thai60
Cựu chiến binh

Bài viết: 833
|
 |
« Trả lời #301 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2015, 11:31:57 pm » |
|
Chào các bác và anh em .
Hưởng ứng lời vận động của bác Tác , bác Laoshan , và cũng là để trả lời câu hỏi của bác Như ,Thai60 xin đưa thêm một đoạn nữa cũng ở HG phần 9 cho có hệ thống :
"... Rất nhiều người lính đã sống và chiến đấu trên mảnh đất Vị xuyên Hà giang .Có những người lính đã hy sinh khi mà họ chỉ mới vài giờ đồng hồ đặt chân vào khu chiến địa,còn chưa biết,chưa quen với một ánh hoàng hôn hay bình minh nơi đó...đủ biết cái chiến trường Vị xuyên ngày ấy tàn khốc đến chừng nào. Nói đúng ra,ngay từ khi nhận lệnh lên Vị xuyên,mỗi người lính đã bắt đầu phải chiến đấu-một cuộc chiến đấu với chính lòng mình-một cuộc chiến đấu âm thầm mà vô cùng khốc liệt :ĐI hay Ở ;TIẾN LÊN hay QUAY LẠI...đây?
Phía trước có mấy km là máu đổ,là thịt nát xương tan,là gian khổ tột cùng,ở nơi đây vẫn là bình yên đủ đầy... là chợ vẫn họp,trường vẫn mở,phố thị vẫn đông vui,những chuyến xe khách Hà nội vẫn hàng ngày xuôi ngược,dù tin tức chiến trận và tiếng đạn pháo vẫn vọng về,và chiến trường thì như đã gần bên.. ,và mỗi khi đêm về,là những đoàn xe tải chở hàng,chở quân âm thầm chạy lên,lúc trở về là tơi tả mang theo mình đầy mùi máu và mùi tử khí... Những người lính đã nghĩ suy,trăn trở...Và họ vẫn quyết tâm lên đường,...Họ hành quân về phía mặt trận...chỉ có một số rất ít thoái lui . Trên đỉnh dốc Mã tim vẫn còn những quán nước,vẫn có những người lính râm ran quần áo chỉnh tề tụ họp...Những người lính vẫn đi tiếp...nhà cửa quán xá bên đường thưa thớt dần,bắt đầu là không khí quạnh vắng...
Đến km 4,ở một đoạn cua rẽ về bên trái,xung quanh không còn một bóng nhà dân,chỉ thấp thoáng vài mái nhà bộ đội với những mái nhà âm,phía trái là sư đoàn bộ f313 ,phía phải là cánh đồng rộng phẳng của các đơn vị trực thuộc ...con đường lại quẹo phải và chạy thẳng khoảng 1 km,đến đoạn mà phía bên tay trái là một vách núi đá... Bắt đầu từ đây,người lính đã nhìn thấy quang cảnh chiến trường,và điều đó đã dần thử thách bản lĩnh của họ mỗi lúc một nặng nề hơn. Phía tay trái con đường oto là nhưng cánh đồng bỏ hoang của Phương độ,Phương tiến,những vết tích bản làng bị tàn phá tan hoang,chỉ còn lác đác vài mái nhà sàn ẩn sau những quả đồi thấp,xa hơn một chút là dãy đồi đất chạy song song với đường oto.trên sườn đồi ấy là con đường tăng.
Ở các cánh đồng từ km 9,10 trở đi là lác đác các trận địa pháo.phía bên phải đường đi thấp thoáng nhìn thấy dòng Lô,cũng thỉnh thoảng lại có một trận địa pháo...Trên đường đi lên,có một đoạn có nhũng ngôi nhà xây cấp 4 đâ bị tàn phá xơ xác,đó là khu xưởng chè,ngay tiếp đó là một khu đồi đá,một căn cứ địa lâu dài của lính công binh.Đấy là km 12.Từ đây là dày đặc các trận địa pháo .
Con đường queọ phải vài trăm mét rồi lại quẹo trái, chạy thẳng,đến một đoạn ngã 3 có đường oto rẽ về bên trái,đấy là đường rẽ lên đường tăng đi Lao chải trên Tây côn lĩnh.Con đường vẫn đi tiếp,trên sườn đồi phía tay trái có một hệ thống ống bê tông dẫn từ trên cao xuống,đấy là thủy điên 304,đi quá một lúc,ở chân đồi bên trái là trận địa của pháo dàn c33/f313. Đến km15,có một ngã 3,rẽ trái vào độ 1km là tới Làng Pinh,thủ phủ của sở chỉ huy tiền phương của các đơn vị lớn,Ở cuối làng Pinh có con đường dốc lên Cóc nghè và đỉnh 812 để đi 673. Con đường vẫn chạy tiếp,bên đường vẫn là dày đặc các trận địa pháo,cối.Đến km17,có một nhánh nhỏ rẽ trái lên sườn đồi,khoảng 500m là tới một khe núi nằm giữa 2 dãy núi đá,đây là Nà cáy,nơi có trạm phẫu tiền phương , nơi trung chuyển hàng hóa,vũ khí,và là nơi tâp kết tử sỹ những ngày bình thường(Sau những trận đánh lớn số lượng tử sỹ nhiều thì sẽ tập kết ở ngay ngòai đường cái).
Ở đây có đường hào dẫn lên đỉnh 673,có điểm giao nhau với con đường từ 812 tới.Ở trên đỉnh này có các trận địa pháo bắn thẳng,phía dưới có trận địa cối 82.
Từ đỉnh này có tuyến hào dẫn tới Thanh thủy,hang nàng Lò,hang Dơi,ngã 3,điểm kết thúc của nó là nơi giao nhau với con đường oto từ ngã 3 chạy tới,hướng đi Lao chải,Xín chải(chính là nơi hy sinh của 2 người lính mà bác laoshan đã kể). Trên cái đường hào này gần như đứng chỗ nào cũng nhìn thấy các điểm cao 1509,1100,772...phía sườn đối diện.Cũng vì thế mà đich có thể phát hiện và bắn trực xạ vào quân mình. Ở km 17,con đường chạy tiếp đến khoảng km18,5,ngay ở vách đá bên trái,cao hơn mặt đường khoảng 4m là cái hốc đá của tổ gác bom,tiếp lên phía trên là cầu treo( sang Phong quang) và bắt đầu vào ngã 3 Thanh thủy.
Đoạn đường từ cầu treo đến chỗ có đường hào giữa ngã 3 dài khoảng vài trăm met,rất hẹp,một bên là bờ sông ,một bên là vách núi, phải đi qua những chiếc xe tăng cháy,không có hào,đá núi lổng chổng .
Đoạn đường hào vào hang Dơi cũng dài khoảng vài trăm met,địa hình trống trải,bằng phẳng,tuyến hào kéo đến đầu cầu sập,muốn vào hang phải rẽ trái, lội qua suối,nếu vượt qua cầu sập chạy thẳng sẽ vào các điểm 233,đồi cô X,400...
Từ giữa ngã 3 nhìn lên phía trước,chếch sang bên phải,trên cao,sẽ thấy các cao điểm 1250,1030 mà địch chiếm giữ,nơi mà từ đó chúng cũng có thể phát hiện và bắn trực xạ quân mình trên toàn khu vực ngã 3 .
Từ hang Dơi đi tiếp vào phía trong,bên trái vài trăm mét sẽ đến hang Nàng Lò,Từ hang này có các con đường dẫn lên 685,772,1100,1509. Dọc theo con đường từ km 6 đến cầu treo,phía bên kia sông Lô là dãy núi cao gọi chung là Phong quang,nơi có nhiều trận địa pháo tầm xa,DKB,DKU,dàn phóng bom...Cũng dãy núi ấy,từ cầu treo hắt lên gọi là Pha hán,nơi có các đơn vị hỏa lực 12,7 ly,cối 82 của ta. Trở lại với những người lính từ phía sau bắt đầu hành quân vào chiến trường với những gì đang thử thách họ trên từng đoạn đường đi qua. Nếu đi ban ngày họ sẽ thấy một khung cảnh xơ xác tiêu điều khủng khiếp.Từ con đường cái hắt sang những cánh đồng,những sườn đồi,núi ở 2 bên là chi chít những hố đạn pháo còn mới,cây cối héo khô,đất đá sới nhào,không khí sặc mùi thuốc đạn.Xung quanh vắng lặng,gần như không có bóng người.Thỉnh thoảng lại có tiếng đề pa rồi pháo địch nổ ầm ầm đây đó,có lúc ngay gần bên mình,cảm giác như địch đã nhìn thấy mình và đang tìm cách tiêu diệt..Thỉnh thoảng pháo ta gầm lên dữ dội... Nếu đi ban đêm,khung cảnh còn rùng rợn hơn,bởi không gian rờn rợn ma quái đầy đe dọa bao phủ.Khắp xung quanh không có một ánh đèn ,tinh mắt lắm mới nhìn thấy vài ánh đèn dầu le lói từ các căn nhà âm,hầm của lính pháo.Phía đường biên vùng trời như sáng rực lên bởi ánh chớp của pháo,đạn và rền rĩ tiếng nổ.Lại cũng như ban ngày,thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng đề pa,ánh chớp lóe sáng và tiếng nổ ầm ĩ,rùng rợn.Các trận địa pháo của ta cũng gầm lên giận dữ...Không gian càng đầy mùi chết chóc,mặt trận dường như được kéo lại gần hơn... Những lúc này,người lính càng phải đấu tranh tư tưởng với chính mình,bởi chỉ cần tặc lưỡi buông xuôi để cho bản năng sinh tồn chi phối,họ vẫn có thể dừng lại ,quay về,tránh xa,thoát ra khỏi cái nơi mà mạng sống của họ đang càng lúc càng bị đe dọa nhiều hơn... Nhưng. Bất chấp tất cả mọi thử thách đe dọa,những người lính vẫn hành quân lên phía trước,nơi những đồng đội của họ đang anh dũng đối mặt chiến đấu với kẻ thù để giành giữ từng tấc đất của Tổ quốc.Họ đã đến tận chiến địa, chấp nhận chịu đựng mọi gian khổ hiểm nguy,lao mình vào cuộc chiến...
...Khi những người lính đi từ phía HG lên biên giới theo đường oto,nếu không rẽ vào làng Pinh ở km 15 ,thi họ sẽ đến gần với Nà cáy ở km 17.Ở chỗ này,có một nhánh đường rẽ trái,chạy theo sườn đồi khoảng 100m thì rẽ trái chạy lên phía một hẻm núi cách đó khoảng 200m.Đây chính là Nà cáy. Trong một hẻm núi kẹp giữa 2 vách núi đá,từ bên này sang bên kia chưa đến 70 m,các bác sẽ nhìn thấy phía vách đá bên trái có một của hang gần hình tròn,đường kính khoảng vài met.Đây là hang Phẫu.trong lòng hang tương đối rộng,có thể chứa được vài trăm người.Lòng hang phía ngoài tương đối bằng phẳng,phía trong thấp dần xuống vài met.Lính mình đã cải tạo,kê phản gỗ,chia khu vực cho các bộ phận QY làm việc.Chỗ nằm của thương binh có thể chứa vài chục người. Vào những ngày cuối tháng 5/1984,ở ngay của hang phía trên có một cái kho nhỏ chứa thực phẩm,khi lính VT nhận hàng sẽ nhận ở đây.Đi tiếp men theo vách đá lên phía trên khoảng 30m sẽ có một kho dã chiến của đơn vị cối 160 thuộc F356
Đi tiếp khoảng 50m nữa sẽ thấy trận địa cối 160 với 4 khẩu nằm trong ụ sơ sài làm bằng đá hộc xếp cao khoảng 80 cm . Từ hồi tháng 4/1984 , trận địa ấy đã là của C15 cối 160 của Ẹ7/F313 , nhưng khoảng đầu tháng 5/1984 , họ đã chuyển sang Khuổi mạn bên Đông sông Lô .
Từ đó đi tiếp vài chục met sẽ gặp con hào dẫn lên 673. Phía bên phải từ dưới lên lần lượt là kho quân khí,hầm và bếp hậu cần,các hầm và nhà âm của c25 và c15. Ỏ giữa hẻm là một lạch nước chảy từ trên xuống,các đơn vị đều dùng nguồn này để sinh hoạt. Đầu tiên là một bãi rộng vài chục m2,quây đá xung quanh cao vài chục cm.Đây là chỗ để và khâm liệm tử sỹ.Bộ phận chính sách có 4 người gồm 1 bác đại úy già làm chỉ huy và 3 lính trẻ,trong đó có một bác da đen xì,chỉ thấy răng trắng và mắt sáng tên Vượng người Thanh hóa. Kế tiếp là bãi đất phẳng để xe oto quay đầu,và cũng là chỗ để hòm áo quan đã và chưa khâm liệm.Lên phía trên nữa sẽ thấy bên bờ lạch nước có mấy mảnh vườn trồng toàn rau cải.Đấy là sản phẩm của c15 cối,do họ có một nửa ở trên Nà toong,một nửa ỏ Nà cáy thay nhau chiến đấu. Quang cảnh Nà cáy hồi đầu đại khái như vậy. Chỉ một thời gian ngắn sau khi khi trận địa cối này khai hỏa,địch đã bắn được pháo,cối vào tận cửa hang.Hôm đó chúng đã bắn tan tành mấy khẩu cối,hai cái kho bên hang phẫu,tất cả nhà âm bị cháy,nhiều hầm bị bắn trúng giữa tan tành.Ngày đầu tiên đó,c25 đã có một bác tên là Hưng quê Vĩnh phú bị mảnh pháo trúng tim hy sinh khi đang nằm trong nhà âm,không xuống hầm,và 4 đ/c khác bị thương nặng,số bị nhẹ không tính.Rất may là những căn hầm bị trúng pháo thì lại không có người hoặc có người nhưng quả đạn khoan lại không nổ. Tư sau đó,bên vách đá phía hang Phẫu đã trở thành cái bia hứng phaó,cối,chẳng còn ai dám xây kho hay trận địa ở đó nữa.Ngay cửa hang chỗ kho hậu cần cũng được công binh xây thành một vách đá dày,che gần kín cửa hang. Hồi đầu chiến dịch,đống quan tài đóng sẵn còn to vật vã,nhưng sau này do có nhiều tử sỹ quá nên chỉ còn thấy để ván,lúc nào khâm liệm thì đóng.Lính c25,c15 chúng em hay mượn tạm để làm phản nằm hoặc bàn ăn trong hầm,thỉnh thoảng lúc đêm khuya lại thấy mấy chú chính sách soi đèn pin đi đòi về vì...thiếu. Vào những ngày căng thẳng,tử sỹ chuyển về quá nhiều,phải để qua mấy hôm,những thân thể đã tan nát của anh em lại bị phơi nắng mưa,bị chuột bọ gặm nhấm,móc mắt...nhìn rất tội.NHững khi qua đó,thai60 thường ghé vào,đứng lặng bên anh em,lẩm bẩm an ủi họ và xin họ phù hộ.Có những lúc,nhìn thấy trong túi áo tử sỹ có những lá thư của người thân hoặc do họ viết mà chưa gửi được,thai em lại nhẹ nhàng gỡ ra,mang về hầm cất đi,những mong một ngày nào đó gửi về giúp họ.Việc ấy sau này bị cấp trên biết,mấy bác chính sách đã sang thu hết lại,chẳng biết sau này sử lý ra sao. Bác nào đã có thời gian ở Nà cáy,hẳn cũng đã nhìn thấy quang cảnh nơi đó . Đặc biệt , hồi tháng 5,6 - 1984 , ở gần trận địa cối 160 ấy có một vườn rau cải của mấy ông lính C15 cối 82 của E 14 .Cái vườn rau mỡ màng ấy vào lúc xuân sắc nhất đã được mấy ông lính cối canh giữ suốt ngày đêm,lại còn cẩn thận treo tấm biển bìa các tông ghi rõ :BÃI MÌN .Ấy thế mà có một đêm đã bị ông nào cắt sạch lá to,chỉ để lai gốc và mấy cái mầm.Đểu nhất là còn ghi lại mấy chữ trên mảnh bìa cac tông:ĐÃ CHÔN LẠI MÌN MỚI DƯỚI GỐC,RAU SẼ NHANH MỌC THÔI,CHÚC NGON MIỆNG.
Cái vườn rau ấy cũng chỉ tồn tại được khoảng 2 tháng rồi sau này thì tiệt hẳn vì pháo địch bắn quá nhiều vào Nà cáy . Đấy,quang cảnh Nà cáy cho đến tận tháng 2/87,sau vài lần thay quân vẫn là như thế đó.Còn về chuột và trăn thì cũng có nhiều chuyện lắm. Từ dưới làng Pinh còn có một tuyến đường hào nối từ đầu làng men theo sườn vách đá chạy về phía Bắc,qua cửa Nà cáy (cách khoảng 50m),chạy tiếp lên vài trăm met chếch về bên phải,nhập vào đường oto ở khoảng km 17,5.Từ đây đi lên phía ngã Ba Thanh thủy đã rất gần.
Đường đi luôn sát vào vách đá,phía bên phải là sông Lô.Đi qua chỗ gác bom các bác đừng ghé vào làm gì ,vì mấy bác ở đấy kiệm lời lắm.Đến chỗ có cái cầu treo,bác nào muốn sang PHA HÁN,PHONG QUANG để hái ngô hoặc tìm đồng hương bên 1030,1250 thì qua cầu.
Bác nào muốn qua ngã ba lên phía trên để đi ...chơi ...thì chuẩn bị ...chạy thật nhanh...càng nhanh càng tốt...À...nhanh vừa thôi không có đâm vào đầu cáng của mấy ông VT đang ì ạch ,và cũng để kịp phanh lại khi gặp đường hào rẽ trái. Cứ theo đường hào ấy mà phi,nếu có chố rẽ phải thì rẽ vào Hang Dơi,hang NÀNG LÒ,trong ấy có nhiều chỗ ...chơi hay lắm...Nếu rẽ trái lên dốc thì sẽ được lên đường hào hồi xuân lên đỉnh 673...tuyến hào này được cái rất ...thoáng mát... Còn nếu quên mất mà cứ phi thẳng nữa thì sẽ đến cọc 6 , thác Âm phủ , cầu Khỉ , Lao chải,Xín chải...Trong đó còn khối chè chốt chưa hái.Nếu cứ đị tiếp nữa,(mà chỉ còn đi bộ được thôi nhé) thì sẽ lên tới đỉnh TÂY CÔN LĨNH,trên ấy hơi...lạnh nhưng lại có đường cho xe tăng đi về Phương thiện,cách thị xã HÀ GIANG vài km.Ở trên đỉnh này các bác sẽ có cơ hội 1/1000 năm bắt xe...tăng về xuôi...SƯỚNG NHÉ...
... Trên những con đường dọc ngang ấy , những người lính đã tỏa đi khắp mọi nẻo của chiến trường Vị xuyên , dũng cảm đương đầu với một cuộc chiến .
Trong cuộc chiến ấy,nhiều người trong họ đã đổ máu,có người đã hy sinh... Và khi cuộc chiến đã lùi xa mấy mươi năm rồi, những người lính vẫn không thể nào quên được mảnh đất chiến trường ngày ấy,nơi họ đã gửi lại một phần xương máu,nơi họ đã hy sinh những tháng năm tuổi trẻ,nơi bao nhiêu đồng đội thân yêu của họ đã ngã xuống vĩnh viễn nằm lại đó như những dấu mốc của một thời giữ nước anh hùng và bi tráng.Và họ lại tìm đến bên nhau trên HAGIANG để thắp lên những nén tâm nhang cho những người đã khuất,khắc dấu vào lịch sử để những thế hệ sau biết phát huy truyền thống giữ nước,biết quý trọng và bảo vệ từng tấc đất biên cương mà họ đã từng xả thân,quên mình để giành giữ...
(Trong bài viết có thể có những sai lệch về khoảng cách địa lý và địa danh mà em còn nhớ được,tuy nhiên do đã quá lâu ngày không chắc có còn nhớ chính xác,mong đồng đội góp ý để kịp thời điều chỉnh,thai60 em xin cảm ơn)
Cám ơn bác Như nhé . Bức họa tuy đơn sơ nhưng nó gợi nhớ rất nhiều về những nơi mà anh em mình đã từng đến , từng qua và những gì từng nếm trải bác Như ạ .
|