Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 24 Tháng Năm, 2024, 12:40:01 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh Việt Nam là thế đó 1965 - 1973  (Đọc 124284 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #130 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2009, 10:37:13 am »

Nhiệm vụ chủ yếu của nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô là duy trì các bộ khí tài tên lửa phòng không trong trạng thái kỹ thuật tốt và thường xuyên nâng cao trình độ tác chiến và trình độ kỹ thuật của các chuyên gia quân sự trong trung đoàn.

Phần kỹ thuật của nhiệm vụ được giải quyết bằng cách đưa các chuyên gia tương ứng đến tận cơ sở (các tiểu đoàn). Tại đó tiến hành công việc khắc phục những hư hỏng hoặc cùng với các chuyên viên Việt Nam tiến hành các công việc bảo trì (theo quy định). Không ai ấn định và kiểm đếm số lần đi cơ sở. Tất cả các chuyên gia trong nhóm đều chấp nhận một cách bình thản tính chất cần thiết, tính chất cấp bách và tính chất bất ngờ của những công việc ấy, xem đó là bổn phận hoặc như vẫn nói ở Liên Xô đó là việc cần làm!

Đồng thời cũng diễn ra quá trình huấn luyện cho các chuyên viên Việt Nam và truyền đạt cho họ kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời, việc giải quyết phần thứ hai của nhiệm vụ chủ yếu, cụ thể là công tác huấn luyện được chú ý rất nhiều trong thời kỳ ấy, đồng thời cũng chú ý nhiều đến những đơn vị chiến đấu của trung đoàn mà vì những lý do nào đó đã không thể tham gia tác chiến. 

Tuy nhiên, trong quá trình nhóm chuyên gia chúng tôi thực hiện những nhiệm vụ được đặt ra đã xuất hiện nhiều tình huống và hoàn cảnh khác nhau, trước hết do những đặc điểm của tình hình diễn biến trong khu vực đóng quân của trung đoàn. Trên thực tế các máy bay trinh sát hoặc các máy bay chiến đấu liên tục quần đảo trên bầu trời. Bên cạnh đó là tình trạng không có các cây cầu bắc qua sông (vì đã bị phá hủy trong các trận oanh tạc của máy bay địch) - ở Việt Nam số lượng các con sông ấy rất lớn - và những trận bắn phá thường xuyên của máy bay địch nhằm vào các bến phà qua sông (vào ban đêm địch dùng pháo sáng) tại những nơi cần vượt sông để tới các địa điểm đã định. Những điều kiện khắc nghiệt của khí hậu Việt Nam đã để lại dấu ấn: không khí oi bức, độ ẩm cao làm cho cơ thể người mất trọng lượng đáng kể, đôi khi còn dẫn đến chỗ bị ngất.

Về phương diện này tôi chỉ muốn kể về một trường hợp. Theo tôi, trường hợp này sẽ cho phép nhấn mạnh sự thật là các chuyên gia quân sự Liên Xô đã phải làm việc trong những điều kiện phức tạp như thế nào trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quốc tế của mình.

Đầu tháng 2-1967 nhân dịp Tết của Việt Nam theo lịch phương Đông, giữa Mỹ và miền Bắc Việt Nam tuyên bố ngừng chiến trong mấy ngày.

Tranh thủ thời gian ngừng chiến này Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã quyết định đưa một tiểu đoàn tên lửa phòng không đến khu phi quân sự (Vĩ tuyến 17) nhằm mục đích tổ chức "phục kích" tại đó và giáng đòn bất ngờ vào kẻ địch. Nhóm chuyên gia chúng tôi cũng lên đường theo sau tới khu vực ấy.

Tình hình ở vùng giáp ranh giữa Bắc và Nam Việt Nam thật sự giống khu vực giáp mặt trận (hoàn toàn theo nghĩa đen của từ này). Phần lớn các ngôi nhà ở đó đã bị phá trụi sau những trận ném bom bất tận. Đa số dân chúng địa phương sống trong các hầm ngầm dưới đất. Chúng tôi cũng được bố trí sống trong những căn hầm như thế.

Trên thực tế trong mỗi ngôi nhà (mỗi căn hầm) mà chúng tôi có dịp đến thăm đều có những khẩu súng và những chuỗi lựu đạn treo trên vách hầm. Dân chúng trong tư thế sẵn sàng lao vào trận chiến không cân sức với quân xâm lược đã đến chiếm đóng miền Nam và bất cứ lúc nào cũng có thể thâm nhập vào lãnh thổ miền Bắc. Mặc dù có ngừng chiến trong dịp Tết nhưng pháo hạng nặng của Mỹ vẫn tiếp tục bắn vào lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (đạn pháo vẫn thường xuyên rít trên đầu chúng tôi). Đã diễn ra liên tục các cuộc chuyển quân của quân giải phóng từ Nam ra Bắc (để nghỉ ngơi) và ngược trở vào miền Nam (để tiếp tục chiến đấu). Trong bối cảnh ấy người ta thấy hành động xấc xược của các phi công Mỹ. Bọn này bay lượn lòng vòng chỉ cách chỗ chúng tôi đóng quân 5 - 10 km để luyện tập ném bom chính xác. Vì sự chủ quan này mà chẳng bao lâu sau đó chúng đã phải thực sự trả giá. Sau đây một chút tôi sẽ đề cập đến chuyện này.

Sau khi tới khu vực đã định (sau một thời gian nghỉ ngơi ngắn) nhóm chuyên gia chúng tôi đã đến trận địa của tiểu đoàn. Đến thời điểm ấy bộ khí tài tên lửa phòng không đã được triển khai và ngụy trang khá tốt. Chúng tôi bắt đầu chuẩn bị cẩn thận khí tài để thực hiện nhiệm vụ quan trọng. Công việc được tiến hành cả đêm lẫn ngày, vì thời gian ngừng chiến rất ngắn, mà nhiệm vụ đặt ra lại đòi hỏi tiểu đoàn phải ở trong tư thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trước khi thời gian ngừng chiến kết thúc.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #131 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2009, 10:38:16 am »

Nhờ những nỗ lực chung của các chuyên gia Liên Xô và các chuyên viên Việt Nam, mọi công việc chuẩn bị đã được hoàn thành đúng thời gian quy định, còn các thông số của bộ khí tài tên lửa phòng không thì đã được lập chuẩn. Phải nhấn mạnh rằng các bạn Việt Nam rất quan tâm đến các chuyên gia Liên Xô và trong những giây phút nguy hiểm họ đã nỗ lực hết sức để bảo vệ sinh mạng của các chuyên gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã trực tiếp chỉ thị về vấn đề này. Ý thức này cũng được thể hiện cả trong hoàn cảnh của chúng tôi.

Thời gian ngừng chiến đã chấm dứt, bộ khí tài tên lửa phòng không đã sẵn sàng, do đó Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã đề nghị nhóm chúng tôi rút ra khỏi "khu vực" để chúng tôi không bị rơi vào nguy hiểm. Khi trưởng nhóm chuyên gia của chúng tôi tìm cách tỏ ý không tán thành đề nghị này thì người ta đã lịch sự đáp lại: "Các đồng chí đã hoàn thành phần nhiệm vụ của mình, còn chúng tôi sẽ cố gắng hoàn tất phần nhiệm vụ còn lại. Chúng tôi chịu trách nhiệm về sinh mạng của từng người trong các đồng chí".

Sự quan tâm và thái độ chú ý đến chúng tôi còn thể hiện cả trong thời gian các trận địa chiến đấu của bộ khí tài tên lửa phòng không bị oanh kích, cả trong những chuyến công tác trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, cũng như trong những hoàn cảnh nguy hiểm khác. Mỗi bước đi của chúng tôi đều có sự nguy hiểm rình rập. Điều này đã được chúng tôi một lần nữa nhận thức được khi quay trở về từ "khu vực" đã nêu trên.

Chúng tôi rút ra khỏi "khu vực" ấy đúng vào lúc địch tiếp tục những cuộc oanh tạc với cường độ cao vào lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cuộc hành quân ấy hóa ra là rất phức tạp. Chúng tôi đi vào ban đêm. Mặt đất và bầu trời thật sự rung chuyển vì những tiếng bom nổ và "những chiếc đèn pha" treo lơ lửng ở khắp nơi. Xe chúng tôi chạy chậm, nhiều khi phải dừng lại và ẩn nấp dưới tán lá cây hoặc dưới lòng con mương nào đó. Mọi chuyện đã trôi qua.

Đến đêm khuya chúng tôi tới một bến phà qua con sông rộng khoảng 500 - 600 mét. May mắn là vào thời điểm ấy chung quanh chúng tôi đều im ắng (có thể bọn Mỹ đã đi nghỉ), do vậy chúng tôi đã lên phà qua sông suôn sẻ. Sau đấy các bạn Việt Nam bố trí chúng tôi nghỉ lại tại một ngôi làng ở gần con sông. Chúng tôi ngủ trên những chiếc chiếu. Một giấc ngủ chập chờn không yên sau những gì đã trải qua trong ngày hôm ấy. Đến sáng hôm sau dân chúng địa phương cho chúng tôi biết chiếc phà đêm hôm trước chở chúng tôi qua sông đã nổ tung vì vướng phải thủy lôi nổi trên mặt nước. Bọn Mỹ vào thời gian ấy đã bắt đầu sử dụng rộng rãi loại thủy lôi ấy ở vùng cửa sông của những con sông lớn, tại các bến phà. Chúng tôi được biết, chiếc phà ấy bị nổ khi thực hiện chuyến vượt sông ngay sau khi đưa chúng tôi qua sông. Vậy là một lần nữa chúng tôi lại gặp may.

Vài ngày sau khi về đến địa điểm "thường trú” của mình, chúng tôi nhận được tin là tại khu vực Vĩ tuyến 17, các chiến sĩ tên lửa của Việt Nam thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không 238 lần đầu tiên đã bắn rơi những chiếc máy bay chiến lược B-52. Về sau được biết rõ thêm về những chi tiết của trận đánh ấy.

Sau khi ngụy trang cẩn thận và tuân thủ chế độ tuyệt đối không phát sóng, tiểu đoàn tên lửa phòng không đã kiên trì chờ đợi tại điểm phục kích. Bọn phi công Mỹ vì đã bao nhiêu lần tin vào sự an toàn không bị trừng phạt của mình, nên tốp B-52 gồm 3 chiếc đã thực hiện trận oanh tạc thường lệ vào các mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gần Vĩ tuyến 17 mà không cần sự yểm trợ bằng gây nhiễu. Do vậy, chúng đã phải trả giá: với 2 quả tên lửa phóng đi, các chiến sĩ tên lửa Việt Nam đã bắn rơi 2 chiếc B-52. Một chiếc rơi trong vùng núi trên lãnh thổ Lào, chiếc thứ hai rơi xuống biển, còn chiếc thứ ba thì bỏ chạy.

Không nghi ngờ gì nữa, trong thắng lợi này, yếu tố bất ngờ của trận phục kích đã đóng vai trò to lớn. Ngoài ra khí tài cũng không có sự trục trặc nào. Thắng lợi này là kết quả của những sự nỗ lực chung của các chuyên gia quân sự Liên Xô và Việt Nam.

Rất đáng tiếc, trong trận đánh này không tránh được tổn thất cho bộ khí tài tên lửa phòng không. Trên thực tế bọn Mỹ không thể bình thản chấp nhận thất bại của mình, các máy bay yểm trợ đã hoàn toàn phá hủy bộ khí tài và không thể phục hồi được.

Sau cùng tôi thấy cần phải nêu rõ rằng trong thời gian tham gia chiến đấu tại Việt Nam, các chuyên gia quân sự Liên Xô đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng các phương tiện vô tuyến - ra đa trong chiến đấu và khai thác những phương tiện ấy trong những điều kiện phi chuẩn. Kinh nghiệm này đã giúp phát triển hơn nữa và hoàn thiện các phương tiện tên lửa phòng không của Binh chủng phòng không của Liên Xô.
Tháng 3- 2004
   
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #132 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2009, 10:39:12 am »

RÔXLIACÔVA LIUBỐP IVANỐPNA

Bà sinh ngày 23-6-1939 tại thành phô Sácgiâu thuộc Tuốcmênia.

Năm 1956 bà tốt nghiệp phổ thông ở tỉnh Tam bốp, sau đó bà đã học 2 khóa học của khoa lịch sử Trường Đại học tổng hợp quốc gia Mátxcơva. Bà làm việc tại Viện Hàn lâm không quân mang tên Giucốp ở Mátxcơva.

Từ tháng 3-1967 đến tháng 7-1968 bà phục vụ trong Quân đội Liên Xô, công tác tại Văn phòng Tham mưu trưởng - Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam. 

Từ năm 1971 đến nay bà là chuyên viên cao cấp tại Viện Lịch sử quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Liên bang Nga. 

Bà được tặng thưởng các Huy chương: Lao động vẻ vang, Lao động xuất sắc, Lao động lão thành, 100 năm nguyên soái Giucốp, 200 năm Bộ Quốc phòng nước Nga và Huy chương Hữu nghị của Việt Nam.

NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

Cuối năm 1966 tôi được triệu tập đến Tổng cục 10 Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng Liên Xô và nhận được lời đề nghị sang công tác tại ban tham mưu của Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam.

Tôi chỉ biết về đất nước Việt Nam qua các sách giáo khoa cũng như qua các phóng sự truyền hình về cuộc chiến tranh tàn khốc trên đất nước ấy, nỗi đau và những nỗi khổ cực của nhân dân Việt Nam. Thật khủng khiếp khi nhìn thấy cảnh địa ngục mà bọn Mỹ đã bắt nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình phải gánh chịu. Tưởng chừng tôi phải nêu câu hỏi: liệu tôi có cần đi đến đất nước ấy không, để làm việc trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ? Nhưng tôi đã không nêu ra câu hỏi ấy, vì tôi muốn có một sự giúp đỡ nào đó dành cho nhân dân Việt Nam đánh trả cuộc xâm lược của Mỹ. Nếu ban lãnh đạo Liên Xô đã quyết định gửi đến đất nước ấy các chuyên gia quân sự để giúp Quân đội nhân dân Việt Nam đang chiến đấu thì điều đó là cần thiết, tức là một giọt sức lao động của tôi sẽ được rót vào công cuộc giúp đỡ chung dành cho Việt Nam. Tất cả chỉ có vậy. Vấn đề đã được giải quyết, tôi đã đồng ý.

Không một ai, kể cả gia đình tôi được biết việc tôi được cử sang công tác tại Việt Nam. Tại Đảng ủy của Bộ Thương mại - nơi hồi ấy tôi đang làm việc và là cơ quan cấp giấy nhận xét xuất cảnh cho tôi - người ta rất bất bình vì tôi không nêu tên đất nước tôi sắp tới công tác. Người ta khăng khăng đòi hỏi tôi phải nêu tên đất nước tôi sẽ đến. Người ta bảo rằng có thể tôi đang sửa soạn sang Mỹ.

Sáng hôm sau tôi đành phải báo cáo chuyện này lên Tổng cục 10 Bộ Tổng tham mưu cho Đại tá A. A. Alếchxêép. Cuối ngày hôm ấy một ủy viên trong Đảng ủy của Bộ đã đem đến cho tôi giấy giới thiệu đã được phê chuẩn, không ghi tên nước đến công tác, ngoài ra vị này còn xin lỗi về sự thiếu tế nhị xảy ra hôm trước.

Vào cuối tháng 3-1967 tôi ở trong Đoàn chuyên gia quân sự xuất phát từ sân bay quân sự Sơcalốp bay đến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao cho - theo cách nói tại Tổng cục 10 Bộ Tổng tham mưu.

Chúng tôi đáp máy bay đến Việt Nam vào đêm khuya, chung quanh đều im lặng. Khi vừa từ máy bay bước ra tôi lấy làm kinh ngạc trước cảnh tối như mực, không khí ngột ngạt, nóng bức và nồng nồng. Những người đến đón chúng tôi là các quân nhân Việt Nam và các đại diện ban chỉ huy của phía Liên Xô. Trong số các chuyên gia quân sự đã tới Việt Nam thì ngoài tôi ra không có phụ nữ nào cả. Từ sân bay người ta chở chúng tôi tới khách sạn ở khu Kim Liên. Người ta chuyển những chiếc vali của tôi vào phòng khách sạn và bảo rằng sẽ có người đến đưa tôi đến nơi nhận cộng tác.

Khi còn lại một mình tôi mới ngắm nghía căn phòng mà tôi sẽ phải sống trong một thời gian. Mọi cái đều rất thích, chỉ có một thứ mà tôi không rõ mục đích sử dụng: đó là một tấm vải màn được chằng cột vào những que kim loại ở phía đầu giường. Nhưng vì tôi phải nhanh chóng đến nơi làm việc, cho nên không có thời gian suy nghĩ về chuyện này và tôi đã ngủ thiếp đi. Nhưng đến khi thức dậy và soi vào gương thì tôi không nhận ra mình nữa, vì bị muỗi đốt khắp người. Đến lúc đó tôi đã hiểu chiếc màn cuộn ở phía trên giường là dùng vào việc gì: để khỏi bị muỗi đốt.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #133 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2009, 10:39:56 am »

Vào 7 giờ sáng người ta chở tôi đến nơi làm việc (ngày làm việc bắt đầu từ 7 giờ sáng). Từ 12 giờ đến 13 giờ là giờ ăn trưa, sau đó nghỉ đến 17 giờ, sau 17 giờ lại làm việc tới khuya hoặc đến sáng. Sau bữa ăn trưa nhất thiết phải nghỉ ngơi, vì không khí nóng nực gây mệt mỏi và độ ẩm đạt đến 99%. Cả ngày lẫn đêm nhiệt độ và độ ẩm đều giống nhau, không có chút mát mẻ nào. Thời gian nghỉ ngơi sau bữa ăn trưa có tác dụng lấy lại sức lực đôi chút.

Tôi bắt đầu làm việc ngày đầu tiên trong phòng làm việc của Trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam - đó là Thiếu tướng Grigôri Anđrêêvích Bêlốp. Khi người ta giới thiệu tôi với đồng chí ấy, sau khi nhìn thấy trên khuôn mặt tôi những nốt muỗi cắn chi chít, đồng chí đã tỏ ra rất hốt hoảng và bực tức trước việc người ta đã không báo trước cho tôi biết tính chất nguy hiểm của những vết muỗi đốt ấy và không bảo cho tôi phải nằm màn khi ngủ để khỏi bị muỗi đốt.

Trong cuộc trao đổi với tôi, đồng chí Grigôri Anđrêêvích đã báo trước rằng công việc sẽ bận rộn và phải thực hiện những công việc ấy một cách có chất lượng, nhanh chóng, không kể giờ giấc, bởi vì mỗi tháng có 2 lần thông tin được gửi về Mátxcơva theo đường bưu điện ngoại giao. Để kịp thời chuẩn bị và lập thủ tục mọi giấy tờ tài liệu gửi Bộ Tổng tham mưu cho kịp chuyến bưu điện thường kỳ thì đôi khi tôi phải làm việc suốt từ sáng hôm trước đến tận sáng ngày hôm sau.
Khi sống ở Việt Nam tất cả chúng tôi rất mong chờ những chuyến bưu điện ngoại giao. Đối với chúng tôi ngày nhận bưu phẩm luôn luôn là ngày hội, bởi vì vào những ngày ấy chúng tôi nhận được thư nhà. Không có hình thức liên lạc nào khác với gia đình, với người thân.

Có rất nhiều thư từ gửi cho tất cả các chuyên gia Liên Xô: đôi khi chúng tôi tiếp nhận đến mấy bọc to những thư từ ấy.
Sau một thời gian người ta chuyển chỗ ở của tôi đến một ngôi nhà đã có 4 người đang ở - đó là các cán bộ của Sứ quán. Tất cả chúng tôi sống với nhau rất hòa thuận, giúp đỡ nhau theo khả năng của mình. Nếu có trường hợp nhận được bánh mì đen hoặc cá trích muối thì chúng tôi cũng chia đều cho nhau những thức ăn ưa thích đó và ngày hôm ấy cũng là ngày hội đối với chúng tôi.

Khoảng đầu tháng Tư, lần đầu tiên tôi được nghe thấy còi báo động, mà vẫn chưa hay biết đó là cái gì. Sau đấy từ loa phóng thanh vọng ra những câu như: "Có máy bay Mỹ!" Có máy bay Mỹ!" hóa ra đó là báo động có máy bay Mỹ, còn phát thanh viên thì thông báo máy bay Mỹ đang đến gần, cần vào hầm trú ẩn tránh bom. Trong mỗi sân nhà và trên mỗi đường phố đều có những hầm trú ẩn như vậy. Thuật ngữ "hầm tránh bom" ở đây chưa đúng nghĩa lắm. Trên thực tế đây là cái hố có nắp đậy, sâu khoảng 1 mét rưỡi và đường kính rộng khoảng nửa mét. Chiếc hầm như vậy chỉ vừa chỗ cho khổ người Việt Nam.

Tôi chưa kịp hoàn hồn thì trận oanh tạc đã bắt đầu. Thế là tôi đành phải nhảy xuống một chiếc hầm như vậy. Tôi bắt đầu đậy nắp hầm nhưng không thể đậy được nếu không có sự huấn luyện. Nhưng khi tôi tìm cách đẩy cái nắp hầm gần hơn về phía mình thì mới thấy chiếc hầm quá nông đối với tôi, cho nên đầu tôi thò ra bên trên hầm và không được bảo vệ. Sau khi hiểu ra rằng chiếc hầm sẽ không cứu được tôi, tôi đã chật vật trèo ra khỏi chiếc hầm ấy và chạy ngược trở lại vào nhà. Tại đó cảm thấy yên tâm hơn. Sau trận oanh tạc tôi lại đến nơi làm việc.

Hà Nội bị oanh tạc ban ngày, với khoảng thời gian ngừng ném bom vào giờ ăn trưa, sau giờ nghỉ trưa - đến chiều và đêm thì máy bay lại oanh kích dữ dội. Hàng ngày các phi công Mỹ thực hiện đến 30-40 lần xuất kích. Vào những ngày như vậy cảm thấy rất gian khổ, đặc biệt vào ban đêm. Khi có tín hiệu báo động, tôi và những bạn hàng xóm chồm dậy khỏi chăn, với y phục như lúc ngủ, đứng trong khung cửa lối ra vào phòng ở của mình. Đôi khi những khung cửa ra vào phòng ngủ vẫn còn nguyên vẹn, không bị tường và trần nhà đổ đè vào, cứu thoát được nhiều người. Trong giờ làm việc, khi xảy ra ném bom, tất cả chúng tôi cũng đứng trong các khung cửa phòng, và có rất đông người đứng dưới khung cửa như vậy, khiến cho nhìn từ bên ngoài vào có cảm tưởng là cửa bị lèn chặt.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #134 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2009, 10:40:56 am »

Mỗi khi diễn ra trận ném bom, cảm giác thật khủng khiếp. Tôi cảm thấy chỉ một mình tôi thấy sợ hãi. Có một lần tôi khắc phục sự rụt rè và hỏi đồng chí Thiếu tướng Vlađimia Pêtơrôvích Xensencô, Anh hùng Liên Xô và đã từng tham gia cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, rằng có khi nào đồng chí ấy cảm thấy khiếp sợ không. Đồng chí ấy trả lời rằng có cảm thấy khiếp sợ và thậm chí còn rất khiếp sợ. Chỉ có ai đã chết mới không sợ chết, còn người sống thì luôn luôn sợ chết. Điều đó là tự nhiên.

Sau đấy, ông còn nói rằng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô, khi diễn ra cuộc oanh tạc có thể nấp, chẳng hạn ở góc nhà, trong bụi cây, chạy vào rừng v.v., còn trong cuộc chiến tranh này (tức là cuộc chiến tranh ở Việt Nam) bom trút từ trên không xuống dầy đặc cho nên không nấp hoặc trốn chạy vào đâu được. Bom, và nhất là bom bi, đều gây thương vong cho người ở trong nhà, trong rừng, tóm lại, ở khắp mọi nơi. Con người không có gì và không có nơi nào để tự bảo vệ mình. Do vậy, tại nơi này, xét về phương diện tâm lý, có cảm giác gian khó hơn nhiều.

Sau cuộc trò chuyện ấy, tôi cảm thấy dễ chịu hơn, như trút được tảng đá đang đè nặng người mình. Tôi hiểu ra rằng tôi thấy khiếp sợ không phải vì tôi yếu đuối và là phụ nữ. Hóa ra, ai ai cũng thấy sợ hãi, ngay cả nam giới.

Những đêm không ngủ đã gây ảnh hưởng, đặc biệt sau những trận oanh tạc kéo dài: chẳng muốn uống, cũng chẳng muốn ăn, khi ngồi làm việc thì đôi mắt cứ díp lại vì thiếu ngủ, khi ấy tôi chỉ muốn ngủ, dù chỉ một giờ, nhưng phải làm việc. Không ai cho phép chúng tôi ngừng làm việc vì các trận oanh tạc. Có cả những trận bom phá và bom bi. Tôi nhớ rất kỹ ấn tượng về bom bi. 

Vào một ngày mùa hè đã diễn ra một cuộc ném bom như vậy, khiến giờ đây nhớ lại tôi vẫn còn cảm thấy hãi hùng. Một quả bom bi rơi vào góc ngôi nhà là chỗ ở của các cán bộ thuộc Văn phòng tùy viên quân sự của Liên Xô. Hình như ngôi nhà ấy có ba tầng. Toàn bộ một góc nhà bị phá sập, chỉ còn lại một cái hố sâu, còn toàn bộ bức tường của ngôi nhà thì bị bom bi găm vào lỗ chỗ. Những ngôi nhà bên cạnh và nằm đối diện cũng bị hư hại. May mắn thay, lúc ấy mọi người đều ở nơi làm việc, cho nên không có ai bị chết.

Sau trận bom, chúng tôi đã bước vào một căn phòng của ngôi nhà nằm bên cạnh (trong ngôi nhà này có bố trí trạm y tế của chúng tôi) và nhìn thấy những lỗ bom bi chi chít trên các bức tường có lẽ dày khoảng 40 centimét. Các viên bi vương vãi trên giường, trên bàn và trên sàn nhà. Phía đối diện là những ngôi nhà của các đại diện ngoại giao và ngôi nhà của tôi. Tôi chợt nghĩ: "Không biết giờ đây căn phòng của tôi ra sao?". Khi bước vào căn phòng ấy tôi nhìn thấy cảnh tượng thế này: máy điều hòa bật ra khỏi tường và văng ra ngoài đường cách xa 3 mét, tủ lạnh thì lăn lóc ở cuối phòng, cạnh bức tường đối diện, các khung cửa vỡ nát với những mảnh kính nằm vung vãi trên sàn, các cánh cửa cũng vậy. Không thể nào bình thản nhìn cảnh tượng này. Vậy mà thời gian của chuyến công tác biệt phái chỉ mới bắt đầu...

Một thời gian sau có tin đồn bọn Mỹ rải truyền đơn trong đó nói đến những cuộc ném bom hủy diệt thành phố Hà Nội, sau đấy chúng sẽ phá đê sông Hồng để nhấn chìm tất cả dân cư và mọi thứ. Những việc đó sẽ diễn ra nhanh chóng đến nỗi chúng tôi sẽ không kịp rút chạy đi đâu cả. Tôi đã hình dung ra cảnh bị chìm ngập dưới nước.

Tôi không biết bơi, vì vậy tôi đã ngắm nghía một cây cao có những bông hoa đỏ mọc cạnh ngôi nhà tôi ở và một cành cây to trên ấy, để khi cần sẽ trèo lên, dĩ nhiên là nếu tôi còn kịp làm việc đó. Tôi nghĩ, việc làm ấy sẽ không cứu được tôi nhưng tôi chuẩn bị cho mình về mặt tâm lý để sẵn sàng cho "lối thoát" ấy. May thay, điều đó đã không xảy ra. Máy bay Mỹ ném bom cả ngày lẫn đêm nhưng các chiến sĩ tên lửa Việt Nam với sự giúp đỡ của các chuyên gia quân sự Liên Xô, đã không để cho bọn Mỹ ném bom phá sập đê sông Hồng. 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #135 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2009, 10:41:44 am »

Những cuộc ném bom dữ dội diễn ra đặc biệt vào tháng 5-1967 vì gần đến ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và thế là ngày ấy đã đến, ngày 19 tháng Năm. Máy bay Mỹ bắn phá từ sáng, tôi vất vả lắm mới tới được Sứ quán, đi trên đường thật là sợ hãi, đất rung chuyển, từ trên cao tới tấp rơi xuống những mảnh đạn cao xạ. Nhưng tôi luôn luôn đội trên đầu chiếc mũ sắt mà tôi được tặng vào ngày 8-3 và không rời nó cả ngày lẫn đêm. Trên đường đi đến nơi làm việc tôi cũng đội mũ sắt. Máy bay liên tục ném bom cho đến giờ ăn trưa, sau đó như mọi khi, chúng nghỉ giải lao. Thế là chúng tôi kịp ăn trưa tại nhà ăn, nhưng rồi sau giờ nghỉ trưa lại bắt đầu những gì mà tưởng như đã đến ngày tận thế.

Sau đó một lúc chúng tôi ngó ra ngoài đường và nhìn thấy ở trên bầu trời, cách ngôi nhà của chúng tôi không xa, một chiếc máy bay Mỹ bốc cháy đang từ từ rơi xuống. Chiếc máy bay ấy có thể đâm vào đâu thì không ai biết: rơi vào ngôi nhà chúng tôi hay là rơi vào ngôi nhà bên cạnh. Tưởng chừng chiếc máy bay ấy rơi thẳng xuống đầu chúng tôi. Chúng tôi nhìn lên bầu trời và bắt đầu vĩnh biệt cuộc đời. Chỉ một giây nữa là chúng tôi có thể sẽ không còn nữa nếu chiếc máy bay ấy nổ tung. Không chỉ đối với chúng tôi đang sống trong ngôi nhà ấy, mà còn đối với tất cả ở chung quanh nếu máy bay rơi xuống cùng với cái bụng đầy bom.

Chiếc máy bay ấy cứ rơi thấp dần, lao về phía ngôi nhà chúng tôi ở và Câu lạc bộ quốc tế, mà ở phía sau Câu lạc bộ là Sứ quán Liên Xô. Chúng tôi nín thở và nhìn về phía có một tiếng nổ mạnh khủng khiếp đến nỗi trong vài giây tôi đã không còn nghe được gì nữa. Sau khi trấn tĩnh, tất cả chúng tôi đều chạy đến chỗ đang bốc lên ngọn lửa cháy dữ dội. Khi chạy tới nơi, chúng tôi nhìn thấy máy bay rơi xuống đường phố ngay cạnh tường rào của Sứ quán Liên Xô, cắm sâu xuống đất, bên trên chỉ còn nhìn thấy những chiếc cánh của nó.

May mắn là nó không rơi thẳng vào Sứ quán và khoang chứa bom cũng đã cạn. Nhưng trong các bình nhiên liệu của nó lại có kêraxin (xăng nhẹ), do vậy loại nhiên liệu này bốc cháy. Nhưng điều đó không còn khiến người ta sợ hãi nữa. Sức ép đã làm cho trần nhà bong ra và kính trong một số phòng của Sứ quán văng ra ngoài. May mắn là không có thương vong.

Chúng tôi chưa kịp trấn tĩnh thì địch lại ném bom và có tin đồn rằng thế nào máy bay Mỹ cũng sẽ ném bom phá hủy đê.
Một lúc sau Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô, Thiếu tướng G. A. Bêlốp đến gặp tôi và ra lệnh xuống hầm tránh bom ở cách Sứ quán không xa, trong khuôn viên Cơ quan đại diện thương mại Liên Xô. Tôi đã nhanh chóng chạy tới đó, lần đầu tiên tôi trông thấy một căn hầm tránh bom thật sự và liền chui xuống đó. Ở trong hầm tránh bom đã có nhiều người rồi. Chúng tôi ngồi ở dưới đó rất lâu ở phía trên nghe thấy tiếng nổ lớn làm rung chuyển trần nhà, tường nhà, mặt đất và tất cả mọi vật chung quanh. Sau đó mọi cái dần dần lắng xuống. Có ai đó bạo dạn quyết định ló mặt ra ngoài phố. Sau đó anh ta trở vào hầm trú ẩn và vui mừng báo tin rằng đã bắt đầu trận mưa rào rất to và có thể sẽ bớt những cuộc oanh tạc, bởi vì khi bầu trời nhiều mây thì tầm nhìn sẽ giảm. Quả thật vậy, máy bay Mỹ nhanh chóng bay đi theo hướng chúng đã xuất phát, nghĩa là bay về hướng vịnh Bắc Bộ, trở về các tầu sân bay.

Chúng tôi rất đỗi vui mừng vì cơn mưa này. Kể từ ngày ấy bắt đầu có những cơn mưa kéo dài, còn chúng tôi ước những cơn mưa ấy không bao giờ chấm dứt.

Chúng tôi sống ở Việt Nam trong điều kiện có những trận bom dữ dội, sự nóng bức không thể chịu nổi và độ ẩm cao, tựa hồ như suốt cả ngày chúng tôi ngồi trong buồng tắm hơi. Ngay cả những chiếc ghế đá đặt ngoài đường phố cũng ướt vì hơi nước đọng lại. Trên người chúng tôi quần áo lúc nào cũng ướt sũng, chứ không chỉ bị ẩm, dính chặt vào lưng vì mồ hôi. Còn mồ hôi thì chảy dọc theo sống lưng và theo các ngón tay rồi nhỏ xuống đất. Trên những ngón tay thường xuyên có những giọt mồ hôi. Mồ hôi làm cho da xót bị cháy rát, như thể đụng phải lá han.

Ngoài tất cả những điều đó ra lại còn những vết muỗi đốt, những con dĩn. Số lượng chúng nhiều vô kể, bay thành từng đàn. Tất cả những chỗ nào không có quần áo che đậy đều bị muỗi cắn khắp lượt. Đặc biệt vì lý do nào không rõ chúng rất thích đốt vào bàn chân phụ nữ. Chúng tôi không có các loại kem bôi chống muỗi - khi còn ở Mátxcơva không có ai cho chúng tôi biết về chuyện này. Đôi khi các đồng chí làm công tác địa chất có chia sẻ với chúng tôi loại kem bôi "Taiga" có tác dụng khoảng 2 giờ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #136 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2009, 10:43:09 am »

Sau những trận bom kéo dài làm cho tôi không thiết ăn uống, độ ẩm cao, tình trạng nhiều mồ hôi và những vết muỗi đốt đã khiến tôi cảm thấy tim bị đau, hệ thống tiêu hóa hoạt động kém, các mu ngón tay thì sưng tấy lên. Các bác sĩ quân y Ivanốp Alếchxây Ivanôvích và Pêrêguđốp Ivan Ghêóocghiêvích (nay đã qua đời) đã khẩn khoản khuyên tôi trở về Mátxcơva để tình hình sức khoẻ không xấu thêm. Tôi đã từ chối việc trở về Mátxcơva với lý do là: Tôi sẽ nói gì ở Mátxcơva? Có phải vì tôi không đảm đương nổi nhiệm vụ? Tôi không thể chấp nhận điều đó, dù họ thuyết phục tôi như thế nào cũng mặc.

Tôi đã đồng ý mọi phương pháp điều trị mà họ đề xuất. Người ta bắt đầu tiêm cho tôi, cho uống các loại thuốc viên, bôi kem và băng lại những ngón tay bị sưng tấy. Tôi cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng tôi vẫn không tháo băng trong một thời gian dài. Vì vậy một số người khi chào tôi, không dám bắt tay nữa vì tưởng rằng tôi bị bệnh truyền nhiễm gì đó. Để xua tan điều nghi ngại ấy, đôi khi tôi đã phải tháo băng ra, để lộ những ngón tay sưng vù. Tôi rất biết ơn các bác sĩ A. I. Ivanốp và I. G. Pêrêguđốp. Họ đã làm tất cả những gì có thể để tôi có thể hoàn thành tốt nghĩa vụ quốc tế, nhờ đó mà tôi đã được Chính phủ Liên Xô tặng Huy chương Lao động vẻ vang. Trong suốt thời gian chiến tranh ở Việt Nam tôi là phụ nữ duy nhất trong Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô được Chính phủ khen thưởng.

Vào các ngày lễ chúng tôi nhận được những lời chúc mừng của Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô: nhân ngày Quân đội Xôviết, 23-2-1968, chúng tôi được ông tặng quà, còn vào ngày 8-3 thì tôi nhận được bức thiệp chúc mừng của Anh hùng Liên Xô Alếcxây Pêtơrôvích Marêxiép. Đối với tôi đó là niềm vui lớn, vì chúng tôi được giáo dục qua những cuốn sách kể về các anh hùng của chiến tranh. Cuốn sách kể về người phi công huyền thoại ấy - "Một người chân chính" của nhà văn Bôrít Pôlêvôi là một trong số những cuốn sách tôi yêu thích nhất.

Mỗi năm hai lần người ta chở hoa quả đến cho chúng tôi bằng tàu biển từ "Đất Mẹ", như cách nói của chúng tôi. Chúng tôi mua những hoa quả ấy với số lượng đủ dùng cho tới chuyến tàu tiếp sau đó. Chủ yếu đó là những hoa quả đóng hộp. Đôi khi người ta cũng còn cấp cho chúng tôi những món "khoái khẩu”: bánh mì đen đựng trong túi nilông kín để khỏi bị cứng lại, bánh sấy đựng trong các hộp kim loại. Đối với chúng tôi những thứ đó quý giá và ưa thích hơn là trứng cá, cua hộp và các loại giò đắt tiền. Có một lần người ta chở táo tới. Chúng tôi thèm nhỏ nước miếng và chờ người ta đưa táo vào cửa hiệu. Mùi thơm tỏa ra khắp phố gợi nhớ hương vị của quê hương, hương vị như ở nhà. Mà những quả táo ấy sao mà ngon đến thế, tưởng chừng như trước đó tôi chưa được ăn chúng bao giờ.

Tôi cũng chia sẻ hoa quả với các bạn Việt Nam vẫn làm công việc dọn dẹp trong nhà. Những người làm công việc dọn dẹp trong nhà đều là các chị phụ nữ, đôi khi họ còn đưa các cháu nhỏ con của họ tới. Một lần có một chị đã đem đứa con trai của mình tới: cháu học lớp 4. Chị ấy nói tôi có thể nói tiếng Nga với cháu bé. Tôi hỏi cậu bé tên là gì học lớp mấy, có các anh chị em không. Cháu bé trả lời tôi rất thạo bằng tiếng Nga và sau cùng còn nói rằng cậu ấy muốn được nhìn thấy Mátxcơva và Quảng trường Đỏ. Tôi khen cậu bé nói thạo tiếng Nga và tặng cậu những chiếc kẹo.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #137 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2009, 10:43:20 am »

Người dân Hà Nội có tình cảm tốt với chúng tôi. Nhiều người trong số họ hiểu được tiếng Nga. Các em nhỏ đặc biệt có tình cảm tốt với chúng tôi. Nhiều lúc, tôi đi trên đường phố, mấy cháu nhỏ đi theo và hô: "Liên Xô! Liên Xô!".

Bọn trẻ ngắm nghía kỹ chúng tôi. Mỗi cháu đều muốn đụng vào người bác Liên Xô. Trong chiến tranh trẻ em trông già dặn hơn tuổi. Những em lớn hơn thì chăm sóc cho những em nhỏ hơn. Ngay khi vừa rú còi báo động có máy bay địch và bắt đầu xảy ra trận ném bom thì các em nhiều tuổi hơn liền cắp các em bé nhỏ hơn vào nách và nhảy xuống hầm trú ẩn cá nhân ở ven đường. Trên đường phố không còn một ai, các con phố thực sự trở nên vắng tanh. Nét mặt của bọn trẻ thay đổi hết sức nhanh mỗi khi chúng nghe thấy tiếng động cơ của máy bay Việt Nam (máy bay Liên Xô) và động cơ của máy bay Mỹ. Ánh mắt của chúng tỏ ra hết sức sợ hãi khi máy bay Mỹ đến gần Và khi thấy những chiếc MIG bay qua chúng nhìn dõi theo với biết bao niềm hy vọng trìu mến!

Tháng 3-1968 là thời điểm kết thúc chuyến công tác biệt phái của tôi. Tôi phải chuẩn bị cho chuyến trở về nước. Tôi bắt đầu đóng gói đồ đạc. Rồi tháng Ba, tháng Tư và tháng Năm trôi qua, nhưng vẫn chưa có người thay tôi. Người ta nói cho tôi biết rằng ở Mátxcơva đã làm thủ tục cho người thay tôi, nhưng vào phút chót người ấy đã từ chối sang Việt Nam, bởi vì không ai muốn đi đến một nơi có những điều kiện như vậy. Những tháng chờ đợi trôi qua rất lâu.

Tháng Bảy đã tới. Một lần vào cuối ngày làm việc, Trung tướng V. N. Abramốp (nay đã qua đời), là người tới thời điểm ấy đã sang thay Thiếu tướng G. A. Bêlốp, triệu tập tôi đến phòng làm việc của ông và cho biết Chính phủ Việt Nam đã tặng tôi huy chương, ông cho biết ngày trao tặng phần thưởng này. Ngày ấy đã đến. Nhân dịp trao tặng phần thưởng người ta đã tổ chức một buổi chiêu đãi nhỏ. Cục trưởng Cục quan hệ đối ngoại Bộ Tổng tham mưu Việt Nam đã tiếp tôi cùng các sĩ quan trong Ban tham mưu của Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô, do Đại tá A. I. Xiđiacô dẫn đầu, và đã trao cho tôi tấm Huy chương Hữu nghị của Việt Nam. Tất cả diễn ra trong bầu không khí long trọng và hứng khởi. Trong buổi chiêu đãi ấy tôi đã được nghe nhiều lời tốt đẹp về tôi. 

Cuối cùng, vào cuối tháng Bảy, đã có người đến thay tôi. Vậy là thay vì một năm, tôi đã làm việc tại Việt Nam một năm và 4 tháng.

Sau khi trở về Mátxcơva, một tháng sau tôi lại được cử sang một đất nước mới mẻ đối với tôi - Tiệp Khắc. Tại đó đã bắt đầu diễn ra các sự kiện khác mà chúng ta đã biết - những sự kiện tháng 8-1968. Nhưng đó là chủ đề của những hồi ức khác...

Từ đó đến nay đã gần 35 năm trôi qua. Có nhiều điều đã bị lãng quên, duy chỉ có chuyến công tác biệt phái sang Việt Nam thì tôi không bao giờ có thể quên được. 
Tháng 6- 2003
.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #138 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2009, 10:44:19 am »

ĐẠI TÁ
VÔRÔNỐP BÔRÍT ALẾCHXANĐRÔVÍCH

Ông sinh ngày 18-4-1921 tại thành phố Pêtơrôgrát.

Năm 1939 ông tốt nghiệp Trường pháo binh chuyên nghiệp Lêningrát, mùa xuân 1941 ông tốt nghiệp Trường pháo binh Cờ đỏ Lêningrát và được bổ nhiệm làm trung đội trưởng trong trung đoàn pháo binh thuộc sư đoàn bộ binh.

Từ ngày 22-6-1941 đến ngày 9-5-1945 ông đã tham gia cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại với những chức vụ chỉ huy và tham mưu khác nhau.

Ông đã tham gia các trận đánh gian khổ làm kiệt sức mọi người như thời gian bảo vệ Crưm, Mátxcơva và các thành phố Xapôrôgiê, Rútxa Cổ, Bêlưi tham gia giải phóng các thành phố Ennhi, Xmôlenxcơ, Velikie Luca, Riga và những thành phố khác.

Từ tháng 8-1944 đến mùa xuân 1945 ông chiến đấu trong thành phần Quân đoàn Ba Lan trong chiến dịch giải phóng Vácsava.

Ông đã ba lần bị thương nặng trong chiến đấu và đã hai lần bị thương đến bất tỉnh.

Khi kết thúc chiến tranh, ông có mặt tại Béclin với quân hàm Thiếu tá. Sau chiến tranh ông tiếp tục phục vụ trong quân đội với các chức vụ chỉ huy và tham mưu khác nhau tại thành phố Brét, sau đó ở Viễn Đông, Camsátca.

Năm 1950 ông vào học tại Học viện pháo binh mang tên Giécginxki. Sau khi tốt nghiệp năm 1955 ông được cử giữ chức chỉ huy trung đoàn tên lửa phòng không, sau đó được bổ nhiệm làm tham mưu trưởng tại một căn cứ tên lửa, trưởng ban tác chiến trong Bộ tham mưu Quân khu phòng không Mátxcơva.

Từ tháng 6-1967 đến tháng 4-1969, ông tham gia chiến đấu tại Việt Nam, với chức vụ Tham mưu trưởng của Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô.

Từ năm 1969 đến 1975 ông giữ chức Tham mưu trưởng kiêm Phó chỉ huy Quân đoàn phòng không Brianxcơ. Sau khi xuất ngũ ra khỏi Lực lượng vũ trang Liên Xô vào năm 1975, ông đã công tác 10 năm tại Bộ Xây dựng Liên Xô.

Ông đã được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ, Huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng I, 2 Huân chương Sao đỏ, Huân chương Gruynvanđi và Huy chương Chiến công của Ba Lan, Huân chương Chiến công hạng II của Việt Nam và được tặng thưởng 20 huy chương, trong đó có các Huy chương "Chiến công” ,“Vì công cuộc phòng thủ Mátxcơva”, "Vì chiến đấu giải phóng Vacsava", "Vì đã tham gia đánh chiếm Béclin" và Huy chương Hữu nghị của Việt Nam.

Ông mất ngày 16-11-1996.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #139 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2009, 10:45:18 am »

NHỮNG GHI CHÉP CỦA THAM MƯU TRƯỞNG ĐOÀN CHUYÊN GIA QUÂN SỰ LIÊN XÔ TẠI VIỆT NAM

Tháng 5-1967 tôi được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam. Sau khi làm xong mọi thủ tục cho chuyến xuất ngoại, ngày 9-6-1967 tôi đến Việt Nam trên một máy bay vận tải quân sự. Đi với tôi trên máy bay này còn có một nhóm chuyên gia lắp ráp thuộc một nhà máy chế tạo máy bay đã cung cấp cho Việt Nam những chiếc máy bay tiêm kích, ngoài ra còn có các bác sĩ quân y sang Việt Nam để thay thế các đồng chí đã mãn hạn công tác tại đây. Sau mấy giờ bay chúng tôi hạ cánh xuống thành phố Ômxcơ, lấy thêm nhiên liệu và sau 3 giờ bay đã hạ cánh ở Iếccút. Chúng tôi lưu lại ở đây một ngày và sáng ngày 11-6 thì cất cánh bay đến Bắc Kinh.

Tại Bắc Kinh đã có sự chậm trễ vì những nguyên nhân không rõ. Người Trung Quốc bảo là Hà Nội đang bị ném bom, nhưng về sau chúng tôi được biết đã không có chuyện đó. Chúng tôi nghỉ qua đêm tại khách sạn của sân bay, dùng bữa tại nhà ăn của khách sạn. Ở Trung Quốc thời kỳ ấy là đỉnh điểm của cái gọi là "Cách mạng văn hoá". Ngoài chúng tôi ra, hầu như không có khách trong sân bay. Trong cả ngày hôm ấy chỉ có hai máy bay Trung Quốc IL- 14 và một chiếc AN-8 hạ cánh xuống sân bay này với một vài hành khách. Người Trung Quốc ăn mặc rất nghèo nàn. Lính biên phòng Trung Quốc và các nhân viên trong sân bay đã có thái độ đúng mực đối với chúng tôi, thậm chí có thể nói rằng với thái độ hoan nghênh, nhưng họ không lộ thái độ này với những đồng bào của mình.

Sau chót, vào buổi chiều ngày 12-6 chúng tôi bay đến Việt Nam và vào lúc 20 giờ theo giờ Hà Nội - chúng tôi hạ cánh xuống sân bay quân sự Nội Bài cách Hà Nội 40 kilômét.

Lúc ấy là đêm tối của vùng nhiệt đới. Trời có mây, nhiệt độ không khí là +33oC. Có vài chiếc đèn pha chiếu sáng khu vực sân bay. Chúng tôi vừa bước ra khỏi máy bay thì nghe thấy còi báo động? Lập tức người ta tắt đèn, thế là mọi cái chìm vào bóng tối đen kịt. Có một máy bay trinh sát của Mỹ bay qua. Sau đó vài phút người ta cho bật vài chiếc đèn pha nhỏ.

Ra đón chúng tôi có đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Bộ Tư lệnh phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam, ngoài ra còn có đại diện Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cũng chiếc máy bay ấy đưa tốp chuyên gia quân sự Liên Xô đã mãn hạn công tác tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở về nước. Sau khi máy bay được bốc dỡ hành lý và sau khi chia tay với những đồng chí trở về Liên Xô, chúng tôi lên xe về Hà Nội.
Ngay khi về tới nơi chúng tôi đã phải bắt tay vào công việc khó khăn và nặng nề giải quyết những nhiệm vụ phức tạp được đặt ra cho các chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam.

Tôi tiếp nhận công việc do Đại tá N. I. Vancôvích bàn giao trước khi đồng chí trở về Liên Xô. Chính phủ Việt Nam đã tặng thưởng đồng chí ấy Huân chương Lao động hạng II, Huy Chương Hữu nghị, còn Bộ Quốc phòng tặng đồng chí ấy Huy hiệu "Chiến thắng trận đầu - 5-8" (ngày 5-8-1964 các chiến sĩ tên lửa Việt Nam đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên đến ném bom Bắc Việt Nam) và trao cho đồng chí ấy con dao của tên phi công Mỹ bị bắn rơi làm kỷ niệm.

Ở Việt Nam Dân chủ cộng hòa các chiến sĩ tên lửa là những người nổi tiếng nhất. Khi tiểu đoàn tên lửa phòng không xuất hiện dù bất kỳ ở đâu, thì dân chúng địa phương cũng dành cho họ sự quan tâm và chú ý đặc biệt. Họ tình nguyện đào hào, đắp tường che chắn, giúp ngụy trang các trận địa hỏa lực. Dân quân địa phương tổ chức canh gác suốt ngày đêm khu vực có các trận địa chiến đấu của các chiến sĩ tên lửa, họ tạo ra những lá chắn vững chắc chống bọn gián điệp và bọn phá hoại của địch.

Người Việt Nam gọi tên lửa Liên Xô là "Rồng lửa". Khi thấy trên bầu trời có tên lửa bắn rơi máy bay Mỹ họ tự hào hô lớn: "Tên lửa của ta đó!".

Các nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô thuộc binh chủng tên lửa phòng không - không quân và các binh chủng khác đều có mặt và làm việc cùng các quân nhân Việt Nam trực tiếp trong các đơn vị quân đội trên các trận địa chiến đấu và trong các sân bay. Các tiểu đoàn tên lửa phòng không thuộc Binh chủng phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam đã được huấn luyện và tự thể hiện được khả năng của mình qua các trận chiến đấu thì chủ yếu có mặt tại các trận địa phòng không tại các khu vực cửa ngõ Thủ đô Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thành phố Hà Nội và khu vực cửa ngõ hải cảng lớn nhất của đất nước là thành phố Hải Phòng. Một số tiểu đoàn tên lửa phòng không tác chiến theo kiểu phục kích.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM