Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:31:30 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân  (Đọc 91995 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Cám_hn
Thành viên
*
Bài viết: 230


« Trả lời #130 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2008, 08:52:25 pm »

Tin phái đoàn quan sát Mac Namara - Taylor sắp mở cuộc họp báo ở phòng thông tin Mỹ khiến ban lãnh đạo Phật giáo quyết định cử một nhà sư cầm đầu một cuộc biểu tình.
Nếu Phật giáo không có hành động nào để biểu dương lực lượng quần chúng thì chánh phủ Diệm có thể tuyên bố với các sứ giả của Tổng thống Kennedy là vụ Phật giáo đã giải quyết xong rồi.
Sư Thanh Tuyền, một tu sĩ chưa đến ba mươi, có vẻ là một sinh viên được chỉ định đứng ra phát động cuộc biểu tình với cây cờ Phật giáo làm hiệu lệnh.
4 giờ chiều hôm ấy, Thanh Tuyền mặc âu phục đi dép đội mũ lưỡi trai để che đầu trọc, rời một căn nhà ở ngoại ô lên xích lô máy đến rạp chiếu bóng Eden gần phòng thông tin Mỹ.
Chiếc gậy tròn dài hơn một thước, Thanh Tuyền cầm ở tay như batoong, còn cờ Phật giáo thì gấp lại giấu trong áo phía trước bụng.
Sợ đi lại bên ngoài có thể bị công an, mật vụ để ý, Thanh Tuyền mua vé vào rạp xinê. Theo chương trình đã định cuộc biểu tình sẽ bắt đầu vào lúc 6 giờ, khi cuộc họp báo của phái đoàn quân sự Mỹ chấm dứt, số người tham gia biểu tình gồm sinh viên, học sinh và tăng ni, giả làm người qua đường tản mác ở các lối sẽ tề tựu lại nơi hẹn và biến thành đám biểu tình khi thấy cờ lệnh Phật giáo.
Thanh Tuyền ngồi yên trong rạp đến lúc thấy 17 giờ 45 liền đứng lên đi ra. Trong hành lang Eden, nhà sư gặp một bà đại uý quen thuộc, một Phật tử nồng cốt tham gia cuộc biểu tình này nói nhỏ:
- Yêu cầu chị sửa soạn đi. Chừng năm phút nữa sẽ biểu tình.
Ra đến đường Nguyễn Huệ, Thanh Tuyền bước lên một chiếc xe tắc xi, bảo chạy về phía công trường Diên Hồng quành qua chợ Cũ, lên đường Tự Do, vòng toà nhà Quốc hội, trở ra Lê Lợi, rồi ngừng lại chỗ cũ, sau hành lang Eden, đối diện phòng thông tin Mỹ. Ngồi trên xe, Thanh Tuyền đã có thì giờ luồn cờ vào cán, lấy chiếc áo vàng ra, và cuối cùng mặc áo lúc bước khỏi xe.
Người tài xế ngạc nhiên thấy khách lúc lên xe mặc áo sơ mi, quần tây dài, đã biến thành một nhà sư áo vàng khi trả tiền xe.
Miệng lâm râm niệm Phật, Thanh Tuyền tung lá cờ Phật giáo lên, chạy ra giữa đường, tiến ra phía vườn hoa, cách phòng thông tin Mỹ một trăm thước. Các Phật tử từ hành lang Eden đại lộ Lê Lợi, Nguyễn Huệ chạy túa đến nơi lá cờ Phật giáo phất cao.
Cùng lúc mật vụ, công an cùng bầy cảnh sát dã chiến võ trang từ 8 chiếc xe lớn đậu sẵn trước Quốc hội đổ xô đến. Tám tên lực lưỡng nhảy lại vây đánh Thanh Tuyền. Ngã gục dưới những đấm dá tới tấp nhà sư còn cố gượng hô to:
- Phật giáo bất diệt!
***
Những tin tức rỉ tai, truyền miệng lan tràn trong dân chúng loan báo những thủ đoạn tàn ác của chánh quyền: tra tấn Phật tử bằng mọi hình thức dã man, cưỡng hiếp ni cô và nữ sinh bị bắt giam, giết một số tăng ni thả trôi sông, xác nổi gần cầu Bình Lợi tấp vào bờ Nhà Bè… Đồng thời nhiều điềm lạ xuất hiện các nơi: Cá thần hiện ra ở Bầu Quyền thuộc tỉnh Quảng Nam, dân chúng các tỉnh miền Trung nô nức kéo nhau đi thỉnh nước thiêng về chữa bịnh; tượng Phật bằng đá khóc ra nước mắt tại đường Cô Giang giữa trung tâm Sài Gòn, Phật hiện trên mặt tủ kính đường Lê Văn Duyệt, Phật bà Quan âm hiện trên mây có một phi công chụp được hình, mặt trời quay vào lúc xế chiều… những triệu chứng đồn đại ấy gây xúc động trong quần chúng dễ tin khiến chánh quyền phải tìm đủ mọi cách dập tắt, bất bớ những người đồn đại.
Cũng trong thời kỳ này, các câu sấm ký của Trạng Trình hoặc mạo nhận của Trạng hình được truyền miệng bàn tán khắp nơi.
Người ta đem đối chiếu ba tháng 9, 10, 11 âm lịch năm này đều đủ 30 ngày với câu:
Chừng nào ba tháng đủ liền
Nhà chùa đổ máu, Ngô Quyền tiêu tan.
Hai hôm trước khi Đại hội đồng Liên Hiệp quốc đưa vấn đề kỳ thị Phật giáo ở Việt Nam ra thảo luận tại Nữu Ước thì ở Sài Gòn số tu sĩ tình nguyện tự thiêu nộp đơn cho Uỷ ban liên phái Phật giáo đã lên tới một chồng cao.
Trưa hôm ấy, 5 tháng mười năm 1963, không khí nóng như thiêu như đốt giữa mùa nắng cháy miền Nam, trời xanh thẳm và cao không một đám mây. Vòng quanh công trường Diên Hồng trước chợ Bến Thành đông nghẹt xe cộ vào giờ tan sở, binh sĩ của lực lượng đặc biệt và cảnh sát chiến đấu canh phòng khu chợ Sài Gòn được gia tăng từ ban sáng khi được mật báo là sinh viên sẽ biểu tình và thấy bóng của thông tín viên ngoại quốc lảng vảng quanh chợ.
Vào lúc đúng Ngọ, một chiếc xe hơi bốn mã lực chạy từ lối đại lộ Hàm Nghi đến rồi ngừng sát lề công trường đúng vào lúc đến đỏ.
Một người đàn ông mặc áo nâu dài bước vội xuống, đi đến công trường, ngồi ngay xuống mặt đất theo lối kiết già, rồi quẹt lên một cây diêm, ngọn lửa bùng cháy ôm lấy người nhà sư đã tẩm sáu lít xăng vào quần áo và bốn lít xăng ở túi nilong cầm tay vừa đổ ra.
Những tăng ni cải trang làm thường dân và sinh viên được báo tin trước bao vây thành một hàng rào quanh tu sĩ tự thiêu: Thích Quảng Hường.
Tiếng niệm Phật lẫn tiếng kêu đau thương nổi lên từ đám đông chứng kiến ngọn lửa sáng ngời, bao phủ toàn thân nhà sư ngồi kiết già. Trong chớp nhoáng, ngọn lửa bất đầu hạ thì xác nhà sư ngã ra, tắt thở.
Cảnh sát dã chiến, binh sĩ lực lượng đặc biệt và mật vụ đổ xô đến phía ngọn lửa đánh bạt những người quanh nhà sư tự thiêu, rồi lôi thi hài đã cháy đen quăng lên xe, chở đi biệt tích.
Các ký giả quốc tế quay phim, chụp ảnh, đều bị rượt đánh vỡ đầu gãy tay, bị thương nằm vật xuống đường, và máy móc bị đập nát.
Tin vụ tự thiêu thứ sáu và cũng là vụ tự thiêu thứ nhất từ sau ngày chùa chiền bị đánh phá xảy ra ngay tại Sài Gòn, và ba ký giả Mỹ chứng kiến bị mật vụ hành hung trọng thương, đập phá máy quay phim, chụp hình, được các hãng thông tấn đánh điện đi khắp thế giới. Được tin ba ký giả ngoại quốc bị hành hung trong lúc thi hành phận sự, đại sứ Cabot Lodge lập tức đến thăm, khuyến khích và gởi thông điệp chính thức phản kháng cùng chánh phủ Ngô Đình Diệm.
Anh em Diệm càng lúng túng thêm vì hôm sau ngoại trưởng Dan Rusk đòi nhà cầm quyền Sài Gòn phải xin lỗi Hoa Kỳ và bồi thường cho các ký giả bị mật vụ đánh đập.
Đã lỡ trớn đi mạnh trên con đường chống Mỹ, Ngô Đình Nhu tỏ thái độ bất chấp, lập lại lời yêu cầu đại sứ Mỹ giao trả nhà sư Thích Trí Quang cho chánh phủ Việt Nam để tránh sự tức giận của dân chúng có thể đi tới chỗ đập phá sứ quán và phòng thông tin Mỹ.
Cùng với lời đe doạ này, Thanh niên cộng hoà được mật lệnh của tổng thủ lãnh họ Ngô, huy động chuẩn bị tổng tấn công toà đại sứ và cơ quan USIS.
Mặt khác, có tin tung ra là tánh mạng của ông Cabot Lodge không được đảm bảo nếu đại sứ vẫn giữ thái độ thiếu thiện cảm đối với chính quyền họ Ngô.
Trong lúc tình hình khẩn trương nặng nề diễn ra giữa chánh quyền họ Ngô và đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, thì Lệ đang có mặt tại Ba Lê, tiếp tục cuộc công du "giải độc thế giới".
Tại phi trường Orly, mấy trăm sinh viên Việt và Pháp trực sẵn ở lối ra để đón tặng "đệ nhất phu nhân" những bó hoa hồng chỉ có lá và gai cùng những quả trứng thối, song viên đại sứ thuộc hạ Phạm Khắc Hữu đã hay tin được, yêu cầu với nhà chức trách Pháp bảo vệ cho nàng. Cả trăm cảnh sát giữ trật tự được gởi đến phi trường làm hàng rào và một chiếc xe hơi riêng đã chạy ra tận cửa máy bay đem Lệ thoát khỏi sự "chiếu cố nồng nhiệt" của sinh viên Ba Lê. Các ký giả, phóng viên nhiếp ảnh và quay phim không gặp mặt được Lệ đành trở về không, chờ đợi cuộc họp báo của đệ nhất phu nhân theo lời hứa của toà đại sứ Việt Nam.
Một số nhiếp ảnh viên nóng lòng đã vây quanh khách sạn Lệ ở trên đường Kleber suốt ngày nhưng cũng không chụp được tấm ảnh nào, vì Lệ không ló mặt ra ngoài, chỉ quanh quẩn mãi trong phòng.
Tối hôm sau, Sở cảnh sát Ba Lê bỗng nhận được tin điện thoại loan báo có một quả bom giấu ở khách sạn Lệ ở sắp nổ tung.
Nhân viên cảnh sát và nội an đổ xô đến vây quanh khách sạn để lục soát Lệ cùng đám tuỳ tùng hay tin hồn vía lên mây, nhưng người ta tìm kiếm hàng giờ không thấy gì. Trong mấy hôm Lệ im hơi lặng tiếng đã xảy ra một việc bất ngờ. Một số phụ nữ Việt kiều ở Ba Lê tự xưng là ái mộ bà chủ tịch phong trào Phụ nữ liên đới, đến xin gặp Lệ để yêu cầu nàng nhận lời cho tổ chức chi nhánh đoàn thể này tại Ba Lê. Đang lúc bực tức vì sự phản đối và đe doạ hành hung của sinh viên Việt, Lệ hân hoan nhận lời đón tiếp đám bạn gái hoan nghênh tìm nàng.
Tất cả 5 người, 3 thiếu nữ Nam và 2 thiếu nữ Bắc phục sức trang nhã lối Việt, hợp thành đoàn phụ nữ hải ngoại, được Lệ vui vẻ mời vào phòng khám riêng. Mấy kẻ tuỳ tùng thấy không khí thân ái giữa chủ và khách không còn e ngại đề phòng gì nữa, rút ra ngoài.
Đột nhiên 5 phút sau bỗng nghe tiếng kêu la chới với từ bên trong rồi thấy mấy bà, mấy cô tuôn ra, ríu rít đi khỏi khách sạn. Mở cửa phòng vào họ thấy Lệ quần áo tả tơi, loã lồ nằm im lặng, tức giận ứa nước mắt.
Dân biểu Hà Như Chi rón rén bước ra, dò hỏi mới biết đám phụ nữ vừa rồi bày kế gặp Lệ để làm nhục, đánh xé nàng tơi bời như một trận đòn ghen. Trận đòn đau ít mà nhục nhã tức tối nhiều, Lệ lặng người đi uất hận.
Giữa lúc ấy dân biểu Lại Tư đi đâu về, nghe thuật lại tự sự, bình tĩnh lên tiếng:
- Thưa bà cố vấn, đối với thứ "chó cắn trộm" bà trách chúng nó làm gì! Bà nên để tâm nghĩ đến việc lớn là hơn. Tôi vừa đọc báo Le Monde sáng nay có viết một bài có tính cách khiêu khích cho bà cố vấn không chịu gặp báo chí Ba Lê vì sợ không dễ phỉnh gạt được họ như báo chí các nơi khác.
Đôi mày Lệ đang cau có bỗng dựng ngược, tức giận, nàng nói ngay:
- Đừng tưởng là tôi sợ báo chí Ba Lê? Biểu ông đại sứ tổ chức ngay cuộc họp báo vào ngày mai cho tôi, rồi tôi sẽ cho người ta biết tay!
Quang cảnh đường Villiers chiều nay bỗng nhiên rộn rịp vì số cảnh sát viên đông đảo giữ trật tự dài suốt mấy trăm thước đưa đến toà đại sứ Việt Nam. Hàng trăm sinh viên và Việt kiều được tin có cuộc họp báo của đệ nhất phu nhân kéo đến tụ tập gần sứ quán.
Trong gian phòng chật hẹp của toà đại sứ có tới 200 người chen chúc, phần đông không phải là nhà báo mà là người được sứ quán thuê đến bố trí để hoan hô và ủng hộ Lệ.
Lệ cố chiếm cảm tình của báo chí Ba Lê trong buổi ra mắt đầu tiên nên đã cẩn thận sửa soạn từ lối trang phục đến những câu trả lời. Đầu tóc mới uốn chải ở một tiệm trứ đanh Ba Lê, trong chiếc áo dài hồ thuỷ hở cổ, để lộ dây chuyền thánh giá vàng, tay mang đôi vòng ngọc xanh, Lệ hiện ra với một nụ cười tươi tắn, như một cô đào bước lên sân khấu chào khán giả.
Nụ cười tươi liên tiếp nở trên môi từ đầu đến cuối buổi họp, chỉ trừ lúc nào nhắc đến Phật giáo thì đôi mắt nàng quắc lên, giọng nói trở nên đay nghiến ác liệt, Lệ cất tiếng cười khanh khách run rẩy cả làn ngực nâng cao, cho rằng các vụ tự thiêu là trò bi hài nhất trên đời.
Rồi nàng dõng dạc tuyên bố là không hề có đàn áp phật tử, và buộc tội những ai bênh vực cho "bọn đội lất thầy chùa là những kẻ phá hoại, liên minh với phản loạn". Theo lời nàng thì chiến tranh ở miền Nam gần chấm dứt rồi, Việt cộng đã đại bại chỉ còn lại một đám tàn quân sống sót rải rác, vất vưởng qua sự "cướp bóc thường dân trong các vùng hẻo lánh!"
Trong suốt buổi họp báo, ở bên ngoài cách sứ quán lối 50 thước một nhóm Việt kiều không ngừng hò hét: "Đập chết con rắn độc", "Đoàn kết chống độc tài!" "Đả đảo họ Ngô tàn sát Phật giáo?"…
Mười lăm người biểu tình quá hăng bị mời vào bót.
Hôm sau cuộc họp báo của Lệ tại nhà Việt Pháp, một tiệc trà thân hữu được phe thân họ Ngô tổ chức để cho các dân biểu thuộc phái đoàn tuỳ tùng độ nhất phu nhân nói chuyện cùng sinh viên vả kiều bào có cảm tình với chính quyền miền Nam.
Những người đến dự đều phải có thiệp mời ghi rõ tên họ và qua sự kiểm soát trước của toà đại sứ Việt Nam, để đề phòng các sự chống đối hay phá hoại có thể xảy ra. Hai dân biểu Hà Như Chi và Lại Tư đứng ra thuyết trình, đang hăng say ca ngợi chánh sách họ Ngô trước số cử toạ lối 100 Việt kiều và một số người Pháp thân hữu thì đèn điện bỗng tắt. Trong phòng đột nhiên có tiếng va chạm, xô đẩy ghế, tiếng kêu tắt nghẹn, giằng co, xung đột trong bóng tối hoàn toàn.
Không đầy năm phút, đến lại bật sáng, người ta thấy hai dân biểu Hà Như Chi và Lại Tư, diễn giả, bị trói quặt hai tay ngồi ở ghế, mồm nhét đầy phân, bê bét cả hai bên má, ú ở vùng vẫy, mấy nhân viên đắc lực của sứ quán Việt Nam ở Ba Lê cũng nôn ọe nhổ phân ngựa.
Thì ra một số sinh viên đã tìm cách trà trộn vào quan sát, ngồi cạnh các dân biểu tuỳ tùng bà cố vấn, thừa lúc một đồng loã tháo cầu chì cho điện tắt, đã hai người giữ lấy một trói chặt Hà Như Chi và Lại Tư vào ghế ngồi, đồng thời lấy phân ngựa phong bao đem theo sẵn để nhét vào miệng họ. Giáo sư kiêm dân biểu Hà Như Chi và ông nghị Lại Tư mặc dầu hết sức vùng vẫy chống cự nhưng bị bốn sinh viên giữ chặt cho phân vào ngập cả mồm gần đến nghẹt thở, khi đèn sáng lại muốn ngất đi, ê chề xấu hổ.
Logged
Cám_hn
Thành viên
*
Bài viết: 230


« Trả lời #131 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2008, 08:52:55 pm »

Trước khi rời Ba Lê đi Nữu Ước, Lệ lại được dịp trút nỗi tức giận lên đầu những kẻ mà nàng gọi là bọn "phiêu lưu quốc tế qua cuộc phỏng vấn của đặc phái viên hãng American Broadcasting Company. Trên màn ảnh vô tuyến truyền hình, Lệ lên tiếng buộc tội Hoa Kỳ đã quấy phá không cho chánh phủ Ngô Đình Diệm được yên để tiếp tục cuộc chiến tranh chống Cộng sản. Nàng nói:
- Sở dĩ hai chánh phủ Mỹ và Việt Nam bất hoà chỉ vì chánh phủ Hoa Kỳ không chịu nhận trọng trách của mình là một nước bạn.
Những người Mỹ khoanh tay đứng nhìn chiến tranh tại Việt Nam như những khách bàng quan. Họ cho chúng tôi cái cảm tưởng là họ nhìn bi kịch của Việt Nam như là họ đi xem hát.
Đề cập đến chánh quyền miền Nam, Lệ phủ nhận việc chánh phủ Diệm phải cải tổ và nhấn mạnh:
- Những người mệnh danh là "Phật tử" chẳng qua chỉ là những cán bộ Cộng sản muốn lật đổ chính quyền họ Ngô. Những người Mỹ ở Việt Nam đã ngây thơ để họ lợi dụng. Người Mỹ ở Việt Nam đang trải qua cuộc khủng hoảng nặng nề: họ đang đắm chìm trong một trạng thái hoang mang không tả được. Trường hợp của họ thật đúng với câu tục ngữ Việt Nam: "Nhiều thầy, thúi ma".
Trả lời câu hỏi nàng có chống Mỹ không, Lệ đáp:
- Người ta đã nói tôi đủ điều những chưa ai nói tôi ngốc cả.
Trước khi lên máy bay rời Ba Lê qua Mỹ, Lệ lại được thêm dịp tấn công báo chí Mỹ.
- Các ký giả Mỹ tại Sài Gòn tỏ ra không khác gì bọn sát nhân vì hôm thứ bảy vừa qua họ đã thản nhiên đứng nhìn một nhà sư tự thiêu mà không làm gì để ngăn trở.
Lệ xua mấy dân biểu tuỳ tùng về xứ, sau hôm họ bị sinh viên Ba Lê cho ăn phân, chỉ còn con gái và một nữ thư ký ở lại cùng nàng đi Mỹ.
Trong khi sửa soạn lên đường, nàng nhận được điện tín của chồng từ Sài Gòn đánh sang khuyên nàng thận trọng trong những lời tuyên bố, đồng thời hay tin tân đại sứ Việt Nam ghé lại Honolulu trên đường đi Hoa Thịnh Đốn nhậm chức, tuyên bố rằng Lệ "sang Mỹ với tính cách riêng tư, và chỉ nhân danh cho phong trào Phụ nữ liên đới mà thôi, chứ không phải là đại diện cho chính phủ Việt Nam". Lệ tức giận thấy tân đại sứ họ Đỗ muốn chân trước những tuyên bố của nàng sắp tung ra ở Mỹ, song cho rằng đây là thủ đoạn của người chồng cố vấn phòng ngừa không để cho chánh thể bị lôi cuốn theo nàng trong trường hợp du thuyết không thành công. Bức diện văn vừa nhận được đã gián tiếp khuyên nàng thay đổi chiến lược, nên khi đến phi trường Lệ liền thay đổi giọng điệu với các ký giả Nữu Ước.
Trong phòng khách sân bay đông nghẹt phóng viên các báo vây quanh, Lệ nhận thấy đây là một dịp tốt cho nàng mới mặt, chân lên đất Mỹ có thể xoa dịu những lời đả kích của báo chí Mỹ từ trước đến nay, nên nhỏ nhẹ nói:
- Tôi qua đây để cố tìm hiểu vì sao chúng ta bất hoà với nhau. Tôi hy vọng các ông các bà nhà báo sẽ vui lòng giúp tôi trong việc này.
Các ký giả chờ đợi những lời lẽ chua cay gây hấn của Lệ không khỏi tỏ ra thất vọng khi nghe nàng đổi giọng, đóng vai một người khách "biết điều".
Lệ cũng bắt đầu thất vọng khi thấy ngoài các phóng viên ra, không có một đại diện của chánh phủ liên bang Hoa Kỳ, của tiểu bang Nữu Ước hay của thành phố Nữu Ước ra đón. Phải chàng các nhân vật chánh thức của Mỹ không muốn biết đến sự có mặt của đệ nhất phu nhân Việt Nam.
Giữa lúc đó, ở Hoa Thịnh Đốn, một cuộc họp báo được tổ chức tại Bộ Ngoại giao, một nhân viên cao cấp lên tiếng trách các báo, các hãng vô tuyến truyền hình và truyền thanh đã đem lại cho Lệ nhiều dịp để rêu rao với dân chúng Mỹ những ý kiến lố lăng về tình hình Việt Nam.
Một cuộc họp báo khác được triệu tập theo lời mời của thượng nghị sĩ Stephen Young, thuộc đảng Dân chủ, tiểu bang Ohio, trong đó ông Young công khai chỉ trích Lệ là một người vô trách nhiệm, "hống hách", "chống Mỹ một cách mù quáng và phản đối chánh phủ Mỹ đã cấp chiếu khán cho Lệ vào đất Mỹ, yêu cầu gởi trả Lệ lại cho miền Nam Việt Nam.
Ngày hôm sau đến Nữu Ước, Lệ tập họp các tay mưu sĩ ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, hiện có mặt tại Mỹ, đến ở phòng riêng của nàng. Mấy tay "cố vấn đầu não" này đã được lệnh của cố vấn chính trị từ Sài Gòn chuẩn bị dọn đường vận động, tổ chức cho cuộc du thuyết của "bà cố vấn" trên đất Mỹ.
Lệ được báo cáo về thái độ thờ ơ của Hoa Thịnh Đốn và chính phủ Hoa Kỳ không muốn chánh thức nhìn nhận sự có mặt của Lệ tại Mỹ. Phát ngôn viên toả Bạch ốc đã tỏ ý lo ngại về những lời của Lệ tuyên bố mới rồi có thể làm cho Hạ nghị viện Hoa Kỳ cắt đứt viện trợ. Bộ Ngoại giao trả lời các báo hỏi về cách đối xử với Lệ: "Không ai có lợi gì đấu khẩu với một người như thế".
Lệ còn được tin là trước ngày Lệ đặt chân tới Mỹ, ông cựu đại sứ thân sinh nàng ở Hoa Thịnh Đốn có tuyên bố nhiều lời với các báo, cho rằng con mình "đi làm quảng cáo cho chánh thể họ Ngô", ngoài ra hãng CBS thuộc hệ thống vô tuyến truyền hình Mỹ cho hay quyết định huỷ bỏ cuộc phỏng vấn Lệ và thay vào đó bằng một chương trình mời cựu đại sứ thân sinh nàng tham dự. Trước không khí bất lợi, chống đối rõ rệt, Lệ cùng mấy thuộc hạ xét lại mấy nơi nào nàng sẽ đến, những lời lẽ đáng tuyên bố để tuyên truyền cho chế độ Diệm.
Chương trình dự định Lệ sẽ ghé lại mười hai thành phố ra mắt hay trả lời chừng 15 lần phỏng vấn của các đài vô tuyến truyền hình và truyền thanh, nói chuyện trước thính giả lối 17 lần, trong số có 11 lần tại các trường đại học, dự tiệc và nói chuyện trong các buổi tiệc mười lăm lần.
Trong ba tuần lễ du thuyết, Lệ có bao nhiêu dịp ấy để giải độc cho dân chúng Mỹ về tình hình Việt Nam.
Đang lúc Lệ xem lại chương trình bắt đầu các buổi nói chuyện vào hôm sau, thì tại Hạ nghị viện ở Hoa Thịnh Đốn, ông chủ tịch tiểu ban ngoại giao công bố cuộc điều tra tiến hành về lý do tại sao Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cấp chiếu khán cho Lệ:
- Bất cứ một bọn độc tài dỏm nào trong thế giới cũng chửi bới nhục mạ Hoa Kỳ được? Như vậy đã quá lắm rồi! Nay lại còn để cho con Rồng cái nhập vào đất Mỹ để đến chửi chúng ta tận mặt? Bà ta là một con người đàn bà ác độc, đáng lẽ cấm không được đặt chân vào đất Mỹ, ít ra cũng không được vào đây với chiếu khán ngoại giao, vì bà ta có phải là nhân viên ngoại giao đoàn nào, hay của chính phủ đâu?
Trong buổi đầu tiên ra mắt, Lệ mặc một chiến áo màu lục hở cổ, trang điểm cực kỳ chải chuốt, khai mạc vòng du thuyết của nàng bằng một bữa ăn trưa nói chuyện với báo chí tại khách sạn lớn nhất Nữu Ước, do câu lạc bộ báo chí hải ngoại tổ chức. Có lối 1.000 người dự buổi nói chuyện này. Theo một chiến lược khôn khéo, Lệ nêu lý do đông người đề buộc những ai chất vấn phải viết câu hỏi vào giấy và đưa cho nàng xem trước. Như vậy, Lệ có thể chỉ cần trả lời những câu hỏi nàng đã chọn lựa thôi, và những người có mặt không được vặn hỏi thêm. Với lề lối này, Lệ đã trả lời trong suốt một giờ những câu hỏi mà nàng thấy có lợi cho mình.
Trả lời một câu hỏi về việc từ chức của ông Trần Văn Chương đại sứ, thân phụ nàng, Lệ quả quyết rằng chính cha nàng đã bị chánh phủ Việt Nam cách chức chứ không phải tự ý từ chức:
- Chánh phủ Việt Nam nhận điện tín của cha tôi lúc 2 giờ sáng ngày 22 tháng 8. Điện tín đó chỉ trích chánh phủ cho nên chánh phủ lập tức điện trả lời chấm dứt nhiệm vụ của cha tôi. Lúc ấy, cha tôi mới công bố việc mình từ chức.
Trong lúc Lệ đang nói thế thì cách chỗ nàng độ 100 thước, cựu đại sứ Trần cũng đang diễn thuyết về tình hình Việt Nam cho hội đoàn chính trị American Legion tại Hội quán Hải lục quân Mỹ. Tuy một đầu đề nói về Việt Nam như con gái, song bài diễn văn của Trần Văn Chương có ý nghĩa chống đối ngược với những lời lẽ tán dương chế độ miền Nam của đệ nhất phu nhân:
- Chánh thể Ngô Đình Diệm là một chánh thể lạc hậu, bất lực và đàn áp, đến nỗi những điều đó đã trở thành những chướng ngại vật lớn lao nhất cho sự chiến thắng du kích quân Việt Nam. Con rể của tôi là Ngô Đình Nhu cầm đầu tất cả mọi việc tại Việt Nam và chắc chắn là y cũng còn cầm đầu luôn cả chánh phủ Diệm nữa. Còn vợ y tức là con gái tôi, lại cầm đầu trên tất cả họ Ngô.
Về phía Lệ, đang lúc nàng tiếp chuyện các báo Mỹ trong buổi ăn trưa tại khách sạn thì ở bên ngoài có hai nhóm trên một trăm người biểu tình đả đảo "con Rồng cái". Một nhóm thuộc các tôn giáo tổ chức, còn một nhóm lối gần một trăm sinh viên Mỹ tại Nữu Ước cầm biểu ngữ và hò hét những khẩu hiệu phản đối "Lucrèce Borgia Việt Nam" và chánh thể họ Ngô.
Cũng trong ngày hôm ấy sinh viên Mỹ ở khắp các tiểu bang Hoa Kỳ tổ chức những cuộc biểu tình để ủng hộ sinh viên đang xuống đường tại Nữu Ước. Có tới 250 trường đại học các nơi có sinh viên tham gia biểu tình. Phần đông sinh viên mang băng tang trên tay trái để tưởng niệm những người đã bỏ mình tại Việt Nam, nhất là sinh viên và học sinh chống lại chính thể Diệm sinh viên Mỹ còn vẽ hình Hoà thượng Thích Quảng Đức ngồi giữa đám lửa cháy, dắt đi diễu hành qua các khu phố với các biểu ngữ:
"Phản đối sự ngược đãi Phật giáo đồ, sinh viên và trí thức tại Việt Nam".
"Yêu cầu Tổng thống Kennedy can thiệp đối với chánh sách độc tài của gia đình họ Ngô".
Tổ chức của sinh viên lại còn chuẩn bị những cuộc biểu tình các nơi nào Lệ sẽ đặt chân đến trong suốt thời gian nàng ở lại Mỹ.
Nhận thấy những sự chống đối nguy hại do phía chánh quyền Hoa Kỳ, cũng như thân sinh nàng và sinh viên, dư luận Mỹ, Lệ bèn lên tiếng phân trần cùng các báo:
- Chánh phủ Hoa Kỳ đã tỏ ra rất tàn ác đối với tôi, và đấy không phải là phương pháp tốt.
Đối với cựu đại sứ Trần Văn Chương, hôm Lệ đến Nữu ước, người ta đây để ý đến sự vắng mặt của cả hai ông bà tại phi trường.
Trong thời gian Lệ ở Nữu Ước và Hoa Thịnh Đốn, một số phóng viên túc trực trước nhà ông Chương để xem Lệ có đến thăm không. Lệ đã cùng con gái đến gõ cửa nhà cha mẹ nhưng im lìm, không có ai ra mở cửa, đành trở về không. Lệ nhiều lần gọi điện thoại cho cha mẹ, nhưng cũng không được trả lời.
Lệ tức giận cha đã tránh mặt lại còn phá đám cuộc "giải độc" của nàng, nên tỏ lời với các báo rằng:
- Người Mỹ đã làm cho cha tôi tin rằng ông sẽ thay thế Tổng thống Diệm nếu chánh phủ hiện nay biến mất, chính vì thế mà ông ấy vẫn một mực chống lại tôi.
Trước đó, Lệ đã thuê nhiếp ảnh viên túc trực ở phía ngoài nhà cựu đại sứ Trần Văn Chương với nhiệm vụ báo tin ngay cho biết nếu có ông bà thân sinh nàng trở về nhà, để nàng đến thăm. Trong trường hợp ấy nhiếp ảnh viên sẽ chụp ảnh gia đình đoàn tụ của họ Trần, để Lệ có bằng chứng tỏ bày với các báo rằng dù sao giữa nàng với cha mẹ không khí hoà thuận vẫn duy trì.
Nhưng rồi sự lánh mặt cố ý của ông bà Trần Văn Chương tiếp đến là vòng diễn thuyết ra mặt chống đối chánh quyền miền Nam, phản tuyên truyền lại con gái của vị cựu đại sứ khiến Lệ không còn trông mong gì nữa ở thân sinh nàng.
Lệ đã không ngần ngại nói với mấy nhân viên tuỳ tùng:
- Cha tôi đã bị mua chuộc rồi. Ông ấy bị người Mỹ cho ăn bánh vẽ sẽ thay thế Tổng thống Diệm nên mới dứt tình đoạn nghĩa với tôi như vậy.
Nhìn thấy ảnh chụp nàng dừng chờ cùng con gái đang bấm chuông trước nhà cha mẹ ở Hoa Thịnh Đốn, với lời chú thích của tờ báo "Rủi quá, đi vắng", Lệ cáu tiết nói:
- Đúng là cha tôi theo hùa với bọn âm mưu phá hoại để chống lại tôi!
Trưa hôm ấy, tại câu lạc bộ báo chí quốc gia tại Hoa Thịnh Đốn, Lệ ngỏ lời cùng các báo:
- Tôi rất tiếc là cha tôi không chịu tiếp tôi. Xin các ông bà nhắn giúp giùm tôi. Tôi sẵn sàng gặp cha tôi bất cứ ở đâu, và bất cứ lúc nào.
Tối hôm đó, Lệ đi dự cuộc diễn thuyết tại trường đại học Haward tổ chức tại giảng đường luật khoa. Đây là một học đường trứ danh nhất của Hoa Kỳ đã đào tạo những nhân vật xuất sắc nhất trong chính trường Mỹ quốc.
Khi Lệ vừa mới đến, đã thấy mấy trăm sinh viên biểu tình trước cửa trường đại học, hò hét đả đảo ném cà chua và trứng thối tới tấp như mưa. Chiếc xe chở Lệ đóng kín cửa kính chạy vọt qua khỏi hàng rào phản đối.
Vào tới diễn trường, Lệ càng bỡ ngỡ và rối trí vì cách nói chuyện ở đây khác hẳn các nơi khác. Thường khi Lệ dừng ra đọc một diễn văn soạn sẵn rồi sau đó trả lời một số câu hỏi của thính giả. Tại đây trước khi Lệ lên tiếng, ba giáo sư đứng ra trình bày ba khía cạnh của vấn đề Việt Nam để cho Lệ giải đáp.
Mở đầu, một giáo sư luật khoa chống lại lập luận của Lệ về tình hình Việt Nam qua những lời tuyên bố vừa rồi. Giáo sư trình bày vắn tắt dẫn chứng rõ rệt và hùng hồn làm cho Lệ khó lòng mà cãi lại.
Đến lượt giáo sư hành chánh học tiếp lời tố cáo Lệ đã cố ý trình bày sai lệch vấn đề Việt Nam, làm cho dân chúng Mỹ tin rằng "mọi việc ở Việt Nam đều tốt đẹp cả".
- Bà muốn cho chúng ta tin rằng người nào nói khác đều là nói láo, và mọi con số, tài liệu dẫn chứng của họ đều là những chuyện bịa đặt.
Lệ ngồi yên mấy phút đầu, lấy viết ghi lại mấy điểm để trả lời, trong lúc ba giáo sư Mỹ kế tiếp nhau lên diễn đàn. Lệ cố giữ vẻ thản nhiên nghe những lời công kích mình, thỉnh thoảng lại cười mỉm nhún vai, lắc đầu. Nhưng chỉ được một lúc, Lệ không dằn lòng được nữa, cau mày khó chịu. Như người ngồi phải trên lửa, Lệ xoay xở không ngừng, hai tay hết mó máy mái tóc, sửa lại vạt áo dài, đến mở rồi đóng "xắc" không biết bao nhiêu lần. Cuối cùng, như quyết định điều gì Lệ bỏ luôn giấy và viết vào xắc, hai tay chống cằm, ngước mắt nhìn lên trần nhà, tỏ thái độ khinh thường.
Mỗi đoạn công kích từng lúc lại điểm một tràng pháo tay vang dội càng làm cho Lệ điên tiết thêm lên. Đến lượt Lệ lên diễn đàn, người ta nhận thấy rõ nàng không còn giữ được bình tĩnh, cố gượng gạo trả lời:
- Người Mỹ không sống như chúng tôi, không khắc khổ như chúng tôi mà còn sống rất xa xỉ…
Lời nói của Lệ bị những tiếng suýt và huýt sáo phá ngang.
Trước một thính giả chống đối ra mặt, Lệ lên tiếng được năm phút, rồi đột nhiên chấm dứt:
- Tôi không thể ở lại đây lâu hơn, tôi có hẹn phải đi nơi khác.
Nói xong, nàng bỏ đi luôn ra khỏi phòng trước sự sửng sốt của mọi người. Lệ nhảy lên xe, chạy về lối cửa sau để chống sinh viên biểu tình phản đối.
Logged
Cám_hn
Thành viên
*
Bài viết: 230


« Trả lời #132 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2008, 08:53:25 pm »

Qua buổi nói chuyện mà Lệ có cảm tưởng là "người ta muốn làm thịt tôi", nàng nói với báo chí:
- Đại học Haward phải thay đổi không thì sẽ mất hết tiếng tốt. Sinh viên Haward là một lũ mất dạy!
Sau đó, Lệ lại lên tiếng trong một chương trình vê tuyến truyền hình của hãng NBC, nói về Phật giáo Việt Nam:
- Tôn giáo được đa số tín đồ tại Việt Nam không phải là Phật giáo, nhưng là Khổng giáo. Không ai biết rõ số Phật tử là bao nhiêu. Năm ngoái, 1962, Tổng hội Phật giáo có xuất bản một cuốn sách, trong ấy có kê khai số Phật tử tại Việt Nam là 1 triệu người trên dân số 14 triệu. Con số 70 phần trăm dân chúng mà Phật giáo bảo đó là tín đồ, thực ra chỉ là những người theo đạo ông bà. Chánh phủ Việt Nam có bắt bớ các sư sãi không? Làm sao mà chúng tôi không bắt những kẻ phiến loạn được? Đêm 21 tháng 8 chúng tôi khám xét trong các chùa và tìm thấy súng ống lựu đạn, cả bom nữa, giấu dưới các tượng Phật. Các sư sãi tối ngày chỉ biết lo làm chính trị, chỉ muốn lật đổ chánh phủ do dân quân tự bầu lên, chỉ muốn đưa Cộng sản vào Sài Gòn với những kẻ phiến loạn như thế, mà chánh phủ tôi chỉ bắt có 7 sư mà thôi và nay theo tin tôi vừa nhận được từ Sài Gòn thì những người bị bắt đã được thả hết rồi. Chỉ có những kẻ xuyên tạc sự thật mới nói là có việc đàn áp Phật giáo ở Việt Nam!
Trong lúc Lệ ra rả tuyên bố trên màn ảnh vô tuyến truyền hình Mỹ, thì ở ngoài khơi biển miền Nam, một chiếc tàu chở đầy tăng ni và sinh viên đang lướt sóng chạy về hướng Côn Đảo. Trên không một chiếc máy bay Skyraider đang theo dõi, đảo quanh mấy vòng, nhìn thấy lá cờ vàng gạch đỏ trước mũi tàu.
Phi công lái chiếc oanh tạc cơ, đại uý Huỳnh Minh Trường, sáng nay đã nhận được một phong bì dán kín với chỉ thị của cấp trên dặn khi nào máy bay cất cánh hãy mở ra xem để biết công tác phải thi hành. Theo đấy đại uý có phận sự phải dội bom đánh chìm chiếc tàu chở những kẻ đối lập nguy hiểm ra Côn Đảo, và hoàn thành công tác trở về sẽ được thăng thiếu tá cùng được hưởng một triệu đồng.
Đại uý Huỳnh Minh Trường lượn vòng bên trên chiếc tàu, đánh điện hỏi, nghe trả lời:
- Tàu chúng tôi từ Sài Gòn đi Côn Sơn, chở những phạm nhân của chánh phủ quốc gia, nhà sư và Phật tử.
- Tôi được lệnh ném bom và đánh chìm tàu, nhưng tôi không làm. Vậy tàu hãy đổi hướng chạy lánh đi nếu không muốn gặp nguy hiểm.
Thế rồi trong khi chiếc Skyraider bay đi về phía Tây, đáp xuống phi trường Pochentong xin lánh nạn chính trị ở Căm-bốt, chiếc tàu chở các nhà sư cũng đổi hướng, chạy về phía vịnh Thái Lan.
Đại uý Huỳnh Minh Trường được nhà chức trách Khơ-me lịch sự đón tiếp, tuyên bố tại phi trường:
- Tôi đến đây xin tị nạn chính trị đề phản đối những sự đàn áp Phật tử của chánh phủ Ngô Đình Diệm. Toàn thể dân chúng miền Nam đang chờ ngày lật đổ chánh phủ này.
Tại dinh Gia Long, ở văn phòng cố vấn chính trị, trước mặt người anh Tổng thống và mấy thuộc hạ thân tín, Ngô Đình Nhu trầm giọng nói:
- Tình thế đã đến như vầy, tôi thấy mình cần phải phản ứng quyết hệt mới được. Bọn Mỹ cho rằng ngưng viện trợ kỹ thuật, thương mãi, CIA thôi trả lương Lực lượng đặc biệt 300.000 đô-la mỗi tháng. Phong toả như vầy mình đành phải bó tay mà nhượng bộ, Cabot Lodge coi mình như một thứ thuộc địa, làm sao mà chịu nổi?
Mac Namara với Maxwell Taylor mới rồi sang đây, chỉ là Bộ trưởng quốc phòng và tham mưu trưởng liên quân mà tự ý đi thanh tra khắp nơi, ra lệnh về quân sự, về chính trị, xem như là chúng cầm đầu xứ này, có nhục nhã không Đời thuở nào mình là một nước độc lập mà chúng nó công khai đòi thay đổi chánh phủ, có phải là muốn làm cha thiên hạ không? Tôi quyết không để cho chúng nó coi mình là bù nhìn để muốn giựt dây ra sao cũng được?
Ngô Đình Diệm lo lắng hỏi:
- Vậy chú tính đối phó cách nào?
Nhu lạnh lùng đáp:
- Từ năm 1955 đến giờ Mỹ đã bỏ ra 3 tỷ đô-la riêng về quân sự, năm nay 1963 là 500 triệu đô-la, có phải bỗng chốc mà họ có thể bỏ ngang mình đâu mà anh sợ? "Người ta không thay ngựa giữa dòng", câu châm ngôn ấy hết sức là đúng với Mỹ, và Kennedy đưa Cabot Lodge sang đây làm đại sứ cũng là vậy. Dù mình có sao đi nữa, họ cũng không có thể bỏ ngang được.
Ngô Đình Nhu ngừng lại đốt thuốc lá rồi nói tiếp:
- Đối với dư luận Mỹ đã có nhà tôi sang bên đó vận động rồi.
- Tôi tin là có thể Neutraliser(1) được các hệ thống vô tuyến truyền hình và báo chí Mỹ đánh hoà tấu phản công mình. Về vấn đề Phật giáo, theo các tin tức nhận được, thế nào mấy nước Á Phi nhất là mấy quốc gia đạo Phật nhất định đưa ra đại Hội đồng Liên Hiệp quốc. Biết không tránh được, tại sao mình lại không đi trước, mời ngay Liên Hiệp quốc gởi phái đoàn sang Việt Nam để điều tra tại chỗ xem có việc kỳ thị tôn giáo không? Như vậy là mình ra tay trước và có thể danh chánh ngôn thuận "nhận chìm con cá", Phật giáo sẽ không còn thành vấn đề nữa.
Ngô Trọng Hiếu gật gù tỏ vẻ thán phục:
- Thật ông cố vấn mưu lược như thần, phen này cả thế giới cũng phải trố mắt ra mà phục sát đất.
Ngô Đình Nhu lạnh lùng tiếp tục:
- Tôi định cho Bửu Hội đại diện Liên Hiệp quốc. Một bác học Phật tử mang thư mời phái đoàn Liên Hiệp quốc đi điều tra về Phật giáo hẳn là thế giới không ai nói vào đâu được nữa.
Ngô Đình Diệm buột miệng thốt ra:
- Chú liệu việc giỏi lắm. Bây giờ nghe chú nói ra tôi mới thiệt đỡ lo.
Nhu mỉm cười:
- Đây chỉ là phần đầu kế hoạch đối phó lúc này thôi. Nếu tình thế đòi hỏi khác, tôi còn có chiến thuật khác nữa. Anh cứ yên tâm. Tôi không thua trí Mỹ đâu.
Đôi mắt nghiêm lạnh bỗng lóe sáng đấy tự tin, Ngô Đình Nhu liếc nhìn Diệm nhấn mạnh từng lời:
- Họ tức mình cứng đầu nên mới đe doạ, ngưng một số viện trợ để gây áp lực, nhưng rồi thấy không ăn hiếp mình được, thì lại thôi. Cái trò đầu voi đuôi chuột ấy họ diễn mãi rồi, còn ai lạ gì nữa!
Giọng trầm đều của Nhu lại tiếp tục biện minh để thuyết phục chung quanh:
- Mỹ nó tường có thể xúi giục mua chuộc một số tướng tá để bày trò đảo chánh, nhưng mình đã nắm vững quân đội trong tay rồi, những chỗ then chốt đều là người của mình, lão Lodge có ba đầu sáu tay cũng đừng hòng làm trò trống gì nổi về mặt quân sự. Còn về mặt chính trị, bao nhiêu phe nhóm đối lập bị đập tan cả rồi, chúng chỉ có vin vào Phật giáo để phá chánh phủ. Nhưng mình đã thấy rõ nước cờ mà chặn trước, phái đoàn Liên Hiệp quốc có đến thì rồi cũng trơ mắt ra thôi.
Nhu bỗng cười nhạt, kết luận:
- Mình đánh cờ thế, Mỹ chơi cờ chó, làm sao mà Cabot Lodge đòi hơn mình được?
***
Trưa hôm nay, Lệ dùng bữa tại câu lạc bộ báo chí Hoa Thịnh Đốn và nói chuyện với các báo ở đây:
- Một số người trong chánh phủ Kennedy đã phản bội Việt Nam bằng cách rút bớt viện trợ. Tôi không chỉ trích toàn thể chánh phủ Hoa Kỳ nhưng tôi nói rằng một số người cộng tác với Tổng thống Kennedy đã nóng nảy, tức giận và muốn lật đổ chánh phủ Ngô Đình Diệm bằng cách ngưng cắt viện trợ, đó là một cử chỉ hết sức là con nít của những kẻ thua rồi nóng mặt, muốn trả thù.
Trong lúc Lệ đang tuyên bố thì ở bên ngoài cửa ra vào câu lạc bộ báo chí Mỹ một đám sinh viên biểu tình, hò hét đả đảo con rắn độc đồng thời ở phía bên kia đường đối diện với đám sinh viên phản đối một nhóm người Mỹ vận áo quần ka ki vác những biểu ngữ: "Đệ nhất phu nhân Việt Nam tôi mến bà". Nhóm người ủng hộ này thuộc đảng phát xít Hoa Kỳ tổ chức, phối hợp với các nhóm bênh vực họ Ngô phản công hệ thống chống đối cuộc du thuyết của Lệ tại Mỹ.
Cũng vào lúc ấy, cách câu lạc bộ báo chí chừng một trăm thước cựu đại sứ Trần Văn Chương đang diễn thuyết cho một hội đoàn chính trị thiên hữu, đả kích chánh quyền Ngô Đình Diệm và lặp lại lời tố cáo con gái là: "Một trường hợp hoá điên vì thích quyền hành".
Như để trả lời phụ thân đang ở gần nơi nàng nói chuyện, Lệ lên tiếng ngỏ cùng các ký giả Mỹ:
- Tôi phản đối lời tố cáo nói rằng tôi "hoá điên vì thích quyền hành". Đây không phải là lần đầu tiên cha tôi chứng tỏ là một thái độ phi lý đối với tôi.
Qua các buổi ra mắt để biện hộ cho chánh thể họ Ngô, Lệ nhận thấy phần lớn báo chí Mỹ không còn nương nhẹ mình nữa. Nàng hậm hực đọc qua những báo đã nói về nàng, như tờ San Francisco Chronicle viết: "Trong số những người đàn bà giao thiệp với chánh phủ Hoa Kỳ, đệ nhất phu nhân hắn là người bị dân chúng Mỹ ghét nhất, kể từ thời kỳ hoạt động của bà Tưởng Giới Thạch. Chúng ta có thể bỏ qua những lời tuyên bố khát máu của bà ta nếu bà ta không phải là người có nhiều thế lực của chánh phủ Diệm…"
Nhật báo Daily News lại còn chua cay hơn nữa: "Theo lời đệ nhất phu nhân Việt Nam thì dân chúng Mỹ chúng ta đều đi sai đường cả chỉ vì chúng ta không đồng ý với bà".
"Nghệ thuật của bà ta trên khán đài mấy hôm nay làm cho chúng ta nhớ lại những tay hề hoa tay múa may tán dóc ăn tiền. Những tay hề như vậy không khi nào trở nên tài tử chính, nhưng lúc nào ra mắt cũng được khán giả hoan hô.
… "Bà ta có một lớp da rất dày, cho nên không biết cảm xúc chỉ muốn có một điều là thoả mãn vô biên. Là một người khách đến một nước đang tận tâm giúp đỡ nước bà, cử chỉ và lời nói của bà đã làm cho chúng ta thấy bà không có một chút giáo dục nào, chứ đừng nói đến lễ độ. Bà đã cư xử vừa vô lễ, lại vừa cục cằn… Lúc còn ở châu Âu, bà đã khoe rằng chưa ai nói bà "ngốc". Tôi đề nghị với bà ta nên ngừng nói một phút thì mới nghe được người ta nói gì về mình".
Biết mình đã bị báo chí tấn công gieo một ấn tượng xấu trong công luận Hoa Kỳ, Lệ định vớt vát bằng cách khơi dậy điểm yếu của đa số người Mỹ là lòng sùng đạo. Nàng tỏ ra mình là kẻ ngoan đạo bằng cách khoe với các báo:
- Rước lễ mỗi ngày là yếu tố tinh thần của đời tôi.
Khi đến California, đi tìm chỗ ở, Lệ tuyên bố:
- Tôi muốn ở đâu gần nhà thờ để đi lễ được dễ dàng.
Nàng luôn luôn đeo dây chuyền thánh giá mỗi khi ra mắt công chúng. Nhưng thái độ thánh thiện của Lệ đi quá xa, khi nàng cao hứng khoe:
- Mỗi lúc tôi muốn cầu xin việc gì tôi lập danh sách những việc định làm để trả ơn Chúa. Đến khi làm xong các việc ấy rồi, tôi nói với Chúa: "Bây giờ đến lượt Chúa thi hành hợp đồng!"
Trước đó đã có hàng ngàn giáo sĩ Mỹ ký tên dưới một bức thơ công khai gởi Tổng thống Kennedy tố cáo chánh thể độc tài Ngô Đình Diệm và đòi chấm dứt việc ủng hộ gia đình họ Ngô đàn áp dân chúng miền Nam và khủng bố Phật giáo. Đến thái độ phủ nhận của Giáo hoàng khiến Hồng y Spellman, đỡ đầu cho Ngô Đình Diệm trở về nước chấp chính cũng phải lánh mặt không tiếp tổng giám mục họ Ngô chạy sang Mỹ vận động dọn đường cho cô em dâu diễn thuyết.
Lệ không còn mong được phe Thiên Chúa giáo Hoa Kỳ ủng hộ nữa, mới xoay qua cánh cực hữu và các giới cực đoan của đảng Cộng hoà sẽ ra tranh cử Tổng thống kỳ sắp tới để tìm kiếm hậu thuẫn, trước những sự chống đối liên tiếp khắp mọi mặt, nhất là các hệ thống báo chí; vô tuyến truyền hình, các giáo sư đại học, sinh viên, các tiểu bang nàng đặt chân đến.
Sáng hôm sau ngày đến Chicago, Lệ dự một chương trình truyền hình dành cho Việt Nam. Cùng nói chuyện với nàng có giáo sư Hans Morgenthau, phụ trách về chính trị học tại trường đại học Chicago và một phóng viên báo Sun Times cả hai đều là chuyên gia về vấn đề Việt Nam đã từng viếng thăm xứ này.
Logged
Cám_hn
Thành viên
*
Bài viết: 230


« Trả lời #133 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2008, 08:53:52 pm »

Lệ đem con gái theo, lấy cớ là Thuỷ có thể giúp nàng trong những lúc gặp tiếng nào khó, vì theo lời Lệ "con gái tôi thạo Anh ngữ lắm". Thực ra thì trình độ của Thuỷ cũng chẳng hơn gì mẹ, nhưng Lệ chú ý đem theo là để gặp khi có câu nào khó đáp, nàng có thể quay lại phía con, làm bộ hỏi bằng tiếng Việt để có thì giờ tìm ra lối thoát.
Suốt hơn một tiếng đồng hồ giáo sư ký giả Mỹ đặt nhiều câu hỏi về tình hình Việt Nam từ các vụ bắt bớ Phật giáo và sinh viên, đến các vụ án xử các quân nhân trong các cuộc đảo chánh tháng 11 năm 1960, vụ ném bom dinh Độc Lập rồi vụ bầu cử Tổng thống vừa qua, chế độ cảnh sát ở miền Nam, mỗi vấn đề là một câu hỏi nan giải khiến cho Lệ lúng túng chỉ trả lời quanh quẩn, tránh né, tỏ ra thiếu thành thật rõ rệt.
Kết thúc chương trình tẻ nhạt này vì thái độ dối trá của Lệ, giáo sư Morgenthau đã phải tuyên bố:
- Tôi ngỡ là có dịp tranh luận với một người thông minh có học thức, tuy tôi không đồng ý với bà ấy. Nhưng tôi thật thất vọng. Bà ấy thật ngốc (She is just stupid).
Giáo sư Morgenthau còn nói thêm:
- Tuy tôi không thích bà ấy tí nào, tôi cho bà còn khá hơn con gái. Người con gái nhỏ tuổi này thỉnh thoảng có cái nhìn lạnh lùng, sâu độc làm cho tôi phải rùng mình. Lớn lên cô ta còn hơn cả mẹ!
Lệ mừng rỡ nhận ra tiếng nói quen thuộc ở đầu đây, John Richard, nguyên đệ nhất bí thư toà đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn kiêm giám đốc chi nhánh CIA tại Sài Gòn, sắp đến gặp Lệ.
Richard đã giúp đắc lực cho chồng nàng trong thời cựu đại sứ Nolthing, vừa bị Cabot Lodge loại trừ đẩy về Hoa Kỳ, để tổ chức lại cơ quan tình báo trung ương Mỹ tại Việt Nam. Richard còn là một tình nhân của Lệ trong số những người Mỹ giao du thân mật với nàng.
Lệ đến Mỹ được một tuần thì Richard trở về nước.
Gã tới Chicago tìm gặp Lệ tại khách sạn giữa lúc nàng đang hoang mang lo ngại, "đơn thương độc mã" dương đầu với những đợt tấn công liên tiếp trên đất Mỹ. Gặp lại người tình cũ, Lệ đang vui mừng trong cảnh "tha hương ngộ cố tri" thì Richard báo cho nàng hay tình thế nguy hiểm đang chờ đợi.
- Gió đã đổi chiều. Thái độ của Hoa Thịnh Đốn biến chuyển theo đường lối mới của Cabot Lodge và cơ quan CIA quyết định một phần quan trọng cục diện của miền Nam.
Richard trao tận tay Lệ một cuốn sách rối bảo nàng:
- Bà cũng đã thừa rõ vai trò quyết định của CIA trong chánh sách Mỹ ở ngoại quốc, đặc biệt là tình thế hiện nay ở nước bà. Tôi rất tiếc lúc này không làm gì được, tôi cũng không còn ảnh hưởng gì đối với CIA ở Sài Gòn.
Richard ngừng lại, nhìn vào mắt Lệ:
- Tôi đã có gởi một cuốn sách này tặng ông cố vấn chồng bà. Tôi cũng đem món quà này tặng bà, vì tôi nghĩ là cuốn sách có thể gợi cho bà những ý nghĩ ích lợi… Theo ý tôi đây là một cuốn sách hữu ích cho những chính khách các nước Á Phi có liên hệ với Hoa Kỳ.
Lệ tháo giấy bọc cuốn sách, đọc tên sách: CIA của Andrew Tully. Richard nói vào:
- Đây là một tài liệu hết sức quan trọng về lịch sử hoạt động của cơ quan trung ương tình báo Mỹ. Bà có thể xem trong đó dự đoán được tình thế Việt Nam sắp tới mà không sợ sai lầm mấy.
Lệ cười mỉm:
- Đây là một cuốn sách tiên tri à?
- Cũng gần như thế song tuỳ theo sự suy luận của người đọc. Tôi tin là một người thông minh như bà chắc chắn sẽ theo đấy mà suy diễn đúng với những biến cố ở nước bà.
Richard ngồi nói chuyện với Lệ ở phòng riêng hơn một tiếng đồng hồ, uống đến ly uýt ky thứ ba, đôi mắt lờ đờ ngắm người tình cũ còn lại một mình, sau khi con gái và cô thư ký về phòng bên cạnh.
Nhìn đồng hồ tay gần nửa đêm, Richard đã ngà ngà rượu đổi câu chuyện:
- Tôi có thể ở lại đây không?
Lệ như quên cả bao nhiêu lo lắng, đáp:
- Theo anh, là một người của CIA, anh thấy có gì trở ngại cho tôi không?
***
Giữa lúc Lệ đang ở trong tâm trạng hoang mang, sau cuộc tái ngộ người tình cựu giám đốc cơ quan CIA ở miền Nam tại một khách sạn quan trọng Chicago, thì nhận được tin của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khuyến cáo "bà đừng nên đi đâu, vì an ninh khó bảo đảm".
Theo chương trình đã định, sau Chicago, Lệ sẽ viếng đến San Francisco để tiếp tục vòng du thuyết. Lúc đầu Lệ tin tưởng mình gặt hái được nhiều kết quả rực rỡ nhờ tài ăn nói và duyên dáng hấp dẫn, có thể chinh phục cảm tình của chánh khách nghị sĩ và dân chúng Mỹ, vượt cả đệ nhất phu nhân Trung Hoa, Tống Mỹ Linh đã đến Hoa Kỳ trước đây song Lệ liên tiếp bị báo chí, sinh viên trí thức và thường dân phản đối ở khắp nơi nàng đặt chán đến. Đồng thời tại mỗi tiểu bang Lệ sắp nói chuyện, phụ thân nàng, cựu đại sứ Trần Văn Chương đã tới trước diễn thuyết chống lại con gái, qua những lời lẽ tố cáo và đả kích chế độ gia đình họ Ngô. Vòng diễn thuyết tuyên truyền và phản tuyên truyền chánh quyền miền Nam của hai cha con cứ thế mà tiếp diễn khắp nước Mỹ, theo một nhịp độ cạnh tranh kịch liệt.
Trong khi Lệ oán trách cha trên đất Mỹ thì ở Sài Gòn, sư bà Diệu Huệ bị chánh quyền bắt giữ từ đêm đánh phá chùa Xá Lợi lên tiếng từ người con trai bác học họ Bửu, đại sứ ở Bắc Phi, đã nhận 5 triệu bạc của anh em họ Ngô để chống lại Phật giáo và người mẹ tu hành.
Bửu Hội nhân danh là một nhà thông thái đại diện cho chánh phủ miền Nam ra trước đại hội đồng Liên Hiệp quốc tuyên bố:
- Những nguyện vọng của Phật giáo đồ ở Việt Nam đã được bản thông báo chung ngày 16-6-1963 hoàn toàn thoả mãn. Vấn đề Phật giáo đã được giải quyết xong theo sự thỉnh cầu của vị tăng thống và trên nguyên tắc tích cực tôn trọng tự do tín ngưỡng. Tăng ni, Phật tử đều hoan nghênh biện pháp hoà giải của chánh phủ Việt Nam Cộng hoà về vấn đề Phật giáo. Họ đã gởi kiến nghị lên ông Tổng thống và chánh phủ đã cứu Phật giáo khỏi thảm cảnh do bọn đầu cơ chính trị gây ra. Những sự kiện này xảy ra sau ngày thông cáo chung được ký kết không còn nằm trong phạm vi tôn giáo, bằng chứng là những tăng ni Phật tử siết chặt hàng ngũ sau Tổng thống Ngô Đình Diệm, cương quyết đấu tranh tận diệt những kẻ thù của dân tộc. Như vậy, vụ Phật giáo không còn là vấn đề nữa và không cần phải đưa ra thảo luận tại Liên Hiệp quốc.
Lời biện hộ của nhà bác học đã bị phủ nhận bởi một bức thơ của bà mẹ gởi cho trưởng phái đoàn Liên Hiệp quốc qua điều tra vụ vi phạm nhân quyền tại miền Nam.
"Tôi là Hồ Thị Huyền tức ni cô Diệu Huệ, thân mẫu của giáo sư Bửu Hội có mấy lời tâm huyết sau đây:
"1. Đối với Phật giáo, tôi rất đau đớn vì trong khi Phật giáo lâm nguy, tăng ni và tín đồ bị tù đày, tôi không thực hiện được trí nguyện của tôi tức là tự thiêu thân để bảo vệ chính pháp, vì trước kia Uỷ ban Liên phái không cho phép, bây giờ thì tôi mất hết tự do.
2. Đối với quốc dân, tôi rất tủi nhục vì Bửu Hội đã phản lại tôi phản lại Phật giáo và nhất là phản lại sự thật đã xảy ra ở Việt Nam. Vậy tôi xin tuyên bố trước Liên Hiệp quốc và thế giới biết rằng ông Bửu Hội ngày nay không còn là con tôi nữa. Xin Quốc hội và quốc ngoại thông cảm cho nỗi đau đớn của tôi.
Yêu cầu chính phủ Ngô Đình Diệm hãy giúp cho tôi trả bỏ tấm thân này bằng cách giết tôi đi, đừng vì Bửu Hội mà dung dưỡng tôi".
***
- Đó không phải là do bà cụ tự ý viết đâu mà chính là do hoạt động tổ chức bí mật của Phật giáo soạn ra để tuyên truyền hạ uy tín ông khi chúng hay tin ông làm đặc uỷ của chánh phủ mời Liên Hiệp Quốc trưởng phái đoàn đến Việt Nam. Chúng tôi vừa mới khám phá một tổ chức cưỡng ép tăng ni tự thiêu trong thời gian có mặt của phái đoàn Liên Hiệp quốc ở Sài Gòn. Giết người họ cũng không từ, huống hồ chi tự thiêu như thế kia.
Ngô Đình Nhu tỏ lời an ủi nhà bác học Bửu Hội đã nhận công tác phản tuyên truyền Phật giáo, cạnh phái đoàn điều tra Liên Hiệp quốc.
Giáo sư Bửu Hội hỏi:
- Kế hoạch của ông cố vấn đối phó với phái đoàn điều tra như thế nào?
Cố vấn chính trị họ Ngô thong thả nói:
- Kế hoạch của tôi trù liệu gốm có mấy điều như sau:
1. Đưa cho phái đoàn một chương trình viếng thăm những nhân chứng và những nơi mà mình đã sắp đặt trước. Nếu phái đoàn đòi hỏi ra ngoài chương trình thì mình từ khước, viện cớ là vì vấn đế thiếu an ninh.
2. Chỉ để cho nhân viên phái đoàn gặp những nhân chứng được mật vụ tổ chức.
3. Cô lập hoàn toàn phái đoàn ở khách sạn trú ngụ bằng một hàng rào mật vụ công an, ngăn không cho những kẻ theo Phật giáo đến liên lạc tố cáo.
4. Tổ chức những cuộc biểu tình của những sư giả hoặc phái Cổ Sơn Môn ủng hộ chính phủ và chống lại bọn thầy chùa phá rối làm tay sai Cộng sản.
***
Vào giữa lúc này, Đài phát thanh Sài Gòn truyền đi lời kêu gọi của một nhà sư, Đại đức Thích Minh Tuyền, 19 tuổi, yêu cầu 5 vị sư khác đừng tự thiêu, sau khi đã tuyên bố rằng mình bị dụ dỗ để tự thiêu.
Đồng thời Việt tấn xã loan tin "chính phủ mới khám phá được một tổ chức cưỡng ép tăng ni tự sát".
Vị chủ tịch phái đoàn Liên Hiệp quốc gặp Thích Minh Tuyền. Nhà sư này với tư cách chứng nhân đã đáp lại những câu hỏi của nhân viên phái đoàn, nói mình chính là môn đệ của Thượng toạ Thích Trí Quang lãnh đạo Tổng hội Phật giáo, làm việc cho Cộng sản và kể lại cuộc tự thiêu hụt:
- Họ cần mười người tình nguyện và hỏi tôi tham gia không. Họ nói tôi sẽ được chết vì chánh pháp. Họ rất vui sướng khi nghe tôi nhận lời. Họ yêu cầu tôi tự thiêu trong ngày Quốc khánh vì ngày hôm ấy có đông đủ mọi người, ngày có các đại biểu của phái đoàn Liên Hiệp quốc. Tôi hỏi làm thế nào đề có thể vào khu vực cấm ấy được.
Họ bảo tôi đừng lo sợ, một nhóm người phụ trách ủng hộ sự tự thiêu đã có những bố trí thích đáng cho tôi. Tôi hỏi bố trí như thế nào thì họ trả lời đến ngày 26-10 tôi sẽ nhận được một bộ đồ trắng và một chiếc áo cà sa vàng có tẩm xăng. Họ sẽ giao cho tôi một chiếc xe hơi có treo cờ để vào khu vực cấm đến nơi tôi sẽ tự nhiên bước xuống xe do một người tài xế lái. Đoạn tôi sẽ ngồi xuống, mặc chiếc áo cà sa vào quẹt diêm và châm lửa đốt quần áo. Trước khi ấy, người ta sẽ cho tôi vài viên thuốc không sợ đau.
Ngày 25, cảnh sát đến bắt tôi. Họ giam tôi trong một căn phòng, xong đem tôi ra và giải thích là chánh quyền không giết một vị sư nào, không có một sự tàn bạo nào đã xảy ra và tất cả những câu chuyện trước kia đều là bịa đặt. Tôi biết bị lầm đường và bây giờ tôi đã hiểu rõ về những âm mưu vừa qua, tôi có gởi một bức thư đến phái đoàn Liên Hiệp quốc. Bây giờ tôi đã nhận thấy rõ ràng tình thế, không còn có ý định tự thiêu nữa.
Đại sứ Liên Hiệp quốc hỏi:
- Anh có kể câu chuyện của anh tại Đài phát thanh không?
- Có, tôi kể hôm qua tại Đài phát thanh.
Cuộc đối thoại tiếp tục giữa nhân viên phái đoàn quan sát và nhà sư nhân chứng.
- Ai bảo anh kể?
Logged
Cám_hn
Thành viên
*
Bài viết: 230


« Trả lời #134 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2008, 08:54:22 pm »

- Nhân viên công an yêu cầu tôi, và tôi nhận lời.
- Ai đưa anh đến đây.
- Công an.
- Hôm qua, có phải anh đã yêu cầu năm vị sư khác đừng tự thiêu nữa phải không?
- Vâng, tôi kể câu chuyện của tôi và gởi đến họ lời kêu gọi như thế.
- Anh có biết năm người kia không?
- Không.
- Anh có tiếc về việc không được hy sinh cho chánh pháp hay là anh sung sướng khỏi phải chết?
- Tôi sung sướng khỏi phải chết vì tay tôi.
- Như thế, anh công nhận những điều công an đã nói là đúng?
- Vâng, tôi rất tin.
***
Ban lãnh đạo bí mật Phật giáo quyết định tổ chức một vụ tự thiêu vào ngày 27 tháng 10.
Lý do của ban lãnh đạo: Phải tổ chức trong ngày 27 tháng mười vì cảnh sát, công an, mật vụ đã mệt nhoài hôm lễ Quốc khánh 26 tháng 10. Một lễ nữa, phái đoàn Liên Hiệp quốc vừa mới tuyên bố bác bỏ lần thứ hai bản chương trình quan sát do chánh phủ Diệm ấn định. Phật giáo phải hành động gấp để gây uy tín quốc tế.
Người tình nguyện hy sinh là nhà sư Thích Thiện Mỹ. Thích Thiện Mỹ là pháp danh của Hoàng Miều 22 tuổi, xuất gia từ năm lên tám, tu tại chùa Linh Sơn Đà Lạt, đã phát nguyện tự chặt hai ngón tay ngày 18 tháng 8 năm 63 để góp phần đấu tranh cho đạo pháp.
Được thư xin tự thiêu cúng đường của Thiện Mỹ, ban lãnh đạo bí mật liền tiếp xúc đưa nhà sư về Sài Gòn, tổ chức việc tự thiêu của Thiện Mỹ.
Thiện Mỹ ngụ tại ngôi chùa hoang Phước Hải, là nơi tăng ni đã trốn hết sau vụ tự thiêu vừa qua tại chợ Bến Thành của sư Quảng Hương. Mật vụ và công an không dè rằng tổ chức bí mật của Phật giáo lại dùng chùa này lần thứ hai làm nơi chuẩn bị một vụ tự thiêu khác nữa.
Đêm hôm ấy, những người ngủ lại trong chùa Phước Hải đều thấp thỏm lo mật vụ ập vào bắt trọn đám.
Bắt đầu gà gáy, lúc hai giờ sáng, mọi người trong chùa đã lục đục trở đậy. Thiện Mỹ đi tắm rửa, quấn bông vào người rồi khoác áo cà sa, tới ngồi trước bàn Phật tụng kinh.
Theo chương trình dự định, vào lúc 9 giờ 25, một tu sẽ giúp Thiện Mỹ tẩm 4 lít xăng vào bông gòn quấn quanh người, còn 2 lít xăng trắng của một sĩ quan Phật tử biếu thì cho vào hai túi ni lông để Thiện Mỹ đeo ở vai mang đi. Đúng chín giờ rưỡi, sẽ có một chiếc xe nhà binh do một quân nhân cầm lái đến trở Thiện Mỹ thẳng tới nhà thờ Đức Bà vào lối 10 giờ.
Sư Đồng Công lo chuyện chuyên chở, không mượn được xe, ghé qua nhà thờ Đức Bà thấy nhiều khuôn mặt Phật tử quen thuộc đang quì ở hàng ghế, sẵn sàng chờ đợi hưởng ứng cuộc tự thiêu. Nóng lòng vì đã đến giờ phút hẹn định, sư Đồng Công đành liều thuê một chiếc tắc xi chạy về chùa để đón Thiện Mỹ.
Trong số 5 ngàn tắc xi ở Sài Gòn có hàng trăm tài xế là mật vụ len lỏi, nhưng rất may cho sư Đồng Công lại gặp được một tài xế Phật tử. Chiếc xe dừng lại trước chùa Phước Hải, nhiều tăng ni đã đi trốn. Thiện Mỹ lững thững từ trên gác bước xuống tay xách hai túi xăng cùng sư Đồng Công vội bước vào xe. Mùi xăng bốc ra sực nức.
Mấy nữ tín đồ đoán biết sắp có tự thiêu, nhìn theo nhà sư khóc oà.
Chiếc tấc xi lăn bánh trên đường Trần Quốc Toán, rồi chạy quanh co, tránh các ngã tư đèn xanh đỏ, sợ xe phải dừng, mùi xăng bốc ra làm lộ cuộc tự thiêu. Hơi xăng thấm vào người nóng rát, ngồi trên xe Thiện Mỹ cười bảo đồng đạo:
- Nóng quá, cứ để ít phút nữa tôi cũng chết nóng chứ chẳng cần tự thiêu.
Mười giờ năm phút, xe dừng lại ở cuối đường Nguyễn Du, nhìn thẳng ra nhà thờ Đức Bà, Thiện Mỹ lấy hai túi xăng ni lông đựng xăng trắng bỏ trong tay áo rộng, lững thững băng qua đường, đến phía trước pho tượng Maria ở công trường Hoà Bình, nhìn thẳng đường Tự Do.
Thiện Mỹ ngồi kiết già bên lề đường, gần một gốc me lớn, trút thêm hai túi xăng vào người, một tay cầm bao diêm giơ cao cho khỏi ướt rồi tự quẹt cháy bùng lên. Thấy lửa, dân chúng mấy phía đổ xô lại, bao quanh người tự thiêu. Từ trong nhà thờ Đức Bà đang hành lễ mười giờ, những Phật tử sinh viên, học sinh trực sẵn chạy đến. Nhiều thiếu phụ sụp quỳ xuống khấn đầu vái nhà sư bốc cháy. Cảnh sát chiến đấu, mật vụ ào tới. Lối 100 người vây quanh đám lửa la ó; ngăn cản không để cho phá ngang cuộc tự thiêu, tiếng mắng nhiếc cảnh sát át cả tiếng cầu nguyện của đám đông. Một cảnh sát viênl dã chiến tung mền chụp trùm lên nhà sư tự thiêu làm cho ngọn lửa bùng lên, bốc cháy cả mền khiến gã vội giật mền kéo ngã người nhà sư. Thiện Mỹ gượng ngồi dậy trăng ngọn lửa, rồi mấy phút sau từ từ ngã ra.
Ba ký giả Mỹ chụp ảnh và quay phim bị bọn mật vụ rượt đuổi.
Hai chiếc xe cứu hoả phóng tới, xịt tắt ngọn lửa còn cháy lém xém người nhà sư đã tắt thở. Một chiếc mền tung ra phủ kín xác cháy đen rồi cảnh sát khiêng quẳng lên xe, chạy đi.
Đang lúc vòi rồng tuôn nước rửa khoảng gạch nhà sư ngồi tự thiêu và cảnh sát dã chiến hung hăng giải tán đám biểu tình, bốn nhân viên của phái đoàn quan sát Liên Hiệp quốc tới nơi.
Bức thư của nhà sư thứ bảy tự thiêu để lại cho Hoà thượng Hội chủ Phật giáo, tổng thư ký Liên Hiệp quốc và Tổng thống Ngô Đình Diệm được bí mật phổ biến liền sau đó.
Ngay trưa chúa nhật hôm ấy, trưởng phái đoàn quan sát Liên Hiệp quốc nhận được một bức thư đề trên bàn của ông tại khách sạn Majestic. Mở ra đọc thấy bản dịch Anh văn những lời trối trăng của nhà sư vừa tự thiêu sáng nay, Đại đức Thích Thiện Mỹ, nhắn gởi Tổng thư ký Liên Hiệp quốc.
"Phật giáo Việt Nam chúng tôi đã và đang bị đàn áp bởi chánh quyền Thiên Chúa giáo Ngô Đình Diệm. Chính điều ấy đã quá rõ rệt và cũng được các nước trên thế giới lên án hành động phi nhân của ông Diệm.
Nhất là đã được Hội đồng Liên Hiệp quốc đặc biệt chú ý đưa ra thảo luận và cử một phái đoàn sang Việt Nam Cộng hoà điều tra. Thế mà ông Diệm vẫn ngoan cố che giấu sự thật và cảnh đàn áp Phật giáo đồ vẫn tiếp diễn không ngừng.
Ý thức được nhiệm vụ của người tu sĩ Phật giáo hiện tại, tôi tự nguyện thiêu thân để:
1. Bảo vệ đạo pháp.
2. Cảnh cáo chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp dã man, vu khống, giết hại, bắt bớ, khủng bố các nhà lãnh đạo trong Uỷ ban liên phái, các tăng ni và Phật giáo đồ.
Vậy tôi kính mong ông nghĩ tới sự hy sinh tính mạng của các vị đã qua và tôi, cũng như sự dàu khổ của Phật giáo đồ Việt Nam đang chịu đựng mà dùng uy tín quyền năng của mình khẩn cấp can thiệp vời ông Diệm trả tự do cho tăng ni tín đồ Phật giáo và chấm dứt tình trạng kỳ thị Phật giáo".
Cũng trong giờ ấy, tại dinh Gia Long, Ngô Đình Diệm nhận được những lời nhắn nhủ phóng thích của nhà sư tự thiêu.
"Tôi, tăng ni Hoàng Miều, pháp danh Thích Thiện Mỹ đã nhận chân giá trị sự hy sinh cuộc sống để bảo vệ đạo pháp. Phật giáo đã có trên Việt Nam hơn 18 thế kỷ trải qua các thời suy vong nhưng chưa thời nào đau thương bằng lúc này. Người tu sĩ Phật giáo chúng tôi sống dưới chế độ kỳ thị Phật giáo do anh em ông chủ trương để nhằm tiêu diệt Phật giáo. Âm mưu tiêu diệt Phật giáo làm xáo trộn tinh thần dạo đức truyền thống dân tộc của gia đình họ Ngô là đắc tội với lịch sử.
Để bảo vệ giá trị của người tăng sĩ hiện tại tôi tự nguyện thiêu thân.
Trước khi về cõi Phật tôi ân cần khuyên nhủ ông nên tôn trọng giá trị đạo đức quốc dân hơn là xây địa vị cho họ Ngô trên xương máu của đồng bào".
Ngô Đình Nhu cho gọi Dương Văn Hiếu chỉ huy mật vụ vào dinh Gia Long trước mắt Bộ trưởng Công dân vụ, tức giận hỏi:
- Các người làm ăn ra sao mà để đổ bể tai tiếng với phái đoàn Liên Hiệp Quốc như vậy.
Họ Dương phân trần:
- Thưa cố vấn, việc lão sư tự thiêu sáng nay trước nhà thờ Đức Bà thiệt bất ngờ quá, mặc dù chúng tôi đã cho bố trí đề phòng khắp các địa điểm trọng yếu ở châu thành và canh chừng các chùa…
Nhu lạnh lùng nói:
- Không kể vụ tự thiêu vừa rồi tôi nghe báo cáo lại hôm kia nhân viên mật vụ đã bắt một người ăn mặc nhà sư vô nhà hàng Majestic tìm gặp phái đoàn Liên Hiệp quốc sau khi đem về bót hành hung rồi người ta đưa giấy ra mới biết là nhân viên của phái đoàn giả làm Phật tử… Mật vụ công an mà làm việc hồ đồ như vậy đó, thì tin làm sao được? Như vậy mà giấu không cho tôi hay…
Bầm cố vấn, con đã cho thay đổi mấy nhàn viên này rồi!
- Không còn kiếm được người hay sao mà tôi nghe nói mấy nhân viên mật vụ và cán bộ công dân vụ giả làm sư ở chùa Xá Lợi bị lộ tẩy cả Tôi nghe báo cáo là có nhân viên phái đoàn Liên Hiệp quốc bất thần đến chùa hỏi han mấy sư về nghi thức, giáo điều của đạo Phật, không ai trả lời xuôi cả. Như vậy mà để cho họ đóng vai thượng toạ, đại đức thì hòng lừa gạt nhân viên Phật giáo Liên Hiệp quốc làm sao được? Tệ hơn nữa, tôi còn nghe nói có mấy bà đi lễ chùa nhặn ra mặt các sư mới là kẻ đi ở trong xóm hoặc người thiếu nợ của họ. Họ la ầm lên, vạch mặt chỉ trán là sư giả của chánh phủ!
Nhu lắc đầu, ngao ngán nói tiếp:
- Thật các người làm hỏng hết kế hoạch của tôi! Mỗi nhà sư trả tám ngàn đồng một tháng, hai ngàn người giả làm sư, bao nhiêu là tiền mà lại đi chọn những phần tử hạ cấp như vậy Tôi không hiểu các người làm ăn ra sao mà tệ hại đến thế?
Ngô Trọng Hiếu chống chế.
- Thưa cố vấn đó là bọn Phật giáo rỉ tai tuyên truyền đề làm giảm uy tín của chánh phủ, chớ sư trụ trì ở chùa Xá Lợi là một đại uý cán bộ của công dân vụ tình nguyện cạo đầu hoạt động rất đắc lực.
Dương Văn Hiếu tiếp lời:
- Bẩm cố vấn, nhân viên của con đã ngăn chặn, tóm bắt được cả chục Phật tử tìm cách tiếp xúc với phái đoàn Liên Hiệp quốc. Con cũng có tổ chức cho mấy Phật tử mật vụ đóng vai nhân chứng đi gặp nhân viên Liên Hiệp quốc để đánh lộn sòng…
Viên trưởng ngành mật vụ bỗng hạ giọng:
- Bẩm cố vấn, con nghe nhân viên báo cáo là trong dân chúng, nhất là các giới Phật tử, người ta xầm xì đồn đại là sắp có quân đội đứng ra đảo chánh. Thiên hạ đua nhau mua gạo, mua than tích trữ.
Viên cố vấn chính trị họ Ngô mỉm cười khó hiểu hỏi lại:
- Thế anh có tin là quân đội có thể làm đảo chánh không?
- Dạ, cố vấn liệu việc như thần, quân đội nằm ở trong tay cố vấn, con tin là có đảo chánh hay không cũng tuỳ ở cố vấn.
Ngô Trọng Hiếu cười nịnh:
- Bọn Phật giáo tung tin quân đội sắp đảo chánh là đề vớt vát đem lại chút hy vọng cho phong trào đã xẹp rồi.
Được mật vụ thông báo về những mưu toan đảo chánh, Ngô Đình Nhu đã đưa ra kế hoạch để đập tan những âm mưu này, thực hiện cuộc đảo chánh giả, đặt tên là "Chiến dịch Bravo".
Đảo chánh cũng như trứng: phải đập vỡ trước khi trứng nở.
Theo kế hoạch của Cố vấn chính trị họ Ngô thì vào ngày X, tư lệnh lực lượng đặc biệt đại tá Lê Quang Tung sẽ dựng lên một cuộc đảo chánh với sự trợ lực của các đơn vị cảnh sát dã chiến được lựa chọn trước. Anh em họ Ngô cùng một số thuộc hạ sẽ vờ chạy ra Vũng Tàu. Viên tướng chỉ huy quân đội trung thành sẽ án binh bất động ở ngoại ô Sài Gòn. Trong thành phố lúc ấy sẽ gây nên những vụ lộn xộn, những cuộc cướp phá Mỹ kiều, những vụ sát hại một số lãnh tụ Phật giáo và sinh viên.
Logged
Cám_hn
Thành viên
*
Bài viết: 230


« Trả lời #135 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2008, 08:54:59 pm »

Trong thời gian lộn xộn này, đại tá phản loạn Lê Quang Tung sẽ thành lập một chính phủ cách mạng gồm những kẻ chống anh em họ Ngô. Cựu đại sứ Trần Văn Chương sẽ được chỉ định giữ chức vụ Thủ tướng chính phủ, ngoài ý định của ông này. Đài phát thanh Sài Gòn sẽ đưa ra những luận điệu bài Mỹ, hô hào trung lập, và kêu gọi chấm dứt chiến tranh với Cộng sản.
Tuồng đảo chánh này sẽ kéo dài trong 24 tiếng đồng hồ. Rồi sau đó, từ những vị trí quanh Sài Gòn, quân đội trung thành sẽ trở về dẹp cuộc nổi loạn một cách nhanh chóng để giải phóng thủ đô.
Anh em họ Ngô sẽ oai hùng thêm trở về thủ đô trong chiến thắng, giữa sự hoan hô tưng bừng của Thanh niên cộng hoà và các đoàn thể cách mạng quốc gia, Phụ nữ liên đới, Cần Lao, các công sở, Quốc hội, các thành phần tôn giáo, đại biểu mọi tầng lớp dân chúng…
Ngô Đình Diệm lập lại thẩm quyền vô địch của mình trong mưu toan thành công lớn lao của Cố vấn chính trị.
Với kế hoạch đảo chánh giả tạo này, anh em họ Ngô chứng tỏ rõ ràng với Hoa Kỳ:
- Địch thủ của họ Ngô là những kẻ chống Mỹ, trung lập, thân Cộng. Như vậy, Mỹ sẽ bắt buộc từ bỏ ý định "đổi ngựa giữa dòng", đưa người khác lên thay Diệm.
- Đối thủ của Diệm không làm chủ được tình thế, không kiểm soát nổi dân chúng nên xảy ra những cuộc lộn xộn, cướp phá Mỹ kiều.
- Quân đội vẫn trung thành ủng hộ họ Ngô, nên chẳng những đã từ chối không theo phe đảo chánh mà còn dẹp tan họ.
Thêm vào những điểm tuyên truyền mạnh mẽ xác nhận uy thế vô song của anh em họ Ngô, kế hoạch đảo chánh giả này là một cái bẫy gài sập những kẻ đối lập chế độ xuất đầu lộ diện cho họ Ngô trừ khử.
Cố vấn chính trị họ Ngô định đánh một nước cờ quyết liệt cứu vãn tình thế gay go, phải đương đầu với một đối thủ vô cùng lợi hại, Ngô Đình Nhu tin tưởng ở sự bố trí cán bộ Cần Lao, khắp các đơn vị quân đội bắt chước theo hệ thống chính trị viên của Cộng sản.
Tất cả những vị trí then chất trong quân đội đều ở trong tay những người đã chịu ân huệ của họ Ngô khó lòng phản lại chế độ, hơn nữa tướng Tôn Thất Đính chỉ huy lực lượng bảo vệ thủ đô là người mà anh em họ Ngô hết sức tin tưởng, Diệm coi như con nuôi, tướng Tổng Tham mưu trưởng Trần Văn Đôn lại là người tình của đệ nhất phu nhân. Mặt khác, Nhu đã thực hiện mưu kế ly gián các tướng lãnh, gặp gỡ thân mật riêng từng người, gieo sự hoang mang cho họ ngờ lẫn nhau.
Đòn ác liệt gán cho quân đội trách nhiệm tấn công chùa chiền, yêu cầu chánh phủ ban hành lệnh giới nghiêm để đàn áp phong trào Phật giáo, họ Ngô đã làm giảm uy tín của một số tướng lãnh, khiến dân chúng oán hận binh sĩ tiếp tay với chế độ, điều đó thúc đẩy họ tiếp tục đứng về phía chánh quyền. Bản thỉnh cầu dài 20 trang đánh máy của một số tướng lãnh gởi cho Ngô Đình Diệm đề nghị cải tổ chánh phủ, thay đổi chánh sách, yêu cầu cố vấn chính trị họ Ngô rời khỏi Việt Nam, rồi tiếp đến bản kiến nghị do một phái đoàn 6 tướng lãnh mang vào dinh Gia Long yêu cầu họ Ngô thả hết tăng ni, giáo sư sinh viên học sinh bị bắt giữ trước và sau ngày giới nghiêm, anh em họ Ngô đã nhận chìm trong hứa hẹn vu vơ và không thấy có một phản ứng nào đáng ngại.
Tin ở sự phân tán của hàng ngũ tướng lãnh, chia rẽ, nghi kỵ nhau và có các tay chân trung kiên của mình kìm chế, Ngô Đình Nhu đã kiêu hãnh nói với một thuộc hạ cao cấp đến báo tin lo ngại có đảo chánh:
- Mấy tướng chống đối muốn nghe theo Mỹ làm đảo chánh, nhưng không có quân đội trong tay thì làm gì? Chúng chỉ đánh võ miệng được thôi. Không lo! Riêng với lực lượng đặc biệt cũng đủ dẹp rồi, nếu chúng có làm liều.
Tuy tự tin ở thực lực và kế hoạch của mình, song bề ngoài Ngô Đình Nhu tỏ vẻ nhượng bộ yêu sách của đại sứ Mỹ, báo tin là mình sắp sửa xuất ngoại. Nhà may đồ áo tây quen thuộc của phủ Tổng thống được lệnh may sắm năm bộ đồ dạ xứ lạnh cho ông cố vấn chính trị. Trong cuộc điện đàm hàng ngày của vợ sắp chấm dứt vòng du thuyết ở Hoa Kỳ, Ngô Đình Nhu bảo vợ khoan trở về xứ hãy chờ chồng sang gặp.
Đồng thời, để tỏ mình không có hậu ý gì, Ngô Đình Nhu bảo anh nhận lời đề nghị của vị tướng Tổng Tham mưu trưởng ký giấy cho Lực lượng đặc biệt hành quân tham gia chiến dịch chống Cộng.
Từ hai tháng nay, lực lượng của đại tá Lê Quang Tung bị Mỹ ngưng không trả lương, vì chỉ đóng tại Sài Gòn, không đi đánh du kích Cộng sản, theo ý muốn của Bộ Tư lệnh viện trợ Mỹ: Lực lượng đặc biệt là một đơn vị được thành lập dưới sự đỡ đầu trực tiếp của Mỹ, về kỹ thuật tác chiến cũng như về súng đạn, lương bổng, với nhiệm vụ đi tìm địch, xông vào lòng địch, đánh địch ngay trên đất địch.
Ngô Đình Nhu đã giao cho sĩ quan thân tín, một thầy dòng xuất thân, đại tá Lê Quang Tung đứng ra làm tư lệnh chỉ huy đoàn quân này, một mặt khống chế các vị tướng lãnh không chịu khuất phục và phối hợp với cảnh sát dã chiến mật vụ để đàn áp phong trào Phật giáo.
Khi đặt bút xuống ký lệnh điều động 4 đại đội Lực lượng đặc biệt đi hành quân ở Cao nguyên theo lời đề nghị của Trần Văn Đôn, trung tướng Tổng Tham mưu trưởng tư lệnh quân đội Cộng hoà, Ngô Đình Diệm không dè đã bị trúng kế "điệu hổ ly sơn" của phe chống đối muốn phân tán lực lượng hậu thuẫn trung kiên với họ Ngô. Tin ở đoàn quân bảo vệ thủ đô do thiếu tướng Tôn Thất Đính nguyên tổng trấn chỉ huy mà anh em họ Ngô cho chỉ là tay hữu dũng vô mưu rất đỗi trung thành, được tín nhiệm, giao phó cho trọng trách thực hiện cuộc đảo chánh giả, nên Diệm không do dự để Lực lượng đặc biệt rời xa Sài Gòn.
Anh em họ Ngô không ngờ rằng viên tướng trẻ tuổi "hữu dũng" đã ngấm ngầm thay đổi thái độ từ mấy hôm nay.
Trong khi đó thì kế hoạch đảo chánh giả mệnh danh là Hành quân Bravo của anh em họ Ngô đã quyết định khởi sự vào chiều hôm lễ Các Thánh, lúc 16 giờ ngày mồng một tháng 11, khi những tướng lãnh chỉ huy quân đội vào dinh Gia Long mừng Tổng thống.
Ngày 30, Ngô Đình Nhu gọi điện thoại cho vợ đang ở Hoa Thịnh Đốn bảo khoan về vì lý do:
- Một cuộc đảo chánh sắp xảy ra.
***
Sài Gòn chưa bao giờ thu hút được một số ký giả ngoại quốc đông đảo đến thế. Đặc biệt là các phóng viên của các hãng thông tấn, đặc phái viên của các báo, các hãng truyền thanh, vô tuyến truyền hình. Họ đến nơi sắp có biến cố quan trọng tại thủ đô miền Nam Việt Nam Sài Gòn đã là trọng tâm sôi nổi vào bậc nhất thế giới từ ngày bùng nổ phong trào đấu tranh Phật giáo, tiếp đến vụ tự thiêu làm chấn động dư luận thế giới, các cuộc nổi dậy của sinh viên học sinh, rồi cuộc tấn công chùa chiền, tình trạng giới nghiêm và không khí ầm ĩ sôi động với nhiều tin đồn đảo chánh, báo hiệu một biến chuyển dữ dội chưa biết xảy ra vào lúc nào.
Cả thế giới đang hướng về Sài Gòn. Liên Hiệp quốc gởi phái đoàn đến điều tra tại chỗ về việc kỳ thị tôn giáo ở miền Nam. Cuộc tranh chấp ngấm ngầm của anh em họ Ngô và đại sứ đã tới thời kỳ quyết liệt. Trong khi đó thì có tin đại sứ Lodge sẽ trở về Mỹ ngày mồng hai tháng 11 để tường trình cùng Hoa Thịnh Đốn.
Tin đại sứ Mỹ sắp rời Sài Gòn như báo hiệu một biến cố quan trọng sắp xảy ra. Vì theo lệ, mỗi một đại sứ Mỹ ra đi khỏi một nơi nào đang có một cuộc khủng hoảng chính trị thì rồi thế nào cũng có một cuộc đột biến xảy ra.
Giới ký giả ngoại quốc náo nức đợi chờ những cuộc săn tin sôi động. Có người bảo là đã ngửi thấy mùi thuốc súng trong không khí Sài Gòn. Ký giả David đã từng có mặt trong các cuộc đảo chánh do cơ quan tình báo Trung ương Mỹ tổ chức ở Iraq, Ba Tư, Đại Hàn với kinh nghiệm nghề nghiệp và tin tức bí mật thu thập được, trong ngày cuối tháng mười, đã nói với một bạn đồng nghiệp Việt Nam:
- Chúng ta sắp dự hồi kết cuộc của chế độ chính trị hạ màn.
Đêm ba mươi hôm ấy, thông tín viên của New York Times cùng một đồng nghiệp nhận được một mảnh giấy, với hàng chữ sau đây:
- Please buy me one bottle of whisky at the P.X (Nhớ mua hộ cho tôi một chai whisky tại hợp tác xã Mỹ).
Ký giả Mỹ đọc xong mảnh giấy, sáng mắt lên, và tuy đã dạn dày trong nghề săn tin cũng không dằn được xúc động, múa tay bảo bạn đồng nghiệp ở cùng phòng:
- Rồi!
Anh bấm chuông gọi bồi mang lên phòng nước đá và soda, rót rượu whisky tự thưởng cho mình đã tóm được một tin quan trọng.
Hàng chữ trên mảnh giấy kia là một mật hiệu thoả thuận trước giữa ký giả Mỹ và vị tướng nhờ mua whisky, có nghĩa là: "Sắp có đảo chánh đến nơi".
Nhà hàng Con Ve (La Cigale) tối nay, trong đám khách chơi đêm sang trọng phần đông là ngoại kiều có hai quân nhân vận thường phục, ngồi ở một góc bàn cuối phòng, trước hai ly whisky và đầy bàn chai soda không, đĩa gạt tàn thuốc lớn đầy ắp tàn và mẩu thuốc lá dụi tắt.
Hai người đã uống đến ly rượu thứ ba, chúi đầu vào nhau có vẻ nghiêm trọng, song những lời nói vẫn âm thầm trao đổi, giữa không khí rộn rã của các điệu nhạc thời đại, từng lúc như rú thét lên.
Người lớn tuổi trạc ngoài bốn mươi, có phong độ một gã đàn ông ăn chơi lịch sự là vị tướng hai sao của họ Ngô.
Phiếu lý lịch mật của vị tướng này người ta thấy ghi: "Trần Văn Đôn, 46 tuổi, sinh tại Cô-đờ-răng (miền Tây Nam Pháp) được đào tạo ở trường sĩ quan trù bị và trường lục quân tại Sanh-me-săng (Pháp).
Với chánh quyền Diệm, đã làm đại sứ ở Ý và Tây Ban Nha, sau khi giữ chức đại tá tư lệnh Sài Gòn trong thời kỳ đánh Bình Xuyên rồi chỉ huy lực lượng phòng vệ phủ Tổng thống. Nguyên nhân đi làm sứ thần ở ngoại quốc: cố vấn chính trị họ Ngô muốn chia rẽ Trần Văn Đôn với bà vợ đệ nhất phu nhân. Vụ bà Trần Văn Đôn bắn bà cố vấn vì ghen tại Đà Lạt đã khiến anh em họ Ngô giam lỏng Đôn một thời gian trong chức tư lệnh vùng I chiến thuật, dưới sự canh chừng của cố vấn miền Trung.
Trung tướng Trần Văn Đôn được anh em Diệm giao giữ chức quyền Tổng Tham mưu trưởng và tư lệnh quân đội trong thời kỳ tấn công các chùa và thiết quân luật.
Tư tưởng: ôn hoà, có căn bản chắc chắn về quân sự. Tương quan với họ Ngô: qua trung gian của bà cố vấn. Chú ý: một vị tướng đã được Pháp đào tạo từ nhỏ. Anh em họ Ngô giao cho quyền tư lệnh quân đội Cộng hoà vì tin không phản lại họ, do sự liên lạc giữa Trần Văn Đôn và bà vợ cố vấn".
Ngồi đối diện trung tướng Đôn là một người gần bốn mươi dáng dấp hăng trẻ, sôi nổi, nóng nảy đang chồm người chú ý nghe kẻ đối thoại.
Phiếu lý lịch mật của vị tướng một sao này ghi: "Tôn Thất Đính, sinh năm 1925 ở Huế, gia nhập quân đội Pháp thời kỳ Nhật chiếm đóng Đông Dương. Tu nghiệp ở trường Ca-la-vơ-ry tại Xô-muya (Pháp), năm 1952 được đóng trung uý Pháp. Dưới chế độ Diệm được thăng chức liên tiếp, đại tá năm 1955 và thiếu tướng năm 1958. Có sang Hoa Kỳ học lớp chỉ huy lục quân và tham mưu ở Li-vơn-u-ốc.
Được họ Ngô tin cậy giao chức tổng trấn Sài Gòn trong vụ tấn công các chùa đêm 20-8. Bất mãn anh em họ Ngô, sau khi bị từ chối chức Bộ trưởng nội vụ".
Về việc này tin tức của nhân viên CIA cho hay: "Tôn Thất Đính hăng hái, trung thành với Diệm, đã có lần tuyên bố chung quanh: "Tôi coi Tổng thống như cha, Tổng thống biểu gì tôi cũng làm". Nhưng Đính rất tin vào số mạng và nóng nảy, đầy tự ái. Các tướng lãnh chống đối Diệm lợi dụng nhược điểm của Đính để lôi cuốn về phía họ. Họ hết lời ca ngợi Đính, gọi ông là "người hùng của lịch sử". Một vị đại tá trong nhóm chống đối: Đỗ Mậu, nguyên chỉ huy an ninh quân đội quân sư của phe tướng lãnh muốn đảo chánh Diệm đã mua chuộc một thầy tướng số để ông này coi tử vi cho Đính, bảo là "sẽ có một tương lai rực rỡ oanh liệt về chính trị". Thấy Đinh tin tưởng ở lời thầy bói, các tướng lãnh chống đối bên tổ chức một bữa tiệc để ăn mừng Đính, và khuyên bảo Đính đi gặp Diệm để yêu cầu trao cho chức Bộ trưởng nội vụ. Các tướng lãnh chờ đợi Đính mang tin mừng về để mở chầu sâm banh khao. Diệm đã từ chối đề nghị của Đính, đúng như dự đoán của các tướng lãnh âm mưu. Bị mất thể diện, nghe các tướng bạn nói khích, Đính đòi từ chức tổng trấn, và đi Đà Lạt mấy hôm. Thời gian này, các tướng lãnh chống đối tìm đủ mọi cách thuyết phục Đính ngả về phe họ. Đính đã xiêu lòng. Bởi lẽ mọi cuộc lật đổ anh em họ Ngô sẽ phải gặp nhiều khó khăn nếu không có sự đồng lòng của tướng Đính.
Logged
Cám_hn
Thành viên
*
Bài viết: 230


« Trả lời #136 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2008, 08:55:48 pm »

Tướng Đôn nhìn thẳng vào mặt tướng Đính:
- Chiều hôm kia, một đại diện chính thức của Ngũ giác đài có gặp anh Minh Lớn, bàn bạc về một cuộc đảo chánh. Tên anh đã được nhắc đến rất nhiều. Chính anh Minh Lớn cũng nói rằng anh không thể là người lãnh đạo cuộc đảo chánh đó, và ngỏ ý là về phần quân sự nên giao phó cho anh, về phần chính trị thì giao phó cho tôi, còn anh ấy đứng ra để phối hợp anh em. Anh ấy được cảm tình của hầu hết các bạn tướng tá, được dân chúng cảm mến, được Mỹ tín nhiệm, với anh đây và tôi có thể thành một bộ ba để làm nên việc lớn. Chúng ta còn có đại tá Đỗ Mậu là một người có nhiều mưu kế, làm dây liên lạc giữa anh em, liên kết các sĩ quan trung cấp…
Tướng Đính nói:
- Trưa hôm qua đại tá Đỗ Mậu có đến gặp tôi, nài nỉ tôi tham gia với anh em…
Tướng Đính nhắc lại cuộc gặp gỡ giữa đại tá Đỗ Mậu rồi nói với tướng Đôn:
- Tôi nói với đại tá Đỗ Mậu rằng: không phải tôi không biết ông Diệm nghe anh em ông ấy mà làm bậy đâu sở dĩ tôi còn đi với ông Diệm là hy vọng cải tạo ông ấy. Nhưng dịp may của ông Diệm đã qua rồi. Tôi không còn muốn ở về phía ông Diệm để tham dự vào âm mưu kinh khủng của ông cố vấn đang chuẩn bị. Đó là cuộc đảo chánh giả, gọi là chiến dịch Bravo mà ông cố vấn muốn giao cho tôi thực hiện.
Tướng Đính uống cạn ly whisky, gọi rót thêm một lần nữa, đợi cho người bồi đi khỏi rồi hạ giọng nói với trung tướng Trần Văn Đôn:
- Đến ngày lễ Các Thánh này các tướng sẽ đừng đi vào dinh Gia Long mừng Tổng thống, ông cố vấn tính hôm ấy sẽ bố trí bắt hết các tướng tá có mặt để đập tan mọi cuộc đảo chánh của quân đội.
Rồi tướng Đính thuật lại tỉ mỉ kể lại kế hoạch đào chính của quân đội do mật vụ báo cáo với Nhu. Tướng Đôn nghe kể là anh em họ Ngô đã biết cả âm mưu đảo chánh của sĩ quan trẻ và các tướng mà toát mồ hôi mặc dầu đang ngồi trong nhà hàng có máy điều hoà không khí. Nếu tướng Đính không chịu đứng về phe mà còn theo anh em họ Ngô chống lại các tướng đảo chánh thì sự thể chưa biết sẽ diễn tiến ra sao.
Nhìn vẻ mặt chân thành của thiếu tướng Đính, con người được anh em họ Ngô tín nhiệm bộc lộ nhiệt tâm tham gia lật đổ chế độ cũ, trung tướng Đôn hạ thấp giọng nói:
- Anh em đã bàn phải có thiếu tướng mới thành đại sự được. Thiếu tướng giữ một vai trò quyết định trong mưu đồ này, nên anh em hoàn toàn tin tưởng ở thiếu tướng và giao phó cho thiếu tướng đảm trách các chức vụ quan trọng sau khi thành công. Trong chánh phủ nay mai, tuỳ ý thiếu tướng muốn giữ bộ nội vụ hay bất cứ một địa vị nào, anh em đều sẵn sàng tán thành.
Quyết định dứt khoát của thiếu tướng Đính như truyền qua cái siết tay mạnh từ giã trung tướng Đôn, với câu hẹn:
- Mai tôi sẽ gặp đại ca để bàn kế hoạch.
***
Đại ca Dương Văn Minh là vị trung tướng mà người Mỹ quen gọi là Big (Minh Lớn), hay Fat Boy (anh béo). Một tướng lãnh Hoa Kỳ đề cập đến Big Minh có nói:
- Tôi ước có một ông này trong hàng ngũ quân đội Mỹ.
Trong phiếu lý lịch của "con người miền Nam ngổ ngáo, miệng dầy răng vàng" này, người ta được biết rằng Big Minh đã từ trường thiếu sinh quân Vũng Tàu qua trường đào tạo sĩ quan ở Tong (Sơn Tây), giữ chức trung uý trong quân đội Liên hiệp Pháp, năm 1951 được trả về quân đội quốc gia, lên chức đại uý rồi năm sau thăng thiếu tá, đã có thời gian làm sĩ quan cận vệ cho cựu Thủ tướng Trần Văn Hữu.
Chiến thắng Bình Xuyên, Big Minh được mệnh danh là "anh hùng rừng Sác" thăng từ thiếu tướng lên trung tướng sau các chiến dịch dẹp yên giáo phái miền Tây.
Con người được xem là một "quân nhân của quân nhân" còn là một lực sĩ toàn vẹn, có biệt tài về quần vợt, đá banh, bơi lội và bơi thuyền, đã đấu vợt với thống tướng Maxwell Taylor trong một trận đánh đôi, thường thích lái chiếc thuyền máy của ông chạy lên xuống dọc theo sông Sài Gòn, rất ít uống rượu đến nỗi có người đã nói đùa rằng "chỉ một ly thôi cũng đủ quật ông say suốt cả năm".
Dưới mắt ký giả Mỹ, Big Minh được các cố vấn Mỹ kể cả tướng Harkins tin cậy, có tiếng là một quân nhân nhà nghề tận tuỵ. Năm 1962, mặc dầu thống tướng Harkins ủng hộ mạnh mẽ, trung tướng vẫn bị Diệm tước hết quyền chỉ huy hành quân và giữ làm "cố vấn quân sự" của Tổng thống - một chức vị hữu danh vô thực - để dễ bế theo dõi. Theo sự nhận xét của một sĩ quan thuộc cơ quan tình báo trung ương Mỹ thì Big Minh có thể thiếu tài chính trị để làm nhà lãnh đạo mà xứ sở ông đang cần, nhưng ông có nhiều yếu tố quan trọng: ông được cảm tình của các bạn đồng đội, trong sạch ngay thẳng và không thân Cộng. Ông lại được dân chúng mến. Dư luận nói chung tin tưởng trung tướng là người có thể lãnh đạo một cuộc đảo chánh.
Một nhân viên chánh thức của Ngũ giác đài đã qua Sài Gòn gặp riêng Big Minh để bàn về cuộc đảo chánh sau khi Lực lượng đặc biệt của họ Ngô đánh phá các chùa.
Cuộc gặp gỡ tay ba giữa Big Minh, đại diện Ngũ giác đài và đại sứ Mỹ đã diễn ra trên sông Sài Gòn miệt Nhà Bè như là tình cờ gặp gỡ nhau trong một cuộc bơi thuyền.
Sau gần một giờ trao đổi và trước sự đắn đo của trung tướng Minh, đại diện Ngũ giác đài xác nhận:
- Hoa Thịnh Đốn không còn ủng hộ anh em họ Ngô nữa.
Đại sứ Mỹ nhấn mạnh:
- Trung tướng đã thấy rõ: chúng tôi đã ngưng viện trợ kinh tế sau cuộc tấn công chùa chiến, và quyết định không trả lương cho Lực lượng đặc biệt để buộc anh em Diệm phải đưa 8000 binh sĩ trung thành với họ đi khỏi Sài Gòn… Ngoài ra, trong trưởng hợp cần thiết, quân đội đảo chánh còn có thể có hậu thuẫn của Hạm đội thứ 7, sẽ đến ở ngoài biển miền Nam, và thuỷ quân lục chiến có thể để bộ, lấy cớ là bảo vệ kiều dân Mỹ…
Những lời lẽ khuyến khích vững vàng của hai nhà đại diện Hoa Kỳ làm cho trung tướng Minh thêm tin tưởng.
Chú thích:
(1) Trung lập hoá

Chương 22.
THAY NGỰA GIỮA DÒNG
Đồng hồ nhà thờ Đức Bà thong thả buông mười tiếng. Yên lặng ngoài giờ giới nghiêm bao trùm lên Sài Gòn.
Trong dinh Gia Long, Ngô Đình Diệm đang quỳ ở ghế cầu nguyện lầm rầm đọc kinh trước khi đi ngủ. Các phòng của vợ và con Ngô Đình Nhu đều đóng cửa tắt đèn, vì tất cả đi vắng. Ngô Đình Nhu lặng lẽ nằm đài trên đi văng ở phòng làm việc, tay cầm cuốn sách Ils arrivent(1) của tác giả Đức Canel nói về cuộc đồ bộ của quân đồng minh đến giải phóng châu âu.
Trên chiếc bàn con bên cạnh, một đĩa gạt tàn thuốc lớn bằng pha lê, một hộp thuốc lá Caraven A tẩm á phiện, một bật lửa ga Ronson. Nhu bấm chuông, người hầu cận rón rén bước vào.
- Lấy cà phê và chai Rhum đây.
- Dạ.
Mấy phút sau, người hầu cận mang rượu và cà phê đến rồi lặng lẽ ra, sau khi xé tờ lịch lớn đề ngày 31 tháng 10. Tiếng máy điều hoà không khí rì rầm rất nhẹ nhàng càng làm nổi rõ sự vắng lặng chung quanh viên Cố vấn chính trị họ Ngô, một mình với người anh Tổng thống không vợ con, giữa đám binh sĩ phòng vệ dinh Gia Long.
Hồi trưa, ba đứa con đã đáp máy bay đi Đà Lạt. Lúc chiều, vợ và con gái lớn từ California gọi điện thoại về, và Nhu hẹn sẽ đi Đông Kinh đón vợ trên đường về ghé qua thủ đô Nhật Bản.
Trong lúc Ngô Đình Nhu đang âm thầm một mình với cuốn sách trên tay giữa khung cánh tĩnh mịch của dinh Gia Long thì ở Beverly Hills, Lệ cùng con gái đến bệnh viện của bác sĩ Maury - Parks, một nhà chuyên môn giải phẫu và cắt lớp da thịt nặng dưới hai mắt, tăng vẻ trẻ đẹp của bộ mặt lên.
Cũng giờ này, từ tổng hành dinh quân khu thủ đô đặt tại thành Lê Văn Duyệt, thiếu tướng Đính hạ lệnh cấm trại toàn thể kể từ 0 giờ ngày 31 tháng 10 năm 1963.
Trong lúc ấy trên đường từ đèo Prenn đến ngã ba Finnom, rẽ trái đi Bắc Hội, một đoàn xe đi săn 20 chiếc đang lướt qua bóng đêm, đến pha chiếu sáng cả quãng rừng núi.
Trên chiếc xe săn của cố vấn chính trị, ba đứa con họ Ngô: Trác, Quỳnh, và Lệ Quyên ngồi cùng viên thị trưởng Đà Lạt, một bà vú già và hai hộ vệ, một sĩ quan. Chiếc xe đặc biệt dùng cho việc săn bắn của cố vấn họ Ngô thuộc vào loại bọc sắt, đạn thường bắn không thủng, có đèn rọi, có ghế quay tứ phía để có thể ngồi bắn về phía nào cũng được. Ngoài ra, có chỗ ngồi riêng cho người chỉ đường và ghế đặc biệt dành cho quan khách. Ba đứa nhỏ họ Ngô đêm nay đóng vai thượng khách trong việc săn bắn được tổ chức riêng cho chúng vui chơi theo lệnh của cố vấn từ Sài Gòn đã đánh ra hôm trước.
Sau bữa ăn tối tại nhà viên thị trưởng, đoàn xe đi săn khởi hành từ Đà Lạt lúc 20 giờ. Hai mươi chiếc xe nối đuôi nhau, ngoài chiếc xe đặc biệt dành cho cô cậu con ông cố vấn đến xe chở cận vệ, xe thiết giáp, xe truyền tin, xe chở dụng cụ săn xe nhà bếp, xe chở bồi nấu ăn, mấy xe lớn chạy không để chở thú bắn được.
Đại uý Thạp và đại uý Hữu ngồi trên hai chiếc xe Jeep chạy đầu dẫn đường và mấy xe chở đầy lính theo sau đuôi đoàn săn bắn để hộ tống.
Viên thị trưởng Đà Lạt có trách nhiệm tổ chức mua vui cho các "cô cậu", sợ xảy ra nguy hiểm, lên tiếng khuyên nhủ:
- Chỉ nên cho xe chạy dọc theo các con đường lớn gặp nai thì bắn, chứ đừng vô sâu trong rừng.
Cuộc săn nai không có kết quả, nhưng vì lần đầu tiên được dự cuộc săn đêm, hai đứa nhỏ Ngô Quỳnh và Lệ Quyên tỏ vẻ thích thú lắm, mỗi lần bắn được con thỏ rừng đứng dương mắt nhìn sáng đèn chúng lại reo mừng vỗ tay, đòi xuống xe để lượm.
Đoàn tuỳ tùng và ông thị trưởng vui vẻ lây khi thấy "cô cậu" cười nói luôn miệng. Mọi người đều nghĩ đến ông cố vấn sẽ ban khen họ, khi nghe các con kể lại sự chiêu đãi của họ đặc biệt dành cho chúng trong chuyến đi săn này.
Bé Lệ Quyên ngồi trong lòng vú Thu đã ngủ tự bao giờ. Quỳnh đang gà gật bên vai Trác và tựa vào viên thị trưởng.
Cuộc đi săn kéo dài tưới tờ mờ sáng, đoàn xe lướt qua trong đêm lạnh núi rừng Lâm Viên.
Quay về Đà Lạt lúc 9 giờ sáng hôm sau ngày 1-11. Trác gọi điện về dinh Gia Long kể lại cho cha nghe chuyến đi săn đêm qua.
- Chiều mai ba nhớ lên Đà Lạt để chủ nhật cho con theo ba đi săn cọp nghe.
- Mai chưa chắc ba đi lên trên đó được.
- Mẹ con với chị Thuỷ chừng nào mới về?
- Có lẽ đầu tháng này chưa về được. Mẹ con có gọi điện cho ba, nói còn đi viếng một vài chỗ ở bên Mỹ nữa. Ba có dặn mẹ con khi về, tiện đường ghé qua Tokyo. Ba tính qua đó rước mẹ con về luôn.
- A, ba có thể cho con đi qua Nhật được không? Con muốn đi cho biết.
- Con còn phải học chớ. Thôi, chuyện đó tính sau.
Ngừng lại, tiếng nói của Ngô Đình Nhu trầm hẳn xuống nghiêm trọng:
- Tình hình lúc này không yên đâu. Con đi đâu phải cẩn thận. Nói với chú Thạp, chú Hữu coi chừng cho kỹ, chớ ba thấy hết biết tin ai, tụi nó phá quá. Con lớn rồi, con có bổn phận nặng nề đối với các em con.
Trong lúc cố vấn chính trị họ Ngô nói chuyện qua máy điện thoại với các con, thì ở phòng khách dinh Gia Long, Diệm đang tiếp đô đốc Harry Felt, tư lệnh quân lực Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương và đại sứ Cabot Lodge.
Sự có mặt bất ngờ của vị tư lệnh tối cao quân lực Mỹ tại Á châu ở Sài Gòn từ hai hôm nay, đúng vào lúc một số tướng lãnh âm mưu lật đổ chánh quyền đang mâu thuẫn với Hoa Thịnh Đốn đã khiến anh em họ Ngô không khỏi ngờ vực. Hơn nữa đại sứ Hoa Kỳ đến từ giã trở về nước, cũng đúng vào lúc có tin đồn đảo chánh của quân đội.
Ngô Đình Diệm hỏi hai vị đại diện quân lực và ngoại giao Mỹ:
- Người ta lại nói đến một cuộc bạo hành của quân đội. Có phải mấy sĩ quan cấp dưới của CIA các ông phóng ra tin đồn đó không?
Cabot Lodge vắn tắt đáp:
- Tôi cũng có nghe những tin đồn về một cuộc nổi dậy của quân đội.
Cuộc hội đàm tay ba kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Đô đốc Felt và đại sứ Lodge cố gắng thuyết phục Diệm một lần cuối cùng, nên thay đổi chánh sách và rời người em cố vấn, song vẫn gặp thái độ ngoan cố cứng cỏi của họ Ngô.
Ngày N là ngày thứ sáu 1-11 đã đến, giờ nổ súng là mười ba giờ ba mươi.
Mười một giờ ba mươi, khi Cabot Lodge ngỏ lời từ biệt để ngày mai lên đường đi Hoa Thịnh Đốn, Ngô Đình Diệm mỉm cười đưa đà một câu nhận xét:
- Mỗi lần có một đại sứ Mỹ ra đi là một lần người ta thúc đẩy một cuộc bạo hành.
Giữa lúc này, bên ngoài thành phố đần chúng không khỏi ngạc nhiên thấy những đoàn quân di chuyển rầm rập trên khắp nẻo đường đưa về thủ đô suốt đêm hôm qua và từ sáng hôm nay, các đơn vị trực tiếp tham gia đảo chánh đã lần lượt đột nhập Sài Gòn theo một lộ trình quanh co.
Logged
Cám_hn
Thành viên
*
Bài viết: 230


« Trả lời #137 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2008, 08:56:26 pm »

Vào lúc gần một giờ, dưới nắng trưa nồng nực, những con đường vắng ở khu vực phi trường Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh quốc gia, Thành Cộng hoà, Bộ Tư lệnh hải quân, Nha Tổng giám đốc cảnh sát bỗng rầm rập xuất hiện những chiếc GMC chở đầy quân võ trang bằng đủ loại súng. Những binh sĩ thuỷ quân lục chiến quần áo tác chiến, đội mũ sắt, ôm súng từ trên xe nhảy xuống vội vã kiếm các vị trí thuận tiện đặt súng máy, họng chĩa bên phía các cơ sở, hoặc đến núp sau những gốc cây, mũi súng chĩa vào bên trong.
Tại dinh Gia Long, hai anh em họ Ngô vừa ăn cơm xong, mỗi người về phòng riêng nằm nghỉ. Ở phòng sĩ quan tuỳ viên cố vấn chuông điện thoại bỗng reo vang. Trung uý S., đến cầm lấy ống nghe, mặt tái đi, bỏ máy xuống chạy vào gõ cửa phòng Ngô Đình Nhu.
- Thưa ông cố vấn, bên Lữ đoàn phòng vệ có báo động. Hình như thuỷ quân lục chiến làm đảo chánh.
Nhu đang nằm nhắm mắt mơ màng choàng dậy, khoác vội chiếc áo ngoài, cau mày hỏi:
- Sao? Đảo chánh à?
Rồi tỏ vẻ bình tĩnh, bước sang phòng Diệm. Diệm cũng vừa được tin, sĩ quan tuỳ viên Tổng thống báo. Hai anh em trao đổi mấy câu vắn tắt rồi cùng bước ra ngoài, đi thẳng xuống hầm.
Ngoài dinh Gia Long, binh sĩ rộn rịp lo bố trí. Đại tá L. chỉ huy đại đội cận vệ có trách nhiệm bảo vệ Tổng thống ra lệnh báo động.
Các binh sĩ ôm súng chạy ra các ổ tác chiến.
Phía ngoài vòng rào sắt, các cổng dây kẽm gai ngày thường vẫn hé mở cho ra vào dinh Gia Long được binh sĩ trú phòng đóng chặt lại, các chiến xa nằm sẵn quanh dinh bắt đầu nổ máy ì ầm chạy đi án ngữ tất cả các ngả đường đưa vào dinh, họng súng chĩa vào các ngã tư Công Lý, dinh Độc Lập, đường Pasteur, đường Lê Thánh Tôn, Lê Lợi…
Bên hông trường Đại học Văn khoa, sát cạnh dinh Gia Long ở trong khu nhà tiền chế, đại đội truyền tin do đại uý L. chỉ huy, rộn ràng hoạt động, tiếng máy điện thoại, tiếng người đối thoại từng lúc vang lên giữa những tiếng morse không ngừng.
Trong hầm dinh Gia Long bài trí như một đại bản dinh, hai anh em họ Ngô ngồi trên hai chiếc ghế bành rộng, trước một cái bàn lớn đặt cả chục máy điện thoại. Trên tường treo những bản đồ lớn loại quân sự. Vùng Sài Gòn và phụ cận nổi bật trên bản đồ trước mắt.
Cạnh phòng Tổng tư lệnh là một phòng phát thanh. Nơi đây được trang bị những máy cực kỳ tối tân, công suất truyền thanh mạnh không kém đài quốc gia ở Quán Tre.
Anh em Diệm vừa xuống hầm thì thấy trung tá Lê Như, biệt Bộ tham mưu phủ Tổng thống từ ngoài vô mặt mày tái mét. Viên sĩ quan này đang ngủ trưa ở nhà, nghe điện thoại báo tin đảo chánh, vội vã chạy vô dinh. Theo sau trưng tá Lê Như đang đứng cạnh Diệm để chờ lệnh, lần lượt các sĩ quan tuỳ viên của Tổng thống (Diệm có 4 sĩ quan tuỳ viên thay nhau phục dịch bên mình), tuỳ viên của cố vấn, chỉ huy trưởng cận vệ và các nhân viên thường ngày làm việc tại văn phòng anh em họ Ngô đều tề tựu đủ mặt.
Những số điện thoại 23.126 và 21.581 ở dinh Tổng thống không ngớt reo. Ở đầu dây, viên cảnh sát trưởng đô thành lên tiếng báo động cùng Ngô Đình Nhu:
- Thưa ông cố vấn, tổng nha cảnh sát đang bị quân đội bao vây, chúng tôi xin chỉ thị của ông cố vấn.
- Tôi biết rồi, cứ yên trí.
Nhu trả lời một cách bình thản và tiếp tục hút thuốc lá, nối điều này đến điếu khác.
Diệm bảo trung tá Lê Như.
- Kêu điện thoại cho thiếu tướng Đính, tư lệnh quân đoàn III hỏi coi có việc gì xảy ra?
Viên sĩ quan biệt Bộ tham mưu điện đàm nói một hồi rối thưa:
- Bẩm Tổng thống, thiếu tướng Đính không có ở nhà, sĩ quan đại diện trả lời rằng thiếu tướng đang mắc họp trên Tổng tham mưu và tình hình vẫn yên tĩnh, không biết tại sao lại có thuỷ quân lục chiến ở các ngả đường, viên sĩ quan nói đang cho người đi xem xét rồi sẽ trình lại.
Diệm ra lệnh cho gọi các sĩ quan cao cấp có trách nhiệm phòng thủ Thủ đô.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Là tư lệnh biệt khu Thủ đô, đại tá Lê Quang Tung, tư lệnh lực lượng đặc biệt, đại tá Huỳnh Hữu Hiền, tư lệnh không quân, đại tá Hồ Tấn Quyền tư lệnh hải quân, và điện thoại liên lạc với thiếu tướng Trần Thiện Khiêm, tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu.
Các sĩ quan có mặt trong hầm tới tấp gọi điện thoại đi các nơi, nhưng nhiều nơi không liên lạc được hoặc không thấy trả lời. Các nơi liên lạc được, chỉ thấy có sĩ quan cấp dưới, người thì nói không biết gì kẻ thì xin trình lại cấp chỉ huy và trả lời sau.
Nói chung, không thấy một nơi nào trả lời được rõ ràng về tình hình quân sự đang xảy ra bên ngoài.
Ngô Đình Diệm quay lại hỏi người em cố vấn:
- Chú có đoán biết việc gì xảy ra không? Trưa nay có họp gì ở Tổng tham mưu mà tôi không biết.
- Tôi có nghe nói họp lrlnh như mấy tướng bàn về hành quân gì đó.
Trung tá Lê Như nói:
- Bẩm Tổng thống, trưa thứ sáu nào các tướng cũng họp ăn uống ở tổng tham mưu, rồi vô dinh gặp ông cố vấn.
Điện thoại từ hầm dinh Gia Long vẫn không ngớt gọi đi các nơi, bộ binh, thiết giáp, pháo binh, không quân, nhảy dù… Bộ Tư lệnh, Tổng tham mưu và nơi nào cũng trả lời "không rõ việc gì", hoặc đáp lại một cách mơ hồ.
Trung giờ phút này, tại phòng Bộ Tổng tham mưu gần phi trường Tân Sơn Nhất có mặt đông đủ những vị tướng tá quân đội Cộng hoà, đã theo lời mời của trung tướng Tổng Tham mưu trưởng, đến dự bữa tiệc chung thường lệ ngày thứ sáu trước khi vào dinh Gia Long. Đại tá tư lệnh lực lượng đặc biệt cùng một số sĩ quan cao cấp có tiếng trung thành với họ Ngô cũng được mời đến.
Trung tướng Trần Văn Đôn đi tiễn chân đô đốc Harry Felt lúc gần 12 giờ vừa từ sân bay trở về Câu lạc bộ sĩ quan họp mặt.
Không khí trong phòng Tổng tham mưu bỗng trở nên khẩn trương. Bên ngoài các cửa vô ra đều có binh sĩ võ trang đứng gác nghiêm ngặt. Các tướng tá không tham gia kế hoạch đảo chánh, thắc mắc, lo ngại đưa mất nhìn nhau. Tất cả mọi người đều đặt ngồi trước bên tiệc. Kim đồng hồ chỉ đúng 13 giờ.
Trung tướng Dương Văn Minh bỗng đứng lên nhìn qua một lượt những tướng tá hiện diện rồi lên tiếng kêu gọi tham gia cuộc đảo chánh lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm:
- Các anh em cũng biết, chúng ta làm cuộc đảo chánh này để cứu quốc để xây dựng lại một quân đội hùng mạnh không bị chi phối bởi những cán bộ bất tài, tay sai của gia đình họ Ngô. Chúng ta không có tham vọng về chính trị, chúng ta hành động cũng không phải vì danh lợi, chúng ta hành động để cứu vãn tổ quốc thân yêu của chúng ta đang nguy khốn.
Tướng Minh gằn mạnh:
- Việc làm của chúng ta có tính cách bất đắc dĩ, bởi lẽ nếu chúng ta không hành động, bản thân chúng ta sẽ bị hy sinh lần lần một cách vô ích…
Những tiếng vỗ tay hưởng ứng nồng nhiệt của phần đông tướng tá có mặt trong bữa tiệc vang động rồi im bặt khi thấy đại tá tư lệnh lực lượng đặc biệt đẩy ghế, bỏ phòng họp đi ra. Mấy sĩ quan cấp tá nháp nhỏm định đứng dậy ra theo bỗng nghe tiếng súng nổ chát chúa ngay ngoài cửa phòng họp.
Viên tư lệnh Lực lượng đặc biệt, đại tá Lê Quang Tung đã nằm sóng sượt ở bậc thềm câu lạc bộ sĩ quan. Cái chết chớp nhoáng trước mắt của đại tá chống đối đảo chánh khiến các sĩ quan muốn tỏ thái độ trung thành với họ Ngô đều chùn chân ngồi trở lại.
Đại tá Hồ Tấn Quyền, tư lệnh hải quân đang ở Bộ Tư lệnh tại bến Bạch Đằng, bỗng được tin báo động liền ra lệnh cho hai chiến hạm nhổ neo ra phía giữa sông, trọng pháo sẵn sàng tấn công. Đồng thời đại tá ra lệnh cho một đơn vị hải quân đóng ở Vũng Tàu lập tức nhổ neo chạy về Sài Gòn rồi đại tá Quyền một mình lái chiếc trắc-xông rời Bộ Tư lệnh hải quân, dự định đi theo lối xa lộ đến Thủ Đức, phối hợp với một đại tá trung thành với họ Ngô.
Một sĩ quan trực thuộc tư lệnh hải quân, đại uý Y đứng về phía đảo chánh, có nhiệm vụ coi chừng đại tá Quyền và bắt giữ lại trước giờ nổ súng. Khi đại uý Y cùng với mấy quân nhân thân tín lái xe Jeep vào tư dinh đại tá Quyền để bắt sống ông này thì vừa gặp ông lái xe ra khỏi Bộ Tư lệnh.
Một cuộc chạy đua sôi nổi diễn ra trên xa lộ, chiếc xe trắc-xông của đại tá Quyền bị chiếc xe Jeep của đại uý Y săn đuổi theo ráo riết.
Gần tới ngã rẽ vào lối Thủ Đức chiếc Jeep bám sát chiếc xe của đại tá Quyền, rồi một tràng đạn tiểu liên nổ vang. Viên tư lệnh hải quân trung thành với họ Ngô chết gục trên tay lái.
 
Đại tá hải quân Hồ Tấn Quyền
***
Giờ G đã đến. Kim đồng hồ chỉ 13 giờ 30. Thiếu tướng Đính lãnh trách nhiệm chỉ huy cuộc hành quân, quàng khăn đỏ ở cổ, ra lệnh khai hoả.
Tiếng súng bắt đầu nổ ở gần Bộ Tổng tham mưu quân đội Cộng hoà; quân của thiếu tướng Mai Hữu Xuân từ Quang Trung kéo về, ngay từ phút đầu đã đè bẹp một lực lượng đặc biệt đóng tại Tân Sơn Nhất, tiến chiếm bộ chỉ huy lực lượng đặc biệt, làm chủ phía Tây Sài Gòn và phi trường.
Cùng một lúc, các dợn vị quân đội đảo chánh tràn chiếm đóng tổng nha cảnh sát quốc gia, nha cảnh sát Đô thành, sở truyền tin, bộ nội vụ, Đài phát thanh Sài Gòn, không gặp một sức kháng cự nào đáng kể.
13 giờ 40, tiếng súng bắt đầu nổ dữ dội về phía thành Cộng Hoà sau khi quân đội đảo chánh kêu gọi lữ đoàn liên binh phòng vệ Tổng thống phủ hạ súng, nhưng không kết quả. Điện thoại từ thành Cộng Hoà gọi về dinh Gia Long báo cáo. Đài phát thanh Sài Gòn và tổng nha cảnh sát quốc gia đã bị chiếm, thành Cộng Hoà bắt đầu bị tấn công.
Bên ngoài dinh Gia Long bỗng xuất hiện nhiều chiến xa chạy ầm ầm đến. Một cận vệ chạy xuống hầm báo cáo:
- Bẩm Tổng thống, thành Cộng Hoà mới gởi một đoàn chiến xa tới tăng cường phòng thủ dinh Gia Long.
Mặt anh em họ Ngô sáng lên, vẻ mặt tươi vui và mọi người xung quanh có vẻ vững lòng. Nhu tin tưởng bảo Diệm:
- Quân của tướng Đính giữ vững tình thế mà Hành quân chống đảo chánh theo kế hoạch dự tính đang diễn ra đó. Anh yên tâm.
Diệm trở lại bình tĩnh, bảo trung tá Lê Như.
- Kêu điện thoại ra lệnh cho Lữ đoàn phòng vệ đưa thêm quân ra giữ nhà bưu điện và Nhà đèn, rồi gởi công điện đi khắp các vùng chiến thuật, khu chiến, tiểu khu, tỉnh trưởng, quân đoàn, sư đoàn, báo cáo cho các nơi đó biết.
Một công điện được thảo ngay: "Sài Gòn đang có lộn xộn, một số thuỷ quân lục chiến làm loạn đang tiến chiếm các cơ sở trọng yếu trong đô thành. Tổng thống vẫn bình yên. Yêu cầu các nơi lo giữ gìn an ninh và tập trung quân sẵn sàng chờ lệnh".
Công điện đánh đi, anh em họ Ngô có vẻ yên trí, bình tĩnh nói chuyện với nhau về tình hình bên ngoài. Ngô Đình Nhu bỗng gọi một sĩ quan tuỳ viên, ra lệnh:
Logged
Cám_hn
Thành viên
*
Bài viết: 230


« Trả lời #138 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2008, 08:56:56 pm »

- Anh kêu điện thoại lên Đà Lạt nhắc trung tá Huyền lo an ninh trên đó, biểu ông ta trông chừng mấy đứa nhỏ của tôi.
15 giờ, số điện thoại 23.126 lại reo lên, Bộ Tư lệnh Lữ đoàn phòng vệ ở thành Cộng Hoà báo tin, đã lấy lại được Đài phát thanh và quân của lữ đoàn đang tảo thanh "phản loạn".
Không khí trong hầm dinh Gia Long bỗng nhiên vui vẻ, trên mặt mọi người đều lộ vẻ tin tưởng. Người ta nhắc đến cuộc binh biến ngày 11-11 ba năm trước đây, và tin chắc lần này đến hồi kết cuộc cũng giống như lần trước. Vài sĩ quan trở lên mặt đất quan sát chung quanh dinh. Dưới hầm Ngô Đình Diệm gọi đại uý L. sĩ quan truyền tin đem máy ghi âm đến để thu băng lời "Hiệu triệu Quốc dân". Diệm đọc xong những lời của Nhu viết, rồi ra lệnh cho một sĩ quan cầm cuốn băng ghi âm đưa sang thành Cộng Hoà để đem đến đài Sài Gòn cho phát thanh ngay.
Bên ngoài, tiếng súng đã ngưng từ sau khi điện thoại của thành Cộng Hoà báo tin tái chiếm Đài phát thanh bỗng nổ trở lại dữ dội.
Nhiều tiếng trọng pháo bắt đầu vang dội, tiếng ấm ì của phi cơ, khu trục xuất hiện trên thành phố và các khẩu súng phòng không đặt lên các lầu cao chung quanh dinh Gia Long, cao xạ hải quân ở bến Bạch Đằng thi nhau nhân đạn.
Điện thoại trong hầm lại reo, viên sĩ quan chỉ huy phòng thủ thành Cộng Hoà báo cáo với Diệm:
- Thưa Tổng thống, chúng tôi mới chiếm lại được có tầng dưới Đài phát thanh, còn phía trên vẫn còn do phản loạn chiếm. Vì vậy không thể phát thanh cuốn băng nhựa, xin trình Tổng thống rõ. Hiện giờ phản loạn mới có thêm lực lượng tăng cường, đang tấn công trở lại dữ dội. Có cả không quân trợ chiến oanh tạc thành Cộng Hoà. Tình hình có vẻ nghiêm trọng lắm, xin Tổng thống định liệu.
Nét mặt Diệm trở nên lo lắng, ông tóm tắt lại tình hình vừa nghe cho người em cố vấn hay. Hai người yên lặng, trong khi các sĩ quan rộn rịp lo liên lạc với các nơi. Nhu ra lệnh gọi điện thoại thẳng đến các vùng, khu chiến thuật, các quân đoàn, sư đoàn, dân quân về ứng viện thủ đô. Trung tá Lê Như thảo vội mấy công điện hoả tốc đưa sang truyền tin đánh thêm đi các nơi gọi đem quân về cứu. Một bức điện tối khẩn đánh cho toà đại biểu Huế và chuyển lại Ngô Đình Cẩn báo tin có đảo chánh ở Sài Gòn.
Diệm lại gọi sĩ quan truyền tin đem máy ghi âm và cuộn băng khác đến ghi lời "Hiệu triệu của Tổng thống". Rồi Diệm ra lệnh cho mở Đài phát thanh viên đặt dưới hầm dinh Gia Long để truyền thanh cuộn băng mới.
Các chuyên viên phụ trách đài này vắng mặt từ khi có tiếng súng nổ, không ai sử dụng được máy móc tối tân của Mỹ quốc viện trợ, nên đành bó tay. Diệm nổi giận, lớn tiếng rầy viên sĩ quan truyền tin khiến ông này hoảng sợ, vội lấy chiếc máy truyền tin thuộc loại quân đội vẫn đem dùng lúc hành quân để phát thanh lời hiệu triệu của Diệm. Loại máy này chỉ phát thanh trong một phạm vi ngắn, đường kính 10 cây số nên "Lời kêu gọi của Tổng thống" không đến tai những thuộc hạ trung thành ở các nơi.
Dinh Gia Long bỗng bắt được đài Huế loan tin: Thiếu tướng Đỗ Cao Trí tư lệnh vùng I chiến thuật đã ban bố tình trạng giới nghiêm và mọi quyền hành tập trung trong tay quân đội. Nghe đài Huế vẫn kêu gọi dân chúng vẫn bình tĩnh "Trung thành đứng sau lưng Ngô Tổng thống", Diệm gật gù nói với em:
- Ở Huế có Đỗ Cao Trí, khỏi lo cho chú Cẩn rồi.
Một sĩ quan tuỳ viên của Diệm nhắc ống điện thoại lên rồi nói:
- Thưa Tổng thống, có thiếu tướng Trần Thiện Khiêm ở Tổng tham mưu muốn nói chuyện với Tổng thống.
Diệm cầm lấy ống nghe, nghiêm hẳn nét mặt giận dữ nói:
- Để tôi nghĩ lại đã. Đợi một chút.
Rồi Diệm bịt ống nói lại, quay sang bảo Nhu:
- Các tướng lãnh nổi loạn yêu cầu tôi từ chức và cùng chú rời khỏi Việt Nam lập tức. Họ đòi tôi phải lên tiếng tuyên bố từ giã trên Đài phát thanh. Chú nghĩ sao?
Nhu trả lời không do dự:
- Anh cứ nói nhận lời, để làm kế hoãn binh đã rồi liệu sau.
Diệm lại cầm ống điện thoại lên:
- Được tôi nhận lời yêu cầu của các tướng lãnh. Hãy cho người xuống dinh nói chuyện.
Rồi Nhu giục các sĩ quan kêu điện thoại tìm cách liên lạc với thiếu tướng Đính để hỏi xem bao giờ ông này bắt đầu phản công đảo chánh. Câu trả lời cho hay tướng Đính không ở văn phòng mà ở tổng tham mưu. Có lẽ ông ta bị bắt rồi.
Diệm vẫn tin tưởng ở viên tướng "hữu dũng" không bao giờ chống lại mình nên nói với em:
- Kế hoạch của chú bàn với Đính, có định bao giờ khởi sự chiến dịch Bravo II không?
- Bốn giờ chiều nay.
Nhìn lại đồng hồ thấy kim chỉ 16 giờ kém 5 phút, Diệm gật gù nói:
- Cũng gần tới 4 giờ rồi. Mà sao không bắt được liên lạc gì với Đính cả? Hay là hắn bị mấy tướng phản loạn giữ lại ở Tổng tham mưu thì nguy?
Giữa lúc ấy Cao Xuân Vỹ Tổng giám đốc thanh niên và trung tá Kiều Quang hớt hải chạy vào. Điện thoại lại reo. Anh em họ Ngô lắng nghe; Thiếu tướng Văn Thành Cao trình báo đã ra lệnh cho các tỉnh miền Tây đem quân về cứu viện thủ đô nhưng mà thuyền qua sông đã bị quân đảo chánh tóm thâu.
Trung tá Nguyễn Hữu Phước, phó đô trưởng nội an trình xin chỉ thị Tổng thống và cố vấn. Dương Văn Hiếu, phụ tá giám đốc cảnh sát đặc biệt trình hiện đang lo lắng từ lúc Nha Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia bị chiếm.
Diệm thở dài chán nản. Không khí trong hầm im lặng nặng nề.
Những tiếng súng nổ dồn dập bên ngoài vẳng lại. Mọi người tỏ vẻ lo âu Thiếu tá chỉ huy đại đội cận vệ chạy vào báo cáo vừa được tin nhiều toán biệt động quân đến chiếm đóng nhà bưu điện, nhưng không rõ họ theo bên nào.
Các sĩ quan có mặt tại dinh Gia Long từ đầu lần lượt biến đi đâu mất, trong khi những binh sĩ cận vệ vẫn cố thủ quanh vòng rào.
16 giờ 30, viên sĩ quan truyền tin chạy vào trình với Diệm:
- Thưa Tổng thống, đã bắt được Đài phát thanh Sài Gòn có tiếng nói của Hội đồng Tướng lãnh.
Một sĩ quan lấy một chiếc radio transitor đặt lên bàn trước mặt anh em họ Ngô. Tất cả những người có mặt đều xúm lại lặng nghe.
Tiếng nói của trung tướng Dương Văn Minh đọc bản hiệu triệu của "Hội đồng tướng lãnh" dõng dạc vang lên:
"Đồng bào thân mến.
Kể từ giờ phút này quân đội nhất quyết đứng lên để giải thoát đồng bào ra khỏi ách thống trị độc tài.
Ngày mà đồng bào chờ đợi đã đến. Toàn thể quân đội nhận định: với chế độ hiện hữu, công cuộc chống Cộng và cứu quốc của toàn dân sẽ không có hiệu quả…"
Trong khi nghe, Ngô Đình Diệm cúi đầu im lặng. Ngô Đình Nhu mím chặt hai môi, vẻ mặt đanh cứng lại, hai mắt nghiêm lạnh nhìn vào chiếc máy phát thanh để trước mặt.
"Với chủ trương tuyệt đối chống đổ máu, Hội đồng Tướng lãnh đã chấp nhận cho Ngô Đình Diệm từ chức và rời khỏi Việt Nam ngay lập tức. Đồng bào sẽ nghe lời từ giã của Ngô Đình Diệm, nay chỉ là một công dân thường trên Đài phát thanh".
Điệu nhạc hành quân rộn rã tiếp theo những lời tuyên bố của quân đội đảo chánh càng tăng thêm không khí khẩn trương bao trùm khắp trong hầm. Mọi người im lặng nhìn nhau.
Diệm bảo sĩ quan tuỳ viên gọi điện thoại đến đại sứ Hoa Kỳ, rồi điện đàm bằng tiếng Pháp với Cabot Lodge.
- Tôi báo cho đại sứ hay là quân đội đang nổi loạn.
- Tôi có nghe thấy tiếng súng nổ. Tôi rất quan tâm đến sự an ninh của Tổng thống và báo tin cho ngài hay là quân đội đảo chánh bằng lòng để ngài yên lòng rời khỏi Việt Nam.
Diệm ngừng một lát rồi tiếp:
- Tôi sẽ cố gắng lập lại trật tự.
Lodge nói thêm:
- Nếu tôi có thể làm gì để bảo đảm an ninh cho Tổng thống, xin Tổng thống cho biết.
Diệm bỏ máy xuống, quay sang nói nhỏ với Nhu về những lời vừa trao đổi với đại sứ Hoa Kỳ. Nhu lạnh lùng im lặng trề môi.
Chuông điện thoại lại reo. Diệm nhắc máy nghe rồi thốt giọng cáu kỉnh:
- Nói gì, nói lớn lên tôi không nghe gì cả.
Ở đầu dây, tiếng nói của thiếu tướng Trần Thiện Khiêm, đại diện Hội đồng Tướng lãnh ra điều kiện cho anh em Ngô Đình Diệm, và ra lệnh cho Lữ đoàn phòng vệ bỏ súng để tránh đổ máu giữa anh em. Đáp lại, Hội đồng Tướng lãnh chấp nhận bảo vệ sinh mạng cho hai anh em họ Ngô và để cho hai người rời khỏi Việt Nam trên một chiếc phi cơ riêng, đi ra một xứ ngoại quốc nào mà hai người muốn.
Diệm trả lời:
- Tôi muốn nói chuyện thẳng với các tướng lãnh. Yêu cầu các tướng lãnh xuống dinh rồi nói gì thì nói.
Nhu bắt lấy máy Diệm trao cho, nghe thiếu tướng Trần Thiện Khiêm nhắc lại điều kiện vừa rồi tức giận ngắt ngang:
- Tôi không thể chấp nhận đề nghị như vậy.
Rồi bỏ máy xuống, Nhu quay sang bảo Diệm:
- Dù sao ta cũng không thể chấp nhận điều kiện của họ. Chắc họ cho rằng ta đã chịu bó tay rồi chắc?
Nghe cố vấn nói một cách cương quyết, các sĩ quan hiện diện dưới hầm đưa mắt nhìn nhau không rõ Ngô Đình Nhu tin chắc vào đâu mà tỏ thái độ cứng như vậy. Nhu còn hy vọng ở sự quật ngược tình thế của thiếu tướng Đính theo kế hoạch chống đảo chánh của chiến dịch Bravo II do mình thảo ra. Ngoài ra còn lực lượng Thanh niên cộng hoà mà Ngô Đình Nhu là tổng thủ lãnh, và Cao Xuân Vỹ, thủ lãnh Đô thành vừa tuyên bố tin tưởng:
- Xin ông cố vấn yên lòng, tôi đã cho huy động 5.000 Thanh niên cộng hoà có vũ trang. Lực lượng này sẵn sàng chiến đấu và chết cho chúng ta.
Diệm như lây sự tin tưởng của người em cố vấn, quay sang hỏi trung tá Lê Như:
- Có đơn vị nào trả lời chưa? Tới giờ nào họ về đến Sài Gòn?
Trung tá Lê Như báo cáo bằng một giọng yếu ớt:
- Thưa Tổng thống, chúng tôi đã liên lạc với tất cả mọi nơi hầu như không có đơn vị trưởng nào có mặt. Sư đoàn 7 trả lời đại tá Đạm đau, Sư đoàn 5 thì nói đại tá Thiệu đi đâu không rõ, còn Sư đoàn 9, đại tá Dinh trả lời hiện đang hành quân tại Kiến Hoà không về được vì không có phà để sang sông, không biết rồi có lên Sài Gòn kịp không" Còn các nơi khác thì trả lời úp mở quá, e không hy vọng gì được họ.
Vẻ lo ngại và thất vọng bộc lộ trên mặt các sĩ quan hiện diện.
Điện thoại liên lạc với các nơi bắt đầu bị cúp. Dinh Gia Long chỉ còn liên lạc với các nơi bằng máy truyền tin nhưng viên đại uý sĩ quan phụ trách cũng đã biến đâu mất rồi.
Trong khi anh em họ Ngô cảm thấy có sự trục trặc gì về kế hoạch chống đảo chánh đã giao phó cho Đính, thì đoàn thiết giáp của Lữ đoàn phòng vệ Tổng thống phủ đang tấn công dữ dội vào Đài phát thanh Sài Gòn. Các binh sĩ cọp biển của tiểu đoàn 1 thuỷ quân lục chiến cố sống chết bám lấy tầng trên đài, đẩy lùi mấy lần xung phong của đối phương.
Viên đại uý chỉ huy đoàn thiết giáp gọi quân đảo chánh phải đầu hàng không thì sẽ pháo kích tan đài Sài Gòn. Trước tình thế nguy ngập, đại uý Nhật, tiểu đoàn trưởng thuỷ quân lục chiến thấy không thể mất đài và cũng không thể đề đài bị phá, bèn nghĩ ra kế điều đình giao cho trung uý Châu, cùng hai người lính xung phong đi gặp đối phương.
Đại uý chỉ huy đứng trên xe thiết giáp vội hỏi:
- Các anh đã định đầu hàng chưa?
- Chúng tôi đến để điều đình với đại uý.
Trung uý Châu nói vừa dứt câu, bất thình lình nhảy phức lên xe, dí ngay súng lục vào bụng đại uý thiết giáp quát lớn:
- Chúng tôi đã làm chủ tình thế khắp nơi. Yêu cầu đại uý ra lệnh cho tất cả binh sĩ xuống xe. Tôi đếm đến tiếng thứ ba, nếu đại uý không nghe thì tôi bắn liền. Một...
Đồng thời hai sĩ quan Cọp biển theo trung uý Châu cũng rút súng lục chĩa vào binh sĩ ở trên xe. Đại uý chỉ huy đoàn thiết giáp đành ríu rít ra lệnh cho binh sĩ dưới quyền nhảy cả xuống xe, trò chơi "cao bồi" của thuỷ quân lục chiến đã quật ngược tình thế.
Đài Sài Gòn phải ngưng phát thanh tiếp tục hoạt động lại, 18 giờ 35. Qua làn sóng điện của chiếc radio transito đặt trên bàn dưới hầm dinh Gia Long anh em họ Ngô nghe tiếng xưng tên họ của 4 trung tướng, 10 thiếu tướng, 3 đại tá và 5 thiếu tá đứng trong Hội đồng quân nhân cách mạng kêu gọi các binh sĩ trong quân đội, bảo an, dân vệ, lực lượng nhân dần đứng lên lật để chế độ độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm. Không khí nặng nề bao trùm căn hầm.
Các sĩ quan còn lại lo lắng nhìn nhau. Điện thoại từ thành Cộng Hoà gọi về báo cáo bị máy bay oanh tạc, bị đại bác tấn công, sợ khó đương đầu với thuỷ quân lục chiến và nhảy dù bao vây. Đường điện thoại duy nhất còn lại với bên ngoài reo lên, đại sứ Hoa Kỳ gọi nói chuyện với Tổng thống. Viên sĩ quan nghe rõ câu chuyện, thấy Diệm trả lời bằng tiếng Pháp vỏn vẹn có một câu:
- Je refuse, mai merci quand même de votre chaité. (Tôi từ chối, nhưng cũng xin cám ơn lòng bác ái của ông).
Logged
Cám_hn
Thành viên
*
Bài viết: 230


« Trả lời #139 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2008, 08:57:41 pm »

Diệm bỏ máy, nói nhỏ với người em cố vấn:
- Cabot Lodge vừa kêu điện thoại đế nghị chúng ta đi ra. Ông hứa đảm bảo với các tướng lãnh cho chúng ta an toàn. Họ để sẵn cho chúng ta một phi cơ. Tôi đã từ chối.
Tiếng súng bên ngoài mỗi lúc một nổ thêm dữ dội với trời sắp tối. Đạn trái phá bắt đầu rớt xuống gần dinh Gia Long rung chuyển dội đến trong hầm. Nội dịch dọn cơm cho hai anh em họ Ngô ngồi ăn dưới hầm.
Nhu tỏ vẻ lo âu, không muốn ăn, Diệm chỉ cầm đũa và qua loa mấy miếng rồi bảo người nội dịch:
- Thôi dọn đi, rồi dọn cơm cho anh em ăn.
19 giờ 30, Đài phát thanh truyền đi quân lệnh số 1 ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng hoà từ 20 giờ đến 7 giờ sáng. Thông cáo của Bộ Tư lệnh liên quân quân đội Việt Nam Cộng hoà cho biết sáng ngày 2-11-1963, thứ bảy, công chức các cấp phải đến nhiệm sở tiếp tục làm việc.
19 giờ 40, bản tin đầu tiên truyền đi từ đài Sài Gòn: "Hiện nay, quân đội Cách mạng đã hoàn toàn làm chủ tình thế ở đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn, đã chiếm đóng Đài phát thanh và bắt đầu truyền đi những tin tức thắng lợi của cách mạng. Các cơ sở hải quân chuẩn bị chiến đấu. Dinh Gia Long đang bị bao vây và sẽ tiến chiếm trong cuộc tấn công sắp đến, Lữ đoàn phòng vệ phủ Tổng thống cũng đã đầu hàng, chỉ còn một số nhỏ sẽ bị thanh toán đêm nay.
"Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao, tư lệnh quân đoàn 4, kiêm tư lệnh vùng bốn chiến thuật đã đánh điện đến Hội đồng các tướng lãnh đẻ hưởng ứng cuộc cách mạng và đặt quân lực vùng bốn chiến thuật dưới quyến điều khiển của Hội đồng".
Nghe xong, Ngô Đình Diệm tỏ vẻ mệt mỏi quay sang nói với Nhu:
- Tôi thấy tình thế nguy lắm. Khỏng thấy tin gì về quân cứu viện. Chú tính sao đây?
Nhu trầm giọng nói:
- Anh đừng thối chí để đó tôi lo. Tôi tính rời khỏi đây ra ngoài, chúng ta tổ chức tiếp tục chiến đấu. Chúng ta còn Thanh niên cộng hoà, thanh niên chiến đấu, anh nghĩ sao?
- Thôi, chú tính sao thì tính.
Diệm quay lại hỏi những thuộc hạ còn lại: trung tá Lê Như, trung tá Kiều Quan, thiếu tá Lê Châu, ba sĩ quan tuỳ viên (đại uý Bằng, đại uý Thọ, đại uý Hùng), và Cao Xuân Vỹ.
- Các ông có cách gì ra khỏi nơi đây không"
Người bàn nên ra Khánh Hội vượt qua sông rồi xuống miền Tây, người đề nghị vào một toà Đại sứ tạm lánh…
Nhưng Diệm đều lắc:
- Không được?
Trong khi Diệm đang bàn tính cùng mấy sĩ quan trung thành, Nhu kéo Cao Xuân Vỹ ra một góc nói nhỏ với nhau. Một lúc, Nhu quay lại bảo anh:
- Thôi đừng bàn cãi nữa, tôi đã có kế hoạch rồi. Anh sửa soạn sẵn, rồi chúng ta đi.
Tiếp theo lời Ngô Đình Nhu, tiếng của xướng ngôn viên ở chiếc radio nổi lên đọc bản thông cáo của Bộ Tổng tham mưu liên quân quân đội Việt Nam Cộng hoà kêu gọi các Bộ trưởng của chánh phủ Ngô Đình Diệm phải liên lạc với Bộ tham mưu bằng điện thoại, và ra trình diện thời hạn đến 24 giờ đêm ngày 1-11-1963. Quá hạn này, quân đội sẽ không bảo vệ sinh mạng.
Nhu vừa ngoắt Cao Xuân Vỹ theo, dừng bước ở tầng cấp hầm, nghe xong bản thông cáo nhìn đồng hồ chỉ 20 giờ 08 rồi trở lên văn phòng. Trung uý S. sĩ quan hầu cận trung thành vẫn ngồi cầm súng gác ở phòng giấy của cố vấn từ hồi trưa, thấy Nhu xuất hiện vội đứng lên chào. Nhu khoát tay, đi trước, thẳng đến bàn giấy thường ngồi làm việc, bấm chuông gọi người cận vệ vào:
- Lấy cho tao một cái va-li không, thứ lớn, đem ngay vô đây.
Người cận vệ chạy đi, rồi trở lại ngay với một chiếc va-li lớn.
Ngô Đình Nhu tự mở lấy tủ sách ở văn phòng, lấy ra từng bó giấy bạc 500 đồng còn mới tinh xếp đầy ắp va-li rồi lấy từng chiếc hộp nhỏ đựng kim cương ở trong tủ sắt bỏ vào cạc-táp da cùng mấy xấp đô-la giấy hai mươi và giấy trăm.
Trong khi ấy, Cao Xuân Vỹ gọi điện thoại cho trung tá Phước ở Toà đô chính:
- Anh tìm cho một chiếc xe hơi để chờ sẵn ở Toà đô chính.
Nhu thu vén vàng, bạc, kim cương và ngoại tệ, khoá va-li lại cả hai đầu, bấm chuông gọi người cận vệ xách ra để trên chiếc xe của Cao Xuân Vỹ đậu ở dinh Gia Long rồi ôm chiếc cạc-táp trở xuống hầm, trong khi Vỹ chạy qua Toà đô chính. Dưới hầm, Ngô Đình Diệm cũng đã sửa soạn xong, hai sĩ quan tuỳ viên xếp quần áo cho Diệm trong một va-li lớn mang theo, và Diệm ôm một chiếc cạc-táp đen lớn.
20 giờ 30, Cao Xuân Vỹ trở lại, lái một chiếc xe hai mã lực loại chở hàng, đậu ở sân dinh Gia Long. Anh em họ Ngô đã sẵn sàng dưới hầm. Vỹ chạy xuống nói với Nhu:
- Mọi việc xong xuôi cả rồi. Tôi đã liên lạc báo cho Mã Tuyên biết trước. Y đã lo sẵn một chỗ rất kín đáo. Xin ông Tổng thống và cố vấn lên đường.
Thấy sĩ quan hầu cận, đại uý Thọ xách chiếc va-li lớn đựng quần áo của Diệm, Vỹ nói:
- Xe chật lắm, để chiếc va-li lại, sẽ trở lại lấy sau.
Ngô Đình Diệm bước lại dặn mấy sĩ quan có nhiệm vụ phòng thủ dinh Gia Long:
- Các ông cứ ở đây, ai lo phận sự nấy, sẽ có lệnh sau.
Giọng nói của Diệm hơi run run, lộ sự xúc động qua nét mặt trong khi Nhu vẫn lạnh lùng, dí diếu thuốc lá đang hút dở dưới mũi giầy.
Hai anh em Tổng thống bước ra khỏi hầm dinh Gia Long, mỗi người khoác một chiếc áo ngoài. Nhu kéo cổ áo che gáy, Diệm đội chiếc mũ sụp xuống tận mắt.
Trời tối, sân dinh Gia Long chỉ mờ mờ ánh đèn phía ngoài đường chiếu vào. Chung quanh dinh, những chiến xa án ngữ ở các ngã tư vẫn sừng sững chĩa họng súng về phía trước. Tiếng súng nổ lẻ tẻ phía thành Cộng Hoà, từng lúc ầm lên tiếng đạn móc chê. Các đám cháy trong thành Cộng Hoà hắt lên nền trời đen tối một màu đỏ thẫm rực máu.
Hai anh em họ Ngô bước vào ngồi trong chiếc xe chở hàng hai mã lực của Trung tâm Sinh hoạt thanh niên vừa chở bánh mì đến Toà đô chính cho Thanh niên cộng hoà, được gác ở đây, theo lệnh của phó đô trưởng nội an trung tá Phước. Cao Xuân Vỹ lấy chiếc xe này đưa qua dinh Gia Long và một đại uý của Trung tâm Sinh hoạt thanh niên cầm tay lái thay tài xế vừa đi ăn cơm tối.
Đi theo Tổng thống và cố vấn có hai sĩ quan tuỳ viên của hai người. Đại uý Đỗ Thọ ngồi phía sau xe với anh em Diệm, đại uý Bằng ngồi cạnh người lái xe để chỉ đường. Một chiếc xe Jeep chạy theo sau hộ tống. Đường phố giờ này vắng vẻ, thấp thoáng bóng các binh sĩ thuộc Lữ đoàn phòng vệ Tổng thống phủ đứng gác cạnh các gốc cây.
Chiếc xe chở anh em họ Ngô rời khỏi dinh Gia Long theo lối cửa mở ra đường Pasteur rẽ vào cửa hông sau Toà đô chính và trổ ra trước, cạnh kho tiết kiệm, nhìn thẳng vườn hoa ở đầu đại lộ Nguyễn Huệ.
Xe chạy qua trước rạp chiếu bóng Rex, theo đại lộ Lê Lợi, qua chợ Bến Thành, theo đường Phạm Hồng Thái lên Lê Văn Duyệt đến ngã tư Phan Thanh Giản thì quặt ngã tay trái chạy về phía Chợ Lớn.
Trong khi Diệm ngồi thu mình lầm rầm đọc kinh, Nhu mở rộng đôi mắt sáng quắc nhìn qua hai bên đường. Chiếc xe vẫn chạy mau mỗi khi gặp một ngã tư đèn đỏ thì lại rẽ qua con đường khác, không ngừng chạy…
Xe ngừng lại trước cửa nhà thờ Cha Tam, ngôi nhà thờ sừng sững giữa một khu phố người Trung Hoa. Lễ nhất buổi sáng đã chấm dứt. Trong nhà thờ chỉ còn thưa thớt vài người còn nán lại cầu nguyện.
Anh em Diệm xuống xe, đi thẳng vào nhà thờ. Một vài người qua đường nhận ra Ngô Đình Diệm, đứng lại nhìn vào trong. Lối mười người tò mò đứng lại phía ngoài cửa nhà thờ bàn tán chỉ trỏ.
Hai anh em bước lên hàng ghế trên, quì xuống trước bàn thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp lâm râm khấn nguyện.
Đọc kinh xong, Diệm gặp cha Sở xin được xưng tội chịu lễ. Cha cai quản nhà thờ chấp thuận giải tội và ban mình Thánh cho hai anh em sau đó, Diệm bảo sĩ quan tuỳ viên kêu điện thoại về Bộ Tổng tham mưu báo tin cho Hội đồng tướng lãnh đem xe vào rước.
Dọn mình chịu lễ xong, anh em họ Ngô ra đi quanh nhà thờ, đến trước hang đá Đức Mẹ cầu nguyện, rồi vào văn phòng Cha Sở chờ đợi Cả hai đều tỏ vẻ nóng ruột, thỉnh thoắng lại hỏi sĩ quan tuỳ viên:
- Xe đón đã tới chưa?
Sau khi biết tin anh em Diệm, Nhu ẩn náu tại nhà thờ Cha Tam, Chợ Lớn. Hội đồng tướng lãnh cử đại tá Dương Ngọc Lắm, Tổng giám đốc Bảo an đi đón về; có hai thiếu tá đi theo: Nguyễn Nhung, người của tướng Big Minh và Phan Hoà Hiệp thuộc binh chủng thiết giáp:
Thấy mặt Lắm, Diệm đi ra, còn Nhu thì cau mày mím môi. Lắm vẫn giữ lễ độ - vì dù sao cũng không thể trở mặt với một người mình đã coi như cha nuôi - mời hai anh em Diệm ra xe sau đó, ông ta lánh mặt luôn.
Vừa lúc ấy, một chiếc thiết giáp lùi đuôi vào cổng nhà thờ.
Thiếu tá Nhung và thiếu tá Hiệp xuống xe mời hai kẻ chiến bại bước lên.
- Sao lại đưa xe này đi đón chúng tôi? - Nhu hỏi.
- Không đón bằng thứ xe này, dân chúng sẽ giết chết hai ông! - Hiệp quắc mắt lên đáp.
Trong khi hai anh em Diệm dùng dằng, Hiệp hất tay ra hiệu cho quân lính ào tới trói giật cánh khuỷu hai người lại rồi đẩy lên chiếc M-113.
Hai thiếu tá Nguyễn Nhung và Phan Hoà Hiệp cùng ngồi trên chiếc xe ấy và áp dẫn Diệm, Nhu trở về. Tất nhiên là họ đã có lệnh giết cả hai anh em nhà này để diệt trừ hậu hoạ.
Nửa tháng sau cuộc đảo chính, trong một đêm trực ở trại Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Nhung bị thắt cổ chết bằng dây giầy nhảy dù; người ta cho rằng những người trung thành với Diệm Nhu đã trả thù cho chủ. Về phần Phan Hoà Hiệp, sở dĩ ông ta xuống tay hạ thủ, có lẽ cùng là do mối hận năm xưa, ỏng ta vốn là dân Tây lai, nguyên sĩ quan trong quân đội Pháp chuyển sang quân lực Việt Nam, ông ta bị nghi là có dính dấp với Bình Xuyên nên bị cho nghỉ dài hạn không lương tới gần ba năm. Cho nên bây giờ ông ta có dịp trả thù.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Tư, 2008, 08:59:42 pm gửi bởi Cám_hn » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM