Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:07:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Nguyên dấu ấn một thời  (Đọc 32972 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 09 Tháng Tư, 2016, 07:15:52 pm »


Tên sách: Tây Nguyên dấu ấn một thời
Tác giả: Thiếu tướng Hồ Đệ
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2005
Số hoá: ptlinh, chuongxedap



Lời giới thiệu


Chiến tranh ngày càng lùi dần về quá khứ, việc tổng kết chiến tranh, viết các chiến lệ trận đánh, các ký ức chiến trường, các hồi ký của những người đã tham gia vào giai đoạn lịch sử đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước càng trở nên quan trọng. Đó là cơ sở để thế hệ mai sau hiểu và biết trân trọng thành quả chiến đấu, sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước một cách triệt để hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.

Xuân 1975 là mốc lịch sử chói lọi nhất của cuộc chiến tranh giành độc lập thống nhất cho đất nước. Mở đầu cho mốc lịch sử đó là chiến dịch Tây Nguyên, đã tạo ra thời cơ chiến lược mới để chuyển từ tiến công chiến lược thành Tổng tiến công chiến lược. Đây cũng là chiến dịch quyết định để Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975.

Vai trò và tính chất lịch sử của chiến trường Tây Nguyên và các đơn vị đã tham gia trên chiến trường ấy đã được nhiều sách báo nói đến. Nhưng dù sao, ở nhiều những khía cạnh khác nhau, những tìm tòi nghiên cứu rút ra những bài học kinh nghiệm với những suy nghĩ khác nhau cũng chưa thể đầy đủ. Vì thế việc tiếp tục viết hồi ký của các cán bộ chỉ huy đã trực tiếp ở chiến trường Tây Nguyên cũng như ở các chiến trường khác đều rất cần thiết.

Thiếu tướng Hồ Đệ là một cán bộ chỉ huy chiến đấu, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ" trong điều kiện khó khăn, phức tạp đã vận dụng sáng tạo được nhiều cách đánh hay, nhiều loại hình chiến thuật phong phú chỉ huy đơn vị đánh thắng địch giòn giã. Qua thực tiễn, bản lĩnh chỉ huy và khả năng hoàn thành trách nhiệm của đồng chí được thể hiện rõ nhất trong thời gian làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10 cho đến ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong mùa Xuân 1975.

Vì vậy, tập hồi ký của đồng chí Hồ Đệ đã tập trung vào đó bằng những thực tiễn cụ thể của quá trình chỉ huy chiến đấu.

Đây là một tài liệu tốt đóng góp vào văn kiện lịch sử của chiến tranh, giúp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm đấu tranh vũ trang, phát huy truyền thống thượng võ và nghệ thuật quân sự độc đáo của dân tộc nói chung và của lực lượng vũ trang nhân dân nói riêng, để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân
HOÀNG MINH THẢO
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2016, 07:16:56 pm »


Thưa cùng bạn đọc

Suốt cuộc đời quân ngũ, tôi đã qua nhiều vị trí công tác, được tham gia chiến đấu cùng nhiều đơn vị, nhưng quãng thời gian được cấp trên giao nhiệm vụ làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10, tham gia chiến dịch Tây Nguyên - mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, cùng quân và dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Đây là một trong những giai đoạn lịch sử hào hùng nhất của dân tộc, nên đối với tôi, những năm tháng ấy đã cho tôi được tôi luyện thêm trưởng thành, ngày càng vững vàng hơn trong thực tiễn chiến đấu và công tác.

Trong cuộc đời chiến đấu của mỗi người, ai cũng có ký ức của riêng mình, đó có thể là những kỷ niệm vui, buồn,... nhưng đó mãi mãi là những ký ức đẹp trong một đời người. Thời gian gắn bó với Sư đoàn 10 những ân tình đồng chí, đồng đội, ân nghĩa đồng bào Tây Nguyên - nơi sư đoàn dừng chân, cùng phối hợp chiến đấu với lực lượng vũ trang địa phương, vô cùng to lớn, đã in sâu trong tâm trí tôi suốt cuộc đời chiến đấu và cho đến tận khi đã về hưu. Đó là những tháng ngày tôi đã cùng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10 vượt qua bao khó khăn, gian khổ, xây dựng đơn vị vững mạnh giữ vững quyết tâm chiến đấu, cùng quân dân Tây Nguyên lập nên nhiều chiến thắng quan trọng, góp phần cùng quân dân cả nước đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Kỷ niệm về những năm tháng chiến đấu và công tác ở Sư đoàn 10 (giai đoạn tôi làm Sư đoàn trưởng) đã thôi thúc tôi viết "Tây Nguyên - Dấu ấn một thời". Đây cũng là một dịp để tôi nhớ về mảnh đất và nhân dân Tây Nguyên kiên trung bất khuất, nhớ về đồng chí, đồng đội đã kề vai sát cánh cùng tôi xông pha lửa đạn, chia ngọt xẻ bùi trên mọi nẻo đường chiến đấu, ai còn ai mất, ai trở lại quê hương, ai nằm lại nơi chiến trường...

Quá trình viết cuốn hồi ký này, tôi đã được Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 Sư đoàn 10 và nhiều bạn bè, đồng đội thân thiết động viên, góp ý kiến; được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân giúp đỡ sửa chữa bản thảo và giới thiệu với bạn đọc... Tôi xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu đó.

Mặc dù tôi đã cố gắng trong thể hiện nhưng do còn nhiều hạn chế, thêm vào đó thời gian trôi qua đã gần 30 năm, nhiều sự kiện diễn ra trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nên khó tránh khỏi khiếm khuyết, rất mong nhận được sự góp ý, phê bình của bạn đọc.
Thiếu tướng HỒ ĐỆ
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 05:50:39 pm »


Chương một
MỘT ĐỢT TẬP HUẤN NHIỀU Ý NGHĨA


* RA BẮC TẬP HUẤN

Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược với quy mô rộng lớn trên chiến trường miền Nam trong năm 1972 và chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta đánh thắng cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã khác trên miền Bắc buộc đế quốc Mỹ ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhưng với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, phía Mỹ không chịu từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta, trắng trợn chà đạp lên các điều khoản của hiệp định, tiếp tục thực hiện học thuyết Ních-xơn, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Quân ngụy Sài Gòn được chủ Mỹ hà hơi tiếp sức vẫn ngoan cố theo đuổi âm mưu dùng sức mạnh quân sự cố lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Chiến sự vẫn chưa chấm dứt, có nơi, có lúc còn ác liệt hơn trước.

Cuối năm 1973, tại chỉ huy sở mặt trận Tây Nguyên ở phía tây tỉnh Kon Tum, Bộ tham mưu mặt trận đang bận rộn tổng hợp tình hình để chuẩn bị cho Bộ tư lệnh mặt trận tổng kết và đề ra phương hướng chiến đấu cho năm 1974. Sau khi phân tích tình hình địch - ta, Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên chủ trương: Không thể ngồi nhìn Mỹ - ngụy ngang nhiên phá hoại Hiệp định Pari. Phải kiên quyết tiêu diệt quân địch lấn chiếm bằng cả phản công và tiến công, phối hợp trên nhiều hướng cả phía trước, lẫn phía sau, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó, đẩy chúng vào thế bị động.

Thực hiện chủ trương trên, kế hoạch năm 1974 ta đề ra là phải giải quyết được 2 khu vực Đắc Pét (bắc Kon Tum) và khu căn cứ địa ở Măng Đen, thì đường chiến lược mới bảo đảm an toàn thông suốt vào phía Nam.

Đúng vào lúc này, có điện từ Hà Nội gửi vào triệu tập một số cán bộ trung, cao cấp của mặt trận ra dự lớp tập huấn. Sau khi bàn bạc, Bộ tư lệnh đã chỉ định tôi phụ trách cùng đồng chí Lưu Quý Ngữ - Phó chính ủy Sư đoàn 10 đưa đoàn cán bộ gồm 36 đồng chí ra Hà Nội tập huấn.

Khi giao nhiệm vụ và trao cho tôi bản danh sách, đồng chí Thái Bá Nhiệm - Phó chủ nhiệm chính trị nói với tôi: Đây là số cán bộ có sự lựa chọn và dự kiến sau khi đi tập huấn về sẽ đề cử phụ trách các đơn vị.

Sau đó, Phòng Chính trị tới tấp thông báo cho cán bộ bàn giao công việc để đi, làm nhốn nháo cả cơ quan. Thông báo cũng nói rõ: 4 ngày sau phải có mặt đầy đủ tại trạm khách cạnh tiểu đoàn vệ binh. Thế là hầu hết cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan tranh thủ viết thư đề gửi cho đoàn; thiếu giấy, thiếu phong bì và tem, anh em đi xin nhau nháo nhác. Có anh viết liền 3 - 4 lá thư, nhưng rồi cũng ghi địa chỉ vào một mảnh giấy, yêu cầu ra đấy gửi hoặc đưa thẳng về nhà. Chỉ riêng một việc này cũng làm rắc rối cho đoàn, vì có cả một bao tải thư to, buộc chúng tôi phải tính quê quán từng anh, ai ở quê đâu thì mang thư cho anh em về quê đó, còn không thì ra Hà Nội mua phong bì và tem gửi qua bưu điện.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 05:51:04 pm »


Sau khi bàn giao công việc cho đồng chí phụ trách, tôi cùng đoàn lên đường đúng thời gian quy định. Kết thúc một giai đoạn gắn bó với Sư đoàn 10 và sống, chiến đấu trên mặt trận Tây Nguyên. Thấm thoắt tôi đã vào chiến trường Tây Nguyên được 5 năm. Một thời gian được coi là dài nhưng vẫn chưa đủ để tôi hiểu được hết về chiến trường Tây Nguyên. Song qua công tác, được sự giúp đỡ của đồng chí, đồng đội cùng sự chỉ đạo của cấp trên nên khi chia tay trong tôi không khỏi bồi hồi, xúc động lẫn lộn bao tình cảm: một phần mừng là sẽ được ra Bắc, gặp lại người thân trong gia đình, một phần thương anh em ở lại phải gánh vác thêm nhiều việc, nhớ thương đồng bào và mảnh đất Tây Nguyên - nơi đây, tôi đã được tôi luyện qua thử thách mà trưởng thành.

Trước khi lên đường, Bộ tư lệnh còn dặn phải bảo đảm cho anh em đi học tốt, đi đến nơi về đến chốn. Khi cùng cán bộ Phòng Chính trị ra tới trạm khách, tôi kiểm tra anh em đủ mặt. Không ngờ đồng chí Phạm Văn Vượng (Trung đoàn 66) Và đồng chí Nguyễn Văn Bẩy (Trung đoàn 95) mang đến một bọc thịt voi to và một bình rượu tự nấu. Thế là hôm đó trở thành bữa liên hoan rất vui vẻ.

Ngồi liên hoan với đoàn, tôi cứ nghĩ đến sự cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trên chiến trường. Mặt trận Tây Nguyên là một chiến trường rộng, quân chủ lực đông mà nhiệm vụ chiến lược hàng năm lại rất nặng, hậu cần chi viện cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, Bộ tư lệnh mặt trận phải động viên tinh thần sản xuất tự túc của các đơn vị. Bên cạnh sản xuất tự túc, Tây Nguyên còn có nhiều thực phẩm sẵn ở rừng. Mùa mưa thì có măng, có nấm,... mùa khô thì có thịt thú rừng... nên mặc dầu thiếu thốn đủ thứ, nhưng nhờ sự tự lực cánh sinh đó mà khắc phục được nhiều khó khăn thiếu thốn như: quân y thì tận dụng lá rừng để chữa bệnh và cứu thương binh; đơn vị chiến đấu thiếu cuốc xẻng đào công sự thì tổ chức rèn tại chỗ; phát rẫy, làm nương tăng gia trồng sắn, trồng khoai để cải thiện bữa ăn, v.v. Bám trụ được ở chiến trường khó khăn thiếu thốn thì vấn đề biết tự lực cánh sinh đã trở thành vấn đề chiến lược đối với tất cả các đơn vị.

Cuộc sống ở Tây Nguyên mà tôi được trải qua là như thế đó. Dù thiếu thốn, cực khổ nhưng rất ấm áp tình cảm của anh em. Tất cả đều lo tự cấp tự túc nên thiếu lại hóa thừa, không đói mà lại no, thừa tình nghĩa, no cơm no cả tấm lòng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 05:52:42 pm »


*
* *

Trên tuyến đường Trường Sơn, xe tải và xe con đã vào đến tận Tây Nguyên. Ngày đêm rầm rập xe từ miền Bắc vào, xe từ miền Nam ra, hầu như không ngớt. Các đơn vị binh chủng liên tiếp dồn vào chiến trường đủ mọi loại, từ xe tăng thiết giáp, pháo binh, cao xạ có xe kéo và công binh đủ mọi phương tiện, các đoàn tân binh bổ sung liên tiếp vào chiến trường, làm cho chúng tôi cảm thấy xôn xao, náo nức, cứ đoán già, đoán non với nhau là chắc sắp có chuyện mới.

Đường ống dẫn dầu đang nối tiếp kéo dài, đã vào tới chiến trường Tây Nguyên, dọc đường xe của đoàn thiếu xăng lúc nào thì ghé vào trạm lấy xăng lúc ấy. Đoàn đã tự túc mọi thứ trên xe, mệt thì dừng lại nghỉ, hoặc ở binh trạm, hoặc ở cùng cụm kho. Cuộc hành trình của đoàn chúng tôi đến đây coi như đã vượt qua được chặng đường đầu tiên. Ai nấy đều mệt nhoài nhưng vui. Dọc đường đi không có gì xảy ra đáng tiếc. Có thể nói là rất an toàn.

Trên đường đi vui có, buồn có nhưng hầu hết anh em trong đoàn đều cảm thấy thương yêu, gắn bó với hhau hơn và càng thấy quý hơn, trân trọng hơn tình đồng đội. Vì mỗi người từ khi bước chân lên đường đều tự ý thức và cảm nhận được nhiệm vụ của mình, nên ai nấy đều cố gắng. Bạn bè dọc đường lo toan cho nhau chẳng khác gì người thân trong gia đình. Tôi thầm so sánh chuyến đi ra lần này khác hẳn chuyến đi vào năm 1968, đoàn của tôi phải đi bộ theo giao liên đã đành, còn cơm trạm gạo mốc, cá khô có mùi, thiếu rau, nên bữa cơm đạm bạc, máy bay địch lại bắn phá săn đuổi suốt chặng đường, trắc trở đủ mọi chuyện. Cũng vẫn những cảnh vật ấy nhưng trong chuyến đi vào lần trước, chúng tôi phải đi ban đêm, vừa đi vừa phải cảnh giác lo đối phó với máy bay địch nên chẳng còn tâm trí đâu mà ngắm cảnh. Bây giờ thì xe của đoàn vượt đèo qua suối, lăn vượt ổ gà tránh ổ trâu, nhưng được ngụy trang cẩn thận nên chạy cả ban ngày, thỉnh thoảng mới có một vài tiếng rú của máy bay địch vút qua trên đầu, được phóng tầm mắt nhìn ra xa, chúng tôi có thể thấy mọi cảnh vật, núi rừng thật hùng vĩ. Tình cảnh quân ngụy ở chiến trường nay so với trước đã khác quá nhiều. Khi mới tiến hành Việt Nam hóa chiến tranh, với công thức "quân của ngụy, hỏa lực của Mỹ", tổng thống ngụy kêu gào tràn ngập lãnh thổ, thì ào ạt phi pháo đánh dồn dập khắp nơi, một ngày chưa dứt thì đánh tiếp hai ba ngày liên tục, mỗi ngày 80 - 90 lần chiếc máy bay, hàng trăm hàng ngàn quả đạn pháo dội xuống nơi đang giáp chiến. Giờ đây chỉ có 3 - 4 lần chiếc máy bay A37 cùng vài trăm quả đạn pháo chẳng thấm vào đâu. So với trước chúng cũng không còn khả năng đánh chặn trên tuyến đường chiến lược miền Bắc chi viện cho miền Nam. Lượng phi pháo giảm đi làm cho binh lính ngụy càng sa sút tinh thần vì mất chỗ dựa. Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu bây giờ lại gào thét "đánh theo kiểu con nhà nghèo", càng làm cho binh lính chúng mất tinh thần. Thế địch và thế ta đã hoàn toàn khác trước.

Đoàn tập huấn chúng tôi vừa đi từng chặng, vừa có ngày ở lại nghỉ ngơi, nên mất 6 ngày leo đèo lội suối mới ra tận Bản Đông để sáp nhập trạm giao liên miền Bắc. Khi qua Cam Lộ lúc gần chập choạng tối, xe con của tôi đi trước, một con nai chạy vụt qua trước xe ngang đường, nó ngoảnh lại cách xe đang chạy 40 mét thì lập tức đồng chí chiến sĩ bảo vệ bắn luôn 2 phát AK. Con nai trúng đạn gục xuống. Thế là đoàn vào Đông Hà dừng lại trạm, làm thịt nai thui. Đồng bào đến xem, ai cũng khen bộ đội Tây Nguyên bắn giỏi. Tôi hỏi đồng chí bảo vệ: Tại sao chưa có lệnh tôi, đồng chí đã bắn. Đồng chí Lưu Quý Ngữ đỡ lời luôn: Chờ có lệnh thủ trưởng, thì còn nai đâu mà bắn. Tôi thầm nghĩ, thật đáng mừng, ở Tây Nguyên đánh giặc, lắm lúc địch ở cả phía trước và phía sau, biệt kích luồn sâu, có lúc chúng chui vào gần sát sở chỉ huy, thế trận xen kẽ giữa ta và địch, tiền phương, hậu phương đều là mặt trận chiến đấu. Từ anh nuôi quân đến chiến sĩ thông tin liên lạc, cũng như vận tải cứu thương đi dọc đường cũng phải sẵn sàng đánh địch. Do đó ai cũng chăm lo việc rèn luyện để đánh giặc, không riêng gì đơn vị chiến đấu, thực sự ai cũng đã trở thành người chiến binh đánh giỏi, bắn trúng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 05:53:22 pm »


Nhập trạm miền Bắc, có nhà nghỉ ngơi chu đáo, có nơi ăn ở đàng hoàng. Sau khi tắm sạch sẽ, lại có cơm ngon, canh nóng sốt, nên ai cũng cảm thấy người khỏe hẳn lên. Tâm tư mọi người đều muốn nhanh chóng được về thăm gia đình để biết ai còn ai mất...

Hầu hết anh em trong đoàn đều là người quê từ Nghệ An trở ra, nên khi nhập trạm ở Vinh, chúng tôi bàn thống nhất, qua đây dọc đường đến địa phương nào, quê ai thì cho người ấy xuống về thăm gia đình để báo cho gia đình biết, hẹn từ bốn đến năm hôm sau phải có mặt tập trung ở trạm khách Bộ Quốc phòng (83 Lý Nam Đế).

Trước khi tách đoàn, ai cũng muốn đi một vòng xem thành phố Vinh một chút, vì thế cơm chiều xong, chúng tôi cho xe đi dạo quanh thành phố.

Xe vừa đi qua thành phố xem được vài nơi thì khi đến hàng phở dưới mái nhà tre nứa trước ga Vinh đồng chí Đặng Văn Khoát (nguyên là Trưởng ban Kế hoạch của Cục Hậu cần mặt trận, được phân công phụ trách lo nơi ăn, chốn ở cho anh em), đồng chí Khoát bảo đoàn có tiền, vào ăn phở. Cả đoàn háo hức, thèm phở đã lâu, nên không ai từ chối, nhưng khi ai ăn cũng bỏ nửa chừng vì mặn quá. Mấy cô phục vụ kêu lên: "Các anh no mồm đói con mắt”. Đồng chí Lưu Quý Ngữ nói luôn: Quen ăn nhạt mất rồi. Tôi cũng nghĩ như đồng chí Ngữ vì số cán bộ trong đoàn hầu hết đã vào chiến trường 4 - 5 năm. Từ năm 1966 hầu như bộ đội Tây Nguyên đến thời điểm này, mỗi tháng lúc nào mặt trận cũng chỉ phát cho 5 lạng muối, đúng ra phải 8 lạng tính theo đầu người. Lâu ngày đói cơm nhạt muối đã quen dần nên bây giờ được ăn mặn lại không nuốt nổi.

Chiến trường Tây Nguyên làm thay đổi cả con người chưa kể sốt rét rừng, đi ỉa chảy hoặc táo bón, làm xanh da, tóc rụng răng long, ốm đau nhiều kiểu, lại còn nhiễm độc mù cả hai mắt, chưa kể chiến sĩ bị sốt rét ác tính, ngồi tắt thở cạnh gốc cây khi trên vai còn gùi 20 cân gạo. Anh Quốc Biên, người hay vui chuyện pha trò, liền chế nhạo tôi: "Ông bạn ơi, tôi cũng người miền biển Quảng Ninh, nhưng ăn mặn và nấu "chè chó" thì nhất Nghệ An nhà ông". Một đồng chí cán bộ trung đoàn đế luôn: Vì thế mà ngươi ta hát Nghệ An - Xô-viết vẫn là Nghệ An.

Thành phố Vinh bị chiến tranh tàn phá nặng nề, hố bom vết đạn còn rải khắp nơi không khác gì chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Nhân dân đã trở về dưới quán lều tranh dựng tạm để bán hàng. Tôi nghĩ đế quốc Mỹ muốn Việt Nam trở lại thời đồ đá như thế này ư! Tôi nhớ lại lời Bác Hồ nói: "Dù Hà Nội, Hải Phòng có bị tàn phá, nhưng nhân dân Việt Nam quyết không sợ, không có gì quý hơn độc lập, tự do". Dân quê tôi cũng đã xác định được như vậy đấy.

Xe từ Vinh ra Hà Nội phải qua Ninh Bình, Phủ Lý. Nơi đây không còn một bóng dáng ngôi nhà và đường phố nguyên vẹn, vì đế quốc Mỹ đã chọn cả hai nơi này làm thí điểm chiến tranh phá hoại bằng không quân. Tâm trạng mọi người đều rất căm phẫn, uất ức đối với đế quốc xâm lược Mỹ, chúng đã gây ra bao đau thương tang tóc cho nhân dân ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 05:54:26 pm »


*
* *

Sau hai ba ngày, lần lượt anh em các đoàn đến nhập trạm 83 Lý Nam Đế đều đông vui. Chúng tôi được lệnh trên cho nghỉ mấy ngày đi dạo phố. Hình ảnh Hà Nội cứ cuốn hút mọi người, vì nhìn thấy phố xá và người đi lại tươi đẹp và rất đàng hoàng.

Đi dạo phố với bộ áo quần quân phục chiến trận, loang lổ đủ màu khói lửa của chiến trường, có anh đội mũ tai mèo môi sạm đen, mặt tái xanh nhợt nhạt vì sốt rét rừng nên   mọi người dân Hà Nội ai cũng biết, đó là những người mới ở chiến trường ra. Vì thế ai cũng muốn bắt chuyện để hỏi tình hình miền Nam đánh Mỹ. Chúng tôi cũng được bà con kể cho nghe chuyện Hà Nội bắn máy bay Mỹ. Hầu như chuyện suốt mấy ngày rất rôm rả, qua đó chúng tôi được biết nào cao xạ cỡ lớn, cõ nhỏ, nào tên lửa phòng không, nào máy bay Mic 17, Mic 21 và không chỉ có lực lượng của quân chủng phòng không, không quân mà cả nhân dân, dân quân du kích và công an nhân dân đều xây dựng trận địa phòng không đủ loại, tầm thấp, tầm cao ở khắp nơi, làm cho máy bay Mỹ khi bay lọt được vào Hà Nội thì cũng như đâm vào túi lửa. Có nhiều câu chuyện làm cho chúng tôi cảm phục như anh em công nhân các nhà máy đã vác súng máy cao xạ lên nhà cao tầng, rồi có cả khẩu đội súng máy cao xạ trèo lên cột cờ, tháp nước hoặc trên nhịp cầu Long Biên để bắn máy bay địch, tôi còn thấy Hà Nội có loại công sự xi măng đúc sẵn, rải khắp 2 bên trục đường, chôn xuống đất để khi báo động thì bà con nhảy xuống đó ẩn nấp.

Chuyện về Hà Nội có rất nhiều, sao kể hết! Song điều chúng tôi cảm phục, sung sướng và tự hào là được tai nghe, mắt thấy Hà Nội đã bắn rơi máy bay B52 của đế quốc Mỹ. Niềm tự hào ấy xuất phát từ đáy lòng, vì đối với chúng tôi ở chiến trường miền Nam, sống dưới bom đạn địch thường xuyên, không ít lần thấy máy bay B52 Mỹ ném bom, trong chiến cục bộ của quân viễn chinh Mỹ và cả sau này Việt Nam hóa chiến tranh, B52 ném bom rải thảm khắp núi rừng, đủ các loại bom, hầu như không ngày nào là không có. Nhưng ở chiến trường miền Nam lại không có một loại vũ khí nào để bắn tới máy bay B52 của Mỹ vì nó thường bay trên độ cao 7.000 đến 9.000 mét.

Trước đây, qua đài thu thanh và các bản tin, chúng tôi đã thấy rất tự hào về Hà Nội, nhưng bây giờ được đến tận nơi, xem tận mắt xác máy bay B52 của Mỹ, chúng tôi càng vô cùng sung sướng và tự hào vô hạn với Hà Nội mến yêu.

Tôi thầm nghĩ và so sánh: Nếu ở miền Nam năm 1968, Tết Mậu Thân tiến hành thắng lợi cuộc tập kích chiến lược vào hầu hết thành phố, thị xã, buộc đế quốc Mỹ phải tuyên bố xuống thang chiến tranh, ngồi vào đàm phán ở hội nghị Pari, tổng thống Giôn-xơn của Mỹ tuyên bố không ra ứng cử nhiệm kỳ thứ 2, thì chiến công Hà Nội 12 ngày đêm cuối năm 1972 mà sau này ta gọi là chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, đã buộc đế quốc Mỹ phải ký hiệp định Pari và tuyên bố Hiệp định có hiệu lực vào 0 giờ ngày 28-1-1973.

Dù địch đã dùng không quân chiến lược phá hoại miền Bắc, tập kích nhiều lần vào Hà Nội, nhiều máy bay B52 bị bắn rơi, nhiều giặc lái Mỹ đã bị bắt, nhưng thành phố Hà Nội vẫn hầu như còn nguyên vẹn. Từ Hà Nội - trái tim của cả nước, Trung ương Đảng ta, Bộ Chính trị và Bộ Quốc phòng Tổng tư lệnh đã chỉ đạo chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân dân ta đi đến thắng lợi, thống nhất đất nước.

Trừ một vài nơi như phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai bị bom địch đánh phá, còn nhũng nơi khác ở Hà Nội vẫn giữ nguyên trạng thái hồn nhiên và tươi đẹp như xưa,  hàng phở vẫn ngon, bánh cuốn Thanh Trì, bánh dày Quán Gánh bánh dò Ước Lễ vẫn ngon lành như trước, đêm vẫn có người đi rao tẩm quất và bán ăn đêm, ngày thì nhiều người đến cửa hàng để mua theo tem phiếu...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2016, 10:42:46 pm »


*
* *

Sau mấy ngày ở Hà Nội, được ăn bồi dưỡng, khám chữa bệnh, được cấp thuốc đầy đủ và nhận thêm trang phục mới ai cũng thấy sức khỏe được hồi phục nhanh chóng, nên ai cũng muốn được về thăm gia đình. Hiểu được tâm trạng của mọi người trong đoàn, cấp trên đã cấp luôn tiền tàu, xe, tiền bồi dưỡng, tiền sinh hoạt và cho anh em về phép thăm nhà 15 ngày trước khi bước vào lớp học (vì còn đợi cán bộ các nơi khác đến).

Cán bộ và nhân viên của trạm giúp đỡ mọi người mua vé tàu, xe và cho ôtô chở anh em ra tận bến và ga xe lửa. Gia đình vợ con tôi ở khu tập thể Nam Đồng, quận Đống Đa, nên ngay hôm ra tới trạm tôi đã về thăm nhà. Được gặp lại vợ con sau bao ngày tháng xa cách, trong tôi trào dâng bao thương nhớ.

Lúc tôi về, vợ tôi đang đi dạy học xa, con trai út tôi chưa hề biết mặt, đang ở trường học lớp 1, bà con tập thể có người biết, liền báo cho con tôi. Vừa đến nhà con tôi tự nhận ra bố ngay. Khi vợ tôi về hỏi con: Tại sao con biết bố mà nhận? Con tôi trả lời: Con xem giống trong ảnh mà bố chụp trước khi đi B.

Khi có thời gian hàn huyên tâm sự, tôi mới hiểu hết được những vất vả, khó khăn của vợ con tôi trong thời kỳ Mỹ dùng không quân đánk phá miền Bắc. Vợ con tôi đã phải tản cư nhiều nơi, chạy ngược, chạy xuôi, khi thì Gia Lâm, Đông Anh, khi thì Hà Đông, Vĩnh Yên, Phú Thọ. Tản cư trong chiến tranh, có lúc cũng phải đi mua tre nứa, lá về làm nhà tạm, hầm tránh máy bay đào ngay dưới giường ngủ, nghe tiếng báo động máy bay, là đứa nào hầm ấy, đẩy con xuống đó luôn. Nhiều lần phải nhờ vào nhà dân để ở, hoặc vào khu tập thể nhà trường, hoặc lúc thuận tiện thì gửi con vào trại hậu phương quân đội (nơi giúp đỡ gia đình đi B). Một mẹ bốn con, đứa lớn nhất mới 14 tuổi, bé nhất 2 tuổi, mỗi con một túi áo quần và sách vở chạy theo, một đầu mẹ gánh đồ dùng, còn đầu kia là em bé. Kẽo kẹt hết nơi này đến nơi khác, cơm tập thể, cơm nhà dân, có nơi còn nhờ dân nuôi con hộ, thế mà vợ tôi vẫn chăm lo cho các con được ăn học đến nơi đến chốn, hết cấp I lên cấp II. Cơ cực gian khổ cũng nhiều nhưng được nhân dân đùm bọc nên vẫn đảm bảo được cuộc sống an toàn.

Mặc dầu vất vả nuôi con nhưng vợ tôi cũng tranh thủ và được trên chiếu cố cho đi học bổ túc văn hóa và học lớp bổ túc chính trị, được kết nạp vào Đảng, rồi được bầu làm bí thư Chi bộ nhà trường; tham gia vào Đảng ủy phường Nam Đồng; phụ trách đội tự vệ chiến đấu và làm thư ký công đoàn nhà trường liền mấy khóa trọn vẹn. Tôi suy nghĩ, có lẽ nhiều anh em khác cũng đi chiến trường như tôi, hẳn vợ con ở nhà cũng vất vả và phấn đấu tương tự. Được người vợ đảm đang lo liệu việc nhà thì chúng tôi mới có điều kiện yên tâm làm nhiệm vụ. Chiến tích, công lao của chúng tôi rõ ràng có sự đóng góp của người vợ và các con. Vì thế tôi vô cùng cảm ơn và mến phục vợ tôi đã thầm lặng lo lắng đủ mọi chuyện việc gia đình cho tôi khi tôi đang ở chiến trường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2016, 10:44:45 pm »


Thời gian được nghỉ phép khá dài nên tôi về thăm mẹ tôi ở quê Nam Đàn - Nghệ An, vì lúc qua Vinh tôi chưa tranh thủ về được. Xóm làng tôi ở ven đê sông Lam, hầu hết các gia đình đều chuyển chỗ ở vào mé trong đê để tránh lụt mỗi mùa nước sông Lam lên. Riêng gia đình mẹ và anh chị em tôi vẫn ở chỗ cũ ngoài bờ sông, chịu lụt lội mất mấy năm liền, không có khả nảng di chuyển vì nhà neo người cả ba anh em tôi đều chiến đấu ngoài mặt trận.

Vừa về tới nhà, sau khi gặp và chào anh cả, lập tức mẹ tôi trong nhà vội vã chạy ra, khóc nức nở và nói: "Chú, cháu cùng đi đánh giặc, sao bây giờ một mình chú về, còn cháu ở đâu hở con?". Tôi đứng lặng người xúc động và thương mẹ tôi vô cùng. Tôi chào mẹ, rồi hầu như không nói được gì nữa. Mẹ tôi suốt cuộc đời vất vả, làm hàng xay hàng xáo, chạy chợ ngược chợ xuôi, ruộng lúa nương khoai, chạy ăn từng bữa để nuôi con khôn lớn, chăm sóc cháu, chắt trưởng thành. Lúc còn bé, tôi đã biết theo ông anh cày ruộng, cấy lúa, trồng khoai, chăn trâu, cắt cỏ, làm thuê, gặt mướn, gánh mật đi chợ cho mẹ bán, đỡ đần cho gia đình được nhiều việc. Vậy mà suốt 28 năm ra đi, hết đánh Pháp, lại đánh Mỹ, sang Lào giúp bạn và vào chiến trường Tây Nguyên, tôi không đỡ đần được chút gì cho mẹ. Năm 1948 cha tôi đau ốm, ba anh em trai chúng tôi đều ngoài mặt trận, một mình mẹ tôi hết lòng săn sóc, nhưng cha tôi đã không qua khỏi. Từ đó mẹ tôi phải chịu cảnh góa bụa, gánh vác việc nhà, lo cho cháu chắt ăn học trưởng thành. Nên khi mẹ tôi mất cháu đích tôn - nguồn vui lớn nhất của bà, mẹ tôi càng đau đớn. Tôi không muốn bà đau lòng thêm nên không dám báo cho gia đình khi biết tin. Bây giờ gặp mẹ, tôi lâm vào tình trạng lúng túng khó xử. Anh cả tôi vốn sĩ quan quân đội, vừa mới được nghỉ hưu, nên cũng có phần thông cảm với tôi, nhưng mẹ và chị dâu tôi vẫn khóc nên tôi càng đau lòng.

Sau này, mặc dù mẹ tôi được tặng thưởng bảng vàng danh dự, gia đình anh chị tôi được công nhận gia đình liệt sĩ nhưng khi các gia đình trong làng xóm lần lượt tìm được mộ chí của người thân đưa về nghĩa trang huyện thì riêng gia đình anh cả tôi không có tin tức gì nơi cháu nằm xuống. Nên nỗi đau càng đè nặng trong lòng mẹ tôi và anh chị tôi.

Mấy ngày nghỉ về quê, tôi mới có dịp ngồi tâm sự cùng anh. Một hôm, anh cả đưa cho tôi bài thơ1, anh tôi viết để tưởng nhớ con:

Vinh dự cha con một chiến hào
Cha lên đường trước, con lên sau
Con thôi đèn sách ra cầm súng
Cha thả cày bừa nhận đại đao.
Pháp đến cha đi khi Đảng gọi
Mỹ vào, con tiến lúc dân giao
Ai hay con phải vùi xương trắng
Cống hiến cho đời kể xiết bao!

Thanh khí cha con một tiếng đờn
Nhân dân mãi mãi nhớ công ơn!
Lên đường không nghĩ ngày về lại
Xông trận nào suy lẽ sống còn
Xương máu con hòa cùng đất nước
Mồ hôi cha đổ thấm giang sơn
Căm thù vạn kiếp loài lang sói
Tóc bạc mà cha chí chẳng sờn.


Tôi rất thương anh và rất thương tiếc cháu, một sinh viên Đại học Mỏ địa chất ra đi khi đang học dở dang. Nhưng rồi tôi nghĩ, chiến đấu cho độc lập tự do của đất nước thì sự hy sinh mất mát chẳng riêng gì gia đình anh chị tôi. Thật ra trong chiến tranh, không có chiến thắng nào mà mình không bị tổn thất. Từ chiến đấu chống Pháp đến chống Mỹ, tôi hiểu rất rõ sự hy sinh vô cùng to lớn đối với nhân dân các dân tộc trên đất nước ta.

Trong họ hàng tôi, lớp cháu chắt sinh ra sau ngày tôi đi bộ đội, nay đã khôn lớn, học hành đỗ đạt. Không ít cháu đã tham gia cách mạng, lên đường đi chiến đấu, truyền thống dòng họ được nối tiếp vẻ vang, có người tham gia quân đội, có người làm công an nhân dân, có người làm công nhân... Tạm biệt quê nhà, với muôn ngàn nỗi nhớ thương, tôi trở ra Hà Nội. Được nghỉ tiếp mấy ngày ở Hà Nội, con cháu đến thăm, bạn bè thân đến tâm sự, nguồn vui không cạn. Tôi không khỏi xúc động khi biết tin có bạn cùng chiến đấu trước đây với tôi đã hy sinh, gia đình sống trong cảnh khó khăn, con cái nheo nhóc. Cũng có người là thương binh rời chiến trận về quê được một mụn con, lại bị tật nguyền vì chất độc màu da cam. Thật thương tâm!
___________________________
1. Sau này bài thơ được in trong tập thơ của Câu lạc bộ Lam Hồng, sở Văn hóa thông tin Nghệ An, 1993, tr. 43.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2016, 10:46:14 pm »


*
* *

Lớp tập huấn được tổ chức tại Trường Quân chính (Học viện quân sự Trung cao cấp) là nơi trước đây tôi đã làm trưởng khoa giáo viên pháo binh 6 năm nên khá quen biết. Nhà trường phân bố xen kẽ học viên các chiến trường để trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Có rất nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp đến thăm và lên lớp, nên tôi biết đây là một lớp học rất quan trọng. Nhiều đồng chí trong đoàn chúng tôi chưa một lần qua trường lớp, nên rất chăm chỉ học.

Quá trình dự tập huấn, nhiều vấn đề rất nóng hổi, từ những báo cáo tình hình và đánh giá hoạt động trên các chiến trường, đến tình hình chung, nhiệm vụ và phương hướng, nổi bật nhất là đánh giá tình hình năm 1973 từ sau Hiệp định Pari được ký kết (27-1-1973) và phương hướng đấu tranh kiên quyết trong giai đoạn mới để giải phóng miền Nam bằng bạo lực... Nhưng, trong đó điều tôi quan tâm nhất là phải tiến hành đánh phá triệt để âm mưu bình định của địch, đánh bại địch lấn chiếm và phải đánh to thắng lớn đế kết thúc chiến tranh.

Về sau tôi mới biết, đó là tinh thần cơ bản của Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 21 (tháng 7 năm 1973) về con đường bạo lực để giải phóng miền Nam của Tổ quốc và Nghị quyết của Quân ủy Trung ương tháng 3 năm 1974 đã cụ thể hóa cho toàn quân tiến hành.

Càng học tôi thấy càng sáng tỏ và vô cùng phấn khởi, khi liên hệ thực tế với chiến trường Tây Nguyên năm 1973 tôi thấy rất đúng.

Ngay sau Hiệp định Pari được ký kết, không khí chiến trường tạm thời lắng xuống một thời gian, ta và địch đều không có hành quân lớn, nhưng tình thế lại trở nên bức xúc phức tạp hơn, mọi việc trở nên rất căng thẳng, ảnh hưởng không ít đến tinh thần cả quân và dân vì khi hai bên đi vào cắm cờ giành đất, giữ địa bàn đã xảy ra xô xát tranh chấp nhau từng đoạn chiến hào, đấu tranh phân biệt ranh giới đôi bên, cho đến khi địch ráo riết bình định, đánh phá các cơ sở của ta, tiến hành liên tiếp các cuộc hành quân "tràn ngập lãnh thổ". Trong thời gian ấy chỉ có vùng Chương Thiện - Quân khu 9 mới kịp thời đánh trả quyết liệt duy trì được thế mạnh và chủ động của ta. Còn mặt trận Tây Nguyên từ trận Chư Nghé ngày 23 tháng 8 năm 1973 mới có được sự chuyển biến thật sự theo hướng này một cách đúng đắn.

Bây giờ mọi việc đã sáng tỏ, phải tích cực đánh phá bình định và phấn đấu để tiến lên đánh to thắng lớn nhằm giải phóng miền Nam. Đó là kết quả sâu đậm nhất của tôi trong lần đi tập huấn này. Do vậy, tôi thấy trách nhiệm cấp trên giao cho quá lớn, nên tôi cũng nóng lòng mong muốn học xong để kịp về đơn vị, trong đó vì một lẽ khi nghĩ về Sư đoàn 10, tôi thấy nhiều vấn đề phải giải quyết mới đáp ứng được yêu cầu.

Dịp này ra Hà Nội, tôi lại được gặp đồng chí Lê Hữu Đức vốn trước kia là Tham mưu phó mặt trận B3, đã từng sống với nhau ở chiến trường khi tôi làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, và khi tôi về Bộ Tham mưu B3 phụ trách tác chiến.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM