Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:06:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích (phần III)  (Đọc 242646 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #30 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2014, 10:08:10 pm »

 Như vậy, mở đầu chiến dịch Bolo, KQ Mỹ đã tạo được yếu tố bí mật bất ngờ cho trận đánh, đã làm cho ta bị động và đã bị thiệt hại. Anh Vũ Ngọc Đỉnh nhớ lại : "Không hiểu sao thời tiết ngày 2-1 lại có vẻ bất lợi cho ta, khi mây dày, đáy mây ở độ cao 200 mét và trần mây là 600 mét, dễ cho KQ Mỹ thực hiện ý đồ che dấu lực lượng để đón lõng MiG trên mây. Do ta không nắm được ý đồ của địch, nên sau khi cất cánh lên cho xuyên mây cả 4 chiếc và cả 4 chiếc đều bị bắn rơi, 4 phi công ta nhảy dù an toàn. Chắc do phía Mỹ giữ bí mật tuyệt đối ý đồ đánh trận này nên các thông tin tình báo về thủ đoạn chiến thuật của Mỹ, ta không nắm được nhiều. Dù sao, qua trận này cũng rút được kinh nghiệm. Có điều, tất cả mấy anh em tôi đều khỏe, vài hôm sau là lại tham chiến được. Tôi thấy không thoải mái vì Mỹ đánh lén, ta chưa kịp không chiến đã bị bắn rơi..."
Những kinh nghiệm qua các cuộc không chiến, ta trao đổi với bạn chuyên gia, cố vấn Liên xô thời đó cũng rất ít. Họ chỉ có kinh nghiệm qua những trận giao chiến bên Triều Tiên và với loại máy bay không hiện đại như bây giờ. Chủ yếu là trao đổi về cách cải tiến vũ khí cho phù hợp với chiến trường của ta. Còn với TQ thì như trước dây tôi đã nói rồi, không có cố vấn hay chuyên gia trong lĩnh vực KQ nên ta không có liên hệ trao đổi gì.
 Sau trận đánh không thắng ấy, phía ta đã rút kinh nghiệm sâu sắc, bàn cách đánh, đề ra chiến thuật đánh và kỹ thuật đánh cụ thể. Tất cả các thành phần từ trực trong SCH đến các phi công đều họp bàn. Tôi cho rằng, người có công lớn trong việc tìm ra cách đánh, cách chỉ huy cho các trận không chiến chính là ông Trần Mạnh. Anh Nguyễn Văn Cốc thì gọi ông với cái tên : "Người cha đẻ của chiến thuật KQ Việt Nam", nhiều người khác thì gọi ông bằng cái tên "Kiến trúc sư của các trận không chiên".

Ông sinh năm 1928 tại xã Vĩnh Lai, An Nhơn, Bình Định. Ông nhập ngũ năm 1946 và trong kháng chiến chống Pháp, ông từng giữ chức Chính trị viên Tiể đoàn 308 lừng danh, rồi trở thành Chính ủy Trung đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn 330. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và được tuyển đi học lái máy bay, trở thành phi công tiêm kích chiến đấu trên loại máy bay MiG-17, một thời gian sau, ông chuyển loại bay trên MiG-21.
 Vào giai đoạn cuối tháng 4 năm 1968, khi lớp phi công trẻ chúng tôi tốt nghiệp trên loại máy bay MiG-21 (sau này vẫn gọi là Đoàn bay MiG-21 khóa Ba) của chúng tôi về nước thì ông đã là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân Sao Đỏ.
 Tôi không có vinh dự được bay với ông, nhưng những ai đã từng bay với ông đều có chung một nhận xét về ông là "một phi công nhìn nhận mọi vấn đề, mọi khía cạnh rất sắc sảo, là người chỉ huy tài năng với tính tình thật điềm đạm mà thẳng thắn".
 Sẽ không công bằng và thật thiếu sót khi nói đến những trận không chiến, chỉ nói đến những chiến công bắn rơi máy bay, nhắc đến các phi công lập thành tích mà quên không nhắc đến những thành phần kiến tạo nên trận đánh !.
 Để có được một chuyến bay, nhất lại là một chuyến xuất kích chiến đấu lên trời thì phải có rất nhiều thành phần liên quan từ việc trực tiếp chuẩn bị đến việc chỉ huy dẫn dắt...
 Một trong những thành phần quan trọng nhất chính là người chỉ huy cùng kíp trực chỉ huy ở Sở chỉ huy. Mỗi khẩu lệnh từ Sở chir huy phát ra đều dẫn đến sự thành công hay thất bại của trận đánh.
 Ông Trần Mạnh không trực tiếp tham gia xuất kích chiến đấu. Ông trực ở Sở chỉ huy - cơ quan đầu não quan trọng với những quyết định quan trọng cho trận chiến.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #31 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2014, 08:42:28 pm »

 Ngay từ những ngày đầu trong SCH, ông đã cho các thành phần dẫn đường luyện tập cách phát các khẩu lệnh qua đối không, tập đi tập lại cho tới khi ông trực tiếp duyệt thấy được thì mới thôi, bởi mỗi khẩu lệnh của dẫn đường phát ra phải đúng ý đồ của người chỉ huy, phải chuyển tải được tình hình thực tế ở SCH lúc bấy giờ để phi công cảm nhận được.
 Sau mỗi trận không chiến, ông cùng với các thành phần dẫn đường, quân báo và phi công ... ngồi trao đổi, rút kinh nghiệm qua từng trận, từ đó, ông đưa ra những cách đánh cho phù hợp với lực lượng của ta, phù hợp với tình hình thực tế.
 Không quân Mỹ thay đổi chiến thuật thường xuyên. Chúng bay nhiều tầng, nhiều tốp trên nhiều độ cao khác nhau, sử dụng các loại nhiễu tiêu cực, tích cực để che dấu đội hình, rồi tích cực đánh phá các sân bay, các trạm ra đa, các kho khí tài, SCH ... nhằm làm tê liệt sức chiến đấu của Không quân ta. Ông đã thức trắng nhiều đêm, suy nghĩ về cách đánh, tìm cách đánh, tìm cách "hóa giải" những chiến thuật của địch. Ví dụ, phải sử dụng lực lượng nào, cho xuất kích ở sân bay nào để tạo yếu tố bất ngờ nhất, chọc thẳng vào đội hình địch, dùng tốc độ lớn công kích nhanh, thoát li nhanh làm cho địch không kịp trở tay, rối loạn đội hình tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị Phòng không khác tiêu dệt chúng nhiều hơn ... Rồi dẫn dắt trong nhiễu như thế nào, phán đoán đường bay của chúng cùng lực lượng đánh chính, tốp đánh chính của chúng ở đâu, ra làm sao để lực lượng của ta tiếp cận địch ở thế có lợi nhất... Hoặc như, khi bọn địch phân tốp, cơ động ở mặt phẳng bằng hay mặt phẳng đứng thì ta phải xử trí ra sao, dẫn dắt thế nào... Ông cân nhắc từng chi tiết, từng tham số của chuyến bay để đưa ra cách đánh linh hoạt, phương pháp dẫn dắt đúng đắn nhất. Những trận không chiến giành thắng lợi, ông cũng phân tích rõ nguyên nhân giành chiến thắng. Những trận không chiến không thắng lợi, ông càng phải tìm cho được nguyên nhân, tìm cách khắc phục.
 Khi đánh trong chiến trường khu Bốn - nơi địa hình hẹp và dài như "cán xoong", lại là nơi địch phối hợp chặn ta bằng cả lực lượng tiêm kích và tên lửa Hải đối Không, trong khi đường bay của ta gần như cố định chỉ một lối vào, ra thì trận chiến thực sự phức tạp. Nó là nơi thử thách đối kháng thực sự với các thành phần chỉ huy, dẫn đường và phi công của cả hai phía.
 Ông là người chỉ huy có tầm nhìn xa. Ông tính toán mọi đường đi nước bước như một kỳ thủ cao tay. Phụ thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi trận mà đưa ra cách dẫn, cách đánh khác nhau, tạo được sự bất ngờ đối với kẻ địch, giành chiến thắng về mình dù lực lượng áp đảo thuộc về kẻ địch.
Logged
meomunchamchap
Thành viên
*
Bài viết: 14


« Trả lời #32 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2014, 09:36:23 pm »

 Chú phicongtiemkich cho cháu hỏi một số vấn đề như là:
 1. Trước khi giao chiến thì các phi công thường có động tác cắt bỏ thùng dầu phụ; vậy khi đó động cơ máy bay đang hoạt động bằng dầu từ thùng chính hay phụ vậy ạ?
 2. Thùng dầu phụ của Mig 17, Mig 19, Mig 21 là bao nhiêu lít?
 3. Thùng dầu phụ khi rơi khỏi máy bay thì có thu hồi lại để tái sử dụng không vậy chú?
 Cháu rất mong được chú giải đáp giúp cháu. Cháu cám ơn chú!
Logged
Viet Trung 51
Thành viên
*
Bài viết: 142


« Trả lời #33 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2014, 05:36:54 pm »

Một bài trên báo nga nói về chiến công của các phi công Vietnam trong chiến đấu vớiKQ Mỹ. Link:
Как истребители МиГ-17 сбили сверхзвуковые F-105

http://fishki.net/1258132-kak-istrebiteli-mig-17-sbili-sverhzvukovye-f-105.html

Logged
huyphongssi
Thành viên
*
Bài viết: 1515



« Trả lời #34 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2014, 07:29:58 pm »

Chú phicongtiemkich cho cháu hỏi một số vấn đề như là:
 1. Trước khi giao chiến thì các phi công thường có động tác cắt bỏ thùng dầu phụ; vậy khi đó động cơ máy bay đang hoạt động bằng dầu từ thùng chính hay phụ vậy ạ?
 2. Thùng dầu phụ của Mig 17, Mig 19, Mig 21 là bao nhiêu lít?
 3. Thùng dầu phụ khi rơi khỏi máy bay thì có thu hồi lại để tái sử dụng không vậy chú?
 Cháu rất mong được chú giải đáp giúp cháu. Cháu cám ơn chú!
Anh Phicôngtiêmkích đang bận nên tôi trả lời cậu:
1. Hệ thống bơm nhiên liệu trên máy bay ưu tiên tiêu thụ dầu từ các thùng dầu gắn ngoài (thùng phụ) rồi mới tới các thùng dầu chứa trong thân và cánh. Khi máy bay bắt buộc phải vứt thùng phụ còn dầu, hệ thống bơm sẽ dùng dầu từ các thùng bên trong để cấp cho động cơ.

2. MiG-17 mang theo 2 thùng 400 lít dưới cánh. MiG-19 mang theo 2 thùng 760 lít dưới cánh. MiG-21PFV mang 1 thùng dầu phụ PTB-490 dung tích 490 lít dưới bụng. MiG-21MF loại anh Tuân bay có thể mang 3 thùng PTB-490 (01 dưới bụng và 02 dưới cánh) hoặc 3 thùng PTB hỗn hợp (01 PTB-800 chứa 800 lít dưới bụng và 02 PTB-490 dưới cánh). MiG-21bis mang 1 thùng PTB-800 dưới bụng.

MiG-17 mang theo 2 thùng dầu phụ PTB-400 dung tích 400 lít/thùng dưới cặp cánh



MiG-19S (J-6) mang theo 2 thùng dầu phụ PTB-760 dung tích 760 lít/thùng dưới cặp cánh



Thùng dầu phụ PTB-490 dung tích 490 lít dưới bụng và cánh một số phiên bản MiG-21


3. Khi bị vứt bỏ khỏi máy bay, thùng dầu phụ không còn đủ điều kiện kĩ thuật để tái sử dụng.
Logged

Nhằm thẳng quân thù, Bắn!
meomunchamchap
Thành viên
*
Bài viết: 14


« Trả lời #35 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2014, 11:11:19 pm »

 Cám ơn anh huyphongssi! Anh đã giải đáp giúp tôi câu hỏi mà tôi thắc mắc lâu nay. Anh cho hỏi thêm là dầu dùng cho máy bay của ta (LX, TQ) và Mỹ có giống nhau không?
Logged
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #36 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2014, 01:04:52 am »


 3. Thùng dầu phụ khi rơi khỏi máy bay thì có thu hồi lại để tái sử dụng không vậy chú?


Những năm 196x, khu vực cầu Diễn (Từ Liêm-Hà Nội) thường có những trận không chiến. Dân ở đây vẫn luôn nhặt được các thùng dầu phụ từ trên trời rơi xuống Grin.

Lâu rồi không nhớ của ta hay của Mỹ. Chỉ nhớ ai nhặt được thì người ấy...cải tạo nó để tái sử dụng. Grin
Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #37 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2014, 09:14:12 pm »

 Cám ơn Huyphongssi đã cất cánh, yểm hộ cho tôi, đã giải đáp các thắc mắc của meomunchamchap. Thực ra, trong chiến đấu, cũng như trong huấn luyện với những điều kiện khẩn cấp cần phải vứt thùng dầu phụ là phải nhanh chóng ấn nút vứt ngay. Có những thùng dầu phụ còn đầy dầu nhưng cũng vẫn phải vứt. Đã có trường hợp ( như của anh Hoàng Cống ) vứt dầu phụ rơi trúng vào kho chứa bột mì, thùng dầu vỡ ra và dầu ngấm vào không biết bao nhiêu tấn bột, đành phait hủy hết số bột đó vì không thể ăn được. Rồi trong trường hợp huấn luyện, có anh vứt dầu phụ rơi xuỗng cánh đồng trồng lạc, lạc bị úa táp với diện tích khá rộng. Biết làm sao được khi mà phải vứt khẩn cấp. Vỏ thùng dầu phụ thường đem về đúc nồi, xoong và làm các vật dụng cần thiết khác. Nói chung dân ta "linh hoạt" trong chuyện ấy lắm.
 Dầu tra nạp cho máy bay là loại dầu TC-1. Một thời, những đám dầu thải từ máy bay ra ( như súc rửa thùng dầu, dầu còn chảy sau khi tắt máy, nổ máy ...) thì tận dụng về đun bếp dầu, cháy rất đượm và lâu hỏng bấc lắm.
 Trở lại chuyện của ông Trần Mạnh. Một số cách đánh táo bạo như "Đánh nhanh, thọc sâu..., tạo đà tạo thế..., đổi đội hình từ hai chiếc thành ba chiếc..." đã giành thắng lợi. Đặc biệt là cách đánh của MiG-21 để phát huy tối đa sở trường và tính năng của nó, ông đã tổng hợp từng trận đánh rồi đúc rút ra kinh nghiệm và đề xuất cách đánh cho phù hợp.
 Đánh với loại máy bay có người lái đã vậy. Với loại máy bay không người lái (KNL) cũng thế. Tuy KNL không có phản kháng nhưng phát hiện được nó và đánh nó là cả một vấn đề. KNL rất nhỏ lại bay ở độ cao thấp, do C-130 bay từ ngoài biển thả vào, ra đa của ta hầu như không phát hiện được. Vậy là ông đã cử một số anh dẫn đường đi hiệp đồng tìm cách phát hiện "máy bay mẹ" (C-130) đến vùng nào, sau thời gian bao nhiêu thì các trạm quan sát bằng mắt của ta phát hiện được KNL. "Máy bay mẹ" xuất hiện ở đâu thì KNL thường bay vào từ hướng nào ..., rồi cách dẫn ra làm sao... Ông mầy mò cùng các thành phần lập phương ấn chiến đấu và cho đánh. Sau này hầu như khá nhiều KNL bị KQ ta tiêu diệt mà ngay cả cố vấn Nga cũng không thể tin được vì trên màn hình ra đa có phát hiện được gì đâu. Thế mới là cái hay.
Rồi với con ngáo ộp B-52, vào cuối năm 1967, ông trực tiếp dẫn một đội quân vào Lệ Thủy-Quảng Bình để nghiên cứu về B-52 - từ cách chúng bay đội hình đến cách thức hoạt động, cung cách chúng được bảo vệ thế nào rồi tìm ra cách đánh. Và vào đêm 20-111-1971, với cương vị Phó Tư lệnh, ông đã cùng với Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sao Đỏ và các sĩ quan dẫn đường đã tổ chức cho phi công Vũ Đình Rạng xáp mặt B-52 và lần đầu tiên, MiG-21 đã bắn B-52 trọng thương mở ra cách dẫn dắt và cách đánh mới với lũ "pháo đài bay".
Logged
Viet Trung 51
Thành viên
*
Bài viết: 142


« Trả lời #38 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2014, 06:08:50 pm »

Tháng 8-72, bọn tôi có trú quân hơn 10 ngày ở Đại Từ - Bắc Thái ngay dưới chân mạn bắc dãy Tam đảo. Ở và nấu nướng ngay nhà dân, đơn vị đi lẻ nên mọi thứ vật dụng đều mượn dân. Ông chủ nhà đi mượn cho cái nồi nhôm rất to đủ nấu cho 20 anh em, củi thì cứ lấy của dân, đến CN thì lên núi chặt cây về bù... Quê chè nên uống xả láng, bên ấm chè chúng tôi hỏi chuyện bác chủ sao dân có cái nồi nhôm to vậy? Rít 1 hơi thuốc lào bác chủ kể, mọi thứ đều đúc từ xác máy bay rơi, cứ có máy bay rơi là dân đến tìm khiêng sạch, nhặt được ít thì đúc nồi nhỏ, nhiều thì đúc nôi, soong to... Vui chuyện ông kể tiếp: " Trên núi trong bản người Dao có 2 bố con đi rừng phát hiện cả 1 chiếc Mig to bị rơi, 2 bố con lặng lẽ tha về rồi thuê thợ xuôi lên đúc, nó đúc đủ mọi thứ trong nhà rồi vẫn còn vật liệu nên đúc cả 2 quan tài... Việc gần xong do sợ lộ nên 2 bố con định thủ tiêu thợ đúc, may mà mấy ông thợ đúc linh cảm được chuồn vội rồi mang chuyện đi kháo ầm cả vùng. CA và dân quân đến bắt cả 2 bố con ngừơi dân tộc..." Không biết chuyện chính xác đến đâu, nhưng việc dân lấy xác máy bay đúc đồ thì nơi nào cũng có.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Mười, 2014, 10:31:14 pm gửi bởi Viet Trung 51 » Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #39 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2014, 10:20:30 pm »

 Tôi kể tiếp chuyện về người chỉ huy Trần Mạnh đã. Trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không", lúc 15h30 ngày 28-12-1972, ông từ SCH tiền phương đã điện cho SCH Không quân đề nghị cho Vũ Xuân Thiều cất cánh chuyển sân, bay vào sân bay Cẩm Thủy. Đến 21h28, khi xuất hiện các mục tiêu ở phía Đông Nam Pạc Xan 90 km, ông đã nhận định đấy chính là các tốp B-52 vào đánh Hà Nội, đã lệnh cho Vũ Xuân Thiều chuẩn bị cất cánh. Khi Vũ Xuân Thiều xuất kích, phát hiện được B-52, ông nhắc nhở : "Bật công tắc bắn cả loạt, quyết tâm tiêu diệt địch !". Và Vũ Xuân Thiều đã trở thành người Anh hùng với hành động cảm tử, quyết đánh, quyết thắng.
 Với kinh nghiệm dày dạn chỉ huy cả trăm trận không chiến, ông đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng chung của Không quân Việt Nam trước một kẻ thù hung bạo, mạnh mẽ, tàn ác, xảo quyệt ... và bắt chúng phải cúi đầu công nhận sự thất bại cay đắng.
 Mọi người đều trân trọng và khâm phục khi nhắc đến tên ông. Ông là biểu tượng của người chỉ huy mẫu mực, tận tâm với công việc, luôn suy nghĩ, tính toán, tổng kết và đưa ra những chiến thuật, những cách đánh phù hợp nhất. Phi công Anh hùng Nguyễn Văn Cốc thì gọi ông là "Cha đẻ của chiến thuật Không quân Việt Nam"
 Ông như một vị nhạc trưởng của dàn nhạc, là người kiến tạo thắng lợi của các trận đánh. Ông hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu : "Người kiến trúc sư của các trận không chiến", "Cha đẻ của chiến thuật KQ Việt Nam" và là người Anh hùng của các Anh hùng KQ Việt Nam !

 Còn chuyện của Viet Trung 51 nói về nồi niêu, xoong chảo ... được đúc bằng đuya ra của máy bay thì tôi có một kỷ niệm vui. Ấy là hồi tôi ở Trung đoàn trên Yên Bái, sân bay có tổ chức đúc nồi niêu... bằng các phế liệu của máy bay. Tôi được mua một chiếc nồi 100. Tôi dự tính, ngày thường thì nấu cám lợn, ngày Tết thì nấu bánh chưng. Nhưng vì đường xá xa xôi, chưa có dịp nào gửi về được nên vẫn giữ ở Trung đoàn. May sao, nhân dịp có Phó chủ nhiệm chính trị Sư đoàn lên kiểm tra và giảng chính trị, trước khi về có hỏi tôi : "Cậu có gì gửi cho mẹ con nó không, nhân tiện có xe, tớ về tớ chuyển cho !". Đúng là được lời như cởi tấm lòng. Tôi thưa : "Vậy tôi nhờ anh chuyển giúp cho nhà tôi chiếc xoong quấy bột cho cháu !". Phó chủ nhiệm trả lời ngay : "Vậy cậu đem ra luôn nhé !". Tôi vào phòng lễ mễ bưng ra chiếc nồi 100 trươc sự ngỡ ngàng của Phó chủ nhiệm và toàn đoàn kiểm tra. Tất cả ngớ ra trong chừng mươi giây sau rồi cười rộ lên. Phó chủ nhiệm vừa cười vừa nói : "Con mày là Thánh Gióng chắc !". Bấy nhiêu năm đã qua, cách đây không lâu, tôi gặp Phó chủ nhiệm, anh ấy vẫn cười và vẫn nhắc đến cái kỷ niệm ở Yên Bái hồi ấy. Đúng là nồi niêu... đúc bằng đuya ra của máy bay nó có sức sống lâu bền thật đấy !...
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM