Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 24 Tháng Năm, 2024, 01:38:14 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến thuật công kiên  (Đọc 72912 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
banzua
Thành viên
*
Bài viết: 53


« Trả lời #30 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2008, 10:38:18 am »

Trận Chùa Cao theo em biết bọn Pháp gọi là trận đồn "Yen Cu Ha" (dấu như thế nào thì chịu! )

Đây là một vài hình ảnh về tù binh của ta sau trận này lấy trên ECPA:





Logged
banzua
Thành viên
*
Bài viết: 53


« Trả lời #31 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2008, 11:58:22 am »

Trận Chùa Cao được xem là 1 trận trong chiến dịch sông Đáy, đây là bài viết về nó nhìn từ phía bọn Pháp:
(trích trong "lính dù ở Đông Dương" Jean Pierre Pissardy)
Trích dẫn
Cuộc tấn công của tướng Giáp bắt đầu trong đêm 28 và 29/5, nó có được hoàn toàn yếu tố bất ngờ. Trên 80 km, các đơn vị của Việt Minh làm lay động hoàn toàn hệ thống phòng ngự bên ngoài của chúng ta (hệ thống Đờ Lát)).
Cuộc chạm trán tàn bạo nhất xẩy ra ở Ninh Bình, với sự có mặt của một bộ phận lớn đại đoàn 308. Các đơn vị xung kích của nó đã tiến vào trong thị trấn, nó đã bao vây và tiêu diệt gần hoàn toàn đơn vị biệt kích thuỷ quân lục chiến "Phrăng-xoa" trong nhà thờ. Cùng một lúc, trung đoàn 102 đã tấn công các bốt ở Kỳ châu, Gia Khánh và Lan Khê phía nam Ninh Bình.
Ở phía bắc, đại đoàn 304 đã vượt sông Đáy, con đường Nam Định-Phủ Lý, kênh Phủ Lý và tấn công các đồn Cơ Viễn và Hùng Công (ko chắc về dấu).
Ở phía nam, đại đoàn 320 đã chiếm được Co Đa và đang bao vây đồn Cối Tre.
Trong vài tiếng đồng hồ, các mũi tấn công của VM đã tạo ra một hình vòng cung dài hơn 120 km.

mặc dù bị bất ngờ, các phản ứng của bộ chỉ huy Pháp cũng rất nhanh. Trong buổi sáng, các đơn vị dự bị đã sẵn sàng, 1 giang đoàn "Crabe" đã đẩy lui mọi cố gắng vượt sông ở Doãn Vỹ; 1 tiểu đoàn kỵ binh nhẹ (tiểu đoàn dã chiến của trung đoàn 1 kỵ binh nhẹ) cùng 1 khẩu đội 105 ly của binh đoàn cơ động 4, các đội biệt kích "Romary" và "Sieffert", đã được tàu há mồm của giang đoàn Dinassaut 3 đưa từ Nam Định đến Ninh Bình (trừ đội bk "Romary" được đổ bộ ở Yên Phúc) vào buổi trưa. Vào 17 giờ chiều, tiểu đoàn kỵ binh đã được đồn trú ở các mỏm đá xung quanh thị trấn về phía tây và nam.
Trong đêm 29-30, khoảng 4g sáng, sau 1 đợt pháo kích giữ dội bằng cối và SKZ, địch tấn công trong tiếng kèn đồng lên 2 mỏm đá với khoảng 7 tiểu đoàn. Vào 6 giờ sáng, 1 tiểu đoàn đã có chân trên mỏm đá phía tây. Trên mỏm đá phía nam, các đơn vị kỵ binh cũng dần dần bị tràn ngập. Vào 7 giờ sáng, trung đoàn 88 tập trung toàn lực vào mỏm đá tây để tiêu diệt 80 người sống sót của khinh đội 6, cố thủ xung quanh cái am nhỏ trên đỉnh đồi. Các cuộc tấn công liên tiếp theo nhau, 1 giờ sau, cuộc cân chiến bẳt đầu. Vào 10 giờ 15, cuộc phản kích đầu tiên của đội biệt kích "Vandenberghe" thất bại, nhưng nhờ nó đã cho thêm thời gian để binh đoàn cơ động số 1 đến nơi kịp thời. Vào buổi trưa, 2 tiểu đoàn ta-bo, với sự hỗ trợ tuyệt đối của pháo binh và không quân, đã chiếm lại được 2 vị mỏm đá và đếm được khoảng 400 xác chết địch (chính trong trận này con trai duy nhất của Đờ Lát đã tử trận).

Trong cùng thời gian đó, các lực lượng dự bị của pháp đã phải di chuyển khắp nơi để củng cố lại tình hình.
Sáng ngày 30, vào 11 giờ, tiểu đoàn 7 dù thuộc địa, được thả xuống Đang Đong, gần Ninh Bình và ngay sau đó phải nhanh chóng tập trung tấn công đồn Yên Phúc bị mất tối hôm trước. Đại đội 7 dù bản xứ được chở trên 2 tàu há mồm vượt sông đáy, nhưng bị ngăn chặn bởi hoả lực của khoảng 1500 VM, phải rút lui với 3 chết, 7 bị thương. Ở Thái Bình tiểu đoàn dù thuộc địa 2 được thả và tiểu đoàn dù lê dương 2 đang hành quân từ Nam Định về Phát Diệm. Đơn vị này hợp lại với binh đoàn cơ động số 4, nhanh chóng triển khai 1 hệ thống phòng thủ tạm thời trên sông Đáy ở Phủ Lý. Trong ngày 1/6, quân VM rút lui về phía sau. Trong vòng 48 tiếng, phía Pháp đã tập trung được các đơn vị giự bị. Vào lúc đó tướng Linares có 10 tiểu đoàn, 4 pháo đoàn và 1 thiết đoàn tập trung thành 4 binh đoàn cơ động.

Ngày 4/6, chiến trận lại bùng nổ, lần này mục tiêu của VM là các giáo xứ. 12 trung đoàn chủ lực tấn công theo 3 trục vào vùng tam giác Ninh Bình-Yên Phúc-Yên Cử Hà. Ở Yên Cử Hà, đêm 4-5/6, cuộc chiến đã lên đến đỉnh cao của nó. Đồn Yên Cử Hà do 1 đại đội 'pạc-ti-dăng" và đội BK "Romary" phải chịu cuộc tấn công của trung đoàn 88. Đến sáng hôm sau, đồn vẫn còn giữ được và được giang đoàn Dinassaut A và tiểu đoàn dù thuộc địa 7 cứu thoát. Các đơn vị này phải tốn 5 giờ để tiêu diệt các ổ phòng thủ còn lại của VM. Nhưng đêm hôm sau, VM lại tấn công. Ở Yến Cử Ha, đại đội 13 dù thuộc địa đã thay thế lính "pác-ti-dăng" phải chịu cuộc tấn công của toàn bộ trung đoàn 36 và tiểu đoàn 18 trung đoàn 102. Bốn lần trong đêm, các làn sóng người đến vỗ vào luỹ đồn bảo vệ bởi hoả lực của đại đội lính dù cộng với chiến thuyền LSSL 6 của giang đoàn Dinassaut. Buổi sáng hôm sau, địch bỏ lại mặt trận 99 xác chết, 41 vũ khí trong đó có 1 khẩu DKZ 57mm.Phía lính dù có 8 chết, 38 bị thương...

Chiến dịch sông Đáy coi như là kết thúc ở đây, sau đó chỉ còn các cuộc đụng độ nhỏ và cuộc càn quét "Chợ Cháy" tái chiếm các vị trí đã mất. Ngày 20/6, cuộc hành quân "Chợ Cháy" kết thúc, nó đã không gặp cản trở gì ngoài vài trận phục kích của du kích địa phương...
Theo phía Pháp, ta mất 1451 hy sinh, 154 tù binh. Nhưng cũng theo phía Pháp, các mục tiêu của chiến dịch (cầm chân quân Pháp để luồn vào vùng đồng bằng 6 tiểu đoàn chủ lực+vận tải lương thực từ vùng đồng bằng tạm chiếm ra vùng tự do) đều đã được hoàn thành mỹ mãn.
Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #32 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2008, 12:17:00 pm »

Trong đêm 29-30, khoảng 4g sáng, sau 1 đợt pháo kích giữ dội bằng cối và SKZ, địch tấn công trong tiếng kèn đồng lên 2 mỏm đá với khoảng 7 tiểu đoàn. Vào 6 giờ sáng, 1 tiểu đoàn đã có chân trên mỏm đá phía tây. Trên mỏm đá phía nam, các đơn vị kỵ binh cũng dần dần bị tràn ngập. Vào 7 giờ sáng, trung đoàn 88 tập trung toàn lực vào mỏm đá tây để tiêu diệt 80 người sống sót của khinh đội 6, cố thủ xung quanh cái am nhỏ trên đỉnh đồi. Các cuộc tấn công liên tiếp theo nhau, 1 giờ sau, cuộc cân chiến bẳt đầu. Vào 10 giờ 15, cuộc phản kích đầu tiên của đội biệt kích "Vandenberghe" thất bại, nhưng nhờ nó đã cho thêm thời gian để binh đoàn cơ động số 1 đến nơi kịp thời. Vào buổi trưa, 2 tiểu đoàn ta-bo, với sự hỗ trợ tuyệt đối của pháo binh và không quân, đã chiếm lại được 2 vị mỏm đá và đếm được khoảng 400 xác chết địch (chính trong trận này con trai duy nhất của Đờ Lát đã tử trận).

Đây chính là trận hạ đồn Non Nước của tiểu đoàn 54 trung đoàn Thủ đô. Bọn Tây này đúng là nổ kinh người Shocked
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #33 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2008, 12:20:21 pm »

Địa danh "Yen Cu Ha"
Logged
banzua
Thành viên
*
Bài viết: 53


« Trả lời #34 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2008, 11:54:19 am »

Đây chính là trận hạ đồn Non Nước của tiểu đoàn 54 trung đoàn Thủ đô. Bọn Tây này đúng là nổ kinh người Shocked
Trận Chùa Cao đêm 6-7/6 theo bọn Pháp đây:
Trích dẫn
Đồn Yên Cư Hạ (tên của nó thật sự là như thế này) có hình chữ nhật 60x80 mét, có 4 tháp canh ở các góc, cách đồn 5m có rãnh nước rộng 4m bao bọc bởi 1 lũy chông tre vuốt nhọn, cách đồn 30m, đại đội 13 (của tiểu đoàn 7 dù thuộc địa) đã đặt được trong ngày 5/6 một hàng rào kẽm gai. Vì tình hình chất lượng đồn lũy rất xấu do chiến trận đêm trước, đơn vị phải đào thêm hố cá nhân.

Đêm 6-7/6/1951:
Đội hình đại đội 13: 4 sỹ quan, 12 hạ sỹ quan và 164 lính.

- 20g: Các đơn vị tuần tiễu đều báo cáo tình hình yên ổn.
- 22g: lính gác nghe được nhiều tràng súng ở xa.
- 23g45: 1 đơn vị tuần tiễu báo cáo đã thấy nhiều người có vũ khí vận chuyển xung quanh đồn. Một vài viên cối 60 và 81 được bắn ra xung quanh nhưng ko có trả lời.
- 3g15: 1 lính gác nghe tiếng động cách đồn khoảng 10m đã gọi nhưng cũng ko có tiếng trả lời, anh ta bắn 1 tràng tiểu liên... và mọi việc bắt đầu.

một cơn mưa đạn súng trường, tiểu liên, trung liên, cối, ĐKZ đặt cách đồn khoảng 40m đang dội vào khắp nơi. Bây giờ thì đã chắc chắn, bọn Việt tấn công...

- 3g30-4g15 : các làn sóng tấn công nối đuôi nhau, vượt hàng rào và chỉ dùng lại ở gần vị trí của bộ chỉ huy. Một số còn đến được chân luỹ và đặt thuốc nổ phá sập các tháp canh. Thiếu úy Laperrouzaz cùng 2 quân nhân khác đã tử trận, 1 sỹ quan, 2 hạ sỹ quan cùng 8 quân nhân khác cũng bị thương, một số rất nặng. Tiếng kêu gọi của thương binh vang lên khắp nơi, nhưng không ai thấy gì hết do khói thuốc nổ và đạn cối đang rơi vào trong đồn. Pháo binh 105 ở cách đó 9km cũng bắt đầu bắn bao bọc đồn.
- 4g15-4g45 : tình hình lắng xuống, mọi người tranh thủ tập trung đạn dược và đưa thương binh vào nơi an toàn.
- 4g45-5g30 : 1 cuộc tấn công mới lại bùng lên gấy ra thêm 5 người chết và 8 bị thương... 1 binh sỹ người Nùng đã bị địch bắt và kéo về phía ruộng lúa. Sáng hôm sau, xác anh ta đã được tìm thấy ở đây. Địch có vẻ cũng đang chuẩn bị rút lui.
Mặt trời bắt đầu mọc, không quân bắt đầu xuất hiện để truy kích các nhóm địch quân đang nhanh chóng  hoà tan vào thiên nhiên xung quanh.
- 6 giờ : Các đơn vị tuần tra có thể ra khỏi đồn để kiểm tra tình hình. 25 thương binh được chuyển về tuyến sau, 2 hạ sỹ quan bị thương nặng được trực thăng đưa thẳng về Lannessane (BV 108 ngày nay), 10 thương binh còn lại vẫn ở lại đồn đợi đợt vận chuyển sau.

Các đơn vị địch có mặt:
- Phía nam: 1d+1c bb+ 2 DKZ cách đồn 250m
- Phía đông: 2d+1 DKZ 57mm (được 1 đơn vị tuần tiễu thu được)
- Phía tây: 1d(tiểu đoàn xung kích 18)+1c và 1 DKZ 57mm

Tất cả khoảng 2500 người thuộc các đơn vị thiện chiến nhất của địch, được trang bị mạnh hơn 180 lính dù của chúng ta.

Kết quả:
Chúng ta thu được 1 khẩu 57mm ĐKZ chưa bao giờ thấy ở Đông Dương (1 khẩu SKZ chăng???), 17 súng tự động, 14 súng trường cùng rất nhiều bộc phá và lựu đạn.
Trong đồn mỗi khẩu trung liên đã bắn trong 3 giờ khoảng 2500 viên, khẩu cối 60mm của đại đội (với 3 pháo thủ trên 5 đã chết) tiêu 305 viên đạn, khẩu 81 :260 viên (toàn bộ số đạn mang theo).
Pháo binh yểm trợ đã bắn 1180 viên 105mm, tầm bắn rất chính xác vì chỉ có 3 viên đạn rơi vào trong đồn...
Logged
banzua
Thành viên
*
Bài viết: 53


« Trả lời #35 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2008, 11:11:15 am »


Trên hướng dBB84 đánh Mạo Khê đồn gặp khó khăn do nụ xoè, dây cháy chậm bị ẩm, khi phá hàng rào có quả bộc phá không nổ phải cài đặt lại. D chỉ mang lượng bộc phá đủ để đánh 2 lớp hàng rào theo kế hoạch nhưng địch đã rào thêm 3 lớp rào nữa. Vì vậy đánh đến ống bộc phá thứ 5 ta mới mở được 3 lớp rào, bộ đội phải gom bộc phá để đánh và dùng dao chặt các lớp rào còn lại. Sau gần 30’ mới mở thông cửa mở tiến vào đồn, lực lượng ta bị thương vong nhiều ngay trước cửa mở. Trong quá trình ta tổ chức chiến công, PB địch từ Đông Triều và tàu chiến bắn đến dữ dội, đồng thời địch trong đồn tổ chức nhiều đợt phản kích nhằm đẩy ta ra khỏi cứ điểm. d84 liên tục tổ chức các đợt xung phong nhưng đều bị địch đánh bật lại không phát triển chiến đấu được.
(...)
Cái giá phải trả cho thất bại ở trên

Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #36 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2008, 04:34:38 pm »

Thực ra không phải là trận nào đánh vào Nà Sản cũng thất bại.

Trận tiến công cứ điểm Gò Hồi - Nà Sản
Của dBB115/eBB165/fBB312
Ngày 30-31/11/1952


I. Tình hình chung

1 Địa hình, thời tiết


Gò Hồi nằm ở phía Bắc Nà Sản khoảng 2km thuộc huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La, gò cao khoảng 50m, chạy theo hướng Đông Tây, cao dần về phía Tây, chiều rộng khoảng 80m, chiều dài khoảng 200m, chia làm hai mỏm. Mỏm A ở phía Tây cao 50m, mỏm B ở phía Đông cao 35m. Địa hình tương đối cao, tiện cho việc quan sát, khống chế đường số 6 và một vùng rộng lớn. Địch coi đây là cứ điểm tiền tiêu, phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Từ Gò Hồi về phía Bắc khoảng 200m có các gò cao và núi thuộc Bâu Phát, về phía Đông khoảng 300m có gò cao 35m, cây cối rậm rạp. Về phía Nam và Tây Nam khoảng 2,5km là các cao điểm trong hệ thống cứ điểm Nà Sản.

Thời điểm diễn ra trận đánh là mùa đông, trời se lạnh, ngày có nắng, chiều và tối có nhiều sương mù, khoảng 16. ngày hôm trước đến 8 - 9. ngày hôm sau mới tan. Thuận lợi cho ta cơ động chiếm lĩnh xây dựng trận địa xuất phát tiến công, nhưng tầm quan sát bị hạn chế.

Tóm lại: Gò Hồi là một vị trí quan trọng, án ngữ trục đường số 6 từ Sơn La về Nà Sản, có thể quan sát, khống chế một khu vực rộng lớn. Đây là cứ điểm tiền tiêu phía Bắc bảo vệ an toàn cho khu vực sân bay Nà Sản và tập đoàn cứ điểm này. Địa hình khu vực Gò Hồi là núi cao,  rừng rậm tiện cho trú quân, cơ động giữ được bí mật. Nếu ta chiếm được Gò Hồi sẽ mở thông đường cho lực lượng ta đánh vào tập đoàn cứ điểm Nà Sản, tuy nhiên do tính chất địa hình rừng núi, việc vận chuyển các loại hoả khí gặp rất nhiều khó khăn.


2. Tình hình địch

Trong đợt 2 chiến dịch Tây Bắc, ta đã giành thắng lợi lớn, giải phóng các huyện Mường La, Thuận Châu, Tuần Giáo, Mai Sơn, Quỳnh Mai và thị xã Sơn La. Đêm 22 tháng 11 năm 1952, tàn quân địch từ phía Bắc Sơn La tập trung về Nà Sản cụm lại thành tập đoàn cứ điểm Nà Sản gồm: 28 cứ điểm có 8 d phòng thủ, cố thủ chờ quân tiếp viện ứng cứu phản kích lấy lại địa hình đã mất.

Lực lượng địch đóng ở bản Lăm và Gò Hồi là 1 d + 1 c, bị ta đánh thua ở các nơi chạy về, chủ yếu là người địa phương ở Lai Châu, Lào Cai, Than Uyên. Chúng bố trí ở bản Lăm 2 c và vị trí chỉ huy d ở Gò Hồi 1 c. Địch bố trí cụ thể như sau: ở mỏm A chúng bố trí chỉ huy c + trận địa cối 60mm và 1 b; 1 b chúng bố trí phòng ngự ở phía Bắc và Đông Bắc mỏm A; 1 b chúng bố trí phòng ngự ở phía Tây và Tây Nam mỏm A. Lực lượng còn lại và một số tàn quân chạy về chúng bố trí phòng ngự ở mỏm B.

Công sự: Xung quanh cứ điểm là hệ thống giao thông hào sâu từ 1,4 - I,7m; rộng từ 0,8 - 1m. Dọc theo hào từ 10- 15m chúng bố trí một ụ súng rộng từ 2-3m, có nắp dày  0,8m, có lỗ bắn ra các hướng, ở đỉnh mỏm A có hầm chỉ huy và hầm cối, hầm đạn và lương thực, thực phẩm, thuốc men. Có các hào nối các ụ súng với hầm chỉ huy. Đồng thời chúng làm 1 5 lều tranh để che mưa nắng, làm chỗ nghỉ ngơi. Vật cản: Chúng bố trí 3 lớp hàng rào dây thép gai quanh cứ điểm. Ngoài cùng là lớp hàng rào được đôn cao 1,5m, ở giữa là lớp hàng rào vướng chân cao 0,4m, rộng 5m. Trong cùng là lớp hàng rào kiểu mái nhà cao 1,5m, rộng 3m. Khoảng cách giữa các hàng rào là 3-5m được bố trí mìn chống bộ binh.

Hoả lực: Địch có 2 cối 60mm, 2 đại liên, 2 Stock, 10 trung liên còn lại là tiểu liên, súng trường và lựu đạn. Ngoài ra còn được hoả lực của d và trong cứ điểm chi viện mạnh.

Thủ đoạn đối phó và quy luật hoạt động của địch: Hàng ngày chúng củng cố công sự trận địa, kết hợp với lực lượng phía sau lên sục sạo càn quét các bản xung quanh, chủ yếu về phía Bắc cứ điểm nhằm phát hiện và phá thế tiến công của ta. Ban ngày địch còn dùng máy bay B26 đến oanh tạc xung quanh cứ điểm. Đêm tổ chức các toán nhỏ phục kích ta ở đường số 6 và các đường mòn, chúng dùng PB ở các cứ điểm Nà Sản, bản Lâm bắn ra xung quanh cứ điểm. Nếu bị ta tiến công chúng dựa vào hệ thống công sự trận địa, địa hình có lợi dùng hoả lực ngăn chặn ta, gọi KQ đánh chặn đội hình tiến công của ta và điều lực lượng ở phía sau cơ động đánh vào bên sườn phía sau đội hình tiến công của ta. Nếu có nguy cơ bị tiêu diệt chúng chạy về sân bay cố thủ.  

Kết luận về địch: Mạnh: Địch phòng ngự có quân số đông trong công sự trận địa, vũ khí trang bị tương đối hiện đại, chi viện ứng cứu cho nhau nhanh. Yếu: Địch bị thua chạy ở nhiều nơi về nên tinh thần binh lính hoang mang dao động, quân số hỗn hợp nên chỉ huy hiệp đồng khó khăn. Cứ điểm lại đóng độc lập nên dễ bị cô lập khi bị ta tiến công, sinh hoạt tiếp tế khó khăn. Địa hình rừng núi cơ động lực lượng và phát huy hoả lực hạn chế.


3. Tình hình ta

dBB115 trong đội hình chiến đấu của eBB165/fBB312 có bề dày truyền thống và kinh nghiệm đánh địch ở địa hình rừng núi. Sau hai đợt của chiến dịch d đã được củng cố, kiện toàn, bổ sung quân số (100 tân binh). Tổ chức trang bị của d gồm 3 cBB (501, 503, 505) và 1 c trợ chiến 914; 1 c tải thương, 1 c hữu tuyến điện, 1 c vô tuyến điện. Tổng số biên chế có 484 đ/c. Vũ khí trang bị: 2 cối 81mm, 6 cối 60mm, 2 đại liên, 12 trung liên, 45 tiểu liên, 5 các bin, còn lại là súng trường và lựu đạn. Cán bộ, chiến sĩ đã trải qua chiến đấu nên có nhiều kinh nghiệm. Cán bộ các cấp có kinh nghiệm về tổ chức chỉ huy và thực hành chiến đấu.  Đ/v được tăng cường 1 c cối 120mm (2 khẩu) với 40 quả đạn; 1 b ĐKZ 57mm với 50 quả đạn. Cũng trong thời gian diễn ra trận đánh Gò Hồi có đ/v bạn của f308 đánh địch ở Phú Hồng.

Tóm lại: Thuận lợi: Cán bộ, chiến sĩ có quyết tâm chiến đấu cao, có kinh nghiệm chiến đấu ở địa hình rừng núi. Qua hai đợt hoạt động ta giành thắng lợi, giải phóng một vùng Tây Bắc rộng lớn, nhân dân phấn khởi giúp đỡ bộ đội, đ/v được củng cố kiện toàn, bổ sung quân số trang bị, có thời gian chuẩn bị chiến đấu chu đáo. Khó khăn: Đ/v cơ động chiến đấu dài ngày, sức khoẻ của bộ đội bị giảm sút. Địa hình rừng núi cơ động tiếp tế gặp nhiều khó khăn. Đ/v được bổ sung 100 tân binh nên chưa có kinh nghiệm chiến đấu. Địch phòng ngự trong hệ thống cứ điểm kiên cố, ta lại thiếu bộc phá.


II. Tổ chức chuẩn bị chiến đấu

1. Nhiệm vụ


Nhằm phát huy thắng lợi của đợt 1, 2 chliến dịch Tây Bắc. Bộ chỉ huy Mặt trận Nà Sản hạ quyết tâm tiến công tập đoàn cứ điểm Nà Sản với hai chủ trương sau: Sử dụng dBB115/eBB165 tiên công cứ điểm Gò Hồi, vị trí tiền tiêu của cứ điểm Nà Sản - một bộ phận của f308 đánh chiếm Phú Hồng để mở màn chiến dịch tiến công vào tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Sau khi dBB115 tiêu diệt địch ở Gò Hồi phát triển đánh xuống sân bay ngay trong đêm. dBB115 làm chủ Gò Hồi để lại 1 lực lượng chốt giữ, còn lại rút về vị trí quy định.

Ngày 25 tháng 11 năm 1952, Bộ Tư lệnh mặt trận (Y3) gồm Tư lệnh Bằng Giang; Phó Tư lệnh Lê Thuỳ, Chính uỷ Song Hào giao nhiệm vụ cho đ/c Huyền Tráng d trưởng và chính trị viên Ngọc Châu tại thị xã Sơn La, nội dung cụ thể như sau: dBB115 được tăng cường 1 c cối 120mm (2 khẩu), 1 b ĐKZ 57mm (2 khẩu) 80kg bộc phá, 775 quả lựu đạn, 37 thủ pháo, 2 kìm cắt dây thép gai. Quá trình chiến đấu được hoả lực của mặt trận chi viện, có nhiệm vụ tiến công cứ điểm Gò Hồi, hoàn thành nhiệm vụ cử 1 lực lượng chốt giữ còn lại lực lượng cơ động về vị trí quy định sẵn sàng nhận nhiệm vụ tiếp theo.


2. Cách đánh

Bí mật cơ động vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát xung phong sát cứ điểm Gò Hồi, tập trung hoả lực chế áp, tiêu diệt các mục tiêu trên các hướng cửa mở, công sự trận địa của địch trong cứ điểm, chi viện cho bộ binh mở cửa, thực hành tiến công bằng nhiều mũi, nhiều hướng, hình thành thế bao vây chia cắt kết hợp thọc sâu, đánh chắc, tiến chắc, sục sạo kỹ tiêu diệt từng ụ súng, từng bộ phận tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch trong cứ điểm Gò Hồi làm chủ trận đánh.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Mười, 2008, 04:38:04 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #37 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2008, 04:35:08 pm »

3. Sử dụng lực lượng

cBB501 được tăng cường 1 bBB của cBB503, 40kg thuốc nổ và một số binh khí kỹ thuật. Trong quá trình chiến đấu được hoả lực của d, mặt trận chi viện, vị trí triển khai ở Đông đường số 6, Tây Nam mỏm A, xây dựng công sự trận địa xuất phát xung phong, có nhiệm vụ tiến công trên hướng chủ yếu của d tiêu diệt địch ở mỏm A, vị trí chỉ huy c địch và trận địa cối 60mm, thuận lợi đánh xuống mỏm B. Quá trình chiến đấu hiệp đồng với cBB505 đánh địch ở mỏm B và tổ dương công nghi binh ở phía Bắc mỏm A.

cBB505 được tăng cường 40kg thuốc nổ và một số binh khí kỹ thuật khác. Quá trình chiến đấu được hoả lực của d và trận địa chi viện, vị trí triển khai ở Đông Nam mỏm B, có nhiệm vụ tiến công trên hướng thứ yếu của d, tiêu diệt địch ở mỏm B. Quá trình chiến đấu tổ chức thành hai bộ phận, 2 b tiến công địch ở mỏm B, 1 b bố trí phía Nam gò B để chặn đánh địch rút chạy tử cứ điểm về sân bay hoặc đánh địch tăng  viện cho cứ điểm, điều kiện thuận lợi phát triển đánh sang mỏm A, chú ý bắt liên lạc với cBB503 trên hướng chủ yêu

cBB503 (thiếu 1 b), quá trình chiến đấu được hoả lực của d, trận địa chi viện, vị trí triển khai sau cBB501. Làm lực lượng dự bị của d, sẵn sàng tăng sức đột kích cho các hướng và xử trí các tình huống khác trong chiến đấu. Khi d đã chiếm được cứ điểm địch nhanh chóng cơ động lên nhận bàn giao, tổ chức củng cố công sự trận địa giữ vững mục tiêu đã chiếm.

Tổ dương công, nghi binh: 3 đ/c trung liên của cBB503, vị trí triển khai ở phía Bắc mỏm A cách địch khoảng 70m. Nhiệm vụ là lực lượng dương công, nghi binh thu hút địch tạo điều kiện cho các hướng mở cửa và tiêu diệt địch, cắt rào xung phong thành một mũi, quá trình chiến đấu bắt liên lạc với cBB501 đánh mỏm A.

Cối 120mm, bố trí trận địa ở phía Tây cứ điểm cách địch khoảng 1.000m, cách Tây đường số 6 khoảng 500m, có nhiệm vụ chế áp tiêu diệt trận địa cối 60mm, vị trí chỉ huy c địch cùng các hoả điểm của địch ở mỏm B, chi viện cho bộ binh trong quá trình chiến đấu. Khi có lệnh dùng hoả lực ngăn chặn, sát thương địch rút chạy, hoặc phản kích từ khu vực ngã ba đường số 6 phía Nam cứ điểm Gò Hồi 1,5km.

ĐKZ 57mm bố trí trận địa ở Tây gò A khoảng 200m, có nhiệm vụ tiêu diệt các hoả điểm của địch, các ụ súng lô cốt ở sườn Tây, Tây Bắc và Tây Nam chi viện cho bộ binh chiến đấu, khi cBB501 chiếm được mỏm A nhanh chóng cơ động lên mỏm A chi viện hoả lực cho bộ binh chiến đấu.

Cối 81mm, bố trí ở Tây cứ điểm địch khoảng 500m, Tây đường số 6 50m, có nhiệm vụ chế áp, tiêu diệt hoả điểm, ụ súng, bộ binh lộ ở mỏm A, B chặn địch tăng viện, rút chạy ở hướng Đông cứ điểm.

Đại liên, bố trí trận địa ở Tây gò A, ở hai bên cửa mở của hướng chủ yếu tham gia hoả lực khi bộ binh mở cửa. Sẵn sàng bắn máy bay bay thấp bảo vệ đội hình chiến đấu của d.


III. Diễn biến chiến đấu, kết quả.

1. Diễn biến chiến đấu


20.00 ngày 30/11/1952, toàn d xuất phát từ bản Xô Cô My cách địch khoảng 1,5km, theo đường mòn, triền núi, bìa rừng lối Tây đường số 6, cách cứ điểm Gò Hồi 500m, các đ/v triển khai cơ động bí mật vào chiếm lĩnh trận địa theo kế hoạch lúc 21.00. Do địa hình rừng núi hiểm trở, đến 23.00 cối 120mm mới vào tới trận địa.

Lúc 23.30 phút, địch bắn đại bác ra xung quanh Gò Hồi, do ta bố trí phân tán và có công sự nên không thiệt hại gì. Đồng thời có 1 máy bay B26 bay từ sân bay và bắn pháo sáng rồi bay về phía Phú Hồng, các đ/v ta cách cứ điểm địch 50m vẫn giữ được bí mật.

Đến 23.45 phút, d nhận lệnh của ban chỉ huy mặt trận, lúc 24.00 nổ súng, đồng thời d truyền lệnh xuống các bộ phận nắm lại tình hình, thông báo. nổ súng.

Đúng 00.00 ngày 31/11/1952, d phát lệnh cho cối 120mm nổ súng làm hiệu lệnh. Sau đó lệnh cho cối 81mm, cối 60mm bắn vào cứ điểm Gò Hồi theo nhiệm vụ. ĐKZ 57mm, đại liên kiềm chế, tiêu diệt các hoả điểm, ụ súng của địch xuất hiện ở tiền duyên chi viện cho bộ binh lên mở cửa. Bộ đội từng bước dâng đội hình sát cửa mở. Một tình huống xảy ra ngoài dự kiến, đ/c thông tin hét to không có dây thép gai, cho bộ đội xung phong, dẫn tới bị lộ hướng cửa mở của cBB501. Địch dùng hoả lực bắn mạnh. Qua chớp lửa, bộc phá viên thấy hàng rào liền đặt bộc phá giật luôn. Đồng thời xung kích ở phía sau không thấy có dây thép gai liền xông lên, thì thấy dây nổi bộc phá phá rào đang cháy liền lui lại phía sau, xung kích ở phía dưới dồn lên làm cho đội hình bị ùn tắc trước cửa mở, bị hoả lực địch sát thương nhiều. Trên hướng của cBB505 cũng gặp nhiều khó khăn, hoả lực địch bắn mạnh, bộc phá thiếu phải dùng thuốc bom thay bộc phá để phá hàng rào, phá không sạch bộ đội cũng bị ùn tắc trước cửa mở. Trên hướng chủ yếu, cBB501 đã phá được hàng rào thứ 3, bị lạc mất 1 quả bộc phá 8kg không đánh dấu và đội hình xung phong lộn xộn vì ùn tắc. Xung kích được lệnh xung phong nhưng vướng hàng rào còn sót không tiến được Hoả lực địch bắn mạnh bịt lấp cửa mở, nhất là khẩu đại liên địch bố trí bên phải hướng chủ yếu bắn mạnh làm ta thương vong nhiều.

Trước tình huống diễn ra gay go, phức tạp, ta hết bộc phá để mở cửa mở, địch bắn mạnh vào hướng cửa mở. D lệnh cho xung kích lùi ra, lệnh cho hoả lực cối 120mm, cối 81mm bắn 10 quả vào các hoả điểm địch mới xuất hiện, cơ động 1 khẩu ĐKZ 57mm sang bên phải tiêu diệt hoả điểm đại liên địch. Cũng trong lúc này đ/c Hiếu b trưởng b mở cửa hội ý với đ/c Nhuận b phó cùng 1 chiến sĩ lợi dụng lúc cối 120mm bắn chế áp hoả điểm địch đã bò lên dùng kéo cắt hàng rào dây thép gai còn lại, mở đường cho .xung kích ta xung phong tiêu diệt địch ở mỏm A. 

Đúng 04.00 ngày 31/11, hướng chủ yếu chiếm được đầu cầu và phát triển vào trận địa phòng ngự của địch. 1 b của cBB501 thọc sâu đánh vào vị trí chỉ huy c địch ở đỉnh mỏm A, 1 b đánh vòng lên bên phải theo đường hào tiêu diệt ổ đại liên địch, 1 b vòng theo đường hào bên trái tạo thế gọng kìm đánh chia cắt địch. Địch lợi dụng công sự, ụ súng điên cuồng chống trả, ta và địch giành giật nhau từng công sự, ụ súng, từng mét hào. Trước sức tiến công kiên quyết của bộ đội ta, đến 04.45 phút, quân địch đã bị các mũi tiến công của c tiêu diệt phần lớn. Số địch sống sót ở mỏm A cắt rào tháo chạy sang mỏm B, chớp thời cơ ta truy kích địch sang mỏm B.

Lúc này hướng thứ yếu của cBB505 cũng đã đánh chiếm được 2/3 mỏm B tạo thế vây ép quân địch. Địch ở mỏm A và mỏm B mở đường máu tháo chạy xuống phía yên ngựa Nam mỏm B, chạy về sân bay gặp b đón lõng của cBB505 ở Nam mỏm B chặn đánh, tiêu diệt gần hết, chỉ còn khoảng 1 a địch sống sót chạy thoát về sân bay.

Trên hướng chủ yếu phát triển tiến công mỏm A bộ phận dương công cũng cắt rào xông lên diệt 2 ụ súng, thu 1 trung liên và tiêu diệt 13 tên địch.

Đến 05.15 phút ngày 31/11, ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm Gò Hồi.

Theo kế hoạch, đại liên sẵn sàng bắn máy bay địch, cBB503 nhận bàn giao, tổ chức đội hình, củng cố khu vực đã chiếm, sẵn sàng đánh địch phản kích. eác bộ phận còn  lại thu dọn chiến trường, giải quyết chính sách thương binh tử sĩ, tù hàng binh, thu chiến lợi phẩm, rời khỏi trận địa. Lúc 05. 45 phút, các bộ phận đã rút ra đường số 6 chia làm các hướng về vị tri ở An Đình sẵn sàng nhận nhiệm vụ tiếp theo.


2. Kết quả chiến đấu

Địch: Bị tiêu diệt 117 tên (có 2 quan hai), bị bắt 56 tên, chạy thoát khoảng 1 a về sân bay Nà Sản. Ta thu được: 2 đại liên, 2 cối 60mm, 3 trung liên, 2 tiểu liên, 1 các-bin, 75 súng trường và toàn bộ đạn dược, quân trang quân dụng của địch ở cứ điểm.

Ta: Hy sinh 19 đ/c, bị thương 80 đ/c. Đạn tiêu thụ: Đạn cối 120mm: 32 quả; Đạn 81mm: 47 quả; Đạn ĐKZ 57mm: 25 quả; Đạn cối 60mm: 80 quả; Thuốc nổ: 80kg; Thủ pháo: 37 quả. 
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
_new
Thành viên
*
Bài viết: 827



« Trả lời #38 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2008, 07:43:23 pm »

Trận Chùa Cao theo em biết bọn Pháp gọi là trận đồn "Yen Cu Ha" (dấu như thế nào thì chịu! )

Chào bác Bán dưa. Smiley Yen Cu Ha đọc là Yên Cư Hạ.

Thông tin về trận này từ VNCH:
Trích dẫn
Yên Cư Hạ là tấm bình phong chắn trước Liên khu 4 của VM. Đây là một đồn quân kiên cố gồm có một pháo đài chính bằng bê tông, bao pháo đài phụ bằng đá xây nửa ngầm dưới đất, xung quanh có tường phòng thủ và bên ngoài là hàng kẽm gai gài mìn. Các pháo đài đều được thiết kế súng tự động. Đồn do một đại đội đóng giữ, sau này được tăng cường thêm đại đội comando Romary.
....
0h30 ngày 4/6 Vm bắt đầu đánh YCH. Lực lượng tham chiến của VM là trung đoàn 88 thuộc sư 308. Thoạt đầu một trận pháo kích tới tấp bắn vào đồn, VM bắn cả trái phá lân tinh. Một pháo đài phụ của đồn bốc cháy.
02h quân VM bò sát tường cho nổ bộc phá và sau đó là những làn sóng xung phong vào đồn qua những lỗ hổng. Quân trong đồn tập trung các hỏa lực tự động và đã ngăn được các làn sóng này.
Bộ đội VM lại mở các cuộc xung phong khác. Hai bên dùng mã tấu, lưỡi lê xáp chiến ngay trước các pháo đài. Pháo binh của Liên đoàn lưu động Edon tại Ninh Bình bắn yểm trợ dữ dội và bắn ngay vào hàng rào kẽm gai đồn. PHáo bắn liên tiếp từ 3h30 đến 05h sáng. Pháo binh vừa dứt, VM khai thác ngay sơ hở mở một đợt xung phong mạnh mẽ khác vào lúc 7h trong khi trời còn sương mù.
Qua cuộc tấn công này, VM chiếm được pháo đài chính và một trong hai pháo đài phụ còn lại. Quân trong đồn chỉ còn giữ được một pháo đài phụ và một mặt tường ở sát bờ sông, vẫn tiếp tục chống cự một cách tuyệt vọng.
Lại nói về VM tại Ninh Bình, tại đây họ không dùng bộ binh mà chỉ dùng một đại đội pháo để tấn công các tàu chiến Pháp đậu trước tỉnh lỵ, trong đó có chiếc LSSL6 lớn nhất đậu phía bên kia sông tỉnh, cách cây cầu đổ khoảng 200m. Nhờ sườn núi và đêm tối, VM cho đơn vị trọng pháo của họ đưa 75 và 57 mm không giật tới sát bờ sông gần nơi tàu chiến đậu và đào công sự lập vị trí thành một hàng dài.
5h VM bắt đầu bắn bích kích pháo dữ dội vào tỉnh lỵ, đồng thời các dàn súng không giật bắn thẳng vào tàu LSSL6. 10 phút sau, tàu Pháp mới phản ứng lại. Tàu chiến LSSL6 bị trúng tới 7 trái đạn nhưng không việc gì. Trên tàu chỉ có vài người bị thương.
Tại Yên Phúc, cũng trong đêm này VM đánh yếu không đáng kể.
Sau khi trời sáng, các đoàn tàu Pháp tại Ninh bình được lẹnh tiếp cứu cho đồn Yên Cư Hạ.
9h đoàn tàu Pháp tới nơi và dùng đại bác bắn trực xạ vào ngôi đồn đổ nát. Pháp cho một đại đội nhảy dù đổ bộ lên tiến vào đồn và tiếp cứu những người còn sống sót.
VM bị bất ngờ vì cứ tưởng các tàu chiến Pháp đã bị tiêu diệt đêm qua, nên bỏ chạy.
Quân VM tại pháo đài chính không rút ra được vẫn cố thủ dũng mãnh. Hải quân Pháp phải dùng súng Bofors 40 (?) công phá pháo đài. Rút cục 55 VM đã đầu hàng và để lại 23 xác.
Trong trận tấn công biển người này, VM bỏ lại tất cả 200 xác. Hai đại đội giữ đồn chỉ còn vài chục người sống sót. Viên trung úy Romary bị thương nặng.
Sau khi chiến lại đồn, Pháp giao lại cho đại đội nhảy dù kể trên đóng giữ. Quân nhảy dù tiếp nhận được thêm kẽm gai và đã phải đào bới trên đống gạch đổ nát để tổ chức phòng thủ.
Đêm đến, VM lại từ trong núi tấn công ra. Nhưng lần này nhờ có kỷ luật tác xạ của quân dù chỉ bắn khi địch tới gần, các đợt xung phong của Vm đã thất bại.

Bác Bán dưa không rõ đã vào đây chưa: http://www.anciens-cols-bleus.net/commandos-f8/commando-francois-t698-120.htm chúng nó nói gì đấy ạ.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Mười, 2008, 07:53:27 pm gửi bởi _new » Logged
_new
Thành viên
*
Bài viết: 827



« Trả lời #39 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2008, 08:22:11 pm »

Cọp thêm tấm ảnh từ link trên:

Rocher de Ninh-Binh, 29 Mai 1951


LSSL Dinassaut Ninh-Binh, 30 Mai 1951:


Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM