Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:10:12 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mưu lược quân sự  (Đọc 4492 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #60 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2021, 02:41:53 pm »

TRẬN CHIẾN NINH VIỄN GIỮA MINH - KIM


”Ta kể từ khi 25 tuổi bắt đầu cầm quân đi đánh trận, cho đến nay không trận nào không thắng, tại sao chỉ có một tòa thành Ninh Viễn mà lại không đánh nổi?". Đây là câu hỏi của lãnh tụ nhà Hậu Kim là Nỗ Nhĩ Cáp Xích (tức Thanh Thái tổ) hỏi các tướng lĩnh của mình sau thất bại ở trận chiến Ninh Viễn. Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã từng nhiều lần tiến hành chiến tranh với triều đình nhà Minh và lần nào cũng giành được thắng lợi, thế nhưng trận Ninh Viễn lại kết thúc bằng sự thất bại thảm hại. Tại sao lại như vậy?


1. Tôn Thừa tông xuất trấn Sơn Hải quan

Sau trận chiến Tát Nhĩ Hử, tháng 3 năm 1621 quân đội nhà Hậu Kim lại lần lượt tấn công Liêu Dương, Thẩm Dương, công hạ và chiếm lĩnh hơn 70 tòa thành lớn nhỏ từ Liêu Hà trở về đông. Nỗ Nhĩ Cáp Xích dời đô thành về Liêu Dương và tiếp tục đánh bại quân Minh, chiếm lĩnh Quảng Ninh (nay thuộc huyện Bắc Trấn, Liêu Ninh, Trung Quốc), hình thành sự uy hiếp đối với khu vực bên trong Sơn Hải quan. Tin thất thủ Quảng Ninh truyền đến đô thành Bắc Kinh, chính phủ nhà Minh được một phen hoảng loạn. Rốt cục là chống lại quân Hậu Kim ở bên ngoài Sơn Hải quan hay rút lui vào cố thủ bên trong? Triều đình nhà Minh các đại thần chia làm hai phái, bàn luận mãi mà không ngã ngũ.


Minh Hy tông bổ nhiệm Tôn Thừa tông làm Binh bộ Thượng thư, điều đến cứu vãn tình thế nguy hiểm ở Liêu Đông, lại cử Vương Tại Tấn đến đảm nhiệm chức Liêu Đông Kinh lược, chỉ huy quân đội ở Liêu Đông. Vương Tại Tấn vốn là một kẻ nhát gan, tham sống sợ chết. Sau khi đến Liêu Đông, hắn không những không dám xuất trận mà còn định lấy danh nghĩa thu hẹp trận tuyến, bỏ mặc cả một vùng đất rộng lớn bên ngoài cửa khẩu, rút về cố thủ ở Sơn Hải quan. Thế nhưng ý kiến đó của hắn bị viên bộ tướng là Viên Sùng Hoán kịch liệt phản đối.


Viên Sùng Hoán là người rất khảng khái, có tinh thần trách nhiệm, làm việc hiệu quả, có cơ mưu. Viên Sùng Hoán rất quan tâm đến quân sự, thích bàn chuyện binh thư, thường hay tìm đến những võ quan đã về hưu để bàn luận tình hình biên phòng, hỏi họ về các địa hình sông núi vùng biên thuỳ. Năm Thiên Khải thứ hai (năm 1622), Viên Sùng Hoán giữ một chức quan thấp là Binh bộ chủ sự ở Bộ binh. Không lâu sau đó, Ninh Viễn lâm nguy, triều đình hoảng loạn, giữa lúc mọi người đang bàn tán xôn xao thì Viên Sùng Hoán một mình cưỡi ngựa đi đến Sơn Hải quan quan sát kỹ lưỡng tình hình quan nội, quan ngoại. Sau khi quay trở về, Viên Sùng Hoán báo cáo tường tận tình thế ở Sơn Hải quan với triều đình và xin với triều đình cấp cho mình binh mã lương thực để đảm nhận việc phòng thủ Liêu Đông. Lúc đó, một số đại thần trong triểu đình nhà Minh đã bị quân thiết kị của Nỗ Nhĩ Cáp Xích dọa cho sợ vỡ cả mật, đang không có kế gì hay để chống lại, bèn quyết định cho Viên Sùng Hoán đến làm giám binh ở vùng quan ngoại.


Viên Sùng Hoán cho rằng phải dựa vào phương châm phòng ngự tích cực, cố thủ quan ngoại để bảo vệ quan nội. Ông chủ trương đem quân ở Ninh Viễn (nay thuộc huyện Hưng Thành, Liêu Ninh, Trung Quốc) đến xây dựng phòng tuyến kiên cố, ngăn chặn quân đội Hậu Kim tiến về phía nam, thế nhưng chủ trương đúng đắn đó của Viên Sùng Hoán lại không được viên quan chủ trương phòng ngự tiêu cực là Vương Tại Tấn ủng hộ. Viên Sùng Hoán đành viết thư báo cáo lại ý kiến đó của mình với Thừa tướng đương triều là Diệp Thượng Cao và chỉ ra sai lầm trong chủ trương phòng ngự tiêu cực của Vương Tại Tấn. Diệp Thượng Cao nhận được cáo thư, bèn cử Tôn Thừa tông đích thân đến thị sát tình thế ở Sơn Hải quan rồi sau đưa ra quyết định.


Tôn Thừa tông đến tiến hành điều tra ở Sơn Hải quan, khảo sát và tìm hiểu tình hình cụ thể ở vùng quan ngoại. Tôn Thừa tông cũng nhận thấy Ninh Viễn có địa thế dựa vào núi, nằm bên bờ biển, bên phải là đảo Giác Hoa (nay gọi là đảo Cúc Hoa, nằm ở trên mặt biển phía đông nam huyện Hưng Thành, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc), hợp lại với nhau thành một địa thế rất hiểm yếu. Nếu như xây dựng ở hai nơi này thành lũy kiên cố thì có thể khống chế được con đường vào trong cửa quan. Thế là Tôn Thừa tông đồng ý cho Viên Sùng Hoán và Diêm Minh Thái chia nhau đảm nhiệm vị trí phòng thủ ở thành Ninh Viễn và đảo Giác Hoa. Đích thân Tôn Thừa tông trấn thủ tại Sơn Hải quan, áp dụng một loạt các biện pháp tăng cường phòng thủ, xây dựng Sơn Hải quan thành một cửa khẩu tương đối kiên cố.


Tiếp đó, Tôn Thừa tông lại dốc toàn lực vào xây dựng doanh trại ở Ninh Viễn. Ông lần lượt ra lệnh cho Tổ Đại Thọ, Viên Sùng Hoán xây dựng thành Ninh Viễn. Theo quy định của Viên Sùng Hoán, tường thành Ninh Viễn có độ cao 3 trượng 2 xích, rộng 2 trượng 4 xích, tường nấp bắn tên trên thành cao 6 thước (1 trượng bằng 10 xích, 1 xích bằng 33cm). Sau khi thành Ninh Viễn được xây dựng xong, bên trên bố trí các loại hỏa khí, hỏa pháo, bao gồm cả loại vũ khí có uy lực lớn thời đó gọi là "Tây dương hỏa pháo" và còn huấn luyện cả một đội pháo thủ nữa. Thành Ninh Viễn trở thành một trọng điểm quân sự khá kiên cố lúc bấy giờ.


Tôn Thừa tông lại điều quân đội đồn trú ở Cẩm Châu, Tùng Sơn (nay thuộc phía nam huyện Cẩm, tỉnh Liêu Ninh), Hạnh Sơn (nay thuộc phía tây nam huyện Cẩm, tỉnh Liêu Ninh), Hữu Đồn (nay thuộc phía đông huyện Cẩm, tỉnh Liêu Ninh), Đại Lăng Hà, Tiểu Lăng Hà (cũng thuộc phía đông và phía đông nam huyện Cẩm, tỉnh Liêu Ninh ngày nay)... đến phòng vệ ở Ninh Viễn. Như vậy, Ninh Viễn trở thành phòng tuyến trọng điểm Cẩm Ninh, đẩy phòng tuyến ở đông bắc lên phía trước đến hơn 200 dặm.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #61 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2021, 02:42:38 pm »

2. Cao Đệ không đánh tự lui

Tôn Thừa tông và Viên Sùng Hoán phải đổ bao nhiêu công sức mới có thể bước đầu xoay chuyển được tình thế nguy hiểm ở vùng Liêu Đông. Nhân dân địa phương rất tin tưởng, ủng hộ họ. Thế nhưng ở triều đình, bọn hoạn quan đứng đầu là Ngụy Trung Hiền lại đố kị ghen ghét và căm thù bọn họ. Đầu tiên, Ngụy Trung Hiền dùng thủ đoạn uy hiếp và dụ dỗ, định lôi kéo Tôn Thừa tông về phía bè phái của bọn chúng, thế nhưng Tôn Thừa tông không chịu. Thấy mưu kế không thành, Ngụy Trung Hiển bèn kéo bè kết đảng, gửi tấu thư lên hoàng đế nhà Minh, nói xấu Tôn Thừa tông. Trước sự công kích của bè lũ hoạn quan, Tôn Thừa tông buộc phải từ chức.


Tôn Thừa tông bị loại khỏi cuộc chiến, Minh Hy tông lại cử Cao Đệ đến Liêu Đông làm Kinh lược. Cao Đệ là kẻ thuộc bè đảng của Ngụy Trung Hiền, hèn yếu nhu nhược, nhát như thỏ đế. Khi vừa đến nhận chức, hắn bèn rút quân, triệt bỏ hoàn toàn phòng tuyến phòng ngự ở Cẩm Châu, Hữu Đồn, rút toàn bộ quân đội vào trong quan nội. Viên Sùng Hoán kiên quyết phản đối, nói với Cao Đệ rằng:

"Binh pháp có tiến không thoái. Mấy tòa thành ở quan ngoại đã thu phục được, những địa điểm đó làm sao có thể dễ dàng bỏ trống được? Một khi vứt bở Cẩm Châu, Hữu Đồn thì Ninh Viễn và Tiền Đồn (phía tây nam Ninh Viễn) sẽ bị uy hiếp, Sơn Hải quan cũng sẽ bị mất đi tấm bình phong. Bây giờ chỉ cần tuyển chọn một viên tướng có năng lực đến phòng thủ những nơi đó, không thể có suy nghĩ khác đi được".


Cao Đệ không những không nghe theo lời khuyên chân thành của Viên Sùng Hoán mà còn định tiến thêm một bước nữa, dở bỏ cả hai đồn phòng thủ là Ninh Viễn và Tiền Đồn. Viên Sùng Hoán kiên quyết phản đối:

"Tôi là quan đảm nhiệm việc phòng thủ ở Ninh Viễn, tôi phải chết ở chỗ này, quyết không rời khỏi Ninh Viễn một bước!”.

Cao Đệ không biết làm thế nào, đành phải để lại một bộ phận nhỏ binh lực cho Viên Sùng Hoán chỉ huy. Tiếp đó, Cao Đệ vội vàng ra lệnh rút toàn bộ quân Minh trấn thủ ở các phòng tuyến ở Cẩm Châu, Tùng Sơn, Hạnh Sơn, Hữu Đồn, Đại Lảng Hà, Tiểu Lăng Hà và toàn bộ trang bị vũ khí vào trong quan nội. Mệnh lệnh đó phát ra quá là đột ngột, trước đó lại không có công tác tổ chức chu đáo nên khiến cho việc rút quân khỏi các cứ điểm trên phòng tuyến trở nên vô cùng lộn xộn, phải bỏ cả hơn 10 vạn thạch (đơn vị đo dung lượng cũ của Trung Quốc, bằng 10 đấu) quân lương được tích trữ từ trước đó. Nhân dân trong vùng vô cớ phải chịu nỗi thống khổ chạy nạn lưu vong, mang lòng oán hận quân lính triều đình, quân đội lại càng mất ý chí chiến đấu.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #62 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2021, 02:43:10 pm »

3. Nỗ Nhĩ Cáp Xích thừa cơ tiến công

Nỗ Nhĩ Cáp Xích nghe tin quân Minh ở phòng tuyến Liêu Đông thay đổi chủ soái, lại tự động rút khỏi phòng tuyến ở Cẩm Châu, Hữu Đồn thì vô cùng vui mừng. Tháng giêng năm Thiên Khải thứ 6 (năm 1626), Nỗ Nhĩ Cáp Xích mang 13 vạn đại quân vượt qua Liêu Hà ở phía tây, tiến thẳng đến Ninh Viễn. Tuy số quân trong thành chỉ có hơn 10.000 người nhưng Viên Sùng Hoán không hề sợ hãi trước ưu thế binh lực của quân địch. Cùng với đại tướng Mãn Quế, phó tướng Tả Phụ, Chu Mai và tham tướng Tổ Đại Thọ... Viên Sùng Hoán đã tập trung toàn bộ tướng sĩ trong thành lại để chống lại quân địch, cùng nhau thề sẽ tử thủ với thành.


Viên Sùng Hoán áp dụng sách lược "kiên bích thanh dã": Cho toàn bộ cư dân ngoài thành mang vũ khí phòng thủ chuyển vào trong thành, sau đó nổi lửa đốt sạch nhà dân ở bên ngoài thành, khiến cho khi quân địch đến không thể lợi dụng bất cứ một vật gì để tấn công. Viên Sùng Hoán chích máu viết huyết thư, cổ vũ sĩ khí, cùng họ ăn thề biểu thị ý chí quyết tâm chống địch. Tướng sĩ trong thành hết thảy đều cảm động, đều biểu thị mong muốn sống chết cùng thành Ninh Viễn. Viên Sùng Hoán còn gửi thư khẩn cấp đến các tướng trấn thủ ở Hữu Đồn và Sơn Hải quan để bọn họ nếu bắt được quan binh chạy trốn thì chém đầu, nhằm trừng trị những kẻ sợ chết, bỏ trốn khi lâm trận. Những biện pháp thủ thành kiên quyết của Viên Sùng Hoán đã cổ vũ lòng quyết tâm của quân dân trong thành Ninh Viễn, ai nấy đều vững vàng ở vị trí của mình, sẵn sàng đợi quân địch đến để tiêu diệt.


Ngày 24, dưới sự chỉ huy của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, quân Hậu Kim triển khai một cuộc tấn công vô cùng ác liệt vào thành Ninh Viễn. Viên Sùng Hoán đích thân chỉ huy quân Minh, bắn cung tên và dùng các loại hỏa khí đẩy lui quân Kim. Khi cuộc chiến đến hồi căng thẳng, từ trên thành tên và đạn pháo đổ như mưa xuống đầu quân địch, quân Hậu Kim bị bắn chết và bị thương rất nhiều.


Nỗ Nhĩ Cáp Xích đích thân chỉ huy quân lính Hậu Kim hòng đục tường để tấn công vào thành. Quân lính Hậu Kim đầu đội mộc che tên, luồn qua làn đạn pháo, mang vũ khí tấn công thành tiến lên. Lớp trước ngã xuống, lớp sau lại tràn lên, không có ai dám bỏ chạy về phía sau. Quân Minh tuy rất dũng cảm, nhưng số hỏa pháo chỉ có hạn, lại không có hy vọng Cao Đệ sẽ mang quân đến cứu viện.


Trong tình thế đó, Viên Sùng Cao cho rằng quân Minh chỉ có lợi thế khi tiến hành chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh, ông bèn ra lệnh cho các pháo thủ nhằm vào chỗ có quân Kim tập trung đông, bắn phá ác liệt. Chỉ nghe thấy tiếng nổ, tiếng đạn rít trên không trung, quân Kim chết như ngả rạ. Lúc đó trời cũng bắt đầu tối dần, cuộc tấn công của quân Hậu Kim tạm thời bị đánh lui.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #63 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2021, 02:43:40 pm »

4. Thắng lợi của trận chiến Ninh Viễn

Ngày hôm sau, Nỗ Nhĩ Cáp Xích lại tổ chức tấn công với ưu thế về binh lực. Ông ta ra lệnh cho các tướng sĩ mang áo giáp dày, đầu đội mộc che, một lần nữa tấn công mạnh mẽ vào thành trì của quân Minh.


Hai bên kịch chiến ròng rã một ngày trời, quân Hậu Kim đã dùng hết mọi phương sách tấn công thành, quân Minh cũng dốc hết sức để phòng thủ. Tên của quân Kim bay sang dày như châu chấu, quân lính theo đó tràn lên. Quân lính nhà Minh đều hoảng sợ, mong muốn Viên Sùng Hoán ra lệnh pháo kích. Viên Sùng Hoán rất bình tĩnh, lắc đầu. Quân Kim tiếp tục xông lên, Viên Sùng Hoán đứng trên tường thành chờ đợi đến khi quân Kim áp sát tường thành mới phát lệnh: "Khai pháo!".


Chỉ trong chớp mắt, tiếng pháo vang rền, chấn động trời đất, quân lính Hậu Kim lại bị bắn gục hàng loạt. Những binh lính may mắn không trúng đạn đều hoảng sợ quay đầu tháo thân, giẫm đạp lên nhau mà chạy, đội ngũ đại loạn. Nỗ Nhĩ Cáp Xích cũng bị trúng đạn, trọng thương.


Quân Hậu Kim đã bị tan vỡ, Nỗ Nhĩ Cáp Xích không thể tiếp tục tổ chức tấn công, đành hạ lệnh rút lui. Viên Sùng Hoán thừa thắng mang quân truy sát, đuổi ra tận ngoài thành hơn 30 dặm, giết chết hơn 10.000 quân địch, sau đó mới quay về thành. Nỗ Nhĩ Cáp Xích ra lệnh cho đám tàn binh bại tướng của mình rút đến Ái Dương, cách Thẩm Dương 40 dặm mốới dừng lại đóng quân. Bản thân Nỗ Nhĩ Cáp Xích sau khi phải chịu thất bại thảm hại này, trong lòng ưu phiền, lại thêm vết thương quá nặng nên đã sinh bệnh mà chết. Trận chiến Ninh Viễn đã kết thúc với thắng lợi hoàn toàn của quân Minh, quân Hậu Kim thất bại hoàn toàn.


Khi Ninh Viễn vừa mới bị bao vây, tất cả bộ máy thống trị của vương triều nhà Minh đều cho rằng tòa thành này sẽ không trụ vững, bọn họ chỉ mong giữ được Sơn Hải quan. Không ngờ, mười mấy ngày sau, tin thắng trận của Viên Sùng Hoán được truyền về, toàn bộ văn võ bá quan trong cả triều đình quả thật nằm mơ cũng không dám nghĩ đến chiến thắng, đều vui sướng như muốn phát cuồng.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #64 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2021, 02:44:03 pm »

5. Kết luận

Trận chiến Ninh Viễn của quân dân nhà Minh là một cuộc chiến chính nghĩa. Tướng nhà Minh là Viên Sùng Hoán bằng sự can đảm và tinh thần kiên định, đã kiên quyết phản đối kế hoạch rút lui tiêu cực, chủ trương tích cực kháng chiến.


Trong chiến đấu, Viên Sùng Hoán đã biết dựa vào đông đảo lực lượng quân dân trong và ngoài thành, thực hiện kế sách "kiên bích thanh dã", đồng tâm hiệp lực, cùng nhau giữ thành. Vì vậy, trước tương quan lực lượng vô cùng chênh lệch, tình thế vô cùng bất lợi, song Viên Sùng Hoán không những giữ vững được một tòa thành giữa hoàn cảnh bốn phía không người cứu viện, mà còn đánh tan được cuộc tấn công của quân Hậu Kim, tiêu diệt một số lớn sinh lực địch, lập nên một chiến công hiển hách.


Nỗ Nhĩ Cáp Xích tuy là một người dũng cảm thiện chiến, dùng binh luôn rất thận trọng, cho nên luôn giành được chiến thắng. Nhưng cũng chính vì nhiều lần giành chiến thắng nên Nỗ Nhĩ Cáp Xích sinh ra tư tưởng kiêu ngạo, chủ quan khinh địch. Nỗ Nhĩ Cáp Xích chỉ nhìn thấy ưu thế binh lực của mình mà không nhìn thấy tính chất phi nghĩa của chiến tranh. Chỉ nhìn thấy điểm yếu về binh lực của đối phương mà không nhìn thấy điều kiện có lợi của đối phương, đó là tướng sĩ trên dưới một lòng, dũng cảm quyết chiến; quân dân đồng tâm hiệp lực, cùng nhau quyết tâm tiêu diệt địch. Chính vì vậy mà Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã phải chịu thất bại thảm hại là bị hao binh tổn tướng, bản thân bị trọng thương rồi mất mạng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM