Tôi cũng đã từng như vậy đấy cho đến khi gặp VMH, cứ ngỡ đã chấm dứt từ năm 79.
Lão Brest nhắc lại chuyện này làm BY lại nhớ đến chuyện đầu năm 1979 của mấy lão "tham mưu con" chết tiệt ở đơn vị mình lúc đó.

Tất nhiên là khi đó đám lính mình đều còn rất trẻ, BY cũng mới tròn 18 tuổi đời qua 3 tháng và đồng đội chung chiến dịch GP Phnom Penh khi đó ở đơn vị cũng toàn trẻ như nhau, chả còn mấy anh tuổi cỡ "hăm" trở lên. Vì vậy mấy ông lính còn lại từ thời KCCM sẽ là thần tượng lắm, ít nhiều thì các anh ấy cũng từng có mặt tham gia lật đổ 2 chế độ.

Các anh ấy "chốt hạ" sau ngày 7.1.1979 là chiến tranh đã kết thúc. Bằng kinh nghiệm "từng trải" của sau 30.4.1975 thì chiến tranh đến đây là chấm hết. Sẽ vĩnh viễn không còn chiến tranh trên đất nước VN chúng ta nữa, sẽ không còn những thanh niên VN phải hy sinh vì chiến tranh nữa. Chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ của nghĩa vụ Quốc tế ...vv. Nhiều anh còn nói chắc như đinh đóng cột là: Chúng ta sẽ rút quân trong nay mai, lính đàn anh sẽ ra quân trở về cuộc sống đời thường, còn chúng mày (lớp lính trẻ) sẽ chuyển sang xây dựng kinh tế, đi trồng lúa, trồng sắn (khoai mỳ). Lính đàn em ngồi há hốc mồm ra mà nghe các anh truyền đạt lại kinh nghiệm sau chiến tranh được rút ra từ cuộc chiến tranh trước.
Chỉ đến khi ra khỏi thành phố Phnom Penh thì mới chợt hiểu ra rằng chiến tranh sẽ còn thêm nữa. Lại Amleang, căn cứ hang ổ cuối cùng của Pốt, nện xong là kết thúc. Nước nhà còn chờ, trận cuối là trận này, ai cũng hy vọng thế. Lại đánh, lại thương tử và rồi tin chiến thắng vang dội khắp nơi. Căn cứ cuối cùng của địch Amleang cũng đã được GP. Mừng vui hơn bao giờ hết, nhiều người hét đến khản đặc cả cổ: Sống rồi, chiến tranh kết thúc rồi, ta thắng rồi. Cả một tiểu đoàn đang hành quân, hân hoan trong tin chiến thắng ấy, thôi thì ném mũ tung hô lên trời với nhau, ôm trầm lấy nhau mà nhấc bổng lên quay cho chóng mặt, vài tay phởn chí lia vài loạt đạn AK ăn mừng lên trời, cả một tiểu đoàn cùng nổ súng ăn mừng chỉ trừ mấy tay vác hỏa lực B là chịu chết, không dám "ăn mừng" tin chiến thắng, ngay đến C trưởng C phó cũng "ngẩu hứng" rút "tỏi gà" ra vẩy vài viên làm kỷ niệm cuối, nếu không ngộ nhỡ nay mai hết cơ hội ra "oai". Lại bàn bạc, lại mơ về ngày mai sẽ hết chiến tranh, lại tính chuyện ngày mai sẽ được trở về quê hương.
Để rồi sau đó, lại hành quân, lại chiến tiếp với lại thương tử khiêng vác lẫn nhau, lính ta cứ ơ ... với ơ ... với nhau suốt, chẳng hiểu mô tê gì cả. Ơ, hết chiến tranh rồi mà, ơ ... ơ ... ơ. Chỉ có những đồng đội hy sinh sau trận đánh thì mang theo những thắc mắc ấy về cõi âm ty, còn những người bị thương hay còn sống thì bắt đầu hiểu rằng: Chiến tranh vẫn còn tiếp diễn và sẽ còn tiếp diễn dài dài. Chỉ có những người ở trong cuộc chiến, chứng kiến những hy sinh mất mát của chiến tranh thì mới hiểu hết chiến tranh là cái gì và cảm nhận đầy đủ tới từng phút giây, độ thèm khát và ham muốn được sống trong không khí của hòa bình, đánh giá, nhận định chính xác nhất sự quý giá ấy đến mức nào.
