Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 03:23:45 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phong trào Nam tiến 1945-1946  (Đọc 4380 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #70 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2021, 07:25:32 pm »

Tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng, nơi ra đời Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gần một năm trước, đồng chí Bí thư tỉnh ủy tổ chức và tiễn đưa một trung đội do đồng chí Hoàng Đình Giong chỉ huy hành quân tiến xuống phía Nam, bắt đầu từ mùa xuân năm 1945 và đến mùa thu thì tiến về thụ đô Hà Nội, cùng nhân dân khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Cuộc "Nam tiến" lần này để cùng đồng bào Nam Bộ chống xâm lược, bảo vệ độc lập và chính quyền nhân dân mới thành lập.


Ở các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Lao Cai, Yên Bái, Phú Thọ... tỉnh nào cũng tổ chức lực lượng, tiễn đưa con em của mình Nam tiến.

Cả nước hướng về Nam Bộ thành đồng. Ga Hàng Cỏ (Hà Nội), ga Nam Định trở thành nơi tập kết các đoàn quân trước khi lên tàu vào Nam chiến đấu.

Đồng chí Nguyễn Chính (Du Phong), nguyên thư ký văn phòng Khu giải phóng, văn phòng Bộ Tổng tham mưu nhớ mãi hình ảnh hùng tráng trên sân ga Nam Định những ngày ấy. Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, dáng người cao lớn đứng trước đoàn quân, bắt nhịp hành khúc "Phất cờ Nam tiến".

   "Cờ giải phóng phất cao mau thẳng tiến
   Trời phương Nam dân chúng đang chờ ta...
   Mau phất cờ lên, tiến tới cho kịp thời cơ
   Sông Cửu Long reo hò kia đang đón chờ
   Dãy Trường Sơn chuyển mình giục quân ta mau tiến tới!
   Tung cờ giải phóng trên đất Thăng Long
   Trên thành Huế, trên Sài Gòn, mũi Cà Mau
   Tiến bước mau Quân giải phóng
   Nhằm phía Nam ta tiến tới
   Diệt cho tan thực dân xâm lược Pháp
   Quyết đem máu hồng thề giành lại non sông"!


Lời ca trầm hùng vang động cả thành Nam! Điều đặc biệt thú vị là bài ca này do đồng chí Hoàng Văn Thái sáng tác. Đồng chí Võ Nguyên Giáp sửa chữa, bổ sung đôi chỗ và đã khen: "Đồng chí Khang (tên thường ngày của đồng chí Hoàng Văn Thái) làm bài hành khúc hay lắm, nhịp điệu hùng mạnh, có sức cổ vũ"!


Giờ đây, bài ca hùng tráng, đúng cảnh, đúng người đến từng ý, từng lời ấy lại giục giã các chiến sĩ trên đường hành quân, "phất cờ Nam tiến".

Chị Phan Thị Quế, chiến sĩ Nam tiến đi từ thành phố Vinh (Nghệ An) nhớ lại: "Chúng tôi đi bằng chuyến tàu hỏa riêng, có quân nhạc đưa tiễn đến sân ga giữa tiếng hoan hô của đồng bào hai bên đường. Trên tàu, chúng tôi học các bài ca cách mạng do anh chính trị viên dạy. Đến ga nào cũng có đồng bào ra rất đông, chào đón chúng tôi bâng những bài ca cách mạng và cho rất nhiều quà. Trước khi tàu tiếp tục chuyển bánh, chúng tôi đáp lại đồng bào củng bằng những bài ca cách mạng mới toanh và nồng cháy!...".


Dọc theo chiều dài đất nước, thanh niên nam nữ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng rồi Quảng Ngãi, Bình Định... cũng nô nức lên đường, người vào đơn vị do tỉnh tổ chức, người hòa nhập vào các đoàn quân Nam tiến từ các tỉnh phía Bâc vào. Từ chiến khu Thuận Lợi (nay thuộc tỉnh Sông Bé), trung đội Đỗ Trữ gồm khoảng 100 người, phần lớn quê ở Quảng Ngãi, Bình Định, do Nguyễn Bá chỉ huy hành quân vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ, làm nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Vũ Đức được Trung ương cử vào làm Khu trưởng Khu 9. Sau đó trung đội ở lại chiến đấu cùng đồng bào miền Tây. Đây là đơn vị Nam tiến vào sâu nhất.


Đất nước độc lập làm sống dậy niềm tự hào dân tộc. "Tiếng kêu sơn hà nguy biến" làm thức tỉnh lòng yêu nước trong các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Theo hồi ức của đồng chí Lê Quốc Sản, nghe tin quân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, Việt kiều yêu nước ở Thái Lan và ở Lào đã tổ chức một chi đội (chi đội Hải ngoại 4) và mua nhiều vũ khí gửi về Nam Bộ chiến đấu. Theo hồi ức của các đồng chí Đoàn Thành, Tăng Thiên Kim, Nguyễn Tái Giám, đại đội "Cao Miên Việt kiều cứu quốc quân" được thành lập cuối tháng 9 năm 1945 tại sân vận động thị xã Châu Đốc. Đại đội đã chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.


Phong trào Nam tiến những tháng cuối năm 1945, đầu năm 1946 không chỉ bùng lên, có sức lôi cuốn rộng khắp mạnh mẽ ở các tỉnh phía Bắc mà cả ở các tỉnh miền Trung, miền Nam và trong các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. "Nam tiến" không chỉ có nghĩa tiến về phía nam mà còn là hướng về Nam Bộ, chi viện Nam Bộ, một vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, là "máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam" nơi đang nổ súng chống quân xâm lược, nơi "tiếng súng vang sông núi miền Nam, ầm đất nước Việt Nam" mà các chiến sĩ Nam tiến hát vang khi lên đường năm ấy. Nam tiến thể hiện ý chí quật cựờng của một dân tộc vừa vùng lên giành độc lập, nay lại "quyết tâm đánh tan quân cướp nước. Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc"1 (Hồ Chí Minh - Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 77). Nam tiến là hình ảnh sống động của sự thống nhất đất nước, xóa bỏ hoàn toàn chính sách "chia để trị" với ba "kỳ" Bắc, Trung, Nam, mỗi "kỳ" có một chế độ cai trị khác nhau của thực dân Pháp. Phong trào Nam tiến mạnh mẽ rộng khắp từ Bắc đến Trung và Nam thể hiện chân lý bất diệt Bác Hồ đã nêu lên: Nam, Trung, Bắc là một nhà. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.


Khi chia tay người thân, khi từ trên tàu vẫy chào đồng bào ra tiễn, khi ca vang bài ca của những người chiến binh "một lần ra đi, nào có mong chi đâu ngày trở về", các chiến sĩ Nam tiến không thể ngờ rằng phải 10 năm sau và nhiều người còn ở lại miền Nam chiến đấu thêm 20 năm nữa, đi trọn chặng đường 30 năm, khi nước nhà độc lập, thống nhất mới có ngày gặp lại! Trên chặng đường 20 năm tiếp theo ấy, một thế hệ nửa, gồm hàng triệu người Việt Nam lại lớp lớp lên đường, thực hiện cuộc Nam tiến lần thứ ba, "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"! Đó là những ngày chống Mỹ hào hùng "cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục"... Cho đến mùa xuân năm 1975, với cuộc hành quân thần tốc vào chiến dịch Hồ Chí Minh, phong trào Nam tiến những tháng cuối năm 1945 và mùa xuân 1946 mới đi đến đích cuối cùng. Quân đội ta cũng thực hiện được trọn vẹn ước nguyện của Bác Hồ kính yêu trong ngày đầu thành lập: "... đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam".
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #71 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2021, 07:27:22 pm »

NHỮNG KỶ NIỆM KHÔNG QUÊN


HOÀNG THỊ KHÁNH


Tôi là học sinh lớp nữ cứu thương do bác sĩ Nguyễn Thúc Tùng dạy khi bác sĩ Đặng Trần Anh làm giám đốc bệnh viện Vinh. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi chưa học hết khóa tôi đã có giấy gọi nhập ngũ thay cho một người bạn (chưa đi được đợt này). Chỉ một ngày sau khi nhận quân trang quân dụng tôi cùng với một người bạn gái tên là Tâm (hiện ở Vinh) tập trung tại sân vận động trong thành của thành phố Vinh, tôi được phân bổ vào hàng ngũ, theo trung đoàn của đồng chí Vi Dân do ông Châu làm trung đội trưởng. Chuyến tàu Nam tiễn đưa chúng tôi qua Huế, Nha Trang, Tuy Hòa rồi vào Phan Thiết... Thời ấy trong trung đội chúng tôi một phần nửa là lính khố xanh cũ, còn lại là thanh niên xung phong hoặc du kích quân, trong số đó cũng có một số bạn tôi đã quen biết lúc còn đi học ở trường quốc học Vinh, trường Thuận An, trường Lễ Văn... như anh Tôn Thất Kỳ, anh Nguyễn Văn Phú có khuôn mặt dài (thường gọi là Phú "kinh kông") và Khôi làm chính trị viên, ạnh Nguyễn Đình Lạp (Lạp cao)... Những người này sau khi chiến đấu đã hy sinh hoặc mất tích, cho đến nay tôi không được biết tin tức gì. Thời gian đóng quân tại Phan Thiết (Bình Thuận), kỷ niệm làm cho tôi nhớ lâu dài nhất là lúc trung đội tôi được điều về Mũi Né (một thị trấn nhỏ cách Phan Thiết chừng 40-50 ki-lô-mét) nằm sát biển. Dân cư ở đây phần đông làm nghề đánh cá, về ướp thành nước mắm. Đơn vị đóng quân trên một đồi sát bờ biển tại Nhà thương chánh cũ. Ở đây, thường xuyên có tiếng súng đại bác dội vào. Chúng tôi nhìn ra xa cũng thấy được tàu chiến của Pháp đi tuần tra. Lúc này quân Pháp đã tạm chiếm tỉnh Phan Thiết và thỉnh thoảng lại về càn quét tại các làng xóm ngoại ô hoặc thị trấn để cướp của, hãm hiếp phụ nữ và truy kích lùng bắt bộ đội Việt Minh. Mỗi một lần như vậy là chúng tôi phải trà trộn vào dân và được bà con cất giấu che chở bằng cách: hoặc trèo lên nằm giữa các lòng máng nước của hai mái nhà kề nhau, hoặc đứng nấp giữa hai vựa to ướp cá để làm nước mắm cho đến khi quân địch rút. Chúng tôi đã thoát chết nhiều lần. Thời gian này đơn vị có tuyển thêm một số thanh niên địa phương để huấn luyện quân sự rồi nhập ngũ chiến đấu và lấy thêm một y tá tên là bác Cần cho đủ số cứu thương của 3 tiểu đội. Kỷ niệm in sâu đậm trong tâm trí của tôi mà mỗi lần nhớ đến tôi vẫn thấy rùng rợn nổi gai ốc là khi đơn vị chúng tôi tham gia trận đánh tại xóm Lụa thuộc tỉnh Phan Rí. Trận này đơn vị bị hy sinh nhiều nhất (3/4 số quân). Được lệnh điều quân từ Mũi Né về xóm Lụa để chặn quân Pháp đã đổ bộ vào chiếm Phan Rí, đơn vị dàn dọc theo đường quốc lộ từ Phan Thiết đến Phan Rí. Chiến thuật chiến đấu hồi ấy còn non yếu. Mặc dầu lực lượng vũ trang còn thô sơ không tương xứng với quân địch (địch dùng xe tăng, xe bọc thép, thiết giáp, súng liên thanh; ta chỉ có súng trường, đi bộ, v.v...), nhưng do tinh thần dũng cảm, hăng hái, quyết chiến quyết thẳng, nên khi quân địch tiến vào bằng xe tăng, xe thiết giáp, ta vẫn ra lệnh bắn làm cho chúng phát hiện được nơi bộ đội đóng quân. Chúng lệnh dừng xe và ồ ạt tấn công diệt quân ta, càn quét bắt bớ dân làng, cướp của dã man. Lúc ấy vào khoảng 2 giờ chiều. 3-4 giờ đồng hồ ấy thật là rùng rợn đối với tôi, một nữ thanh niên 20 tuổi vừa rời ghế nhà trường (sau khi thi tốt nghiệp trường trung học phổ thông). Tôi đã nhìn thấy cảnh những thằng Tây râu quai nón 1 ông đầy ngực (vì trời nóng nên chúng không mặc áo) tay cầm khẩu súng máy bắn liên hồi, đạn bay vù vù trên đầu. Vì tôi nằm dưới tầm đạn nên thoát chết. Theo lệnh chỉ huy, tôi được bố trí theo tiểu đội 1 để cấp cứu anh em. Trong khi chiến sự chưa xảy ra, tôi ngồi rỗi, tiện tay bẻ những cành cây có lá tua tủa găm cài lên mũ, lên người và cả chiếc ba lô để ngụy trang. Khi nghe tiếng xe, tiếng súng máy bắn liên tiếp và tiếng chân chạy gần tôi vội nằm sấp bẹp xuống vạt cỏ sum sê đầy cây cối rậm rập, mặt sát đất, mắt hé nhìn, thấy rõ từng thằng Tây, có tên cách chừng 10 mét. Nhưng vì chúng nó cũng sợ du kích bắn tỉa nên vội vàng quay súng máy bắn liên hồi rồi chạy nhanh, không quan sát kỹ. Vả lại tôi nằm dưới tầm súng, xung quanh lại vắng vẻ nên tôi thoát chết, mặc dầu hết tốp này đến tốp khác lần lượt đi qua. Tôi nghe rõ tiếng hô của chúng mỗi khi nhảy lên xe để vào Phan Rí. Có tên giơ tay cho đoàn xe đang tới dừng lại, ra hiệu nơi đây có Việt Minh. Khi hoàng hôn xuống, trong thành phố đã lên đèn, chiếc xe cuối cùng mới rút vào Phan Rí. Quanh tôi là bãi chiến trường im lặng và may mắn là tôi còn sống. Tôi thất tha thất thểu đi tìm đồng đội để sơ cứu. Tôi không gặp ai, kể cả dân làng và đồng đội. Đi khoảng vài chục mét tôi nhìn thấy nhiều xác chết của anh em đồng đội và dân làng nằm la liệt. Không còn ai thoi thóp hoặc bị thương để băng bó. Tôi vừa đi vừa khóc, không biết tối nay ở đâu, anh em đồng đội còn những ai? May sao tôi gặp được chị Tâm cùng ba, bốn anh trong đơn vị. Chị Tâm cũng đang khóc, tưởng tôi đã chết. Chị cho biết là chị ở tiểu đội 2. Khi có lệnh rút lui thì chị vội chạy ra ngoài đồng nằm lấp giữa hai ngôi mộ xây cao nên địch không nhìn thấy. Anh Cần, y tá ở tiểu đội 3 đả hy sinh.


Khuya hôm ấy, nhân dân ở Mũi Né đoán biết là trung đội chúng tôi phục kích và chiến đấu tại xóm Lụa đã gánh cơm nắm đến tiếp tế và đưa chúng tôi về nhà. Sau này chúng tôi mới biết gia đình cất giấu chúng tôi là cơ sở cách mạng. Ông cụ chủ nhà là thành viên trong hội "Đông Kinh nghĩa thục". Người con trai thứ hai của cụ năm nay cũng đã gần 80 tuổi, hiện vẫn ở Mũi Né. Gần đầy ông đã viết thư thăm tôi, mời tôi vào thăm lại chiến trường xưa, nơi tuổi trẻ nhiệt tình hăng hái của tôi đã cùng đồng đội Nam tiến và chiến đấu theo lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #72 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2021, 07:28:39 pm »

MIỀN NAM ĐI TRƯỚC CẢ NUỚC VÌ MIỀN NAM


VŨ TANG BỒNG


Chỉ ba tuần lễ sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, đêm 22 rạng ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp - kẻ đầu hàng nhục nhã phát xít Nhật ở Đông Dương trước đây - được quân Anh giúp sức đã nổ súng đánh chiếm Sài Gòn mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Với bản chất ngoan cố, tham lam và ỷ vào sức mạnh quân sự, giới hiếu chiến Pháp chủ quan cho rằng chỉ cần dăm tiếng súng của một cuộc hành quân cảnh sát, chúng sẽ kiểm soát được thành phố, và chỉ trong hai tuần lễ sẽ hoàn thành việc đánh chiếm Nam Bộ rồi từ đó sẽ đánh chiếm nốt những phần còn lại ở Đông Dương.


Song chúng đã lầm, như Phi-líp Đờ-vi-le, một nhà sử học nổi tiếng của Pháp sau này đã nhận xét: hành động nói trên của quân Pháp "là bằng chứng đầu tiên của một cuộc tái xâm lược... đã thúc đẩy lòng căm thù (của dân tộc Việt Nam) lên tới cực điểm". Và, như cựu toàn quyền An-be Xa-rô thì ’’chiến tranh đã được trả lời bằng chiến tranh".


Từ sáng sớm ngày 23, hưởng ứng hiệu triệu của Ủy ban nhân dân Nam Bộ và Tổng bộ Việt Minh: "Ai có dao dùng dao, ai có mác dùng mác. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi thước đất là một pháo đài... Tất cả hãy xông ra bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc vừa mới phôi thai..."1 (Báo Cứu quốc số 54 ngày 29 tháng 9 năm 1945) các tầng lớp nhân dân Sài Gòn đã nhất tề đứng dậy giáng trả quân xâm lược. Nội thành Sài Gòn được chia làm 16 khu tác chiến. Nhân dân triệt để thực hiện chủ trương không hợp tác với giặc. Tất cả các công sở đều đóng cửa. Các xí nghiệp ngừng hoạt động. Nhà máy điện, nhà máy nước bị phá. Tự vệ, công nhân, cảnh sát xung phong, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên cùng toàn thể nhân dân dựng chướng ngại vật, lập các ổ chiến đấu đánh địch trong thành phố đồng thời tổ chức bao vây ngăn chặn không cho chúng nống ra ngoại thành. Người già, phụ nữ, trẻ em tản cư về nông thôn. Chỉ trong tuần lễ đầu, hàng trăm tên giặc đã phải đền tội, 160 kho tàng, xí nghiệp, 80 tàu xuồng, 200 xe ô tô, 20 đầu máy xe lửa bị phá hủy2 (Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr.66). Trong bản tin ngày 30 tháng 9 phóng viên hãng Roi-tơ viết: "Quân đội Anh Pháp phải chống chọi với 7.000 lính Việt Nam có đủ khí giới và hàng vạn dân quân được trang bị bằng dao, gậy, giáo, lựu đạn nhất định tử chiến... Chẳng những thế, từ khi mệnh lệnh tổng bãi công và bất hợp tác được ban ra, mọi nguồn lương thực thực phẩm bị phong tỏa và toàn thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn nằm trong tình trạng không có điện, nước, không chợ thì tình cảnh khốn quẫn của người Pháp bị vây hãm trong thành phố đã trở nên không chịu nổi... Sau bảy ngày tình thế càng nghiêm trọng thêm..."1 (Trần Trọng Trung, Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1979, tr. 60, 61).


Mặc dù vậy sau khi có thêm viện binh, lại được quân Anh và quân Nhật (theo lệnh quân Anh) giúp sức, quân Pháp dần dần phá được vòng vây xung quanh Sài Gòn rồi mở rộng phạm vi đánh chiếm ra Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.


Cuộc kháng chiến anh dũng của quân dân ta ở miền Nam ngay từ đầu được Trung ương Đảng, Chính phủ, Hồ Chủ tịch và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Ngày 23 tháng 9, ngay sau khi nhận được điện báo cáo của Xứ ủy; Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thường vụ Trung ương Đảng họp khẩn cấp ở Bắc Bộ phủ nhất trí với quyết tâm kháng chiến của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ. Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định kêu gọi nhân dân cả nước tích cực tiếp sức người sức của cho Nam Bộ, lập ngay các đơn vị Nam tiến, cử nhiều đoàn cán bộ tăng cường cho Nam Bộ. Ngày 24 tháng 9, Chính phủ lâm thời ra huấn lệnh gửi quân dân Nam Bộ và kêu gọi quân dân cả nước sát cánh với đồng bào miền Nam đánh giặc. Ngày 26 tháng 9 qua làn sóng điện Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ. Người biểu dương tinh thần yêu nước, chiến đấu anh dũng của đồng bào Nam Bộ, nêu rõ quyết tâm "Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ" của toàn dân ta và khẳng định "Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà... Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của toàn dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa"1 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, tr.27).


Ngay sau khi được nghe lời Bác qua đài phát thanh, một khẩu hiệu hành động đã xuất hiện rất nhanh ở các chiến lũy đường phố Sài Gòn: "Quyết tử để bảo vệ thành phố Hồ Chí Minh" và rất nhanh chóng trở thành lời thề chiến đấu của quân dân Sài Gòn, của quân dân Nam Bộ.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #73 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2021, 07:29:38 pm »

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào ủng hộ Nam Bộ, các hoạt động thiết thực ủng hộ Nam Bộ của nhân dân ta đã diễn ra hết sức sôi nổi trên khắp mọi miền đất nước, với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân. Những cuộc lạc quyên bằng đủ mọi hình thức được phát động để ủng hộ Nam Bộ kháng chiến: quyên góp bớt bữa, diễn kịch, hội chợ, lao động... mà tiêu biểu là "tuần lễ ủng hộ Nam Bộ" do nhân dân Hà Nội tổ chức diễn ra từ ngày 7 đến ngày 14 tháng 10 năm 1945. Ngày 5 tháng 11 toàn quốc tổ chức "Ngày Nam Bộ kháng chiến". Trong ngày hôm đó riêng Hội phụ nữ cứu quốc Hà Nội quyên góp được 210.000 đồng, 5.342 mét vải, 141 ki-lô-gam len và hàng ngàn bộ quần áo gửi tặng các chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ. Đội thiếu niên cứu quốc làng Lương Quy huyện An Dương (tỉnh Kiến An) tổ chức diễn kịch ở nhiều nơi thu được 447 đồng. Cũng bằng cách đó Đội nhi đồng cứu vong làng Hoàng Xá phủ Đội Bình tỉnh Nguyễn Trãi (tức Hà Đông) thu được 200 đồng. Các em thiếu niên nhi đồng hai làng trên đã gửi thư và toàn bộ số tiền lên Hồ Chủ tịch "nhờ Bác mua súng đạn gửi vào cho các chiến sĩ Nam Bộ bán vào đầu giặc hộ chúng cháu"1 (Báo Cứu quốc ngày 30-11-). Một số anh em làm nghề kéo xe ở phố Nam An phủ Vĩnh Bảo tỉnh Hải Dương quyên góp được 50 đồng củng gửi lên Hồ Chủ tịch "Nhờ Người chuyển cho các chiến sĩ Nam Bộ gọi là có chút quà để tỏ lòng biết ơn của chúng con đối với chiến sĩ Nam Bộ"2 (Báo Cứu quốc ngày 23-1-1946). Đó chỉ là một vài trong số hàng ngàn hoạt động ủng hộ Nam Bộ của nhân dân ta đã được báo chí khi đó phản ánh.


Chính nhờ dựa vào sự ủng hộ hết lòng của toàn dân, Chính phủ đã nhanh chóng huy động được một lượng vật chất khá lớn đưa vào miền Nam. Chỉ tính riêng thời gian từ tháng 11 năm 1945 đến tháng 11 năm 1946 Bộ Quốc phòng đã huy động hàng chục chuyến xe lửa chở hàng ngàn tấn gạo, 80.000 mét vải ka ki, 4.000 chiếc chăn cung cấp cho các đơn vị chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Tháng 12 năm 1946 một đoàn thuyền vận tải lớn chở vũ khí, thuốc quân y, hóa chất quý từ miền Bác vượt biển vào tiếp tế cho mặt trận Nam Bộ.


Đặc biệt sôi nổi và rầm rộ là phong trào tòng quân xung phong Nam tiến của thanh niên, học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức, thầy thuốc và cả các nhà sư, các cựu binh sĩ ở khắp mọi vùng của đất nước. Tất cả các tỉnh huyện trên miền Bắc và miền Trung đều tổ chức "Phòng Nam Bộ" ghi tên những người tình nguyện. Hàng vạn gia đình đã gửi con em mình vào tham gia chiến đấu ở miền Nam. Nhiều gia đình có ba bốn người con cùng xung phong Nam tiến như gia đình cụ bà Cao Xuân Tảo ở Nghệ An, gia đình ông Hoàng Tâm Tích ở Hải Phòng. Cụ Vũ Văn Giắc ở Quảng Yên đã 72 tuổi vẫn hăng hái xung phong theo con cháu vào miền Nam đánh giặc. Ngày 17 tháng 1 năm 1946 hai thượng tọa Nguyễn Châu và Võ Giác Thuyên yết kiến Hồ Chủ tịch bày tỏ nguyện vọng của trung đội tăng già cứu quốc chùa Phương Mỹ huyện Thủy Nguyên tỉnh Quảng Yên gồm toàn các nhà sư do sư cụ Lương Ngọc Trụ chỉ huy xin được tạm cởi cà sa xung phong vào giải phóng quân lên đường Nam tiến cùng đồng bào chiến sĩ miền Nam chống xâm lược. Có mấy kiều bào hồi hương cập bến Hải Phòng, trú lại ít hôm rồi về quê, thấy cả nhà đã chết đói hết, lại lễ mễ ôm ít tài sản dành dụm được trở lại thành phố biếu Chính phủ xin được tòng quấn xung phong Nam tiến. Các anh nói: "Nhà thì tan rồi. Nhưng lại có nước. Từ nay xin lấy nước làm nhà"1 (Hoàng Minh Thảo: Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở Hải Phòng, Nxb Hải Phòng, 1986, tr.58).


Với tinh thần đó, với ý chí đó, với không khí đó, chỉ ba ngày sau khi giặc Pháp nổ súng ở Sài Gòn, chi đội Nam tiến đầu tiên của miền Bắc đã lên đường từ ga Hàng Cỏ. Những tháng ngày sau đó các đoàn xe lửa liên tục chở các đoàn quân Nam tiến ra trận. Dọc đường, chiến sĩ Nam tiến được nhân dân các địa phương mang cờ, biểu ngữ, quà bánh đón tiếp động viên, gửi gắm tình cảm nồng thắm đến miền Nam yêu dấu.


Có thể nói Nam tiến là hình ảnh tiêu biểu, đầy chất anh hùng ca của cả nước ra trận, của tinh thần, ý chí Việt Nam, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một", "Miền Nam là máu của máu Việt Nam. Là thịt của thịt Việt Nam. Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi"1 (Hồ Chí Minh, Tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.237). Chỉ trong thời gian ngắn, tất cả các tỉnh Bắc Bộ và Bác Trung Bộ mỗi tỉnh đều tổ chức được từ 1 đến 2 chi đội Nam tiến (chi đội tương đương trung đoàn), ở tỉnh Quảng Nam cứ 100 thanh niên nhập ngũ thì có 37 người tham gia các đơn vị Nam tiến. Đông nhất là tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức được 10 chi đội Nam tiến với quân số khoảng 15.000 người2 (Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sđd, tr.89). Có thể nói phong trào ủng hộ Nam Bộ và xung phong lên đường Nam tiến thực sự là một cuộc động viên chính trị rộng lớn đã góp phần thổi bùng truyền thống yêu nước thương nòi trong mỗi người dân và trong toàn thể dân tộc Việt Nam, đúng như nhận xét của một nhà sử học Pháp: "Những niềm hy vọng, những mối oán hờn, những sự say sưa bị đẩy lùi hàng chục năm nay đột nhiên nổ ra trong sự hăng hái kỳ lạ, một nhiệt tình tập thể mà lịch sử dân tộc chưa hề thấy. Toàn thể nhân dân chan hòa với nhau trong một điều thiêng liêng là độc lập. Họ tìm thấy sự hùng mạnh và thống nhất của mình. Không có việc gì đối với họ là không thể làm được"1 (Phi-líp Đờ-vi-lem, Lịch sử Việt Nam 1940-1952, Tài liệu dịch, Viện LSQSVN, bản đánh máy, tr.177).


Được sự chi viện hết lòng của cả nước, quân dân ta ở miền Nam càng thêm anh dũng, kiên cường chiến đấu từng bước đánh bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, góp phần bảo vệ chính quyền cách mạng, tạo điều kiện cho miền Bắc có thêm thời gian chuẩn bị và tăng cường lực lượng mọi mặt, sẵn sàng bưởc vào cuộc toàn quốc kháng chiến.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM