Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 24 Tháng Năm, 2024, 02:48:38 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mười vị đại tướng Trung Quốc - Những điều chưa biết - Tập 1  (Đọc 5385 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2023, 12:34:26 pm »


Then chốt của chiến trường này là xem có giữ được Huỳnh Kiều hay không. Chỉ cần Huỳnh Kiều còn nằm trong tay Hồng quân, thì cánh quân tám mươi chín của địch không thể chia quân đi tăng viện. Trái lại, nếu thất thủ, thì hai cánh quân của địch cách nhau không hơn mười cây số, chỉ cần mười phút sau là họ có thể kéo tới chiến trường để tăng viện, và cánh quân phục kích của ta sẽ trở thành cánh quân bị họ bao vây.

Dùng một nghìn người để cố thủ, đánh lui quân địch gần một vạn người, thử hỏi nhiệm vụ đó khó khăn tới chừng nào? Sau khi đã bàn bạc xong, Trần Nghị trú đóng tại mặt Tây Huỳnh Kiều là Nghiêm Từ Trang, để chỉ huy toàn cục. Túc Dụ sẽ tọa trấn tại Huỳnh Kiều, và trực tiếp chỉ huy các cánh quân tại chiến trường này.

Sau khi bố trí đâu vào đấy, các bộ đội đều nhanh nhẹn tới các địa điểm chỉ định, để chuẩn bị nghênh đón một trận ác chiến sắp xảy ra. Trận đánh này là một trận đánh sống chết giữa ta và địch, thành bại ra sao thật khó ai đoán trước. Bộ chỉ huy cũng thanh lý hết tất cả các văn kiện và sẵn sàng chiến đấu tới giọt máu cuối cùng.

Túc Dụ tọa trấn tại Huỳnh Kiều, đã bố trí phòng ngự thật chu đáo. Căn cứ vào tình huống tuyến phía Tây và phía Nam sẽ không phái một binh sĩ nào tới tiếp ứng, và chỉ để cho nhân viên hậu cần đảm nhiệm công việc cảnh giới. Còn về phía Bắc, thì chỉ để một tiểu đội quan sát địch tình. Ngoài ra, tất cả chủ lực đều tập trung vào cửa phía Đông.

Buổi sáng ngày bốn tháng mười, cánh quân tám mươi chín gồm ba mươi ba sư của địch kéo tới dưới thành Huỳnh Kiều, và cuộc chiến đã mở màn. Một khi tiếng súng đã bắt đầu nổ giòn, thì tất cả những tia mắt của mọi người ở phía Bắc Giang Tô đều tập trung vào trận đánh nhau tại Huỳnh Kiều.

Cánh quân "Đệ Bát Lộ Quân" Nam tiến đang đóng tại Liên Thủy cách đó khá xa, vì không biết thủy chiến, nên không có cách nào tăng viện được. Họ có sức mạnh, nhưng lại không sử dụng được sức mạnh của mình, mà chỉ đóng yên tại chỗ để chờ nghe tin chiến thắng. Riêng cánh quân trung lập của Lý Minh Dương thì tuyên bố không đón bất cứ người khách nào tới thăm, và ra lệnh cho quân báo cáo về tình hình chiến sự ở ngoài mặt trận từng giờ từng phút, để họ quyết định xem chừng nào bỏ rơi thái độ trung lập. Ngoài ra, một cánh quân trung lập khác là binh đoàn số tám du kích (tức Tổng đoàn cảnh sát thuế vụ) thì cũng phái người đến sát bờ sông, để theo dõi tình hình chiến sự bên kia sông. Riêng quân ngụy cũng phái trinh sát đến gần Huỳnh Kiều, để theo dõi chiến sự của đôi bên.

Đúng là hai người đánh nhau, bao nhiêu người vây quanh để nhìn. Một khi Hồng quân bất lợi, thì trước tiên là hai cánh quân trung lập sẽ ào tới tiến công, và ngụy quân của Nhật Bản cũng thừa gió bẻ măng. Như vậy, tình hình ở phía Bắc Giang Tô sẽ trở thành nguy kịch chưa từng có.

Giữa khói súng mù mịt, giữa sự thay đổi không ngừng ngoài chiến trường, với tư thế của một vị chỉ huy, cần phải hết sức bình tĩnh để tính toán. Trong khi tại phía Đông thị trấn Huỳnh Kiều đánh nhau bất phân thắng bại, thì Túc Dụ được tin báo cánh quân của Ông Đạt đã tiến về phía Huỳnh Kiều, và yêu cầu cho lệnh nổ súng. Túc Dụ trong lòng đã hiểu, trận đánh này bắt đầu nổ súng, là phải vận dụng toàn lực mới thành công. Thời cơ phải thực ăn khớp, nếu sớm quá, thì kẻ địch sẽ thối lui mà chạy thoát, trái lại, nếu chậm quá, thì kẻ địch sẽ tới sát chân thành Huỳnh Kiều. Túc Dụ không chú ý đến đạn pháo đang bay vèo vèo trong không khí, nhanh nhẹn lên lầu cao trên đầu thành để dùng kính viễn vọng nhìn kỹ cánh quân của địch.

Túc Dụ phán đoán cánh quân đi đầu của địch còn cách Huỳnh Kiều ba cây số, ông tính nhẩm trong đầu: giữa hai tên lính đi cách nhau một mét rưỡi, vậy ba ngàn tên địch, sẽ đi trên một con đường dài là tám cây số. Từ Huỳnh Kiều đến nơi trú đóng của lữ độc lập số sáu là hai mươi kilômet. Như vậy, quân địch đã hoàn toàn lọt vào vòng phục kích của Hồng quân rồi. Đây chính là thời điểm nổ súng. Túc Dụ bèn dùng điện thoại trưng cầu ý kiến của Trần Nghị, và được Trần Nghị đồng ý. Thế là ông bèn quả quyết ra lệnh nổ súng!
Tung đội số một và số hai đang mai phục hai bên đường, đã sẵn sàng chờ lệnh tác chiến. Cho nên, vừa được lệnh là họ chẳng khác chi một bầy cọp dữ, từ trên núi lao xuống, cắt đứt hơn ba ngàn quân của địch ra thành mấy đoạn, rồi bắt đầu hỗn chiến tiêu diệt. Sau ba tiếng đồng hồ đánh nhau, họ đã hoàn toàn tiêu diệt lữ đoàn độc lập số sáu của địch. Tướng chỉ huy lữ này quá tuyệt vọng, nên dùng súng tự sát.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2023, 12:35:06 pm »


Đoàn quân tám mươi chín của địch được tin lữ đoàn độc lập số sáu bị bao vây thì hết sức kinh hoàng. Vì họ biết rõ tình hình trước mắt: chỉ cần lấy được Huỳnh Kiều, thì chẳng những giải vây được cho lữ đoàn độc lập số sáu, mà còn có thể bao vây chia cắt để tấn công căn cứ quân địch. Do vậy, họ không kể chi tất cả, tập trung sức mạnh của toàn quân xung phong tiến lên và nã pháo dữ dội. Tất cả công sự của Hồng quân gần như bị phá hủy, quân giữ Huỳnh Kiều phải động viên mọi lực lượng để chiến đấu: quân sĩ làm vệ sinh, làm bếp, tải thương, đều phải cầm vũ khí đánh nhau. Cuộc chiến đấu đã tiến tới mức quyết liệt chưa từng có bao giờ. Quân địch đã đột phá được một vài trận địa, và xông thẳng vào cửa Đông, tình thế hết sức nguy cấp.

Túc Dụ đang chỉ huy tại tiền tuyến, bèn la to lên:

— Hỡi các đồng chí! Bộ đội Giang Nam tăng viện đã đến rồi kia!

Kỳ thực thì bộ đội Giang Nam chỉ đưa đến có một tiểu đoàn, và hãy còn cách xa đến hai mươi dặm. Nhưng, qua tiếng la to đó, chẳng những trấn tĩnh được tinh thần của toàn quân, mà còn làm cho sĩ khí tăng cao lên bội phần. Viên tư lệnh "tung đội ba" và Đào Dũng, tham mưu trưởng là Trương Chấn Đông, đều cởi bỏ áo ngoài, tay cầm đại đao, dẫn binh sĩ xung phong vào toán địch đã tiến được vào thành chém giết. Sau mộl lúc sát phạt, họ đã đẩy lui được toán quân sĩ này trở ra ngoài.

Thế là thành Huỳnh Kiều rắn như đá, vẫn đứng vững như đồng.

Quân địch sau mấy đợt xung phong vô hiệu, đã bắt đầu hoang mang. Lúc bấy giờ đã là sáu giờ chiều, màn đêm bắt đầu buông xuống. Hai tung đội số một và số hai tiêu diệt xong lữ đoàn độc lập của Ông Đạt, bèn phi ngựa nhanh như gió, bất kể đêm khuya, tiến tới bao vây đoàn quân tám mươi chín của địch. Lý Thủ Duy thấy vậy, bắt buộc phải triệt thoái. Nhưng thời gian đã quá chậm, Hồng quân đã bao vây được quân địch, và qua suốt một đêm chiến đấu, đã tiêu diệt được lực lượng chủ lực của địch là sư đoàn ba mươi ba, và lữ đoàn 349, Lý Thủ Duy trên đường bỏ chạy, đã bị rơi xuống hố nước sâu hơn ba mét, và bị chết đuối.

Hồng quân thừa thắng truy kích, tiến chiếm luôn Hải An và một số địa điểm chiến lược. Hàn Đức Cần chẳng những bị thua, mà lại lỗ cả vốn liếng, dẫn hơn một ngàn tàn binh, chạy tuốt về hang ổ của mình và Hưng Hóa để thủ.

Cuộc quyết chiến tại Huỳnh Kiều đã dẫn tới sự thắng lợi toàn diện của "Tân Tứ Quân", và sự thất bại triệt để của quân Quốc dân đảng ngoan cố, xem như đã kết thúc. Trận đánh này đã đặt nền tảng vững chắc cho địa vị lãnh đạo kháng Nhật của Đảng Cộng sản ở Giang Tô, củng cố căn cứ địa kháng Nhật tại phía Bắc Giang Tô, làm cho sự liên hệ giữa các căn cứ địa kháng Nhật tại Giang Nam, Hoa Bắc, Lưỡng Hoài, đều được chặt chẽ hơn, đồng thời, dấy lên một cao trào kháng chiến mới tại vùng Hoa Trung. Trong không khí đại thắng lợi này, Trần Nghị đã cao hứng làm một bài thơ như sau:

Thập niên chinh chiến kỷ nhân hồi,
Hựu kiến đồng sài tính mã quy.
Giang Hoài Hà Hán kim thùy thuộc?
Hồng kỳ thập nguyệt mãn thiên phi.


Dịch:

Mười năm chinh chiến mấy ai về,
Lại thấy bọn mình hồi mã kia.
Giang Hoài, Hà Hán nay ai giữ?
Tháng Mười cờ đỏ rợp trời khuya.


Là một viên chỉ huy trong trận quyết chiến kinh hồn này, Túc Dụ đã trù hoạch thật thích hợp, chỉ huy kịp thời, dụng binh như thần, bộc lộ rõ ràng nghệ thuật chỉ huy quân sự cao siêu của ông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2023, 12:36:07 pm »


Có một chiến dịch, mà sau đó mấy mươi năm những người từng tham gia tác chiến, những người nghiên cứu lịch sử quân sự, những đồng bào từng có mặt tại chiến trường, đều nhắc nhở mãi không biết chán. Đó là chiến dịch tại miền trung tỉnh Giang Tô, từng làm cho quân địch kinh hồn khiếp đảm, xảy ra hồi thời kỳ chiến tranh giải phóng. Chỉ trong vòng một tháng rưỡi ngắn ngủi, Túc Dụ đã chỉ huy ngoài ba vạn quân dã chiến tại Hoa Trung của ta, chống lại mười hai vạn quân Quốc dân đảng bao vây tấn công. Ông đã dùng một thứ chiến thuật xuất quỷ nhập thần, qua bảy trận đánh đều thắng đủ bảy trận, giết địch hơn năm vạn người. Chiến dịch miền trung tỉnh Giang Tô, là trận đại thắng quan trọng thứ nhất của giải phóng quân trên chiến trường toàn quốc sau khi cuộc nội chiến bùng nổ toàn diện. Nó chiếm một địa vị quan trọng trong cuộc chiến tranh giải phóng của Trung Quốc.

Bây giờ chúng ta hãy đưa ánh mắt nhìn về trận tuyến đầy máu lửa lúc bấy giờ...

Tháng sáu năm 1946, quân đội của Tưởng Giới Thạch mở cuộc tấn công vào Quân giải phóng tại vùng Trung Nguyên, gây ra một cuộc nội chiến toàn diện. Chiến trường Trung Nguyên sau những trận đánh mà quân giải phóng đã đột phá vòng vây thoát ra, thì lắng dịu trở lại.

Như vậy, khu giải phóng tại miền Trung Giang Tô đã trở thành một điểm nổi bật. Vì, vùng này gần biển, trực tiếp uy hiếp tới thủ đô Nam Kinh của chính phủ Quốc dân đảng, cũng như uy hiếp tới trái tim kinh tế là Thượng Hải. Đồng thời, nó cũng uy hiếp luôn đường vận tải ở hạ lưu sông Trường Giang, và các thành phố ở vùng này. Tân Tứ Quân đã xây dựng khu giải phóng ở đó qua nhiều năm, có các cơ sở Đảng, chính quyền, quân đội, dân sự, tài chính đầy đủ. Quả chẳng khác gì một cây đinh trước mắt của Quốc dân đảng. Tất nhiên quân Tưởng Giới Thạch phải xem đó là trọng điểm tấn công của mình. Bắt đầu từ tháng bảy năm 1946, dưới quyền chỉ huy của Thang Ân Bá (về sau đổi tướng chỉ huy là Lý Mặc Am), quân Tưởng đã tập trung năm sư đoàn hoàn chỉnh, bao gồm mười hai vạn binh mã mở cuộc đại tấn công vào miền Trung tỉnh Giang Tô.

Lúc bấy giờ, miền Trung tỉnh này lực lượng của quân giải phóng rất mỏng. Ba sư của Tân Tứ Quân đã kéo về phía Đông Bắc, đó là sư 2, sư 4 và sư 7 chủ lực. Họ phải đến Sơn Đông để bù vào chỗ trống sau khi quân chủ lực ở vùng Đông Bắc rút đi. Như vậy, số quân còn ở lại miền Trung tỉnh Giang Tô chỉ có một sư, đó là sư 6 và mấy bộ đội địa phương, gồm chung chừng ba vạn người. Trong số binh sĩ này, hầu hết cũng như vũ khí còn kém cỏi, không như những sư chủ lực đã rút đi.

Về phần lãnh đạo cũng rất thiếu thốn, Trần Nghị đã đi Sơn Đông để tổ chức Quan Đông Cục, và ở lại vùng Trung Giang Tô và Bắc Giang Tô là Hoa Trung Phân Cục, trú đóng tại Hoài An, Hoài Dương. Tư lệnh chỉ huy quân dã chiến ở Hoa Trung là Trương Đỉnh Thừa, phó tư lệnh là Túc Dụ. Chỉ huy chiến trường do Túc Dụ đảm trách.

Lúc đó, quân ủy trung ương yêu cầu các đội quân dã chiến phải ra khỏi căn cứ địa nhỏ hẹp của mình, tiến sâu vào vùng Quốc Dân Đảng kiểm soát, để tác chiến bên ngoài chiến khu. Túc Dụ xuất phát từ miền Trung tỉnh Giang Tô, và ông cho rằng cần phải lợi dụng những lợi thế của căn cứ địa, đánh mấy trận thắng, để tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, rồi mới tiến hành những trận tác chiến ở ngoại tuyến, sẽ có lợi hơn.

Ông đánh điện nói rõ ý kiến của mình cho Quân ủy Trung ương và Trần Nghị biết. Quân ủy Trung ương rất xem trọng những kiến nghị của Túc Dụ. Sau khi nghiên cứu thận trọng, đã đồng ý cho Túc Dụ đánh ở bên trong khu giải phóng, để giành mấy trận thắng lợi đúng theo yêu cầu của ông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2023, 02:49:18 pm »


Trong khi chọn lựa địa điểm để mở chiến trường, Túc Dụ có một tầm nhìn rất đặc biệt. Ông cho rằng phía Nam của căn cứ địa miền Trung tỉnh Giang Tô, là vùng có nhiều lùm cây, lại sát ven sông Trường Giang, rất thuận lợi cho việc tác chiến của quân giải phóng. Vì, sự chọn lựa chiến trường như vậy, hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc nhất quán từ trước tới nay của Quân giải phóng, trong đó có phần sáng tạo hợp lý và táo bạo. Trong trận đánh này, quân ta sẽ áp dụng chiến thuật dụ địch vào sâu, rồi tiêu diệt gọn toàn bộ. Túc Dụ cho rằng, việc chọn lựa chiến trường nằm sát căn cứ địa như vậy, là có lý, có lợi.

Cái lý của nó là: khu giải phóng miền Trung tỉnh Giang Tô là do xương máu của quân dân cùng tạo lập, nếu bây giờ không đánh mà buông bỏ cho kẻ địch tiến vào, đối với dân tâm cũng như sĩ khí đều hết sức bất lợi. Trái lại, nếu đánh một vài trận thắng lớn, thì có thể cổ vũ cho nhân tâm và sĩ khí ở đây để tiếp tục chiến đấu lâu dài. Hơn nữa, công tác chuẩn bị bên trong khu giải phóng chưa hoàn bị, nếu để cho quân địch xâm nhập vội vàng, sẽ làm cho binh sĩ trở tay không kịp, và chịu đựng nhiều thiệt hại không đáng có. Sau hết, là đứng trước thái độ kiêu căng ngạo nghễ, hành động ngang tàng của địch, Hồng quân cần phải có sự nghiên cứu về ý đồ chiến lược và sức chiến đấu của chúng. Muốn vậy, cần phải tiến hành trinh sát chiến lược cho kỹ, để tích lũy kinh nghiệm chiến đấu lâu dài cho các khu giải phóng bạn.

Còn điều kiện có lợi là: thứ nhất, quân dân khu giải phóng đã trải qua cuộc chiến tranh kháng Nhật đầy gay go, nên có nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Mối quan hệ giữa quân dân tốt đẹp, bộ đội am hiểu địa hình. Thứ hai, vùng này nếu so với phía Bắc và miền Trung Giang Tô thì kinh tế phì nhiêu hơn, lương thảo đầy đủ, công việc chi viện cho tiền tuyến được triển khai tốt. Thứ ba, mặc dù địch quân đông, nhưng họ mới bước chân tới khu giải phóng, chưa thể triển khai toàn diện để phát huy toàn bộ ưu thế của chúng. Địch đang ngông nghênh, cho rằng ta không dám đánh chúng, nhưng ta lại làm trái với ý nghĩ đó, xuất kỳ bất ý mà đánh chúng, thì chắc chắn chúng sẽ hết sức bất ngờ. Tóm lại, bất luận về mặt thiên thời, địa lợi, nhân hòa, đều rất có lợi cho quân dã chiến ở miền Hoa Trung. Thời cơ này không thể bỏ lỡ.

Sau khi xác định được khu vực tác chiến, thì bộ chỉ huy lại đứng trước vấn đề thời cơ tác chiến ra sao?

Lúc đó, quân Tưởng đang tiến đánh dữ dội khu giải phóng ở Trung Nguyên, còn ở khu giải phóng miền Trung tỉnh Giang Tô, thì chúng lại đang ở trong giai đoạn điều binh khiển tướng. Nhân cơ hội địch chưa bố trí hoàn chỉnh, ta chuẩn bị xuất kích, có thể thu được hiệu quả không ngờ. Nhưng, làm như vậy có bị động về mặt chính trị hay không? Túc Dụ cho rằng: quân địch tiến công Trung Nguyên, cũng có nghĩa là họ xé hiệp định đình chiến. Cho dù ở miền Trung tỉnh Giang Tô, trước và sau khi đình chiến, họ cũng đã dùng chính sách tằm thực (tằm ăn lá dâu) khu giải phóng ở đây. Nếu địch xâm phạm ta, thì ta tất nhiên phải xâm phạm địch. Chủ động xuất kích chính là ta tự vệ đó. Để giảm thiểu tối da sự tuyên truyền của địch về mặt chính trị, thì những trận đánh đầu tiên phải nhằm đánh vào những địa điểm mà địch đã chiếm trước đây, như Tuyên Gia Bảo, Thái Hưng, chẳng hạn. Tuyên Gia Bảo và Thái Hưng là địa bàn hoạt động của hai đoàn của sư 83 hoàn chỉnh. Nhóm quân địch này là quân chính quy thiện chiến của Tưởng Giới Thạch, toàn bộ được trang bị bằng vũ khí của Mỹ, do sĩ quan Mỹ huấn luyện. Họ từng viễn chinh Miến Điện trong thời kỳ kháng Nhật. Qua những trận giao phong với quân Nhật, họ đã giành được một số thắng lợi. Tân Tứ Quân của ta từ trước tới nay chưa hề giao phong với đạo binh tinh nhuệ như thế. Lúc bấy giờ, chẳng riêng miền Trung Giang Tô, mà binh sĩ ở các đơn vị quân giải phóng khác, đối với những đơn vị của Tưởng Giới Thạch được Mỹ trang bị, đều có vẻ e dè thận trọng. Túc Dụ cho rằng, nhóm binh sĩ địch này mới tới vùng Tuyên Gia Bảo và Thái Hưng chưa bao lâu, công sự phòng ngự còn thô sơ, đối với đường sá, dân tình, đều chưa hiểu rõ nhiều. Hơn nữa, vị trí của chúng lại xa những chủ lực của địch, vậy có thể tiêu diệt hoàn toàn chúng trong một trận đánh duy nhất. Để đảm bảo cho trận tiêu diệt chiến có hiệu quả, Túc Dụ bèn sử dụng tới mười hai đoàn binh lực, tức lấy sáu đoàn để bao vây một đoàn của địch, tạo thành ưu thế tuyệt đối trên chiến trường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2023, 02:50:07 pm »


Trận đánh đã bùng nổ vào đêm mười tháng bảy năm 1946.

Cuộc chiến đấu tiến triển hết sức thuận lợi. Quân địch đầy kiêu hãnh này đã bị ta đánh bất ngờ, làm cho chúng trở tay không kịp. Trước sức tấn công tuyệt đối ưu thế của binh lực ta, chỉ trong vòng một đêm tác chiến, hai đoàn của địch bị tiêu diệt hầu hết, chỉ còn lại một đại đội và thiểu số tàn binh ở Thái Hưng, đang dựa vào vách thành kiên cố để chống trả. Trong trận đánh này, quân ta đã diệt địch được ba nghìn tên. Túc Dụ ra lệnh, ngoại trừ một thiểu số bộ đội vây đánh địch, nghi binh là chủ lực của ta vẫn còn ở lại Thái Hưng, còn chủ lực thật sự thì nhanh chóng di chuyển, đánh tiếp vào kẻ địch chưa kịp đề phòng.

Túc Dụ yêu cầu bộ đội ta tiếp tục phát huy đánh tốt, đi tốt, chịu đói tốt, là những ưu điểm truyền thống của mình. Và, sau khi kịch chiến, không kể tới sự mệt mỏi, cấp tốc hành quân nhắm Nhự Hạo xuất phát. Từ Tuyên Gia Bảo và Thái Hưng đi tới Như Hạo, xa hơn một trăm cây số. Quân dã chiến đi một đêm và nửa ngày là tới nơi. Cánh quân địch kéo tới định tấn công Như Hạo là sư 49. Chúng không tài nào ngờ được bộ đội chủ lực của ta ngày hôm qua còn ở cách xa đó một trăm cây số, mà nay lại âm thầm trở vào thành Như Hạo, tạo một miệng túi để chờ chúng chui vào. Bọn địch tưởng rằng toán quân giải phóng giữ Như Hạo, chỉ là một số bộ đội nhỏ nhoi, không chịu đựng nổi một cú đánh đầu tiên của chúng. Cho nên chúng đang mơ một giấc mơ ngồi trên lưng ngựa, ngạo nghễ tiến vào chiếm đóng Như Hạo. Chờ cho quân địch hoàn toàn lọt vào ổ mai phục, thì trận chiến bắt đầu khai diễn. Bọn địch hốt hoảng quay đầu định chạy tháo lui, nhưng đâu còn đường tháo lui cho chúng nữa? Sau hai ngày truy kích tiêu diệt, sư 49 và một lữ rưỡi của địch, gồm hơn một vạn tên, đã bị tiêu diệt dưới chân thành Như Hạo. Tiếp đó, trận đánh còn kéo dài liên tục tới mười hôm, chủ lực ta mới rút ra khỏi thành Như Hạo, chuyển về Hải An để nghỉ ngơi và chỉnh đốn hàng ngũ. Quân chủ lực liên tục tác chiến đã rất mệt mỏi. Vậy bây giờ nên tử thủ Hải An hay là tạm thời buông bỏ, tùy thời cơ mà diệt địch? Túc Dụ bắt đầu do dự. Đứng về mặt chiến lược mà nói, Hải An là ngã tư đường giao thông ở vùng miền Trung tỉnh Giang Tô, là hậu phương chiến lược mà Hồng quân đã trường kỳ xây dựng. Một khi Hải An thất thủ, thì quân địch có thể hình thành một tuyến phong tỏa bắt đầu từ Thái Châu tới Hải An, hạn chế rất nhiều hành động của Hồng quân.
Túc Dụ suy nghĩ kỹ thêm, cảm thấy vấn đề không phải là nên hay không nên giữ Hải An, mà chính là có thể giữ được hay không?

Nếu sử dụng một đạo quân của chủ lực đã mệt mỏi để giữ Hải An, sau khi thắng thì quân đội kế tiếp của địch có thể lại tiến tới tấn công, để cầm chân Hồng quân. Trái lại, nếu bị bại, thì chủ lực sẽ hoàn toàn tan rã. Bất luận thắng hay bại, đối với ta đều bất lợi. Quân ủy Trung ương đã nhiều lần nhấn mạnh, không phải giữ được đất hay không là chính, mà phải tiêu diệt được sinh lực địch mới là chính. Nếu quân chủ lực ta rút khỏi Hải An và tìm một vùng phụ cận để nghỉ ngơi, xây dựng lực lượng, dù trước mắt tỏ ra yếu thế hơn địch, nhưng ta vẫn bảo tồn được thực lực của mình. Nhờ đó mà về sau chúng ta mới sáng tạo được nhiều cơ hội mới để tiêu diệt địch.

Thế nhưng, lúc bấy giờ trong quân đội số người muốn tiếp tục đánh nhau với địch rất đông, sĩ khí rất cao. Do sau hai trận chiến thắng lớn, trong quân đội đã xuất hiện tư tưởng khinh địch. Một số sĩ quan và binh sĩ cho rằng, sức đề kháng của quân địch rất yếu, vậy có chi đáng sợ. Nếu nay ta không đánh mà rút bỏ Hải An, quả là có lỗi đối với quần chúng, nhất là ý nghĩa của hai trận thắng vừa qua, sẽ không còn được củng cố nữa?

Lúc đó, người lãnh đạo Hoa Trung Phân Cục ở Hải An, chỉ còn một mình Túc Dụ. Đứng trước tinh thần quá cao của binh sĩ, Túc Dụ cũng không thể quyết định được dứt khoát. Sau khi suy nghĩ, ông quyết định đi ngay tới Hoài An để thỉnh thị Phân Cục Hoa Trung và quân khu Hoa Trung xem thế nào.

Từ Hải An tới Hoài An xa ba trăm dặm, tình hình quân địch đang nguy cấp, không cho phép Túc Dụ đi lâu. Trước tiên, Túc Dụ dùng xe mô tô để di chuyển, về sau tới vùng có nhiều sông rạch, ông bỏ mô tô đi xe kéo, rồi lại đi xe đạp, và cuối cùng phải đi thuyền. Sau một ngày một đêm ông đã tới được Hoài An. Thường vụ Phân Cục Hoa Trung liền mở hội nghị khẩn cấp nghe Túc Dụ báo cáo tình hình. Hội nghị đã quyết định: đồng ý phương châm tác chiến của Túc Dụ đề ra, tức lấy một bộ phận binh lực để phòng ngự cơ động tại Hải An, dựa vào đó, vừa sát thương quân địch, vừa chận bước tiến của chúng. Riêng chủ lực thì rút khỏi Hải An để nghỉ ngơi chỉnh đốn hàng ngũ, chờ cơ hội diệt địch. Sau khi uống thuốc an thần tại Hoài An, Túc Dụ lại đi ngay trong đêm để trở về Hải An. Dưới sự bố trí của ông, quân chủ lực gồm sư 6, rút khỏi Hải An về phía Đông Bắc để nghỉ ngơi và chỉnh đốn hàng ngũ, chỉ còn tung đội số 7 ở lại để đánh phòng ngự. Tung đội này giao chiến với năm vạn quân địch kéo tới tấn công, thế mà họ chỉ có ba trăm người, cùng đánh địch với sự đầy mưu trí và cơ động, giữ được Hải An suốt bốn ngày, giết được ba ngàn tên địch. Riêng phe ta, chỉ bị thương vong hai trăm người, sáng tạo được kỷ lục chưa từng có về việc giữ thành, cũng như tỉ lệ thương vong so sánh giữa đôi bên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2023, 02:51:34 pm »


Sau khi quân địch chiếm xong Hải An, chúng tuyên truyền khoác lác về thành quả của trận đánh. Chúng tuyên bố là đã tiêu diệt được ba ngàn binh sĩ Cộng sản. Do vậy, chúng cho rằng bộ đội chủ lực ở vùng Hoa Trung của ta đã hoàn toàn bị tiêu diệt, không còn khả năng mở được những chiến dịch lớn nữa. Nhưng chúng nào ngờ trong khi đó, tại một vùng nông thôn chỉ cách xa Hải An chừng năm cây số, ba vạn quân chủ lực của ta đang nghỉ ngơi chỉnh đốn, và có thể xuất kích tiêu diệt chúng bất cứ lúc nào.

Sau mười ngày nghỉ ngơi của bộ đội chủ lực, cơ hội tác chiến lại đến. Quân địch sau khi chiếm được Hải An, tiếp tục tiến chiếm một số địa phương về phía Đông. Trước tiên, chúng tiến chiếm mấy thương trấn và đến ngày tám tháng tám năm này, Túc Dụ tiếp được tin tình báo cho biết, địch điều lữ đoàn số 7 mới thành lập đi Hải An, để từ đó tiến về thị trấn Lý Bảo tại phía Đông, để thay thế cho lữ đoàn 105 đóng ở đây từ trước. Khi hai lữ đoàn của địch bàn giao và tiếp nhận, tất nhiên tình hình sẽ hỗn loạn. Túc Dụ bèn ra lệnh cho bộ đội mình lợi dụng thời cơ đó tiêu diệt quân địch tại Lý Bảo.

Tám giờ tối đêm mười tháng tám, chủ lực giải phóng quân gồm sư 6 và tung đội 7, lữ đoàn 5 Hoài Nam, và đặc vụ đoàn quân khu, tiến về phía thị trấn Lý Bảo Trấn và mở trận công kích chớp nhoáng. Lúc bấy giờ, địch có hai lữ đoàn ở bên trong Lý Bảo, việc phòng thủ chưa hoàn chỉnh, biên chế hãy còn rất hỗn độn. Khi tiếng súng nổ, thì mạnh ai nấy chạy, chúng không tài nào liên lạc và chỉ huy được nhau. Lữ đoàn 105 của địch vì phải rút đi nên đã tháo gỡ hết hệ thống điện báo và điện đài, trong khi lữ đoàn bảy mới tới, chưa kịp đặt xong điện thoại và điện đài của mình, nên muốn đánh điện xin tiếp viện cũng không làm sao đánh đi được. Chúng như rắn không đầu, mặc tình cho quân giải phóng tiêu diệt.

Trận đánh Lý Bảo chỉ diễn ra trong vòng hai mươi tiếng đồng hồ, quân giải phóng đã tiêu diệt được chín ngàn quân Tưởng Giới Thạch, tạo được một thành tích sáng chói.

Trong khi những trận đánh giữa Tưởng Giới Thạch và giải phóng quân đang còn giằng co tại miền Trung tỉnh Giang Tô, thì kẻ địch lại cử binh đoàn lớn tiến chiếm khu giải phóng Hoài Nam. Nếu chỉ có quân giải phóng tại Hoài Nam chống đỡ, thì rõ ràng là không cân sức. Trần Nghị đứng trên cơ sở muốn bảo vệ Hoài Nam, ra lệnh cho Túc Dụ cấp tốc đưa binh tới viện trợ cho cánh quân giải phóng này.

Sau khi nhận được mệnh lệnh, Túc Dụ cảm thấy rất lúng túng. Vì theo ông, khu giải phóng Hoài Nam đất hẹp người ít, không có lợi cho việc tác chiến bằng binh đoàn to. Từ miền Trung Giang Tô muốn kéo quân tới Hoài Nam, thì trên đường hành quân phải phá vỡ mấy phòng tuyến phong tỏa của địch, chắc chắn sẽ bị hao binh tổn tướng. Quân địch đang tập kết trọng binh tại Hoài Nam, nhất thời sẽ khó đánh thắng chúng, và sẽ tạo ra thế giằng co kéo dài. Một khi chủ lực bị giằng co tại Hoài Nam, thì khu giải phóng tại miền Trung tỉnh Giang Tô chắc chắn sẽ bị rơi vào tay giặc.

Tại khu giải phóng miền Trung Giang Tô, Hồng quân đánh bốn trận đều toàn thắng, sĩ khí rất cao. Nơi đây lương thực và đạn dược rất dồi dào, hậu cần bảo đảm, vậy có thể càng đánh sẽ càng mạnh. Quân địch bị thua mấy keo, sĩ khí tụt giảm, đã co cụm để giữ thế thủ. Có mấy nơi thị trấn bị cô lập đã trở thành nơi thuận lợi cho quân ta bao vây tiêu diệt.

Sau khi suy nghĩ kỹ, Túc Dụ bèn đánh điện cho quân ủy và Trần Nghị, nói rõ sự phân tách như trên, yêu cầu khoan đưa quân chủ lực về Hoài Nam, mà tiếp tục ở lại miền Trung Giang Tô để tiêu diệt sinh lực dịch.

Quân ủy và Trần Nghị đều đồng ý với ý kiến của Túc Dụ.

Bắt đầu từ ngày hai mươi tháng tám, Túc Dụ dẫn ba vạn quân chủ lực, âm thầm trở vào "bao tử” của quân địch, rồi liên tiếp đánh Đinh Lâm, Huỳnh Kiều và Thiệu Bá, đều giành được thắng lợi. Nếu cộng chung bốn trận đánh trước, thì ông đã đánh bảy trận, thắng bảy trận, và tiêu diệt địch quân, uy danh rung chuyển cả nước Trung Hoa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2023, 02:52:23 pm »


Chiến dịch tại miền Trung tỉnh Giang Tô đối với cuộc chiến tranh giải phóng, có một ảnh hưởng rất quan trọng. Vì, nó chứng minh tác chiến trong nội tuyến, là có thể thực hiện, và nó đã thúc đẩy chiến lược tác chiến ngoại tuyến của Hồng quân, chuyển thành tác chiến nội tuyến. Đồng thời, nó cũng chứng minh những đạo binh được võ trang bằng vũ khí Mỹ không có chi đáng sợ. Lần đầu đánh nhau với hai đoàn của sư 83 chủ lực địch, và tiêu diệt chúng, Mao Trạch Đông đã đích thân gửi điện thăm hỏi, và đặt vấn đề đó có phải là sư 83 không? Như vậy, đủ thấy Mao Trạch Đông quan tâm đến chiến quả này như thế nào.

Nó còn chứng minh, người chỉ huy cần phải giỏi trong việc đề ra quyết sách đúng đắn, dựa vào tình hình của từng chiến trường cụ thể, không thể câu nệ vào những kinh nghiệm của quá khứ. Qua bảy trận đánh thắng, cho thấy trận nào cũng đặc biệt không giống trận nào, làm cho địch không thể dự kiến trước được.

Bảy trận chiến thắng tại chiến trường miền Trung tỉnh Giang Tô, đã tạo ra một tác dụng quan trọng. Về mặt chuyển biến, nó đã từ thế bất lợi của chiến trường phía Nam, chuyển thành thế có lợi cho cuộc chiến tranh giải phóng ở đây. Túc Dụ với tư cách là người chỉ huy cao nhất, đã chứng tỏ rằng sự quả đoán, quyết sách linh hoạt của mình, là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thắng lợi của chiến dịch.

Sau nửa năm tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng, Tưởng Giới Thạch bị hao binh tổn tướng, nên không thể không buông bỏ chiến lược tấn công toàn diện, chuyển thành "tiến công trọng điểm" vào hai khu giải phóng ở Thiểm Bắc và Sơn Đông.

Quân lực mà kẻ địch dùng để tấn công vào khu giải phóng Sơn Đông, gồm có tất cả hai mươi bốn sư, sáu mươi lữ, tổng cộng trên bốn mươi lăm vạn người. Trong số năm sư chủ lực lớn của họ, thì hiện diện ở tại trận đánh này là ba: tức sư 74, sư 11 và quân đoàn năm, đều lao vào chiến trường Sơn Đông.

Về mặt chiến thuật của quân Tưởng Giới Thạch, sau nhiều lần thất bại, họ đã học được những bài học đau đớn, nên thay đổi cách đánh thốc quy mô, thành cách đánh dè dặt, chậm chạp, ăn chắc. Các cánh quân của họ, đều tiến song song, sát nhau, rất chậm vào khu giải phóng. Như vậy, mật độ giữa các cánh quân địch rất cao. Cho nên Hồng quân khó chia cắt bao vây để tiêu diệt họ.

Đứng trước việc địch thay đổi chiến lược, chiến thuật, các thủ trưởng chỉ huy những đoàn quân dã chiến ở vùng Hoa Trung của ta, cũng phải tích cực tìm đối sách. Một ngày nọ, Trần Nghị và Túc Dụ dẫn một số bộ đội cảnh vệ đến vùng phụ cận, nơi bộ tư lệnh đóng quân để cùng nhau săn bắn. Trong đầu óc Túc Dụ lúc nào cũng chập chờn những ý nghĩ về đối sách, để có thể thắng địch. Sau một tiếng "đoành”, một con thỏ rừng bị Trần Nghị bắn hạ. Ông ta bèn quay đầu lại hỏi:

— Này Túc tư lệnh, con thỏ này làm sao để ăn đây?

— Đây là thứ khó chơi, nuốt đại. Thử hỏi có nuốt được không?

Túc Dụ trả lời lạc đề, làm cho mọi người chung quanh đều cười ồ. Trần Nghị đoán biết trong đầu óc của Túc Dụ đang nghĩ tới việc "nuốt chửng" sư 74 của địch.

Mặc dù nói như thế, chứ thật sự muốn nuốt chửng sư 74 của địch, nào phải dễ? Vì đây là một trong năm cánh quân chủ lực quan trọng nhất của Tưởng GiớiThạch. Chẳng những quân số đầy đủ, mà còn trang bị toàn vũ khí tốt. Trong thời kỳ chiến tranh kháng Nhật, nó còn viễn chinh tới tận Miến Điện, và đã giành được nhiều thắng lợi. Bất luận về sức chiến đấu, về sĩ khí, về chiến thuật chỉ huy, đạo binh này đều có một trình độ cao. Mấy tháng đầu khi chiến tranh giải phóng mở màn, đạo binh này đã đánh thốc trước tiên vào quân giải phóng của ta. Mặc dù nó từng bị Hồng quân đánh nhiều trận tại các chiến khu Hoài Bắc, Tô Bắc, Lỗ Nam, nhưng nó hoàn toàn không bị thiệt hại gì lớn. Sư trưởng của nó là Trương Linh Phủ, một tướng chỉ huy rất xảo quyệt, và phản động.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2023, 02:53:37 pm »


Chỉ trong nháy mắt, đã tới tháng năm năm 1947.

Suốt một tháng qua, do đội hình của quân địch quá dày đặc, Hồng quân không tìm được một cơ hội tốt nào để chiến đấu. Do vậy, bộ đội ta đã dẫn quân địch chạy lòng vòng trong rừng núi kéo dài một lộ trình dài trên một ngàn cây số. Hành động này làm cho địch có một cảm giác sai lầm, là chừng như Hồng quân sau khi trải qua một số chiến dịch, chạm trán với địch, và đã sợ hãi không còn dám đánh với chủ lực của chúng nữa. Tưởng Giới Thạch và Cố Chúc Đồng..., đều ra lệnh cho chủ lực của họ bám sát theo ta để truy kích. Chúng có ý đồ muốn đẩy quân ta về phía Bắc sông Hoàng Hà.

Không sợ kẻ địch tấn công, mà sợ kẻ địch nằm yên. Một khi chúng xuất động, thì cơ hội sẽ đến. Tất nhiên, nếu không có một tháng vừa đánh vừa chạy lòng vòng của ta, thì kẻ địch cũng không dám to gan kéo tới tấn công ta ngày mười một tháng năm. Sư 7 của địch vượt qua Đóa Trang, tiến về phía Bắc Mạnh Lương Cố, để tấn công vào tung đội 9 của ta. Qua trinh sát, phát hiện được mưu đồ của địch quân, là dùng sư đoàn chủ lực 74 tiến theo trung lộ, và lấy sư đoàn 25, sư đoàn 83 làm hai cánh quân trái và phải. Chúng lại dùng sư đoàn 65 và sư đoàn 48 quân đoàn số 7, để làm tả dực và hữu dực cho sư đoàn 25 và sư đoàn 83. Ý đồ của chúng là sẽ đánh thẳng vào bộ tư lệnh quân dã chiến ở Hoa Đông, đang đóng tại Thản Phụ, vào ngày mười bốn tháng năm tới.

Đứng trước tình hình quân địch kéo tới tấn công, lãnh đạo quân dã chiến Hoa Đông quyết định dời đi để né tránh. Mệnh lệnh đã ban xuống. Tư lệnh các Trung đội đã trở về đội ngũ của mình để chấp hành mệnh lệnh. Các cơ quan tổng bộ đều thu thập hành lý, để chuẩn bị hành quân.

Vừa lúc ấy, Túc Dụ từ tiền tuyến hối hả trở về tổng bộ. Ông đặt ngay vấn đề, và kiến nghị với Trần Nghị: Lợi dụng cơ hội này để tiêu diệt sư 74!

Túc Dụ bèn trình bày rõ với các thủ trưởng dự hội nghị về ý nghĩ của mình: Sư 74 của địch hiện đang rất kiêu căng ngông cuồng, nếu có thể tiêu diệt được nó, sẽ đập tan được kế hoạch địch tiến công vào trọng điểm khu giải phóng Sơn Đông. Trước đây, ông vẫn thường tấn công vào hai cánh quân địch đi hai bên vì những cánh quân này thường yếu kém. Do vậy, Trương Linh Phủ tuyệt đối không sao dám nghĩ rằng, ngày nay ta lại nhắm ngay hắn để hạ sát thủ, và sẽ thu được hiệu quả của cách đánh "xuất kỳ chế thắng". Mặc dù đội hình của quân đội địch rất dày đặc, nhưng do sư 74 đi tiên phong, nên bản thân nó có đi trước hơn hai cánh quân kia. Cho nên Hồng quán sẽ phái năm tung đội đánh chính diện với hắn. So sánh lực lượng giữa đôi bên là năm: một, tức ta chiếm ưu thế tuyệt đối. Địa hình tại chiến trường này là rừng, vũ khí nặng sẽ không hoạt động được. Thông thường hai cánh quân hai bên của địch bị tiến công, chúng cũng không bao giờ đem hết sức mình ra cứu viện.

Túc Dụ chỉ rõ thêm: trong chiến dịch này, có hai điều chủ yếu. Một là bộ đội bao vây địch phải tiêu diệt cho được sư 74. Hai là, bộ đội ngăn chặn tiếp viện, phải chặn đứng được viện binh của địch. Sư 74 có khoảng cách với hai cánh quân hai bên của chúng, từ bốn đến sáu cây số, và cách một số đơn vị khác của địch chỉ một ngày đường. Trong khung cảnh lực lượng địch dày đặc như vậy, mà muốn tách sư 74 ra để tiêu diệt nó, cần phải dũng cảm và có quyết tâm cao, về mặt chỉ huy càng không được có sai sót.

Nghe xong lời phân tách của Túc Dụ, tất cả các thủ trưởng đều cúi đầu suy nghĩ. Đột nhiên, Trần Nghị vỗ mạnh tay xuống mặt bàn, nói:

— Phải! Chúng ta phải có khí khái là dám lấy đầu thượng tướng của địch, giữa hàng triệu binh mã của chúng!

Trần Nghị ném mạnh chiếc mũ xuống mặt bàn, nói tiếp:

— Không rút lui nữa!

Thế là các đơn vị bộ đội lại nhận được lệnh mới, là không di chuyển. Việc thay đổi như vậy, khiến cho một số đơn vị cuống cuồng cả lên.

Sự bố trí cụ thể của Hồng quân là: lấy năm tung đội số 1, 4, 6, 8, 9 để bao vây sư 74 của địch. Lấy bốn tung đội 2, 3, 7, 10 để chặn viện binh. Ngoài ra, còn tập kết những tung đội đặc chủng, xem là đội dự phòng.

Để che giấu ý đồ Hồng quân bao vây tiêu diệt sư 74 của địch, các tung đội đã thi hành nhiều diệu kế tuyệt vời. Hai tung đội 4 và 9 chong ngay mặt chiến đấu với sư 74. Vừa đánh họ vừa thối lui, nhử cho sư 74 xa dần hai cánh quân hai bên của nó. Hai tung đội 1 và 8, chia ra nhiều nhóm nhỏ, tấn công thẳng vào sư 25 và 83 của địch, để cho chúng co cụm lại, không dám tiến lên một cách ngang tàng. Trong khi đó, thì chủ lực nhanh nhẹn chen vào khe trống của hai cánh quân địch, rồi từ hai bên bao vây lấy sư 74. Tung đội 6 ở tận phía Nam Sơn Đông, cách xa chiến trường ba trăm dặm, đã hành quân cấp tốc ngày đêm, đến chiếm lấy Đóa Trang, trước khi tướng Trương Linh Phụ kịp hiểu ra, là hồng quân đã cắt đứt ngõ rút lui của sư 74.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2023, 02:54:40 pm »


Hừng sáng ngày mười lăm tháng năm, các cánh quân bao vây đã liên hệ được với nhau, và họ đã bao vây sư 74 kín mít như chiếc thùng sắt.

Thông thường, trong một chiến dịch mà Hồng quân bao vây địch như vầy, là kể như địch bị tiêu diệt chắc. Nhưng giờ đây, Trần Nghị, Túc Dụ, và các cấp chỉ huy trên chiến trường không ai dám thở phào cả. Vì có thể nuốt chửng sư 74 hay không? Có thể chận đứng được quân tiếp viện kề cận nó hay không? Vẫn là những đáp số chưa lộ ra. Mặc dù ta có năm tung đội bao vây lấy sư 74, nhưng địch lại có thể dùng mười sư hoàn chỉnh để bao vây chín tung đội của ta kia mà!

Như vậy, ai thắng ai bại, còn phải chờ trận quyết chiến này ra sao rồi mới hiểu được.

Tưởng Giới Thạch cho rằng sư 74 thu hút được chủ lực của Hồng quân đến vùng Mạnh Lương Cố, thì sẽ là dịp tốt để chúng quyết chiến với ta. Tưởng Giới Thạch một mặt đánh điện cho Trương Linh Phủ, an ủi và khích lệ, xem như lên gân cho tướng này. Một mặt khác, ông ta lại xuống lệnh cho các cánh quân khác phải hỏa tốc tiến vào tấn công Hồng quân, với ý đồ đánh kẹp ta vào giữa, và chỉ một trận đánh thôi, là đoạt được thắng lợi. Trương Linh Phủ ỷ sư 74 là đơn vị có sức chiến đấu mạnh, lại chiếm được địa hình có lợi hơn ta, nên khoác lác đủ điều, tỏ ra sẵn sàng cố thủ để chờ viện binh tới.

Một giờ chiều ngày mười lăm, Hồng quân phát lệnh tổng tấn công.

Mỗi một đỉnh núi, mỗi một trận địa, mỗi một tấc đất, đều là nơi đọ súng đẫm máu. Sư 74 quả nhiên danh bất hư truyền, cực lực phản kích. Trình độ chiến đấu của nó, có thể nói từ ngày tiến hành chiến tranh giải phóng cho tới nay, chưa từng thấy. Sĩ quan và binh sĩ trong các tung đội của ta, với ý chí quyết thắng kẻ thù, không kể hy sinh, xung phong từ đợt này tới đợt khác, và chiếm lĩnh từng ngọn núi một, từng trận địa một. Ngay đêm hôm đó, quân địch đã bị đồn vào một vùng núi không rộng quá sáu cây số vuông.

Sang ngày mười sáu, trận đánh mỗi lúc càng ác liệt thêm. Toàn bộ Hồng quân tổng công kích vào sư 74. Đứng trước ngày tàn, Trương Linh Phụ quá tuyệt vọng nên tự sát. Phó sư trưởng là Thái Nhân Kiệt bị bắn chết giữa mặt trận. Các tung đội ta hội quân tại Mạnh Lương Cố, tiếng hò reo mừng chiến thắng vang dậy tới tận trời xanh.

Giữa lúc trận đánh "công kiên" (đánh vào chỗ có phòng thủ kiên cố) đang diễn ra hết sức ác liệt, thì những cánh quân chặn tiếp viện cũng bị thử thách một cách nặng nề. Tưởng Giới Thạch dùng lời lẽ nghiêm khắc để cảnh cáo binh đội của họ: "Nếu do dự không chịu tiến lên, nếu không dốc hết lòng can đảm để cứu viện, đi giữa đường dừng lại... thì sẽ xem như tội theo phỉ. Quyết không dung tha". Ông ta uy hiếp bộ đội của mình, để buộc những cánh quân đó đi tiếp viện cho sư 74. Riêng Thang Ân Bá, cũng gửi điện tới các cánh quân, bảo Trương Linh Phụ đang "chiến đấu trong cô độc, đang lâm vào tình huống rất nguy cấp", vậy các cánh quân phải "nhanh chóng tiếp cứu đồng đội của mình ra khỏi cơn nguy khốn", "không thể thấy chết mà không cứu". Bất luận là uy hiếp, hay là nài nỉ, những cánh quân của địch, bị Hồng quân chận đứng trước hỏa lực của mình, như thành đồng vách sắt, không thể nào tiến lên được. Đôi bên chỉ cách nhau từ bốn đến sáu cây số thôi, thế mà nó xa như nghìn dặm, chúng chỉ đứng đó đưa mắt nhìn sư 74 hoàn toàn bị tiêu diệt!

Trong khi các tung đội vô cùng phấn khởi, thì Túc Dụ, trái lại, rất bình tĩnh. Mặc dù đã suốt mấy ngày qua, ông không ngủ một giấc nào cho ngon, cơ thể mệt mỏi, đầu đau nhức, nhưng ông vẫn chú ý tới những chi tiết nhỏ nhặt xảy ra trên chiến trường. Khi ông nắm được tổng số quân địch bị tiêu diệt, nhận ra nó còn chênh lệch với quân số thật sự của sư 74 đến mấy nghìn người, bèn ra lệnh cho bộ đội lục soát ngay trong núi, nhất định không để cho một tên địch nào chạy thoát. Lúc đó, trên trời mây đen đã vần vũ, sắp đổ một trận mưa núi lớn. Tại một hẻm núi kín đáo, quả nhiên Hồng quân ta phát hiện có bảy nghìn quân địch đang tập kết, chuẩn bị mở đường máu để thoát ra. Thế là các tung đội không còn nhớ đến sự mệt nhọc của mình, lập tức hành động, và đã tiêu diệt hoàn toàn số tàn quân đó.

Đến đây, thì sư 74 với quân số ba vạn hai nghìn người, trên từ sư trưởng, dưới từ giữ ngựa, không một tên nào chạy thoát. Riêng Hồng quân cũng phải trả một giá đắt, thương vong lên đến một vạn hai nghìn người.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2023, 02:55:43 pm »


Tin chiến thắng tại Mạnh Lương Cố loan ra, gây thành một sự cổ võ lớn lao cho quân dân trong khu giải phóng. Việc Tưởng Giới Thạch định tấn công tiêu diệt khu giải phóng Sơn Đông, xem như hoàn toàn bị sụp đổ.

Tưởng Giới Thạch nói: "Sự thất bại ở Mạnh Lương Cố là một việc đáng tiếc và đau đớn nhất từ khi ta mở đợt bao vây tiêu diệt phỉ cho tới nay" "Làm cho mọi người đều đau đớn". Chủ tịch tỉnh Sơn Đông của Quốc Dân Đảng Vương Diệu Võ nói: "Việc mất sư 74 cũng đau như ta bị mất cha". Các tướng Thang Ân Bá, Huỳnh Bá Thao, Lý Thiên Hà do chi viện vô hiệu, đều bị Tưởng Giới Thạch xử phạt.

Riêng Túc Dụ không bị chiến thắng làm cho quay cuồng đầu óc. Ông ta vẫn bình tĩnh để suy nghĩ, trù hoạch mục tiêu sẽ tấn công sắp tới...

Với một cá tính luôn luôn quả cảm và thành thật, Túc Dụ hôm nay bỗng tỏ ra trầm tư và do dự. Nguyên nhân đưa tới tình trạng tinh thần này, là do Túc Dụ vừa mới nhận được một tờ mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương.

Ngày mười bảy tháng giêng năm 1948, vừa đánh xong chiến dịch Xa Thổ Tập, diệt địch hằng vạn tên và hoàn toàn chiến thắng, Túc Dụ chưa kịp nghỉ ngơi, thì đã nhận được mệnh lệnh của Quân ủy: Dùng các đội dã chiến số một, bốn, sáu của Hoa Đông, tổ chức thành binh đoàn số một, vượt sông Trường Giang, để mở khu giải phóng "Mân Triết Cán" (tức Phúc Kiến, Triết Giang và Giang Tây), rồi tiến tới xây dựng thành một cánh quân dã chiến ở Đông Nam.

Đây quả là một kế hoạch lớn lao, nếu thành công, thì chẳng khác gì Tôn Ngộ Không chui được vào bụng của Thiết Phiến công chúa trong truyện Tây Du, sẽ làm cho nền thống trị của Tưởng Giới Thạch ở địa phương một phen trời long đất lở, khiến quân Tưởng phải rút từ Trung Nguyên trở về bố phòng. Qua đó, sẽ giảm nhẹ áp lực quân sự của chúng đối với giải phóng quân tại Trung Nguyên, và cũng là cơ hội chia cắt địch để tiêu diệt chúng.

Quân ủy muốn biết ý kiến của Túc Dụ trong vấn đề này. Riêng Túc Dụ đối với ý đồ chiến lược của Quân ủy, cũng đoán biết rất rõ ràng. Nhưng, Túc Dụ lại có cách suy nghĩ riêng của mình.

Ba tung đội bao gồm mười vạn đại quân, nếu vượt qua sông Trường Giang xong, thì hoàn toàn không còn hậu phương nữa. Như vậy, lương thực, đạn dược, khí giới, thương bệnh binh, cũng sẽ không có chỗ nào để cung cấp và nương tựa. Chui vào quả tim thống trị của địch để tác chiến, chắc chắn sẽ bị địch vây đuổi như điên cuồng, và không lúc nào buông tha. Trước đây, khi đưa một cánh quân kháng Nhật đầu tiên lên phía Bắc để tác chiến, Túc Dụ đã từng chịu đựng đủ thứ khổ sở trong hoàn cảnh mất hậu phương. Nay kéo binh từ khu giải phóng đi thẳng xuống đại hậu phương của địch, để mở khu giải phóng "Mân Triết Cán", chắc chắn đi đến nơi là đã tiêu hao mất phân nửa quân số rồi. Như vậy, mười vạn quân chỉ còn năm vạn, lại không có hậu phương, không có chi viện, thì làm cách nào để đánh được những trận lớn đây? Nếu không thể đánh vào địch những trận trí mạng, thì tự mình hàng ngày sẽ bị quân địch truy đuổi ráo riết, và mỗi lúc càng suy yếu thêm mà thôi.

Có thể do vậy mà địch phải điều động quân đội của chúng ở Trung Nguyên trở về tiếp ứng không? Tưởng Giới Thạch có bốn cánh chủ lực ở Trung Nguyên, đó là đạo quân số năm mới thành lập, và đạo quân mười tám có sẵn từ lâu, đều là những đạo quân được trang bị khí giới tối tân của Mỹ. Chúng sử dụng cơ giới để tiện việc cơ động tiến công. Ở Trung Nguyên là vùng bình nguyên, mặt đất bằng phẳng, chúng cơ động tác chiến dễ dàng. Trái lại, ở Giang Nam núi nhiều, sông nhiều, thì chúng đâu còn đất dụng võ nữa. Quân đoàn bảy và quân đoàn bốn mươi tám của Tưởng Giới Thạch, đều lấy quân số ở vùng Quảng Tây, chúng phải khó khăn lắm mới đưa được hai quân đoàn này vượt sông Trường Giang lên phía Bắc. Vậy nay chúng dại gì lại cho hai quân đoàn đó trở về phía Nam. Như vậy, chẳng hóa ra thả cọp về rừng hay sao?

Dựa vào đó mà xét, thì chắc chắn Tưởng Giới Thạch chỉ điều động một số quân đội không phải tinh nhuệ và không đáng kể, do vậy, áp lực của chúng ở Trung Nguyên cũng không suy giảm nhiều. Nếu ba tung đội của ta gồm mười vạn tinh binh, không điều động xuống Giang Nam, mà vẫn ở chiến trường Trung Nguyên tác chiến, thì sẽ có cách đánh nhiều trận tiêu diệt chiến lớn.

Ba tung đội của ta vẫn để lại Trung Nguyên, có Khu giải phóng làm chỗ tựa, thì giữa Giang Hoài, Hà Nghị, có thể mở được những chiến trường rộng, tiến hành nhiều trận tiêu diệt chiến, để tiêu hao sinh lực địch, rõ ràng là có lợi lớn.

Túc Dụ suy nghĩ như vậy, nên cảm thấy nếu đưa ba tung đội của mình xuống Giang Nam, thì chi bằng để ở lại chiến trường Trung Nguyên vẫn hay hơn.

Vậy, mình nên phản ánh ý kiến này lên quân ủy Trung ương hay không? Nguyên nhân làm cho Túc Dụ do dự chính là ở vấn đề này.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM