Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 04:07:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhiệm vụ đặc biệt  (Đọc 42739 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #110 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2016, 10:33:52 am »

        Tư tưởng quân sự của Bác Hồ đã soi đường vào tạo điều kiện cho sự ra đời và phát triển của lực lượng vũ trang cách mạng, của quân đội nhân dân Việt Nam trong đó có lực lượng đặc công chúng tôi.

        Từ rất sớm, Bác đã nhìn rõ tiền đồ của quân đội ta rất rực rở, vẻ vang. Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Bác nói: “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chúng có những đội đàn em khác.

        Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta”.

        Bác còn dành không ít trí tuệ và tình cảm của mình cho những trận chiến đấu tuy lực lượng ít nhưng biết kết hợp khéo léo giữa dũng và mưu mà đạt hiệu quả cao. Danh hiệu “đặc công” được Bác nói đến từ mùa thu năm 1953 tại căn cứ địa Việt Bắc. Người được vinh dự đón nhận danh hiệu này là đồng chí Nguyễn Văn Đôi và Trần Thắng Nê - hai chiến sĩ đặc công của Đông Nam Bộ Nê đã hy sinh tại mặt trận Mỏ Vẹt (Tây Ninh) hồi năm 1970 nhưng Nguyễn Văn Đôi còn. Nhờ đó mà tâm khảm chúng tôi có được một ký ức tuy gián tiếp nhưng khó quên tình cảm vị Cha già dân tộc đã vun đắp cho sự kết trái sau này của binh chủng ngay khi hạt giống mới nhú mầm.

        Năm tháng trôi qua, đă trên một phần tư thế kỷ, vậy mà khi kể về sự kiện này trong buổi hội thảo về lịch sử và truyền thống của binh chủng, trung tá Nguyễn Văn Đôi vẫn còn mới nguyên những xúc động về cái giây phút mà anh không nghĩ tới nhưng đã là sự thật, trở thành một kỷ niệm sâu sắc nhất của Đôi, làm thức tỉnh nhận thức, soi sáng hành động cho anh vượt qua bao trở ngại chông gai cùng đồng đội chiến đấu...

        Nguyễn Văn Đôi kể:

        "... Tháng 6 năm 1953, sau khi hoàn thành nhiệm vụ phổ biến kinh nghiệm chiến đấu đặc công ở chiến trường Đông Nam Bộ, tôi và Trần Thắng Nê được lệnh của đồng chí Tham mưu trưởng Liên khu V sẽ đi cùng đoàn chiến sĩ thi đua của Liên khu ra Việt Bắc họp liên hoan mừng công. Đầu tháng 8, chúng tôi đến Việt Bắc, nằm ở trạm tiếp đón của Bộ Tổng tư lệnh đặt ở Quán Vuông (Đại Từ). Mới có bốn ngày nằm chờ mà chúng tôi thấy bồn chồn, đứng ngồi không yên, mặc dầu sống ở đây rất thoải mái, khỏi lo địch càn, địch vây. Sang ngày thứ năm thì anh Toàn, tỉnh đội Khánh Hòa làm trưởng đoàn thông báo: Hôm nay có cấp trên ra thăm, tất cả chúng ta phải chuẩn bị, sắp xếp nơi ăn, ngủ gọn gàng, sạch sẽ, vệ sinh.

        Nói xong anh phân vị trí của từng người để đón cấp trên, để ai cũng được nhìn, được nghe cấp trên nói chuyện. Với tôi và Nê, anh bảo:

        - Hai anh giáo viên đặc công ngồi ở sát cửa mà cấp trên sẽ vào.

        Từ đấy chúng tôi càng hồi hộp chờ đợi.

        Bác đi ngựa đến. Nhưng vào đến nơi, chỉ khi Bác bỏ chiếc khăn trùm mặt ra, chúng tôi mới ngỡ ngàng sung sướng reo to:

        Bác Hồ! Tất cả chúng tôi đều đứng dậy kéo đến vây quanh Bác, hô vang:

        - Bác Hồ muôn năm!

        - Bác Hồ muôn năm!

        Bác tươi cười vẫy tay chào đón mọi người. Chúng tôi hướng về Bác vỗ tay hoan hô vang cả khu lán nhưng vẫn trong trật tự và nghiêm túc.

        Bác lần lượt đi đến từng người, vừa chúc sức khỏe, vừa có ý để tất cả chúng tôi ai cũng nhìn thấy Người. Tình đầm ấm cha con lan tỏa trong căn lán, hết những ngăn cách phút ban đầu. Chúng tôi xích gần bên Bác để được ngắm nhìn kỹ ánh mắt, chòm râu của Bác; từ đôi dép cao su Bác đi, đến bộ quần áo Bác mặc, cái khăn mặt Bác vắt vai, cái mũ cứng Bác đội, tất cả như rất lạ mà giản dị, quen thuộc. Câu đầu tiên Bác hỏi

        - Hai chú chiến sĩ đặc công ở Khu V đâu?

        Anh Toàn trưởng đoàn lễ phép báo cáo:

        - Dạ, thưa Bác! - Vừa nói anh vừa giơ tay chỉ ra phía cửa báo cáo tiếp - Hai chiến sĩ đặc công đang ngồi ở hàng đầu.

        Bác tươi cười vẫy tay:

        - Hai chú lại gần đây, đến gần chỗ Bác.

        Anh Toàn lại tiếp:

        - Dạ thưa Bác, hai đồng chí đều quê ở Nam Bộ.

        Tôi và Nê vừa cảm động vui sướng, vừa rụt rè bước đến gần bên Bác.

        Bắc bắt tay từng người rồi giang rộng hai tay ôm hai chứng tôi như người cha ôm hai con đi xa lâu ngày mới về.

        Bác âu yếm nhìn chúng tôi, lật mũ nồi đen chúng tôi đang đội, cười vui vẻ:

        - Tốt! Đầu để tóc ngắn thê này mới đúng là bộ đội. Khỏe mạnh, gọn gàng là những yêu cầu cần thiết của chiến đấu.

        Tôi vừa xúc động vừa phấn khởi thưa lại với Bác:

        - Dạ thưa Bác, các chiến sĩ đặc công đều phải cắt tóc ngắn ạ.

        - Vì sao? - Bác hỏi lại.

        - Dạ thưa Bác để ngụy trang tránh được sự phát hiện của địch trong lúc tiềm nhập luồn vào đồn giặc.

        - Tốt! - Bác nói tiếp - Các chú cần phổ biến kinh nghiệm này cho các chiến sĩ đặc công khác cùng làm.

        Tôi và Nê đứng bên Bác nhưng tim vẫn đập nhanh vì chưa hết xúc động. Cả căn lán cũng vậy, ai cũng có chung tâm trạng như tôi. Không khí đón Bác cứ râm ran, đầm ấm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #111 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2016, 10:35:29 am »

        Bác nhìn kỹ hai chúng tôi rồi căn dặn tiếp: Các chú đã hoàn thành nhiệm vụ phổ biến kinh nghiệm ở Khu V, ra đây các chú cần tiếp tực làm tốt việc đó. Cụ thể thế nào sẽ do Bộ Tổng Tham mưu hướng dẫn. Làm xong nhiệm vụ lại phải tiếp tục học tập nâng cao trình độ.

        Sau đó Bác nói chuyện với Đoàn chiến sĩ thi đua Liên khu V...

        Ba mươi phút trôi đi sao mà nhanh thế. Chúng tôi muốn thời gian chậm lại để được gần Bác lâu hơn nữa, được nghe Bác ân cần chỉ bảo, được nhìn kỹ Bác hơn.

        Bác nhìn chứng tôi lần cuối sao mà trìu mến và âu yếm thế, khiến chúng tôi càng xúc dộng không nói lên lời.

        Bác dặn trước khi tạm biệt:

        - Mỗi cháu phải viết thư cho Bác nhé!

        Thực hiện chỉ thị của Bác, ngày hôm sau các anh ở Cục tác chiến cho người ra đón chúng tôi vào cơ quan làm việc.

        Mọi vấn đề đã được ấn định, chúng tôi đến nơi là các anh trong Cục tác chiến giao nhiệm vụ ngay. Chiều hôm đó chúng tôi hành quân luôn, đi thẳng xuống Phòng tham mưu Quân khu Việt Bắc lúc đó đóng ở xã Dân Chủ, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Anh Thế Hùng, trưởng phòng tham mưu quân khu như đã được báo trước, khi chúng tôi đến, anh vào việc luôn.

        Tháng 12 năm 1953, tôi và Nê được giao nhiệm vụ về vùng Việt Yên (Bắc Giang) vừa phổ biến kinh nghiệm đánh đặc công của Đông Nam Bộ vừa cùng các lực lượng vũ trang ở đây tổ chức đánh thử nghiệm tháp canh Như Thiết và Mỹ Độ theo cách đánh đặc công. Sau khi đánh sập tháp canh Như Thiết, tôi và Nê được Quân khu gọi về để tập trung lên Bộ tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ.

        Cuối tháng 1 năm 1954, chúng tôi tới mặt trận Điện Biên Phủ, được phân về Hồng Cúm. Tại đây chúng tôi được anh Nam Long và anh Lê Chưởng chỉ huy sư đoàn 361 giao nhiệm vụ cụ thể là huấn luyện gấp cho một số anh em đã có thành tích chiến đấu thuộc các đơn vị của sư đoàn về kỹ thuật tiềm nhập - luồn sâu, phục vụ cho nhiệm vụ đánh các chốt phòng ngự của địch. Tôi và Nê chia nhau huấn luyện cho 16 anh em, cả thẩy là bảy ngày. Sau đó anh Nam Long giao nhiệm vụ cho tôi và Nê chỉ huy số anh em này đánh vào trận địa phòng ngự của địch đối diện với ta. Do áp dụng tốt kỹ thuật tiềm nhập kiểu đặc công, chúng tôi đã đột nhập vào được hai mục tiêu chủ yếu là sở chỉ huy và trận địa xe tăng của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại, trận địa phòng ngự phía tây của tập đoàn cứ điểm của địch bị uy hiếp...”

        Chúng tôi đã làm theo lời Bác, thực hiện sự quan tâm của Bác với nhiệm vụ xây dựng, phát triển và chiến đấu của đặc công ngay từ những ngày còn kháng chiến gian khổ quyết liệt đó.

        Cảm động biết bao khi được biết Bác trăm công nghìn việc mà vẫn theo dõi bước đi ban đầu của binh chủng, giáo dục và động viên chúng tôi trong những công việc rất cụ thể.

        14 năm sau đó Bác và Đảng đã chính thức quyết định xây dựng lực lượng đặc công thành một binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

        Độ lùi của thời gian càng xa, chúng tôi lại có thêm hiểu biết mới về tư tưởng chỉ đạo, về sự quan tâm của Bác - “Đặc công là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt” - mà Bác đã dành cho binh chủng; nghĩa vụ và trách nhiệm lại có thêm nội dung mới, nặng nề hơn, nhưng cũng tràn đầy phấn khởi và tự tin hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #112 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2016, 10:37:08 am »

       
II

        Những cảm xúc về lịch sử Binh chủng mà tôi có được để kể cùng bạn đọc trên kia là không tách khỏi cảm xúc của tôi đối với những con người - đồng đội đã từng sống chết có nhau, vui buồn có nhau những khi giáp trận. Bởi không có con người thì làm gì có sự kiện, có cảm xúc, có kỷ niệm tâm đắc? Và không có sự kiện nào vắng bóng con người. Ở đâu và bao giờ con người cũng vẫn là nguyên động lực thúc đẩy mọi biến thiên của lịch sử - xã hội.

        Binh chủng đặc công tuổi đời còn rất trẻ mà đã có một dung lượng sự kiện bộn bề với hàng ngàn trận đánh lớn nhỏ, có chỗ đứng xứng đáng của mình trong “trận đánh ba mươi năm”. Điều này nói lên phẩm chất của người chiến sĩ đặc công là rất tốt đẹp: Chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, vì lý tưởng của chủ nghĩa xã hội.

        Sẽ trở nên vô nghĩa và có tội với lịch sử khi kể về những chiến công đây đó của binh chủng trên các nẻo đường của Tổ quốc trong trận chiến trường kỳ mà không nhớ về, không biết ơn những dồng đội đã ngã xuống, có không ít người trở thành chiến sĩ vô danh, sẵn sàng quên mình khi đối mặt với quân thù. Cho đến bây giờ và chắc chắn còn một thời gian không ngắn, có những chiến công thật hiển hách của những chiến sĩ vô danh, vì một lý do nào đó mà chưa thể viết lên, chưa được ghi vào sử sách.

        Tôi tồn tại, lớn lên, đến hôm nay vẫn đứng trong đội ngũ của binh chủng là nhờ có sự hỗ trợ, sự nhắc nhở động viên của bao đồng chí, đồng đội năm xưa đã hợp lực cùng mình vượt qua những thử thách nghiệt ngã có lúc tưởng như không vượt nổi. Không có đóng góp nào, dù chỉ là nhỏ nhoi lại là của riêng mình, mà là kết quả của sự kết tinh, sự gắn bó công sức của đồng đội. Sức mạnh trí tuệ của binh chủng là sức mạnh của những con người ý thức được sự cộng đồng nghĩa vụ, cộng đồng trách nhiệm. Tách ra từng con người riêng lẻ, tuyệt đối hóa cái tôi trước hết là phi thực tế, dẫn tới những sai lầm khó tránh, khôn lường.

        Đã có lúc trong tôi, vì vết thương nhỏ nhưng hiểm nghèo khiển tôi tưởng phải giã từ đội ngũ. Nhưng nhờ có đồng đội cưu mang, chăm sóc, động viên, an ủi, tin tôi, dìu tôi cùng họ ra trận, tình đồng đội đã làm thành sức mạnh trong tôi để chiến thắng thương tật, vượt qua khó khăn về tư tưởng, cùng đồng đội tiến bước.

        Những thế hệ Bộ tư lệnh cũng là những con người - đồng đội có chỗ đứng xứng đáng trong đài hoa chiến thắng của binh chủng. Các anh đã góp phần đáng kể vào những chiến công, vào bề dày lịch sử của binh chủng. Sự trưởng thành của chúng tôi hôm nay, những bản lĩnh, phong cách vừa có cái chung vừa mang sắc thái riêng mà mỗi chiến sĩ đặc công thu được, không thể tách rời sự đóng góp của các anh. Các anh Nguyễn Chí Điềm, Nguyễn Anh Đệ, Nguyễn Văn Chi, Vũ Chí Đạo, Cao Pha, Nguyễn Đức Trúng, v.v... đã để lại trong tôi những kỷ niệm khó quên về ý chí vươn lên, về hoạt động tư duy quân sự, về tác phong làm việc. Từ những đơn vị khác nhau, môi trường thử thách khác nhau, tư chất và lịch lãm khác nhau, nhưng khi đă về đây, lại có chung một suy nghĩ, một trăn trở, một quyết tâm - làm việc hết mình cho binh chủng mau trưởng thành. Ai trong các anh cững bắt đầu bằng công việc nghiêm túc tìm hiểu chiều sâu tư tưởng, ý nghĩa thực tiễn của danh hiệu mà Bác Hồ đã tặng cho binh chủng: “Đặc công là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cô gắng đặc biệt”, để mà yêu mọi trọng trách được giao. Khi tư tưởng lớn của Bác Hồ thấm nhuần trong nhận thức thì mỗi anh lại tìm ra cho binh chủng mình một biện pháp vươn lên, một nỗ lực đi tới.

        Đại tá Nguyễn Văn Chi, nguyên phó tư lệnh Quân khu IV 1 người có uy tín ờ Mặt trận Tây Thừa Thiên những năm đánh Mỹ, đã hiểu đặc công qua chỉ đạo tiểu đoàn 3 đặc công do anh Trần Duy Thị làm tiểu đoàn trưởng (nay là đại tá, phó tư lệnh binh chủng) đánh trận Cô Ca Va tháng 2 năm 1969, khi được điều về giữ chức tư lệnh, đã làm việc hết mình cho sự lớn mạnh của binh chủng.

        Trung tướng Anh Đệ, nổi tiếng là một đồng chí chỉ huy có tài ở chiến trường đồng bằng Bắc Bộ hồi kháng chiến chống Pháp, một người có bản lĩnh vững vàng và giàu nghị lực, lại có cách vun trồng cho sự lớn mạnh mãi mãi xanh tươi của một binh chủng đầy sức sống bằng việc tập trung chỉ đạo tổng kết lịch sử chiến đấu của binh chủng, tạo ra một cơ sở khoa học để giáo dục truyền thống và chỉ đạo thực tiễn binh chủng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #113 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2016, 10:38:18 am »

        Và nổi lên tất cả là anh Nguyễn Chí Điềm, người tư lệnh đầu tiên của binh chủng.

        Anh Nguyễn Chí Điềm - một đồng chí tư lệnh đã gây được tình cảm ưu ái của mọi người ở lòng nhân hậu, trung thực trong quan hệ đối xử; ở tinh thần say mê tận tụy trong công việc. Quê anh ở vùng Đức Thọ (Nghệ Tĩnh) nhưng anh lại gắn bó với mảnh đất cực Nam Trung Bộ - tỉnh Bình Thuận. Sự trưởng thành và những chiến công của anh gắn liền với sự ưu ái, đùm bọn của bà con cô bác tỉnh Bình Thuận. Nhưng cũng chính tại nơi đây đã để lại trong anh một vết thương lòng mãi mãi nhói đau! Ấy là vào giữa năm 1953, chị Nguyễn Thị Liên là vợ anh, một cán bộ của Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, đã vĩnh viễn xa anh vì trên đường đi công tác không may gặp phải cọp dữ ở một khu rừng Ô-rô nơi đặt căn cứ kháng chiến của tỉnh Bình Thuận.

        Anh Nguyễn Chí Điềm có “duyên nợ” với đặc công cũng rất sớm. Đầu năm 1952, ở cương vị tỉnh đội trưởng Bình Thuận, anh đã cho mở lớp huấn luyện kỹ thuật chiến đấu đặc công do ba cán bộ đặc công Đông Nam Bộ ra hướng dẫn. Sau một tháng học tập, anh cùng với các đồng chí cán bộ huấn luyện đặc công tổ chức cho một số học viên xuất sắc thực tập đánh đồn Ngã Hai, một cứ điểm có công sự kiên cố, do một tiểu đoàn Com-măng-đô đóng chốt, cách thị xã Phan Thiết bốn cây số về phía nam, kề ngay đường số 1. Trận thực tập thành công giòn giã, toàn bộ cứ điểm bị san bằng, gây không khí tin tưởng mạnh mẽ trong lực lượng vũ trang, tiếp cho phong trào kháng chiến của tỉnh có thêm khí thế. Sự khích lệ buổi ban đầu ấy như có lần hội thảo truyền thống của binh chủng, anh đã tâm sự trận thắng gây chuyển biến nhận thức mạnh mẽ trong tôi, tôi “say” với lối đánh này và cũng tự hào là Bình Thuận sớm biết phát triển mạnh mẽ hình thức tác chiếc đặc công trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 -1954 với các trận diệt gọn các cứ điểm quan trọng của địch ở Tánh Linh, Lương Sơn, Hương Sơn, góp phần làm phong phú lịch sử hình thành binh chủng đặc công trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp ở mảnh đất tận cùng của Cực Nam Trung Bộ...”.

        Lòng say mê ấy được dịp “bung ra” kể từ khi anh được giao trọng trách Tư lệnh Binh chủng (5-1967). Ngay từ buổi đầu nhận chức cho đến phút lâm chung, anh đã dồn hết tâm huyết của mình cho sự nghiệp xây dựng một binh chủng “đặc biệt” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bao quát mà cụ thể, thấy việc trước mắt nhưng không quên công việc cơ bản, lâu dài: Lo chỉ đạo sát sao phương hướng chiến đấu cho các chiến trường, nhưng anh vẫn tham gia đều đặn các cuộc thảo luận, tổng kết, các đợt diễn tập và thực tập thể nghiệm các vấn đề kỹ thuật, chiến thuật mới nảy sinh từ thực tiễn chiến đấu.

        Anh nhỏ con mà chắc khỏe, đi đứng khẩn trương dáng điệu nhanh nhẹn, hoạt bát, trong hoạt động tư duy của anh lúc nào cũng vừa say mê tâm đắc, vừa suy tư trăn trở - lo sao hiểu đầy đủ ý nghĩa danh hiệu “Đặc biệt” mà Bác Hồ tặng cho binh chủng và quán triệt nó vào trong hoạt động xây dựng và chiến đấu của binh chủng...

        Nghiêng mình trước hương hồn anh, chúng tôi hứa học tập và noi gương anh - một vị tư lệnh đã thực sự hết mình với binh chủng; đã góp phần xứng đáng vào thành tích chiến đấu của binh chủng, tạo thêm nền móng định hình của binh chủng trong cơ cấu chung của quân đội.

        Nếu con người tạo nên sự kiện, thì sự kiện đến lần nó lại là nguyên nhân tạo ra mối quan hệ gắn bó giữa người với người, đan kết thành một chất mới, mang cái tên mộc mạc, dễ thương - tình đồng đội.

        Trong cái chung, tình đồng đội trong binh chủng đặc công có những nét riêng, được nảy sinh trong quá trình hoạt động chiến đấu thường là trong không gian hẹp, với số người không nhiều, ở trong điều kiện thật hiểm nghèo. Phải giấu mình, ém quân, lót ổ, phải tiềm nhập điều nghiên, phải luồn sâu hoàn thành nhiệm vụ với yêu cầu thật lớn: Phải đảm nhiệm công việc của cả lực lượng không quân nhưng không có máy bay, của hải quân nhưng không có hạm tàu... Trong những hoàn cảnh nghiệt ngã của cuộc chiến đấu vì mục tiêu chung - giải phóng đất nước, đã tạo nên tình đồng đội của các chiến sĩ đặc công có những gắn bó kỳ lạ, làm thành sức mạnh để chiến thắng kẻ thù, để giúp nhau giải quyết những vướng mắc, những xung đột từ cuộc sống hàng ngày, đưa lại cho nhau một nhận thức mới, một thanh thản và tự hào mới.

        Tình đồng đội sẽ tồn tại mãi mãi trong thời gian, cùng binh chủng, cho cả những người đã rời khỏi đội ngũ, sẽ mãi mãi là sức mạnh giúp ta đi tới. Xây dựng và chăm sóc tình đồng đội thiêng liêng đó đã trở thành một truyền thống của binh chủng, là một việc làm không thể thiếu của tất cả chúng ta và các thế hệ kế tiếp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #114 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2016, 10:40:09 am »

       
III

        Một vinh dự lớn là binh chủng sớm có mặt từ những ngày đầu đánh Pháp để rồi có mặt đông đảo hơn, rộng khắp hơn trong trận chiến cuối cùng chống quân Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai - cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc chiến đấu suốt 30 năm ròng.

        Cong đường đã đi với những thử thách đầy chông gai nhưng là con đường đầy vẻ vang. Một binh chủng trẻ về năm tháng, nhỏ bé về cơ cấu và quy mô tổ chức lực lượng mà có tới 67 đơn vị, 134 cá nhân được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân. Thật là một con số rất đỗi tự hào.

        Những gì mà binh chủng làm được hôm qua thì vẫn rất cần cho hôm nay. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cùng nghĩa vụ quốc tế đang đòi hỏi binh chủng nỗ lực vươn lên và đáp ứng.

        Tự hào về chặng đường đã đi, nhận thức về cội nguồn, quý trọng, nâng niu, tâm đắc với cái đẹp của quá khứ là biểu hiện của lòng yêu lịch sử, yêu đất nước, yêu dân tộc mình.

        Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây thì trở thành hoài cổ, chẳng những không giúp ích gì cho hiện tại mà có khi còn cản trở cho ngày mai đi tới. Phải luôn luôn xuất phát từ nhiệm vụ cách mạng của Đảng, nhiệm vụ của quân đội mà suy nghĩ về nhiệm vụ binh chủng. Rõ ràng chúng tôi đang cùng toàn quân toàn dân đứng trước những nhiệm vụ nặng nề vì ngày mai, cho ngày mai.

        Công tác đảng - công tác chính trị sẽ phải làm gì để toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong binh chủng ngày càng quán triệt sâu sắc danh hiệu “đặc biệt” mà Bác đã trao? Bởi đây là nhiệm vụ bao trùm, xuyên suốt, là tư tưởng soi sáng cho bước đi của binh chủng. Không ngừng làm rõ nội dung “đặc biệt” thể hiện cụ thể ở công tác đảng - công tác chính trị là gì, làm như thế nào, đã đang và mãi mãi là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, của các cán bộ chính trị của binh chủng đặc công, như Bác Hồ dạy “chữ đặc biệt quán xuyến tất cả, từ lúc tập luyện cho đến khi chiến đấu cũng như lúc về”.

        Việc tổng kết về xây dựng và chiến đấu của binh chủng, đặc biệt những trận chiến đấu thắng lợi trong đánh Mỹ, để phân tích bình giá xem cái gì còn thích họp, điều gì cần nâng lên để phù họp với yêu cầu mới. Bước đường phát huy sức mạnh của binh chủng không chỉ ở các công việc cải tiến xử lý về công tác kỹ thuật chiến thuật, về trang bị, vũ khí, còn đồng thời phải trên cơ sở đẩy mạnh các sinh hoạt hội thảo khoa học, các hội nghị tổng kết chuyên đề, tổ chức diễn tập thực nghiệm, mà tiến hành xây dựng thành một hệ thống nguyên tắc lý luận về nghệ thuật tác chiến đặc công cho tác chiến độc lập và cho tác chiến họp đồng binh chủng trên quy mô chiến đấu, chiến dịch, chiến cuộc với các loại hình chiến đấu tiến công, phản công và phòng ngự.

        Đây là những hoạt động cơ bản không thể thiếu vừa nhằm phát huy truyền thống, vừa tạo nhân tố không thể thiếu cho nhiệm vụ xây dựng binh chủng ngày càng lớn mạnh đủ sức hoàn thành và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngày mai.

        Với tinh thần đó, chúng tôi đang nghiêm túc chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày thành lập binh chủng (19-3-1967 - 19-3-1987). Đây là một dịp để nhận biết về mình, để hướng về phía trước mà vươn tói.

HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM