Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 24 Tháng Năm, 2024, 01:16:08 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mưu lược quân sự  (Đọc 4814 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #20 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2021, 02:02:16 pm »

3. Ranh giới Hồng Câu

Hạng Vũ đang ở đất Lương thì nghe tin Thành Cao lại một lần nữa thất thủ, vội vàng mang quân về ứng cứu. Quân Hán dựa vào địa thế hiểm yếu, cố thủ không chịu ra ứng chiến. Quân Sở đã nhiều lần tấn công mạnh mẽ vào trận địa của quân Hán, nhưng quân Hán phòng thủ rất kiên cố, không sao phá vỡ được trận tuyến của quân Hán, ngược lại càng làm cho quân Sở mệt mỏi và vô cùng chán nản.


Quân đội hai bên Hán - Sở tạm thời hình thành thế trận đối đầu ở Quảng Vũ. Mấy tháng trôi qua, quân lương của quân Sở ngày càng ít đi, Hạng Vũ vô cùng sốt ruột, muốn nhanh chóng giao chiến với quân Hán. Trên chiến trường, Hạng Vũ công khai nói với Lưu Bang rằng:

"Ta muốn cùng ông chỉ hai người quyết một trận thắng bại, không hiểu ông có dám hay không?".

Lưu Bang cười mà trả lời rằng:

"Ta chỉ muốn đấu trí cùng ông, chứ không muốn đấu sức cùng ông!".

Để làm dao động tâm trí quân lính sở, đánh vào sĩ khí quân Sở, có một lần trước trận tuyến của hai bên quân đội, Lưu Bang cho người kể ra mười tội trạng lớn của Hạng Vũ. Hạng Vũ xấu hổ, nổi giận, bèn lén bắn một mũi tên, trúng vào ngực Lưu Bang. Lưu Bang sợ quân Hán biết được tin mình bị thương sẽ dao động tinh thần, lại cũng sợ quân Sở biết tin sẽ thừa cơ tấn công quân Hán, bèn cố nén đau, cố ý cúi người xuống xoa xoa vào chân và nói to lên rằng:

"Mẹ kiếp! Mũi tên bắn trúng vào ngón chân ta rồi!".

Thế là Lưu Bang đã khéo léo che đậy được vết thương ở ngực.

Vì vết thương rất nặng, Lưu Bang phải nằm liệt giường. Trương Lương mời Lưu Bang cố gắng đứng dậy để tham dự buổi kiểm duyệt đội ngũ, ổn định tinh thần của binh lính. Thế nhưng, cũng chính vì vậy mà vết thương của Lưu Bang nặng thêm, chưa dự hết buổi lễ duyệt binh, Lưu Bang đã được quân lính kỵ binh hộ tống quay về Thành Cao để dưỡng thương.


Hai bên quân đội cứ ở thế giằng co như vậy suốt mấy tháng trời, quân lương của quân Sở đã sắp cạn hết. Nếu tấn công thì không đủ lực lượng, nếu rút lui thì sẽ bị quân Hán truy đuổi, thật là "tiến thoái lưỡng nan". Đồng thời, quân đội của Bành Việt lại không ngừng tấn công vào hậu phương của quân Sở, nhiều lần cắt đứt đường tiếp tế của quân đội Sở. Hơn nữa, lại có tin là Hàn Tín sau khi phá Tề lại chuẩn bị tấn công quân Sở. Hạng Vũ cảm thấy tình thế quả thực là đã vô cùng nghiêm trọng, đành phải miễn cưỡng ký hòa ước với Lưu Bang.


Nội dung của hòa ước là: Lấy Hồng Câu (phía nam của Huỳnh Dương) làm ranh giới. Khu vực từ Hồng Câu trở về phía tây thuộc Hán, khu vực từ Hồng Câu trở về phía đông thuộc Sở, hai bên phân ranh giới để cai trị.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #21 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2021, 02:03:08 pm »

4. Bá vương Hạng Vũ vĩnh biệt nàng Ngu Cơ

Sau hoà ước Hồng Câu, Hạng Vũ dẫn quân rút lui về phía đông. Lưu Bang cũng dự định lui quân về phía tây. Trương Lương và Trần Bình thì đều nhất trí cho rằng không nên "thả hổ vế rừng". Bọn họ nói với Lưu Bang rằng:

"Hiện nay Hán vương đã chiếm được quá nửa thiên hạ, rất nhiều chư hầu đều ủng hộ ngài. Còn Hạng Vũ thì quân mệt lương cạn, đây chính là cơ hội tốt để tiêu diệt Sở. Bây giờ nếu như để cho Hạng Vũ đi, không truy kích hắn thì chẳng khác nào nuôi hổ để hại chính mình!".


Lưu Bang nhận thấy Trương Lương và Trần Bình nói rất có lý, bèn quyết định lợi dụng trong khi Hạng Vũ rút quân về phía đông, lơ là việc cảnh giác, đột ngột phát động tấn công truy kích và hẹn với Hàn Tín, Bành Việt hội quân ở phía nam, cùng nhau tiêu diệt quân Sở.


Tháng mười hai năm Hán vương Lưu Bang thứ năm (nảm 202 trước Công nguyên), toàn bộ quân đội của Hạng Vũ bị quân Hán bao vây ở Cai Hạ (nay là phía đông nam huyện Lãnh Bích, An Huy, Trung Quốc). Quân Sở đã nhiều lần giao chiến với quân Hán, nhưng đều không giành được thắng lợi, binh lực bị tổn thất rất lớn. Để làm tan rã ý chí chiến đấu của quân Sở, Lưu Bang ra lệnh cho quân sĩ cùng nhau hát vang những bài ca của nước Sở. Quân Sở nghe thấy vậy, ai cũng nhớ nhà, chán ghét chiến tranh, tâm lí binh lính bị dao động rất lớn. Một đêm, Hạng Vũ đang uống rượu giải sầu trong trướng, bỗng nhiên nghe thấy từ tứ phía vọng lại bài ca của nước Sở, giật mình kinh hãi mà nói rằng:

"Quân Hán lẽ nào đã chiếm hết toàn bộ đất Sở rồi sao? Nếu không phải như vậy thì cớ sao trong quân đội Hán lại nhiều người Sở đến thế?".

Lúc đó, nàng Ngu Cơ - người đẹp được Hạng Vũ yêu quí nhất đang ngồi bên cạnh, con ngựa Ô Chuy đã cùng Hạng Vũ trải qua trăm trận (ngựa Ô Chuy là loại ngựa có màu lông trắng xanh) cũng đang đứng ở bên ngoài cửa lều trại của Hạng Vũ. Hạng Vũ tâm trạng vô cùng rối loạn và tuyệt vọng, bất giác chảy nước mắt, hát lên một bài ca đầy bi tráng:

   "Lực bạt sơn hề, khí cái thế,
   Thời bất lợi hề Chuy bất thệ.
   Chuy bất thệ hề, khả nại hà?
   Ngu hề, Ngu hề, nại nhược hà?".
   (Theo "Sử ký - Hạng Vũ bản kỷ")

Dịch thơ:
   Sức dời núi, khí ngất trời,
   Ngựa Chuy chùn lại bởi thời không may.
   Ngựa sao chùn lại thế này?   
   Nàng Ngu, biết tính sao đây hỡi nàng?

   Hạng Vũ hát đi hát lại bài ca đó mấy lượt. Nàng Ngu Cơ cũng hát họa lại rằng:
   "Hán binh dĩ lược địa,
   Tứ diện Sở ca thanh.
   Đại vương ý khí tận,
   Tiện thiếp hà liêu sinh".

Dịch thơ:
   Quân Hán chiếm hết đất rồi,
   Sở ca bốn phía giục người buông gươm.
   Đại vương nhụt chí bi thương,
   Hỏi rằng tiện thiếp còn vương vấn gì?
   Ngu Cơ hát xong bài hát đó bèn tự sát mà chết.


Hạng Vũ nhân lúc trời chưa sáng, cưỡi ngựa Ô Chuy, mang theo tám trăm kị binh còn sót lại, liều mạng đột phá vòng vây ở phía nam. Lúc trời sáng, quân Hán phát hiện ra Hạng Vũ đã trốn chạy bèn cử 5.000 quân kị binh truy đuổi. Hạng Vũ vội vàng mang quân vượt sông Hoài tháo chạy. Lúc này, số quân đi theo hạng Vũ chỉ còn có hơn 100 người. Bọn họ lại bị lạc đường, phải hỏi đường một người nông dân. Người nông dân cố ý chỉ sai đường khiến quân Hạng Vũ bị sa vào đầm lầy. Lúc này, quân Hán đã đuổi kịp đến nơi, bao vây chặt Hạng Vũ tại Ô Giang (nay là bờ sông Trường Giang, phía đông bắc huyện Hòa, An Huy, Trung Quốc). Bấy giờ, cùng đi với Hạng Vũ chỉ còn có 28 kị binh. Hạng Vũ tự liệu mình không thể trốn thoát được nhưng vẫn ngoan cường bày trận, quyết chiến một trận cuối cùng. Hạng Vũ chia kị binh ra làm bốn đội, quay về bốn phía, xông vào trận địa của quân Hán, giết chết một số tướng lĩnh và binh sĩ của quân Hán.


Hạng Vũ đi đến bên bờ sông Ô Giang, người lái đò ở Ô Giang mời Hạng Vũ nhanh chóng lên thuyền qua sông. Thế nhưng Hạng Vũ cảm thấy mình không còn mặt mũi nào gặp lại dân chúng ở Giang Đông nữa nên không muốn lên thuyền. Hạng Vũ bèn tặng lại ngựa Ô Chuy cho người lái đò, sau đó một mình bộ chiến cùng quân Hán và giết thêm được rất nhiều quân Hán nữa. Bản thân Hạng Vũ cũng bị thương nặng, cuối cùng tự sát mà chết.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #22 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2021, 02:03:41 pm »

5. Kết luận


Trong trận chiến Thành Cao - Cai Hạ giữa hai nước Hán và Sở, lúc bắt đầu, binh lực và thanh thế của quân đội Hạng Vũ đều lớn hơn rất nhiều so với quân Hán của Lưu Bang, kết thúc thì lại là Sở thua, Hán thắng. Nguyên nhân đầu tiên là do Lưu Bang và Hạng Vũ đại diện cho hai chủ trương chính trị chia cắt và thống nhất khác nhau.


Trong cuộc chiến lật đổ vương triều nhà Tần, Lưu Bang và Hạng Vũ đều đã có cống hiến rất lớn. Thế nhưng, sau khi diệt Tần, Hạng Vũ lại đại diện cho lợi ích của tầng lớp quý tộc cũ, cắt đất phong tước cho rất nhiều chư hầu khác nhau, đi ngược lại nguyện vọng xây dựng một nhà nước thống nhất của nhân dân. Thêm vào đó, trong chiến tranh Hạng Vũ lại ra tay sát hại những quân lính thua trận và đã đầu hàng, cướp bóc của cải, hãm hiếp phụ nữ, khiến cho nhân dân rất oán hận. Ngược lại, Lưu Bang đại diện cho lợi ích của giai cấp địa chủ mới nổi lên lúc bây giờ, muốn xây dựng một nhà nước phong kiến thống nhất. Điều này phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, về khách quan mà nói, lại phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.


Về chính trị, Lưu Bang phế bỏ chế độ luật pháp hà khắc của vương triều nhà Tần, chú ý tranh thủ lòng dân, vì vậy có được sự ủng hộ ở mức độ nhất định của dân chúng. Nhân dân ủng hộ Lưu Bang, chống lại Hạng Vũ, đó chính là nguyên nhân căn bản khiến Lưu Bang thắng, Hạng Vũ thua.


Về mặt quân sự, Lưu Bang có cách xử lý đối với toàn cục của cuộc chiến một cách tương đối thỏa đáng, có thể duy trì được thế cân bằng ở phía chính diện, không ngừng quấy rối ở phía hậu phương và hai bên sườn của quân địch, lại tạo ra được sự phối hợp chiến lược nhịp nhàng, vì vậy nhanh chóng thay đổi được sự tương quan lực lượng giữa đôi bên, thực hiện bao vây chiến lược đối với quân Sở, đẩy quân Sở vào thế phải đối phó ở nhiều mặt, mệt mỏi đến mức mất hết sức chiến đấu. Trong khi Hạng Vũ đã thế suy, lực kiệt, tình thế trên chiến trường đã thay đổi căn bản thì Lưu Bang lập tức tập trung ưu thế binh lực, chuyển sang truy kích, tiêu diệt toàn bộ quân Sở, giành được thắng lợi cuối cùng.


Hạng Vũ thì ngược lại, mặc dù Hạng Vũ có lực lượng tương đối mạnh, lại có tài trong chỉ huy quân sự, nhưng về mặt chiến lược đã không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Hạng Vũ đã đánh giá quá cao lực lượng của mình, đánh giá quá thấp lực lượng của đối thủ; lại không biết chú ý vận dụng mưu trí, xuất kích khắp nơi, đi đến đâu cũng gây chiến nên không thoát khỏi thế bị động, khiến cho quân lính dưới quyền Hạng Vũ rơi vào tình trạng mệt mỏi vì phải dịch chuyển liên miên, sĩ khí tiêu hao, trong lòng chán ghét chiến tranh, cuối cùng rơi vào kết cục "tứ diện Sở ca, nhất bại đồ địa'' (bốn phía hát bài ca nước Sở, một trận là thất bại hoàn toàn).
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #23 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2021, 09:15:07 am »

TRẬN CHIẾN CÔN DƯƠNG CỦA TRIỀU TÂN HÁN

   Văn Thúc năng độc thư,
   Triết tiết như nho sinh.
   Nhất chiến tồi đại địch,
   Đốn sử Hà Vũ bình.

   (Tạm dịch là: Văn Thúc chịu khó học hỏi, giảng giải mọi điều như một nhà Nho, chỉ một trận đã đánh lui được quân địch mạnh, bình định được đất Hà Vũ).

Đây là bài thơ do nhà tư tưởng tiến bộ của Trung Quốc cuối thời nhà Minh tên là Cố Viêm Vũ sáng tác để ca ngợi hoàng đế nhà Đông Hán: Quang Vũ đế Lưu Tú. Văn Thúc là tên tự của Lưu Tú, hai câu đầu của bài thơ ca ngợi Lưu Tú chịu khó chăm chỉ học hỏi; hai câu sau của bài thơ ca ngợi Lưu Tú đã quét sạch quân địch trong một trận chiến mang tính then chốt, bình định thiên hạ, thu lại giang sơn về cho nhà Hán. Câu thơ "chỉ một trận đã đánh lui được quân địch mạnh", chính là nói về trận chiến Côn Dương do quân khởi nghĩa nông dân cuối thời Tây Hán, lật đổ vương triều thống trị Tân Hán của Vương Mãng.


1. Tân quân áp sát, Lưu Tú phá vây

Vào cuối thời Vương Mãng, khắp nơi trên đất nước Trung Quốc nổ ra các cuộc khởi nghĩa nông dân. Trong số rất nhiều các cuộc khởi nghĩa đó, có hai cuộc khởi nghĩa nổi bật nhất, đó là quân Xích Mi vang tiếng Sơn Đông và quân Lục Lâm tung hoành Trung Nguyên. Trong lúc các cuộc khởi nghĩa phát triển một cách mạnh mẽ, chính quyền Vương Mãng nghiêng ngả sắp sụp đổ thì ba anh em ruột trong vương thất nhà Tây Hán cũ vốn bị Vương Mãng cướp ngôi là Lưu Huyền, Lưu Diễn và Lưu Tú cũng gia nhập vào đội ngũ của quân khởi nghĩa mang tên Lục Lâm quân.


Năm 23, Lục Lâm quân liên tiếp tấn công mười mấy vạn quân của Vương Mãng ở Kinh Châu, lại đánh bại một cánh quân khác của Vương Mãng do các đại tướng là Nghiêm Vưu, Trần Mậu chỉ huy. Tiếp đó, thủ lĩnh của Lục Lâm quân là Vương Khuông chỉ huy quân chủ lực Hán bao vây Uyển Thành (nay là Nam Dương, Hà Nam, Trung Quốc). Vương Phượng dẫn một cánh quân khởi nghĩa khác tấn công Côn Dương (nay là phía bắc huyện Diệp, Hà Nam, Trung Quốc), Định Lăng (nay là phía bắc Vũ Dương, Hà Nam, Trung Quốc) và Yển Thành (nay là Yển Thành, Hà Nam, Trung Quốc), gây uy hiếp rất lớn cho chính quyền của Vương Mãng.


Tại kinh thành Trường An lúc bấy giờ, Vương Mãng nghe tin Côn Dương thất thủ, Yển Thành bị bao vây, Nghiêm Vưu, Trần Mậu thua trận thì vô cùng lo lắng, quyết định dốc hết lực lượng đánh một trận sông còn với quân khởi nghĩa.


Tháng ba năm 23, Vương Mãng ra lệnh cho Đại Tư đồ Vương Tầm, Đại Tư không Vương Ấp điều động 42 vạn tinh binh ở các nơi, nói khống lên thành trăm vạn, tiến quân áp sát Uyển Thành, định một trận quét sạch quân Hán (Lục Lâm quân về sau gọi là quân Hán).


Sau khi tân quân tập trung ở Lạc Dương, cờ xí, xe cộ, quân lính kéo dài đến ngàn dặm, khí thế rất uy phong mãnh liệt. Vương Mãng lấy ra vài trăm người biết binh pháp trong số quân mới trưng tập từ các nơi về, tập trung lại thành Tham mưu trong quân đội của mình, đặc biệt còn sử dụng một người khổng lồ tên là Cự Vô Bá, có thân hình cao đến một trượng (khoảng 2,3 mét) làm nhiệm vụ phòng thủ trận tuyến, gọi là "Lũy uý".


Vương Mãng nghe nói Cự Vô Bá có thể sai khiến được mãnh thú, bèn mở cửa thả thú dữ trong vườn thú của hoàng cung như: hổ, báo, tê giác, voi... ra cho Cự Vô Bá chỉ huy, nhằm phô trương thanh thế cho tân quân, đe dọa quân Hán.


Tháng 5 năm 23, đại quân của Vương Mãng hợp binh với tàn quân của Nghiêm Vưu, Trần Mậu ở Dĩnh Xuyên (nay là huyện Vũ, Hà Nam, Trung Quốc), ào ào như nước lũ tiến quân về Côn Dương. Tướng lĩnh của tân quân đều khí thế ngất trời, tưởng rằng việc tiêu diệt quân Hán ở Côn Dương chỉ trong chớp mắt là có thể thực hiện được.


Lúc đó, quân Hán trấn thủ ở Côn Dương chỉ có khoảng tám, chín ngàn quân, không thể nào so sánh được với lực lượng của Vương Mãng. Làm thế nào để đối phó lại với một đội quân vừa đông đúc, vừa hung hãn như vậy được? Các tướng lĩnh của quân Hán đã có người chủ trương bỏ mặc Côn Dương để chờ viện binh. Riêng chỉ có Lưu Tú - một tướng lĩnh xuất thân từ trong hoàng tộc nhà Tây Hán chủ trương kiên quyết cố thủ Côn Dương, sau đó sẽ tìm cách phản công. Lưu Tú phân tích tình thế quân sự lúc đó như sau:

"Hiện tại chúng ta binh ít lương thiếu, quân địch có binh lực hùng mạnh, nếu như chúng ta có thể tập trung lực lượng kháng cự lại quân địch thì vẫn có thể chiến thắng được quân địch. Nếu như phân tán lực lượng ra, thế tất yếu sẽ bị quân địch chia cắt ra để tiêu diệt, lúc đó thì không ai có thể bảo toàn được lực lượng. Huống hồ, quân chủ lực của chúng ta còn chưa tấn công hạ được Uyển Thành, không thể nào đến cứu viện cho chúng ta được. Nếu như Côn Dương bị tân quân đánh bại, chỉ trong một ngày, chúng ta sẽ chết sạch".

(Theo "Hậu Hán thư - Quang Vũ đế kỷ")


Phương án phòng ngự địch của quân Hán vẫn chưa được quyết định thì Vương Ấp đã dẫn quân tiên phong của tân quân áp sát phía bắc thành Côn Dương, phần sau của quân đội tân quân cũng liên tục di chuyển đến, bằng mắt thường không thể nhìn hết được độ dài của hàng quân. Không lâu sau, Côn Dương đã bị tân quân bao vây chặt. Tình hình vô cùng khẩn cấp. Lưu Tú lại một lần nữa nói với mọi người rằng:

"Nhất định phải cố thủ Côn Dương, bởi vì điều này có quan hệ đến sự sống còn của quân khởi nghĩa".

Sau khi nghiên cứu kỹ, chủ soái Vương Phượng quyết định mình và Vương Thường sẽ ở lại cố thủ Côn Dương; cử Lưu Tú, Lý Dật... đột phá vòng vây đi đến Định Lăng, Yển Thành để điều động tập trung viện binh phối hợp trong ngoài cùng tấn công quân của Vương Mãng.


Một đêm mùa hạ, ánh trăng mờ nhạt, Lưu Tú, Lý Dật dẫn theo 11 tinh binh, cưỡi ngựa tốt, toàn thân mang giáp, tay cầm vũ khí, từ phía nam thành Côn Dương đột phá vòng vây xuất kích, xông qua muôn vàn lớp vòng vây trùng trùng điệp điệp của tân quân, mở một con đường máu, chạy như bay về phía đông nam.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #24 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2021, 09:16:01 am »

2. Tân quân vây thành, quân Hán phòng ngự

Vương Tầm, Vương Ấp chỉ huy tân quân bao vây tấn công thành Côn Dương, ngay từ đầu đã vấp phải sự kháng cự kiên quyết của quân Hán. Đại tướng của tân quân là Nghiêm Vưu đã từng nếm nỗi khổ trong tác chiến với quân Hán, bèn đề nghị với Vương Tầm, Vương Ấp rằng:

"Thành Côn Dương tuy nhỏ nhưng rất kiên cố, không thể hạ được trong chốc lát. Trước mắt, Lưu Huyền đang bao vây tấn công Uyển Thành, đó mới là chiến trường chủ yếu, nếu như chúng ta rút quân chủ lực đến cứu Uyển Thành, Lưu Huyền nhất định sẽ phải bỏ chạy. Quân Hán ở Uyển Thành bị chúng ta đánh bại thì Côn Dương không phá cũng phải vỡ”.


Vương Tầm, Vương Ấp ỷ thế quân đông tướng nhiều, vốn không coi việc hạ quân Hán ở Côn Dương là một chuyện khó khăn, Vương Ấp nói với Nghiêm Vưu rằng:

"Ta trước kia bao vây quân phản loạn chống triều đình là Địch Nghĩa, chỉ có đánh bại chứ không bắt sống được chúng, khiến chúng sau khi bỏ chạy tự sát mà chết, việc này đã để người khác thường trách móc ta. Nay chúng ta thống lĩnh cả trăm vạn quân, nếu như một thành Côn Dương cỏn con này mà cũng không hạ được thì hỏi còn gì là uy phong nữa?".

Vương Ấp còn điên cuồng gào thét:

"Ta nhất định phải tắm máu thành Côn Dương, đạp lên xác địch mà tiến, cuối cùng sẽ mở tiệc ăn mừng thắng lợi, nghĩ mà sung sướng biết bao!”.

Vương Tầm, Vương Ấp từ chối lời đề nghị của Nghiêm Vưu, quyết định phải hạ thành Côn Dương trước, rồi mới tiến quân đến Uyển Thành. Tân quân toàn bộ có 42 vạn người, bao vây mấy chục vòng quanh thành Côn Dương nhỏ bé. Bọn họ dựng hàng trăm lều trại bên ngoài thành Côn Dương, cờ xí rợp trời, bụi đất mù mịt, tiếng trống khua và tiếng la hét vang xa đến mấy chục dặm.


Vương Tầm, Vương Ấp một mặt ra lệnh cho quân sĩ đào địa đạo để tấn công thành, một mặt dùng chiến xa tấn công mãnh liệt vào cửa thành. Quân Hán ngoan cường kháng cự, tân quân không có cách nào tấn công nổi.


Vương Ấp lại ra lệnh cho tân quân chồng chiến xa lên cao đến mười mấy trượng, áp sát tường thành, từ trên cao bắn đá và tên vào trong thành. Đá và tên của tân quân bắn vào thành như mưa, dân chúng trong thành không dám đi ra khỏi cửa, mỗi khi đi ra giếng lấy nước, dân chúng đều phải đội cánh cửa trên đầu để che đỡ đá và tên của tân quân. Vương Tầm, Vương Ấp lại càng đắc ý, cho rằng việc tấn công hạ thành Côn Dương chỉ còn là việc một sớm một chiều mà thôi, việc còn lại là ung dung ngồi chờ tin thắng trận, không cần để ý đến các việc khác.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #25 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2021, 09:20:42 am »

3. Côn Dương đại chiến, chém Vương Tầm tại trận

Việc phòng thủ ở thành Côn Dương đã kéo dài được hơn 20 ngày, quân Hán người ít, lương thiếu, điều kiện tác chiến ngày càng gian khổ.

Một ngày thượng tuần tháng sáu, quân Hán ở trên thành nhìn ra phía ngoài thành, đột nhiên nhìn thấy ở phía nam có bụi đất bốc lên. Một lát sau, thấy có tiếng trống trận và tiếng la hét giết địch. Lúc sau nữa thì lính gác ở tiền tiêu báo về:

"Lưu Tú dẫn viện binh đến rồi!".

Tin tức nhanh chóng được truyền đi khắp thành, mọi người đều tràn đầy hy vọng, củng cố thêm niêm tin vào thắng lợi.

Bọn Lưu Tú mang theo vài ngàn quân chi viện từ Định Lăng, Yển Thành tiến đến bên ngoài thành Côn Dương. Khi đến một địa điểm cách thành Côn Dương khoảng bốn, năm dặm, triển khai bố trí trận địa, chuẩn bị tác chiến với quân địch. Lưu Tú quan sát thế trận của tân quân, quyết định dùng chiến thuật "tiên phát chế nhân" (chủ động tấn công trước để khống chế quân địch). Lưu Tú đích thân chỉ huy 1.000 quân tiên phong bao gồm lính bộ binh và kỵ binh, dũng mãnh xung phong vào tấn công quân địch.


Vương Tầm, Vương Ấp kiêu ngạo chủ quan khinh địch, cho rằng quân Hán ít, cho nên chỉ điều vài ngàn quân ra nghênh chiến. Quân Hán dũng cảm tấn công, chỉ trong chốc lát đã tiêu diệt được rất nhiều quân địch. Trải qua trận chiến đấu nhỏ đó, Lưu Tú đã phát hiện ra rằng sĩ khí của tân quân rất thấp, quân lính không muốn đánh nhau, thế là thừa thắng tấn công, lại chém chết hơn 1.000 tân quân nữa, giành được thắng lợi trong trận đầu.


Trước khi Lưu Tú trở về Côn Dương ba ngày, Vương Khuông đã chỉ huy quân chủ lực nhà Hán tấn công hạ được Uyển Thành, thế nhưng đến tận lúc đó, tin tức vẫn chưa được thông báo đến Côn Dương, Lưu Tú cũng chưa hề biết. Để cổ vũ sĩ khí quân Hán, làm tan rã ý chí chiến đấu của quân địch, Lưu Tú căn cứ vào dự đoán chủ quan của bản thân mình, tạo ra thông tin Uyển Thành đã bị hạ, sau đó dùng tên bắn vào trong thành Côn Dương. Lưu Tú còn cố ý viết một bức thư báo tin công hạ được Uyển Thành, rồi giả bộ làm thất lạc vào đội hình của tân quân để bọn họ tự truyền tin tức cho nhau biết. Khi tin tức này được truyền đi, quân dân trong thành Côn Dương được tiếp thêm một nguồn cổ vũ to lớn, sĩ khí dâng cao, quyết tâm trấn thủ thành càng mạnh mẽ. Bên ngoài thành, tân quân đã trải qua một tháng khổ chiến, chẳng tiến thêm được tấc nào, lại nghe tin Uyển Thành thất thủ thì vô cùng thất vọng, sĩ khí tiêu tan gần hết.


Lưu Tú thấy sĩ khí của tân quân ngày càng xuống thấp, cho rằng điều kiện để chiến thắng quân địch đã chín muồi, bèn tổ chức 3.000 tinh binh thành một đội cảm tử quân, vu hồi phía tây nam thành, bất ngờ vượt qua sông Côn Thủy, tấn công mạnh mẽ vào đại bản doanh của tân quân. Trong chốc lát, tiếng trống tiến quân, tiếng reo hò xung trận của quân Hán vang động trời đất.


Vương Tầm, Vương Ấp vẫn chủ quan khinh địch, thấy lực lượng của quân Hán ít, cho rằng không có gì đáng lo ngại nên không bố trí chiến đấu, chỉ thân chinh dẫn hơn một vạn quân ra nghênh chiến với Lưu Tú, đồng thời cũng ra lệnh cho số quân lính còn lại không được tự ý hành động.


Quân Hán do liên tiếp giành được thắng lợi, càng thêm gan dạ quyết chiến. Còn binh sĩ của tân quân đại bộ phận là nông dân bị ép đi lính, vô cùng căm hận Vương Mãng đã đẩy mình vào chốn gươm đao nguy hiểm nên đều không muốn đánh nhau. Tướng lĩnh của tân quân thì mượn cớ Vương Tầm, Vương Ấp đã ra lệnh "không được tự ý hành động" nên cứ điềm nhiên "án binh bất động". Vì vậy, khi quân Hán tấn công vào trận địa của tân quân không hề gặp phải sự kháng cự nào, cứ một địch trăm, như đi vào chốn không người vậy. Quân Hán càng đánh càng hăng, càng chiến đấu càng mạnh, khí thế không có gì cưỡng nổi. Chẳng tốn bao nhiêu công sức, quân Hán đã đánh bại hơn một vạn tân quân do Vương Tầm, Vương Ấp chỉ huy. Thừa thắng, Lưu Tú chỉ huy quân Hán truy kích, chém chết Vương Tầm tại trận.


Khi tân quân bắt đầu tan vỡ, Vương Phượng chỉ huy quân Hán trong thành Côn Dương thừa thế tấn công từ trong ra, kẹp tân quân vào giữa mà tiêu diệt.

Lúc này, tân quân thấy chủ soái của mình đã tử trận, sĩ khí gần như cạn kiệt, đã hoàn toàn mất hết tinh thần chiến đấu, đạp lên nhau mà tháo chạy, ầm ầm như núi lở, thương vong không biết bao nhiêu mà kể. Các con thú dữ như hổ, báo, voi, tê giác cũng bị sổ lồng tháo chạy hết. Đúng lúc đó, trời bỗng nhiên lặng gió, tối sầm lại, rồi tiếp đến là một trận cuồng phong nổi lên, sấm chớp nhằng nhịt, mưa như trút nước, con sông Trĩ Xuyên ở thành bắc bị vỡ bờ, nước tràn lên. Tiếng gió, tiếng sấm, tiếng mưa, tiếng nước réo và tiếng hò reo của quân Hán hòa quyện lại với nhau, dường như muốn dìm nghỉm đám binh sĩ của tân quân vốn đang hồn xiêu phách lạc. Trên thực tế, số tân quân bị nước dìm chết đã có tới hơn một vạn, xác chết chất đầy, làm tắc cả một khúc sông Trĩ Xuyên.


Thế là mấy vạn binh lính của Vương Mãng, số thì bị chết, số thì bị thương, số thì chạy trốn, đã hoàn toàn tan vỡ. Vương Ấp may mắn thoát chết, nhưng cũng một phen sợ đến mức hồn vía lên mây, vội vàng cùng với Nghiêm Vưu, Trần Mậu và một số ít quân lính cưỡi ngựa, đạp lên xác chết của tân quân mà chạy trốn, vượt qua sông Trĩ Xuyên, rút về Lạc Dương.


Sau khi Côn Dương đại thắng, quân Hán thừa thắng tấn công Lạc Dương và Trường An. Giữa tháng mười năm đó, Vương Mãng bị giết ở Trường An, toàn bộ tân triều bị lật đổ.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #26 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2021, 09:21:15 am »

4. Kết luận

Trận chiến Côn Dương là một cuộc chiến tranh chính nghĩa do quân khởi nghĩa Lục Lâm quân tiến hành chống lại vương triều tân quân tàn bạo, cũng là một ví dụ điển hình của một trận chiến lấy ít thắng nhiều trong lịch sử Trung Quốc cổ đại.


Nguyên nhân chiến thắng của quân Hán chủ yếu là xuất phát từ sự căm hận của nhân dân đối với tân triều tàn bạo của Vương Mãng, muốn lật đổ sự thống trị độc ác của hắn. Cả hai phía quân đều là nông dân, quân Hán dũng mãnh chiến đấu, lấy một địch mười, tân quân không muốn đánh nhau, khi lâm trận thì chỉ bỏ chạy, đó đều là biểu hiện phản đối chính quyền Vương Mãng của nông dân Trung Quốc thời đó. Vì vậy, có thể nói rằng, kết quả huy hoàng của trận chiến Côn Dương là của nông dân cả hai phía làm nên.


Về quân sự mà nói, quân Hán thắng, tân quân thua một mặt là do Vương Tầm, Vương Ấp không hiểu gì về binh pháp, mù quáng khinh địch, chủ quan dẫn đến lãnh đạo sai lầm. Mặt khác, đứng trước sự bao vây của cường địch, quân Hán đã tích cực phòng ngự, kiên quyết cố thủ để chờ viện binh, đó là một chủ trương đúng đắn. Trong chiến đấu, quân Hán đã dũng cảm chiến đấu, không sợ quân địch, phát huy tinh thần anh hùng cách mạng, lại có thểm sự lãnh đạo sáng suốt của những vị tướng lĩnh chỉ huy như Vương Phượng, Lưu Tú... cuối cùng đã giành được thắng lợi mang tính quyết định.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #27 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2021, 10:03:33 am »

TRẬN CHIẾN QUAN ĐỘ GIỮA HAI THẾ LỰC VIÊN - TÀO


Ngày nay, ở một nơi ngay cạnh bến sông cách huyện Trung Mâu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc khoảng năm dặm có một thôn nhỏ tên gọi Quan Độ Kiều. Chính tại đây, khoảng 1.700 năm trước là chiến trường của trận Quan Độ giữa Viên Thiệu và Tào Tháo. Hiện nay, ở gần thôn Quan Độ Kiều, tương truyền còn lưu giữ dấu vết của nơi tích trữ lương thảo của Tào Tháo gọi là "thảo trường" và nơi đóng quân của Viên Thiệu gọi là "Viên Thiệu cương". Không còn nghi ngờ gì nữa, những di tích cổ đó có tên chính từ trận chiến này.


1. Tào Tháo xây dựng phòng tuyến Quan Độ

Năm Kiến An thứ tư thời Hán Hiến đê (năm 199), Viên Thiệu dựa vào ưu thế kinh tế, quân sự lớn mạnh của mình, tập trung 10 vạn đại quân, một vạn chiến mã, chuẩn bị tấn công Hứa Đô (đô thành tạm thời của triều đình nhà Hán, cũng là đại bản doanh của Tào Tháo, nay là phía nam Hứa Xương, Hà Nam, Trung Quốc), định tiêu diệt toàn bộ binh lực của Tào Tháo. Tin tức đó truyền tới Hứa Đô, tất cả tướng dưới quyền của Tào Tháo đều vô cùng hoang mang lo sợ. Để đối phó với tình hình này, Tào Tháo triệu tập tất cả các mưu sĩ và tướng lĩnh dưới quyền lại, phân tích tình thế lúc đó cho mọi người thấy:

"Viên Thiệu là một kẻ có dã tâm rất lớn, nhưng mưu trí thiển cận, bề ngoài thì ghê gớm nhưng bên trong thì chẳng có chút tài cán gì; đối xử với người khác thì nghi ngờ, hà khắc, thiếu uy tín; quân sĩ đông nhưng chỉ huy lại không xứng tầm, tướng lĩnh kiêu ngạo mà chính lệnh bất nhất; đất đai rộng lớn, lương thực dồi dào, vừa hay có thể trở thành một món quà hậu hĩnh cho chúng ta”.

(Theo "Tam quốc chí - Ngụy chí - Vủ đế kỷ')


Mưu sĩ của Tào Tháo là Quách Gia, Tuần Vực đều tán thành cách nhìn nhận đánh giá của Tào Tháo. Trước đó, Quách Gia cũng đã có lần đánh giá về Viên Thiệu tương tự như Tào Tháo. Các tướng lĩnh nghe lời phân tích của Tào Tháo, cảm thấy vững dạ hơn nhiều, dũng khí và lòng tin cũng tăng thêm.


Tiếp đó, căn cứ vào sự phân tích như trên, tập đoàn chính trị của Tào Tháo tiến hành bố trí quân sự hết sức chặt chẽ, quyết định trước tiên phải tiêu diệt tất cả các thế lực cát cứ xung quanh, đề phòng bọn họ liên kết với Viên Thiệu, khiến cho tập đoàn của mình rơi vào thế bất lợi là bị kẹp giữa hai trận tuyến.


Tháng hai năm Kiến An thứ tư, Tào Tháo trước tiên cử Tào Nhân tấn công Xạ Khuyển - một yếu địa chiến lược ở phía bờ bắc Hoàng Hà (nay là phía đông bắc huyện Tiết Dương, Hà Nam, Trung Quốc), cắt đứt con đường ven sông tiên về phía tây của quân Viên Thiệu.


Tháng tám, Tào Tháo cử Tang Bá dẫn quân tiến vào Thanh Châu, ngăn chặn Viên Thiệu tấn công từ phía đông.

Đúng vào lúc Tào Tháo đang bố trí tác chiến với Viên Thiệu thì ở Hạ Phi (nay là phía đông huyện Hạ Bì, Giang Tô, Trung Quốc) - Lưu Bị vốn dựa vào Tào Tháo, nay quay lại hưởng ứng lời kêu gọi của Viên Thiệu, chống lại Tào Tháo. Tào Tháo bèn đích thân đem quân tiến về phía đông, nhanh chóng tấn công tiêu diệt Hạ Phi, bắt sống đại tướng của Lưu Bị là Quan Vũ.


Sau khi tiêu diệt quét sạch những thế lực cát cứ xung quanh, Tào Tháo bèn đích thân thống lĩnh toàn bộ quân chủ lực, đồn trú tại Quan Độ (nay là phía đông bắc của huyện Trung Mâu, Hà Nam, Trung Quốc), chuẩn bị nghênh chiến Viên Thiệu.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #28 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2021, 10:04:46 am »

2. Trận chiến Bạch Mã, Diên Tân

Khi Tào Tháo xuất quân tấn công Lưu Bị, Hứa Đô bỏ trống. Tin tức truyền đến Hà Bắc, mưu sĩ của Viên Thiệu là Điền Phong cho rằng, đây chính là cơ hội tốt để tiêu diệt đại bản doanh của Tào Tháo, cần phải xuất binh đến tập kích Hứa Đô.


Bộ hạ của Tào Tháo đã sớm cảnh báo với Tào Tháo, cần phải đề phòng Viên Thiệu nhân cơ hội Hứa Đô bị bỏ trống đến tập kích. Thế nhưng Tào Tháo lại cho rằng, Viên Thiệu vốn là người hay chần chừ do dự, gặp việc hay trì hoãn, tất sẽ không quyết đoán nhân cơ hội để tấn công Hứa Đô. Quả nhiên, không ngoài dự đoán của Tào Tháo, lấy cớ con trai bị bệnh, Viên Thiệu không tiếp thu ý kiến đúng đắn của Điền Phong. Điền Phong vô cùng tức giận, chọc mạnh gậy xuống đất mà than rằng:

"Thật đáng tiếc! Đáng tiếc! Đây là cơ hội hiếm có, thế mà lại lấy lý do con nhỏ bị ốm mà bỏ qua!".

Tháng giêng năm Kiến An thứ năm (năm 200), Lưu Bị chiến bại, lui quân về Nghiệp Thành (nay là huyện Lâm Chương, Hà Bắc, Trung Quốc), nương nhờ vào Viên Thiệu. Lúc đó, Viên Thiệu mới triệu tập hội nghị các tướng lĩnh để bàn cách tấn công đánh chiếm Hứa Đô. Điền Phong cho rằng, tình thế đã xảy ra những sư biến đổi lớn, bây giờ mà lại tấn công Hứa Đô thì bất lợi, vậy nên khuyên Viên Thiệu rằng:   
"Tào Tháo một khi đã đánh bại Lưu Bị, Hứa Đô sẽ không còn bị bỏ trống nữa. Huống hồ, Tào Tháo lại rất biết cách dụng binh, lại là người cơ trí linh hoạt, biến hóa khó lường. Quân Tào tuy ít, nhưng không thể khinh thường được. Từ nay về sau, chi bằng tính cách giữ gìn lâu dài. Ngài chiếm cứ một khoảng sơn hà rộng lớn, có đất đai hiểm trở, lại có rất đông dân chúng của bốn châu, nên lợi dụng hình thế có lợi mà kết giao với anh hùng hào kiệt ở bên ngoài, củng cố việc cai trị ở bên trong, tăng cường binh lực, sau đó tuyển chọn tinh binh, thừa cơ tập kích hai bên sườn của Tào Tháo, triển khai tác chiến lưu động, khiến cho quân của Tào Tháo phải chạy đông chạy tây, mệt mỏi chán nản; làm cho dân chúng dưới quyền Tào Tháo không được sống cuộc sống yên ổn, oán ghét Tào Tháo. Như vậy chỉ cần thời gian chưa đến hai năm là chúng ta có thể không đánh mà thắng. Nếu như không làm như vậy, mà vội vàng quyết chiến với Tào Tháo, ngộ nhỡ có thất bại, hối hận cũng không kịp!".

(Nguyên văn xem "Tam quốc chí - Viên Thiệu truyện")

Những phân tích xuất phát từ tình hình thực tế của Điền Phong là rất có lý, thế nhưng, vốn là người chỉ có dã tâm mà không có mưu lược, Viên Thiệu không những không để lọt một lời nào vào tai, mà ngược lại còn thêm ghét Điền Phong. Mặc dù như vậy, nhưng Điền Phong vẫn kiên nhẫn phân tích điều hơn lẽ thiệt cho Viên Thiệu nghe, khuyên Viên Thiệu những điều đúng đắn. Thế là trong cơn nóng giận, Viên Thiệu bèn ghép cho Điền Phong tội "làm rối lòng quân sĩ", hạ lệnh tống giam Điền Phong vào ngục tối. Về sau, trong trận chiến ở Quan Độ, Viên Thiệu quả nhiên thất bại. Sợ bị người đời chê cười, Viên Thiệu đã hạ lệnh giết chết Điền Phong.


Tháng hai năm Kiến An thứ năm, Viên Thiệu tập kết mười vạn quân tại Lê Dương bờ bắc sông Hoàng Hà (nay thuộc phía đông bắc huyện Tuấn, Hà Nam, Trung Quốc), chuẩn bị vượt sông sang phía nam, thẳng tiến đến Hứa Đô. Đồng thời, Viên Thiệu còn cử tướng Nhan Lương tấn công Bạch Mã (nay là phía đông bắc huyện Hoạt, Hà Nam, Trung Quốc).


Tháng tư, Tào Tháo từ Quan Độ dẫn quân lên phía bắc, giải cứu cho quân lính của mình đang bị quân của Viên Thiệu vây khốn ở Bạch Mã. Tào Tháo làm theo phương án "thanh đông kích tây" của viên mưu sĩ Tuân Du, trước tiên dẫn quân tiến đến Diên Tân (nay là phía bắc huyện Diên Tân, Hà Nam, Trung Quốc), giả bộ sẽ vượt sông tập kích vào hậu phương của Viên Thiệu, khiến cho Viên Thiệu phải chia quân để ứng cứu, sau đó, Tào Tháo lại dùng lính khinh kỵ quay lại tập kích Bạch Mã, tấn công vào chỗ mà Viên Thiệu không phòng bị.


Viên Thiệu quả nhiên trúng kế, chia một bộ phận binh lực quay về Diên Tân nghênh chiến. Tào Tháo lập tức dẫn quân khinh kỵ, dùng Trương Liêu, Quan Vũ làm tiên phong, tấn công Bạch Mã. Khi quân của Tào Tháo tiến đến cách Bạch Mã mười dặm, Nhan Lương mới phát hiện ra, hoảng hốt lên ngựa ứng chiến. Quan Vũ bất thần xông vào trận địa của quân Viên Thiệu, vung đao chém chết Nhan Lương. Thấy chủ soái bị giết, quân của Viên Thiệu lập tức bị rối loạn, kẻ bị giết, kẻ bị bắt làm tù binh, kẻ thì tháo chạy, chỉ trong chốc lát đã hoàn toàn tan vỡ. Sau khi trận chiến đấu kết thúc, Tào Tháo ra lệnh cho toàn bộ dân cư trong thành Bạch Mã phải dời khỏi đó đi theo quân đội, men sông Hoàng Hà rút lui về Quan Độ.


Viên Thiệu nghe nói Tào Tháo rút quân từ Bạch Mã, bèn đích thân chỉ huy đại quân truy kích, định ăn tươi nuốt sống quân của Tào Tháo. Mưu sĩ của Viên Thiệu là Thư Thụ khuyên ngăn Viên Thiệu rằng:

"Sự biến đổi thắng bại trong chiến tranh không thể không xem xét một cách kĩ lưỡng. Hiện nay, tốt nhất là hãy cứ đóng quân ở Diên Tân, chia một phần binh lực ra để tấn công Quan Độ. Nếu như không thể đánh thắng thì đại quân đóng ở Diên Tân sẽ tiếp tục tấn công cũng chưa phải là muộn. Nếu cứ mù quáng tiến công về phía nam, chẳng may thất bại thì rất dễ có nguy cơ mất trắng toàn bộ binh lực”.


Thế nhưng Viên Thiệu lại từ chối ý kiến rất xác đáng của Thư Thụ, ra lệnh cho toàn bộ quân chủ lực vượt sông truy kích.

Thư Thụ đã dự đoán trước được thất bại của Viên Thiệu nên khi đại quân vượt sông đã không cầm lòng mà than rằng:

"Hoàng Hà, ơi Hoàng Hà! Chúng ta còn có ngày qua sông quay trở về nữa hay không?".

Thế rồi, Thư Thụ lấy cớ mình bị bệnh, xin từ chức. Viên Thiệu không đồng ý, ngược lại còn rút bớt một phần binh lực trong cánh quân của Thư Thụ, giao cho Quách Đồ chỉ huy.

Đội quân tiên phong của Viên Thiệu nhanh chóng áp sát Diên Tân. Tào Tháo ra lệnh cho quân lính của mình đóng trại dựa vào sườn núi phía nam của Diên Tân, cho quân trinh sát đi điều tra, nắm vững từng động tĩnh của quân Viên Thiệu. Khi quân trinh sát phát hiện ra quân của Viên Thiệu, lập tức báo cáo lại với Tào Tháo:

"Đã có năm, sáu trăm quân kỵ của Viên Thiệu đuổi tới nơi!".

Một lát sau, lại có báo cáo rằng:

"Quân kỵ của Viên Thiệu lại tăng thêm, bộ binh đông đến mức không thể đếm nổi nữa".

Các tướng lĩnh dưới quyền Tào Tháo đều cho rằng quân địch quá đông, sợ khó có thể địch lại nổi, chủ trương rút về sau chiến lũy cố thủ. Tào Tháo một mặt ra lệnh không cần báo cáo tiếp nữa, một mặt ra lệnh cho toàn bộ lính kỵ binh của mình tháo yên cương, thả ngựa cho ra ăn cỏ, tất cả các loại xe lương thảo đều cho đỗ ở ven đường mà quân của Viên Thiệu sẽ đi qua. Các tướng lĩnh đều cảm thấy kỳ lạ trước những mệnh lệnh này, riêng chỉ có mưu sĩ Tuân Du là hiểu được ý định của Tào Tháo, nói với mọi người rằng:

"Làm như vậy chính là mồi nhử dụ quân địch mắc câu, làm sao còn có thể lui bước được nữa?".

Không lâu sau, tướng của Viên Thiệu là Văn Xú dẫn năm, sáu ngàn quân lần lượt tiến vào Diên Tân. Các tướng lĩnh của Tào Tháo đều cảm thấy tình hình rất khẩn cấp, năn nỉ Tào Tháo ra lệnh lên ngựa ứng chiến. Tào Tháo vô cùng bình tĩnh, nói với bọn họ rằng:

"Vẫn chưa đến lúc!".

Lại thêm một lát nữa, phần lớn hậu quân của quân đội Viên Thiệu đã kéo đến, thấy quân của Tào Tháo vứt đầy vật tư quân dụng ra đường, bèn tranh nhau vơ vét, đội ngũ lập tức bị rối loạn. Đến lúc đó, Tào Tháo ra lệnh cho kỵ binh lên ngựa, nhất tề xông trận, đánh cho quân của Viên Thiệu đại bại. Quân đội của Tào Tháo chém đầu đại tướng Văn Xú, bắt sống toàn bộ quân lính.


Sau khi giành được chiến thắng Diên Tân, Tào Tháo ung dung rút quân về Quan Độ, là vị trí phòng ngự rất có lợi nhằm thu hút quân địch, chuẩn bị quyết chiến.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #29 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2021, 10:05:47 am »

3. Tấn công và phòng ngự trước tiền tuyến Quan Độ

Trải qua hai trận Bạch Mã, Diên Tân, quân đội hai bên Viên - Tào tạm thời ở vào giai đoạn giằng co với nhau trên tiền tuyến. Viên Thiệu tuy liên tiếp vấp phải thất bại, nhưng vẫn giữ được ưu thế trên chiến trường, về nhân lực mà nói, quân đội của Viên Thiệu có gần mười vạn, Tào Tháo nhiều lắm cũng chỉ có ba đến bốn vạn quân. Xét về sức mạnh kinh tế ở hậu phương, Tào Tháo chiếm lĩnh hai châu: Duyễn Châu và Dự Châu, là những khu vực bị tàn phá nghiêm trọng nhất vào cuối thời nhà Hán, thua xa vùng Hà Bắc giàu có, nơi Viên Thiệu chiếm cứ. Mặc dù cùng năm tiến quân vào Hứa Đô, Tào Tháo đã bắt đầu cho quân đội triển khai trồng trọt, tích luỹ lương thực, nhưng dù sao cũng mới chỉ được vẻn vẹn bốn, năm năm nên dự trữ lương thực vẫn rất ít ỏi, không thể so được với lượng quân lương dồi dào phía quân đội Viên Thiệu được. Tuy vậy, Tào Tháo vốn là một nhà chính trị có tài năng xuất chúng và tầm nhìn xa trông rộng, vì vậy để thu phục lòng dân, Tào Tháo đã áp dụng một loạt các biện pháp chính trị tương đối tiến bộ. Ví dụ: ông ta đã từng đem toàn bộ vải lụa trưng thu được ở quận Dương An (thành cũ nay thuộc phía đông bắc huyện Xác Sơn, Hà Nam, Trung Quốc) trả lại cho dân. Lại một ví dụ khác, Tào Tháo ra lệnh cho toàn bộ quân lính của mình trong khi hành quân không được cho phép ngựa xéo vào ruộng lúa, kẻ nào vi phạm sẽ bị xử tội chết. Một lần, chính ngựa của Tào Tháo xéo vào ruộng lúa của dân, Tào Tháo kiên quyết bắt các tướng dưới quyền cứ chiểu theo lệnh mà xử tội. Cuối cùng, chính Tào Tháo đã tự rút kiếm, cắt một nắm tóc của mình ném xuống đất, biểu thị tự mình xử phạt mình. Những biện pháp mà Tào Tháo sử dụng về khách quan đã đem lại lợi ích cho dân chúng, vì vậy, ở một mức độ nhất định, ông ta có được sự ủng hộ của dân chúng. Đây cũng là một điều kiện khách quan rất có lợi cho việc giành chiến thắng trên mặt trận quân sự của Tào Tháo sau này.


Viên Thiệu trong thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh đã phải chịu những thất bại tương đối nặng nề, nhưng ông ta vẫn không rút ra được bài học từ những thất bại đó, vẫn ỷ thế quân đông lương nhiều, trang bị và vật chất dồi dào, kiên quyết tiến hành chiến tranh với Tào Tháo. Sau một thời gian nghỉ ngơi để chỉnh đốn lực lượng, đến tháng bảy năm đó, Viên Thiệu lại tập kết quân chủ lực của mình tại Dương Vũ - một địa điểm ở phía bắc của Quan Độ, chuẩn bị tiếp tục phát động tấn công. Lúc đó, Thư Thụ lại một lần nữa phân tích tình hình chiến tranh cho Viên Thiệu rằng:

"Phía ta tuy quân đông, nhưng không so được với sự dũng cảm và thiện chiến của quân đội Tào Tháo. Nhược điểm của quân Tào Tháo là quân lương ít, không có dự trữ vật chất dồi dào như quân ta. Quân Tào Tháo có lợi thế trong những cuộc chiến nhanh chóng, chúng ta có lợi thế trong cuộc chiến trường kỳ. Vì vậy, chúng ta nên đánh lâu dài nhằm tiêu hao lực lượng của quân Tào Tháo, cuối cùng giành được thắng lợi".


Viên Thiệu không chịu nghe những lời khuyên bảo ấy của Thư Thụ, vẫn cứ một mực hành động theo chủ ý của mình. Viên Thiệu ra lệnh cho quân chủ lực tiến đến trận tuyến Quan Độ, dựa vào bãi cát để xây dựng doanh lũy kéo dài đến mấy chục dặm từ đông sang tây. Quân của Tào Tháo cũng chia nhau đóng trại, đối kháng với quân của Viên Thiệu.


Tháng chín, Tào Tháo phát động tấn công quân của Viên Thiệu, nhưng không giành được thắng lợi. Tào Tháo bèn thay đổi phương châm, dùng thành cao hào sâu, cố thủ trận địa, đợi thời cơ có lợi sẽ lại tấn công Viên Thiệu một lần nữa.


Viên Thiệu nóng lòng muốn đánh nhau, thấy quân Tào Tháo thu về cố thủ trong doanh trại, bèn ra lệnh cho quân sĩ đắp rất nhiều núi đất bên ngoài doanh trại của quân Tào, trên các núi đất cho xây dựng lầu cao để quân sĩ từ trên đó bắn tên vào trong thành lũy của quân Tào. Khi hiệu lệnh vừa phát ra, hàng vạn mũi tên của quân Viên Thiệu từ trên lầu cao bắn như mưa vào doanh trại của quân Tào. Quân sĩ của Tào Tháo chỉ có cách dùng mộc chẹ thân, trong lòng rất đỗi kinh sợ.


Để đối phó với Viên Thiệu, Tào Tháo cho gọi thợ mộc đến, ngày đêm chế tạo ra một loại xe bắn đá, đặt ở bên trong thành lũy, đối diện với núi đất của Viên Thiệu. Đợi đến khi quân lính của Viên Thiệu bắn tên, các xe bắn đá của quân Tào Tháo nhất tề bắn đá sang phía quân của Viên Thiệu, đá bay như mưa. Các lầu bắn tên của phía Viên Thiệu bị đá bắn hỏng, đổ nát hết, các cung thủ bị thương vong cũng khá nhiều. Khi các xe bắn đá khai khẩu, phát ra tiếng động như sấm nổ, vì vậy mọi người gọi nó là "xe sấm sét".


Thấy dùng lầu bắn tên không thành công, Viên Thiệu bèn ra lệnh cho quân lính bí mật đào địa đạo, thông thẳng sang thành lũy của quân Tào. Tào Tháo bèn ra lệnh cho quân lính đào những hào sâu trong tường thành để tiến hành phòng ngự. Khi địa đạo của quân Viên Thiệu đào đến bên chân tường thành lũy của quân Tào, quả nhiên là không thể tiếp tục tiến sâu được vào bên trong nữa, ngược lại, tốn phí rất nhiều công sức vô ích.


Cứ như vậy, hai bên ở trong thế giằng co nhau được gần ba tháng.

Phía Tào Tháo, quân ít lương ít, tình thế rất khó khăn, chiến tranh nếu như cứ kéo dài mãi như vậy sẽ rất bất lợi cho quân đội của Tào Tháo. Đứng trước tình thế đó, bản thân Tào Tháo cũng có những lúc dao động, định lui về cố thủ ở Hứa Đô. Mưu sĩ của Tào Tháo là Tuân Úc bèn gửi thư, phân tích tình hình cho Tào Tháo rằng:

"Trộm nghĩ, Viên Thiệu đem đại quân tập hợp cả ở Quan Độ quyết một trận được thua, minh công lấy yếu địch mạnh, nếu không chống nổi, tất sẽ bị đè bẹp ngay. Lúc này chính là cơ hội để dùng mưu trí. Quân Thiệu tuy nhiều, nhưng không biết sử dụng binh lực, minh công là bậc thần vũ minh triết, xoay xở thế nào mà chẳng được. Nay quân lương dù ít, cũng chưa đến nỗi nguy khốn như lúc Sở Hán đánh nhau ở Huỳnh Dương hay Thành Cao. Minh công vạch đất cố giữ, chẹn cuống họng kẻ địch, không cho tiến, tình thế sẽ thay đổi, xin minh công xem xét kĩ mà định liệu".

(Theo "Tam quốc chí")

Tào Tháo tiếp thu ý kiến của Tuân Úc, quyết định sẽ chiến đấu với Viên Thiệu đến cùng. Một mặt, Tào Tháo ra lệnh cho quân lính tiếp tục cố thủ trận địa ở Quan Độ, mặt khác chú ý quan sát động thái từ phía quân địch, tìm thời cơ có lợi tiến hành trận quyết chiến cuối cùng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM