Vị xuyên,mảnh đất vốn yên bình,những cuộc chiến tranh trước đó:chống Pháp và chống Mỹ,nơi đây không hề bị tác động.Vào cuối những năm 70 của thế kỉ trước,năm 1978 xảy ra sự kiện người Hoa bị nhà cầm quyền Trung quốc kích động,họ về nước qua cửa khẩu Thanh thủy gây nên một sự xáo trộn ầm ĩ.Đoán được ý đồ thâm độc của ban lãnh đạo Bắc kinh,chúng ta đã đưa lên biên giới phía bắc,nhiều đơn vị cấp trung đoàn đề phòng biến động.Trung đoàn 122 cũng nằm trong số đó,mặc dù đơn vị đã chuẩn bị tinh thần hành quân chi viện cho mặt trận tây nam...
Con đường Thanh thủy đi Lao chải đang được 4 tiểu đoàn của 122 đang mở dở dang,thì lệnh cấp trên chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu tới trung đoàn.Người lính buông tay cuốc,tay xẻng để cầm cây súng.Trước mặt họ,trên những đỉnh núi mờ sương là biên giới,ở đó kẻ thù đang nhòm ngó.Rời mặt đường,người lính đến với các điểm cao để lập chốt.Biên giới phía bắc là nơi vô cùng khắc nghiệt,mùa đông ở đây nhiệt độ xuống thấp dưới độ 0.Tạo ra cảnh băng tuyết lạnh cóng chân tay.Cùng với nó là cảnh hoang vu,cách biệt đời sống người lính với thế giới bên ngoài.Đất nước ta ngày đó vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh với đế quốc Mỹ,cuộc sống vô vàn khó khăn do kinh tế nghèo nàn.Do vậy,người lính phải chịu cảnh sống khó khăn trước hết...
Năm 1979,vào khoảng đầu năm quân Trung quốc tiến đánh biên giới nước ta,tại Vị xuyên chúng đánh chiếm 2 xã Lao chải và Xín chải.Tiểu đoàn 3 của trung đoàn 122 đương đầu đánh trả.Ở một nơi xa xôi hẻo lánh,tiếp viện khó khăn,mình tiểu đoàn nghênh chiến với cả trung đoàn biên phòng Trung quốc.Những trận đánh ác liệt,chênh nhau về lực lượng diễn ra thường xuyên.Quân Trung quốc thừa biết rõ lực lượng của ta,chúng dùng âm mưu thâm độc là:tiêu hao lực lượng,vũ khí trang bị của ta rồi tổng tấn công,đẩy ta sang phía bờ nam Thanh thủy.Ngày 11/3 năm 1979,chúng thực hiện âm mưu thâm độc đó.Đại đội 10 của tiểu đoàn đánh suốt từ sáng đến đầu giờ chiều thì mất chốt,do thương vong quá lớn.Đại đội 11 và đại đội 9 cầm cự thêm được đến chiều tối cũng phải rút lui do hết đạn.Riêng đại đội hỏa lực 12,đóng phía sau trên cao điểm 1558B gồm 2 khẩu cối 82 và hơn 20 tay súng chống trả tới viên đạn cuối cùng.Bắn chết cả xạ thủ đại liên của địch,rội bọn lính thổi kèn xung trận lẫn dân binh rồi mới rút.Đơn vị này do bị mất liên lạc nên chỉ huy tùy cơ ứng biến,chứ không nhận được chỉ thị nào ngay từ đầu trận đánh.
Hơn 30 năm sau trở lại,ngày nay Lao chải thay đổi quá nhiều.Con đường ngày trước chúng tôi mở dở dang,nay thành đường trải nhựa.Tìm mãi mới lờ mờ nhận ra cầu khỉ,nơi trước là nghĩa trang mặt trận.Hậu cứ C9,C11,C12 giờ thành khu dân cư.Riêng hậu cứ C10 nay thành trường tiểu học.Trước kia,Lao chải đa số dân ở đây là người H'mong,nhưng nay đã có nhiều đại lý bán hàng do người kinh làm chủ.Ngay giữa trung tâm,sạp hàng lớn nhất của cặp vợ chồng người quê Xuân trường-Nam định.Nhìn thấy nhiều sự đổi thay trong cảnh bình yên đất nước,bất giác tôi nhớ tới sự hy sinh của các đồng đội mình:Chính các anh đã đem lại ngày hôm nay cho bao người dân,sống trong thanh bình và hạnh phúc.
Ngồi trên chiếc xe ô tô hiện đại:máy lạnh,video đầy đủ trở về.Tôi cảm thấy ngày trước anh em lính mình khổ quá,những ba lô gạo nằm trên lưng cả ngày vượt hơn 20km trèo đèo,leo dốc để đến được các điểm chốt.Những khẩu súng,viên đạn qua đôi vai người lính đến bên chiến hào mù sương.Rồi sau những trận đánh,bao người nằm xuống,nồi cơm thừa lại quá nửa,mà chỉ hôm trước thôi,sức trẻ đang tuổi ăn đã vét sạch cả cháy của chiếc nồi quân dụng.Cuộc chiến tranh với kẻ thù phương bắc,cuộc chiến mà cha ông chúng ta đã đương đầu suốt cả 4000 năm...
Với tôi,cuộc trở về chiến trường xưa là rất giá trị.Tiếc rằng,do nhiều lí do đồng đội tôi như:Hà,Tỵ,Tuấn,Nghiệp,Chí thuộc D3-E122,hoặc Mạnh 1427,thai60 những đồng đội tham gia diễn đàn Dựng nước-Giữ nước không cùng đồng hành.Các đồng đội hãy bố trí một ngày nào đó phù hợp,ở đó bao nhiêu ký ức của tuổi thanh xuân mà ta đã từng trải qua:Đang chờ.

Trở về thăm chiến trường xưa. (ảnh nguyentac62)