Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 11:06:41 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: HÀ GIANG - KÝ ức và Tâm tình người lính bảo vệ Biên cương Tổ quốc - Phần 23  (Đọc 178783 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Mạnh1427
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 721


« Trả lời #120 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2015, 09:26:19 pm »

Chào toàn thể các bác
Ngày lễ kỷ niệm trọng đại hôm nay thật hào hùng và hoành tráng ,nhưng trong sự hào hùng ấy ,nó cũng chở theo bao nhiêu nỗi thương đau ,mà cả dân tộc mình đã phải đổi bằng máu, xương để dành được ,một chặng đường ngắn ngủi thôi ,mà cả đất nước cùng hành quân phải mất mấy mươi năm .

Các bác ạ ,cả đất nước hôm nay đang cùng vui lễ kỷ niệm chiến thắng ngày 30/4/75 .Nhưng cũng chính là ngày hôm nay ,ở mặt trận Vị Xuyên thì lại đang diễn ra những trận đánh vô cùng ác liệt ,của quân và dân nơi đây ,cứ chiều chiều nhìn xuống cái thung lũng ở ngã ba Thanh Thủy,đạn pháo của quân thù đổ xuống ,khói bụi của đạn pháo bay mù cả không gian ở nơi này .
Về phía mình những đơn vị pháo,như trung đoàn pháo 457 ,ở làng pinh ,nà cáy ,phong Quang,ở 812 ,các trận địa cối ở cọc 6 đều bắn hết công xuất ,những tiếng nổ cứ vọng vào vách núi thành một chõi âm thanh tưởng chừng như không thể dứt  ,đứng ở trên điểm cao 1427 nhìn xuống mới thấy nó ác liệt đến nhường nào.
Logged
Biên cương
Thành viên
*
Bài viết: 261


« Trả lời #121 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2015, 09:39:55 pm »

Ngày này 31 năm về trước (30/4/1984) Trung đoàn 876/F356 đang trên đường hành quân từ Lào Cai sang Hà Giang, để chuẩn bị cho chiến dịch MB - 84!
Logged
NguyenHuuHung
Thành viên
*
Bài viết: 109


« Trả lời #122 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2015, 11:21:33 pm »

Thưa các bác chảo lửa thanh thủy đã bùng nổ được 2 ngày cách đây 31 năm vào những ngày này người lính vị xuyên f313 thuộc e122 e14 e457 e266 và các đơn vị trực thuộc khác đã và đang  phải oằn mình với những làn pháo của địch những ngày này bao nhiêu đồng đội của chúng ta vì tấc đất họ đã phải hi sinh anh dũng thân thể của họ vẫn đang nằm ở nhiều hốc đá kẽ hang giá mà những ngày này các thông tin đại chúng nói về họ thì hay biết bao các bác nhể cuộc chiến ở thanh thủy vị xuyên đã thật sự lãng quên rồi sao k sử sách nào được ghi lại cuộc chiến xẽ bị chôn vùi vào ký ức đời đời con cháu họ k được nhớ lại
Hôm 28/4 những kịu chiến binh F313 thuộc E457 E266 E14 E122 thuộc khu vực thị trấn hương canh vĩnh phúc đã lên chi ân thắp hương cho các đống đội đã hi sinh và hồi tưởng lại cuộc chiến cách đây 31 năm cuộc đi đã thành công tốt đẹp
                         Cám ơn ban chỉ huy quân sự tỉnh hà giang đặc biệt là cám ơn bác Nguyễn Tác đã giúp đỡ chúng tôi trong chuyến đi này.
Logged
thai60
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 833


« Trả lời #123 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2015, 02:40:32 am »

Chào toàn thể các bác
Ngày lễ kỷ niệm trọng đại hôm nay thật hào hùng và hoành tráng ,nhưng trong sự hào hùng ấy ,nó cũng chở theo bao nhiêu nỗi thương đau ,mà cả dân tộc mình đã phải đổi bằng máu, xương để dành được ..."
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------



                                 Chào các bác và anh em .

Mấy ngày lễ này , em vẫn phải đi làm , nhưng luôn ở trong tư thế sẵn sàng , cứ nghe mấy ông lính Vị xuyên gọi chỗ nào là phi ngay đến đó , làm vài ly .

Nói thật với các bác , gặp gỡ anh em đồng đội cũ , nhất là trong những dịp lễ , tết , lúc ở đó thì vui , nhưng hễ cứ rời đi rồi , lại cứ thấy lòng buồn day dứt . Nỗi buồn ấy có thể đến từ câu chuyện hồi ức về những đồng đội đã hy sinh , nhất là những anh em bị ngã xuống trong những ngày tháng  năm cụ thể nào đó . Nỗi buồn ấy còn đến nhiều hơn khi nghe thấy các phương tiện truyền thông nói về sự hy sinh của bao nhiêu thế hệ người lính nữa …

Sáng nay , nhìn trang HG vắng ngăn ngắt suốt từ hôm qua , đã buồn , mò ra những chỗ hàng nước quen thuộc định làm chén trà nóng , ván cờ tướng , nhưng chả thấy quán nào mở cả . Hỏi ra mới biết , ngày lễ , công an Phường dẹp triệt để . Chán quá .

Chả biết đi đâu nữa , 60 em mò về nhà bố mẹ đẻ . Con cháu ở riêng hết , chỉ còn hai cụ sống lủi thủi trong căn hộ chung cư cũ dưới tầng 1 ẩm thấp . Bước vào nhà , thấy mẹ thì đang bó gối ngồi thui thủi trong phòng khách , dưới nền nhà thấy tung tóe những mảnh thủy tinh vỡ , bố thì không thấy đâu . Ngạc nhiên , hỏi :”Ông đâu hả bà “ . Mẹ yên lặng , chẳng nói gì , giơ tay chỉ vào phòng bố .

Mở cửa , bước vào phòng bố , Thai60 nhìn thấy cụ đang ngồi bên bàn làm việc , trên bàn bày đầy những giấy tờ cũ , cả đám giấy khen các loại và huân huy chương của cụ . Lạ nhất , là thấy cụ đang khóc , nước mắt chảy dài bên má . Thấy 60 em vào , cụ không nói gì , vơ cái khăn cũ bên cạnh lau mặt. Nhìn cổ áo sơmi cũ ẩm nước và đôi mắt đỏ hoe của cụ , biết là cụ đã khóc nhiều .

Hỏi cụ” Bố làm sao thế “ , cụ bảo “ Bố buồn tý thôi  . Con cứ ra ngoài đi , để bố một mình .ở đây một lát “ .

Thai60 ra ngoài , không thấy mẹ ngồi đấy nữa , lấy chổi quét dọn đám mảnh thủy tinh vỡ , rồi vào phòng bà hỏi xem có chuyện gì .

Hóa ra , ông bố 60 em có chuyện bực mình , rồi từ cái chuyện bực mình ấy , sáng nay , khi xem chương trình TV tường thuật lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm chiến dịch Hồ chí Minh đại thắng , chả hiểu cu bực bõ cái gì mà hất đổ vỡ tung cái khay  cốc chuyên dùng uống nước vối hãm . Nghe bà ngạc nhiên cằn nhằn , cụ tắt TV không xem nữa , bỏ vào phòng ngồi đã cả tiếng đồng hồ rồi .

Nghe sự tình như vậy , 60 em lại mò sang phòng bố , thò tay lấy chai rượu thuốc khớp của cụ , rót ra 2 cái ly , nâng 1 ly mời cụ uống .Mãi rồi cụ kể…

Để câu chuyện dễ hiểu và có đầu đuôi hơn , Thai60 xin kể với các bác sơ qua vài điều về hoàn cảnh gia đình .

Ở một trang HG nào đó , Thai60 có lần đã kể rằng ông nội 60 em là đảng viên Cộng sản lớp những năm Ba mươi .

Ông bà nội em có 5 người con trai , không có con gái , bố em là con lớn nhất . Cả 5 anh em đều rất đẹp trai , ai cũng cao trên mét bảy hết .

Ngay từ năm 1945 , khi bố em mới 12 tuổi , ông em đã đưa bố em gia nhập đoàn thể , đi hoạt động cách mạng . Năm 1952 , khi chưa có chiến dịch Điện biên phủ , bố em đã công tác ở các tỉnh biên giới vùng Tây bắc . Năm 1954 , sau khi hòa bình , bố em đã làm trưởng phòng Kế toán - Tài vụ của khu tự trị Thái Mèo ( Về sau gọi là khu tự trị Tây- Bắc . Vì thế , em mới kể rằng em sinh ra ở Sơn la , lớn lên ở Lai châu…)

Trong những năm 1966,1967,1968 , khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đi vào giai đoạn ác liệt , 4 trong 5 người con của ông nội em (trừ chú út bị hiếng mắt không đủ tiêu chuẩn sức khỏe ) đã lần lượt lên đường nhập ngũ . Bố 60 em thì đi chiến trường C ( Lào ) , còn các chú Đỉnh , Đãng , Quang thì đi chiến trường B .

Khi nhập ngũ , bố em đã có vợ và 2 anh em em , chú Đỉnh có vợ và 3 con ( hai gái một trai ) , chú Đãng có vợ và một con trai .còn chú Quang thì mới chỉ có người yêu chưa cưới .

Nói về các bà thím của mình , Thai60 còn nhớ mãi thím Nga – vợ chú Đãng , vì thím đẹp lắm , đã từng được mệnh danh là Hoa khôi thành phố Dệt những năm đó .

Ngày ấy , khi các chú đi bộ đội , các thím và các em vẫn đang sống cùng với ông bà . Đang là cán bộ lãnh đạo của ty Thương nghiệp tỉnh Nam định , thương đàn cháu nheo nhóc thiếu cha , ông em xin xuống phụ trách lò sát sinh của Ty .Cái lò mổ ấy nằm ở cuối phố Hưng yên – thành phố Nam định , bây giờ vẫn thấy cơ quan nào đó ở đấy .

Những năm 1970 , ông bà em lần lượt nhận được 2 cái giấy báo tử của chú Đỉnh và chú Đãng .Rồi sau đó lại có một chú thương binh tên là Đồng cũng người Nam định , nhập ngũ và ở cùng đơn vị chú Quang , sau khi bị thương ra Bắc đã đến kể với ông bà em rằng chú Quang đã bị thương nặng trong một trận đánh với lính Mỹ , khả năng đến 99% là đã hy sinh .

Khỏi phải nói lại những ngày tháng ấy , ông bà em đau khổ như thế nào , nhất là bà em .

Một hôm , nhà có giỗ của một chú ( Bây giờ em quên mất là giỗ chú nào ), khi nghe hai bà thím và cô người yêu đã hứa hôn của chú Quang ( Lúc này cô ấy mới  phải lấy chồng vì gia đình cô ấy ép ) khóc than nhiều quá , mà ông em thì cấm bà không được khóc trước mặt mọi người , bà em đã đi ra khỏi nhà để khóc .

Bà cứ đi như thế dọc phố Trần hưng Đạo , thẳng ra hướng bờ sông Đào gần chỗ cầu Đò Quan bây giờ . Dạo ấy đang mùa mưa lũ , nước sông dâng cao , nước xoáy vào phá bờ xô đất xuống nước ầm ầm . Và bà đã mất bên bờ sông ấy .

Sau này , có người công nhân lái phà kể lại rằng ông ta đã để ý thấy một cụ bà ăn mặc lam lũ  đã ngồi trên mom đất ven sông ấy từ lúc quá trưa , vừa xõa tóc vừa khóc vừa hời gọi tên mấy người con nào đó rất thê thiết . Ông công nhân ấy đã đến bảo bà ngồi vào chỗ khác nhưng dường như bà không nghe thấy gì hết . Rồi đến một lúc , trời bất ngờ đổ mưa xuống , trong màn mưa mờ mịt ,dưới ánh hoàng hôn đang buông xuống , chỉ nghe thấy tiếng đất lở uồm uồm hòa trong tiếng sấm , khi ông ấy nhìn lại thì đã không thấy người đàn bà kia đâu nữa , và mặt sông thì xoáy lên cuồn cuộn …

Bà nội 60 em không trở về nhà từ ngày giỗ ông chú liệt sỹ của em hôm ấy .Sau này , chả biết ai trong gia đình đi xem bói , có thầy bói bảo rằng bà nội em vì quá đau khổ nên đã gieo mình xuống sông tự vẫn . Nhưng hồi những năm 93-94 , có nhà ngoại cảm tên là Liên lại nói với bố em rằng bà bị ngã do đất lở và bị chết đuối .Đến bây giờ cũng chả biết sự thật là như thế nào nữa . Chỉ biết là bà đã mất , không có mộ , và ngày giỗ thì chuyển sang một ngày khác cho khỏi trùng với chú .

Lại nói về 2 ông chú em trai của bố em . Cả 2 chú khi hy sinh đều đã là cán bộ cấp tiểu đoàn , trong giấy báo tử ghi rõ đơn vị , nhưng nơi hy sinh chỉ thấy ghi là mặt trận phía Nam . Không thấy ghi địa chỉ mai táng .

Suốt từ hồi những năm 80 , bố em , các thím , và sau này là mấy đứa em họ con chú Đỉnh , đã nhiều lần nhờ các nhà ngoại cảm , trong đó có cả ông Liên , bà Hằng , cậu Thủy và một số người khác nữa đi tìm , nhưng kết quả vẫn là tay trắng . Những mảnh xương mượn mang về từ rất nhiều những ngôi mộ liệt sỹ ở nhiều nơi sau khi được giám định AND đều không phải của các chú , rồi lại phải bỏ công mang vào trong đó trả lại  .

Cho đến hôm nay , mộ các chú ở đâu cũng không ai biết . Và ông bố em , sau những chuyến đi dọc ngang đất nước để tìm mộ các em mình thì cũng không còn sức khỏe và niềm hy vọng để đi đâu nữa . Cũng như bà nội Thai60 , các chú ấy đã vùi xác ở đâu đó mà không ai biết .

Nói về chú Quang , khi cả gia đình đã xác định là cũng đã hy sinh rồi , thì giữa năm 1975 , chú được chuyển từ một viện QY nào đó trong Nam ra Bắc và trở về thăm nhà . Hóa ra chú bị thương nặng , nhưng đã được du kích địa phương cứu chữa , sau đó chuyển sang đơn vị chủ lực khác , tiếp tục chiến đấu , bị thương lần nữa khi đơn vị tấn công mở đường cho đơn vị bạn tiến vào giải phóng Sài gòn hồi đầu năm 1975 .

Khoảng năm 1976 , chú chuyển ngành về làm trưởng phòng tổ chức của một cơ quan nào đó ở TP Nam định ( 60 em quên mất ) . Sau mấy tháng trở về , chú đã có người yêu mới , cô ấy là em gái của một người đồng đội của chú đã hy sinh từ mấy năm trước hồi đang ở chiến trường . Hồi ấy , Thai60 đã cùng mẹ và em trai chuyển từ Lai châu về Nam định , nhiều buổi tối khi cô chú đi chơi 60 em còn được rủ đi cùng .

Khi chuẩn bị làm đám cưới với cô ấy thì chú Quang bị dính vào một vụ án . Nguyên nhân là mặc dù đã xây dựng gia đình , nhưng cô gái ngày xưa vẫn yêu chú ấy , khi thấy chú trở về , nhiều lần cô đã tìm gặp chú , chỉ để khóc và xin chú tha lỗi . Chú đã nói rõ rằng không hề trách móc gì cô , và bây giờ thì cũng đã sắp xây dựng gia đình , nên tốt nhất là hai người không gặp nhau nữa . Cô ấy cũng đã chấp nhận như thế , nhưng khổ nỗi cứ hay buồn , khóc , đến mức chồng cô không chịu được , nổi cơn ghen tuông và xoay ra đánh đập cô rất tàn nhẫn .

Nghe tin ấy , chú Quang cũng buồn lắm , chả biết làm thế nào ngoài việc gọi điện đến cơ quan người đàn ông kia để giải thích . Nhưng cô ấy vẫn bị chồng hành hạ . Cho đến một hôm , bị ông kia chặn ngay cổng cơ quan chửi bới gây sự , không kìm được , chú Quang đã tát ông ấy một cái , chỉ một cái duy nhất thôi . Sau đó người đàn ông kia đã làm giả mạo giấy tờ chứng thương rồi kiện chú . Hồi ấy , bên tòa án thành phố đã hỏi ông nội Thai60 là nên xử thế nào . Ông đã trả lời dứt khoát :” Tống cổ đi tù , là Đảng viên , là cán bộ , là gia đình có truyền thống cách mạng thì càng phải gương mẫu  “.

Vậy là chú Quang phải đi tù , bản thân chú cũng không hề xin xỏ giảm án gì hết . Sau hơn một năm , chú ra tù , nhưng đã bị mất hết từ chức tước , chỗ làm việc , danh hiệu Đảng viên , còn lại mỗi cái thẻ thương binh .

Sau đó chú cưới cô em gái người đồng đội xưa , mở hiệu sửa xe đạp tại nhà , và sống lam lũ cho đến tận bây giờ .

Lại nói về thím Nga vợ chú Đãng . Sau giải phóng đến hơn hai năm , không còn hy vọng rằng chú sẽ trở về , thím đã tái giá . Người chồng sau của thím tuy rất yêu thím nhưng cũng lại rất hay ghen . Ông ấy cấm tiệt mọi mối quan hệ với gia đình chồng cũ của thím , kể cả việc thăm nom chăm xóc thằng con trai duy nhất của thím với chú Đãng . Thằng em họ đau khổ ấy của Thai60 tên là Hùng – Trần Hùng .

Giữa tháng 9/1983 , đang làm việc ở Bưu điện Hà sơn bình ( ngay TX Hà đông ) , Thai60 xung phong nhập ngũ . Khi đã có quyết định , Thai60 về Nam định để chào ông và mọi người thì mới biết Hùng cũng nhập ngũ đợt ấy .

Ngạc nhiên vì thấy Hùng mới chỉ già 16 tuổi đời , là con trai một , bố lại là Liệt sỹ , tại sao lại phải đi bộ đội , Thai60 đã hỏi chú Quang và các thím . Mọi người bảo do Hùng đã viết đơn bằng máu xung phong nhập ngũ để trả thù cho bố . Mọi người không ủng hộ , nhưng ông nội 60 em , cũng là ông nội Hùng , đã đồng ý . Ông đã trực tiếp đến Thành đội hỏi xin cho Hùng , thậm chí khi cán bộ ở đó ngần ngại thì ông đã bằng uy tín của mình , yêu cầu cán bộ lãnh đạo tỉnh can thiệp .

Cực chẳng đã , thành đội phải cho Hùng đi bộ đội . Vậy là , tháng 9/1983 ấy , ông bố CCB của Thai60 đã tiễn một thằng con trai của mình và một thằng cháu ruột mồ côi bố , mất mẹ lên đường nhập ngũ .

Thai60 thì đi lên Vị xuyên Hà giang , chiến trường BGPB . Còn Hùng thì đi BGTN rồi sang chiến trường Campuchia .

Ở đơn vị , Hùng giấu biệt lý lịch của mình , nhưng chắc cán bộ chỉ huy biết , nên đã bố trí nó làm trợ lý gì đó , nhưng Hùng không chịu . Nó cứ nằng nặc xin xuống đơn vị chiến đấu , để rồi chỉ mấy tháng sau Hùng đã bị thương trong một trận tấn công bọn Polpot .

Ở QY viện tiền phương , có một lần có một vị đại tá sư trưởng đến thăm động viên thương binh . Khi đến bên sạp Hùng nằm , tình cờ ông đã rút quyển sổ tay đang giắt trong túi cóc balo của Hùng , cầm trên tay lật lật vài trang . Và ông đã òa lên khóc khi nhìn thấy bức ảnh chụp hồi còn trẻ của chú Đãng – bố Hùng . Hóa ra , ngày xưa ông từng là lính , nhưng cũng như là bạn thân của chú Đãng . Tiếc rằng khi chú Đãng hy sinh thì ông đã chuyển sang đơn vị khác  nên ông cũng không biết chú đã chết .

Vậy là Hùng được chuyển về bệnh viện QK7 ( hay QK9 gì đó , Thai60 không còn nhớ rõ ) để điều trị , rồi sau đó được đi học sỹ quan Quân khí .

Sau khi học xong , đã đeo lon Trung úy , Hùng lại nằng nặc xin về đơn vị cũ bên Campuchia , và em đã hy sinh bên đó trong một trận đơn vị truy kích địch gần BG Thái lan .

(Còn nũa)
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Năm, 2015, 02:37:57 pm gửi bởi thai60 » Logged
thai60
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 833


« Trả lời #124 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2015, 03:07:35 am »

( Tiếp theo )

Ở một trang HG nào đó , Thai60 em đã kể về thằng em trai duy nhất nghịch như quỷ sứ của mình .Nó tên là Thịnh – Trần Thịnh .

Tháng 9/1983 , Thai60 nhập nhũ , thì một năm sau , tháng 9/1984 , khi đang học năm cuối ở trường Bưu điện Phủ lý , Thịnh  cũng xung phong đi bộ đội . Năm ấy chiến sư ở BGPB đang căng thẳng , nhất là ở Vị xuyên , nơi Thai60 đang chiến đấu . Bố mẹ Thai60 đang rất lo lắng cho thằng anh , giờ lại thấy thằng em xung phong đi thì phân vân lo lắng lắm .

Nghe ông Hiệu trưởng gọi điện báo tin , bố em đã tâm sự với ông Tổng cục trưởng , nghe vậy ông ấy bảo bố em bỏ dở một cuộc họp ở Tổng cục Bưu điện chỗ 18 Nguyễn Du , dùng xe của ông ấy để xuống trường dưới Phủ lý . Ghé qua nhà kể với mẹ , bảo mẹ đưa cho ít tiền ( vì chẳng mấy khi bố có tiền trong túi ) , lấy thêm vài thứ , bố đi ngay xuống đó .

Gặp Thịnh  , đưa nó  lên ban Giám hiệu động viên nó học cho xong đã rồi muốn đi đâu thì đi . Lúc đó , Thịnh chỉ ừ à cho phải phép , hứa sẽ xin rút đơn , ông cán bộ tổ chức của trường hứa sẽ đi cùng nó sang thị đội Phủ lý để làm thủ tục ở lại học tiếp . Ông ấy gọi điện sang bên đó , và phía thị đội đồng ý ngay .Thịnh hẹn sáng hôm sau sang đó rút đơn .

Tạm yên tâm , tiện xe oto cơ quan , bố em chạy luôn về Nam định thăm ông nội . Nghe kể chuyện Thịnh , ông nội em chửi bố một trận tơi bời , vì tội hèn , dù bố không dám cãi .Thấy chú lái xe ra sức giải thích nọ kia bênh bố , ông còn rút ba toong quất cho chú lằn cả bắp tay .

Nhưng Thịnh không hề rút đơn . Ngay chiều đó nó lặn mất hút , đem ngay cái áo len mà cô bạn gái nó đã hỳ hục đan suốt cả mùa hè vừa tặng , cùng cái quần ôt pho màu kem và cái áo vải ka tê trắng mà Thai60 đã cho nó từ lâu ( nhưng bố mẹ giữ mãi không cho , hôm ấy bố mới mang xuống để nhử nó hoãn đi bộ đội ) ra chợ bán , lấy tiền đi nhậu nhẹt liên hoan với cánh bạn hẩu , mặc kệ cô bạn gái cứ lẵng nhẵng sướt mướt đi theo .

Thịnh nhập ngũ về F355 ở Lào cai . Đầu tiên , thấy nó viết thư về kể là làm văn thư bảo mật , bố mẹ Thai60 cũng tạm yên tâm . Đến một dạo , tự nhiên nghe tin đồn Thịnh đi làm nhiệm vụ gì đó bên đất địch và đã chết bên ấy .

Nghe tin dữ , bị mẹ giục ời ời , ông bố Thai60 phải mò lên trên ấy , theo địa chỉ hòm thư . Bố kể , chuyến ấy bố đi bằng tàu hỏa , khi đang đi đường rừng tìm vào đơn vị Thịnh thì gặp một toán sỹ quan , trong đó có ông Sư trưởng tên là Thanh đang đi công tác về . Ông sư trưởng khi nghe chuyện đã mời bố em cùng về sư bộ , sau đó cho người xuống QY viện của sư đón Thịnh về chỗ đó .Nghe nói sau này ông sư trưởng đó cũng sang Vị xuyên chiến đấu .

Hóa ra , chắc là do cái tính hiếu động cộng thêm cái tố chất gì đó , Thịnh chán làm nhân viên bảo mật mà đã xin được làm trinh sát ngoại tuyến , chuyên phải luồn sang đất địch bên kia . Dịp ấy Thịnh làm nhiệm vụ trinh sát ở một khu kho hóa chất của địch , bị thương vào chân , do bị nhiễm hóa chất độc vào vết thương nên rất khó điều trị, mấy anh em khác cùng bị thương hôm đó cũng bị thế .

Sau khi ra quân , Thịnh đã về học đại học  ở Học viện Bưu chính viễn thông , ra trường , đi làm ở Bưu điện Hà nội . Đã có vợ , 1 con trai , nhưng tính tình vẫn hào sảng như ngày trước , quan hệ rất rộng bạn bè rất nhiều , luôn sẵn sàng uống rượu và bán phắt bất kể cái gì có thể để lấy tiền cho bạn , đãi bạn .

Năm 1991 , khi Thai60 từ bên Đức về phép lần đầu , mua cái xe Cúp90 đi trong mấy tháng . Trước khi đi tiếp , Thai60 định cho Thịnh cái xe ấy , nhưng bố mẹ không đồng ý , sợ nó bán mất .Chỉ cho cái xe En đu rô ( loại xe kích thể thao bô treo của CHDC Đức ) mà 60 em đã đóng thùng gửi về trước đó .

Năm 1995 , Thai60 lại về phép lần nữa , mang theo cả cô vợ Tây và cô con gái hơn một tuổi . Thịnh lúc đó đang ở nhà riêng , nhưng quý chị dâu , quý cháu , ngày nào cũng xoắn xuýt bên cạnh , lúc nào cũng thoang thoảng hơi men . Và vẫn đi cái xe cũ kia , dù nó đã quá cà tàng .

Dịp ấy , Thai60 em đã có ý mua cho Thịnh con xe Dream Thái mới , bố mẹ cũng đồng ý . Thịnh đã đi mua xe về .

Nhưng Thịnh không bao giờ còn được dùng con xe ấy . Chỉ mấy ngày sau khi mua xe , Thịnh bị ốm , bị ung thư phổi .

Nửa năm sau , em chết . Trong đám ma của em , ngoài bạn bè đồng nghiệp , còn có những đồng đội cũ hồi còn ở lính . Nghe họ nói chuyện , mới biết tất cả số anh em cùng đi công tác , cùng bị thương , cùng bị nhiễm chất độc hóa học của địch kia cũng đều đã chết . Và đều chết vì căn bệnh ung thư phổi .

Đến bây giờ , cũng chưa ai giải thích được điều đó . Ngoài việc ở trong những đám ma của đám cựu lính đó , đều thấy có phong bì phúng viếng tới 5 triệu đồng ( hồi những năm 90 thì chắc là cũng không nhỏ ) , bên ngoài chỉ ghi đơn giản : Đơn vị cũ kính viếng .

Kể chi tiết này , Thai60 và gia đình rất mong mỏi nếu ai đó biết chuyện này  thì cho xin một lời giải thích . Thịnh mất đã lâu rồi , gia đình cũng chỉ cần biết sự thật chứ không hề có ý đòi hỏi chế độ gì cả .

Trở lại câu chuyện về ông bố của Thai60 em hôm nay . Tại sao đúng vào cái ngày lễ kỷ niệm chiến thắng của Quân đội và Dân tộc này , cụ lại bực mình để rồi đập cốc , giở xem giấy tờ cũ cùng đám huân huy chương rồi khóc một mình ?

Chuyện là thế này các bác ạ .

Ngày xưa , đã có lần cơ quan TBXH hay chính sách gì đó của tỉnh Hà nam ninh ( trong đó có tỉnh Nam định ) đã định làm thủ tục trao tặng bà nội em danh hiệu “ Bà mẹ Việt nam anh hùng “ , nhưng rồi lại không thấy gì , hình như tại cụ đã chết .Đã mấy mươi năm rồi kể từ ngày ấy , gia đình em gần như đã quên , và cũng chẳng có ai hỏi han hay thắc mắc gì về chuyện ấy cả .

Cho đến hồi năm ngoái , tự nhiên lại có cán bộ đến nhắc nhở gia đình làm hồ sơ . Cô em họ Thai60 , con gái chú Đỉnh tên là Nhật , thay các bác đứng ra lo mọi việc . Dạo ấy thấy thỉnh thoảng lại thấy Nhật gửi giấy tờ gì đó lên nhờ bố Thai60 đi ra Phường để đóng dấu xác nhận hay công chứng gì đó .

Có một hôm , cụ lẽo đẽo đi bộ ra UB Phường ( cách nhà khoảng 1km ) để xin đóng dấu . Đợi mãi mới đến lượt , thì cô nhân viên trẻ bắt cụ phải phô tô bản chính . Thế là cụ lại lóc cóc ra ngoài tìm chỗ phô tô . Nhưng quanh đó không có cửa hàng phô tô , vậy là cụ lại phải đi bộ về gần nhà . Sau đó quay lại UB Phường .

Ở đó , liếc qua đám giấy tờ của cụ , cô nhân viên lại yêu cầu cụ phải phô tô làm 3 bản chứ không phải chỉ 2 , vì còn phải lưu nữa . Chẳng biết làm sao được , nói khó cũng không xong , cụ lại phải quay về cửa hàng cũ . Do cái khu ấy ít dân cư nên không có xe ôm , cụ phải đi bộ .

Sau khi in thêm bản nữa , cụ lại lọ mọ đi bộ đến phường , và lần này thì được đóng dấu luôn . Ra tới đường  thì đã gần 12 giờ trưa , trời mùa hè rất nắng , vẫn chẳng có xe ôm , vậy là cụ lại đi bộ về .

Đi được nửa đường , cụ bị say nắng , cảm , ngã vật ra đường nhựa , may có một ông thợ xây trung niên đi qua thấy vậy đã đỡ cụ lên xe đưa về tận nhà . Hôm ấy cả nhà cứ xúm vào mắng cụ có việc đi như thế mà chẳng bảo ai . Đến chiều , cụ bị sốt , thế là phải đưa đi viện . Đợt đó , cụ phải nằm khoa Việt xô bệnh viện tỉnh Hà tây (cũ) gần 2 tháng mới tạm khỏe . Nhưng đi lại rất khó khăn .

Một hôm , Thai60 có việc phải đi họp ở UB Phường , qua chỗ tiếp dân , thấy ngay cạnh chỗ đó có 2 cái máy phô tô đang hoạt động . Hỏi ông chủ tịch phường , cái máy ấy đặt đó đã lâu chưa , ông ấy bảo đã mấy năm rồi , từ ngày khánh thành trụ sở mới . Hỏi trang bị để làm gì , ông ấy bảo để phục vụ công tác .

Nhìn mấy thanh niên ăn mặc đỏm dáng đang nghiêm nghị làm việc với dân , thấy trong đó có một đứa con gái khá xinh , nhớ lại cái cảnh bố mình bị hành hôm trước , Thai60 điên lắm , định xông vào chửi cho một trận , nhưng rồi nghĩ lại , thấy nó còn trẻ ranh , hơn nữa , chắc gì đã phải là nó , nên lại kìm lòng quay đi .

Suốt từ cái ngày bị cảm ngã giữa đường từ mùa hè năm ngoái đó , ông bố Thai60 em cứ ốm đau quặt qoẹo suốt . Thôi thì cụ cũng đã 82 tuổi rồi , bệnh tật nhiều âu cũng là sự thường . Chỉ thương cụ mới hồi đầu năm ngoái thôi còn khỏe mạnh minh mẫn , còn bắc thang trèo lên cao tìm gỡ những quả gấc chin , rồi đi bộ ra bến xe bắt xe khách về Nam định thăm quê hay đi ăn giỗ , mà nay chỉ đi vài chục mét thôi cũng phải dặt dẹo mãi vì chân đau , đầu đau .

Chuyện tiếp , hôm nay , sau khi hai bố con mỗi người uống 2 ly nhỏ rượu thuốc của cụ , cụ mới kể cho 60 em biết . Cách đây một tuần , cô cháu gái con chú Đỉnh có gọi điện lên hỏi bác xem ai sẽ là người nhận tiền ( Tiền gì thì 60 em không biết , chỉ biết là liên quan đến danh hiệu “ Mẹ Việt nam anh hung “ ) . Bố 60 em bảo rằng cháu nhận luôn cho tiện .Thế rồi cô ấy gửi mấy thứ giấy tờ lên , nhờ ông viết cho cái giấy ủy quyền có xác nhận của địa phương .

Cô em gái của Thai60 đã chở cụ ra UB Phường . Lần này cũng không được xác nhận , vì lý do là không có giấy tờ nào để làm căn cứ cho cái việc “ cụ có cái quyền nhận khoản tiền kia , để rồi đem ủy cái quyến ấy cho người khác “ .Cả ông cụ , cả cô em gái Thai60 – một cán bộ có trình độ thạc sỹ về Quản lý hành chính nhà nước , tốt nghiệp từ Học viện hành chính Quốc gia – giải thích kiểu gì cũng không xuôi , xin thông cảm kiểu gì cũng không được .

Cái thằng nhân viên trẻ ấy nó nói oang oang : Vẫn biết mẹ cụ có chế độ ấy , nhưng bà ấy đã chết ( vì đây là danh hiệu truy tặng thì đương nhiên người được truy tặng phải là người đã chết rồi ), khi đó người được nhận tiền sẽ là người thân cận nhất , ví dụ như là chồng bà cụ ấy – tức là ông nội của Thai60 . Khi nghe nói là ông cụ ấy đã chết từ cách đây 20 năm , thì cái thằng nhân viên kia hùng hồn : “ Nếu chết rồi thì phải có giấy chứng tử “ .

Đã uất lắm rồi , nhưng cô em gái Thai60 vẫn cẩn thận hỏi : : Chỉ cần cái giấy ấy thôi hay còn gì nữa thì anh nói luôn để chúng tôi biết “

Thằng nhân viên kia tỉnh bơ cái mặt , ráo hoảnh cái mồm : “ Còn tùy , chắc gì trong gia đình cụ thì cụ đã là người thân cận nhất . Tóm lại , cụ cứ mang giấy chứng tử của bố cụ ra đây đã rồi chúng tôi xem xét “

Hỏi mãi không tiện , hai bố con đành về . Mấy hôm nay , lục tung đám giấy tờ cả cũ mới trong tủ ra , ông cụ vẫn không thấy cái tờ giấy chứng tử ấy đâu cả . Biết chuyện , mẹ Thai60 hỏi cụ “ Hồi trước ông có cái giấy ấy không , mà bây giờ tìm “... Cụ bảo chả nhớ nữa , lâu quá rồi .

Sáng nay , khi hai cụ đang ngồi xem TV tường thuật lễ mít tinh , nghe nói về công tác đền ơn đáp nghĩa cho những gia đình có công với nước bằng những lời lẽ tốt đẹp , nhớ lại cái chuyện giấy tờ kia , cụ uất quá , đâm bực mình rồi tủi thân .

Chuyện chỉ có vậy thôi .

Vâng . Câu chuyện về ông bố của Thai60 – Một người tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi , một người vừa nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng , một CCB quân đội nhân dân Việt nam , một cụ già 82 tuổi , con trai của một “ Mẹ Việt nam Anh hùng “ , anh trai của 2 Liệt sỹ , 1 thương binh thời chiến tranh chống Mỹ , bố của 2 CCB , bác ruột của một Liệt sỹ thời chiến tranh Bảo vệ BG _ đã ngồi một mình trong phòng vắng rơi lệ trong một ngày lễ huy hoàng về chiến thắng vĩ đại của Dân tộc … chỉ đơn giản có như vậy .

Bố ơi ? Vì sao bố phải khóc ? Nỗi đau nào làm nước mắt bố phải tuôn rơi ?

Trên đất nước này còn có bao nhiêu người đàn ông , đàn bà , người cha , người mẹ , người con ...cũng đã phải rơi lệ như bố hôm nay ?

Phải làm gì đây  để niềm đau ấy bớt nhức nhối ?

Nếu bà nội mình còn sống , hẳn Thai60 em sẽ về hỏi bà , vì ...hình như ...dù ở nơi nào đó , bà vẫn biết tất cả ...

Bởi bà là một bà mẹ Việt nam .
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Năm, 2015, 11:28:37 pm gửi bởi thai60 » Logged
pb47vp
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1890


« Trả lời #125 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2015, 08:04:38 am »

Chào các bác, trong diễn văn đọc tại lễ kỉ niệm 40 năm giải phóng Miền Nam của TT cũng có đoạn nhắc tới cuộc chiến BVBG phía bắc đấy chứ. Nhà nước có quên đâu, diễn văn tầm cỡ quốc gia nhắc thế là trọn vẹn rồi, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai để tận dụng cơ hội để xây dựng đất nước là hợp với xu thế thời đại. Các cựu nhà mình cũng chỉ lên gặm nhấm tí kí ức để động viên, nhắc nhở nhau sống tốt hơn, mặc dù đâu đó vẫn có những điều phiền toái trong cuộc sống, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên suy thoái về đạo đức lối sống. Họ quên đi, hoặc cố tình quên đi đạo lí  truyền thống:" uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.
Nào hành quân tiếp về  những ngày cuối tháng 4 trên mặt trận VX nhé các bác.
...Trên hướng này, khói đạn mịt mù tiếng súng BB vẫn rộ lên từng đợt, cậu Hân lò đầu ra khỏi vách đá hết lớn: e yêu cầu bắn chặn trước 226, đường mòn Là na 100m!
 - Được,điện xuống trận địa ngay, góc tầm....bắn loạt, giãn cách..Bắn
 Từng loạt, từng loạt đạn bay qua đầu tổ đài lao xuống trước 226 tạo ra bức tường lửa ngăn chặn bước tiến của quân xâm lược.
 Từ dưới SCH bác Thắng et điện lên: Khi thật cần thiết mới bắn, phải để dành đạn phòng thủ hướng phòng ngự của trung đoàn.
Tiếng súng BB bên 266, dãy không tên lúc rộ lên, lúc lắng xuống, khoí bụi quện vào nhau không thể quan sát rõ được. Chắc sau nhiều đợt tấn công chúng chưa chiếm được 226 lên chúng liền quay ra bắn phá ác liệt vào các điểm cao xung quanh nghi có đài PB, tổ đài chúng tôi giơ lưng hứng chịu những đợt pháo kích đó.
Vào hết hầm đi! tôi ra lệnh, những tiếng nổ đinh tai nhức óc trên các tảng đá, có lẽ đài bị lộ rồi? tại sao các mỏm bên cạnh, phía trên chúng không bắn? mà cái vách đá dựng đứng này chúng lại tập trung bắn vào nhiều thế? Cái đài Z2 đã có từ năm 81 có lẽ chúng đã biết, vì vậy tôi điện xuống báo cáo với dt Ngọc xin thực hiện phương án 2: rút về đài dự bị Pha hán, phương án được nhất trí, mờ sáng ngaỳ này 31 năm trước, chúng tôi đã rút an toàn về Pha hán triển khai tiếp tục chiến đấu.
 Khi đã ổn định vị trí quan sát,cái khó lại ló ra, tại vị trí mới do vị trí này ở thấp, lên máy 2w lại không LL được với trận địa mặc dù đã sử dụng cả ăng ten định hướng.
Thế là dưới trận địa phải cử 3 người mang 3 máy 2w lên 3 mỏm trên đỉnh 610 phía sau trận địa để dò bắt sóng, nếu được sẽ làm trạm trung gian chuyển tiếp LL. Rồi may mắn cũng đến, trên điểm cao nhất của đỉnh 610 ( sau này sườn núi là nghĩa trang của e141) đã bắt thông LL với đài quan sát.
 
Logged
huonghn76
Thành viên
*
Bài viết: 1166


WWW
« Trả lời #126 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2015, 08:51:52 am »


          Chào các bác và anh em ! Chào Thái 60.

        Mấy hôm nay cùng các đồng đội và mọi người dân đất Việt chúng ta lại vui mừng hân hoan chào đón ngày cách đây 40 đã thống nhất đất nước ,hòa bình non sông .
   Ngày đó tôi đang học lớp 8 đó là những sôi động  chúng tôi tham dự mít tinh cùng mọi người xuống đường chào mừng những thắng lợi vang dội từ đại thắng đến toàn thắng .
      Riêng đối với tôi thì vui mừng và nghĩ tới không còn đánh nhau ,không còn bom đạn ,nhà mình không phải sơ tán nữa .Gia đình nhà tôi đã 5 lần bị bom Mỹ đốt cháy .Phủ Lý quê tôi đó là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ ..
       Những ngày vui sướng kỷ niệm hào hùng này rồi lại qua đi ,đưa ta về với cuộc sống thực của mình .
         Hôm qua trước khi bác Thais60 viết bài ở trên thì đã đt trao đổi cùng tôi .Tôi có động viên ,bác cứ viết đi ...chuyện đời thực việc thực ,ta đâu có khoe khoang kể lể gì đâu , chẳng có danh gia vọng tộc quái gì ở đây cả . Tiêu chí của Hà Giang lúc này đã thêm hai chữ " ...tâm tình " rồi cơ mà .Chiến tranh thì đã lùi xa mấy chục năm ,chúng ta nào đã quên ,nhưng cứ nói đi nói lại mãi thì bạn đọc người ta cũng thấy chán ...Hơn nữa mặt trận biên giới phía bắc mà chúng ta là người lính tham gia dù có ác liệt đến mấy cũng chỉ là cuộc chiến có tính chất khu vực  ,không thể so sánh với cuộc chiến chống Pháp ,Mỹ để giành  độc lập ,thống nhất đất nước .Người lính chúng ta cũng tự hào góp được một tý ti nhỏ bé vào sự nghiệp này thôi ...mà nói nhiều quá thì đâm nhàm .
       Về bài viết của bác 60 nguồn cơn của nó là nhìn thấy những giọt nước mắt của bố mình trong ngày vui kỷ niệm 30/4 này .  Tôi có nói tuổi tác của cụ cũng như bố tôi ,nhìn thấy nước mắt người già ... chúng ta đau xót lắm .Bố bác ,bố tôi cũng như bố mẹ anh em đồng đội nhìn thấy các cụ khóc ,chúng ta phận con cháu không thể cầm lòng được ... bài viết của bác 60 viết ra là như vậy .
       Dạo này huong76 tôi đi lạo dạo ở faceboock kết giao với các đồng đội , đọc ,nghe , suy ngẫm chuyện của anh em . Mặc dù fb nó " ảo" cực kỳ nhưng tôi đọc cũng thấy hay hay vì dù là vậy nhưng gặp đồng đội ở đó cơ bản vẫn được thấy bản chất tốt đẹp của người lính nói năng ,ứng xử ,giao tiếp trên mạng đúng mức .
        Tôi vẫn vào đọc đều đặn bài viết của các bác và cũng rất đồng cảm với những câu chuyện về người lính tham gia bảo vệ tổ quốc ở bgpb của các bác .Chủ đề HG đã đến phần 23 ,nó được xem là dài mạch nhất trên VMH, tôi cũng vui ,tự hào cùng các bác .
        Tôi rất thích những bài viết mang đậm tính nhân văn và tình nghĩa đồng đội của các bác ,những người đã chia sẻ cùng nhau trong lúc chiến đấu và cả trong tình cảm đồng đội hiện nay .

        Chào các bác ,tôi bận mất rồi ,chúc các bác và anh em luôn gặp gỡ giao lưu cùng nhau phấn khởi tự hào .Chúc các bác và anh em mạnh khỏe để vài chục năm nữa ta vẫn còn gặp nhau .

« Sửa lần cuối: 01 Tháng Năm, 2015, 10:40:23 am gửi bởi huonghn76 » Logged
pb47vp
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1890


« Trả lời #127 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2015, 09:12:38 am »

Chào bác huonghn, hôm qua làm cái chân đóng thùng tiếp khách hộ thằng em tổ chức cưới cho đứa con trai, cháu nó lấy vợ huyện Ý Yên Nam Định. Lúc ngồi cùng mâm có một chú trước ở trung đoàn CAVT Thanh Xuyên, sau sát nhập vào f301 QKTĐ, trung đoàn này cũng tăng cường lên VX một số. Chính vì được tăng cường lên cánh trái mặt trận VX mà chú này được hưởng NĐ62 và được kết nạp vào CCB. Như vậy trung đoàn bác huonghn cũng góp phần bảo vệ Hg rồi.
Logged
huonghn76
Thành viên
*
Bài viết: 1166


WWW
« Trả lời #128 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2015, 10:29:29 am »

Chào bác huonghn, hôm qua làm cái chân đóng thùng tiếp khách hộ thằng em tổ chức cưới cho đứa con trai, cháu nó lấy vợ huyện Ý Yên Nam Định. Lúc ngồi cùng mâm có một chú trước ở trung đoàn CAVT Thanh Xuyên, sau sát nhập vào f301 QKTĐ, trung đoàn này cũng tăng cường lên VX một số. Chính vì được tăng cường lên cánh trái mặt trận VX mà chú này được hưởng NĐ62 và được kết nạp vào CCB. Như vậy trung đoàn bác huonghn cũng góp phần bảo vệ Hg rồi.

        Chào bác pháo .cảm ơn bác đã quan tâm chia sẻ .
         Chuyện bác nói ở trên thì đúng rồi đơn vị chúng tôi chỉ có 3 tiểu đoàn .Tháng4/1979 tăng cường cho các đồn bp ở 3 tỉnh mà chúng tôi có câu " Đồng đăng -Mèo vạc -Đá bạc Hà tuyên '' Anh em ở Ý yên chắc là lính 1976 bác ạ .
       Chúng tôi là đơn vị nhỏ , nhiệm vụ ,công việc cũng bình thường ,nên tôi có ít chuyện để kể vui cùng các bác ...
Logged
pb47vp
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1890


« Trả lời #129 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2015, 11:28:31 am »

Chào bác huonghn, bác hiểu sai ý tôi rồi, tôi muốn nói năm 84 -85 khi mặt trận Hg đang nóng lên từng ngày thì hôm qua tôi mới được biết tin ngày đó, vì nhiệm vụ f301 cũng phải tăng cường lên Hg, nhưng chỉ tăng cường cán bộ, chiến sĩ trước thuộc e Thanh Xuyên của bác.Những người phải lên Hg phải có nghiệp vụ, với nghiệp vụ đó lên  để bảo vệ cánh phải, cánh trái mặt trận VX bác à. Mấy chú này thuôc họ nhà trai trên VP chứ không phải ở nơi " chín bỏ làm 10" bác ạ Grin
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM