Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:41:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: HÀ GIANG _Ký ức và tâm tình người lính bảo vệ Biên cương Tổ quốc - Phần 22  (Đọc 195146 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
mai-anh
Thành viên
*
Bài viết: 405


« Trả lời #90 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2015, 05:41:44 pm »

Em chào các bác !

Đọc đến đoạn bác pb47 cùng bác lái xe nâng lên đặt xuống trong quán phở,em bỗng nhớ lại lần đầu tiên được ăn một bát phở Hà Giang.chớm hè 85 khi 313 rút xuống,bác Tục người phú xuyên làm quân khí được đơn vị cho về phép,em đưa bác ấy ra bến xe.hai anh em lọ mọ đi từ hai giờ sáng,vì đi sớm lên ra phải chờ mãi,gần sáng có một quán phở mở sớm,hai anh em liền vào.vừa ở trên xuống cái gì cũng thèm,lại vừa bán gạo đi phép,bác ấy gọi một bộ cổ cánh gà và hai bát phở,thời đó như vậy là thiên đường lắm rồi.gà họ làm vội lên còn sót nhiều lông,hai anh em cũng qua quýt và cứ thế chén. bữa ăn ngon lên ta thường nhớ rất lâu. hai anh em đánh nhoằng cái hêt.hồi đó em cứ nghĩ,cách nhau chỉ có 20km thôi,tại sao lại khác nhau nhiều đến vậy .
Logged
nguyenquuangtri
Thành viên
*
Bài viết: 467


« Trả lời #91 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2015, 08:05:54 pm »

Chào các bác, hôm nay 17/2 là ngày mà 36 năm trước bè lủ bành trướng Bắc kinh đã xua quân đánh chiếm 6 tỉnh biên giới của nước ta, cuộc chiến tranh tàn khốc đã gây nên nhiều đau thương cho dân tộc Việt nam, và nhân dân Trung quốc. Sắp đón tết đến xuân về nhưng chúng ta không bao giờ quên mối thù với quân xâm lược và luôn tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh đánh đuổi kẻ thù bảo vệ toàn vẹn biên giới phía bắc của tổ quốc.
Logged
laoshan1234
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1474



« Trả lời #92 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2015, 09:45:01 pm »

  Mời các bác đọc bài trên báo Tuổi trẻ.Nguần:http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20150217/nam-lai-vi-xuyen-truoc-luc-giao-thua/711645.html

             Nằm lại Vị Xuyên trước lúc giao thừa

TT - “30 năm qua, chúng tôi mỗi năm già thêm một tuổi/ mà sao Ninh không thêm được tuổi nào/ biên giới Vị Xuyên mỗi lần xuân đến/ đồng đội ơi, hiển linh giữa điểm cao...”.
             
          

Đồng đội tiễn đưa hài cốt anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh - Ảnh tư liệu gia đình
Đó là tiếng nấc nghẹn của những người lính sư đoàn 356 hôm cải táng đưa hài cốt anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh từ Vị Xuyên về an táng tại quê hương anh, xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.

Lời thề trên báng súng

Từ biên giới, chúng tôi tìm về quê hương của anh, miền trung du Phú Thọ trong một chiều giáp tết, trên những bãi cỏ ven làng nhiều đàn ông, phụ nữ đang hăng hái hò hét luyện bóng chuyền để chuẩn bị tranh giải cấp xã mấy ngày tết.Anh Đỗ Văn Bằng, phó chủ tịch UBND xã Minh Hòa, người dẫn chúng tôi về nhà liệt sĩ Ninh, buột miệng: “Nếu Ninh còn sống, dịp
bóng chuyền mùa tết thế này thế nào cũng có mặt nó. Hồi chưa đi bộ đội, nó là tay đập chủ công của đội bóng xã. Quê nghèo thiếu ăn thiếu mặc mà Ninh cao tộc ngộc cả lên, dễ cao đến gần mét tám”.

Anh Bằng là bạn học từ thuở mẫu giáo với anh Ninh. Ngôi nhà của anh Nguyễn Văn Sơn, người em kế út của anh Ninh, nơi đặt bàn thờ anh Ninh nằm trên mái đồi lơ thơ những gốc chè và sắn.

Ngôi mộ vừa mới xây khi đưa hài cốt anh về đây, hồi cuối tháng 11-2014. Chị Quyên - vợ anh Sơn, em dâu của anh Ninh - cũng vừa đi chợ sắm sửa đồ lễ về để chuẩn bị giỗ anh Ninh vào ngày giáp tết.

Câu chuyện về sự hi sinh của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh tại mặt trận Vị Xuyên luôn được đồng đội nhắc nhớ không chỉ vì lòng dũng cảm mà còn có lời thề khắc trên báng súng của anh.

Không biết có phải anh Ninh đã đọc được Bài thơ trên báng súng của nhà thơ Hoàng Trung Thông rồi cũng muốn ghi lên báng súng của mình một lời tuyên thệ hay như bất cứ người lính trẻ nào khi ra trận, trên báng súng của mình luôn khắc một câu gì đó, có thể là tên mẹ cha, tên của người yêu.

Kỷ luật quân sự không được phép khắc chạm gì lên súng, nhưng với những người lính trẻ, trên lằn ranh sống chết, viết một lời thề lên báng súng là chuyện ai cũng thích làm. Lính mà! Anh Ninh đã khắc lên báng súng của mình vào một buổi trưa trên chốt: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”

Qua ký ức đồng đội
Trận đánh khốc liệt của sư đoàn 356 vào sáng 12-7-1984, chỉ riêng sư đoàn 356 trong ngày hôm đó đã có hơn 600 chiến sĩ hi sinh.

Nhiều cao điểm vẫn bị quân Trung Quốc chiếm giữ. Anh Nguyễn Đình Thắng, cựu binh sư đoàn 356, cho biết: Thời điểm ngày 12-7-1984, anh là y tá tăng cường cho đại đội 5 của Ninh, sau trận đó anh chuyển về trung đoàn 153 đi “lấn dũi” lên điểm cao 685.

Cuộc chiến đấu giành lại các điểm cao biên giới Vị Xuyên dằng dai suốt từ đấy cho đến cuối năm 1984 đến đầu năm 1985. Với chiến thuật “lấn dũi”, những người lính Vị Xuyên vừa phòng ngự vừa tấn công đã chiếm lại được nhiều cao điểm quan trọng. Cuộc chiến chiếm lại điểm cao 685, nơi được lính Vị Xuyên những năm ấy gọi là “lò vôi thế kỷ” diễn ra vô cùng khốc liệt.

Tiểu đoàn 2 của Nguyễn Viết Ninh giữ điểm E5 của cao điểm 685 từ tháng 12-1984, từ hang suối cụt, anh em “lấn dũi” lên điểm cao 685. Những ngày giáp tết, địch ác liệt nã pháo và xua quân tiến đánh hòng chiếm lại 685.

Năm đó, ta ăn Tết âm lịch trước Trung Quốc một tháng. Điểm cao 685 và bình độ 300-400 của mặt trận Vị Xuyên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Ông Thái Khắc Ba - đại đội trưởng đại đội 5, chỉ huy trực tiếp của trung đội Nguyễn Viết Ninh nay sống ở Tân Kỳ (Nghệ An) - kể rằng chỉ trong ba ngày khốc liệt nhất từ 17 đến 19-1-1985 (tức từ 27 đến 29 tết), đại đội của ông hi sinh 43 người, trong đó trung đội của Ninh vì là trung đội mũi nhọn hi sinh gần hết, chỉ hai người sống sót! Đại đội 5 phải đối đầu với lực lượng địch đông đến cả tiểu đoàn.

Rạng sáng 19-1 (29 tết) pháo địch nã cấp tập dọn đường cho bộ binh ào lên hòng đánh bật những người lính của đại đội 5 ra khỏi điểm E5 của điểm cao 685.

Nguyễn Viết Ninh đã bị thương trong ngày hôm trước nhưng vẫn bám lại trận địa cùng anh em, tiếp tục chỉ huy trung đội đánh địch. Khẩu AK47 vẫn chắc trong tay Ninh.

Cả ngày hôm đó, hàng chục đợt phản kích của bộ binh địch bị bẻ gãy, nhưng anh em trong đại đội 5 thương vong rất nhiều. Treo cánh tay trái bị thương, Ninh bò đi thu nhặt súng đạn trên trận địa gom lại động viên anh em bám trụ.

Trưa 19-1, Ninh bị thương vào chân, đại đội trưởng Thái Khắc Ba bảo Ninh lên cáng về tuyến sau nhưng anh vẫn ôm khẩu AK, quyết “bám đá” đúng như lời thề trên báng súng. Cuối chiều 29 tết, Ninh bị thêm một vết thương vào đầu và hi sinh.

Khi đồng đội lên mang xác anh về, khẩu súng AK vẫn ôm chặt trước ngực. Khẩu súng với lời thề khắc trên báng: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” ấy được anh em mang về sư đoàn. Thi hài anh được chuyển về tuyến sau và sau này đưa về nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.

Tháng 11-2014, theo nguyện vọng gia đình, hài cốt anh được đưa về an táng tại quê nhà, trên mảnh vườn đồi cạnh mộ của bố mẹ giữa miền quê nghèo trung du Phú Thọ.

Một cuộc tình làm gia tài người lính

Câu chuyện về sự hi sinh của Nguyễn Viết Ninh đã được nhiều cựu binh sư đoàn 356 nhắc đến, nhưng khi chị Quyên mang ra cho chúng tôi xem những kỷ vật liên quan đến anh, ngoài hai cuốn học bạ thời cấp I, cấp II của anh và tờ báo Quân Đội Nhân Dân số ra ngày thứ tư 2-10-1985 đăng danh sách các đơn vị, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân có tên anh được xếp thứ 8, ghi rõ: “Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh, đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 876 Quân khu 2, quê Minh Hòa, Yên Lập, Vĩnh Phú” còn có một bức thư của một người con gái ở Lào Cai gửi về cho gia đình sau khi anh Ninh hi sinh hơn một năm.

Bức thư đề ngày 22-3-1986, nét chữ nghiêng nghiêng với màu mực Cửu Long sau tròn 30 năm vẫn còn rất nét.

Đã tiếp xúc với nhiều chuyện tình của lính, đã được đọc nhiều lá thư di vật tìm thấy bên hài cốt trong những lần theo chân các đội quy tập mộ liệt sĩ, nhưng có lẽ câu chuyện tình của Nguyễn Viết Ninh, người anh hùng hi sinh khi 24 tuổi, sẽ còn ám ảnh chúng tôi về sự hi sinh vô bờ của người lính Việt.

Hóa ra những ngày đóng quân ở Lào Cai (bấy giờ là tỉnh Hoàng Liên Sơn), Ninh có mối tình với một cô gái tên Tư ở đây từ tháng 6-1983. Ninh đã rất nghiêm túc báo cáo chuyện của hai người với bố mẹ người yêu. Tết năm 1984, Ninh về phép thăm gia đình, khi trở lại Lào Cai thì người yêu anh đã về nhập học ở Trường Công nhân cơ khí hóa chất Bắc Giang trước đó một ngày.

Tình yêu của người lính chiến chỉ có những lá thư từ biên giới về hậu phương. Nhưng đến tháng 12-1984, người yêu của Ninh không nhận được những lá thư của anh nữa, lá thư cuối cùng Ninh gửi cho cô vào tháng 11.

Giáp tết 1985, Tư về Lào Cai ăn tết cũng không thấy bóng dáng Ninh, cô không hay những ngày đó Ninh đang cùng đồng đội bám trụ trên chốt mặt trận Vị Xuyên và anh đã hi sinh vào ngày 29 tết!

Linh cảm điều chẳng lành đã đến, khi tháng 4-1985, cô nhận được lá thư tuy số hòm thư đúng là của Ninh nhưng nét chữ lại khác. “Trời ơi, điều mà con linh cảm bây giờ đã thành sự thật. Chính trị viên đơn vị đã ghi thư báo tin đó cho con. Con chỉ biết khóc và khóc hoài...

Anh Ninh là mối tình đầu, anh là người đầu tiên con yêu mến và đặt niềm tin hi vọng về tương lại hạnh phúc. Song giặc thù đã cướp đi của con một người chồng tương lai...

Trước kia, khi anh Ninh còn sống chúng con đã có ý định con học xong ba năm thì xin về mỏ Thanh Sơn, Vĩnh Phú công tác để gần bố mẹ, song tất cả mơ ước ấy đã không thành. Tất cả chỉ do kẻ thù gây nên...”.

Bức thư dài kín hai trang giấy ấy có lẽ là gia tài riêng tư duy nhất mà anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh có được. Đợi chúng tôi đọc hết lá thư, người em dâu của anh Ninh mới rụt rè: “Các anh nhà báo có cách gì để giúp gia đình tìm lại người yêu của anh Ninh, sau 30 năm, chắc nhiều điều đã thay đổi, nhưng gia đình rất muốn một lần Tư về thăm quê nhà của anh Ninh”.

Chúng tôi đã liên lạc với cựu binh của sư đoàn 356, anh Nguyễn Đình Thắng (nick Thắng Còng trên Facebook) để hỏi về người con gái Lào Cai, người yêu của anh Ninh, anh Thắng cho biết thời điểm đó trung đoàn 876 của anh Ninh đóng quân ở suối Bo, gần khu mỏ tại Bảo Thắng, đồng đội của anh Ninh ở hội cựu binh sư 356 tại Bảo Thắng sẽ đi tìm giúp.

Nhưng cũng trên trang báo tưởng niệm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc này, chúng tôi hi vọng sẽ có bạn đọc biết đến cô gái Ngô Ngọc Tư, học viên khóa 17 lớp nguội của Trường Công nhân cơ khí hóa chất Bắc Giang, những năm 1984-1986


Không thể lãng quên
30 năm trôi qua, hôm chúng tôi trở lại Hà Giang, đứng trên đài tưởng niệm liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên tại cửa khẩu Thanh Thủy và biết tin những người đi rừng ở đây vừa tìm thấy trong một hốc đá tại điểm cao 685 ba bộ hài cốt liệt sĩ.

Sau những giao tranh sinh tử 30 năm trước, nay điểm cao 685 đã nằm sâu trong nội địa, cách đường biên giới hơn một cây số. Trên đường biên này vẫn còn rất nhiều người lính mặt trận Vị Xuyên chưa được về nằm cùng đồng đội trong những nghĩa trang.

Tuổi 20 của các anh, như câu thề khắc trên báng súng người anh hùng Nguyễn Viết Ninh: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Đá ở Hà Giang luôn trập trùng một thế trận đường biên và nhắc chúng ta nhớ về những người lính hiển linh trong từng dáng đá.

Đất nước này không chỉ có vọng phu hóa đá. Còn hàng vạn người lính trên những nẻo biên cương, hóa thân vào đá, như câu thề của người anh hùng Nguyễn Viết Ninh. Tổ quốc vững bền nhờ những người lính như thế và chúng ta không được phép lãng quên!

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Logged
Phó cối
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 717


« Trả lời #93 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2015, 10:51:38 pm »


                                               Chào các bác

       Tôi lại nói chuyện về cái tết 30 năm trước mà bài trước tôi đã kể về gói bánh chưng còn hôm nay tôi kể về thịt trâu và da trâu . năm đó ngoài thực phẩm trên cấp đơn vị tôi còn đung với c18 e 266
        nửa con trâu mỗi đơn vị được tạ hai thịt còn bộ xương c18 không lấy vì đơn vị đó đi lẻ nhiều nên không chế biến được nên cho cả đơn vị tôi và cả bộ da ,nhưng lính đơn vị tôi cũng thuộc loai no
        dồn đói ép vì đơn vị đã mổ một con lợn một tạ vì vậy không cậu nào muốn làm .thấy vậy tôi gọi một cậu nữa ra băm bộ sương trâu cứ chặt khoảng 10 -15 cm ném vào nồi quân dụng ninh đến trưa
         ăn cơm xong tôi tiếp tục cắt đám da trâu cho lên bếp đốt ,mấy cậu lính mới nói thịt nhiều anh lấy cái da trâu làm gì tôi bảo cứ đốt rồi treo lên bếp rồi cũng có lúc cần đến đến chiều thì đám xương
        đã dóc thịt tôi liền gỡ bỏ xương đem trộn với đám thịt mỡ lợn ăn thừa bữa trưa và tối cho vào chiếc xong 20 b sào hổ lốn lên rồi đem ra bó lấy 2 quả dò thập cẩm xong đem vào góc hầm treo ,
       Còn đám da trâu khi đã cháy hết lông và khô tôi siên vào được 5-6 sâu treo ở góc bếp .nhưng cái gì cũng có hạn ăn mãi cũng phải hết ,đến khoảng mồng 6 tết thì thịt cũng hết lúc này tôi mới lấy từng
       quả dò ra ăn .các a khác không hiểu a tôi lại lấy đâu ra dò để ăn dần dần rồi dò cũng hết và tiết mục da trâu cũng bắt đầu lúc này các a khác mới biết là chúng tôi đốt da trâu để dành đến bây giờ
       mới đêm ra ăn.tôi cho vào nồi đun bao giờ cứa dao thấy mềm thì bỏ ra cạo sạch hết các  cháy đen rồi đem ra thái cho lên sào cho thêm tí muối mì chính vào ăn cũng thấy ngon các bác ạ
Logged
Vixuyen-hg
Thành viên
*
Bài viết: 260


« Trả lời #94 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2015, 12:22:52 am »

Chào các bác chào anh em đồng đội
Đọc bài các bác viểt thấy sướng quá nhiều thông tin nhiều câu truyện các bác kể lại giờ em mới biết rất hay cảm động viết về người lính Vị Xuyên thật tự hào những ngày tháng anh em mình sống và chiến đấu trên mảnh đất biên cương Vị Xuyên-Hà tuyên bác Thai60 viết bài rất hay bác nên viết gủi bài viết cho bác Tác đi em rất thích câu truyện bác viết một phần em cũng là lính vận tải cũng là lính chiến đấu trung đoàn 876 chúng em vừa vận tải vừa cầm súng chiến đấu mả tự hào lắm con ngựa thồ bác Thái ơi em cũng không hứa trước nếu em mà mổ tai nằm viện thì em có thời gian rảnh em cũng sẽ viết bài chiến dịch MB84 gửi cho bác Tác như đã hứa nhưng không đủ trình vì em rốt văn lắm viết không hay cho lắm có lẽ bị loại ngay vòng gửi xe em thấy trong trang nhà nhiều bác viết rất hay em cũng là người trong cuộc chiến tự hào những gì các bác từng chiến đấu từ 17/2/79 và tiếp 28/4/84-đến 1989 kết thúc trang sử vàng cần lưu gữi cho mai sau
Bác phó cối nhắc lại câu truyện 30 năm về trước thịt lợn thịt trâu mà còn có cả giò thêm cả của để dành nhất bác rồi còn gì bằng chẳng bù cho bọn em trong hang làng lò chẳng có miếng thịt tươi em lại thèm thèm lắm một miếng thịt tươi dù thịt gì cũng được mà chẳng có chỉ toàn thịt hộp mà thôi có gì ngon thì ưu tiên anh em nằm chốt ba ngày gần tết chiển đấu anh em chúng em vận tải vất vả thương vong gần hết còn tâm trạng gì mả ăn uống nhai lương khô gạo sấy cho qua tết tết 85 buồn quá chẳng được miếng bánh trưng nào chắc năm nay em ăn bủ
Tết.... tết .....tểt đển trong tim mọi người tểt 2015 tết năm nay em vui nhất nhưng lại thiếu bà xã ở nhà
Năm mới chủc các bác và anh em đồng đội mạnh khoẻ sức khoẻ dồi rào
AN KHANG THỊNH VưỢNG....vạn sự như ý
"Chúc mừng năm mới "
Logged
trinhvanhuong1964
Thành viên
*
Bài viết: 225


« Trả lời #95 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2015, 01:39:10 am »

Em chào các bác ccb ,khi đọc được tin của anh hùng nguyễn viết linh ,em súc động và chia buồn với gia đình ,mọi người dân việt nam ngày nay có cơm no nhà cao nhà lầu xe hơi.và các quan chức,phải biết ơn những,anh hùng đã ngã xuống để bảo vệ đất nước, hàng năm đến ngaỳ27 tháng7 phải tổ chức đến các gia đình,có công với cách mang,  hôm nay  trịnh văn hưởng em lại phô các bác một tin rất quan trọng, nhưng bác đặng việt  châu thông cảm nhé, hôm nay em được mời đi uống diệu ở nhà anh vợ,một bác tên là dự  ở thôn khác nhưng cùng xã với em,nhưng lại lấy con của  anh vợ ,bácn này là thông tin  vô tuyến,đi theo tiểu đoàn trưởng  tên là thanh tiểu đoàn 3  ,e876,f356, trân,12/ 7năm,84 bacđặng việt châu ,chính trị viên tiểu đoàn vẫn ở cứ,không tham,đánh trận đó, cả ông tham,tiểu đoàn phõ .và ông ký,trưởng ban quân lực, ba ông này ,sau trận 12/7  ông  thanh  chế ,ba bác này mới lên thay,.bắt đầu tiểu đoàn3 nhận lệnh đánh lại 772 tiểu đoàn này ém quân từ hôm mùng 9/7  hôm đó trời mưa ,trong ba ngày đó được đơn vị đặc công  ở xuân mai hà tây cũ và công binh,đánh của mở để bàn dao cho tiểu đoàn trưởng thanh, đơn vị đặc công này cũng bị,tổn thất rất lớn vị cầm quân này phải khóc,lỹ do  mở được đường,qua bãi mìn này chỉ được hơn 1m, song bị một tốp của địch phục chính đường m,ở này lại có một cái hang nó vọt ở hang ấy lên đánh đằng sau lưng bị chết nhiều cuỗi    cu ng ta cũng làm chủ được đoạn cửa mở,chuển bị đánh lên772,cái đướng của đặc công dò mìn cho tiểu,đoàn3 này nhỏ quã đi lệch là bị mìn, 2gìơ sáng ngaỳ12/7 thì ta tổng lực,phản công,ở mủi ông thanh,thì giạc lại nổ,súng trước ta 15phút, cho nên ta bị bất ngờ  rồi cứ thế hai bên băn nhau đên7gìơ 30sáng  tiểu đoàn này bám sát,đánh lên772 ,thật đau lòng chính cái đường chúng ta ém quân này lại là đúng vào một họng súng đại liên hay 12ly7của địch ,chết nhiều quá ,lúc này ông tiểu đoàn trưởng thanh,quyết định ôm một quả bộc phá  lên để bịt lỗ châu mai.để tiêu diệt họng họng súng máy của địch,trước lúc ôm bộc phá bác thanh,đeu4quả lịu đạn và một súng k54 khi,bác thanh lao lên,tiêugiệt họng súng máy này phải  vượt qua một bờ mào rộng3m sâu 2m khi anh nháy  suống ,uỳnh,uỳnh chân bác đã bắn lên bờ hào mắc bào giây thép gai ,thưa,các bác còn một nhân chứng nữa là liên lạc,cho tiểu đoàn là anh hà người liên hiệp,cùng huyện em em,chưa gặp,rất,tiếc một nhân chứng nữa là anh thanh ở xã em thông tin hĩu tuyến chực máy cho tiểu đoàn này đã mất năm ngoái,từ khi bác thanh hy sinh,bãc đặng việt châu, chính trị viên tiểu đoàn,và bác tham là tiểu đoàn phó ,và bác ký quên lực mới lên thay thế,chính bác tham là chú cháu với liệt sỹ,thanh,tiểu đoàn trưởng) khuya rồi chào các bác.
Logged
thai60
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 833


« Trả lời #96 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2015, 03:46:10 am »

                        

                           Chào các bác và anh em  .

      Nhoằng một cái thế mà đã sắp đến giao thừa rồi , trong lúc các bác đang kể say sưa những hồi ức hấp dẫn của mình , để HG thêm phần sinh động , phong phú , em xin kể tiếp câu chuyện về cái Tết đầu tiên trong đời lính của mình :

( Tiếp )

     … Sau khi phang cho Thai60 đòn phủ đầu về chuyện xưng hô , anh Tường bắt đầu các câu hỏi để kiểm tra 60 em .

      Rồi cuối cùng cũng đến cái việc quan trọng nhất , ấy là vấn đề liên hệ để mua máy móc trang âm cho đơn vị . Nghe bác ấy lâm ly phân tích , tâm sự về hoàn cảnh , nhu cầu , nguyện vọng , không chỉ của đơn vị , mà còn của địa phương , rồi trách nhiệm , rồi tình nghĩa v.v…, Thai60 cũng thấy mủi lòng , bừng bừng quyết tâm nhận và thực hiện nhiệm vụ lắm .

     Nhưng khi nghe bác ấy kể về sự khó khăn mà đơn vị đã gặp phải , em lại cảm thấy chờn chợn : bao nhiêu người đã đi tìm mua rồi , mà còn chả được , mình thì biết quái gì về mấy thứ đó mà đòi đi liên với chả hệ , mua với chả bán . Nếu cứ nhận bừa đi mà không làm được thì ôi lắm . Cái này xem chừng khó đây , tốt nhất là từ chối phắt đi cho nó lành . Ờ… nhưng mà nếu thế thì mất cơ hội về thăm quê , tiếc lắm . Băn khoăn ...

     Đang băn khoăn như thế , lại nghe anh Tường nhấn mạnh về trách nhiệm , kỷ luật nọ kia của người lính , và dậm dọa về những hậu quả cùng hình thức kỷ luật …,cảm thấy một chút nghi ngại , thiếu tin tưởng gì đó từ phía bác ấy , Thế là cơn tự ái bùng lên trong lòng 60 em như đám lửa gặp gió . Em từ chối phắt : Nhiệm vụ này khó lắm , mà lại dễ gây hiểu lầm , em không thể hoàn thành được , nên không nhận đâu .

     Hết anh Tường  rồi anh Châu thi nhau ra sức vận động , " cảm hóa " 60 em , nhưng cái tính ương nghạnh và sỹ diện dở hơi đã choán hết cái đầu củ chuối của em  . Vì thế , đáng lẽ ra phải bàn bạc để tìm cách tháo gỡ , thì 60 em lại cứ xưng xưng : Em chịu … Em chịu thôi …

     Đến một lúc , cáu quá , mà cũng có thể là để “ khích tướng “ , lão hổ lửa nheo nheo mắt , dài giọng : Mẹ khỉ , cái thằng này nó hèn thế mà sao lại cho nó huấn luyện ở A hỏa lực nhỉ , từ mai chuyển mẹ nó xuống trại chăn nuôi , chứ bộ đội bộ điếc chó gì cái loại này . Thôi , nghỉ .

     Nói xong , đứng phắt dậy , thu dọn giấy tờ như đã xong việc .

     Mặt tái lại , giọng nghèn ngẹn , anh Châu rên rỉ : Thái ơi , sao lại làm thế , anh là người đã giới thiệu em , thế này hóa ra anh nhìn nhầm người à ?

     Nghe vậy , 60 em cũng thấy mủi lòng , nhưng vẫn ương bướng : Anh chả nhầm nhọt gì cả , nhưng việc này khó , đến bố em cũng chả làm được , em chịu .

     Thấy em nói thế , lão hổ lửa tưng tửng : Thế thì mày thử hỏi bố mày đi , xem chừng bố mày có vẻ còn lính hơn mày đấy …

     A… Dám động đến bố đẻ của ông thì không được rồi , cơn tự ái đầy giận dữ đang le lói chợt bùng lên  dữ dội , nhìn thấy cái lon 4 sao 1 gạch trên áo lão , 60 em gằn giọng : Thủ trưởng không được động đến bố em  , thủ trưởng không có quyền xúc phạm ông ấy …

     Nói xong , cái bản mặt của 60 em cứ hết nóng lại lạnh , câng lên như thách thức lão hổ lửa kia .

     Các bác ạ , bố em tham gia cách mạng từ năm 1945 . khi ông mới 12 tuổi , sau này ông là chuyên gia quân sự đã chiến đấu ở chiến trường Lào gần chục năm , năm 1976 khi chuyển ngành về lại Tổng cục Bưu điện , ông đã có mức lương ngang đại tá rồi . Nói ông ấy “ lính “ hơn 60 em thì chả sao , nhưng nói bằng cái giọng giễu cợt ấy thì không được với em rồi .

     Cái mặt em câng câng . Cái mắt em gườm gườm . Cái mồm em ngứa ngáy . Cái tay em vặn vẹo . Em đang điên lắm .
    
     Với tay lấy bao thuốc , móc một điếu , quăng bao thuốc về phía 60 em , châm lửa . Cái mồm ẩn giữa đám râu ria kia vừa phun khói vừa uể oải : Thì mày cứ hỏi thử bố mày xem có giúp được không đi đã .

     A … Ơ … Sao mình không nghĩ ra nhỉ ? Bố làm việc ở ngay 18 Nguyễn Du , kiểu gì mà chả tìm hỏi hộ mình được . Mình ngu thế . Cám ơn râu ria 4 sao một gạch nhé .

     Thế là , ngay hôm sau , Thai60 được phép ra TX Hà giang để gọi điện thoại về cơ quan bố .

     Vào quầy giao dịch , giới thiệu “ nhân thân “ , 60 em định chơi cái trò bẩn là cứ gọi bừa đi rồi lúc trả tiền sẽ lôi cái tờ 50 đồng đỏ nhòe nhoẹt bị dính chặt vào nhau do bị gấp và ẩm lâu ngày để trả phí . Thế nhưng , chắc là do thông cảm với đồng nghiệp , sau khi nối máy , chị nhân viên xởi lởi : Em cứ gọi đi , không phải trả tiền đâu .

     Mừng rơn người . Lại còn mừng hơn nữa khi ở đầu dây bên kia lại chính là bố . Nghe cái giọng trầm ấm của bố , bao nhiêu nỗi tủi cực , oán ức , nhớ thương , ân hận … như vỡ òa ra trong tiếng nói lập bập , nghẹn ngào sắp khóc của 60 em .

     Bố có vẻ cũng xúc động lắm . Nhưng sau màn hỏi thăm kể lể mùi mẫn , đến cái đoạn nhờ bố “ thâm nhập , tìm hiểu thị trường “ kia , giọng bố đã nhanh chóng trở lại điềm tĩnh thâm trầm như mọi ngày . Sau một lát suy nghĩ , bố hỏi : Con nhớ nhà , muốn về thăm lắm phải không ?

    Thai60  rên lên : V…â…ng …nhớ …

     Nghe như có tiếng thở dài , rồi tiếng bố dứt khoát : Con nhận nhiệm vụ đi , bố giúp .

     Èn èn en …Là lá la … Nhận thôi …Nhận thôi … Có bố giúp rồi …

     Sáng hôm sau , Thai60 em lên E bộ , nhận giấy giới thiệu công tác , tạm ứng công tác phí , cắt gạo , nhận tiền ăn , về đơn vị C10 , không dám chào ban chỉ huy vì sợ lằng nhằng , biết đâu bị hoãn thì rách việc , chuồn luôn . Chạy ra đến gần QL 2 thì gặp anh Bình CT viên , vì anh ấy đuổi theo .Cái đoạn này em đã kể với các bác trong một câu chuyện về anh Bình CT viên C 10 trong một phần HG nào đó .

     Về quê rồi , dù vui háo hức bao nhiêu , 60 em vẫn đau đáu lo vì cái nhiệm vụ của mình . Hóa ra , kể cả bố em có nhờ nhân viên ở cơ quan đi lùng sục khắp Hà nội , vẫn không tìm ra chỗ nào sẵn sàng bán máy thu về tiền séc . Lo quá , mất hết cả vui .

     May quá , một hôm bố về , nói ngày mai đi cùng bố . Hóa ra , trong lúc bí quá , bố đã nhớ tới chú em kết nghĩa hồi ở chiến trường C là Anh hùng lao động Trịnh Công Biên , lúc đó đang làm giám đốc nhà máy thiết bị Bưu điện ở phố Trần Phú , chỗ gần Lăng Bác ( Chú Biên mới nghỉ hưu đâu chỉ khoảng chục năm nay , giờ vẫn đang sống ở Hà nội ).

     Sáng hôm sau , hai bố con đap xe thẳng đến chỗ chú Biên . Ngồi uống nước một lát , nghe 60 em trình bầy , chú gọi điện đi đâu đó .

     Mấy phút sau , có 4  người đến phòng Giám đốc . Hóa ra chú Biên triệu tập : Trưởng phòng Kỹ thuật + Trưởng phòng Vật tư , Trưởng phòng Kế toán tài vụ + Bí thư đoàn thanh niên đến để họp .

     Chú Biên giới thiệu Thai60 , nói rõ nguyện vọng , khó khăn của đơn vị bộ đội ở Biên giới Hà giang , yêu cầu các cán bộ coi đây là một nhiệm vụ chính trị mang tính hậu phương – quân đội mà nhà máy phải bằng mọi cách thực hiện .

     Không thắc mắc nửa lời , những cái đầu kia xúm vào tìm cách . Có rất nhiều cách . Nhưng cách nào thì cũng chết tắc vì cái vụ cái đơn vị bộ đội khốn khổ kia chỉ có tiền … âm phủ - tiền séc .

     Loanh quanh , lung túng , mãi rồi đồng chí Bí thư đoàn thanh niên đã nghĩ ra cách giải quyết :  Ấy là Đoàn  TN nhà máy sẽ phát động một phong trào thi đua chi viện tiền tuyến . Các đoàn viên TN sẽ cho nhà máy vay một lượng tiền mặt đủ để mua vật tư linh kiện chế tạo một hệ thống trang âm và tổ chức lao động ngoài giờ không công để lắp ráp hệ thống đó . Nhà máy sẽ dùng tiền séc kia để mua các thứ nhu yếu phẩm chi trả thay lương ngang mức tiền mỗi người đã cho vay trước đó khi có cơ hội mua hàng bằng ... séc . OK . Xong .

     Vậy cái máy ấy nó sẽ như thế nào ? Chú Biên bảo : Thì thiết kế luôn đi .

     Bỏ lại ông bố và ông chú giám đốc , 60 em phấn khởi “ phắn “ luôn theo chân anh trưởng phòng kỹ thuật về phòng Thiết kế , Ở đó , với vốn kiến thức về kỹ thuật Điện – Điện tử đã học của mình , 60 em tha hồ thả sức tưởng tượng bay bổng , vẽ vời , đòi hỏi cái lọ cái chai loạn xị . Các Kỹ sư thân yêu của chúng ta cứ liên tục gật đầu như bổ củi : Phải …Phải rồi …Đúng đấy … Nên thêm cái này … phải  có cái kia …

     Cho đến khi hết sạch ý tưởng , không ai còn sáng kiến  để thêm voi vẽ rắn gì nữa thì mới thôi . Và tính toán chi phí . Tính xong , ông trưởng phòng reo lên : Nếu không tính tiền công lắp đặt , thì quá rẻ so với đi mua . OK rồi .

     Ngay chiều hôm đó , Thai60 cầm giấy giới thiệu công tác ra bến Nứa mua vé . Vé chỉ bán vào buổi sáng, nhưng bác trưởng trạm khách F 313 ở ngoài chân đê sông Hồng ngay gần đó bảo : Sáng mai cứ ra đây , đảm bảo đi được  . Lại OK .

     Sáng hôm sau , lên đường . Sáng hôm sau nữa , Thai60 có mặt ở E bộ , báo cáo kết quả , đưa giấy báo giá . Về C 10 , đợi .

     Trong thời gian chờ đợi , ra ngóng vào trông ấy , quên béng cả sỹ diện và cái vụ vùng vằng dở hơi với anh Châu hôm trước , ngày nào Thai60 cũng kiếm cớ mượn báo lên chỗ ban Tuyên huấn để nghe hơi nồi chõ , dò la tin tức . Năm ngày về quê đợt vừa rồi vẫn chưa bõ bèn gì , lại nhớ quê day dứt . Sắp đến Tết rồi mà …

« Sửa lần cuối: 18 Tháng Hai, 2015, 08:11:13 am gửi bởi thai60 » Logged
thai60
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 833


« Trả lời #97 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2015, 07:27:44 am »

( Tiếp )

     Gần một tuần sau , Thai60 nhận lệnh đi Hà nội công tác . Nhiệm vụ là đi cùng dẫn đường cho một anh sỹ quan , anh ấy mới là người cầm tiền ( séc ) và đứng tên giao dịch . Anh tên là Liên , quê ở Đông anh . Anh là sỹ quan thuộc ban Pháo binh E 14 .

     Các anh ở ban CT , TH , và cả  E phó CT Bướm đều động viên hai anh em về mua máy trong thời gian nhanh nhất , khi có máy rồi thì mang lên đơn vị luôn để đưa vào phục vụ trong dịp Tết , sau đó đơn vị sẽ cho đi phép dài ngày , ăn Tết ở nhà luôn .

     Lại tạm ứng , cắt gạo , nhận tiền công tác phí . Anh Liên bảo : Chú về lấy tư trang , xong anh em mình đi luôn , không cần ăn cơm trưa , đề phòng sự cố .

     Giữa trưa , hai thằng lóc cóc ra TX , vào trạm khách , đăng ký chỗ ngủ , vé xe . Xong xuôi , ra bến xe , mỗi thằng làm một bát phở bò và 2 cái bánh mì .

     Tối , ăn cơm nhà khách xong , hai anh em lang thang ra quán uống nước , bát phố , rồi về ngủ .

     Vừa mới thiu thiu được một giấc ngắn , Thai60 đã bị đánh thức bởi tiếng lục xục , ngọ ngoạy liên tục của anh Liên ở giường bên cạnh . Không động đậy , Thai60 cố dỗ mình vào giấc ngủ .
     Chưa kịp ngủ , đang lơ mơ , đã nghe anh Liên vùng dậy và gọi : Dậy đi mày ơi .

     Thai60 ngơ ngác : Đến giờ rồi à anh ?

     Anh Liên bảo : Chưa , mới hơn 12 giờ thôi , nhưng anh đ… ngủ được , vì vui và hồi hộp quá . Dậy đi .

     Thì dậy . Thằng em cũng đang rất “ vui và hồi hộp quá “ đây .

     Nằm hút thuốc , tán chuyện trên giời dưới đất chán , anh Liên rủ : Mày thích học võ không , anh dậy .

     Thì học võ . Hay quá . Thằng em tuy to xác nhưng chẳng có mảnh miếng võ vẽ   gì cả đây .

     Anh Liên rút khẩu súng ngắn ra khỏi bao , tháo băng đạn , lên cò , bảo : Bây giờ anh nằm như đang ngủ , chú gí sung vào người anh , chỗ nào cũng được , đánh thức anh dậy , bắt nằm im . Nếu anh động đậy thì chú bóp cò ngay , anh sẽ đánh bật súng ra khỏi tay chú trước khi cò mổ . Đứng ở cạnh anh trong khoảng cách 1m trở xuống , cầm súng một hay hai tay và cầm bằng cách nào cũng được .

     Tưởng dễ , thế mà 60 em không thể nào kịp bóp cò hoặc có thể giữ nổi khẩu sung ấy trong tay các bác ạ. Kiểu gì  anh Liên cũng kịp tước súng hoặc đánh văng nó ra khỏi tay 60 em trước khi em kịp bóp cò .

    Hay thật đấy . Nhưng mà chả sung sướng tẹo nào khi học võ cả . Chỉ sau khoảng chục lần thực hành , hai cánh tay em đã đau nhức vì những cái chặt , cái tóm , cái bóp , cái gạt như chớp của anh Liên .

    Chán cái môn tước súng , vì thằng em gà quá , anh Liên dạy em vài miếng tự vệ . Cái đòn mà Thai60 em thi triển  ở Hang Phẫu Nà cáy hôm xem Văn công dịp Tết 1985 như em đã kể chính là một chút tinh hoa võ…vẽ mà Lính VT 60 em đã thu hoạch được từ bác Liên đấy các bác ạ .

    Chỉ một lát sau , bầm dập vì những mảng miếng chết khiếp của anh Liên , hãi quá , 60 em kêu mệt , đòi đi ngủ .

     Nằm được khoảng nửa tiếng , lại thấy anh Liên tung chăn vùng dậy , bảo : Đ… ngủ nữa , dậy thôi , bọn mình ra bến đi .

     Trả giường , lại ra bến , lang thang dật dẹo đợi xe trong gió đêm hun hút lạnh lẽo . Sáng ra , lại làm bát phở , rồi lên xe .

     Xe chạy đến Việt lâm , dừng lại chỗ chợ để con buôn mua cam , quýt , anh Liên nhảy xuống , dõng dạc : Bà con và bác tài chú ý này , chúng tôi đi công tác , nhân thể thăm anh em cũ của đơn vị bị thương do đánh nhau với giặc trên Vị xuyên hồi năm 1981, giờ là thương binh , nên phải mua cam làm quà . Yêu cầu nhà xe bố trí chỗ để an toàn trên mui , đề nghị bà con bán hàng dành cho loại ngon , giá hợp lý . Mong bà con tạo điều kiện .

     Bà con răm rắp thực hiện , chả ai có ý kiến ý cò lèo nhèo gì cả .

     Lúc xe tiếp tục chạy , Thai60 tò mò : Sao anh có nhiều tiền để mua thế . Anh Liên cười , ghé tai thì thầm : Tiền lương anh tạm ứng 6 tháng liền đấy , lại còn vay lung tung nữa . Mang về cho vợ sửa nhà đã , cái mái rạ nát lắm rồi , cả mua thuốc cho mẹ anh nữa , cụ ốm suốt . Cứ mang về giúp nhà đã , còn mình lúc nào về đơn vị có túng thiếu dật dẹo cũng chả sao , chịu được hết .

     Lúc quá nửa đêm , xe về đến Bến Nứa . Anh Liên bảo Thai60 trông balo và đống cam , còn anh chạy đi đâu đó . Một lát sau , anh quay về , có mấy bà buôn đi cùng . Họ cân cam , trả tiền cho anh Liên . Rút soạt một nắm tù mù , anh đưa cho Thai60 , bảo : Cầm lấy , mua quà cho em gái ,và tiêu vặt , đừng xin tiền bố mẹ , mình lớn rồi . Anh tranh thủ về nhà đã , sáng mai anh sang nhà em , rồi anh em  mình ra nhà máy .

    Vo chặt nắm tiền , nhét vào túi ngực cái áo sỹ quan nhàu nhĩ của anh , Thai60 bảo : Anh cầm về đi , lo cho nhà , em có rồi , mà cũng không phải xin bố mẹ đâu .

     Nói xong , chạy vù ra khỏi bến , xuống hướng dốc Hàng Than , bắt xe buýt về Hà đông .

     Hôm sau , khoảng 7 giờ , đã thấy anh Liên đến nhà . Mẹ nấu cho mỗi thằng một bát mì sợi với tóp mỡ , rồi đi làm . Ăn xong , hai anh em đạp xe ra Trần Phú . Nhìn thấp thoáng thấy Lăng bác Hồ , anh Liên xuýt xoa : Tao đi lính đã hơn chục  năm , hết miền Nam , Campuchia , lại phía Bắc , chưa một lần được vào viếng Cụ . Bao giờ được nghỉ phép dài ngày , thể nào tao cũng phải đến viếng một lần .

     Đến nhà máy , trong phòng Giám đốc , chú Biên gọi các ông cán bộ hôm trước lên , ký hợp đồng . Tưởng phải đợi họ lắp ráp chế tạo , không ngờ họ đã làm xong hết rồi .

     Xuống xưởng , thử máy . Quá ngon , đẹp , hiện đại , nhiều tính năng , công suất lớn , và đặc biệt nhất , có bộ ổn áp gắn liền trong amply , đề phòng điện yếu hay chập chờn .

     Anh bí thư đoàn TN giao máy . Ông giám đốc bắt tay chúc mừng , trao cho một túi to , nói là chút quà của nhà máy cho hai anh em . Tất cả mọi người vỗ tay .

     Ghé nhìn vào , thấy toàn bánh kẹo Hải Hà , thuốc lá , và hai chai rượu màu  … Chợt nhớ đến cái phương án mà hôm đầu anh bí thư Đoàn TN đã nêu ra , Thai60 ghé tai thì thầm với anh Liên . Gật gật đầu , anh bảo Thai60 phát biểu đi .

     Giọng run run , Thai60 nhắc lại mọi chuyện và đề nghị được tặng lại cái túi quà đó cho các bạn đoàn viên TN của nhà máy . Tiếng vỗ tay lại ran lên . Ông giám đốc nhìn anh bí thư Đoàn , gật đầu . Thai60 đặt cái túi nặng trịch vào tay anh , lòng lâng lâng xúc động .

     Ông giám đốc bảo hai anh em đi đâu thì cứ đi , buổi chiều sẽ có xe chuyển đám máy móc ấy đến nhà Thai60 . Chia tay .

     Đèo anh Liên ra bến Nứa , vào quán uống chén nước chè , Thai60 cao hứng gọi hai điếu ba số . Anh Liên ngăn lại : Sông cầu thôi , anh hết tiền rồi . Thái60 khúc khích : Vô tư đi , em có .

     Ngồi rít thuốc , nhìn dòng người từ trên cầu Long biên đổ xuống , trong đó có người chở những cây hoa hay những bó lá dong , lá chuối , anh Liên thở dài : Sắp đến Tết rồi em ạ .

     Thai60 bâng khuâng : Vâng …Sắp Tết rồi …

     Nhớ đến đám máy móc , hai anh em buồn so . Chán . Giá kể hôm nay ký hợp đồng xong họ mới bắt đầu lắp ráp thì có phải hay hơn không ?

    Bần thần ngao ngán , hai anh em thống nhất sẽ ở nhà thêm 1 ngày nữa , sang ngày kia lên đường , bây giờ vào trạm khách đặt vé luôn .OK , vào đặt vé luôn .Còn đám máy móc kia , lúc nào ông giám đốc chở vào nhà Thai60 thì sẽ nhờ ông ấy chở luôn ra trạm khách , gửi ở đó .

    Tối muộn hôm sau , anh Liên lóc cóc đội mưa đến nhà Thai60 . Ăn cơm xong , đã gần 11 giờ đêm , hai anh em chia tay gia đình em , lên đường . Trời mưa rả rích , gió hun hút thổi , đã hết giờ xe , hai thằng lóc cóc đi bộ 11 km .

     Dọc đường đi , anh Liên nói cười liên tục , hết kể về cái mái nhà vững chãi lợp bằng tấm Phi Bờ Rô , đứa con nhỏ hơi còi nhưng rất hóm , bà mẹ già đang nằm liệt giường tự nhiên lại đứng dậy được , chống gậy ra ngõ hóng người lại qua , khoe ríu rít : Thằng cu Liên nhà tôi đã về , đang xây lại nhà cho vợ ( Khổ , tiền đâu mà xây , chỉ lợp lại mái thôi ) , tôi uống thuốc bổ của nó mang về là khỏi bệnh luôn đây này ( Khổ thế , có thuốc men gì ghê gớm đâu , nhõn mấy viên Vitamin C , B1 quẳng trong balo suốt mấy năm trời đã cũ mốc ) .

    Nghe anh huyên thuyên lộn xộn , nhân lúc có cái oto tải chạy ngược chiều , quay sang ngó vào mặt anh , thấy mắt anh đỏ ngầu , dấp dính nước . Dù những hạt mưa Xuân đang tạt thẳng vào mặt mình , mặt anh , Thai60 biết chắc rằng anh Liên đang khóc . Quay mặt đi , lặng lẽ , lòng chùng xuống .

     Lên đến Hà giang , vào trạm khách , anh Liên gọi ĐT về đơn vị xin xe ra đón . Tối hôm đó , cả khu vực E bộ  E 14 phía trên đường tăng , cả khu vực D9 và các C trực thuộc bên dưới đường tăng , cả cái bản Phương độ bên dưới kia nữa , nghe oang oang tiếng loa truyền thanh từ 4 cái loa nén công suất lớn . Thật tình cờ , hôm ấy lại là thứ 7 , và tiếng loa cứ vang mãi , vang mãi , cho đến khi hết sạch mọi chương trình .

     Nằm ở C10 , nghe tiếng loa truyền thanh âm vang , rộn rã , Thai60 thấy lòng râm ran nao nức và xốn xang tự hào vì chính mình đã góp phần đưa tiếng loa ấy về với nơi rừng núi hanh heo quạnh vắng u buồn này .

     Vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ , nghĩ về những giây phút trước đây đã tìm cách thoái thác nhiệm vụ , Thai60 nằm lan man nghĩ lại những gì đã diễn ra .

     Trong nụ cười thanh thản , lại lẩm nhẩm trong lòng câu nói hôm xưa : Đám râu ria hổ lửa 4 sao một gạch kia ơi , cám ơn nhé ,

     Và chìm vào giấc ngủ thật sâu với những giấc mơ về những ngày Tết đang đến rất gần và chuyến " về phép dài ngày "  đã được hứa hẹn …


( Còn nữa )

    
    

    

    
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Hai, 2015, 07:50:13 am gửi bởi thai60 » Logged
laoshan1234
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1474



« Trả lời #98 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2015, 07:28:32 am »

  Những ngày này,ai cũng canh cánh nhớ về một thời quân ngũ.Xin tặng bác pháo và bác Phó Cối chùm ảnh về binh chủng "Chân đồng vai sắt",thuộc lữ đoàn pháo mặt đất 168-QK2 (Đơn vị từng tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị xuyên,thời chiến tranh)

                  
             Giao nhiệm vụ trước khi huấn luyện.

  
            Đưa pháo về tư thế chiến đấu.

          
             Sẵn sàng nhận lệnh.

          
              
             Nạp đạn

            
             Chấp hành khẩu lệnh bắn

          
             Thu hồi pháo sau huấn luyện.

          
              Kéo pháo rời thao trường, sau khi kết thúc huấn luyện
                                                                                                HOÀNG HÀ (thực hiện)
Logged
pb47vp
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1890


« Trả lời #99 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2015, 08:49:07 am »

Chào các bác, không khí ngày tết đã đến với mọi miền, mọi nhà, trong đó có cả trang Hg nữa. Trong niềm vui đón xuân này, nhà nhà vui tết, người người vui tết,một cái tết trong thanh bình no ấm. Lúc này đây kí ức cứ tràn về với các cựu ta, làm sống lại một thời đón xuân trong quân ngũ ngày còn trên mặt trận. Hôm nay công tác chuẩn bị cái tết cho gia đình đã hòm hòm, vào trang nhà thấy các bác vẫn tề tựu, hành quân đông đủ làm pháo tôi phấn khởi quá, dòng kí ức của bác, nhất là của bác thai60 đã đưa chúng ta nhớ lại những năm tháng, nhất là những cái tết không bao giờ quên trong đời quân ngũ. Cá nhân tôi mặc dù đã phải đón nhiều cái tết trên chốt, trên mảnh đất địa đầu này nhưng những tết trên chốt thời chiến đó khó phai mờ được, như có bác đã nói " đòn đau nhớ đời" phải không các bác.
Cảm ơn bác Mìn đã tặng chùm ảnh về đơn vị anh hùng trên mặt trận VX năm xưa, d10 e457 đấy bác ạ, hàng năm tôi vẫn có cơ hội để đến thăm đơn vị này, người dt cuối cùng của dP10 này là bác Nguyễn Xuân Lai trước khi f giải tán đã chỉ huy dP này nhập vào Lữ 168 vào năm 1993 để giữ lại danh hiệu đơn vị anh hùng LLVT để giáo dục cho thế hệ mai sau. Bác Lai ngày đó là ct c3 d10 trận địa cầu chéo, bây giờ đang đồng nghiệp với bác nguyentac công tác ở Tỉnh đội Lào cai, nhà đầu cầu mới Phường Kim tân, bác nào có lên Lào cai nhớ ghé thăm nhé,với dP10 này thì bác Mìn có nhiều kỉ niệm lắm.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM