Phần 1:
http://www.quansuvn.net/index.php?topic=603.msg185098#msg185098Phần tiếp:
http://www.airspacemag.com/military-aviation/christmas-bombing.html?c=y&page=2Tổng thống Nixon phát lệnh ném bom vào ngày 14/12 và giao Bộ tư lệnh Không quân chiến lược SAC đặt tại Omaha bang Nebraska cấp tốc lập kế hoạch hành quân. Bộ tham mưu Tập đoàn không quân số 8 tỏ ra bất ngờ khi SAC quyết định lập kế hoạch hành quân mãi tận Omaha thay vì giao cho họ làm ở Guam vừa dùng được kinh nghiệm lập kế hoạch hành quân cho các phi vụ ném bom của B-52 bấy lâu nay, vừa thuận trong việc vạch chiến thuật cùng các tổ bay sẽ tham gia chiến dịch. Sự cách biệt tới nửa vòng Trái đất giữa các sĩ quan tham mưu quen ngồi bàn giấy ở SAC với những tổ bay đang trực tiếp chiến đấu báo hiệu những trục trặc khi thực hiện chiến dịch sau này.
Theo kế hoạch hành quân của SAC, lực lượng B-52 đồn trú tại Guam và Utapao tham gia chiến dịch ném bom Hà Nội được chia thành 3 đợt theo cùng đường bay và độ cao, mỗi đợt cách nhau 4 giờ đồng hồ và đều diễn ra vào ban đêm. Đại úy phụ lái Jim “Bones” Schneiderman tham dự buổi họp phổ biến kế hoạch hành quân hôm đó thể hiện sự không nhất trí với chiến thuật ném bom khi kể lại: “Ai cũng hiểu ngay từ trước khi xuất kích thực hiện phi vụ đầu tiên rằng chiến thuật ném bom kiểu đấy thực sự ngớ ngẩn khi mọi người tiếp cận hay thoát li mục tiêu từ cùng hướng bay và cùng độ cao. Kiểu chiến thuật đó chẳng khác hình ảnh quân Anh hồi còn Chiến tranh Độc lập khi cứ ngay hàng thẳng lối xung trận để thành mục tiêu dễ dàng cho đối phương – quả là kiểu chiến thuật kì dị.”
Nhập nhoạng tối ngày 18/12, trong tiết trời giá buốt và mưa phùn gió bấc bao trùm nơi đặt xe radar cảnh giới tiền tiêu của Đại đội 45, Trung đoàn radar 291, Quân chủng phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam, tại rìa một ngôi làng nhỏ phía tây tỉnh Nghệ An, sĩ quan trực chỉ huy là đại đội trưởng Đinh Văn Thân cùng kíp trắc thủ đang căng mắt dõi theo chuỗi tín hiệu mục tiêu trên màn hiện sóng chiếc radar cảnh giới P-12 khi chúng nhích dần lên hướng bắc vượt qua đoạn sông Mê kông phân giới giữa Lào và Thái Lan. Từ trong màn nhiễu tích cực và nhiễu địa vật dày đặc trên màn hiện sóng, Thân và kíp trắc thủ của mình nhận ngay ra tín hiệu mục tiêu là của loại máy bay ném bom chiến lược lớn nhất có khả năng mang tới 30 tấn bom của Mĩ. Dù đã quan sát tín hiệu loại máy bay nhiều lần trước đây nhưng chưa lần nào họ thấy số tốp tín hiệu B-52 tập trung với số lượng lớn như lần này. Kíp trắc thủ đài radar cảnh giới của trạm 45 chăm chú theo dõi trên màn hiện sóng khi tín hiệu các tốp mục tiêu B-52 tiến tới Điểm mốc 300, nơi chúng hoặc sẽ theo hướng tây đi ném bom các mục tiêu ở Lào, hoặc sẽ theo hướng đông đi ném bom vùng cán xoong của Bắc Việt.
Bộ đội radar triển khai radar cảnh giới P-12 (ảnh sưu tầm)

Nhưng tối nay, tín hiệu các tốp mục tiêu B-52 vẫn tiếp tục theo hướng bắc thẳng tiến vượt qua Điểm mốc 300. Thân nhanh chóng nhận thấy các tốp mục tiêu B-52 tiến theo đường bay mà máy bay chiến thuật của Mĩ thường dùng khi thực hiện các phi vụ ném bom Hà Nội. Sau khi kiểm tra lại tín hiệu các tốp mục tiêu B-52, Thân đã báo cáo lên sở chỉ huy Trung đoàn vào lúc 7 giờ 15: “một số lượng lớn máy bay B-52 đã bay vượt qua Điểm mốc 300 và có vẻ chúng đang trên đường bay tới Hà Nội.” Sở chỉ huy Trung đoàn ngay lập tức báo cáo lên Bộ tư lệnh Quân chủng. Tại đài radar cảnh giới, Thân nhận được chỉ thị kiểm tra và xác nhận lại tình báo đã báo cáo trước đó. Trận đánh cuối cùng của Mĩ trong cuộc Chiến tranh Việt Nam đã chính thức bắt đầu.
Thân cùng kíp trắc thủ của mình là một cấu phần của mạng lưới radar cảnh giới phủ sóng trên toàn bộ không phận Bắc Việt chứ không chỉ là những trạm radar đơn lẻ với kiểu tổ chức lỏng lẻo vốn khó lòng xử lí các cuộc tập kích đường không đồng loạt hay xử lí các tình huống đường không khẩn cấp. Các tình báo thu được từ đài radar của Thân về trận tập kích được gửi tới Bộ tư lệnh Quân chủng. Tại Bộ chỉ huy Quân chủng có đặt một dãy bảng tiêu đồ trong suốt khổ lớn, với các sĩ quan chỉ huy hướng có đường thoại trực tiếp tới tất cả các phân đội tên lửa ngồi phía ngoài bảng, còn bên phía trong bảng là nhóm các tiêu đồ viên làm nhiệm vụ nhận tình báo các tốp máy bay đối phương chuyển về từ các đài radar cảnh giới để đánh dấu đường bay cùng các tham số mục tiêu với kiểu viết chữ ngược lên bảng tiêu đồ cho các sĩ quan chỉ huy của Bộ tham mưu nắm bắt.
Khu vực Hà Nội thuộc địa bàn phụ trách phòng không của Sư đoàn phòng không 361 với lực lượng chiến đấu gồm nhiều trạm radar và pháo phòng không, nhưng chủ lực là 3 trung đoàn tên lửa phòng không được trang bị SAM-2 gồm: Trung đoàn 261 phụ trách phòng không hướng đông-bắc thành phố, Trung đoàn 257 và Trung đoàn 274 phụ trách phòng không hướng nam và hướng tây thành phố. Mỗi trung đoàn tên lửa nêu trên được trang bị nhiều radar cảnh giới và biên chế 3 tiểu đoàn tên lửa phòng không SAM-2, mỗi tiểu đoàn hỏa lực loại này được trang bị 1 bộ radar cảnh giới, 1 bộ radar điều khiển tên lửa Fan Song cùng 6 bệ phóng tên lửa SAM-2.
Bộ đội tên lửa nạp đạn tên lửa SAM-2 vào bệ phóng (ảnh sưu tầm)

(
còn tiếp)