Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 01:49:54 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vì bầu trời Tổ quốc thân yêu  (Đọc 30442 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2016, 05:04:16 am »


        Kế hoạch đánh phá khu vực cầu Hàm Rồng lần này mang tên "Sấm rền 32".

        Vào khoảng hơn 9 giờ sáng ngày 3 tháng 4 năm 1965 đại đội được lệnh mở máy ra đa chiến đấu. Trong buồng máy ra đa lần này đã triển khai đủ các  hiện sóng để ngoài (IKO) của ra đa 403 cho sĩ quan dẫn  đường sử dụng theo dõi mục tiêu. Tại vị trí chiến đấu có  mặt ở máy ra đa 403 có tôi là đại đội trưởng, chính trị  viên Hướng, trung đội trưởng Kỹ, trắc thủ số 1 Trường,  trắc thủ số 2 Lợi, đồng chí Ngư sĩ quan dẫn đường Quân  chủng. Ở máy ra đa 843 đo cao có trung đội trưởng Sơn,  tiểu đội trưởng Vĩnh làm trắc thủ chính, đồng chí Giá  làm trắc thủ bổ trợ. Trong thời gian này, cả hai bộ ra đa  đều theo dõi được các tốp máy bay địch đang hoạt động  ở khu vực cầu Tào - Đò Lèn - Hàm Rồng. Đúng 10 giờ,  đồng chí sĩ quan dẫn đường báo cho chúng tôi biết là  máy bay ta cất cánh 2 tốp. Lệnh của sở chỉ huy Quân  chủng là chúng tôi phải theo dõi chặt địch đang hoạt  động ở Thanh Hóa, phát hiện thông báo liên tục về sở  chỉ huy Quân chủng toàn bộ tín hiệu của máy bay ta, do  có cả tín hiệu của máy hỏi - trả lời nên chúng tôi bám  rất chắc tín hiệu của máy bay ta để thông báo và cứ thế  máy bay ta tiếp cận dần vào đội hình máy bay địch cho  đến lúc không quân ta quần nhau với không quân địch  trên khu vực cầu Hàm Rồng. Lúc này chúng tôi không  thể phân biệt được đâu là tín hiệu máy bay ta, đâu là  tín hiệu máy bay địch để thông báo Sau 20 phút không  chiến máy bay ta bay về, dựa vào tín hiệu máy hỏi - trả  lời nên thỉnh thoảng chúng tôi theo dõi được máy bay ta  vì lúc này các đồng chí lái máy bay của ta cũng bay tản  mát, chứ không bay theo đội hình như khi xuất kích. 

        Trong trận không chiến lịch sử này, không quân ta  đã bắn rơi 2 máy bay địch, lập công xuất sắc, đánh  thắng trận đầu, đại đội 29 chúng tôi cũng đánh giá hoàn  thành nhiệm vụ.

        Đến ngày hôm sau chúng tôi mới biết rõ hai biên đội không quân đánh địch ngày hôm trước, một biên đội do đồng chí Trần Hanh chỉ huy, một biên đội do đồng chí Phạm Ngọc Lan chỉ huy khi bay về do điều kiện phức tạp do mải bay đuổi đánh địch nên đồng chí Phạm Ngọc Lan phải hạ cánh bắt buộc trên bãi cát sông Hồng, người và máy bay an toàn.

        Trong quãng đời chiến đấu, đây là lần thứ ba tôi được vinh dự góp phần vào chiến công của bộ đội Phòng không - Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam bắn rơi máy bay của không quân địch. Ngày hôm sau 4-4 và thời gian tiếp theo đại đội 29 vẫn tiếp tục bảo đảm ra đa cho dẫn đường không quân luyện tập và đánh địch thắng lợi.

        Ngày 5 tháng 8 năm 1965 đơn vị chúng tôi tổ chức lễ kỷ niệm một năm thành lập vô cùng trọng thể ghi nhận một năm xây dựng - chiến đấu lập công xuất sắc. Nhiều đồng chí cán bộ cấp trên đã đến chúc mừng đơn vị, chúng tôi vô cùng sung sướng tự hào và tỏ lòng biết ơn công lao lãnh đạo chỉ huy của cán bộ và cơ quan cấp trên, sự giúp đỡ đoàn kết của đơn vị bạn và chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội.

        Đầu năm 1966, đại đội 29 ra đa dẫn đường cũng là đại đội dẫn đường đầu tiên của bộ đội Phòng không được trang bị ra đa Π30 và ra đa ΠPB11 loại ra đa dẫn đường hiện đại lúc bấy giờ do Liên Xô viện trợ thay thế cho loại ra đa 403 và 843 để tiếp tục chiến đấu.

        Tháng 6 năm 1966 tôi được Bộ tư lệnh Quân chủng điều động về công tác tại phòng Ra đa trinh sát phòng không thuộc Bộ tham mưu Phòng không - Không quân, rồi trung đoàn 293 Binh chủng Ra đa cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trong khoảng thời gian từ biệt đại đội 29 sau này lấy tên là đại đội 41, tôi vẫn thường xuyên theo dõi hoạt động của đơn vị trên các chiến trường và cũng rất hãnh diện về những chiến công tiếp theo của đơn vị.

        Có lời tâm sự để kết thúc bài viết, một sự trùng hợp rất lý thú trong cuộc đời binh nghiệp của tôi là tôi đã sống và chiến đấu trong hai đại đội ra đa mà phiên hiệu của nó có con số 9 là đại đội 19 và đại đội 29, ngày 5-8-1964 là ngày kỷ niệm lịch sử nhất của đời tôi vì nó là ngày sinh của đại đội 29 và là ngày lập công xuất sắc của đại đội 19, hai đại đội tôi đã sống và chiến đấu vì thế tôi sẽ giữ kỹ chiếc huy hiệu ngày 5 tháng 8 suốt cuộc đời.

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 1997       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2016, 05:08:46 am »

       
Ở MỘT ĐẠI ĐỘI ANH HÙNG

NGUYỄN NHO PHÚ                               
Đại tá Nguyên chủ nhiệm rađa Quân chủng PK-KQ         

NGUYỄN CÔNG THI         

        Đến công tác tại đại đội 19 trung đoàn 291 đóng ở xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, đêm cuối tháng 4 năm 1967, tối trời, tôi đang ngủ ngon giấc. Kẻng báo động, tôi choàng dậy chạy ra sân. Quanh chỉ huy sở nhiều ngọn đèn pháo sáng của giặc Mỹ chiếu sáng, đến con kiến bò dưới đất cũng nhìn thấy. Mọi người chạy xuống hầm trú ẩn. Tôi tự nhủ, giặc Mỹ đánh đơn vị. Máy bay lộn đi lộn lại, 5 phút, 10 phút... ánh sáng yếu dần, máy bay giặc Mỹ bay ra biển. Mọi người thở phào nhẹ nhõm, nhiều người dân từ lúc đó về sáng không ngủ.

        Chỉ huy sở đóng trong bãi phi lao um tùm, cách nhà ông Trường một bờ giậu. Cứ đến công tác là đơn vị bố trí tôi ở nhà ông. Sau lần giặc Mỹ thả pháo sáng, ông nói lần này thì ông hoảng hồn thật sự. Pháo sáng giặc Mỹ cứ xoáy quanh nhà ông. Chủ động đối phó với địch, đơn vị được lệnh cơ động đến trận địa Quảng Đức, Quảng Xương, Thanh Hóa.

        Tôi sửa chữa máy thông tin đã hai ngày, công việc căng thẳng và mệt mỏi. Trong ngày 6 tháng 5 sẽ dời đơn vị về trung đoàn. Tôi vào chỉ huy sở kiểm tra lại máy móc lần cuối trước khi lên đường. Ăn cơm trưa xong, về nơi ở sắp xếp hành trang, bỗng nghe tiếng nổ dừ dội một loạt, hai loạt, ba loạt... Đạn pháo giặc Mỹ ngoài biển bắn vào trận địa. Tiếng nổ, khói bụi bốc mù mịt, tiếng la hét. Quả đạn pháo phạt một trong hai cây dừa của chòi quan sát mắt của đồng chí Tống, làm đồng chí rơi từ trên cao xuống đất nằm sóng xoài, bị gãy mất một cánh tay, máy điện thoại văng xa. Đồng chí cố hết sức bò đến chiếc máy điện thoại cầm tổ hợp thông báo tiếp về chỉ huy sở, cho tới khi giặc Mỹ ngừng pháo kích đồng chí mới được đưa đi bệnh viện.

        Cảm kích hành động của đồng chí Tống, tôi đã viết bài "Người con trai làng Nguyệt Đức" gửi đến chương trình phát thanh quân đội nhân dân. Người con trai làng Nguyệt Đức, Tân Dĩnh, Hà Bắc đã để lại trong tôi, trong đồng đội hình ảnh không quên.

        Đồng chí Kình thợ sửa chữa ra đa P.15, cứu được mẹ con chị Mận đưa xuống hầm trú ẩn. Đồng chí đã bị mảnh đạn xuyên qua mũ sắt vào đầu hy sinh tại chỗ.

        Đồng chí Trai bị thương ở khuỷu chân được anh em chuyển vào bệnh viện. Đến thăm anh, thấy thần sắc anh biến đổi, tôi động viên anh gắng điều trị để sớm trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Mỗi lần đến đại đội 19 công tác, anh thường ngồi với tôi, đưa tôi xem thơ anh làm. Đơn vị vẫn phong cho anh "Nhà thơ Trai" là trợ lý quân khí nhưng anh hay thơ, làm nhiều thơ, một số bài được đăng báo:

                "Nơi anh đang đứng chân,

                Nơi bom đạn rơi đạn nổ.

                Giặc bắn ngoài biển vào,

                Dội bom từ trời cao

                Cái chết cứ rình rập,

                Vẫn đứng vững tự hào”


        Trở về trung đoàn bộ, ba tuần sau được tin anh mất vì vết thương nhiễm trùng, tôi bàng hoàng...

        Ít lâu sau, tôi được chủ nhiệm chính trị trung đoàn Phan Huyền Cơ cử trở lại đại đội 19 viết thành tích của đơn vị. Đại đội trưởng Nguyễn Nho Phú trao cho tôi chiếc ba lô của anh. Trong đó có một ít tư trang và những bức thư của gia đình, của bạn bè gửi cho anh. Đọc thư của ông Châu, bố anh gửi đơn vị "Thư tôi đến với các anh, còn con tôi thì đi mãi mãi...”, tôi không cầm được nước mắt. Anh ra đi lúc còn rất trẻ và chưa một mối tình trọn vẹn, có mất mát nào lớn hơn cái chết của anh!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2016, 05:16:30 am »

       
CHIẾC THỨ 3500 TRÊN QUẢNG BÌNH ĐẤT LỬA

NGUYỄN TÂM TRINH                                           
Đại tá, nguyên Phó tư lệnh – Tham mưu trưởng Binh chủng Ra đa       

        Hôm nay, ai về Đại Trạch với những lũy tre xanh, những túp lều tranh đơn sơ, xen giữa những giàn dây trời của phân đội 17, chắc hẳn cũng thấy lại cuộc sống chiến đấu bình dị mà anh hùng hôm qua của phân đội. Mỗi con người trong phân đội ngày ấy giờ đây chăng thể quên được những gì để lại cho mình từ cuộc sống hôm nào trên rừng núi U Bò. Da chưa hết xanh, mắt chưa giảm quầng những trận sốt rét rừng đâu đây còn phảng phất, mặc dù phân đội đã dời rừng về đồng bằng đã nửa năm nay? Tuy vậy, trong mỗi con người của phân đội, ai cũng cảm thấy hơn trước nhiều. Rau chuối rừng, môn muối bây giờ đã được thay bằng rau cải, rau muống. Thịt hộp đã thỉnh thoảng thay bằng bừa cá, bữa gà. Giờ đây ở cái ngã ba Hoàn Lão này, tuy khó khăn chưa hết, nhưng thiên nhiên đã không còn nghiêm khắc quá nữa. Mưa ngàn suối lũ, dốc rậm, rừng sâu, muỗi vắt đã rèn luyện cho mỗi chiến sĩ những gì bây giờ là tự hào, hãnh diện trước tình hình mới. Những năm tháng đưa máy lên xuống cao điểm 1367m U Bò bây giờ xa dần trong trí nhớ mỗi con người, nhưng có lẽ không bao giờ quên đi được trong ký ức của họ. Những ngày giờ vác gạo, thồ xăng lên chiến đấu sinh hoạt, những buổi khênh đồng chí mình lả đi vì cơn sốt rét ác tính trượt dốc xuống đèo đi bệnh viện vẫn không sao phai được. U Bò, với bao nhiêu kỷ niệm thân thương, có lẽ cứ đi theo con người 17 từng chân đi nước bước của mình. Vườn rau Hải Quân, suối Cài, đường Thống Nhất, dốc Điện Biên, ai đã trèo đi, ai đã đo đầu gối của mình chắc hẳn còn để lại trong mình câu ca dao đầu dốc Mây:

                                                 U Bò dốc dưng núi cao.

                                          Trèo lên đến đỉnh ta cao hơn nhiều.


        Rồi đến cả cái câu chuyện kỳ quái về mấy viên đạn 37mm của một xưởng sửa chữa nào đó thử súng bắn vào lại tưởng là phỉ đến đã náo động đến thiên đình, rồi cả cái chuyện săn rừng lạc nẻo phải tìm nhau, phải đưa nhau ra tận làng Mò cuối dòng sông Long Đại... Chuyện vui có chuyện buồn có, chuyện nực cười không thiếu, toát lên cả là khí phách kiên cường, truyền thống chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, bám trụ núi rừng, đứng vững trên dải Trường Sơn hùng vĩ của Tổ quốc miền Tây chiến đấu và chiến thắng. Và cũng vì vậy mà đã có câu:

                                                   "U Bò trên dải Trường Sơn

                                          Đã tôi thành thép thành gang con người”.

        Giờ đây, họ đã xuống núi, và bám biển, bám đồng bằng chiến đấu. Từ U Bò, họ đi Ta Pàng trên tuyến đường 16, bao nhiêu ngày đào hầm vác máy. Nhưng rồi về đây theo lệnh cuối cùng. Đại Trạch nằm giữa vùng đồi cát bỏng sát đường quốc lộ, lại sát bờ biển. Phân đội 17 đã mấy tháng nay phục vụ cho bao trận đánh phản ứng của bọn giặc nhà trời Mỹ ra vùng đất lửa này. Từ trận đánh cuối năm 1971 rồi trận đánh mồng 2 tết, đến các trận tiêu diệt trên 10 máy bay Mỹ ngày 6 tháng 7 năm 1972, phân đội 17 đã phục vụ cho các đoàn 214, 213, 267 thắng nhiều lần giòn giã. Giặc Mỹ bắt đầu dùng pháo kích bắn vào đường 1, vào Ròn, vào Gianh, rồi vào cả ngã ba Hoàn Lão, vào cầu Chánh Hòa sát nách trận địa phân đội. Thử thách của hàng chục đến hàng trăm lần đạn pháo vượt qua trận địa đã làm phân đội rắn rỏi lên, vững vàng lên. Phân tán rộng ra, cùng với đoàn cấu trúc hầm chống pháo và cũng có lẽ cho đến ngày toàn thắng giặc Mỹ, đại đội 17 trụ bám ở đây vẫn hiên ngang và bình tĩnh. Ngày ngày chăm chút cho tình báo thêm xa, cho tầng thấp được cải thiện. Đặc biệt là từ ngày về đây, 17 gắn chặt và lo lắng hết mức mình sao cho tình báo đến nhanh nhất tới đoàn Sông Gianh, đoàn 213, đoàn 267 và một loạt những trận địa tên lửa nằm kề bên. Một hôm vì cái tội để hết ắc quy, không thông báo được cho bạn, đại đội phó Thảo đã mấy ngày không ăn đạp đi đạp lại tới đơn vị bạn để giải quyết. Tất cả cho chiến đấu, tất cả cho chiến thắng của trận chiến đấu lịch sử. Trong lòng những người chiến sĩ đại đội 17 như thôi thúc như nhắc nhở chỉ có thể hoàn thành và hoàn thành nhiệm vụ thật tốt mà thôi.

        Và vào một ngày tháng 4, ngày 20! Trời Quảng Bình nóng bỏng, nóng cả vì cát rang dưới ánh mặt trời lại hun với cái gió Lào khắc nghiệt, nhưng còn nóng cả vì từng đàn quạ Mỹ ngang dọc bắn phá. Sóng biển rì rào đều giọng. Trưa nay phân đội P10 đang phiên trực. Bên kia phía Tây đường 1 là tiểu đoàn 52 tên lửa cũng cùng chung nhiệm vụ trưa nay. Theo thường lệ, đại đội trưởng Lộc và chính trị viên Chỉ trưa nay không ngủ vì máy bay hoạt động nhiều. Sáng nay nó đã đánh đồi thông Chánh Hòa, nó đã pháo kích đèn biển và Lý Trạch. Bây giờ các đợt đánh đã giãn ra, thưa thớt nhưng tình hình thông báo của trên vẫn căng thẳng.

        - Sông Hồng gọi Sông Lô, nhận đủ không trả lời. Đại đội trưởng Lộc bóp chặt công tắc R109 hỏi bạn.

        - Sông Lô gọi Sông Hồng, nhận đủ, nhận tốt. Đó là tiếng đáp lại của đoàn 267 tên lửa nhận thông báo của đại đội 17.

        Và cũng vừa mới thủ xong liên lạc, thì từ phía Tây sông Mê Lông trên bàn đánh dấu xuất hiện một tốp hai chiếc nhỏ, trung đội P10 đã tóm gọn tên giặc và đang từ từ tiến dần vào nội địa. Địch càng vào gần, trắc thủ càng gióng giả đọc và càng tăng tốc độ thông báo. Địch còn cách 25km thì một tiếng nổ ùng và tiếp đó một tiếng nổ đanh.

        Đại đội trưởng Lộc dời chỉ huy sở ra ngoài, nhắc quan sát chú ý phát hiện thông báo thì từ xa một bó đuốc đã bùng lên thiêu cháy tên giặc trời khốn kiếp. Chiếc RF4C vào trinh sát đã bị tiểu đoàn 52 bắn rơi. Trời buổi trưa nắng càng chói, hai chiếc dù rời khỏi bó đuốc đang từ từ lơ lửng trên không. Và chiều hôm đó, tin báo về: Một tên bị treo cổ trên cây rừng, còn một tên bị tóm gọn. Đó là một tên thiếu tá, đã đem đi Hà Nội để vào sám hối ở Hỏa Lò.

        - Sông Lô gọi Sông Hồng - Xin biểu dương các đồng chí - Đó là tiếng nói của đoàn trưởng Quất đối với phân đội 17.

        - Sông Hồng gọi Sông Lô. Nhận đủ. Chúc thành tích của các đồng chí. Chắc chắn là chiếc 3500 rồi đấy - Chính trị viên Chỉ gửi đi trên làn sóng điện về đoàn bạn.

        Thế là chiếc máy bay thứ 3500 bị bắn rơi được liệt vào bảng vàng lập công đánh Mỹ cho đất lửa Quảng Bình. Phân đội 10 của đài trưởng Tân hôm nay đã lập công. Phân đội mới chân ướt chân ráo từ phân đội 51 về. Mới ngày nào, anh em trong phân đội còn thắc mắc dữ dội về nào máy kém, ọc ạch, nào dơ, nào mòn. Đài trưởng Tân đã vừa nén cơn đau dạ dày vừa phải giải thích, vừa phải cùng cố công ra sức sửa đài để đánh. Hôm nay, giữa bãi cỏ, phân đội lại họp có cả đại đội trưởng Lộc, chính trị Chỉ vui mừng rút kinh nghiệm trận đánh thắng. Phân đội đã hoàn thành nhiệm vụ phát hiện, đại đội đã phục vụ tốt bạn đánh thắng, góp phần vào chiến công chung của chiến dịch. Kỹ sư Kiên hôm nay có mặt ở trận địa, đồng chí vui vẻ sởi lởi rút ống kính máy ảnh ra: "Nào các đồng chí cười lên! Nào ta làm vài pô ảnh! Cười nào". Họ cùng cười phá lên, vai sát vai, tay quàng tay trước ống kính cũng như họ tự hào về những gì mà tập thể đã giao cho họ và họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

        Những cành lá ngụy trang trên các giàn dây trời của phân đội vẫn quay đều lúc ẩn, lúc hiện trong những cây làng, gió rì rào tiếng lá lẹt xẹt như chúc phân đội hãy vững vàng trên địa bàn chiến đấu, cảnh giác và phục vụ nhiều hơn nữa cho chiến thắng.

Mùa xuân Đinh Sửu ngày 1 tháng 4 năm 1997       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2016, 05:48:08 am »

       
HƠN 1100 NGÀY VỚI ĐẠI ĐỘI 19 RAĐA

LƯƠNG THƯỞNG       

        Đại đội ra đa mang phiên hiệu "Đại đội 19" ra đa được phong Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam lúc sinh thời mang tên đại đội 5 - sau đó đổi tên là đại đội 15 đến năm 1963 thì mang tên đại đội 19. Tôi được điều động về đại đội lúc nó mang tên đại đội 15 với chức vụ đại đội trưởng theo quyết định số 1299/QĐ do đại tá Đoàn Phụng ký ngày 29 tháng 6 năm 1961. Ngày tôi về thì đơn vị vừa chuyển từ bãi biển xã Quảng Thái về bãi biển xã Quảng Hùng - Quảng Xương - Thanh Hóa mà bệ ăng ten đang đặt ở xóm Thái Sơn, đồng chí Nguyễn Đình Giám - chính trị viên đại đội báo cáo cho tôi biết là trung đoàn đã lệnh cho đơn vị chuyển bệ ăng ten ra đa về xóm Hùng Sơn mà cự ly giữa hai vị trí trên chỉ dài hơn một cây số xong phải đi qua một cái cống không bảo đảm cho trọng lượng xe đại xa, khổ đường lại quá hẹp nên đơn vị phải tổ chức cho hai xe đặc chủng ra đa và nguồn điện vòng về bãi biển Sầm Sơn đi ngược về ngã ba Môi rẽ vào xóm Kim Giang rồi đưa ăng ten về đặt trên một khoảng đất cao rìa xóm Hùng Sơn gần một cánh đồng rộng nằm ở hướng Đông. Từ đó đại đội được trú quân - xây dựng chiến đấu trên mảnh đất này, một trận địa gắn quãng đời của tôi với đơn vị trong hơn 1100 ngày cho đến ngày 10 tháng 8 năm 1964, năm ngày sau khi đơn vị lập được chiến công vừa phát hiện thông báo địch xâm phạm vùng trời miền Bắc Việt Nam bảo đảm cho hỏa lực phòng không chiến đấu và phòng không nhân dân vừa tham gia trực tiếp bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ trong ngày 5 tháng 8 năm 1964.

        Sau khi cùng đơn vị ổn định vị trí chiến đấu, đại đội được giao nhiệm vụ tiếp tục xây dựng - chiến đấu trong đó có một việc mới mẻ là phải đưa đơn vị vào nề nếp chính quy từ công trình doanh trại - huấn luyện chiến đấu - điều lệnh... Riêng về mẫu thiết kế qui hoạch khu vực doanh trại của một đại đội ra đa, trung đoàn trưởng Lương Hữu Sắt qui định: Ngoại trừ các vị trí nhà xe ra đa - xe nguồn điện, trạm phát thông tin, trận địa súng máy phòng không phụ thuộc vào yêu cầu chiến kỹ thuật của trận địa, còn lại toàn bộ doanh trại của đơn vị đều phải nằm trên một khu vực hình chừ U mà cạnh giữa gồm sở chỉ huy, nhà ban chỉ huy và nhà ăn, các nhà của các trung đội chiến đấu nằm ở hai bên sao cho nhà trung đội chỉ huy nằm cạnh sở chỉ huy, nhà của trung đội trắc thủ ra đa nằm cạnh xe ra đa, cách 5m trước mặt tiền của các dãy nhà phải trồng ba hàng cây có giãn cách 3 đến 5m giữa các hàng, trên các hàng trồng các loại cây phi lao - bạch đàn - phượng vĩ - xà cừ theo thống nhất các loại cây cho từng hàng có giãn cách 3 đến 5m giữa từng cây, ở giữa sân chôn một cột cờ cao 10 - 12m. Thiết kế qui hoạch như vậy song đến công việc thi công thì đâu có dễ, số lượng cây trồng đòi hỏi nhiều, phải có nhiều loại cây, hơn nữa còn phụ thuộc vào chất đất mà các bạn đã biết, đất Quảng Xương, Thanh Hóa toàn cát - gần biển, làm sao để cây sống và chóng tốt. Thế mà sau hơn một năm kể từ khi trung đoàn trưởng Sắt ra lệnh. Cứ mỗi lần vào sáng thứ hai hàng tuần đại đội tổ chức chào cờ xong đều đứng lại ngắm nhìn quang cảnh đẹp của doanh trại với lòng tràn đầy phấn chấn tự hào với bao công sức của anh em trong đơn vị để làm nên cái "kỳ quan" nhỏ bé này.

        Đó là chưa kể việc Tư lệnh trưởng Phùng Thế Tài còn lệnh cho đơn vị làm một công trình nữa không kém phần khó khăn là các đại đội ra đa đều phải trồng cây phi lao xung quanh doanh trại mình để làm hàng rào, qui định còn nói rõ giãn cách giữa các cây là 3m. Với chiều dài hàng rào bao quanh đơn vị là 800 - 1000m chúng tôi phải trồng 300 cây phi lao.

        Một lần nữa, đơn vị lại cử cán bộ liên hệ với các cơ quan tỉnh Thanh Hóa để xin giống cây trồng đủ số lượng. Lúc mới nhận được lệnh, trong chúng tôi ai cũng thấy ngại vì phải làm một việc mà chưa hình dung được nó sẽ ra sao, một việc chưa bao giờ làm. Vậy mà nhờ quyết tâm của đơn vị kết hợp với sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân địa phương nên sáu hai năm hàng rào phi lao đã lên cao vòng quanh doanh trại, đứng ngắm nhìn cũng thấy đẹp mắt và góp phần làm yên lòng đơn vị khi chiến đấu mặt đất. Ngày đơn vị hành quân di chuyển đi nơi khác, trong các khối tài san của khu doanh trại là nhà cửa, đơn vị còn bàn giao cho nhân dân địa phương cả một rừng cây gồm đủ các loại là kết quả từ bao mồ hôi công sức của cán bộ, chiến sĩ đại đội 19 ra đa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2016, 05:48:38 am »

        Huấn luyện để có đủ trình độ bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu cũng là nhiệm vụ trung tâm của đơn vị. Song phải thực hiện đủ thời gian học nhưng không để ảnh hưởng đến nhiệm vụ chiến đấu.

        Vinh dự hơn các đại đội khác trong thời kỳ này là đại đội được trang bị hai bộ khí tài (RΠ8 của Liên Xô và R406 của Trung Quốc). Trung đội R406 được bố trí trên đỉnh đồi 79 tại thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa. Được trang bị máy, tất nhiên phiên ban trực chiến đấu cấp 1 ở sở chỉ huy cũng tăng lên, cán bộ chiến sĩ vất vả hơn, nhất là vào ban đêm.

        Để đảm bảo đủ chất lượng chiến đấu, trung đoàn qui định cho số cán bộ chiến sĩ trực ban đêm được học 2 giờ/ngày, các đồng chí khác học 4 giờ/ngày. Tôi rất lo cho chất lượng huấn luyện hàng năm nhất là vào các giai đoạn kiểm tra học kỳ của đơn vị và cả của bản thân. Tôi cũng xin nói thật tâm tư của mình là lúc bấy giờ, cứ hàng năm đến kỳ kiểm tra huấn luyện là tôi rất sợ phái đoàn kiểm tra của trung đoàn do đích thân trung đoàn trưởng Sắt chỉ huy, mặc dù tôi cũng biết rằng cứ mỗi lần được đồng chí Sắt trực tiếp kiểm tra thì đơn vị và bản thân tôi trưởng thành lên, ấy là vì đồng chí ấy làm việc rất cởi mở, chân tình nhưng rất nghiêm khắc, hơn nữa đồng chí ấy có một kiến thức về quân sự, chuyên môn - kỹ thuật rất "đa-rê-năng". Tiếng đồn là tuy đồng chí không có nhiều bằng cấp lớn nhưng được trời phú cho cái trí thông minh lại rất ham học mà giáo viên của đồng chí ấy là toàn thể mọi cán bộ chiến sĩ của hầu hết các đơn vị ra đa trong trung đoàn, đồng chí thực hiện có hiệu quả phương châm "học thầy không tày học bạn" vì thế đồng chí có kiến thức rộng. Về tôi bao giờ tôi cũng phải chuẩn bị cho đơn vị mình và cả bản thân một số vốn kiến thức đủ để trả lời những câu hỏi kiểm tra, các môn mà chúng tôi cho là hóc búa nhất là đánh dấu thông báo đường bay, tính năng kỹ chiến thuật binh khí tài vì phải cần học thuộc, nhận dạng máy bay... Có năm chúng tôi phải xắn quần để đứng đánh dấu đường bay khi trung đoàn kiểm tra trong sở chỉ huy đang bị ngập lụt. Do đơn vị được trang bị nhiều loại khí tài, với trình độ kiến thức có hạn nên không tránh khỏi có đồng chí trả lời tính năng kỹ thuật loại này ra loại khác. Có lần tôi nghe đồng chí trợ lý trung đoàn kể chuyện, không biết có thật hay chuyện đùa, đồng chí ấy kể có một lần kiểm tra huấn luyện, một đồng chí cán bộ, khi bốc thăm được hỏi về tính năng kỹ chiến thuật của tổng đài 10 cửa, nội dung ghi độ dài, độ rộng, trọng lượng, đồng chí cán bộ được kiểm tra vừa làm động tác vừa trả lời bằng độ dài tổng đài là hơn 2 gang (gang tay) độ rộng của tổng đài là hơn một gang, trọng lượng tổng đài là 3 - 5kg. Chuyện vui cũng na ná như chuyện trắc thủ ra đa báo cáo mất sóng trời - người chỉ huy ra lệnh đi tìm. được cái may là trong đơn vị tôi không có ai như đồng chí cán bộ được kể trong chuyện vui. Đại đội chúng tôi nhiều lần nhận được nhiệm vụ đăng cai tổ chức hội thao huấn luyện cho trung đoàn, lần này được giao làm mẫu cho khoa mục huấn luyện "Đại đội ra đa chiến đấu trong điều kiện địch sù dụng vũ khí hóa học" cho đơn vị bạn tham quan học tập - nội dung cụ thể gồm: Cán bộ, chiến sĩ trong trung đội ra đa Π8 mặc bộ quần áo số 2 đeo mặt nạ cao su làm nhiệm vụ hạ ăng ten ra đa vào tư thế hành quân sau đó làm nhiệm vụ dựng ăng ten ra đa ở tư thế chiến đấu, kíp trắc thủ phát hiện thông báo mục tiêu từ đài ra đa về sở chỉ huy, trung đội trưởng xử lý tình huống trên đài ra đa, chiến sĩ điện công thao tác máy cung cấp nguồn điện. Tất cả các thành phần ở sở chỉ huy mặc bộ quần áo số 2 đeo mặt nạ tổ chức chỉ huy chiến đấu, thu thập - chỉnh lý - thông báo tình hình lên sở chỉ huy trung đoàn, xử trí chỉ huy chiến đấu cả trên không và mặt đất ở trong khu vực đơn vị. Những khó khăn - phức tạp nảy sinh trong khoa mục là khi bộ đội đeo mặt nạ và mặc quần áo số 2 sẽ ảnh hưởng rất lớn trong động tác dựng hạ ăng ten ra đa để đảm bảo an toàn, tính chính xác và thời gian trong chiến đấu, ảnh hưởng đến độ thính giác gây khó khăn cho vấn đề thông tin liên lạc, trong hiệp đồng chiến đấu và sở chỉ huy - Tôi là người chỉ huy chiến đấu phải đảm bảo cho cấp dưới nghe và hiểu rõ mệnh lệnh của mình để chấp hành nên có khi phải kết hợp cả dùng lời với động tác tay, với vóc người của tôi lại nhỏ bé, khi mặc bộ quần áo số 2 vào trông rất buồn cười nhất là khi xử trí tình huống chiến đấu trong sở chỉ huy, có nội dung chỉ huy cần thống nhất, tôi phải cố ghé sát tai đồng chí chính trị viên Giám để nói hoặc ra dấu thấy đồng chí ấy gật đầu, có lúc không thấy đồng chí ấy có hành động gì đáp ứng, sau đó mới biết có nội dung đồng chí ấy nghe được, có nội dung không hiểu ý nhau. Mấy ngày luyện tập để chuẩn bị làm mẫu trời còn râm mát nên không mấy vất vả, đến hôm trình diễn thì trời lại nắng to, bộ đội phải vất vả nhiều hơn nhưng mọi công việc đều suôn sẻ, cũng nhờ vào thời gian luyện tập vừa qua mà "bồi dưỡng" thêm cho bộ đội một sức chịu đựng về sức khỏe cộng với tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Thật vô cùng vinh dự và sung sướng, đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, luyện tập đảm bảo các yêu cầu mà điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn tuyệt đối hoàn thành bài tập nâng cao được trình độ đáp ứng yêu cầu cho đơn vị bạn nghiên cứu học tập làm cơ sở cho cấp trên đánh giá khả năng chiến đấu của đại đội ra đa trong điều kiện sử dụng vũ khí hóa học.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2016, 05:49:11 am »

        Chúng tôi cũng tự đánh giá đây là kết quả bước đầu có mức độ và cần phấn đấu rèn luyện nhiều hơn nữa.

        Cũng xin thú thật với các bạn là hôm đó tôi và đồng chí chính trị viên Giám được ban chỉ đạo chiếu cố về sức khỏe nên cho hai đồng chí chúng tôi tháo bộ đồ số 2 và mặt nạ ra trước 10 phút còn các đồng chí trung đội trưởng và trắc thủ ra đa sau khi cởi bộ quần áo số 2 và mặt nạ ra, một số phải nằm dài ra phản gỗ vì có thể là bị thiếu dưỡng khí khi đang luyện tập, sau 10 phút mọi tình hình trở lại bình thường, tất nhiên bộ đội được trung đoàn cho ăn "tăng cường".

         Để đảm bảo an toàn cho binh khí khí tài nhất là ra đa để hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, một công việc rất quan trọng mà đơn vị phải quan tâm thường xuyên là chống bão cho ra đa. Vì thế khi tôi về làm đại đội trưởng đại đội 19 thì một nỗi lo lắng của tôi là vấn đề chống bão cho đơn vị mà nhất là ra đa. Vì mấy nhẽ: Đại đội bố trí chiến đấu ở vùng biển, cái bãi cát dài vùng biển Quảng Xương, Thanh Hóa mỗi năm phải nhận 5 - 7 cơn bão, lúc bấy giờ các đại đội đều được trang bị thống nhất loại ra đa Π8. Chúng tôi thường nghĩ trong bụng “Không biết ông Liên Xô, nước ông ấy khoa học hiện đại thế mà ông ấy lại sinh ra cái ra đa Π8, cái ra đa có bộ ăng ten sao mà dựng hạ khó khăn phức tạp đến thế, dễ mất an toàn như chơi nhất là khi có bão. Doanh trại của đơn vị thì toàn là tranh tre nứa lá, quân số biên chế thì chủ yếu để đảm bảo chiến đấu lấy đâu có đủ người để chống bão cho đơn vị.

        Nguyên tắc chiến đấu của ra đa là bảo đảm an toàn cho ra đa khi có bão nhưng không được để ảnh hưởng đến chiến đấu đòi hỏi cán bộ chỉ huy phải xác: định chính xác thời cơ hạ ăng ten ra đa chống bão để báo cáo xin lệnh hoặc tự giải quyết.

        Một sự kiện của đơn vị mà tôi cho là một trong nhưng kỷ niệm sâu sắc của đời lính ra đa của tôi là hôm đó trời mưa to, âm u, tôi đang trực trong sở chỉ huy thì nhận được điện báo cáo của đồng chí trung đội trưởng ra đa 406 bố trí trên đội 79 Sầm Sơn, nội dung điện "Báo cáo đại đội trưởng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị hạ lệnh cho đơn vị ta hạ ăng ten ra đa 406 chống bão" trong cơn mưa làm ảnh hưởng đến âm lượng của điện thoại làm tôi không nghe rõ, chỉ nghe rõ hai từ "Đại tướng” nhưng không hiểu là nội dung gì, tôi lại phải bảo đồng chí trung đội trưởng báo cáo lại lần thứ hai. Lần này thì tôi hiểu ra, vừa lo cho công việc chống bão của cả hai đài ra đa vừa vui sướng cảm động thấy đơn vị mình đang được hưởng một vinh dự lớn là được đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng, của quân đội quan tâm trực tiếp. Tôi liền báo cáo với trung đoàn xin hạ ăng ten ra đa 406 để chống bão, đồng thời lúc đó gió cũng càng lớn dần nên tôi cũng xin trung đoàn cho hạ cả ăng ten ra đa Π8 để đề phòng bão đến lớn không hạ kịp và được sở chỉ huy trung đoàn đồng ý. Đêm hôm đó cơn bão ập vào làm đổ và tốc mái một số nhà của đơn vị, tôi ngồi vào một góc của nhà ban chỉ huy, nghe gió rít ào ào, cột nhà lung lay, một mảng lá cọ trên mái đã bị tốc làm tôi nhìn rõ một khoảng trời mờ xám, mưa tạt vào mặt, vào người nhưng tôi vô cùng an tâm vì hai bộ ăng ten ra đa đã được hạ an toàn để chống bão.

        Sáng hôm sau, trời lại quang chúng tôi tổ chức dựng ăng ten ra đa sớm để chuẩn bị chiến đấu, tiến hành sửa chừa nhà cửa, quét dọn vệ sinh. Trong sở chỉ huy đại đội đồng chí Sơn trung đội trưởng ra đa 406 đang kể chuyện qua điện thoại cho tôi nghe: "Đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị mấy ngày hôm ấy đang nghỉ dưỡng sức khỏe tại Sầm Sơn, chắc đồng chí nhìn thấy ăng ten ra đa 406 ngày nào cũng quay tròn trên đồi 79". Cái ăng ten ra đa đó nằm trên đồi 79 như một cánh buồm trên con tàu biển trông thì to lớn, dữ tợn hơn cái ăng ten ra đa Π8 nhiều song được Trung Quốc thiết kế cho một hệ thống dựng hạ ăng ten rất nhẹ nhàng, thuận lợi, nhanh chóng, an toàn. Đồng chí trung đội trưởng tiếp tục kể: "Ngày hôm qua lúc trời mưa to, gió lớn đồng chí thấy cái ăng ten còn nằm lù lù trên đồi nên đồng chí gọi điện thoại ra lệnh cho trung đội tổ chức đưa cả cái bệ ăng ten ra đa xuống chân đồi để chống bão, tôi đã vâng lệnh và báo cáo các đồng chí rõ về tính năng của ra đa và phương pháp hạ ăng ten để đồng chí yên tâm. Tôi nghĩ chắc là sau đó khi đơn vị chúng tôi hạ xong ăng ten ra đa thì đồng chí Đại tướng yên tâm".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2016, 05:49:37 am »

        Năm 1967 khi tôi đang cùng một số cán bộ chiến sĩ trung đoàn 293 (lúc đó tôi là tham mưu phó trung đoàn 293) đang thiết bị sở chỉ huy dự bị của trung đoàn thì nghe đài tiếng nói Việt Nam phát đi lời cáo phó "Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã qua đời" thật là một tổn thất lớn lao đối với dân tộc, với Đảng, với Quân đội ta.

        Đối với đại đội 19 ra đa, tôi nghĩ lại Đại tướng đã để lại một kỷ niệm sâu sắc - một vinh dự lớn lao cho đơn vị. Đối với đại đội ra đa, nhiệm vụ luyện tập báo động chiến đấu cũng là công việc phải tiến hành thường xuyên, đơn vị chúng tôi cũng tiến hành các cuộc báo động chiến đấu trên không, mặt đất để rèn luyện cho bộ đội. Đến bây giờ tôi vẫn còn hãnh diện về những người lính đại đội 19 ra đa có tinh thần kỷ luật nghiêm - tự giác cao. Những năm đó thỉnh thoảng trung đoàn cho đội điện ảnh về chiếu phim cho đơn vị xem, cứ mỗi lần về đội phải thực hiện hai đêm mới bảo đảm đủ cho 100% người được xem. Để đảm bảo an toàn và bí mật cho đơn vị chúng tôi phải sử dụng một bãi trống ngoài doanh trại để tổ chức chiếu, có một lần đang chiếu một bộ phim hay, đợi đến giữa buổi chiếu tôi ra lệnh đánh kẻng báo động mặt đất, một phút sau toàn thể đơn vị đều có mặt ở vị trí chiến đấu của mình với đầy đủ trang bị vũ khí và thỉnh thoảng tôi lại tổ chức luyện tập theo cách đó mấy lần tôi bị các cụ bà địa phương phê phán vui "Sao chú ác thế bộ đội đang xem phim lại đánh kẻng báo động" tôi chỉ biết cười trừ.

        Tôi còn nhớ những năm đó ngụy quyền Sài Gòn và đế quốc Mỹ luôn tìm cách chuẩn bị chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng cách tung gián điệp, biệt kích và cho máy bay trinh sát. Nhiều lần máy bay trinh sát chiến lược bay qua vùng trời Hà Nội nhưng lực lượng phòng không của ta không làm gì được, bản thân tôi cũng thấy áy náy, chạnh lòng khi mình đeo chiếc quân hàm có phù hiệu khẩu pháo phòng không. Đến bây giờ thì có thể giải thích được vì trang bị vũ khí phòng không của ta lúc bấy giờ rất bị hạn chế về tính năng nhất là về tầm cao, trong lúc đó tính năng kỹ thuật của máy bay địch đã bước vào thời kỳ khá hiện đại cho nén máy bay địch bay qua vùng trời Hà Nội mà bộ đội phòng không ta không làm gì được cũng là điều dễ hiểu thôi. Đại đội được trang bị hai bộ ra đa, nhiều đêm trung đoàn cắt trực ban cả hai máy nên sở chỉ huy cũng phải vào chiến đấu cấp 1 hai lần, nếu chỉ còn một cán bộ chỉ huy trực ban ở nhà thì rất vất vả.

        Đêm hôm đó tôi trực chỉ huy phiên từ 0 đến 3 giờ nên trưa hôm sau tôi ngủ thiếp đi sau bữa cơm trưa, đang ngon giấc thì có tiếng kẻng báo động cấp 1 tăng cường của sở chỉ huy, vừa chạy vừa suy nghĩ đây là tình huống báo động thật hay là luyện tập của trung đoàn. Khi tôi vào đến sở chỉ huy, nhân viên sở chỉ huy báo cáo lại "Có lệnh của trung đoàn cho mở khẩn trương ra đa Π8". Tôi ra lệnh cho ra đa Π8 nổ máy, cùng lúc đó toàn đại đội cũng đã vào vị trí chiến đấu cả trên không và mặt đất. Tôi đang cố trấn tĩnh thêm trong thế chỉ huy thì đồng chí tham mưu trưởng Bùi Đình Cường bước vào sở chỉ huy, tôi có hơi chột dạ song cố trấn tĩnh lại và bình tĩnh báo cáo toàn bộ tình hình chiến đấu của đại đội vừa qua cho đồng chí. Thế là lúc bấy giờ tôi đã rõ trên toàn bộ các vị trí chiến đấu chủ yếu của đại đội tôi gồm sở chỉ huy, đài ra đa, trạm phát vô tuyến điện, trận địa súng máy phòng không và cả một số vị trí trên phòng tuyến công sự mặt đất đều có mặt các trợ lý cơ quan trung đoàn trong đoàn kiểm tra. Tôi nghĩ trong bụng cũng thấy hay hay và cười một mình, đầy thú vị, không có chuẩn bị trước, có thể nói là mang tính thực tế 100%, về phương pháp kiểm tra của trung đoàn thì có thể gọi là có sự đổi mới theo nghĩa từ sau thời kỳ bao cấp mà người ta thường gọi.

        Chúng tôi đã chuẩn bị chiến đấu tốt, được luyện tập báo động chiến đấu thường xuyên do đó tuy "Chúng tôi nói vui là bị tham mưu trưởng trung đoàn dẫn quân tập kích vào đơn vị" vẫn không bị bất ngờ, bị động. Riêng về tôi người chỉ huy đại đội thì đây là trường hợp đầu tiên tôi gặp, một cuộc kiểm tra chiến đấu đặc biệt - độc đáo. Sau đó chúng tôi còn được tham mưu trưởng cùng đoàn kiểm tra "hỏi và thăm" thêm hai ngày nữa về nhiều nội dung khác như chính trị, huấn luyện, bảo đảm khí tài, bảo đảm đời sống.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2016, 05:50:07 am »

        Sau cuộc họp đánh giá chất lượng chiến đấu và xây dựng đơn vị của đồng chí Tham mưu trưởng và đoàn kiểm tra với cán bộ các cấp của đại đội, trong câu chuyện tâm tình giữa đoàn kiểm tra và đơn vị chúng tôi được biết: Trước đó một thời gian ngắn, Tư lệnh Quân chủng Phùng Thế Tài cùng phái đoàn kiểm tra chiến đấu của Quân chủng đã thực hiện một cuộc báo động chiến đấu độc đáo theo kiểu như thế này vào sở chỉ huy trung đoàn 290 đóng tại thành phố Vinh - Nghệ An. Lần này đồng chí Tham mưu trưởng Bùi Đình Cường lại vận dụng hình thức này với đơn vị chúng tôi, điều khác nhau là toàn bộ khu vực đóng quân của chúng tôi đều bị "tập kích" nên việc xử lý có nhiều khó khăn. Chúng tôi còn được biết thêm là trưa hôm đó đoàn kiểm tra của trung đoàn vào ăn cơm trưa tại một cửa hàng mậu dịch ăn uống tại thị xã Thanh Hóa, xong đoàn nghỉ ngơi đợi đến 13 giờ thì lên xe tiến về ngã ba Môi rẽ vào xã Quang Hùng. Để ngụy trang cho tiếng nổ ôtô đề phòng sự phát hiện của bộ đội ra đa đại đội 19, bảo đảm tuyệt đối bí mật, giữ được yếu tố bất ngờ cho kế hoạch kiểm tra, đoàn đã cho xe tô đỗ lại ở vị trí cách trận địa đại đội gần 1km, dùng hành quân bộ để tiến quân. Do được trang bị đầy đủ giấy tờ nên đoàn kiểm tra đã đi vào vọng gác đơn vị một cách thuận lợi, từ đó tiếp cận được các vị trí trú quân và trực chiến đấu của đơn vị mà tôi không hay biết gì cho đến lúc tham mưu trưởng trung đoàn xuất hiện và bước vào sở chỉ huy đại đội. Trong khoảng thời gian sống chiến đấu cùng đại đội 19 ra đa - đây là một kỷ niệm sâu sác, một bài học giúp tôi nâng cao trình độ chỉ huy chiến đấu.

        Vào giữa năm 1964, cách mạng miền Nam phát triển mạnh, quân Ngụy Sài Gòn cảm thấy khó lòng chống đỡ. Để cứu vãn tình hình đế quốc Mỹ chuẩn bị tư thế đưa quân vào ồ ạt. Chúng tung nhiều toán biệt kích ra miền Bắc để hoạt động phá hoại, hạm đội 7 của hải quân Mỹ có mặt và hoạt động tích cực ở vịnh Bắc Bộ.

        Cũng vào khoảng thời gian đó, trong một đêm bọn Ngụy quân Sài Gòn đã tập kích vào khu dân cư vùng biển huyện Tĩnh Gia - Thanh Hóa, phá hỏng chiếc cầu Hang nằm trên đường quốc lộ 1A và rút lui an toàn. Đây là một hành động phá hoại táo bạo của địch, về phía ta - đây cũng là một bài học về cảnh giác chiến đấu của quân dân Thanh Hóa.

        Trong thời gian này, tình hình chiến đấu của đại đội ra đa 19 chúng tôi - một đơn vị đóng quân ở vùng biển cũng rất căng thẳng vì phải thường xuyên cảnh giác với bọn biệt kích mặt biển sử dụng thuyền cao su để tập kích. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, bộ đội ra đa chúng tôi còn phải tổ chức chặt chẽ công tác tuần tra canh gác ban đêm khu vực đơn vị trú quân, quan hệ hiệp đồng chặt chẽ với nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương để tổ chức các cuộc tuần tra thường xuyên dọc bờ biển của dân quân tự vệ, kịp thời phát hiện hành động xâm nhập của địch, đặc biệt ở khu vực vùng biển hai xã Quảng Hùng và Quảng Thái.

        Đêm đó trời hơi tối, có lẽ vào khoảng thời gian cuối tuần trăng, tôi và đồng chí chính trị viên Giám bàn kế hoạch cùng đi tuần tra đồng thời cũng để nắm xem tình hình sẵn sàng chiến đấu của quân dân địa phương thế nào để cùng địa phương bảo vệ an toàn chung. Vào khoảng ngoài 23 giờ tôi và đồng chí Giám lên đường, mỗi người tự trang bị một khẩu súng ngắn K51 và hai băng đạn, trong đó có một băng mười viên đã lắp vào súng. Khi đi chúng tôi đưa theo một chiến sĩ cảnh vệ được trang bị một tiểu liên báng gập Tuyn và một cơ số đạn. Ba chúng tôi đi qua chợ Bùi, vòng ra bãi biển và cứ thế đi dọc bờ biển để tuần tra, hướng về xã Quảng Thái. Chúng tôi đi trong đêm, để giữ bí mật nên không trò chuyện gì, cứ theo một hàng dọc chúng tôi đi, được một quãng đường chừng hơn 1km thì chúng tôi gặp một cái lán dựng trên bãi biển dưới một rặng phi lao. Tôi và đồng chí Giám bước vào lán thấy một ông già đang nằm trên chõng tre bên cạnh là một đống lưới đánh cá. Thực ra ban đầu khi ra đi chủ yếu chúng tôi chỉ có ý định làm nhiệm vụ tuần tra xem công tác canh gác của dân quân địa phương ra sao nhưng khi gặp chiếc lán, nhìn thấy ông già canh lưới đang nằm, hai chúng tôi nghĩ ra việc thử xem "Tinh thần" của ông cụ ra sao? Có trung thành với cách mạng không? Chưa kịp trao đổi kỹ thì đồng chí Giáng đã đánh thức ông cụ dậy và nói luôn: "Chúng tôi là lính quốc gia, chúng tôi từ Sài Gòn đến đây, tàu thủy chúng tôi đang đậu ngoài biển, ông có biết trụ sở ủy ban ở đâu hoặc dẫn chúng tôi đến nhà ông chủ tịch, (Đồng chí Giám là người xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc), ông cụ là người Thanh Hóa nhưng có thể ông cụ vừa ngủ dậy, cũng có thể ông cụ còn tỉnh song chắc ông không phân biệt được người Sài Gòn và người Nghệ An nên ông cứ dạ dạ, hình như tỏ thái độ phải đồng ý dẫn chúng tôi đến nhà chủ tịch xã. Thế là ông cụ dẫn ba chúng tôi đi, đi được một quãng đường vòng vèo trong đêm thì không thấy ông cụ đâu nữa, vì chúng tôi cũng nghĩ là mình thử thế thôi nên cũng không quản lý theo dõi ông cụ chặt chẽ làm gì. Ba chúng tôi tìm đến vị trí tập kết của dân quân, ở đây có chừng vài ba chục nam nữ dân quân ngủ tập trung để luân phiên nhau làm nhiệm vụ tuần tra dọc bờ biển. Khi chúng tôi vừa bước vào lán thì thấy tình hình ở đây xôn xao lên, chúng tôi đã đoán ra là họ đang báo động chiến đấu vì đã được báo tin có biệt kích biển của địch đang đột nhập vào địa phương mình. Với hành động rất nhanh, họ tập họp thành từng tổ nhỏ rồi thoát ra khỏi lán tập kết rồi biến mất vào trong đêm tối. Ba chúng tôi vẫn ngồi lại trong lán của họ trong lòng suy nghĩ mông lung nhưng không ai nói ra điều mình nghĩ vì chưa phải lúc tranh luận việc làm của mình đúng hay sai. Gần 30 phút sau thì họ trở về trong im lặng và trật tự. Chúng tôi có hỏi thì họ trả lời: "Có biệt kích Ngụy Sài Gòn đột nhập vào vùng biển xã ta nhưng chúng tôi lùng sục không thấy, chúng tôi đã bố trí người tiếp tục tuần tra theo dõi". Chúng tôi giả vờ như không biết gì về chuyện đã xảy ra, tìm cách hỏi về tình hình tuần tra canh gác của họ, tình hình của địch có triệu chứng gì không? v.v...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2016, 05:50:33 am »

        Đêm đã quá khuya, các đồng chí dân quân cũng cần nghỉ ngơi lấy sức khỏe để ngày mai còn sản xuất, còn ra biển đánh cá nên chúng tôi chào họ và ra về. Đường về đêm càng khuya trời càng lạnh, về đến đơn vị thấy mình làm một việc mạo hiểm quá và đó không phải là một biện pháp hay để nắm tình hình cảnh giác của nhân dân địa phương.

        Ngày hôm sau chúng tôi đến gặp chính quyền và cán bộ quân sự địa phương để trình bày lại toàn bộ sự việc đêm hôm qua để các đồng chí ấy đánh giá đúng âm mưu và khả năng của địch. Đầu tiên chúng tôi hoan nghênh và cảm ơn Đảng bộ, chính quyền xã đã tổ chức và xây dựng được đội ngũ dân quân có tinh thần cảnh giác cao, dũng cảm, có kỷ luật, có những người dân giác ngộ, trung thành như cụ già canh lưới. Sau khi trình bày sự việc chúng tôi đã tự phê bình về việc làm mạo hiểm và thiếu suy nghĩ chín chắn của chúng tôi. Sau khi nghe những lời kể của đồng chí cán bộ quân sự địa phương, thật lòng chúng tôi rùng mình hú vía, thì ra là trong lán ông cụ già canh lưới ngoài ông cụ ra còn có đứa con trai ông cụ nằm phía trong, khi hai chúng tôi đàm thoại với ông cụ thì người con trai đều nghe rõ nội dung, đã kịp thời báo động chiến đấu với dân quân, để ông cụ tiếp thoại với hai "Ngụy Sài Gòn". Nếu không làm việc đó anh ta có thể đủ điều kiện cho chúng tôi mỗi người một nhát dao. Chúng tôi nói đùa với đồng chí cán bộ địa phương "Mệnh chúng tôi chưa việc gì, nhưng thật là hú vía". Đây là một bài học nhớ đời về sự ấu trĩ của mình.

        Trong mạng cảnh giới trên không của trung đoàn đại đội chúng tôi được giao nhiệm vụ chủ yếu là phát hiện thông báo địch trên không ở hướng Đông - Đông Nam, bổ trợ ở hướng Tây Nam, là đơn vị được bố trí ở vùng biển, bệ ăng ten được đặt cạnh một cánh đồng lúa và mặt biển ở hướng Đông nên nhiệm vụ được giao cụ thể là phải quản lý địch từ 150km trở ra ở độ cao trên 2000m, đói với chúng tôi là đảm nhiệm được.

        Trung đoàn cũng đặt đại đội chúng tôi trong những đơn vị tiền tiêu, vị trí chiến lược của mạng cảnh giới ra đa phòng không, đó là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề được giao.

        Từ ngày ngụy quyền Sài Gòn tuyên bố sẽ đưa cuộc chiến tranh ra ngoài vĩ tuyến 17 cho đến khi Mỹ tuyên bố sẽ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân đồi với miền Bắc thì công tác chiến đấu và chuẩn bị chiến đấu của đơn vị rất khẩn trương. Sau hội nghị chính trị đặc biệt, thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, bộ đội Ra đa nói chung, đơn vị chúng tôi nói riêng phải tổ chức trực ban chiến đấu thường xuyên, chặt chẽ để hoàn thành nhiệm vụ cảnh giới phát hiện thông báo địch trên không đồng thời cũng phải sẵn sàng chiến đấu bảo vệ trận địa khi địch xâm phạm đánh phá hoặc phá hoại binh khí khí tài. Cũng như các đại đội bạn, đại đội chúng tôi được biên chế một trung đội vũ khí nhẹ và súng máy phòng không (súng máy 12 ly 7 sau được thay bằng súng máy 14 ly 5 nhiều nòng) để làm nhiệm vụ đánh địch tập kích từ trên không, mặt đất, mặt biển bảo vệ đơn vị, trung đội này đã trải qua mấy đời chỉ huy trưởng, đảm nhận nhiệm vụ chỉ huy trưởng hiện thời là đồng chí Xương.

        Về tình hình đóng quân như trên đã nêu, điều kiện cho địch tập kích từ trên không cũng như mặt đất - mặt biển rất thuận lợi, vấn đề đó đòi hỏi chúng tôi phải có kế hoạch, phương án chiến đấu cụ thể - chặt chẽ - sẵn sàng chiến đấu cao. Vì thế ngoài nhiệm vụ chiến đấu của ra đa là chủ yếu, đơn vị cũng khẩn trương và thường xuyên nâng cao chất lượng chiến đấu cho trung đội súng máy phòng không bằng cách tăng thời gian luyện tập thao tác súng, bắn địch ở các tư thế và phương án kết hợp với luyện tập bắn đạn thật - thế là chuyện nào đến nó sẽ đến.

        Cuộc tổ chức hội thao chiến đấu của trung đoàn 291 tổ chức tại đại đội ra đa 19 do đồng chí tham mưu phó Trần Đình Hợi chỉ huy đã bước sang ngày thứ ba (ngày 5 tháng 8 năm 1964). Buổi sáng hôm đó cuộc hội thao vẫn tiếp tục như mọi ngày, đơn vị vẫn ở trong tình trạng chiến đấu cấp 1, máy bay ra đa Π8 và ra đa 406 thay nhau chiến đấu vì thời gian gần đây không quân, hải quân Mỹ đã có nhiều hành động khiêu khích ta, trước đó mấy ngày đêm mùng 2 tháng 8 năm 1964 đồng chí trung đội trưởng trung đội ra đa 406 ở đồi 79 Sầm Sơn báo cho tôi biết là tàu bộ đội hải quân ta đụng độ với tàu hải quân địch ở ngoài khơi trong bộ đội hải quân ta có chiến sĩ bị thương (sau này chúng tôi được rõ là tàu hải quân ta đánh tàu Ma-rốc hạm đội 7 hải quân Mỹ).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2016, 05:51:04 am »

        Theo phương án chiến đấu khi ra đa nổ máy tôi và chính trị viên trưởng trực tiếp chỉ huy ở sở chỉ huy, đồng chí đại đội phó và trung đội trưởng ra đa trực tiếp chỉ huy ở đài ra đa, khi có tình huống chiến đấu mặt đất thì đồng chí đại đội phó có mặt ở trận địa súng máy phòng không, toàn thể chiến sĩ trung đội súng máy phòng không có mặt ở trận địa chiến đấu đảm bảo đủ quân số chiến đấu cho 4 khẩu súng máy phòng không.

        Buổi chiều hôm đó khi cuộc họp hội thao của trung đội đang tiến hành, đơn vị đang làm nhiệm vụ thông báo địch trên không thì trắc thủ ra đa n8 phát hiện địch đang chuẩn bị bay ngang qua đại đội ra đa dọc theo bờ biển theo hướng từ Nam ra Bắc. Khi phát hiện tiếng động cơ máy bay, tôi và chính trị viên Giám nhoai người ra cửa sổ chỉ huy thì thấy một tốp máy bay địch gồm 8 chiếc đang bay dọc bờ biển ở độ cao 2000 - 3000m theo hướng Lạch Trường (sau này chúng tôi mới biết 8 chiếc máy bay đó là loại A của không quân hải quân Mỹ). Lúc này đồng chí Nguyễn Nho Phú - Đại đội phó hạ lệnh cho trung đội súng máy 14 ly 5 nổ súng đánh địch ngay lập tức Tiểu đội trưởng Đinh Trọng Nhưỡng ngồi ghế xạ thủ số 1 thao tác ấn cò. Cả mấy loạt đạn liên tiếp bắn tập trung vào đội hình máy bay địch và sau đó chúng tôi không nhìn thấy gì nửa vì đội hình bay của địch khuất vào trong mây và đã bay xa, chúng tôi chỉ còn nghe tiếng nổ ầm ầm từ xa vọng lại mà tôi đoán là tiếng nổ đạn pháo phòng không của đơn vị bạn đang tiếp tục đánh địch. Lần đầu tiên chúng tôi tận mắt nhìn thấy loại kiểu máy bay Mỹ - kẻ thù trực tiếp của cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc nước ta.

        Trong đơn vị, cán bộ chiến sĩ kể cả các đồng chí trong đoàn hội thao của trung đoàn không có sự bình luận gì về trận đánh máy bay địch vừa rồi, riêng tôi trên cương vị người chỉ huy của đơn vị, tôi rất phân vân lo lắng, một phần lo sợ địch quay lại đánh vào trận địa ra đa nhưng cái lo lắng nhất là đơn vị không thực hiện đúng phương án chiến đấu, đã được trung đoàn phê duyệt: Đơn vị súng máy phòng không chỉ được đánh trả máy bay địch khi địch đã đánh phá hoặc có triệu chứng rõ ràng địch sẽ đánh vào trận địa ra đa. Nếu địch quay lại đánh trận địa ra đa thì nguyên nhân chủ yếu là đơn vị đã nổ súng làm lộ mục tiêu. Chúng tôi đã thực hiện sai phương án chiến đấu vì địch chỉ bay ngang qua không phận của đơn vị để thực hiện chiến thuật ở một  vùng khác, như vậy coi như chúng tôi vi phạm kỷ luật chiến trường.

        Việc xảy ra đã xảy ra, trước mắt chúng tôi là tiếp tục chuẩn bị cho cuộc đánh trả địch nếu chúng quay trở lại đánh phá trận địa hoặc chúng có thể sẽ thực hiện vào các ngày hôm sau. Để bảo vệ binh khí, khí tài và lực lượng hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu của đại đội ra đa, chúng tôi lệnh cho trung đội 14 ly 5 vận chuyển tiếp tế thêm ra trận địa cho đủ cơ số đạn và loại đạn gồm đạn xuyên, đạn khói, đạn vạch đường, tăng cường quan sát mắt kết hợp với ra đa để phát hiện địch, chuẩn bị cấp cứu thương binh, phòng chữa cháy, đặc biệt là tiến hành công tác giáo dục ổn định chính trị tư tưởng cho bộ đội. Tất cả các công việc được tiến hành có sự chỉ đạo của đồng chí Hợi - Tham mưu phó trung đoàn. Khi đơn vị đang chiến đấu và chuẩn bị chiến đấu thì có một đồng chí công an tỉnh Thanh Hóa đến đơn vị có lẽ là các cơ quan chính quyền tỉnh hay tin đại đội 19 bắn máy bay địch nên cử đồng chí ấy đến xem binh tình ra sao. Gặp tôi đồng chí ấy cho biết là trưa nay (5 tháng 8 năm 1964) máy bay địch đã đánh phá kho xăng Vinh - Nghệ An, lúc bấy giờ chúng tôi mới hay là không quân địch đã bắt đầu đánh phá miền Bắc từ sáng nay nhưng sở chỉ huy trung đoàn chưa kịp thông báo cho đơn vị, giá mà biết tin sớm hơn thì công tác chuẩn bị chiến đấu của chúng tôi sẽ đầy đủ hơn.

        Đến chiều tối tình hình trở lên yên tĩnh, máy ra đa vẫn tiếp tục nổ theo phiên ban. Đêm hôm đó hầu như chúng tôi không ai ngủ được... Cuộc chiến đấu của nhân dân ta ở miền Bắc để chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ như Đảng ta dự kiến đã bắt đầu. Ngày 6 tháng 8 cuộc hội thao chiến đấu của trung đoàn vẫn tiếp tục tiến hành theo kế hoạch, tối đó đơn vị tôi còn tổ chức phục vụ môn bắn đạn thật ban đêm - Môn hội thao cuối cùng của trung đoàn. Hai ngày tiếp theo, tôi cố gắng tư duy và trao đổi với chính trị viên Giám về những việc đã làm, những sự kiện đã xảy ra và cả những công việc tiếp theo của đơn vị.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM