Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:41:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương  (Đọc 64667 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #100 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:15:15 am »

Tình thế rất nghiêm trọng. Chưa bao giờ kể từ các trận đánh hỗn loạn tại Guadalcanal, hạm đội Mỹ lại bị những tổn thất đến thế. Oldendorf lại càng lo lắng hơn khi mà hai lực lượng chuyển vận thuỷ bộ, các mẫu hạm hộ tống và chiếc tuần dương hạm Boise chở Mac Arthur và ban tham mưu của ông đã nhổ neo lên đường. Nhưng bóng đêm đổ xuống mà không có báo động mới nào và khi nhận được các báo cáo yên tâm do các hạm trưởng các chiến hạm bị hư hại gửi ông quyết đến, định chờ đến sáng để xem có nên từ bỏ cuộc hành quân hay không.


Ngày 8 tháng giêng năm 1945 ít sôi động hơn. Vài tàu rà mìn bị đánh trúng và tự nhiên là bị tan nát bay tung từng mảnh, và tuần dương hạm Australia, rõ rệt là gặp rủi ro, lần lượt tiếp nhận chiếc phi cơ Kamikaze thứ ba rồi thứ tư. Nhưng chiếc chiến hạm mạnh mẽ của Úc sống thật dai, và khi đã thoát khỏi nguy hiểm, viên hạm trưởng chắc sẽ không ít kiêu hãnh vì kỷ lục lạ lùng này.


Trong thời gian đó, lực lượng xâm chiếm chạy dọc theo bờ biển tây Lujon, tiến đều mà không hề bị một cuộc tấn công nào cả, bởi vì Onishi được biết tin có một Lực lượng đặc nhiệm gồm nhiều mẫu hạm đang bọc vòng phía bắc Phi Luật Tân, nên đã để dành phi cơ Kamikaze cho con mồi quan trọng ấy. Thật vậy, Đô đốc Halsey đã quyết định che chở cho cuộc đổ bộ của Mac Arthur bằng cách oanh tạc tất cả các phi trường tại Đài Loan và dọc theo bờ biển Nam Hải.


Trước khi đến cùng biển Lingayen hai lực lượng chuyển vận thủy bộ của Đô đốc Kinkaid với các mẫu hạm hộ tống và các tuần dương hạm che chở cho chúng cũng bị một vài Kamikaze tấn công. Mẫu hạm Kinkum Bay và tuần dương hạm Boise chở Mac Arthur và bộ tham mưu của ông đều bị tấn công nhưng không bị chìm.


Ngày 9 tháng giêng khi cuộc đổ bộ bắt đầu, tuần dương hạm Columbia bị chiếc Kamikaze thứ hai, nó thoát ra được mà không bị thiệt hại gì nhiều nhưng đã thêm 92 người tử trận vào một danh sách đã quá dài. Dầu cho hung tàn và gây mệt lử đến mấy, các mũi chích của bầy ong vò vẽ ấy cũng không thể nào làm chậm được nhịp đổ bộ lý do là vì cuộc chống cự trên bãi biển quá yếu. Mặc dầu có sự can thiệp quá chậm của nhiều khinh tốc đỉnh chứa đầy chất nổ bắt chước kiểu tàu M.A.S. của Ý, ban đêm lao vào các chiến hạm đổ quân, nhưng các hải vận hạm chở quân và chiến cụ đã có thể chuyển lên bờ tất cả binh sĩ và vật liệu rồi nhổ neo trước khi bình minh ngày 10 tháng giêng ló dạng. Mẫu hạm hộ tống Salamaua suýt bị một Kamikaze đánh chìm, đã kết thúc vận đen của những ngày khủng khiếp ấy.


Trong khoảng thời gian đó, Onishi sử dụng tất cả phi cơ có trong tay để tấn công Lực lượng đặc nhiệm của Halsey và gây cho ông ta những tổn thất nặng nề: 201 phi cơ, 167 phi công, hai mẫu hạm bị hư-chiếc Langley và chiếc Tincoderoga-và một khu trục hạm biến thành cái xác tàu. Nhưng vì tất cả tài nguyên đã cạn, ông quyết định gửi đến Đài Loan, đặt dưới quyền của Fukudomé, 47 phi cơ tốt nhất còn lại. Chính ông, ở lại tại chỗ với 10 phi cơ cũ kỹ chỉ có thể cất cánh được với chừng 30 phi công không thể nào di tản được. Cũng như hạm trưởng một chiến hạm không muốn bỏ tàu, Onishi nghĩ rằng bổn phận của ông là ở lại với những người “hèn mọn” tại các phi trường thuộc Phi Luật Tân, những người trong hơn ba tháng liền đã đảm trách một công việc làm bạc bẽo, việc làm của các cơ khí viên đằng sau bối cảnh của thiên anh hùng ca Kamikaze. Sau khi thiết lập ban chỉ huy trong núi, với một nhiệt tâm bất khuất, ông điều động tổ chức cuộc bố phòng theo chiều sâu tại phi trường Clark với nhân viên của không lực thuộc hải quân được vũ trang bằng đại liên, súng cá nhân và lựu đạn.
Khi công việc đang tiến hành tốt đẹp thì ông nhận được một công điện của Đô đốc Salomon nay là tư lệnh hải quân tại Manille, báo tin là ông phải cấp tốc trở về Nhật do lệnh của Tổng hành dinh Thiên hoàng. Phản ứng đầu tiên của Onishi là từ chối thi hành mệnh lệnh này. Phải có sự khẩn nài tha thiết của viên tham mưu trưởng của ông, đại tá Inoguchi, ông mới bằng lòng rời thuộc viên của mình. Kondo không để cho ông phải đòi hỏi giải thích nguyên nhân: “Tổng hành dinh Thiên hoàng đã chỉ định ông làm tư lệnh tất cả những gì còn lại của không lực thuộc hải quân tại Nhật Bản. Fukudomé sẽ gửi cho ông một phi cơ từ Đài Loan. Ông sẽ đi ngay khi phi cơ đáp xuống Clark.


Onishi nhượng bộ Kondo nói tiếp: “Inoguchi phải tập họp các phi công ưu tú nhất và các cơ khí viên còn sống sót của Đệ I không lực. Nhiều phi cơ khác cũng sẽ đến kiếm họ”.

Vài giờ sau, Onishi và Inoguchi vẫy chào tất cả thuộc viên giữa các pháo đài và hang động mà họ vừa thiết lập. Sự thử thách còn đau đớn hơn nữa vì sự ra đi của những người được tuyển lựa này có thể tạo cho người ở lại một cảm nghĩ đào nhiệm. Hôm sau Onishi rời phi trường Clark. Khi đến Đài Loan, phi cơ của ông thoát khỏi một phi đoàn khu trục Mỹ trong gang tấc. Lúc Fukudomé đến đón ông tại phi trường và chúc mừng sự may mắn mà ông vừa trải qua, ông buồn bã gật đầu. Trăm lần ông thích cái chết hơn là cái thử thách đang chờ ông.


Trong khi binh sĩ của Yamashita tổ chức kháng cự trong các dãy núi xanh om, trên đảo Lujon, đệ lục lộ quân của Tướng Mac Arthur đồn trú chung quanh Lingayen với sự chậm chạp huy hoàng vẫn thường chi phối các cuộc điều động các đại đơn vị. Cuộc kháng cự từng đợt của địch không đáng kể nhưng khung cảnh thiên nhiên của chiến trường và các sự phá hoại của quân Nhật đủ làm tê liệt đà tiến của chiến xa và thiết giáp. Mac Arthur dậm chân nóng nảy. Ông được báo tin rằng gần 3.000 người Phi Luật Tân và vài trăm người Mỹ bị nhốt trong các trại giam ở Manille đang chết đói dần mòn. Thấy rằng không thể nào sửa đổi lệnh di chuyển các sư đoàn bộ binh nặng nề được, ông cho gọi từ Leyte đến sư đoàn 1 khu trục hạm binh thân yêu của ông, sư đoàn mà ông sử dụng để đánh chiếm bất thần quần đảo Amiranté. Khi Tướng Oscar Griswold, tư lệnh sư đoàn, đến Lingayen, Mac Arthur nói với ông: “Hãy thọc sâu vào Manille! Bọc vòng bọn lùn, đẩy dồn bọn lùn lại, nhưng hãy thọc sâu vào Manille và giải phóng các con tin!”.


Sư đoàn 1 đổ bộ ngày 27 tháng giêng, và không có sự yểm trợ nào ngoài hai không đoàn thuỷ quân lục chiến, nó dấn mình vào con đường lồi lõm ngay hôm sau, bắc cầu qua những con sông nước lớn, vượt qua các đầm lầy. Coi thường các khẩu đại bác từ trên đồi cao bắn xuống, băng qua ruộng lúa để bọc vòng các ngã tư đường do quân Nhật chiếm giữ, trong ba ngày sư đoàn tiến xa 80 cây số. Ngày 3 tháng 2 năm 1945 lúc 18h 30, các chiến xa nhẹ của thiếu tướng Chase tiến vào Manille sau khi đẩy dồn các tiền đồn của quân trú phòng. Thiếu tướng thọc sâu bất định vào các con đường tối om và vắng ngắt của thành phố to lớn ấy, nhờ các hướng đạo viên và các chiến sĩ trong các chiến khu thu lượm dọc đường hướng dẫn. Chiến xa vượt qua con sông Pasig chảy ngang qua Manille trên chiếc cầu duy nhất còn lại nguyên vẹn và đột nhập vào tổng hành dinh đặt tại viện đại học San Thomaco, nơi các con tin bị nhốt. Bất ngờ vì cuộc tấn công sấm sét này, quân trú phòng trong viện đại học rút lui về nhiều dãy nhà khác nhau và hoả lực của họ càn quét các con đường kế cận. Chase ra lệnh bao vây khám nhà và gửi các đại biển đến gặp viên Đại tá Nhật, mà sau cuộc thảo luận kéo dài, bằng lòng phóng thích các con tin với điều kiện để cho ông thoát ra khỏi vòng vây cùng với binh sĩ mang theo vũ khí nhẹ. Thoả hiệp này được tôn trọng triệt để và đến bình minh hôm sau, 2.700 người Phi Luật Tân, 300 người Mỹ xanh xao ốm yếu và gần chết đói bước ra khỏi nhà giam, nơi họ bị nhốt suốt trong ba năm chết chóc.


Cuộc ngưng bắn này chỉ là tạm thời. Trước khi bộ binh của đệ lục lộ quân đến, 20.000 quân Nhật có mặt trong thành phố Manille đã có thì giờ đào hào đắp luỹ. Nhiều trận đánh trên đường phố cũng khốc liệt như tại Stalingrad diễn ra trong hai tuần ngay giữa các đống đổ nát, giữa nhiều bức tường đổ sụp lẫn lộn với thép gai và trong một mùi hôi thối không chịu nổi của các xác chết bị ánh mặt trời nhiệt đới hấp nóng. Ngày 3 tháng 3 năm 1945, khi pháo đài cuối cùng của Nhật bị triệt hạ bằng lựu đạn và súng phun lửa, thành phố chỉ còn là một đống gạch vụn ngổn ngang. Khách sạn Manille Hotel là một trong các cao ốc còn đứng vững và Mac Arthur còn có thể leo lên để thăm lại căn nhà xa hoa trong cảnh điêu tàn của ông. Ông tìm thấy lại ở đây chiếc đàn dương cầm vỡ nát, vài cuốn sách và các tài liệu bị cháy đến ba phần tư nằm sóng sượt trên những mảnh vụn của thư viện riêng. Người ta đã đánh nhau tại đó mấy hôm trước, từ tầng lầu này đến tầng lầu khác.


Tại Corregidor, sau khi được giải phóng nhờ một tiểu đoàn dù, ông vui sướng thấy lại được chiếc xe hơi Rolls xưa cũ được đánh bóng loáng và còn chạy được. Ông cho thượng quốc kỳ “sao và sọc” lên cột cờ của đồn binh trong khi cả một trung đoàn hát bản quốc ca. Sau vài phút nghi lễ tiếp đón, ông quay lại phía các binh sĩ tháp tùng và nói với họ: “Tạ ơn Chúa! Này các ông, chúng ta đến nơi rồi đấy!... Đoạn đường đã quá dài!...”

Không một người nào nghe ông lại có thể tưởng tượng được rằng công cuộc giải phóng toàn thể Phi Luật Tân sẽ còn đòi hỏi thêm năm tháng chiến đấu gay go nữa.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #101 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:16:42 am »

Vòng vây siết chặt

Iwo Jima, Okinawa

Sau cuộc đổ bộ lên Lingayen, hạm đội thứ 3 trở về Uliti, và Halsey trao quyền chỉ huy lại cho Đô đốc Spruance. Vài hôm sau hạm đội từ Saipan lại khởi hành để bắt đầu các cuộc hành quân tiến về phía Nhật Bản vốn đã bị chậm mất 4 tháng vì quả đấm móc Phi Luật Tân. Kế hoạch hành quân đã được bộ tham mưu của Nimitz và Spruance soạn thảo tỉ mỉ. Kế hoạch gồm có trước hết một cuộc đổ bộ lên tiểu đảo Iwo Jima nơi các phi trường có thể sửa sang lại cho các pháo đài bay sử dụng. Nằm giữa đường đi từ quần đảo Mariannes đến Nhật Bản, Iwo Jima sẽ là một phi trường tiếp cứu tương lai đối với các oanh tạc cơ gặp khó khăn, và là một phi trường đảm bảo sự nối tiếp các khu trục cơ cất cánh tại Saipan vốn không có tầm hoạt động đủ lớn để hộ tống từ đầu đến cuối các pháo đài bay B-29 trong các chuyến bay đến Nhật Bản và trở về. Căn cứ theo các tin tức không thám, Nimitz và Spruance ước tính rằng đảo này không được phòng thủ kỹ.


Iwo Jima biểu tượng cho một tính cách đặc thù thuộc các đảo cùng loại: đặc tính bị xáo trộn từ đầu thế kỷ tiếp theo sau một cuộc động đất dữ dội dưới đáy biển. Nó là một khối không có hình thù gì rõ rệt gồm các phiến dung nham và tro hoả diệm sơn. Không có một mảnh đất nhỏ trồng trọt được, cho nên dân cư trên đảo chỉ là các phu mộ lưu huỳnh trước khi người Nhật nghĩ đến chuyện thiết lập các phi trường trên đó. Trên bản đồ, Iwo Jima mang hình dáng một chiếc đầu của con Tapir, đầu mút của chiếc vòi có tua là một miệng núi lửa vươn thẳng từ mặt biển lên. Dưới chân núi lửa hình nón này, eo đất chỉ rộng từ 5 đến 800 bước, rồi hai bờ biển dang xa nhau đến mức rộng nhất là 5 cây số trong phần tạo thành cái sọ của con Tapir. Chính trong vùng bằng phẳng nằm giữa miệng núi lửa và các dãy núi là nơi có phi trường lớn nhất, nằm sát kế bên một bãi biển thẳng tắp dài 3 cây số. Bãi biển này là một bãi đổ bộ lý tưởng nếu có bị phơi bày dưới làn đạn tác xạ của các đại bác được che giấu trên núi lửa về phía bắc. Các tác giả của kế hoạch xâm chiếm đảo đã bỏ qua điểm bất tiện lớn lao này bởi vì họ nghĩ rằng một hòn đảo nhỏ bé dường ấy sẽ có thể bị hải pháo của thiết giáp hạm cày nát đến mức độ không còn có “một thước đất nào mà không có một hố đạn nổ”.


Chính vì đã dựa trên niềm hy vọng này mà sau ba ngày oanh tạc dữ dội, hải lực thuỷ bộ Mỹ đã đồng thời đổ bộ sư đoàn 4 và 5 thuỷ quân lục chiến1 (Hai sư đoàn mới mẻ vừa được thành lập) trên suốt chiều dài của bãi biển. Ngày đầu tiên, mọi việc đều êm xuôi. Không có một phản ứng nào của địch và phi trường bị chiếm dễ dàng. Hy vọng đã được xác nhận rằng quân trú phòng bị nghiền nát ra bột. Nhưng giữa trưa hôm sau, các sườn núi đột nhiên nhiều ánh lửa nổi lên lốm đốm. Nhiều đại bác ló ra khỏi miệng hầm như những con chim báo giờ trên kiểu đồng hồ cũ rồi biến ngay lập tức. Một lưới đạn đại bác úp chụp lên đầu cầu quân đổ bộ, giết chết 570 thuỷ quân lục chiến và làm bị thương 1.700 người. Trận đánh Iwo Jima bắt đầu.


Nó sẽ kéo dài trong bốn tuần lễ rùng rợn dưới những điều kiện còn tệ hại hơn cả tại Bétio, tại Guam và tại Peleliu, bởi vì tại đây các pháo đài không phải là hầm hố công sự thường bằng thân cây và bằng đá, mà chính là các hang động hùng tráng được sửa chữa lại giữa các khối dung nham, trong đó mùi hôi thối từ xác chết trộn lẫn với hơi lưu huỳnh và hơi nước trên mặt biển bị đè nặng bởi khói phun ra từ các ống khói của các mỏ lưu huỳnh. Tất cả các công sự đều thông thương với nhau bằng những hành lang. Nước, điện, không khí được dẫn vào trong đó bằng các đường ống ngầm dưới đất. Những chỗ ẩn nấp rộng rãi nhất được sửa sang thành bệnh xá, kho vật liệu hay trại lính.


Tác giả của tổ chức phòng thủ kiểu mẫu này là trung tướng Kuribayashi, người mà đài phát thanh Đông Kinh đã nói-ít ra lần này cũng không quá đáng-rằng “bụng chứa đầy nhiệt tâm chiến đấu và biết rõ hòn đảo của ông đến nỗi có thể tìm thấy tất cả các hang chuột trên đó”. Với 20.000 người và vài trăm công nhân Cao Ly, thiên tài của chiến thuật phòng thủ ất đã đương đầu trong suốt 36 ngày dưới một thảm bom như thác lũ và 60.000 thuỷ quân lục chiến Mỹ. Theo lời Đô đốc Nimitz, ông đã đạt đến “mức toàn thiện trong nghẹ thuật làm cho cường độ tác xạ của pháo binh tương xứng với kích thước của phi trường”. Đây là lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh bắt đầu, ông đã ghi khắc vào tâm trí người Nhật mối ưu tư cho sự an toàn của chính bản thân họ; cùng với Shakespeare ông ước tính rằng “một người nhút nhát còn sống còn hơn là một vị anh hùng gục chết” bởi vì một người lẩn tránh một cách có ý thức là có thêm một chiến binh cho ngày mai. Nhưng số “người nhút nhát còn sống” của Kuribayashi không đủ để chặn đứng biển người quân Mỹ vốn đã thay thế luôn luôn các “anh hùng gục chết” bằng các quân đoàn mới, từ từ theo nhu cầu kể từ ngày 10 tháng 3 năm 1945, thuỷ quân lục chiến dưới quyền Tướng Schmidt đã xuyên vào phòng tuyến hỗn loạn của quân Nhật và chia cắt đội quân trú phòng kiệt sức thành từng mảnh vụn.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #102 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:17:21 am »

Người ta đã không tìm thấy được xác của Tướng Kuribayashi trong mê cung hang động tại Iwo Jima mà phần lớn đã bị bít kín vĩnh viễn, tuy nhiên giấy tờ lượm được trong một hầm núp dường như cho thấy rằng ông đã tự tử. Các thông dịch viên Nhật của đoàn thuỷ quân lục chiến đã dịch một tài liệu mà họ cho là bản chúc thư của ông tướng, hay đúng hơn là thỉnh nguyện cuối cùng của ông xin Thiên hoàng xá tội, người mà trước đây ông đã chỉ huy đoàn quân danh dự để bảo vệ. Ông diễn tả “những lời xin lỗi hèn mọn nhất vì đã bị bắt buộc phải để cho một cứ điểm chiến lược quan trọng đến thế rơi vào tay quân thù” và trong tài liệu này ông đã có ám chỉ mơ hồ đến sự bại trận không thể tránh khói của Nhật Bản bằng cách khẩn cầu chủ nhân của ông “đừng bao giờ mất niềm tin nơi định mệnh vĩnh cửu của dân tộc”, và hứa với Thiên hoàng là “sau khi chết sẽ hiện về giúp làm hồi sinh quân lực Thiên hoàng”.


Tài kháng cự sau cùng còn lại phía đông bắc của tiểu đảo đã có thể bị tiêu diệt dần dần nhờ nhiều chiến cụ đang còn được thí nghiệm “chiến xa phun lửa, xe ủi đất bọc thép”. Ngày 26 tháng 3 năm 1945, thuỷ quân lục chiến của sư đoàn 5, mặc dầu thể xác và tinh thần mệt mỏi, đã có thể xuyên nhập vào đằng sau quân trú phòng vào trong các hầm hố và hang động. Nhưng 200 quân Nhật xâm nhập ngang qua các phòng tuyến, hôm đó mưu toán một đợt phản công. Họ bị tiêu diệt bởi các tiểu đoàn thu dọn chiến trường đi sau thuỷ quân lục chiến. Đấy là những cái giật mình hấp hối của quân phòng vệ Iwo Jima.


Sự “diên trì” tại Iwo Jima đã giúp cho những người tổ chức cuộc tấn công kế tiếp có đầy đủ thì giờ hoàn thành kế hoạch hành quân. Kế hoạch này gồm có một đổ bộ 120.000 người lên đảo Okinawa rộng lớn nằm cách quần đảo Nhật Bản 300 hải lý về phía nam. Không một sư đoàn thuỷ quân lục chiến nào từng tham dự cuộc chinh phục trước đó sẽ lại được sử dụng trong cuộc đổ bộ này. Iwo Jima là một vụ thuần tuý của “thuỷ quân lục chiến". Okinawa sẽ chủ yếu là của “bộ binh", với sự vận dụng các đại đơn vị, sự sử dụng chiến xa và chiến tranh cơ động. Ngoài kích thước, địa hình của đảo này không có điểm nào có thể so sánh với Iwo Jima. Okinawa là một hòn đảo kéo dài (107 cây số trên 2 đến 5 cây số bề rộng), bờ biển viền xung quanh bị bào xoi, có vẻ bị bỏ rơi ngay giữa mặt biển, như là một miếng cuối cùng của trò chơi ghép hình mà không ai có thể ráp được vào mê cung của bờ biển đối diện.


Bộ tham mưu của Đô đốc Turner hy vọng có thể đổ bộ thật nhanh chóng bốn sư đoàn của thiếu tướng Simon Bolivar Buckner. Với một hạm đội bành trướng hàng tuần, Spruance nay có 20 mẫu hạm1 (Trong đó có 4 của Anh, sau khi Đức đầu hàng, đã được đưa đến cùng với thiết giáp hạm King George V, để nhập đoàn với hạm đội Mỹ-mặc dầu không được yêu cầu), 8 thiết giáp hạm, 15 tuần dương hạm và vố số khu trục hạm, trong số này một vài chiếc được sửa sang lại thành “Pipqueta Radar” để đảm trách nhiệm vụ báo động phi cơ địch từ xa. Các phi đoạ của Tinian đã được nới rộng, các pháo đài bay B-29 của tướng Curtis Le May đã bắt đầu các cuộc không tập dò dẫm đầu tiên trên đất Nhật Bản và chuẩn bị cuộc oanh tạc ồ ạt vào các trung tâm kỹ nghệ. Các mẫu hạm của Mistcher cũng đã thực hiện các cuộc không tập trên những thành phố cận duyên. Do đó lực lượng khu trục cơ địch luôn luôn bị đặt trong tình trạng báo động, nên không thể nào hộ tống các oanh tạc cơ, lại càng ít có thể hy sinh hơn cho các cuộc tấn công tự sát. Gia dĩ, các phi cơ Kamikaze lại được chú ý vì sự vắng mặt tại Iwo Jima và ai cũng hy vọng là quân Nhật đã tung ra những con ma trời cuối cùng rồi.


Trong tâm trí của Uỷ ban tham mưu hỗn hợp, lấy được Okinawa là đảm bảo được cuộc phong toả cuối cùng quần đảo Nhật Bản, giúp thiết lập các phi trường tiếp liên cho pháo đài bay B-29 đặt căn cứ trên lãnh thổ Trung Hoa và cung ứng một căn cứ xuất phát lý tưởng cho cuộc xâm chiếm cuối cùng toàn bộ quần đảo Nhật Bản. Do đó, đây là một cuộc hành quân tối quan trọng về mặt chiến lược, và chính phủ Hoa Kỳ không nề hà tổn thất. Hơn nữa chính phủ Hoa Kỳ còn bí mật nuôi dưỡng niềm hy vọng rằng một sự vận dụng lực lượng như thế nhằm vào các bờ biển, sẽ thúc giục đối phương chấp nhận “đầu hàng vô điều kiện" do Tổng Thống Roosevelt đòi hỏi, mà không cần phải đi đến chỗ đổ bộ lên chính lãnh thổ Nhật Bản.


Hy vọng như thế quả là đã ru mình trong ảo tưởng. Từ lâu, Tổng hành dinh Thiên hoàng đã sợ một cuộc tấn công lên Okinawa, nên đã dồn vào đấy một đạo quân hơn 100.000 người, đặt dưới quyền chỉ huy của Tướng Ushijima, một trong các sĩ quan sáng chói nhất của lục quân. Cuộc kháng cự lâu dài tại Iwo Jima đã giúp hoàn thiện hệ thống phòng tại Okinwa. Trong khi hạm đội Mỹ điều động để tiêu diệt chúng thì tất cả các phương tiện hải quân và không quân Nhật sẽ khởi động trên đảo này. Kế hoạch mang ám danh “Ten-Go” ấy trước hết dựa vào chiến thuật của “các cuộc tấn công đặc biệt”. Hàng ngàn thanh niên được đào tạo cấp tốc thành hoa tiêu, rồi được huấn luyện các kỹ thuật Kamikaze dưới quyền lãnh đạo tối cao của Onishi. Tất cả các phi cơ còn bay được đều được tập trung trên các phi trường tại Kiou Siou. Các bom bay “Hoa anh đào”, các khinh tốc đỉnh Shinio chứa đầy chất nổ và các thuỷ lôi do người lái Koiten đang được sản xuất ồ ạt, bổ túc cho bộ sưu tập vũ khí rùng rợn được đưa ra cho những người tình nguyện tìm cái chết chọn lựa.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #103 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:18:26 am »

Hoả thiêu Đông Kinh

Nhưng khi các chi tiết thi hành đang được chuẩn bị, một biến cố xuất hiện đột ngột đã làm thay đổi hoàn toàn không khí cho đến lúc đó tương đối yên tĩnh cho các hội nghị tại Tổng hành dinh Thiên hoàng. Ngày 9 tháng 3 năm 1943, một vụ hoả hoạn bề ngoài có vẻ là do tai nạn đã được loan báo giữa đêm khuya tại khu vực trung ương Đông Kinh, một pháo đài bay B-29 lợi dụng cơ hội đó đã hạ xuống thấp bằng cách ẩn mình trong đám khói. Đến 23 giờ 30, chiếc oanh tạc cơ này bị trông thấy và cao xạ D.C.A bắt đầu hoạt động, nhờ thế toàn thể thành phố lâm vào tình thế bị xác định với những tiêu mốc chính xác. Vài phút sau, các giàn rada báo hiệu cả một đoàn phi cơ vĩ đại đang tiến đến gần, và những trái bom đầu tiên bắt đầu rơi xuống Đông Kinh. Dân chúng ở khu vực công nhân Koto, một khu vực dường như bị đặc biệt nhắm đến, nghe những tiếng nổ chát tai rất khác lạ với tiếng động sắt ngọt của loại bom nổ, và cũng không có những ánh chớp rung chuyển soi sáng bầu trời đột ngột làm hiện ra những mái nhà kiểu Trung Hoa. Không có gì đáng lo lắm, chung qui các quả bom ấy… ít ra cũng rơi cách xa.


Nhưng nửa giờ sau cuộc biểu diễn kỳ lạ đó, một ánh lửa đỏ rực bắt đầu bốc cao lên trên khu vực Koto. Bom vẫn tiếp tục rơi, ánh lửa lan rộng và dần dần đạt đến một cường độ quáng mắt. Cả khu ngoại ô đồng loạt bị hoả thiêu dưới hiệu quả của loại bom đốt cháy có hiệu lực ghê gớm1 (Đây là một loại bom Napalm trứ danh mà một trong các phụ tá của Tướng Le May, thiếu tá Powers, sau khi thấy hiệu quả tại Tainan, đã thuyết phục cấp chỉ huy của mình sử dụng trên các thành phố Nhật-Nay là Trung tướng Powers là tư lệnh lực lượng không quân chiến lược của Hoa Kỳ). Cho đến 3 giờ 30 sáng, các pháo đài bay B-29 liên tiếp bay đến trên thủ đô Nhật Bản với một cao độ mà cao xạ D.C.A. không làm phiền được. Những người dân đáng thương ở các khu vực ngoại ô lập tức thấy bị ngọn lửa bao vây, liền chạy ùa ra tứ phía hy vọng thoát khỏi sức nóng của lò lửa. Nhưng dường như gió vẫn luôn luôn quay cuồng, và luôn luôn hạ ngọn lửa úp chụp lên những kẻ chạy trốn đang chạy tháo lui để rồi đụng phải một biển người khác.


Mặt trời lên cao chiếu sáng một quang cảnh rùng rợn. Những người ốm yếu, bệnh hoạn, già cả, trẻ con bị ngã trước tiên và bị dẫm chết. Những kẻ mạnh nhất chạy đến được bờ sông, kiệt sức nằm sõng sượt bên bờ, “như những con cá trong một cái hồ cạn nước”. Ngọn lửa đã kéo theo một mức độ hấp thụ dưỡng khí đến nỗi không khí dưới mặt đất không thở nổi. Hiện tượng chết ngạt ấy cũng lan tràn trong nhà dân chúng, trong các giao thông hào và hầm trú ẩn. Một khi đã bị hạn chế, ngọn lửa vẫn tiếp tục cháy trong 4 ngày. Sau đó, những người sống sót còn mạnh khoẻ hiếm hoi tiến vào đống đổ nát để tìm thân nhân hay của cải. Rồi các toán hướng đạo sinh đổ đến để tôi ra hàng núi xác chết ít nhiều bị cháy thành than tràn ngập cả đường phố. Xác chết được kéo bằng móc cho đến các xe vận tải để chuyên chở đến lò thiêu xác được ứng biến thiết lập.


Mặc dầu đã cho áp dụng các biện pháp đề phòng, nhưng cũng không thể nào giấu được bản kết toán hãi hùng với dân chúng tại các khu vực khác thuộc thủ đô. Hệ thống vận tải bị hỗn loạn, thực phẩm trở nên hiếm hoi, trên các đường phố tại Đông Kinh, nỗi kinh hoàng có thể đọc được trên khuôn mặt tất cả mọi người.


Tổng hành dinh Thiên hoàng khi nhận được các báo cáo phòng thủ thụ động đầu tiên (hơn 60.000 chết, 48.000 bị thương, hàng chục ngàn nhà cửa bị thiêu huỷ) đã hiểu rằng loại bom lửa mới có thể giúp cho người Mỹ tận diệt dân Nhật trong các ngôi nhà bằng gỗ và bằng giấy của họ. Ngay khi Thủ tướng Nhật được báo tin, ông tiếp xúc với những nhà ngoại giao trung lập ngay lập tức để nhờ họ áp lực với các chính phủ đồng minh nhằm tiến tới thương thuyết hoà bình, nhưng ông cố ý không để cho họ tất cả các tổng bộ trưởng biết-đặc biệt là các bộ trưởng lục quân và hải quân. Thật vậy nếu ý tưởng về một nền hoà bình “nhục nhã” không hề được thoáng qua trong trí óc các lãnh tụ quân sự, thì ý tưởng về một cuộc đầu hàng không điều kiện lại càng không thể nào được họ nghĩ đến. Vả chằn sự phẫn nộ do cái tang ngày 9 tháng 3 gây ra chỉ làm cho nhiệt tâm của họ được củng cố thêm. Giờ đây cuộc hành quân Ten-Go mang một âm vang sâu xa hơn: nó sẽ là một “cuộc xung phong Banzai” đầu tiên mà toàn dân sẽ lao vào để làm cho địch quân phải thất vọng vì kết quả của chiến thắng và bắt địch quân phải trả quá mắc cho chiến thắng ấy.


Các cuộc thảo luận cuối cùng tại Tổng hành di Thiên hoàng được khai diễn trong trạng thái tinh thần mới ấy. Một trong các câu hỏi đầu tiên được đặt ra là sự tham chiến của hạm đội: “Các chiến hạm sẽ làm gì trong lúc lục quân đang hy sinh trong các hang động tại Okinawa và các phi cơ Kamikaze đâm vỡ tan vào các mẫu hạm địch”.


Toyoda không dám trả lời: “Chúng tôi sẽ ở lại các hải cảng trong khi chờ đợi một cơ hội tốt đẹp hơn”. Các tướng lĩnh gặp cơ hội thuận tiện để nói với ông rằng chính vì sự chờ đợi cơ hội tốt nhất này mà xứ sở bị đẩy đến vực thẳm. Do đó ông đành đề nghị một cuộc hành quân đánh lạc hướng với những gì còn lại của hạm đội Ozawa để lôi kéo một phần hải lực của Mỹ đang tập trung chung quanh Okinawa. Giải pháp này dường như cũng không đủ đối với đa số các sĩ quan hiện diện, do đó đã có quyết định phái toàn diện hạm đội vào một cuộc xung phong tự sát để tiêu diệt tất cả chiến hạm Mỹ nào thoát khỏi tay phi cơ Kamikaze.


Một tuần lễ sau, những phi cơ thám sát hiếm hoi còn lại của Nhật còn bay trên hải phận báo hiệu thấy một hạm đội vĩ đại của địch bao phủ mặt biển đến ngút ngàn, đã rời Mariannes và dường như tiến về Okinawa. Cùng ngày hôm đó, quân Mỹ đã đặt đảo nào dưới một đợt oanh tạc và hải pháo nghiêm khắc vốn chỉ là sự khởi động của một cuộc hành quân tấn công.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #104 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:19:54 am »

Hồi chung cục của Hạm đội liên hợp

Ngày lễ Phục sinh 1 tháng 4 năm 1945, 1.200 chiến hạm đủ mọi cỡ của hạm đội Mỹ bố trí về phía tây nam đảo Okinawa trước các bãi biển đổ bộ. Trong nội buổi sáng, 50.000 quân đã được đổ lên bờ và có thể chiếm các phi trường kế cận Yontan và Kadena mà không gặp một sự chống đối nào cả. Đến 16 giờ các hải vận hạm chính đã có thể nhổ neo đi chở các đơn vị đổ bộ tiếp theo. Chúng bị ngạc nhiên khó chịu với các cuộc tấn công của hai phi cơ Kamikaze, mỗi chiếc đâm trúng một hải vận hạm. Đấy là biến cố duy nhất của ngày đầu tiên. Một sự im lặng hoàn toàn, giống như thế đã đánh dấu 4 ngày kế tiếp. Các đơn vị lần lượt được đổ bộ và bố trí trên phần phía nam đảo. Tướng Buckner đồn trú vững chắc quân sĩ của ông trên các cánh đồng rải rác vườn cây và vườn hoa trải dài từ đỉnh núi Kakazu bị pháo đài xưa cũ Shuri chế ngự, và eo đất rất chật hẹp Ishikawa, thắt chặt lại như một chiếc nịt ngực ngay đoạn giữa hòn đảo rộng lớn.


Dư luận chung rất là lạc quan. Binh sĩ của lục quân trong tâm trí chờ đợi được thấy một cảnh trí lỗ chỗ hố bom đạn như cảnh mặt trăng, đã nói đùa với nhau và nói bóng gió rằng các câu chuyện về Iwo Jima do thuỷ quân lục chiến kể lại đều “đã quá phóng đại như thường lệ”. Phần nguy hiểm nhất của một cuộc hành quân loại này là lúc đổ quân lên bờ, sự kiện đổ bộ thành công 200.000 người dường như là một triệu chứng tốt. Cuộc tấn công vào các đỉnh núi phía Nam đảo, các đỉnh Kazuka và Shuri, được ấn định vào ngày 9 tháng 4.


Tuy nhiên trước bình minh ngày 6, trong khi các chiến hạm Mỹ chuẩn bị thực hiện cuộc hải pháo buổi sáng vào các cứ điểm của Nhật, thì tiếng nổ dòn của cao xạ D.C.A đã phá tan sự im lặng. Những chùm bom đã quấy rộn mặt biển im lặng. Lần này, không còn nghi ngờ gì nữa, địch quân đã phản ứng.


Và phản ứng kinh khủng biết bao! Hai khu trục hạm đang tuần tiễu trước các đại chiến hạm đã hoàn toàn bị Kamikaze phá huỷ, những chiếc khu trục hạm làm mốc rađa có phận sự canh phòng không phận ngoài khơi,phải chịu đựng một trận đánh vô vọng với các phi cơ tự sát ào tới hết đợt này đến đợt khác không ngừng nghỉ. Chính cảnh địa ngục tại Lingayen đã được tái diễn với tầm mức rộng lớn hơn nhiều. Trong vài phút tất cả các khu trục cơ trên các mẫu hạm đều cất cánh và nhiều cuộc không chiến ác liệt diễn ra trên các khu trục hạm làm mốc rada để toan tính chặn đứng phi cơ Kamikaze. Những tiếng nổ của đạn phòng không làm bầu trời nổi đốm đen giống như những quả bong bóng của trẻ con, trong đó những cánh phi cơ Zéro tơi tả hay những thân phi cơ oanh tạc nặng nề nhào lộn theo hình chữ chi. Đa số các máy bay tấn công đã kéo theo sau những vệt khói. Thỉnh thoảng một phi cơ đâm xuống nước bùng cháy một thoáng rồi nổ tan và biến mất trong một xoáy nước đen ngòm. Đôi khi nhiều cuộn khói nặng nề đã bốc lên cao từ chính các chiến hạm. Đến 4 giờ chiều, cơn cuồng nộ dịu hẳn đột ngột cũng như khi bắt đầu. Số lượng các cuộc tấn công tự sát lên đến 355. Một số gần tương đương oanh tạc cơ tung ra các đợt tấn công cổ điển rất hữu hiệu, phi cơ săn giặc Mỹ hoạt động không xuể, gần như không có chiếc nào bị bắn hạn.


Nếu tổn thất về phi cơ của Mỹ cực kỳ thấp, thì tình thế lại khác hẳn đối với hải lực: 6 khu trục hạm bị đánh chìm, 17 chiến hạm các kiểu bị thương tổn trong đó có 10 chiếc vĩnh viễn không còn sử dụng được nữa. Số tử thương là 466, số bị thương-phần đông là bị bỏng khó sống-lên đến 568.


Trong lúc diễn ra loạt tấn công mệt nhoài ấy, hạm đội Nhật đã khởi hành cho chuyến ra đi tự sát, theo đúng kế hoạch Ten-Go. Quyết định dứt khoát đưa thiết giáp hạm Yamato, tuần dương hạm Yahagi và 8 khu trục hạm, tức là gần toàn diện hải lực tại chính quốc của Nhật, vào chỗ chết, đã được chuyển đến cho các giới chức liên hệ. Những người này cũng không ít ngạc nhiên khi biết rằng hải đội được cấu tạo như thế lại được giao cho Phó Đô đốc Ito, mặc dầu ông ta chưa bao giờ chỉ huy một trận hải chiến, mà suốt thời kỳ chiến tranh chỉ làm việc tại Bộ Tổng tham mưu. Sự kiện duy nhất này chứng tỏ rằng Tổng hành dinh Thiên hoàng không có một phút nào nghĩ đến một trận hải chiến thật sự sẽ xảy. Hiểu rằng một cuộc điều động ra đi trong các điều kiện như thế sẽ gây nên biết bao lời chỉ trích, Toyoda phái viên tham mưu trưởng của mình, Kusaka, đến thiết giáp hạm Yamato để hội họp với các sĩ quan cấp tướng của hạm đội. Những giới chức này sau khi biết rõ chuyện gì, yêu cầu một thời hạn để lấy ý kiến các hạm trưởng. Toàn thể đều nhất trí gạt bỏ ý tưởng một sứ mạng-tự sát kiểu này, không phải vì một sự hy sinh nhường ấy đã làm cho họ công phẫn, nhưng bởi vì nó không có một cơ may nào được bù trừ bởi sự phá huỷ một mục tiêu quan trọng.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #105 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:21:13 am »

Trên chiếc tuần dương hạm Yahagi, Đề đốc Komura, tư lệnh hải lực nhẹ, triệu tập 6 đại tá và 3 trung tá hạm trưởng dưới quyền. Tham mưu trưởng của ông. Đại tá Hara, sẽ sống sót sau thảm cảnh, đã kể lại cho chúng ta mọi chi tiết về quang cảnh đã diễn ra trên chiến hạm của ông. Chúng ta ghi lại ở đây qua những nét chính:

-“Các ông, Komura nói, tất cả các ông đều đã thấy kỳ hiệu được kéo lên chiếc Yamato ra lệnh cho chúng ta thực hiện hành quân Ten-Go. Cuộc hành quân này đơn thuần chỉ là một cuộc tự sát, và tôi đã nói điều đó với vị tham mưu trưởng của hạm đội liên hợp. Tôi được sự đồng ý của hai vị Đề đốc hiện diện. Phó Đô đốc Ito giữ im lặng khiến tôi không rõ ông nghĩ gì. Như các ông đã biết, tôi là tham mưu trưởng của Ozawa khi ông ta bị phái đi đóng vai trò nhử mồi trong vùng biển Phi Luật Tân. Tôi đã thấy một số lớn binh sĩ của ta bị giết chết. Tôi không chú ý đến số phận của bản thân tôi, nhưng tôi ghê tởm việc bắt thuỷ thủ đoàn của ta hy sinh trong một cuộc hành quân vô ích như vậy. Do đó tôi yêu cầu có một thời hạn để biết quan điểm của các ông”.
Một sự im lặng suy tư tràn ngập khiến không một ai dám khuấy động. Đột nhiên một trong các đại tá hạm trưởng cất lời:

“Có phải Kusaka đến đây dùng sức mạnh bắt ta thi hành lệnh không?

-Ông ta không nói đến mệnh lệnh, Komura trả lời. Không ai có thể ra lệnh cho người khác phải chết. Có thể là ông ta có mệnh lệnh ấy, nhưng ông ta không nhắc nhở đến. Ông ta chỉ đòi hỏi những đề nghị của các ông”.

Viên sĩ quan lại cất lời, giọng lạc hẳn đi: Tôi có mặt với Kurita tại Leyte. Cuộc hành quân ấy đã lố bịch rồi. Cuộc hành quân mà nay chúng ta được yêu cầu thi hành càng lố bịch hơn. Chúng ta sẽ chết tất cả và còn lại gì để phòng vệ chính quốc?”.

Lời thuyết minh này có hiệu lực làm mọi người hết cứng lỗi. Có những tiếng la “chúng tôi cũng nghĩ như ông ấy” Nhiều tiếng thì thầm tán đồng lan tràn. Cuộc hội nghị chuyển qua một khúc quanh kỳ dị. Đô đốc Komura vẫn im lặng, mắt lim dim. Hạm trưởng Hara, người rất có ảnh hưởng trong số các hạm trưởng khu trục hạm lên tiếng:
“Giải pháp thông minh nhất theo ý tôi là thực hiện các cuộc hành quân biệt lập trên trục giao thông quá kéo dài của địch. Chiến hạm của tôi, chiếc Yahagi, có một rada và một máy Sonar mà rốt cuộc ta phải hãnh diện. Tôi sẽ tiêu diệt ít ra là một nửa tá chiến hạm trước khi bị khám phá. Thế còn hơn là giải pháo mà người ta đề nghị cho chúng ta vốn chỉ là đem trứng chọi đá”.


Lúc ấy nhiều hạm trưởng khác cũng đưa ra các đề nghị tương tự. Tất cả đều hãnh diện với chiến hạm của mình và tỏ ra nóng nảy vì ham muốn tung chúng vào trận đánh. Cái chết không quan trọng lắm đối với họ, nhưng với điều kiện là chết để phục vụ cho một cái gì, và họ biết các thuỷ thủ đoàn cũng bị khích động bởi cùng những ham muốn như họ. Một trong các hạm trưởng kết luận cuộc tiếp xúc bằng những lời được nói lên với nhiệt tình chan chứa:

“Toàn diện chiến hạm Asashino của tôi đều được giương về trận đánh, Xin hãy cho nó một cơ may để phục vụ đắc lực cho tổ quốc!”

Lúc đó, Komura cho dọn bữa ăn trưa. Không một ai đụng đến bữa ăn, các sĩ quan tiếp tục trao đổi quan điểm.

Đúng 13 giờ, Đô đốc đi đến chiếc Yamato. Ông trở về lúc 15 giờ và mặt tái ngắt bước vào phòng khách nơi các sĩ quan chờ ông:

“Tôi đã chấp nhận thi hành mệnh lệnh. Nó sẽ có hiệu lực lúc 15 giờ 30”.

Sau khi liếc mắt nhìn quanh, ông kể lại chuyện gì đã xảy ra:

“Tôi đã trình bày quan điểm của các ông và nhấn mạnh rằng tôi cũng chia sẻ quan điẻm ấy. Kusaka và Ito chăm chú nghe tôi. Nhưng khi tôi dứt lời, Kusaka đã giải thích rằng đây là một cuộc điều động đánh hướng để tập trung các phi đoàn của những hàng không mẫu hạm địch trong lúc hàng trăm phi cơ Kamikaze tại Kiou-Siou tấn công vào các chiến hạm chở quân đổ bộ. Ông ta kết thúc bằng cách nói rằng kế hoạch không do ông vạch ra nhưng ông tin rằng đợt ra quân của chúng ta sẽ không kết thúc một cách vô ích như các lần trước. Và để trả lời câu hỏi của một vị Đô đốc, ông ta nói thêm rằng toàn thể xứ sở sẽ phẫn nộ nếu như chiếc Yamato vốn đã bị công khai mệnh danh “khách sạn nổi của những Đô đốc ngu xuẩn” vẫn còn nguyên vẹn khi chiến tranh chấm dứt, sau khi nghỉ ngơi trong 3 năm liền không hề bắn một phát đại bác. Lúc đó Đô đốc Ito phá vỡ sự im lặng đầy bối rối tiếp sau lời của Kusaka.

“Thưa các ông, ông ta bảo, chúng ta được cung ứng một cơ hội để chết một cách vinh dự. Một võ sĩ đạo luôn luôn sẵn sàng hy sinh đời sống của mình”.

“Câu nói nhắc nhở đến chân lý ấy đã chấm dứt cuộc thảo luận. Tất cả chúng tôi đều hứa thi hành mệnh lệnh".

Komura cúi đầu xuống khi nói những lời này, như là để xin lỗi vì đã nhượng bộ áp lực của thượng cấp.

Lúc ấp, đại diện mọi người, Hara lên tiếng, tin chắc là sẽ diễn tả đúng tư tưởng của họ:

“Thưa Đô đốc, chúng tôi xin cám ơn ông đã trình bày ý tưởng của chúng tôi. Nhưng lệnh là lệnh. Chúng tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình”.

Các sĩ quan nghiêng người tỏ dấu hiệu dồng quan điểm, và cáo biệt để trở về chiến hạm.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #106 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:22:06 am »

Công cuộc chuẩn bị nhổ neo được thực hiện lập tức, rồi các bệnh binh được di tản cũng như các sinh viên sĩ quan đang thực tập và tất cả những nhân viên không cần thiết lắm. Nhiều người trong số này muốn ở lại trên chiến hạm, và phải dùng mệnh lệnh bắt buộc họ rời tàu. Đến tối, Komura triệu tập tất cả các hạm trưởng để ăn bữa cơm vĩnh biệt. Ông đã tìm thấy lại được thái độ nhã nhặng thường lệ và mời các thực khách uống rượu Saké thả giàn. Dạ tiệc diễn ra trong một bầu không khí siêu thực. Ai cũng tỏ ra vui sướng, nhưng sự đùa giỡn trong phòng ăn sĩ quan, những câu chuyện vui về chiến trận tạo nên những tràng cười và hoan hô. Sau khi các hạm trưởng khu trục hạm ra đi, đô đốc Komura và hạm trưởng Hara chấp thuận đến phòng ăn của sĩ quan cấp dưới thuộc chiến hạm Yahagi. Ở đấy cũng thế, rượu Saké chảy như thác cho đến 23 giờ, và đêm thức canh phòng chấm dứt trong một truyền thống thuần tuý Nhật Bản, ai nấy đều che dấu vẻ mệt nhọc và say sưa do sự tôn trọng một sự câu thúc có tính cách nghi lễ.


Hôm sau ngày 6 tháng 4 năm 1945, lúc 16 giờ, siêu thiết giáp hạm Yamato, tuần dương hạm Yahagi và 8 khu trục hạm hộ tống của chúng nhổ neo rời Tokayama để thực hiện chuyến hải trình cuối cùng. Đô đốc Ito ra lệnh men theo bờ biển phía đông đảo Kiou Siou trong đêm tối. Đến 4 giờ sáng ngày 7, ông ra lệnh hướng về phía tây để lôi kéo càng xa càng tốt các phi cơ địch vốn sẽ không chậm trễ cất cánh săn đuổi.


Chúng không chậm trễ thật. Lúc 11 giờ 30, một trong các trạm gác giặc trên đảo Amami báo hiệu “250 phi cơ địch, tiến về phía bắc”. Đó là các phi cơ của Lực lượng đặc nhiệm 58 của Spruance đã từng được báo tin từ đêm hôm trước về sự xuất đầu lộ diện của hạm đội Nhật. Bốn mươi phút sau, các rada của chiếc Yamato thấy chúng xuất hiện trên mặt kính và Ito thông báo tin tức cho tất cả chiến hạm đồng thời ra lệnh dang va nhau và chạy hết tốc lực. Từ trên đài chỉ huy chiếc Yahagi, Komura và Hara thấy chiếc thiết giáp hạm danh tiếng, mà hải quân sùng bái “bằng một thứ niềm tin gần như tôn giáo”, hơi hướng mũi lên trời nâng cao hai làn sóng vĩ đại hai bên sống mũi tàu. Trong cơn mưa phùn bay lất phất, nhìn thấy chiếc thiết giáp hạm thần tuý và hùng tráng ấy rẽ sóng với tốc độ 35 gút, quả là một quang cảnh khích lệ, mặc dầu tình thế đã đến lúc nghiêm trọng. Những người không được dự kiến cuộc tàn sát tại Leyte không thể tưởng tượng được rằng một chiến hạm khổng lồ như thế lại có thể gục ngã dưới sức tấn công của phi cơ. Nhưng Komura là người, đã trông thấy thiết giáp hạm Musachi bị đánh chìm, nên không hề nuôi ảo tưởng.


Lúc 12 giờ 20 trưa, một cơn mưa rào bất chợt bao phủ các chiến hạm trong một màn sương lờ mờ. Không một phi cơ nào bị nhìn thấy mặc dầu các rada canh chừng không phận của chiếc Yawato vẫn có thể theo dõi chúng trên màn ảnh và ra lệnh hướng về phía chúng, tất cả các nòng đại pháo của thiết giáp hạm kể cả những khẩu đại bác khổng lồ 460 ly.


Đột nhiên trinh sát viên của chiếc Yahagi la lớn: “Hai phi cơ tả mạn phía trước!” và lập tức tất cả súng phòng không của tất cả các chiến hạm bắt đầu nổ tứ phía. Không phải chỉ có 2 chiếc phi cơ bay ra khỏi các đám mây mà là 20 chiếc, 40 chiếc, 50 chiếc… Ngay sau đó, bom rơi xuống. Tuần dương hạm Yahagi và các khu trục hạm chạy chữ chi hỗn loạn để toan tránh bom, nhưng, nhưng các làn sóng thuỷ lôi màu lam đã xé mặt biển chung quanh các chiến hạm. Thỉnh thoảng một khu trục cơ đâm bổ xuống ngang các cột buồm và càn quét cầu tàu bằng đại liên.


Đến 12 giờ 40, tức là 10 phút sau khi phi cơ địch đến, chiếc Yamato, bị trúng trái thuỷ lôi đầu tiên. Sáu phút sau đến lượt chiếc Yahagi lãnh một trái ngay hầm máy, giết chết tất cả các nhân viên tại đó. Chiếc chiến hạm chạy lang thang một lát trong khi hạm trưởng Hara gào thét các mệnh lệnh để nắm lại tay lái con tàu, không biết rằng chiến hạm của ông đã bị quả đạn duy nhất ấy làm cho vĩnh viễn bị tê liệt. Từ lúc đó nó trở thành tấm bia cho hơn 100 oanh tạc cơ đâm bổ.


Từ trên đài chỉ huy, Komura và Hara làm khán giả dự kiến cuộc phòng vệ của các xạ thủ đại bác trên chiếc Yahagi. Thỉnh thoảng người ta nghe có tiếng rú lên vì vui sướng: một pháo thủ vừa thấy chiếc bia của mình bốc cháy và rơi xuống như một hòn đá. Những chùm bom siết chặt dần chung quanh chiếc chiến hạm bất động và những tiếng nổ đã làm rung chuyển thân tàu đến mức độ người ta có thể nghe những đầu đinh tán chạm lách cách vào thành tàu và ống khói như tiếng đạn ria chứa trong các trái phá. Thế rồi chuyện không tránh được đã đến. Một trái thuỷ lôi thứ hai phát nổ đã phá vỡ tung phía sau chiến hạm làm nhiều xác người rách bươm bắn lên trời. Ngay lúc đó một oanh tạc cơ đâm bổ đặt một quả bom ngay giữa pháo và tháp phía trước, xoi thủng sàn tàu bọc thép rồi rơi xuống nổ tung dưới đáy kế các hầm dầu. Nếu không có phản xạ tức thì của viên sĩ quan tác xạ cho mở ngay những “van” nhận chìm, thì chiếc Yahagi đã nổ tung cùng với thuỷ thủ đoàn. Thay vì như thế, nó đành chịu chúi mũi thêm một chút và khạc ra nhiều hơi nước, nhiều ngọn lửa hơn mà thôi.


Bản án treo không kéo dài được lâu. Những tiếng nổ kế tiếp nhau theo một nhịp độ đến mức đứng trên đài chỉ huy, hạm trưởng không bao giờ thấy được cùng một lúc 1/4 chiến hạm. Khi khói tan dần, một lỗ thủng khổng lồ xuất hiện ngay nơi giàn đại pháo hoặc nơi sàn đặt ống phóng thuỷ lôi. Độ nghiêng của chiến hạm gia tăng không ngừng, nhưng đều đều, từ tốn, làm như chiếc chiến hạm muốn chết một cách đường bệ. Khi mặt cầu tàu chìm ngang mặt nước và sóng biển xô đến quét sạch các vũng máu, Đô đốc Komura gọi một trong các khu trục hạm cuối cùng còn chạy tốt đến gần để chuyển những người còn sống sót sang rồi tiến thẳng đến Okinawa. Khu trục hạm Isokasé mở hết tốc lực chạy đến gần xác chiếc Yahagi, nhưng khi còn cách 200 thước thì nó biến mất, cũng bị trúng thuỷ lôi-trong một đám mây khói.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #107 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:22:49 am »

Thế là hết… Mặt biển bao phủ đầy đầu người đen ngòm. Những kẻ bị đắm tàu bám chặt vào các mảnh tàu vỡ hay mảnh xuồng cấp cứu, vùng vẫy trong một lớp dầu cặn dày, mà không có một tia hy vọng nào được vớt lên. Những người còn tĩnh trí quay đầu nhìn về phía chiếc Yamato vẫn còn tiếp tới ở xa xa cùng với những chùm bom và những tiếng nổ đi kèm. Tất cả những hy vọng và cuộc đời còn sót lại nơi họ đều hướng về chiếc bóng oai nghiêm đường bệ dường như đang thách thức với số phận ấy. Từ lâu vẫn đứng bên nhau, đột nhiên Komura và Hara không còn thấy nhau nữa mà chưa kịp nói một lời vĩnh biệt. Lớp dầu cặn dày đặc nay loang dần, Hara kiệt sức, chập chờn trên một mảnh tàu vỡ mà ông bá chặt vào, rồi thình lình một ánh sáng loé lên ở phía xa kéo ông ra khỏi cơn hôn mê. Ông nhắm mắt lại một lát và khi mở mắt trở lại, mặt biển trở nên trống vắng và yên tĩnh lạ kỳ. Một cột khói trắng khổng lồ bốc lên trời ngay tại chỗ chiếc Yamato hiện hữu trước đó. Những tiếng nổ kế tiếp nhau như sấm động đã làm những nỗi nghi ngờ cuối cùng tan biến: chiếc đại thiết giáp hạm vừa chìm xuống sóng biển.


Khi bóng đêm sắp bao phủ bầu trời, những nạn nhân bị đắm tàu thuộc chiếc Yahagi dường như có nghe một tiếng động cơ đến gần. Vài phút sau, một chiếc canô thuộc một khu trục hạm lần lượt vớt hết người này đến người khác và đưa họ trở lại chiếc Hatsushimo chiến hạm độc nhất của hải lực Nhật Bản còn sót lại như có phép lạ. Chiếc khu trục hạm chở đầy người lấm lem dầu cặn được thuỷ thủ đoàn tẩy sạch và an ủi. Trong bệnh xá, Hara, nằm dài trên chiếc bàn mổ, quan sát viên bác sĩ đang chăm sóc các vết thương của mình. Ông không còn nhớ được gì cả. Không biết mình có bị một vết trầy trụa nào không!


Cuộc sống lại tiếp diễn; ông vui sướng được biết rằng Komura cũng có mặt trên tàu với chừng mười sĩ quan của chiếc Yamato. Chính nhờ họ ông mới biết trường hợp tổn thất chiếc chiến hạm này.


Ngay từ đầu, chiếc Yamato đã bị 1 thuỷ lôi và 2 quả bom đánh trúng. Điều đó không làm nó giảm tốc độ và đại bác phòng không của nó đã hạ mười phi cơ địch. Ba khắc sau, đợt tấn công thứ hai do Mitscher tung ra đã nhắm vào chiếc chiến hạm khổng lồ với mệnh lệnh dứt khoát là phải đánh chìm nó. Trong vòng nửa giờ đồng hồ, hơn 100 oanh tạc cơ đâm bổ và một số lượng phi cơ phóng thuỷ lôi tương đương từ khắp bốn phương trời ùa đến tấn công. Ba quả bom mới rơi trúng và mức tác xạ chậm lại vì các đám cháy càn quét cầu tàu cũng như các kiến trúc thượng tầng. Lúc ấy nhiều đợt phi cơ phóng thuỷ lôi bay đến để tiêu diệt nó. Chín thuỷ lôi trúng vào tả mạn và chiếc chiến hạm bị nghiêng ngay 30 độ. Từ lúc ấy thảm hoạ dồn dập xảy đến. Vài quả đạn 450 ly lăn ra khỏi phòng phân phối, rơi xuống các hầm tàu qua các vết thủng và phát nổ. Mọi nỗ lực để lấy lại sự kiểm soát con tàu đều vô ích, các tường chắn bị rung chuyển đành lần lượt đổ sụp.


Khi mối đe doạ chìm tàu trở nên cấp kỳ, đô đốc Ito cho gọi lên cầu tàu vài sĩ quan hiếm hoi còn sống sót và nói lời vĩnh biệt. Ông phải bám vào thành lan can để khỏi ngã. Đề đốc Ariga, hạm trưởng phải giúp ông ta trèo lên sàn tàu gần như dựng thẳng đứng để trở vào đến phòng trực và tự khoá mình vào trong đó. Chính Ariga cũng đã nhờ một tuỳ viên cột chặt mình vào đường dốc của một hầm trú ẩn khi hải hành và chào các sĩ quan sau khi chúc họ may mắn. Vài giây sau cuộc chia tay cảm động ấy, nhóm sĩ quan bị một tiếng nổ trong lòng chiến hạm hất văng xuống biển và chiếc tàu đột ngột chìm luôn.


Toàn diện nước Mỹ bừng bừng khích động khi nghe tin loan báo ông kẹ Nhật Bản bị đánh chìm. Số lượng 5 hoặc 6 phi cơ của Mitscher bị hạ, và chừng 20 chiếc bị cao xạ D.C.A của các chiến hạm Nhật bắn trúng có vẻ như là một phần cống hiến quá nhẹ cho chiến công này.


Nhật Bản tiếp nhận tin tức ấy với niềm cay đắng đen tối. Lại một ảo vọng nữa bị sụp đổ tan tành sau biết bao ảo tưởng khác. Kết quả rõ rệt nhất của cuộc huỷ diệt lịch sử này là chặn đứng lại trong các hải quân công xưởng của Mỹ và Anh, công cuộc đóng 4 thiết giáp hạm từ 40.000 đến 50.000 tấn, mà các Đô đốc phe Đồng minh, rõ rệt là mù quáng, vẫn cứ khăng khăng đòi hỏi cho bằng được. Lần này chứng cớ rõ rệt cho thấy rằng kỷ nguyên của những “dreandoughts” (thiết giáp hạm) đã cáo chung và một trang sử của hải quân đã được lật qua.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #108 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:25:10 am »

Kế hoạch Manhattan

Cái chết của Roosevelt

Những ngày kế tiếp đã làm cho các trang sử lật qua với một nhịp độ mau đến nỗi câu chuyện chiếc thiết giáp hạm Yamato và cuộc kháng cự kịch liệt của quân Nhật tại Okinawa còn chiếm hàng đầu của tin tức thời sự nữa.


Khi những bức ảnh chính thức về cuộc hội nghị của các quốc trưởng tại Yalta xuất hiện trên trang nhất của báo chí, thì những dáng nét bị tàn phá của Tổng thống Hoa Kỳ đã tương phản với khuôn mặt đỏ au của Churchill và khuôn mặt sắc sảo của nhà độc tài tại Mạc Tư Khoa đến nỗi cả dân tộc Mỹ đều thấy khó chịu như mắc một căn bệnh không định nghĩa được. Những bài diễn văn thường điểm một vài nét lạc quan vững chắc của ông giờ đây nhuốm màu sắc một chủ nghĩa thần bí, mà các cộng sự viên thân tín không thể nào hiểu nổi ý nghĩa. Khi lên tiếng nhân dịp lễ kỷ niệm Jefferson, bất ngờ ông nhấn mạnh đến sự kiện theo đó người tiền nhiệm siêu phàm của ông là một nhà “bác học” và trích dẫn các tài liệu viết về “tinh thần huynh đệ của khoa học và mối liên hệ vĩ đại giữa các dân tộc mà công cuộc tìm kiếm chân lý đã kết tạo nên”.


Vài ngày sau, ông phải đọc một bài diễn văn mới nhân dịp lễ nhậm chức nhiệm kỳ 4 của ông. Các bắp thịt mạnh mẽ trên đôi vai lực sĩ của ông chỉ có thể nâng đỡ ông đôi chút bề ngoài khi ông đứng dậy để nói với cử tọa. Ông lại chuyên tâm bắt đầu cùng một luận đề như trước.

“Chúng ta đang đứng trước, ông nói, một sự kiện chủ yếu: nếu nền văn mình phải sống sót, thì khoa học mà chúng ta phải được dạy dỗ là khoa học về những mối giao tiếp giữa con người, về tính cách khả hữu của sự làm việc trong hoà bình cho tất thảy mọi dân tộc”.


Câu nói đầy màu sắc triết lý của Wilson này đối với các cố vấn của ông thật bất ngờ vì họ chờ đợi ông nói đôi lời ám chỉ mạnh mẽ đến các chiến sĩ tại Okinawa và đến sự ghê rợn của những cuộc tấn công của các phi công Thần phong Kamikaze. Nhưng câu nói ấy đã thật sự làm cho một sống rất nhỏ các nhân vật hiện diện ngẩn ngơ, những người được chia xẻ với ông sự bí mật được giữ kỹ nhất của kỹ nghệ chiến tranh Hoa Kỳ. Họ thấy một cách hợp lý trong câu nói ấy có sự phản ánh niềm lo âu của ông trước một tin tức hấp dẫn vừa được thông báo cho ông và họ là những người được biết: sự thực hiện cấp kỳ một quả bom nguyên tử do một nhóm các nhà bác học thuộc đủ mọi quốc tịch cùng làm việc với nhau từ năm 1942 thực hiện. Tin tức này đã tạo ra hậu quả gấp đôi việc sáng chế một quả bom bởi vì không một ai còn chờ đợi nó nữa. Nhưng nó chỉ được thông báo cho một số tối thiểu các nhân vật cao cấp: Tổng trưởng chiến tranh Stimson, tướng Marshall, và đô đốc Leahy, tham mưu trưởng riêng của Tổng thống. Các cơ sở tình báo Mỹ đã từng chứng tỏ khéo léo “đập vỡ được các khoá mật mã” của lịch, quả thật lại còn thành công đáng chú ý hơn nữa trong việc che phủ một màn bí mật không có gì xuyên qua được chung quanh kế hoạch Mahattan, một kế hoạch sau bốn năm cố gắng có lúc phải ngã lòng, nay đã đạt được thành quả phi thường ấy. Những người có trách nhiệm trong cuộc đàm luận về sự bí mật này lại càng xứng đáng hơn nữa khi mà tự xúc tiến kế hoạch đã đòi hỏi những kinh phí lên đến nhiều triệu Mỹ kim và đòi hỏi sự tuyển mộ nhiều nhà máy vĩ đại dưới sự lãnh đạo của một Brain’ Trust vô danh, và chính những người thuộc cơ cấu này cũng bị an trí trong một nơi ẩn dật cách xa nhà máy hàng trăm cây số. Sau một cuộc khởi hành mau lẹ sấm sét dựa trên một kế hoạch thuần tuý khoa học, nhóm Brain’ Trust này đã giải quyết được phần lớn các bài toán làm thế nào để tách rời nhân nguyên tử. Nhiều nhà máy đồ sộ đã được dựng lên tại Oak Ridge trong tiểu bang Tennesse để tách rời những đồng vị của Uranium và đại xí nghiệp Du Pont de Nemours đã dùng các nhà máy của mình tại Chicago để chế tạo những cơ phận của quả bom tương lai.


Nhưng hàng trăm bác học nhà tu trú ngụ tại Los Alamos thuộc tiểu bang Tân Mễ Tây Cơ, nơi họ nghiền ngẫm trong một khung cảnh đầy ứ giải Nobel, đều vấp phải một bài toán nghiêm trọng: làm sao thực hiện, dưới một khối lượng có thể chấp nhận được, phản ứng dây chuyền cần thiết cho sự giải phóng nguyên tử nặng. Chính giải đáp của bài toán này đã vừa được tìm thấy trong tháng 4 năm 1945 ấy. Trung tướng Groves, người đảm trách ngay từ đầu nhiệm vụ điều hợp và khích động các nỗ lực của những nhà bác học thuộc Kế hoạch Manhattan, đến báo tin cho Tổng trưởng Chiến tranh Stimson, ông này trình ngay cho Tổng thống. Tin đến quá trễ. Bá Linh đã bị bao vây chặt chẽ, Hitler1 (Đọc “Những trận đánh lịch sử của Hitler” Sông Kiên in lần thứ tư) đang hấp hối trong căn hầm tại dinh Tể tướng; riêng phần Nhật Bản thì các nhà tiên tri của Ngũ đài giác vẫn khẳng định không ngừng là đang lâm vào tuyệt địa.


Theo sự ước tính của các nhà bác học, cần phải có một thời hạn 3 tháng mới thực hiện được một vụ nổ nguyên tử “có kích thước như thật” đầu tiên để thí nghiệm. Sau đó lại phải mất 1 tháng nữa để hoàn tất một kiểu bom do phi cơ mang được. Có rất nhiều cơ may cho thấy chính phủ Nhật bản sẽ đầu hàng trước nhật kỳ đó.


Thành quả của kế hoạch Mahattan cũng đã tạo nên một biến cố có tầm ảnh hưởng mênh mông không ít, và chính có lẽ những suy tư về tương lai nhân loại đã gợi cho Tổng thống Roosevelt những ám chỉ dự trí về khoa học và về “sự sống còn của nền văn minh”. Chúng ta sẽ không bao giờ được biết quyết định của ông như thế nào về lĩnh vực quân sự, bởi vì ngay từ ngày 10 tháng 4, tình trạng sức khoẻ buộc ông phải nghe lời bác sĩ, và phải từ bỏ những gánh nặng quyền chính để đi nghỉ ngơi vài tuần tại Warm Spring thuộc tiểu bang California. Ngày 12 tháng 4, lúc 17 giờ 25, có điện thoại mời Phó Tổng Thống Truman đến toà Bạch Ốc; Bà Roosevelt đang chờ ông ta tại đấy. Bà tiến lên và nhẹ nhàng đặt tay lên vai ông trong khi thấp giọng nói thì thầm: “Harry, Tổng Thống đã mất!”.


Ngày thứ sáu 13 tháng 4, tại Okinawa, trong lúc lực lượng hải quân thuỷ bộ đang điên cuồng tưới đại bác như sấm động để chặn đứng một đợt phản công hung tàn của Nhật trên một đỉnh núi mới vất vả chiếm được hôm trước, tất cả hiệu kỳ của mọi chiến hạm đều được kéo để tang.


Tin về cái chết của Tổng thống Hiệp Chủng Quốc Mỹ được loan truyền tron đoàn quân của Tướng Buckner do đoàn quân tiếp viện đổ bộ vội vã để trám vào khoảng trống của phòng tuyến bị chọc thủng. Cơn mưa trút xuống không ngừng làm cho cảnh vật bị bom cày nát mang một vẻ ảm đạm. Hy vọng vào một cuộc tiến quân nhanh chóng thế là tiêu tan. Những đỉnh núi xếp theo bậc tại Okinawa được nối liền với nhau bằng một hệ thống hành lang ngầm mà các lối xuất nhập đều hoàn toàn vô hình. Khi quân Mỹ tiến tới, đột nhiên họ bị đánh úp bởi những đại bác đặt trên đường ray xuất hiện đột ngột đằng sau lưng, trên các triền núi mà họ vừa đi qua. Cả các cuộc không tập lẫn tác xạ ghê gớm của hải pháo đều không thể nào làm thương tổn được hệ thống phòng thủ kỳ dị này. Đoàn quân chinh phục của Buckner bị mắc kẹt trong phần giữa đảo trong một thời kỳ vô địch.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #109 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:26:09 am »

Hung tin tại Okinawa bắt đầu đến tai các giới chức cao cấp của chính phủ tại Hoa Thịnh Đốn kể từ ngày 20 tháng 4, Tổng trưởng Chiến tranh Stimson, đã thiết lập bản tổng kê lực lượng của Nhật và nhận thấy rằng nếu hải quân và không quân Nhật gần như không còn hiện hữu nữa, thì tình trạng của lục quân Nhật lại khác hẳn. Hai triệu quân được phân phối trong các đạo quân trú phòng khác nhau trên quần đảo Nhật Bản; hai triệu khác trên lãnh thổ Trung Hoa và Cao Ly; cộng thêm 200.000 trong vùng Đông Nam Á; cộng thêm 500.000 trên các thuộc địa của Hoà Lan và Phi Luật Tân, vài trăm ngàn rải rác trên các quần đảo san hô trên Thái Bình Dương.


Cuộc xâm chiếm dự tính lên quần đảo Nhật Bản với 1 đạo quân 6 triệu người đang được thành lập tại Hoa Kỳ và nỗ lực càn quét có hệ thống tất thảy các lãnh thổ bị chiếm đóng sẽ kéo theo những tổn thất khổng lồ mà căn cứ vào số tổn thất trước, các chuyên viên ước tính có thể lên đến 500.000 tử thương và 1.700.000 bị thương. Viên Bộ trưởng Hải quân trẻ tuổi và sáng chói, James Forestal, người thay thế Frank Konx cũng đã đích thân báo cho Tổng trưởng Chiến tranh mối lo âu thật sự của ông do cuộc tấn công của phi công Thần phong Kamikaze gây ra. Các mẫu hạm hạng nặng Wasp, Saratoga và Bunker Hill đã phải trở về Mỹ trong tình trạng thảm thương. Chiếc Franklin phát hoả lúc ngay đang cố gắng trở lại Guam, nhưng không có gì đảm bảo là nó sẽ không bị chìm dọc đường. Nhiều khu trục hạm quý báu đã biến mất cũng như nhiều hải vận hạm và chiến hạm đủ kiểu. Cơn xuất huyết không làm chết người nhưng tổn thất về nhân mạng thì rất nặng nề, tính theo tỷ lệ, số tổn thất sĩ quan lại càng nặng nề hơn nữa: nhiều Đô đốc, Đại tá Hải quân và sĩ quan tham mưu đã bị giết. Đấy là loại nhân sự khó thay thế.


Quân Nhật sắp có ngay cả chục ngàn phi cơ đủ mọi loại bở vì các nhà máy của họ còn sản xuất mỗi tháng bài trăm chiếc. Nếu, như phải tiên liệu như thế, cơn cuồng nộ Kamikaze tăng gia thêm cường độ đi vào lúc thực hiện cuộc đổ bộ cuối cùng lên các đảo Kiou-Siou và Hondo, hạm đội Mỹ sẽ bị đặt dưới một sự thử thách cũng nghiêm trọng như sự thử thách phải chịu đựng từ đầu cuộc chiến.


Nắm vững toàn bộ các tin tức này, Stimson đến toà Bạch Ốc để trình bày cho Tổng thống Truman có một nhãn quan tổng quát về tình hình.

Vì các chức chưởng của Phó Tổng Thống Hoa Kỳ đã không cho ông có quyền biết các bí mật quân sự, nên Truman đã không biết gì về kế hoạch Mahattan trước khi Tổng Thống qua đời; đúng hơn là ông chỉ được biết có kế hoạch đó và nó đã gây tốn kém nhiều triệu Mỹ kim. Stimson sợ sẽ làm tổn thương đến lòng tự ái của ông khi thú nhận sự giấu giếm vĩ đại này, và lòng vương vấn không ít lo ngại, ông bước vào căn phòng hình thuẫn nơi vẫn còn bừa bộn những mẫu hình chiến hạm và các kỷ niệm cá nhân của người vừa quá cố. Nhưng ngay những lời nói đầu tiên, Truman đã làm ông thấy dễ chịu:

“Tôi không biết gì về kế hoạch này. Ông đã hành động rất đúng khi không nói gì với tôi về nó”, ông vừa cười vừa nói. Sau khi chăm chúc đọc phúc trình do Stimson soạn thảo, ông ngước nhìn con người có cặp mắt ngây thơ ấy, con người mang đến cho ông một cách hết sức khiêm nhường, một tài liệu có thể làm thay đổi bộ mặt hoàn cầu. Giờ đây ông mới hiểu tại sao Roosevelt, dù với 70 tuổi trời và dù thường có những lập trường cục bộ, lại chịu đựng được những gì mà ông ta giữ lại liên quan đến trách nhiệm của những người được giao phó thuộc quân đội Mỹ. Không một lời nào là không để lộ một chút thông minh, và các kết luận, hoàn toàn vứt bỏ những câu kéo vô ích, nêu lên những quyết định phải lấy với một ý nghĩa sắc bén liên quan đến thực tại.

“Tôi hoàn toàn đồng ý với ông, Stimson ạ”, ông nói. “Hãy ra lệnh cho tướng Groves để bắt tay vào việc hầu đốt cháy các giai đoạn chót. Một quả bom phải sẵn sàng để thử với kích thước như thật, trong thời hạn trước ba tháng, và ngay từ bây giờ phải chỉ định một uỷ ban gồm có những nhân vật tài ba nhất của giới khoa học và quân sự để quyết định khả năng sử dụng chất nổ mới”.

Stimson liền cáo lui ngay, để Tân Tổng Thống ở lại với vô vàn trách vụ đang chờ đợi ông. Hai người sẽ không gặp lại nhau trước vài tuần lễ nữa.


Khi trở về Bộ Chiến tranh, Stimson gặp lại tướng Groves đang đi lòng vòng như con gấu bị nhốt trong chuồng trong lúc chờ đợi ông, mặc dầu ông ta nổi tiếng là người bình tĩnh lạ lùng. Vị chỉ huy của khu vực “Mahattan District” là một con người lực lưỡng  cao 1m90. Mái tóc đen hơi dợn sóng và nước da ngăm ngăm của ông cho thấy ông có gốc tích xa xôi với người Tây Ban Nha. Ông có vẻ như là một chủ đồn điền cà phê hơn là một sĩ quan cấp Tướng thuộc binh chủng Công binh. Vẻ bề ngoài ấy hoàn toàn rất dễ gây lần lẫm và khi giao cho ông trách nhiệm xúc tiến kế hoạch Mahattan, Stimson đã chứng tỏ cũng sáng suốt khi đề nghị Eisenhower nắm quyền Tổng tư lệnh Quân đội Đồng minh tại Âu Châu. Groves đồng thời là nhà bác học và là nhà quân sự (chính nhờ tài năng kiến trúc của ông mà Mỹ quốc mới có toà Ngũ đài giác danh tiếng ngày nay). Ông có khá nhiều thẩm quyền để theo dõi công việc của các lý thuyết gia, khá thực tiễn và độc đoán để tập trung các nỗ lực của họ vào mục tiêu đã được qui định: sự thực hiện có tính cách thực dụng, “quả bom đặc biệt”. Trong nhóm người phi trường gồm toàn những nhà bác học thượng đẳng về khoa học vật lý nguyên tử, chính Groves là người đã nhận ra nhà bác học trẻ tuổi Robert Oppenheimer thuộc Viện Californie tại đại học Berkeley, gần San Francisco.


Robert Oppenheimer mới có 40 tuổi. Ông không được giải Nobel về Vật lý và tên tuổi ông mới chỉ được một nhóm nhỏ các nhà bác học biết đến. Nhưng dưới mắt ông Tướng, ông có 2 điều xứng đáng khó đo lường: ông ta là dân Mỹ chính cống-cha là một doanh gia Nữu ước gốc Đức đến định cư tại Mỹ lúc 17 tuổi-và có năng khiếu thuyết phục đặc biệt. Sự chọn lựa này sau đó phải chịu biết bao lời chỉ trích gay gắt, nhưng Groves hậu thuẫn cho người được ông che chở cho đến giai đoạn thực hiện sau cùng. Ông đã viết trong tập Hồi ký rằng: “Thành quả đã chứng tỏ tôi có lý. Không ai có thể làm điều mà con người ấy đã làm”. Được thiên phú đến mức tuyệt đỉnh về điều mà các sinh viên gọi là môn “sex-appeal khoa học”, Oppenheimer đã khuất phục thật sự những người nghe ông nhờ vóc dáng có duyên và giọng nói nồng nàn của ông. Ông là một trong những người duy nhất-nếu không phải là người duy nhất-ở trong khu ẩn dật Los Alamos có một niềm tin Tuyệt đối vào sự thành công của kế hoạch Mahattan. Tháng 7 năm 1943 khi ông nhận chức giám đốc phòng thí nghiệm Los Alamos, ông đã ấn định cuối năm sau là ngày nổ trái bom nguyên tử đầu tiên. Nếu hạn kỳ ấy không giữ được thì không phải là do ông. Vả chăng, sự tiên liệu của ông đã chỉ được thể hiện trước vài tháng.


Cặp Groves-Oppenheimer có một điểm xứng đáng rất hiếm có là phối hợp được công việc của nhiều chuyên gia tham dự trong chương trình và giải quyết song hành nhiều vấn đề phức tạp do vấn đề sử dụng quả bom cho mục tiêu quân sự đến lúc đặt ra. Do đó, khi Stimson từ toà Bạch Ốc trở về với sự chấp thuận toàn diện của Tổng thống, thì Groves đã có thể loan báo với ông ta với đôi phần hãnh diện rằng các biện pháp cần thiết đã được áp dụng trong viễn ảnh được chấp thuận ấy và rằng các phi hành đoàn thuộc các pháo đài bay trang bị đặc biệt, đang được huấn luyện để ném quả bom.


Chính trong tháng 9 năm 1944, khi được Oppenheimer thông báo là chắc chắn có một quả bom sử dụng plutonium có thể được thực hiện vào mùa xuân 1945, Groves đã quyết định ấn định hình dáng và thước của quả bom để có thể sửa đổi các pháo đài bay sẽ mang chúng đi. Đấy là một hành động tin tưởng kỳ diệu bởi vì nếu phương pháp mới, nhằm sản xuất gia tốc chất plutonium do bác sĩ Neddemayer đề xướng, đã hoàn tất, thì không một ai biết được phải trong bao lâu mới sản xuất được đủ số plutonium cần thiết. Riêng về phần nhà máy phân cách đồng vị có nhiệm vụ cung cấp U-235, thì nó vẫn chạy với sự chậm chạp đầy khôn ngoan. Một cuộc chạy đua giữa hai phương thức đã xảy ra, và Groves đã phải cho vẽ 2 kiểu bom: quả bom Fat-Man sẽ dùng plutonium và quả Thin-Man hay Little-Boy sẽ dùng U-235. Sau đó, ông yêu cầu Tướng Arnold, Tư lệnh Không quân, người được ông cho biết về kế hoạch, cung cấp 2 pháo đài bay B-29 để có thể sửa đổi nhân mục tiêu đó.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM