Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 24 Tháng Năm, 2024, 12:12:26 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mười vị đại tướng Trung Quốc - Những điều chưa biết - Tập 1  (Đọc 5384 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #110 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2023, 02:56:30 pm »


Mùa hè năm 1944, giặc Nhật tiến đánh Hồ Nam và Quới Châu, chúng kéo tới quấy phá Bảo Hoa Am, buộc mẹ Trần Canh phái rời ngôi am này đi lánh nạn. Tháng tám âm lịch năm đó, trong khi giặc Nhật đang càn quét lục soát ngọn núi, thì bà bệnh hoạn lại nghèo, không có tiền chạy chữa thuốc men, và quá sợ hãi nên đã từ trần.

Đại tướng Trần Canh, một ngôi sao sáng chói trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc, đã chào đời và trưởng thành trong một gia đình như thế. Không rõ các bạn có thể nhận ra chăng? Về sau Trần Canh đã đi vào con đường binh mã, là có chịu ảnh hưởng của gia đình mình không? Đáp án chắc là phải khẳng định rồi.

Trần Canh thuở nhỏ có nhũ danh là "Phúc Ca". Khi bắt đầu đi học, mới lấy tên là Thứ Khang, tự là Tuyền Cẩn. Còn tên "Trần Canh" là tên được sửa lại sau khi vào làm lính trong Tương Quân, và được mọi người biết tới như hiện nay.

Thuở nhỏ Trần Canh thông minh lanh lợi, lại là cháu trưởng nam đích tôn, cho nên được tổ phụ nuông chiều thương yêu. Tổ phụ là người trải qua nhiều năm chinh chiến, chiến công không kể hết. Trên người tổ phụ còn lưu lại nhiều vết sẹo do dao mác gây ra. Ông thường sờ vào vết sẹo của mình, kể lại cho tiểu Thứ Khang nghe những cuộc đánh nhau trước đây khi ông ở trong quân đội. Ông kể cho cháu mình biết những trận đánh đó diễn biến như thế nào, và ông bị thương ra sao. Ông dạy Thứ Khang lớn lên cũng nên đi làm lính đánh giặc. Tổ phụ là người thích nói chuyện. Một khi kể chuyện gì thì thao thao bất tuyệt. Nói rất hấp dẫn, làm cho một cậu bé như Trần Canh, nghe mê mệt và lưu lại ấn tượng rất sâu sắc trong trí não. Trần Canh xem ông nội mình là một anh hùng đáng sùng bái, trong lòng ước nguyện là khi lớn lên, sẽ giống như ông nội, phóng ngựa ra sa tràng chiến đấu, để xây dựng công danh sự nghiệp.

Lúc còn bé, Trần Canh vẫn thường đi theo người nhà để làm nghề nông. Tính tình Trần Canh hoạt bát, lại thích nghe kể chuyện đời xưa, thích chơi những nhạc cụ như hồ cầm, kèn Sôna. Khi Trần Canh lớn lên, gặp phải thời kỳ xã hội Trung Quốc đang đảo lộn mạnh mẽ. Tuy hồi chuông báo tử của xã hội phong kiến đã điểm, nhưng thế lực phong kiến còn rất ngoan cố. Cũng như những gia đình theo kiểu cũ, gia đình Trần Canh là gia đình vẫn giữ tác phong gia trưởng khống chế của chế độ phong kiến. Cha Trần Canh đối với con cái rất nghiêm khắc, không cho phép bất cứ ai được phát triển theo ý riêng của mình. Kể từ năm sáu tuổi, Trần Canh được gia đình đưa đến học ở một trường tư thục ba năm. Năm chín tuổi đến mười một tuổi, Trần Canh lại đến một trường tư thục tại từ đường họ Đàm ở Thất Lý Kiều để học thêm hai năm nữa. Cách dạy học ở trường tư thục rất cũ kỹ. Hằng ngày ông thầy mặc áo dài kiểu cổ của Trung Quốc, với sắc diện đạo mạo, nhồi vào đầu óc của học trò mình những pho sách cổ như "Tứ Thư", "Ngũ Kinh". Học trò nếu trả thuộc lòng không xong, thì bị khẻ bàn tay hoặc đánh vào mông. Trần Canh là một con người háo động, nên đối với cách học này ông không thích. Tuy không chuyên cần lắm, nhưng nhờ trí tuệ thông minh, Trần Canh có thể trả bài thuộc lòng dễ dàng. Ông lại được tổ mẫu của mình che chở, nên ít khi bị thầy giáo đánh đòn. Nhưng, việc quở trách thì luôn xảy ra. Vì bản tánh Trần Canh nghịch ngợm, nên để trả thù sự quở trách của thầy, ông thường bày những trò chơi quái ác. Có một lần, ông xách cưa đi cưa cây đà ngang ngoài cầu xí một nửa, nếu người có sức nặng đạp lên thì sẽ gãy và sẽ rơi xuống hố xí. Việc làm này, khiến cho thầy giáo suýt nữa bị khổ. Thế là, Trần Canh lại bị thầy giáo quở trách, còn bị cha đánh đập và mắng chửi. Cha ông vì quá tức giận, nên gầm hét lên, nói:

— Đến khi mày mười sáu tuổi, thì tao sẽ tống cổ mày ra khỏi nhà.

Đối với những câu hăm dọa kiểu đó, Trần Canh không biết giả hay thực, nhưng vẫn không để ý. Vì ông cảm thấy một người con trai khi lớn lên, thì nào chịu để cho những quyển sách cũ kỹ đó trói buộc. Về sau, khi ông viết hồi ức có nói: "Lúc còn bé, tôi đi học, nghịch ngợm và quậy phá lung tung", "Tính tôi lôi thôi, nên không chú ý tới việc ăn diện, ngay lúc nhỏ đã như thế rồi".

Năm 1915, khi Trần Canh đã được mười hai tuổi, thì kết thúc những chuỗi ngày học tập ở những lớp tư thục quá nhàm chán, để đến một ngôi trường cao đẳng tiểu học tại huyện Tương Hương, cách quê nhà của ông hơn hai mươi dặm đường. Ngôi trường này tiền thân của nó là Đông Sơn Thư Viện, được xây dựng thành trường tiểu học theo kiểu mới, sau khi triều đình Mãn Thanh phế bỏ khoa cử nhân hồi năm 1890. Trong trường này, ngoài những sách kinh điển cổ, còn dạy thêm các môn khoa học tự nhiên, Anh ngữ, âm nhạc. Trong trường cũng giới thiệu nhiều môn khoa học xã hội của các nước phương Tây tiên tiến. Cách dạy học cũng rất "duy tân". Trước và sau cách mạng Tân Hợi, tư tưởng mới bắt đầu truyền bá tới ngôi trường này, nên nó trở thành ngôi trường có tiếng đối với các huyện chung quanh. Lúc đó, học sinh trong trường có thể xem được sách báo tiến bộ. Hằng ngày sau giờ thể thao sớm xong, hiệu trưởng thường nói chuyện trước học sinh, và đề cập việc Trung Quốc ngày càng nghèo yếu, bị các cường quốc trên thế giới hiếp đáp. Có mấy giáo chức du học Nhật Bản trở về, cũng nói với học sinh sự phú cường của nước Nhật sau ngày Minh Trị duy tân, và việc các cường quốc trên thế giới đã có dã tâm xâm lược Trung Quốc. Họ truyền bá tư tưởng "nước giàu binh mạnh". Đến 1910, Mao Trạch Đông cũng có đến học ngôi trường này."
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #111 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2023, 02:57:07 pm »


Trần Canh sau khi vào trường tiểu học Đông Sơn, được xếp vào lớp B. Học được một năm, Trần Canh cảm thấy vui thích như cá được nước. So với lúc trước, thì ở đây khác hơn một trời một vực. Do tâm trạng vui thích, nên Trần Canh rất siêng học, thành tích học tập rất tốt. Trần Canh lại có tính bạo dạn, không biết gì thì hỏi thẳng với thầy. Ngoài ra, ông còn có tính nhún nhường, nên được thầy yêu bạn mến. Trần Canh lại có trí nhớ phi thường, phàm những thi, văn, kinh, sách hễ xem qua là ông thuộc làu, như những bộ sách "Xuân Thu", "Cương Giám", mấy mươi năm sau ông vẫn trả làu làu. Ở trường Đông Sơn, Trần Canh từng học qua "Cái lý nước giàu binh mạnh", "Ẩm băng thất hội tập", "Trung Quốc Hồn", v.v... là những sách báo tiến bộ lúc bấy giờ. Việc giống như ông nhìn qua tấm vách kín mít của chế độ phong kiến, có những kẽ hở để thấy được những điều mới lạ ở bên ngoài, mà từ trước tới nay mình chưa hề thấy. Nhờ vậy mà tầm mắt của ông mở rộng thêm, bước đầu biết mơ hồ thế nào là những đạo lý "Các nước mạnh, nước ta yếu, các nước giàu, nước ta nghèo", v.v... Những ý thức tỉnh ngộ về dân tộc đó đang phản ánh vào tâm linh trong trắng của Trần Canh, và sản sinh ra một ý nghĩ thương nước thương dân, muốn trở thành bậc anh hùng hào kiệt, và muốn làm sao cho "nước giàu binh mạnh". Tình hình này hoàn toàn khác hẳn với lúc còn học ở tư thục. Ở đây, Trần Canh tỏ ra rất hoạt bát, quả cảm, thích làm những việc hào hiệp, phản đối sự áp chế của đương cuộc nhà trường, còn tham gia cả bãi khóa nữa.

Ngay năm Trần Canh bước vào tiểu học, thì gia đình lại lo việc hôn nhân cho ông. Cha ông đã bắt buộc ông phải đi kết hôn với một cô gái lớn hơn mình hai tuổi. Cô gái này tên gọi Trần Bích Quân, nhà ở tại thành Tiền Hương, cách Dương Cát An hơn mười dặm đường. Đôi bên "môn đăng hộ đối", cho nên cha Trần Canh hết sức tán thành. Dưới chế độ phong kiến thời xưa, việc hôn nhân do gia đình áp đặt, không cần biết người trong cuộc có bằng lòng hay không, là chuyện thường thấy trong xã hội. Nhưng, đối với Trần Canh là một thanh niên vừa bắt đầu tiếp thu những tư tưởng mới, việc này thật không thể nhân nhượng được. Huống hồ chi tánh tình của ông lại rất bướng, cho nên không chịu nghe theo mệnh lệnh của cha, và lời nói khéo của người mai mối theo kiểu tập quán cũ, mà phản đối kịch liệt cuộc hôn nhân của mình. Trần Canh vốn đối với gia đình có nhiều điều bất mãn, và sự bất mãn đó ngày càng gay gắt hơn. Nay, nhân dịp cuộc hôn nhân này, sự bất mãn đó liền bùng nổ lên như một ngòi pháo. Hơn nữa, trước phong trào "Ngũ Tứ", người Hồ Nam đi lính rất nhiều, hình thành một phong trào trong xã hội. Do chịu ảnh hưởng của ông nội, Trần Canh hồi nhỏ đã có ý chí dũng cảm, nên kết hợp với ý chí cứng rắn bướng bỉnh của mình, từ lúc nhỏ, ông đã có ý nguyện rời đèn sách để theo chiến chinh. Cho nên năm mười ba tuổi, không chờ đến đủ mười sáu tuổi để người cha tống cổ mình ra khỏi cổng như đã hăm, ông tự mình đi tìm một cuộc sống độc lập, quyết không ỷ lại vào gia đình nữa. Trần Canh rời nhà ra đi, và đã đi thẳng tới trại lính xin gia nhập quân ngũ. Sở dĩ Trần Canh rời nhà, không chỉ riêng việc bị cha mình bắt ép cưới vợ, mà vì ông cảm thấy nếu so với nhiều thiếu niên lúc bấy giờ, tâm hồn ông rộng mở hơn rất nhiều. Ông ra đi là để mình có thể sáng tạo một sự nghiệp riêng cho mình, nhất là làm cái gì đó đối với quốc gia và xã hội. Vì tất cả những điều đó là một viễn ảnh rất đẹp, đầy sức thu hút đối với ông. Chính vì những yếu tố như vậy, mà nó đã thúc đẩy ông dám phá vỡ sự ràng buộc của gia đình, ra đi để tìm một thế giới rộng rãi hơn.

Tháng năm năm 1916, tổ phụ của Trần Canh vì bệnh qua đời. Tổ phụ là người được Trần Canh sùng bái nhất, nay bỗng nhiên qua đời, khiến trong lòng ông hết sức đau thương. Tuy nhiên, những lời khuyến khích "phải có tinh thần thượng võ" của tổ phụ, thì lúc nào cũng sống mãi trong lòng Trần Canh. Nay tổ phụ qua đời là dịp thúc đẩy cho Trần Canh phải hành động. Cuối năm đó, ông chưa tốt nghiệp cao đẳng tiểu học, thì đã rời bỏ Đông Sơn học đường, đến chỗ chiêu mộ của Tương Quân tại Dã Miêu Ao, cách nhà ông không xa, để ghi danh, và liền được biên chế vào bộ đội của Lỗ Điều Bình, làm binh nhì tại tiểu đoàn hai thuộc đoàn sáu. Lúc rời khỏi nhà, Trần Canh mặc một chiếc áo da, trông giống như dân "cậu". Nhưng, ngay từ lúc nhỏ tánh tình vốn đã cứng cỏi, Trần Canh cuối cùng chịu đựng được tất cả mọi sự khổ cực, vác cây súng trường Đức cũng cao ngang đầu cậu, suốt trong vòng bốn năm. Sau đó, từ binh nhì Trần Canh lên được thượng sĩ. Có một lần bộ đội bị đánh thua, phải lui về Sâm Châu ở Hồ Nam, đời sống rất kham khổ, nên khắp người ông sinh ghẻ chốc. Gia đình liên tiếp phái người đến đơn vị tìm Trần Canh để đưa về, nhưng ông vẫn cương quyết ở lại, sống qua những ngày gian truân đó. Vì ở nhà trường, Trần Canh đã học qua sách vở, nên tính cách rất dũng cảm, hào phóng. Do vậy, ông được binh sĩ rất kính trọng, binh sĩ nhờ ông viết thư gửi về nhà, còn đại đội trưởng nhờ ông dạy hát, tất cả ông đều làm giúp. Lúc bấy giờ, có thể nói Trần Canh là một người rất hoạt bát.

Lúc đó, Hồ Nam là một địa điểm mà quân phiệt ở phía Nam lẫn phía Bắc đang giành nhau. Họ đánh nhau, giết nhau như là cơm bữa. Trần Canh nhập ngũ qua bốn năm, đã nối tiếp tham gia chiến tranh "hộ pháp". Chiến tranh "đuổi Trương", chiến tranh giữ Hồ Nam và Hồ Bắc v.v... Chính mắt ông nhìn thấy sau những cuộc hỗn chiến, trên chiến trường đầy rẫy xác chết. Nhà cửa dân chúng, mười gian bỏ trống đủ mười, cảnh tượng rất thê thảm, ông cảm thấy hết sức đau lòng, và trong đầu óc liền hiện lên một sự nghi vấn: “Ta làm lính để làm gì?". Ông cảm thấy mình làm lính trong loại quân đội hại nước hại dân này, đối với quốc gia dân tộc, hoàn toàn không có ích lợi chi. Ngoài ra, đã là một người lính, thì không mong gì được thăng lên làm sĩ quan, ngoại trừ có một trường hợp rất đặc biệt nào đó. Vì, sĩ quan trong bộ đội có thiếu, họ thường vẫn lấy học sinh trường võ bị ra để bổ sung. Chính vì vậy, Trần Canh cảm thấy làm lính ở đây không có tương lai. Đặc biệt là có một lần ông muốn thi vào một trường võ bị, nhưng vì bản thân mình là lính, nên không đủ điều kiện thi vào. Điều đó đối với ông là một sự đả kích rất lớn. Ý nghĩ rời bỏ quân đội mỗi lúc lại càng cấp thiết hơn. Mãi đến năm 1921, bỗng một cơ hội thuận tiện tới, khiến cho Trần Canh rời khỏi được quân đội, và trong lòng ôm một ý nghĩ thương nước thương dân. Từ Nhạc Dương trở về tới Trường Sa, ông vừa làm viên chức đường sắt, vừa lo học tập.

Ngày một tháng bảy năm đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời tại thành phố Thượng Hải. Lúc Trần Canh tới Trường Sa thì phong trào công nhân ở Hồ Nam đã rất sôi nổi. Trường Sa là một trong những cái nôi cách    mạng của Trung Quốc. Mao Trạch Đông đến Trường Sa mở "Thư xã văn hóa", “Đại học hàm thụ", "Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác", có ảnh hưởng rất lớn trong thanh niên. Lúc đó, Trần Canh và vô số những thanh niên có tư tưởng yêu nước, tiến bộ, ai ai cũng đang băn khoăn trước tổ quốc bị nhiều khó khăn, lâm vào cảnh hèn yếu và nghèo đói, nên muốn tìm một chân lý để cứu nước, và tạo một tương lai xán lạn cho tổ quốc và nhân loại. Trong những năm ở Trường Sa, Trần Canh đọc sách báo tiến bộ như người đang đói khát nhai thức ăn ngấu nghiến. Và, ông cũng chịu ảnh hưởng những tư tưởng mới qua phong trào "Ngũ Tứ”, nên về mặt tư tưởng đã tiến lên vùn vụt. Từ đó hình thành một niềm tin mới. Ông bằng lòng hiến thân mình cho sự nghiệp cải tạo nước Trung Quốc và cho thế giới. Tháng mười hai năm 1922, Trần Canh gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Như vậy là phong trào Cộng sản vào thời kỳ đầu ở Trung Quốc, lại thêm một chiến sĩ kiên cường. Việc này, đã thành một khúc quanh quan trọng trong đời sống của Trần Canh. Năm đó, Trần Canh chỉ mới mười chín tuổi, nên có thể gọi là một thanh niên tuấn kiệt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #112 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2023, 03:00:50 pm »


2. SỐNG GIỮA HANG RỒNG, Ổ CỌP

Cuộc đời của Trần Canh có một sắc thái truyền kỳ lạ lùng. Có lúc ông là một thương gia, nhưng có lúc ông lại là một ông thầy thuốc bắc, và cũng có lúc lại là một nhà thầu ở vùng tô giới. Sự tích của ông thật ly kỳ, hấp dẫn, có nhiều khi rất hiểm nguy. Nhưng những lần gặp hiểm nguy đó đều được bình an vô sự. Tất cả sự tích về ông, kẻ thù mù mờ không biết gì, trái lại, đồng chí của ông ai ai cũng phải tặc lưỡi khen ngợi.

Ngày một tháng mười năm 1925, quân cách mạng Quảng Đông vì muốn đả đảo quân phiệt Trần Quýnh Minh, nên mở đầu cuộc Đông chinh lần thứ hai. Lúc đó Tưởng Giới Thạch giữ chức chủ nhiệm tổng bộ chính trị quân Đông chinh, kiêm quân trưởng đệ nhất quân. Trong khi bao vây hang ổ của Trần Quýnh Minh ở Huệ Châu, Tưởng Giới Thạch và sư đoàn ba đánh kéo dài mà không thể chiến thắng, thương vong nặng nề, khiến ông ta cuống quít cả lên, nhưng vẫn không có biện pháp nào khác, Trần Canh lúc đó được Tưởng sai làm quyền sư trưởng sư ba, thấy Tưởng Giới Thạch bó tay không còn cách nào để thắng địch, tâm trạng lại đang hoảng loạn, thì ông vẫn bình tĩnh, một mặt bố trí cảnh vệ yểm trợ để rút lui, một mặt vừa kéo vừa cõng Tưởng Giới Thạch chạy mấy dặm đường, cho tới khi đến một bờ sông thì cùng lên thuyền. Trần Canh ra lệnh cho cảnh vệ chiếm ngay trận địa, ra sức chặn địch truy kích, rồi yểm trợ Tưởng Giới Thạch qua sông, thoát khỏi cảnh nguy hiểm. Tới chừng đó, mọi người mới thở phào.

Sau khi thoát hiểm, Tưởng Giới Thạch muốn liên lạc với Hà Ứng Khâm ở sư một, nhưng lại không có điện đài, chỉ còn cách phái người cầm thơ mang tới mà thôi. Tưởng Giới Thạch bèn triệu tập một số sĩ quan tới bộ tổng chỉ huy. Ông ta đi tới đi lui trong phòng, rồi bỗng quay phắt lại, nói:

— Tôi cần liên hệ với sư trưởng họ Hà, vậy ai bằng lòng mang thư đi?

Mấy sĩ quan đưa mắt nhìn nhau, không ai nói lời nào.

— Tôi xin đi!

Bỗng mọi người nghe một tiếng nói rất to. Tưởng Giới Thạch đưa mắt nhìn, thấy đó là Trần Canh. Ông ta có vẻ ngần ngại, nói một câu vuốt ve:

— Ông đã mệt nhọc quá rồi!

Trần Canh cải trang thành một nông dân, mang bức thư do chính tay Tưởng Giới Thạch viết, đi Hậu Bộ ở Hải Phong để tìm Châu Ân Lai (lúc đó làm đại biểu đảng tại sư một, quân một), và Hà Ứng Khâm. Thời gian rất cấp bách. Tưởng Giới Thạch yêu cầu Trần Canh phải đưa thư tới nơi trước mười giờ sáng. Từ địa điểm xuất phát tới Hậu Bộ, có một quãng đường xa tới hơn một trăm sáu mươi dặm. Hơn nữa, sau khi qua sông thì thuộc vùng địch chiếm đóng. Giữa đó còn có một dãy núi Liên Hoa Sơn, bên trong có rất nhiều thổ phỉ. Trần Canh lần đầu tiên đi tới nơi này, đường sá xa lạ. Do vậy, nhiệm vụ của ông là một nhiệm vụ khá gay go. Tuy nhiên, với tánh gan dạ, khôn lanh, Trần Canh lại cảm thấy đây là một sự thử thách đầy hấp dẫn, nên quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Khi Trần Canh lên đường, còn có một sĩ quan đi theo. Nhưng trên đường đi họ gặp thổ phỉ xuất hiện, người sĩ quan đó bỏ trốn mất biệt. Trần Canh chỉ còn lại một mình, không có cách nào đối phó được với toán thổ phỉ này. Nhưng ông lại muốn đi qua trót lọt cho nhanh, bèn lấy ra một trăm đồng mang trong mình, trao hết cho thổ phỉ để làm "tiền mãi lộ". Bọn thổ phỉ đưa mắt nhìn Trần Canh từ đầu tới chân, thấy ông có cử chỉ hào phóng, thân người khỏe mạnh, đoán ông là một quân nhân, bèn hỏi thẳng:

— Anh hãy nói thật tình, anh làm gì trong quân đội của Trần Quýnh Minh, hay làm gì trong quân đội cách mạng ở Quảng Châu?

Trần Canh bình tĩnh mỉm cười, đáp:

— Tôi là quân cách mạng. Vậy các anh định làm gì đây?

Đám thổ phỉ có vẻ ngạc nhiên. Thì ra, họ không phải là những tên cướp tán tận lương tâm, mà chỉ là những người nông dân quá nghèo khổ, không còn đường nào kiếm sống, lại không bằng lòng cam chịu sự áp bức bóc lột của thế lực phản động, cũng như không bằng lòng ngồi yên chịu chết đói, chịu chết lạnh, nên mới buộc phải "lên Lương Sơn". Bọn họ tỏ ra khá có nghĩa khí, nghe qua Trần Canh là quân đội cách mạng, bèn không làm hại ông, mà còn trả lại phân nửa tiền cho ông, rồi thả cho đi. Họ còn báo cho Trần Canh biết, đi tới một đoạn nữa, sẽ gặp thổ phỉ. Còn trong núi sâu thì có cọp, vậy phải cẩn thận đề phòng. Tên cầm đầu toán cướp, còn vẽ ra một phù hiệu chi đó, rồi giao cho Trần Canh, bảo Trần Canh khi gặp bọn anh em của chúng, cứ đưa phù hiệu này ra cho họ xem, thì họ sẽ không gây rắc rối chi nữa. Phù hiệu đó trông thật đơn giản, chỉ vẽ một vòng tròn trên một tấm giấy, rồi lại chấm mấy chấm. Trần Canh đa tạ họ xong, bèn tiếp tục lên đường. Đêm đó khi đi đến chừng mười một giờ khuya, ông gặp thổ phỉ lần thứ hai. Vì tên đầu mục trước đây có vẽ một phù hiệu cho ông, nên bọn cướp chỉ lấy tiền của Trần Canh, chứ không làm hại ông, mà cũng không gây khó khăn gì. Trước khi cho ông đi, chúng lại viết một tấm giấy khác cho Trần Canh mang theo mình. Đến ba giờ khuya đêm đó, Trần Canh lại gặp một toán thổ phỉ thứ ba. Ông bèn đem việc hai lần trước đã gặp thổ phỉ nói cho toán thổ phỉ này nghe, liền được chúng thả cho đi, mà còn phái người đưa Trần Canh xuống núi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #113 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2023, 03:01:28 pm »


Đêm khuya, Trần Canh đi một mình giữa rừng rậm núi hoang, không khỏi lo ngại. Vì bọn thổ phỉ cho biết là trong núi này có cọp. Ông sợ lại xảy ra rắc rối, không làm tròn được nhiệm vụ, nên trong tay luôn giữ chặt một cây côn, và đầu óc cảm thấy thật căng thẳng. Khi đi tới một vùng núi rậm rạp hiểm trở, cứ nghe có tiếng động gì, ông đều cảnh giác, sẵn sàng đối phó. Dưới ánh trăng lờ mờ, bóng cây oặt òa, khiến ông càng sợ cọp từ trong lùm cây nhảy ra, nên nắm cây côn trong tay càng chặt, và sẵn sàng đánh ra bất cứ lúc nào. Trần Canh lúc đó chỉ vừa mới hai mươi hai tuổi, thân người to lớn, khỏe mạnh, tay cầm côn, đi trong núi rừng giữa đêm khuya, thật chẳng khác nào Võ Tòng ngày xưa, một mình đi qua Cảnh Dương Cương, và đã đánh chết cọp vậy.

Do nhiệm vụ trọng đại, thời gian cấp bách, nên Trần Canh cứ men theo đường sơn đạo gồ ghề, hối hả mà đi. Sau một quãng đường, chân ông đã bị phồng, nổi bọc nước, còn bàn chân thì sưng phù, có chỗ rách da lòi thịt, cứ đi một bước lại đau thấu tận tâm can. Nhưng Trần Canh vẫn nghiến răng chịu đựng đi không dám nghỉ. Đến một giờ trưa thì ông tới được Hậu Bộ. Châu Ân Lai xem qua bức thư của Trần Canh mang tới, liền phái bộ đội đi đón Tưởng Giới Thạch về. Ban đầu Tưởng Giới Thạch không biết Trần Canh là đảng viên Đảng Cộng sản nên để tạ ơn cứu mạng của ông, có một dạo Tưởng Giới Thạch điều ông về bên cạnh mình, làm tham mưu tùy tùng. Trần Canh trong thời gian đó, có thể ra vào chỗ ở của Tưởng Giới Thạch một cách tự do. Khi quân Đông chinh đánh xuống Sơn Đầu, bộ tổng chỉ huy đóng tại Kỳ Lư, Tưởng Giới Thạch ở tại lầu một, còn Trần Canh và Châu Ân Lai ở trên lầu hai. Có một hôm, Trần Canh thấy trên mặt bàn của Tưởng Giới Thạch có để một quyển sách học sinh trường Hoàng Phố và người phụ trách các cấp. Ông liền lật ra xem, thấy tên họ của đảng viên Cộng sản đều có đánh vòng tròn đỏ. Và, bên cạnh tên Trần Canh, còn có ghi chú: "Người này là đảng viên Cộng sản, không thể cho chỉ huy quân đội".

Ngày hôm sau, Trần Canh thỉnh thị riêng với Châu Ân Lai, rồi lấy cớ về thăm mẹ bệnh nặng, viết một tờ giấy xin phép nghỉ để về nhà. Tưởng Giới Thạch xem qua, hiểu rõ ý đồ của Trần Canh, nên liền hỏi:

— Chắc không phải thế chứ? Chắc ông đã xem những gì của tôi rồi phải không?

Trần Canh lặng thinh, sau đó một đêm, Tưởng Giới Thạch cho người đi lấy vé tàu thủy, và trao cho lộ phí cùng với một "Ủy nhiệm trạng". Bên trên tờ ủy nhiệm trạng có viết rõ: "ủy nhiệm Trần Canh làm đội trưởng trung đội trường quân sự chính trị trung ương". Trần Canh liền rời khỏi Sơn Đầu, đến Quảng Châu.

Câu chuyện "cứu giá" đó, được đồn đại rộng rãi, trong quân đội Đông chinh cũng như trong trường lục quân Hoàng Phố, ai ai cũng biết, tên tuổi Trần Canh bắt đầu được mọi người chú ý.

Ngày một tháng tám năm 1927, cuộc cách mạng võ trang do Đảng Cộng sản lãnh đạo độc lập - cuộc khởi nghĩa Nam Xương đã bùng nổ. Trần Canh phụ trách công tác bảo vệ tại bộ tổng chỉ huy của quân khởi nghĩa. Khi bộ đội rút lui thì ông đi sau cùng. Ngày hai mươi bốn tháng tám, Trần Canh dẫn một tiểu đoàn đụng địch tại Hội Xương. Do quân địch có uy thế tuyệt đối, còn quân cách mạng đạn dược đã hết, lương thực đã cạn, nên bắt buộc phải rút lui. Trên đường rút lui, đến một giờ trưa thì đùi trái của Trần Canh đã bị trúng đạn, gần đầu gối bị đứt, xương đùi và xương sườn bị gãy, không còn đi được nữa. Ông thấy quân địch đuổi tới, vội vàng cởi y phục trên người vứt đi, rồi lăn xuống sườn núi và té vào một khe nước có cỏ mọc rậm rạp. Máu trên đùi ông vẫn tiếp tục chảy ra, làm cho khe nước đỏ ngầu. Lúc bấy giờ, viên phó của ông là Lư Đông Sinh cũng vội vàng nhảy xuống để chăm sóc cho ông. Không mấy chốc, từ trên núi có mấy tên lính địch đi xuống, Trần Canh không còn cử động được, nên khuyên Lư Đông Sinh hãy mau rút lui. Lư Đông Sinh vẫn không chịu rời bỏ Trần Canh, chỉ tìm một lùm cỏ khác để ẩn mình cho kín đáo. Trần Canh vội vàng lấy bàn tay chấm máu trên vết thương, rồi bôi đầy mặt đầy mình. Ông suy nghĩ, bộ đội của ta đã rút đi xa, nay địch kéo tới chắc là sẽ chết. Nhưng một chốc sau, ông lại suy nghĩ, ta còn trẻ tuổi, con đường tương lai còn dài, vậy chắc đây chỉ là một sự thử thách... Chờ khi mấy tên địch tới gần, Trần Canh bèn nhắm mắt nín thở, giả vờ như đã chết. Một tên địch lấy chân đá vào mình ông, thấy ông không có phản ứng gì mà vẫn nằm ngay đơ, nên tưởng ông chết rồi, bèn bỏ đi.

Ba tiếng đồng hồ sau, quân cách mạng do Diệp Dĩnh chỉ huy, đã phản công trở lại. Trần Canh nghe trên núi có tiếng ngựa hí người reo, tưởng là quân địch bị đánh thối lui trở về, nên vẫn nằm yên không dám nhúc khích. Vì lúc đó trên người Trần Canh chỉ còn mặc có một chiếc áo thun lá, và một chiếc quân đùi, bộ đội cách mạng đi lục tìm thương binh, tưởng ông là lính địch, bèn nện cho một báng súng, Trần Canh lén hí mắt nhìn, thấy trên cổ của họ đều có quấn khăn đỏ, biết đây là quân đội của mình, vui mừng ngồi dậy. Lư Đông Sinh cũng từ trong lùm cỏ chui ra. Lúc đó Hồng quân đã đánh chiếm được Hội Xương, nên Trần Canh được họ khiêng về trong thành để gặp lại Châu Ân Lai, Hạ Long, Diệp Đĩnh, Nhiếp Vĩnh Trăng, và nhiều đồng chí khác. Trong không khí trùng phùng bất ngờ, mỗi người đều cảm thấy càng thân thiết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #114 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2023, 03:02:20 pm »


Sau trận đánh Hội Xương, Trần Canh do bị thương quá nặng, nên phải đi thuyền xuôi theo dòng sông Cống Thủy để tới Đinh Châu. Vừa mới lên thuyền, quân địch lại kéo tới tấn công, và chúng đã tới sát ven sông. Con thuyền của Trần Canh ngồi, bị trúng nhiều vết đạn, tình hình rất nguy cấp. Cũng may lúc đó Châu Sĩ Đệ dẫn sư hai mươi lăm, kịp thời tới nơi, phản công và đánh bại chúng. Trần Canh lại được cứu nguy. Khi tới Đinh Châu, Trần Canh và những thương binh trong cuộc khởi nghĩa đều được đưa tới bệnh viện Tin Lành để trị liệu. Y viện này do Phó Liên Chương xây dựng. Khi ông gặp Trần Canh, và nghe nói đây là một tiểu đoàn trưởng nghĩa quân bị địch bắn gãy xương đùi trong trận đánh Hội Xương, bèn bố trí cho ông nằm tại Tân An Lầu gần bệnh viện, rồi sau đó đích thân ông dẫn y tá đến chữa trị. Lúc đó vì Trần Canh bị chảy máu quá nhiều, lại không được trị liệu kịp thời, nên sắc mặt xanh như tàu lá, thân thể rất yếu ớt. Phó Liên Chương giở nhẹ chiếc mền đắp ra, thấy đùi của Trần Canh sưng to, vừa đỏ vừa bóng láng, thế mà Trần Canh lại không rên rỉ một tiếng nào. Phó Liên Chương hết sức khâm phục. Trong khi ông chữa trị vết thương cho Trần Canh, thì Trần Canh chẳng những không kêu đau, mà lại nói cười vui vẻ với y tá. Trong trại bệnh, tiếng nói cười của Trần Canh nghe như người bình thường. Phó Liên Chương áp dụng "bảo thủ liệu pháp", mỗi ngày dùng "dầu tố” để tẩy độc vết thương, rồi dùng thẻ tre kẹp cứng đùi bệnh nhân lại, đồng thời, cho uống nhiều sữa bò tươi, để cho cơ thể bệnh nhân có đủ sức đề kháng. Tóm lại, ông đã tận dụng mọi phương pháp để tránh khỏi phải cưa chân Trần Canh. Đối với việc trị liệu của Phó Liên Chương, Trần Canh hết sức cảm kích. Rất lâu về sau, cứ mỗi lần nhắc đến chuyện đó, Trần Canh đều nói: "Ông ấy là một vị bác sĩ tôi gặp lần đầu tiên, đã tỏ ra đồng tình với tôi. Nhờ sự tận tình trị liệu của ông ấy, mà cho tới nay, tôi vẫn hết sức cảm kích".

Với sự trị liệu tận tình, vết thương trên đùi của Trần Canh rốt cuộc rồi cũng lành, khỏi phải cưa chân.

Sau đó, bộ đội tiến quân về Đông Giang. Mặc dầu vết thương trên đùi của Trần Canh chưa lành hẳn, nhưng vì tình thế bắt buộc, ông phải hành quân theo bộ đội. Lần đầu, ông ngồi thuyền xuôi xuống phía Nam Hàn Giang. Trên đường đi nước chảy rất xiết, dưới sông có đá ngầm, nên có một số thuyền bị lật. Chiếc thuyền của Trần Canh cũng bị đụng đá ngầm, suýt nữa đã gặp tai nạn. Sau khi tới Đại Bộ, các đồng chí thấy đi đứng quá khó khăn, nên có ý bảo ông ở lại nhà của một đảng viên để dưỡng thương, nhưng ông cương quyết không chịu, đòi đi chung với bộ đội. Không có cách nào khác, các đồng chí đành phải khuyên Trần Canh lên thuyền để đi bằng đường thủy. Ngày hai mươi ba tháng chín, hồng quân chiếm lĩnh Triều Châu, Trần Canh được các đồng chí bộ đội khiêng tiến vào thành, ở Triều Châu, bộ tư lệnh sư ba đóng trong một bưu cục. Trần Canh ở tại Trường Tiểu học nơi miếu Hàn Văn Công, cách đó một tấm vách. Nhờ ở nơi này mà sau đó, khi đến Hồng Kông, gặp tình trạng khẩn cấp, bị địch chất vấn, ông đã lấy nơi này để mà bịa chuyện ra đối phó.

Ngày hai mươi bốn tháng chín, cánh quân đầu tiên của bộ đội đã tiến vào Sơn Đầu. Trần Canh và các đồng chí bị thương được đưa vào y viện Bác Thái của người Nhật mở tại Sơn Đầu. Người Nhật biết Trần Canh là sĩ quan khởi nghĩa, nên có thái độ không tốt đối với ông. Quân khởi nghĩa bị thất bại tại Triều Châu và Sơn Đầu đã rút đi hết, thế nhưng Trần Canh hoàn toàn không hay biết. Lúc bấy giờ, thương thế của ông vẫn còn rất nặng, không thể đi đứng. Giữa lúc nguy cấp đó thì người Nhật lại ra lệnh đuổi thương binh của quân khởi nghĩa ra khỏi bệnh viện. Người Nhật chỉ thẳng vào Trần Canh, nói:

— Ông là đảng viên Cộng sản, chúng tôi không chịu trách nhiệm về sự an toàn của ông.

Lúc đó, trong bệnh viện này có một cô y tá họ Lý, và một cô công nhân làm vệ sinh, đều tỏ ra đồng tình với quân cách mạng. Họ tìm cách nói tốt với ông chủ Nhật đủ điều, lại hướng dẫn Trần Canh đưa cho người Nhật một số tiền. Nhưng rốt cuộc vẫn không giải quyết được gì. Thế là họ lén khiêng Trần Canh tới gian phòng của công nhân ở để giấu. Nhờ vậy mà khi quân đội của Quốc Dân Đảng vào lục soát bệnh viện, Trần Canh mới khỏi bị bắt. Về sau, Quốc Dân Đảng trở lại lục soát một lần thứ hai, cô y tá họ Lý đem Trần Canh giấu vào cầu xí, nên Trần Canh đã thoát hiểm một lần nữa. Sau đó, cô nữ y tá họ Lý bèn gọi người cô ruột và em ruột của mình tới, để chăm sóc giúp Trần Canh. Do tình thế ở bên ngoài quá căng thẳng, họ bắt đầu tìm thuyền rồi nói với Trần Canh:

— Bây giờ không khí bên ngoài căng thẳng lắm, vậy ông phải đi mới được!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #115 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2023, 03:03:02 pm »


Trần Canh được cô nữ y tá hộ tống, lên được tàu thủy để đi Hồng Kông. Trên tàu, ông lại gặp binh sĩ Quốc Dân Đảng lục soát. Chúng tra hỏi Trần Canh có phải là quân khởi nghĩa bị thương không? Cô nữ y tá hết sức trầm tĩnh, chỉ vào Trần Canh nói:

— Ông ấy là bệnh nhân của bệnh viện chúng tôi, đang bị bệnh nguy cấp, nên tôi phải đưa ông ấy chuyển sang bệnh viện Hồng Kông để trị liệu.

Nhờ đó, Trần Canh lại thoát khỏi nguy hiểm một lần nữa. Khi tàu vừa cập bến, tuần cảnh của Hồng Kông lại xuống tàu lục soát. Chúng thấy Trần Canh đang bị thương nặng, bèn nói:

— Anh chắc là quân Cộng sản, bị thất bại ở Sơn Đầu phải không?

Trần Canh dùng tiếng Triều Châu không được thông thạo lắm, trả lời với chúng mình là người Triều Châu, và làm việc tại bưu điện ở đấy. Ông bảo, vì lúc quân đội hai bên đánh nhau, ông bị lạc đạn khi đang ngồi làm việc trong phòng giấy. Nhưng, vì ở Triều Châu không có bệnh viện, ông phải tới Sơn Đầu để nằm bệnh viện Bác Ái. Bọn lính hỏi ông bưu cục Triều Châu nằm ở đâu, Trần Canh bèn trả lời ngay, nó nằm sát Hàn Văn Công Miếu. Thấy Trần Canh đối đáp suôn sẻ, bọn tuần cảnh Hồng Kông mới để cho Trần Canh và Lư Đông Sinh rời đi.

Sau khi lên bờ, họ không tìm được người quen, Trần Canh và Lư Đông Sinh phải ngồi bên vệ đường để nghỉ chân. Nhưng tuần cảnh không cho ngồi như vậy, lại huơ cây gậy trong tay đuổi họ đi. Hai người đành phải tìm tới một lữ quán gần đó, định vào nghỉ ngơi mấy hôm. Không ngờ, trong lữ quán này người trọ rất đông. Họ nghe nói có một thanh niên bị thương, thì xúm vây lại để xem, và bảo: "Đây là hồng quân ở Sơn Đầu chạy ra". Trần Canh sợ lộ tung tích, tìm cớ cùng Lư Đông Sinh rời khỏi lữ quán. Trần Canh cảm thấy vết thương quá đau, nên Lư Đông Sinh phải đỡ ông đi theo đường dành riêng cho người đi bộ. Nhưng hai người vẫn không thể tìm nơi yên thân. Thế là hai người gọi một chiếc xe kéo, cùng ngồi tới một y viện, muốn nhờ điều trị. Nhưng y viện không thu nhận. Họ định tìm một nơi nào đó để tạm sống yên thân, rồi tiếp tục tìm người quen. Họ bèn tới một phòng trung y lấy thẻ chờ khám bệnh. Một chốc sau thầy thuốc phát hiện Trần Canh bị thương vì súng đạn nên không dám nhận, buộc họ phải rời khỏi phòng đông y. Họ lại trở ra đường, gặp tuần cảnh đuổi đi. Lúc bấy giờ, Trần Canh thấy cạnh đường có một cầu xí, bèn để cho Lư Đông Sinh cõng mình vào đấy ngồi yên một chỗ. Cầu xí này, trở thành nơi họ nghỉ ngơi được hơn nửa tiếng đồng hồ. Trần Canh cảm thấy bụng đói và cũng thấy gần đó có một quán ăn bán cơm tây, bèn nói đùa:

— Hãy vào đấy kêu một phần cơm tây để ăn.

Lư Đông Sinh tưởng thực, đi thẳng vào quán cơm tây kêu một phần. Khi người hầu bàn theo Lư Đông Sinh tới cầu xí, tưởng anh ta đùa cợt mình, bèn mang thức ăn trở về mà còn mắng chửi cho một trận nên thân.

Lúc đó, trong người Trần Canh còn hai mươi đồng, muốn đi Thượng Hải, nhưng không biết đủ tiền không, bèn bảo Lư Đông Sinh đi tìm hiểu về vấn đề này. Sau một tiếng đồng hồ, cả hai quyết định đi Thượng Hải, nên cùng tới bến tàu. Người chủ tàu thấy Trần Canh đánh giặc bị thương, tìm cách làm khó dễ, và đã lấy được của Trần Canh năm đồng. Khi xuống ca nô để ra tàu lớn, họ bị người ngoại quốc trên tàu lớn, nghi Trần Canh đang bị bệnh truyền nhiễm, nên không chịu bán vé. Nhiều người vây quanh Trần Canh để xem, khiến ông hết sức luống cuống, chẳng biết phải làm thế nào. Cũng may, lúc đó có một người mặc y phục công nhân màu lam bước tới, tỏ ra đồng tình, nói với Trần Canh:

— Nếu có ai hỏi, anh bảo mình không phải bệnh truyền nhiễm, mà do té bị thương ở đùi. Mỗi ngày tôi vẫn còn ăn được ba chén cơm kia mà!

Sau đó, người công nhân hướng dẫn họ đi mua vé tàu, rồi lại tìm được một chiếc giường dã chiến, để Trần Canh lên nằm, và cùng Lư Đông Sinh khiêng Trần Canh đi tìm một nơi yên ổn để nằm nghỉ.

Tàu rời khỏi Hồng Kông, lại ghé Sơn Đầu. Trần Canh vừa mới trốn thoát khỏi Sơn Đầu, nay bỗng thấy tàu trở lại đây, trong lòng không khỏi căng thẳng. Tàu mới cập bến, lại có mấy đồng chí trong quân khởi nghĩa lên tàu. Trong số này, có sư trưởng sư ba, quân hai mươi, là Châu Dật Quần, ông ta bị Quốc dân đảng bắt sống, nhưng do không nhận diện được, nên để ông ta trốn thoát. Khi lên tàu, Châu Dật Quần ôm một manh chiếu rách, đi thẳng xuống hầm chứa hàng, thấy không có ai, bèn sờ soạng tìm tới một nơi kín đáo trải chiếu ra ngủ, Trần Canh đang nằm đọc báo, thấy Châu Dật Quần xuống, lấy làm mừng. Nhưng ông bèn bày trò đùa nghịch với Châu Dật Quần, bằng cách vừa xem báo, vừa nói lẩm nhẩm một mình:

— Tờ báo này tin tức thật sốt dẻo. Châu Dật Quần chưa lên tàu, mà nó đã đăng tin ở đây rồi!

Nghe thế, Châu Dật Quần không khỏi giật mình đánh thót. Ông ta cố lắng nghe thêm, và cảm thấy hai lỗ tai nóng bừng. Nhưng, sau khi nghe được tiếng nói của Trần Canh, thì ông ta mới thốt lên:

— Ồ! Té ra là cái thằng quỷ quái này! Ha ha...

Hai người cùng bụm miệng cười. Trong một hoàn cảnh nguy cấp như vậy, mà Trần Canh vẫn còn đùa, đủ thấy tính lạc quan và tính khôi hài của ông là thế nào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #116 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2023, 03:03:48 pm »


Sau những ngày lặn lội đầy nguy hiểm, rốt cuộc Trần Canh đến được Thượng Hải, và bắt liên lạc được với Đảng.

Sau khi tới Thượng Hải, Trần Canh vào y viện Ngưu Huệ Lâm để trị liệu vết thương ở đùi. Đến tháng tư năm 1928, vết thương của Trần Canh chưa lành hẳn, đi đường hãy còn cà nhắc, nhưng ông tuân theo quyết định của Đảng, đổi tên là Vương Dung, đến phụ trách công tác bảo vệ, sưu tập tình báo, và phản gián, một công tác nặng nề tại cơ quan Trung ương Đảng, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Châu Ân Lai.

Thượng Hải là một thành phố bề ngoài thật lộng lẫy, phồn hoa, nhưng bên trong lại là nơi của các thế lực chính trị đấu tranh với nhau một mất một còn. Trên đường phố, cảnh sát của đế quốc, cũng như đặc vụ, những tổ chức điều tra ngầm của Quốc dân đảng, cùng với những băng lưu manh dựa vào họ, lúc nào cũng tạo thành một chiếc lưới khổng lồ, mắt không nhìn thấy, để hỗ trợ họ, khám phá ra những tổ chức bí mật, có hại cho sự thống trị của họ. Cố nhiên, tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là mục tiêu to nhất mà họ cần phải khám phá để tiêu diệt. Đấu tranh trong một hoàn cảnh như vậy, chẳng những phải có lòng can đảm, mà còn phải khôn ngoan và nhạy bén.

Lúc đó, Trần Canh tuy mới có hai mươi lăm tuổi, nhưng ông đã lần lần trưởng thành lên trong cuộc đấu tranh. Giữa sự chiến đấu đặc biệt này, lòng trung thành, ý chí kiên dịnh, lòng quả cảm, tính nhanh nhạy, và bao nhiêu kiến thức khác, và kinh nghiệm khác, ông đã lần lượt được bổ sung và trở thành chững chạc hơn.

Do phải công tác trong hoàn cảnh đặc biệt và đầy nguy hiểm như vậy, Trần Canh phải có gia đình để làm bình phong. Thế là vợ ông là Vương Căn Anh bèn dọn tới cùng ở với ông. Qua năm sau, vợ chồng Trần Canh đã hạ sanh được một đứa con đầu lòng. Họ lấy tên cho đứa con là Tri Phi. Để che mắt bọn cảnh sát, đặc vụ của địch, hai vợ chồng họ luôn phải dời nhà, phải sửa tên đổi họ. Cứ mỗi lần dời nhà, thì luôn chọn căn nhà họ định tới ở, phải có nhiều đường rút lui, và chung quanh không phức tạp. Từ năm 1929 đến 1931, chỉ trong vòng hai năm, họ phải dời nhà đến năm lần. Trước sau, họ đã đến đường Hà Phi, đường Lạt Bùi Đức, đường Bảo Định v.v... để ở. Trong thời kỳ này, Vương Căn Anh tận tình che chở cho chồng, giúp chồng được an toàn để công tác. Do Vương Căn Anh là người sinh đẻ tại Thượng Hải, đối với hoàn cảnh ở đây bà rất quen thuộc, nên hằng ngày lưu ý quan sát đến nhà trước nhà sau xem có động tĩnh chi khác thường không. Bà chú ý tới từng con người một, và lúc nào cũng suy tính cách thoát khỏi những trường hợp bị địch bao vây truy bắt. Bất luận đối với bọn cảnh sát, bọn mật thám đi tới khu phố để dò hỏi, Vương Căn Anh đều bình tĩnh đối phó rất khéo, nên đã vượt qua được bao nhiêu sự nguy hiểm đang rình rập.

Bé Tri Phi dần dần đã lớn, biết đi đứng và nói chuyện. Vương Căn Anh không bao giờ cho con biết nhà ở đường nào, số mấy. Và càng không cho con biết tên thật của Trần Canh và việc làm là gì. Có lúc Trần Canh còn mang súng về nhà, và khi ngủ, thì để súng dưới gối. Tri Phi tuy còn bé, nhưng cũng biết tò mò. Một hôm, nó đi ra phố chơi, thấy tên tuần cảnh người Ấn Độ trong tô giới Anh, đang đứng gác, bên sườn có đeo một khẩu súng lục. Bỗng cậu bé nhớ lại khẩu súng của cha mình giấu ở dưới gối, bèn nói một cách ngây thơ:

— Súng của ông cảnh sát, không đẹp bằng súng của ba tôi đâu!

Tên tuần cảnh nghe thế, bèn nhìn bé Tri Phi rồi theo nó về đến trước cửa nhà. Tên tuần cảnh gặp Vương Căn Anh từ trong nhà bước ra tìm con, bèn hỏi:

— Trong nhà của bà có súng chứ?

Vương Căn Anh đoán biết Tri Phi đã tiết lộ việc này, nên bình tĩnh trả lời ngay với tên cảnh sát Ấn Độ:

— Có! Có một cây súng giả, cha nó đã mua tại Vĩnh An công ty về cho nó chơi đấy mà!

Thấy thái độ của Vương Căn Anh bình tĩnh, lời nói tự nhiên, nên tên tuần cảnh Ấn Độ cho là thật, nên thong thả rời đi!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #117 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2023, 03:04:21 pm »


Do yêu cầu giữ bí mật, Trần Canh chẳng những luôn phải dọn nhà, đổi địa chỉ, mà đối với con người mình, cũng phải luôn thay đổi thành những loại người khác nhau. Cũng may là lúc nhỏ, ông giỏi ăn nói lại biết nhiều tiếng địa phương. Khi học trong trường ông còn tham gia diễn kịch, từng đóng nhiều vai khác nhau, nên tài năng nghi trang, đóng kịch của ông trước đây, đã giúp cho ông làm việc thêm đắc lực. Trong mấy năm làm việc ở Thượng Hải, có khi ông mặc đồ Tây, mang giày da, giống như những công chức làm việc cho đế quốc ở tô giới. Có khi ăn mặc quân phục, trông chẳng khác gì sĩ quan cao cấp của Quốc dân đảng. Nhưng có khi lại mặc áo ngắn, váy dài, theo kiểu các thương gia lớn của thành phố này. Và, cũng có khi mặc đồ "soóc" đầu đội kết lưỡi trai, trông giống như những tên do thám của địch. Bình thường, Trần Canh mặc áo dài theo kiểu Trung Quốc, có khi vào xưởng làm việc, thì mặc áo kiểu công nhân. Lúc bấy giờ, Trương Khắc Hiệp là tham mưu trưởng của tướng Trương Trị Trung, thuộc Tây Bắc quân của Phùng Ngọc Tường, trong thiên hồi ký của mình, có viết về ấn tượng khi gặp Trần Canh: "Đồng chí Trần Canh khi đến, là đã hóa trang rồi. Ông mặc một cái quần lụa màu xanh, dưới chân có quần xà cạp đen, trông giống như một viên chức nhỏ ở Thượng Hải. Và vừa bước vào cửa, là ông to tiếng chào hỏi hết sức thân thiết. Với tính tình thích nói chuyện, lại ưa khôi hài, làm cho tôi rất dễ có thiện cảm. Trước đó, tôi nghe nói ông bị thương ở đùi, nên hỏi thăm vết thương phải chăng là nghiêm trọng, và vết thương đã lành chưa? Ông bèn biểu diễn ngay tại chỗ, nào nhảy, nào quỳ, để chứng tỏ rằng vết thương của ông đã hoàn toàn bình phục. Chúng tôi nói chuyện với nhau, tình cảm tỏ ra rất khăng khít".

Trần Canh tuy sống giữa hang rồng ổ cọp, nhưng trong cuộc đấu tranh bí mật đầy phức tạp, gay gắt, tàn nhẫn và nhạy bén này với lòng can đảm và trí thông minh, ông ứng phó với bọn mật thám, đặc vụ của địch một cách dễ dàng. Đó là nhờ tính trầm tĩnh, lanh lợi, nên địch hoàn toàn không nghi ngờ chi ông, mà còn cho ông là người "phe mình" nữa. Chúng gặp mặt ông thường vẫn gọi "Anh Vương", hoặc "Ông Vương". Lúc đó, bất luận là ở trong những cơ quan đặc vụ Quốc dân đảng, hoặc là những bót tuần cảnh của ngoại quốc ở các tô giới, khi cần thiết, Trần Canh đều có thể ra vào được. Có một lần tổ chức Đảng đang họp tại một nhà hát trong tô giới Pháp, không rõ bọn cảnh sát ngoại quốc và bọn đặc vụ Quốc dân đảng làm sao biết được tin, bất thần kéo tới bao vây hiện trường. Tình hình rất khẩn cấp, Trần Canh cũng đang có mặt ở đó, bèn nghĩ ra cách bảo vệ các đồng chí thoát thân. Ông mạnh dạn đi thẳng ra gặp mặt bọn mật thám và tuần cảnh, để cùng "hợp tác" với họ, tự xem mình như là "chỉ điểm" của chúng, nên được chúng giao cho canh giữ một ngõ ra. Nhờ đó, Trần Canh đã để cho các đồng chí đảng viên được thoát ra ngoài, bình yên vô sự. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Châu An Lai, Trần Canh dựa vào tổ chức của Đảng và thông qua mối quan hệ xã hội của mình, nắm được cả những bót cảnh sát trong tô giới địch, và bọn mật thám và đặc vụ của Quốc dân đảng, thậm chí còn nắm được một vài nhân vật to của Tưởng Giới Thạch nữa.

Do biết người biết ta, nắm được những hoạt động của địch tại chỗ, nên Đảng bộ Thượng Hải trong sự hoạt động bí mật của mình, đều được tiến hành thuận lợi. Có một lần, cơ quan đảng suýt nữa bị địch bao vây, nhưng nhờ biết trước tin tức, nên các đồng chí đã kịp thời di chuyển, tránh khỏi cuộc lục soát bắt bớ của địch một cách tài tình. Việc đó, không thể không nói là Trần Canh có công lao một phần. Trong khi Trần Canh quần nhau với địch ở Thượng Hải, thường nhận được chỉ thị của Đảng, đơn thương độc mã xông vào những nơi cực kỳ nguy hiểm. Thậm chí, đi vào đầu não của địch, để trừng trị những bọn phản Đảng, làm hại cách mạng. Hoạt động của Trần Canh làm cho bọn đặc vụ Quốc dân đảng cũng như bọn tuần cảnh ở các tô giới, khi nhắc đến tên đều khiếp sợ và căm ghét. Chúng đã tìm đủ mọi cách để bắt cho được hoặc giết cho được Trần Canh, thậm chí còn treo giải thưởng để lấy đầu ông, nhưng không có cách nào tìm được hình bóng Trần Canh ở đâu. Chúng nào biết "ông Vương" mà chúng thường gặp gỡ, lại chính là người đảng viên Cộng sản Trần Canh, mà chúng ngày đêm nghe đến tên tuổi.

Việc luồn sâu vào những cơ quan trinh thám của địch, là một cuộc đấu tranh gay gắt và đầy nguy hiểm trong bóng tối, để phá vỡ âm mưu của địch muốn diệt trừ các hoạt động của Đảng. Nếu không có cuộc đấu tranh đó, thì Đảng sẽ không thể tồn tại được trong khu thống trị của địch, và chắc chắn sẽ bị chúng tiêu diệt. Muốn luồn được vào những cơ quan trinh sát của địch ở Thượng Hải, lúc đó có hai cách. Thứ nhất là luồn vào cảnh sát, hiến binh và cơ quan đảng của Quốc dân đảng. Thứ hai là luồn vào các cơ quan cảnh sát của đế quốc tại các tô giới. Cho nên Trần Canh sau khi điều tra tìm hiểu kỹ, đã thiết lập được mối quan hệ phản gián tại cơ quan chống Cộng đầu não và chuyên nghiệp của Quốc dân đảng, là tranh thủ được Dương Đăng Doanh, khiến cơ quan trinh thám của địch bị đặt dưới sự khống chế của Đặc khoa Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngoài ra, dưới sự lãnh đạo của Trần Canh, Lý Khắc Nông, Tiền Tráng Phi, Hồ Để, là ba đồng chí đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã chui được vào cơ quan đặc vụ tối cao của Quốc dân đảng, nắm lấy toàn bộ những cơ quan đặc vụ này. Do có sự cố gắng của Trần Canh và các đồng chí nói trên, cơ quan đặc vụ, cục cảnh sát, bộ tư lệnh cảnh bị, đội hiến binh, đảng bộ của Quốc dân đảng Trung Quốc, cũng như các băng nhóm lưu manh, các tổ chức mật thám, tuần cảnh ở các tô giới đều có người của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoặc có người đồng tình với Đảng Cộng sản, luôn luôn hoạt động, và giữ liên hệ. Cho nên họ có thể cung cấp cho cơ quan lãnh đạo của Đảng Cộng sản những tin tức tình báo về chính trị, quân sự, kinh tế, và quốc tế một cách thường xuyên và rất kịp thời. Có một lần, một đồng chí đảng viên Cộng sản đi ra ngoài, có mang theo văn kiện quan trọng trong người. Do bất cẩn, nên lúc đi xe điện người này bị móc túi lấy mất. Đặc khoa liền sử dụng người của mình trong hệ thống băng đảng lưu manh, để đi tìm kiếm. Kết quả, chỉ trong vòng hai ngày, đã lấy lại được văn kiện quan trọng đó trở về.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #118 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2023, 03:05:13 pm »


Ngày hai mươi lăm tháng tư năm 1931, Cố Thuận Chương, nguyên là một người phụ trách giải quyết công việc hằng ngày tại Đặc khoa Trung ương, khi đi đến Vũ Hán để chấp hành một nhiệm vụ, lại vi phạm nguyên tắc bí mật, dùng nghệ danh giả là "Hóa Quảng Kỳ" để lên sân khấu một rạp hát nọ biểu diễn ảo thuật. Kết quả, ông ta bị một tên phản bội nhận diện được và bị bắt. Ngay trong ngày bị bắt, ông ta đã phản Đảng. Ông ta bảo là có nhiều tin tức tình báo rất bí mật, muốn tới gặp Tưởng Giới Thạch tại Nam Kinh. Cơ quan của địch tại Vũ Hán, bèn báo về cho Từ Ân Tăng, là người cầm đầu đặc vụ Quốc dân đảng ở Nam Kinh biết việc Cố Thuận Chương đã bị bắt và đã khai báo, nên được lệnh cấp tốc áp giải Cố Thuận Chương về Nam Kinh. Người nhận được điện báo này đầu tiên, chính là Tiền Tráng Phi, người đang giữ chức thơ ký cơ yếu của Từ Ân Tăng. Tiền Tráng Phi giải mã bức điện, rồi lập tức ngồi xe đến Thượng Hải báo cho Trần Canh biết sự việc hết sức cấp bách này. Cố Thuận Chương là người biết nhiều điều bí mật: Ông ta biết hết những người lãnh đạo ở cơ quan lãnh đạo Trung ương, biết địa chĩ của các cơ quan bí mật, biết danh sách những người đang công tác bí mật mà Đảng đã đưa vào các cơ quan của Quốc dân đảng. Hắn lại biết cả những đường giao thông liên lạc và cách móc nối với các đường này... Trần Canh lập tức đi gặp Châu Ân Lai, Nhiếp Vinh Trăn v.v... để cấp tốc thương lượng, quyết định cho dời những người lãnh đạo của Đảng, cũng như cơ quan bí mật của Đảng đi nơi khác. Đồng thời, lập tức hủy bỏ cách liên lạc với các đường giao thông mà Cố Thuận Chương đã biết. Riêng những người thường tiếp xúc với Cố Thuận Chương, thì cho di chuyển ngay đến những nơi khác. Lại cắt đứt tất cả những mối quan hệ quan trọng mà Cố Thuận Chương có thể lợi dụng. Những việc làm trên, được thi hành gấp rút, và chỉ trong một thời gian rất ngắn, tiến hành một cách bí mật, không ai biết. Đến ngày hai mươi bảy tháng tư, quân địch dựa vào lời khai của Cố Thuận Chương, mở những cuộc hành quân lục soát, thì các tổ chức bí mật cũng như nhân viên của các tổ chức ấy đều đã dời đi trước. Nhờ vậy, mà một cuộc bao vây lục soát để tiêu diệt của Quốc dân đảng, hoàn toàn không thu được kết quả gì.

Trước khi Cố Thuận Chương làm phản, người quan hệ mật thiết với Cố Thuận Chương là Trần Canh. Châu Ân Lai khi ra lệnh cho các đồng chí rút khỏi Thượng Hải, đã bảo Trần Canh cũng lập tức rút vào bí mật. Từ đó, vị khoa trưởng tình báo "Vương Dung" không còn tồn tại nữa. Tháng sáu năm đó, Trần Canh và Trần Dưỡng Sơn v.v... rời Thượng Hải, đi Thiên Tân để công tác một thời gian.

Khi Trần Canh rời khỏi Thượng Hải, ông mới có hai mươi tám tuổi. Trong thời kỳ này, Trần Canh đã sống giữa ổ rồng hang cọp, trải qua muôn nghìn nguy hiểm, và được thử thách qua bao nhiêu sự nguy hiểm đó, nên về mặt chính trị đã trưởng thành rất nhanh chóng. Do tính chất công tác của Trần Canh được quyết định trong thời kỳ hoạt động này, nên đến nay nó vẫn còn bao trùm một màn bí mật, mà những gì ta biết được, chẳng qua là một vài việc nhỏ trong đó mà thôi. Nhưng, qua những việc đó, cũng thấy được, Trần Canh là người dũng cảm và mưu trí hơn người.

Tháng chín năm 1931, Trần Canh được Trung ương Đảng phái về khu Xô viết Ngạc Dự Hoản, để giữ nhiệm vụ đoàn trưởng ba mươi tám, sư mười ba, thuộc quân bốn Hồng quân công nông của Trung Quốc. Đến tháng mười hai, khi phương diện quân bốn Hồng quân thành lập, thì ông lại được điều sang làm sư trưởng sư mười hai.

Đến tháng chín năm 1932, Tưởng Giới Thạch bao vây tấn công lần thứ tư khu Xô viết Ngạc Dự Hoản. Trong chiến đấu, Trần Canh lại bị thương nơi đầu gối phía phải. Nhưng, ông không rời khỏi hỏa tuyến, mà vẫn nằm trên cáng để tiếp tục chỉ huy quân đội.

Sau khi đánh tan quân địch bao vây định tiêu diệt phương diện quân bốn, thi đơn vị này bắt đầu di chuyển. Lúc đó, vết thương nơi chân của Trần Canh vẫn còn rất nặng. Trong khi di chuyển, không có điều kiện nằm bệnh viện để trị liệu. Ông luôn nằm trên cáng để hành quân theo bộ đội. Khi bộ đội vượt qua tuyến Kinh Hán để đi về phía Tây, do đường đi không bằng phẳng, chiếc cáng của ông nằm luôn bị xốc, nên vết thương của ông càng nặng thêm. Thấy vậy, tổ chức quyết định để ông tạm rời khỏi bộ đội, để đi Thượng Hải trị liệu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #119 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2023, 03:06:06 pm »


Hạ tuần tháng mười, Trần Canh cải trang thành một thương nhân, chân đi cà xích, rời khỏi bộ đội. Vì hồng quân mới rút đi, nên địa phương này quân địch đề phòng rất nghiêm. Giọng nói của Trần Canh lại không phải là giọng nói của người địa phương, nên ông đi chưa được bao xa, bị mấy tên lính dân đoàn chận lại xét hỏi. Cũng may, Trần Canh có đem theo tiền trong người, nên đã dùng một số tiền hối lộ chúng, và được chúng tha cho đi.

Trần Canh thuê một chiếc xe đẩy để đi về phía Nam. Không ngờ tối đêm đó, khi ông đến trọ ở một quán cơm lại gặp bọn dân đoàn tới xét hỏi. Bọn này nhìn kỹ Trần Canh, rồi hỏi "ông ở đâu đến?".

Trần Canh đáp:

— Tôi ở Phàn Thành đến đây để mua bán dầu trảo.

Chúng lại hỏi Trần Canh ở Phàn Thành, đường nào? Trần Canh chưa bao giờ đi qua Phàn Thành, chỉ biết ở đấy có một con sông chảy ngang, bèn đáp:

— Tôi ở đường mé sông.

Tuy Phàn Thành đúng là có một đường mé sông, và nơi đó lại là nơi tập trung buôn bán dầu trảo, nhưng bọn dân đoàn thấy giọng nói của Trần Canh khác lạ, sinh nghi, chuẩn bị ngày hôm sau sẽ bắt ông ta giải về Nam Dương.

Đêm hôm đó, bốn tên dân đoàn ở lại ngủ tại quán cơm. Chúng nằm bốn góc chung quanh, và bảo Trần Canh nằm ở chính giữa. Trần Canh thấy nguy, bèn lấy ra hai chục đồng tiền giao cho người chủ quán, nói:

— Tôi xin gởi biếu cho ông tám đồng tiền này.

Trần Canh làm như vậy, tức ngầm nói với người chủ quán nên giúp đỡ mình, đồng thời, nhờ ông ta nói với bốn tên dân đoàn, là Trần Canh không bao giờ bỏ trốn. Trần Canh lại ra hiệu bảo là mình cũng có buôn bán thuốc phiện, nên bốn tên dân đoàn không khỏi bán tín bán nghi. Ông chủ quán vốn đã nhận được hối lộ, bèn lên tiếng nhắc nhở:

— Háy hút á phiện chơi cho vui, rồi uống rượu, tôi có sẵn tất cả...

Thế là người chủ quán mua á phiện và rượu về để cho bốn tên dân đoàn dùng. Khi chúng say mèm, người chủ quán mới chỉ cho Trần Canh một con đường đi tắt, thoát khỏi khung cảnh nguy hiểm đó.

Sau mấy hôm, Trần Canh đi khập khễnh, ba bốn ngày đường mới tới được Trịnh Châu. Khi vào trọ một lữ điếm, bỗng thấy một bạn học cũ trước đây ở trường Hoàng Phố đi đến. Người này hiện nay là sĩ quan cao cấp của Hồ Tòng Nam. Vừa thấy mặt Trần Canh, hắn hỏi liền:

— Anh có phải Trần Canh không?

Trần Canh bèn bình tĩnh dùng tiếng Thượng Hải để trả lời. Trước tiên anh lắc đầu, rồi nói như người Thượng Hải:

— Tôi họ Trần, tôi đi buôn bán, trưởng quan đã nhìn lầm người rồi!

Thái độ của Trần Canh rất bình tĩnh, tiếng Thượng Hải lại nói rất rõ ràng, nên đối phương tưởng thật, ngỏ ý xin lỗi:

— Đáng tiếc anh là người Thượng Hải, vì tôi có một người bạn ở Hồ Nam, trông giống hệt như anh. Xin lỗi nhe!

Người ấy bỏ đi xong, Trần Canh thở phào, rồi hối hả rời khỏi quán trọ, ngồi tàu hỏa đi Thượng Hải ngay. Đến tháng mười một năm 1932, Trần Canh với chiếc chân bị thương, đã vượt qua trăm ngàn khó khăn để đến Thượng Hải. Sau khi móc nối được với tổ chức Đảng, ông bèn báo cáo với Trung ương lâm thời về tình hình tại khu Xô viết Ngạc Dự Hoản, và nói rõ Quốc dân đảng đã bao vây tấn công lần thứ tư, cũng như những sai lầm của Trương Quốc Đào.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM