Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:32:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh đã bắt đầu như thế  (Đọc 79668 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2016, 06:24:19 am »

Chiến tranh đã bắt đầu như thế - Nguyên soái Ba-gra-mi-an
Bản dịch tiếng Việt của Nhà xuất bản Tiến bộ và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1986
Người số hóa: macbupda

CÙNG BẠN ĐỌC

Đáng tiếc, đứng trước con người còn có những kẻ thù đích thực làm cho trí nhớ của họ dần dần phai nhòa. Thời gian gian khắc nghiệt cũng thuộc loại kẻ thù đó. Thời gian lặng lẽ và từ từ xóa đi biết bao sự việc lý thú và bổ ích của cuộc sống đã qua còn in lại trong ký ức. Đôi lúc, những sự kiện và ấn tượng mới vô tình khiến ta nhìn nhận nhưng cái đã quan theo một cách thức, và khi ấy bỗng nhiên ta lại hình dung những sự việc năm xưa không hoàn toàn giống như trước nữa. Có nhiều nguy cơ như vậy vây quanh người viết hồi ký. Hiểu rõ điều đó, nên khi bắt tay vào ghi lại những chuyện đã qua, tôi không chỉ dựa vào trí nhớ, mà còn nghiên cứu những tài liệu đã giữ lại được và tìm gặp những người đã tham gia tích cực vào các sự kiện.

Tôi viết về cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Cuộc chiến tranh này chẳng những làm cho người đương thời, mà cả lớp lớp con cháu chúng ta còn mãi mãi quan tâm. Sự vững vàng kiên định của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, lòng yêu nước hết sức nồng nàn của những con người xô-viết được thể hiện đặc biệt sáng ngời trong cuộc xung đột vũ trang này, một cuộc xung đột khốc liệt và đẫm máu nhất trong lịch sử loài người.

Với lòng tự hào chính đáng, chúng ta nhớ lại những chiến thắng lẫy lừng của Hồng quân, từ những trận đánh vĩ đại ở gần Mát-xcơ-va, Cuốc-xcơ đến trận kết thúc cuộc chiến tranh toàn thắng.

Thật không lấy làm lạ việc mô tả những chiến dịch đó lại được chú ý rất nhiều. Nhưng cũng thật lầm to, nếu như trong những sự kiện của thời kỳ đầu chiến tranh, có ai đó lại chỉ toàn thấy những thất bại của Quân đội xô-viết trước sự tiến công bất ngờ của bọn xâm lược. Không nên quên rằng chính những ngày gian nguy đó đã chứng minh hùng hồn cho toàn thế giới biết rằng Hồng quân, dưới sự lãnh đạo dày dạn của Đảng cộng sản, có thể vượt qua moi thử thách nặng nề nhất. Tinh thần anh dũng, quả cảm của những chiến sĩ xô-viết, sự sáng suốt của đảng và chính phủ đã làm cho mọi kế hoạch của kẻ thù tan thành mây khói.

Toàn thế giới đều biết quân đội của nhiều nước tư bản đã nhanh chóng bị suy sụp và đầu hàng quân xâm lược trong những điều kiện ít phức tạp hơn. Chẳng hạn như nước Đức Hít-le chỉ trong vòng một thời gian tương đối ngắn đã chiếm được hầu như toàn bộ Tây Âu. Thắng lợi dễ dàng đã làm cho bọn đầu sỏ phát-xít hoa mắt và cũng là mảnh đất nuôi dưỡng ý tưởng điên rồ về chuyện tiêu diệt Hồng quân và chinh phúc Đất nước xô-viết trong vòng sáu tuần lễ.

Tôi muốn để bạn đọc thấy cái kế hoạch ăn cướp đó đã bắt đầu tan vỡ ngay từ giờ phút đầu tiên, khi những đoàn quân của bọn Hít-le mới vượt qua biên giới quốc gia của Liên Xô.

Chính vì thế, tôi quyết định bắt đầu hồi ức của mình từ những ngày sắp nổ ra chiến tranh và lấy những sự kiện của thời kỳ đầu chiến tranh mà tôi được chứng kiến vào mùa hè năm 1941 ở U-cra-i-na làm nội dung chính.

Vào lúc chiến tranh sắp nổ ra, tôi làm trưởng phòng tác chiến kiêm phó tham mưu trưởng đặc khu Ki-ép, mà ngay từ những ngày đầu chiến tranh, nó đã được chuyển thành Phương diện quân Tây - Nam. Tôi đã tham gia trực tiếp vào việc thảo các kế hoạch tác chiến của quân khu ngay trước chiến tranh và tổ chức chỉ huy chiến sự được triển khai vào mùa hè năm 1941 trên lãnh thổ rộng lớn của nước U-cra-i-na xô-viết trong những điều kiện cực kỳ bất lợi cho chúng ta.

Lòng chân thành mong muốn kể lại với đông đảo bạn đọc về những con người xô-viết đã phải chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn như thế nào để đánh trả cuộc tiến công phản trắc của quân phát-xít Đức, và họ đã thực hiện nghĩa vụ quân nhân đối với Tổ quốc một cách anh hùng ra sao, đã thôi thúc tôi bắt tay vào viết hồi ký.

Không gì có thể củng cố tình bạn bằng việc cùng nhau chiến đấu và vượt qua những thử thách gian nguy nhất. Tôi viết về những con người mà cho đến ngày nay mỗi khi nhớ tới họ, lòng mình vẫn thấy bồi hồi xúc động, tuy vậy, tôi vẫn cố gắng kể lại một cách hết sức khách quan và chính xác về những điều mà mình đã được chứng kiến.

Ai đã từng cầm bút kể lại những ngày đã qua đều hiểu rằng viết về những sự kiện mà bản thân đã trải qua không phải là chuyện dễ dàng. Trong trường hợp như thế, đôi khi ta có cảm tưởng hành động của cấp chỉ huy mà chính mình là thành viên thì rất lô-gích và dễ hiểu, còn hành động của những cấp chỉ huy khác thì trái lại thấy khó giải thích, thậm chí còn sai lầm nữa. Tôi cố tránh thói chủ quan đó và cố gắng nhìn nhận hành động của các tướng lĩnh cũng với thái độ như khi tự đánh giá cách xử sự của mình.

Để giúp bạn đọc hiểu được những sự kiện của thời kỳ đầu chiến tranh, tôi định bắt đầu hồi ký của mình từ tình hình ở đặc khu Ki-ép trong những tháng trước đó.

Cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại kéo dài 1.418 ngày. Cuốn sách này chỉ nói tới 178 ngày đầu của nó. Đây thực ra chỉ mới là thời kỳ đầu của cuộc chiến.

Trong 178 ngày ấy, Hồng quân không phải chỉ gánh chịu thất bại, mà còn đã đánh địch, học tập cách chiến thắng. Trong phạm vi có hạn của mình, tôi cố làm rõ điều đó qua việc kể lại hành động của hai Phương diện quân Tây - Nam và Nam.

Đặc biệt, tôi có ý định giải thích những nguyên nhân khiến Bộ Tổng tư lệnh tối cao đã tìm mọi cách trì hoãn việc rút các tập đoàn quân của Phương diện quân Tây - Nam ra khỏi khu vực Ki-ép khi mà chủ lực của phương diện quân đang có nguy cơ bị bao vây. Bạn đọc có thể thấy rằng việc dù bộ đội xô-viết buộc lòng phải bỏ thủ đô U-cra-i-na sau 70 ngày phòng thủ anh dũng và ngoan cường, nhưng sự chống trả của họ chẳng những không giảm sút, mà trái lại còn quyết liệt hơn. Nhờ những nỗ lực to lớn ấy, chúng ta đã khôi phục được một khu vực rộng trên hướng Ki-ép - Khác-cốp.

Tôi muốn đánh tan quan niệm không đúng cho rằng vào tháng Mười năm 1941, bộ đội của Phương diện quân Tây - Nam phải rút tuyến Bê-lơ-gô-rốt, Khác-cốp về phía Đông là do bị thua trong các trận chiến đấu ác liệt xảy ra hồi cuối tháng Chín và nửa đầu tháng Mười. Tôi sẽ đưa ra những sự kiện xác thực để chứng minh rằng tình hình không phải là như vậy.

Đọc nhiều sách báo nói về cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, tôi chú ý đến một điều là ngay các nhà sử học quân sự cũng không hình dung được hoàn toàn rõ ràng về sự phát sinh ý định tác chiến của một trong những chiến dịch tiến công lớn đầu tiên, đó là ý định đột kích ở vùng Rô-xtốp trên sông Đôn. Tôi tham gia từ đầu đến cuối vào việc chuẩn bị và tiến hành chiến dịch vẻ vang này nên tôi cố gắng kể lại tỉ mỉ về tư tưởng của chiến dịch đã nảy sinh và được thực hiện như thế nào.

Không phải ngẫu nhiên mà hồi ký của tôi về thời kỳ đầu chiến tranh lại kết thúc bằng cuộc tiến công của bộ đội cánh phải của Phương diện quân Tây - Nam ở Ê-lê-txơ, một cuộc tiến công về thực chất là bộ phận của trận quyết chiến lớn ở gần Mát-xcơ-va, một trận đánh đã làm tiêu tan cái huyền thoại về sự bách chiến bách thắng của quân đội Hít-le. Chiến dịch tương đối không lớn về quy mô này chẳng những rất lý thú vì vẻ độc đáo riêng, mà còn vì nó là một trong những dòng suối nhỏ hợp thành dòng thác lớn cuốn phăng quân thù ra khỏi thủ đô Liên Xô.

Như mọi tác giả khác, khi hiến dâng công trình của mình để bạn đọc phán xét, tôi mong mỏi bạn đọc sẽ không lãnh đạm và luôn luôn nhớ tới những chiến sĩ dũng cảm đã thực hiện một cách xứng đáng nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc.

Tác giả
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Ba, 2021, 12:48:25 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2016, 06:24:53 am »

ĐẶC KHU

TRỞ LẠI ĐƠN VỊ

Tôi chia tay với sư đoàn kỵ binh 5 và từ Gi-tô-mia đến Mát-xcơ-va để vào học ở Học viện Bộ Tổng tham mưu vừa mới thành lập, đã gần bốn năm tròn.

Học viện đã bồi dưỡng cho chúng tôi rất nhiều, làm giàu kiến thức cho mỗi người, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật quân sự. Thành tích học tập thể hiện ở chỗ một số học viên đã trở thành cán bộ giảng dạy của chính học viện này.

Tôi thi tốt nghiệp đạt kết quả tốt và đang đợi bổ nhiệm về đơn vị thì bỗng được đề nghị ở lại làm giảng viên chính của học viện. Tuy không hợp nguyện vọng, song tôi cũng ưng thuận.

Tôi giảng dạy được hai năm. Mọi việc tiến triển bình thường. Tôi đã quen với nhiệm vụ mới, và dường như không có gì làm trở ngại để bằng lòng với số phận của mình. Song phần lớn cuộc đời tôi đã sống trong quân ngũ sôi nổi, với những cuộc diễn tập và hành quân liên miên, giống như người dân du mục phải lên đường rời nơi chốn quen thuộc, tôi cũng thấy khó kìm nổi nỗi niềm khao khát được quay về với môi trường cũ. Tôi không muốn để nhà tôi phải sớm buồn vì nỗi trăn trở đó của mình. Nhà tôi, cũng như mọi người vợ khác, đều muốn sống một cuộc đời thanh bình, yên ổn, để con cái có thể học tập bình thường, không phải nay đây mai đó.

Tôi đã thử vài lần bỏ học viện về đơn vị, nhưng không xong. Lần nào cũng bị từ chối với mọi lý do xem ra rất xuôi tai.

Một hôm, tôi nói chuyện với Ác-gu-nốp (đồng chí này cũng được giữ lại làm giảng viên ở Học viện Bộ Tổng tham mưu). Chúng tôi phải ghen với những đồng chí sau khi tốt nghiệp tại đây được về đơn vị. Một người bạn thân của tôi, người rất đáng mến là đại tá A. N. Cô-rô-li-ốp được cử làm chủ nhiệm giao thông vận tải quân khu Mát-xcơ-va. Đại tá Tơ-rô-phi-men-cô trước kia cùng học với chúng tôi được bổ nhiệm sư đoàn trưởng và về chỉ huy đơn vị ở quân khu Trung Á…

- Còn mình với cậu, - Ác-gu-nốp mỉm cười không vui, - chẳng mấy chốc sẽ thành nhửng học giả khô khan. Chẳng ai thèm ngó tới. Và rồi thiên hạ còn riễu: chà, những nhà lý luận suông, xa rời cuộc sống bộ đội… Mà bọn mình có lỗi gì cơ chứ?

Tôi đã định bác lại rằng làm giảng viên chính của Học viện Bộ Tổng tham mưu cũng là một vinh dự lớn. Nhưng những ý nghĩ khác vô tình lại đến với tôi. Ở ta, quả thực có lúc người ta đánh giá chưa đúng mức những cán bộ chỉ huy làm việc ở các nhà trường cao đẳng quân sự, ở bộ máy trung ương của Bộ dân ủy quốc phòng và thậm chí cả ở Bộ Tổng tham mưu. Đối khi điều này làm cho những sĩ quan trẻ và có khả năng nhất không thích công tác tại bộ máy trung ương và sợ rằng sau năm năm sẽ trở thành “lạc hậu” so với bạn bè của mình tốt nghiệp xong đã về đơn vị.

Trong khi đó, sự chênh lệch về địa vị giữa những người công tác ở các trường cao đẳng quân sự, ở bộ máy trung ương, với những người công tác ở đơn vị lại đập vào mắt mọi người. Bốn năm làm việc giữa bốn bức tường của học viện, tôi thấy rất ít giảng viên được thăng cấp, trong khi học viên của họ ở đơn vị cứ lên vùn vụt.

Tôi đến học viện cùng với M. I. Ca-da-cốp, một người bạn cũ ở sư đoàn kỵ binh 5. Ngày nay, đồng chí là một nhả chỉ huy quân sự nổi tiếng, cấp đại tướng. Tôi còn nhớ hồi ấy anh mới là thiếu tá. Mới học được một năm, thì Ca-da-cốp chuyển đến quân khu Trung Á. Vậy mà chỉ hai năm sau, tôi đã có thể vui sướng chúc mừng Ca-da-cốp nhân dịp anh được đề bạt sư đoàn trưởng.

- Cậu biết đại tướng Giu-cốp được cử làm tư lệnh quân khu Ki-ép chưa? – Ác-gu-nốp hỏi tôi, - Hay là ta viết thư cho đại tướng? Chẳng lẽ đồng chí ấy lại không giúp được gì cho bạn học cũ hay sao? Hơn nữa, cậu có xin về Mát-xcơ-va đâu, mà chỉ xin xuống đơn vị thôi…

Tôi suy nghĩ về lời khuyên của bạn. Quả thực, tôi và Gh. C. Giu-cốp đã quen biết nhau từ lâu. Có một thời, hai chúng tôi chỉ huy các trung đoàn kỵ binh, lại cùng học với nhau tại Trường cao đẳng kỵ binh, ở Lê-nin-grát vào những năm 1924-1925. Nhưng ngay trong sự việc này, tôi cũng không muốn lợi dụng quan hệ cá nhân. Vào lúc ấy, bỗng thiếu tướng Rúp-txốp, bạn tôi, có dịp lên Mát-xcơ-va đón gia đình. Chúng tôi đã cùng học với nhau ở học viện, sau đó lại cùng làm công tác giảng dạy. Rúp-txốp được cử xuống đơn vị cách đây mấy tháng. Đồng chí là một cán bộ có năng lực, rất am hiểu công tác tham mưu (khi đến học viện, đồng chí đã làm tham mưu trưởng quân đoàn kỵ binh). Cuộc gặp gỡ làm cho cả hai chúng tôi đều vui.

- Thế nào, bây giờ cậu ở đâu và làm gì? – tôi hỏi.

- Ở chỗ Giu-cốp,- Rúp-txốp trả lời đầy tự hào. – Trưởng phòng tác chiến.

- Chà, cậu thật may mắn! Còn mình vẫn không sao thoát khỏi nơi này.

- Hãy nghe mình, - Rúp-txốp giọng sôi nổi, - cậu cứ đề nghị với Giu-cốp đi. Đồng chí ấy sẽ giúp cậu. Ai chứ Giu-cốp thì biết rõ cậu quá còn gì. Thôi, viết thư đi, mình sẽ chuyển tới tận tay cho.

Tôi đồng ý với cách này. Thư tôi viết ngắn, như một bản báo cáo: “Suốt quá trình công tác trong quân đội, tôi đều ở đơn vị, vì vậy, tôi thiết tha mong được trở về đội ngũ… Xin sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2016, 06:25:26 am »

Tôi cho rằng một điều hết sức quan trọng là cần nhắc với bạn đọc: tình hình thế giới lúc ấy ngày một cẳng thẳng. Chiến tranh đã nổ ra ở châu Âu. Anh và Pháp vốn đã tìm mọi cách đẩy nước Đức phát-xít sang phía Đông để chống Liên Xô, thì nay đã buộc phải đương đầu với cuộc tiến công ồ ạt của Đức. Họ phải gánh chịu hậu quả do đường lối phản trắc của họ. Mọi cố gắng của Chính phủ Liên Xô nhằm thỏa thuận với Anh và Pháp để cùng nỗ lực ngăn chặn bọn phát-xít xâm lược đều không đạt kết quả. Chính phủ phản động của hai nước âm mưu cô lập Liên Xô về chính trị và gạt mũi nhọn tiến công của bọn phát-xít Đức và bọn quân phiệt Nhật về phía Liên Xô.

Chính phủ Liên Xô đã ngăn chặn được nguy cơ đó. Việc ký kết với Đức hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau đã phá tan âm mưu mới của thế lực phản động quốc tế hòng dùng bàn tay của bọn quân phiệt Đức và Nhật để tiêu diệt Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.

Tất nhiên, không ai tin rằng chính phủ phát-xít Đức sẽ giữ được lâu quan hệ láng giềng hữu hảo. Nhân dân Liên Xô biết rõ bọn phát xít căm thù đến mức nào đối với Nhà nước công nông. Song hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau giữa Liên Xô và Đức không chỉ phá vỡ mưu toan của thế lực phản động quốc tế, mà còn tạo cho nhân dân Liên Xô thời cơ tranh thủ thời gian quý báu và rất cần thiết để củng cố sức mạnh quốc phòng của đất nước.

Tôi còn nhớ trong các nhóm giáo viên và cả trong số học viện Học viện Bộ Tổng tham mưu ngày càng có nhiều cuộc tranh luận về triển vọng chiến sự ở châu Âu. Nhiều người nói thẳng ra khả năng bè lũ Hít-le sau khi đánh bại nước Pháp sẽ chuyển sang phía Đông tiến công Liên Xô.

Mọi cuộc nói chuyện đều toát lên sự hoài nghi rất có cơ sở về thiện chí hòa bình của giới cầm quyền nước Đức Hít-le. Thường là sau khi thăm hỏi sức khỏe, người ta hỏi ngay:

- Thế nào, liệu có chiến tranh không?

Dĩ nhiên, chúng ta thừa hiểu là bọn phát-xít điên cuồng với khát vọng bá chủ thế giới, nếu hôm nay đã ném bom những thành phố thanh bình của nước Anh, thì ngày mai chúng có thể trút bom lên đầu chúng ta còn ác liệt hơn.

Có thể nào ngồi yên khi bên nước láng giềng, máu của những người dân lành đang đổ, khi nhà cửa của họ đang biến thành đống hoang tàn đổ nát? Nhân dân Liên Xô lo lắng theo dõi những sự kiện ở phương Tây. “Chủ nghĩa phát-xít – đó là chiến tranh”, câu nói ấy đã thành lời cửa miệng và nhắc nhớ nhân dân dè chừng hiểm họa. Một điều làm chúng ta phải thường xuyên cảnh giác đề phòng là từ mùa hè năm 1940, phần lớn biên giới phía Tây, về thực chất, đã trở thành láng giềng trực tiếp của nước Đức Hít-le. Quả là một tình thế lân bang nguy hiểm.

Những ý nghĩ lo lắng đó xâm chiếm lòng tôi. Và chính vì thế, tôi càng khát khao được về đơn vị. Thật là sung sướng nếu được về bất kỳ quân khu nào ở phía Tây, nhưng thích nhất vẫn là quân khu Ki-ép, nơi tôi đã công tác trước khi đi học. Tôi hiểu rằng trong tình hình không yên này, quân đội rất cần những cán bộ chỉ huy đã được huấn luyện những điều cần thiết về tác chiến ở quy mô chiến dịch tại Học viện Bộ Tổng tham mưu.

Trong khi đợi Ki-ép trả lời, phòng khám bệnh của học viện cho tôi đi an dưỡng ở Ki-xlô-vốt-xcơ. Lúc này không phải lên lớp nên tôi vui lòng nhận lời và ba ngày sau đã được tận hưởng thiên hiên tuyệt diệu của miền Bắc Cáp-ca-dơ.

Tại đây, tôi gặp nhiều người quen. Là quân nhân, ngay cả trong lúc nghỉ ngơi rỗi rãi, chúng tôi vẫn không thể không nói chuyện về công tác quân sự và tình hình châu Âu.

Anh em ca ngợi hoạt động sôi nổi của đồng chí X. C. Ti-mô-sen-cô, bộ trưởng mới Bộ dân ủy quốc phòng, những cố gắng của đồng chí nhằm nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu của bộ đội, củng cố kỷ luật hơn nữa. Thiếu tướng M. I. Pô-ta-pốp ở quân khu Ki-ép đến, hào hứng kể chuyện về việc bắt đầu thành lập những quân đoàn cơ giới, việc sắp sửa thay thế những xe tăng kiểu cũ bằng loại xe mới tuyệt diệu.

Những ngày nghỉ nhanh chóng trôi qua. Song ngay trong lúc nghỉ nơi, tôi vẫn băn khoăn với ý nghĩ: đồng chí Giu-cốp sẽ trả lời như thế nào? Khi đã hết hy vọng thì nhận được điện báo. Đại tướng Giu-cốp báo tin, theo yêu cầu của đồng chí, bộ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng đã điều tôi về đặc khu Ki-ép. Tôi được lệnh đến ngay Ki-ép.

Ở Mát-xcơ-va, tại Cục cán bộ chỉ huy, tôi được đọc lệnh của bộ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng cử tôi làm trưởng phòng tác chiến bộ tham mưu tập đoàn quân 12. Tôi cũng được phép đọc cả bản nhận xét mới nhất trong thời gian của Ban giám đốc học viện.

Đôi khi, người ta vẫn nhắc đến câu thành ngữ: “thức khuya mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người có nhân”. Có thể nói như vậy đối với trung tướng V. C. Moóc-dơ-vi-nốp, chủ nhiệm khoa của chúng tôi. Đồng chí không bỏ qua một sai sót nhỏ trong công tác, thẳng thắn phê bình chúng tôi, những cán bộ giảng dạy trẻ tuổi. Vì vậy, tôi cũng không tính đến việc được nhật xét tốt. Nhưng khi bắt đầu đọc bản nhận xét do đồng chí tự tay ghi thì tôi không dám tin vào mắt mình nữa. Chỉ toàn những lời khen, khiến tôi đâm ngờ: chẳng lẽ đây lại là nhận xét về mình ư? Cuối bản nhận xét là kết luận: “Hoàn toàn thích hợp với chức vụ và xứng đáng được phong quân hàm thiếu tướng”.

Vậy mà tất cả những lời tốt đẹp đó lại là của một người mà chúng tôi vẫn nghĩ là rất hà tiện lời khen!

Sau khi nhận lệnh điều động công tác và thu thập tài liệu cần thiết, vào một buổi tối tháng Chín, tôi chia tay với gia đình. Đây là lần đầu tiên trong suốt thời gian dài công tác trong quân đội, gia đình không đi theo tôi. Cháu trai và cháu gái vừa bắt đầu vào năm học mới, vả lại quyết định đều động quá bất ngờ đến nỗi không thể nói đến chuyện cùng thuyên chuyển.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2016, 06:25:55 am »

NHIỆM VỤ DO TƯ LỆNH ĐỀ RA

Hôm sau, tôi đã có mặt ở Ki-ép, trên đường phố Tsơ-ca-lốp, nơi làm việc của bộ tham mưu quân khu.

Tiếp tôi là một sĩ quan trẻ, trên phù hiệu quân phục của anh lấp lánh ba gạch đỏ.

- Chính ủy tiểu đoàn Xéc-gây-ép, - anh tự giới thiệu.

Trưởng phòng cán bộ hồi ấy tuổi chưa quá ba mươi lăm, trông còn trẻ hơn. Nhưng anh đã có giọng kẻ cả và dáng dấp đạo mạo thường thấy ở một số cán bộ công tác lâu năm.

- Tôi đã được tư lệnh cho biết về đồng chí. Bây giờ mời dc hãy làm các thủ tục. Sáng mai 11 giờ, đồng chí gọi điện cho tôi. Tôi sẽ thông báo thời gian tư lệnh bố trí gặp đồng chí.

Chia tay với Xéc-gây-ép, tôi đến khách sạn. Buổi tối, tôi dạo chơi khắp thành phố. Tôi đến Ki-ép đã nhiều lần. Nhưng lần nào mình cũng thấy trầm trồ trước vẻ đẹp của thành phố, những tòa nhà với hàng cây xanh tốt bao quanh, những đường phó nên thơ chạy thành bậc từ trên đồi xuống đến tận sông Đni-ép-rơ mênh mông, bát ngát, luôn đắm mình trong màn sương bạc mỏng manh. Khi chiêm ngưỡng, nền kiến trúc muôn màu của Ki-ép, một nền kiến trúc nhần nhuyễn cảm hứng của các nhà kiến trúc suốt bao thế kỷ, người ta không khỏi sửng sốt trước sự hoàn mỹ của thành phố này. Vẻ cổ kính màu xám bạc quyện chặt hài hòa với nét tươi mới. Và mặc dù pha lẫn nhiều phong cách kiến trúc, thành phố vẫn giữ được màu sắc dân tộc của mình. Đi dạo trên đường phố Ki-ép, bất giác khiến ta nghĩ đến khối đá vô tri vô giác kia như đang sống và đâu đó âm vang một giai điệu dân ca U-cra-i-na.

Lòng đầy cảm xúc, đêm ấy tôi không sao ngủ được, nên dậy muộn hơn thường lệ. Và lại đi đâu mà vội, từ giờ đến 11 giờ có việc gì đâu. Nhưng tôi chưa kịp lau mình thì đã thấy một chiến sĩ Hồng quân còn đang thở gấp, gõ cửa:

- Thưa đồng chí đại tá, chính ủy tiểu đoàn lệnh cho tôi báo cáo với đồng chí: tư lệnh mời đại tá đến ngay.

Xéc-gây-ép đang sốt ruột chờ tôi ở cổng bộ tham mưu.

- Đồng chí vào đi, tư lệnh đang đợi.

Vẫn căn phòng rộng rãi quen thuộc trước kia mà tôi đã từng tới làm việc. Tư lệnh ngồi sau bàn và đang ngoáy bút cho ý kiến trên một văn kiện. Liền bên là cặp tài liệu với những giấy tờ chờ giải quyết. Thấy tôi, Giu-cốp đặt bút xuống bàn, mỉm cười, mà dịu bớt khuôn mặt nghiêm nghị. Đồng chí đứng dậy, chìa tay:

- Chào I-van Khơ-ri-xtô-phô-rô-vích. Đã lâu bọn mình không gặp nhau.

Một lần nữa, tôi lại nhớ tới Trường cao đẳng kỵ binh ở Lên-nin-grát. Trong lớp chúng tôi có A. I. Ê-ri-ô-men-cô, Gh. C. Giu-cốp, N. L. Mi-súc, C. C. Rô-cô-xốp-xki, P. L. Rô-ma-nen-cô, Ia. A. Xa-vê-li-ép, X. P. Xi-ni-a-cốp, V. I. Tsi-xti-a-cốp, mỗi người một tính cách. Nhưng khi đó, tất cả đã là những cán bộ chỉ huy dày dạn, những con người kiên nghị, dũng cảm trong suy nghĩ và hành động.

Lúc ấy, chưa có một ai trong chúng tôi đến tuổi ba mươi. Là những thanh niên trẻ, khỏe (con nhà kỵ binh có đặc điểm được rèn luyện nhiều về thể lực), chúng tôi luôn luôn đua tài đua sức trong học tập cũng như trong các cuộc đua ngựa.

Trong số chúng tôi, phải công nhận kiên trì nhất vẫn là A. I. Ê-ri-ô-men-cô. Với sự cần cù hiếm có, anh theo đuổi chương trình học tập rất nặng và căng. Tính kiên định và tinh thần phấn đấu không mệt mỏi đó được anh giữ mãi một đời và thể hiện đặc biệt mãnh liệt trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại.

Ở lớp tôi, Gh. C. Giu-cốp được coi là một trong những học viên tài năng nhất. Ngay khi ấy, anh đã khác người rõ rệt không chỉ về mặt phẩm chất ý chí, mà cả về cách suy nghĩ thật độc đáo. Trong các buổi học chiến thuật kỵ binh, Giu-cốp nhiều lần làm chúng tôi ngạc nhiên vì một điều bất ngờ nào đó. Cách giải quyết của anh bao giờ cũng gây nhiều tranh luận, và bao giờ, anh cũng biết bảo vệ quan điểm của mình một cách thật lô-gích.

Được cảm tình đặc biệt của lớp là C. C. Rô-cô-xốp-xki, một con người nhã nhặn và rất tế nhị. Tư thế gọn gàng, vóc dáng chắc đẹp, tốt bụng, vô tư, chịu tập thể thao, một sự rèn luyện tối cần thiết đối với người chiến sĩ kỵ binh – những ưu điểm đó khiến bạn bè đều gần gũi anh. Trong bọn kỵ binh hăng say chúng tôi, anh đúng là một kỵ sĩ giàu kinh nghiệm nhất và cũng là người sành sỏi chiến thuật kỵ binh.

Lớp chúng tôi sống rất hòa thuận, không khí thi đua càng thúc đẩy việc học tập, một công việc vốn đòi hỏi một sự nỗ lực đầy đủ. Bầu không khí lãng mạn cách mạng bao trùm thành phố mang tên Lên-nin – chiếc nôi của cách mạng vô sản – có ảnh hưởng tốt lành đối với chúng tôi. Chúng tôi khao khát tiếp xúc với sinh hoạt xã hội và văn hóa của Lê-nin-grát. Những truyền thống cách mạng, nền văn hóa phong phú được tích lũy hàng bao thế kỷ của Lê-nin-grát đã để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm trí chúng tôi, làm tăng thêm lòng tự hào về Tổ quốc vĩ đại của mình.

Sau đợt học tập dã ngoại căng thẳng mùa hè, kết thúc bằng cuộc đua ngựa 200 ki-lô-mét từ Nốp-gô-rốt đến Lê-nin-grát và cuộc diễn tập quân sự lớn cuối khóa của hai cánh quân, chúng tôi chia tay nhau mỗi người đi một phương. Từ bấy đến nay đã 15 năm, và qua những tin tức khi có khi không, tôi biết được số phận các bạn cùng học. Chỉ có Gh. C. Giu-cốp, như người ta thường nói, làm nổi bật hơn cả. Thay cho ba gạch trên cấp hiệu bên ve áo anh, bây giờ là năm ngôi sao cấp đại tướng và trên ngực còn lấp lãnh ngôi Sao vàng Anh hùng Liên Xô. Người bạn học cũ của tôi đã tiến khá xa.

Tôi không hề ngạc nhiên về thành tích của Gh. C. Giu-cốp, anh không chỉ có tài năng quân sự xuất chúng, trí lực cao, mà còn có ý chí sắt đá. Nếu đạt được cái gì đó thì bao giờ cũng là do anh đã đi theo con đường thẳng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2016, 06:26:22 am »

Vẻ ngoài Giu-cốp không thay đổi lắm. Có lẽ chỉ thân hình vạm vỡ của anh hơi đẫy ra, làn tóc lượn sóng, mềm mại có thưa đi chút ít và nét mặt rắn rỏi, nghiêm nghị hơn.

Cuộc gặp gỡ với người bạn học cũ bắt đầu theo cung cách nghi thức. Tôi xử sự theo đúng điều lệnh. Tôi cảm ơn tư lệnh đã nhanh chóng giải quyết đề nghị của tôi. Giu-cốp chau mày, khoát tay:

- Thôi, được rồi… Mình giải quyết việc này không phải chỉ vì cậu, mà cả vì lợi ích công tác. Hiện nay, các đơn vị rất cần cán bộ chỉ huy được đào tạo không chỉ về binh chủng hợp thành, mà cả về tác chiến chiến dịch. Mình nghĩ rằng đã không chọn nhầm người.

Tính chất nghi thức của cuộc gặp gỡ biến mất. Hai chúng tôi bỗng như bị cuốn hút vào những kỷ niệm về Lê-nin-grát, về thời chúng tôi còn trai trẻ và những hồi tưởng tốt đẹp về các bạn học cũ. Sau cùng, chúng tôi lại trở về với công việc. Tôi đề nghị tư lệnh cho tôi đến nơi công tác mới là bộ tham mưu tập đoàn quân 12.

- Ồ, chưa đi ngay được đâu, - Giu-cốp chặn lại. – Phải chờ thôi. Tháng Mười hai sẽ có cuộc họp các cán bộ lãnh đạo của Bộ dân ủy quốc phòng và tất cả các quân khu. Thành phần cuộc họp được mở rộng và sẽ giải quyết nhiều nhiệm vụ quan trọng. – Im lặng một lát, đồng chí nói thêm: - Chúng tôi được biết là đích thân Xta-lin sẽ tham dự. Tổng tham mưu trưởng sẽ đọc báo cáo chính về tổng kết công tác huấn luyện chiến đấu và huấn luyện chiến dịch trong năm qua. Những người đọc báo cáo bổ sung là tướng thanh tra bộ binh, cá cục trưởng Cục Quân huấn và Cục ô-tô – xe tăng – thiết giáp, trưởng thanh tra pháo binh. Một số tư lệnh quân khu sẽ phát biểu ý kiến về những vấn đề nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Mình được phân công chuẩn bị báo cáo về một vấn đề chủ yếu: “Tính chất của một chiến dịch tiến công hiện đại”. Theo chỗ mình biết, cậu đã qua bốn năm ở Học viện Bộ Tổng tham mưu, học cũng có, dạy cũng có… Mình chắc cậu có mang theo những tài liệu của học viện?

- Thừa đồng chí tư lệnh, tôi có mang theo.

- Biết ngay mà, - nét mặt Giu-cốp tươi hẳn lên, - cậu giúp mình chuẩn bị báo cáo. – Và Giu-cốp hào hứng trình bày quan điểm của mình. Mọi cái đều phải tính toán trên những khả năng thực tế. Thắng lợi của bọn Đức ở phương Tây dựa vào việc sử dụng tập trung các đơn vị xe tăng, cơ giới và không quân. Điều này buộc ta phải suy tính nhiều lẽ. Tiếc rằng hiện nay, chúng ta chưa có những liên binh đoàn chiến dịch cơ giới lớn như vậy. Các quân đoàn cơ giới của ta mới chỉ ở giai đoạn hình thành. Mà chiến tranh thì có thể nổ ra ra bất cứ lúc nào. Chúng ta không thể xây dựng kế hoạch tác chiến dựa vào những cái sẽ có sau một năm rưỡi, hai năm. Phải căn cứ vào lực lượng hiện có của các quân khu sát biên giới…

- Chúng ta sẽ cùng suy nghĩ, - tư lệnh nói. – Có vấn đề gì cứ đến chỗ mình, đừng ngại. Cậu có thể lấy bất kỳ cán bộ nào của phòng tác chiến thuộc bộ tham mưu quân khu để giúp việc. Hãy bắt tay vào việc ngay ngày mai.

- Mai là chủ nhật…

- Sao vậy, chủ nhật là để cho chúng ta, chứ không phải chúng ta bị ràng buộc vào chủ nhật, - Giu-cốp bông đùa đáp lại.

Chia tay với tư lệnh, tôi đến gặp trung tướng M. A. Puốc-ca-ép, tham mưu trưởng quân khu. Tôi chia có dịp được gặp, nhưng đã nghe nói nhiều về vị tướng tài năng và có học thức này. Đồng chí nói thạo tiếng Đức và tiếng Pháp, vốn làm tùy viên quân sự ở Đức về. Puốc-ca-ép sinh ở tỉnh Xim-biếc-xcơ cũ, xuất thân từ một gia đình công nhân người Moóc-đô-vi-a, đã học xong chương trình trung học phổ thông. Hồi bấy giờ, một thanh niên nhà nghèo mà theo học được như vậy là một điều may hiếm có. Năm 1915, Puốc-ca-ép vào học trường chuẩn úy, rồi được phong sĩ quan và ra thẳng mặt trận. Trong những ngày Cách mạng tháng Mười, đồng chí đi theo những người bôn-sê-vích, tình nguyện gia nhập Hồng quân và năm 1919 được kết nạp vào đảng. Trong những trận chiến đấu chống bọn Côn-tsắc, đồng chí đã chỉ huy trung đoàn và được thưởng huân chương Cờ đỏ. Puốc-ca-ép không có những bước nhảy vọt trong bậc thang công tác, song năm 1931, đồng chí đã lãnh đạo bộ tham mưu quân khu Mát-xcơva. Bạn đồng ngũ cho Puốc-ca-ép là con người khô khan, nhưng khâm phục đồng chí bởi tính tình điềm đạm và hiểu biết rộng. Puốc-ca-ép quả là người am hiểu tường tận công tác tham mưu, đặc biệt là công việc của các đơn vị và công tác tổ chức – động viên.

Tướng Puốc-ca-ép vóc người trung bình, nhưng thân hình vạm vỡ như lực sĩ, nom già hơn tuổi một chút. Đầu to với bộ tóc sẩm màu, rậm, hơi dụng lên; gương mặt quả cảm, gò má cao, đôi mắt to màu nâu, nghiêm nghị hướng về người đối thoại qua chiếc kính cận cắp mũi dầy cộp.

Puốc-ca-ép tiếp tôi khô khan và dè dặt. Cuộc mói chuyện mang tính chất hoàn toàn nghi thức. Khi tôi đã tự giới thiệu và báo cáo nhiệm vụ được Giu-cốp giao, Puốc-ca-ép gọi dây nói lệnh cho thiếu tướng Rúp-xtốp xem có thể chọn cán bộ tham mưu nào giúp việc và nhanh chóng bảo đảm mọi điều kiện làm việc cần thiết cho tôi ở phòng tác chiến.

Ít phút sau, Rúp-txốp đã ôm hôn tôi thắm thiết. Anh hỏi ngay tôi thu xếp nơi ăn chốn ở ra sao, lệnh thu xếp phòng làm việc và cấp cho tôi giấy ra vào thị xã trong bộ tham mưu quân khu.

Tôi nhanh chóng bắt tay vào việc. Người giúp đỡ tôi nhiều là Gh. V. I-va-nốp, trước đây là một trung úy kỵ binh giàu kinh nghiệm, đã tốt nghiệp Học viện Bộ Tổng tham mưu, giờ dây đến quân khu thực tập.

Tôi sống xa gia đình, làm việc, như người ta thường nói, từ lúc kèn báo thức cho đến khi kèn báo ngủ. Tôi với I-va-nốp hoàn thành nhiệm vụ khá nhanh. Tư lệnh đang làm việc nhiều để chuẩn bị bản báo cáo tỏ ra hài lòng về sự cố gắng của hai chúng tôi. Cuối tháng Chính, sau khi đã sửa chữa và bổ sung lần cuối, Giu-cốp giao lại cho tôi tài liệu và chỉ thị:

- Cậu kiểm tra kỹ một lần nữa sau khi đã đánh máy và hãy chuẩn bị lên đường: ba ngày nữa sẽ bắt đầu diễn tập chỉ huy – tham mưu ở tập đoàn quân 12. Mình muốn đến đấy. Cậu cùng đi với mình. Mình sẽ giới thiệu cậu với tư lệnh tập đoàn quân. Trong thời gian diễn tập, cậu sẽ làm quen với bộ tham mưu, nơi cậu sẽ công tác.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2016, 06:26:48 am »

Ở BỘ THAM MƯU TẬP ĐOÀN QUÂN

Bộ tham mưu tập đoàn quân 12 đóng trong khu rừng phái Tây Đrô-gô-bư-tsơ. Các cán bộ chỉ huy của tập đoàn quân đóng thành hàng ngay ngắn bên cạnh một căn lều lớn. Tiếng hô “Nghiêm!” vang vọng khắp rừng, một vị tướng dáng người cân đổi, nghiêm trang bước về phía Giu-cốp, tiếng báo cáo sang sảng. Đó là tư lệnh tập đoàn quân, trung tướng Ph. A. Pa-ru-xi-nốp. Bắt tay tư lệnh tập đoàn quân, Giu-cốp ôn tồn chào hỏi các cán bộ chỉ huy ra đón.

Tướng Pa-ru-xi-nốp chăm chú nhìn tôi từ đầu đến chân. Chúng tôi lặng lẽ bắt tay nhau. Pa-ru-xi-nốp cao hơn người, tầm vóc trung bình, dáng thẳng, mái đầu hẹp với bộ tóc đen rậm hất về phía sau. Dáng dấp của đồng chí toát lên vẻ phong nhã. Khuôn mặt đầy đặn hơi xanh, lông mày thưa mảnh, đen nhánh hình cánh cung, sống mũi hơi cong, hàng ria đen mảnh được tỉa tót đều đặn… Đồng chí xử sự đàng hoàng và lịch sự.

Tôi nghe nói Pa-ru-xi-nốp thông minh sắc sảo, một cán bộ chỉ huy dày kinh nghiệm, nhưng đôi lúc có chỗ yếu về trình độ lý luận quân sự. Pa-ru-xi-nốp phục vụ trong Hồng quân từ ngày đầu thành lập và dần lên đến cương vị phó sư đoàn trưởng bộ binh. Từ năm 1938, đồng chí được đề bạt nhanh, và nay đã là tư lệnh tập đoàn quân.

Giu-cốp quan tâm đếm đến ý định diễn tập. Chúng tôi bước vào lều, trong đó đã treo đầy bản đồ và sơ đồ. Đồng chí chăm chú nghe tư lệnh tập đoàn quân báo cáo, không ngắt lời, rồi phát biểu những ý kiến không tán thành. Ý kiến tranh luận chủ yếu là vấn đề số lượng xe tăng và pháo binh ở đoạn đột phá.

Theo dự thảo Điều lệnh dã chiến năm 1939, trên mỗi ki-lô-mét của đoạn đột phá ở hướng đột kích chủ yếu phải tập trung khoảng 30 – 35 pháo và 15 – 20 xe tăng. Nhưng kinh nghiệm chiến đấu ở Tây Ban Nha và ở eo Ca-rê-li-a cho thấy mật độ đó rõ ràng chưa đủ, mà phải tăng thêm ít nhất hai lần. Pa-ru-xi-nốp không muốn công nhận điều đó và cho rằng mật độ mới này chỉ là suy diễn, và trên thực tế không thể làm như vậy được. Tư lệnh tập đoàn quân định tổ chức tiến công theo quy định cũ.

Giu-cốp diềm tĩnh và lạnh lùng lắng nghe Pa-ru-xi-nốp hăng say bảo vệ ý kiến của mình, sau đó nhẹ nhàng, nhưng đầy sức thuyết phục, bác lại mọi lý lẽ của Pa-ru-xi-nốp.

- Chúng ta cần học cách chiến đấu với một kẻ địch thông minh và mạnh. Không thể thắng chúng chỉ bằng tiếng hô “xung phong”.

Tư lệnh quân khu yêu cầu tăng thêm mật độ pháo và xe tăng ở đoạn đột phá. Đồng chí còn nêu một số nhận xét quan trọng khác về tổ chức diễn tập.

Khi Gh. C. Giu-cốp đi khỏi, một người lại gần tôi, đó là tham mưu trưởng tập đoàn quân, tướng B. I. A-ru-sa-ni-an. Anh siết chặt tay tôi và mỉm cười thân thiết.

- Lại chỗ mình đi, I-van Khơ-ri-xtô-phô-rô-vích. Ta cùng chuyện trò một lát.

Tôi quen A-ru-sa-ni-an đã từ lâu. Những năm hai mươi, tôi chỉ huy trung đoàn kỵ binh Lê-ni-na-can thuộc sư đoàn bộ binh Ác-mê-nia trong một thời gian tương đối dài. Lúc bấy giờ, A-ru-sa-ni-an là hiệu trưởng một trường của trung đoàn bộ binh 1 cùng sư đoàn, đóng ở Ê-rê-van.

Dù còn trẻ, A-ru-sa-ni-an rất xứng đáng được coi là một trong những cán bộ chỉ huy triển vọng nhất.

Đồng chí được đề bạt nhanh. Năm 1936 tốt nghiệp xuất sắc Học viện quân sự mang tên M. V. Phrun-dê, đã từng chỉ huy trung đoàn, sư đoàn, nổi lên trong các trận chiến đấu ở eo Ca-rê-li-a. Và nay A-ru-sa-ni-an đã là tham mưu trưởng tập đoàn quân của một quân khu biên giới quan trọng nhất. đồng chí là người rất có năng lực, thông minh và không hề say sưa vì chuyện thăng cấp nhanh.

A-ru-sa-ni-an đưa tôi vào căn hầm nhỏ ẩm ướt và không được ấm cúng lắm. Thỉnh thoảng, những giọt nước lớn từ trên nóc hầm rỏ xuống. Cuộn tròn một nắm giấy, đồng chí gạt vũng nước trên bàn và chỉ cho tôi chiếc ghế dùng khi hành quân:

- Ngồi đây, anh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2016, 06:27:11 am »

Một trung úy trẻ, ăn mặc chỉnh tề, lặng lẽ bước vào hầm. Rõ ràng cậu ta vừa rời ghế nhà trường. Khuôn mặt thông minh, hồng hào, lộ rõ sức bật sẵn sàng chấp hành bất kỳ mệnh lệnh nào.

- Va-xi-a, - vị tướng chỉ chiếc bàn, - có chút gì nhấm nháp được thì mang ra đây.

Trên bàn vị chủ nhà hiếu khách dọn ra mấy hộp thức ăn mở sẵn và một chai cô-nhắc.

- Hồi ấy ở học viện, có bao giờ mình nghĩ lại có thể leo rất nhanh từ úy lên tướng? Thế mà, anh thấy không, số tôi không chỉ làm đến cấp tướng… - nói đến đây, A-ru-sa-ni-an đang dang rộng tay, mỉm cười thân mật, - mà còn được một chỉ huy giàu kinh nghiệm như anh làm trợ thủ…

- Tôi rất vui lòng làm việc dưới sự chỉ huy của anh, - tôi thành thực nói vậy. – Một khi biết rõ cấp trên của mình thì làm việc sẽ dễ dàng hơn.

A-ru-sa-ni-an bắt đầu kể về từng người ở bộ tham mưu. Anh nhận xét ngắn gọn, nhưng đầy đủ. Tôi thấy may là anh đã kịp nắm vững cấp dưới.

Câu chuyện của chúng tôi bị tiếng chuông điện thoại cắt đứt. Tư lệnh tập đoàn quân cần gặp tham mưu trưởng.

- Phải chia tay thôi, - A-ru-sa-ni-an thở dài, rồi gọi sĩ quan tùy tùng. – Đồng chí đưa đại tá đến phòng tác chiến.

Vài phút sau, tôi đã có mặt trong một căn hầm rộng rãi, với những dãy bàn kê sát.

E rằng có bạn đọc ít hiểu về quân đội sẽ chưa rõ lắm nhiệm vụ và vị trí của phòng tác chiến trong bộ tham mưu tập đoàn quân, tôi xin cố gắng nói sơ lược về điều này.

Phòng tác chiến (ở những bộ tham mưu lớn là cục tác chiến) là trung tâm tập trung và xử lý tin tức về trạng thái tình hình của bộ đội ta, tin tức về địch và nói chung là tình huống tác chiến. Trên cơ sở những tin tức đó, phòng tác chiến làm những tính toán về mặt chiến dịch, chiến thuật cần thiết để xây dựng quyết tâm của tư lệnh, và khi quyết tâm đã được đề ra thì phòng tác chiến sẽ truyền đạt xuống các binh đoàn, dưới hình thức mệnh lệnh chiến đấu hoặc chỉ thị riêng và tổ chức kiểm tra việc chấp hành.

Tất nhiên, toàn bộ công việc to lớn đó được thực hiện với sự hiệp đồng chặt chẽ của các phòng khác trong bộ tham mưu cũng như với các ban tham mưu và bộ tư lệnh các binh chủng cùng các ngành chuyên môn nghiệp vụ. Do vai trò đặc biệt quan trọng của phòng tác chiến, nên trưởng phòng đồng thời là phó tham mưu trưởng.

Phòng tác chiến bộ tham mưu tập đoàn quân 12 hồi tháng Mười năm 1940 do tôi phụ trách, gồm mười lăm sĩ quan trợ lý và trợ lý trưởng của trưởng phòng. Nhiều người còn rất trẻ. Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Hồng quân phát triển nhanh đến nỗi ngay các cơ quan tham mưu lớn cũng phải bổ sung những người mới hôm qua còn là trung úy. Chỉ có thời gian và sự học tập kiên trì mới có thể giúp họ trở thành những cán bộ tác chiến có kinh nghiệm.

Và giờ đây, các chàng trai mang quân hàm thượng úy và đại úy đang ngồi làm việc sau những chiếc bàn trên trải những bản đồ địa hình lớn. Người ghi vào bản đồ những tin tức mới nhất về tình hình, người soạn thảo quyết tâm của tư lệnh tập đoàn quân, người viết báo cáo chiến đấu theo định kỳ, người thảo mệnh lệnh. Người nào việc nấy, chăm chú vào công việc.

Thấy một đại tá lạ bước vào, tất cả đứng dậy. Một người ngồi ở góc phòng, tóc đen, trạc ba mươi tuổi, vẻ xốc nổi, nhanh nhẹn tiến lại phía tôi. Mắt anh tựa như hai trái ô-liu, long lanh trên khuôn mặt rám nắng, chăm chú và dò hỏi nhìn tôi.

- Đại úy Ai-va-dốp, - anh tự giới thiệu, - quyền trưởng phòng tác chiến.

Tôi siết chặt tay đồng chí đại úy năng nổ:

- Đại tá Ba-gra-mi-an. Được cử làm trưởng phòng của các đồng chí.

- May quá! – đại úy vui mừng. – Chúng tôi mệt phờ cả người ra rồi. Tư lệnh có tha cho chúng tôi đâu. Hơi một tí là chỉnh, liệu mà giữ lấy thân.

- Thế dễ tôi là cột thu lôi để đỡ đòn sấm sét cho các đồng chí hay sao? – tôi bật cười.

- Không phải như vậy, - đại úy bối rối. – Nhưng dầu sao đại tá cũng dễ chèo chống hơn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2016, 06:27:26 am »

Ai-va-dốp lần lượt giới thiệu các sĩ quan với tôi. Tôi đề nghị anh em tiếp tục làm việc rồi yêu cầu đồng chí phó trưởng phòng giới thiệu tình hình và những nhiệm vụ mà phòng tác chiến đang phải giải quyết. Chỉ dùng bản đồ, không cần đến những ghi chép, Ai-va-dốp giới thiệu tỉ mỉ với tôi về tình hình công việc. Thì ra sáng mai, tư lệnh tập đoàn quân phải hạ quyết tâm tiến công. Trước khi hạ quyết tâm, đồng chí cần nghe ý kiến của bộ tham mưu, của các chủ nhiệm binh chủng và các ngành chuyên môn nghiệp vụ. Thông thường, trưởng phòng tác chiến sẽ phải báo cáo về đánh giá tình hình và sẵn sàng trình bày những đề nghị của mình về quyết tâm.

Chúng tôi ngồi chuẩn bị tài liệu đến tận khuya Tôi vốn quen với không khí diễn tập nên mọi việc đều trôi chảy. Thậm chí chúng tôi còn ngả lưng được một lát. Còn một tiếng đồng hồ nữa thì bắt đầu tập huấn, đồng chí trực ban đánh thức tôi.

Vừa cạo râu xong thì ở cửa căn hầm dành cho tôi đã vang lên giọng nói yêu đời của đồng chí phó trưởng phòng tháo vát:

- Chào đồng chí đại tá! Căn lều lớn đã chuẩn bị sẵn sàng để tập huấn, bản đồ và các biểu bảng cần cho báo cáo của đồng chí đã treo đủ. Mọi người đã tập trung ở đó. Mời đồng chí tới, nếu không, có thể bị muộn.

Trong lều đã chật ních sĩ quan và tướng tá trong cơ quan chỉ huy tập đoàn quân. Tôi theo Ai-va-dốp đến bên chiếc bàn dành cho phòng tác chiến. Sau khi trải tấm bản đồ công tác và kiểm tra lại những số liệu ghi chép, tôi đưa mắt nhìn quanh. Bên phải tôi là một đại tá người xương xương, mặt hơi gầy, khoảng bốn mươi tuổi. Bắt gặp cái nhìn của tôi, đồng chí mỉm cười thân mật, nhổm dậy, chài tay cho tôi và tự giới thiệu: trưởng phòng trinh sát bộ tham mưu tập đoàn quân, đại tá Ca-min-xki.

Sau này, tôi còn có dịp làm việc với A. I. Ca-min-xki trong những ngày đầu gian khổ nhất của cuộc chiến tranh.

Đồng chí sinh trưởng ở vùng Hạ lưu sông Vôn-ga trong một gia đình đánh xe thồ, và từ nhỏ rất yêu ngựa. Hoàn cảnh đó càng làm cho chúng tôi thêm gần nhau. Chúng tôi có thể bàn luận rất lâu về dáng ngựa và tính nết kỳ diệu của con vật thông minh này. Ca-min-xki là lính cựu, có mặt ngay từ ngày đầu thành lập Hồng quân và cũng vào đảng ngay từ hồi ấy. Đồng chí đã tự học rất nhiều, tốt nghiệp hàm thụ lớp hai năm của Học viện quân sự mang tên M. V. Phrun-dê. Thoạt tiên, đồng chí chỉ huy các phân đội chiến đấu, rồi lên đến tiểu đoàn trưởng bộ binh. Sau đó, đồng chí được đi học nghiệp vụ và chuyển sang công tác trinh sát. Ở đây, tài năng của Ca-min-xki mới được bộ lộ đầy đủ. Đồng chí là người thông minh, sắc sảo và kiên trì.

- Còn ngồi sau ta là ai thế? – tôi hỏi về một thiếu tá trẻ, tóc màu hạt dẻ.

- Thiếu tá Cô-rô-tun, trưởng phòng huấn luyện chiến đấu. Một cán bộ chỉ huy tài năng hiếm có, - Aiva-dốp nối.

Cạnh Ca-min-xki là một đại tá đứng tuổi, chững chạc. Vẻ quả cảm, cái nhìn đăm chiêu và chăm chú của đồng chí trông quen quen.

- Còn đây là ai?

- Chủ nhiệm ô-tô – xe tăng – thiết giáp của ta.

Tôi nhìn kỹ đại tá. Và trong ký ức của tôi, quá khứ xa xôi bỗng lóe lên như tia chớp. Tiểu đoàn trưởng thiết giáp dũng mãnh thuộc lữ đoàn kỵ binh Cáp-ca-dơ độc lập số 2… - Không lẽ lại là đồng chí này?

- Họ đồng chí ấy là Pi-xcu-nốp phải không? – tôi khẽ hỏi đại úy Ai-va-dốp.

- Đúng thế, Pi-xcu-nốp…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2016, 06:27:46 am »

Chà, đó chính là Pi-xcu-nốp, người quen của tôi ở Da-cáp-ca-dơ, đã từng tham gia nội chiến. Trong những năm hai mươi, khi ở kỵ binh, chúng tôi thường gặp nhau trong các cuộc tập trận và diễn tập của tập đoàn quân.

Tôi rất mừng, hóa ra trong số chiến hữu mới của mình, ngoài A-ru-sa-ni-an, còn có một người người bạn cũ nữa. Tôi đứng dậy, lại gần Pi-xcu-nốp. Nét sững sờ trên khuôn mặt anh thoáng biến mất và thay vào đó là nụ cười rộng mở. Anh dùng cả hai tay bóp chặt bàn tay tôi, cuống quít nhắc đi nhắc lại:

- Chà! Chà!

Mọi người ngạc nhiên nhìn chúng tôi.

Nhưng chưa kịp hàn huyên. Một khẩu lệnh vang lên. Tất cả đứng dậy. Tư lệnh tập đoàn quân Pa-ru-xi-nốp, ủy viên Hội đồng quân sự tập đoàn quân – chính ủy sư đoàn Dê-len-cốp, và tham mưu trưởng – tướng A-ru-sa-ni-an bước vào lều.

Nhìn khắp lượt những người có mặt, tư lệnh dừng mắt vào người đứng cạnh tôi.

- Nào, bắt đầu từ trinh sát. Đại tá Ca-min-xki, đồng chí báo cáo ngắn gọn về địch.

Ca-min-xki chậm rãi tiến lại bên bản đồ, cầm gậy chỉ và quay về phía tư lệnh, bắt đầu báo cáo tóm tắt và rành mạch về tình hình phòng ngự của địch, lực lượng và các phương tiện của chúng, lực lượng dự bị mà chúng có thể tung vào đoạn đột phá. Đại tá nhấn mạnh rằng địch tổ chức phòng ngự vững chắc, có chuẩn bị trước. đột phá được phòng ngự của địch không phải dễ, hơn nữa trên đường tiến của quân ta lại có một con sông lớn cản đường. Những tin tức về tình hình phòng ngự của địch không chính xác lắm. Cần xác định rõ thêm những tin tức về lực lượng dự bị gần của địch.

Pa-ru-xi-nốp chau mày:

- Chà, trinh sát ta nắm được tình hình địch quá ít. Làm sao mà hạ được quyết tâm trên cơ sở những tin tức chưa đầy đủ như vậy. Hơn nữa, đồng chí còn làm cho chúng tôi phát sợ biết bao: nếu tin vào các đồng chí thì phòng ngự của địch là bất khả xâm phạm… Còn bây giờ, - tư lệnh nhìn về phía tôi, - chúng ta sẽ nghe xem trưởng phòng tác chiến báo cáo những gì.

Tôi cố gắng đánh giá ngắn gọn tình huống ở dải dự định tiến công, nêu ra những khó khăn có thể gặp khi vượt sông, so sánh lực lượng tiến công và phòng ngự trong từng giai đoạn chiến dịch. Ưu thế về số lượng của quân ta ở hướng đột kích chủ yếu rõ ràng là chưa đủ. Do vậy, tôi đề nghị đột phá ở một chính diện tương đối hẹp và cố gắng đạt được ưu thế ở đây khoảng gấp ba lần về số lượng.

- Tôi không thể chấp nhận đề nghị của đại tá được, - Tư lệnh đứng dậy. Đồng chí nóng nảy gõ gõ ngón tay lên mặt bàn. – Nếu ta dồn đòn đột kích chủ yếu vào một đoạn hẹp thì phần lớn lực lượng địch sẽ được rảnh tay. Mà chúng ta lại phải cố gắng gây tổn thất tối đa cho chúng ngay từ đòn đột kích đầu tiên.

Mọi cố gắng chứng minh những lý lẽ của tôi là xác đáng đều không thu được kết quả. Sau khi nghe báo cáo của chủ nhiệm các binh chủng và các ngành chuyên môn nghiệp vụ, tham mưu trưởng phát biểu ý kiến. Đồng chí ủng hộ đề nghị của phòng tác chiến là cần tập trung càng nhiều lực lượng vào đoạn đột phá càng tốt. Pa-ru-xi-nốp yên lặng nghe không hề phản đối. Nhưng khi tư lệnh hạ quyết tâm thì đoạn đột phá lại rộng hơn nhiều so với đề nghị của chúng tôi, những cán bộ tác chiến và tham mưu trưởng. Giỏi lắm thì ở đây cũng chỉ tạo được ưu thế gấp rưỡi là cùng.

Cuộc diễn tập kéo dài vài ngày. Căng thẳng và khá bổ ích, mặt dầu có một số thiếu sót cả về phía lãnh đạo, lẫn người thừa hành.

Tham gia tổng kết cuộc diễn tập có tư lệnh quân khu. Nói chung, đồng chí đánh giá tốt. Nhưng, đúng như chúng tôi chờ đợi, đồng chí phê phán quyết tâm của tư lệnh tập đoàn quân ở chỗ đoạn đột phá quá rộng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2016, 06:28:28 am »

SÁT NƠI BIÊN GIỚI

Giữa tháng Mười, bộ tham mưu tập đoàn quân trở về thành phố Xta-ni-xláp, nơi đóng quân thường xuyên.

Suốt một tuần, không ai quấy rồi tôi: mọi người tạo điều kiện cho tôi tìm hiểu kỹ hơn về cán bộ và tình hình công việc ở phòng tác chiến.

Tôi dọn đến một căn hộ không người ở, rộng hơn và đầy đủ tiện nghi hơn căn hộ ở Mát-xcơ-va. Tôi lấy làm tiếc vì không thể chuyển cả gia đình đến đây ngay.

Những ngày đầu, tôi phải ngồi lỳ ở bộ tham mưu đến khuya. Nhưng, dần dần thâm nhập công việc, mình cũng đã có những buổi tối rỗi rãi. Tôi bắt đầu tìm hiểu thành phố.

Xta-ni-xláp là tỉnh lỵ, mà năm ngoái tỉnh này mới trở thành một bộ phận của nước Cộng hòa U-cra-i-na xô-viết, vẫn là một thị xã yên tĩnh và hẻo lánh. Công nghiệp ít phát triển, chỉ có một vài nhà máy nhỏ và xưởng sửa chữa xe lửa. Khá nhiều cư dân là quan chức cũ, nhà buôn, chủ xưởng thủ công, thợ thủ công. Xếp những nỗi lo âu ban ngày lại, họ vội vã ẩn mình sau bốn bức tường, vì sống dưới chế độ mới, họ cảm thấy không được thoải mái.

Dạo bước trên các hẻm phó cổ dưới ánh sáng tù mù, bạn chỉ thấy cảnh tĩnh mịch. Hiếm hỏi lắm mới nghe thấy tiếng vó lóc cóc của một con ngựa kéo gầy còm và tiếng chân của một khách qua đường lỡ bước. Chỉ ở trung tâm thị xã, nơi có các cơ quan của đảng và nhà nước, thì buổi tối vẫn còn đông người.

Tôi thường ngừng cuộc đi dạo ở một nhà ăn công cộng nhỏ mà cứ tối đến lại biến thành “tiệm cao lâu”. Sau vài lần ăn tối bằng các “món ăn thường ngày” nguội lạnh, tôi hoàn toàn thất vọng về cái “tiệm cao lâu” này và đành phải huy động toàn bộ hiểu biết nghèo nàn về nghệ thuật bếp núc của mình ra để tự nấu lấy.

Tổ chức sinh hoạt tuy chưa tốt, nhưng tôi cũng ít bị ảnh hưởng. Công việc hấp dẫn lôi cuốn, và lại thấy mình như cá lội trong nước.

Ít lâu sau, tướng Pa-ru-xi-nốp gọi tôi lên. Giọng khô khan, đồng chí bảo tôi rằng đã đến lúc phải tìm hiểu bộ đội ở dải sát biên giới mà chúng tôi phải yểm hộ trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Đồng chí đặc biệt yêu cầu phải nghiên cứu kỹ lưỡng những con đèo chính và khu vực sông Xan.

Tôi vui mừng chuẩn bị lên đường. Tôi gọi Đốp-bun, chiến sĩ lái chiếc xe dành cho tôi. Đây là một con người đủng đỉnh và cẩn thận kiểu quê mùa. Cậu ta đăm chiêu gãi đầu gãi tai một lát, rồi mới bắt đầu gạn hỏi cặn kẽ: đi đâu, theo đường nào, đi bao lâu? Thấy tôi sốt ruột, cậu ta thản nhiên giải thích:

- Thế này đồng chí đại tá ạ: tôi chịu trách nhiệm kỹ thuật về chuyến đi của đồng chí. Người ta chẳng thường nói: “chuẩn bị lâu đi đâu cũng chóng” là gì.

… Khi tôi tỉnh giấc, trời hãy còn tối. Cũng chẳng muốn rời khỏi chiếc giường ấm áp để nhìn đồng hồ trên bàn. Nhưng chỉ ít phút sau đã nghe tiếng gõ cửa dè dặt ở phòng ngoài.

- Ai đấy?

- Tôi đây, đồng chí đại tá ạ, - giọng trầm trầm đẩy vẻ quan trọng của cậu lái xe, - xe đã sẵn sàng.

Đổi chiếc giường ấm áp lấy cái giá lạnh ẩm ướt mùa thu lúc này ư?

- Cậu là chúa ác, còn sớm thế này đã dựng mình dậy là thế nào?!

- Còn sớm gì nữa? – tôi nghe thấy tiếng cậu lái xe ở sau cửa. – Đồng hồ điểm 5 tiếng rồi, mà đồng chí đã bảo 5 giờ phải lên đường.

- Thôi được, - tôi phì cười, - chúng ta chuẩn bị lên đường.

Tôi mở cửa cho cậu lái xe sốt sắng vào phòng. Chào hỏi xong, cậu ta vào ngay bếp và đun nước pha trà như chủ nhà vậy.

Khoảng bốn mươi phút sau, chúng tôi lên chiếc xe vẫn chưa nguội máy. Hai sĩ quan đã đợi tôi ở đây: một thuộc phòng tác chiến, một thuộc phòng huấn luyện chiến đấu. Họ cùng đi với tôi. Vất vả lắm, mới chui được vào xe. Thì ra xe chất đủ trăm thứ, những tấm gỗ đầu thừa đuôi thẹo, những tấm đệm đan bằng những cành cây mềm, dây dợ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM