Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:39:50 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên  (Đọc 19084 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2017, 03:41:08 pm »


Không bao lâu Nam Kinh lại có cuộc cách mạng lần thứ hai. Ông đi Thượng Hải, mưu liên kết các đồng chí tổ chức một đội quân đánh Viên Thế Khải. Đang còn sắp đặt công việc thì thời cuộc biến đổi nên ông lại bỏ dở. Ông lại trở về Quảng Đông rồi lén về nước ta đưa một nhóm thiếu niên độ hơn 10 người, trong đó có Hoàng Trấn Đông, đồng thời xuất dương và quân dinh Lưỡng Việt (Quảng Đông, Quảng Tây), còn ông thì lên Bắc Kinh vào Quan quân học hiệu. Chí ông là muốn được "về Long thành uống máu quân thù, không thì da ngựa bọc thây cũng đành". Lúc nào nằm nghĩ Quyến cũng không quên điều đó.

Theo Lương Dân Nguyên, con trai của Lương Ngọc Quyến thì khi ở Trung Hoa, Lương Ngọc Quyến có nhiều bí danh trong đó có một tên là Hồng Hy Cao. Ông được Phan Bội Châu quý mến vì có tài viết bút đàm nhanh, nên đi đâu Phan Bội Châu cũng cho ông đi theo. Ông cũng được các bạn Trung Hoa kính phục, trên báo Trung Hoa lúc bấy giờ đã có người viết bài khen ngợi ông.

Theo ông Trần Đình Sóc (cháu gọi Lương Ngọc Quyến bằng chú) kể lại rằng: Khi chưa xuất dương, Lương Ngọc Quyến có đến liên lạc với cụ Nguyễn Hữu Cương ở thôn Động Trung, huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình, là một bạn đồng chí của Lương Văn Can. Biết cụ Cương có con gái út là Nguyễn Hồng Đính, ông Lương Văn Can bèn xin gả cho Lương Ngọc Quyến. Bà Đính từng đã học chữ Hán, có chất cứng cỏi như đàn ông cũng đang có ý định xuất dương, vì thế cụ bà Cương đồng ý gả con gái cho Lương Ngọc Quyến (khi đó cụ ông vì hoạt động cách mạng nên đã bị Pháp đem an trí tại Cần Thơ). Cụ Cử Can phải tìm cách đưa bà Đính từ Móng Cái sang Đông Hưng để làm lễ thành thân với Lương Ngọc Quyến, sau đó ông Quyến đưa bà sang Trung Quốc ở. Đến năm 1912 bà sinh một con trai là Lương Dân Nguyên, đến năm Quý Sửu (1913) lại sinh một con trai là Tân Khải. Bà Đính rong ruổi theo chồng đi khắp nơi từ Thượng Hải, Hàng Châu, Hương Cảng cho đến Ngô Lĩnh trên đất Trung Hoa.

Hai lần Lương Ngọc Quyến bí mật từ Trung Hoa về nước để lo việc tiếp tế tài chính cho Quang Phục hội và tuyên truyền vận động trong nước, ông đều ghé qua nhà chị ruột bà Đính là Nguyễn Phượng Trừu (thân mẫu ông Sóc) để nhờ bà Trừu dẫn sang Đông Trung. Theo ông Sóc kể lại thì Lương Ngọc Quyến là người phương phi, trắng trẻo, đầy đặn, khi giao thiệp rất ôn tồn, hòa nhã nhưng tính tình rất quả quyết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2017, 03:41:57 pm »


Đến Bắc Kinh ông vào học ở trường Quân quan được mấy tháng, nhận thấy chương trình đã học ở bên Nhật cả rồi, liền bỏ trường ở Bảo Định mà đi Võ Xương. Đến đây ông được Lê Nguyên Hồng thu nạp bổ chức thiếu tá coi một lữ đoàn lục quân.

Nhận ra mấy việc nhận chức vụ này không đem lại lợi ích thiết thực gì, Ngọc Quyến bèn từ chức ở Hán Khẩu trở về Quảng Đông tìm kiếm đồng chí ở Việt Nam đã thành lập do chính Phan Bội Châu phụ trách. Đó chính là tổ chức Việt Nam Quang Phục hội mà Lương Ngọc Quyến đã được cử làm ủy viên quân vụ trong bộ chấp hành. Không ngờ cơ quan lại bị phá vỡ do cuộc giao thiệp khôn khéo giữa toàn quyền Xa-rô với Long Tế Quang đô đốc ở Quảng Đông lúc ấy. Long Tế Quang vừa được hối lộ nhiều vừa sợ Pháp uy hiếp liền hạ lệnh giải tán cơ quan cách mạng của Việt Nam ở Quảng Châu và lệnh bắt giam những người trọng yếu. Trong đó có Phan Bội Châu, Mai Lão Bạng... Lương Ngọc Quyến liền đi Quế Lâm và Nam Ninh tìm gặp các đồng chí chạy về các nơi đó để mưu hành động. Lúc này cục diện châu Âu đã bắt đầu sôi nổi. Đức ngầm tổng động viên sửa soạn đánh Pháp. Cho là cơ hội đã đến, các đồng chí ở Quế Lâm bàn định kiếm một số tiền lớn; phần mua, phần mượn khí giới của cách mạng Trung Hoa, mộ dân Trung Hoa ở biên giới tổ chức thành mấy đội quân phục quốc. Lúc đó Lương Ngọc Quyến và mấy đồng chí có học thức, có kinh nghiệm quân sự lĩnh việc huấn luyện chỉ huy.

Vào khoảng giữa năm Giáp Dần (1914), Lương Ngọc Quyến đáp tàu ở Hương Cảng về thẳng Chợ Lớn, ở trà trộn với xã hội Hoa kiều, dò thăm tin tức đồng chí. Sau đó ông đến nhà Nguyễn Thượng Khách ở Mỹ Phước gần Châu Thành - Long Xuyên bàn bạc với các đồng chí về phương châm đánh Pháp. Nhiều người cho rằng lúc này có thể thừa cơ nổi dậy nhưng Lương Ngọc Quyến thấy cần phải chuẩn bị lực lượng trước đã. Các đồng chí đều tán thành ý định của Lương Ngọc Quyến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2017, 03:42:21 pm »


Mùa thu năm Giáp Dần (1914), ông từ giã Long Xuyên, xuống tàu thủy lên Nam Vang thăm cha già đã cách biệt 10 năm, định là sẽ từ Nam Vang đi đường bộ lên Bát Tam Băng qua Thái Lan rất tiện. Nhưng lên Nam Vang mới ở có vài ngày đã có tin mật báo cho hay Pháp hiện đang truy nã ráo riết, vì hành tung bị lộ. Đầu tiên ông định chạy thẳng sang Thái Lan nhưng nghĩ sang Thái Lan lúc này cũng nguy. Vì bà con ta thù ghét chính sách đô hộ trốn sang Thái Lan nhiều, cho nên Pháp tổ chức việc do thám rất chặt chẽ. Ngay trong đại sứ quán Pháp tại Băng Cốc có một cơ quan riêng để dò xét hành động của những người Việt Nam yêu nước. Nghĩ vậy ông trở xuống Sài Gòn lẩn lút ở Chợ Lớn vài tuần mới thu xếp được việc trốn sang Hương Cảng. Ông nghĩ Hương Cảng là tô giới Anh mà nước Anh vốn được tiếng là tôn trọng công pháp quốc tế đối với chính trị phạm, sang đây hẳn không lo có điều gì bất trắc xảy đến. Khi đến Hương Cảng, ông lên bờ ngụ ở một nhà trọ quen, đang mừng thầm đã thoát khỏi nguy hiểm, bỗng một buổi sớm bọn cảnh sát mật thám Anh rầm rộ vây nhà bắt ông và dẫn đi.

Trước mặt viên cảnh sát trưởng Anh, ông giữ thái độ bình tĩnh không lộ vẻ gì hốt hoảng, một hai nói mình là người Trung Hoa làm ăn lương thiện.

Mặc cho ông chối cãi, ty cảnh sát chính trị Anh cứ cho giải ông đến đối chất ở Lãnh sự quán Pháp. Sự thật chính là viên Lãnh sự Pháp nhờ mật thám Anh ở Hương Cảng bắt hộ.

Tại đây ông hết sức biện bạch mình là người Trung Quốc. Người chủ nhà trọ và một số người bạn Trung Hoa cũng làm chứng giúp ông điều đó.

Không ngờ sau khi Ngọc Quyến bị bắt vài hôm thì em ruột là Lương Nghị Khanh cũng đi học bên Nhật. Từ Hoành Tân đến Hương Cảng, Nghị Khanh ở dưới tàu thủy lên chở ba hòm sách vở cùng hành lý về nhà trọ của anh thì mới biết anh lâm nạn. Người vốn ốm sẵn, Nghị Khanh thấy nhà trọ chật chội không thể ở chung được bèn gửi tạm hành lý ở đó tất tả đi tìm mấy đồng chí Trung Hoa lấy nơi trú ngụ dưỡng bệnh, đồng thời loan báo cho họ tìm cách giải thoát cho anh là Ngọc Quyến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2017, 03:42:43 pm »


Trong thời gian ấy, cảnh sát Anh thình lình đến khám xét chỗ trọ của Lương Ngọc Quyến. Mở mấy hòm hành lý Nghị Khanh đã gửi, chúng vớ được những hình ảnh thư từ mà Lương Ngọc Quyến gửi cho em trong khoảng mấy năm gần đó mà Nghị Khanh trân trọng giữ lại coi như những kỷ vật quý, có cả mấy bức ảnh hai anh em học với nhau ở Đông Kinh và khi Lương Ngọc Quyến còn đóng thiếu tá trong quân đội Hán Khẩu. Thế là đầy đủ tang chứng, vật chứng.

Mấy hôm sau, nhà đương cục Anh ở Hương Cảng hạ lệnh trục xuất cảnh ngoại, cho giải Ngọc Quyến xuống tàu đưa đi Quảng Châu Loan để che mắt thế gian nhưng thực tình là chúng bí mật thông tin cho bọn Pháp đón lấy mà bắt.

Ngọc Quyến bị giam ở Châu Loan mất vài tháng sau đó chúng giải ông về Đông Dương. Lúc đầu ông bị giam trong xà lim hỏa lò Hà Nội để chờ xét lại án cũ. Sau đó chúng giải ông lên Cao Bằng, ra trước tòa án binh họp tại đó để trả lời về một vụ đánh cướp đồn lính ở biên thùy Quế Việt mà chúng dò biết là chính ông là người chủ động. Tòa án binh muốn kết án nhưng không đủ bằng cớ nên phải tha bổng.

Sau đó chúng lại đưa ông về Nam Định gặp tên công sứ Tít-gô, tên này kiêm chức chủ tịch hội đồng đề hình của Pháp. Tít-gô dụ Lương Ngọc Quyến không thành công, biết Quyến có thân nhân ở Nam Định nên chúng gọi bà Nguyễn Phượng Trừu lên, bảo bà khuyên em rể đầu hàng chính phủ. Bà Trừu từ chối nói: "Con em tôi hư, gia đình tôi đuổi đi, nó lấy người nào tôi không biết". Không biết làm thế nào chúng lại đưa Ngọc Quyến trở về Hà Nội giam vào hỏa lò chờ xét xử. Tuy không đủ chứng cớ về việc Ngọc Quyến tham gia vào các cuộc cách mạng bạo động từ năm 1906 trở lại đây, chúng vẫn kết án ông chung thân cầm cố. Dù án đã kết, toàn quyền Xa-rô và chánh ty liêm phóng Đông Dương vẫn cho người vào ngục thuyết phục ông, nếu chịu quy thuận thì sẽ hủy bỏ án. Ông trừng mắt nhiếc mắng thậm tệ kẻ làm thuyết khách cho Pháp. Nằm trong xà lim khi thì ông cất tiếng bi ca khảng khái, khi thì chửi rủa bọn thực dân. Vì thế bọn thống trị ghét ông cay đắng. Cũng từ đó chúng lệnh riêng cho tên giám ngục đối đãi một cách cực kỳ tàn bạo đối với Ngọc Quyến để ông phải chết dần, chết mòn hơn là xử chém ông.

Chúng giải Ngọc Quyến đi khắp nơi, nay đề lao Sơn Tây, mai nhà ngục Phú Thọ, đến đâu cũng giam cùm ở một xà lim hết sức chật hẹp bẩn thỉu. Suốt ngày không có lấy một phút được trông thấy ánh sáng mặt trời. Hơn bốn tháng ở ngục Phú Thọ, Ngọc Quyến phát ốm phát điên. Bấy giờ chúng lại giải ông về hỏa lò Hà Nội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2017, 03:43:04 pm »


Trong nhà lao, Lương Ngọc Quyến vẫn không ngừng tuyên truyền cách mạng cho những người xung quanh. Để ngăn chặn sự tuyên truyền cách mạng ấy, ngày 19 tháng 10 năm 1915, ngày 9 tháng 2 năm 1916 và ngày 26 tháng 2 năm 1916 thống sứ Bắc Kỳ có thư ngỏ ý với toàn quyền Đông Dương của Pháp là nếu không đưa Lương Ngọc Quyến đi giam tại Côn Đảo mà cứ giữ tại hỏa lò Hà Nội thì rất nguy hiểm.

Ngày 3 tháng 3 năm 1916, toàn quyền trả lời thống sứ là theo thống đốc Nam Kỳ thì nhà tù Côn Đảo đã chật ních cả rồi, không còn chỗ giam thêm nữa. Giữa lúc ấy thì một loạt các nhà tù khác mới được xây dựng xong. Nhưng thống sứ Bắc Kỳ cho rằng không thể đem giam Ngọc Quyến tại nhà lao Cao Bằng, Lai Châu hay đảo Trà Bản được vì những nơi này hoặc là tiếp giáp với biên giới, hoặc là thiếu nhà cửa, không được đảm bảo, mà Quyến thì lại là một trong nhũng người có lòng quyết tâm, ở những nơi đó rất dễ nảy sinh ý đồ vượt ngục. Trái lại ở nhà lao Thái Nguyên có nhiều bảo đảm hơn, (nhà lao này được bố trí tốt, giám ngục là một viên chức người Pháp ở trong chính ngạch, lại đặt dưới quyền điều khiển của một viên công sứ "mẫn cán tinh tường và cương nghị'').

Ngày 25 tháng 7 năm 1916, Lương Ngọc Quyến bị đưa lên giam tại nhà lao Thái Nguyên. Công sứ Thái Nguyên hồi bấy giờ tên là Đạc - một tên đứng đầu trong tứ hung. Đạc đọc lại hồ sơ của Lương Ngọc Quyến thấy kể lại lai lịch con nhà văn thân, toàn gia phản đối nước Pháp, lại là thanh niên Đông Du tốt nghiệp ở trường võ bị nọ kia, trong lòng hắn vô cùng căm ghét nên lập tâm hành hạ đến cùng cực. Ban đầu hắn bắt đi làm khổ sai mà cổ vẫn đeo gông, chân vẫn đeo xiềng nặng nề hơn những anh em tù nhân khác. Tự hắn đứng bên ốp việc, sừng sộ ngược đãi đủ cách, chỉ sợ Ba Quyến thừa cơ tuyên truyền cách mạng cho dân chúng hoặc là trốn thoát. Sau hắn sai dùng dùi đục thủng ở giữa bàn chân Quyến một cái lỗ để buộc dây xích cho được chắc chắn hơn là vòng quanh cổ chân. Khổ hình ấy làm cho bàn chân Quyến tê liệt hẳn, không cử động gì được nữa. Đến lúc què hẳn không phải ra ngoài làm khổ sai nhưng trong xà lim vẫn cùm xích đêm ngày. Lúc nghe viên giám ngục người Pháp đến báo cáo rằng tên tù chính trị Ba Quyến mắc bệnh tê bại và hỏi có nên nới bớt lệ cùm đôi chút không, Đạc hất hàm trả lời sừng sộ: "Mặc kệ, cứ cùm, chết thì chôn".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2017, 03:43:30 pm »


Ở Thái Nguyên hồi ấy có một trại lính khố xanh, trong số tính khố xanh ở đây có một viên đội tên là Trịnh Văn Đạt (thường gọi là Đội Cấn). Đội Cấn thấy lính tráng và tù phạm đi làm cỏ về thường bị tên Đạc đánh đập tàn nhẫn, đánh đến máu thịt tơi bời không kể sống chết. Đội Cấn lấy đấy làm bất bình, chẳng những oán ghét một mình Đạc, lại căm thù chung cả chính sách áp chế của Pháp. Có hôm Cấn nói riêng với Giá là bạn thân của mình:

- Chẳng trách các ông bên đề lao kia họ làm cách mạng!

Đề lao Thái Nguyên hồi bấy giờ có 210 tù nhân, trong đó có 21 người là chính trị phạm. Ngoài Lương Ngọc Quyến còn có Ba Chi, Cả Thấu, Hai Vịnh, Nguyễn Gia Cầu, ông Tú Hồi Xuân, Ba Nho, Ba Quốc, Ba Lâm... Người thì can vào vụ ném bom năm 1913, người thì là bộ tướng của Đề Thám, hay bị bắt trong vụ Duy Tân.

Đội Cấn có lòng kính mến những người đã vì việc nước mà bị tù tội, cho nên thường tìm cách giúp đỡ họ. Có mấy người tù nhẹ vẫn đi ra ngoài để làm việc hoặc làm lính canh gác đề lao. Nhất là đối với Lương Ngọc Quyến, Cấn tỏ lòng kính trọng vô cùng bởi Cấn hiểu rõ gia thế, học thức của ông. Ngọc Quyến cũng biết Cấn là người hữu tâm với Tổ quốc cho nên ra sức khích lệ, hứa sẽ đem hết tài năng giúp đỡ một khi mưu đồ việc lớn. Với tư cách là ủy viên quân sự của Bộ chấp hành Việt Nam Quang Phục hội, Lương Ngọc Quyến đã đem tôn chỉ mục đích của Hội trình bày với Đội Cấn. Thế là Đội Cấn tự nguyện đứng dưới lá cờ của Việt Nam Quang Phục hội. Ông Quyến báo cho Đội Cấn biết là nếu ở trong nổi dậy thì quân Quang Phục ở ngoài sẽ có thể tiếp ứng.

Hai người trao đổi ý kiến tổ chức cuộc khởi nghĩa, kế hoạch này được anh em lính tráng, tù nhân tập hợp lực lượng giữ gìn kín đáo, tai mắt Tây đặt khắp nơi mà chẳng hay biết gì cả.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2017, 03:46:15 pm »


Khi ông sắp sửa khởi sự, có làm một bài thơ bát cú như sau:

      Học hải cần thư lịch kỷ thu
      Nam quan hồi thủ tứ du du
      Bách niên Tổ quốc quy hồ lỗ
      Thất xích tàn khu phó bích lưu
      Tư thế bất phùng minh thánh hữu
      Lai sinh thả báo phụ huynh cừu
      Thử hành hoạch yết Lam Sơn đế
      Hoán khởi trùng tiêm Pháp tặc đầu.


      Sau này Đào Trinh Nhất dịch như sau:
      Bể học xông pha trải bấy lâu
      Thân tù ngoảnh lại nghĩ mà đau
      Trăm năm đất Tổ về quân mọi
      Bảy thước thân tàn mặc nước sâu
      Bạn tốt đời nay sao vắng cả
      Thù nhà kiếp khác dễ quên đâu
      Hồn ta được gặp Lam Sơn đế
      Quyết mượn oai linh chém Pháp đầu.

Khi Quyến đang ngồi trong xà lim, bị Pháp dùng đinh đóng xuyên từ trên mu bàn chân xuống siết chặt lấy cùm, thì anh họ ông tên là Lương Văn Bao được mẹ ông cử lên Thái Nguyên thăm ông. Gặp anh, Lương Ngọc Quyến xúc động hỏi thăm về tình hình Hà Nội, tình hình gia đình.

Vừa lúc lính canh không để ý, Quyến dúi cho anh một nắm giấy vụn.

Ngay đêm ấy ở tại một quán trọ của Thái Nguyên, ông Bao đã mượn của chủ quán một ngọn đèn, lên gác hai phòng thuê riêng của mình để xem rõ nắm giấy kia thì đó là một nắm giấy tạp nham, vừa là giấy gói thuốc lào, giấy gói chè, giấy báo vụn, giấy bản cũ... có mảnh bé lắm chỉ bằng hai ngón tay, mảnh nào cả hai mặt cũng viết chữ Nôm chằng chịt. Suốt đêm dưới ánh sáng của ngọn đèn bấc tù mù, Lương Văn Bao đã ghép từng mảnh giấy đó lại rồi theo đó ghi lại thành một bài thơ hoàn chỉnh. Đó là bài thơ của Lương Ngọc Quyến gửi về cho vợ. Thì ra bà Nguyễn Hồng Đính khi chồng về nước vẫn ở lại Trung Quốc, đến khi nghe tin bố chồng là Lương Văn Can bị bắt và đày sang Nam Vang, đến lượt chồng cũng bị bắt nốt bà đã không quản gian nan lặn lội, rời Trung Quốc về Nam Kỳ rồi sang Nam Vang phụng dưỡng bố chồng trong khi bà cụ Lương Văn Can vẫn ở Hà Nội. Khi ấy người vợ Lương Ngọc Quyến lại có mang đứa con thứ ba và thân sinh của bà (cụ Ấm Cương) cũng vì hoạt động cách mạng mà bị Pháp an trí ở Cần Thơ. Bài thơ được gửi đi Nam Vang thì sau đó mấy ngày cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên bùng nổ. Đây là bài thơ ông thể hiện niềm lạc quan vào tiền đồ cách mạng:

      Lòng người đã trung thành sốt sắng
      Giời xanh kia ắt chẳng phụ mình
      Mai sau bĩ cực thái hanh
      Kéo cờ độc lập giữa thành Thăng Long
      Ba mươi triệu Lạc Long tôn tử
      Bốn nghìn năm lịch sử quang vinh
      Giời Nam rực rỡ văn minh
      Sơn Hà rửa sạch hôi tanh giặc thù...
      ... Nợ trung hiếu nay đã đền đủ
      Chí tang bồng chẳng phụ làm trai
      Khi nên trời cũng chiều người
      Nàng ơi! Xin nhớ lấy lời tình chung...

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2017, 03:46:48 pm »


Cuộc khởi nghĩa nổ ra vào khoảng 11 giờ đêm 30 đến rạng sáng ngày 31 tháng 8 năm 1917. Theo kế hoạch tập đoàn khởi nghĩa đã giết được tên giám binh Nô-en và tên tay sai tin cẩn phó quản Lạp, tuyên bố khởi nghĩa trước sự đồng tình hoàn toàn của quân lính. Sau đó nghĩa quân phá nhà tù, giết chủ ngục, giải phóng cho các tù phạm, đầu tiên là Ngọc Quyến. Đội Giá sai mấy người lính hộ vệ ông sang ngay trại lính khố xanh, nơi Đội Cấn đang chờ đợi. Ba Chi, tướng chỉ huy trong nghĩa quân Đề Thám phải cõng ông vì ông bị cùm ác liệt lâu ngày nên một chân què liệt. Lúc tới nơi ban lãnh đạo khởi nghĩa đã chờ sẵn và mời ông cùng ngồi với Đội Cấn.

Đội Cấn mở hội đồng quân sự ngay lúc bấy giờ, toàn thể đồng chí mời Cấn làm Thái Nguyên Quang Phục quân Đại đô đốc, phụ trách mọi việc quân. Lương Ngọc Quyến thì làm quân sư, chỉ ngồi một nơi bàn soạn chiến lược định đoạt binh cơ chứ không xông pha trận mạc được như mọi người.

Theo ông Quyến đề nghị Quang Phục quân lấy cờ năm ngôi sao làm hiệu cờ cách mạng, lấy quốc hiệu là Đại Hùng. Sáng sớm, tờ Tuyên ngôn thứ nhất dán khắp tỉnh thành hiểu dụ cho dân trong tỉnh được rõ mục đích lính ta khởi nghĩa và khuyên ai nấy an cư lạc nghiệp. Kế đến hôm sau, tờ Tuyên ngôn thứ hai, hiệu triệu cả đồng bào quốc dân, nên thừa lúc này Pháp đang nguy khốn ở châu Âu mà vùng dậy đánh đổ chế độ đô hộ, lấy lại độc lập tự do.

Lương Ngọc Quyến đã đem hết khả năng giúp đỡ Quang Phục quân trong việc bố trí phòng thủ. Ban chỉ huy chia làm tám đội, lập thành tám phòng tuyến để chuẩn bị chống giặc: năm phòng tuyến ngoài tỉnh do Lương Ngọc Quyến làm chỉ huy trưởng, ba phòng tuyến trong tỉnh do chủ tướng Cấn làm chỉ huy trưởng.

Nhưng từ ngày mùng 2 trở đi, ngày nào quân địch cũng tấn công dữ dội. Ngay từ phút đầu Lương Ngọc Quyến cùng chia sẻ nguy hiểm với Đội Cấn, thân ra trước hàng trận chỉ huy tác chiến. Hai ngày đầu, việc đi lại đều có xe tay cho ông, nhưng khi cuộc chiến đấu gay go thì ông phải bò từ địa điểm này qua địa điểm khác. Thấy ông què chân, Đội Cấn khuyên ông nên ở lại trong trại nhưng ông không nghe. Có hôm các bạn đồng chí tưởng ông tử trận ở ngoài cổng tỉnh, nhưng hôm ấy ông vẫn trở về trại muộn với một vết đạn ở cánh tay.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2017, 03:47:12 pm »


Từ chiều ngày mùng 4, giặc Pháp mang hơn 300 lính Tây và 500 lính tập ở các nơi đến, đủ cả súng liên thanh, đại bác, đồng thời hai mặt tấn công bắn vào trận tuyến của ta. Nghĩa quân chống lại cực kỳ anh dũng nhưng vì quân của ta thế lực đều không nhiều, kém khí giới lại không có tiếp viện. Giao chiến với địch mấy đêm ngày vất vả nên mỗi lúc thấy mệt mỏi và nao núng thêm. Đến trưa mùng 5 tháng 9 dương lịch, Đội Cấn liệu thế không giữ nổi nên truyền lệnh cho quân sĩ bỏ tỉnh thành rút đi. Đội Cấn đặt võng cáng sẵn sàng để đưa ông đi theo nghĩa quân nhưng ông nghĩ đại sự đã hỏng mất rồi, mà bản thân mình lại mang tật không muốn làm bận bịu thêm nữa, nên toan tính trước cho cuộc đời ngắn ngủi của mình.

Tuy chỉ giải phóng được Thái Nguyên vẻn vẹn có bảy ngày rồi bị địch dìm trong biển máu, nhưng cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên vẫn là điểm son rực rỡ nhất của phong trào yêu nước theo đường lối bạo động. Điểm son ấy đã kết thúc một cách oanh liệt phong trào yêu nước trong hai thập niên đầu của thế kỷ XX.

Cái chết của người anh hùng Lương Ngọc Quyến cho đến tận bây giờ vẫn là một ẩn số đối với các nhà nghiên cứu lịch sử. Đã có nhiều giả thiết về cái chết đầy bi tráng này. Có người nói ông đã hy sinh trong lúc đánh nhau với giặc nhưng có người nói ông đã chết trong một trường hợp vô cùng oanh liệt: Từ khi thoát khỏi nhà tù, ông Quyến chân đau nên mỗi khi đi đâu phải có người võng theo. Tới khi nghĩa quân rút ra ngoài tỉnh, ông Cấn vẫn phân công người võng ông Quyến đi. Nhưng ông Quyến nhất định xin được tự tử để khỏi phiền cho nghĩa quân trong lúc hành binh. Khuyên giải mãi không được, Đội Cấn đành chuẩn theo lời yêu cầu của ông Quyến. Để ông Quyến đứng trang nghiêm ở giữa đồi rồi một đội thổi kèn và bồng súng chào trước khi chĩa súng tiễn đưa người chiến sĩ đã hy sinh vì nước. Trong hai truyền thuyết kể trên, có lẽ nhiều người muốn tin truyền thuyết thứ hai, vì nó tô điểm thêm cho sự hy sinh vẻ vang của người chiến sĩ cách mạng. Nhưng một số nghĩa quân đã dự trận này nói lại thì chính họ đã nhìn thấy xác ông Quyến trên chiến trường cùng với nhiều xác khác. Dầu sao cái chết của ông Lương Ngọc Quyến cũng là cái chết trong chiến đấu và chết vì Tổ quốc.

Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đã phản ánh mâu thuẫn gay gắt giữa toàn thể nhân dân ta với thực dân Pháp. Mặc dù thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa đã thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc, nó góp phần cổ vũ phong trào kháng Pháp của nhân dân ở khắp nơi. Trong đó, hai thủ lĩnh Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến có vai trò lớn trong tổ chức, lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh. Hai ông đã nêu cao tấm gương sáng ngời cho hậu thế. Bình luận về Lương Ngọc Quyến "Việt Nam nghĩa sử” viết: "Thân không đầy bảy thước mà lòng mạnh bằng muôn người, tuổi không quá bốn tuần mà tinh thần suốt muôn thuở, người như thế ấy há lại không khó lắm ru! Lương Lập Nham gần như thế đấy". Câu ấy thực đáng khắc làm mộ chí của Lương Ngọc Quyến vậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2017, 09:57:20 am »


Câu hỏi 14: Bản Tuyên ngôn thứ nhất của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng đối với binh lính và nhân dân tỉnh lỵ Thái Nguyên và là một tài liệu vô cùng quý. Vậy ai là người viết “Tuyên ngôn thứ nhất" phát hồi nửa đêm lúc mới khởi nghĩa? Hãy nêu toàn văn bản tuyên ngôn này?
Trả lời:


Nhiều người cho rằng bản "Tuyên ngôn thứ nhất" của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên là do Lương Ngọc Quyến thảo, nhưng thực ra không phải như vậy. Theo điều tra của công sứ Đạc, vì vắng mặt ở tỉnh thành Thái Nguyên đêm hôm đó nên thoát chết thì tờ "Tuyên ngôn thứ nhất" phát lúc nửa đêm hôm 31 tháng 8 năm 1917 là do các đồng chí khởi nghĩa đã họp nhau lại soạn thảo, lúc đó có Lương Ngọc Quyến nhuận sắc. Còn tờ Tuyên ngôn thứ hai thì do một mình ông viết.

Nội dung nguyên văn của bản Tuyên ngôn thứ nhất như sau:

Tuyên ngôn thứ nhất phát hồi nửa đêm lúc mới khởi nghĩa.

Đại Hùng Đế quốc năm thứ nhất, tháng 7 ngày 14.

Thái Nguyên tỉnh Quang Phục quân Đại đô đốc Trịnh, bố cáo cho dân chúng đồng bào được biết:

Nước Việt Nam nhà ngày nay gồm trong cõi Đông Dương, nguyên xưa là đất Tượng Quận. Dân tộc ta vốn dòng dõi rồng tiên. Ruộng đất ta vốn phì nhiêu, dài mấy trăm vạn dặm đầy những núi non linh tú. Kể từ Hồng Bàng lập quốc đến giờ, lịch sử truyền nối hơn bốn nghìn năm, trải các triều đại Kinh Dương Vương, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý, Trần, Hậu Lê rồi đến bản triều Nguyễn Thị, mỗi đời kế tiếp mở mang bờ cõi thêm to, điểm tô non sông thêm đẹp. Phải biết tổ tiên ta đã tốn bao nhiêu thông minh, bày tỏ biết bao nhiêu nghị lực, hy sinh bao nhiêu máu thịt, mới xây dựng được nên giang sơn gấm vóc này để cho chúng ta.

Chẳng may đến giữa thế kỷ XIX vừa rồi, Pháp tặc ở châu Âu sang, giả lấy danh nghĩa thông thương, truyền giáo, cướp mất hương hỏa quý báu của ta.

Thừa cơ lúc đó triều đình ta còn mài miệt trau dồi lối học khoa cử từ chương, không lo gì võ bị, chúng giở ngay thủ đoạn bạo ngược xâm lăng nước ta. Thoạt tiên chiếm đoạt sáu tỉnh Nam Kỳ, rồi sau dần dần sinh chuyện cướp nốt Trung, Bắc. Chúng ra tay tàn sát những người có nhiệt tâm yêu nước, phá hủy đền đài, thành quách ta, bóc lột tiền tài sản nghiệp ta.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM