Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:21:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc đời tôi - Một trăm giờ với Fidel Castro  (Đọc 91784 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #90 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2013, 04:29:13 pm »

Đó là một trong nhũng thời khắc căng thẳng nhất ông từng trải qua?

Chắc chắn khoảng thời gian buổi chiều hôm đó phải là một trong những hoàn cảnh khó khăn nhất trong đời tôi. Không thể có hoàn cảnh nào căng thẳng hơn thế. Tôi đã kể cho ông về lần chạm trán với đội tuần tra của Sarría khi chúng bắt được chúng tôi sau vụ tấn công vào trại lính Moncada.

Vâng, nhưng lần này thậm chí còn căng thẳng hơn nhiều, đúng không?

Tôi nhớ là khi đó tôi còn hầu như không thể nào mở được mắt ra. Khẩu súng trường của tôi có hai cò: chiếc cò thứ nhất có tác dụng làm giảm lực tác dụng lên chiếc cò thứ hai, có nghĩa là sau khi kéo cò thứ nhất thì ta chỉ cần chạm nhẹ lên chiếc cò thứ hai là súng nổ, như thế phát bắn sẽ vô cùng chính xác 1. Khẩu súng của tôi có gắn ống ngắm phóng đại gấp mười lần.

Trong những hoàn cảnh như vậy, ông biết tôi đã làm gì không? Khi tôi nhận thấy mình không thể duy trì được sự tỉnh táo, và kiểu gì tôi cũng sẽ ngủ thiếp đi, tôi bèn nằm nghiêng qua một bên, kẹp khẩu súng trường vào giữa hai chân, cắm thẳng nòng súng vào cằm. Tôi không muốn bị bắt sống nếu kẻ thù phát hiện ra chỗ tôi đang trốn trong khi tôi đang ngủ thiếp đi. Giá kể trong tình huống đó mà có một khẩu súng ngắn thì tốt hơn; ta có thể rút nó ra thật nhanh chóng và dễ dàng để bắn vào kẻ thù hoặc tự bắn mình, nhưng với khẩu súng trường cồng kềnh của tôi khi đó, nếu chẳng may chúng đột nhập vào bất ngờ trong khi tôi đang ngủ quên, chắc chắn tôi sẽ không kịp làm gì. Chúng tôi đang ẩn mình dưới đống lá khô, và những chiếc máy bay trinh sát cứ vè vè trên đầu... Vì phải nằm yên không nhúc nhích, nên tôi đã ngủ thiếp đi, thậm chí còn ngủ say như chết khoảng ba bốn tiếng đồng hồ. Tôi hoàn toàn kiệt sức. Đến lúc gần tối hẳn, trời bắt đầu lạnh dần.

Bất chấp cuộc đổ bộ khó khăn và bị tấn công với rất nhiều tổn thất nặng nề như vậy, các ông vẫn không ngã lòng?

Không thể có chuyện đó. Chúng tôi bắt đầu tổ chức lại chỉ với hai khẩu súng trường. Mặt khác, Raul đã gặp lại chúng tôi hai tuần sau với thêm năm khẩu súng nữa. Cộng với hai khẩu lúc trước, vậy là chúng tôi có bảy khẩu. Và chính khi ấy, lần đầu tiên tôi đã nói, “Giờ thì chúng ta có thể giành chiến thắng”. Tôi nhớ tới một câu nói nổi tiếng của Carlos Manuel de Cespedes khi ông đáp lại những kẻ bi quan trong một tình huống cũng ngặt nghèo chẳng khác gì chúng tôi, tức là chi còn có mười hai người - ông đã nói, “Chúng ta vẫn còn tới mười hai người! Chừng đó là quá đủ để giành độc lập cho Cuba”. Raul và tôi vẫn luôn có cùng một ý nghĩ: trốn vào dãy núi Sierra và tiếp tục cuộc đấu tranh.

Vì vậy đã có lúc chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu chỉ với bảy khẩu súng trường, nhưng sau đó, với sự giúp đỡ của các đồng chí khác chúng tôi đã lấy thêm được vũ khí từ những đồng chí hy sinh và cả những vũ khí do người của chúng tôi cất giấu để có thể lấy lại về sau này, cuối cùng chúng tôi đã có tất cả một kho vũ khí nho nhỏ gồm 17 khẩu súng, với ngần ấy vũ khí chúng tôi đã có chiến thắng đầu tiên.

Chiến thắng đầu tiên của các ông là gì?

Trận đánh đầu tiên chúng tôi đương đầu với một trung đội tuần tra gồm bộ binh và hải quân hỗn hợp của kẻ thù. Trận đánh xảy ra sau đúng bốn mươi sáu ngày kể từ ngày chúng tôi đặt chân lên bờ tức là vào ngày 17 tháng 1 năm 1957 - trước đó chúng tôi lên bờ ngày 2 tháng 12 năm 1956. Đó là trận giao tranh thắng lợi đầu tiên của chúng tôi, chiến thắng đầu tiên tuy nhỏ bé nhưng lại có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Năm ngày sau, một trung đội lính dù dẫn đầu một thê đội gồm 300 tên đã rơi vào một thế trận phục kích mà chúng tôi dựng sẵn một cách cực kỳ chi tiết - hỏa lực của chúng tôi đã tiêu diệt được khoảng năm tên địch, và chúng tôi đã thu được một khẩu súng trường bán tự động của Đức với toàn bộ những băng đạn đi kèm. Nếu kể lại chi tiết của những gì đã xảy ra trong hai chiến thắng đầu tiên ấy thì sẽ mất rất nhiều thời gian: hai trận đánh diễn ra ở La Plata và Los Llanos del Infierno ở Palma Mocha. Khi đó chúng tới đã phát triển lực lượng lên thành ba mươi người có vũ trang, từ con số mười chín người tham gia ban đầu.

Nhưng ngay sau đó chúng tôi phải đối mặt với những vấn đề vô cùng khó khăn vì một sự phản bội cực kỳ tinh vi và xảo quyệt - kẻ phản bội chúng tôi chính là người dẫn đường duy nhất mà chúng tôi có. Vì vậy lực lượng của chúng tôi đã giảm dần xuống còn hai mươi người, sau đó là mười hai. Sau ngày đổ bộ lên bờ, chúng tôi đã phải gánh chịu ngay một cuộc càn quét khủng khiếp ở Alegría de Pío, chúng tôi đã nhanh chóng hồi phục để rồi lại bị phản bội.

Vậy khó khăn lớn nhất trong giai đoạn đó là gì?

Điều khó khăn lớn nhất ư? Chính là bài học mà chúng tôi rút ra khi đó. Nếu như tám mươi người chúng tôi mà lên bờ ở vị trí thích hợp, tức là đúng vị trí mà chúng tôi lên kế hoạch ban đầu, thì có lẽ chiến tranh sẽ chỉ kéo dài bảy hoặc tám tháng là cùng. Tại sao lại như vậy? Bởi vì kinh nghiệm. Với lực lượng như vậy cùng những kinh nghiệm mà chúng tôi đã có, cộng với năm mươi lăm khẩu súng trường có gắn ống ngắm, những nhà thiện xạ tuyệt vời, chắc chắn cuộc chiến sẽ chỉ kéo dài bảy tháng là cùng. Trên tầu Granma, tôi hiệu chỉnh độ chính xác của tất cả năm mươi lăm khẩu súng trường đó ở cự ly cố định là 600m. Chúng tôi có ba loại súng trường khác nhau mỗi loại lại có tầm bắn và thông số riêng, tùy thuộc vào loại thép và đạn, nhưng khi ở trên tàu Granma, ở khoảng cách mười mét và một công thức đạn đạo, tôi đã hiệu chỉnh tất cả số súng đó theo cự li kia. Phải mất hai ngày tôi mới hiệu chỉnh xong toàn bộ số vũ khí.

----------------------------------------------------------
1. Mặc dù Castro không nói cụ thể tên của cơ chế đó, nhưng trong tiếng Anh có thể gọi là “cò súng hai chế độ”; kéo cò sau trước sẽ “lên” cò trước, lúc này cò trước ở tư thế sẵn sàng và chỉ cần chạm nhẹ súng sẽ nổ. Ở chế độ này, súng thường được sử dụng trong các trường hợp đòi hỏi phải bắn chính xác hay bắn tỉa. Cò trước cũng có thể được kéo độc lập với áp lực bình thường, nặng hơn. Rất ít các nhà sản xuất súng của Mỹ hiện nay còn sản xuất loại súng này và điều đó có nghĩa là loại súng mà Castro dùng có thể do châu Âu sản xuất.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #91 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2013, 04:39:21 pm »

Che mắc chứng hen suyễn, căn bệnh đó gây khó khăn cho ông ấy khi tham gia trong một cuộc chiến tranh du kích. Vậy khi phải lựa chọn người sẽ tham gia vượt biển cùng ông trên con tàu Granma, ông đã loại bỏ một số người khác, nhưng vẫn giữ Che lại. Về sau này, bệnh hen (của Che) có gây cản trở gì không?

Tất nhiên là Che cũng tới Cuba trên con tàu Granma... Và tất nhiên mọi việc đều được chuẩn bị sẫn sàng theo đúng những gì chúng tôi đã lên kế hoạch. Tất cả mọi người đều được lệnh lên tàu bất kỳ lúc nào... Không ai biết thời điểm chúng tôi sẽ nhổ neo. Đêm 24 tháng 11 năm 1956, khi chúng tôi tập trung về một ngôi nhà ở bên bờ sông Tuxpan, Che đã vội vàng lên đường mà quên không mang theo ống hít... Mặc dù vậy, tất nhiên là anh ấy vẫn đi cùng chúng tôi trên tàu Granma...

Mà không mang theo thuốc chữa chứng hen?

Đúng vậy. Và mãi vài tháng sau, trong vùng núi Sierra, sau cuộc gặp gỡ của chúng tôi vào tháng 2 năm 1957 với Herbert Matthews, phóng viên tờ New York Times 1, khi chúng tôi đã khôi phục được con số hai mươi chiến sĩ - lúc này chúng tôi đã quen thuộc hơn với địa hình trên núi, đã trở nên kinh nghiệm hơn trong những kỹ năng sống sót và ứng phó trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, trước sự truy đuổi gắt gao và dai dẳng của kẻ thù, những kẻ đã bị chúng tôi dạy cho một bài học về sự kiêu ngạo tuy vậy chúng vẫn hoàn toàn khinh thường lực lượng rất mỏng của chúng tôi - đến lúc này mới xuất hiện một hoàn cảnh rất phực tạp liên quan đến bệnh hen của Che.

Chúng tôi bị tấn công bởi một thê đội nặng của kẻ thù. Quá trình cơ động của chúng tôi đã bị chậm lại rất nhiều vì Che bầt thình lình lên một cơn hen nghiêm trọng. Lúc đó, thậm chí anh ấy còn hầu như không cử động nổi, trong khi chúng tôi phải trèo lên một sườn núi dựng đứng - chúng tôi đang định men theo triền dốc để chuyển sang vùng rừng rậm thì bị phát hiện bởi một thê đội lính khoảng 300 tên đang bao vây phía sườn trái của chúng tôi, và trớ trêu là chúng lại đang ở chếch phía trên cao hơn so với chúng tôi, trên một dải núi bằng phẳng và vững chắc. Thế là chúng bắt đầu dùng súng cối và súng bắn tỉa tấn công chúng tôi. Mặc dù bị hỏa lực của địch vây bủa khắp xung quanh, chúng tôi vẫn trèo lên được đỉnh núi, gần như vừa phải trèo vừa kéo lê Che theo, tìm cách tới được khu rừng trước khi kẻ thù kịp ập tới. Lúc này đã muộn và trời bắt đầu tối. Chỉ vài phút sau khi chúng tôi tới bìa rừng trời bắt đầu mưa như trút - cả hai bên sườn núi cách nhau khoảng 600-700m đều mưa xối xả. Cơn mưa khiến chúng tôi buộc phải đi tiếp, qua bên kia đỉnh núi sang bên sườn núi trọc, và chính tại đó - khi trời đã tối om - chúng tôi tìm thấy gia đình của hai nông dân, nhà của họ ở cách nhau khoảng vài trăm mét. Tất cả chúng tôi đều bị ướt sũng và rét run cầm cập. Che thậm chí còn không cử động nổi.

Ông ấy lên cơn hen bất thình lình?

Vâng, một con hen cấp tính rất nghiêm trọng. Và chính điều đó đã đẩy chúng tôi vào một tình huống cực kỳ khó khăn. Lúc đó lại chẳng có thuốc men gì cả. Có lẽ anh ấy đã bị lên cơn hen từ lúc ở Manzanillo, tại địa điểm chúng tôi gặp Matthews. Từ lúc đó trở đi Che không nói được một lời nào. Suốt trên đường trốn chạy, anh ấy nằm im bất động, trong khi kẻ thù truy đuổi sát phía sau chúng tôi. Chúng tôi không nghĩ chúng sẽ hành quân trong đêm qua khu rừng, trong bóng tối, bùn lầy và đủ những mối nguy hiểm khác. Chắc chắn chúng sẽ đi tiếp khi trời sáng và chúng sẽ đuổi theo chúng tôi.

Tôi tự giới thiệu mình với hai người nông dân, và lấy hết vẻ bình tĩnh và điềm đạm của mình, tôi bảo họ rằng tôi là một Đại tá trong quân đội của Batista. Nói như vậy cũng chẳng có gì là lạ, vì chắc chắn cả buổi chiều hôm đó những người nông dân này đã nghe thấy tiếng súng cối và súng trường nổ ran gần đó. Nhiều lúc cũng phải dùng đến những mưu mẹo như vậy, vì lúc đầu, hai người nông dân tỏ ra rất sợ hãi khi lần đầu tiên một đội quân phiến loạn ập vào nhà họ lúc trời tối như thế này, vì chắc chắn hôm sau họ sẽ bị trừng phạt nếu dám chứa chấp chúng tôi. Nhưng vỏ bọc của tôi có một điểm lộ liễu: tôi quá tử tế. Lúc đó tôi tự nhủ: “Mình phải tìm hiểu hai người này, mình phải tìm ra cách sai một người trong bọn họ đi kiếm thuốc chữa bệnh”. Tôi đã nói chuyện hàng giờ liền với hai người nông dân này. Tôi sẽ không nhắc đến tên của một người trong đó, vì rõ ràng ông ta đứng về phe của Batista, nhưng ông ta nói, “Thưa Đại tá, xin ông cho tôi gửi lời hỏi thăm tới vị Tướng của chúng ta, và bảo với ông ấy rằng... v.v...” Trời ạ, nghe ông ta bợ đỡ Batista mà ghê hết cả người! Người kia thì không tỏ ra hồ hởi như vậy - ông ta rất kín kẽ. Thế là tôi bèn tìm cách nói chuyện với ông ta, tên ông ta là Isacc. “Vậy ông nghĩ thế nào về ông ấy?” - tức là về Batista. Và ông ta nói, “Hừm, tôi là người của Đảng Chính thống”. Xưa nay Đảng Chính thống vẫn kiên quyết chống lại Batista. Isacc nói tiếp, “Nhưng dù sao cũng phải xem xét những gì ông ta đã làm...” Tất nhiên khi nghe nói vậy trong đầu tôi chỉ hình dung ra những cảnh đốt nhà, giết người đầy kinh hoàng mà chế độ của ông ta đã gây ra... Vậy là tôi biết ông ta đứng về phe nào. Ông ta hoàn toàn không mặn mà gì với phe Batista; ông ta căm thù tên độc tài. Thế là tôi bảo ông ta, “Nghe này, tôi không phải Đại tá gì hết. Tôi là Fidel Castro”, ông ta không giấu được vui mừng khi nghe tôi nói vậy - mắt ông ta trợn tròn như thế này nầy, ông ta vui không thể tả được!

Tôi bảo ông ta, “Chúng tôi đang bị kẹt - chúng tôi có một đồng chí bị bệnh, phải có ai đó xuống Manzanillo mua thuốc cho anh ấy. Và chúng tôi cần một nơi kín đáo để giấu anh ấy thật kỹ không để quân đội phát hiện”. Chúng tôi đưa cho Isacc một số tiền để ôngt ta đi ngay lúc trời hửng sáng xuống Manzanillo mua thuốc. Và thế là ông ấy đi ngay 2.

Chúng tôi tìm được một nơi kín đáo và để Che ở lại đó cùng với vũ khí của anh ấy và một đồng chí khác. Những người còn lại trong nhóm - khi đó chúng tôi có mười tám người cả thảy - đi tiếp theo một con đường mà quân đội cũng sẽ phải đi lên, một con đường rộng nhưng lầy lội dẫn đến Minas del Frio.

----------------------------------------------------------
1. Herbert Matthews là nhà báo đầu tiên không phải người Cuba đến Sierra Maestra khi tất cả các phương tiện thông tin đại chúng ở Cuba còn đang thăm dò thông tin về lực lượng nổi dậy và chiến dịch tuyên truyền của Batista cho rằng Castro đã bị giết trong trận chiến đấu ở Alegrìa de Pio. Lúc đó, Matthew 57 tuổi và là người phụ trách khu vực châu Mỹ La-tinh của tờ New York Times, ông từng là phóng viên của tạp chí Times ở Ethiopia khi Italia xâm lược đất nước này vào năm 1953; ở Tây Ban Nha, trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha; và ở châu Âu trong cuộc đại chiến thế giới thứ hai. Ông phỏng vấn Castro vào ngày 17 tháng 2 năm 1957 và xuất bản ba bài báo trên tờ New York Times. Bài đầu tiên đăng trên trang đầu số báo ngày 24 tháng 2 với tiêu đề là “Đến thăm quân nổi dậy Cuba tại khu ẩn náu; Castro vẫn còn sống và đang chiến đấu ở khu vực miền núi”; hai bài báo còn lại được xuất bản vào ngày 25 và 26 cùng tháng đó. Vào ngày 28, tạp chí Times cũng cho đăng một bức ảnh chụp Matthews với Castro như để chứng minh cuộc phỏng vấn thực sự có diễn ra và tuyên bố của Chính phủ Batista là giả dối. Bức ảnh này chẳng bao lâu được xuất bản trên toàn thế giới. Chính nhờ Mathews mà cuộc chiến tranh du kích của nhân dân Cuba được thế giới biết đến và nhà lãnh đạo của cuộc đấu tranh này cũng được biết đến là một chiến binh tự do lãng mạn.

2. Sau lần đầu tiên phục vụ cho lực lượng du kích, Jose Issac vẫn tiếp tục họp tác với quân đội nổi dậy. Ông qua đời ở Havana vào cuối những năm 1990. (Chú thích của Biên tập viên Cuba). (Không rõ Biên tập viên người Cuba muốn sửa lại trích dẫn của Castro về cái tên “Isaac” của người đàn ông này, hay ngưòi đàn ông có tên đầy đủ là Jose Isaac thường được gọi là Isaac. Cần chú ý rằng, trong mấy đoạn sau, chính Castro cũng gọi ông ấy là “Jose Isaac”).

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #92 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2013, 04:45:47 pm »

Khi đó chúng tôi hành quân rất khẩn trương. Guillermo García 1 mặc một bộ quân phục Hạ sĩ quan cùng chiếc mũ sắt chiến lợi phẩm mà anh ấy thu được trong một trong những lần giao tranh đầu tiên của chúng tôi. Lúc nào chúng tôi cũng đói thông tin nên chúng tôi buộc phải thăm dò kỹ tình hình trước khi lên kế hoạch làm việc gì đó. Vậy là đến lúc này chúng tôi đã chuyển vào chiến đấu trong vùng núi Maestra 2  và bất ngờ chạm trán với một đội hình của kẻ thù đang hành quân truy quét ngay bên cạnh. Lúc này lực lượng của chúng tôi đang hết sức phân tán, thực hiện một số việc khác nhau cùng một lúc. Cuối cùng trong tổng số mười tám thành viên trong nhóm thì sáu người đi một đường - có cả những nông dân vừa mới gia nhập vào hàng ngũ của chúng tôi - vậy là thực chất chỉ còn có mười hai người, tất cả đều là những người lên bờ từ con tàu Granma.

Cũng trong ngày hôm đó, viên Tư lệnh của quân đội Batista - thật là trùng hợp lạ lùng - đã có bài phát biểu, và ông ta nói, “Chúng ta sẽ truy quét thật gắt gao cho tới khi tiêu diệt toàn bộ bọn chúng. Bọn chúng chỉ còn có mười hai tên, và không sớm thì muộn chúng sẽ phải đầu hàng hoặc tìm đường bỏ trốn - nếu còn kịp”. Lúc này thì Che không đi cùng chúng tôi, vì anh ấy đang nằm ở một nơi ẩn nấp kín đáo mà chúng tôi đã để anh ấy lại.

Nhân tiện cũng nói thêm là José Isacc, tên người nông dân đó, đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Tức là ông ta đã mang được thuốc về.

Ông ta đã mua được thuốc về. Trước khi chia tay, tôi giao cho Che một nhiệm vụ - tiếp nhận những hoạt động tăng viện về con người và vũ khí mà Frank Pais đang gửi tới cho chúng tôi từ Santiago de Cuba. Trong khi đó, tôi dẫn đầu một Chi đội độc lập đi về phía đông qua dãy núi Sierra Maestra để trinh sát tình hình. Có một vấn đề liên quan đến các tân binh mới gia nhập - chúng tôi nhận ra vấn đề này sau vài tháng tiếp nhận: họ hoàn toàn không có kinh nghiệm như chúng tôi, cho nên việc bố trí những trận mai phục hoặc tấn công bất ngờ rất có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhưng được cái tất cả đều rất quyết tâm, vì họ muốn làm trong một vài tháng những gì mà họ nghe nói người khác đã làm trong một năm. Trong những hoàn cảnh như vậy thì nếu có một người chỉ huy tốt, chúng ta sẽ có những tân binh cực kỳ xuất sắc.

Khi lực lượng tăng cường tới nơi, tức là vài tuần sau đó, cũng lại có vấn đề, vì trong khi Che là người Argentina thì những chiến sĩ mới nhiều người tỏ ra rất kỳ thị.

Che vẫn bị coi là một người Argentina?

Lúc đó Che vẫn chưa phải là chỉ huy. Anh ấy chỉ đảm nhiệm vai trò bác sĩ quân y trong đội, nhưng càng ngày anh ấy càng chứng tỏ được mình...

Vai trò bác sĩ quân y trong lực lượng du kích được ông ấy thực hiện như thế nào?

Che ở lại phía sau với những người bị thương và anh ấy chăm sóc họ với những kỹ năng chữa trị cực kỳ thành thạo. Anh ấy là như thế. Trên cưong vị một Bác sĩ, anh ấy bao giờ cũng phải ở lại phía sau với những người bị thương, vì một khi ở giữa rừng núi mênh mông và hiểm trở như vậy, khi cả đội bị địch không ngừng truy đuổi từ khắp mọi hướng, lực lượng chủ chốt của chúng tôi lúc nào cũng phải di chuyển liên tục sau mỗi lần giao chiến, và để lại những dấu vết nhất định cho kẻ thù bám theo, như thế Bác sĩ quân y và những người bị thương mới có thể an toàn điều trị ở một nơi nào đó phía sau. Ban đầu anh ấy là Bác sĩ quân y duy nhất trong toàn lực lượng, cho tới khi có những Bác sĩ khác gia nhập hàng ngũ của chúng tôi.

Sau trận đánh đầu tiên, chúng tôi lại bố trí mai phục một trung đội lính dù; lúc nầy chúng tôi có gần ba chục chiến sĩ, như tôi đã nói. Trong trận đánh đầu tiên chúng tôi không phải chịu thương vong nào, trận thứ hai cũng vậy. Và một Bác sĩ như Che chưa có việc gì để làm cả.

Nhưng trận đánh ác liệt nhất đã diễn ra khi chúng tôi tấn công trại lính ở Uvero, ngay bên bờ biển 3. Phải nói rằng đó là một hành động cực kỳ liều lĩnh của chúng tôi, nhưng nguyên nhân là vì khi đang ở trên núi theo dõi các hoạt động hành quân của quân đội kẻ thù và chờ cơ hội tấn công, chúng tôi nhận được tin báo rằng một số người Cuba vũ trang vừa đổ bộ xuống vùng phía nam tỉnh Oriente (bây giờ là tỉnh Santiago). Họ thuộc về một tổ chức khác, và chưa bao giờ phối hợp hành động với bất kỳ lực lượng nào. Chúng tôi nhớ tới những khó khăn, gian khổ mà chúng tôi đã phải trải qua khi mới đổ bộ lên bờ, và để thể hiện tinh thần đoàn kết với những người vừa lên bờ, chúng tôi quyết định tiến hành một cuộc tấn công cực kỳ táo bạo xét theo các tiêu chí quân sự, đó là tấn công vào một đơn vị đang đồn trú trong căn cứ bố trí ngay bên bờ biển, phía nam dãy núi Sierra cách không xa khu vực hoạt động của chúng tôi.

Mục tiêu đề ra quá liều lĩnh, nhưng chúng tôi vẫn quyết định làm, như tôi đã nói, để giúp một nhóm du kích khác hoàn toàn không có liên hệ gì với chúng tôi nhưng dù thế nào họ cũng là đồng đội của chúng tôi; chúng tôi biết những chuyện gì có thể xảy ra với họ và đến lúc này chúng tôi đã trở nên rất tự tin về năng lực của mình. Để yểm trợ cho họ, chúng tôi đã quyết định phá vỡ nguyên tắc hoạt động ban đầu của mình. Chúng tôi tiến hành một cuộc tấn công cực kỳ táo bạo trong đó phải đến một phần ba những người tham gia hy sinh hoặc bị thương nặng. Và cuộc tấn công lại được thực hiện ngay giữa ban ngày. Cũng may là ngay lập tức chúng tôi đã phá hủy được hệ thống thông tin liên lạc của kẻ thù, nên chúng không kịp gọi không quân hoặc pháo binh đến tăng viện.

-----------------------------------------------------------
1. Guillermo Garcia Frias, một nông dân sinh ra và lớn lên ở Sierra Maestra, là ngưòi có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị và đón nhận đội quân trở về Granma và giúp lấy lại vũ khí cũng như quy tụ lại đội hình lực lượng đã bi phân tán sau vụ chiến đấu ở Alegria. Từ rất sớm, ông đã tham gia lực lượng du kích, có mặt trong hai chiến thắng quan trọng đầu tiên. Vì những cống hiến lớn lao của ông trong suốt cuộc chiến, ông được tặng thưởng danh hiệu Tổng tư lệnh danh dự của Cách mạng. Từ năm 1959, ông đã nắm giữ những chức vụ quan trọng trong quân đội và cả ngoài dân sự, hiện tại, ông là Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia các hệ động thực vật.

2. Trong tên gọi Sierra Maestra, từ “Maestra” thường chỉ tên dãy núi hay lưu vực sông của dãy núi này chạy theo chiều trục dọc từ phía tây, bắt đầu từ sông Toro, xuống phía đông. Đây là dãy núi chia đôi lưu vực sông phía bắc và lưu vực sông phía nam. Minas del Frio, địa điểm mà Castro đề cập là điểm tập kích của đội quân du kích đêm hôm đó và cũng là địa điểm nằm trên dãy núi này. (Chú thích của Biên tập viên Cuba).

3. Trận chiến ở Uvero diễn ra vào ngày 28 tháng 5 năm 1957.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #93 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2013, 04:53:30 pm »

Khi đó tôi đang dùng một khẩu súng trường có gắn ống ngắm mà tôi đã cho ông xem 1, và thông thường bao giờ tôi cũng nổ súng đầu tiên - kiểu như tín hiệu phát lệnh tấn công. Để ông hình dung được mức độ ác liệt của trận giao tranh trong khu doanh trại đó, tôi xin kể một chi tiết là trong đó bọn lính nuôi bảy con vẹt và có đến năm con bị bắn chết. Khi trận đánh bắt đầu nổ ra, chúng tôi có hai trung đội dự bị; họ được bố trí ở những điểm cao gần đó và liên tục bắn vào mục tiêu để yểm trợ cho chúng tôi. Chúng tôi cần quan sát xem bọn lính trong căn cứ phản ứng như thế nào. Có những thân gỗ lớn chất đống phía sau công sự, vì đó là một khu vực có rừng rậm bao phủ và gỗ được khai thác ở đây rồi chuyển tới Santiago de Cuba. Một số tên lính núp sau những súc gỗ này và bắn trả chúng tôi, bắn thẳng lên những điểm cao mà chúng tôi đang chốt. Bọn lính còn có cả những lô cốt xây bằng gỗ lớn rất khó tiêu diệt; chúng nổ súng bắn trả lực lượng tấn công từ phía sau những công sự kiên cố này.

Trong trận đánh này, nhiều chỉ huy trung đội và tiểu đội đã chiến đấu vô cùng anh dũng, tiêu biểu là Guillermo, người chỉ huy một tiểu đội trong nhóm tấn công từ phía tây và chiếm lô cốt phòng ngự ở phía này - anh ấy cùng với Furri 2 và những chiến sĩ dũng cảm khác thuộc biên chế trung đội Santiago.

Sau khi địch bắn trả những phát súng đầu tiên nhắm vào chúng tôi, Juan Almeida 3 được lệnh dẫn trung đội của mình tấn công thẳng vào công sự chính của chúng. Khi áp sát mục tiêu, anh ấy chỉ huy đơn vị nổ súng và suýt nữa họ đã chiếm được một hỏa điểm phía bên tay trái. Trong trận đó anh ấy bị bắn ba phát liền.

Ramiro Valdes, người chỉ huy thứ hai trong trung đội của Juan, và chiến đấu rất gần với Juan khi đó đã nói rằng ngoài Juan ra thì còn có đồng chí Julito Diaz cũng hy sinh vì bị một viên đạn bắn trúng vào mắt.

Mặc dù bị tấn công bất ngờ với khá nhiều thương vong, nhưng kẻ thù đã nhanh chóng tổ chức lại đội hình và chống trả cực kỳ quyết liệt.

Giữa lúc tình đang nguy cấp như vậy, tôi cử Raul, người đã chiến đấu bên cạnh tôi ngay từ khi cuộc tấn công bắt đầu nổ ra, dẫn lực lượng tấn công vào mục tiêu chính, để yểm trợ cho những đồng chí đang chiến đấu rất ác liệt trước đó. Đó là lực lượng dự bị cuối cùng mà chúng tôi có. Celia 4 cũng đi cùng tôi, ngoài ra còn có bốn năm đồng chí khác thuộc Ban Tham mưu cũng có mặt ngay từ đầu cuộc tấn công, tức là trước đó hai giờ đồng hồ. Trước đó, tôi ra lệnh cho Che tấn công lên theo sườn bên trái; anh ấy có một khẩu tiểu liên. Anh ấy đang đi cùng với Ban chỉ huy của chúng tôi - có thể thấy là Che đang rất sốt ruột, anh ấy chỉ chăm chăm xông lên hỗ trợ cho những chiến sĩ đang chiến đấu phía trước, và thế là tôi cử anh ấy cùng với hai ba đồng chí khác tiến lên yểm trợ cho đội hình của chúng tôi đang chiến đấu ở sườn trái mục tiêu, trong khu vực kẻ thù có thể được tăng viện, mặc dù chúng tôi biết rõ quân lính của chúng đang ở đâu và phải mất bao nhiêu lâu nữa chúng mới kịp tới nơi.

Điều lạ lùng là tất cả những trung đội trưởng và tiểu đội trưởng chủ chốt đều tham gia trong trận đánh dữ dội đó. Ba người trong đó - Raul, Almeida và Ramiro - từng tham gia cuộc tấn công vào trại lính Moncada và đều quay về Cuba trên con tàu Granma, còn hai người khác, Guillermo García, người nông dân đầu tiên tham gia vào đội ngũ của chúng tôi sau trận càn ở Alegría de Pío và Abelardo Colomé, người mà chúng tôi vẫn gọi là “Furri”, là người gốc Santiago và được Frank Pais gửi đến tăng viện cho chúng tôi.

Chúng tôi đã gặp may vì kẻ thù không kịp huy động máy bay tới yểm trợ, vì như tôi đã nói, việc phải đối phó với những chiếc máy bay trên đầu sẽ vô cùng khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh địch ở trên máy bay nã súng máy vào những vị trí trống trải của chúng tôi trên những điểm cao trông xuống khu doanh trại của bọn lính. Giả sử mà máy bay địch xuất hiện và tham gia phản công, chắc chắn chúng tôi sẽ phải ra lệnh rút lui, điều đó thì không có gì phải nghi ngờ; chúng tôi sẽ phải rút lui ít nhất là một tiếng trước khi máy bay địch kịp xuất hiện. Binh lính địch có vũ khí tự động và bán tự động, chúng chống trả quyết liệt, cực kỳ quyết liệt từ sau những lô cốt. Đó là một đại đội lính đặc nhiệm thiện chiến nhất của chúng.

Che thực hiện nhiệm vụ mà tôi đã giao cho anh ấy. Trận đánh ở Uvero diễn ra trong khoảng ba tiếng. Bên địch có mười một tên thiệt mạng và mười chín tên bị thương, trong đó có cả một tên trung úy chỉ huy căn cứ. Chúng tôi có bảy đồng chí hy sinh và tám người bị thương, trong đó có những người bị thương rất nặng. Sau khi giành chiến thắng, chúng tôi nhanh chóng tổ chức cứu chữa cho những người bị thương. Che và tay Bác sĩ của căn cứ đó điều trị cho những tên lính địch bị thương trước, vì chúng bị thương nhiều hơn chúng tôi, sau đó mới chữa trị cho người của chúng tôi. Che lần lượt băng bó và chữa trị cho tất cả mọi người. Ông không thể tưởng tượng là anh ấy làm việc ân cần và nhẹ nhàng như thế nào đâu!

Chúng tôi đã thu giữ được bốn mươi lăm khẩu súng trường - hai mươi tư khẩu bán tự động Garand, hai mươi khẩu Springfield và một khẩu tiểu liên Browning - cùng với khoảng 6000 viên đạn cỡ .30-06, cùng những mũ khí và trang bị khác - súng ngắn, quân phục, giầy cao cổ, ba lô, băng đạn, mũ sắt và lưõi lê. Chúng tôi bắt theo một số tù binh đi cùng mình, trong khi chúng tôi buộc phải để lại hai người bị thương của chúng tôi ở đó - chúng tôi phải bỏ họ lại vì họ bị thương nặng và không tự đi được.

---------------------------------------------------------
1. Castro và tôi (Ramonet) đến thăm tổ hợp trại lính Moncada ở Santiago de Cuba vào ngày 19 tháng 1 năm 2003 và chính ở đây tôi được nhìn thấy khẩu súng có ý nghĩa lịch sử đó.

2. Tướng Abelardo “Furri” Colome Ibarra, hiện là Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Cuba, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

3. Juan Almeida Bosque (sinh năm 1927), từng giữ chức vụ Tư lệnh Lực lượng Vũ trang cách mạng, ông gặp Castro ở trường đại học và tham gia cuộc đấu tranh chống Batista sau vụ đảo chính vào ngày 10 tháng 3 năm 1952. Ông tham gia vào vụ tấn công trại lính Moncada, bị bắt và bị két án tù. Ông là một trong những người đã tham gia đổ bộ vào Granma và tham gia rất nhiều trận chiến và phục kích ở Sierra Maestra. Năm 1958, ông được phong chức Tư lệnh và được giao phụ trách Mặt trận thứ ba của quân đội nổi dậy ở khu vực xung quanh Satiago de Cuba, ông là Uỷ viên Bộ Chính trị từ khi thành lập vào năm 1965 và đã từng nắm giữ một số vị trí trong Chính phủ. Hiện ông là Chủ tịch Hiệp hội các chiến binh cách mạng Cuba.

4. Celia Sanchez Manduley (1920-1980) sinh ra ở một thị trấn nhỏ ở Media Luna thuộc tỉnh Oriente, nay là tỉnh Granma. Từ khi còn trẻ, bà đã tham gia phong trào phản đối các chính phủ tham nhũng của Đảng Chân chính và sau cuộc đảo chính vào ngày 10 tháng 3 năm 1952, bà tham gia cuộc đấu tranh chống chế độ Batista. Bà tham gia tổ chức 26/7 khi nó được chính thức thành lập năm 1955, và được giao nhiệm vụ chuẩn bị, trong toàn khu vực bờ biến phía tây nam của tỉnh Oriente trước kia, các điều kiện để tiếp nhận đội quân trở về Granma. Dưới sự chỉ đạo của Frank Pais, bà là một trong những chỉ huy chính của đội quân tăng cường được cử từ khu vực đồng bằng lên chi viện cho Sierra Maestra. Tháng 10 năm 1957, bà tham gia lực lượng du kích và chẳng bao lâu sau thì trở thành đồng minh quan trọng của Castro trong việc tổ chức lực lượng quân nổi dậy ở phía sau. Năm 1959, bà được giao chức Trợ lý Chủ tịch nước, và năm 1976, là Thư ký Hội đồng Nhà nước, chức vụ mà bà đảm nhận cho đến khi qua đời vào năm 1980. Xem Pedro Alvarez Tabio, Celia, ensayo para una biografia, Havana: Oficina de Publicaciones del Consejo de Estado, 2003. (Chú thích của Biên tập viên Cuba).

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #94 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2013, 04:57:55 pm »

Ông bỏ người bị thương của mình lại?

Để tôi giải thích cho ông rõ. Chúng tôi bắt một số tên lính làm tù binh để bảo đảm rằng người của chúng tôi bị thương và phải ở lại căn cứ đó sẽ không bị địch giết hại. Cũng không phải chúng tôi sẽ làm gì đó để trả thù, mà chẳng qua đó là chỉ là cách gây áp lực với kẻ thù. Có nghĩa là một khi có trong tay mười lăm hay mười sáu tên tù binh, chúng tôi có thể đảm bảo được là quân địch sẽ không dám hại hai đồng chí của mình. Những người bị thương của cả hai bên, của cả chúng tôi lẫn của phe địch, những người không thể tự đi được, đều ở lại đó. Chúng tôi chỉ mang theo những tù binh tự đi được.

Che chữa trị cho những người bị thương. Anh ấy biết là một người của chúng tôi đang bị thương rất nặng và sẽ không còn sống được bao lâu - đó là một thanh niên vô cùng ưu tú. Ông biết Che đã làm gì không? Anh ấy đã hôn cậu thanh niên đang hấp hối ấy trước khi lên đường... Tôi vô cùng đau đớn khi anh ấy nói với tôi rằng cậu ấy sẽ không qua khỏi, tôi còn nhớ lúc Che cho biết anh ấy sẽ không thể làm gì để cứu được người đồng chí trẻ tuổi kia, và anh ấy cúi xuống hôn lên trán đồng chí đó - Che biết chắc chắn rằng cậu ấy sẽ không qua khỏi. Còn đồng chí kia thì sống 1. Tất nhiên là chúng tôi mang theo những người bị thương còn lại của mình, bao giờ chúng tôi cũng làm thế, trong đó có Almeida. Và bao giờ cũng vậy, Che đi cùng chúng tôi trên chiếc xe cuối cùng. Tôi để người của mình đi trước, sau đó chúng tôi nhanh chóng rút ra khỏi khu vực đó. Tôi chỉ huy mọi người cố gắng leo lên vùng núi cao hơn, chỗ có rừng mọc rậm rạp, vì quân tiếp viện của kẻ thù có thể ập tới bất kỳ lúc nào, thậm chí còn có cả máy bay... Và đáng ngại nhất là một tên lính trong cứ điểm đó đã trốn thoát - chúng tôi vẫn chưa bắt lại được - chắc chắn hắn sẽ chạy đi tìm lực lượng của mình và báo cáo lại những gì đã xảy ra và có thể lúc này bọn kia đã biết về cuộc tấn công.

Chúng tôi cử Che đi cùng một nhóm nhỏ, để hạn chế tối đa dấu vết để lại trên đường, đưa những người bị thương tới một nơi nằm giữa vùng rừng núi để điều trị và chữa chạy cho họ. Che đi cùng với một số chiến sĩ khác cùng vũ khí đầy đủ. Và thế là Che cùng tổ chiến sĩ của mình ở lại với những người bị thương và chăm sóc họ. Khi đó địch đang triển khai một số thê đội tới khu vực này, và chắc ông hình dung được chúng sẽ điên cuồng làm mọi điều có thể để trả thù cho cuộc tấn công liều lĩnh và táo bạo đó của chúng tôi...

Chúng tôi đi men theo một con đường mòn, luồn lách qua giữa những đội hình của quân địch về phía tây bắc. Chúng sẽ phải bám theo chúng tôi tới một khu vực nhất định, và đó không phải là một cuộc hành quân dễ dàng. Trong khi đó Che và người của anh ấy sẽ an toàn ở lại phía sau. Phải đến một tháng sau đó Che mới gặp lại toàn đội của chúng tôi, cùng với một số nông dân mới đi theo anh ấy. Sau đó Che chính là người chỉ huy đầu tiên được chúng tôi bổ nhiệm. Có hai người đã chiến đấu vô cùng anh dũng và nổi bật trong trận đánh đó: Che và Camilo.

Camilo Cienfuegos.

Đúng vậy, Camilo. Anh ấy không phải là dân trí thức và học nhiều như Che, nhưng Camilo quả là một nhà lãnh đạo đặc biệt xuất chúng, rất can đảm, táo bạo, nhưng cũng rất nhân văn. Hai người đặc biệt yêu quý và ngưỡng mộ lẫn nhau. Camilo đã chiến đấu rất anh dũng và khẳng định được mình, anh ấy đã chỉ huy đội tiền trạm, trong Thê đội I, trong những ngày gian khổ nhất của những tháng đầu tiên. Giờ đây chúng tôi phân công anh ấy vào cùng thê đội với Che. Một thời gian sau, anh ấy bắt đầu thâm nhập về vùng đồng bằng và xây dựng được cả một mặt trận kháng chiến sâu rộng ở đó - đó là công việc vô cùng khó khăn vì chúng tôi hoàn toàn chưa có kinh nghiệm gì trong địa hình trống trải như vậy. Tóm lại Camilo đã thể hiện được vai trò đặc biệt xuất sắc của anh ấy.

Và đó chính là thời điểm ông tiến hành tổ chức nhiều mặt trận du kích khác nhau, cùng với Che, Camilo và Raul - em trai ông.

Tôi đã giao cho Che nhiệm vụ xây dựng thê đội thứ hai cùng với Camilo và những người khác, kết hợp với những chiến sĩ xuất sắc trở về sau trận đánh ác liệt ở Uvero, trong đó có cả những tù binh và sĩ quan vốn phục vụ trong hàng ngũ của địch. Thê đội thứ hai này sẽ hoạt động ở phía đông đỉnh núi Turquino (gần bờ biển phía nam), cách không xa thê đội đầu tiên. Đó chính là Mặt trận thứ nhất, cùng với thê đội ban đầu và thê đội mới do Che tổ chức.

Vào thời điểm đó, thê đội du kích đầu tiên của chúng tôi vần hoạt động theo chiến thuật tấn công rồi rút lui và ẩn mình một thời gian, chúng tôi hoàn toàn chưa có căn cứ kháng chiến cố định. Trong suốt cả cuộc chiến tranh tôi vẫn luôn chỉ huy thê đội I. Chính từ thê đội I đó đã nhân rộng ra các đơn vị còn lại; đầu tiên là thê đội của Che, sau đó là đơn vị của Raul. Raul đã băng qua dãy núi Sierra Maestra sang khu vực đồi núi ở mạn đông bắc của hòn đảo với năm mươi chiến sĩ; đó là lần đầu tiên chúng tôi băng qua đồng bằng theo hướng đó và mọi chuyện đã được thực hiện thật hoàn hảo, họ đã xây dựng thành công Mặt trận thứ hai (ở miền Đông). Trong khu vực rộng mênh mông và tách biệt đó, Raul được giao toàn quyền xây dựng các thê đội và bổ nhiệm các chỉ huy. Và thế là ngay lập tức, cậu ấy thành lập thê đội của Juan Almeida, thê đội thứ ba, và từ đó phát triển thành Mặt trận thứ ba.

Vậy là có các thê đội mới của Camilo và Che, của Raul và Ouan Almeida, rồi còn có cả một số đơn vị mới ở phía đông, mạn tây bắc tỉnh Oriente, và vùng trung tâm hòn đảo, trước hoặc sau cuộc phản công cuối cùng của quân địch - tất cả những chỉ huy đó đều bắt đầu từ Thê đội I.

Ngay từ thời điểm đó ông đã hoàn toàn không nghi ngờ rằng Che Guevara sẽ là một lãnh tụ cách mạng xuất chúng?

Phải nói rằng anh ấy là một tấm gương cách mạng điển hình. Anh ấy được những chiến sĩ dưới quyền mình ngưỡng mộ và khâm phục. Một người chỉ huy vĩ đại. Tôi tin rằng anh ấy là tấm gương cho một người cách mạng chân chính.

----------------------------------------------------------
1. Rogoberto Sillero qua đời khi đang được đưa bằng máy bay tới Santiago de Cuba; cũng trên chuyến bay đó còn có Pedro Carreras, Chỉ huy Lực lượng đồn trú ở Uvero, người cũng bị thương nặng trong trận chiến đấu ác liệt đó. Một người khác của lực lượng nổi dậy cũng bị thương nặng đó là Mario Leal nhưng còn sống sót và trong suốt thời gian sau của cuộc chiến bị bắt giam ở Isal de Pines. (Chú thích của Biên tập viên Cuba).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #95 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2013, 05:01:37 pm »

Người ta nói rằng có lẽ Che hơi liều lĩnh, nhiều khi liều lĩnh đến bạt mạng.

Anh ấy cực kỳ táo bạo. Nhiều lúc anh ấy cho rằng phương pháp tấn công tốt nhất là sử dụng một nhóm trang bị nặng với đầy đủ mìn chống bộ binh và các loại hỏa lực mạnh khác. Trong khi đó Camilo lại thiên về sử dụng các đơn vị trang bị nhẹ. Che lúc nào cũng có xu hướng bắt các chiến sĩ của mình mang thật nhiều vũ khí trang bị khi tấn công. Và nhiều khi anh ấy hoàn toàn có thể tránh được những tình huống đối đầu, một trận giao chiến, một trận đánh giáp lá cà, nhưng không bao giờ anh ấy làm thế cả. Đó là một sự khác biệt nữa giữa anh ấy và Camilo. Phải nó là Che rất can đảm nhưng nhiều khi anh ấy quá liều lĩnh... Đó là lý do tại sao thỉnh thoảng tôi lại phải đe anh ấy, “Cậu phải chịu trách nhiệm về những chiến sĩ mà cậu chỉ huy”.

Vì ông ấy nhiều khi tỏ ra quá liều lĩnh.

Chắc chắn Che đã không thể nào sống sót qua khỏi cuộc chiến tranh của chúng tôi nếu như không có những biện pháp để kiểm soát và kiềm chế sự táo bạo và liều lĩnh đến mức khinh suất của anh ấy. Tôi muốn nói đến lần truy quét cuối cùng của quân địch, khi đó cả Camilo và Che đều không trực tiếp tham chiến trên tuyến đầu. Tôi phái Che tới trường huấn luyện tân binh, tại đó chúng tôi đang có khoảng một nghìn tân binh được tuyển mộ. Ramiro Valdes và Guillermo García cùng ở lại phía sau chỉ huy thê đội của họ chiến đấu chống lại đợt truy quét cuối cùng của quân đội Batista. Về sau, tôi cũng có điều anh ấy ra tăng cường cho Thê đội I, nhưng chủ yếu là Che được phân công phụ trách trường huấn luyện tân binh và chịu trách nhiệm phần cực tây của Mặt trận thứ nhất, sẵn sàng đương đầu với kẻ thù khi cần thiết.

Và ông bố trí như vậy để họ không phải đối mặt với quá nhiều nguy hiểm?

Đúng thế, vì dù sao họ cũng là những người lãnh đạo. Tôi cần bảo vệ họ thật cẩn thận để có thể sử dụng họ cho những chiến dịch mang tính chiến lược sau này. Thê đội của Raul trên Mặt trận thứ hai có vai trò chiến lược, cũng như các thê đội của Almeida ở Mặt trận Santiago, thê đội của Che ở Las Villas và thê đội của Camilo, ban đầu được đưa tới Pinar del Rio.

Trong khi chống lại đợt tấn công của Batista, chúng tôi đã mất đi nhiều chỉ huy dũng cảm và thiện chiến, những người chỉ huy xuất sắc và uy tín nhất. Tôi gần như không còn người chỉ huy nào ở Thê đội I, nhưng những người mà tôi đã nhắc đến đều là những chỉ huy rất đáng tin cậy và quả cảm, tất cả đều rất dầy dạn kinh nghiệm cho dù họ chiến đấu ở đâu chăng nữa, tất cả đều quán triệt nguyên tắc của cuộc cách mạng đối với quần chúng nhân dân cũng như đối với kẻ thù, và dù ở đâu họ cũng phát huy được những tố chất và bài học kinh nghiệm mà chúng tôi đã rút ra được từ những tháng đấu tranh gian khổ và hiểm nghèo đầu tiên - trong một cuộc chiến tranh mà lần lượt từng người đã có những đóng góp vô cùng to lớn.

Sau cuộc tấn công cuối cùng của Batista, chúng tôi đã cử Che chỉ huy một thê đội gồm 140 chiến sĩ tới Las Villas. Anh ấy còn mang theo một trong những khẩu bazôka mà chúng tôi mới thu được, cùng những trang bị tốt nhất, những chiến sĩ tốt nhất. Và chúng tôi cũng cử cả Camilo đi nữa. Vậy là chúng tôi đã chọn ra hai nhà chỉ huy xuất sắc nhất của mình, cho dù Camilo mang theo ít trang bị hơn. Che lúc nào cũng mang theo rất nhiều, anh ấy cứ khăng khăng đòi mang theo mấy quả mìn chống tăng. Thậm chí có lúc anh ấy còn đề xuất sử dụng phương tiện cơ giới trong tấn công, và anh ấy làm như vậy thật, tôi cũng chấp nhận cho anh ấy làm thế, nhưng khi họ bắt đầu tới được khu vực đó thì một cơn bão khủng khiếp ập tới - những trận cuồng phong tối tăm mặt mũi, mưa như quất vào mặt mang theo lũ lớn, nước sông dâng rất cao lầm hai bờ sông bị sạt lở rất nhiều. Vậy mà cả hai thê đội phải đi qua những đồng bằng xung quanh Camaguey, tức là hành quân hơn 400 cây số, khoảng 250 dặm, qua vùng lãnh thổ mà bất kỳ lúc nào cũng có thể bị máy bay của Batista tấn công. Đó là khu vực mà phong trào ngày 26 tháng 7 còn rất yếu. Cả đoàn quân suýt nữa thì chết đói, ông có thể biết rõ hơn về những chi tiết đó trong những gì mà Camilo và Che đã viết.

Những chiến sĩ cách mạng đó đã lập một chiến công cực kỳ hiển hách, phải đương đầu với kẻ thù có bộ binh cơ giới và không quân, vậy mà họ vẫn chiến thắng rất vẻ vang - cho dù phải hành quân qua những vùng đồng bằng và đầm lầy nguy hiểm đó. Và chính trong những điều kiện khó khăn gian khổ như vậy họ đã giành được những chiến thắng quan trọng. Tôi xin nhấn mạnh đó quả là những chiến công hết sức vẻ vang, và họ đã miêu tả lại rất chi tiết. Camilo viết một bản báo cáo hành quân rất chi tiết và chính xác, còn Che cũng ghi lại tất cả trong nhật ký chiến dịch của anh ấy. Về sau anh ấy xuất bản những câu chuyện đó trong một cuốn sách mang tựa đề Những trận đánh từ một cuộc Chiến tranh Cách mạng, vì anh ấy có thói quen ghi chép lại tất cả những gì đã xảy ra, và phải công nhận anh ấy có tài năng kể chuyện rất sinh động - đơn giản, súc tích. Cuốn nhật ký sau này của anh ấy trong thời gian ở Bolivia cũng là một tuyệt tác về tính khái quát và súc tích.

Tôi xin phép ngắt lời một chút để hỏi ông điều này: khi nào thì ông quyết định tất cả mọi người sẽ để râu như một biểu tượng của cuộc Cách mạng?

Câu chuyện về những bộ râu của chúng tôi lại vô cùng đơn giản: tất cả xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn mà chúng tôi phải trải qua khi sống và chiến đấu du kích trong vùng rừng núi. Chúng tôi không hề có bất kỳ con dao cạo nào. Và khi tất cả chúng tôi đang phải vật lộn giữa vùng núi rừng hoang dã trên dãy Sierra, ai cũng để mặc cho râu tóc mọc tự do, và chính đặc điểm này đã trở thành một thứ phiên hiệu để nhận dạng. Đối với những người nông dân, và tất cả mọi người khác, từ phóng viên và cánh báo chí, đều gọi chúng tôi là “los barbudos” - những kẻ râu ria. Điều này cũng có khía cạnh tích cực: giả sử một tên gián điệp muốn trà trộn vào đội ngũ của chúng tôi, hắn cũng sẽ phải mất sáu tháng để chuẩn bị trước - tức là hắn phải nuôi râu trong vòng ít nhất là sáu tháng, ông thấy đấy. Vì vậy những bộ râu đóng vai trò như một thứ phiên hiệu nhận dạng, một biện pháp bảo vệ, cho đến khi cuối cùng nó được coi như biểu tượng của những chiến sĩ du kích. Sau này, ngay cả khi Cách mạng đã thành công, chúng tôi vẫn giữ những bộ râu của mình để duy trì biểu tượng đó.

Ngoài ra, bộ râu dài như vậy còn có tác dụng rất thực tế: ta sẽ không mất công cạo râu hàng ngày. Chỉ cần nhân khoảng thời gian mười lăm phút cho việc cạo râu hàng ngày với số ngày trong một năm, ta sẽ thấy là ta dành đến gần 5500 phút cho việc cạo râu. Một ngày làm việc tám tiếng bao gồm tất cả là 480 phút, vậy là nếu không cạo râu ta có thể tiết kiệm được khoảng mười ngày để dành cho việc khác, như đọc sách, chơi thể thao, bất kỳ điều gì ta muốn.

Đó là chưa kể khoản tiền mà chúng tôi tiết kiệm được thay vì phải mua lưỡi dao cạo, xà phòng, dầu xoa, nước nóng... Vì vậy đề râu cũng có những tác dụng rất thực tế và cũng rất tiết kiệm. Bất lợi duy nhất là những sợi râu màu muối tiêu bao giờ cũng xuất hiện đầu tiên.

Đó là lý do tại sao nhiều người từng để râu dài đã phải cạo đi ngay khi trên đầu họ xuất hiện những sợi tóc muối tiêu đầu tiên vì nếu không có râu thì sẽ dễ che giấu tuổi tác hơn.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #96 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2013, 05:04:42 pm »

Trong tháng 4 năm 1958 có một cuộc Tổng bãi công chống lại Batista, nhưng các ông, những người đang chiến đấu trong dãy Sierra khi đó lại không ủng hộ. Tại sao vậy?

Ngày 9 tháng 4 năm 1958 cuộc Tổng bãi công đó được tuyên bố, và đã thất bại. Khi ấy chúng tôi không ủng hộ cuộc Tổng bãi công này. Đội ngũ lãnh đạo của Phong trào ngày 26 tháng 7 đã phê phán chúng tôi, họ thậm chí còn nói rằng chúng tôi chưa ý thức, chưa “giác ngộ” về mặt chính trị, và chúng tôi chưa có được sự chín chắn và trưởng thành mà Cách mạng đòi hỏi. Tuy nhiên chính tôi ký vào lời kêu gọi Tổng bãi công và nổi dậy vì tôi nhận thấy những đồng chí của chúng tôi trong đội ngũ lãnh đạo rất quyết tâm. Vậy là chúng tôi đã ủng hộ - một cách rất cụ thể, bằng cách tiến hành những hoạt động quân sự trong vùng lãnh thổ mà chúng tôi chiếm được, chống lại lực lượng của kẻ thù.

Có những chia rẽ, và kỳ thị nhất định. Ví dụ như, mặc dù trong các tổ chức Công đoàn thì những người Cộng sản có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ, nhưng chính Công đoàn lại có định kiến không thiện chí với những người Cộng sản, một điều không hề xảy ra đối với những người ở trên núi như chúng tôi. Một số nhóm trong Phong trào ngày 26 tháng 7 coi chúng tôi là những kẻ khích động quần chúng; rằng chúng tôi đang gây dựng được uy tín, chúng tôi đang gây ít nhiều khó khăn cho Batista, và họ nghĩ rằng đỉnh cao của cuộc đấu tranh sẽ phải là một cuộc đảo chính quân sự do Phong trào 26 tháng 7 khởi xướng và có sự tham gia của các chiến sĩ hoạt động bí mật kết họp với các lực lượng du kích. Nhưng chúng tôi không đánh giá về vai trò của mình như vậy; chúng tôi tự coi mình như hạt nhân của một quân đội còn rất nhỏ - cho dù có kinh nghiệm và tinh thần chiến đấu - và với sự ủng hộ của toàn thể quần chúng nhân dân tổng nổi dậy trong một cuộc Đấu tranh Cách mạng, chúng tôi sẽ đánh bại được quân đội của kẻ thù.

Và đó chính là những gì đã xảy ra sau này.

Đó chính xác là những gì đã xảy ra về sau, nhưng dù sao thất bại của cuộc Tổng bãi công và nổi dậỵ tháng 4 năm 1958 cũng là một đòn nặng nề đối với chúng tôi, vì chính thất bại đó đã khiến người của chúng tôi mất tinh thần trong khi kẻ thù lại được cổ vũ mạnh mẽ và chính sự cổ vũ đó đã khiến chúng phát động cuộc tấn công cuối cùng nhằm vào chúng tôi.

Một lực lượng mười nghìn tên lính, bao gồm mười bốn tiểu đoàn và tôi không biết là bao nhiêu đơn vị bộ binh độc lập tăng cường, lại còn các đơn vị pháo binh, tăng thiết giáp, kết họp với sự yểm trợ của các đơn vị không quân và hải quân, tấn công tiền duyên phòng ngự của Thê đội I, là nơi đặt Ban Tham mưu và Đài Phát thanh Nổi dậy. Chúng tưởng rằng chúng tôi sẽ không thể nào chống đỡ nổi một cuộc tấn công như vậy. Đó là lần đầu tiên chúng tôi phải bảo vệ những cứ điểm của mình trong những trận đánh áp sát như vậy, và khi chúng bắt đầu cuộc tấn công nếu chúng tôi có khoảng 200 người là đã quá nhiều rồi. Tôi quyết định điều động các chiến sĩ từ mặt trận khác sang. Tôi cho gọi Camilo khi đó đang hoạt động ở vùng đồng bằng, và tôi ra lệnh cho Almeida gửi lực lượng yểm trợ cho chúng tôi, khi đó một số người của anh ấy đã mở một mặt trận mới ở phía đông dãy núi Sierra Maestra, gần Santiago. Chỉ có quân của Raul là tôi không huy động vì khi đó họ ở quá xa. Chúng tôi đã chiến đấu liên tục trong suốt bảy mươi ngày!

Sau khi cuộc tấn công cuối cùng đó bị đánh bại, lực lượng của chúng tôi, được trang bị bằng chính vũ khí cướp được của kẻ thù, đã phát triển từ 300 lên đến 900 người được trang bị đầy đủ, và với lực lượng như vậy chúng tôi gần như khống chế được toàn bộ đất nước. Sau khi cuộc Tổng phản công của địch kết thúc, chúng tôi đã tổ chức, đúng hơn là tổ chức lại, các thê đội. Trước hết chúng tôi trang bị nặng và tăng cường cho hai thê đội: thê đội của Che với 140 chiến sĩ, và thê đội của Camilo với 90 chiến sĩ. Với hai thê đội này, chúng tôi đã tiến vào vùng trung tâm của hòn đảo. Con số đó nghe thì có vẻ ít, mà quả thật là cũng ít, nhưng sức tấn công của họ thì thật là đáng sợ. Lẽ ra Camilo định hành quân một mạch tới Pinar del Rió nhưng chúng tôi đã dừng lại ở Santa Clara.

Tại sao?

Tại sao chúng tôi lại quyết định dừng lại và không cử Camilo đi tiếp tới Pinar del Rió ư? Đon giản là vì chúng tôi chọt nhớ tới câu chuyện về chiến dịch trong Chiến tranh giành độc lập năm 1895, một câu chuyện có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Khi Camilo tiến tới vùng trung tâm của hòn đảo Cuba, chúng tôi chợt nhận ra là việc chiếm đóng khu vực này chẳng có giá trị chiến lược nào cả. Và bên cạnh đó, một số tình hình cụ thể ở Las Villas đòi hỏi Camilo phải sẵn sàng tăng cường cho hoạt động chính trị và quân sự hỗn hợp mà Che đang chuẩn bị tiến hành ở khu vực đó. Chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi đang sống trong thời đại khác, và những điều kiện hoàn cảnh cũng khác, nên chẳng ích lợi gì khi đưa quân vào Pinar del Rió cả. Và rồi đến lúc tôi bảo Camilo, “Dừng lại ở vùng trung tâm và tham gia cùng với Che”.

Sau khi chiến dịch truy quét cuối cùng của Batista thất bại, ông có quyết định tiếp tục phản công không?

Các đơn vị của quân nổi dậy đang tiến vẻ mọi hướng trên cả nước, mà không có ai hay bất kỳ điều gì có thể ngăn chặn được chúng tôi. Trong một thời gian ngắn chúng tôi đã vượt qua và bao vây lực lượng tinh nhuệ nhất của Batista. Tại tỉnh Oriente chúng tôi đã bao vây ít nhất là 17 nghìn binh sĩ của quân địch; nếu tính cả các lực lượng đang hoạt động và các cứ điểm không có đường thoát thì có thể thấy là không ai có thể rời khỏi tỉnh Oriente, noi cuộc chiến đã diễn ra liên tục từ ngày chúng tôi đổ bộ từ con tàu Granma lên bờ.

Hai chiếc tàu khu trục, trong tổng số ba chiếc của quán địch, bị kẹt trong vịnh Santiago de Cuba, chúng không thể chạy thoát ra ngoài; tám khẩu súng máy mà chúng tôi cướp được từ quân địch đã phong tỏa toàn bộ đường ra vào vịnh từ những điểm cao xung quanh eo biển hẹp đó.

Khi chiến tranh kết thúc tôi tới thăm hai con tàu khu trục này và nhận ra rằng chúng đã bị mắc cạn vì phải lẩn tránh hỏa lực súng máy; hoàn toàn không có sĩ quan chỉ huy, chẳng có gì hết, thậm chí những khẩu đại bác trên tàu cũng không thể phát huy tác dụng vì những chiếc tầu khu trục này được sản xuất cho mục đích tác chiến ngoài biển khơi ở khoảng cách vài cây số, chứ không phải để đương đầu với tám ụ súng máy nằm cách đó có gần 300m. Lớp thép và kính trên đài chỉ huy của những con tàu trở nên quá mỏng manh trước họng súng máy - cỡ đạn lớn của chúng tôi chắc chắn sẽ phá nát chúng ra. Chúng hoàn toàn không có tác dụng phòng thủ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #97 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2013, 09:03:14 am »

Trong hoàn cảnh đó, ông đã đề xuất một “lối thoát trong danh dự” dành cho quân địch. Vậy cụ thể đề xuất đó nhu thế nào?

Tư lệnh các lực lượng chiến dịch của địch, Tướng Eulogio Cantillo, đề nghị tổ chức một cuộc họp, và ngày 28 tháng 12 năm 1958, tôi và một vài đồng chí khác đã gặp ông ta tại một nhà máy mía đường cũ đã bỏ hoang mang tên là “Oriente” gần Palma Soriano. Tướng Cantillo không phải là một kẻ ác ôn, và ông ta cũng không phải là một trong những tên tay sai khát máu và thối nát của Batista - Ông ấy vẫn được biết đến như một người tử tế, trọng danh dự. Ông ấy từng theo học ở Học viện Quân sự, và là một trong những người hiếm hoi tốt nghiệp Học viện Quân sự còn được Batista giữ lại trong quân đội sau cuộc đảo chính ngày 10 tháng 3 năm 1952. Thậm chí Cantillo còn gửi cho tôi một bức điện khi Batista huy động một lực lượng mười nghìn tên lính để tấn công chúng tôi. Tôi đã trả lời, vì trong đó Cantillo nói rằng ông ta rất lấy làm tiếc vì những gì đang xảy ra, rằng chúng tôi là những con người dũng cảm và ông ta rất đau lòng khi đất nước mất đi những con người như chúng tôi. Tôi cảm ơn ông ta và trả lời rằng nếu như quân của ông ta đánh bại được chúng tôi thì ông ta cũng không nên quá đau buồn về số phận chúng tôi làm gì, vì nếu giả sử quân đội của Batista mà đánh bại được sự kháng cự kiên cường mà chắc chắn chúng sẽ phải đối mặt, thì chúng tôi cũng sẽ viết lên một trang chói lọi trong lịch sử và một ngày nào đó chính con cháu của những người lính được phái đi đánh chúng tôi sẽ phải say sưa đọc. Câu trả lời của chúng tôi đầy kiêu hãnh, thậm chí là hơi ngạo mạn, nhưng vẫn rất lịch sự.

Thỉnh thoảng tôi cũng có liên lạc với ông ta - ví dụ như có lần chúng tôi phải dần xếp việc trao trả hàng trăm tù binh của quân địch. Chúng tôi vẫn thường liên lạc với các chỉ huy những đơn vị gần đó hoặc với những lực lượng đang trong cơn nguy khốn, để tìm cách thuyết phục họ buông vũ khí; đó là một phương thức đấu tranh binh vận rất hiệu quả. Hoàn toàn tin tưởng vào sự trung thực của quân nổi dậy, Cantillo đã tới gặp và nói chuyện với tôi. Ông ta đến một mình bằng một chiếc trực thăng. Nên ông có thể thấy là ông ta tin tưởng chúng tôi đến mức độ nào. Tôi còn nhớ là ông ta đã nói rằng: ông ta thừa nhận đã “thất bại trong cuộc chiến này” và hỏi tôi cách làm thế nào để chấm dứt cuộc chiến. Tôi bèn bảo ông ta, “Chúng tôi có thể cứu mạng rất nhiều sĩ quan và binh lính của các ông, những người chưa gây tội ác và nợ máu. Theo tôi ông hãy tiến hành một cuộc binh biến trong căn cứ quân sự ở Santiago de Cuba, để xây dựng một phong trào quân-dân sự hỗn hợp, qua sự hiệp đồng chặt chẽ với quân nổi dậy chúng tôi”. Cantillo đồng thời cũng là Tư lệnh của toàn bộ các lực lượng quân địch ở miền đông Cuba, ông ấy đồng ý, ông ấy chấp nhận đề xuất của tôi, và chúng tôi ấn định về thời gian. Tôi bảo ông ta, “Khi chuyện này bắt đầu, chỉ trong vòng hai mươi bốn giờ, Batista sẽ không còn nắm quyền nữa”.

Tuy nhiên, ông ấy vẫn muốn đến Havana; ông ấy nói rằng còn có một người em trai cũng là sĩ quan cao cấp trong quân đội, chỉ huy trung đoàn ở Matanzas. Tôi hỏi ông ta, “Ông còn muốn quay về Havana làm gì chứ? Tại sao phải liều lĩnh như vậy?”

Đi cùng tôi tới cuộc họp hôm đó còn có một cựu sĩ quan quân đội (Batista), Thiếu tá José Quevedo, chỉ huy một tiểu đoàn từng bị chúng tôi bao vây và buộc phải đầu hàng ở El Jigue sau mười ngày chống trả quyết liệt, từ ngày 11 đến ngày 21 tháng 7 năm 1958. Những tù binh của tiểu đoàn đó ngay lập tức được chuyển qua cho Hội Chữ Thập đỏ quốc tế. Sau đó, Quevedo gia nhập lực lượng của chúng tôi. Ông ấy trở thành một người chỉ huy rất có uy tín, và cuối cùng ông ấy đã được phong quân hàm cấp tướng trong hàng ngũ Lực lượng vũ trang cách mạng vì những đóng góp xuất sắc và sự phục vụ trung thành trong suốt nhiều năm liền.

Vậy là ông ấy tham gia vào lực lượng nổi dậy?

Ông ấy bị bao vây suốt mười ngày liền, và chính tại đó tôi đã gặp ông ấy, ở El Jigue, vì những chiến sĩ đã bao vây và tấn công tiểu đoàn của ông ấy nằm dưới sự chỉ huy của tôi trong cuộc tấn công cuối cùng của quân địch. Nhiều tiểu đoàn đã bao vây chúng tôi, vậy mà cuối cùng chúng tôi lại bao vây tiểu đoàn đó. Vòng vây của chúng tôi mỗi lúc một xiết chặt và tình cảnh của họ trở nên vô cùng khốn quẫn. Chúng tôi đã lật ngược thế cân bằng chiến lược khi chúng tôi đánh bại được tiểu đoàn của Quevero. Chúng tôi bắt giữ được rất nhiều tù binh và tiểu đoàn bị đánh bại đó phải chịu rất nhiều thương vong, và tất nhiên chúng tôi đã thu giữ một số lượng lớn vũ khí. Ông có thể thấy là cán cân chiến lược đã nghiêng hẳn về phía chúng tôi, nhưng chúng tôi không tuyên bố chiến thắng ngay lập tức, để kẻ thù không thể biết tình hình chính xác bây giờ là như thế nào.

Phải sau đó bốn mươi tám tiếng, chúng tôi mói tuyên bố chiến thắng, chúng tôi đã vũ trang cho những chiến sĩ mới và tiếp tục hành quân bao vây, truy quét những tiểu đoàn khác, không hề bỏ phí một phút nào.

Khi đó các ông đã sẵn sàng tấn công vào Santiago de Cuba?

Chiến dịch đó diễn ra năm tháng sau khi đánh bại cuộc tấn công cuối cùng của quân địch trong tháng 8. Chúng tôi đã hoãn cuộc tấn công vào Santiago đến tận cuối tháng 12, vĩ cuộc gặp với Tướng Cantillo và thỏa thuận đầu hàng của ông ấy; chúng tôi lên kế hoạch tấn công với khoảng xấp xỉ 1200 người. Trong khi chúng có 5000 tên lính. Tuy nhiên chúng tôi chưa bao giờ có được sự cân bằng lực lượng theo hướng có lợi đến như vậy, và chúng tôi dự định sẽ sử dụng đúng chiến thuật mà chúng tôi vẫn áp dụng trong vùng núi Sierra Maestra: tức là bao vây và tiêu diệt các lực lượng tăng viện bên trong thành phố. Theo tính toán của tôi thì chiến dịch sẽ kéo dài khoảng năm ngày. Qua đường vịnh, chúng tôi đã tuồn vào được khoảng 100 khẩu súng cho các chiến sĩ trong thành phố, bởi vì đến ngày thứ năm toàn thành phố sẽ nổi dậy. Bốn tiểu đoàn bị bao vây, bốn trận đánh tiêu diệt quân tiếp viện, và sau đó Tổng nổi dậy của người dân thành phố - kế hoạch của chúng tôi là như vậy.

Chiến dịch này sẽ kéo dài tối đa là sáu ngày - chúng tôi đã phải hoãn nó lại; nó sẽ nổ ra vào khoảng ngày 30 tháng 12, sớm hoặc muộn vài ngày trong khoảng đó. Sau cuộc gặp gỡ với Tướng Cantillo, chúng tôi đã chờ đợi ông ta thực hiện thỏa thuận của mình. Camilo đang bao vây một tiểu đoàn ở Yaguajay và Che cũng đã bắt đầu tiến vào Thủ phủ tỉnh Las Villas.

Ông vẫn trông đợi thỏa thuận với viên Tư lệnh của quân đội kẻ thù để có thể kết thúc chiến tranh?

Tất nhiên là thế, và cuối cùng thì viên Tướng Cantillo đó cũng tới Havana. Tôi đã ra ba điều kiện. Và ông ta nhất trí cả ba. Tôi bảo ông ta, “Hãy cứ đi đi nếu ông đã quyết định như vậy, nhưng trước hết: chúng tôi không muốn có một cuộc đảo chính ở Thủ đô”. Vậy là điều kiện thứ nhất của chúng tôi là không được có đảo chính ở Thủ đô. Thứ hai: “Chúng tôi không muốn bất kỳ ai giúp đỡ Batista trốn thoát”. Thứ ba: “Không được tiếp xúc với Đại sứ quán Mỹ”. Đó là ba điều kiện cơ bản và rất cụ thể của chúng tôi, viên tướng đều nhất trí, và ông ta tới Havana.

Thế rồi thời điểm mà chúng tôi đã nhất trí hành động trôi qua, vẫn không thấy tin tức gì của ông ta cả. Ông ta đã để viên chỉ huy căn cứ ở Santiago liên lạc với chúng tôi. Và nói tóm lại, Cantillo đã làm ngược lại hoàn toàn với những gì ông ta hứa với chúng tôi: ông ta ăn tối với Batista đêm 31 tháng 12 năm 1958, rồi đi cùng hắn tới sân bay khi Batista bỏ trốn khỏi Cuba cùng với một nhóm tướng lĩnh thân cận; sau đó ông ta tập hợp lực lượng đảo chính ở Havana; và cuối cùng, tất nhiên là ông ta ngay lập tức liên hệ với Đại sứ quán Mỹ ở Havana... Một sự phản bội hèn hạ! Một hành động phản quốc!

Vậy sau đó ông làm gì?

Chúng tôi đã làm gì ngày 1 tháng 1 năm 1959 ư? Tức là sau năm năm, năm tháng và năm ngày kể từ cuộc tấn công vào trại lính Moncada hôm 26 tháng 7 năm 1953? Chính xác đến từng ngày. Đó là quãng thời gian mà chúng tôi trải qua sau cuộc tấn công vào Moncada, trong đó phải kể đến gần hai năm bị cầm tù, thêm gần hai năm nữa lưu vong ở bên ngoài Cuba để chuẩn bị cho một cuộc trở về và hai năm một tháng nữa phát động chiến tranh du kích.

Ngày 1 tháng 1 năm 1959, khi chúng tôi nghe qua Đài Phát thanh rằng Batista đã bỏ trốn và có dấu hiệu về một cuộc đảo chính sắp xảy ra ở Thủ đô, chúng tôi vội chạy tới nơi đặt Đài Phát thanh Nổi dậy, ở Palma Soriano, và từ đó chúng tôi vội phát lệnh cho các chiến sĩ của mình: “Hãy tấn công không ngừng nghỉ, và không chấp nhận bất kỳ sự ngừng bắn nào”. Chúng tôi ra lệnh cho tất cả các thê đội: “Tiếp tục tấn công và chiến đấu”. Còn đối với người lao động và toàn thể quần chúng nhân dân, chúng tôi phát đi lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.


Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #98 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2013, 09:06:44 am »

Và đồng loạt các công nhân và người lao động trên cả nước đều quyết định bãi công và nổi dậy, và thậm chí cả những nhân viên làm việc trong các Đài Phát thanh và Truyền hình cũng bắt đầu chuyển tiếp lời kêu gọi của chúng tôi được phát đi từ Đài Phát thanh Nổi dậy, khi đó công suất chỉ là một kilô oát. Họ có thể làm như vậy bằng cách kết nối từ trạm tiếp sóng này đến trạm tiếp sóng khác trên khắp cả nước, có nghĩa là tất cả những Đài Phát thanh và Truyền hình, đang trong giai đoạn sơ khai, đều hưởng ứng. Bằng cách đó chúng tôi đã truyền được mệnh lệnh tới toàn thể chiến sĩ của mình. Vậy là tôi đã chỉ đạo cả nước đứng dậy khởi nghĩa và chúng tôi nhanh chóng giành được sự ủng hộ của toàn thể quần chúng nhân dân.

Hầu hết các Công đoàn lao động khi đó đều nằm trong tay của một tổ chức thân Batista và thân Mỹ, nhưng các công nhân đã không thèm đếm xỉa gì đến những người lãnh đạo của mình, họ đồng loạt đứng dậy ủng hộ cuộc nổi dậy giành chính quyền.

Tôi lái một chiếc xe Jeep tới Santiago, đi vòng qua dãy núi bao quanh để có thể vào thành phố từ phía bắc. Và trên đường đi tôi gặp rất nhiều người mặc quân phục đang tham gia vào hàng ngũ của chúng tôi. Vì đã có lời hứa từ trước, tôi liên hệ với người chỉ huy căn cứ ở Santiago. Trước đó chúng tôi đã trao đổi một số thư từ và vẫn còn những câu hỏi chưa được giải quyết thấu đáo, vì có thông tin tôi nói nhưng lại bị ông ta hiểu nhầm: “Nếu ông không đáp ứng yêu cầu của chúng tôi trước ngày 30 tháng 12, chúng tôi sẽ tấn công và sẽ không có chuyện ngừng bắn cho tới khi nào căn cứ đầu hàng hoàn toàn”. Ông ta trả lời bằng đúng một câu: “Người lính không bao giờ đầu hàng mà không chiến đấu, không có chuyện họ giao nộp vũ khí trong nhục nhã”. Tôi viết lại để giải thích rằng tôi không hề ra lệnh cho họ đầu hàng, mà chỉ muốn cảnh báo ông ta là một khi đã bắt đầu tấn công, chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào cho tới khi căn cứ đầu hàng.

Ông ta viết lại rằng, “Hãy tin tưởng Tướng quân”, rõ ràng là ông ta muốn nhắc tới Tướng Cantillo, và ông ta đề nghị cung cấp cho tôi một chiếc máy bay trực thăng để đưa tôi tới Santiago de Cuba. Tôi bày tỏ sự phẫn nộ về cái chết của hai thanh niên xảy ra đêm trước đó và bảo ông ta rằng tôi không cần trực thăng, ông ta nói ông ta rất tiếc về việc hai thanh niên bị giết hại. Và lúc này tôi đang trên đường từ Palma Soriano tới thị trấn El Caney, phía bắc thành phố, chính là nơi tôi đã định chiếm trại lính nhỏ sau khi cuộc tấn công vào trại lính Moncada ngày 26 tháng 7 năm 1953 thất bại. Cũng trong ngày 1 tháng 1 năm đó, chỉ trong vòng chưa đến tám tiếng đồng hồ, theo mệnh lệnh được phát ra từ Đài Phát thanh quân Nổi dậy, lực lượng của chúng tỏi đã đập tan mọi sự kháng cự của quân địch. Trong khi đó, vì không nắm được những gì đã xảy ra, do công tác thông tin liên lạc thời kỳ đó còn rất thiếu thốn, tôi vẫn gặp gỡ các sĩ quan thuộc các doanh trại đóng trong thành phố Santiago và các đơn vị chiến đấu khác trú chân trong thành phố. Tất cả đều tỏ ra nhiệt tình và phấn khởi khi gặp tôi. Tôi đã gặp mặt với tất cả khoảng 300 sĩ quan. Ba trăm sĩ quan của các lực lượng quân địch đang phòng ngự trong thành phố Santiago de Cuba.

Và tôi đã phát biểu trước sự có mặt của họ; tôi giải thích về thỏa thuận đã được nhất trí giữa chúng tôi với Tướng Eulogio Cantillo, mà ông ta đã không tuân thủ. Tôi giải thích về sự phản bội của ông ta, và họ đã ủng hộ chúng tôi, họ đứng về phía chúng tôi. Tôi thậm chí còn bổ nhiệm người chỉ huy căn cứ Santiago làm Tư lệnh toàn bộ lực lượng quân đội (cũ) trên cả nước.

Raul vẫn nói rằng khi tôi thông báo cho cậu ấy là tôi đã bổ nhiệm Đại tá Rego Rubido làm tư lệnh căn cứ Santiago và toàn bộ quân đội, cậu ấy buộc phải chấp nhận vì vấn đề kỷ luật, nhưng cậu ấy không sao hiểu nổi quyết định đó, nên tất cả những gì Raul có thể nói với mọi người là, “Chắc anh ấy biết mình đang làm gì”. Và thế là Rego Rubido trở thành Tư lệnh quân đội một thời gian, ông ấy đã giữ lời hứa của mình.

Tôi biết là trong khi đó Che và Camilo đang tiến vào Havana.

Không, lúc đó Che đang tấn công vào thành phố Santa Clara. Anh ấy đã chiếm được những đồn cảnh sát chính; một đoàn tàu bọc thép vừa vào trong thành phố và được bảo vệ rất chặt chẽ, tuy nhiên Che và lực lượng của anh ấy đã phá hủy những đường ray phía sau; và khi con tàu bát đầu lùi lại, tất nhiên là nó đã bị trật bánh và họ đã thu giữ được toàn bộ số súng và vũ khí trên đó, những tên lính trên tầu bị bắt làm tù binh.

Tướng Cantillo đã không giữ lời, và thế là ngay trong ngày 1 tháng 1 năm 1959, tôi đã ra mệnh lệnh cho Che và Camilo. Tôi bảo Camilo, “Anh hãy tiến về căn cứ quân sự Columbia”, còn Che, “Cậu tiến về La Cabana”, - đây là một doanh trại khác của quân địch nhưng cũng là một nhà tù. Khi nhận lệnh mới, Che và Camilo vẫn còn đang chưa nhận bàn giao xong tại các mục tiêu họ vừa chiếm được, nhưng tất nhiên một khi chế độ độc tài đã sụp đổ và cuộc Tổng tấn công đã bắt đầu, tất cả cũng chỉ mất có một ngày là toàn bộ quân đội đầu hàng và quá đủ thời gian cho Che và Camilo ổn định tình hình và lên đường ngay. Tôi nghĩ là họ đã đi ngay đêm đó, một cách nhanh nhất có thể, hoặc là sáng sớm hôm sau. Lúc đó tôi bảo hai người, “Tăng tốc tiến thẳng theo đường Quốc lộ Trung tâm”. Tinh thần của binh lính Batista đã xuống rất thấp... Che và Camilo đã tổ chức hai thê đội và tiến thẳng về Thủ đô. Phải mất vài tiếng đồng hồ họ mới tới nơi, nhưng cuối cùng họ cũng đã tới được mục tiêu của mình. Không có kẻ nào dám chống cự, thậm chí họ còn không phải nổ một phát súng nào cả, và người của chúng tôi ở Havana đã kiểm soát tắt cả: họ tước vũ khí và khống chế toàn bộ lực lượng quân sự của kẻ thù, toàn bộ đất nước như tê liệt, những cuộc nổi dậy nổ ra liên tiếp ở các thành phố, nhân dân đã đứng lên thể hiện ý chí và nguyện vọng của mình trên cả nước.

Columbia và La Cabana là hai căn cứ quân sự lớn ở Havana?

Đúng vậy. Ông phải hiểu rằng pháo đài lớn nhất và trọng yếu nhất ở Havana chính là Columbia, đó là nơi mà Camilo có nhiệm vụ tiếp quản. Bộ Tổng Tham mưu của quán đội Batista đặt trụ sở tại đây. Căn cứ lớn thứ hai là La Cabana, chính là nơi Che đang tiến vào. Thời điểm tấn công thật hoàn hảo. Cả hai đều là những chỉ huy quân sự tài giỏi và họ dẫn đầu hai đạo quân hùng mạnh - không gì có thể ngăn bước tiến quân của họ. Tại Columbia, Camilo đã bắt tay vào việc ổn định lại tổ chức, vì ở đây còn có cả những cố vấn quân sự người Mỹ.

Tất nhiên, việc đầu tiên mà Che bắt tay vào làm, ngay sau khi chiếm được căn cứ La Cabana và chiến tranh kết thúc, là tổ chức lớp học cho những người nông dân, mở trường học và dạy người của anh ấy. Anh ấy muốn hành động đầu tiên của mình trên cương vị một chỉ huy quân sự là khởi động chương trình giáo dục văn hóa và dạy cho tất cả các chiến sĩ của mình 1.

----------------------------------------------------------
1. Cần nhớ rằng, vào thời điểm này, như Castro cũng đã chỉ ra một vài thời điểm, lực lượng quân đội nổi dậy đã có sự tham gia của rất đông nông dân, và rất nhiều trong số này mù chữ hoàn toàn hoặc mù chữ chức năng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #99 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2013, 09:09:42 am »

Tại khu căn cứ quân sự Columbia, Camilo đã chạm trán một số cựu sĩ quan quân đội từng bị giam cầm trên đảo Thông - tức là đảo Thanh niên ngày nay - vì đã âm mưu lật đổ Batista. Họ được ra tù ngày 2 tháng 1 năm đó sau khi Chính phủ độc tài sụp đổ. Trong đó có cả những sĩ quan quân đội cấp cao và rất có uy tín - tiêu biểu là viên Đại tá đã chỉ huy nhóm này và tổ chức lại quân đội cũ đồng thời úy lạo tinh thần những người đang đóng quân tại đây. Họ đã tới Columbia trước Camilo - vì từ nhà tù tới Havana cũng chỉ mất có vài phút đi bằng máy bay. Ông ta đưa nhóm của mình tới trụ sở Bộ Tổng tham mưu và họ yêu cầu được gặp tôi - khi đó tôi đang ở Santiago. Và tôi đã trả lời họ, “Hãy nói với Đại tá Barquín” - tức là viên Đại tá mà tôi vừa nhắc đến; ông ta rất được tôn trọng; ông ta từng học quân sự ở Mỹ về - “rằng người duy nhất mà tôi nói chuyện ở Columbia là Camilo. Còn ở La Cabana sẽ là Che”. Họ đang tìm cách ra điều kiện, rồi thỏa thuận này nọ, mặc dù chúng tôi không bao giờ cho họ cơ hội nào, dù là nhỏ nhất, để làm việc đó.

Chúng tôi không hề lãng phí một giây, một phút nào. Chúng tôi có được sự hậu thuẫn của nhân dân cả nước, toàn thể quần chúng nhân dân đã ra đường và nổi dậy ủng hộ chúng tôi.

Vậy cuối cùng thì chuyện gì đã xảy ra với tướng Cantillo?

Tướng Cantillo bị bắt và bị kết án vài năm tù, và sau đó thì chúng tôi cũng thả ông ta ra.

Vậy ông vào Havana khi nào?

Tôi từ Santiago đi Bayamo ngày mồng 2. Lực lượng binh lính địch đồn trú ở Bayamo từng chống cự lại chúng tôi rất ngoan cường cuối cùng cũng đã tham gia với 300 sĩ quan ở El Caney, và họ đã đồng ý đi theo chúng tôi ngay sau khi tôi gặp họ trong một sân vận động ở Bayamo. Và trong thực tế là họ chào đón tôi rất nồng nhiệt, phấn khởi - tôi thật không sao hiểu nổi. Khi đó tôi đang tiến về Havana cùng với 1000 chiến sĩ nổi dậy, ở đó tình hình liên quan đến quân đội cũ như thế nào tôi vẫn chưa nắm được. Trong khi đó tôi lại phải giữ khoảng 2000 người mới tham gia này ở nguyên trong quân đội, đó quả là công việc thực sự khó khăn.

Tôi đã chào đón cả 2000 binh sĩ này cùng với toàn bộ vũ khí của họ - họ còn có cả những chiếc xe tăng Sherman mà chúng tôi không biết sử dụng như thế nào, cùng với cả pháo binh và đủ các loại hỏa lực mạnh khác - và vì tình hình ở Havana như thế nào vẫn chưa rõ ràng, trong khi Che và Camilo còn đang trên đường tiến về Thủ đô, thế là tôi quyết định cho 2000 binh lính của quân đội cũ tham gia vào hàng ngũ của chúng tôi. Vậy là tôi tiến vào Havana với đội hình gồm 1000 chiến sĩ nổi dậy và 2000 binh sĩ thuộc lực lượng tác chiến tinh nhuệ nhất của quân đội cũ - những người mà vài ngày trước còn đang chống cự lại chúng tôi trong những trận đánh cực kỳ ác liệt ở Guisa, Baire, Jiaguani, Maffo, và trước đó là trong dãy núi Sierra Maestra trong đợt tấn công càn quét cuối cùng, và có lẽ đã đến quá nửa đồng đội của họ thiệt mạng trong những trận đánh này - nhưng phải nói rằng trong những trận đánh dữ dội như vậy bao giờ chúng tôi cũng chăm sóc cẩn thận những binh lính đối phương bị thương và phóng thích những tù nhân. Và giờ thì họ sẵn sàng chiến đấu cùng với chúng tôi. Họ đi cùng tôi, lái theo những chiếc xe tăng và các loại khí tài hỏa lực mạnh khác - không ai trong chúng tôi khi đó biết vận hành những khí tài này như thế nào cả - và tất cả đều rất hào hứng, phấn khích. Tôi muốn nói là họ cũng được chứng kiến cảnh quần chúng nhân dân đổ xô ra đứng chật hai bên đường chào đón đoàn quân của chúng tôi tiến về thành phố.

Phải mất đến tám ngày tôi mới tới được Havana, vì cứ tới thủ phủ của một tỉnh nào đó là tôi phải dừng lại, phát biểu úy lạo tinh thần binh lính và nhân dân - lúc nào cũng có những đám đông quần chúng chờ sẵn trên đường chúng tôi hành quân qua. Có lẽ chỉ một chiếc xe tăng là có thể đi qua được những đoàn người đông nghịt đó, nếu đi bằng ô tô chắc chắn bạn sẽ bị đè bẹp ruột. Đến Havana chúng tôi không gặp bất kỳ sự kháng cự nào, trong khi, đó lại là nơi nguy hiểm duy nhất trong vòng bảy mươi hai giờ đầu tiên của cuộc nổi dậy. Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy vẫn đang tiếp diễn; người dân còn đang vô cùng phấn khích trước cuộc nổi dậy trên cả nước, mặc dù lúc này mọi việc đã đâu vào đấy và không cần phải tiếp tục đấu tranh nữa, khi ấy mọi người ai nấy đổ ra đường ăn mừng đầy hân hoan và hạnh phúc. Todo el mundo estaba de fiesta.

Tôi đến Havana ngày 8 tháng 1 năm 1959, sau khi phát biểu trước các đám đông và tập hợp họ trên đường đi. Tôi tới Cienfuegos, nơi tôi từng bị giam cầm trong những ngày còn là sinh viên và cũng là nơi từng diễn ra cuộc nổi dậy đầy anh dũng của các thủy thủ và những Chiến sĩ Cách mạng. Cả Che và Camilo đều đã ổn định được những cứ điểm của mình và đang chờ tôi từ lâu. Tại Havana, Phong trào ngày 26 tháng 7 đã tiếp quản toàn bộ các đồn cảnh sát ngay từ ngày đầu tiên.

Vậy là công tác duy trì trật tự trong thành phố đã được người của các ông kiểm soát từ ngày 1 tháng 1?

Đúng vậy, tất cả đều do người của chúng tôi. Thực tế là trước khi Camilo và Che tới nơi, người của nhóm Hành động và Phá hoại trong Phong trào ngày 26 tháng 7 đã chiếm tất cả các đồn cảnh sát. Nhiều người đã anh dũng hy sinh trong quá trình này. Họ đều rất anh dũng, nhưng họ không có kinh nghiệm chiến đấu giống như những gì chúng tôi đã trải qua trong vùng rừng núi. Có rất nhiều chiến sĩ đến từ vùng đồng bằng và họ thích đối mặt với những rủi ro của việc chiến đấu trong thành phố hơn là phải lội suốt trèo đèo. Rất nhiều người giỏi chiến đấu trong thành phố nhưng lại là những chiến sĩ du kích dở tệ trên núi, bởi vì một khi đã chiến đấu du kích thì việc khó khăn nhất là leo rừng, lội suối, vượt qua tất cả những khó khăn mệt nhọc, phải chịu hy sinh, gian khổ.. Đó mới thực sự là chiến tranh du kích, và con người chúng ta hầu như ai cũng thế.

Vậy là cuối cùng chiến tranh cùng kết thúc.

Thời gian cuối quân đội của chúng tôi lớn mạnh một cách phi thường, vì theo tôi tính toán thì đến tháng 12 năm 1958, chúng tôi mói có 3000 chiến sĩ có vũ trang, nhưng sau khi chúng tôi chiếm được rất nhiều vũ khí ngày 1 tháng 1 năm 1959, quân đội của chúng tôi đã lớn mạnh trong vài tuần lên con số 40.000. Nhưng cơ bản là chúng tôi đã chiến thắng trong cuộc chiến này, trong vòng gần hai năm, với 3000 người đầu tiên. Không thể nào quên được quãng thời gian đầy gian khổ, hy sinh đó...

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM