Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:31:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những gì tôi thấy ở Việt Nam  (Đọc 39417 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2009, 09:10:13 pm »


PHẦN BA
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
_________________________________________________________________________________________



CHƯƠNG I
HÒA HỢP DÂN TỘC


Ngay từ đầu, giải phóng đã được đón chào với một sự nhất trí cao trong dân chúng.

Đó là điều mà nhiều người được chứng kiến đã xác nhận. Ví dụ như lời kể sau đây của một bác sĩ tâm thần người Bỉ đã sống và làm việc lâu năm tại Sài Gòn. Theo ông kể thì từ trước ngày giải phóng, một không khí nặng nề đầy rẫy những ngờ vực bao trùm nơi bệnh viện ông làm, ở những con người ông gặp, ông tiếp xúc. Không một ai dám bộc lộ tâm tư tình cảm của mình, cũng như không dám tâm sự với ai, sợ nhỡ chẳng may người “bạn” ấy lại là một tên chỉ điểm đi tố cáo. Thế rồi đột ngột cái ngày 30 tháng Tư: “... Trước khi Quân giải phóng tiến vào thì giải phóng đã có mặt. ChỈ vừa mới được tin những người Mỹ cuối cùng và những kẻ chạy theo họ đã cuốn gói ra đi thì lập tức bầu không khí nặng nề nghi kỵ đã hầu như tan biến, các đồng sự của tôi bắt đầu chuyện trò sôi nổi và bắt tay vào may cờ...”. Ở nơi ông ở, một quận trung tâm nội thành, trong khi đâu đó ngoài xa còn thỉnh thoảng vang lên những tiếng nổ của rốc két, người dân đã đổ ra ngoài đường và gọi nhau ì ới... Sự căng thẳng hoàn toàn biến mất.

Thậm chí nếu trong chuyện trò đôi lúc còn đượm những lo âu toan tính về tương lai thì không khí chung vẫn toát lên một niềm vui, một sự thư giãn thoải mái, nó tựa như một sự bùng nổ: trong cái thành phố mà nỗi lo âu cứ tích tụ dần đến cực điểm trong những ngày cuối cùng của chế độ cũ, thì bất thình lình đó là sự giải thoát. Bởi chẳng có gì đã diễn ra như những lời hù dọa của Washington và chính quyền cũ. Những người Sài Gòn, hết sức ngạc nhiên khi họ khám phá ra thế nào là “anh Bộ đội” của Quân đội nhân dân: kỷ luật, nhưng rụt rè bẽn lẽn, các anh trong dáng dấp cũng như trong bộ quân phục giản dị, chẳng có gì giống với những tên lính của quân đội Sài Gòn cũ với bộ dạng “yêng hùng” ngổ ngáo và bộ quần áo bó chặt người của bọn chúng.

Với đại đa số dân chúng, quân giải phóng về có nghĩa trước hết là chiến tranh đã chấm dứt và điều đó với họ mới là cái chủ yếu. Còn những “vấn đề”, những câu hỏi, điều đó sẽ đến sau.

Ở Tân cảng nằm trong một phường vào loại tồi tàn của Gia Định, một tỉnh liền sát Sài Gòn, tôi đã gặp hai người lính của quân đội Sài Gòn cũ. Cả hai đều còn trẻ, một người làm kỹ thuật viên trong bộ đội không quân, còn người kia làm nhân viên tác nghiệp ra đa trong bộ đội hải quân. Họ chọn hai quân chủng này để tránh khỏi phải vào bộ binh, một nơi đồng nghĩa với việc phải ra trận và chết chóc. “Tôi cảm thấy dễ chịu hơn trước”, người thứ nhất trả lời tôi, “bởi trước hết là không còn chiến tranh nữa, và tôi không còn phải sợ những hậu quả có thể xảy ra”. Nhưng anh ta cũng rất lo lắng cho tương lai, nhất là công ăn việc làm. Trước đây mỗi tháng anh kiếm được 21.000 đồng tạm đủ để nuôi người bố thất nghiệp và hai em trai.

Còn người thứ hai thì anh ta nghĩ “hạnh phúc hiện thời của anh là không phải mang bộ áo lính nữa”. Nhưng đối với giải phóng, anh cảm thấy nó cũng chẳng có nghĩa gì lắm, bởi trước sau “có bao giờ người ta được độc lập đâu” và anh tỏ ra bi quan đối với tương lai.

Tại khách sạn “Caravelle”, khách sạn sang nhất Sài Gòn - thuộc về Tòa giám mục - quang cảnh không có gì thay đổi. Nhưng ở chỗ những “vị” tai to mặt lớn, những tay nhà giàu cỡ bự và các sĩ quan Mỹ ngày trước, thì bây giờ là những người ở bưng biền về, khách mời của Chính phủ cách mạng, họ đang nâng cốc mừng lễ hội Chiến thắng ngày 15 tháng Năm. Người bồi bàn không giấu nổi niềm tâm sự với tôi:

“Chiến tranh kết thúc quả là tốt... trước đây tôi tháng tháng kiếm được ba chục ngàn, gia đình tôi có mười hai người. Từ khi người Mỹ tới, cuộc sống thật không sao chịu nổi: cái gì cũng đắt, đắt khủng khiếp. Vợ và hai con gái lớn của tôi phải làm để kiếm phụ thêm. Khi ốm đau, thuốc men quá đắt thì đành phải nhờ trời mà chịu vậy. Ngày nào tôi cũng đi làm, làm suốt năm suốt tháng thế mà vẫn không đủ sống. Thêm nữa lại còn phải đóng thuế. Tôi muốn các con tôi được đi học và tôi đã phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để làm được việc đó. Và khi mười tám tuổi, chúng buộc phải vào lính vì chẳng còn cách nào khác, bởi nếu không thì chúng sẽ bị bắt. Lúc này chưa biết mai kia sẽ tốt, xấu ra sao, nhưng tiền thì giờ tôi bất cần miễn sao gia đình tôi có đủ cái ăn, các con tôi được học hành và ốm đau được chăm sóc tử tế: đối với tôi thế đã là quá đủ…”

Những lời nói ấy biểu hiện một hiện tượng lạ lùng, tuy diễn ra ngắn ngủi thật đấy nhưng đúng là nó đã xảy ra trong những ngày đầu giải phóng: đó là sự thay đổi đột ngột trong những quan hệ với đồng tiền. Ở cái thành phố mà người ta luôn luôn tôn thờ “con bê vàng” này, chỉ trong một buổi sáng, người dân như được sống trong một ân sủng: chưa có đâu như ở đây, ngay cả ở Hà Nội, đồng đôla lại mất giá đến thế: ngày 29 tháng 4, nó chỉ được đổi với giá 6000-7000 đồng, thế mà các nhà buôn còn do dự khi phải bỏ ra 4000 đồng để đổi lấy nó. Đối với nhiều người, cách mạng hiện ra một chiếc đũa thần: nó chỉ cần hô một cái thế là mọi khó khăn đều biến mất!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2009, 09:16:29 pm »


Một trong những biểu hiện của sự nhất trí rộng rãi mà những người giải phóng gặp được, đó là ngay ngày hôm sau, đông đảo thanh niên đã tham gia vào những hoạt động giữ gìn trật tự và ổn định đời sống bình thường. Trên tất cả các thành phố, thị trấn dọc đường số 1, thanh niên, tự vệ đứng ra bảo đảm an ninh, hàng ngàn thanh niên ở Huế, Đà Nẵng tham gia các hoạt động cứu trợ công cộng và ngay cả ở Sài Gòn cũng thế. Hạt nhân của họ là các sinh viên Văn khoa... Đó đúng là một hiện tượng có tính chất đông đảo, hàng loạt, mà người ta không thể giải thích nổi nếu như gán cho nó một thứ cơ hội chủ nghĩa để tự cứu. Vậy chế độ cũ thực tế đã tặng cho tầng lớp thanh niên những gì? Họ đã sống trong những cơ cấu xã hội bị đảo lộn, trưởng thành lên ngoài khuôn khổ truyền thống, cắt đứt với mọi giá trị tinh thần của xã hội Việt Nam, và cắt đứt ngay cả với khuôn khổ gia đình họ.

Nhà văn Vũ Anh, tổng thư ký Hội các nghệ sĩ yêu nước, đã mô tả những thay đổi của một gia đình trong phường ông như sau: năm 1965, giống như nhiều gia đình Việt Nam khác, người bố trong gia đình làm việc trong một gara ôtô, người mẹ có một sạp bán vải ngoài chợ; họ đều là những người lao động trung thực. Họ có ba trai và ba gái được giáo dục tử tế. Ít lâu sau khi người Mỹ tới, cô gái út đi làm điếm và cô ta đã lôi kéo theo hai người chị, cả hai đều đã có chồng: họ thuê một căn nhà để “làm ăn” với lính Mỹ, mua những hàng miễn thuế của tụi này cho chồng con, anh em. Thế là cả gia đình sống trong cảnh nhàn rỗi. Sau 1972 người Mỹ ra đi, gia đình họ chẳng còn nguồn lợi gì để sinh sống: một cô chị đi buôn lậu ma túy phải vào tù, còn cô kia sống như vợ chồng với một tay nhà buôn già vào loại khá giả...

Tất cả đám con cái nhà này đã tiêm nhiễm những thói quen khó bỏ, thế mà công ăn việc làm lại không có...

“Những gia đình ấy, Vũ Anh kết luận, đã tan vỡ. Cho đến trước khi người Mỹ ra đi họ còn có thể lấy đôla để che đậy những thối nát của nó còn bây giờ, cách duy nhất để hàn gắn lại gia đình, để lấy lại nếp sống gia giáo và khôi phục lại phẩm cách, thì điều đó lại còn tuỳ thuộc vào điều kiện là phải có một đời sống vừa phải và một nguồn thu nhập tối thiểu. Nhưng qua những gì thấy được ở phường này thì có lẽ sự tan rã đó vẫn tiếp tục”.

Trong việc “Tây hoá” cách sống của họ, một cách sống đối với họ mới chỉ giới hạn trong sự nông cạn, hời hợt trên những khía cạnh bề nổi, có phải là ở đó, tuổi trẻ ấy mới tìm thấy những “giá trị thay thế”. Số người nghiện ở Nam Việt Nam sau đây có lẽ sẽ minh chứng nhiều hơn cho sự thiếu hụt “sâu sắc của họ đối với trình độ “Tây hoá”.

Theo thống kê của cảnh sát Sài Gòn thì số con nghiện ấy là 130.000 người, trong đó có từ 30.000 đến 50.000 người là đệ tử của hêrôin. “Năm 1970, 2% học sinh sinh viên nghiện ma túy. Những năm 1971-1972, con số ấy lên tới 30%, sáu tháng cuối năm 1972 là 48 đến 50%, và sáu tháng đầu năn 1973 là 70%”, báo Đại dân tộc số ra ngày 16-6-1973 đã tiết lộ như thế. Thật vậy, đó là một lớp tuổi trẻ đang bị rối loạn sâu sắc. Mọi mối liên hệ về văn hóa bị cắt đứt, tuổi trẻ ấy vật vờ trôi nổi trong một thế giới bệnh hoạn mà tất cả mọi viễn cảnh ở phía trước nó chỉ là “vào lính” từ mười bảy tuổi trở đi.

Còn về những vật dụng tiêu thụ hiện nay, tôi hỏi vấn đề này với một sinh viên khoa văn. Sáu tháng trước đây, anh tham gia một mạng lưới kháng chiến; anh có sợ khi không còn được hưởng thụ những gì của “nền văn minh Honđa”? “Những thứ ấy, anh trả lời tôi, không phải là cốt yếu lắm. Và như ông biết đấy, rađiô làm ở Cộng hòa dân chủ Đức chất lượng rất tốt. Còn étxăng thì có thể của Liên Xô, và xe máy, của Tiệp”. Khi tôi nhắc lại với một thanh niên Sài Gòn câu trả lời đó thì mới đầu anh ta phá lên cười: “Chúng tôi khó thích nghi lắm”, nhưng rồi sau anh ta nghiêm trang nói: “Khi chúng tôi trông thấy những anh bộ đội mặc quân phục xanh bé nhỏ, hết sức chững chạc, liêm khiết, chúng tôi tự nhủ là mình cũng có thể thấy lại niềm tự hào là người Việt Nam và chúng tôi sẽ tu tỉnh lại”.

Đối với phần lớn những thanh niên ấy, cách mạng tới như mở trước mắt họ một chân trời mới; vả lại họ đâu phải là một “vùng đất” chưa được khai phá: số 20.000 sinh viên văn khoa Sài Gòn trước đây đã từng có những cuộc đấu tranh sôi nổi chống lại chính quyền cũ đôi khi có quy mô rất lớn. Tôi đã có dịp được dự một cuộc họp của “Ủy ban cách mạng thanh niên Hai Bà Trưng”, quận trung tâm của Sài Gòn: hạt nhân của Uỷ ban là một mạng lưới thanh niên hoạt động bí mật; trước ngày giải phóng, những thanh niên này với hai mươi người đã chờ đợi trong một gian phòng từ hai tuần trước cái ngày trọng đại ấy… Và sáng hôm sau, người của họ đã lên tới hàng nghìn.

Tối hôm ấy, khoảng năm chục thanh niên nam nữ đã hội họp để điểm lại tình hình theo nhiệm vụ chủ yếu của họ là Hội cứu tế xã hội trong một quận có 300.000 dân. Nhất là trong buổi sáng hôm ấy, họ đã phát gạo cho những gia đình nghèo nhất với tiêu chuẩn mỗi đầu người một kilô. Nhiều thanh niên đã tới xin gia nhập hội; họ viết vào giấy lý do tại sao xin gia nhập và giấy được chuyển tới bàn của Minh, người phụ trách. Minh phân tích nội dung và tất cả cùng thảo luận. Phần lớn những thanh niên có mặt là học sinh trung học hoặc sinh viên, nhưng cũng có cả những thợ máy, thợ dệt... và họ đang thất nghiệp: nhiều người biểu lộ sự rối loạn hoang mang trước đây của họ: “Mục đích cuộc đời tôi có thể là cái gì?”, một người trong họ nêu câu hỏi. Họ kể lại cú sốc gây ra khi phát hiện thấy những nỗi thống khổ, bần cùng xung quanh họ và từ đó họ bước vào đấu tranh. Cuộc thảo luận hơi bị mắc kẹt vào chủ nghĩa hình thức, phát biểu theo kiểu kêu gọi chung chung: “Chúng ta cần phải có ý thức hơn nữa, làm việc tốt hơn và nỗ lực nhiều hơn để phục vụ nhân dân”. Một người đã đứng lên can thiệp: “Các đồng chí, cuộc họp yêu cầu chúng ta nói lên những cảm nghĩ chân thực của mình, chúng ta cần phát biểu một cách thẳng thắn, trung thực tất cả những gì ta nghĩ, cho dù nó có trái với đường lối bây giờ”. Một tay vô trách nhiệm chăng? Không người ấy là một người đã từng hoạt động từ sáu năm nay trong một mạng lưới cách mạng bí mật. Minh đứng dậy phát triển ý vừa nói và cuối cùng anh bổ sung thêm: thanh niên chúng ta cần phải chờ đón những khó khăn hơn nữa, bởi: “Những khó khăn ấy là bình thường, chúng là kết quả của chế độ cũ.”
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2009, 09:17:07 pm »


Minh, hai mươi lăm tuổi, nhưng nom anh rất trẻ, đoán già đi nữa thì người ta cũng chỉ có thể bảo mười sáu là cùng. Anh chẳng có vẻ gì đặc biệt: Một học sinh trung học ngoan ngoãn, chịu khó, người manh mảnh và bẽn lẽn kiểu một anh con trai mới lớn. Anh chứng tỏ giữa thế hệ anh và lớp cha anh của anh không có một cái hố ngăn cách: cha anh làm ruộng ở một vùng gần Cần Thơ trong châu thổ Cửu Long và đã từng tham gia cuộc “kháng chiến chín năm”. Trong chống Mỹ, ông cùng gia đình về ở thành phố Cần Thơ và trở thành một người thợ trong một xưởng làm nước đá.

Quả là rất khó khăn khi yêu cầu Minh kể lại chuyện của anh, nhưng cuối cùng anh đã kể, song với một giọng khô khan như trong một báo cáo của cảnh sát. Một cuộc đời khá lạ lùng: năm 1968, mười tám tuổi anh tham gia kháng chiến và hoạt động bí mật ở Cần Thơ trong một tổ biệt động chuyên trừ khử những tên chỉ điểm. Tháng Ba năm 1968, anh bị bắt. Bị tra khảo liền trong một tháng, anh không hề hé răng, cuối cùng địch phải thả.

Anh được điều về Sài Gòn, có nhiệm vụ hoạt động trong sinh viên. Năm 1970, anh được gọi về cứ học chính trị trong một năm. Anh lại quay về Sài Gòn, trở thành một lãnh đạo chủ chốt của phong trào sinh viên, đặc biệt trong cuộc đấu tranh của sinh viên văn khoa chống bầu cử gian lận của Thiệu năm 1971.

Đầu năm 1971, do bị địch đàn áp mạnh, anh lại trở lại chiến khu, tham gia các trận đánh lớn năm 1972 với cương vị chính trị viên đại đội. Sau Hiệp định Paris, anh được lệnh quay về Sài Gòn với căn cước giả và tiếp tục hoạt động bí mật trong thành phố.

Năm 1974, anh lại được gọi về cứ học thêm một lớp chính trị trong bảy tháng. Tiếp đó quay về Sài Gòn sáu tháng trước khi giải phóng; lãnh đạo phong trào thanh niên. Lần này, giấy tờ không có, anh chỉ có thể đi lại trong thành phố ban đêm. Đầu tháng Tư, anh nhận được lệnh chuẩn bị cho cuộc nổi dậy của quần chúng ở Phú Nhuận, một quận lớn của Sài Gòn đông tới 500.000 dân. Anh tổ chức đội hoạt động bí mật: anh chỉ tập họp được hai mươi chiến sĩ, bởi từ năm 1968, địch đánh phá cơ sở cách mạng rất ác liệt.

Ngày 30 tháng Tư, dẫn đầu đội, anh chiếm trụ sở chính quyền quận, đồn cảnh sát... Quân đội Sài Gòn xin hàng khắp nơi; anh tổ chức một cuộc biểu tình trên đường phố thu hút vài trăm người tham gia...

Tất cả như thế đấy, Minh kể lại không một chút khoe khoang, cứ như thể anh khai lý lịch, như kể lại một câu chuyện bình thường. Anh đã quên không nói là năm 1970 anh đã nhiều lần bị địch bắt.

- Anh là đảng viên cộng sản, phải không anh Minh?

- Dạ...

Đối với nhiều người, giải phóng đã như một sự giải thoát theo nghĩa hồi sinh. Nhiều cảnh tượng kỳ lạ đã diễn ra...

Tân Cảng, một phường của Gia Định, một trong những nơi nổi tiếng xấu nhất trong cái “chính quốc” rộng lớn gồm Chợ Lớn, Sài Gòn và Gia Định. Được thành lập xung quanh một căn cứ Mỹ, Tân Cảng đã sống nhờ cái căn cứ ấy: ăn trộm hàng ở những “P’X”, những kho hậu cần của quân đội Mỹ, làm điếm... Đó là một phường của những người đi lánh nạn hoặc những kẻ trốn lánh, những tên mất gốc đủ loại mà phép màu thành thị xuất hiện hơn là thực tế nó có. Nhà giàu thì xây nhà ngoài mặt phố, còn khi đi vào những ngõ, những con hẻm, thì người ta có cảm tưởng như dấn sâu vào một mê cung của những trò kỳ lạ... Sau khi người Mỹ ra đi, những tệ nạn không hề giảm, trái lại nó càng trầm trọng hơn: trộm cắp, giết người, cướp của, đĩ điếm, người ta xa lánh nhau, nghi kỵ lẫn nhau.

Cha linh hồn thực sự của người nghèo, cha Minh - ông cũng tên là Minh - phụ trách xứ đạo ôm trọn cả khu vực Tân Cảng. Theo mô tả của cha, người ta có thể hiểu được thế nào là Tân Cảng trước đây: ở đây, người ta không chuyện trò gì với nhau, cũng chẳng có sự tương trợ hay học hành gì hết... Đó là những kẻ không được ai ưa ở thành phố Sài Gòn này. Thế mà khi giải phóng về, không khí chợt thay đổi hẳn: công tác vệ sinh đường phố trước đây chẳng ai ngó ngàng tới, nhưng nay: “Ba, bốn ngày sau giải phóng, hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền mới, nhiều người ở nơi khác đã kéo đến để cùng bà con dân phố vệ sinh dọn dẹp; đường sá đi lại phong quang, dễ chịu hẳn lên.”

Không khí ấy thấy được ở khắp nơi. Ông Chung thuộc tầng lớp tiểu tư sản ở Chợ Lớn. Để thuê được một căn nhà hết sức xuềnh xoàng ở đây với giá 6000 đồng một tháng, ông đã phải lót tay một triệu đồng tiền hoa hồng. Ông làm quản lý cho một khách sạn nhưng đã tám tháng nay ông thất nghiệp. “Trong xã hội của chế độ cũ, ông nói, đụng một tý gì cũng phải chi tiền, từ học hành đến chạy khỏi đi quân dịch”. Con ông đã qua tuổi mười sáu, chỉ vài tháng nữa thôi là phải vào lính. Ông Chung di cư từ Hà Nội vào năm 1954: “Lúc ấy tôi còn rất trẻ, nhưng từ đó cuộc đời đã dạy tôi rất nhiều.” Giấc mơ của ông là được thấy lại Hà Nội và gửi các con ông học hành ở đấy. “Tôi còn anh em ở ngoài ấy, các cháu con anh em tôi đều học hành nên người cả, đứa thì bác sĩ. Con gái lớn tôi có nghề may, nó sẽ cắt quần áo để giúp đỡ tôi sinh sống”.

Chúng tôi đến thăm một người anh em của ông, cũng chạy từ Bắc vào, trước giải phóng là một hạ sỹ trong quân đội Sài Gòn. Ông ta đi vắng, chỉ người vợ có mặt ở nhà. Nhà cũng chỉ một gian con con, giống như Hà Nội, khác một điểm là có cái tivi. Người vợ hỏi tôi về tình hình Hà Nội: có xăng dùng, có thợ may, có người bán rong không? Người ta có thể nuôi gà vịt được không? Nhà của mình, mình vẫn có thể ở được chứ? Thuế má có phải đóng không?... Quan tâm lúc này của chị là cái ăn cái uống hàng ngày, nhưng chị ta cũng hỏi có phải sau 1954, ở ngoài ấy “người ta cũng trả thù những ai trước đó đã làm việc cho chính quyền Pháp?”... Chị lo ngại bởi trong thành phố đang loan truyền cái tin có “sự phân biệt giữa dân Bắc và dân Nam”.

Chị cũng tự hỏi tại sao từ nay lại có “hai chính phủ?”

Không riêng người dân thường, ngay trong giới chính quyền cũ, một số người cũng có cảm giác được giải thoát. Tướng Dương Văn Minh chẳng hạn, là tổng thống vào những giờ phút cuối của Việt Nam Cộng hòa. Ông đã tuyên bố: “Cá nhân tôi, tôi rất sung sướng khi bước vào tuổi sáu mươi, tôi lại được trở thành công dân của một nước Việt Nam độc lập”. Còn chuẩn tướng Nguyễn Thành Sang, cựu tư lệnh sư đoàn 22 và phó tổng thanh tra quân đội Sài Gòn, trước Uỷ ban quân quản cách mạng, đã kết thúc lời nói của mình rằng: “Tôi phấn khởi được thấy nước nhà độc lập, tự do và thống nhất.” Và một tướng Sài Gòn khác, Lê Trung Trực, đã thừa nhận trước Uỷ ban quân quản: “Các ông thắng là rất bình thường. Bởi các ông có tất cả về phía các ông: sự công bằng và sức mạnh.”

Đương nhiên giải phóng không được “hoan nghênh” nhiều cũng là ở những giới ấy: một số không sao chấp nhận nổi sự sụp đổ thế giới của họ và họ đã tự vẫn. Có người còn nuối tiếc nó đến nỗi phát điên lên, như một viên quan lại cũ của Hà Nội ngày trước. Ông ta đã xây dựng được cả một cơ ngơi đồ sộ bằng cách xây cabin định cho Mỹ thuê, rồi đã bỏ cả một đống tiền ra để có được giấy xuất cảnh đúng trước ngày giải phóng. Tối 29 tháng Tư, ông ta có được nó nhưng lúc ấy thì đã quá muộn. Thần kinh ông ta suy sụp những ngày sau đó... và cái chết của ông cũng đúng là sự kết thúc hình ảnh của một xã hội cũ.

Nhưng nói chung, những ngày sau giải phóng, Sài Gòn như đắm mình trong một không khí hồ hởi, thoải mái. Thành phố như tự bộc lộ mình ra, ngạc nhiên, nhưng cũng bối rối cho tương lai. Đối với những người hiểu biết, cách mạng mới chỉ ở những bước đầu. Còn với một số người khác, họ cho rằng có lẽ rồi tất cả sẽ lại tiếp tục như trước: họ nghĩ họ có thể “kham nổi”, “chịu đựng” nổi những “anh”, những “chú” bộ đội, họ sẽ tìm cách xử trí, hy vọng là sẽ có thể “làm ăn” như cũ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2009, 09:18:36 pm »


CHƯƠNG II
CHẲNG CÓ NGƯỜI THẮNG KẺ THUA


Vấn đề trước mắt đối với những người cách mạng là hoàn thành việc đoạn tuyệt với xã hội cũ. Đó là nhiệm vụ được giao cho bộ máy chính quyền mới được thành lập: Uỷ ban quân quản, một bộ máy nắm giữ trong tay mọi quyền hành về hành chính và trật tự trị an. Nhiệm vụ chủ yếu của nó là đập tan mọi âm mưu và hành động phản cách mạng, đồng thời thiết lập những cơ sở ban đầu cho tương lai.

Vấn đề cấp bách đầu tiên của Uỷ ban là nhanh chóng lập lại trật tự trị an, bởi quân đội ngụy Sài Gòn đã “tự tan” vào trong nhân dân. Tuy đại bộ phận bọn chúng đã thực sự tan rã, nhưng còn một bộ phận nhỏ khác vẫn còn âm mưu chống phá lại chế độ mới. Đối với chính quyền cách mạng, họ cần phải truy lùng và quét sạch những gì là tàn dư của bộ máy cưỡng bức khổng lồ của chế độ cũ, đặc biệt những tổ chức cảnh sát mật vụ, nó phá vỡ hoàn toàn công cụ bạo lực phản cách mạng ấy.

Ngay từ những ngày đầu tiên, Uỷ ban quân quản đã ra lời kêu gọi tất cả các nhân viên, các sĩ quan và binh sĩ chế độ cũ ra trình diện chính quyền mới để tiến hành đăng ký. Thực ra việc làm này là nhằm để nắm được những ai chấp nhận những đổi thay của thời thế mới hơn là để nắm được tên tuổi họ. Bởi nếu chỉ để thế thì không cần thiết: toàn bộ trung tâm đăng kiểm của Bộ chỉ huy Viện trợ quân sự Mỹ ở Việt Nam (Militairy Assistance Command of Vietnam), trung tâm đầu não chiến tranh của Mỹ cũ, đã rơi nguyên vẹn vào tay giải phóng. Trên một trong năm máy tính của trung tâm đăng kiểm Mỹ, toàn bộ quân đội Sài Gòn, từ tổng chỉ huy cho đến anh binh nhì, đều được chương trình hóa trong những phích đục lỗ với toàn bộ những chi tiết về lai lịch và chính trị cần thiết của họ. Thậm chí cả với lớp sắp tuyển, cũng có đầy đủ tất cả như thế.

Nhiều binh lính, sĩ quan, nhân viên chính quyền cũ đã ra trình diện theo lời kêu gọi, nhưng hàng năm nghìn người khác đang còn lần hồi do dự. Vài nghìn người cố tình nằm im, thậm chí một số tên còn tính chuyện chạy ra “chiến khu”. Trong số ra ngày 18 tháng Mười một năm 1975, xã luận báo Quân đội nhân dân đã đưa ra một tổng kết đầu tiên về “Lực lượng tự vệ” thành phố Hồ Chí Minh - tên đặt từ nay cho thành phố Sài Gòn: “Bảy âm mưu chạy trốn bằng đường biển đã bị phá vỡ, hơn 200 tên phản loạn bị bắt giữ; hàng trăm tên đang lẩn trốn bị truy lùng; ta thu được nhiều vũ khí các loại.” Xã luận cũng cho biết trong đồng bằng Cửu Long và xung quanh Sài Gòn “hàng nghìn kẻ địch” đã bị bắt giữ với “hàng nghìn vũ khí” thu được. Vẫn theo báo Quân đội nhân dân số ra tháng trước thì trong tháng Tám và tháng Chín, riêng trong tỉnh Phú Yên cách Sài Gòn 630 kilômét về phía Bắc, số người trong quân đội ngụy cũ ra trình diện cách mạng là: 3269 người, trong đó có 4 đại uý, 51 trung uý, 9 thiếu uý và 73 chuẩn uý. Trong khi đó thì một nhóm “phản động đội lốt tôn giáo” đã bị bắt giữ khi chúng sắp sửa “gây rối loạn trật tự công cộng” ở Đèo Cả trên quốc lộ 1. Cách mạng đã thu được nhiều bằng chứng cụ thể như “điện đài, giấy tờ, sổ sách”. Ngoài ra trong toàn tỉnh, ta còn thu được hơn 9000 vũ khí các loại và 360 tấn đạn dược và đồ quân dụng.

Cùng với những tệ nạn xã hội của chế độ cũ, cách mạng còn phải đặc biệt đương đầu với nạn cướp; lợi dụng những lộn xộn lúc giao thời, khi lực lượng trật tự trị an của cách mạng còn thiếu, nó đã bùng lên dịch phát. Bọn cướp có hai loại: loại những thanh niên lầm lỗi, cướp của giết người theo cách làm ăn lẻ, chúng giống như những tên “cao bồi” phi Honda trên đường phố để thực hiện phi vụ; còn loại thứ hai thì tổ chức thành băng đảng hẳn hoi và thường thường có quan hệ chặt chẽ với người của chính quyền cũ. Một số nhóm mafia đã phân chia nhau những khu vực của Sài Gòn tạo thành những “lãnh địa” riêng thực sự, thậm chí còn có nơi còn trở thành những vùng cấm ngay cả với cảnh sát Sài Gòn, như ở một vài khu vực của Chợ Lớn. Mỗi một “ông trùm cỡ bự” đều bao cho một hoặc nhiều sĩ quan cao cấp và có người bảo trợ nếu không phải là thủ tướng Khiêm, hay đám tay chân của tổng thống Thiệu, thì có khi là... chính bản thân tổng thống Thiệu. Đó còn chưa kể một vài nhân vật “đáng kính” người nước ngoài khác.

Đối với nạn cướp bùng phát ấy, chính quyền cách mạng đã thẳng tay trấn áp: đối với những tên bị bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi tội ác những nhóm tuần tra được quyền bắn hạ chúng ngay tại chỗ. Một vài tên tàn ác, nguy hiểm nhất bị đưa ra xét xử, lại kết án tử hình và đưa ra bắn công khai để làm gương. Nhưng để giải quyết một cách cơ bản tệ nạn trên thì cần phải có một hành động rộng lớn hơn, sâu sắc hơn.

Chính quyền quân quản tồn tại trong mười tháng, rồi được thay thế bằng một chính quyền dân sự. Trong khi nó được tổ chức ra như một bộ máy chiến tranh để chống lại những cơ cấu của chính quyền Sài Gòn cũ, thì cũng là điều bổ ích khi chúng ta xem xét xem nó đã thực hiện vai trò đó như thế nào?

Một cách hiển nhiên, chính quyền mới được lập ra không phải bằng bạo lực và bằng đàn áp độc tài, mù quáng. Vậy đối với quân đội và nhân viên chế độ cũ, đường lối chính sách của cách mạng đối với họ ra sao?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2009, 09:19:12 pm »


Sau giải phóng ít lâu, một lãnh đạo của Việt Nam đã giải thích với tôi: “Về vấn đề này, bản chất của nó là một vấn đề có tính giai cấp. Chúng tôi cần phải tránh không để tạo ra mầm mống của một cuộc phản loạn có tổ chức; chúng tôi có đủ phương tiện để làm việc đó. Nhưng vấn đề là phải làm thế nào để khả năng ấy không thể xảy ra. Càng có trong tay những công cụ bạo lực chừng nào, người ta lại càng phải mềm dẻo để đập tan mọi chống đối giai cấp chừng nấy. Chúng tôi cần phải tránh chính sách “trả thù”, bằng mọi giá.”

Quyết tâm ấy đã được thể hiện bằng những biện pháp đối với những nhân viên của chế độ Sài Gòn cũ, đó là đường lối mà Chính phủ cách mạng lâm thời gọi là “đường lối hòa giải dân tộc”. Tất cả những nhân viên và binh lính của chế độ cũ đều phải theo học những lớp “giáo dục và cải tạo”. Vốn nhân viên thường và binh lính thì lớp học ấy chỉ kéo dài có ba ngày và được tổ chức ngay tại phường, xã nơi họ cư trú. Chương trình học chỉ nhằm giúp họ nhìn nhận lại quá khứ, thấy được sự can thiệp và hành động của Mỹ ở Việt Nam và nhất là thấy được tương lai, “phát hiện ra một thế giới” theo như cách nói của một giáo viên trẻ theo học một lớp ở Huế. Sau lớp học, họ được cấp một chứng chỉ có giá trị như một tấm căn cước và theo sắc lệnh của Chính phủ cách mạng lâm thời, thì nó cho phép họ “chính thức được hưởng những quyền và nghĩa vụ của công dân như tất cả các công dân khác”, trong đó có quyền tham gia bầu cử.

Đối với những sĩ quan cao cấp, những viên chức bậc cao, những cán bộ lãnh đạo những đảng phái phản động cũ, chính sách nhấn mạnh vào khâu “cải tạo”: lớp học với thời hạn kéo dài hơn được tiến hành tại những trung tâm đặc biệt trên cơ sở một chương trình giáo dục gồm mười điểm: những tội lỗi của chế độ cũ, những tội ác của Mỹ, những tội lỗi của tập đoàn lãnh đạo ngụy quyền, những nguyên nhân của sự thất bại hoàn toàn của người Mỹ và chế độ cũ, truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam, chính sách của Chính phủ cách mạng, giá trị của lao động, những nguyên tắc của chính quyền mới và cuối cùng là những trách nhiệm của họ...

Sắc lệnh ngày 28 tháng Một dự kiến một số trường hợp: những người làm công tác khoa học, kỹ thuật như bác sĩ, kỹ sư, công nhân và nhân viên kỹ thuật, giáo sư, giáo viên, kể cả những người phụ trách và giám đốc những cơ quan thuộc giáo dục, y tế những ngành khoa học, kỹ thuật, chủ nhiệm khoa những trường cao đẳng, trung học hay chuyên nghiệp... sẽ được sử dụng lại trong chuyên môn của mình nhưng phải qua một thời gian thử thách từ sáu tháng đến một năm, và hết thời gian đó, họ sẽ được cơ quan nhận xét, đánh giá kết quả, thái độ, tư cách. Trong trường hợp tốt, họ sẽ được khôi phục lại hoàn toàn mọi quyền công dân. Khả năng này cũng được xét đối với những người có người nhà tham gia kháng chiến bảo lãnh. Trong trường hợp này, những người ấy phải chịu sự giám sát trong một thời gian từ sáu tháng đến một năm.

Chính sách khoan hồng của cách mạng được áp dụng với đại đa số những người lầm lạc. Sắc lệnh phân biệt rất rõ ràng, kỹ lưỡng “đa số những binh lính, những hạ sĩ” “bị bắt buộc phải đi làm bia đỡ đạn” và “đa số những người thợ, những viên chức” mà họ chỉ là “những người làm thuê sống bằng đồng lương” với “một thiểu số những kẻ “tham gia” một cách cố tình” vào đường lối, chính sách của chế độ cũ.

Có một trường hợp không thể được hưởng lượng dung thứ, đó là “những tên ác ôn nguy hiểm nhất”.

Hơn cả một sự đạo đức, chính sách “hòa hợp, hoà giải” này còn xuất phát từ một đánh giá thực tế tình hình: nhìn một cách tổng thể, thì quân đội, những tổ chức bán quân sự, hàng ngũ nhân viên của chế độ cũ, tất cả những lực lượng này có khoảng một triệu rưỡi người trong đó phần lớn là chủ của một gia đình có trung bình năm, sáu người. Một chính sách “trả đũa” đối với họ có nghĩa là đẩy một lúc toàn bộ năm, sáu triệu người khác vào một sự chống đối sau này có thể xảy ra.

Vả lại còn những khía cạnh khác nữa. Trong đó sự phân hóa trong gia đình là một thực tế: ngay một số những người có trách nhiệm cao ở Bắc Việt Nam cũng có những người thân trong gia đình hay trong họ tham gia quân đội hay chính quyền Sài Gòn. Không hiếm trường hợp một gia đình, người anh có con là sĩ quan trong Quân đội nhân dân, trong khi em của anh ta thì lại là sĩ quan của quân đội ngụy. Cũng như vậy, còn phải tránh làm kết tụ những chất men chống đối đang tồn tại: ví dụ như những giáo dân ở miền Nam; họ trước đây đã hình thành một thành phần cấu tạo nên cái cột trụ của chế độ cũ, được cấu trúc, được tổ chức theo thứ bậc hẳn hoi, và gần như họ là một giới xã hội duy nhất được trang bị và truyền bá một học thuyết chống cộng một cách có hệ thống. Chính trong số họ mà Diệm đã tuyển mộ được những kẻ cuồng tín nhất của chế độ Sài Gòn, đặc biệt là trong số những giáo dân ngoài Bắc, bị các cha cố phản động xúi giục, thúc đẩy chạy vào Nam năm 1954. Người công giáo chiếm 10% trong dân số ở miền Nam; từ khi có Hiệp định Paris, toà thánh Vaticăng đã có một thái độ thực tế hơn đối với Việt Nam Dân chủ cộng hòa; họ đã công nhận Việt Nam Dân chủ cộng hòa trên thực tế. Khi giải phóng tiến vào Sài Gòn, công giáo Nam Việt Nam, biết rằng không thể trông chờ gì nữa vào bên ngoài, đã chấp nhận gia nhập vào chế độ mới: vậy là người ta thấy tổng giám mục Sài Gòn, cha Bình, đã ngỏ lời với “những người anh em cộng sản” mời người đại diện các công đoàn giải phóng tới nói chuyện tại một chủng viện về vấn đề “quan niệm mác xít đối với lao động”, và trong một buổi thuyết giáo nhân dịp Noel. Cha đã kêu gọi cộng đồng công giáo hãy tham gia vào công cuộc xây dựng “một xã hội mới”, có “khuynh hướng tiến bộ”.

Mười tháng sau giải phóng, vào đêm 13 đến 15 tháng Hai năm 1976, một cuộc đụng độ quyết liệt đã xảy ra giữa lực lượng an ninh cách mạng với một nhóm bảy tên phản động núp trong một nhà thờ ở một quận phía Bắc Sài Gòn. Cầm đầu bọn này là một sĩ quan dù và một linh mục chống cộng có thâm niên, Nguyễn Quang Minh. Sự việc đã phơi bày ra ánh sáng: đó là một mạng lưới thực sự của bọn có âm mưu lật đổ. Điều đó khẳng định mối lo ngại của cách mạng là nhìn thấy ở một số giới trong công giáo, khả năng họ sẽ là cơ sở tiềm tàng cho một hành động chống phá cách mạng: từ tháng năm, một vài nhân chứng cho biết họ đã nhận thấy trong một số giáo khu những hiện tượng đáng lo ngại. Tuy nhiên, những người cách mạng vẫn khẳng định chính sách trước sau như một của họ vẫn là theo đuổi hai mục tiêu: tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của những người công giáo, và quyết tâm đưa những người công giáo, cũng như những cộng đồng thiểu số khác, gia nhập vào đời sống dân tộc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2009, 09:50:15 pm »


CHƯƠNG III
NGƯỜI CÔNG GIÁO VÀ CÁCH MẠNG


Vào tháng Mười một 1975, tức bảy tháng sau giải phóng, tôi có dịp được đến thăm Hố Nai, một giáo khu kéo dài trên hai chục kilômét dọc quốc lộ 1 ở mạn tây bắc Sài Gòn.

Lúc này, Hố Nai thuộc một khu vực hành chính rộng hơn, nhưng trên 200.000 dân của nó thì có đến 150.000 là giáo dân.

Việc Mỹ đổ quân vào ồ ạt đã làm đảo lộn cả cuộc sống của những con người từ 1954 vẫn sống bằng ruộng đất. Tổng kho đồ sộ Long Bình xây dựng gần đấy đã thu hút xung quanh nó tất cả những hoạt động của Hố Nai, theo như một hiện tượng trở thành phổ biến của toàn miền Nam: hoạt động dịch vụ để phục vụ cho người Mỹ nhiều lên, tệ nạn đĩ điếm cũng đồng thời tăng lên kéo theo nó là một cuộc sống vật chất dễ chịu hơn, nhưng lại chẳng có một cơ sở thực tế nào hết về kinh tế. Sau khi lính Mỹ ra đi, sự dễ chịu nhường chỗ cho sự trì trệ về kinh tế, xã hội, nạn trộm cướp gia tăng và cả tình trạng đĩ điếm và nghiện ma túy cũng thế: trong giáo phận 60.000 dân của mình, một linh mục tính được 20.000 người xài ma túy. Khi vào giải phóng, chính quyền cách mạng đã phải thừa kế một di sản là... 20.000 người thất nghiệp. Một phần năm của cả một số dân bị băng hoại về tư tưởng và đạo lý.

Trong tình hình ấy, việc lực lượng giải phóng tiến vào đã diễn ra như thế nào? Chúng tôi đến Hố Nai theo xa lộ Biên Hòa, băng qua căn cứ Long Bình giờ đây trở nên hoang vắng. Xa xa, trùm lên cảnh vật là những nóc nhà thờ, nom có vẻ như chúng đang nép lại gần nhau. Đi với tôi chỉ có một bạn đường là linh mục Minh.

“Trước khi lực lượng giải phóng đến, phần lớn giáo dân ở đây do bị tuyên truyền đã hiểu rất sai về Quân đội nhân dân. Nói chung là họ sợ...”, cha Minh nói.

Chúng tôi gặp cha Trần Xuân Thảo, cha xứ của giáo khu Hố Nai. Cha Thảo, ba mươi sáu tuổi, ở độ tuổi trung bình của các con chiên của cha và cha chăm sóc việc đạo cho 5.000 hộ dân.

“Trong đêm 27 rạng 28 tháng Tư, cha nói, khi những đơn vị đầu tiên của Quân đội nhân dân xuất hiện, dân chúng bỏ chạy cả. Nhiều người tìm chỗ ẩn nấp. Nhưng sáng hôm sau, khi thấy những anh bộ đội chẳng làm điều gì ghê gớm, họ mới bắt đầu mở ra và nói chuyện với các anh.

- Nghe nói ở Hố Nai có một đám dân vệ rất hung ác, nổi tiếng về sự cuồng tín của nó, có phải vậy không cha?

- Như ở tất cả các nơi, Hố Nai cũng có những đội dân vệ, nhưng phần lớn họ chỉ hữu danh vô thực. Và họ cũng không chiến đấu chống lại quân cách mạng”, cha Thảo trả lời rồi nói tiếp: “Ở đây, mọi việc diễn ra tốt đẹp. Không ai bị bắt bớ, không nhà nào bị khám xét. Và từ lúc được tiếp xúc với những người cách mạng, dân chúng đã bắt đầu thay đổi thái độ đối với họ, kính trọng họ. Một sự thay đổi gần như hoàn toàn, mà chính tôi được chứng kiến”. Nhưng cách mạng có tìm cách trừng phạt những người đã chạy trốn khỏi miền Bắc năm 1954 không? Về điểm này, cha Thảo tỏ ra dứt khoát: “Tuy có nhiều người miền Bắc trong quân đội cách mạng, nhưng họ cư xử một cách rất có thiện cảm. Và rồi quân đội đã tiến về Sài Gòn, ở đây chỉ còn có những cán bộ của Uỷ ban cách mạng, mà họ đều là những người ở địa phương”.

Mới đầu, những người của chính quyền mới cũng có vẻ “nghiêm khắc và xa cách”. “Họ áp dụng chưa tốt những chỉ thị chung”, cha Thảo nhận xét. Nhưng sau đó, trước những lời kêu ca phàn nàn của dân chúng, cán bộ của Uỷ ban cách mạng đã có những thay đổi, sửa chữa: “Đúng là khác hẳn với chính quyền cũ. Những người cũ thì họ chỉ làm việc bằng cưỡng bức, bằng vũ lực. Còn trái lại những người mới, họ lại dựa vào thuyết phục và hòa hợp với dân chúng, tôn trọng nguyện vọng của dân chúng. Quan hệ giữa chính quyền và dân ngày càng trở nên tốt đẹp. Mới đầu là nghi kỵ, sau dần dần cán bộ họ tự phê bình, sáu tháng lại thay đổi người một lần nên bây giờ có nhiều tiến bộ lắm, mọi người tin tưởng lẫn nhau hơn”.

Theo cha Thảo thì sự thay đổi của người dân là ngấm ngầm có từ trước nữa kia, ngay từ thời còn chế độ cũ: “Chính quyền miền Nam lúc ấy đã lợi dụng cái sợ cộng sản của giáo dân. Nhưng dần dần, giáo dân nói chung, do những nhu cầu bức bách của cuộc sống, đã không còn mấy quan tâm đến vấn đề đó nữa, ảnh hưởng của Vaticăng II cũng như thái độ cởi mở hơn của Nhà thờ đã có những tác động nhất định đến các tu sĩ trẻ. Vì vậy khi mà các quan chức của chế độ cũ yêu cầu những người ở đây hãy chạy về đồng bằng để tiếp tục chiến đấu thì họ đã không nghe và vẫn cứ ở lại”. Nhưng, cha Thảo nói thêm, cái chính lại là do sự tuyên truyền của Sài Gòn:

“Do bị tuyên truyền, dân chúng Hố Nai đã rất sợ cách mạng. Họ nghĩ sẽ bị trừng trị, giết hại, người Bắc sẽ phân loại họ ra làm nhiều hạng để phân biệt đối xử, nhất là số dân Bắc di cư năm 1954. Nhưng vì sự tuyên truyền ấy quá lừa bịp, dối trá nên đâm ra nó lại phản tác dụng: bây giờ dân chả ai tin vào những gì Sài Gòn nói lúc đó nữa... Ông có biết thế nào không? Khi Buôn Ma Thuột thất thủ, ở đây người ta đã loan truyền với nhau rằng ở đấy các đức cha đã bị Việt cộng xẻ thịt ra làm nhiều mảnh!”
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2009, 09:51:20 pm »


Cha Thảo cũng là một “dân di cư” từ miền Bắc vào. Cha quê ở Thái Bình, một tỉnh giàu lúa của đồng bằng sông Hồng. Năm 1954, cha mới mười lăm tuổi và đang theo học một trường dòng nhỏ. Cha vào Nam cùng trường: “Do người ta nói với chúng tôi rằng Đức Mẹ Đồng trinh đã vào Nam, rằng ở ngoài Bắc từ nay cộng sản sẽ cấm đạo” Trước khi trở thành cha xứ giáo phận “Hà Nội”, theo sự phong chức của Bề trên, cha Thảo được cử về phụ trách giáo khu mang tên “Tân Hiệp”, trong có một nhà tù chính trị. “Ở đấy, tôi đã có nhiều dịp tiếp xúc với những cán bộ cách mạng bị giam giữ. Qua họ, tôi đã khám phá được nhiều giá trị của cuộc chiến đấu của họ và cá nhân tôi, tôi đã khám phá ra rằng trong thế giới ngày nay, chủ nghĩa xã hội chẳng những không làm hại cho nhà thờ mà trái lại, nó còn góp phần làm cho Nhà thờ phát triển nhiều hơn theo chiều hướng tốt đẹp.” Phần lớn các linh mục ở Hố Nai đều có cảm tình với cách mạng, cha Thảo công nhận. Họ chưa bao giờ nghe thấy có điều tiếng gì từ phía các tu sĩ ở Hố Nai đối với những người cách mạng:

“Hạn chế duy nhất là ở chuyện rước lễ bên ngoài nhà thờ. Theo tôi thì không phải là hạn chế. Những kẻ kêu ca về chuyện ấy thì chẳng qua là họ không lợi dụng được việc rước lễ để bày ra những trò chống cộng một cách ảo tưởng của họ. Sự thật là từ khi cách mạng về, tôi thấy chẳng có gì xáo trộn hết, việc đạo vẫn cứ được tiếp tục như trước. Không ai có thể nói ngược lại điều tôi nói, tôi khẳng định rằng việc tự do tín ngưỡng là hoàn toàn.”.

Cha Thảo không giấu giếm những tình cảm tiến bộ của cha. Nhưng còn những cha khác thì sao? Cha Nguyễn Đức Sử, thuộc dòng tu Dôminicanh của Philippines, một người nổi tiếng chống cộng công khai thuộc giáo khu Ngọc Đồng giàu có, trước đây rất gắn bó với viên tỉnh trưởng sở tại, đã công nhận với tôi: “Ở Hố Nai, chưa hề xảy ra một vụ bắt bớ nào và điều đó đã làm nhiều người yên tâm. Bản thân tôi, tôi chẳng có gì phải lo lắng, nhiều người khác cũng thế. Bảy tháng nay, phải công nhận là đã có một sự tiến bộ xã hội nào đấy, “phù hợp với những điểm chính của Thông cáo của Giáo hoàng Paul VI”. Còn về tự do tín ngưỡng thì “ở đây, chưa có vấn đề gì về phương diện này cho đến nay”. Tuy nhiên về những dư luận xì xào, thì cha “cũng có nghe nói về những khó khăn” do các cán bộ địa phương vì chưa vận dụng tốt đường lối chính sách của chính phủ cách mạng nên đã để xẩy ra.

Trong bảy cán bộ của Uỷ ban cách mạng Hố Nai tôi được gặp một cán bộ người công giáo. Anh cũng từ Bắc di cư vào năm 1954. Nhiều người biết trước đây anh đã có liên hệ với kháng chiến: năm 1968 rồi năm 1972, anh vẫn cứ khăng khăng cày cấy thửa ruộng của anh, nằm cách quốc lộ 1 ba kilômét, thuộc vùng “Việt cộng kiểm soát”. Và chính ở đấy, anh đã được hiểu thế nào là kháng chiến. Sáu cán bộ khác cùng trong Uỷ ban với anh thì họ đều là những người đã hoạt động bí mật từ mười năm trước.

“Chúng tôi không tìm hiểu xem trước đây họ là người như thế nào”, anh giải thích với tôi về những người công giáo là binh sĩ trong quân đội ngụy cũ, “đường lối chung của chúng tôi là hòa giải dân tộc”. Những lớp học “cải tạo” mở ra là để cho mọi người trong xã cùng được mời đến dự, chỉ kéo dài có hai, ba ngày thôi. Vả lại, chúng tôi không gọi nó là “lớp học cải tạo”, mà gọi là “lớp học chính trị”. Phía chúng tôi không có chính sách trả thù. Chứng cớ là chẳng có một linh mục nào bị bắt. Bởi nếu có thì họ là những người phải nhằm vào trước hết”.

Chính sách không trả thù này, ít bữa trước, tôi đã có dịp kiểm chứng nó tại tỉnh Rạch Giá. Năm 1954, khoảng 40.000 giáo dân di cư từ miền Bắc vào đã đến ở Tân Hiệp, một quận thuộc tỉnh vừa nói. Diệm lấy lại đất của nông dân được cách mạng chia cho trước đây từ hồi kháng Pháp và cấp cho dân mới đến. Do có tổ chức và có kỷ luật xuất xứ từ nguồn gốc nông dân miền Bắc, và mặt khác từ sự cố kết cộng đồng của những giáo dân có tính chiến đấu, họ đã làm cho đất đai sinh lợi. Những đức tính ấy lại không bị ảnh hưởng bởi những tệ nạn do người Mỹ mang đến, do quân Mỹ không có mặt ở Rạch Giá. Chống cộng một cách cuồng tín, suốt trong hai mươi năm, họ đã trở thành ngọn giáo sắt trong cuộc chiến chống cách mạng ở trong tỉnh, tổ chức ra những đội dân vệ và một trung đoàn chính quy đặc biệt nguy hiểm và tàn ác. Họ đã lập thành một con đập cạn ngăn chặn mọi ảnh hưởng của kháng chiến. Nhiều cán bộ chiến sĩ cách mạng đã bị những đơn vị của họ bắt bớ, dùng cực hình tra tấn và giết hại. Lúc bộ đội tiến vào giải phóng, những đơn vị của họ là những đơn vị duy nhất trong quân đội Sài Gòn đã chiến đấu đến cùng, một cách tuyệt vọng để chống lại.

“Chúng tôi không hề có một phân biệt đối xử nào đối với họ”, một cán bộ của Uỷ ban cách mạng quận đã khẳng định với tôi như thế. “Sau giải phóng, chúng tôi đã bắt giữ các ban chỉ huy tiểu đoàn của họ. Mỗi một tên trong số sĩ quan ấy đều xứng đáng phải xử tội chết vì những gì chúng đã gây ra trước đó. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng chúng có thể cải tạo được”. Sáu nghìn binh lính công giáo đã được cải tạo và ba trăm gần đây đã được trả về.

“Tuy rằng đất đai hiện có của họ là do cướp đoạt năm 1954 của những người dân gốc ở đây, nhưng chúng tôi không lấy lại những ruộng đất ấy. Chúng tôi sẽ phải đi tìm những đất khác để chia cho những người trước đây bị mất đất”, người tiếp chuyện tôi nói tiếp. 49 linh mục và 166 thầy tu vẫn được đi lại tự do. “Thỉnh thoảng chúng tôi lại mời họ đến để thảo luận về chính sách của chúng tôi, và chúng tôi đã thu được một số kết quả”. Tuy nhiên vẫn có sự phân biệt đối với số sĩ quan tuyên uý bởi họ là những sỹ quân chính trị thực thụ của những đơn vị công giáo và số phận của họ là số phận của những sĩ quan quân đội ngụy. Các nhà thờ đều mở cửa; khi qua thị trấn Kiệm Tân, một giáo phận công giáo, không ai có thể phát hiện trong thị trấn này một không khí khác biệt nào với không khí của các thị trấn khác trong tỉnh; cuộc sống vẫn nhộn nhịp như bình thường; người ta không thấy sự có mặt của quân đội, duy thỉnh thoảng bắt gặp một tốp dân quân đi tuần tiễu như ở tất cả các nơi khác. Trên dọc đường, tôi gặp một số người thuộc diện phải “cải tạo” tay cầm vở đến lớp để học. Họ đi thành nhóm nhỏ, điệu bộ thoải mái, vừa đi vừa cười đùa vui vẻ. Không có ai - cầm súng hay không cầm súng - làm nhiệm vụ canh gác đi cùng họ.

Ở Hố Nai, sự có mặt của quân đội chứng tỏ đây là một vùng chưa được an toàn cũng không làm cho người ta phải chú ý lắm đến sự có mặt ấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2009, 09:51:48 pm »


Chúng tôi gặp một trường hợp chứng tỏ sự khoan dung độ lượng của chính quyền cách mạng đối với những viên chức của chính quyền ngụy cũ: đó là trường hợp của viên phó chủ tịch của một uỷ ban xã. Nhà của ông ta khang trang rộng rãi, kiểu cách ít pha tạp hơn cách làm truyền thống của các nhà khá giả ở xứ quê Việt Nam. Có lẽ để bảo đảm cho tương lai của ông ở trên trần thế này cũng như ở thế giới bên kia, trên ba mảng tường trang trọng nhất trong gian phòng giữa của ông, một bên thì ông kê một tủ kính trong bầy la liệt những tranh ảnh và tượng thánh của Đức chúa Jesu và Đức Mẹ Đồng trinh, còn bên tường kia 1à một ban thờ tổ tiên đồ sộ và ở bên tường thứ ba là treo hai tấm ảnh: một bức mới tinh là ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức thứ hai cũ kỹ hơn là ảnh của Giáo hoàng La Mã.

Trông qua cũng biết nhà ông thuộc loại có máu mặt: một chiếc máy kéo mới cứng kéo nằm bệ vệ ở một góc sân không bị tịch thu. Trái lại, ông còn được phân hai héc ta đất ở một khu vục mới để khai trương.

“Tôi được đối xử như mọi người, ông nói, nghĩa là như những ai trước đây có hoặc không hợp tác với chính quyền cũ”. Ông chỉ phải dự một lớp học hai ngày và bây giờ ông là hội viên của hội nông dân.

Cán bộ chính quyền Hố Nai cũng xác nhận với tôi những cải thiện dần dần trong quan hệ giữa họ và nhân dân địa phương. Một việc đã giúp họ nhiều trong vấn đề này, đó là việc vào thăm họ hàng trong Nam của những người ở ngoài Bắc: “Việc vào thăm này đã nói với bà con giáo dân ở đây còn nhiều hơn cả những lời giải thích của chúng tôi”. Bởi còn có gì hùng hồn hơn, thuyết phục hơn là những lời mà giáo dân Hố Nai được nghe từ chính miệng những họ hàng của họ từ ngoài Bắc vào kể rằng ở ngoài kia quyền tự do tín ngưỡng được hoàn toàn tôn trọng.

Ngoài Bắc bây giờ có khoảng giữa một triệu và một triệu hai trăm nghìn giáo dân. Năm 1954, họ có một triệu, gần tám trăm nghìn người đã bỏ chạy vào Nam; những con số đó đã nói lên thực tế của việc tự do tín ngưỡng. Tuy nhiên trong hồi đầu kháng chiến chống Pháp, vấn đề công giáo ở Việt Nam cũng “có chuyện”: đó là thái độ của cộng đồng công giáo thiểu số này - trong một đất nước có một nền tảng Khổng giáo từ lâu đời - đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Bởi nhà thờ, thế lực nắm trong tay một sở hữu ruộng đất lớn nhất ở ngoài Bắc, lại là chỗ dựa cho chính sách thực dân và không chấp nhận chế độ mới: năm 1951, giám mục đoàn Việt Nam đã kết tội cộng sản và kêu gọi giáo dân không tham gia kháng chiến; năm 1955, giáo đoàn “Truyền bá Đức tin” đã gửi thư cấm các giáo đồ Việt Nam không được tham gia phong trào yêu nước nếu không sẽ bị rút phép thông công. Tòa thánh Vaticăng ném tất cả sức mạnh của mình vào bàn cân chống cách mạng Việt Nam: chế độ độc tài Ngô Đình Diệm lấy hệ tư tưởng chính thống của nó là Thiên chúa giáo; và tổng giám mục New York Spellman ban phước lành cho quân đội viễn chinh Mỹ. Còn phái viên Tòa thánh ở Bắc Việt Nam từ 1954 đến 1960, cha John Dooley, người xứ Ailen thì thái độ của cha lại nghiêng về một hoạt động “tâm lý” hơn là thực hiện một nhiệm vụ thuộc Tòa thánh.

Trong những điều kiện ấy, quan hệ giữa Nhà thờ và nhà nước Bắc Việt Nam quả là còn hơn cả gập ghềnh gian truân. Mặc dù vậy, quyền tự do tín ngưỡng được ghi trong Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1960 vẫn được tôn trọng: giáo hội Bắc Việt Nam sống theo nguyên tắc “tốt đạo, đẹp đời”. Họ vẫn được hưởng hoa lợi trên những đất nước dành cho họ quyền thu hoa lợi, và tiền dầu đèn: những khoản quyên cúng vào Nhà thờ, quà tặng bằng hiện vật, tiền công cho những chầu lễ được đặt: một chầu lễ lớn cho đám cưới là giá 100 đồng - lương tháng trung bình ở miền Bắc lúc ấy là từ 40 đến 60 đồng. Khoảng một chục giám mục được Vaticăng thừa nhận từ 1954 và một trăm linh mục vẫn cai quản bình thường công việc ở các xứ đạo.

Từ sau Hiệp định Paris người ta nhận thấy có một sự phát triển rõ rệt trong giáo hội Bắc Việt Nam. Nó được tạo ra, một mặt do sự thúc đẩy của quần chúng giáo dân, những người trước những tiến bộ của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và sự tham gia của họ vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước mà những trái bom của quân xâm lược đã chẳng chừa một ai, đã hiểu ra rằng quyền lợi của họ là gắn liền với quyền lợi của quốc gia dân tộc. Mặt khác, đó là do thái độ thực tế hơn của Vaticăng đối với Việt Nam dân chủ cộng hòa: như sau khi bộ trưởng Xuân Thủy, trưởng phái đoàn Bắc Việt Nam ở Hội nghị Paris được Vaticăng chính thức đón tiếp, thì phó giám mục Hà Nội Trịnh Văn Căn đã lần đầu tiên được tham dự hội nghị tôn giáo Vaticăng 1974. Và ngày 11 tháng Mười hai năm 1974, tổng giám mục Hà Nội, đức cha Trịnh Như Khuê, bảy mươi tư tuổi, đã tuyên bố với chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố rằng:

“… Chúng tôi yêu tổ quốc chúng tôi, chúng tôi tôn trọng chính phủ, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở giáo dân phải vâng lời chính phủ, bởi chính phủ cầm quyền là để giữ gìn an ninh cho quốc gia... và quyền ấy đã được Chúa trời ban cho. Và chính vì vậy mà vâng lời chính phủ tức là tuân theo ý Chúa.” Ấy thế mà năm 1954, chính đức cha đã tố cáo chính quyền cách mạng là “công trình của ma quỷ”... Năm 1975, giáo hội Bắc Việt Nam đề nghị xin mở lại các trường chủng viện và đề nghị đó đã được chấp nhận với điều kiện là nhà nước vẫn có quyền kiểm soát đối với những người vào học. Một dấu hiệu khác chứng tỏ thái độ mới của Vaticăng đối với cách mạng Việt Nam: ngày 16 tháng Một năm 1975, tòa thánh La Mã đã rút phép thông công của Ngô Đình Thục, cựu tổng giám mục Huế, anh ruột của Ngô Đình Diệm.

Vậy là những vấn đề lớn về công giáo, đặc biệt là thái độ của Nhà thờ đối với vấn đề dân tộc đang trên đường được dần dần giải quyết. Nhưng sự tranh chấp chính trị được tạo ra ở những người công giáo bởi một giới tăng lữ quá cổ hủ, lạc hậu, trong đó có một số người sống ở miền Bắc đã... không ngần ngại đón chào những cuộc ném bom Mỹ như là “một sự báo hiệu của ngày giải phóng sắp tới”, là khá nặng nề. Lấy ví dụ như trường hợp một anh bộ đội trẻ mà tôi gặp, lẫn trong đám đông các tín đồ đang dự một buổi lễ sáng chủ nhật tại một nhà thờ ở Sài Gòn. Là một chiến sĩ ưu tú đã từng lập nhiều chiến công và có tinh thần yêu nước đã được thử thách, anh ta đã nhiều lần được chi bộ đề nghị xét kết nạp Đảng. Nhưng cứ mỗi lần như thế thì anh lại cố tình phạm phải một lỗi, không nặng lắm song cũng đủ để việc xét kết nạp anh phải gác lại. Bởi sao? Bởi vì anh cho rằng: “Chủ nghĩa xã hội không thể dung hòa được với đức tin của tôi”!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2009, 09:52:48 pm »


CHƯƠNG IV
MỘT XÃ HỘI PHẢI GIẢI ĐỘC


Ngày 10 tháng Chín 1975, chính quyền cách mạng đưa ra công khai đường lối chính sách mà cách mạng sẽ noi theo để “khôi phục và phát triển nền công nghiệp và thương nghiệp” của đất nước.

Vào đầu mùa hạ, Hội nghị toàn thể Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 24 họp tại Đà Lạt, khu nghỉ mát nổi tiếng nhất ở miền Nam. Chương trình nghị sự là: những vấn đề về thống nhất đất nước. Phân tích cơ sở kinh tế hạ tầng ở miền Nam, Ban chấp hành Trung ương Đảng đánh giá là phải duy trì ở đấy một giai đoạn quá độ trước khi tiến hành xã hội hóa tư liệu sản xuất: những hình thức tư hữu về tài sản vẫn được duy trì trong công nghiệp, thương nghiệp và nông nghiệp. Vậy là trong giai đoạn chuyển tiếp này sẽ song song tồn tại năm hình thức sở hữu chính: sở hữu nhà nước, sở hữu hợp tác xã, sở hữu liên doanh Nhà nước với tư nhân, sở hữu tư bản tư nhân và sở hữu cá thể.

Những phân tích được đưa ra với Chính phủ cách mạng lâm thời này là dựa vào cơ sở của đường lối được công bố ngày 10 tháng Chín: khu vực quốc doanh được coi là khu vực chủ đạo để phát triển sản xuất mở rộng lưu thông phân phối và ổn định thị trường. Nhưng với các nhà “tư sản dân tộc” Nhà nủòc cũng kêu gọi họ đầu tư, vào những khu vực “có lợi cho quốc gia và dân sinh”. Nhà nước cam kết sẽ hỗ trợ cho họ đặc biệt về những gì liên quan đến nguyên liệu và bảo đảm cho họ một “lợi nhuận phải chăng”, với điều kiện là những quyền lợi cơ bản của người lao động phải được tôn trọng. Đồng thời, nhà nước cũng bảo đảm với “các nhà khoa học và kỹ thuật các cán bộ chuyên môn về sản xuất và quản lý” của chế độ cũ, những người có thể đóng góp vào việc khôi phục và phát triển kinh tế quốc gia, rằng họ sẽ được giao “Những công việc quan trọng với đồng lương thích hợp” tùy theo trình độ và hiệu quả công tác của họ. Việc buôn bán chính đáng sẽ được bảo hộ, nhưng với nhiều người thuộc ngành này thì việc khuyến khích và giúp đỡ họ chuyển sang sản xuất là điều cần thiết bởi buôn bán đã trở nên quá thừa trong những thành phố miền Nam...

Để bảo đảm cho chính sách ấy và làm trong sạch những cơ cấu kinh tế miền Nam, trước hết cần phải bẻ gãy những “mạch chảy” của quyền lực kinh tế của chế độ cũ. Trong đêm 9 tháng Mười một, công an đã tiến hành một chiến dịch truy quét lớn và một số vụ bắt giữ nhằm vào bọn đầu sỏ trong giới mại bản mà phần đông là Hoa kiều. Nhưng các nhà chức trách cũng chú ý tránh không để xảy ra mọi biểu hiện có tính chất bài ngoại.

Người ta không biết thực sự nói thế nào về “chủ nghĩa tư bản” ở miền Nam tuy rằng nó cũng tồn tại trên một vài khía cạnh. Việc công nghiệp hóa của miền Nam chủ yếu dựa vào các di sản từ thời thực dân để lại mà đến lúc này nó vẫn là khu vực quan trọng nhất, vốn liếng vẫn nằm trong tay người Pháp, và một phần khác dựa vào công nghiệp chủ yếu là về thực phẩm của người Hoa lập ra vào năm 1960. Trong vài năm cuối của cuộc chiến tranh, một vài ngành công nghiệp khác cũng được hình thành do sự liên doanh của người Việt với vốn của người Hoa hoặc Thái, nhưng trên ba khu công nghiệp của miền Nam thì duy nhất trên thực tế mới chỉ có một được hình thành, đó là khu công nghiệp Biên Hòa, cách Sài Gòn 30 kilômét, nơi đã mọc lên khoảng năm chục nhà máy trong đó một số chưa hoạt động và khoảng vài ba chục nhà máy khác đang xây dựng dang dở. Trong hai khu công nghiệp khác, Đà Nẵng và Mỹ Tho, thì người ta mới chỉ thấy những tấm bảng cắm trên những bãi đất hoang chỉ tên công trình dự định xây cất.

Như người ta đã thấy, giai cấp tư sản Việt Nam được hình thành chủ yếu từ những người sống bằng tô tức ruộng đất, lại vừa đồng thời là những thân hào do công cuộc thực dân hóa của Pháp dựng nên. Nó hoàn toàn thiếu tính năng động, một tính cách mà chủ nghĩa tư bản lúc ban đầu đòi hỏi. Sinh ra do sự xâm lược nước ngoài và vì vậy mất cả quyền dân tộc, và bị giam hãm bởi trò chơi của một quyền lực có tính hình thức, khát khao thèm muốn đồng bạc Pháp rồi đồng đôla Mỹ, về bản chất nó là một kẻ làm ăn theo kiểu cho vay nặng lãi, mang tính đầu cơ trục lợi hơn là sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực. Ngoại trừ một số trí thức, Nam Việt Nam không có hẳn hoi một “giới trí thức”, một tầng lớp trí thức có khả năng tạo ra một suy nghĩ độc lập, nhưng bù lại, nó lại có một số lớn những nhà kỹ thuật thuộc nhiều bộ môn, đặc biệt là về luật.

Quyền lực thực tế về kinh tế là thuộc về người Hoa. Khi người Pháp tới miền Nam Việt Nam năm 1859, họ đã thấy người Hoa lập nên Chợ Lớn, mặt hướng về vựa lúa giàu có nhất của xứ sở Đàng trong là đồng bằng Cửu Long. Mặt khác, họ sẽ xây dựng Sài Gòn trên con sông cùng tên, nằm trên trục đường hướng ra phía biển.

Vậy là Chợ Lớn đương nhiên trở thành trung tâm trao đổi buôn bán giữa Pháp và Việt Nam. Từ thế kỷ 17, trong khi cuộc nội chiến Trịnh Nguyễn đang tàn phá đất nước thì những nhà buôn Trung Hoa bắt đầu đến cắm rễ ở miền Nam. Mới đầu là Biên Hòa, rồi năm 1777 là Sài Gòn. Tùy theo nhu cầu của công việc, họ hỗ trợ lẫn nhau rồi cuối cùng họ giúp Nguyễn Ánh chiếm lại cả vương quốc. Từ đời này qua đời khác, từng sợi một, họ đã đan dệt nên một mạng lưới độc quyền buôn bán, dựa vào mạng lưới của các gia đình làm ăn trên tất cả các khu vực của châu Á, điều mà các thế hệ người Hoa đã làm từ hai ngàn năm nay.

Lúc đó, họ đóng một vai trò trung gian giữa các nguồn lợi kinh tế địa phương với nhu cầu của triều đình và các nhà buôn phương Tây, kiếm lời rất nhiều theo tỷ lệ phần trăm trên những vụ chuyển nhượng qua lại ấy. Việc làm ăn buôn bán đã trở thành lĩnh vực riêng của họ, bởi triều đình phong kiến và các quan lại Việt Nam tỏ ra không có thiên hướng về việc đó, vả lại, ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cũng giúp họ ít nhiều trong công việc làm ăn ở Việt Nam.

Công cuộc thực dân hóa lại củng cố thêm vai trò buôn bán của họ, trong khi sức nặng xã hội của họ lại mạnh thêm cùng với sự gia tăng của những cuộc di cư của người Trung Hoa ở cuối thế kỷ 19. Sự ưu việt về kinh tế của họ qua nhiều thời kỳ đã ngày càng trở nên khó chịu đựng đối với chính quyền Việt Nam: năm 1956, để bẻ gãy thế độc quyền của người Hoa, Ngô Đình Diệm đã buộc họ phải nhập quốc tịch Việt Nam và cấm họ không được làm mười một nghề chủ yếu. Nhưng sức nặng của họ trong xã hội miền Nam đã trở nên quá lớn, nên các biện pháp đó đã tỏ ra không hữu hiệu.

Một mặt, những tầng lớp trên của Sài Gòn đều không có khả năng thay thế họ, mặt khác trong thế mất ổn định của chế độ, nhất là sau khi Diệm đổ, người Hoa lại là những người duy nhất yẫn giữ được tính ổn định, có tinh thần cố kết cộng đồng và về công việc thì họ luôn luôn là những người sẵn sàng có mặt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2009, 09:53:35 pm »


Khi thay thế người Pháp, người Mỹ đã đào tạo những người mới của họ, trong đó có cả những người xuất thân từ tầng lớp dưới. Nhưng hễ những người này xuất hiện thì lập tức những nhà “làm ăn” người Hoa chìa tay ra nâng đỡ. Thế là những tên “thủ lĩnh cỡ nhỏ” ấy, những kẻ tham lam, vội vã, những kẻ mà đối với chúng quyền lực có nghĩa trước hết là làm giàu cho nhanh, mau chóng trở thành tay chân của họ. Với tài xử sự khéo léo, giới làm ăn người Hoa ở miền Nam đã xây dựng được cả một mạng lưới quốc tế, liên kết giữa họ với Đài Loan, Băng Cốc, Singapore, Dakorta, Mani... Những mạng lưới vững chắc dựa trên cơ sở những cơ cấu gia đình cổ, sự đoàn kết giữa các băng đảng địa phương, bí mật của những vụ chuyển nhượng bằng miệng... và nhiều thế kỷ kinh nghiệm... Đó là sức mạnh trong việc làm ăn của giới tư sản mại bản người Hoa.

Sau chiến dịch truy quét đêm 9 tháng Mười một năm 1975, dựa trên những tài liệu thu bắt được, báo Tia sáng đã nêu ra vài trường hợp giúp người ta hiểu được “bộ máy quan liêu và quân phiệt” Sài Gòn trước đây đã phối hợp hành động như thế nào với quyền lực kinh tế của giới tư sản mại bản miền Nam. Như “Vua Thép” Lâm Huệ Hồ... Hồ khởi đầu sự nghiệp làm giàu của mình bằng việc buôn lúa gạo với nông dân tỉnh Long Xuyên, bằng cách áp dụng những phương pháp cho vay nặng lãi cổ truyền. Nhưng chính là với chiến tranh của Mỹ mà Hồ phất lên làm ăn to: hắn được Mỹ dành cho độc quyền mua những đồ quân cụ bị loại. Trong “trò chơi” của hắn, hắn đã kiếm được sẵn mấy con chủ bài. Năm 1966, Hồ bị truy tố về hoạt động buôn lậu. Để giải quyết vụ này, Hồ chỉ cần “hợp tác” với mấy tay tai to mặt lớn của chế độ Sài Gòn: với tướng Đỗ Kiến Nhiễu, đô trưởng đô thành - người đã giúp hắn mua được những lô đất để xây nhà cho Mỹ thuê, với tướng Mai Hữu Xuân ở Thủ Đức, để được quyền xây nhà kho. Và vụ việc đã được giải quyết êm. Còn về việc mua những đồ quân cụ bị thải loại, hoặc khai là thải loại, cứ 100 tấn lại thu hồi được 15.000-20.000 đôla, thì báo Tia sáng cho biết là Hồ đã có sự hợp tác làm ăn với vợ của cựu bộ trưởng ngoại giao của Thiệu - Trần Văn Lắm, vợ thủ tướng Trần Thiện Khiêm, tổng tham mưu trưởng quân đội Cao Văn Viên và phụ thêm vào nữa là tổng giám đốc Vụ kế hoạch và bộ trưởng bộ công chính Huỳnh Văn Diễm.

Lâm Huệ Hồ cho chở về Hồng Kông và Singapore một phần của lượng đồng quan trọng của số vỏ dạn Mỹ để lại với danh nghĩa để làm quỹ xây dựng và trị giá tới 200 triệu đôla. Vào hồi cuối chiến tranh. Hồ đã kiểm soát tới hơn 18 ngành nhập khẩu quan trọng.

Tương tự như trên, một số những “vua” khác cũng xây dựng nên cơ nghiệp của mình: sau hai ngày kiểm kê, tài sản của “Vua lúa gạo” là 400 triệu đôla. Những “vua sắt vụn” cũng không thiếu. Họ làm giàu theo một chu trình khá độc đáo. Theo báo Tia sáng, móc ngoặc với giám đốc của các cơ quan phụ trách về “Đồ quân cụ phế thải” Trần Hoàng Trung, một Hoa kiều là Lý Sến đã thành lập nhà máy Sadakim ở Biên Hòa, một xưởng đúc để đúc từ những quân cụ phế thải thành những đồ kim loại rồi để quay lại cung cấp cho quân đội...

Trong chiến dịch truy quét giới mại bản làm giàu bất chính, chính quyền cách mạng hết sức quan tâm đến không để nó bị chệch hướng, nhất là không để nó bị hiểu lầm là mang tính chất “chống người Hoa”. Đó là một chính sách hoàn toàn đúng đắn và khi thực hiện nó không phải là không ít khó khăn...

Chợ Lớn có 500.000 người Hoa sinh sống. Ở “Tiểu Sài Gòn người Hoa” này họ được tổ chức thành bảy hội lớn, trong đó những hội mạnh nhất là Hội “những người Quảng Đông”, giàu và đông nhất, rồi Hội “những người Phúc Kiến” và “Triều Châu”... Những hội này có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có mục đích tương trợ lẫn nhau, ví dụ như họ có nhà thương riêng do cộng đồng của họ tài trợ; quan hệ giữa họ với Đài Loan còn hơn cả mức mật thiết...

Báo đảng ở Sài Gòn tờ Sài Gòn giải phóng, đã nhiều lần chỉ rõ rằng đối tượng của chiến dịch truy quét nói trên là: “Những chủ doanh nghiệp cỡ lớn, chúng đã câu kết với đế quốc Mỹ và bù nhìn tay sai để làm giàu trên xương máu nhân dân và bây giờ chúng lại tiếp tục đầu cơ, nắm giữ độc quyền và lũng đoạn thị trường”. Vậy “phân biệt cơ bản” ở đây là “thái độ và những phương thức kinh doanh của bọn tư sản mại bản chứ không phải ở quốc tịch của chúng”.

Trong cuộc họp báo sáng hôm sau chiến dịch bắt giữ, người phát ngôn của Ủy ban quân quản đã nhấn mạnh rằng “cách mạng hết sức chú ý để chỉ trừng phạt những kẻ nào có tội và tùy theo mức độ nghiêm trọng của tội lỗi của chúng”. Và, cũng vẫn tờ Giải phóng đưa tin, người phát ngôn lại một lần nữa khẳng định rằng “tất cả những người “hữu sản khác” đều không nhất thiết phải liên quan đến những biện pháp này; những người buôn bán nhỏ, ngay cả khi họ có đầu cơ tích trữ, thì họ cũng “trước hết được coi là những người lao động. Kể cả những người buôn bán tương đối giàu, họ cơ bản cũng vẫn giữ được tính chất người lao động” và họ không có gì phải lo lắng, chính quyền cách mạng chỉ “khuyên họ nên cư xử một cách khác”, và nói rõ là không có vấn đề tịch thu, bắt giữ hàng hóa, của cải vốn liếng của những người buôn bán nhỏ”.

Những chiến dịch vùa nói giúp cho chính quyền nắm được những kho tích trữ lớn hàng hóa của bọn trùm sỏ gian thương những mặt hàng đột nhiên biến mất khỏi thị trường, kéo theo một sự tăng vọt giá cả và làm dấy lên những lời xì xào đồn đại rằng hàng bị vơ vét và “gửi ra Hà Nội”. Trong kho của “Vua dệt” La Nghĩa, người ta khám phá ra bốn triệu mét vải, lụa và lập tức sau vụ thu giữ này giá vải hạ ngay xuống 30 đến 50% trên thị trường... Cũng như vậy, trong kho của công ty Siêu Phong, người ta thấy tích trữ cơ man nào là thuốc lá Bastos, và giá mỗi bao trước đây đang từ 20 bỗng leo thang lên 160, rồi 400 đồng thì nay tụt xuống còn 130 đồng. Nhiều kho dược và một số mặt hàng khác cũng được tìm thấy, giá cả thị trường cũng lập tức lên, xuống tương tự...
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM