Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 05:09:19 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh đã bắt đầu như thế  (Đọc 79779 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #160 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 02:45:26 pm »

Rạng sáng ngày 25 tháng Chín, những đơn vị tiều tiên của đội hậu vệ tiến vào Xta-rô-ê Xê-lô. Trinh sát báo cáo với thiếu tá Va-ghin, trung đoàn trưởng, rằng có một đoàn quân Hít-le đang tiến về từ Pê-rê-i-a-xláp đến. Thiếu tá nhanh chóng tổ chức mai phục. Giữa lúc bọn phát-xít khinh suất đi đều bước trên con đường rừng thì pháo và súng máy từ bốn phía nã vào chúng. Địch hoảng loạn. Các chiến sĩ nấp trong những bụi rậm xông ra, làm nốt nhiệm vụ diệt tan quân địch. Ta thu được hàng chục ô-tô với quân dụng. Trong số chiến lợi phẩm có cả lá cờ của trung đoàn địch bị tiêu diệt.

Những trận đánh ác liệt diễn ra trên khắp các nẻo đường bọn địch cố chặn bộ đội xô-viết.

Đến tối, tất cả các binh đội của đội hậu vệ tập đoàn quân tới được những khu rừng gần sông Đni-ép-rơ thì vấp phải những bãi cát dày đặc. Ô-tô bị trượt bánh ngốn hết những giọt xăng cuối cùng. Họ dùng ngựa và xe tải của nhà máy đường, chở thương binh, đạn dược, lương thực và chỉ để lại mấy chiếc ô-tô để chở pháo và súng cối, số còn lại phải phá đi. Trinh sát còn phát hiện thấy một trại tù binh mới được gấp rút xây dựng. Những phân đội tiền tiêu tiến lên công kích quyết liệt, diệt bọn giặc và giải phóng được cho các chiến sĩ Hồng quân bị địch bắt. Chập tối, anh em tới một khu đầm lầy lớn. Giữa dầm có một bãi đất, rừng cây um tùm. Chiến sĩ công binh lát gỗ. Các đơn vị tiến vào bãi, bố trí phòng ngự vòng tròn. Quân số đội bảo vệ “pháo đài trên đầm lầy” không ngừng gia tăng, bao gồm anh em công binh đã phá các cầu qua sông Đni-ép-rơ, những phân đội thuộc khu vực cố thủ Ki-ép – những người rút lui cuối cùng, anh em thủy binh giang đoàn, nhân viên đường sắt nhà ga Ki-ép lần lượt kéo tới đây.

Bọn phát-xít tiến công bãi đất mấy lần, nhưng vẫn không chiếm được. Tháng Mười đã tới. Anh em chiến sĩ chỉ có quần áo mùa hè bị thấm lạnh. Đạn dược đã cạn. Trinh sát cho biết bọn Hít-le đang chuẩn bị một đợt tiến công mới. Các đồng chí quyết định vượt qua địch. Đêm rạng ngày 5 tháng Mười, các đơn vị rời khỏi bãi, triển khai thành hàng dọc, đi trong im lặng. Anh em pháo binh dùng tay kéo pháo. Trận chiến đấu ác liệt diễn ra ở làng Đê-vích-ki. Địch đón các chiến sĩ xung kích bằng những đợt pháo và súng máy dồn đập. Nhưng không gì có thể ngăn được chiến sĩ ta. Mọi người vẫn đi, cố gắng nhanh chóng tiếp cận địch. Anh em pháo binh đi ở hàng đầu và bắn chính xác vào các hỏa điểm của địch.

Khắp nơi diễn ra những trận đánh giáp lá cà. Vòng vây bị chọc thủng. Anh em định tiếp tục tiến theo từng phân đội nhỏ, cố tránh những trận đánh, vì đạn pháo và đạn súng trường đã cạn. Đường đi đằng đẵng và hết sức gian truân. Nhiều người bị hy sinh. Nhưng phần lớn chiến sĩ và cán bộ chỉ huy đã vượt qua được mọi trở ngại.

Hội đồng quân sự và bộ tham mưu phương diện quân lên đường vào rạng ngày 18 tháng Chín. Các đồng chí quyết định đi xuyên qua Lô-khơ-vi-txa. Để cơ động được dễ dàng hơn, ban chỉ đạo tác chiến của phương diện quân chia làm hai thê đội. Tôi thuộc thê đội thứ nhất, trong đó có Hội đồng quân sự, bộ phận chủ yếu của bộ tham mưu, cục chính trị, chủ nhiệm các binh chủng và chủ nhiệm các ngành. Từ làng Véc-khô-i-a-tốp-ca, chúng tôi đi về hướng Pi-ri-a-tin, nơi có chiếc cầu bắc qua sông U-đai. Nửa đêm về sáng, chúng tôi tới sông. Không quân địch tập kích bến, khó khăn lắm chúng tôi mới giữ được đội hình. Sang sông, đoàn bộ tham mưu được các binh đội của sư đoàn bộ binh 289 do đại tá Đ. Ph. Mác-sa-nốp chỉ huy yểm hộ, đi qua Pi-ri-a-tin và hướng tới điểm dân cư Tséc-nu-kha. Nhưng trước lúc rạng đông, đoàn chúng tôi bị xe tăng Đức tập kích từ hướng Bắc và bị cắt rời khỏi các phân đội bộ binh. Chúng tôi buộc phải đổi hướng đi, ngoặt vào đường làng chạy dọc theo tả ngạn sông U-đai. Chúng tôi hành quân dưới mưa bom và pháo địch. Nhiều lần, bọn phát-xít cố hất chúng tôi xuống sông, nhưng đều không thành công. Ở đây, chúng tôi bị mất nhiều ô-tô: một số bị bom đạn phá hủy và một số do chúng tôi tự loại để đội ngũ gọn nhẹ và có khả năng chiến đấu cao hơn.

Sáng 19 tháng Chín, chúng tôi tới làng Gô-rô-đi-si, nơi hợp lưu giữa sông U-đai và sông Mơ-nô-ga. Tư lệnh phương diện quân ra lệnh dừng chân để chấn chỉnh đội ngũ, tìm hiểu tình hình và lập kế hoạch hành động tiếp theo. Tại làng này, đoàn quân của cơ quan tham mưu tập đoàn quân 5 được bộ phận còn lại của quân đoàn bộ binh 31 dưới quyền tướng Ca-li-nin, yểm hộ, đã hợp nhất với chúng tôi.

Chúng tôi điểm lại lực lượng. Lúc này chỉ còn khoảng gần ba nghìn người, sáu xe bọc thép của trung đoàn bảo vệ và mấy khẩu súng máy cao xạ. Máy bay địch không để chúng tôi yên. Rất may là tổn thất không đáng kể. Đáng buồn nhất là điện đài bị bom địch phá hỏng. Sợi chỉ cuối cùng nối chúng tôi với các tập đoàn quân và bộ tham mưu của tổng tư lệnh không còn nữa.

Kiếc-pô-nô-xơ triệu tập các cán bộ lãnh đạo đang có mặt ở Gô-rô-đi-si trong một căn nhà nhỏ. Tướng Tu-pi-cốp báo cáo tình hình. Địch bao quanh bốn phía. Dọc bờ Nam sông U-đai, nơi chúng tôi đang đóng ở cửa sông, bọn Đức đang củng cố tuyến phòng ngự về phía Bắc; còn bờ Đông sông Mơ-nô-ga đã bị những đơn vị xe tăng và cơ giới của Gu-đê-ri-an chiếm; phía Bắc và Tây - Bắc chúng tôi, tất cả những điểm dân cư lớn cũng đã lọt vào tay địch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #161 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 02:45:47 pm »

Nghe xong thông báo không vui đó, không ai nói gì. Kiếc-pô-nô-xơ phá vỡ bầu không khí im lặng:

- Có một điều rõ ràng là phá vây. Chỉ còn phải xác định là đi theo hướng nào.

Bây giờ, tôi không nhớ rõ là ai trong lúc đó đã đề nghị đêm tối sẽ vượt sông Mơ-nô-ga ở gần Gô-rô-đi-si và trong đêm ấy sẽ tới Lô-khơ-vi-txa. Tướng Tu-pi-cốp phản đối kịch liệt:

- Chính bọn Đức đang mong chúng ta như vậy. Chắc chắn chúng sẽ phục kích ở bến cầu. Theo ý tôi, chúng ta cần đi dọc bờ sông lên phía trên và vượt sông ở Tséc-nu-khi, cách đây 12 ki-lô-mét về phía Tây – Bắc.

Tướng Pô-ta-pốp ủng hộ Tu-pi-cốp:

- Chúng ta tin chắc rằng bọn Đức không bỏ qua một chiếc cầu nào bắc qua sông. Đột phá ở Tséc-nu-khi còn lợi thế ở chỗ nó bất ngờ với địch. Hơn nữa, ở đấy còn có những chỗ lội qua được, nên không cần phải chiếm cầu.

Mọi người nhất trí với đề nghị. Chúng tôi quyết định thành lập ba cụm chiến đấu: cụm đi đầu có nhiệm vụ dọn đường cho đoàn bộ tham mưu phương diện quân, và hai cụm bên sườn. Cụm đi đầu do tướng M. I. Pô-ta-pốp chỉ huy. Tôi được lệnh chỉ huy đại đội của Bộ dân ủy nội vụ với nhiệm vụ yểm hộ cho toàn bộ đoàn quân chúng tôi ở phía sau.

… Tôi sắp xếp hàng ngũ đội quân của mình. Một trăm năm mươi chàng trai hùng dũng, đĩnh đạc. Có lẽ, tôi là người may mắn nhất, vì đội của mình thực sự có khả năng chiến đấu. Tôi cũng lấy phần lớn sĩ quan của phòng để thành lập tổ chỉ đạo tác chiến.

Lặng lẽ đi vòng hàng quân, tôi ngắm nhìn khuôn mặt các chiến sĩ và cán bộ. Ai cũng mệt mỏi, giá mà mọi người được nghỉ ngơi dù chỉ một chốc lát. Nhưng không còn thời gian. Tôi giải thích nhiệm vụ, báo trước với anh em là sẽ có nhiều khó khăn, và nói:

- Tôi tin rằng mỗi chúng ta sẽ không làm hổ thẹn danh dự của người chiến sĩ xô-viết.

Khi tôi ngừng mời, một chiến sĩ trẻ đứng đối diện, đầu quấn băng đã sạm đen, lên tiếng:

- Thưa thiếu tướng, xin đồng chí yên tâm, chúng tôi sẽ không phụ lòng đồng chí.

Hàng quân vang lên tiếng hô tán thành. Vừa lúc đó, sĩ quan tùy tùng của tướng Kiếc-pô-nô-xơ chạy lại: tư lệnh cho gọi tôi.

Lệnh cho anh em giải tán và chuẩn bị cho trận chiến đấu sắp tới, tôi vội đến giữa làng. Kiếc-pô-nô-xơ, Buốc-mi-xten-cô, Rư-cốp và Tu-pi-cốp đang đứng cùng các tướng lĩnh và sĩ quan khác. Buốc-mi-xten-cô đang bình tĩnh, nhỏ nhẻ nói điều gì đó. Khó mà tin rằng cuộc nói chuyện đang diễn ra đúng trong tầm súng của địch. Sự trầm tĩnh và vững tin này chính là nét tiêu biểu của Buốc-mi-xten-cô, người con vinh quang của nhân dân U-cra-i-na. Tới gần, tôi nghe rõ đồng chí nói:

- Các đồng chí ạ, cái chính là phải bình tĩnh. Không có khó khăn nguy hiểm nào mà chúng ta không khắc phục nổi. Đảng viên cộng sản phải nêu gương hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

Tôi báo cáo trình diện tư lệnh theo lệnh của đồng chí.

- Đồng chí Ba-gra-mi-an, - Kiếc-pô-nô-xơ nói vội, khác hẳn với thường ngày. – Một đơn vị lớn mô-tô Đức xuất phát từ Mê-lê-kha, sau khi vượt sông Mơ-nô-ga, chúng đã hất các phân đội của ta ra khỏi các điểm cao này, - tư lệnh chỉ dãy đồi cách chúng tôi một ki-lô-mét về phía Đông, - và một lát nữa có thể sẽ đột phá tới đây. Đồng chí hãy triển khai ngay đơn vị của mình và công kích địch. Nhiệm vụ của đồng chí là giành lại dãy điểm cao đó, chiến đấu và tiến tới Xen-tsa. Hãy thi hành mệnh lệnh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #162 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 02:46:14 pm »

Thế là mọi việc đều thay đổi. Chúng tôi sẽ thọc tới Xen-tsa, mà thê đội một lại là đội của tôi… tôi nhớ lại cảnh hôm qua, khi bọn phát-xít tập kích đã đẩy lui quân của bộ tham mưu phương diện quân tách khỏi những đơn vị thuộc sư đoàn bộ binh 289 đi trước chúng tôi. Sợ rằng hôm nay cũng diễn ra như vậy, nên tôi nói nếu đội tôi công kích có kết quả thì những lực lượng chủ yếu tốt nhất là nên bám sát chúng tôi. Tư lệnh số ruột vung tay:

- Được rồi, đi thôi, đồng chí Ba-gra-mi-an.

Tôi thấy chưa bao giờ tư lệnh mệt mỏi và đau khổ như lúc này.

Tôi chạy về đội của mình. Sau khi xếp hàng bộ đội và giải thích nhiệm vụ chiến đấu mới, tôi dẫn anh em đi gấp ra ngoài rìa làng. Đến quãng có nhiều bụi rậm, chúng tôi triển khai thành hàng ngang. Bọn Hít-le nấp trên đồi bắn xuống. Nhưng chúng tôi vẫn tiến lên. Thấy chúng tôi, những người đang nằm rạp dưới đất nhổm dậy. Đó là các chiến sĩ thuộc những phân đội bị địch hất từ trên đồi xuống. Anh em vui mừng nhập vào hàng ngũ chúng tôi. Đội ngũ lớn lên rất nhanh.

Thế là chúng tôi đã tới đỉnh đồi. Lưỡi lê và báng súng làm nốt cái việc mà đạn không làm được. Bọn Hít-le chết la liệt. Chúng tôi bắt 40 tù binh, thu được mấy khẩu cối và mô-tô, gửi tất cả về Gô-rô-đi-si, rồi vội vã tiến ra bờ sông. Rất may, bọn phát-xít chưa kịp phá cầu. Cầu nằm trong tay chúng tôi. Trời đã tối, nhưng những đống cỏ khô xung quanh cháy ngùn ngụt. Đó là vật chuẩn rất tốt cho những lực lượng chủ yếu của ta. Nhưng không hiểu sao chưa thấy họ. Tôi cử quân khí viên bậc hai Xtê-pa-nốp quay lại báo cáo với tư lệnh về kết quả trận đánh và nói rõ chúng tôi đang tiến tới Xen-tsa như mệnh lệnh quy định.

Lúc này, chúng tôi được bổ sung ngày một thêm nhiều quân số. Chủ nhiệm cung ứng xăng dầu phương diện quân là tướng A-lếch-xây-ép và chủ nhiệm hậu cần phương diện quân là đại tá Rô-ga-tin dẫn đến một nhóm chiến sĩ biên phòng. Cán bộ và chiến sĩ các cơ quan hậu cần rải rác đến từng người hoặc hai ba người một. Thế nhưng, mãi vẫn chưa thấy đoàn của bộ tham mưu đâu.

Đêm khuya, chúng tôi tới làng I-u-xcốp-txư. Mặc dù tối trời, nhưng chúng tôi vẫn nhanh chóng định hướng được nhờ những dấu hiệu chỉ đường của bọn Hít-le với tính cầu kỳ rởm kiểu Đức đã đặt hầu như mỗi ngã tư. Chúng tôi tạm dừng lại để tập hợp, chấn chỉnh đội ngũ. Trong khi A-lếch-xây-ép và tôi bận việc này thì những sĩ quan phòng tác chiến đến khắp các nhà dân. Biết đây không phải là bọn Đức, mà là các chiến sĩ Hồng quân, nhân dân rời chỗ ẩn nấp đổ ra phố, tranh nhau thiết đãi các chiến sĩ.

Một sĩ quan phòng tác chiến được cử đi liên lạc với bộ tham mưu phương diện quân, vừa về. Đồng chí mang theo một tin không ngờ: không có ai bám theo chúng tôi cả. Đồng chí gặp những chiến sĩ ở Gô-rô-đi-si đã vượt qua đội cảnh giới của địch. Mọi người đều nói là ở đó không còn người nào của chúng tôi, toàn bộ ô-tô đã đi về phía Tây. Tôi không hiểu nổi nữa. Nhưng chúng tôi được lệnh tới Xen-tsa, và chúng tôi sẽ tới đó. Có thể, bộ tham mưu phương diện quân tới đó bằng con đường khác chăng. Nhưng họ không thể đi qua Xen-tsa được: ở đây có chiếc cầu bắc qua sông Xu-lu. Trên con sông khốn khổ với bãi lầy mênh mông này chỉ có cầu ở Xen-tsa và ở Lô-khơ-vi-txa. Nhưng có điên rồi thì mới chui vào Lô-khơ-vi-txa: một điểm dân cư lớn như vậy nhất định nhung nhúc binh lính địch.

Trước lúc rạng đông, đội của chúng tôi đột nhập vào phía Tây làng Xen-tsa trong hành tiến. Không thấy có bọn Đức. Nhưng khi chúng tôi tới cầu thì hỏa lực súng máy và pháo cối từ bờ bên kia dội sang mãnh liệt. Buộc phải nằm ép xuống. Tôi hội ý với A-lếch-xây-ép và Rô-ga-tin. Chúng tôi quyết định công kích. Cần phải chiếm bằng được bến vượt sông và cả xóm làng, trụ giữ ở đây cho tới khi đoàn của bộ tham mưu phương diện quân tiếp cận tới. Địch vẫn bắn, nhưng theo khẩu lệnh của tôi, anh em chiến sĩ đã bật dậy, xông lên cầu. Giữa lúc này, xe tăng địch xuất hiện. Chúng vừa nã pháo và súng máy, vừa tiến mạnh sang bờ chúng tôi. Thế mà chúng tôi không có nổi một chai cháy. Buộc phải rời làng. Rõ ràng là chúng tôi không thể chiếm được. Phải cố gắng đi vòng.

Chúng tôi tách đội thành hai bộ phận. Tướng A-lếch-xây-ép dẫn một nhóm lên phía Bắc, còn tôi xuống phía Nam, đến ngôi làng nhỏ Lu-tsơ-ca. Hai nhóm đều phải chuẩn bị phương tiện vượt sông có sẵn trong tay và chờ đoàn của bộ tham mưu cho đến sáng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #163 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 02:46:41 pm »

Trước lúc trời sáng, thấy không còn hy vọng gặp bộ tham mưu phương diện quân nữa, chúng tôi bơi thuyền qua sông. Một người dân địa phương dẫn chúng tôi đi trên những con đường mòn chằng chịt và lầy lội băng qua bãi lầy. Chúng tôi vượt đường nhựa trót lọt và ẩn mình trong những đống lúa mì. Tôi cử trung úy Đô-rô-khốp trẻ tuổi và cẩn thận đi trinh sát. Đồng chí trở về vất vui vẻ:

- Báo cáo thiếu tướng! Gần dây có một nông trường quốc doanh. Ở đó không có bọn Đức. Bà con mời ta vào.

Trong làng nông trường, phụ nữ, cụ già, trẻ em (tất cả nam giới cầm được vũ khí đều đã ra trận) vây quanh chúng tôi. Bà con tới tấp hỏi những câu chuyện thường gặp quanh những ngày ấy: Hồng quân của chúng ta đâu? Tại sao bọn Đức thọc sâu được vào nước ta như vậy?

Tôi kể về tình thế hiểm nghèo ở phương diện quân chúng tôi, về chủ nghĩa anh hùng của các chiến sĩ xô-viết, về việc chúng tôi nhất định sẽ trở lại. Phụ nữ tranh nhau mời chúng tôi về nhà ăn tí chút, vội vã trao cho chúng tôi những chiếc tay nải có đủ các loại thức ăn.

Suốt ngày hôm ấy, chúng tôi nghỉ ngơi trong cái làng hiếu khách này. Anh em chiến sĩ lau chùi vũ khí, tắm rửa, sửa sang quần áo, một số còn kịp cạo râu. Song, không phút nào chúng tôi lãng quên điều nguy hiểm, nên vẫn bố trí bảo vệ theo vòng tròn.

Truyền đơn phát-xít ném xuống khắp nơi. Tôi có đọc một số. Toàn hững luận điệu lừa dối và trúc trắc. Một tờ giấy cho “các ngài U-cra-i-na” và hứa hẹn với họ, “con cháu những người ca-dắc phóng khoáng”, từ nay sẽ được hưởng tự do thực sự. Còn cái tự do đó như thế nào thì lại được giải thích thật rối rắm. Chỉ có một điều rõ ràng là có quyền lựa chọn: chết trên giá treo cổ hoặc bị bắn, nếu những “người ca-dắc phóng khoáng” không phục tùng chính quyền của người Đức. Và tiếp theo là cả một bản dài liệt kê những việc không được làm.

Tôi triệu tập cán bộ chỉ huy. Chúng tôi cùng suy nghĩ tìm đường tiếp tục hành quân.

May là tôi có mang theo một bản đồ tỷ lệ nhỏ (1:1000) và địa bàn. Chúng tôi quyết định đi càng xa đường cái càng tốt để tránh chạm trán với địch. Với mỗi đoạn đường, chúng tôi đều xác định góc phương vị chính xác để ban đêm định hướng dễ dàng hơn.

Buổi tối, chúng tôi thân mật chia tay dân làng và nhằm hướng làng lớn Cô-mư-sni-a với hy vọng gặp những đơn vị tiền tiêu của chúng tôi ở đó. Một cuộc hành quân bí mật, tránh những điểm dân cư. Chúng tôi dừng lại ở rìa làng Cô-mư-sni-a. Đô-rô-khốp táo bạo và hai sĩ quan đi trinh sát. Nửa tiếng sau có tiếng súng bắn tiểu liên và thấy pháo hiệu bay lên. Đô-rô-khốp vừa thở dồn dập vừa chạy vội về báo cáo.

- Bọn Đức ở trong làng! Suýt nữa chúng tôi bị tóm.

Không để mất thời gian, chúng tôi vòng qua làng. Khi tới gần ngôi làng nhỏ Mê-lê-ski nằm trên bờ sông Khô-rôn thì trời đã rạng. Chủ ngôi nhà ven làng cho biết ở đây không có bọn Đức. Khi đã tin chắc chúng tôi là sĩ quan xô-viết, ông chỉ cho chúng tôi lội qua sông. Qua được sông thì đã sáng hẳn. Tiếp tục đi thì nguy hiểm, vì xung quanh là cánh đồng trống trải. Chúng tôi quyết định trú lại một ngày ở các bụi rậm ven bờ gần xóm Tséc-vô-nưi Cút và tổ chức phòng ngự vòng tròn. Những chú bé địa phương mà nơi nào cũng có đã bắt gặp chúng tôi tại đây. Lúc đầu, các cháu sợ những người đeo đầy vũ khí, nhưng sau khi thấy những ngôi sao đỏ trên mũ ca-lô và mũ lưỡi trai, chúng đã mạnh dạn bắt chuyện. Những em bé tinh nhanh này biết rất nhiều điều. Các cháu nói rằng hiện nay, bọn Đức chỉ ở Bê-ri-ô-đô-vai-a Lu-ca và Du-ép-txư là những làng ven sông ở phía Bắc và phía Nam cách chúng tôi vài ki-lô-mét. Tiếc rằng các cháu không biết tình hình ở phía Đông. Chúng tôi hỏi các cháu có kiếm được cái gì ăn ở trong xóm không. Các cháu hứa sẽ tìm hiểu. Tôi cử trung tá Xô-lô-vi-ốp, một trợ lý chín chắn, cẩn thận, đi cùng các em. Lát sau, đồng chí quay lại cùng hai nông trang viên đã đứng tuổi. Cả ba mang nặng những bị đựng đầy thức ăn và bi đông sữa. Một nông trang viên đưa chúng tôi tới làng Ra-síp-ca là nơi, nghe nói, ngay hôm qua có người còn trông thấy các chiến sĩ Hồng quân. Chúng tôi lên đường lúc chập tối. Chung quanh yên lặng: không một tiếng súng, một tiếng pháo hiệu nào của bọn phát-xít! Tới gần Ra-síp-ca, chúng tôi chia tay với người dẫn đường rồi đi tiếp. Gần tới xóm Xa-ran-tsi-na Đô-li-na thì trời sáng. Chúng tôi ẩn trong khu rừng chạy dọc sông Pxi-ôn, phòng ngự vòng tròn và cử đội tuần tra tới đường cái. Đến trưa, họ báo cáo là từ phía Bắc có một đoàn ô-tô không lớn lắm đang bon tới. Tôi ra lệnh chuẩn bị chiến đấu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #164 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 02:47:08 pm »

Chiến xe đi trước chưa tới xóm đã dừng lại. Trên thùng xe là các chiến sĩ Hồng quân. Chúng tôi reo hò vui sướng lao tới chỗ anh em. Một trung sĩ trẻ tuổi nảy từ trong buồng lái ra. Đồng chí ngạc nhiên nhìn chúng tôi, những người mệt mỏi, râu tua tủa. Thấy tôi, đồng chí chào và báo cáo:

- Tổ tuần tra thuộc đội trinh sát. Tôi là tổ trưởng, trung sĩ Mô-rô-dốp.

Chúng tôi được biết là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn công binh độc lập cử một đội đi từ thành phố Ga-đi-a-tsơ tới nhằm tìm hiểu vị trí địch và sự bố trí lực lượng của chúng. Được chúng tôi cho biết những đội tiền tiêu của địch đang ở đâu, đội tuần tra lại lên đường, còn chúng tôi thì đi về phía Đông. Tại làng lớn Xa-rư, dân làng đón tiếp chúng tôi rất thịnh tình, và được bố trí về ăn ở với các gia đình. Trong cái làng tại dải giáp ranh này, nơi mà chỉ có trinh sát ta mới lọt vào, Xô-viết xã và ban giám đốc nông trường vẫn hoạt động. Đúng là bà con giúp đỡ các chiến sĩ thoát vây ngay dưới mũi bọn Đức. Tại văn phòng của Xô-viết xã, tôi liên lạc bằng điện thoại với tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn công binh đóng ở Ga-đi-a-tsơ. Đồng chí cho ô-tô đến chỗ chúng tôi.

Chúng tôi được chở đến một tỏa nhà không lớn lắm. Một sĩ quan rảo bước về phía tôi. Đồng chí tự giới thiệu rành rọt – đúng là một cán bộ chỉ huy chuyên nghiệp:

- Đại úy Cu-lê-sốp, đội trưởng đội doanh trại bảo vệ thành phố Ga-đi-a-tsơ.

Đồng chí mời tôi về phòng làm việc và lệnh cho trợ lý phụ trách bảo đảm vật chất bố trí ngay nơi nghỉ nhơi cho anh em đi cùng với tôi.

Thoải mái thả mình xuống chiếc ghế bành cũ có đệm mềm bọc vải giả da đã ngả màu, tôi chăm chú nghe đại úy nói. Đồng chí báo cáo tình hình ở khu vực hoạt động của đội bảo vệ và lực lượng của đồng chí. Qua câu chuyện, tôi được biết như sau.

Đại úy Cu-lê-sốp là tiểu đàn trưởng tiểu đoàn công binh độc lập 519. Đơn vị đồng chí được tổ chức tại đây, ở Ga-đi-a-tsơ, khi bọn phát-xít chia cắt bộ đội phương diện quân chúng tôi. Biết tin đó và sau khi hội ý với chính ủy tiểu đoàn Mét-vê-đép, đại úy hạ quyết tâm tổ chức bảo vệ thành phố - một thành phố bỗng chốc trở thành tiền duyên của những hoạt động chiến đấu. Là đội trưởng đội bảo vệ, Cu-lê-sốp đặt đội làm đường của đại úy Mi-sin và tiểu đoàn xung kích của địa phương do trưởng ty công an thành phố Ghéc-tsen-cô chỉ huy, dưới quyền điều khiển của mình. Họ nhanh chóng bắt tay xây dựng các tuyến phòng ngự và được nhân dân tích cực giúp đỡ.

Những tổ trinh sát do Cu-lê-sốp thường xuyên phái đi Lô-khơ-vi-txa đã nhiều lần đụng độ với những phân đội riêng lẻ thuộc sư đoàn xe tăng 3 của Đức có nhiệm vụ cản đường rút lui của bộ đội ta. Trong những trận chiến đấu này, ta bắt sống tù binh và thu được những chiến lợi phẩm đầu tiên: ô-tô, điện đài, tài liệu tham mưu.

- Và cả cái này nữa. – Đồng chí đại úy can đảm đặt lên bàn hai chục chiếc huân chương chữ thập sắt của Đức.

Những ngày đầu tiên sau khi các tập đoàn xe tăng phát-xít tiến vào sau lưng bộ đội Phương diện quân Tây – Nam, bộ đội bảo vệ thành phố Ga-đi-a-tsơ là đơn vị duy nhất đóng lại trên cả một đoạn dài hàng chục ki-lô-mét cản đường địch tiến về phía Đông. Thêm nữa, đại úy Cu-lê-sốp phải đảm đương mọi trách nhiệm vì không liên lạc được với bộ chỉ huy cấp trên. Còn bây giờ, đồng chí bắt đầu nhận chỉ thị trực tiếp của bộ tham Phương diện quân Tây – Nam với thành phần cán bộ mới. Thiếu tướng A. P. Pô-crốp-xki được chỉ dịnh làm tham mưu trưởng phương diện quân.

Đơn vị bảo vệ thành phố Ga-đi-a-tsơ giúp đỡ anh em thoát vây rất nhiều. Cán bộ quản lý của đơn vị do A-lếch-xây-ép và Goóc-tsa-cốp phụ trách đã cấp quần áo, giày và thức ăn cho biết bao người rách, đói và bị thương. Đội chúng tôi cũng được hưởng sự chăm sóc chu đáo như vậy.

Ở Ga-đi-a-tsơ, chúng tôi cố gắng tìm hiểu số phận đoàn quân của bộ tham mưu phương diện quân mà chúng tôi chia tay đã lâu. Nhưng không ai có thể cho biết điều gì cụ thể. Sau này, khi gặp phó phòng của mình là trung tá I. X. Glê-bốp và những đồng chí khác ở bộ tham mưu phương diện quân, chúng tôi mới biết những tin tức không vui. Trước hết, tôi hỏi Glê-bốp tại sao đoàn quân của bộ tham mưu phương diện quân lại lần chần ở Gô-rô-đi-si và không bám sát đội chúng tôi. Glê-bốp ngạc nhiên nhìn tôi:

- Chẳng lẽ tướng Kiếc-pô-nô-xơ không nói trước với đồng chí? Đồng chí ấy định dùng đội của đồng chí dương đông kích tây ở hướng Xen-tsa chỉ để nhằm đánh lạc hướng địch. Trong khi đó, đoàn quân phải tiến lên phía Bắc và vượt sông Mơ-nô-ga, gần làng Vô-rôn-ki…

(Hóa ra là như vậy… Không, tôi không thể giận Kiếc-pô-nô-xơ vì đồng chí đã giấu tôi ý định của mình. Đó là quyền của tư lệnh – không cho cấp dưới biết toàn bộ ý định của mình, nhất là khi cấp dưới được giao nhiệm vụ dương đông kích tây – cứ thả sức tung hoành như đang hành động ở hướng đột phá chủ yếu vậy).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #165 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 02:47:38 pm »

Rồi Glê-bốp kể: mới đầu có kết quả. Bộ đội bí mật đi được theo hữu ngạn sông Mơ-nô-ga, chiếm Vô-rôn-ki và qua sông. Tảng sáng ngày 20 tháng Chín, tới xóm Đri-u-cốp-si-na, cách Lô-khơ-vi-txa khoảng 15 ki-lô-mét về phía Tây – Nam. Anh em dừng lại ở đó, trong khu rừng Su-mây-cô-vô, nghỉ ngơi một ngày.

Đoàn quân của bộ tham mưu phương diện quân có hơn một nghìn người, trong đó 800 là sĩ quan. Như trước kia, trong số đó vẫn có M. P. Kiếc-pô-nô-xơ, các ủy viên Hội đồng quân sự phương diện quân M. A. Buốc-mi-xten-cô, chính ủy sư đoàn E. P. Rư-cốp, các thiếu tướng V. I. Tu-pi-cốp, Đ. M. Đô-bư-kin, A. I. Đa-ni-lốp, V. V. Pa-ni-u-khốp, tư lệnh tập đoàn quân 5 là thiếu tướng M. I. Pô-ta-pốp, các ủy viên Hội đồng quân sự của tập đoàn quân 5 là chính ủy sư đoàn M. X. Ni-ki-sép, chính ủy lữ đoàn E. A. Can-tsen-cô, tham mưu trưởng tập đoàn quân thiếu tướng Đ. X. Pi-xa-rép-xki, chủ nhiệm thú y A. M. Pê-ni-ôn-giơ-cô và các đồng chí khác. Cùng đi với đoàn quân có 6 xe bọc thép, 2 pháo chóng tăng và 5 súng máy cao xạ bốn nòng.

Một khe xói cắt ngang khu rừng. Người và xe vận tải phân tán bên rìa khe. Xe chiến đấu được bố trí ở bìa rừng. Tiếc rằng việc tổ chức vẫn không được chu đáo như cũ. Chỉ có đội bảo vệ Hội đồng quân sự phương diện quân do đại tá Glê-bốp chỉ huy và đội bảo vệ cơ quan tham mưu tập đoàn quan 5 do thiếu tá Vla-đi-mia-xki chỉ huy, bố trí phòng ngự. Nhiều sĩ quan tản vào nhà dân trong xóm tắm rửa, kiếm cái ăn và nghỉ ngơi đôi chút.

Còn bọn phát-xít đã phát hiện ra bộ tham mưu phương diện quân biến mất từ đêm. Khi sương sớm vừa tan, trinh sát báo cáo có xe tăng Đức đang tiến đến bờ phía Đông và Đông - Bắc. Những chiến sĩ bị tụt lại sau ở phía Tây – Nam tới cũng báo cáo là mô-tô và xe tăng địch cũng đang kéo đến từ phía đó.

Khoảng hai mươi phút sau, địch công kích khu rừng từ ba phía. Xe tăng nã pháo và súng máy, bọn lính tiểu liên tiến theo sau. Trong tiếng súng rền, lác đác mới nghe thấy tiếng pháo của ta: pháo đã ít, lại còn phải tính toán từng viên đạn. Xe tăng địch đã đột pháo tới bìa rừng phía Đông. Các sĩ quan trang bị lựu đạn và chai cháy xông ra chống chọi với chúng. Hai chiếc bị bốc cháy, những chiếc còn lại bỏ chạy.

Tư lệnh, các ủy viên Hội đồng quân sự phương diện quân, các tướng Tu-pi-cốp và Pô-ta-pốp hội ý công việc trước mắt: nên nán lại trong khu rừng chờ đến tối hay đột phá ngay từ bây giờ? Nhưng địch lại mở đợt công kích mới. Bộ binh Đức được chở bằng ô-tô đã nhanh chóng triển khai thành hàng ngang và xông vào khu rừng dưới sự yểm hộ bằng hỏa lực của xe tăng. Khi chúng tới bìa rừng, đoàn người bị vây được Kiếc-pô-nô-xơ, Buốc-mi-xten-cô, Rư-cốp, Tu-pi-cốp, Pô-ta-pốp và Pi-xa-rép-xki dẫn đầu xông lên phản kích. Không chịu nổi đòn đánh giáp lá cà, bọn địch phải tháo lui.

Trong trận phản kích này, tướng Kiếc-pô-nô-xơ bị thương vào chân. Anh em khiêng đồng chí xuống đáy khe, đến chỗ mạch nước. Anh em cũng đưa cả tư lệnh tập đoàn quân Pô-ta-pốp đã bị thương và chân thương nặng tới đây. Người tham mưu trưởng có nghị lực của đồng chí, tướng Pi-xa-rép-xki hy sinh anh dũng giữa trận đánh.

Chính ủy sư đoàn Rư-cốp và tướng Tu-pi-cốp cùng trung tá Glê-bốp đi khắp bìa rừng, nói chuyện với các cán bộ và chiến sĩ, động viên anh em.

Khoảng bảy giờ tối, Kiếc-pô-nô-xơ, Buốc-mi-xten-cô và Tu-pi-cốp cùng các cán bộ chỉ huy thảo luận các phương án đột phá định tiến hành thì trời tối hẳn. Lúc này, cối địch bắt đầu bắn tới tấp. Một quả đạn nổ ngay sát tư lệnh. Kiếc-pô-nô-xơ khuỵu xuống, không kêu một tiếng. Anh em chạy lại bên đồng chí. Thượng tướng bị thương vào ngực và đầu. Hai phút sau, đồng chí tắt thở. Thiếu tá Gơ-nen-nưi, sĩ quan tùy tùng của tư lệnh, rơm rớm nước mắt, tháo ngôi Sao vàng và các huân chương cài trên áo cổ cứng của thượng tướng.

Đến dây, Tu-pi-cốp dẫn anh em xông ra công kích. Mọi người bất thần nhảy bổ vào địch, không nổ súng. Khi bọn phát-xít hoảng hồn trấn tĩnh lại thì nhiều chiến sĩ và cán bộ chỉ huy ta đã mở được đường thoát. Sau bao nỗi gian truân, vất vả, các đồng chí đã trở về được với đồng đội, trong đó có các tướng Đô-bư-kin, Đan-ni-lốp và Pa-ni-u-khốp, trung tá Glê-bốp và nhiều đồng chí khác. Tướng Tu-pi-cốp không trở về với anh em – đồng chí đã hy sinh khi hai bên bắn nhau ở gầm xóm Ốp-đi-ép-ca, cách khu rừng Su-mây-cô-vô hai ki-lô-mét.

Năm 1943, sau khi giải phóng Tả ngạn U-cra-i-na, chúng tôi mới biết rõ số phận của những đồng chí không ra thoát khỏi khu rừng. Nhân dân những xóm quanh vùng kể lại hai bên còn bắn nhau trong rừng hơn một ngày nữa. Ngày 24 tháng Chín, khi mọi vật trở lại yên tĩnh và bọn Hít-le đã bỏ đi, bà con nông trang tới nơi xảy ra trận đánh. Họ thấy thi thể bất động của các chiến sĩ và chỉ huy xô-viết, tuy hy sinh những vẫn nắm chắc vũ khí. Các băng đạn súng lục và súng trường không còn lấy một viên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #166 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 02:48:07 pm »

Ngày nay, ở đây, trên nấm mồ chung sừng sững tượng đài người chiến sĩ xô-viết hùng dũng cầm khẩu tiểu liên. Còn ở chỗ mạch nước dựng lên một tấm bia bằng đá cẩm thạch với dòng chữ: “Tại đây, ngày 20 tháng Chín năm 1941 đã anh dũng hy sinh tư lệnh Phương diện quân Tây – Nam thượng tướng Kiếc-pô-nô-xơ M. P.”.

Năm 1943, di hài các tướng Kiếc-pô-nô-xơ và Tu-pi-cốp được chuyển về Ki-ép, mai táng tại công viên Vinh quang bất diệt ở chân đài đồ sộ, cạnh mộ Chiến sĩ vô danh với Ngọn lửa vĩnh cửu, tượng trưng cho những chiến công bất tử vì nhân dân.

Trong những năm chiến tranh cũng như khi chiến tranh đã kết thúc, chúng tôi, những người tham gia các sự kiện đau thương này, không thể xác minh được hoàntoàn chính xác việc ủy viên Hội đồng quân sự phương diện quân, người con ưu tú của nhân dân U-cra-i-na là M. A. Buốc-mi-xten-cô đã hy sinh ở đâu và trong hoàn cảnh nào. Song, chúng tôi tin chắc rằng đồng chí đã hiến dâng cả cuộc đời mình trong trận đánh không cân sức với bọn phát-xít ở gần khu rừng Su-mây-cô-vô. Ở giai đoạn cuối những trận đánh tại khu vực này có tính chất từng ổ, nên chắc rằng Buốc-mi-xten-cô đã anh dũng ngã xuống trong một trận giao chiến ác liệt, và không ai nhận ra đồng chí vì không mặc quân phục có cấp hiệu.

Một số chiến sĩ và cán bộ chỉ huy bị thương nặng rơi vào tay bọn Hít-le, trong đó có ủy viên Hội đồng quân sự phương diện quân chính ủy sư đoàn Rư-cốp. Đồng chí mất máu nhiều, bị địch tra tấn dã man và hành quyết. Nhân dân làng Ca-tôn – Ca-ra-gia ở Ca-dắc-xtan thành kính giữ gìn kỷ niệm về người đồng hương quang vinh của mình. Tại ngôi trường đồng chí theo học có gắn một tấm biển lưu niệm. Trên mặt đá cẩm thạch đắp nổi bức chân dung đồng chí, dưới có ghi dòng chữ:

“Rư-cốp Ép-ghê-ni Páp-lô-vích – chính ủy sư đoàn, ủy viên Hội đồng quân sự Phương diện quân Tây – Nam, đã theo học tại nơi đây. Đồng chí đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. 1906 – 1941”.

Bọn đao phủ phát-xít bắt được tướng Pô-ta-pốp lúc đồng chí đang bị ngất. Chúng tôi tưởng đồng chí đã hy sinh. Nhưng cơ thể cường tráng và tinh thần buất khuất của vị tư lệnh tập đoàn quân trẻ tuổi không hề gục ngã trước bất kỳ vết thương hay ngục tù phát-xít khủng khiếp nào. Đến cuối cuộc chiến tranh, Quân đội Liên Xô giải phóng đồng chí khỏi trại tập trung của Hít-le. Tướng Pô-ta-pốp trở về đội ngũ chúng ta. Trong những năm cuối đời (đồng chí mất năm 1965), tướng Pô-ta-pốp là phó tư lệnh thứ nhất quân khu Ô-đét-xa.

Khi kết thúc câu chuyện về những binh đoàn của Phương diện quân Tây –Nam bị cắt rời khỏi căn cứ của mình đã kiên trì, bất khuất mở đường như thế nào, tôi không thể không nhắc tới chiến công của những cán bộ quân y của ta. Trng vòng vây có không ít thương binh. Các bác sĩ, y sĩ, y tá quân y tự nguyện chia sẻ số phận khắc nghiệt với anh em thương binh. Không chịu rời bỏ những người được bảo trợ của mình, họ giúp đỡ anh em đến mức tối đa và thường vì thế mà phải hy sinh thân mình. Các sĩ quan thoát vây kể cho chúng tôi nghe về nhiều người thầy thuốc anh hùng, rất tiếc là tôi không nhớ được tên của họ. Nhưng gần dây, thư của một bạn đọc đã gợi lại một số tên tuổi đáng kính đó.

L. I. Pa-sen-cốp hồi tháng Chín năm 1941 sống ở Lô-khơ-vi-txa. Đồng chí viết rằng khi đó, ở các làng xung quanh có nhiều chiến sĩ và cán bộ chỉ huy bị thương. Không thể đưa anh em về hậu phương được: bọn phát-xít đã cắt đứt mọi đường. Bấy giờ, cán bộ quân y và dân y vẫn còn lại ở khu vực này bắt đầu gấp rút thu nhặt anh em thương binh và tổ chức những viện quân y bí mật. L. I. Pa-sen-cốp trân trọng nêu tên các giáo sư X. M. Khát-giê-mi-rốp và G. Kh. Sa-khơ-ba-di-an, bác sĩ phẫu thuật C. X. Vê-li-ca-nốp, trong số những người yêu nước đã cống hiến hết sức mình để phục hồi sức khỏe cho anh em thương binh và giúp anh em thoát khỏi bị bắt làm tù binh. Họ đã giúp không biết bao nhiều chiến sĩ và sĩ quan trở về được với đội ngũ như vậy!



Vào mùa hè và đầu thu năm 1941, các chiến sĩ và cán bộ chỉ huy Phương diện quân Tây – Nam đã gây cho bọn phát-xít Đức xâm lược những thiệt hại không thể bù đắp nổi, thu hút về mình một lực lượng lớn các tập đoàn quân địch. Bộ đội của phương diện quân đã uy hiếp trong một thời gian khá dài sườn Nam cụm các tập đoàn quân “Trung tâm” lúc ấy đã thọc sâu sang phía Đông. Chính tình hình đó buộc Hít-le hồi cuối tháng Tám phải tập trung những nỗ lực chủ yếu của quân Đức vào hướng Ki-ép. Chỉ nhờ có ưu thế rất lớn về lực lượng, nhất là về xe tăng và không quân, và phải trả giá bằng những tổn thất lớn, chúng mới giành được kết quả ở đây. Tinh thần kiên định và chủ nghĩa anh hùng của các chiến sĩ Phương diện quân Tây – Nam đã góp phần quan trọng làm thất bại kế hoạch “chiến tranh chớp nhoáng” của Hít-le và, không nghi ngờ gì nữa, đã tác động đáng kể đến sự phát triển của những sự kiện tiếp sau trong chiến dịch ở gần Mát-xcơ-va.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #167 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2017, 04:16:29 pm »

HUYỀN THOẠI SỤP ĐỔ

PHƯƠNG DIỆN QUÂN HỒI SINH

Ở Ga-đi-a-tsơ, tôi nhận được lệnh cùng nhóm cán bộ chỉ huy phòng tác chiến tới A-khơ-tư-rơ-ca để theo dõi việc xây dựng tập đoàn quân 21. Ngày 25 tháng Chín, chúng tôi lên đường. Vượt cầu qua sông Voóc-xcơ-la, chúng tôi đi sâu vào những lùm cây rậm rạp mọc ở ven bờ. Mấy phút sau, chúng tôi tới bìa rừng và gần như đã ở ngoại vi thành phố. Những tia nắng chẳng phải sắc thu rọi chiếu những ngôi nhà chìm trong bóng cây. A-khơ-tư-rơ-ca tồn tại đã ba trăm năm. Xưa kia, đây là một cứ điểm quan trọng trên tuyến phòng thủ phía Nam bảo vệ nước Nga chống giặc Tác-ta từ Crưm xông tới. Trong những năm thuộc Chính quyền xô-viết, A-khơ-tư-rơ-ca đã có nhiều biến đổi: công nghiệp địa phương ra đời, các trường học mọc lên. Thành phố ngày một mở rộng, to đẹp. Ống khói nhà máy tỏa khói. Tuy ở gần mặt trận, nhưng tất cả các xí nghiệp vẫn đều hoạt động.

Cơ quan tham mưu tập đoàn quân đóng trong mấy ngôi nhà một tầng. Tại một ngôi nhà, sau bức vách mỏng, kê hai chiếc bàn. Một đồng chí cấp tướng đang cúi mình trước tấm bản đồ trải rộng. Tôi tự giới thiệu. Rời mắt khỏi tấm bản đồ, vị tướng đáp lại khá khô khan:

- Chào đồng chí, - và chìa tay cho tôi. – Tôi là Gô-rơ-đốp.

Tôi nói rõ mục đích tới đây và cho biết bản thân mới thoát vây, nên hầu như không biết gì về tình hình. Vị tướng chỉ về phía bản đồ. Vạch đỏ đứt quãng là tuyến mặt trận, trải dài từ Vô-rơ-giơ-ba tới Cra-xnô-grát, gần 300 ki-lô-mét.

Tôi bỗng nhớ lại những tờ truyền đơn và báo chí Đức mà chúng tôi nhặt được khi vượt qua hậu phương địch. Gơ-ben và thuộc hạ huênh hoang trước toàn thế giới rằng Phương diện quân Tây – Nam của bọn Nga – “những tập đoàn quân của Bu-đi-ôn-nưi” – đã bị tiêu diệt, rằng đối với quân đội bách chiến bách thắng của quốc trưởng, con đường dẫn đến tận U-cra-i-na đã mở. Thế mà Phương diện quân Tây – Nam vẫn tồn tại và đang kìm chân địch.

- Hiện nay, lực lượng của ta còn chưa đủ, - V. N. Gô-rơ-đốp nói. Đồng chí lướt bút chì trên tấm bản đồ. Ở cánh Bắc, là tập đoàn quân 40 của tướng Pốt-la-xơ., Lúc này, nó đang gặp nhiều khó khăn. Đơn vị với quân số ít ỏi của tướng Tséc-nốp, sư đoàn bộ binh 293 của đại tá La-gu-tin, sư đoàn bộ binh 227 của đại tá Téc – Gát-pa-ri-an và những đơn vị còn lại của sư đoàn xe tăng 10 của tướng Xê-men-tsen-cô đang chiếm lĩnh một tuyến dài 90 ki-lô-mét. Những lực lượng không lớn này khó khăn lắm mới kìm được những binh đội thuộc tập đoàn quân xe tăng 2 Đức đang tiến công. Nhưng tại Xu-mư, sư đoàn bộ binh cơ giới cận vệ 1 lấy trong lực lượng dự bị của Đại bản doanh, mới đặt dưới quyền chỉ huy của Pốt-la-xơ, đã bắt đầu đổ quân. Phía Nam là một tuyến dài 80 ki-lô-mét của tập đoàn quân 21. Hiện thời, ở đây mới có cụm kỵ binh – cơ giới của tướng Bê-lốp gồm các sư đoàn kỵ binh 5 và 9, sư đoàn bộ binh cận vệ 1 và hai lữ đoàn xe tăng. Lúc này, ở A-khơ-tư-rơ-ca đang gấp rút thành lập sư đoàn bộ binh 295, sẽ được đưa tới khu vực Ga-đi-a-tsơ để nối liền chính diện cum quân của Bê-lốp với những binh đội thuộc sư đoàn bộ binh 297 đang phòng ngự ở phía Nam. Phòng ngự ở xa hơn nữa là quân đoàn kỵ binh 5 của tướng Ph. V. Cam-cốp gồm có các sư đoàn kỵ binh 3 và 14, hai lữ đoàn xe tăng, một lữ đoàn bộ binh cơ giới và những binh đội thuộc các sư đoàn bộ binh 297 và 212. Ở bên trái quân đoàn này, từ Ga-vrôn-txư đến Các-lốp-ca, năm sư đoàn bộ binh và một sư đoàn kỵ binh thuộc tập đoàn quân 38 đang giao chiến với địch.

Đặt cây bút chì xuống, Gô-rơ-đốp mệt mỏi kết luận:

- Tình hình mặt trận ngày hôm nay là như vậy. Tôi biết rằng trong lực lượng dự bị của Nguyên soái Ti-mô-sen-cô, hiện chưa có những lực lượng lớn. Phải dựa vào tinh thần kiên định của bộ đội và việc cơ động lực lượng từ khu vực này sang khu vực khác thôi.

Tình hình quả là rất khó khăn. Nhưng dù thế nào di nữa thì phương diện quân vẫn tồn tại và tiếp tục chiến đấu.

Bộ đội chúng ta một lần nữa lại hiên ngang đứng lên cản đường các tập đoàn quân phát-xít. Và điều chỉ yếu nhất là nòng cốt của Phương diện quân Tây – Nam trên tuyến mới vẫn gồm những sư đoàn trước đây mà bọn phát-xít từng rêu rao với toàn thế giới rằng chúng đã bao vây và tiêu diệt hết. Trong số những binh đoàn mới, ở đây chỉ có hai sư đoàn bộ binh và quân đoàn kỵ binh 2 lấy từ các phương diện quân khác.

Tôi cũng rất vui mừng vì cơ quan tham mưu tập đoàn quân 21, đảm nhiệm chỉ huy toàn bộ các đơn vị đang hoạt động ở khu vực mặt trận giữa tập đoàn quân 40 và quân đoàn kỵ binh 5, trong khi thoát vây vẫn giữ được bộ khung cán bộ chỉ huy.

Khi tôi hỏi có thể gặp tư lệnh tập đoàn quân không, thì Gô-rơ-đốp trả lời là trung tướng V. I. Cu-dơ-nê-txốp, tư lệnh tập đoàn quân, hiện đang điều trị tại viện quân y, và thượng tướng I-a. T. Tsê-rê-vi-tsen-cô sẽ tới thay.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #168 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2017, 04:17:10 pm »

Chúng tôi thỏa thuận với nhau là ngày hôm sau, tôi sẽ tới cụm kỵ binh – cơ gới của thiếu tướng P. A. Bê-lốp, sau đó ghé qua khu vực Ga-đi-a-tsơ là nơi sư đoàn bộ binh 295 mới được xây dựng đang cơ động tới đây.

Thời gian rảnh rỗi trước lúc lên đường, tôi tranh thủ làm quen với cán bộ chỉ huy ở cơ quan tham mưu, trước hết là với các sĩ quan phòng tác chiến do đại tá M. X. Pô-xi-a-kin lãnh đạo. Trên cương vị này, đồng chí đã cùng tập đoàn quân trải qua một chặng đường chông gai suốt từ dải biên giới đến đây. Đồng chí là một sĩ quan tham mưu được đào tạo chu đáo, đã tốt nghiệp Học viện quân sự mang tên M. V. Phrun-dê. Trong số các trợ lý thân thiết nhất của đồng chí, tôi đặc biệt nhớ thiếu tá P. G. Ti-u-khốp mà ngay từ ngày đầu chiến tranh đã là tham mưu trưởng một sư đoàn bộ binh thuộc phương diện quân chúng tôi.

Hôm sau, khi ra xe về đơn vị, tôi gặp bạn đồng ngũ cũ, thiếu tướng A. I. Đa-ni-lốp, phó chủ nhiệm phòng không của Kiếc-pô-nô-xơ. Hai chúng tôi đều bị bất ngờ. Vì chúng tôi đã chia tay ở bên kia mặt trận, mỗi người đi một ngả. Thật thú vị biết bao khi được gặp lại một người đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi giữa những ngày gian khổ nhất, trong vòng vây của địch. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, sung sướng thốt lên:

- Vẫn còn sống ư? Cừ thật!

Qua Đa-ni-lốp, tôi được biết rằng cùng đồng chí thoát vây còn có nhiều cán bộ chỉ huy và cán bộ chính trị thuộc bộ tham mưu phương diện quân và tập đoàn quân 5, rằng tham mưu trưởng bộ đội phòng không của phương diện quân là V. A. Pên-cốp-xki cùng một nhóm sĩ quan cũng đã vượt qua vòng vây và vẫn khỏe mạnh. Nhiều người trong số này đang có mặt ở đây, tại A-khơ-tư-rơ-ca này, tôi vội vã chạy tới gặp anh em và tìm thấy họ ở sân trường. Tất cả đều chững chạc, ăn mặc đúng điều lệnh, với vẻ đàng hoàng vốn có của những cán bộ chỉ huy kỳ cựu. Chỉ có bộ quân phục đôi chỗ bị mảnh đạn xé rách và vết thương còn cuốn băng mới cho biết những con người này vừa xông pha vào sinh ra tử.

Ngày 27 tháng Chín, tôi tới cánh rừng phía Tây Lê-bê-đin, nơi đóng quân của cơ quan tham mưu sư đoàn bộ binh cận vệ 1 vừa được điều từ Phương diện quân Tây tới tăng cường cho chúng tôi. Binh đoàn quang vinh này đã xung trận liên tục ngay từ biên giới tới Xmô-len-xcơ. Đã mấy lần, bọn phát-xít bao vây được sư đoàn 100 – phiên hiệu trước đây của sư đoàn, nhưng sư đoàn đều thoát vây và tiếp tục mang về những chiến công như mọi lần. Chỉ huy sư đoàn là thiếu tướng I. N. Ru-xi-a-nốp, một nhà chiến thuật tài ba, một chuyên gia cơ động giỏi. Không có gì đáng ngạc nhiên khi sư đoàn đứng đầu danh sách những binh đoàn cận vệ đầu tiên.

Tôi được biết sư đoàn của Ru-xi-a-nốp từ ngày 22 tháng Chín đã cùng các binh đội thuộc quân đoàn kỵ binh 2 tham gia phản đột kích cánh quân ở vùng Rôm-nư của Gu-đê-ri-an. Những đòn công kích của các đơn vị này đã trói chân những lực lượng đáng kể của địch và, qua đó, đã giảm bớt phần căng thẳng cho những tập đoàn quân của ta đang bị bao vây.

Sư đoàn bộ binh cận vệ 1 vừa được bổ sung các chiến sĩ mới chưa từng biết mùi thuốc súng, đã bị tổn thất nặng. Tôi phải tìm hiểu nguyên nhân tổn thất và xác định xem sư đoàn còn khả năng tiếp tục chiến đấu tích cực được không.

Đêm hôm ấy, tôi mới tìm thấy Ru-xi-a-nốp trong một căn nhà đốt ngọn đèn dầu. Tôi tò mò ngắm nhìn con người đã trở thành huyền thoại. Thân hình rắn chắc, vạm vỡ, nét mặt hơi thô. Mái tóc óng chải mượt lộ rõ vầng trán cao. Trên chiếc áo cố đứng đã cũ, cài kín cúc, lấp lánh tấm huân chương Lê-nin và huân chương Cờ đỏ. I. N. Ru-xi-a-nốp đã bước vào tuổi bốn mươi hai. Đồng chí là một chiến binh dày kinh nghiệm, đã được tôi luyện. Tôi biết đồng chí có những phẩm chất ưu tú của người cán bộ chỉ huy: rộng rãi và tốt bụng, ý chí bất khuất, sống giản dị, yêu lao động, kiên trì, nhận thức sâu sắc nghĩa vụ của mình. Có người nói rằng đồng chí rất hách và quá cục tính. Nhưng anh em cấp dưới lại rất quý đồng chí: “Chỉ huy của chúng tôi không bao giờ ban ơn, dưới quyền đồng chí, ai cũng phục vụ tốt!”.

Chúng tôi làm quen, trò chuyện với nhau. Tôi cho đồng chí biết là bộ tư lệnh rất quan tâm đến vấn đề tại sao sư đoàn cận vệ 1 lại bị tổn thất như vậy ở Rôm-nư. Vân vê bộ lông mày sâu róm, Ru-xi-a-nốp buồn rầu mỉm cười:

- Thế anh có biết chúng tôi bước vào chiến đấu như thế nào không? Mãi trước khi được ném đến đây, chúng tôi mới được bổ sung. Các chiến sĩ và cán bộ chỉ huy mới đều chưa được thử lửa và cũng chưa kịp được học hỏi gì. Và cứ thế, anh em xung trận ngay. Vừa xuống tàu và chuyển quân 100 ki-lô-mét, ngay trong hành tiến, không được nghỉ ngơi lấy một giờ, đã phải chiến đấu với xe tăng và bộ binh cơ giới địch. Thậm chí không còn thời gian để kéo pháo tới. Nhưng dù sao chúng tôi cũng nện cho địch một trận ra trò, đẩy lui chúng. Tất nhiên, về phần mình, cũng đã phải trả giá đắt. – Thiếu tướng trầm ngâm một lát. – Còn bây giờ thì khác hẳn. những người mới hôm qua là tân binh, nay đã học được rất nhiều, đã trở thành những người lính thực sự. Chúng tôi được nhận một số tiểu liên và súng máy, còn trước kia chỉ chiến đấu toàn bằng súng trường. Sư đoàn sẵn sàng hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #169 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2017, 04:17:29 pm »

Buổi sáng, chúng tôi tới thăm trận địa một trung đoàn bộ binh. Trung đoàn để lại cho tôi một ấn tượng rất tốt. Chúng tôi chưa kịp rời chiến hào thì địch pháo kích dồn dập. Máy bay địch xuất hiện. Tiếng còi của những máy bay ném bom bổ nhào rít lên. Bom rơi xuống trận địa pháo. Từng đụn khói và lửa bốc lên lẫn trong tiếng nổ rền vang. Dù đã quen với cảnh tượng này, tim tôi vẫn thắt lại vì nỗi lo: liệu có ai còn được nguyên vẹn trong cảnh hiểm nghèo này không? Nhưng cái gì thế kia? Tiếng lục bục xen lẫn những tiếng nổ khô khốc. Các khẩu pháo cao xạ vẫn không ngừng nhả đạn. Ba máy bay địch đâm xuống đất như những ngọn đuốc. Những chiếc còn lại vút lên cao và tháo chạy.

- Lính cao xạ giỏi lắm! – tôi không kìm được mình.

- Đánh đúng bài bản, - Ru-xi-a-nốp thản nhiên đáp lời. - Nhưng bọn Đức xông lên ngay bây giờ đây.

Quả vậy, tiếng pháo và còi rộ lên từ phía làng Xi-ni-ốp-ca. Xen lẫn tiếng pháo nghe rõ cả từng tràng súng máy và tiếng động cơ xe tăng. Đất dưới chân rung lên.

- Bắt đầu rồi đấy, - Ru-xi-a-nốp buồn rầu nói.

Trung đoàn trưởng đi tới, báo cáo:

- Trên ba mươi xe tăng và khoảng một trung đoàn bộ binh cơ giới địch công kích vào trận địa chúng tôi.

Giọng nói bình tĩnh, nét mặt người sĩ quan vẫn tỏ vẻ bình thường. Đúng là anh em ở đây đã quen với mọi việc xảy ra.

- Ở các đơn vị bạn thế nào? – sư đoàn trưởng hỏi.

- Cũng như vậy.

Ru-xi-a-nốp liên lạc bằng điện thoại với đại tá B. I. Ca-sê-ép, tham mưu trưởng, hỏi han hồi lâu về tình hình ở các địa đoạn khác của sư đoàn. Quay về phía tôi, đồng chí nói thêm:

- Ở tất cả các địa đoạn, bọn phát-xít đều không lọt nổi vào trận địa chúng tôi. – Rồi đồng chí thét vào ống nói: - Theo dõi tiến trình chiến đấu. Tôi đến chỗ các anh ngay bây giờ đây.

Trung đoàn trưởng báo cáo là đợt công kích đã bị bẻ gãy và địch bị thiệt hại lớn. Tôi cùng Ru-xi-a-nốp tới sở chỉ huy sư đoàn.

Ở đây đã nhận được tin của quân đoàn kỵ binh, đơn vị bạn ở bên phải, mà sau này chúng tôi được biết, địch đã đột kích chủ yếu vào đây. Sư đoàn xe tăng 9 và sư đoàn cơ giới 25 của Gu-đê-ri-an tiến dọc con đường từ Xi-ni-ốp-ca đi Stê-pốp-ca. Địch có ưu thế về lực lượng. Chính diện của sư đoàn kỵ binh 5 bị chọc thủng, và đoàn quân phát-xít thẳng tiến trên con đường cái từ Va-xi-li-ép-ca, nơi đóng quân của cơ quan tham mưu quân đoàn kỵ binh 2. Đến trưa, những xe tăng phát-xít dẫn đường bắt đầu bắn thẳng vào các xe ô-tô của cơ quan tham mưu. Các chiến sĩ và cán bộ trong cơ quan tham mưu dưới sự chỉ huy của tướng P. A. Bê-lốp, quân đoàn trưởng, và đại tá M. Đ. Grê-txốp, tham mưu trưởng, bố trí phòng ngự vòng tròn. Tình thế đã đến lúc tuyệt vọng: nếu xe tăng địch đồng loạt xông lên thì cả cơ quan tham mưu sẽ bị nghiền nát. Nhưng bọn phát-xít lại do dự. Sau khi mất ba chiếc xe tăng đi đầu, địch lui lại và bắn phá vào cơ quan tham mưu từ xa. Đúng lúc đó, lữ đoàn xe tăng 1 đi theo đường cái tiến ra tuyến chính diện tiếp cận tới. Đại tá A. M. Kha-xin, lữ đoàn trưởng, nghe thấy tiếng súng liền phóng xe tăng tới cơ quan tham mưu. Bê-lốp lệnh cho đồng chí triển khai lữ đoàn và đánh địch ngay trong hành tiến. Địch có năm mươi xe tăng, còn Kha-xin hầu như kém hơn một nửa. Nhưng lữ đoàn vẫn triển khai và xông lên công kích. Xe tăng địch lao ra nghênh chiến. Trận đánh diễn ra ác liệt. Những người chứng kiến kể lại hai chiếc T-34 của ta bị bốc cháy vẫn lao vào trận địa, vừa đè nghiến các khẩu đội chống tăng của địch, vừa bắn vào xe tăng chúng. Đó là xe của các trung tá Cri-vô-rô-tốp và Sa-slô. Năm đảng viên và ba đoàn viên thanh niên cộng sản không chịu rời khỏi chiếc xe tăng bốc cháy rừng rực khi hãy còn đạn. Với những chiến công trong trận này, M. P. Cri-vô-rô-nốp và T. P. Sa-slô được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM