Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 03:27:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên  (Đọc 19182 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2017, 09:58:02 am »


Cũng may ta còn có những bậc anh hùng chí sĩ, những người danh vọng tài năng, biết đồng tâm hiệp lực, kháng cự lũ giặc ngoại xâm. Binh lực chẳng có mấy, khí giới rất tầm thường, thế mà các nhà cách mạng tiên phong ấy đã từng chiếm giữ được ít nhiều chỗ hiểm yếu để làm căn cứ mà đương đầu với giặc khá lâu. Ta kể ví dụ như ông Hoàng Hoa Thám một thời oanh liệt ở Nhã Nam, hay ông Phan Đình Phùng mười năm kháng chiến ở Hà Tĩnh, ấy là chứng cớ hiển nhiên.

Có điều các vị anh hùng dân tộc ấy có chỗ thủ hiểm vững vàng mà không gặp được thời cơ may mắn; đến nỗi ngoại viện là sự rất cần dùng thiết yếu mà cũng không có. Thành ra khí giới thiếu thốn, lực lượng yếu dần, trước sau đều bị quân địch tiêu diệt. Từ đó tới nay, tấm gương anh dũng của các vị tiền bối, không thấy người nào có đủ tài lực nối chí làm theo.

Ngoài những người lỗi lạc hy sinh như thế trong xứ ta còn lại toàn là anh em quê mùa, chất phác, vô học, nhắm mắt chịu ép một bề. Pháp tặc không còn trở lực gì phải kiêng kỵ nữa, tha hồ hoành hành bạo ngược: thôi thì phá hoại ngay luật lệ tự chúng đặt ra; áp dụng những thói bán quan buôn chức; tìm đủ cách làm cho nòi giống ta càng ngày càng đi đến họa diệt chủng; kết án cực nặng; hành vi tột bực dã man; luôn luôn nói chuyện hứa hẹn khi trả lại còn tàn nhẫn đến nỗi khai quật cả lăng tẩm một vị tiên đế bản triều để lấy vàng bạc châu báu, truất ngôi hai vị hoàng đế nước ta, đưa đi an trí ở một hoang đảo thật xa.

Kể từ khi hạ thành Hà Nội tới giờ, chúng đã tự do thay đổi ngôi vua nước Nam ba lần trong khoảng ba chục năm mà không đếm xỉa gì đến dân tâm dư luận.

Thuế má thì mỗi ngày cứ tăng lên mãi, bà con ta chỉ lo đóng góp cũng đủ chết. Mỗi người dân Việt Nam, như phải tròng cổ vào sợi dây, càng ngày càng riết chặt thêm; mười nhà chết chín lâm vào cảnh khốn cùng ghê gớm.

Vạn nhất có người nhiệt tâm với quốc gia, hơi ra mặt chống trả chính sách đô hộ, liền bị lũ chó săn chim mồi tố giác với quân thù, làm cho sở nguyện bị đè nén chôn vùi tức tốc.

Chao ôi! Mỗi khi tưởng nhớ tới cơ nghiệp tổ tiên đã đổ bao nhiêu máu đào mới xây dựng nên, mỗi khi nghĩ tới cảnh nước nhà bấy lâu gian truân, khốn khổ, chúng ta thấy bầm gan tím ruột, thương xót vô cùng.

Chúng ta nhẫn nhục đã tới cực điểm, tấc lòng bi thống giang sơn chủng tộc sôi nổi như nung như đốt.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2017, 09:59:11 am »


Kẻ thù ta hiện đang bị công kích ở châu Âu, chúng bắt người mình đem sang bên Tây làm bức tường đỡ đạn; chúng bóc lột tài sản xứ mình để tiếp tế quân nhu. Bà con ta bị bắt đem sang Tây từ mấy năm nay, tội nghiệp người sống thì phải trần lực ra làm lụng vất vả, người chết cũng chẳng được chôn cất tử tế. Thương hại con côi vợ góa ngồi trong nhà kêu van, ông già bà lão ra ngoài đường khóc lóc. Tình cảnh nước nhà đau khổ không thể tưởng tượng. Những nỗi đau đớn kể sao cho hết; tóm lại, cái kiếp sống của dân ta điêu đứng đến nông nỗi này, không tài nào cam chịu được nữa.

Nước ta khổ sở kiệt quệ, sống dở chết dở, cảnh ngộ có khác gì một sợi chỉ mong manh sắp đứt; chịu cảnh đau đớn nhiều quá, bà con nhà ta như nằm liệt trên giường bệnh, hấp hối tắt hơi.

Phen này chúng ta ra sức phấn đấu để khôi phục độc lập cho Tổ quốc, nếu bất hạnh mà mục đích không đạt, đại công không thành thì cuộc đời hết cả sinh thú, chúng ta cũng chẳng thiết sống làm gì cho nhục nhằn khốn khổ.

Bản chức, Thái Nguyên tỉnh Quang Phục quân Đại đô đốc từ trước tới nay không hề có giây phút nào quên lãng nỗi khổ của đồng bào dân chúng; ngay những khi còn sống trên lam lũ ở chốn thôn quê làm nghề cày ruộng, lòng hằng băn khoăn tức tối về thảm họa vong quốc. Nhiều lần ta đã lập tâm xướng nghĩa khởi binh, tuốt gươm giết giặc; nhưng rồi ta phải ngậm hờn khoanh tay, là bởi ta chưa gặp được thời cơ nào thuận tiện cho được thực hành chí muốn. Vì thế ta đành ẩn nhẫn ra đi lính tập; hơn mười năm trường được sống chung chạ với bao nhiêu anh em cường tráng nước nhà mà phải ngậm miệng làm thinh. Nhưng lúc nào ta cũng nuôi hoài bão cừu thù giặc Pháp tặc, chẳng hề biến tâm thoái chí. Từ trước tới nay chỉ bởi lực lượng chưa đủ, ngoại viện chưa có theo như ý ta mong mỏi, cho nên ta không muốn mưu toan đại sự một cách chơ vơ, tháo thứ.

Hôm nay, thời cơ đã đến, trong nước thì có những bạn đồng tâm đồng chí cùng ta tuốt gươm chĩa súng, đánh giết quân thù; bên ngoài thì có những nhà cách mạng ta bấy lâu trú ngụ bên Nhật Bản, Trung Hoa, giờ này sắp sửa đem quân nhu, khí giới về giúp ta, hợp lực với ta đánh đuổi Pháp tặc.

Ta chiêu tập những anh em có tinh thần tự do độc lập, có nhiệt tâm yêu nước thương nòi, lập thành những đạo binh cứu quốc, và hôm nay ta bắt đầu khôi phục lấy tỉnh Thái Nguyên. Lá cờ năm ngôi sao đã kéo lên phấp phới trên kỳ đài, ta đã tuyên bố Thái Nguyên độc lập.

Cùng làm con dân nước Việt Nam, chúng ta phải coi nhau như anh em ruột thịt một nhà, vậy ai là người có sức thông minh, học thức có thể đến đây vì ta trù mưu hoạch sách, làm những việc ích lợi chung; ai là người có sức khỏe mạnh thì mau mau đem bắp thịt cánh tay đến giúp đỡ ta trong cuộc chiến đấu.

Anh em ta cố sức phen này, đồng tâm hiệp lực, đả đảo quân thù.

Những ai đứng vào hàng ngũ ta, cùng ta tuốt gươm giết giặc, ta rất hoan nghênh, ta để cho mỗi người được thi thố tài năng sáng kiến trong cuộc tranh đấu tự do, độc lập chung.

Còn những kẻ nào vẫn cam tâm nô lệ phù tá quân thù, thì hãy coi chừng, ta sẽ lấy đầu không tha.


                                                                                                                                                   Nay bố cáo
                                                                                                                                         (Ký tên và đóng dấu son)
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2017, 10:00:02 am »


Câu hỏi 15: Mặc dù cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên thất bại nhưng đã để lại nhiều ý nghĩa có giá trị. Hãy nêu ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa đó?
Trả lời:


Trong cuộc chiến đấu gian khổ, trường kỳ, anh dũng, nghĩa quân Thái Nguyên vùng dậy khi lực lượng cách mạng trong nước còn tản mát, chưa có tổ chức chặt chẽ, thiếu một sự lãnh đạo tiền phong nên đã đưa đến sự thất bại đáng tiếc.

Điều kiện khách quan dù có thuận lợi một phần nào nhưng chủ yếu vẫn là điều kiện chủ quan, nhưng điều kiện chủ quan ở đây lại quá ít nên không thể vươn tới thắng lợi như ý định.

Đành rằng cuộc khởi nghĩa nổ ra giữa lúc lòng dân đang trông chờ và cuộc chiến đấu kéo dài hơn nửa năm này là do có sự ủng hộ của nhân dân địa phương. Tuy nhiên nếu cách mạng không có một bộ máy lãnh đạo sáng suốt, năng lực tổ chức sắc bén thì làm sao có thể biến những quần chúng hướng nghĩa thành một đội quân khởi nghĩa, đưa quần chúng từ chỗ ủng hộ cách mạng đến chỗ mạnh dạn đứng vào hàng ngũ lãnh đạo cách mạng. Có người phê bình nghĩa quân Thái Nguyên hồi ấy không biết phân tán thành từng toán nhỏ rồi dựa vào dân chúng, phát động du kích chiến, mà cứ ham đánh lớn ăn to nên mới bị tan vỡ. Điều đó có lý, nhưng du kích chiến được thực hiện cũng như dân chúng được phát động không phải chỉ nằm trong sách lược đơn thuần của chiến tranh, mà căn bản là phải do một đường lối chính trị đúng đắn của một đảng tiền phong, đại biểu cho quyền lợi của nhân dân và được nhân dân ủng hộ. Điều kiện ấy cố nhiên chưa thể có được ở thời kỳ như lúc bấy giờ.

Sau hơn sáu tháng chiến đấu anh dũng, cuộc khởi nghĩa của binh lính và tù chính trị ở Thái Nguyên đã thất bại. Có thể nói đây là cuộc bạo động duy nhất của những năm chiến tranh và đã thành công trong việc lật đổ chính quyến thực dân ở một thị xã miền núi được sự ủng hộ của nhiều thành phần trong nhân dân. Cuộc khởi nghĩa trong chừng mực nhất định đã đáp ứng được nguyện vọng độc lập, tự do của quần chúng lao động và nhất là những người là nạn nhân của bọn quan cai trị thực dân tàn bạo. Điểm đặc biệt trong cuộc khởi nghĩa này là đã có sự liên minh giữa tù chính trị, kẻ thù của chế độ thực dân và binh lính người Việt, công cụ trấn áp của chính quyền thực dân.

Những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, cũng như những nghĩa quân nòng cốt đã tỏ ra có lòng tin rất vững chắc vào hành động chính nghĩa của mình, dám đứng lên hành động chỉ với danh nghĩa là những người yêu nước. Họ đã biết gắn hành động của mình vào cuộc vận động cách mạng có xu hướng chính trị tương đối tiến bộ của Việt Nam Quang Phục hội. Họ cũng tỏ ra có sự nhạy bén chính trị khi chọn thời cơ khởi nghĩa vào lúc kẻ thù đang gặp những khó khăn lớn, khi sự căm hờn của quần chúng ở đỉnh cao. Tuy vậy cuộc khởi nghĩa vẫn thất bại bởi những người khởi nghĩa mới chỉ xuất phát từ tình cảm yêu nước truyền thống, từ lòng căm thù giặc cao độ chứ họ chưa được trang bị một lý luận rõ ràng về con đường giải phóng dân tộc cũng như chưa có chiến lược bảo toàn và phát triển lực lượng để giành phần thắng cuối cùng.

Dẫu sao sau cuộc âm mưu khởi nghĩa của binh lính Hà Nội năm 1908, binh lính Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi trong vụ Duy Tân năm 1916, đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của binh lính Việt Nam chống thực dân Pháp. Nó là một đòn nặng phá kế hoạch "Dùng người Việt đánh người Việt" của địch và cũng là một cuộc vùng dậy mãnh liệt của những người nông dân mặc áo lính cầm súng giết giặc, tạo truyền thống yêu nước cho những binh sĩ cứu quốc Việt Nam sau này.

Trong thời kỳ đại chiến thế giới lần thứ nhất, tại Việt Nam ngoài những cuộc kể trên, còn một số sự kiện khác như cuộc phá ngục Lao Bảo (tháng 9-1915), phá ngục Côn Lôn (ngày 14-2-1918). Những cuộc phá ngục trên do những chính trị phạm cầm đầu đã biến thành cuộc khởi nghĩa cầm cự với giặc Pháp từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 10 năm 1915. Tất cả đều nói lên một điều: Điều kiện non kém của chủ quan không phối hợp được với điều kiện thuận lợi của khách quan. Một số đông dân chúng muốn nổi dậy hay tự động đứng dậy vẫn thiếu sự lãnh đạo chính đáng, đặc biệt là thiếu tổ chức chặt chẽ. Những cuộc bạo động nổ ra lẻ tẻ ở biên giới Bắc Kỳ hay những hội kín âm ỉ lan tràn trong nông dân Nam Kỳ, cho đến cả những cuộc vùng dậy mãnh liệt và chiến đấu dẻo dai của binh lính Thái Nguyên đều nói lên điều đó. Hiện tượng này cố nhiên do ở điều kiện lịch sử của thời kỳ bấy giờ. Nhưng do đó, chúng ta càng thấy trong cuộc chiến tranh cách mạng, vai trò lãnh đạo là vô cùng quan trọng. Thiếu nó, lực lượng cách mạng không thể tập hợp và củng cố được. Thiếu nó, cuộc vũ trang khởi nghĩa nhất định cũng sẽ đi đến thất bại, mà vai trò lãnh đạo ấy chỉ có thể tìm thấy ở một giai cấp đương lên, đương mang một sứ mạng của lịch sử. Vai trò ấy đã vắng mặt trong bối cảnh của lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2017, 10:01:39 am »


Câu hỏi 16: Hãy so sánh cuộc khởi nghĩa của binh lính Thái Nguyên và vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội năm 1908?
Trả lời:


Như trên đã nói, cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên có một vị trí đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ nhất. Xét về nhiều mặt, cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên có những điểm giống với cuộc đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội năm 1908 về mục tiêu, lực lượng tham gia cũng như cách thức tổ chức... Ta sẽ tìm hiểu lại cuộc đầu độc binh lính Pháp tại Hà Thành để thấy rõ hơn điều đó.

Hà Nội khoảng năm 1907-1908 là nơi trung tâm hoạt động của một số phong trào lớn dồn dập nổi lên như Đông Kinh nghĩa thục và Đông Du. Ảnh hưởng của Đông Kinh nghĩa thục không riêng về mặt cải cách văn hóa mà những bài ca kết đoàn đổi mới đã được phổ biến sâu rộng trong nhân dân đã gây thành một phong trào cải cách sinh hoạt xã hội. Hà Nội là nơi đẻ ra Đông Kinh nghĩa thục, Hà Nội còn là trụ sở của các sĩ phu và du học sinh sang Nhật.

Ảnh hưởng của cuộc vận động cách mạng dù là cải cách công khai hay bí mật tuyên truyền bạo động đều nung nấu thêm lòng phẫn uất của dân chúng. Riêng ở Hà Nội, ảnh hưởng đó đã lan vào hàng ngũ binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp. Một số nhà ái quốc Việt Nam trong quân đội Pháp cùng mấy sĩ phu và đại biểu của nghĩa quân Đề Thám đã bí mật liên lạc với nhau tổ chức một vụ bạo động của binh lính Việt Nam. Tháng 3 năm 1908 phong trào chống thuế ở Trung Kỳ nổi dậy càng thúc đẩy cho vụ bạo động nổ ra.

Ở phố Cửa Nam (Hà Nội), có một ngôi nhà vừa bán cơm vừa chứa trọ của đôi vợ chồng ông Nhiêu Sáu (tức là Nguyễn Tĩnh, người làng Tương Mai). Hàng ngày khách ăn ra vào tấp nập, bồi bếp có, binh lính có, thầy bói thầy số cũng có. Lợi dụng quán này làm nơi gặp gỡ nhau, các ông Đội Hổ, Chánh Tĩnh tức Chánh Song là mấy người thủ hạ của Đề Thám thường lui tới luôn. Quán hàng còn là nơi ăn cơm trọ của các ông Cai Nga, Đội Nhân, Đội Bình, Đội Cốc là những yếu nhân trong quân giới khố đỏ thuộc cơ công binh pháo thủ số 9. Thêm vào đấy còn có Hai Hiên, một người có tín nhiệm trong giới bồi bếp. Sự lui tới nhà Nhiêu Sáu dần dần làm cho Đội Bình, Đội Nhân, Cai Nga, Hai Hiên gặp gõ Chánh Song, Đội Hổ. Công việc tuyên truyền khởi nghĩa đi tới kết quả là một số đông anh em bồi bếp binh lính tán thành chương trình bạo động của Đội Hổ. Chương trình đó còn được hai thầy đồ và thầy số ở quán cơm cùng đồng tình. Theo tài liệu của Pháp thì trong quán cơm ông Quang dạy chữ Pháp và ông Đông Châu dạy chữ Nho cho anh em lính tập. Hai ông này đã tuyên truyền những vần thơ ái quốc của Phan Bội Châu cho anh em binh lính. Chẳng hạn như:

      Thôi thôi ta chẳng dại rồi
      Tập lính ta cũng là người họ ta
      Tính sự thế này vừa gặp hội,
      Việc kíp rồi phải liệu mau mau
      Cùng nhau mấy vạn đồng bào,
      Quyết đem tính mệnh mà liều một phen.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2017, 10:03:39 am »


Anh em bồi bếp dưới sự lãnh đạo của Hai Hiên cũng thường được nghe hoặc thuộc lòng những câu:

      Bồi, bếp, thông, ký dân ta
      Có lòng như thế mới ra đồng bào
      Chàng Dự Nhượng nấp ở đâu chẳng thấy ?
      Gã Phù Sai đứng đấy là ai.


Tại các hàng cơm, quán trọ khác, nơi nào cũng tụ tập nhiều binh lính và dân chúng, có những nhà nho đóng giả thầy bói, thầy số đã mượn câu thiên mệnh để gần gũi rồi tuyên truyền khách hàng. Từ đó những bồi bếp và lính tập đã lui tới quán cơm nhà Nhiêu Sáu phần lớn là những người yêu nước, tán thành bạo động.

Trong số văn nhân thuộc phái cải cách ôn hòa có ông Phan Tuấn Phong nghe biết tin này đã đến khuyên mọi người đừng nên làm vội. Nhưng Đội Bình, Đội Kiên nhất định không nghe. Trái với chính kiến của Phan Tuấn Phong, một văn nhân trong phái bạo động là Nguyễn Quyền thì rất tán thành chủ chương khởi nghĩa. Lúc này có một người phụ nữ ái quốc tên là cô Đồng Đa. Cô là người thắp đèn nhang ở ngôi đền thờ đức Thánh Gióng tỉnh Phúc Yên. Được cô giúp đỡ, các tướng tá Đề Thám đã dùng nơi đó làm trụ sở hội họp mỗi khi có việc từ Yên Thế về Hà Nội, hoặc từ Hà Nội lên Yên Thế.

Trước ngày khởi sự, một hội kín được thành lập trong đó có các ông Đội Bình, Đội Bộ, Đội Nhân, Đội Ngà, Bếp Hiên, Bếp Nhiếp, Bếp Xuân, Nguyễn Tác A thuộc cơ binh pháo thủ số 9 và các ông Đồ Chánh, Đội Hổ, Cai Tôn, Cai Xe, Lái Kinh, Lang Seo, Chánh Song và Đồ Đảm tổ chức, tất cả hội đã họp với nhau nhiều lần ở phố Cửa Nam bàn chương trình bạo động. Đồ Đảm lại chịu trách nhiệm báo cáo công việc cho Đề Thám.

Thời gian khởi sự thoạt tiên định vào ngày 15 tháng 11 năm 1907, nhưng nay lần mai lữa, hoãn đến ngày 16 tháng 5 năm 1908 rồi quyết định cuối cùng là ngày 27 tháng 6 năm 1908.

Kế hoạch khởi sự là anh em binh lính làm nội ứng. Nghĩa quân Đề Thám ở ngoài cùng dân chúng đánh vào. Trước hết binh lính lấy gỗ lim bịt hết miệng súng đại bác, người phụ trách nấu bếp bỏ thuốc độc vào đồ ăn của các sĩ quan Pháp. Khi đã trúng độc rồi thì bắn súng hiệu, quân ở ngoài vào hạ sát cướp lấy khí giới, về phần quân ở ngoài, theo dự định, một toán độ 300 người họp ở Lò Lợn đánh vào Đồn Thủy, một toán ở dưới thuyền đóng gần sở thuốc lá tiến vào Cửa Bắc, toán khác từ Sơn Tây kéo xuống Ô Cầu Giấy, rồi tập trung ở đó. Để hỗ trợ thêm, họ đặt mấy khẩu đại bác trên cầu Dốc Gạch chặn quân tiếp viện ở Bắc Ninh và Sơn Tây. Còn 30 nghĩa quân Đề Thám dưới quyền chỉ huy của Đội Hổ bố trí quanh dinh toàn quyền rồi đánh vào trại lính khố đỏ. Nhân dân các làng quanh Hồ Tây cũng chuẩn bị đánh vào thành phố. Trước giờ phát động nghĩa quân chia thành từng toán nhỏ ẩn nấp ở nhà thường dân, tới khi có ba phát đại bác nổ thì tấn công vào các điểm đã định sẵn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2017, 10:04:08 am »


Tám giờ tối ngày 27 tháng 6 năm 1908, trong quân đội Pháp có tiệc đãi các sĩ quan. Việc tổ chức cho cuộc bạo động đã sẵn sàng. Thuốc độc làm bằng cà độc dược. Ngay lúc đầu đã có 125 lính Pháp thuộc cơ pháo thủ số 4 và 80 tên nữa thuộc cơ bộ binh thuộc địa số 9 bị trúng độc lăn ra bất tỉnh. Nhưng việc vừa nổ ra thì bị thất bại ngay.

Ngày 24 tháng 6 năm 1908, đại tướng Pháp là tên Đơ-nây Căng-đô chỉ huy đội pháo binh được tin mật báo có cuộc khởi nghĩa của binh lính Nam tại đội công binh pháo thủ và lữ đoàn bản xứ của sư đoàn pháo binh thứ tư. Đồng thời trung úy Đen-mông Bơ-bê chỉ huy đội công binh cũng để ý nghi ngờ thái độ một người trong đội kỵ binh và một người lính trong đội pháo binh thứ tư. Trước những tin báo dồn dập, thống sứ Bắc Kỳ Mo-ren vội ra lệnh điều tra đề phòng.

Trong đám binh lính bỏ thuốc độc, có tên Trương thuộc cơ công binh pháo thủ số 9, sau khi đã cùng các bạn tham gia vào việc giết giặc cứu nước, đã không nhận ra đó là một niềm tự hào mà vội vàng đi xưng tội với cố Ân, một cố đạo người Pháp nhà thờ Hà Nội bấy giờ. Tức thì cố Ân gọi điện thoại cấp tốc báo cho Đen-mông Bơ-bê. Đồng thời cũng có một tên cai lính thợ báo cho quan năm về vụ âm mưu đầu độc. Cùng lúc ấy, đại tướng Pi-en cũng được tin việc đã xảy ra và có những đám người đáng ngờ tụ họp xung quanh thành phố.

Vậy là kết quả vụ bạo động ra sao chúng ta cũng đã phần nào hình dung được. Quân Pháp một mặt cấp cứu bọn sĩ quan và quân lính trúng độc, một mặt tước khí giới và giữ binh lính người Nam trong trại để tra hỏi và khám xét. Đồng thời ra lệnh giới nghiêm, phái quân đi đóng chặn các cửa ô, vây từng khu phố bắt những người tình nghi.

Nghĩa quân ở bên ngoài đúng giờ không thấy súng hiệu, biết việc thất bại nên kịp thời rút lui.

Hầu hết những người chủ mưu trong quân đội và một số ở ngoài đều sa lưới giặc. Đội Bình, Đội Nhân, Đội Cốc, Cai Nga và nhiều người trong giới bồi bếp bị giặc chém và bêu đầu. Hội đồng đề hình của giặc đã xử tử 13 người và bắt bốn người khổ sai trung thân.

Sau khi không thành công, nhà ông Nhiêu Sáu giấu đi được mấy thúng dao găm và búa đanh. Giặc đến Tương Mai ập vào nhà ông vây bắt. Cả nhà ông trốn thoát chỉ còn một mình bà Nhiêu Sáu ở lại. Bà đã bị chúng bỏ vào chiếc vỏ của thùng xi măng trong cắm đinh tua tủa. Chúng lăn thùng trên sân gạch làm cho bao nhiêu đinh nhọn xé tan thịt bà Nhiêu Sáu, máu bà chảy ướt đẫm nhưng bà cương quyết không khai ra ai, một hai bà chỉ nói rằng "Nhà tôi là một hàng cơm, ai đến ăn tôi cũng thổi nấu chứ không biết gì hết". Bốn, năm tháng sau bà Nhiêu Sáu từ trần.

Cô Đồng Đa cũng bị bắt và bị giam ở Hà Đông. Giặc dỗ dành hăm dọa cô vẫn không khai gì hết. Kìm kẹp, treo ngược lên cây, bao nhiêu nhục hình cô vẫn vững như sắt đá. Cuối cùng cô thắt cổ tự sát.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2017, 10:04:40 am »


Từ vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội như đã nói ở trên, so sánh với cuộc khởi nghĩa binh lính Thái Nguyên năm 1917 ta thấy:

Cả hai cuộc khởi nghĩa này đều có kết cục vô cùng bi thảm đó là việc bị bại lộ dẫn đến thất bại hoàn toàn. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự thất bại như vậy:

Về mặt tổ chức: Cả hai cuộc khởi nghĩa đều tổ chức lộn xộn, thiếu chặt chẽ. Cuộc bạo động hoãn đi hoãn lại kéo dài tới gần nửa năm, mọi âm mưu nung nấu quá lâu, lại được quá nhiều phần tử biết nên đã gây nên sự phản bội vô cùng đáng tiếc cũng chính từ những binh lính của ta.

Về mục tiêu khởi nghĩa: cả hai cuộc khởi nghĩa đều có mục tiêu rõ ràng đó là đánh đổ chế độ chuyên chế, giành độc lập, biểu hiện lòng quyết tâm giết giặc và một tinh thần quyết chiến quyết thắng đối với kẻ thù nhưng tiếc rằng mọi chủ trương khởi nghĩa đều thiếu sự thống nhất, còn nhiều manh động nên dẫn đến kết cục bi thảm là máu chảy đầu rơi. Quân ta mất quá nhiều tướng lĩnh có tài cũng giống như rắn mất đầu vậy nên thất bại là tất yếu.

Về lực lượng tham gia: Cả hai cuộc khởi nghĩa đã huy động được lực lượng tham gia khá đông đảo, đặc biệt là những con người, tướng lĩnh có tài và có lòng kiên trung, bất khuất như cô Đồng Đa, bà Nhiêu Sáu... (Vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội), hay người anh hùng Đội Cấn, Lương Ngọc Quyến, Đội Giá.... (Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên). Những người con bất khuất ấy nếu có được một tổ chức chặt chẽ và một tư tưởng đồng lòng thì chắc sẽ không dẫn đến kết cục thảm hại như đã nói ở trên. Đó là sự hao binh tổn tướng và thất bại như một thảm họa.

Vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Thành và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên mặc dầu bị thất bại nhưng đã ghi dấu đầu tiên cuộc đấu tranh khởi nghĩa của binh lính Việt Nam trong hàng ngũ quân đội Pháp. Cố nhiên nội dung tuyên truyền và công tác tổ chức còn ở trình độ thấp có phần ấu trĩ, nhưng chúng ta ghi nhận ở đây hướng lãnh đạo mới của các sĩ phu yêu nước Việt Nam lúc bấy giờ nhằm phá tan âm mưu dùng người Việt trị người Việt của địch. Cố nhiên hai cuộc khởi nghĩa này nếu không bị bóp nghẹt ngay từ lúc mới bắt đầu bùng nổ thì cũng chưa đủ điều kiện để đảm bảo thành công. Tuy vậy, trong lúc một số chí sĩ Việt Nam đương vận động ở nước ngoài thì cuộc quật khởi của binh lính ta ngay trong lòng địch đã báo một luồng gió mới về phong trào đấu tranh cách mạng lan rộng, động viên được nhiều giới, nhiều tầng lớp tham gia cứu quốc, đặt cơ sở cách mạng ngày càng một vững bền hơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2017, 06:18:50 pm »


Câu hỏi 17: Có một người phụ nữ đã dám hy sinh cả cuộc đời và biết vượt lên bi kịch gia đình trong chiến tranh vì vận mệnh dân tộc. Điều đặc biệt là cô đã có công trong việc giác ngộ Đội Cấn làm nên cuộc khởi nghĩa lớn Thái Nguyên. Hãy cho biết về người phụ nữ ấy? Quá trình giác ngộ tư tưởng của Đội Cấn được diễn ra như thế nào?
Trả lời:


Văn thân chống Pháp mà tiêu biểu là Đề Thám, đã dựa vào địa bàn Bắc Giang, Thái Nguyên để xây dựng căn cứ lâu dài. Trong số binh lính người Việt bị giặc bắt đi dẹp quân Đề Thám có viên đội Trịnh Văn Cấn. Được chứng kiến tinh thần bất khuất và sức chiến đấu dẻo dai của lãnh tụ nghĩa quân Yên Thế, Cấn sinh lòng kính phục.

Mỗi khi gặp nghĩa quân, Cấn không bắn hoặc vô tình bắn chỉ thiên. Nhiều lần chính mắt Cấn thấy giặc Pháp càn quét vùng có nghĩa quân hoạt động, chúng triệt hạ từng xóm, đánh đập tàn nhẫn cả người già và phụ nữ.

Một nghĩa quân sa vào tay giặc, lẫm liệt đường hoàng, sắc mặt không thay, vươn cổ đón lưỡi kiếm kẻ thù, quyết không hàng giặc. Bọn Pháp đem đầu người liệt sĩ đó bêu trên cọc. Thấy cảnh tượng ấy Đội Cấn càng thêm suy nghĩ. Ông đã nhìn rõ bộ mặt dã man của lũ giặc ngoại bang. Có lần tranh cãi với bạn đồng ngũ là Đội Giá về chuyện Đề Thám là người yêu nước thật sự. Đội Giá dần dần nghe ra lẽ phải. Đội Cấn cũng nhiều đêm không ngủ nằm suy nghĩ miên man. Cầm súng của quân Pháp để bắn vào người mình ư? Giặc nước là ai? Có phải mũi súng của ta cần phải nhằm vào lũ giặc mũi lõ mắt xanh kia? Tâm sự sâu kín ấy ông hay thể hiện với mấy bạn đồng ngũ những may có dịp dùng đến tài sức của mình chống giặc dữ, trả nợ nước. Sau đó Cấn được đổi về đóng ở Thái Nguyên cùng mấy bạn đồng ngũ tin cẩn, Đội Giá cũng được đổi về đó. Công sứ Thái Nguyên lúc bấy giờ tên là Đạc, một tên khét tiếng đánh đập tàn nhẫn tù nhân và ngược đãi binh lính. Cấn trông thấy lại càng thêm căm giận bọn thực dân tàn ác. Có hôm Cấn nói với Đội Giá: "Chẳng trách các ông đang nằm trong đề lao kia họ làm cách mạng". Đề lao Thái Nguyên ngoài những tù thường phạm còn có 42 chính trị phạm, trong đó có những thủ hạ của Đề Thám cùng những người trong vụ Duy Tân, Đông Du... Người lỗi lạc nhất là Lương Ngọc Quyến. Ông là một yếu nhân trong Việt Nam Quang Phục hội. Ông bị thực dân Pháp kết án khổ sai chung thân và cầm cố tại nhà lao Thái Nguyên. Tên công sứ Đạc rất căm ghét Lương Ngọc Quyến nên lập tâm hành hạ đến cùng cực. Hắn bắt ông đi làm khổ sai, cổ vẫn đeo gông, chân vẫn mang xích, ngược đãi đủ cách, chỉ sợ ông thừa cơ tuyên truyền cách mạng hoặc trốn thoát. Do bị kìm xích lâu ngày, chân ông bị lở loét rồi què liệt. Chân bị què ngồi trong xà lim, Lương Ngọc Quyến vẫn không ngừng tuyên truyền giác ngộ những binh lính trong nhà lao và tìm cách truyền tin tức ra ngoài.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2017, 06:19:17 pm »


Trời đã về chiều. Những thân nhân của người tù đang bịn rịn chia tay, những giọt nước mắt ngắn, dài thảm sầu không kể xiết. Nhưng lần nào cũng vậy, có cô gái trạc chừng hai mươi xuân, vẻ xinh xắn, duyên dáng, vai khoác tay nải, đi lại hai ba lần trước cổng đề lao. Khi cô đi ngang qua cửa lần thứ tư thì bị một người lính quát đuổi. Cô gái vội lảng ra đầu đường vẩn vơ ở đó. Thình lình cô giật mình vì có người hỏi cô: "Cô tìm người quen trong kia à?". Cô ngoảnh nhìn thì đó là một viên đội khố xanh. Như hiểu rõ những băn khoăn của cô gái, viên đội nói: "Nếu cô muốn vào thăm người nhà tôi sẽ giúp". Cô thú thật mình muốn vào thăm hai anh là Thấu và Vịnh trong nhà lao. Viên đội hẹn cô chiều nay khi dẫn tù đi làm "cỏ vê" (lao dịch) sẽ tìm cách cho cô được gặp hai anh. Khoảng hai giờ, viên đội dẫn tù đi qua, dặn cô cứ chờ ở góc vườn hoa. Khi hai anh ra cô sẽ quay lại. Lát sau, viên đội dẫn Cả Thấu và Hai Vịnh gặp cô gái. Ba anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Từ đấy nhờ có Đội Cấn giúp đỡ nên cô gái thường xuyên được vào nhà lao tiếp tế cho hai anh. Cả Thấu và Hai Vịnh con ông thủ khoa Phùng Văn Nhuận - người đã từng chỉ huy nghĩa quân đánh Pháp vùng giáp giới Sơn Tây - Hưng Hóa, vốn là tướng của Đề Thám, sau khi Đề Thám thất bại, hai anh em còn ra sức thu góp tàn lực kháng chiến một thời gian rồi mới bị bắt. Thấy Đội Cấn ngày càng có tình cảm thân thiết với em gái mình, Cả Thấu và Hai Vịnh nói cho cô biết anh em trong đề lao muốn vận động lính tập đứng lên khởi nghĩa, khuyên cô nên kết duyên với Đội Cấn để việc quan hệ giữa ông ta với chính trị phạm trong lao được kín đáo, chắc chắn.

Lên thăm hai ông anh ruột của mình mà cô vẫn hồn nhiên như không. Cô cười nói tự nhiên nên càng xinh tươi lạ thường. Giữa núi rừng Thái Nguyên lại có một bông hoa rạng ngời như vậy khiến Đội Cấn mềm lòng. Dần dần, ông dành cho cô nhiều tình cảm dịu dàng và ngỏ lời muốn cùng cô kết nghĩa trăm năm, nhưng cô gái chỉ cười e thẹn chứ không trả lời dứt khoát.

Biết được chuyện này chiều nay, tranh thủ không có lính đứng soi mói canh chừng, ông anh đầu là Cả Thấu đã bảo với em gái út của mình:

- Em ạ! Biết em có tâm huyết và chia sẻ hành động của những người dám hy sinh vì nước, do đó anh mới tiết lộ cho em biết chuyện trọng đại...

Dừng lại, nhìn trước ngó sau, ông mới ra hiệu cho người em kế là Hai Vịnh tiết lộ bí mật:

- Các đồng chí ở đề lao và bên trại lính đang mưu phá ngục, em có thể giúp cho lực lượng cách mạng bằng cách như thế này...

Giọng thì thầm của Hai Vịnh nhỏ dần. Nghe xong, cô trả lời một cách quả quyết:

- Dẫu có hy sinh mà vì đại nghĩa thì em chẳng tiếc gì tấm thân.

Giây lát sau, cô nói tiếp:

- Nhưng ở nhà còn có mẹ già, chỉ một mình em chăm sóc. Em phải thu xếp xong trước khi vâng theo lời dạy của hai anh.

Nói xong, cô vội vã xuôi về Sơn Tây. Khi gặp mẹ, cô trình bày với mẹ mọi kế hoạch mà hai anh đã bàn với mình, bà mẹ bảo:

- Bố con bị chém giữa làng Vân Cốc, trước lúc mất cũng chỉ trăng trối như vậy thôi.

Cô rụt rè thưa:

- Nhưng còn mẹ, nếu mọi chuyện vỡ lở ra con sợ giặc sẽ giận cá chém thớt, mẹ sẽ bị vạ lây...

Bà mẹ cười không đáp. Tối hôm ấy để các con khỏi bận lòng, bà lẳng lặng thắt cổ chết ngay trong bếp.

Chôn cất mẹ xong, cô thu xếp lên Thái Nguyên và đồng ý làm vợ Đội Cấn với nhiệm vụ giác ngộ cách mạng cho chồng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2017, 06:19:59 pm »


Sau khi trở thành người vợ tâm đầu ý hợp của Đội Cấn, cô liền tìm cách xin việc bao thầu cơm tù, cơm lính cốt để mỗi ngày hai lần ra vào đề lao, đem thư từ tin tức của Lương Ngọc Quyến và tù chính trị gửi ra cho Đội Cấn. Lương Ngọc Quyến đã đem tôn chỉ mục đích Việt Nam Quang Phục hội trình bày với Đội Cấn. Đội Cấn mừng rỡ và tự nguyện đứng dưới lá cờ của Việt Nam Quang Phục hội. Giữa lúc đó xảy ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Đức đánh Pháp... Một số đơn vị lính Pháp cùng vũ khí đạn dược phải rút bớt đưa về chiến trường châu Âu. Lương Ngọc Quyến cho là thời cơ đã đến, từ trong đề lao viết thư cho Đội Cấn, khích lệ mau cử sự. Vợ Đội Cấn hàng ngày lại đem những chuyện thù nhà nợ nước nói với chồng để giúp Cấn càng thêm quyết tâm.

Ngay trong đêm tân hôn, cô đã thủ thỉ cho chồng nghe bài thơ tuyệt mệnh mà bố mình - nhà cách mạng Phùng Văn Nhuận đã đọc trước lúc bị chém:

      Đời là thế, ấy đời là thế
      Hồn có thiêng cũng hé miệng cười
      Những quân dạ thú mặt người
      Quá ham danh lợi, đạo trời kể chi
      Lại gặp lúc nước suy thế ngặt
      Lũ "rước voi" ra mặt tung hoành
      …
      Thi nhau bán nước cầu vinh
      Còn đâu nghĩ tới chút tình keo sơn!


Nghe xong bài thơ Đội Cấn suy nghĩ rất nhiều. Ông nhớ lại tháng ngày trước đây đã từng tham gia đàn áp phong trào Yên Thế của Đề Thám, nhưng biết cụ chủ trương chỉ giết giặc Pháp chứ không đánh lính khố xanh, khố đỏ nên Đội Cấn dần dần hiểu được việc làm chính nghĩa của người kháng chiến. Hiểu và khâm phục nhưng nào dám tâm sự với ai, nay được vợ phân tích trái phải thì ông càng "tâm phục khẩu phục" và bộc bạch nỗi lòng với người đầu ấp tay gối.

Từ đấy, mầm mống chống đối lại nhà nước bảo hộ đã hình thành trong tâm trí Đội Cấn. Rồi mỗi ngày người vợ trẻ lại đem chuyện thù nhà nợ nước tỉ tê khuyên lơn chồng sống sao cho đáng mặt làm trai. Đội Cấn xiêu lòng và tác động đến hai bạn tâm giao là Đội Giá và Đội Xuyên.

Anh em binh lính canh gác đề lao cũng hết sức giúp đỡ, giữ gìn kín đáo việc giao thiệp, bàn tính giữa Lương Ngọc Quyến và Đội Cấn. Bọn tai mắt của giặc Pháp đặt khắp nơi mà chẳng hay biết gì. Những chính trị phạm cũng lợi dụng lúc đi làm "cỏ vê” để tuyên truyền giác ngộ những binh lính áp giải. Số binh lính hưởng ứng khởi nghĩa ngày một đông. Công sứ Đạc, giám binh Nô-en, phó quản Lạp đối xử với binh lính người Việt hết sức tàn ác, nên khi được tuyên truyền vận động, họ hưởng ứng ngay. Cũng từ đấy một nhóm người giác ngộ nhất đã được tập hợp chung quanh Đội Cấn như các ông Đội Giá, Đội Tường, Cai Mánh, Ba Chén, Cai Sơn...
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM