Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:52:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bến đò lặng lẽ xưa  (Đọc 42553 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #40 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 09:32:29 am »

"Đồng chí Khảm ơi, hãy cứu tôi, có cách nào giải vây cho tôi nhanh được không, tôi cũng như Lương không còn nhiều thời gian để lựa chọn. Xin tổ chức cho chúng tôi ý kiến chỉ đạo..."
Khi lá thư của Đọt đến được tay tôi thì cái đám cưới quái gở ấy đã xẩy ra được bốn ngày rồi. Tôi ngồi câm lặng trên chiếc sạp tre. Bên cạnh, Sâm cứ khóc tức tưởi... Tôi cũng không còn trí lực nào để nói lời động viên đối với cô nhân viên y tá xốc nổi ấy. Một người từng trải như tôi, còn có chuyện oái oăm nào trên cõi đời mà lại không dám đối mặt, thế nhưng đến chuyện này thật sự tôi không sao tự chủ nổi. Với kinh nghiệm sống, kinh nghiệm hoạt động, tôi có thể đặt ra hàng chục giả thiết, có thể hình dung ra những nước cờ o ép của kẻ thù theo kiểu một mũi tên trúng nhiều đích, và tôi có thể hiểu được, thông cảm được cho đồng chí mình phải xoay xở, lựa chọn thế nào trong bối cảnh ấy... Nhưng trời ơi, cứ nghĩ đến những ngày tháng tiếp theo, cứ tưởng tượng ra kiểu sống vợ chồng của Đọt và Lương từng đêm, từng ngày, hết đêm này qua đêm nọ, là ngực tôi tức nghẹn, ruột gan cứ rối bờ bời... Mà như thế nghĩa là sao kia chứ... Nói cho cùng thì họ vẫn có thể thành vợ, thành chồng, tuy Đọt có kém hơn Lương vài ba tuổi. Nếu có ấm ức, căm giận thì người ấm ức phải là Li. Nhưng giờ này chắc Li chưa biết. Mà giá như biết, hắn cô ấy chỉ bật ra một tiếng cười khô khốc mà thôi.
Còn tôi với Lương, thật sự đã chẳng còn gì. Chúng tôi hoàn toàn vô nghĩa đối với nhau, ngay cả giọt máu sinh thành cũng không dám chịu trách nhiệm. Vậy thì còn đòi hỏi trách nhiệm gì với nhau, ràng buộc gì với nhau? Nhưng mà đau, nhưng mà tủi, một sự mất mát âm thầm nhưng nặng chịch trấn ngự cả cõi lòng. Nỗi buồn câm lặng của tôi âm ỉ gần một tháng.
Những lá thư của Đọt vẫn liên tục gửi ra cho tôi qua đường giây của Bướm. Nhưng tôi không trả lời. Thư của Đọt lá sau dằn vặt hơn lá trước, rồi cay cú, rồi bực bội, giận dỗi. Còn Lương thì tuyệt nhiên im lặng. Cho đến lá thư thứ sáu, tức là sau hơn nửa tháng họ thành vợ thành chồng, Đọt chỉ viết có mấy dòng trong một mẩu giấy nhầu nát: "Thôi nghe, ông anh lãnh đạo, thằng Đọt hết chịu nổi rồi, nó thả chèo đây! "
Đến tận lúc ấy tôi mới sực tỉnh người. Rồi tôi hốt hoảng, cuống cuồng chỉ thị cho cả Quyết và Sâm vào ấp. Tôi dặn dò Quyết phải bố trí thật cẩn thận vì chắc chắn thằng cha Cựu đã bủa lưới. Còn tôi dặn đi dặn lại Sâm phải nói thế này, thế nọ, phải vừa động viên họ, lại có ý răn đe họ rằng tổ chức cũng tạm chấp nhận tình thế ấy, nhưng không được buông chèo, không được quá đà... Hãy nói với Đọt rằng tổ chức vẫn theo sát anh, sẽ bố trí đón anh ra miễn sao cái chân có thể đi lại tương đối được...
Chuyến đột nhập ấy của Sâm thành công về phương diện bí mật, nghĩa là không bị phục kích, nhưng lại thất bại nặng nề về nhiệm vụ chắp nối cơ sở. Lương đã bác bỏ thẳng thừng bằng những lời nói nghe rất ác độc.
- Hãy về nói lại với ông bí thư Khảm là đừng vô duyên, vô cớ mà can thiệp vào cuộc sống của vợ chồng tôi... Nếu ông ấy có nóng máy, chịu không nổi thì cưới luôn Sâm đi để ôm nhau cho nó sướng... Cả Đọt và tôi giờ đây đã ở một thế giới khác rồi. Mà đây là lần gặp cuối cùng nghe chưa? Nếu liều mạng vô lần nữa là con này la làng lên đó...
Nghe nói Sâm đã nổi đoá lên và chưởi lại. Đúng là máu đàn bà. Trước tình huống ngoài dự kiến ấy, Quyết đã nhanh chóng kéo Sâm chuồn thẳng. Cơn căm hận trong ngực Sâm như cứ trào lên, chực ói ra cổ. Cô không chưởi thẳng vào Lương được thì lại xả hết vào tôi. Cô nguyền rủa cái giống đàn bà đĩ thoả, dâm đãng, là con quỷ quái hồ li tinh chuyên môn hút hồn đàn ông. Rồi cô lại chưởi độc tất cả những thằng đàn ông nào chỉ có ngu si dâm đảng mới trở nên tối tăm mặt mũi mà chui đầu vào háng con đĩ rạc ấy... Quyết đứng bên cạnh, mặt tái xám. Anh cứ nhìn tôi, mồm lắp bắp, hoảng loạn. Quyết không sao bịt được mồm Sâm. Còn tôi, vừa xấu hổ, vừa tủi nhục, đành câm lặng cúi đầu... Mãi đến buổi chiều hôm đó, sau khi Quyết nghiêm mặt chỉ trích cho một trận, Sâm mới biết mình có lỗi. Cô lò dò tìm đến bên võng tôi, giọng run rẩy:
- Anh Khảm... em... em thật quá có lỗi... Em không có ý...
Tôi cố gượng cười:
- Chà, có gì đâu mà... Hãy lấy đại cục làm trọng, những chuyện vớ vẩn ấy, cho qua đi!...
Có lẽ phải đến mười ngày, Sâm không dám tìm lên chỗ tôi nữa. Mười ngày, một quãng thời gian cần thiết để cho tất cả chúng tôi bình tĩnh lại. Hơn lúc nào hết, chúng tôi phải tự mình dằn lòng để phân tích tình hình. Tôi là người trầm tĩnh hơn cả nên tôi sớm nhận ra, sớm hiểu được cái nỗi đau buốt nhói đằng sau những câu lộng ngôn độc địa ấy của Lương. Và tôi hiểu, em vẫn chưa thể dứt lòng với tôi. Sâm cũng đã bình tĩnh. Cũng có phần nhờ cậu Quyết phân tích thêm. Phải nói rằng, chàng lính trẻ ấy đã thật sự trưởng thành. Thế rồi chính Quyết lên gặp tôi, xin được trở vào tiếp xúc Lương lần nữa.
Đúng như Quyết nhận định. Sau mười ngày bặt tin, khi gặp lại, Lương đã oà lên khóc. Tiếng khóc nghèn nghẹn nỗi tủi hờn. Rồi cô ôm Sâm mà xin lỗi. Sâm cũng thút thít. Và đêm đó, Lương đã kể tất cả những gì về Đọt cho Sâm nghe. Trong mười ngày, mười đêm qua, hai người đã nằm bên nhau mà không hề làm gì. Họ chỉ kể cho nhau những đoạn trường khổ ải. Họ không buồn chút nào về những ngày khắc nghiệt của tù đày mà chỉ thấy buồn cho cảnh cá chậu chim lồng hôm nay...
*
Tôi bàn với Quyết lên một kế hoạch tỉ mỉ để đưa Đọt ra. Sau đó, tôi trực tiếp mời toàn ban địch vận lên họp. Hôm đó tôi nói hơi dài, tôi phân tích thế chiến lược giữa ta và địch trong mùa khô này, lại dẫn chứng kỹ hơn tương quan lực lượng ở chiến trường Quảng Trị. Từ cái thế cờ chung đó, tôi đưa ra những dẫn chứng về âm mưu thủ đoạn của địch, rồi chỉ rõ trách nhiệm của ta. Tôi nói: " Lúc này hơn lúc nào hết, ta với địch giành nhau từng người dân, từng cán bộ cơ sở, mà đôi khi không phải từng người mà chỉ một phần hai người, một phần tư người thôi cũng phải giành lấy. Ví dụ như anh Đọt, tại sao bọn Mỹ, bọn nguỵ không giết quách đi mà lại đưa về giam lỏng. Vì chúng vẫn hy vọng, chỉ cần một sợi tóc hy vọng thì chúng nó vẫn bấu lấy. Còn ta thì sao? Ta có nên nuôi niềm hy vọng ấy vào đồng chí đồng đội mình không? Một con người như Đọt, cho đến giờ đã gần một năm nằm trong tay địch rồi, mà chúng ta vẫn chưa thấy có sự cố gì xẩy ra cho cơ sở, cho các đầu mối bí mật của ta, vậy ta có nên cắt cầu, rút ván, xô đẩy anh ta về hẳn phía kẻ thù không? Hay ta phải níu chặt, giữa chắc, dù sóng to gió lớn bao nhiêu cũng không để cho sợi giây néo kia bị đứt... " Nói một thôi, một hồi rồi cuối cùng tôi đưa ra kết luận: "Tóm lại, tôi đề nghị các đồng chí phải lên kế hoạch giải cứu anh ấy. Nếu không, nếu để Đọt phản bội hoàn toàn thì hậu quả thật sự khó lường ".
Tôi đã chuẩn bị tư tưởng từ trước cho một cuộc tranh luận sôi nổi, có thể còn gay gắt nữa. Nhưng thật bất ngờ, cả hội nghị im lặng. Mọi người đều tránh nhìn tôi, ai cũng hơi cúi đầu, hoặc xoay nghiêng người nhìn qua một hướng khác. Tất cả đều gật gật đầu. Có trời mà hiểu được cái gật gật kia có ý nghĩa thế nào! Tôi đã bắt đầu thấy nóng gáy. Với cương vị là một bí thư, thế mà tiếng nói của mình xem ra chẳng tác động bao nhiêu xuống những người dưới quyền. Mà đây đâu đã phải là tập thể thường vụ hay cấp uỷ. Đây chỉ là một ban, cả cán bộ lẫn nhân viên, thế này thì còn gì là vị thế của người lãnh đạo cao nhất địa phương nữa. Cơ hàm của tôi đã bắt đầu khẽ rung động. Tôi định đứng lên, dùng uy lực của mình để kết luận. Thì bất ngờ Thuẫn đứng lên trước:
- Báo cáo đồng chí bí thư, tôi thấy ý kiến chỉ đạo của đồng chí thật sâu sát, rất sát thực tế mà lại có tầm nhìn xa trông rộng. Chúng tôi xin được quán triệt, tiếp thu và lên kế hoạch thực hiện nghiêm chỉnh.
Tôi chưng hửng. Đã thế thì còn gì nữa mà nói. Tôi đành cám ơn và kết thúc cuộc họp.
Ít nhất, sau một thời gian dài tự đấu tranh dai dẳng, tôi đã có thể đi tới một kết luận, một sự dứt khoát trong lòng. Nhưng cũng chỉ là dứt khoát trong lòng thôi, chứ còn hành động thì lại thập thò, dè dặt. Tôi tự biện hộ lý do cho chính bản thân mình, tôi nay đã là bí thư, chủ yếu là định hướng về quan điểm, tôi không thể đứng ra làm thay công việc của các bộ phận chức năng. Hơn nữa, việc đó lại có vẻ liên quan đến tình cảm cá nhân, nếu không khéo sẽ tạo ra sự hiểu lầm cho các đồng chí trong cấp uỷ... Từ lý lẽ như vậy nên tôi cố kiên nhẫn chờ đợi phương án từ dưới ban đưa lên. Làm cách mạng là phải biết chờ đợi. Chờ đợi cho đến một buổi sáng, bất ngờ tôi nhận được quyết định của tỉnh uỷ cử đi dự một khoá tập huấn chính trị tại Quân Khu. Chuyến tập huấn kéo dài gần một tháng. Nội dung chủ yếu cũng là tình hình nhiệm vụ mới, tất cả chuẩn bị đón đợi một thời cơ cách mạng mới, một cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt. Được học tập, chúng tôi phấn khởi vô cùng. Chỉ mong ngày mong đêm sao cho mau kết thúc lớp học để trở lại chiến trường. Tuy nhiên, khi đợt chỉnh huấn kết thúc, tôi lại nhận được quyết định về Đoàn 31 làm Chủ nhiệm chính trị. Đời một anh cán bộ cách mạng là thế. Có phải cái gì mình cũng tự định liệu được đâu
*
Nếu tính tỉ mỉ một chút về thời gian thì kể từ khi Đọt và Lương buộc phải lấy nhau đến khi Sâm vào bắt liên lạc là nửa tháng. Rồi hai bên giận nhau đứt quãng mất mười ngày. Lại cộng thêm hơn nửa tháng ban địch vận chuẩn bị phương án. Vị chi gần tháng rưỡi. Sau đó Khảm đi tập huấn chính trị một tháng, mà theo nguyên tắc thì dù phương án đã bàn định xong nhưng phải đợi bí thư về xem xét phê duyệt đã... Những việc lớn, phức tạp như thế, không thể qua loa làm ẩu được. Tổng cộng, Đọt đã neo lòng như cắm con đò ngang trên bến tạm, từ giữa mùa xuân qua đến nửa mùa hè để chờ một chuyến sang sông. Trong suốt thời gian hai tháng rưỡi đó, Lương kiên nhẫn làm được một việc rất quan trọng cho người chồng hờ. Đó là chữa gần khỏi vét thương ở đầu gối. Cả thuốc tây, thuốc nam, lẫn bó lá, ai bày gì làm nấy. Ơn Chúa, quả thật duyên thầy phúc chủ, cái chân của Đọt đã co giãn gần gần với trạng thái bình thường. Tuy nhiên, theo lời dặn của Lương, Đọt chỉ đi lại thoải mái trong bóng đen khi đêm xuống. Còn ban ngày anh phải cà nhắc, vẫn phải xuýt xoa nhăn nhó. Cả Đọt và Lương đều biết rõ, xung quanh anh có cả một tiểu đội lính an ninh do đích thân Nguyễn Đình Cựu bố trí. Chúng nó đào hầm chốt ngay ở ngã ba từ bến lội lên. Chúng giải thích với Đọt, dạo này Việt Cộng thường xuyên đột nhập vào ấp, cho nên phải tăng cường bố phòng. Đọt gật đầu khen phải.
Nhà vốn chỉ có một giường. Lương cũng không sắm thêm, bởi cô biết thằng Rệ thỉnh thoảng vẫn đến, nó vẫn có thể săm soi con mắt vào chuyện ngủ chung hay ngủ riêng. Đêm đến, Đọt rải chiếc chiếu xuống cạnh nền nhà, nằm khèo ngay dưới chân giường "vợ" mà ngủ. Những đêm đầu sau lễ cưới, cả hai đều ngủ ngon lành. Ngủ ngon bởi họ vừa trải qua những giây phút rã rời. Còn một lý do nữa là lúc ấy, thật sự họ chỉ coi chuyện làm chồng làm vợ nhau là một trò hề, một nước cờ độc địa của thằng cha Cựu. Hắn đi một nước mà khống chế được cả hai. Còn Lương và Đọt thì tương kế tựu kế, cũng một nước đi mà cản được nhiều nước chiếu.
Nhưng cuộc sống vẫn là cuộc sống. Sự sống không bao giờ và không ai sắp xếp nổi như một bàn cờ. Họ là những người bạn cũ từ thủa ấu thơ. Họ đã từng là đồng chí, đồng đội của bao nhiêu thăng trầm hoạn nạn, từng biết thương nhau, nhớ nhau, đợi chờ nhau mỗi phút, mỗi giây. Rồi giờ này đây, trong cảnh cá chậu chim lồng, họ như hai con chim sa bẫy, bị vặt cánh, nhổ lông xác xơ tiều tuỵ. Cứ sáng tối nhìn mặt nhau, lòng chạnh nhớ một thời oanh liệt, ngang dọc vẫy vùng mà tự thấy cám cảnh cho nhau, tủi cực cho mình. Và trên tất cả mọi điều, họ là những con người, một đàn ông, một đàn bà, vốn dĩ tràn trề sức sống, nay phải cam chịu bệnh tật, lại phải cố gồng lên trong vai diễn vợ chồng từ dáng đi, kiểu cười trước bàn dân thiên hạ. Thế nên đêm xuống, khi mà tất cả mọi người, mọi nhà trong cả làng này đều co rúm lại tự ẩn mình vào bóng tối, thì cũng là lúc hai người lặng im lui về cõi riêng, âm thầm dằn vặt... Muôn vàn câu hỏi đã sinh sôi nảy nở trong đầu. Thế nên chỉ được vài hôm đầu là ngủ say như chết, sau đó bắt đầu chập chờn, đứt đoạn, rồi tiếp đến là nhiều đêm trở trăn, thao thức. Thậm chí có đêm gần như thức trắng. Họ nằm nghe từng tiếng thở của nhau, thầm đoán suy tư của nhau, đôi khi cố nhắm mắt lại, cố quên đi cạm bẫy trước mặt, rồi họ lại vô tình mơ tưởng đến tương lai, tưởng tượng cho riêng mình một khoảnh khắc lạc thú. Năm nay Lương mới ba mươi bảy, Đọt mới ba lăm, sức lực còn quá dư thừa. Hơn nữa, cả hai đều thuộc diện "đã trải qua", đã từng biết. Nhưng cái sự biết của cả Lương lẫn Đọt từ trước tới nay đều trong trạng thái đói khát, ức chế. Thậm chí còn phải vụng trộm nữa. Họ thật sự chưa có được những tháng ngày thanh thản khoả mình trong bể tắm khoái lạc ái tình...
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #41 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 09:33:08 am »

Chao ôi, đêm trường trong ấp chiến lược sao mà dài thế! Đêm đến, đèn không dám thắp, thậm chí chuyện không dám nói, bởi nếu có tiếng thầm thì trong nhà tai hoạ rất có thể ập đến. Họ chỉ còn biết nằm nghe tiếng lá cau xào xạc ngoài vườn, tiếng con thằn lằn tặc lưỡi trên trần nhà, ước đoán thời khắc để chờ trời sáng. Nhưng sáng ra thì còn có ý nghĩa gì. Cả một ngày trông rõ mặt nhau là một cuộc vật lộn với vai kịch. Cảnh kịch nhàm chán, lặp đi lặp lại, vừa bi vừa hài. Thế nên, họ lại chờ đêm xuống, chờ mong sự hưu quạnh và khổ đau... Cứ thế, cả hai đã dầm mình qua gần hết một mùa hè...
Cho đến đêm ấy, đêm mồng bốn tháng năm âm lịch, bếp lửa âm ỉ ấy đã bùng lên. Lúc đó có lẽ đã quá nửa đêm. Lương đang mơ màng, hình như cô có chợp mắt được chút ít, rồi tỉnh lại. Bỗng Lương giật mình nhìn xuống. Đọt đang ngồi tựa lưng vào thành giường. Điếu thuốc lập loè trong bóng tối, đốm lửa cứ giật sáng lên sau mỗi cơn hít mạnh của anh.
- Này... ngủ đi một chút chứ... hút chi mà hút lắm thế, nám hết phổi bây giờ. Tiếng nói của Lương thì thào, nghe như lẫn cả tiếng đập của con tim yếu đuối.
- O cũng không ngủ à?
- Hôi thuốc quá, không ngủ được...
- À à.. Tôi xin lỗi....
- Xin lỗi! Học đâu ra kiểu nói ấy thế?
Lại im lặng. Đọt đã dụi tắt tàn thuốc, mùi hôi vì thế mà càng sặc lên.
- Chà chà... vứt ra xa một chút đi.
Đọt ném tàn thuốc ra phía cửa. Anh khẽ thở dài:
- Thôi, Lương chịu khó một đêm nay nữa... Cái mùi này... rồi sẽ hết.
Lương bật người dậy, cả tấm thân run lên:
- Nì... nói cái gì vậy?
Đọt không trả lời nhưng Lương đã linh cảm thấy. Có lẽ cái giờ khắc ấy đã đến.
- Nì... định đi à?
Đọt cúi đầu nói lí nhí như đứa trẻ phạm lỗi.
- Ở thế này... chịu làm sao nổi...
Giọng Lương còn lí nhí nhỏ hơn:
- Vậy... còn tui?...
- Nếu đi cả hai... e không lọt... thì đành...
Không còn nghe thấy gì nữa. Tiếng nói cứ bị ép lại, bé đến mức không còn lọc ra được giữa đông đặc bóng đêm... Không nghe được, nhưng cả hai đều cảm thấy được, cả hai đều hiểu rằng họ đã chạm vào sợi giây sâu nhất, mỏng mảnh nhất và từ trong thăm thẳm ấy đã rung lên cái âm thanh không sao che đậy nổi.
- Tôi để lại một lá thư từ biệt... mới viết xong lúc nãy đây... trong này chủ yếu là lời xin lỗi.
- Đã nói thế này rồi còn thư từ cái chó gì nữa.
- Không, lá thư không phải cho Lương đọc. Chờ tôi đi được ba bốn tiếng nếu không thấy bị bắt lại thì cầm thư này chạy báo cho xã trưởng...
- Nghĩa là tui vẫn tiếp tục đóng kịch?
Đọt nín lặng. Chưa bao giờ anh thấy nặng lòng như lúc này...
- Nếu Lương không đồng ý thì... thôi vậy.
- Thôi vậy nghĩa là sao?
- Là không đi nữa. Tôi tình nguyện ở lại...
- Ở lại thì sao? Tiếp tục thế này à?
- Có lẽ...
- Có lẽ sao?
- Có lẽ... không thể tiếp tục thế này mãi được.
Tiếng thở của Lương gấp gáp hơn, hổn hển hơn:
- Nhưng sẽ phải làm sao? Nói đi...
- Không... Đọt run lên. Đừng bắt tôi nói...
Cả một tấm thân đổ xuống người Đọt. Hai tấm thân cùng run lẩy bẩy. Hai vòng tay cùng lật bật, quờ quạng và xiết chặt lấy nhau. Họ vừa khóc, vừa rên, vừa dày xéo nhau. Mảnh chiếu bị đạp, bị đẩy trật qua một bên. Cái nền đất ẩm mát áp vào lưng họ, giúp cả hai tỉnh dần... Họ nằm thẳng đuỗn và run, và đuối sức như hai con bệnh cảm hàn...
Rất lâu sau đó, có lẽ đã gần sáng, Lương mới khẽ ngồi dậy:
- Định đi vào giờ nào?
- Giờ ngọ ngày mai.
- Đi ban ngày?
- Phải. Giờ ngọ, cả làng đi hái lá mùng năm. Tết đoan ngọ, bọn lính chắc cũng rượu chè bí tỉ? ... Đó là kẻ hở duy nhất...
Lại im lặng một tý, rồi Đọt xoay người lại:
- Mà tôi nói lúc nãy rồi đó, nếu Lương không bằng lòng thì...
- Thôi, đi đi. Tính toán phương án cho kỹ kẻo hối không kịp đó!
Như thế lòng đã dứt lòng. Đêm mồng bốn tháng năm âm lịch là đêm cuối cùng của đôi vợ chồng họ. Họ nằm bên nhau ở dưới đất, nằm song song, thẳng đuỗn, mắt mở trân trân ngó lên khoảng tối mịt mù trên trần nhà. Họ cứ nằm vậy chờ trời sáng...
*
Còn bây giờ thì họ ngồi đó, cùng đối diện nhau qua một chiếc bàn cũ kỹ. Đã hai mươi lăm năm. Ngôi nhà này không phải là ngôi nhà năm ấy. Làng xóm này không còn là ấp chiến lược năm xưa để phải ghìm hơi, nén từng tiếng lòng. Nhưng họ vẫn không nói gì được với nhau, hay chính xác hơn là không biết nói gì. Vợ chồng thì đã không phải, đồng chí đồng đội cũng chẳng còn, mà nói là cùng cảnh ngộ thì càng không đúng. Hai mươi lăm năm qua, cuộc đời của Đọt lăn lóc như một hòn sỏi xây xát bầm dập với bao nhiêu dốc đèo. Lại thêm hai lần tù tội. Có một khoảng giữa ra tù thì lại được nhốt chung với đàn bò. Đã không ít lần anh cố nhoi lên, cố trồi lên cho đôi bàn chân đỡ bỏng rát, thì cái đầu lại đụng phải đá phía trên. Sau mỗi lần thế, Đọt phải đành co rúm mình lại. Còn Lương thì khác. Sau cái ngày mồng năm tháng năm âm lịch ấy, mọi giây đời ràng rịt đối với cô đều đứt hết. Lương sống ơ hờ, nhạt thếch, như miếng cau khô dần giữa cơi trầu. Năm tháng trôi đi, cô không buồn để ý. Mặn nhạt chút vôi nồng xa xưa không còn dư vị gì đối với từng ngày sống hôm nay. Bây giờ chị đã quá tuổi sáu mươi, có con mà lại hoá ra không, có chồng thì suốt đời không có một ngày mặn mà cho đến khi chồng khuất bóng, có tổ chức đoàn thể thì tự mình đã bỏ cuộc, li khai. Chúa ở tận trên trời, còn làng quê Quách Xá cũng không còn thật sự mặn mòi ấm cúng nữa. May ra chỉ còn một sợi tóc cỗi cằn tình bạn, sợi tóc đã bạc lại mỏng mảnh quá liệu có kéo nổi hai mảng đời chình chịch này không?
Cây nến trên bàn đã cháy hơn một nửa. Cả hai vẫn chưa thay đổi thế ngồi. Ngoài sân, đêm đã vào sâu trong cái thăm thẳm của vũ trụ. Hình như khung cảnh ấy có gợi chút gì đó trong cõi tâm thức bịt bùng của họ.
Lương chợt lên tiếng trước:
- Ông có định kháng án không? Toà cho mười lăm ngày mà...
- Không.
- Sao gàn thế? Nghiện cơm tù à?
Giọng Đọt bỗng vọt lên như một tiếng nấc:
- Tại sao ai cũng nghĩ về tui như thế?
- Còn không à. Đời ông nhiều oan trái cũng có phần do ông nữa.
- Do tôi?
- Phải. Nói lại cũng chẳng để làm gì. Nhưng chính Li đã nói với tôi như thế đấy.
Đọt "xì" mạnh một cái, hắt ra một tiếng thở:
- Bà ấy thì biết gì...
- Phải. Nhưng chính Li đã kể rằng, đó là nhận xét của anh Khảm trong lần gặp Li cuối cùng ấy. Cái lần mà ông bị công an Vĩnh Linh bắt sau khi chia tay với tôi trốn ra ngoài đó. Lần đó, nếu ông ăn nói đàng hoàng một chút, giải bày rõ ràng một chút hoặc nếu ông giữ được tang chứng vật chứng như là cái lá thư tay nói là của bí thư viết ấy, thì làm gì phải chịu cảnh oan sai. Hồi đó, ông có biết do đâu mà Li biết ông bị oan, lại còn chạy kêu oan giúp ông? Do Khảm đấy. Thế mà riêng ông miệng cứ câm như hến. Việc của mình thì trước hết phải tự mình gỡ ra đã chứ...
- Chuyện đó thì tôi biết rồi... Cả đời tôi không bao giờ quên ơn đồng chí Khảm...
Lương chợt cười phì một cái:
- Tri kỷ gớm nhỉ. Nhưng rồi đồng chí Khảm có cứu nổi ông trong lần tù này đâu...
Đọt bỗng thầm thì:
- Có đó... có thể đó...
- Cái gì? Ông tin vào duy tâm à?
Đọt không nói gì. Anh chợt nhớ ra chuyện gì đó, lật đật đứng dậy, tay vớ hộp quẹt đi lần lại phía bàn thờ. Bàn thờ chỉ là một mảnh ván nhỏ cắm vào phên sau của căn nhà, trên đó chỉ có một lư hương nhỏ. May mắn thay, còn sót lại một nhúm mấy que hương. Đọt bật quẹt, đốt hương và đứng im ở đó. Thật kỳ lạ, chính cái mùi hương, cái mùi viếng người chết ấy lại gợi nên sức sống, ít ra cũng tạo ra sự ấm cúng cho một căn nhà hoang lạnh lâu ngày.
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #42 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 07:34:09 am »

Chương 11
Đọt lội được quá nửa sông thì mới nghe thấy tiếng la oai oái phía trong làng. Đọt đoán đó là tiếng con Thẻo. Nhà con Thẻo cách nhà Lương hai khoảnh vườn, ả là một thứ "tre cụt đọt" như cách nói của dân làng Quách Xá. Không hiểu bằng cách nào mà con mẹ chết chồng ấy lại chiếm được sự ưu ái của Xã trưởng. Ngoài quan hệ nhân tình ra, Thẻo còn là con mắt thứ ba của xã trưởng. Cả làng Quách Xá đều ghét ả, nhưng cả làng đều sợ ả. Đã nhiều lần Đọt thầm chưởi độc trong đầu: tao mà thoát ra được, nếu quay lại hoạt động đứa đầu tiên tao thịt là con mẹ nạ dòng này!
Đúng là con mẹ nạ dòng đó đang la oai oái. Nhưng đến khi bọn lính an ninh chạy về kịp thì Đọt đã vọt lên khỏi bờ, chui qua mấy dãy lau lách, bươn thẳng vào phía làng Kim Đâu. Bọn lính chỉ biết quét đại mấy băng đạn qua bờ sông, rồi đồng thanh chưởi tục. Bố bảo chúng nó cũng không dám lội qua bên này.
Đầu gối trái vẫn còn cân cấn đau, nhưng lúc này Đọt hầu như không còn chú ý đến nó. Anh nửa đi, nửa chạy, người cứ bươn sấp về phía trước. Lòng nhẹ lâng, tay chân nhẹ lâng, tâm hồn cũng lâng lâng, anh thật sự là con chim sổ lồng, anh muốn van to lên, muốn bay vù đi, muốn thật mau chóng lao sầm vào vòng tay đồng chí, đồng đội!
Thì kia, bất thần đồng đội hiện ra. Bên trái, phía sau lùm cây chạc chìu dựng đứng lên hai tay súng. Đọt chưa kịp hoàn hồn thì bên phải, từ trong một bụi lách, ba chiến sĩ khác như từ trong đất mọc lên. Đọt đã định thần, rồi sung sướng reo to:
- Các đồng chí!
- Đứng im. Đưa tay cao lên...
- Tôi là Đọt. Phạm Đọt, trưởng ban địch vận của huyện...
- Quay qua trái... không được nhúc nhích...
Đọt cụt hứng. Tuy nhiên anh tự giải thích ngay cho mình, mọi việc sẽ phải như vậy thôi. Cảnh giác cách mạng mà.
Chờ cậu chiến sĩ trẻ khám xét khắp người xong, anh cố nở một nụ cười:
- Các đồng chí ở đơn vị nào thế? Ba hăm bốn hả? Hay là...
- Đằng sau quay!
- Được rồi, được rồi... Này, tôi sẽ tuân theo các cậu. Nhưng đề nghị cấp báo ngay cho huyện uỷ. Báo cho bí thư Khảm, nghe chưa? Căn cứ huyện uỷ các đồng chí biết chứ?
- Được rồi, mời ông đi!
Có bàn tay đẩy phía sau lưng. Đọt định nổi khùng. Nhưng anh kịp trấn tĩnh...
- Này, cẩn thận đấy, tôi đang bị thương, nghe rõ chưa? Tôi bảo báo ngay với bí thư huyện uỷ, nghe rõ chưa? Nếu không, cho tôi gặp ban địch vận. Có biết ban địch vận không?
Cậu chiến sĩ đi đầu bỗng dừng lại. Có lẽ đó là người chỉ huy.
- Này, chú biết ban địch vận thiệt hả?
- Trời đất ơi, tôi là trưởng ban kia mà!
- Tại sao lại chạy từ trong đó ra?
- Đó là việc của tôi. Cứ đưa tôi vào ban sẽ rõ.
Cậu lính lưỡng lự một lúc, rồi lại hỏi:
- Thế chú.... có biết ban đóng ở đâu không?
Đọt định nói ngay, nhưng anh chợt cảnh giác. Anh nhìn soi mói từng chiến sĩ. Từ chiếc mũ tai bèo, cái thắt lưng, khẩu AK, đôi dày cao cổ... Có lẽ đã khẳng định chắc chắn là quân chủ lực, anh mới gật đầu:
- Khe Ló....
Cả tốp lính nhìn nhau. Tay súng của họ xoay hẳn lại. Đọt bỗng thấy lo ngại.
- Sao thế? Tôi nói không đúng à?
- Không đúng.
- Tại sao thế. Cách đây... ừ, cũng đã tám tháng rồi, ban của tôi ở đó.
Cậu lính có dáng dấp trưởng nhóm bước xán tới trước mặt, nhìn găm vào Đọt:
- Bảy tháng qua, ông ở đâu?
- Hỏi cái gì thế? Các đồng chí có biết nguyên tắc công tác không đấy?
- Nguyên tắc cái gì? Ông trả lời sai, làm sao bảo chúng tôi tin được.
Đọt bắt đầu nổi cú:
- Lính trẻ ơi là lính trẻ... Có tình huống thế này mà cũng không biết đường xử lý à? Việc gì mà tin với không tin? Tôi đang nằm trong tay các đồng chí. Các đồng chí cứ bắt tôi, cần trói thì trói lại, rồi dẫn tôi vào cơ quan huyện uỷ hay căn cứ của ban địch vận. Đến đó, người ta bảo tôi là gian tế thì bắn cái đùng không được sao?
Đám lính nhìn nhau, gật gù. Cậu chỉ huy gật mạnh đầu:
- Nói có lý. Thôi, đi!
Cả tốp rẽ qua tay trái. Họ dẫn Đọt chui qua một lối nhỏ giữa khóm rừng già. Qua bên kia là trảng rộng. Đạp tắt qua đó, lại chui vào miệt rừng khác. Con đường lạ hoắc. Rõ ràng ban địch vận đã chuyển vị trí từ lâu.
Lần theo mép một con suối nhỏ, cả tốp đi ngược lên sườn núi. Đến giữa chừng Đọt đã ngửi thấy mùi đất cháy. Anh dừng lại hít sâu một hơi, đôi môi khô đét bỗng tươi hẳn ra. Cậu lính đi cạnh quay sang dò hỏi:
- Phát hiện ra cái gì hả?
- Bếp hoàng cầm.
- Dốc tổ ông nội, ban này thế này ai đun bếp?
Đọt nở nụ cười rất tươi:
- Các chú biết làm sao được. Cái mùi đất cháy của nó thơm xa lắm... Cả tốp lính nhìn nhau. Họ rảo bước nhanh hơn. Đã thấy tăng võng hiện ra trước mặt. Bất ngờ từ đâu đó có tiếng phụ nữ reo to:
- Ối trời ôi... anh Đọt! ....
Thế là cả một khoảng rừng rùng rùng chuyển động, xao xác. Bao nhiêu người nhào tới. Đọt không nhìn kỹ ai hết. Anh xây xẩm cả mặt mày. Anh chỉ biết duy nhất có một điều. Đây là đồng đội. Rồi Đọt khuỵu chân xuống. Cái gối trái bổ hẳn, không có cách chi gượng dậy được. Nhưng anh vẫn gượng cười. Cười rất tươi nhưng không có tiếng. Chỉ có nước mắt trào xuống xót mặn cả vành môi nứt nẻ.
Đến khi anh định thần lại bình tĩnh nhìn thì người đang quỳ trước mặt anh là Thuẫn. Anh cũng đã biết tin Thuẫn thay anh làm trưởng ban, nghe nói cũng khá lắm. Đọt cố chống tay để đứng dậy:
- Báo cáo trưởng ban...
- Thôi thôi, chú ơi, thật tội tình chú quá. Bọn cháu đã được bí thư chỉ thị lên phương án để giải thoát cho chú... Chưa kịp trở tay thì chú đã về được đây... Nào, các đồng chí, dìu trưởng ban vào trong lán đi, mau lên.
Mọi người xúm lại. Đọt thấy toàn người lạ. Chỉ có Sâm đang đứng úp mặt vào gốc cây, hai tay bấu chặt một cành gãy... Hình như cô ấy khóc. Nhưng lúc này Đọt cũng không còn tâm trạng để ý đến điều ấy. Người ta đã dìu anh xuống một chiếc hầm lán lộ thiên. Ở đó có mấy sạp tre thay ghế. Đọt ngồi xuống. Thuẫn cũng ngồi sát bên cạnh, miệng cứ xuýt xoa:
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #43 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 07:34:40 am »

- Thiệt tội tình cho chú. Bọn cháu đã nghe rõ mọi chuyện rồi. Chú khổ lắm phải không?
- Không có gì... Được về với anh em là sướng rồi...
- Này này... lấy vắt cơm của tôi cho chú Đọt ăn tạm đã, mau lên....
- Thôi thôi... Làm sao mà ăn được lúc này. Cho tôi hỏi chuyện anh em đã. Quyết đâu?
Thuẫn khoát tay:
- Thằng Quyết khá lắm. Được điều lên tác chiến thay cháu rồi. Còn ông Phôi yếu quá phải ra điều dưỡng. Anh em đây toàn mới. Để cháu giới thiệu với chú...
Thuẫn nói càng nhanh thì càng lập bập, những "chùm ba" cứ dính bết vào nhau. Tuy nhiên Đọt vẫn thấy sung sướng. Anh đắm mình vào trong những lời ngọt ngào của đồng chí, bè bạn. Đã quá lâu rồi, bảy tháng hay tám tháng gì đó, mà cứ ngỡ như bảy tám năm trôi qua, Đọt không thể ngờ nổi có những giây phút này, lại cây rừng, lại khe suối, lại những gương mặt tuy gầy guộc, xanh xao nhưng lúc nào cũng sởi lởi. Những lời nói, tiếng cười tin cậy biết bao!
Và đêm đó, đêm đầu tiên sau hơn tám tháng thấp thỏm, Đọt đã ngủ một giấc say như chết, một giấc ngủ tuyệt đối yên hàn trong sự tin cậy hoàn toàn vào đồng đội của anh.
Sáng ngày sau lúc Đọt tỉnh dậy, không khí nơi đóng quân đã tĩnh lặng và thưa thớt hơn. Không có Thuẫn. Không có Sâm. Cán bộ trong ban cũng đi đâu gần hết. Nhìn quanh quất chỉ thấy có hai cậu nhân viên trẻ. Đọt chống gối định lê ra suối thì một cậu đã chạy đến:
- Cơm vắt của chú đây... Trưởng ban dặn chú phải tranh thủ nằm nghỉ lấy sức...
- Lấy sức? Để làm gì?
- Cháu không biết.
- Trưởng ban đâu?
- Cháu không rõ.
- Còn cô Sâm, cô y tá ấy?
- Cháu không rõ.
- Thế anh em đâu cả?
- Dạ... đi công tác.
- Sao lại đi công tác ban ngày? Đi đâu?
- Dạ cháu không biết...
- Này, sao cái gì cậu cũng không biết thế? Cậu quê ở đâu?
- Cháu không biết... à quên, cháu ở Cam Nghĩa...
- Lên rừng lâu chưa?
- Dạ, mới lên hai chục ngày... Cháu chưa biết gì chú ạ...
Đọt thở dài:
- Thôi được rồi... cháu cứ đi lo việc của cháu đi.
Cậu nhân viên trẻ chồm nhanh ra ngoài như đứa học trò hư trốn khỏi tay ông hiệu trưởng. Đọt lại thả mình xuống võng, đưa nắm cơm vắt lên nhai. Anh ăn chậm, một kiểu ăn không hợp với tính cách vốn có của anh. Đọt vừa nhai vừa ngẫm nghĩ: Vui thì vui thật, vui đến mức bần thần cả người. Tuy nhiên, không hiểu sao Đọt vẫn cảm thấy có cái gì đó không thật ấm lòng, không giống như tưởng tượng của anh khi đang cắm đầu lao vào khu căn cứ. Vì sao nhỉ? Có phải vì không có Khảm, không có Quyết... Cũng chẳng phải. Đồng đội là đồng đội, kể chi lạ quen. Mà ít ra vẫn còn Sâm, còn Thuẫn.... ừ, đúng rồi...chính là Thuẫn. Có cái gì đó khang khác ở con người này. Cái nhiệt tình, cái vồ vập hình như không phải của anh ta. Hay là mình cả nghĩ. Có lẽ vậy. Nghĩ cho cùng, cũng chẳng có gì khác cả. Lẽ nào sau mấy tháng đối mặt với cạm bẫy, mình đã bị nhiễm cái bệnh lo lắng đề phòng, soi xét từng lời ăn tiếng nói của người xung quanh?
Đến khoảng hai giờ chiều Thuẫn mới quay lại. Đọt phát hiện ra Thuẫn khi anh ta còn lội bì bõm dưới suối. Dáng đi tất tưởi. Vẻ mặt đầy lo âu. Có chuyện gì thế nhỉ? Đọt vội vàng ngồi dậy. Nhưng khi đến trước mặt Đọt, Thuẫn đã nở nụ cười rất tươi:
- Chú ngủ đẫy mắt chưa? Có chỉ thị của bí thư huyện uỷ cho chú đây?
Đọt chồm người lên:
- Anh Khảm hả?
- Không. Đồng chí Sinh.
- Thế Khảm đâu?
- Quên chưa kể với chú. Chú Khảm nay là chủ nhiệm chính trị đoàn 31.
Thuẫn vừa nói vừa moi túi đưa cho Đọt mảnh giấy viết tay. Đọt run run mở ra.
"Chào đồng chí Đọt. Rất mừng vì đồng chí đã trở ra được. Thường vụ quyết định đồng chí phải ra bắc điều dưỡng vết thương. Phải an tâm điều trị, lành hẳn mới được vào. Chào thân ái và quyết thắng. Ký tên: Sinh! "
Đọt ngơ ngác, ngước lên định hỏi cho rõ ràng, nhưng Thuẫn đã đi lại phía hai nhân viên trẻ, dặn dò cái gì đó. Anh ta vừa nói vừa chỉ tay lên phía trái con khe, hai nhân viên gật đầu lìa lịa. Rồi Thuẫn quay nhanh lại võng của Đọt, giọng anh lập bập nhanh hơn:
- Tình hình hơi căng... sắp có càn... chúng có thể đổ bộ lên mấy cao điểm quanh đây... Cháu đã liên hệ với bộ phận tải thương của "ba hăm bốn" họ sẽ giúp chú ra Vĩnh Linh. Cháu đã trao nhiệm vụ cho hai cậu kia đưa chú đến đó. Chúc chú ra đó thật vui, mau mau lành bệnh, gắng ăn nhiều nhiều vào cho béo thêm tý nữa. Thật tội, chú gầy quá... Thôi, cháu phải triển khai lực lượng chống càn đây...
Thuẫn chủ động túm lấy tay Đọt, lắc lắc mấy cái rồi chủ động rút tay lại, quay ngoắt người chạy vù xuống suối. Đọt vẫn cứ ngớ cả người, không kịp nghĩ, không kịp nói một câu nào cả. Mảnh giấy của bí thư Sinh nhàu nát trong tay....
*
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #44 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 07:35:13 am »

Lá thư của Sâm đến với tôi quá muộn. Không phải cô ấy viết muộn mà vì đường đi một lá thư riêng quá lòng vòng. Sâm nhờ một thương binh chuyển ra trạm quân y của Bộ tư lệnh Vĩnh Linh ở Mỹ Tú. Sau hai ngày, lá thư lại được nhờ một cậu lính thông tin của 270 vừa điều trị xong sốt rét mang trở về Bộ Tư lệnh, gửi cho cậu bạn ở Ban Tuyên huấn. Cũng mất thêm mấy ngày nữa, nhân Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh qua giao ban với Đoàn 31 thì thư mới đến được tay tôi. Qua lời kể của Sâm, tôi biết Đọt đã có mặt ở Vĩnh Linh ít nhất cũng bảy ngày rồi. Tôi cuống cuồng quay máy điện thoại gọi đi cả ba trạm quân y đang đóng quân trên đất Vĩnh Linh, tôi nói rõ tên người, tên đơn vị gửi đi, lại miêu tả cả dáng hình của Đọt nữa. Nhưng cả ba nơi đều trả lời không biết. Không thật yên tâm với điện thoại, ngay sáng hôm sau, tôi nhờ một cậu liên lạc và hai cậu ở Ban Tuyên huấn đích thân tìm về các trạm cứu thương, dặn họ lùng sục cho thật kỹ. Tuy nhiên, chiều đó cả ba mũi trở về đều lắc đầu... Lòng tôi cứ như lửa đốt, suốt đêm ngồi đứng không yên, tôi lẻn ra khu đồi hoang nhìn bốn phía bầu trời, thầm kêu lên trong khoảng không mênh mông. Đồng chí Đọt ơi, đồng chí đang ở nơi nào!
Tôi thú nhận là tôi nhớ Đọt, tôi thương Đọt hơn bất cứ ai. Vì sao thì chính tôi cũng không cắt nghĩa được. Kể từ hôm nhận được lệnh chuyển công tác qua đoàn 31, điều duy nhất tôi băn khoăn, tôi cảm thấy mình còn mắc nợ, đó chính là sinh mệnh, cuộc sống của Đọt còn mắc kẹt ở trong ấp. Đương nhiên trong đó còn có Lương nữa. Tôi không thể nói là không nhớ, không lo cho cô ấy. Nhưng thật lạ, không hiểu sao mối lo nghĩ về Lương lại cứ nhạt nhoà, lúc ẩn lúc hiện,, nó không thấp thỏm, bồn chồn như nghĩ về Đọt....
Những ngày này Vĩnh Linh đang bị đánh phá quyết liệt. Máy bay B52 rải thảm bom khắp nơi. Những khu làng trù phú từ bao đời nay đang trọc trọi, vật vã suốt ngày, suốt đêm dưới những trận bom pháo huỷ diệt. Đảng uỷ khu vực đã ban hành chủ trương cho con em nhỏ và người già đi sơ tán ra các tỉnh phía bắc. Số người ở lại, thực hiện một nếp sống quân sự hoá triệt để. Địa đạo, giao thông hào, hầm cá nhân chằng chịt khắp nơi. Trong một bối cảnh như vậy, việc đi lại, tìm kiếm nhau lúc này quả thật quá khó khăn. Hơn nữa, đoàn 31 của tôi lại tiếp nhận mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh mặt trận, chuẩn bị đưa quân vào chiến trường. Ban chỉ huy đã thành lập bộ phận tiền trạm do tôi chỉ huy sẽ vượt sông vào trước tìm địa điểm cho trung đoàn tập kết quân. Công việc quá khẩn trương và bận rộn, tôi không có cách chi bứt ra đi tìm Đọt được.
Giữa lúc tôi đang bối rối như vậy thì bất ngờ cậu trực ban vào báo:
- Báo cáo anh, có chị Li, chủ tịch Hội phụ nữ khu vực xin gặp.
Tôi ngớ cả người. Tại sao Li biết tôi ở đây. Tại sao cô ấy lại tìm đúng lúc này? Có phải vì chuyện Đọt không, hay con Linh đã có chuyện gì? Bỗng tôi thấy run run đôi tay... Từ hôm chuyển về đây, thú thực tôi cũng đã định bụng tìm Li mấy lần rồi. Nhưng không hiểu sao cứ lưỡng lự mãi. Cái con người tôi là thế, có lẽ đó là nhược điểm thâm căn cố đế của tôi.
Bây giờ thì Li đã đứng trước mặt tôi. Da sạm đen, mặt rám nắng, ánh mắt thẫm tối lại trong vành mi thâm quầng. Chao ôi, mới xa nhau chưa tới hai năm mà trông Li già đi bao nhiêu tuổi.
Tôi chưa kịp chào, Li đã hỏi luôn:
- Anh có biết chuyện gì của Đọt không?
Tôi sững người:
- Chuyện gì? Mà chị có biết sao?....
- Anh nói đi...Vì sao Đọt bị bắt?
Tôi thở dài:
- À....Thì rủi ro trong chiến đấu mà chị. Trận đó ta thắng lớn, tuy nhiên...
- Không. Là tôi nói công an ta bắt kia?
- Cái gì? Tôi ngớ cả người, mở to mắt nhìn Li. Cái gì thế, tôi có nghe nhầm không?
- Chị vừa nói cái gì thế? Công an nào bắt?
- Công an Vĩnh Linh. Vừa bắt cách đây một tuần.
Tôi chồm tới:
- Không đúng. Tôi vừa nhận được thư anh em trong đó báo ra, Đọt được huyện uỷ bố trí ra Bắc điều dưỡng chữa bệnh....
Vừa nói, tôi vừa quay lại bàn lục tìm lá thư của Sâm đưa cho Li:
- Đây này, chị xem đi. Ba hôm nay tôi đã cho người tìm khắp các trạm quân y mà vẫn chưa gặp được. Làm gì có chuyện lạ đời thế! ....
Li lướt qua lá thư rồi đưa mắt nhìn tôi. Chị nhìn rất lâu, có vẻ như cố lục soát trên khuôn mặt đờ đẫn của tôi một ẩn số nào đó. Rồi Li khẽ thở dài, cố trấn tĩnh lại. Chị chủ động ngồi xuống ghế. Tôi vội vã rót nước ra chén:
- Chị uống nước đi....Mà này, chị nghe ai nói chuyện lạ như thế?
Li nhấp một ngụm nước rồi tư lự:
- Chuyện lạ nhưng có thật đó. Tôi được một đồng chí bên Ty công an nói cho biết.
- Không thể nào....
- Người ta đưa Đọt ra đến Vĩnh Sơn thì đưa thẳng lên khu trại tạm giam trên Bến Quan. Người ta giữ anh ở đó ba ngày. Họ bắt anh ấy tường trình quá trình hoạt động trong nam. Nghe nói, Đọt đã yêu cầu được liên lạc điện thoại với cơ quan huyện uỷ hoặc tỉnh uỷ. Nhưng nghe đâu các đường dây đều không liên lạc được.... Sau ba ngày, họ đưa anh ấy ra ngoài Bắc.... Cho đến tận phút ấy, Đọt mới đề nghị được liên lạc với tôi, nhưng đã không kịp. Đọt tệ thật, tệ vô cùng.... Đáng ra anh ấy phải báo cho tôi ngay từ đầu chứ. Tại sao lại ngu như thế....
Li cúi gằm đầu xuống mặt bàn. Nhưng tôi biết chị đang khóc. Còn tôi, hai tai như thể đã ù đặc. Cả người tôi bảng loảng như trạng thái không trọng lượng. Trong đầu chỉ còn ong ong một câu hỏi tuyệt vọng: Tại sao lại như thế?
Cả hai chúng tôi đều ngồi như chết lặng hồi lâu, rồi Li chủ động ngẩng lên nhìn tôi. Đôi mắt chị đỏ hoe:
- Nào, đồng chí có thể kể cho tôi nghe chuyện gì đã xẩy ra trong ấy với Đọt được không?
Tôi cố giữ một thái độ thật bình tĩnh và chậm rãi kể. Tôi cố gắng nói lại mọi sự biến một cách thật khách quan, tuy nhiên, tôi vẫn tránh những chi tiết nhạy cảm nhất. Ví dụ chuyện về Lương, đặc biệt là việc họ sống với nhau, tôi cố tình nhấn mạnh đến âm mưu của Nguyễn Đình Cựu, lại kể đi kể lại nội dung những lá thư Đọt viết cho tôi, lại cộng thêm nhận xét của mình. Tôi cố khẳng định với Li, họ là những người tốt. Họ tuyệt nhiên không phải là những kẻ phản bội.
Không biết những lý lẽ của tôi có thuyết phục được một con người sắt đá, đầy kinh nghiệm và quá ư nhạy cảm như Li không? Li vẫn nghe và tuyệt nhiên không tỏ rõ một phản ứng nào. Kể xong, tôi hỏi ngay:
- Chị có tin không?
Li chớp mắt nhìn tôi một cái rồi quay vội qua hướng khác:
- Tin ai kia? Tin anh hay Đọt? Hay Lương?
- Tin chúng tôi....
Li khẽ nhếch mép một cái gần như cười:
- Chúng tôi! Hay nhỉ....
- Chị Li....
- Này, anh có bố trí thời gian được không, chỉ cần một buổi thôi.
- Để làm gì hả chị?
Li vẫn tránh nhìn thẳng vào tôi, giọng cô hơi khẽ lại:
- Tôi muốn.... anh với tôi tìm lên Bến Quan một chuyến, biết đâu có thể biết thêm chuyện gì đó....
- Đồng ý. Tôi sẽ cho xe con chở chị đi....
Thế là chiều hôm đó, cả hai chúng tôi tức tưởi tìm lên khu tạm giam của công an Vĩnh Linh. Dọc đường đi, Li không nói một lời, cặp mắt ráo hoảnh, thăm thẳm. Tôi không sao đoán được tâm trạng của Li. Nhớ thương ư, không có lý. Lo lắng? Không hẳn. Có cái gì đó hiện lên trên vẻ mặt, đôi mắt rất dữ dội mà tôi không sao đọc được.
Tiếp chúng tôi là một thiếu uý công an. Lần đầu tiên tôi thấy Li tự giới thiệu một cách trịnh trọng, có phần quan quách nữa:
- Tôi là Trần Thị Li, uỷ viên thường vụ khu uỷ, chủ tịch hội phụ nữ khu vực. Anh biết tôi chứ?
- Vâng vâng....Tôi có biết chị....
- Còn đây là đồng chí Khảm, nguyên bí thư huyện uỷ Cam Lộ, nay đang là chủ nhiệm chính trị Đoàn 31, chắc đồng chí chưa biết?
- Vâng vâng.... Tôi chưa được biết....
Li dừng lại, thở sâu một cái rồi nói chậm rãi, rõ từng tiếng:
- Tôi muốn biết về một trường hợp mà các đồng chí vừa mới tạm giam ở đây. Đó là anh Phạm Đọt. Tôi cũng xin nói rõ lý do. Anh Phạm Đọt nguyên là một trưởng ban địch vận của huyện uỷ Cam Lộ, thuộc quyền của đồng chí Khảm đây... Đồng chí ấy được huyện uỷ cho ra Bắc điều dưỡng vết thương, vậy tại sao lại bắt giam?
Người thiếu uý công an đột ngột ngồi thẳng dậy:
- Không đúng.
- Không đúng cái gì?
- Báo cáo các đồng chí, thứ nhất, anh ta không phải được đưa ra điều dưỡng vết thương, mặc dù theo quan sát của chúng tôi, đúng là anh ta có bị thương. Thứ hai, chúng tôi không phải giam. Chúng tôi nhận được chỉ đạo của cấp trên yêu cầu anh Đọt phải tường trình lại tất cả quá trình bị địch bắt.... Có thế thôi. Trông ba ngày ở đây, anh Đọt được bố trí một phòng riêng, có cơm nước chăn chiếu đầy đủ. Tuyệt nhiên không có một hành vi gì đó không đúng với anh ấy....
Tôi không còn giữ được bình tĩnh:
- Ai chỉ đạo cho các anh làm việc đó?
- Xin lỗi, đây là nghiệp vụ cấp trên giao.
- Thôi được rồi.... Li ngắt lời - còn sau đó thì sao? Tại sao lại đưa anh ta đi?
- Báo cáo chị, đó cũng là chỉ đạo của trên. Anh ấy được đưa ra ngoài kia, an toàn hơn, chắc cũng để có điều kiện điều trị vết thương.
Tôi kêu to lên:
- Lại đưa đi điều trị vết thương! Các anh định làm cái trò gì thế?
Li vội kéo giật tay tôi lại. Cô thở sâu một cái rồi chủ động đứng lên:
- Thật phiền các đồng chí quá! Dù sao cũng cảm ơn nhiều.
Người thiếu uý công an cũng đứng lên:
- Không có chi. Xin chào các đồng chí.
Nói rồi, anh ta quay gót trở vào phòng làm việc ngay, cứ như thể chậm thêm vài giây nữa là có kẻ vượt tù. Li khẽ bấu vào tay tôi, nói nhỏ:
- Ta về đi.
Chiếc xe "gát" lại lộc cộc trên con đường đất sỏi lồi lõm. Xe lắc lư. Chúng tôi ngồi xa nhau, cố giữ một khoảng cách cần thiết để khỏi đụng vào nhau.
- Chị vào chơi, uống nước một lúc đã....
- Thôi, xin phép đồng chí... Trời tối mất rồi.
- Không sao, tôi nói xe đưa chị về mà....
Li lại khẽ nhếch mép:
- Tôi còn con ngựa của tôi mà....
Tôi hiểu con ngựa ấy là chiếc xe đạp Trung Quốc nhãn hiệu Vĩnh Cửu. Tôi cũng cười thân mật:
- Cái con voi của tôi thồ được cả ngựa chị, yên chí đi. Nói rồi tôi quay qua cậu lái xe:
- Này, đồng chí vào chỗ trực ban, lấy xe đạp của chị Li buộc vào sau này nhé! Được không?
- Dạ được ạ. Cậu lái trả lời và chạy luôn....
Li khẽ lắc đầu:
- Thật phiền các đồng chí quá....
- Chị cứ vào uống nước đã... vội gì.
- Thôi, cảm ơn anh.... Để khi khác.
- Khi khác?
Tôi khẽ thốt lên, rồi im lặng. Có lẽ Li chưa biết nhiệm vụ của tôi. Mà thôi cũng chẳng nên nói làm gì. Ngần ngừ một chút, tôi hỏi:
- Chị.... sống thế nào?
- À, thì cũng bình thường....
- Thế còn con.... à, các cháu?
- Cũng bình thường. À, chúng nó đi sơ tán theo kế hoạch K8 hết rồi.
Tôi chồm người tới:
- Đi đâu hả chị?
- Con Linh ra Tân Kỳ, thằng Đình ra Nam Hà....
Tôi đứng lặng, Không dám nhìn thẳng Li. Nỗi tủi cực ngày nào tự nhiên lại ứ lên....
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #45 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 07:35:46 am »

Bất ngờ bàn tay Li đặt nhẹ lên vai tôi, cử chỉ ân cần như một người chị gái:
- Có chuyện này tôi quên chưa kể với anh..Tôi đã kể với cháu Linh về anh, về người bố thực của nó....
- Thật ư? Nhưng mà... tại sao lại nhanh vậy?
- Còn nhanh gì nữa. Năm nay nó đã 15 tuổi... Hơn nữa, tôi đã hứa với anh dạo trước....
Giọng tôi bỗng trở nên mềm hẳn lại:
- Cảm ơn chị....
- Thực ra, nếu nó chưa hỏi thì có lẽ tôi cũng chưa nói....
- Cái gì? Nó hỏi à?
- Nó biết từ trước rồi. Cái hôm anh đến thăm, nó cũng biết rồi đấy. Thì ra mẹ Lương nó đã kể với nó từ hồi cải cách ruộng đất kia....
Tôi sững sốt đứng như bị trời trồng. Vừa giận Lương, vừa thương con, vừa tự thấy xấu hổ cho bản thân mình. Trời ơi, con tôi, bản lĩnh nào đã giúp con chịu đựng được tất cả những chuyện tày đình như vậy từ khi sáu tuổi đến giờ? Còn cái lũ người lớn chúng tôi có quyền gì mà cư xử với con cái mình như vậy?
*
Tôi cùng tổ tiền trạm vượt sông trở vào chiến trường trong một tâm trạng có thể nói là ngổn ngang trăm mối. Nhiệm vụ trước mắt vô cùng khó khăn. Cả vùng chiến địa bắc đường Chín, lính Mỹ, lính ta cài răng lược nhau dày đặc. Sau khi các sư đoàn chủ lực kéo quân vào, thì tất cả các lối mòn giao liên thường đi lại trước đây, bom rải thảm đã băm vằm cày xới trống hơ trống hoác ra hết. Bản thân tôi tuy mang tiếng là cán bộ địa phương trong đó, nhưng thực chất tôi biết rất ít địa hình, chỉ đơn độc một lối đi từ bến đò Hói Cụ vào Giang Phao, ngược lên Khe Me, Khe Mướp, vào Cù Đinh, Ba De rồi áp về miệt rừng bên này sông Hiếu. Nhưng nhiệm vụ lần này là phải tìm lối đi khác, chếch lên phía tây, làm sao đưa được cả đội hình một trung đoàn vượt đường Chín về vùng "một trăm đất - một trăm đá".... Cả nhóm tiền trạm chỉ trông cậy vào tôi. Còn tôi, với nhiệm vụ này thì cũng chẳng khác chi anh lính mới....
Gánh nặng của đoạn đường phía trước thì đang chồng chất như thế. Nhưng mà sau lưng đâu có thanh thản gì. Từ hôm chia tay với Li., tôi hầu như không sao nuốt nổi bát cơm vào bụng. Tôi cố hình dung ra hình dáng của Đọt đang lê chiếc chân què ở một trại giam nào đó. Đau đớn thể xác có thể anh sẽ chịu đựng được. Nhưng sự tổn thương khủng khiếp về tinh thần, liệu Đọt có vượt qua nổi không? Giả sử là tôi, tôi sẽ thế nào? Thương đồng chí quá, Đọt ơi, nhưng tôi biết làm gì bây giờ? Có ai giúp anh ấy những lúc này? May ra chỉ có Li. Nhưng tôi vẫn rất hoang mang. Có phải Li đã bắt đầu quan tâm đến người chồng cũ ấy không? Về lý thuyết thì thật khó mà tin vào điều đó. Nhưng sao cô ấy lại có vẻ khẩn trương như vậy, lại có vẻ căng thẳng, dữ dội như vậy? Cái gì thúc đẩy Li?... Chao ôi là đàn bà, thật đúng như người xưa vẫn nói: Sông sâu bể cả dễ dò....
Chúng tôi vượt Hói Cụ lúc nhá nhem tối. Mùa này nước hơi đầy. Dân quân thôn Dục Đức đưa đò chở chúng tôi qua. Bến cũ, sông xưa, nhưng tôi không gặp được một dáng hình nào thủa trước. Các cháu thanh niên Dục Đức bây giờ nhanh nhẹn, tươi tắn và rất đỗi vô tư. Đụng cái là cười. Bom đạn hay giới tuyến chẳng có chút ý nghĩa gì với họ. Mái chèo khua rào rào, tiếng cười cứ giòn tai. Tâm trạng tôi nhờ vậy mà cũng vợi khuây đôi chút.
Qua bên kia sông, một cháu giao liên dẫn chúng tôi ngược sông lên phía Bến tắt. Gần sáng, cả nhóm vào được một bản dân tộc Vân Kiều. Đến đó, chúng tôi phải tự liên hệ với dân để tìm lối đi tiếp.
Tôi lệnh cho cả đoàn tản ra tự tìm lấy vị trí mắc võng tranh thủ ngủ. Tôi và cậu công vụ chọn một khóm mít trong mảnh vườn bỏ hoang nằm trên bờ một khe nước nhỏ, mắc hai võng chụm đầu vào với nhau.
- Cậu phải ngủ ngay đi, rõ chưa?
- Rõ. Còn thủ trưởng?
- Kệ tớ.
Cậu lính trẻ vật mình lên võng, nhoáng một cái là ngáy liền. Cậu ấy tên là Hoạt, dân nói trạng Vĩnh Tú. Cái tên thật hợp với người. Mồm nói liếng thoắng, tay chân hoạt bát, thật sự thích hợp với công việc được giao.
Tôi trở trăn mãi, cố gắng lắm nhưng vẫn không sao ngủ được. Hình ảnh Đọt cứ lởn vởn hiện lên cùng với bao nỗi day dứt của tôi. Cuối cùng, tôi ngồi dậy, lật cuốn sổ ghi chép xé một trang giấy. Tôi quyết định viết một lá thư cho Li....
Các đồng chí theo duy vật, có khi nào tin vào sự linh cảm của mình không? Với tôi, bây giờ đã trở thành người âm đương nhiên là tin, nhưng cái buổi sáng hôm ấy tôi không ý thức được việc mình làm. Tôi không hiểu cái gì đã xui khiến viết lá thư ấy, một lá thư tuy kể về Đọt, tôi muốn nói tất cả để cho Li tin tưởng vào con người anh ấy, để có thể làm được việc gì đó cứu giúp anh ấy, và xa hơn nữa, tôi mong mỏi cho tình yêu của họ được hồi sinh trở lại; nhưng thực chất, đó là những lời sám hối của bản thân tôi, tự mình xưng tội, vạch trần bản chất hèn kém, nhu nhược của mình. Giá như tôi khá hơn, kiên quyết hơn, dám đánh đổi sinh mạng chính trị của mình cho một số phận đời thường thì có lẽ mọi sự đã không trở nên oan nghiệt với Đọt như thế... Lá thư gần như một lời tuyệt mệnh, hay nói như kiểu dân Trung Quốc ngày xưa là con chim sắp chết thì tiếng kêu thương....
Mà lúc đó tôi đâu có chút ý nghĩ rằng chỉ sau đó ít giờ, tôi sẽ chết. Tôi tuyệt nhiên không linh cảm thấy điều đó. Thế sao lá thư ấy lại đẫm đặc chất di chúc như vậy! Còn nữa, ai xui khiến mà sau khi viết xong, tôi gấp nhỏ lại, rồi vừa khi cậu công vụ tỉnh giấc, tôi đã không chút ngần ngại mà giao cho anh ta với một lời dặn khiến cậu lính trẻ gan góc kia phải rùng mình: "cậu phải thay tôi, chuyển bằng được lá thư này cho đồng chí chủ tịch hội phụ nữ khu vực Vĩnh Linh! "
Tôi không thể nghĩ rằng mình lại chết sớm như vậy, mặc dầu mỗi một thằng lính như chúng tôi trên đường vào trận bao giờ cũng sẵn sàng đón nhận cái chết bất cứ lúc nào! Sẵn sàng là một chuyện. Nhưng sao lại chết vào đêm ấy, chết khi cả tốp tiền trạm vẫn chưa vào tới đích. Với cá nhân tôi, phía trước và phía sau cuộc đời đều còn hết sức dang dở. Một quả mìn định hướng của Mỹ đã quạt thẳng vào tôi. Hình như chỗ đó là Khe Cau, còn cách đường Chín vài giờ đi bộ nữa. Tôi chết nhanh đến mức không kịp kêu lên một tiếng chứ đừng nói đến lời trăn trối, dặn dò. May mà sáng ấy đã kịp viết một lá thư. May hơn nữa là cậu Hoạt công vụ chỉ bị thương nhẹ. Như thế có phải là điềm báo trước không? Các đồng chí hôm nay đã có đủ sự tỉnh táo của thời bình và đầy ắp tri thức khoa học, hãy nói dùm tôi, như vậy có phải là linh cảm đặc biệt của con người không?
Nhưng như thế vẫn chưa hết mọi sự lạ. Cái lúc quả mìn định hướng nổ, tôi không hề giật mình. Hay nói cho chính xác hơn là tôi và cả tốp quân tiền trạm không kịp giật mình. Nhưng ở tận trong căn hầm chữ A ở Vĩnh Linh, Li đã giật bắn mình ngồi dậy. Li hốt hoảng đưa tay đè lên ngực. Trống ngực đập thịch thình. Mồ hôi lấm tấm trên trán. Đương nhiên lúc ấy, Li không hề cảm nhận về cái chết của tôi. Ngược lại, chị bỗng thấy lo lắng vô cùng cho Đọt. Li chồm người chui ra khỏi hầm. Trời đầy sao. Phía xa xa hướng lên miệt rừng trường sơn, những quầng sáng vàng đục của pháo sáng chập chờn ẩn hiện. Nhưng Li không bận tâm lắm về phía đó. Chị ngoái nhìn ra hướng Bắc. Tiếng bom nổ ầm ì, xa hút. Tôi biết rõ, chị đang nghĩ về ai.
*
Sau mấy phút trấn tĩnh, Li bắt đầu vươn tay hít thở không khí trong đêm và đảo mắt nhìn khắp bầu trời. Thực ra đêm nay lại là đêm yên tĩnh nhất so với hàng tháng ròng dầm dề bom pháo. Thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh phá hoại, mặc dầu bom ném thưa hơn, có khi cả buổi mới có một loạt, nhưng người dân ở vùng này cứ thấp thỏm không sao ngủ được. Đôi lúc mệt mỏi quá, thiếp đi, chỉ được một tí lại tự choàng tỉnh lại. Choàng dậy không hề vì tiếng bom mà vì chính sự lo lắng đề phòng ở trong lòng. Nhưng rồi chiến tranh kéo dài, ngày này qua ngày khác, tháng này sang tháng nọ, bom nổ vô hồi kỳ trận, máy bay cứ ầm ĩ chỗ nọ, gầm xé chỗ kia, thảm hoạ nhiều quá rồi cũng sinh nhàm, mệt mỏi đến mức liều mạng. Thế là ngủ. Đặt mình xuống là ngủ. Bom nổ gần, đất rơi lạc rạc xuống đầy mặt, vẫn ngủ. Đôi khi khói bom tràn vô cửa hầm nồng nặc khét lẹt, người ngủ vừa ngáy vừa ho sằng sặc, mơ màng lấy tay quạt quạt lên mặt như xua muỗi, mồm lầu bầu chưởi tục, rồi lại ngủ tiếp. Trừ khi có nhiệm vụ được gọi dậy là mặt tỉnh khô, lao ra đường, í ới gọi nhau, lại còn cười hô hố như chưa hề ngủ bao giờ.
Cái gì rồi cũng có thể quen. Nhưng nỗi cô đơn, quạnh hiu đến mức cô độc như Li, liệu có quen dần được không?
Cả Linh và Đình đều sơ tán, đứa thì ra Tân Kỳ, đứa ra tận Nam Hà để học tiếp chương trình cấp hai, cấp ba. Chúng nó đi mà không hề có chút bịn rịn. Cái chiều tiễn các cháu tập kết tại đồi cát Đông Trường để lên xe, con Linh có ngồi thừ ra một lúc, quầng mắt hơi đỏ lên. Năm nay nó đã mười lăm tuổi. Con gái tuổi ấy biết nghĩ nhiều rồi. Nhưng nó vẫn không chịu khóc. Chẳng đứa bạn nào của nó khóc cả. Còn thằng Đình thì quá quắt hơn. Nó chạy ù theo mấy thằng bạn con trai, xô đẩy nhau hét hò ầm ĩ. Nó tuyệt nhiên không có chút ý thức về sự chia ly, về sự mất còn, nó coi chuyến đi đằng đẵng này cũng như một cuộc nghỉ hè đi cắm trại...
Bọn trẻ nô đùa gần một tiếng đồng hồ thì được tin báo, đoạn đường ở cầu chợ Mai đã bị tắc, xe không thể qua được đành phải hoãn lại một ngày. Tất cả ỉu xìu. Thằng Đình ngồi xoài ra giữa cồn đất pha cát không chịu về, con Linh phải đến vít đầu nó vào ngực mình, xoa xoa dỗ dành. Nó cứ phụng phịu không chịu. Điên tiết, Li bước đến:
- Mày có chịu về không thằng điên kia...
- Không... con không chịu...
- Mày... Li túm lấy tay con dặc mạnh. Thằng Đình giật tay ra. Không kìm nổi cơn bực tức, Li vung bàn tay định tát vào má nó. Nhưng Linh đã chặn tay mẹ lại, mắt nó quắc lên:
- Mẹ làm cái gì thế?
- Cả mày nữa...
- Con thì làm sao?
- Mày… mày giỏi nhỉ?... Mày có còn chút tình cảm mẹ con gì nữa đâu.
- Mẹ vô lý không thể chịu được...
Nói rồi, Linh quay lại dìu Đình đứng dậy, dỗ dành:
- Về đi em... nghe lời chị nào... Em cứ bướng bỉnh thế này, không chết vì bom thì cũng còm xương vì bị đánh đấy.
Câu nói độc địa của Linh như nhát dao đâm thẳng vào ngực Li. Chị đứng câm lặng trên bãi đất pha cát. Thằng Đình đã theo chân Linh chạy đi. Mọi người đã về hết. Nhưng Li thì không sao nhổ người lên được. Có cái gì đó như sóng xao cứ va đập trong đầu: cái gì đang xẩy ra thế này?
Li cũng đã tự nhận ra sự vô lý của mình, một sự cáu giận thật bột phát, vừa không hợp cảnh lại chẳng hợp tình. Đêm nay là một đêm chia tay trọng đại, sự ra đi của đoàn con trẻ này thật sự da diết, thật sự nao lòng. Chúng nó, những đứa trẻ thơ ngây ấy không những sẽ phải đương đầu với một dặm đường dài đầy hiểm hoạ, mà từ nay, những cánh chim non nớt phải tự đập, tự bay lấy ở một phương trời xa lắc, không thể nào có bàn tay mẹ đỡ nâng. Chúng nó không hề ý thức được điều đó, nên cứ vui, cứ thích. Còn mình, mình đã biết rất rõ như vậy, tại sao lại cáu giận... Mà nào đã phải có chuyện gì to tát đâu!
Li cố nhổ người, bước chậm vài bước rồi đến tựa lưng vào một gốc phi lao. Chị khẽ nhắm mắt lại, cố chắp nối tất cả những gì đã cảm nhận được về những đứa con của chị trong gần một năm qua...
Đúng là không phải chỉ vì vài chi tiết đêm nay mà chị đã nổi cáu với con. Đã gần một năm rồi, Li luôn luôn linh cảm thấy có cái gì đó bất ổn trong cách cư xử của Linh. Thoạt đầu là những cái nhìn khang khác. Rồi bất ngờ, chị nhận ra cái kiểu cười khẽ nhếch mép của nó...Trời ơi, nó học kiểu cười ấy từ bao giờ, nó được di truyền từ ai, Lương hay chị? Mới bước vào tuổi mười lăm, nhưng tính tình nó có vẻ đã thay đổi, thay đổi so với chính nó và cũng khác hẳn với bạn bè. Li chỉ có thể nghe trộm được tiếng cười sảng khoái của nó với đám bạn bè, hoặc với thằng Đình mỗi lần hai chị em chọc phá nhau phía hầm hội trường, hoặc với đám dân quân trẻ trực gác ban đêm. Còn ở trong nhà, thật hiếm hoi nghe được một lời nhẹ nhàng của nó... Lúc đầu Li đã muốn chộp hỏi ngay, nhưng chị sợ. Li luôn luôn cảm thấy sợ hãi. Chị cố nhẫn nại, cố tin rằng đây chỉ là sự thay đổi tâm sinh lý của tuổi dậy thì, rồi mọi chuyện sẽ khác đi. Với kinh nghiệm lãnh đạo đoàn thể, Li tự ghìm lòng không để phạm sai lầm, không để cái sẩy nảy cái ung. Thế nên, chị vẫn cố dịu dàng, cố áp mình vào gần con hơn... Nhưng hình như càng như vậy, Linh càng lảng tránh ra xa. Chị cảm thấy rõ ràng mình sắp mất nó. Mà như thế cũng chưa đủ. Hình như còn tệ hại hơn kia. Trong lúc con Linh cố tình lảng tránh chị thì tình cảm của nó với thằng em càng thân thiết hơn. Thằng Đình tỏ ra thích gần chị hơn gần mẹ... Thấy mẹ đằng này đường hào là nó lẩn qua một ngách hào khác. Nhoáng một tý, đã nghe tiếng cười của hai chị em. Li trở nên cô độc. Một ý nghĩ thoảng thốt hiện lên, nó đang cướp đi nguồn sống của chị! Nhưng vì sao?
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #46 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 07:36:14 am »

Có lẽ không thể kiên nhẫn chờ đợi thêm được nữa. Li quyết định phải làm rõ câu trả lời ngay trong đêm nay. Từ ngày mai, họ sẽ không còn bên nhau nữa. Và với cuộc chiến tranh khốc liệt này, ai biết trước được những điều gì có thể xẩy ra…
Li lật đật trở về nhà. Vừa bước vào gian hầm lộ thiên giữa căn nhà, chị thấy ngọn đèn dầu hoả đã được thắp sáng và che bọc xung quanh. Con Linh đã làm việc này. Con bé được cái hết sức chu đáo. Li cầm đèn bước qua soi vào hầm ngủ của mình. Thằng Đình đang nằm quay sấp mặt vào tường đất. Chắc là nó đã ngủ. Chị lại quay qua lối nhà phía kia, soi xuống hầm Linh. Quái thật, nó cũng nằm quay mặt vào vách.
- Linh!... Mẹ cần nói chuyện với con...
Gọi xong là Li quay ra ngay, không cần biết nó có nghe thấy không. Chị đặt chiếc đèn dầu vào đúng vị trí lúc nãy và ngòi xuống. Ngay lập tức, con Linh cũng bước tới, nó nhẹ nhàng bước qua phía bên kia bàn và ngồi xuống. Nó không hề tỏ ra ngạc nhiên. Có vẻ nó đã đoán trước được cuộc đối thoại này...
- Có chuyện gì thế mẹ? Con Linh chủ động hỏi trước. Nó giỏi thật, Li thầm nghĩ, mày muốn tỏ ra bản lĩnh hơn mẹ!
- Có chuyện gì ư? Chính mẹ muốn hỏi con câu đó... Có chuyện gì đối với con thế?
Linh lại khẽ nhếch mép:
- Con a? Con thì có gì?
- Đừng nói dối mẹ... Giọng Li bắt đầu run run. Rõ ràng chị không có bản lĩnh bằng nó - Ngày mai con đi rồi... Mẹ ở lại... Con có khẳng định chắc chắn rằng, rồi mẹ con ta sẽ lại gặp nhau không?... Cho nên, mẹ muốn con nói thật cho mẹ biết, con đang nghĩ gì? Có phải, mẹ có điều gì đó không đúng khiến cho con không còn muốn nương tựa vào mẹ nữa?
Linh lại nhếch mép:
- Mẹ lắm chuyện thật...
- Ai cho phép mày ăn nói với mẹ như thế, mày học được cái kiểu nói đó từ bao giờ thế? Li vừa quát vừa run rẩy cả tay chân. Chị tự nhủ lòng, hãy bình tĩnh lại... Hãy tự trấn tĩnh lòng mình lại, đừng để cái sẩy nảy cái ung... Cũng may Linh chưa kịp phản ứng gì.
- Con có biết, nỗi đau đớn nhất của một người mẹ là gì không? Sớm muộn gì thì con cũng có gia đình, cũng có con... Tới lúc đó, con sẽ nhận ra một điều, không gì nặng nề hơn là khi một người mẹ đã không hiểu nổi con mình đang nghĩ gì...
- Thế còn đối với một đứa con thì sao hả mẹ?
- Đứa con thì sao?
Linh đã bắt đầu ngước lên, nhìn thẳng vào Li. Nó không thay đổi gì lắm về thái độ giọng nói, nhưng ánh mắt thì rất sắc lạnh:
- Con chưa làm mẹ, còn lâu nữa con mới làm mẹ, cho nên con khó mà hiểu được cái điều như mẹ nói. Nhưng mẹ đã làm con rồi mà... Cái gì sẽ xẩy ra với đứa con khi chính nó lại nhận ra rằng, nó không sao hiểu nổi người lớn, nó không hiểu vì sao bố mẹ nó lại đối xử với nó như vậy?
- Bố mẹ đối xử với mày thế nào? Li quát lên như một sự tự vệ chứ không phải là một câu hỏi. Bởi vì ngay lập tức chị đã cảm thấy được cái ngòi nổ bên trong câu chuyện này... Có phải nó đã biết gì rồi chăng?
Giọng Li đã nhỏ lại đến mức, có lẽ nếu không phải Linh thì không còn có ai nghe nổi:
- Linh... Thực ra con đang nói về chuyện gì thế? Mẹ không sao hiểu nổi.
Linh thở dài một tiếng nghe rất già, rồi đứng dậy:
- Thôi, đừng nói chuyện này nữa mẹ ạ. Có phải mẹ không hiểu ý con đâu, chẳng qua cố tỏ ra không hiểu đó thôi... Con đi ngủ đây.
- Khoan đã... Chúng ta không còn thời gian nữa... Mẹ phải hỏi thẳng con cho ra nhẽ đã. Có phải con thấy, mẹ đã không làm tròn bổn phận nuôi con?
Li ngồi xuống. Ánh mắt của cô bỗng nhiên dịu lại:
- Mẹ đừng cả nghĩ thế. Đối với con, mẹ còn trên cả sự tuyệt vời. Nếu mẹ đã nói là.. mẹ con mình sẽ không còn thời gian trò chuyện nữa, thì con cũng xin được nói thật, tự con cũng biết lỗi. Đúng là... thời gian qua... con thấy có lỗi với mẹ. Đôi lúc con rất muốn thay đổi... rất muốn tìm mẹ tâm sự... nhưng không hiểu sao, mỗi lần có ý nghĩ như vậy thì con lại rút lui... con vẫn không sao tự mình bước lên được... con xin lỗi mẹ...
- Nhưng vì sao lại như thế hả con?
- Con cũng không biết nữa. Nhưng dù có xẩy ra chuyện gì, thì con xin thề với mẹ là, suốt đời con đều nặng ơn của mẹ... Không có mẹ thì đời con đã chẳng có được như hôm nay... Con lớn rồi, con tự biết điều đó.
- Này này, khoan đã... Con vừa nói dù có xẩy ra chuyện gì nghĩa là sao?
Linh cúi thấp xuống. Có lẽ đây là lời nói khó khăn nhất của nó:
- Con đã bảo mẹ là đừng nói chuyện này nữa... Con buồn lắm... Thực ra, tất cả mọi chuyện mẹ cố tình dấu con thì con đã biết cả. Con biết khi còn con nít kia, lúc người đàn bà đó sắp vượt tuyến tìm đến con... Cả cái bữa cơm năm kia nữa, người đàn ông ấy đến thăm, có phải do mẹ sắp xếp không? Con đã bảo là không muốn nói ra chuyện này mà...
Linh chạy nhanh vào hầm. Có lẽ nó chực oà ra tiếng khóc. Còn Li thì câm lặng. Đầu chị gục xuống chạm tới mép bàn... Chị chẳng nhận ra một trạng thái tình cảm nào của mình. Hình như tất cả đã đổ vỡ, vỡ một cách giòn tan như vỡ một miếng kính thuỷ tinh. Chị chỉ còn mơ hồ một cảm nhận, làm sao con nít mới chừng ấy tuổi mà ý nghĩ, lời nói lại già đến thế, già hơn cả một người đàn bà từng trải. Có phải vì cuộc sống chiến tranh không? Có phải vì nó là đứa quá thông minh, học giỏi không? Hay chính vì cái khôn ngoan di truyền từ chị, từ Lương, từ tất cả những kẻ dạn dày lớp trước truyền lại?
Li cứ ngồi vậy gần như trọn một đêm. Tất cả cuộc sống này thật sự đã không còn chút ý nghĩa gì đối với chị. Đêm mai chúng nó ra đi. Ngày mai, ngày kia, ngày xa nữa, chị sống thế nào? Dù có giận ngút trời, thì chị cũng không thể quen được ý nghĩ rằng, ngôi nhà từ nay không còn chúng nó, và đau đớn hơn là trong lòng chị cũng sẽ mất dần những đứa con. Tại sao ông trời lại đối xử với mình như thế. Trên đời này, chỉ có những đứa con mới có gan bỏ rời bố mẹ, còn không một người mẹ, ông bố nào lại đủ dũng cảm để dứt tình với con...
Thế mà... Li bỗng thấy choáng váng, thế mà chính mình đã từng ép họ đành đoạn cắt đi tình thâm, nghĩa trọng. Sao mình độc ác thế, ích kỷ thế? Có phải vì thế mà giờ hứng chịu quả báo không?
Bỗng nhiên, Li cảm thấy căm giận. Căm giận thằng Mỹ, căm giận cuộc đời, căm cả Khảm, cả Li, cả Đọt, rồi cuối cùng là giận những đứa con, cả con nuôi, lẫn con đẻ... Ai dạy chúng mày những lý lẽ như thế. Có giỏi thì bay nhảy đi, ừ, khôn lớn lắm rồi mà, giỏi giang lắm rồi mà, phải để cho chúng nó có bài học nhãn tiền, phải tự hiểu ra được cuộc đời sẽ thế nào nếu không còn vòng tay ấm áp của mẹ!
*
Chẳng hiểu giờ này chúng nó đã nhận ra điều thiếu hụt ghê gớm ấy chưa, nhưng Li thì lại vô cùng quay quắt, cô đã thật sự hiểu ra rằng, làm sao con người ta lại sống mỗi khi không còn những người thân...
Người thân? Những ai là người thân của mình nhỉ? Câu hỏi đó bất chợt hiện lên, rồi bất chợt cồn cào. Không phải nó mới hiện ra đêm nay, mà từ sau cái đêm tiễn hai đứa con hun hút đường trường ra phía bắc. Vì vậy mà sau đó, khi đột ngột nghe cậu công an thầm thì kể lại có người tên là Đọt trước phút bị đưa ra trại giam nào đó ngoài kia đã nhắn tin lại cho Li, thì cô bỗng nhiên hoảng hốt. Bỗng nhiên cô nhận ra, mình còn có một người thân nữa... Và thế là Li đi tìm Khảm...
Bây giờ thì mọi sự đã rõ ràng mà chẳng rõ chút nào. Rõ tức là việc Đọt bị bắt, bị đưa đi là có thật. Nhưng không rõ bị đưa đi đâu và vì sao như thế?... Còn thêm một chút không rõ nữa, giờ đây, dưới vòm trời tĩnh lặng hiếm hoi này Li đang tự hỏi lòng, vì lẽ gì mình bỗng nhiên lại lo lắng cho Đọt đến như vậy?...
Với bản lĩnh của một người lãnh đạo nhiều năm, lòng dạ đã chai lì với nhiều sự biến, Li đã rèn luyện cho mình một thói quen không nên tự dằn vật lương tâm quá nhiều, như vậy rất dễ rơi vào tính cách tiểu tư sản không có lợi cho sự quyết đoán. hãy làm ngay cái gì mình thấy cần. Đó là phương châm sống của Li.
Và thế là, chị thấy cần phải thăm con và cần phải tìm ra chỗ của Đọt. Hai mục tiêu này không biết có gần nhau không, nhưng ít nhất là cùng một hướng. Li lên ngay một kế hoạch, sẽ báo cáo với Thường vụ khu ủy, cho hội phụ nữ cử một đoàn ra Tân Kỳ và Nam Hà, trước là thăm nhà trường, thăm các cháu, rồi kết hợp kiểm tra, cho ý kiến chỉ đạo, động viên thầy trò hãy vì quê hương, vì tuyền tuyến mà dạy thật tốt, học thật giỏi. Xong, kế hoạch như vậy là có lý. Chắc chắn Thường vụ sẽ đồng tình và hoan ngênh.
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #47 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 07:36:38 am »

Đúng là Thường vụ rất đồng tình và hoan ngênh về chủ trương. Nhưng từ chủ trương đến triển khai thực hiện thì không suôn sẻ chút nào. Một đoàn toàn phụ nữ, lại vượt con đường bom lửa khu bốn trong những ngày chiến tranh ác liệt như thế này không thể hấp tấp vội vàng được. Hợp đồng, khâu nối mãi mới có được xe, mới chốt lại được danh sách của đoàn đi. Thì mưa bão, lũ dâng cao, đường ngập rất nhiều đoạn. Đặc biệt là ba con phà: Sông Danh, Quán Hàu và Bến Thuỷ đều bị tắc. Đành hoãn lại, chờ đợi....
Li vô cùng sốt ruột đứng ngồi không yên. Không hiểu sao, chị cảm thấy lúc này chỉ cần chậm một ngày, thậm chí một giờ thôi là có thể xẩy ra chuyện. Chuyện gì? Không biết nữa.... Ruột gan lúc nào cũng nôn nao. Có phải là linh cảm không? Là người duy vật, người lãnh đạo có nên tin vào điều đó không? Không nên, không tin, Li cố gồng người lên để tự trấn an như vậy.
Thì chính lúc đó, một chiến sĩ trẻ, quần áo nhàu nát, cánh tay trái vẫn còn bó bột trắng đã tìm đến, thập thò nơi cửa hầm. Li hỏi:
- Đồng chí.... tìm ai?
Cái giọng Vĩnh Tú nặng chịch mà lại hơi lập bập:
- Thưa cô.... có phải cô là.... chủ tịch hội phụ nữ.
- Phải...
- Cô có thư....
Li chồm tới:
- Thư ai? Đưa xem nào....
Người lính trẻ moi ra một mảnh giấy nhầu nát. Li luống cuống gỡ ra. Chị đã nhận ra, nhưng chưa kịp nhếch mép cười thì đã nghe cậu lính mếu máo.
- Thủ trưởng Khảm đã hy sinh rồi chị ạ!
 
Chương 12
Như một mảnh thuyền vỡ, nửa nổi nửa chìm, gió kéo ra, sóng tấp vào, xoay ngang xoay dọc, cuối cùng cũng dạt được vào một bờ bãi, gác mũi nằm đó, lạ hoắc chốn nơi, nhưng mà yên tĩnh. Yên tĩnh đến mức lạ lùng. Đọt đã sống như vậy ở cái khu nhà này ngót nghét hơn ba tháng, ba tháng cuối cùng của năm 1967.
Bốn phía là lèn đá. Những khối hình lừng lững chồng chất, cao ngất ngưỡng đủ các kiểu dáng, nhìn đi ngắm lại mãi vẫn thấy lạ lùng. Khoảng thung lũng nằm gọn ở giữa rộng chừng ba chục héc-ta, vỏn vẹn chỉ có một con đường đất nối với bên ngoài. Bên ngoài là gì, là đâu, Đọt không sao biết được. Cái lúc người ta đưa anh vào đây là ban đêm, trời đất mịt mùng, gió thổi ù ù và sương rơi rất buốt. Anh thấy lá cây xoà xuống quệt vào bạt xe, lại nhận ra tiếng suối đâu đó rào rào. Đọt biết mình được đưa lên vùng rừng. Xuống xe, anh được dẫn vào một phòng nhà xây, có chiếc giường một, một mảnh chiếu, một chiếc màn, một tấm chăn chiên, một ngọn đèn dầu, không có gối. Người chiến sĩ có khuôn mặt dễ ưa nhìn anh với vẻ ái ngại:
- Đi đái thì cứ ra đằng hồi nhà, đừng đái ngay trước cửa mà hôi nghe chú. Còn ỉa thì phải tới đầu kia, nhưng, chú cố gắng đừng ỉa đêm, cọp nó vồ đó...
Nghe cái giọng thực thà đó, Đọt biết không phải cậu ta hù doạ.
- Này... nhưng đây là đâu?
- Là trạm... thu dung.
- Thu dung là cái quái gì?
Cậu ta nhoẻn miệng cười:
- Là để đón loại người như chú đó. Thôi, ngủ đi cha, mai sẽ rõ.
Nói xong, anh ta bước ra, tiện tay khép luôn cửa. Không nghe tiếng lịch kịch bên ngoài, nghĩa là không có khoá, nghĩa là không phải phòng giam. Đọt lẩm bẩm một mình: Thu dung là cái mả mẹ gì nhỉ?
Thôi thì cái gì mặc xác nó. Không nghe tiếng máy bay, tiếng bom nổ, không hề có ánh sáng chập chờn của pháo sáng. Thế là yên hàn rồi. Cái gì thì ngày mai sẽ rõ. Đọt quệt quệt hai chân vào nhau rồi vật người lên giường, quấn chiếc chăn chiên bó chặt từ đầu đến chân. Không đủ ấm. Nhưng mệt quá, anh ngủ say như chết...
Đọt nghe có tiếng gọi. Lơ mơ một chút rồi tỉnh. Đọt nhận ra tiếng con gái. Anh ngồi vọt dậy, xỏ chân vào dép ra mở cửa. Một chiến sĩ gái mặc áo túi chéo đang đứng chực bên ngoài, tay xách chiếc xô nhôm, bên trong bỏ một chiếc bát, một đôi đũa, thêm cái khăn bông nữa...
- Ngủ say thế, gọi mãi...
Đọt cố lấy giọng thân mật.
- O cứ vào chứ tôi có chốt cửa đâu...
Cô gái tròn mắt ra:
- Chết chết... chú ngủ phải nhớ chốt cửa trong, nghe chưa?
- Chẵng lẽ ở đây mà cũng sợ mất trộm à? Mà tôi có của nả gì đâu...
- Cái con người chú ấy. Cọp nó tha cổ đi khi nào không biết đó... Này, những thứ này để cho chú dùng. Giếng nước chỗ kia, nhà ăn đó, thấy chưa. ở đây, năm rưỡi phải tập thể dục. Sáu giờ ăn cơm. Khi nào nghe ba tiếng kẻng là cầm bát về đó...
Nói xong, cô gái đặt chiếc xô xuống đất, lật đật đi nhanh về phía nhà ăn. Đọt định thần nhìn kỹ. Trong màn sương lờ mờ hiện lên bốn dãy nhà. Cái nhà xây gạch phía trước có vẻ tươm tất hơn cả. Đọt đoán ngay là chỗ ở và làm việc của những người có trách nhiệm của khu thu dung này. Cái nhà Đọt đang ngủ chỉ có ba phòng. Hai phòng hai đầu cửa khoá, không có người ở. Còn chếch qua phía trái là một dãy nhà khá dài, có lẽ phải đến mười phòng... Ở đó đang lố nhố có người... Còn kia là nhà ăn, cô gái ấy bảo thế...
Quên hỏi cô ta mấy giờ rồi. Có lẽ đã quá giờ tập thể dục. Nghĩa là sáng đầu tiên này, người ta đã tha cho anh. Đọt khẽ mỉm cười, bỏ bát đũa vào giường rồi xách chiếc xô đi ra giếng. ở đó có ba người đàn ông đang múc nước rửa mặt. Tất cả đều mặc một loại áo quần bà ba màu tro xám. Đọt đảo mắt về phía nhà dài. Có dăm bảy người nữa đều mặc một kiểu quần áo như thế. Đọt bỗng đứng khựng người lại. Anh vốn là kẻ thông minh, rất nhanh nhạy trong việc phán đoán tình hình. Cái kiểu ăn mặc đồng phục này, nếu không phải là bệnh viện thì chỉ có ở trại giam?
- Chào các anh!
Cả ba người đàn ông cùng giật mình, cùng quay lại nhìn anh ngơ ngác. Đọt cố nhoẻn nụ cười thân thiện. Nhưng đáp lại, cả ba gã kia đều vội vã quay đi. Đọt múc nước đổ vào xô, rửa mặt, moi mũi, moi tai rất kỹ. Anh cố làm chậm để suy nghĩ. Nhưng bất ngờ ba tiếng kẻng vang lên. Đọt giật mình. đổ nước, quay vội về phòng lấy bát đũa lật đật chạy đến nhà ăn.
Ở đó, có tất cả mười hai người đứng làm hai hàng quay mặt vào hai chiếc bàn được nối dài liền vào nhau. Trước mặt mỗi người là một bát mì sợi. Đọt thấy mình bị hớ khi cầm theo bát đũa. Anh đang lúng túng chưa biết đứng vào đâu thì cô gái lúc nãy đã bước đến: "Của chú đằng này...". Đọt quay lại. ở góc nhà, có một chiếc bàn vuông. Chỗ đó chỉ có một bát mì. Cũng chẳng có gì khác hơn. Loại mì sợi nấu trong nồi nước có chút mỡ hoá học, rắc lên vài đọt lá hành tăm. Không có thêm thịt thà gì. Dân kháng chiến gọi thứ mì nước này là mì "không người lái". Nhưng ở bàn riêng của Đọt có ưu tiên thêm bát nước chấm trộn ớt tươi.
Rõ ràng mình được đối xử khác. Đọt vừa húp mì vừa nghĩ vậy. Mọi người đều ăn rất nhanh. Tuyệt nhiên không có tiếng thầm thì nào. Rồi tất cả cùng đứng lên, lặng lẽ đi về. Chỉ một lát sau, tốp người ở nhà bên lục tục ra đi. Họ xếp hàng, vai vác cuốc hoặc rựa, vẫn những bộ áo quần màu tro nhạt đó, họ tiến thẳng ra phía vùng đất bằng phẳng gần chân lèn đá. Không ai gọi Đọt. Anh đảo mắt nhìn toàn bộ khung cảnh thung lũng. Mây nặng trĩu trùm lên các đỉnh đèo. Còn giữa thung lũng thì pha mù thành mưa, lá cây mọng nước, gió thổi se se lạnh.
Có lẽ phải chờ đến gần nửa buổi sáng, không gian mới quang đãng hơn, cảnh vật hiện ra đẹp như một bức tranh thuỷ mạc. Tuy nhiên lòng anh vẫn không thấy vui thêm chút nào. Cái câu hỏi mơ hồ trong đầu Đọt cứ lảng vảng không sao xua tan được.
Một thượng sĩ ôm trong tay chiếc xắc-cốt bước vào. Anh ta rút ra một tờ giấy:
- Ông Phạm Đọt! Yêu cầu ông khai vào đây!
- Khai cái gì?
- Đọc vào mẫu thì biết. Mà có biết đọc không?
Hỗn xược! Suýt nữa Đọt buột miệng chưởi. Anh cố ghìm lại:
- Tôi muốn gặp đồng chí chỉ huy.
Người chiến sĩ nheo mắt:
- Cái gì?
- Chỉ huy các anh đâu, điếc hả?
- Này... láo thế hả? Anh ta đã có vẻ điên tiết. Nhưng Đọt còn điên hơn.
- Chính cậu mới là láo đấy. Thứ nhất tôi đáng bậc cha chú của cậu. Có khi nào cậu nói chuyện với cha mình như thế không? Các cậu là thanh niên miền bắc, được nuôi dạy trong nhà trường xã hội chủ nghĩa, thế có biết cái câu tiên học lễ, hậu học văn là thế nào không?
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #48 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 07:37:12 am »

- Này này...
- Này này cái gì. Thứ hai, tao là một huyện uỷ viên, trưởng một ban đảng của huyện uỷ, chí ít cũng ngang cấp với một tiểu đoàn trưởng quân đội. Cậu đã học lễ tiết quân nhân chưa?
Cậu thượng sĩ trìa môi:
- Giỏi nhỉ. Thế ông có biết hiện giờ ông là gì không?
- Không biết. Vì thế tao mới cần gặp chỉ huy các cậu để hỏi cho rõ...
- Này, để tôi nói cho nhé...
- Im ngay! Tao không nghe loại như mày nói. Đừng có trợn mắt lên thế. Mày có biết bọn Mỹ đã trợn mắt lên gấp một trăm lần như thế với tao chưa? Mà mày thì biết cái đếch gì là Mỹ với Nguỵ. Đã biết bắn súng chưa chú mày, khi nào rỗi việc, tao dạy cho. Mày có biết thế nào là một thằng lính ở mặt trận đường Chín- Khe Sanh đã đánh nhau bảy mươi mốt trận lớn nhỏ chưa? Đi ra đi, gọi chỉ huy vào đây!
Đọt nói một thôi một hồi như xả hết nỗi ấm ức trong bụng ra, rồi anh mặc kệ cậu thượng sĩ, vật mình nằm ngửa ra trên giường, hai mắt nhắm lại. Đọt thầm đếm trong đầu: một, hai, ba. Anh chờ một cú đấm vào mặt. Nhưng không thấy. Anh mở mắt nhìn. Người thượng sĩ đã đi ra khỏi sân hướng về nhà chỉ huy.
Một lúc sau, từ trong phòng trực ban, một cán bộ bước ra. Đọt đoán chắc là cán bộ vì anh đã có tuổi, có lẽ trên bốn mươi, mặt gầy, mắt sâu, bước đi chậm. Người ấy không đeo quân hàm, cũng không mặc áo màu vàng. Anh khoác chiếc áo bông bộ đội bốn túi.
- Chào anh Đọt. Tôi là Việt.
- Chào anh Việt, tôi là Đọt...
Người cán bộ bật cười:
- Tất nhiên rồi... Anh bảo gặp tôi phải không?
- Phải.
- Anh cần nói chuyện riêng?
- Không. Tôi cần hỏi. Vì sao tôi lại bị thế này?
Người có tên là Việt hấp háy đôi mắt:
- Anh bị làm sao?
- Còn làm sao nữa. Tại sao tôi lại phải ở tù? Ai xử án tôi thế?
- Ai bảo anh ở tù. Chúng tôi đối xử với anh như một tên tù à?
- Không. Nhưng cũng gần đúng. Mà này, các anh diễn trò với tôi cứ như phỉnh con nít ấy. ở đây là cái gì? Cái đám mặc áo quần đồng bộ màu tro xám kia là gì? Các anh không trói tôi, cửa buồng ngủ cũng không khoá ngoài, có vẻ tôi được tự do nhỉ. Lại còn cho một bàn riêng để ăn mì, cứ như là khách quý ấy. Đọt thở dài một tiếng rõ to rồi nói tiếp - Các đồng chí có biết bọn Mỹ đã giở trò như thế nào với tôi không? Từ Đông Hà vào Phú Bài rồi vô tận Đà Nẵng, nó đánh thì quá hơn đánh con chó, rồi nó lại dỗ như dỗ con. Rồi thằng quận trưởng Cam Lộ nữa, tiếp đón tôi còn hơn tiếp bố nó ấy... Kẻ thù là thế... Ai dè thoát được, về với đồng chí mình, lại được đối xử còn khó chịu hơn cả chúng nó...
Người cán bộ gầy yếu lặng lẽ nhìn Đọt, kiên nhẫn lắng nghe, không to rõ bất kỳ một sự phản ứng nào. Đọt nói xong, nhìn chiếu tướng vào chủ nhà, vẻ thách thức.
- Tóm lại, các anh đang nghĩ tôi là người thế nào, nói toạc móng heo ra đi. ít nhất tôi phải được biết mình hiện tại ra sao để mà tự xác định, nếu không các anh đừng có trách tôi là kẻ không biết điều.
Người cán bộ tên là Việt gật mạnh đầu:
- Thôi được, anh cần biết thì tôi thẳng thắn cho anh biết. Đây là một trạm thu dung chứ không phải trại tù. Nhưng số anh em kia là những người chịu kỷ luật, cũng gần như tù. Trong số đó, tám người là đào ngũ, bỏ trốn nhiệm vụ. Một cậu thì ăn trộm gà của dân, ăn trộm đến sáu lần, vật chất thì không đáng kể nhưng lại tổn hại quá lớn đến danh dự quân đội. Chúng tôi điều tra thì mới biết, anh ta cố tình làm vậy để chịu kỷ luật, khỏi ra mặt trận. Còn ba cậu khác thì can tội đánh lộn nhau, đánh cả phụ nữ nữa, cũng may phát hiện kịp chứ nếu không chúng nó đã dính vào tội hiếp dâm rồi...
- Thế đây... tôi được vinh dự đứng bên cạnh các hảo hán ấy đấy...
- Anh khác. Để tôi đọc nguyên văn điện của trong đó gửi ra cho anh nghe nhé, tôi cũng chẳng có gì phải dấu... Bức điện ấy ghi thế này... Anh Phạm Đọt, nguyên cán bộ chủ chốt của huyện uỷ Cam Lộ, từng được mệnh danh là "gấu xám" đường Chín. Chiến đấu dũng cảm, bị địch bắt, mất liên lạc nhiều tháng, sau đó lại được trả về sống ở gia định. Có nhiều thông tin cho rằng đã chiêu hồi. Sau đó, tự trốn ra. Cần tìm hiểu, xác minh thật chính xác. Cần đối xử tốt, chân tình...
- Hết à?
- Hết.
- Hay quá nhỉ?
- Anh bảo hay cái gì?
- Hay ở câu tìm hiểu, xác minh chính xác ấy... ở đây, ai sẽ xác minh chính xác cho tôi đây?
- Thế đấy, mọi việc đều không dễ dàng chút nào...
Đọt quắc mắt lên:
- Không phải là không dễ dàng mà là không thể được, không bao giờ xác minh được. Chí có tôi với bọn Mỹ, không có bạn tù, không có cơ sở nội gián, vậy thì, các đồng chí tìm hiểu ai? Xác minh chỗ nào?
Việt cũng căng mắt ra:
- Thì thế mới bế tắc. Chẳng lẽ anh bảo cách mạng cứ tin đại vào lời khai rất hùng hồn của anh? Nếu anh là tổ chức anh phải làm thế nào?
- Nếu tôi là tổ chức ư? Thì tôi đếch cần nghe ai khai. Tôi cứ nhìn vào thực tế. Tôi bị bắt giam bốn tháng, lại thả về sống giữa làng xã gần bốn tháng nữa là tám, trong tay tôi có mấy chục cơ sở ở trong các xã, trong đầu tôi có hàng chục khu căn cứ của huyện uỷ, tỉnh uỷ, của bộ đội chủ lực địa phương. Cứ nhìn xem một năm ấy, có cơ sở nào vỡ không? Có cứ nào lộ không? Các người đui cả hay sao, hay cố tình nhắm mắt lại? ...
Giọng nói của Đọt run run, hơi thở sùng sục. Rõ ràng anh đang rất kích động. Việt thầm nhận xét, một kẻ giả mạo khó mà đóng kịch được như vậy. Hơn nữa, cái lý của anh ta thật sự đáng phải suy nghĩ...
Là nói đáng phải suy nghĩ thôi, chứ không thể cắn cứ vào mấy lời nói hừng hực căm tức ấy mà kết luận được. Điều duy nhất mà Việt, người cán bộ lớn tuổi nhất trạm này có thể làm, là dặn dò anh em cán bộ trong trạm phải đối xử tốt hơn với Đọt, nếu có thể chăm sóc được thêm chút gì thì nên chăm sóc. Cũng không cần thiết phải cặn vặn thêm người ta làm gì. Việc cần làm lúc này là tìm mọi cách nối liên lạc được với các tổ chức ở trong chiến trường Quảng Trị để xác minh.
Thế là từ hôm ấy, Phạm Đọt nghiễm nhiên trở thành vị khách quý bất đắc dĩ. Anh sống trong trạng thái nửa chìm nửa nổi ấy đến nay vừa trọn ba tháng cuối cùng của cái năm đại hạn này.
Quá rỗi rãi thời gian nên sinh ra nghĩ ngợi lẫn thẫn. Đọt nhẩm tính một mình. Cái năm 1967 này, một phần ba năm ở tù của Mỹ, một phần ba năm ở tù giữa làng, còn phần ba nữa là ở tù Cộng sản! Cái năm chi lạ thế này... Hai cái đận tù kia đương nhiên là đau đớn hơn, khổ ải hơn, nhưng mọi sự là rõ ràng. Người đời vẫn hay nói, thất thế kiến tha bò. Anh đã thất thế, thì anh cũng hiểu rõ thế thời để tự điều chỉnh. Còn lúc này, tù chẳng ra tù, mà lại tù, nhàn nhã cái thân chừng nào thì lại cực nhục trong lòng chừng đó. Sau cái mắng mỏ không thương tiếc cậu thượng sĩ ấy, chẳng còn ai thèm nói chuyện với anh. Muốn chưởi bới cũng không có người để chưởi. Ba tháng chín chục ngày như vậy chứ có phải một hai buổi gì. Đọt gần như phát điên lên.
Trong toàn bộ khu trạm thu dung này, có một người thỉnh thoảng còn để mắt đến Đọt. Đó là cô gái vừa nấu ăn, vừa phục vụ. Sau nhiều lần chào hỏi, Đọt mới biết tên cô là Dung, người Quảng Bình. Mặc dù Quảng Bình với Quảng Trị là hai tỉnh khác nhau, nhưng nằm trong hoàn cảnh ở đây, cũng có thể tạm coi là đồng hương. Hơn nữa, bố của Dung vốn là sĩ quan Công an vũ trang cũng đã được điều động tăng cường làm cán bộ chính trị ở mặt trận Quảng Trị. Không biết cụ thể ở chỗ nào. Thâm tâm Dung rất muốn lân la hỏi chuyện Đọt. Không ngờ cái duyên cớ trời sắp đặt ấy đã được Đọt khai thác triệt để. Còn có ai giỏi hơn anh trong việc gây dựng, chắp nối cơ sở. Qua Dung, khi vô tình, khi cố ý, Đọt đã biết rõ chỗ này là đất huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Cụ thể hơn chút nữa, ra khỏi thung lũng này là gặp ngay một trục đường vào khu sơ tán của nhân dân Vĩnh Linh. Ở đó, người ta mới dựng lên một trường cấp III. Năm nay là năm học đầu tiên của các cháu.
Trống ngực Đọt đập thịch thình. Một "phương án tác chiến" vụt hiện ra. Nhưng anh vốn là người cực kỳ bản lĩnh, có thể bộp chộp, bốp chát trong tính tình hoặc nói năng, nhưng với các kiều "phương án tác chiến" thì vô cùng kín đáo và thận trọng. Đọt vẫn giả vờ gật gù, giả vờ hỏi tránh qua chuyện khác, không để lộ chút nào về sự quan tâm của mình. Cho đến một ngày, tự cảm thấy chắc ăn. Đọt quyết định đột phá.
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #49 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 07:37:52 am »

Đó là lúc Dung đi thẳng đến phòng ngủ của anh:
- Chú thay áo quần, cháu giặt cho.
- Chết chết, ai lại thế!...
- Là sao?
- O giúp tôi thì tôi biết ơn. Nhưng thủ trưởng sẽ trị tội o đấy...
- Là chú Việt bảo cháu giúp chú.
- Anh Việt? Tại sao anh ấy lại cho giúp nhỉ? Đọt vừa thay áo vừa hỏi. Dung nói - Chú ấy bảo, đúng sai rồi tổ chức sẽ xác minh, nhưng anh ấy là người đã chịu nhiều cực khổ, là loại vào sống ra chết, mình không nên bạc đãi. Nếu sau này xác định có tội thì anh ta sẽ phải chịu tội...
Đọt ném cái áo xuống đất rồi ngồi phịch xuống giường:
- Này, chú hỏi thiệt nghe. Vậy, cháu có tin chú không?
Dung mở tròn hai mắt nhìn Đọt:
- Cháu a? Cháu thì làm sao biết được.
- Chú có bảo cháu biết hay xác minh gì cho chú đâu, chỉ hỏi trong lòng cháu có tin chú không thôi...
Dung trở nên lúng túng:
- Cháu... cháu không biết... Chú thay cả quần dài đi.
Đọt thở hắt một cái, cởi quần dài vứt nốt xuống đất. Trong lúc Dung thu dọn, anh tranh thủ mặc bộ áo quần khác vào. Đây là bộ quần áo mà trạm đã cấp cho anh. Không phải áo quần bà ba màu tro xám mà là một bộ quân phục cũ, vải Tô châu. Khi Dung chuẩn bị bước ra cửa, Đọt gọi giật một tiếng:
- Này... thế anh Việt có cấm o nghe tôi nói chuyện không?
- Đâu có.
- Vậy, tôi muốn nói chuyện với o, o có chịu nghe không?
- Nhưng mà chuyện gì ạ?
- Chuyện chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị...
- Ôi cháu thích lắm... Sắc mặt Dung vừa rạng lên lại xìu xuống - Nhưng mà cháu chỉ nghe cho biết thôi, chứ cháu chẳng giúp gì được chú đâu...
Đọt phì cười: "Chẳng lẽ tôi lại đi nhờ o giúp à?" "Vậy thì chú cần cháu nghe mà làm gì" Đọt ngừng lại, thở dài một tiếng: "O có khi nào sống gần một người câm không? O có biết được nỗi khổ tâm của con người khi không nói được cho đồng loại nghe không? Tôi đang là người như thế đó..." Dung chớp chớp mắt, có lẽ có cái gì đó trong khoé mắt cô đang muốn trào ra. Dung khép vội mắt xuống, cúi đầu, ôm đống áo quần chạy đi...
Chiều hôm đó, sau khi ăn cơm về chừng nửa tiếng, Đọt thấy Dung đi thẳng lên nhà chỉ huy. Cô gặp Việt ngay ở hiên nhà. Họ nói với nhau gì đó khoảng vài ba phút. Sau đó, Việt đánh mắt nhìn qua phòng của Đọt rồi quay lưng vào. Còn Dung thì tung tẩy đi qua. Đọt hiểu, cô ấy đã trực tiếp xin phép cấp trên. Thiệt là tội nghiệp. Nhưng thôi, thế cũng đã may lắm rồi.
Họ cùng ngồi ở hiên nhà trên chiếc ghế băng dài, ngoảnh mặt nhìn ra sân. Đọt có ý chuẩn bị từ trước nên anh kể rất mạch lạc. Câu chuyện vừa chân thực, vừa ly kỳ, từ ngày đầu thơ trẻ ở Cam Tuyền cho đến khi vào rừng theo du kích, rồi cùng người yêu vượt tuyến ra bắc, lại trở vào chiến trường hoạt động. Đọt đặc biệt kể khá chi tiết trận đánh đồi Mù U, nơi gần một trăm chiến sĩ bị bọn Mỹ gom xác lại đốt... Một cô gái trẻ như Dung làm sao mà hình dung được, làm sao mà cầm lòng nổi. Đầu Dung cứ cúi dần, mũi cô nhiều lần sụt sịt... Trời nhá nhem rồi tối hẳn. Đọt đưa cây đèn dầu ra hiên. ánh sáng dầu không đủ soi sáng hai con người. Họ chìm nghỉm vào bóng tối thung lũng. Nhưng câu chuyện chiến trường, chuyện về những thân phận con người thì không hề chìm xuống, nó cứ rì rào tuôn chảy, cứ sôi lên với bao nỗi niềm...
Đọt kể đến đoạn ra bị đưa ra giam ở Vĩnh Linh ba ngày, và phải chờ đến giây phút cuối cùng, biết rằng không còn bấu vào ai được nữa mới nhắn tin cho Li, Dung cáu kỉnh kêu lên:
- Sao chú kỳ thế? Ngốc nữa...
- Đúng... Chú thật là ngốc... Nhưng lúc đó, thật sự chú hơi tự ái...
Dung quệt ngang tay áo lên mặt, có vẻ như lau nước mắt, giọng cô đầy cương quyết.
- Chú yên tâm, cháu sẽ tìm cách nhắn tin cho thím ấy...
Như vậy cờ đã vào thế. Đọt vội xích người lại gần hơn:
- Không cần... Nếu cháu thật sự giúp chú thì... có thể tìm một người ở gần hơn, chú đoán là sát ngay đây thôi.
- Ai thế?
- Con chú. Nó đã lên cấp ba được một năm. Theo như cháu kể, thì chắc chắn nó đang học ở ngôi trường sơ tán ấy...
Dung "à" lên một tiếng rồi gật mạnh đầu: "cháu hiểu!".
*
Có thể nói cuộc đời của anh đã trải qua không biết bao nhiêu phen phải chờ đợi, nhưng có lẽ chưa từng có cuộc chờ nào khiến Đọt thấp thỏm, nôn nao từng giờ như lần này. Kể cả những ngày ở trong ấp Quách Xá chờ tin giải cứu của Khảm cũng không thể so sánh được. Những lần ấy, dù đang ở trong cạm bẫy hiểm nguy, nhưng Đọt biết chắc là vẫn có đồng đội bên cạnh, anh tin một cách sắt đá rằng, từng ngày vẫn có những con mắt rõi theo từng cử động của anh. Hơn nữa, bên cạnh còn có Lương, ai nghĩ gì mặc họ, riêng với anh, Lương vẫn là một đồng chí, một người bạn thuỷ chung và tin cậy. Còn bây giờ, anh cô đơn như một nhành cây khô lạc loài đang bị con suối cuốn ra sông, sông lại đẩy ra cửa biển. Bến bờ ngày một rộng ra, rừng xưa ngày một xa vời, một chút nữa thôi là sẽ chơ vơ giữa biển cả. Đến đó coi như chấm hết. Anh chờ đợi một sự xuất hiện của con gái anh, mà không phải con anh, thậm chí không chắc đã còn nhớ anh, còn có thể nhận ra khuôn mặt anh. Lại chỉ là một đứa trẻ, vừa vô tư, vừa ngại ngùng, lại đang học hành nữa. Đã chắc chi nó quan tâm đến con người như anh, lại là một kẻ đang đầy rắc rối, biết đâu sẽ làm hại đời nó... Đọt vừa hy vọng lại vừa tự đặt ra các giả thiết. Nếu nó là đứa vô tâm thì chắc sẽ chẳng xúc động chút nào trước cảnh ngộ của anh. Nhưng nếu nó là kẻ sâu sắc, nhạy cảm, thì biết đâu lại suy tính, tìm đến anh có lợi hay hại? Cả hai đường đều thật sự tuyệt vọng đối với anh. Nhưng Đọt vẫn thấp thõm chờ đợi, bởi không chờ vào nó còn biết bấu víu vào đâu. Anh như kẻ đã đắm thuyền giữa biển, đã cạn kiệt sức lực và niềm tin, chút ảo giác chập chờn này khác chi cánh buồm trong mơ, Đọt không muốn mở mắt ra vì sợ mất nó...
Đọt cứ nằm thẳng đuỗn trên giường, mặc dù không sao ngủ ngày được. Anh nhắm nghiền mắt lại, cố gắng níu kéo giấc mơ, mà đâu phải là mơ, chẳng qua anh cố tưởng tượng ra cái giấc mơ đó. Cố gắng ghìm lòng không mở mắt ra, mặc dầu anh nghe rõ tiếng những bước chân lép xép, lật đật từ ngoai sân rồi loạc roạc trên thềm nhà. Vẫn không mở mắt. Đọt quá lo sợ mọi thứ sẽ tan biến trong phút giây...
- Cái gì thế này, chú vẫn ngủ được hả trời!
Đọt đã nhận ra tiếng cô Dung. Nhưng anh vẫn không chịu mở mắt. Một cái xô rất mạnh vào mạng sườn:
- Này, dậy mà coi ai đây này! Đọt nghe lạnh cả người. Nhưng anh vẫn cố kiên nhẫn. Anh khẽ động đậy phần mi, cố mở thật từ từ, quay cổ lại từ từ, rồi từ từ mở hẳn đôi mắt. Trời ơi, đây rồi! Thật rồi, Con!
Đọt ngồi vọt dậy, mồm há to, nhưng câm lặng. Còn Linh thì vẫn đứng im, mắt ráo hoảnh vẫn không chớp. Dung lặng lẽ đi ra ngoài...
Cổ họng của Đọt bất ngờ khô khốc lại:
- Con ngồi xuống đi...
Linh không nói gì, lặng lẽ ngồi xuống. Đôi mắt nó vẫn không rời quan sát toàn thân Đọt. Anh gượng cười:
- Không sao đâu con ạ! ... Còn con thế nào, ra đây vẫn học giỏi chứ? Linh gật đầu. - Mẹ con có gửi thư ra không? Nó lắc đầu. - Thời chiến nó khổ thế đấy, mọi thứ đều trắc trở... Nó không hỏi thăm anh. Không biểu hiện một cảm xúc nào cả. Không biết cô Dung đã kể gì với nó chưa? Đọt thử thăm dò:
- Cô Dung bảo con đến đây hả? Cô ấy kể gì với con? ...
Linh lắc nhẹ đầu, rồi nói:
- Cô bảo có bố ở đây.
- Thế thôi à? Linh gật đầu. Đọt thở dài một cái, rồi con người anh trở lại cái bản tính vốn có - Bố muốn nhắn con đến, trước là để thăm con. Sau nữa, bố muốn nói với con một sự thật. Bố thấy cần phải nói vì sợ sau này không còn cơ hội nữa...
Đôi mắt đang mở tròn của Linh chợt khép lại:
- Bố định nói về ba mẹ đẻ của con phải không?
- Sao? Con biết rồi à?
- Bố đừng nói chuyện đó nữa... Con muốn bố kể xem, bố đang gặp chuyện gì? Vì sao bố lại ra nông nỗi này?
Đọt cố vươn người dậy, cố dướn cao:
- Bố có làm sao đâu. Bố vẫn...
- Thôi đi bố. Con đã bước qua tuổi mười sáu rồi, con biết phải làm gì giúp bố! Bố hãy nói đi, con phải làm gì?
Đọt chùng người xuống, giọng anh cũng khẽ lại:
- Thế nghĩa là... cô Dung đã kể cho con nghe rồi?
- Sơ sơ thôi...
- Bây giờ con muốn bố kể lại tỷ mỷ?
Linh quờ tay vén mái tóc ra phía sau, giọng gãy gọn:
- Thôi, để khi khác. Giờ bố hãy bảo việc cần làm.
- Nhưng như thế thì làm sao để con tin bố?
- Con tin. Ai nghĩ thế nào kệ họ. Con tin là được. Bố hãy nói đi, việc đầu tiên con cần phải làm là gì?
- Hãy báo gấp cho mẹ con, là bố nói mẹ Li ấy... Mà, con có tin mẹ Li không?
Linh không nói gì chỉ lặng lẽ gật đầu.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM