mọn nhất được nghe giọng nói uy nghiêm, thì chính bức màn của hai ngàn năm lịch sử đã rơi xuống.


Vào cuối ngày định mệnh đó, một số sĩ quan cao cấp Bộ Tổng tham mưu Lục quân nhóm họp tại trụ sở của Kempi Tai. Nhiều người trong số đó được sự hậu thuẫn của một vài tổng trưởng để lật đổ chính phủ Suzuki.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #115 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:33:54 am »

Đến 1 giờ sáng ngày 15 tháng 8, họ đến bản doanh của chỉ huy trưởng quân danh dự phòng vệ hoàng cung, tướng Takeshi Mori và yêu cầu công theo họ. Takeshi Mori từ chối bằng cách nại ra lòng tận tuỵ của ông đối với bản thân Thiên hoàng. Lập tức ông bị hạ bằng một lát kiếm. Tất cả các sĩ quan của đoàn quân danh dự đều bị nhốt trong một phòng của Hoàng cung bởi những người chủ mưu và những cán bộ cuồng tín của tổ chức Kempi Tai. Viên Đại tá thâm niên nhất chiếm lấy khuôn dấu của Tướng Mori và thảo ngay một huấn thị ra lệnh đóng cửa Hoàng cung và gia tăng gấp đôi số lính canh. Trung tướng Hasunuma, tuỳ viên riêng của Thiên hoàng và tất cả các giới chức cao cấp ở trong Hoàng cung đều bị quản thúc tại nhà. Chỉ có viên tổng quản lý hoàng cung và quan chưởng ấn riêng của Thiên hoàng là thoát được mẻ lưới táo bạo này.


Quả thật một tình trạng rắc rối khó giải quyết đã xảy ra từ đầu hôm giúp cho hai viên chức cao cấp thoát ra khỏi Hoàng cung sau khi cho áp dụng các biện pháp cần thiết để có thể tiếp tục thi hành mệnh lệnh của Thiên hoàng. Thật vậy, từ lúc 4 giờ chiều, họ vẫn còn ở kín dưới hầm của Hoàng cung với viên giám đốc Thông tin và ba viên chức thuộc đài phát thanh để hoàn tất việc ghi âm vào một đĩa hát lời tuyên bố của Thiên hoàng. Đĩa hát này sẽ được phát thanh vào 8 giờ sáng mai, những viên chức ấy phải mang nó đi ngay từ đầu hôm. Nhưng những tin đồn đáng lo ngại bắt đầu lan tràn ngoài phố và viêm giám đốc Thông tin liền điện thoại báo tin, cho nên viên Tổng quản lý quyết định cất đĩa hát vào tủ sắt riêng mà một mình ông biết chỗ giấu và ngày mai, đến phút chót mới cho gửi đến phòng vi âm. Các viên chức đài phát thanh rời Hoàng cung sau 11 giờ đêm một chút và khi họ bị bắt ở cổng ra vào thì những chiếc xách tay nhỏ của họ hoàn toàn toàn trống rỗng. Bị đặt dưới một cuộc thẩm vấn tàn bạo, họ không thể nào cho các người dự mưu biết được tin tức gì, khiến họ bị đưa trở lại xuống căn hầm để giúp tìm lại chiếc đĩa ghi âm mà họ muốn chiếm đoạt bằng mọi giá.


Đến 3 giờ 30 sáng, công cuộc tìm kiếm vẫn vô hiệu, và Thiếu tá Hatanakato, một trong những lãnh tụ hiếu động nhất của lực lượng nổi loạn, quyết định đích thân đến đài phát thanh để đưa ra một lời kêu gọi. Đài phát thanh liền bị chừng 30 binh sĩ chiếm đóng và các chuyên viên, dưới sự đe doạ của mũi súng lục, bị bắt buộc phải truyền thanh trực tiếp lời của Hatanakato. Lúc đường dây đã sẵn sàng, thì còi báo nguy của hệ thống phòng thủ thụ động bắt đầu hú vang: các oanh tạc cơ Mỹ bay ngang qua thành phố thật thấp. Nhân viên đài phát thanh đã cắt ngang buổi phát thanh, Hatanakato nhảy đến chụp điện thoại để yêu cầu Tổng hành dinh ra lệnh tái lập các buổi phát thanh.


Trong khi xảy ra vụ xúc động “đứng tim” này, thì những biến cố quyết định đã xảy ra tại Hoàng cung. Tướng Suzuichi Tanaka, tư lệnh Quân đoàn miền đông và là cánh tay mặt cũ của Tojo, dùng xe chính thức của ông tiến đến trước cổng và lính gác đã để cho ông tiến vào vườn. Với một tuỳ viên độc nhất đi theo, ông đột nhập vào phòng những người dự mưu. Uy tín của ông lớn lao đến nỗi, ngay từ những lời kêu gọi đầu tiên yêu cầu phải tuân phục mệnh lệnh chính thức của Thiên hoàng, bốn trong số các Đại tá đã tự bắn một viên đạn vào đầu. Những người khác liệng vũ khí và im lặng rút lui. Riêng phần Hatanakato, được thông báo chuyện gì xảy ra, hấp tấp trở về Hoàng cung và tự sát ngoài vườn ngay khi biết sự thất bại của bạn hữu. Cuộc nổi loạn bị đập tan.


Kể từ 6 giờ 30 sáng, cứ cách nửa giờ đài phát thanh lại loan đi bản tuyên cáo của Thiên hoàng. Công chúng vốn không biết gì về các biến cố bắt đầu tập họp chung quanh các loa phóng thanh được mắc tại khắp các ngã tư đường phố. Trong các vùng ngoại ô, đám đông công nhân tập trung đông đảo trước cửa nhà máy. Còn hơn cả sự chờ đợi những hun tin, sự tò mò được nghe giọng nói của Thiên hoàng đã làm cho không khí im lặng lạ lùng. Khi giọng nói ấy cất lên để loan báo rằng Nhật Bản đã bại trận, nước mắt ràn rụa trên khắp nét mặt mọi người: “số phận đang chờ đợi dân tộc ta chắc chắn sẽ rất khổ nhọc. Trẫm biết rõ những cảm nghĩ sâu xa của tất cả mọi người, thần dân của Trẫm. Tuy nhiên, trước sự cần thiết ghê gớm của giờ phút lịch sử và của định mệnh, Trẫm đã quyết định chuẩn bị một con đường hoà bình thênh thang cho tất cả các thế hệ tương lai, bằng cách chấp nhận điều không thể chấp nhận được và bằng cách cam chịu điều không thể chịu đựng được. Vì có thể cứu vãn cơ cấu kiến trúc của Đế quốc, cho nên Trẫm ở lại với mọi người, với những thần dân thiện lương và trung kiên của Trẫm, tin tưởng vào sự chân thành và sự liêm khiết của tất cả mọi người. Hãy giữ ký lại mọi sự biểu hiện xúc động có thể tạo ra những rắc rối vô ích, mọi cảnh cốt nhục tương tàn có thể gây ra hỗn loạn, làm mọi người bơ vơ lạc lối và mất niềm tin nơi thế giới!”.


Khi giọng nói uy nghiêm của nhà vua chấm dứt, những đám dông dân chúng tan dần và các thị dân từng nhóm hoặc đi về nhà hoặc về các trung tâm tiếp đón người lâm nạn. Suốt ngày và suốt đêm những kẻ cô đơn không nơi ẩn trú tiếp tục đi lang thang vô định trong trạng thái ngơ ngẩn vì những nỗi đau đớn sâu thẳm vô bờ.


Trong ngày hôm đó có rất nhiều người không nghe theo mệnh lệnh của Thiên hoàng “chấp nhận điều không thể chấp nhận được”. Tướng Tanaka, sau khi khuất phục cuộc nổi loạn của các Đại tá, đã tự sát trong văn phòng tại bản doanh của ông. Thống chế lão thành Sugiyama, người tiền nhiệm của Tojo tại Bộ Tổng tham mưu, tự bắn một phát súng lục vào đầu trong khi vợ ông, trong bộ lễ phục, tự mổ bụng giữa một đám hoa theo nghi thức. Cùng lúc đó Tướng Anami tự sát tại nhà, để lại một câu cảm động: “Tôi hy vọng rằng cái chết của tôi sẽ là sự tha thứ cho những lầm lẫn của tôi”. Tại Yokosuka, các nhóm phi công tự sát của hải quân tự nhốt mình trong doanh trại và toan tính tung một khối chất nổ sống Banzai vào số quân cảnh đến giải giới họ. Trong số những nhóm cuồng tín của không lực thuộc hải quân, có những cảnh say sưa và những trận ẩu đả chết người. Đô đốc Ugaki, người chỉ huy các thành phần cuối cùng của đơn vị phi công tự sát, đã tự bước lên một oanh tạc cơ để thực hiện một cuộc tấn công tự sát cuối cùng; tin tức ấy đã được đưa đến làm cho sự khích động của họ lên đến tột độ.


Tối ngày 15 tháng 8, Đô đốc Onishi mời vài sĩ quan về nhà riêng của ông và giữ họ lại cho đến nửa đêm. Đấy là tất cả những người kỳ cựu thuộc Đệ Nhất không lực còn sống sót sau cuộc tàn sát ghê gớm do mệnh lệnh của ông để lại các tài liệu về thiên anh hùng ca Kamikzae và làm chứng cho các nguyên động lực của hành động đó với các thế hệ tương lai.


Vài giờ sau khi họ ra đi, ông tự mổ bụng. Một trong những người thân chạy đến ngay. Đô đốc mổ bụng mình bằng một cây dao găm nhỏ, nhưng chắc vì nó quá ngắn cho nen vết thương không làm ông chết ngay.

Để trả lời cho những người muốn chăm sóc cho ông, ông thầm thì:

-Hãy để tôi yên.

Ông chết sau 12 giờ hấp hối tàn khốc, từ chối mọi sự cấp cứu, làm như ông muốn lấy cái đau đớn của mình để trả món nợ mà ông còn thiếu đối với những phi công trẻ tuổi của Đệ I không lực, nhưng người mà ông từng áp đặt một cơn hấp hối tinh thần còn lâu hơn và có lẽ còn kinh khủng hơn trong những doanh trại thối mục tại Mabalacat.
Người ta tìm thấy được chúc thư của ông. Đấy chính là một chúc thư của một Samourai, một người mà tự tôn sùng tổ quốc được nhân cách hoá nơi cá nhân Thiên hoàng, cấu thành nền tảng căn bản của cuộc sống.


Nhưng, thật kỳ lạ, nơi con người đã từng hy sinh bất kể hàng ngàn thanh niên ấy, người ta cũng tìm thấy được những giọng điệu dịu hiền đầy cảm động với thế hệ trẻ tuổi.

“Tôi nói với đơn vị Kamikaze, đơn vị đã gục ngã một cách anh hùng và là đơn vị gồm những con dân ưu tú của xứ sở.

“Để chuộc lỗi lầm vì đã đưa họ đến cái chết vô ích, tôi xin dâng hiến cái chết của tôi cho linh hồn các thuộc viên của tôi và cho gia đình họ.

“Tôi cũng gửi lời đến thế hệ trẻ tuổi. Hãy rút ra một bài học từ nơi cái chết của tôi. Hãy vâng lệnh Thiên hoàng! Tôi khuyên họ hãy tự trọng và chuyên nhất. Ngay cả trong sự thất bại, cũng phải hãnh diện được là dân Nhật.

“Trẻ con là kho tàng của xứ sở”.

Trong cuộc đối thoại này ở bên kia thế giới, những người chết và những người sống hoà lẫn thân ái với nhau và lời kêu gọi của bậc Samourai lão thành ấy với thế hệ trẻ tuổi cũng là lời nói đồng thời với những anh hùng đã khuất bóng cũng như với những người sống sót hiếm hoi của đơn vị Kamikaze làm như những người này cũng như những người kia đều đã an vị giữa những Kamikaze, những linh hồn phò trợ nước Nhật vĩnh viễn.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #116 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:34:35 am »

Giờ phút vinh quang của Mac Arthur

Sau khi nuốt chửng 1.000 nạn nhân, làn sóng tự sát ấy tàn lụi trên những bờ biển của một nước Nhật nhẫn nhục. Quốc gia này đã thoát khỏi cuộc thảm sát và còn thở. Dần dần từng chút một, sự sống lại hồi sinh. Một niềm hy vọng phát hiện: hoà bình! Không còn nghe nói đến bom đạn, lẫn Hara-Kiri, lẫn Kamikaze nữa, không còn nghe trích dẫn cả Tojo lẫn Kempi Tai nữa. Xây dựng lại mái nhà nhỏ bé trong im lặng để được ở trong đó, ăn một nắm cơm rưới một chút rượu Saké, đằng sau một màn chắn gió chống lại những cơn ác mộng.


Ngày 24 tháng 8 năm 1945, ngày mà các sĩ quan Hoa Kỳ đầu tiên sẽ phải đến Nhật bằng phi cơ, mộ cơn gió nóng bốc lên và mau lẹ biến thành một cơn giông tố: một cơn bão mùa hè đến muộn. Những truyền đơn cuối cùng do các phi cơ lén lút ném xuống, những lời kêu gọi nổi loạn sau cùng đều tan loãng vì ngọn thần phong, ngọn gió thần Kamikaze hoà bình đã cứu nước Nhật khỏi bị huỷ diệt hoàn toàn. Ngay trước khi các cơn gió lốc dịu bớt, trật tự khắp nơi đã dược tái lập và ngày 28 tháng 8 lúc 8 giờ, khi chiếc phi cơ Mỹ đầu tiên đáp xuống phi trường Atsugi, vài chiếc xe hơi đã tiến lên đón tiếp như đây là một cuộc viếng thăm xã giao nào đó. Hai sĩ quan bước xuống phi cơ, Đại tá Tent và Thiếu tá Bowers, thông dịch viên tiếng Nhật Tent đang có tâm trạng của một Pérouse bước lên Vanikoro: ông đã viết sẵn chúc thư và chờ bị giết chết. Ông nhanh nhẹn bước lên một chiếc xe hơi mà không biết người ta sẽ đưa mình đi đâu.


Cuộc hành trình không xa. Chiếc xe dừng lại trước một chiếc lều được dựng lên ở đầu phi trường. Trung tướng Arisuýe, Tư lệnh quân khu miền đông đang chờ ông tại đấy và hai sĩ quan bắt đầu thi hành nhiệm vụ giải quyết, với sự hợp tác của Thiếu tá Bowers, các vấn đề do việc đưa quân dù Mỹ đến được đặt ra. Arisuyé đã nghĩ đến tất cả và có vẻ muốn san bằng mọi khó khăn.


Ngay từ hôm sau, nhiều phi cơ C-54 bay đến, chở đầy xăng và vật liệu. Ngày 30 tháng 8, các phi cơ vận tải của sư đoàn 2 nhảy dù hạ cánh xuống phi trường với nhịp độ mỗi phút một chiếc. Đến trưa, đông đảo các sĩ quan được tập họp trên phi trường. Chiếc Bataan phi cơ riêng của Thống Tướng Mac Arthur được loan báo sắp hạ cánh. Thật vậy, chính ông là người được Truman chỉ định để chỉ huy đoàn quân chiếm đóng. Vài phút sau, chiếc phi cơ to lớn lăn bánh trên phi đạo và đến dừng trước hàng sĩ quan dàn chào.


Chiếc bóng cao lớn của ông tướng xuất hiện trong khung cửa mở rộng và dừng lại đó một lát. Ông mang cặp kính đen và cắn chặt răng vào đầu chiếc tẩu thuốc lá lõi ngô danh tiếng. Chiếc nón kết nặng nề viền lá sồi che bóng một khuôn mặt gầy guộc. Ông chầm chậm bước xuống thang, chào lại những người đón tiếp và nói vài lời: “Từ Melbourne tới Đông Kinh, con đường thật xa và khổ nhọc. Nhưng hình như là những mệt nhọc của chúng ta đã được trả giá. Mới cách đây có vài ngày, 300.000 binh sĩ Nhật Bản vũ trang có mặt trong khu vực mà quân ta sắp đến đóng. Tôi có thể loan báo với các ông là họ sẽ rút lui mà không xảy ra một biến cố nào”.


Ngay sau bài diễn văn ngắn ấy, ánh đèn chụp hình loé lên và các máy quay phim bắt đầu kêu rè rè. Ban nhạc của sư đoàn II nhảy dù đánh một bản quân hành và ông tướng bước lên một chiếc xe Hoa Kỳ cũ để tiến giữa hai hàng quân cảnh Nhật Bản đến tận khách sạn Nouveau Grand Hotel tại Yokohama. Con đường bị bom tàn phá đến mức khoảng đường đi qua phải mất những hai giờ. Một không khí tưng bừng như hội chợ dính liền với sự hoan lạc của người Mỹ ngự trị trên sân trước khách sạn. Khi đến nơi, ông tướng được tiếp đón bằng những tiếng sáo miệng khích động, rồi bị tiếng chập choả như sấm động át đi khi ban nhạc chơi bản quốc thiếu và lá quốc kỳ Mỹ vĩ đại gắn 5 ngôi sao của vị tổng tư lệnh đạo quân chiếm đóng được kéo lên cột cờ. Ông “Nhiếp chính” rốt cuộc đã tìm thấy được một lãnh địa đúng với tầm vóc của mình.


Trong khi các nghi lễ này đang diễn ra, lực lượng đặc nhiệm 38, do Đô đốc Halsey chỉ huy được điều động dọc theo bờ biển và các phi cơ của Mitscher bay trên bầu trời Nhật Bản trong một cuộc biểu dương đầy xúc động. Căn cứ Yokosuka đã được hải quân chiếm đóng và vài chiếc L.C.P đã đến tiếp thu cảng Yokohama. Ngày 1 tháng 9, một hải lực đồng minh gồm 258 chiến hạm đủ mọi kiểu buông neo trong vịnh Đông Kinh. Mac Arthur để cho Nimitz chọn lựa địa điểm làm nơi ký kết văn kiện đầu hàng của Nhật Bản và ông này đã đề nghị bãi trống đằng sau thiết giáp hạm Missouri.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #117 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:35:26 am »

Chúa nhật ngày 2 tháng 9, nhiều nhân vật được mời dự lễ đã bước lên chiến hạm từ 7 đến 8 giờ và ngồi vào sau một chiếc bàn phủ thảm xanh. Trong số đó có Đô đốc Nimitz và Halsey, Đô đốc Sir Bruce Fraser của Anh, Tướng Leclers, đại diện chính phủ Pháp, và nhiều sĩ quan cấp Tướng thuộc mọi binh chủng. Vào khoảng 8 giờ 30, phái đoàn Nhật đến. Người ta nghe tiếng còi bái hiệu “Lên tàu” và hàng trăm thuỷ thủ và thuỷ quân lục chiến được phép dự kiến liền chen chúc nhau trên những spardeck và những sàn gỗ được dựng lên chung quanh sân thượng dành cho chuyên viên điện ảnh và báo chí. Những ánh đèn chớp loé ngay mặt những thành viên đáng thương của phái đoàn Nhật Bản ngay khi họ đến cầu tàu. Họ nhẫn nhịn tất cả, nhưng rất ít muốn thấy cái không khí hội chợ này, đến nỗi người ta thấy mặt họ đanh lại vì nhục nhã và đau đớn. Một trong các tướng lĩnh để lộ vẻ muốn quay trở lại, nhưng ngoại trưởng mới của Nhật, Shigemitsu, trước đây đã bị cụt chân vì bom của một đảng viên Kempi Tai cực đoan, đang khó nhọc tiến bước với chiếc chân giả, đã phát một cử chỉ ngăn chặn và các đại biểu đến đứng thẳng hàng trước chiếc bàn trải thảm xanh. Họ tạo thành một cái đinh gây nhạc nhiên trong buổi lễ” các quân nhân thì mặc những bộ quân phục cắt xấu xí, đầu đội những chiếc mũ hình nón cụt có lưỡi trai rất rộng đứng chen với các viên chức dân sự áo đuôi chồn dài, quần sọc, găng trắng và nón cao cổ.


Khi tất cả đứng dậy sắp hàng theo thứ tự ngôi thứ xong, tu sĩ tuyên uý trên chiếc Missouri đọc vào máy vi âm vô hình vài đoạn thánh kinh và im lặng được tái lập. Lúc đó, cánh cửa phòng khách danh dự được mở rộng và Tướng Douglas Mac Arthur long truợng bước vào cuộc lễ: ông mặc quân phục mùa hè, áo sơ-mi cổ hở trên đó lấp lánh năm ngôi sao. Chỉ có chiếc nón kết viền lá sồi danh tiếng của ông, mặc dầu đã bạc màu là cho thấy tầm quan trọng của cấp bậc. Ông tiến tới chiếc bàn, hai bên cạnh là tham mưu trưởng của ông, Sutherland, và hai sĩ quan cấp Tướng vẻ mặt hốc hác tiều tuỵ và thân hình trơ xương lùng bùng trong những bộ quân phục cũ: đó là tướng Wainwright, người phòng thủ dũng cảm bán đảo Bataan, và tướng Sir Arthur Percival, vị anh hùng đáng thương của Tân Gia Ba vừa được phi cơ đến đón trong một trại tù binh ở Mãn Châu. Mac Arthur với vóc dáng cao lớn, ngạo nghễ nhìn các đại biểu Nhật Bản và nói vài lời trình bày bản chất của các tài liệu mà học phải ký vào. Rồi, rõ rệt là bị bối rối bởi nét mặt khổ hạnh và phong thái đầy cao thượng của những kẻ thù chiến bại, ông đọc bài diễn văn đã được soạn trước trong khi cố tìm cách biến đổi giọng nói để làm dịu bớt các từ ngữ. Khi ông nói đến phần kết luận, không khí cho đến lúc ấy thật giá lạnh, dần dần trở nên ấm áp cùng với sự cảm động bộc lộ rõ rệt của ông. Và để kết luận, ông tuyên bố: “Niềm hy vọng chân thành nhất của tôi mà cũng là niềm hy vọng của toàn thể nhân loại-là một thế giới tốt đẹp hơn sẽ hiện lên, nhân dịp long trọng này, bên trên cuộc tàn sát trong quá khứ, một thế giới đặt nền tảng trên niềm tin cậy và sự thông cảm hỗ tương, một thế giới biết tôn kính phẩm giá con người và cương quyết thoả mãn những khát vọng thân yêu nhất: tự do, độ lượng và công lý!”.


Có lẽ mặc dầu khi nói những lời này, hơn bao giờ hết, Mac Arthur có vẻ như đang quay một cuốn phim cho Hô Ly Vọng, nhưng các đại biểu Nhật Bản, vốn cho đến lúc đó đã nhìn quang cảnh buổi lễ với cặp mắt trống vắng phản ánh sự bất thông cảm tuyệt đối, đã trao đổi với nhau những cái nhìn rụt rè, rồi vẻ mặt rắn đanh của họ dịu dần một cách khó nhận thấy. Về sau, có người trong số họ đã nói rằng “trong giờ phút tuyệt vọng và khốn cùng ấy, một tia sáng chói đã phát hiện từ đích bản thân của Mac Arthur”.


Khi các đại biểu toàn quyền ký tên vào dưới văn kiện, ông tướng nói thêm: “Giờ đây chúng ta hãy cầu nguyện để cho hoà bình được tái lập trên thế giới và để cho thiện chí của tất cả mọi người giúp cho hoà bình được trường tồn mãi mãi”.


Trong khi nghi lễ trên diễn ra, nhiều Landing crafts của hải lực thuỷ bộ đã đưa lên bờ sư đoàn 1 kỵ binh của Tướng Chase, người được lệnh “tiến thẳng về Đông Kinh”. Cuộc điều quân được thực hiện như một cuộc đổ bộ các lực lượng chiến đấu thật sự vì chưa có gì chắc chắn về thái độ của các đơn vị Nhật Bản đồn trú trong khu vực đó. Nhưng mọi chuyện đã xảy ra không gặp khó khăn và ngày hôm sau 3 tháng 9, tất cả sư đoàn đã đặt xong bản doanh trong các doanh trại tại Hara Machida cách Đông Kinh vài cây số.


Lúc đó, trong vùng đồng bằng Kanto, còn có 14 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn thiết giáp và 17 lữ đoàn thuộc các binh chủng khác. Không một ai hoàn toàn yên tâm… Nhưng đã không có một phản ứng nào, các cuộc tiếp xúc được thiết lập không gặp khó khăn giữa người chiến thắng và kẻ chiến bại và trước sự ngạc nhiên của các đoàn quân Mỹ vừa chịu đựng các đợt xung phong hung tàn tại Lujon, thái độ của các quân nhân Nhật Bản không những là nghiêm chỉnh mà còn có vẻ rất hợp tác.


Ngày 8 tháng 9, lúc 8 giờ sáng, tướng Chase long trọng tiến quân vào Đông Kinh, chính ông đi đầu đoàn quân chiến sĩ kỳ cựu của cuộc chiến. Vài giờ sau, đến lượt Mac Arthur đến, với một phi đoàn hộ tống. Ban quân nhạc của Sư đoàn 1 kỵ binh chờ đón ông trên tiền đình Toà Đại sứ Hoa Kỳ giữa một đoàn quân đông đảo mang quân kỳ và hiệu kỳ các đơn vị. Khi ông tướng đặt chân lên thềm, quốc kỳ được kéo lên lầu cột cờ dưới ánh mặt trời chói lọi trong khi ban quân nhạc cử bài “Star-spangled Banner”. Vị tổng tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh quay về phía quan khách và nhìn quốc kỳ tung bay, ông nói mấy lời này: “Cầu cho quốc kỳ của xứ sở chúng ta tung bay dưới ánh mặt trời Đông Kinh trong vinh quang toàn diện như là một biểu tượng của niềm hy vọng dành cho những kẻ bị áp bức và như là một sứ giá đại biểu cho sự toàn thắng của luật pháp!”

Công cuộc chiếm đóng yên ổn nhất lịch sử bắt đầu.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #118 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:36:08 am »

Đoạn kết


Qua các thông cáo báo chí, khi được biết cuộc ngưng bắn và cuộc giải giới được thi hành với sự mẫn tiệp và trật tự như thế nào, công luận thế giới đã có đôi chút vội vàng kết luận rằng Nhật Bản đã bị hấp hối từ lâu và rằng cuộc thảm sát ghê gớm tại Hiroshima lẽ ra đã có thể tránh được.


Như chúng tôi đã nhấn mạnh nhiều lần, sửa lưng những đòn của đối phương khi ta có cả hai lá bài trong tay bao giờ cũng là chuyện dễ dàng. Lúc ấy quyết định ném quả bom A xuống Nhật Bản, người Mỹ chỉ có những dự kiện hết sức mơ hồ để đo lường mức độ yếu kém của kẻ thù: các không ảnh những khu vực bị oanh tạc (mà họ đã từng biết là có thể có hiệu quả lừa dối đến mức nào) và các tin tức do các cơ quan tình báo cung cấp, những tin tức không chính xác và mâu thuẫn. Ngược lại, điều mà họ biết quá rõ, chính là sức chiến đấu lạ thường mà quân đội Nhật Bản đã chứng tỏ, và tầm quan trọng của những kho dự trữ vũ khí đạn dược mà Nhật đã tích trữ trên khắp các lãnh thổ chiếm đóng bên trong vòng đai chu vi Đại Đông Á cũ.


Chiến lược do các Đô đốc King và Nimitz đề nghị gồm có bao vây trực tiếp nước Nhật mà không chiếm lại các lãnh thổ mênh mông tại phía Nam Thái Bình Dương, tại Trung Hoa và tại Đông Nam Á, đã dựa vào một định đề vốn chưa được kinh nghiệm kiểm chứng: đó là ưu thế của không quân. Đó là áp dụng đơn thuần, với ít nhiều nguỵ trang, binh thuyết của một tướng lĩnh thời danh người Ý, Douhet, một binh thuyết mà từ mười lăm năm nay vẫn không ngớt gây ra những cuộc tranh luận gay go tại khắp mọi quốc gia. Liệu có thể áp dụng nó cho trường hợp Nhật Bản hay không? Liệu có thể hay không có thể chẹn họng quân đội Nhật, mà không cần phải chiến đấu trên bộ, nhưng chỉ bằng vào sự huỷ diệt vũ khí và các đường giao thông của Nhật? Những kết quả thu đạt được tại Đức quốc có khuynh hướng chứng tỏ rằng không thể, thế nhưng sự tàn hại do bom lửa gây ra lại đưa đến kết luận trái ngược. Song le, những cuộc oanh tạc ấy đòi hỏi một sự vận dụng phi cơ đến mức phải tiên liệu mất hàng nhiều tháng trời, mới mong tiêu diệt được dứt khoát hết các lực lượng của đối phương. Và trong những tháng trời dài dặc ấy, khi mà chiếc đầu con bạch tuộc chưa bị vặn ngược thì những chiếc vòi của nó vẫn tiếp tục bám chặt trên các quần đảo bị “bypass”, cũng như tại Miến Điện và Trung Hoa. Uỷ ban tham mưu hỗn hợp đã rất mạo hiểm khi chấp thuận kế hoạch của các Đô đốc, và Tướng Mac Arthur đã không có lỗi khi luôn miệng nhắc nhở phải đề phòng.


Lúc mà Tổng trưởng Chiến tranh Stimson báo cho Tổng thống Truman biết sự thành công chắc chắn của kế hoạch Mahattan, thì quân trú phòng Nhật Bản tại Okinawa vẫn còn kháng cự. Tướng Simson Bolivar Buckner vừa tử trận tại tiền tuyến. Tổn thất của Mỹ nội trong trận đánh này đã được ước tính lên đến 12.500 tử trận và 36.500 bị thương-tức là 50% lực lượng tham chiến. Mặc dầu tướng Ushijima phải tự sát, và tất cả đạo quân trú phòng trên đảo vốn được lãnh đạo đúng đắn, đã bị tiêu diệt, nhưng vố số những tổ kháng cự lẻ tẻ, gồm binh sĩ cũng như thường dân, vẫn còn chiến đấu với sự hăng say điên cuồng. Trong một góc của hòn đảo chưa bị lọt vào tay quân Mỹ, dân chúng đã đến hợp tác với các binh sĩ hiếm hoi còn khoẻ mạnh để tay không chống lại chiến xa và súng phun lửa đằng sau vị Tổng đốc dân sự được vũ trang bằng thanh kiếm Samourai của ông. Chắc chắn đấy là mùi vị được nếm trước của khung cảnh địa ngục mà một cuộc đổ bộ lên chính lãnh thổ Nhật Bản phải trải qua trên đó 30 triệu công dân Nhật và 2 triệu binh sĩ sẵn sàng hy sinh mạng sống cho đến người cuối cùng.
Lúc đó, theo lệnh của Truman, Stimson đã chỉ định một “Uỷ ban lâm thời” để nghiên cứu sự sử dụng bom A. Uỷ ban này gồm có 5 nhân vật thuộc giới chính trị và 3 nhà bác học Mỹ được giao cho trách vụ tổ chức nghiên cứu về quân sự từ năm 1940. Mặc dầu 3 nhà bác học này đã tham dự tích cực vào công việc của nhóm Los Alamos, nhưng họ cũng yêu cầu chỉ định một tiểu ban gồm các chuyên viên nguyên tử để hướng dẫn họ. Tiểu ban chuyên viên này, dược gọi là “Scientific Panel”, phải tổ chức hội họp các nhà bác học thượng thặng nổi tiếng nhất trong giới khoa học bất chấp quốc tịch. Tiểu ban giới hạn trong số 7 thành viên mà 4 người là Do Thái gốc ngoại quốc.


Các cuộc thảo luận của “Scientific Panel” và của Uỷ ban lâm thời đã đưa đến việc soạn thảo một “bản khuyến nghị” mà sau đây là các kết luận:

1. Quả bom phải được sử dụng để chống lại Nhật Bản càng sớm càng tốt.

2. Nó phải được ném xuống một “mục tiêu kép” vừa kỹ nghệ vừa quân sự.

3. Không thể đưa ra một lời báo trước nào về bản chất của thứ vũ khí này.


Chính vì nhận được ác kết luận chính thức này mà Stimson đã ra lệnh cho Groves tiến hành nhanh hơn cuộc thí nghiệm tại Alamogordo và chuẩn bị các biện pháp để sử dụng quả bom chống lại Nhật Bản. Nhưng vài ngày sau, tiếng đồn về những khuyến cáo này đã lan tràn trong số các nhà bác học nguyên tử thuộc nhóm Los Alamos và thuộc đại học đường Chicago. Bảy nhà khoa học thuộc đại học này liên nhóm họp dưới quyền chủ toạ của giáo sư lão thành Frank-cựu giám dốc Học viện Vật lý Gottingen, được xem như “giáo hoàng” của thế giới nguyên tử-đã soạn thảo một bản khuyến nghị khác đề nghị rằng sự biểu diễn thứ vũ khí mới phải được tổ chức dưới sự chứng kiến của các đại biểu Liên hiệp Quốc trong một sa mạc hay trên một hòn đảo không có người ở, để chính phủ Nhật có thể được thông báo sức mạnh tàn phá của nó và cạm chịu chấp nhận đầu hàng vô điều kiện.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #119 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:37:00 am »

Tài liệu này được đưa đến cho đích thân Stimson, ông ta chuyển ngay cho Uỷ ban lâm thời và Uỷ ban này liền hỏi ý kiến của Tiểu ban chuyên viên. Các thành viên của Uỷ ban không tin rằng phải đề nghị sửa đổi lại lập trường, nại lý do rằng trong tư cách là các nhà khoa học họ không có thẩm quyền để quyết định liệu có nên sử dụng quả bom để chống lại Nhật Bản hay không, ngoài ra họ cũng chẳng biết gì về tình hình quân sự và không biết liệu có thể lôi kéo Nhật Bản đến chỗ đầu hàng bằng các phương cách khác hay không.


Vững tâm vì sự xác định mới phát xuất từ những con người siêu việt này vốn chẳng có thù hiềm gi với Nhật Bản, mà sự suy luận riêng tư chỉ có thể bị ảnh hưởng bởi niềm ưu tư chính đáng là tránh làm tăng thêm tang tóc cho một xứ sở được họ coi như quê hương thứ hai của mình, Stimson không hề nghĩ đến chuyện thay đổi các mệnh lệnh đã được ban hành nữa. Ngọn lao đã phóng đi và đã quá trễ, không thể nào rút lại một quyết định có hậu quả nặng nề như vậy.


Ngày 15 tháng 7 năm 1945, trên đường đi Potsdam, Truman nhận được tin cuộc thí nghiệm thành công tại Alanmogordo. Vài ngày sau, Stimson đến gặp ông để trình bày hiệu quả tàn khốc của chất nổ mới. Hai nhân vật đều đồng ý là không tiết lộ bản chất sát đúng trong thời gian cuộc Hội nghị Liên Đồng minh và chỉ yêu cầu các Quốc trưởng tham dự hội nghị chấp thuận rằng họ sẽ hậu thuẫn cho một lời cảnh cáo long trọng gửi cho Nhật Bản.


Như chúng ta đã thấy, dân tộc Nhật bản đời nào lại chấp nhận một tối hậu thư được trình bày dưới một hình thức mơ hồ như thế và thủ tướng Suzuki, mặc dầu rất hoà hoãn, cũng chỉ có thể trả lời không chấp thuận.


Những liên luỵ chính trị của sự xuất hiện vũ khí nguyên tử đã đến mức lúc ấy Tổng Thống Mỹ không còn có sự chọn lựa nào khác hơn là ném quả bom A xuống Hiroshima. Gia dĩ lãnh tụ quốc gia đồng minh duy nhất được biết rõ bí mật, Winston Churchill, lại mạnh mẽ đứng lên chống đối ý tưởng trì hoãn dầu cho chỉ là một giây đồng hồ, sự sử dụng một phương tiện căn bản như vậy để chấm dứt cuộc xung đột.


Vài ngày trước khi chiếc Enola Gay cất cánh, Stimson nhận được một phúc trình bất ngờ do 60 nhà bác học thuộc mọi quốc tịch ký kết đòi hỏi đặt những công trình nghiên cứu phân cách nguyên tử dưới sự kiểm soát quốc tế và chấm dứt mọi công tác liên quan đến việc chế tạo quả bom. Những tay tập sự phù thủy đột nhiên ý thức được hậu quả rùng rợn của những suy luận khoa học mà họ là tác giả và liền ném một hòn đá xuống ao thả vịt! Những người ký tên gồm có hoặc là những khoa học gia vật lý trẻ tuổi, mới đến chỗ trú ẩn, hoặc là những người kỳ cựu của viện Gottingen, những nhà bác học đầy lòng quảng đại và đầy lý tưởng, đã xếp vào hàng ngũ chủ hoà của các nhà trí thức thiên tả, ngay từ lúc mới trưởng thành. Rõ ràng là họ chẳng có ảo tưởng gì về kết quả của đường lối vận động này, nhưng họ muốn trách nhiệm của họ được bao yểm.


Stimson cho đọc những lời khẩn cầu của họ cho Groves nghe, ông tướng nhún vai với sự thẳng thắn quen thuộc, tuyên bố: “Người ta thấy rõ rằng không một ai trong số các nhà bác học thân mến ấy có thân nhân đang chiến đấu ngoài mặt trận!”. Lúc đó Stimson ưu tư thì thầm: “Nếu tôi không sử dụng trái bom để chấm dứt chiến tranh, tôi sẽ không bao giờ còn dám nhìn ngay mặt một thanh niên Mỹ”…


Thật rõ ràng…. Những ý tưởng thuộc về tình nhân loại từ lâu đã trở thành thứ yếu trong số những ưu tư của các dân tộc đang lâm chiến. Sự hăng say của binh sĩ Nhật Bản, nền tảng vô nhân đạo của họ, một nền tảng mang tính cách ngày càng điên rồ trước sự thảm bại sắp xảy ra, đã khiến cho thảm kích Hiroshima không thể nào tránh được, Little Boy và Enola Gay đã được đưa vào một tiến trình không thể nào đảo nghịch được.


Vốn chỉ có trong tay 2 quả bom, Stimson cần tạo ra một sự xúc động tâm lý tức thời cho phép ông “diễn dich mau chóng ưu thế đè bẹp mà Hoa Kỳ có trong tay do những kết quả kinh tế”. Chấn động tâm lý này cũng cần thiết cho chính phủ Nhật Bản để bước ra khỏi cơn mơ mộng không tưởng về tính cách bất khả chiến bại của mình. Nếu không có nó, hàng trăm ngàn sinh mạng Nhật Bản còn bị hy sinh một cách vô ích. Một cuộc tàn sát chưa từng có sẽ được tránh khỏi, khi mà Thiên hoàng có thể nhẫn nhục “chịu đựng điều không thể chịu đựng nổi và cam chịu điều không thể chấp nhận được”, mà không cần phải rời khỏi ngai vàng.


Được giải thệ nhờ mệnh lệnh của Thiên hoàng, người binh sĩ Nhật đã cứu vãn danh dự của mình. Anh ta đã đẩy lùi giới hạn của chủ nghĩa anh hùng, anh ta đã chứng tỏ cho đến cùng một khả năng kháng cự chưa từng thấy trong lịch sử, và không phải là vấn đề ít kiêu hãnh của dân tộc chiến bại khi mà phải có cả một đại biến khủng khiếp Hiroshima mới thắng được dân tộc ấy.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM