Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 24 Tháng Năm, 2024, 05:29:13 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thăng Long nổi giận  (Đọc 31105 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #20 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2008, 10:02:59 pm »


  Là một cô gái thông tuệ, nghịch ngợm và mẫn cảm, trước mọi việc xảy ra, An Tư công chúa thường ứng đáp được tức thời. Nàng vội rụt cổ lại, đưa tay lên sờ khắp một vòng từ yết hầu tới gáy. Rồi nàng lắc đầu nói:
  - Trước hết là em không có can dự vào việc triều chính. Nên chẳng bao giờ em ló mặt vào chỗ vua tôi các anh thiết triều làm gì. Lại nữa ra ngoài đường, ai dại gì đi với vua. Mỗi lần vua của anh ra đường là em chúa ghét. Kiệu trước, kiệu sau, lính cấm vệ, lính hổ bôn xớn xáo săn đầu săn đuôi, quát hét như mấy thằng rồ nhảy múa trên sân khấu của đám giáo phường. Khiến người đi đường phải chạy dạt ra hai bên. Ai không kịp chạy thì phải cúi đầu phủ phục xuống mép đường. Trông thật thảm hại, y hệt mấy con ngựa bị hổ đuổi không kịp chạy, phải rúc đầu vào bụi rậm, còn hai chân sau thì đá tít lên, trong khi mắt nhắm nghiền. Đã sinh ra đường đi lối lại, là để cho mọi người cùng đi, cớ sao chỉ có mỗi một nhà vua đi?
  - Đây là nghi thức của triều đình, em chẳng hiểu gì cả - Nhật Duật giảng giải cho em gái về lễ nghĩa triều đình rất kỹ- Vả lại đó là để tỏ rõ phận thần dân kính cẩn đức vua của mình - ông nói thêm.
  - Vậy chớ nếu vua của anh rong ruổi suốt ngày ở ngoài đường, thì dân chúng lội sông lội suối hết à? Dở. Dở lắm. Bỏ cái kiểu đi đứng quá quắt ấy ngay đi, kẻo dân người ta ghét.  Em đây còn ghét nữa là dân.
  - Em chỉ được cái bướng bỉnh là không ai bằng. Phép nước chớ đâu phải chuyện đùa.
  - Em nói thật nhé, anh Chiêu Văn- công chúa An Tư nhìn anh với vẻ chế giễu, lại nhìn Nhân tôn với vẻ thăm dò - Em nghĩ đây là chuyện đùa chứ không phải là phép nước. Nếu đúng là phép nước, thì đây là điềm gở, nó từa tựa như nạn động đất, sao chổi hoặc một điều gì na ná như vậy. Mấy lại luật lệ phép tắc gì, cũng đều do các anh bịa đặt ra cả thôi - Với vẻ nghiêm trang đột ngột, công chúa kính cẩn nhưng cao ngạo, quay ra nói với nhà vua - Bẩm đức chí tôn, thần thiếp nói thế có điều gì tỏ ra bất kính với bệ hạ không?
  Trần Nhân tôn mỉm cười đáp:
  - Hoàng cô An Tư, những điều cô vừa nói là rất hợp đạo làm người. Luật lệ như thế, không phải là hà khắc, nhưng quá quắt, gây phiền toái cho dân. Hồi còn tiên đế đã nói : “Luật lệ là phải làm cho dân được tiện, được lợi. Cái gì không lợi cho dân, cũng sẽ là không tiện cho dân”. Hoàng cô cứ yên tâm, những gì không cần thiết cho dân phải được bãi bỏ. Hoàng cô nói đúng, luật lệ gì thì cũng đều ở trong tay những người có quyền, có thế cả. Vì vậy ngay bây giờ, luật này bãi bỏ. Nay mai sẽ bố cáo cho toàn dân đều biết.
Lại đến lượt An Tư và Nhật Duật sửng sốt.
  - Có thế thật chăng, hoàng thượng? - An Tư hỏi
  - Như vậy có vội vàng quá không, thưa đức vua. Thường muốn thêm hoặc bớt một điều gì phải được các đại thần xem xét, nhất là bên thẩm hình viện, và kiểm pháp quan.- Trần Nhật Duật nói và có hàm ý mong rằng, nếu đây là tình cảm xúc động tạm thời của nhà vua thì vẫn có thể xem xét lại.
  - Chú Chiêu Văn ạ- Trần Nhân tôn nói- ý của hoàng cô An Tư đúng đấy. Hoàng cô mang tiếng là nghịch ngợm, nhưng cô ấy sống gần dân hơn chú cháu mình. Đây không phải là không suy xét. Bỏ đi một điều cấm kỵ vô lý, ta được lòng dân, được gần dân thêm nữa. Nhất là trong cảnh ngộ đất nước đang bị giặc ngoài đe dọa, cháu nghĩ làm bất cứ việc gì để cố kết được toàn dân lại, vẫn cứ nên làm. Suy cho cùng thì ta có mất cái gì đâu chú. Đường sá cầu cống, mọi thứ đều do dân làm ra cả; chứ có phải chú cháu mình làm đâu. Ta bỏ sự cấm đoán đi, dân hoan hỉ như là ta đã ban ân cho họ nhiều lắm. Tuy vậy, cấm hay không, đường đi lối lại ấy, người của triều đình đi lúc nào thì đi, chứ dân họ có cấm ta đâu. Tức là chú Chiêu Văn ạ, - Trần Nhân tôn vừa nói vừa cười - Triều đình chỉ ban cho dân cái mà triều đình không mất.
  An Tư công chúa bỗng phá ra cười:
  - Thế thì cho tất cả, anh Chiêu Văn ạ, cứ để nhà vua cho tất cả những cái gì ta không mất, để dân chúng được cậy nhờ.
  - Không được - Trần Nhật Duật nghiêm mặt, ngay cả những cái cho mà không mất, cũng không được. Nếu cho tất cả những gì mà ta không mất thì triều đình mất hết uy linh, còn trị vì ai được nữa? Ngay cả việc cho mà không mất ấy cũng phải suy xét cho kỹ, và phải sẻn kiệm.
  Câu chuyện đang có đà thì bị ngắt quãng bởi viên quan nội hầu vào tâu đến giờ nhà vua dùng ngư thiện. Nhân tôn lệnh cho dùng bữa chung với hoàng cô An Tư và thúc phụ Chiêu Văn. Câu chuyện đột ngột chấm dứt, như nó tự nhiên hình thành. Càng gần tới hạ lưu nước chảy xiết, lại được chiều gió thuận, thuyền đi nhanh vun vút.
  Trong khi ăn, An Tư công chúa thỏ thẻ hỏi:
  - Anh Chiêu Văn ạ, trên đường nhà vua ra Tịnh Bang, thuyền có qua Tịnh Bang ấp của anh Tuệ Trung không?
  - Thuyền có qua Tịnh Bang, nhưng nhà vua không ghé Tịnh Bang ấp, đúng thế không bệ hạ? - Chiêu Văn hỏi.
  - Dạ đúng - Vua Nhân tôn đáp.
  - Ôi thế thì chán lắm - An Tư nũng nịu - Xin bệ hạ cùng hoàng huynh ghé thăm Tịnh Bang ấp một chuyến.
  - Nhưng chú Tuệ Trung lại không ở Tịnh Bang, thưa hoàng cô.
  An Tư là một cô gái bướng bỉnh, lại được thượng hoàng cưng chiều. Tuy còn ít tuổi, công chúa đang ở tuổi mười lăm, nhưng tính nết hơi lạ, đã thích cái gì thì làm cho bằng được.  Con gái mà chỉ thích cưỡi ngựa, bắn cung. Thích đi đó đi đây, thăm hết danh lam thắng cảnh này đến đền đài, đình miếu  khác. Thấy hai người không muốn ghé ấp Tịnh Bang, công chúa tỏ vẻ khó chịu. An Tư nói như nói với chính mình:
  - Quí nhau thì ngay cả khi người ta không có nhà cũng cứ đến. Biết đâu chuyến đi này lại chẳng là chuyến đi cuối cùng.
Biết không cho công chúa vào thăm Tịnh Bang ấp cũng không được. Nàng sẽ đay nghiến chọc giận suốt cuộc hành trình. Nhân tôn bèn đưa mắt ra hiệu cho Chiêu Văn. Hai chú cháu ngầm hiểu ý nhau. Sau bữa ăn, Chiêu Văn báo cho viên chu sư ghé Tịnh Bang ấp.
Mãi tới khi thuyền áp mạn vào bờ, An Tư công chúa vẫn chưa hay biết đây là đâu. Vì thủy đạo tại miền đất này, lần đầu tiên nàng đặt chân tới, nên mọi chuyện nàng đều ngỡ ngàng mới mẻ cả.
  Lên bờ dẫn bộ được một lát thì gặp tiểu dinh thự hiện ra. Và khi đi sát tới cổng thấy ba chữ đề “TỊNH BANG ẤP”; An Tư công chúa sững sờ. Nàng không ngờ, hoàng huynh và vương điệt đã dành cho nàng một ân huệ. Nàng bèn quay lại cúi đầu vái nhà vua và anh trai.
Quản gia của ấp Tịnh Bang là một người đàn ông trạc ngoài ba mươi tuổi, khỏe mạnh, cân quắc như một lực sĩ. Tấm thân to lớn của ông được giấu trong bộ áo nâu sồng kiểu nhà chùa. Nom dáng dấp ông ta di chuyển nhẹ nhàng như một con chim, khiến ta liên tưởng tới những tay hòa thượng võ nghệ cao cường trong các thiếu thất của Thiếu Lâm tự. Khu ấp trại mênh mông được chia cho dân cày làm lụng, chỉ phải nộp cho chủ một phần chín sản lượng thu được, kiểu như chế độ tỉnh điền xưa( Chế độ nộp tô cổ đại theo kiểu chữ Tỉnh, tức là ruộng đất chia làm 9 phần. Tám phần xung quanh của nhà dân. phần ở giữa của nhà quan. Nhưng từ cấy đến gặt 8 nhà dân phải chịu trách nhiệm).
  Nhà vua không dùng nghi lễ xa kiệu hoàng đế, mà cải dạng như người thường. Còn Trần Nhật Duật và An Tư ăn vận kiểu cách tuy có sang trọng, nhưng bất quá cũng không hơn mấy so với các nhà quyền quí. Vả lại Trần Nhật Duật cũng chỉ nói là người nhà của Trần Tung từ Thăng Long ghé thăm.
  Viên quản gia sau khi mời khách an tọa ở nhà thư trai, bèn tự xưng danh phận:
  - Tôi là cư sĩ Viên Sơn, hiện được thầy tôi (ý nói Tuệ Trung thượng sĩ Trần Tung) phó cho việc trông nom Tịnh xá. Và san định kinh sách Phật điển do thầy tôi xướng xuất.
  Trần Nhân tôn qua vài lời hỏi han việc trước tác của thầy trò Viên Sơn, liền ngỏ ý muốn được xem Tịnh thất.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #21 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2008, 10:06:33 pm »


  Viên Sơn bèn mời khách lên thăm. Đó là một ngôi nhà không lớn lắm, làm theo kiểu chuôi vồ. Hai gian đầu nhà bầy khít các kệ sách. Gian giữa nhà xây lên một sàn gạch cao hơn bề mặt độ hai gang tay. Ở đó có bày một vài cái kỷ, mỗi kỷ lại có đủ cả đồ văn phòng tứ bảo. Gian chuôi vồ, cũng gọi là hậu cung, trên bức tường chắn phía hồi sau, vẽ một bức tranh choán hết khung tường. Đó là hình ảnh Đức Phật Thích Ca đang giảng kinh Kim Cương cho 1.250 vị Đại Tỳ Kheo ở trong Tịnh xá Kỳ Hoàn, nơi vườn của Thái tử Kỳ Đà nước Xá Vệ. Ở một góc tranh có ghi bài tụng, mọi người đều nhẩm đọc:
  Nể hỷ ngã bất hỷ
  Quân bi ngã bất bi
  Nhạn tư phi hàn bắc
  Yến ức cựu sào qui

  Hai câu cuối mờ quá không đọc được, trong khi Viên Sơn cư sĩ lại vừa chạy ra ngoài lo trà nước. Lập tức nữ tì Yến Ly bèn đọc tiếp:
  Thu nguyệt xuân hoa vô hạn ý
  Cá trung chỉ hứa tự gia tri

  Dịch nghĩa:
  Người vui ta chẳng vui
  Người buồn ta chẳng buồn
  Nhạn bay về biển Bắc
  Yến nhớ ở trời nam
  Xuân hoa thu nguyệt vô cùng ý
  Lãnh hội thế nào tự mình thôi.

  Đại ý bài này diễn tả Bát Nhã vô trụ, Bát Nhã chân như. Có nghĩa rằng việc hiểu đạo là tự bổn tâm mỗi người.
  Mọi người đều kinh ngạc hỏi tại sao nàng biết. Yến Ly vòng tay cung kính đáp:
  - Muôn tâu bệ hạ, đây nguyên là bài tụng của ngài Xuân Thiền sư, làm sau khi đã lãnh hội được diệu nghĩa của Kinh Kim Cương Bất Nhã  Ba La Mật, mà thần thiếp có được đọc qua từ nhỏ.
  Vừa lúc ấy thì Viên Sơn cư sĩ cũng đã bước chân vào Tịnh Xá, và nghe được trọn vẹn câu chuyện trên. Ông rập đầu kêu lên: “Cúi xin thánh thượng đại xá cho lũ quê hèn chúng tôi, có mắt cũng như đui”.
Nhân tôn vội đỡ dậy và an ủi:
  - Đó là lỗi tại trẫm, chớ đâu tại cư sĩ. Trẫm đi lặng lẽ là bởi không muốn cho tai mắt kẻ thù dòm nom thấy. Nhưng xin cư  sĩ cho hỏi, tại sao trong Tịnh thất lại không có bày tượng, mà  chỉ có mỗi hình Đức Phật đang giảng kinh tại vườn nhà thái tử Kỳ Đà nước Xá Vệ.
  - Dạ, muôn tâu bệ hạ, - vị cư sĩ vừa nói vừa nhìn đức vua -  Thầy tôi và tôi chủ trương theo về yếu ước của Phật giáo  nguyên thủy, chứ không chấp nhận các nghi thức thần bí, mà giáo hội sau này tự đặt ra để huyễn hoặc lòng người. Bức  tranh đó là thực chứng tinh thần của Phật trên đường hành  Đạo. Vả lại việc tu đạo là cốt ở tu tâm. Tu tâm lại chính là tu về cái thiện. Mà thiện thì phải tự mình tu chớ cầu tìm gì ở  ngoại lực, ở tha nhân. Chính Phật dạy: Hãy làm điều thiện  và trở nên thiện. Và điều ấy sẽ đưa người đến tự do giải thoát  và đến bất cứ chân lý nào có thật”.
  - Nếu như vậy thì hiểu như thế nào về việc các sa môn đến tu chùa? - Nhà vua hỏi
  Cư sĩ đáp:
  - Tâu bệ hạ, thầy tôi thường dạy: “Không ai có thể đem  nhốt Phật vào chùa được. Phật là cái gì vô thỉ vô chung, là  chân lý vĩnh hằng cho thế gian chiêm nghiệm. Còn chùa chỉ  là nơi tu tắt của đám thầy tu muốn mau thành Phật”. Tiếc  thay, những kẻ tham lam, ích kỷ, khoa trương thường lại  được đám dân chúng khờ khạo tin theo. Bình sinh Phật rất  ghét cái ác và sự dối trá. Cho nên trong ba đức tính cần yếu  mà Phật dạy có “Đại hùng”. Tức là khi cần thì không những  chỉ có đệ tử Phật, mà ngay cả Phật cũng tham gia vào việc diệt trừ cái ác. Chuyện thầy tôi giao lại Tịnh thất cho tôi để cầm quân, nhằm chống lại nguy cơ đe dọa xâm lăng của người Nguyên, cứu lấy giang san, nòi giống, cũng chính là biểu lộ tâm Phật chứ không khư khư cố chấp theo con đường ngũ giới. Ngay cả tôi, thầy tôi cũng cho phép nhập thế diệt ác, rồi sau đó nước thanh bình lại trở về với Đạo.
( Ba đức tính đó là: Đại hùng - Đại lực - Từ bi (Sức mạnh - Lòng can đảm - Tình thương người bao dung rộng rãi).Ngũ giới :  Năm điều răn, cũng là năm điều cấm kỵ đối với đệ tử Phật: Cấm sát sinh. Cấm trộm cắp. Cấm tà dâm. Cấm dối trá. Cấm các chất cay (rượu).
  Nhân tôn lại hỏi:
  - Vậy chớ hai câu cuối của bài tụng mực phai, lại mất nhiều nét rất khó đọc. Liệu như nữ tì vừa đọc có đúng không?
  - Dạ, bẩm hoàng thượng, thần có nghe nàng đọc, vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Rằng không hiểu vì sao còn ít tuổi, nàng đã thông tuệ Phật điển đến như vậy?
  Chiêu Văn vương đưa mắt nhìn An Tư công chúa như dò hỏi: “Chắc em biết rõ chứ. Vì nàng là tì nữ của em kia mà”.
  Công chúa gật đầu, đoạn nàng dẽ dàng thưa:
  - Yến Ly của em vốn là người Tống. Con nhà đại gia vọng tộc ở Yên Kinh. Loạn lạc chạy sang ta. Lạc cha mẹ trên đường chạy loạn. Nàng trôi dạt tới phủ Chiêu Quốc cách đây dăm năm. Gần đây, nhân buổi viếng thăm anh Ích Tắc đang dạy học tại nhà. Lại nghe đồn đám học trò anh ấy thuần loại thần đồng. Em bèn đến xem họ học. Trời, có cái nhà anh Mạc Đĩnh Chi, người đâu mà xấu thậm tệ. Nhưng thông tuệ khác đời. Bữa em đến, Yến Ly tới phiên dâng trà, và sau đó được phép ngồi hầu giảng. Nàng am hiểu kinh sách lắm, đôi lúc anh Chiêu Quốc có quay lại hỏi nàng vài điều, đều ứng đáp trôi chảy. Đem lòng cảm mến, em ngỏ lời xin về bên này. Anh Ích Tắc bảo: “Nếu phụ hoàng ưng để em nhận thì anh cho”. Thế là tự nhiên em có bạn. Bây giờ thì Yến Ly nói tiếng Đại Việt mình cũng như anh em ta thôi. Còn em đang học cách nói của người Tống, chứ cách mình đọc đây, họ không nghe được. Thành thử cùng dùng chung một thứ chữ, lại hóa ra đồng tự bất đồng ngôn.
  Trần Nhật Duật và cả Trần Nhân tôn đều hết sức chú ý lắng nghe câu chuyện này. Vì thực ra trước đây ít ai chú ý tới. Bởi người nhà Tống tị nạn ở bên này nhan nhản, từ binh sĩ đến đại thần có thiếu gì. Vả lại, các nhà quyền quý, nhà nào chẳng nuôi hoặc cưu mang mấy người Tống. Ngay như Trần Nhật Duật, có hẳn một đội binh người Tống thì sao. Tuy nhiên, đây lại là một cảnh ngộ khác. Với Yến Ly vừa đáng thương, vừa đáng trọng. Hơn nữa trong lúc hai bên đang ra sức dò xét nội tình của nhau, biết đâu nhan sắc kia và với học thức cùng sự thông minh lanh lợi, nàng chẳng giúp cho ta được nhiều việc.
  Chuyện đang vui vẻ, Nhân tôn giục mọi người tiếp tục hành trình.
  Viên Sơn cư sĩ hai ba lần lưu lại, nhưng nhà vua cố chối từ.
  Biết không giữ xa giá lại được, cư sĩ bèn nói:
  - Muôn tâu hoàng thượng, chủ tôi hiện đang mở cuộc thi võ tại lỵ sở, xin hoàng thượng ghé thăm cuộc tuyển lựa nhân tài cho nước. Dạ, cuộc thi hàng xã, hàng tổng đã cách đây một tuần trăng.
  Nghe nói về cuộc thi võ, Nhân tôn hết đỗi vui mừng. Nhà vua thầm nghĩ: “Khá khen cho bác Tuệ Trung một nhà tu hành, một nhà trước tác đã nghĩ ra được cách tuyển người tài để dùng cho nước. Trong khi triều đình cứ mải lo việc khác. Nhưng cái việc cần kíp thiết yếu này, lại không chỉ ra được cho các vương hầu”.
  Nghĩ vậy, nhà vua xăm xăm trở lại lâu thuyền, và giục thủy đoàn tức tốc đêm nay phải tới được Tịnh Bang lỵ sở.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #22 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2008, 10:07:04 am »


CHƯƠNG 10

   Sau khi gặp gỡ Trần Quốc Tung ở lỵ sở Tịnh Bang, Trần Nhân tôn và Trần Nhật Duật cùng một số tùy tùng lên  ngựa về thái ấp An Sinh. Trước khi rời Tịnh Bang, Trần Tung có đem tặng nhà vua một viên tì tướng vừa mới lựa  tuyển được trong hội thi võ của toàn vùng.
Đó là chàng trai hai mươi mốt tuổi, người vùng thượng du Đà Giang. Chàng đem trầm ra bán tận hải cảng Vân Đồn,  nhân lúc về qua Tịnh Bang, thấy có hội thi võ. Thế là chàng  ghé vào thi đủ các môn, từ vật, đến côn, quyền, đao, kiếm,  môn nào chàng cũng được giám khảo liệt ưu hạng. Riêng môn  phi ngựa bắn cung, chàng là một tay vô địch. Cách xa một  trăm bộ, chàng có thể cho ngựa phi nước đại rồi ngoái ngược người lại bắn trúng hồng tâm. Ai được nhìn thấy những mũi tên của chàng cắm vào đích, cũng đều phải thốt lên hai tiếng: “thần tiễn!”. Trần Tung đã đem chàng về dưới trướng để sai bảo. Nhưng chợt có đức vua ghé thăm, tướng quân bèn đem tặng. Vì ông thấy cần phải có những tay võ nghệ cao cường mà trung thành hộ giá.
  Nhất là trong thời chiến, việc đó không thể khinh xuất.
  Thế là võ tướng có cái tên Đặng Dương ấy được hầu cận vua Nhân tôn. Và ngay lập tức chàng được xâm trên trán ba chữ “Tọa thượng nô” màu chàm.
  ( Thời Trần, nô bộc của nhà vua ghi trên trán ba chữ “Tọa thượng nô”. Nô bộc của các vương tôn quý tộc ghi trên trán ba chữ “Quan trung khách”).
  Vua Nhân tôn cùng với thượng tướng rong ruổi khi lội suối lúc trèo non, khi lại bám sát bờ con sông Rừng mênh mông nước. Sông lớn, hai bờ sậy, lau, cây cối và rừng già rậm rạp. Xét thấy đường bộ, đường thủy đều rất không thuận tiện cho việc dùng binh của quân Thát-đát, nhưng lại lợi cho việc đánh quân phục của ta. Nhà vua bèn nói với thượng tướng:
  - Chú Chiêu Văn ạ, trời cho ta mảnh đất thủ hiểm này để chống lại với bọn cường địch phương Bắc, phải tận dụng cho bằng được, để nhân sức quân lên mà cự giặc.
  - Bệ hạ nói đúng. Chắc chắn Hưng Đạo vương sẽ bẫy giặc quanh vùng này.
  Khi nhà vua và tùy tùng đến ấp An Sinh, đã sang quá nửa chiều ngày hôm sau. Đường tuy xa xôi hiểm trở, nhưng hai chú cháu còn đang độ tuổi thanh niên nên không cảm thấy mệt mỏi. Vừa tới đầu ấp, được tin thượng hoàng cũng từ Thăng Long xuôi thuyền về từ ba bốn hôm trước. Vậy là việc lưu thủ kinh sư do tướng quốc thái úy Trần Quang Khải đảm nhận.
  ( Lưu thủ kinh sư: Chức giám quốc khi nhà vua ra khỏi kinh thành. Chức này chỉ giao cho thái tử. Trần Quang Khải vừa là con vua, vừa là tể tướng nên kiêm.)
  Trần Hưng Đạo làm lễ cung nghinh hai vua thật là long trọng, và giữ đúng đạo quân thần, song bề ngoài vẫn cứ lặng lẽ khiến cả đám nông phu trong ấp cũng không hề biết khách từ Thăng Long tới. Trong việc binh nhung, Hưng Đạo luôn nhắc mọi người phải giữ đúng qui củ: lai vô ảnh khứ vô hình. Tức là đi lại đều không lưu dấu vết, cốt để che tai bịt mắt quân thù.
  Hai vua lần này đi thị sát mạn đông và đông bắc, nhân ghé thăm ấp An Sinh, và hội kiến với Trần Hưng Đạo về các việc quân quốc trọng sự.
  Cuộc hội kiến được giữ kín như bưng. Chỉ có hai vua, Trần Quốc Tuấn và Trần Nhật Duật tham dự. Sau khi khớp cả hai nguồn tin của triều đình, và tin riêng của Quốc Tuấn thu được từ Yên Kinh và các tỉnh Kinh Hồ, Phúc Kiến và Lưỡng Quảng đều nhất quán ở chỗ là Hốt-tất-liệt đang ráo riết động binh sang đánh An Nam. Triều đình nhà Nguyên ra sức ép Đại việt cho mượn đường sang đánh Chiêm Thành không được. Thật ra đây cũng chỉ là mưu “đồ Ngu diệt Quắc”. Việc ép không xong, nhà Nguyên có thể khởi binh đánh Chiêm trước. Rồi lấy đất Chiêm làm căn cứ hậu thuẫn. Quân Nguyên sẽ đánh ta từ hai mặt bắc-nam. Kẹp ta vào giữa hai gọng kìm ấy, là các danh tướng đã chinh phục khắp cõi Trung Nguyên và hàng chục quốc gia khác.
  Thượng hoàng Thánh tôn vẻ mặt hơi buồn, hỏi Quốc Tuấn:
  - Huynh trưởng thử liệu sức quân ta có cự được với quân Nguyên không?
  - Tâu thượng hoàng cùng quan gia, nếu cứ ngồi đây mà hình dung ra một đoàn năm mươi vạn quân, với hàng chục vạn lừa ngựa, xe cộ và chiến thuyền, thì chúng thừa sức xéo nát từng bụi cây khóm cỏ, đạp đổ thành trì, chuyển rung sông núi, và chúng thừa sức tàn sát hàng triệu sinh linh. Một khi có đoàn quân như thế đi qua, thì chúng sẽ biến các vùng đất chúng đặt chân tới thành đất chết. Ấy là thần nói cái sức mạnh mà chúng có. Thế nhưng chúng có làm được theo ý chúng không, còn tùy thuộc vào sức mạnh và ý chí của ta. Liếc nhìn thấy sắc mặt hai vua có vẻ không vui, Quốc Tuấn liền hỏi:
  - Tâu thượng hoàng cùng quan gia, với cái thế nhân chủ, thần muốn biết thánh ý của thượng hoàng và bệ hạ.
  Trần Thánh tôn nói:
  - Giặc đến tất phải đánh. Chỉ thương đám con đỏ vô tội.
  Biết lòng vua đã núng trước thế giặc, Hưng Đạo gặng hỏi Nhân tôn:
  - Vậy còn ý quan gia thế nào? - Rồi quay sang phía Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, ông hỏi - Cao ý của vương đệ trong việc này thế nào?
  Trần Nhân tôn sau cái chau mày, dường như nén giấu nỗi căm uất, ông nói:
  - Thượng hoàng thương dân như thương con. Nhưng dân cũng thương vua như con thương cha. Cho nên hai bên phải tựa vào nhau mà chống giặc. Thế của ta không thể lùi được. Kẻ kia đã căm thù ta từ cuộc xâm lăng năm Đinh tỵ. Nay nếu lấy được nước ta, chúng phải trả cái hận thua trận hai mươi lăm năm về trước. Vậy thời tôn miếu, xã tắc cùng non sông gấm vóc của tổ tiên truyền lại, lẽ nào để cho chúng dầy xéo.
  Nhân tôn vừa dứt lời, Trần Nhật Duật tiếp ngay:
  - Bữa trước qua Tịnh Bang, lệnh huynh Trần Tung đã có mở hội thi võ từ xóm ấp tới xã, tổng, lỵ, trấn để chọn tuyển nhân tài. Lại được biết, huynh đã xẻn bớt phân nửa ấp trại của mình chia cho đám nông nô, và cho họ được làm ăn tự do. Đi đến đâu trong vùng Tịnh Bang, cũng thấy dân tình hồ hởi lắm. Phần ra sức cấy trồng, phần vui vẻ cho chồng con đi làm việc quân. Nay đến ấp An Sinh, cũng thấy các việc giống như Tịnh Bang. Rõ ràng là trong việc này, bên phủ Hưng Đạo đã có “Bình Nguyên sách”. Vậy xin huynh trưởng hãy đệ trình sách lược lên cho thượng hoàng ngự lãm.
  Trần Hưng Đạo chưa kịp đáp lời, chợt có sứ từ Thăng Long tới - Tướng quốc thái úy Trần Quang Khải cấp báo với thượng hoàng, có sứ đoàn Champa sang xin viện binh. Và thái tử Harijit cũng cho biết, ông vừa bắt được một đoàn thuyền có sứ bộ nước Nguyên, nói là đi Tiêm-la, gồm có vạn hộ Hàn Tử Chí, thiên hộ Hoàng Phủ Kiệt và một đoàn sứ bộ nữa đi Mã-bát-nhi (Măbar), gồm có tuyên úy Vưu Vĩnh Hiền và A’lan (Alan). Họ nói rằng họ tới các nước kia, nhưng bị dạt vào đất Champa. Bất chấp mọi lý lẽ biện minh, triều đình Champa cứ sai bắt giam lại tất cả. Việc này ắt không tránh khỏi can qua.
  Nghe thông bạch xong, Trần Hưng Đạo trầm ngâm một lát, bỗng ông tươi tỉnh hẳn lên, nói:
  - Vậy ta có chí ít là một năm để dự phòng binh lực. Yên Kinh không thể cất quân đánh Đại Việt trước năm Quí mùi (1283). Thật là trời giúp ta. Xin thượng hoàng và hoàng thượng quyết ngay việc cử binh giúp Chiêm Thành. Ta giúp họ, cũng chính là tự giúp mình. Nếu Chiêm Thành thắng, Hốt-tất-liệt chưa chắc đã dám đánh ta. Nếu Chiêm Thành giữ được ở thế không thắng, không thua thì tình hình còn có thể cứu vãn từ một đến hai năm. Nếu ta có được quãng thời gian hai năm, chắc chắn đủ sức cự giặc.
  Trần Nhật Duật cũng nói việc đó rất nên làm. Nếu không, kẻ kia chiếm được Chiêm Thành, ta sẽ bị kẹp giữa hai gọng kìm của chúng. Tình thế sẽ trở nên rất hiểm nguy. Trong khi còn đang bàn bạc, lại tiếp thêm một đạo biểu nữa của Trần Quang Khải gửi tới:
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #23 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2008, 10:08:44 am »


  ”Tình thế cấp bách. Đợi ý chỉ của hoàng thượng, e chậm trễ. Việc không thể không làm. Thần đã nhận với Chiêm Thành chi viện một vạn quân thủy bộ. Thần xuất quân bản bộ và cử đích trưởng tử Trần Đạo Tái làm tướng”.
  Nghe xong biểu, Trần Hưng Đạo lặng người đi. Trong thâm tâm, ông hết sức khâm phục việc làm của Trần Quang Khải. Vừa sáng suốt kịp thời, vừa dám hi sinh vì nghĩa cả. Xuất quân bản bộ, lại cử con mình đi giúp nước láng giềng, dấn thân vào vòng nguy họa; phi các bậc đại trí, đại nghĩa không ai làm nổi. Có một cái gì đấy gần như một sự hối hận dâng lên ở trong lòng. Vì từ trước, ông vẫn đem lòng nghi ngại con người này.
  Trở lại công việc đang dang dở, Trần Nhân tôn nói:
  - Vừa nãy chú Chiêu Văn có nói đến “Bình Nguyên sách” của bá phụ, chẳng hay điều đó thế nào?
  Trần Hưng Đạo ve vuốt chòm râu tới ba lần, rồi thong thả đáp:
  - Tâu thượng hoàng, tâu bệ hạ. Từ khi Thát-đát bình xong Trung Nguyên tới nay, lòng thần chưa lúc nào được yên ổn. Vẫn lo sao cho dân trong ấp có cái ăn cái mặc. Lại lo cho binh  mạnh lương nhiều. Song, xét ra mới chỉ có ấp An Sinh, ấp  Tịnh Bang làm thôi thì chưa đủ. Nay bệ hạ hỏi, thần xin  dâng kế “PHÚ QUỐC CƯỜNG BINH”( Nước giầu binh mạnh) chớ như chú Chiêu Văn  nói, thần có “Bình Nguyên sách” là chưa đúng. Vì rằng, quân  Nguyên mới uy hiếp ta thôi, chứ chúng đã tràn vào cõi ta đâu  mà gọi “bình Nguyên” được.
Mọi người đều khen ý của Hưng Đạo là xác đáng.
  Trần Hưng Đạo quay vào nhà trong bưng ra một cái tráp nhỏ. Ông mở tráp lấy ra một cuốn sách đóng bìa nâu, hai tay dâng lên thượng hoàng Trần Thánh tôn. Và ông nói thêm:
  - Tâu, mọi điều đã được tóm lược thành từng chương mục, lại có chú dẫn, chú giải rõ ràng. Phần lớn các điều ghi trong đó đã được ấp An Sinh làm thử. Gần đây ấp Tịnh Bang cũng đã khai triển.
  Ngoài các việc đã nói trong sách, thần xin bày tỏ thêm đôi điều. Tức là sự cấp bách phải mở mang dân trí. Hồi còn tiên đế đã có nói đến mở mang hệ thống tường tự học hiệu, kiểu như nhà Hạ, nhà Thương, nhưng ta chưa làm được. Nay xét trong dân chúng, còn nhiều điều mê muội, bọn có học chẳng đáng là bao, lại chọn dùng vào các chức sắc cả. Nên thần xin triều đình cho mở các trường hàng tổng, nếu như chưa mở được cho các xã. Rồi cứ thế dần dần ta mở mang thêm lên.
  ( Đời nhà Hạ, nhà Thương trong lịch sử cổ đại Trung Hoa, chủ trương mở trường tới tận thôn ấp cho dân học.)
  Việc này xem ra cũng cấp bách không kém việc quân. Vì rằng, một dân tộc mà nền văn hóa thấp, là một dân tộc ngu muội. Để cho việc này duy trì được lâu bền, thần xin triều đình trích lập quỹ ruộng đất, để bảo trợ cho các trường. Và hệt loại đất ruộng ấy vào quỹ học điền, cấm xâm phạm. Lại phải có chính sách khuyến học. Ai có chí học hành, có khiếu năng thông tuệ, triều đình nên cấp bổng cho họ học lên cao.
  Và nữa, việc chiêu dụng hiền tài cho nước, là việc vua sáng các đời thường làm. Hiện thời, ta phải làm thế nào quy tụ được các nhà tài đức trong nước. Nếu họ hết lòng vì xã tắc, thì đấy là một sức mạnh thần thánh không thể lường trước được. Triều đình phải coi người hiền tài là kho báu quốc gia. Thiên tử phải nhún mình mà thờ họ thì mới dùng được họ. Giống ngựa hay thường có tật kén chủ, không phải ai cũng dùng được ngựa hay. Người tài cũng vậy, không thể để cho bọn bất tài thất đức sai khiến họ được đâu. Thần khẩn thiết xin thượng hoàng cùng nhà vua, hết sức lưu tâm đến việc này. Bởi thần cũng rất lo ngại, vì ít lâu nay nhiều người có tiếng nói không đồng tình với các quan cai trị các phủ, trấn, lỵ; hoặc có người còn cho một vài chính sách của triều đình là không hợp thời. Bọn họ hết thảy đều bị bài xích. Nhiều người còn bị đe dọa tới cả tính mạng nữa. Có biết đâu rằng, những người dám nói lên chính kiến của mình, hoặc bày tỏ sự bất bình của mình trước công chúng hoặc quan lại, đều là những người có học vấn uyên bác, có tâm thuật vững vàng. Và họ cho điều họ đã suy ngẫm là đúng, là tốt hơn cái hiện có, nên họ mới dám nói. Còn đám người ăn càn nói rỡ thì lại khác. Bọn ấy có thể nói được, chê được, nhưng chúng chẳng làm được cái gì nên hồn. Bọn này thường là bọn a dua, xu nịnh, ăn theo nói leo. Chúng chỉ là một lũ khoác lác phải được loại bỏ và trị tội. Tiếc thay, bọn súc sinh này lại có khiếu năng ton hót, hợp với khẩu ngôn của bề trên, nên thường là chúng vẫn len lỏi được vào bộ máy quốc gia.
  Ngay như kế : “Phú quốc cường binh”, thời cũng có phải đâu là ý của riêng thần. Chẳng qua là thần chịu trách nhiệm trước bệ hạ về việc làm đó. Còn hết thảy là do sự nghĩ hiểu các của môn khách, các gia tướng, gia thần trong phủ Hưng Đạo, trong ấp An Sinh qui góp lại. Lúc đầu, thần cũng thấy trái tai trái ý lắm. Ví như việc thả bớt nông nô, xẻn bớt đất ruộng để cho, hoặc bán chịu cho đám nông phu này. Tức là nó làm thiệt của thiệt người của thần nhiều lắm. Sau được các tướng giảng giải; của ấy, người ấy chẳng đi đâu mà mất. Nó vẫn quanh quẩn trong gầm trời Đại Việt. Của không ở trong kho của các vương hầu, thì nằm trong các nhà dân. Nhưng lợi hơn nhiều. Vì rằng đất ruộng ở trong tay thần, một năm chỉ cấy trồng một vụ. Trái lại, đất ruộng ở trong tay đám nông phu, họ làm hai vụ. Thế là vốn ruộng đất chỉ có một, nhưng sản vật lại thu về gấp đôi. Cho nên bây giờ, hệ hạ đi khắp vùng đất của ấp An Sinh này, sẽ thấy nhà nhà bồ lẫm đều đầy thóc lúa. Không ai còn biết đói là gì. Mà thần muốn chiêu binh lúc nào cũng được, chiêu bao nhiêu cũng được, không một ai trốn tránh. Cúi xin thượng hoàng cùng bệ hạ minh xét.
  Trần Thánh tôn mải miết đọc kế “Phú quốc cường binh”. Điều lớn nhất ông thâu nhận được trong kế sách, là các vương hầu phải nhún mình để thân dân. Và phải chia sớt một phần của cải tài sản cho dân. Nhà vua tự nghĩ: việc này thật không dễ dàng một chút nào. Có thể các vương hầu sẽ chống lại. Song, nếu là quốc sách trong thời chiến, thì nhất thiết phải cưỡng bách thi hành. Vả lại phủ Hưng Đạo đã làm rồi, các phủ khác, không thể không theo. Việc này, nếu được thi hành khắp cõi, thì đúng như anh Quốc Tuấn nói, chỉ một năm sau, cả nhà nước lẫn nhà dân, đều không đủ kho lẫm mà chứa thóc. Và việc gọi lính sung quân, hẳn không có khó khăn gì. Ông lại nghĩ, hơn lúc nào hết, bây giờ phải lấy sự tồn vong của xã tắc làm trọng. Lợi quyền tư riêng, hết thảy đều phải dẹp bỏ. Phải làm thế nào để từ vua chúa, vương tôn công tử đến thứ dân, ai ai cũng một lòng căm giận quân giặc dữ, quyết liều thân vì nước, có như thế mới đủ sức kháng giặc.
  Trong khi Thánh tôn đang chìm nghĩ vào sách lược “Phú quốc cường binh” của Hưng Đạo, thì Nhân tôn lại chú ý đến sự quan hoài khẩn thiết của bá phụ, về việc những người bất đồng chính kiến, có nguy cơ bị áp chế, ngày một gia tăng. Và theo như ý của bá phụ, thì đó phần nhiều là các người tài đức, triều đình phải nhún mình thờ họ, rồi mới dùng họ được.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #24 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2008, 10:11:41 am »


  Suy ngẫm lại, nhà vua thấy đúng. Từ ngày ông lên ngôi hoàng đế tới nay đã 5 năm. Vẫn cứ là bộ máy cũ, những con người cũ do vua cha để lại. Bản thân ông chưa tìm gặp được người hiền tài nào trong thiên hạ. Vả lại, ông cũng chưa hết tâm cầu tìm. Người tài đức, xưa nay vẫn là hiếm quí, triệu người chưa chắc đã có được một hai. Hơn nữa, họ là những người có nhân cách lớn, dễ gì sai khiến họ được. Ấy vậy mà triều đình lại tỏ ra khinh thị những ai trái ý mình. Bọn quan lại từ xã ấp đến phủ trấn, hết thảy đều dương dương tự đắc, coi thường những người chưa có chức tước trọng thiên hạ. Gần đây, nhà vua cũng nhận thấy sự bài xích, đàn hặc, rồi biểu chương tố giác các nơi gửi về ngày một nhiều. Chắc là trong lúc “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”( khi thế nước lâm nguy thì kẻ ngu khờ cũng phải gánh phần trách nhiệm), cho nên mọi người đều hết lòng lo cho nước. Họ thấy chính lệnh của triều đình, mà các quan lại toa rập lâu nay, không còn thích hợp nữa, nên họ phải lên tiếng. “Đúng rồi” - Nhân tôn nghĩ - Nếu không có bá phụ cảnh tỉnh, ắt ta lại nghe đám nội nhân và tam cung lục viện mà áp chế họ, thì thật là phụ lòng họ quá. Được rồi, ta sẽ nghị bàn cho thấu đáo, để sao cho trong công cuộc chống giặc dữ này, không một tấm lòng nào, không một kế sách nào, không một tài năng nào có lợi cho nước, cho dân lại không được huy động vào sự nghiệp cứu nước.
  Trần Nhật Duật tuy là một danh tướng trẻ, nhưng không phải là người thiếu sự đằm sâu suy tưởng, mặc dù ở kinh sư, ông nổi tiếng là một người tài hoa phóng túng. Trước kế sách của Trần Hưng Đạo dâng vua, và các việc ấp An Sinh đã làm, Trần Nhật Duật không thể không nghĩ về Trần Quốc Tuấn, như nghĩ về Khương Tử Nha đối với nhà Chu. Và ông khâm phục, không những tài năng mà cả về đức độ của Quốc Tuấn. Từ lâu, ông vẫn nghe thấy những tiếng sầm sì hết ở trong nội tẩm, lại ở trong phủ Chiêu Quốc, rồi loáng thoáng nơi này nơi khác. Rằng phải coi chừng Quốc Tuấn, phải sẻn bớt quyền lực của Quốc Tuấn. Nếu không, con người mưu lược như thần, và có tài điều binh khiển tướng chẳng thua gì Tôn-Ngô, Hàn Tín ấy, chỉ cần ông ta phảy tay một cái là cả triều đình nghiêng ngả. Những lời dị nghị ấy vốn đã không lọt tai Nhật Duật thì nay lại càng chứng tỏ, tấm lòng của Quốc Tuấn đối với non sông đất nước, đối với vương triều tỏ rạng như sao Khuê, như ngọc quí, không một tì vết. Việc ông đi lại thăm viếng hay biếu tặng Hưng Đạo, là tự đáy lòng ông yêu kính người anh họ, chứ không phải như người ta nói là để thăm thú dò tìm, là để lấy lòng. Chắc điều đó, một con người sáng suốt như Quốc Tuấn không thể không biết.
  Về phần Quốc Tuấn, việc hai vua đến tận thái ấp của ông để bàn bạc những việc quốc gia trọng đại. Điều đó khiến ông biết ơn, song cũng làm ông áy náy. Tuy ông là phận bề trên cả hai vua. Vua cha, với ông là chỗ anh em thúc bá, còn vua con lại là con rể ông, là cháu gọi bằng bác. Tuy vậy, đạo quân thần ông vẫn tôn thờ hết dạ. Tại sao nhà vua không cho gọi ông về triều, hoặc điều ông đến một nơi nào khác, mà thân xuống tận đây? Phải chăng lòng cha con Thánh tôn vẫn còn vương vấn tị hiềm, nên lúc nào cũng muốn làm đẹp lòng ông. Ôi, ta làm sao giãi bầy được gan ruột ra với mọi người. Rằng lúc này đừng có nghĩ suy tạp loạn. Hãy hướng tâm thức, trí lực vào việc tìm mưu hay, kế lạ để ngăn giặc. Họa chiến tranh sắp ụp xuống đầu cả một dân tộc, đó là nỗi lo lớn nhất mà ta hằng đau đáu ngẫm suy.
  Trong lúc mọi người đang im lặng suy tư thì phu nhân Quốc Tuấn ló vào - Bà chính là Thiên Thành công chúa - người đã gá nghĩa cùng Quốc Tuấn hơn ba chục năm nay. Bà tuy đã ngoài năm chục tuổi, tóc đã điểm sương. Da loáng thoáng có vảy đồi mồi, nhưng gương mặt bà vẫn toát lên vẻ tươi mát. Nhất là khi bà hé môi cười, hai hàm răng trắng đều và nhỏ tắp. Ai cũng nghĩ tới đám cưới bà hơn ba chục năm trước, đã làm chấn động cả kinh thành. Bà vào mời mọi người dùng bữa. Lấp ló sau lưng bà là An Tư công chúa. Nàng trở về ấp An Sinh vẫn bằng lâu thuyền lúc ra đi.
  Trước khi vào bữa, Thánh tôn gấp cuốn “Phú quốc cường binh” lại, nhìn thẳng vào Trần Hưng Đạo, ông thong dong nói:
  - Tất cả những điều nằm trong kế sách của vương huynh, phải trở thành quốc sách của nhà nước Đại Việt - Vừa nói Thánh tôn vừa ngoảnh mặt về phía Nhân tôn. Đưa tập sách cho nhà vua và tiếp - Quan gia xem xong, cần tu chính gì thêm, thì trình với quốc trượng. Rồi đưa cho nội thị sảnh tuyên cáo cho thần dân đều biết. Và ban thêm một đạo sắc dẫn dụ cho mọi người hiểu cặn kẽ, để còn làm. Kẻ nào chống lại, khép vào tội bạn nghịch mà xử.
  ( Quốc trượng: bố vợ vua. Nội thị sảnh: theo quan chức nhà Trần, Nội thị sảnh có các chức nội thị, thiên chương các học sĩ, giữ việc hầu vua và tuyên chế lệnh. Bạn nghịch: làm phản.)
  Dừng giây lát, Thánh tôn nói thêm:
  - Mai đây vào cuộc chiến, sức người, sức của phải thâu nạp nhiều lắm. Hiện nay trong dân nhiều nhà giàu có, họ thèm khát có một chức vị gì đó của triều đình, và họ sẵn sàng đánh đổi một phần sản nghiệp. Vậy từ nay, triều đình ủy thác cho vương huynh có toàn quyền được phong các tước từ Minh tự trở xuống cho những người có của, để lấy tiền xung vào công quỹ nhà nước, không cần phải hỏi về triều nữa. Ngoại trừ có tước hầu thì phong trước, tâu sau.
  ( Quan tước thời xưa theo phẩm trật như sau: Vương - Công - Hầu- Bá - Tử - Nam.)
  Quốc Tuấn hết sức cảm kích về tấm lòng ưu hậu của Thánh tôn, nhưng trong cuộc đời, ông không quen sử dụng đặc quyền, cho nên dù cho phép, ông cũng không làm. Duy nhất có một lần ông phong cho một nhà phú hộ, vì họ dám bỏ ra một ngàn phương thóc để mua chức lang tướng, trong khi ông lại rất cần gạo nuôi quân. Bởi vậy ông đã phong cho họ, nhưng cũng chỉ là chức “Giả lang tướng”. Tức là ông chỉ cho làm lang tướng giả, chứ không cho làm lang tướng thật. Tấm gương cao khiết ấy, có thể soi thấu muôn đời sau.
  Đêm, hai vua xuống thuyền về lại Thăng Long. Nhân tôn nắm lấy tay Trần Hưng Đạo, nói với giọng trang nghiêm, kính cẩn:
  - Quốc phụ phải giữ gìn tấm thân muôn quí để dùng cho đại cuộc. Cả nước trông vào quốc phụ!
Trần Hưng Đạo cảm kích dặn Nhân tôn:
  - Ta xem phụ hoàng con, tâm thật chưa vững. Tâm có vững mới dám xông vào cuộc. Hốt-tất-liệt sẽ cử đại binh sang tàn phá nước ta. Nếu người giữ trọng trách quốc gia không vững tin ở mình, ta e khó đấy. Con hãy liệu lời khuyên cho phụ hoàng vững dạ. Còn ta, sẽ lo xoay chuyển thế quân, để thượng hoàng tin ở lực mình. Ngập ngừng giây lát, Trần Hưng Đạo nói thêm - Nay mai nếu ta không về được, sẽ cử người về Thăng Long, quan gia thu xếp với An Tư công chúa cho ta xin con Yến Ly, để còn dạy dỗ vào việc quân - Rồi ông dẫn Nhân tôn xuống thuyền. Vào tận khoang trong, Trần Hưng Đạo nắm chặt hai tay Thánh tôn. Ánh nến lung linh soi tỏ hai khuôn mặt kiên nghị thánh thiện, cùng hai cặp mắt giao nhau, như đang tỏa sáng soi khắp khoang thuyền. Giọng run run, ông nói với Thánh tôn: “Em hiểu cho lòng ta. Phải lấy nước làm trọng. Sự mất còn là ở đấy”. Xúc động quá, vì lần đầu tiên nói ra được nỗi uẩn ức trong lòng, vương đã đề rơi mấy giọt lệ. Và cũng lần đầu tiên, từ khi ý thức được tình anh em, Thánh tôn nhận được những lời nói chân tình đến nhỏ máu, và điều đó làm ông như có gì ân hận, như hối hận, nước mắt tự nhiên trào ra. ông ôm ghì lấy Quốc Tuấn: “Thế nước có đứng được hay không là nhờ ở anh đó!”.
  Hai vĩ nhân chia tay nhau trong niềm xúc động chân thành. Những giọt lệ họ nhỏ ra, để khóc cho một quá khứ đắng cay và lầm lỗi của các bậc cha anh. Nước sông Lục Đầu lóc róc vỗ bên mạn thuyền như ngàn vạn tiếng reo vui, như một lời chứng thiêng liêng cho cuộc hóa giải oan cừu, để các vĩ nhân đi vào lịch sử như những khối kim cương trong suốt.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #25 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2008, 10:13:36 am »


 
CHƯƠNG 11 :

  Bố-già-la cầm đầu đoàn cống sứ Champa một trăm người tới Thăng Long. Họ đem voi trắng, vải trắng, trầm hương cùng nhiều đồ quí, lạ đến dâng cùng với thông điệp xin binh cứu viện thật là khẩn thiết của vua Chiêm Indravarman V. Ngoài thông điệp Bố-già-la còn nói rất nhiều về công cuộc phòng thủ của quân Chiêm, kể cả việc đắp thành cố thủ chống giặc từ ngoài bãi biển Thị-nại. Lại cũng cho biết vua Chiêm tuổi cao sức yếu, nên mọi trọng trách quốc gia đều trao cho thái tử. Thái tử Harijít tuy còn ít tuổi, nhưng có tài thao lược. Đích thân thái tử nắm trọn quyền chỉ huy phòng thủ, cũng như kình chống với quân Nguyên. Chính thái tử đã ra lệnh bắt và tống giam hai đoàn thuyền nhà Nguyên, cố tình đi vào đất Chiêm do thám. Họ nói thác là đi Tiêm-la, Chân-lạp bị lạc đường. Việc đó trở nên căng thẳng, và chiến tranh là điều không thể tránh.
  Trần Quang Khải đã nghĩ tới việc giúp họ, cũng có nghĩa là tự giúp mình. Ngặt vì thượng hoàng và nhà vua đi kinh lý chưa về, nên mới chỉ nhận lời và nói với Bố-già-la nên chờ ít bữa.
  Nghe Quang Khải nói, viên chánh sứ rập đầu tâu:
  - Nước chúng tôi từ trước tới nay vẫn một lòng thờ thượng quốc, việc tiến cống không bao giờ bê trễ. Nay nước chúng tôi đang bị bọn nhà Nguyên đe dọa xâm lăng. Họa Thát-đát tràn vào chỉ trong sớm tối. Nếu nước chúng tôi bị mất, thì giặc Mông-thát sẽ kẹp quí quốc giữa hai gọng kìm. Thăng Long sớm muộn cũng trở thành cung thất của Trấn nam vương Thoát-hoan, và của An Nam sứ đô nguyên súy Bột-nhan- thiết-mộc-nhi. Cúi xin đại vương xét tình mà khẩn cấp cứu cho. Việc chống giặc còn cần kíp hơn việc cứu hỏa, nếu đại vương chậm ra quân một ngày, là nguy họa đối với nước chúng tôi sớm thêm một ngày. Mà có giúp nhau, thì giúp lúc giặc còn ở xa mới tiện cho việc sắp xếp binh lực. Vả lại, các vị tướng lĩnh cùng binh sĩ quí quốc, cũng phải có thời gian làm quen với địa hình nước chúng tôi, thì mới có kế sách cùng nhau đánh giặc. Còn như khi giặc đã vào đất chúng tôi rồi, quí quốc mới cử binh sang, thì ôi thôi vua chúng tôi hoặc đã bị bắt, hoặc phải ra hàng. Lúc ấy, không những đoàn quân cứu viện đó sẽ không có ngày về, mà ngay cả kinh thành Thăng Long đây dễ gì giữ được. Trái lại, nếu giúp nhau lúc này, chúng tôi giữ yên được bờ cõi, kíp khi quân kia có tràn vào quí quốc thì nước chúng tôi đấy, kho người, kho của, quân thủy, quân bộ xin đặt dưới quyển thống lĩnh của quí quốc. Nếu sai xin trời tru đất diệt.
  Trước lời lẽ thiết tha của Bố-già-la, không những Trần Quang Khải, mà cả triều đình đều xúc động. Ai cũng khen Bố-già-la là tôi trung kiệt hiệt của nước Chiêm Thành. Đi sứ không làm nhục mệnh vua. Xin mà không hạ thấp mình, nói năng phải lẽ, lý tình trọn vẹn mà đanh thép, thật chẳng thua kém gì những tay thuyết khách kỳ tài đời Chiến quốc như Tô Tần, Trương Nghi. Các đại thần nhất đán khuyên quan tướng quốc nên sớm quyết, kẻo lỡ việc lớn quốc gia.
  Thật ra, không phải Trần Quang Khải không thấy hết sự trọng yếu, và lợi ích thiết thân của việc đem quân giúp Chàm. Tin tức ông nhận được, từ sau khi ta cự tuyệt việc mượn đường, mượn quân, mượn lương của Đại Việt đánh Champa, Hốt-tất-liệt đã lớn tiếng thét giữa triều đình: “Ta sẽ bắt cha con Nhật Huyên đem về Yên Kinh trị tội”. Cho nên, nếu sứ đoàn Chiêm quốc lần này không khởi xướng việc xin viện binh, ông cũng sẽ gợi ý. Và nếu như thượng hoàng cho phép, ông sẽ thân chinh giúp Chàm.
  Nhưng hiện thời, tình thế trở nên cấp bách, trong khi vẫn còn đủ thì giờ và cơ hội cứu vãn, nên ông quyết định:
  - Sứ giả không phải nhiều lời. Không phải dạy khôn chúng ta. Đại Việt với Champa quan hệ mật thiết với nhau như môi với răng. Hiện thời quân Nguyên chưa kéo qua mặt bộ vào Champa được, là bởi Đại Việt nhất quyết chống lại việc nhà Nguyên đánh Champa. Nay mai, bọn chúng đánh Champa, cũng tức là tạo cơ hội đánh Đại Việt. Cứu Champa đây không phải là lần đầu. Nhưng người Champa các ông hay tráo trở. Vậy trước khi ta xuất chinh, phải có làm tờ cam kết.
  - Dạ, bẩm đại vương, chúng tôi xin chấp thuận mọi điều ước do quí quốc đề ra. Bố-già-la nói, và dường như ông ta rất sợ bên Đại Việt đổi ý.
  - Chúng tôi không ép quí quốc. Nhưng sự giúp đỡ là phải có đi có lại. Tức là chúng ta phải tựa vào nhau làm thế ỷ giốc, thời kẻ kia phải sợ. Nay chúng tôi xin đưa con em Đại Việt sang giúp quí quốc chống giặc. Chỉ xin giúp lại nhau khi cần. Chúng tôi không đòi hỏi đất đai hay của cải gì của Champa. Chỉ cần sự thỏa thuận giữa hai triều đình, trong một văn bản khế ước. Trần Quang Khải ngừng lời, sau khi ông đã coi kỹ ánh mắt và những cử chỉ bày tỏ của Bố-già-la, lại nói:
  - Ta lưu ý ông chánh sứ, ước thúc giữa hai nước sẽ được thảo và ký ngay hôm nay. Vậy, ông chánh sứ phải lo liệu các sứ đoàn sớm trở lại Champa, báo tin trước cho quốc vương yên tâm.
Viên chánh sứ vái Trần Quang Khải hai vái:
  - Đội ơn đại vương đã ra tay cứu giúp chúng tôi. Nhưng chúng tôi chưa thể ra về mà chưa biết quí quốc sẽ giúp bao nhiêu quân. Và bao giờ thì cất quân. Xin đại vương cho chúng tôi theo chân quân Đại Việt trở về, lũ chúng tôi sẽ là người dẫn đạo. Thủy bộ chúng tôi đều thông tỏ cả.
  Trần Quang Khải cười thầm, viên sứ thần này quả là một tay đáo để. Ông nói:
  - Binh quí thần tốc. Chắc ông chánh sứ biết điều đó. Khi chúng tôi đã nhận lời, là chúng tôi phải đi thật nhanh. Còn đi lúc nào, hoặc số quân chúng tôi đưa sang bao nhiêu thì xin ông chánh sứ cảm thông: cơ mật là sự sống còn của việc binh. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nói riêng với ông những điều cần thiết về lương thảo, về chiến cụ để ông cử người về trước lo liệu, một số các ông sẽ ở lại đi với quân chúng tôi về Chiêm.
  Viên chánh sứ sung sướng quá, hét lên giữa triều đình: “Quốc vương Đại Việt thiên tuế!”. Rồi ông khóc ròng như một đứa trẻ.
  Tất cả những việc trên xảy ra trong mấy ngày qua, diễn lại trong óc Trần Quang Khải, dường như mới chỉ vừa trước khi thượng hoàng và nhà vua về có một lúc. Tướng quốc thái úy tường trình lại các việc trước hai vua. Những điều ông đã làm, và những việc còn đang tiếp.
  Hai vua đều chấp thuận các việc giám quốc thái úy đã quyết.Và cho đó là sáng suốt, kịp thời. Hai vua cũng cho ông biết tỉ mỉ về kế sách “Phú quốc cường binh” của Hưng Đạo vương. Và hầu như những điều Hưng Đạo khởi xuất, ông đã có làm thử và thu được những thành tựu đáng kể trong vùng ấp An Sinh, ấp Tịnh Bang. Cho nên, việc này phải hoạch định thành một chính sách của triều đình. Rồi ban bố cho cả nước cùng theo.
  Trần Quang Khải xin khất việc xem xét sách lược “Phú quốc cường binh” lại ít ngày nữa. Và ông xin được phép điều động binh nhung, để trong vòng ba ngày tới sẽ lên đường.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #26 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2008, 10:15:02 am »


  Hai vua mời Trần Đạo Tái vào cung Thánh từ. Thái úy Trần Quang Khải cũng tới dự.
Mở đầu, Nhân tôn nói:
  - Việc giúp binh cho Champa là cần lắm. May mà họ hỏi, nếu không ta cũng phải thương nghị để đưa quân sang. Cái chính là cản mặt nam, không cho Hốt-tất-liệt lập được hai thế gọng kìm. Việc này, lẽ ra thượng hoàng có nhà thì sẽ điều quân túc vệ, nhưng thúc phụ giữ ý, đã cho điều quân bản bộ, và cử chú Đạo Tái làm tướng xuất chinh. Trẫm chỉ băn khoăn, quân ta sang đó gặp thủy đánh thủy, gặp bộ đánh bộ, mà chú Đạo Tái lại chưa quen việc đánh thủy lắm. Chẳng hay việc ấy nên như thế nào?
Trần Đạo Tái thưa:
  - Tâu bệ hạ, thần không phải là tướng chuyên đánh thủy. Nhưng phép làm tướng, từ thế thủ, thế công, đánh thành, diệt viện, phục binh, cướp lương, đánh thủy, đánh hỏa... thảy đều phải biết. Thần tuy bất tài, nhưng nghề đánh thủy, chắc là không thể kém bọn lính thảo nguyên và sa mạc của lũ Mông-Thát. Ngay cả đám quân tân phụ miền nam Trung Quốc, cũng không phải là quân tinh thông về sông nước.
  Thượng hoàng Trần Thánh tôn nắm lấy tay Trần Đạo Tái nói:
  - Ta biết cháu có tài thơ văn nổi tiếng cả kinh thành. Nếu không vì việc nước thì sao thi nhân phải ra trận. Cháu đi lần này muôn sự khó. Chiêm Thành là một nước nhỏ. Quân tinh nhuệ, nhưng sức chiến đấu không bền. Thắng kiêu, bại nản. Ta nghe nói, thái tử Chế-mân là một người có bầu nhiệt huyết. Lúc nào cũng sôi sục muốn uống máu ăn gan kẻ thù. Điều ấy thì tốt, nhưng dễ nản, nếu như tướng địch là một tay đa mưu túc trí, vị tất hoàng tử đã kiên định được. Vậy cháu phải giúp thái tử nhận ra được chỗ yếu của mình, chớ có chỉ nhìn thấy chỗ yếu của địch, thì sự bại vong là điều không thể tránh.
  Cha con Trần Quang Khải bái biệt hai vua ra khỏi kinh thành lúc mờ mờ tối. Hai người hóa trang làm hai khách thương với một tốp lính túc vệ, cải trang như dân thường. Thăng Long vẫn bình yên như không có gì xảy ra. Việc điều binh giúp Chiêm vẫn yên lặng như tờ. Ngay các đại thần, các quan thị vệ, và cả quan đại an phủ sứ của kinh sư cũng không ai hay biết gì cả. Vì vậy, tay chân của Hốt-tất-liệt mà đám Sài Thung gài lại, cũng như đui như điếc hết. Riêng đoàn cống sứ Chiêm Thành đã dời khỏi Thăng Long từ ba ngày trước đó. Và viên chánh sứ Bố-già-la được lệnh: Khi tới cửa biển Thần Phù thì một nửa cứ đi thẳng về Chiêm, một nửa còn lại ghé vào bờ chờ binh Đại Việt.
Khi cha con Trần Quang Khải tới cửa Thần Phù vào khoảng giờ tuất ngày hôm sau. Một vạn quân điều động ngay tại vùng cửa Thần Phù( Là một cửa biển lớn thuộc đất Ninh Bình, còn có tên là cửa Đại. Cửa này ngày nay đã bị bồi lấp. ), và một phần từ Thiên Trường ra đã tề tựu đầy đủ. Chiến thuyền san sát như lá tre. Các thuyền lấp lánh những ngọn đèn dầu le lói, nom xa như một bờ sao dầy đặc của dải ngân hà vào những đêm tối trời.
  Thấy báo có thái úy tướng quốc đến, viên đô đốc thân lên bờ cung nghinh. Đô đốc dẫn thái úy và thượng tướng đến chỗ chu sư. Nghe có tiếng động rậm rịch ở phía ngoài, Trần Hưng Đạo bèn sửa lại vuông khăn lượt, rồi bước ra khỏi lâu thuyền. Đúng lúc cha con Trần Quang Khải từ phía mũi thuyền đi vào, chợt nhìn thấy Trần Hưng Đạo lừng lững đi ra. Quang Khải sững người lại không kịp cả chào hỏi, trong khi ấy Hưng Đạo vừa sá xong một sá đã lên tiếng trước:
  - Ta đón thái úy và vương diệt ở đây từ tối hôm qua.
  Trần Quang Khải cúi chào, còn Trần Đạo Tái thì phủ phục  xuống vái hai vái. Hưng Đạo đỡ Đạo Tái dậy rồi anh em bác  cháu đưa nhau vào khoang thuyền. Trần Quang Khải vẫn chưa hết kinh ngạc. Ông cho Hưng Đạo là người xét đoán công việc như thần. Việc điều binh cũng như địa điểm xuất quân, ông không hề hé lộ với ai, ngoại trừ đức vua, mà Trần Hưng Đạo rõ ràng không ghé Thăng Long. Vậy tại sao ông biết được kế của ta, không những thế, ông còn đến nơi xuất phát trước ta.
  Như để giải tỏa điều Trần Quang Khải băn khoăn, Hưng Đạo nói:
  - Hôm trước ở ấp An Sinh, nghe hoàng thượng bố cáo, tướng quốc sẽ xuất quân bản bộ và cử đích trưởng tử làm thượng tướng, thống lĩnh ba quân. Vậy nên ta liệu định:
  - Một là tướng quốc không muốn động tới binh lực của triều đình. Vì như vậy sẽ sa vào bàn cãi lôi thôi.
  - Hai là tướng quốc muốn giấu nhẹm ý đồ cứu viện Chiêm Thành, để bưng tai bịt mắt nhà Nguyên. Như thế thì không thể điều binh ở Thăng Long được.
  - Ba là đã không điều binh ở Thăng Long, thì phải điều quân bản bộ ở Thiên Trường. Mà hải đạo xuất phát thuận lợi nhất trong vùng này chỉ có cửa Thần Phù.
  Với ba điều dự liệu trên, nên ta tới thẳng đây. Vẫn nghĩ rằng đêm nay xuất binh nên phải tới từ đêm qua, để có thể còn kịp chia tay vương điệt, và cũng có đôi điều nghĩ thấy về người Champa hoặc người Thát-đát, nên muốn truyền dặn lại cho cháu. Ai ngờ may mắn lại được gặp cả thái sư. Vậy thời, sự có mặt của ta trở nên thừa chăng?
  Quang Khải nắm tay Quốc Tuấn cùng đi vào lâu thuyền, và trong lòng ông rộn lên những nghĩ suy từ lâu vẫn giằng xé. Kể cả người trong nước lẫn trong hoàng tộc, hoàng gia, thường cho rằng cầm đầu hai thế lực kình chống ngấm ngầm giữa hai dòng trưởng và thứ, là do ông và Trần Quốc Tuấn. Đúng là người ta nói rát về các âm mưu thôn tính của Quốc Tuấn, và thế lực to lớn cũng như tài cầm quân của ông. Trần Quang Khải đã tung cả bộ máy đi dò xét, kể cả việc bố trí binh lực, phòng khi có biến. Song đó chỉ là những việc người đời suy diễn rồi gán cho Quốc Tuấn, chứ thực tình Quang Khải chưa nhận thấy một biểu hiện khuynh loát nào, dù là rất nhỏ. Riêng có một điều Quang Khải thấy, và có phần nào lo ngại, rằng Quốc Tuấn lúc nào cũng ráo riết luyện đám tinh binh. Xong lại tha cho về và đến lượt đám dân binh được lấy lên luyện cho tới khi thành tinh binh. Cứ cái lối thay phiên nhau ấy, lúc nào Quốc Tuấn cũng có trong tay một đội tinh binh cực lớn. Và giờ đây, nếu huy động, thì hầu như hết thảy dân binh trong thái ấp An Sinh của Quốc Tuấn, đã trở thành tinh binh. Nhất là trong các chủ trương về việc binh, Quốc Tuấn thường nói: “Quân cần tinh chứ không cần nhiều”. Bây giờ nghĩ lại, Quang Khải thấy trong lòng có một cái gì nhen lên, như là sự hối hận. Rõ ràng là anh ấy vất vả, khi các vương hầu khác nhàn rỗi. Nhưng bây giờ anh ấy đã có sẵn trong tay một đội binh lớn, tinh nhuệ, chứ không phải rèn dạy những bước sơ đẳng của người lính. Đã đến lúc anh ấy rảnh tay, dạy cho tướng lĩnh và binh sĩ dưới quyền về binh pháp. Ta đọc sách “Đồ bát quái cửu cung”( “Đồ bát quái cửu cung” còn có tên khác là “Vạn kiếp tông bí truyền thư”. Sách này nay đã thất truyền. Chỉ còn một đoạn tựa của Trần Khánh Dư do Lê Văn Hưu chép trong Đại Việt sử ký toàn thư. ) của Quốc Tuấn thấy anh ấy hơn cả Tôn - Ngô. Vì rằng Tôn - Ngô coi binh sĩ như một lũ ngu khờ. Mọi sự đều do người tướng quyết cả. Đằng này, Hưng Đạo sử dụng binh sĩ như những con người, và cho họ học cả binh pháp, thấy được cả việc lớn của người làm tướng, và thấy cả bổn phận của người lính phải làm gì. Đến lúc này Quang Khải mới thấy ngay cả điều lo ngại trước đây về Quốc Tuấn, nay lại là việc đáng mừng. Nếu vương hầu nào cũng làm như Quốc Tuấn, thì dân đều được no ấm, mà nước thì đủ binh mạnh, lo gì giặc dữ ngoại xâm. Gạt bỏ mọi điều suy nghĩ xằng bậy, và ghép gán, hỗn tạp của người đời, tự đáy lòng mình, Trần Quang Khải thừa nhận: Quốc Tuấn là một chính nhân quân tử, là một hiền tài, một bậc nhân tướng, một bậc lương tướng, một con người nhìn xa thấy rộng - quả anh ấy hơn ta nhiều lắm. Nước muốn đứng được, không thể không dựa vào con người này.
  Vào trong lâu thuyền, trà nô vừa dâng xong một tuần, Quang Khải cho lui. Ông đi thẳng vào việc:
  - Anh Quốc Tuấn, hiện tình đất nước cực kỳ nguy cấp như anh đã biết. Anh em mình không nên thủ lễ nữa. Trước đây bọn tôi có gì không phải, xin anh độ lượng bỏ qua. Số binh đưa sang Chiêm, tôi định cho chi viện bốn quân. Cháu Đạo Tái được cử thay tôi làm thượng tướng.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #27 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2008, 10:16:53 am »


  Cho dù đã thuộc tất cả từng chiếc sẹo nhỏ trên gương mặt “thằng bé”, ấy vậy mà khi nghe Trần Quang Khải nói, ông lại nhìn ngó chằm chằm Trần Đạo Tái, như lần đầu nhìn thấy cháu.
Với gương mặt dường như bình thản, nhưng trong giọng nói, lại đượm vẻ xúc động, Trần Quốc Tuấn đáp:
  - Một vạn quân không phải là nhiều. Nhưng chiến trường Champa hẹp, cũng không cần nhiều hơn thế. Song ít hơn nữa, lại không vỗ về được cha con quốc vương Champa, và cả đám dân chúng đang cực kỳ hoang mang.
Đột nhiên Quốc Tuấn quay ra hỏi Trần Quang Khải:
  - Chú định bao giờ cho khởi binh?
  - Quan thái bốc bói được giờ tí. Tôi cũng cho đó là giờ tốt, vì nó là cái giờ thanh khiết nhất của một ngày.
  - Chú liệu định thế trận sẽ diễn ra ở Chiêm là như thế nào? Và bao lâu nữa thì quân Nguyên tới Chiêm?
  - Số quân dồn về Kinh Hồ định đánh ta. Nay Hốt-tất-liệt tính chuyện ăn chắc, đánh Chiêm trước, rồi sau đó đánh ta từ hai mặt bắc và nam. Trù liệu đánh Chiêm, chắc không thể dưới năm vạn quân. Hiện thời số quân đánh Chiêm đã lên đường. Chính người Chiêm cũng biết việc ấy, nên họ ráo riết xây dựng thành lũy cản giặc, một mặt sang ta xin viện binh.
  - Người Chiêm được thái tử Chế-mân truyền cho lòng căm giận giặc dữ, cho nên cả nước Chiêm Thành đang hừng hực như một bể dầu sôi, chỉ cần ném vào đó một tia lửa nhỏ, sẽ trở thành biển lửa, Quốc Tuấn nói với vẻ trầm buồn. Một lát ông quay lại hỏi Đạo Tái:
  - Thế cháu định ở bên đó bao lâu?
  - Trình bá phụ. Việc binh không biết đâu mà hẹn trước. Nhưng ít ra cũng phải giúp người ta đứng vững thì mình mới về được.
  - Cháu nói có lý. Ý chú Chiêu Minh thế nào?
  - Theo tôi, việc binh quí ở thắng chứ không quí ở lâu. Nếu Đạo Tái giúp họ tạo nổi cái thế tự đứng được thì nên rút ngay.
  - Đúng như vậy. Ta nghe Hốt-tất-liệt cử nguyên soái Toa-đô thống lĩnh đại quân đánh vào Chiêm Thành. Nếu bình được Chiêm Thành, thì đạo quân của y cùng với quân Chiêm sẽ đánh tập hậu ta ở mặt nam, còn Thoát-hoan sẽ thống lĩnh đại binh đánh vào mặt bắc. Kỳ này, ta xem Toa-đô không đại thắng Chiêm Thành được, là bởi tuy y có dạn dày bách chiến nhưng y hết sức coi thường địch. Trong khi đó ở Chiêm Thành, cả nước một lòng. Chỉ có điều ta hơi ngại, người Chiêm thiếu tính ngoan cường. Nếu thua trận đầu họ dễ hoảng sợ. Cho nên vương điệt sang Chiêm, điều quan trọng chưa phải trực tiếp đánh, mà chỉ nên thanh viện giúp kế và bình ổn nhân tâm. Nói với người Chiêm, chớ có mắc mưu Toa-đô. Nếu y quyết dốc toàn lực, đánh quỵ đối phương ngay từ trận đầu, thì phải phân tán ra đánh y ở nhiều hướng. Làm cho y mất ăn mất ngủ. Việc đánh Toa-đô phải xuất quỷ nhập thần. Khi y dàn trận, nên tránh. Khi y rút, chặn hậu mà đánh. Nên nhớ, lấy sức mạnh của ta, đánh vào chỗ yếu của địch bao giờ cũng thắng. Người Chiêm Thành giỏi bơi lội, giỏi leo trèo, chỉ nên dùng những đội binh nhỏ mà đánh chớp nhoáng vào lúc giặc bất ngờ nhất. Và phải biết lợi dụng thời tiết nóng ẩm phương nam mà đánh giặc. Nếu như cứ đêm đêm quấy rối, bắn hỏa pháo vào trại giặc, reo hò, chiêng trống, rồi đốt lửa ngoài thành, làm cho quân kia ăn không ngon, ngủ không yên, khiến chúng phải thành cao hào sâu mà thế thủ. Khi chúng đã thế thủ thì tìm triệt nguồn nước, triệt đường tiếp lương. Nói đến đây Hưng Đạo ngừng lời, ông để ý nhìn hai cha con Quang Khải. Trong đáy mắt Đạo Tái ánh lên như là một sự khẩn cầu, còn Chiêu Minh vẫn chăm chú lắng nghe. Quốc Tuấn lại nói:
  - Nếu Toa-đô không thắng mà Chiêm Thành cũng không thua, ấy là lúc vương điệt nên rút quân về cùng với quân của Tĩnh Quốc đại vương ở Nghệ An, để hợp trấn mặt nam. Ta ngờ rằng nếu con không ra sớm, thì Toa-đô sẽ ra trước con.
Hưng Đạo nói với ánh mắt quả quyết, khiến Trần Đạo Tái và Trần Quang Khải đều giật mình - Ý chú Chiêu Minh thế nào? ông quay ra hỏi Trần Quang Khải.
  - Hẳn rằng diễn tiến chiến cuộc sẽ đúng như anh lượng định. Chiêu Minh vương đáp lời, ông nhìn con trai, dặn thêm:
- Con đi chuyến này là muôn khó, muôn khổ. Giúp cho Chiêm Thành không thua tức là thắng. Lại kìm giữ được chân quân Nguyên ở đấy càng lâu, thì ở nhà cha và bá phụ càng có thời cơ chỉnh bị quân lương mà kình chống với giặc. Con nên nhớ, thế nước mình hiện nay đứng được là việc thế gian hy hữu.
  Trần Đạo Tái bùi ngùi. Hưng Đạo nắm lấy tay cháu nói:
  - Phụ thân cháu nói vậy, để cho cháu kiên quyết và thận trọng trong việc binh. Riêng bác nói để cháu yên tâm: khi nào đầu bác và đầu phụ thân cháu còn chưa rơi, thì lũ Mông - Thát chớ có hòng ngự trị được mảnh đất từng thấm máu cha ông ta. Ngừng một lát, Hưng Đạo lại ân cần dặn:
  - Con nên nhớ kỹ một điều. Quân Mông - Thát cực kỳ tàn  bạo. Chúng thường dùng chính sách đốt sạch, giết sạch làm cho dân bản xứ điêu linh, khiếp đảm mà phải qui hàng. Nhưng điều đó không ngại bằng, trong hàng tướng lĩnh quân Nguyên, có bọn tay sai người Hán, mưu kế cực kỳ thâm độc, xảo trá. Không những con phải canh chừng, mà còn phải giúp người Chiêm nhận cho ra những mưu ma quỉ kế của bọn vong quốc, cam tâm làm chó săn cho lũ chủ mới này. Tựa như bọn Sài Thung là tên Hán gian đại gian đại ác mà con đã biết.
Sắp đến giờ xuất phát, Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn đến úy lạo từng quân một. Trong đoàn viện binh được phiên chế thành bốn quân. Mỗi quân đặt dưới quyền điều khiển của một viên đại tướng. Trần Đạo Tái giữ quyền thượng tướng, thống lĩnh cả bốn quân, được trao ấn và cờ tiết.
  ( Từ năm Đinh mão (1267) nhà Trần đã định lại quân ngũ như sau: Mỗi Đô có 80 người. Mỗi quân có 30 Đô, tức là 2.400 người.)
  Chiến thuyền cũng được phân theo từng quân. Mỗi quân mang một sắc cờ: đỏ, vàng, xanh, đen. Thuyền của thượng tướng mang cờ đuôi nheo đỏ có tua vàng. Đội ngũ thật là uy nghi, trùng điệp.
  Trời đầy sao. Trăng hạ huyền mảnh mai như một chiếc vành lược. Trong thôn xóm đã im tiếng chó sủa. Thảng có tiếng gà gáy ở một xóm chài đâu đó lan tỏa trên mặt sông. Giữa lúc mọi người đang náo nức chờ, chỉ còn vài khắc nữa chuyển sang canh, là tới giờ xuất phát. Bỗng có tiếng vó ngựa khua giòn, và một đoàn chừng hơn chục con ngựa ghìm cương đứng ngơ ngác giữa một vùng bát ngát các chiến thuyền.
  Dưới ánh trăng mờ đục, người ta nghe thấy một giọng nữ cất vang với vẻ ngạo nghễ, hách dịch:
  - Quân đâu! Cho ta hỏi chu sư ở chỗ nào?
  Viên đô trưởng tiến lại gần chỗ người con gái quát hỏi. Anh ta dõng dạc nói:
  - Tôi phụng mệnh tuần kiểm trên cửa sông này, ai hỏi han việc quân đều phải trình báo theo luật lệ, không được ăn nói hàm hồ.
  Lập tức người con gái đáp lại bằng một giọng cười giòn tan:
  - Này mấy chú kia. Trời tối om, bọn ta không biết trạm canh ở đâu. Nhưng ta có việc khẩn cấp lắm. Các chú lại đây mà xem hỏa bài, rồi dẫn ta đến ngay chỗ chu sư của thượng tướng. Nàng vừa nói vừa chìa hỏa bài cho viên đô trưởng, và tiếp - Thoắng lên, kẻo lỡ việc là bọn các người sẽ mất đầu đấy!
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #28 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2008, 10:18:24 am »


  Viên đô trưởng bật bùi nhùi lấy lửa soi vào tấm hỏa bài, rồi lôi ngay con ngựa trạm của điếm canh gần đó nhảy phắt lên, miệng nói:
  - Xin các đại nhân theo tôi. Cấp tốc lên, chỉ còn vài khắc nữa là sang canh.
  Quân vào bẩm, Hưng Đạo, Quang Khải, Đạo Tái đều thân ra nghênh tiếp. Bởi ai cũng nghĩ có chế, cáo gì của nhà vua đưa tới. Nhưng dẫn đầu đám kỵ sĩ kia lại là một cô gái. Mọi người đều nhận ra. Trần Đạo Tái nói như reo:
  - Hoàng cô An Tư! Sao hoàng cô lại đến vào giờ này?
Dưới ánh đèn lấp lánh, trông công chúa đẹp như một vị tướng của nhà trời. Nàng vận bộ quần áo bằng nhiễu tím thêu những con phượng màu kim tuyến. Lưng thắt một chiếc đai da rái cá có đính mấy viên ngọc lưu ly tỏa sáng. Ngang lưng dắt một thanh đoản kiếm. Chân nàng đi đôi hia màu xanh thêu đôi hạc trắng mỏ đỏ. Đầu đội mũ kim khôi. Mắt đẹp mà dài như mắt phượng. Khuôn mặt trái xoan có lúm đồng tiền. Mũi thẳng, nhỏ, xinh đẹp, hợp với đôi lưỡng quyền, lại được nước da trắng hồng như trứng gà bóc, cặp môi hơi mỏng, mọng đỏ như tô son. Hai hàm răng nhỏ đều tăm tắp. Nàng cười như nắng lóa.
  Đạo Tái vội đỡ An Tư xuống ngựa. Vừa đặt chân xuống đất, nàng nói luôn:
  - May quá! Vẫn còn kịp. Sang canh mới đi chứ? Nàng hỏi dồn dập qua hơi thở.
  Đạo Tái ngạc nhiên, không hiểu tại sao An Tư lại biết giờ xuất phát, liền hỏi:
  - Sao hoàng cô biết sang canh xuất quân?
  - Tại vừa nãy, tên đô trưởng giục ta phải đi nhanh, kẻo còn vài khắc nữa sang canh thì lỡ. Nói xong An Tư nhìn thẳng vào mắt Đạo Tái, có phần như trách móc - Việc binh mà để cho hạ cấp bép xép thế là không được đâu thượng tướng ạ. Bữa trước ta có đọc: “Vạn kiếp tông bí truyền thư” của Hưng Đạo vương huynh, thấy có nói: “Việc binh cần phải kín nhẹm. Người không cần biết thì không được biết”. Nhưng thôi, đấy là việc của những người làm tướng. Ta vội vã đến đây, cốt để chia tay và có món quà quí tặng vương điệt. Dứt lời, nàng vẫy tay một cái, lập tức có một tráng sĩ xách hai chiếc lồng chim, ngoài phủ vải đỏ bước vào. Tráng sĩ ước chừng hai mươi, hai mốt tuổi. Chàng có khuôn mặt trẻ măng, da thịt chắc nịch, các bắp tay bắp chân nổi cuộn lên như được đúc bằng đồng. Nước da nâu săm sắn. Cặp mắt to, đen láy, lông mày lưỡi mác hơi xếch, cằm vuông, miệng rộng, mũi to, thẳng. Nom chàng đẹp như một pho tượng. Từ nơi chàng toát lên vẻ cường tráng, tự tin, mà oai dũng lạ thường. Chàng đặt hai lồng chim xuống trước Trần Đạo Tái, hơi nghiêng mình vái hai vái. Rồi tiến lên mấy bước, trước Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn, chàng sụp xuống lễ bốn lễ. Hai vương chưa biết chàng là ai, bèn hất hàm hỏi An Tư:
  - Chàng hiệp sĩ này từ đâu tới?
  An Tư bước lên thong dong nói:
  - Bẩm hai vương, bữa trước em có đi chơi vùng núi Tản Viên, gặp chàng trai này đang làm nghễ bẫy chim. Bỗng An Tư ngừng lời - chuyện hơi dài, liệu hai huynh có đủ thì giờ nghe không đã - Hưng Đạo nhìn Quang Khải - Tướng quốc bèn gật đầu. Nàng lại tiếp - Em mải xem quá không để ý, bỗng con nê thông( Giống ngựa Hồ có sắc lông đen, trắng lẫn lộn trông giống như màu bùn. Đây là nòi ngựa hay và có trí nhớ kỳ lạ) em thường cưỡi đây buộc ở một gốc thông gần đó, hý lên một hồi dài hoảng hốt. Em vội quay lại thì đã thấy một con hổ đang lững thững đi về phía em. Sợ quá, em khuyụ xuống ngất đi. Tỉnh dậy, được biết chính là chàng hiệp sĩ này đã phóng một lưỡi dao trúng mắt con hổ. Nó gầm lên và xông thẳng vào chàng. Vật lộn cho đến cuối cùng chàng giết được hổ. Và vực em về sơn trại. Cha chàng là một người săn voi. Hai cha con thường khi mỗi người mỗi phương rừng cách biệt. Để biết tin nhau, chàng đã nuôi và dạy những con chim bồ câu, hằng ngày đưa tin đến cho cha chàng, và đem tin từ chỗ cha chàng về. Có lần, cha chàng bị một đàn voi vây kín các ngả. Ông phải chuyền cành lên tận đỉnh một ngọn cây ở trên chóp núi cheo leo, mà voi không lên được. Nhưng chúng rình phục không cho ông xuống. Chính những cánh chim bồ câu này đã tìm thấy ông già. Và sau khi biết tin, chàng đã đánh lừa được đàn voi đi về phía thung lũng. Nghe chàng nói, trong ngàn dặm, chim bồ câu có thể nhớ đường đi lại. Vì vậy em đem theo cả chàng và những con chim kia cho vương điệt.
Không còn nỗi vui mừng nào hơn thế nữa. Cứ nom gương mặt ba vị tướng kia thì biết. Với Trần Hưng Đạo, từng nếp nhăn bên khóe mắt ông từ từ giãn ra. Toàn khuôn mặt bừng sáng. Ông nắm lấy tay chàng hiệp sĩ lắc mạnh. Trong thâm tâm, ông coi chàng như một người có cánh, một đạo sĩ có chiếc gậy rút đất trong tay. Trần Quang Khải cũng cùng tâm trạng như Quốc Tuấn. Vì rằng, chỉ nhờ vào những con chim kia và “phép lạ” của chàng trai này, tin tức về con ông, về đội quân cứu viện cho Chiêm Thành cùng những gì xảy ra trên đất này và bọn xâm lược Nguyên - Mông, Đạo Tái có thể thông báo về triều, chí ít một tháng đôi ba lần. Chao ôi, ông có đọc ở sách nào đó viết, từ thời Chiến quốc, ở bên Tàu người ta đã biết dùng bồ câu vào việc đưa thư. Song từ đó bẵng đi không thấy nói đến nữa.
  - Nhưng làm thế nào để nhận được thư do chim mang từ Chiêm Thành về, nếu không có một ám hiệu gì đó cho nó nhận biết mà đáp xuống. Hỡi chàng hiệp sĩ hào hùng kia! Nếu chàng đã cứu hoàng cô của ta, nay lại muốn cứu cả binh đội của ta, thì chàng phải cho ta biết “pháp thuật” của chàng chứ? Trần Đạo Tái vui vẻ hỏi chàng trai.
  Chàng cười hồn nhiên, những chiếc răng của chàng trắng bóng, tỏa ra một thứ ánh sáng cùng với luồng sáng nơi tròng mắt chàng, khiến ta cảm như đang đứng trước một thiên thần. Chàng đưa tay lên sờ vào mang tai, và như bẽn lẽn, chàng nói:
  - Có ám hiệu chứ. Dạy cho cô kia biết rồi. Chàng nói và hất hàm về phía An Tư công chúa. Nếu quên - chàng lại nói, về núi Tản Viên hỏi bố tôi ấy. Ông già rành việc nuôi dạy chim và bẫy voi lắm.
  Thời ấy rừng già ăn tận tới các triền sông, ăn ra tới cửa biển. Đâu đâu cũng có rừng. Mà hổ, báo, voi, gấu thì nhiều vô kể. Ngay kế cận đất kinh kỳ, hổ cũng thường về. Còn voi đã từng có trong khu rừng trên một hòn đảo lớn giữa hồ Dâm Đàm.
  Trần Đạo Tái vỗ vai chàng trai hỏi:
  - Chàng có ưng đi với ta không. Đi theo quân, xa ngàn dặm? Mang theo cả những con chim quí của chàng đi.
  - Có chứ, chàng trai nhận lời vẻ thản nhiên - Bố tôi nói rằng, bố của cô kia làm vua của đất này. Vua sai là mình phải nghe chứ. Mình theo các ông đi đánh giặc hả? Chàng gặng hỏi.
  Trần Đạo Tái gật đầu.
  Rõ ràng là chàng trai người dân tộc này chưa biết lễ nghi gì. Nhưng chàng là một người dân với tấm lòng yêu nước hồn nhiên như cây cỏ, khiến các vương đem lòng yêu mến.
  Bỗng gà gáy ran. Đâu đó bật lên một hồi trống. Sang canh nền trời hơi sáng. Tại trung quân, tiếng trống đồng thúc lên hối hả rồi im bặt. Đó là hiệu lệnh xuất quân. Trần Đạo Tái nói lời bái biệt thân phụ, bá phụ cùng hoàng cô. Ông vẫy tay chỉ cho chàng hiệp sĩ xuống lâu thuyền.
  An Tư đặt chiếc dây cương con ngựa nê thông của mình vào tay hiệp sĩ, và nói:
  - Ta tặng chàng con ngựa này, để chàng cỡi trên đường về báo tiệp. Con nê thông không chịu bước xuống thuyền theo hiệp sĩ. An Tư vỗ nhẹ trán nó và ghé tai nói thì thầm điều gì Mắt nó chớp chớp rồi đủng đỉnh bước theo chàng.
Hiệp sĩ cúi đầu chào biết ơn, và đôi mắt chàng nhìn An Từ đau đáu, như một lần nữa ghi trọn dáng hình nàng vào thẳm sâu ký ức.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #29 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2008, 10:20:07 am »


 
CHƯƠNG 12 :



  ”Phú quốc Cường binh sách” của Trần Hưng Đạo dâng hai vua đã được biến thành quốc sách. Tuy một số nhà quyền quý, một số công hầu khanh tướng tỏ ra không hài lòng. Vì họ phải thả bớt nông nô, phải xẻn bớt đất ruộng ra bán chịu cho nông phu. Nhưng đứng trước sự mất còn của non sông đất nước, buộc họ phải chọn lựa. Hoặc là phải bớt đi một phần không đáng kể của cải, tài sản, nhưng quyền uy vẫn không hề giảm sút. Hoặc mất tất cả, và ngay đến bản thân họ cũng phải làm kiếp ngựa trâu cho quân Mông - Thát. Tình thế đất nước, buộc họ phải chấp thuận. Và nữa, triều đình cũng xẻn bớt một phần quốc điền chia cho những người có cha già, mẹ yếu, con thơ phải đi làm việc binh. Lại giành cả phần ruộng đất cho cha mẹ, vợ con những người lính phải bỏ mình ngoài chiến trận trong cuộc chống giặc ngoại xâm. Chính sách ấy ban hành mới được một vụ cấy gặt, xem ra hết thảy trong dân gian đều hồ hởi. Các cụ già đến tám chín mươi tuổi đều nói: “Từ thượng cổ chưa có lệ này. Chưa bao giờ vua lại lo cho dân nhiều đến thê”. Nhà nhà có ruộng. Người người chăm lo cấy cày, vun bón. Lúa tốt chưa từng thấy. Các lộ thượng hạ Hồng, Bắc Giang thượng hạ, Thiên Trường, Nghệ An... đều có sớ về triều tâu nhiều sự lạ. Như kỳ lân, rùa vàng, chim trĩ trắng xuất hiện. Lại lúa trổ một dò hai bông, hạt sai trĩu trịt. Được mùa to. Đúng như Trần Hưng Đạo đã dự liệu: “Nhà nhà bồ lẫm đầy ắp, thóc không còn đủ chỗ chứa”.  Kho đụn của nhà nước cũng phải cơi nới hoặc làm thêm. Sẵn thóc, lệnh  vua lại ban, mỗi nhà phải nhận năm phương lúa kho về xay giã  rồi đồ chín, phơi khô cất giữ cẩn thận làm lương khô, phòng  bị khi nước có giặc, tiện quân qua cấp tốc có thức ăn ngay.
  Lệnh vua ban khắp nước tiến cử người tài bất kể văn, võ đều  được tuyển dụng, sung vào việc quân. Cả nước mở hội thi võ.
Khắp bốn phương, trai tráng đều ra sức luyện rèn, võ, gậy kiếm, cung, đao, trượng, quyền, cước, bơi, lội... Thôi thì không thiếu một môn gì trong thập bát ban võ nghệ, mà đinh tráng không tham gia tập tành, thi tuyển. Rồi nườm nượp các đại hoàng nam, các tiểu hoàng nam, kéo đến cửa các vương, hầu xin được tuyển vào đội tinh binh.
  Chỉ trong vòng sáu tháng, lượng quân đã tăng gấp đôi. Thế nước bắt đầu nổi. Trần Nhân tôn xin với vua cha hội các chư tướng, vương hầu cùng bá quan để bàn kế sách đánh giặc giữ nước. Suy đi tính lại, Trần Thánh tôn nói:
  - Đúng là thế nước đã nổi. Dân chúng hồ hởi. Binh nhiều, lương sẵn. Nhưng binh cần phải tinh luyện nhiều hơn nữa, phải có đủ tướng tài và kế sách thâm sâu. Lại mới đây, Hốt- tất-liệt hối thúc việc mượn đường, cấp lương, đòi quân... Hạn kỳ sắp mãn, các việc ấy bàn ở Thăng Long e không tiện. Vì tai mắt nhà Nguyên đầy rẫy kinh kỳ, quan gia thử xem nên họp mặt nghị bàn ở đâu thì tiện?
Sau một lúc đắn đo suy nghĩ. Dường như đã có sự tính toán chỉn chu. Vua Nhân tôn nhỏ nhẹ nói:
  - Trình phụ hoàng, theo con nên hội ở Bình Than. Vì đây là một vùng sông nước mênh mông, lại có nhiều rừng núi rậm rạp, thủy binh ta ken dầy bốn mặt, quân gian khó mà lọt dược vào do thám. Vả lại, bá phụ con vẫn thường nhắc đây sẽ là vùng chiến trường ác liệt. Nên cho các tướng ra đấy để biết thêm địa hình, và bàn cả kế sách bố trí binh lực luôn thể.
  Một sớm mùa đông. Đã qua giờ dần, mặt trời lẽ ra phải lên cao quá ngọn tre. Nhưng sương mù vẫn giăng trắng xóa. Bốn bề mịt mù sương khói. Cách mươi mười lăm bước, chỉ nghe thấy tiếng nói chứ không nhìn thấy mặt nhau. Được nhà vua triệu, các vương, hầu, các đại thần, các tướng đi thủy, đi ngựa nườm nượp kéo về Bình Than từ chiều hôm trước. Cuộc nghị bàn của triều đình trên đất An Sinh thuộc thái ấp của Trần Hưng Đạo, nên vương vừa có phận sự cảnh giới quân gian, bảo vệ xa giá, vừa chu cấp phục dịch cho quan quân. Mãi tới cuối giờ mão mây mù mới tan hết, lộ ra một vùng nước rộng mênh mang. Xa kia, nơi sáu con sông qui đầu hội tụ. Quanh vùng sông nước bao la là rừng. Rừng bạt ngàn từ mép sông, giăng mắc khắp từ thung lũng tới các đỉnh núi diệp trùng. Bầu trời xanh, cao vòi vọi. Một vùng rộng lớn chỉ có trời, nước và rừng xanh. Thiên nhiên vừa vén lên chiếc màn sương khổng lồ, đã thấy thuyền đậu san sát quanh bến Bình Than.
  Khắp sáu ngả sông dồn về, liên tiếp các trạm quân thủy, các binh thuyền tuần cảnh oai nghiêm. Các tay cung thủ, dao, kiếm tuốt trần, mắt dõi nhìn cảnh giới từ xa. Trên bộ lại càng nghiêm ngặt. Các ngả đường dồn về Bình Than, trại quân đóng ken dầy. Từng tốp, từng tốp, hết bộ binh lại đến kỵ binh thay nhau từng khắc một, tuần hành rậm rịch, bụi cuốn mù đường. Cả mặt thủy, mặt bộ tưởng đến một cánh chim cũng khó lọt vào Bình Than.
  Đây là cuộc hội sư cao cấp, chỉ những người đứng đầu các thái ấp với các tước từ vương, hầu, công, khanh và các quan từ hạng nhất, nhị, tam phẩm cùng các tướng đứng đầu quân ở các lộ, phủ; đứng đầu các quân hổ bôn, cấm vệ, thánh dực... mới được về dự.
Mặt sông cách bờ chừng trăm trượng là bãi đỗ thuyền đông nghịt. Giữa là thuyền ngự. Đó là chiếc thuyền mang hình con rồng khổng lồ, sơn son thếp vàng. Trong các khoang thuyền đều có hàng con tiện chạy quanh, làm cho thông thoáng, có rèm buông với các tua ngữ sắc lấp lánh. Trên thuyền ngự la liệt các tàn, lọng màu vàng, thêu các hình long, ly, qui, phượng. Mắt các con vật thường được đính bằng những viên mã não, đá ngọc phát sáng nhiều màu. Các đồ nghi trượng, đàn bầy oai vệ. Trên đỉnh cột buồm là ngọn cờ lớn thêu hai chữ “Đại Việt” bằng kim tuyến chói vàng. Xung quanh thuyền ngự là thuyền của các vương hầu, tướng lĩnh sơn màu anh vũ hoặc sơn then, có chạm khắc hoặc vẽ các hình phượng múa. Những thuyền áp sát thuyền ngư, là thuyền của các đại vương. Trên mỗi thuyền đều có cắm một lá cờ: Tá Thánh đại vương, Hưng Đạo vương, Chiêu Minh vương, Chiêu Quốc vương, Chiêu Văn vương, Chiêu Đạo vương, Trung Thành Vương, Chiêu Thành vương. . . Kế tiếp là đến các bậc dưới như Nhân Túc vương, Hưng Vũ vương, Hưng Trí vương, Vũ Đạo hầu, Văn Nghĩa hầu, Nghĩa Quốc hầu, Chương Hiên hầu . . . Tiếp đến là công bộ thượng  thư, trạng nguyên Nguyễn Hiền; hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu, bảng nhỡn Lê Văn Hưu... Và nữa là các tướng như Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái...
Quân mới dâng được hai tuần trầu, nước, các vương hầu còn đang thăm hỏi nhau và đàm đạo ngoài lề, chờ xong tuần trà nữa thì nhà vua khai diễn nghị hội. Bỗng Nhân tôn trông thấy một chiếc thuyền lớn chở than, gỗ, đúng lúc nước rặc, gió thổi ngược chiều, làm vén cả vạt áo ngắn của người lái thuyền, phơi ra tấm lưng trần trắng mốc, và chiếc nón lá đội đầu cũng xô cụp xuống mặt. Khi người ấy hất chiếc nón lên, nhà vua ngờ ngợ bèn hỏi đám quan thị thần: “Người kia có phải Nhân Huệ vương không?”. Lập tức sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo đến cửa Đại Than thì kịp. Đám lính bèn đồng thanh hô to: “Ông lái kia, vua sai đòi nhà ngươi”.
Người lái thuyền vẫn đủng đỉnh chèo và đáp lại: “Ta chỉ là người nghèo buôn bán nuôi thân, có việc gì mà gọi đến “. Quân về tâu lại. Nhà vua nói: “Thế thì đúng là Nhân Huệ vương rồi. Người thường tất phải đến ngay”. Nhân tôn lại sai nội thị đi gọi. Không cưỡng được mệnh, Khánh Dư mặt mũi lem luốc màu than, củi, vận áo vải ngắn, đội nón lá ra mắt hai vua.
  Thánh tôn mủi lòng bảo: “Nam nhi cực khổ đến thế là cùng”. Bèn lập tức xuống chiếu tha tội. Lại cho dự bàn việc nước, việc quân. Trông mặt mũi Trần Khánh Dư lúc này, thật đúng là một ông lão bán than chất phác. Nhưng quả thực là một tướng mưu lược. Khánh Dư vốn là con riêng của thượng tướng Trần Phó Duyệt, thực ấp được phong ở vùng Chí Linh. Khi quân Nguyên xâm lược năm Đinh tị (1257), Khánh Dư nhân chỗ sơ hở của giặc, đem quân đánh úp, giặc khiếp đảm. Thượng hoàng (Trần Thánh tôn) khen là người có trí lược, lập làm thiên tử nghĩa nam( Con trai nuôi của vua). Sau đó theo vua đi dẹp loạn người miền núi, thắng to. Thượng hoàng tiếp phong phiêu kỵ đại tướng quân. Đây là tấm lòng ưu ái Thái tôn ban cho, chứ đúng phép nước, chức phiêu kỵ tướng quân, chỉ dành phong cho các hoàng tử có tài cầm quân. Nhưng vì Trần Khánh Dư đã được thiên tử nhận làm nghĩa nam, xét ra không trái luật, nên có mệnh ấy. Rồi từ tước hầu được phong dần mãi lên tử phục thượng vị hầu, quyền chức phán thủ. Lại nhân trong một bữa tiệc mo nang ( Tiệc hóa trang. Uống rượu say, đeo mo nang có vẽ hình các con giống lên mặt nhảy múa, có khi tắt đèn hỗn dâm trong phút chốc. )  Khánh Dư đã tìm cách thông dâm với công chúa Thiên Thụy là vợ của Hưng Vũ vương, con trai cả của Hưng Đạo vương. Việc này gây tai tiếng khắp kinh thành. Lại bấy giờ Hưng Đạo vương binh quyền chất ngất, vua sợ phật ý nên sai trị tội Khánh Dư. Tức là đem Khánh Dư ra đánh chết ở hồ Dâm Đàm. Nhưng lại ngầm dặn đám quân hiệu nới tay, chớ có đánh đau quá để không đến nỗi chết. Khánh Dư tuy không phải tội chết, nhưng bị lột hết quan chức, sản nghiệp bị tịch thu, rồi đuổi về quê quán. Bởi thế, Khánh Dư phải lam lũ, sống bằng nghề đốt than và buôn bán than củi.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM