Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 01:49:55 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chân trần, chí thép  (Đọc 69599 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2011, 11:01:16 pm »


BÁC SĨ ĐAU ĐỚN


Trên cơ thể Võ Hoàng Lê hằn những vết thương của một người lính chiến. Ông đã bị thương tới sáu lần trong 43 năm binh nghiệp – trong đó có hai lần thời chống Pháp và bốn lần thời chống Mỹ.

Những vết thương sau này cho thấy rõ sự đa dạng về vũ khí trong kho đạn dược của người Mỹ. Đối với Lê, năm 1967 không phải là một năm may mắn: trong một trận không kích, ông bị bom napalm làm cháy phỏng khuỷu tay phải; sau đó, trong một trận tấn công mặt đất, ông bị mảnh đạn phóng lựu M-79 văng trúng phần trên cánh tay trái; rồi trong một trận pháo kích, ông bị găm vài mảnh vào lưng do quả đạn nổ quá gần. Nhưng vết thương khủng khiếp nhất đến với Lê vào năm sau đó. Một quả đạn từ khẩu súng máy M-60 đã xuyên trúng tay ông, cắt đứt một phần bàn tay và ngón út. Khi Lê tới nơi chữa trị, người y tá ngần ngại trong việc cắt phần dưới bàn tay đang đu đưa của ông. Thế là Lê lôi con dao từ trong túi ra, không cần thuốc gây tê, cắt đứt phần tay vốn đã trở thành vô dụng.

Các bạn có thể nghĩ rằng Lê là một lính bộ binh nơi tiền tuyến. Trên thực tế, nhiệm vụ cơ bản  của ông không phải là cướp đi sự sống của người khác, mà là trong vai trò một bác sĩ phẫu thuật, tìm cách giữ gìn sự sống. Đóng quân ở địa đạo Củ Chi, một hệ thống địa đạo quy mô lớn nằm sát nách Sài Gòn, Lê hằng ngày phải tham gia vào cuộc chiến sinh tồn của bản thân và của bệnh nhân. Những vết thương trên cơ thể ông là chứng tích cho cuộc chiến kinh khiếp ở Củ Chi.

Do bị cụt tay và không thể thực hiện phẫu thuật, Lê đành làm giám sát – một nhiệm vụ mà ông đảm trách cho tới ngày tàn chiến cuộc.

Cuộc đời binh nghiệp của Lê không phải là không điển hình cho rất nhiều người phục vụ trong quân đội. Ông nhập ngũ năm 1947 và nhanh chóng được “thử thách bởi bom đạn”. Lúc mới mười bốn tuổi, Lê thấy mình có bổn phận phải tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Ở đơn vị quân y, ban đầu ông được đào tạo để trở thành y tá, rồi sau đó là bác sĩ. Hoàn thiện kỹ năng chủ yếu nhờ các khóa học thực nghiệm, Lê dần trở thành một chuyên gia phẫu thuật sọ não. Khi cuộc chiến chống Pháp kết thúc, ông ra Bắc nâng cao kỹ năng. Năm 1960, giữa lúc cuộc đấu tranh với Sài Gòn leo thang, ông lại được điều vào Nam. Chiến trường miền Nam trở thành nhà của Lê trong suốt mười lăm năm sau đó.

Cuộc chiến chống Pháp và sau này là chống Mỹ đã gây ra bi kịch vô cùng to lớn đối với gia đình của Lê. Đến khi Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975, bảy thành viên trong gia đình ông đã thiệt mạng.

Cha của Lê là một trưởng thôn. Khi quân Pháp chiếm làng, họ đã bắt giam ông và ông đã chết trong tù vào năm 1947. Thi thể ông không bao giờ được trao trả về cho gia đình và cho đến tận hôm nay, Lê vẫn không thể tìm thấy hài cốt của cha.

Mẹ của Lê có một số phận không khá hơn. Bà bị chính quyền ông Diệm bắt giam và tra tấn. Sau khi được thả một thời gian thì bà mất vào năm 1961. trong bốn anh chị em – gồm ba người anh em và một người chị - không ai sống sót qua chiến tranh. Tất cả đều gia nhập quân đội và chết trong cuộc chiến với Mỹ. Hài cốt của một người em trai giờ vẫn chưa được tìm thấy.

Sau khi đã trả giá cho chiến thắng bằng chính sinh mạng của cha mẹ và anh chị em ruột, ông Lê rốt cuộc lại bị tước đi phần ruột thịt cuối cùng của mình vào năm 1969. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Thản, lớn hơn ông hai tuổi, cũng là một bác sĩ. Chung đơn vị với Lê, hai người gặp nhau ở miền Nam, cùng làm việc tại Bình Dương. Thông thường, trước mỗi đợt ném bom B-52 đều có lệnh báo động. Tuy nhiên, trong ngày định mệnh vào năm 1969 ấy, trận dội bom ập đến bất ngờ. “Vụ ném bom đến quá nhanh, chúng tôi vội lao vào nơi trú ẩn. Mỗi người được bố trí một hầm trú ẩn có đánh số. Tôi và vợ ở khác hầm. Ngay khi tôi vừa chui vào hầm thì một quả bom nổ rất gần. Vụ nổ gần đến mức một phần hầm chỗ tôi bị sập. Cơn chấn động bao trùm khiến tôi không nghe thấy gì hết. Khi trận bom vừa dứt, chúng tôi bò ra. Mọi người chạy tới những hầm bị sập để cứu người. Rất nhiều bom đã được ném xuống. Không may là có một căn hầm bị bom rơi gần trúng. Tôi biết vợ mình trong đó. Nhiều người chạy tới để tìm người sống sót. Phải mất một tiếng đồng hồ mới đào được những người bị vùi. Tôi cố gắng đào nhưng bị mọi người lôi ra. Cuối cùng thì kéo lên được ba người, trong đó có vợ tôi. Khám nghiệm các nạn nhân, chúng tôi có thể thấy được tác động của vụ nổ bom và sức ép của nó -  máu trào ra từ miệng và mũi họ. Họ được cấp cứu và hồi sức tim phổi nhưng cả ba đều chết. Vợ tôi mơi ba mươi tám tuổi”.

Suốt mười lăm năm hoạt động ở miền Nam, Lê chủ yếu làm việc tại Củ Chi. Chiến dịch phun thuốc rụng lá được tiến hành ráo riết ở đây đã buộc bệnh viện của ông phải chuyển vào lòng đất.

“Chúng tôi chiến đấu trên mặt đất và khi kẻ thù tiến tới thì chui xuống hầm”, ông Lê giải thích. “Trong giai đoạn 1960-1968, chúng tôi gặp nhiều khó khăn do quân địch hoạt động mạnh. Một bệnh viện đã được lập hoàn toàn dưới lòng đất – gồm phòng mổ, phòng xét nghiệm, phòng thuốc và hồi sức, v.v. Chúng tôi khoét các phòng cách mặt đất khoảng ba đến bốn mét rồi lắp xà đỡ và tấm trần, thường được làm từ các tấm kim loại mà người Mỹ dùng làm thềm để máy bay ở sân bay. Sau đó dùng đất lấp lại và ngụy trang bằng cây bụi.

Các phần của bệnh viện được nối với nhau bằng đường hầm. Bên trong đường hầm, chúng tôi còn đào giếng nước. Hộp đạn rỗng thì được dùng làm nhà vệ sinh. Ban đêm, chúng tôi mang hộp lên mặt đất để làm sạch. Mỗi phòng rộng không quá 2,5×3 mét. Làm hầm lớn hơn thì rất nguy hiểm vì dễ sập và dễ bị phát hiện.

Phòng mổ đủ rộng để chứa một bác sĩ, một trợ lý, thiết bị phẫu thuật, bác sĩ gây mê và y tá. Đôi khi, đối với những cuộc đại phẫu như mổ dạ dày, chúng tôi cần hai trợ lý nên có cả thảy sáu người trong phòng. Máy phát cung cấp điện chiếu sáng để mổ nhưng trong trường hợp tiếng máy nổ có thể làm lộ bí mật, chúng tôi dùng đèn pin gắn trên mũ để phẫu thuật.


Chúng tôi thường không có thuốc gây mê. Khi đó, chúng tôi dùng thuốc Novocain
1 đối với tiểu phẫu; với các ca phẫu thuật lớn, chúng tôi tiêm Novocain vào xương sống hoặc tĩnh mạch của tủy sống. Bệnh nhân vẫn thức nhưng không có cảm giác gì hết. Tuy nhiên, ngay cả Novocain cũng thiếu và chúng tôi buộc phải pha loãng. Khi điều này xẩy ra, tôi thông báo trước với bệnh nhân rằng hiện chỉ có đủ Novocain để gây tê đối với các cơ quan nội tạng, không đủ gây tê trên da nơi chúng tôi thực hiện vết rạch đầu tiên. Mổ dạ dày được tiến hành như thế.

Trong nhiều ca, chúng tôi thiếu cả thuốc gây mê lẫn Novocain, nhưng do tình trạng khẩn cấp của bệnh nhân mà không thể trì hoãn việc phẫu thuật được. Một người lính có thể đang bị thương nặng và vết thương đang hoại tử trầm trọng, dần thối rữa ra và cần phải cưa một chi ngay lập tức mà không có bất cứ loại thuốc gây tê nào. Sau khi thông báo với bệnh nhân về việc không đủ điều kiện gây tê và mê, chúng tôi giải thích thêm rằng nếu không phẫu thuật ngay thì nhiễm trùng sẽ lan rộng và có thể chết. Đó là một việc làm cực kỳ khó – cho cả bác sĩ lẫn bệnh nhân. Nhưng không có lựa chọn nào khác – chúng tôi buộc phải thực hiện thôi.

Nếu phải cưa một tay, chúng tôi buộc con uay cầm máu ngay trên chỗ sẽ cưa rồi dùng dao cắt thịt ở tay. Sau khi cắt đến tới xương, chúng tôi dùng cưa. Chúng tôi cố gắng hoàn tất việc cắt tay trong vòng mười lăm phút. Trong suốt ca phẫu thuật, bệnh nhân kêu gào liên tục và do quá đau đớn, nhiều lúc ngất đi. Đôi lúc bệnh nhân từ chối phẫu thuật không gây mê nhưng sau khi hiểu ra vấn đề, anh ta biết rằng không có lựa chọn nào khác. Đó là một cuộc vật lộn giữa sự sống và cái chết – và cuối cùng thì bệnh nhân thường chọn sự sống”.

_________________________________
1. Novocain: thuốc gây tê tại chỗ chuyên dụng trong nha khoa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2011, 11:01:56 pm »


Ông Lê chỉ ra sự đối lập trong chăm sóc y tế cho bệnh nhân của ông và chăm sóc của người Mỹ: “Bệnh nhân của tôi phải chịu đựng rất ghê gớm trong phẫu thuật. Nơi này, chúng tôi bị địch vây hãm, phải chui xuống địa đạo, cách không xa Sài Gòn vốn luôn có sẵn các phương tiện y tế để làm giảm đớn đau và khổ sở đối với người bị thương ở bên phía kẻ thù. Thật là khủng khiếp khi phải chứng kiến bộ đội của mình phải chịu đớn đau kinh khiếp trong khi biết rằng cách đấy không xa, phương tiện y tế luôn có sẵn – nhưng không bao giờ tiếp cận được. Trong khi người lính của chúng tôi chịu đau đớn thì người bị thương bên phía kẻ thù lại được chữa trị tốt hơn”.

Có lẽ sự tồi tệ kinh khiếp của điều kiện y tế mà người chiến binh phải chịu đựng trong một vài cảnh ngộ được Lê minh họa rõ nhất khi ông kể về phẫu thuật não: “Đôi khi chúng tôi phẫu thuật sọ não mà không có thuốc gây mê hoặc Novocain. Loại phẫu thuật này rất quan trọng trong việc cứu sống một bệnh nhân; chẳng hạn khi phải lấy đầu đạn ra khỏi hộp sọ người lính. Nếu còn ít Novocain, chúng tôi sẽ tiêm vào da đầu sau khi đã cạo tóc. Sau khi rạch da đầu, thách thức lớn là phải cắt xuyên qua hộp sọ để phẫu thuật trên não.

Để làm điều này, cần phải khoan nhiều lỗ vào hộp sọ. Thông thường, người ta có một loại khoan y tế đặc biệt để giảm nguy cơ đâm thủng vào não. Chúng tôi không có loại khoan đó nên phải dùng khoan tay thông thường, vì thế thường phải đối mặt với nguy cơ đâm thủng não trong suốt cuộc phẫu thuật.

Chúng tôi tẩm chất khử trùng lên mũi khoan trước kh bắt đầu. Hộp sọ có hai lớp – một lớp màu trắng và lớp kia màu hồng. Bác sĩ phải biết cần khoan sâu bao nhiêu là vừa. Chúng tôi phải dựa vào kinh nghiệm và kiến thức về độ dày các lớp hộp sọ để quyết định nên khoan sâu chừng nào. Nếu tôi viết một cuốn sách về chuyện này chắc độc giả sẽ không bao giờ tin – nhưng đó là sự thật. Sau khi khoan một dãy lỗ tạo thành hình tròn, chúng tôi sử dụng một công cụ đặc biệt – cái kềm – kẹp các mảnh xương sọ nằm giữa các lỗ khoan để hoặc tách các mảnh hộp sọ ra hoặc nới rộng các lỗ khoan. Đôi khi chúng tôi dùng kềm nha khoa.

Thay cho kềm, một kỹ thuật khác được sử dụng là lấy dây thô làm cưa, đưa dây thô vào một lỗ và đưa đầu kia ra lỗ kế cận, sau đó cầm hai đầu dây kéo đi kéo lại để cắt mảnh xương ở giữa. Thủ thuật này được lặp lại liên tục để tách xương hộp sọ ra, từ đó có thể thấy não ở bên trong.

Cuối cuộc phẫu thuật, rất khó kiếm được một mảnh hộp sọ đủ lớn để trám lại chỗ phẫu thuật do xương bị vỡ vụn và rơi vãi nhiều. Chúng tôi buộc phải để nguyên lỗ thủng như vậy và chỉ khâu phần da đầu bên ngoài lại. Làm như vậy, người ta có thể thấy phần da ở chỗ mảnh hộp sọ bị khuyết ‘phập phồng’ – như trái tim đang đập vậy. Những bệnh nhân này cần phẫu thuật thêm để đặt một mảnh kim loại trám vào chỗ não bị hở
(vốn chỉ được bảo vệ tạm thời bởi một mảnh da đầu mỏng dính).

Chúng tôi phải thường xuyên có những sáng kiến như thế để cứu chữa thương binh. Điều này cũng giống cách trị bệnh của người Ai Cập hàng ngàn năm trước. Một trong những kỹ thuật họ áp dụng là bắt người cụt chi nhúng miệng vết thương vào chảo dầu sôi. Làm thế để mạch máu ở chỗ vết thương co lại, kết quả là giảm chảy máu. Còn chúng tôi, để giảm chảy máu, thường buộc chặt dây xung quanh chỗ chi bị cưa – không phải bằng chỉ y tế mà bằng các sợi dây dù của lính Mỹ.

Chúng tôi thường sáng tạo ra rất nhiều cách chữa bệnh. Nghệ và mật ong được bôi lên vết thương để khử trùng. Khi thực hiện mở khí quản, chúng tôi thiếu các ống y tế thông thường để đặt vào khí quản bệnh nhân, vì thế chúng tôi dùng ống tre non. Để cố định lại chỗ xương gẫy, chúng tôi tới nơi có xác máy bay rơi tìm đinh vít nhỏ về dùng. Các loại đinh vít này rất hữu dụng. Chúng tôi cũng dùng sọ dừa để làm chai truyền dịch. Ống thải của một chiếc trực thăng hoặc máy bay rơi cũng rất hữu ích, chúng tôi cắt chúng ra làm đôi để nẹp xương gãy”.


Bệnh viện của ông Lê chứng kiến số lượng thương vong nghiêm trọng nhất trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.

“Bệnh viện chúng tôi chỉ là một cơ sở trung chuyển. Thương binh trước hết được chăm sóc tại đây nhưng sau đó sẽ được chuyển tới các bệnh viện cố định hơn để được điều trị đặc biệt. Đối với các ca mà chúng tôi chữa trị được, bệnh nhân sau khi khỏi sẽ trở lại chiến trường. Chúng tôi có thể xử lý một lúc sáu mươi tới bảy mươi bệnh nhân. Suốt đợt Tết đó, chúng tôi tiếp nhận tới một ngàn thương binh. Họ được chữa trị một thời gian rồi chuyển đến các bệnh viện tốt hơn. Chúng tôi thường đợi tới thời gian ngưng giữa các trận đánh để chuyển bệnh nhân đi”.

Hầu như không có sự lựa chọn nào khác đối với bệnh nhân của ông Lê. Y tế thiếu thốn cộng với một lượng lớn thương binh luôn cận kề cái chết đã không cho phép Lê có được sự xa xỉ của việc hoãn điều trị tới một thời điểm thuận lợi hơn. Điều kiện y tế là một cơn ác mộng nhưng ông vẫn xác quyết rằng, “đó là cái giá mà chúng tôi trả cho chiến thắng”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2011, 11:09:43 pm »

TRẬN CHIẾN KẾT THÚC
NHƯNG CUỘC CHIẾN THỰC SỰ MỚI BẮT ĐẦU



Từng chiến đấu ở miền Nam hơn một năm, Trung úy Nguyễn Văn Khánh là một chiến binh dày dạn trận mạc. Ông chỉ huy một trung đội bộ binh thuộc Sư đoàn 312 vào năm 1967, chuẩn bị cho một cuộc nghênh đón bất ngờ đối với Thủy quân lục chiến Mỹ sắp đáp xuống một ngọn đồi ở Khe Sanh.

Khe Sanh, tương tự Đường mòn Hồ Chí Minh, đã trở thành một nơi thử thách ý chí giữa người Mỹ và Bắc Việt. Một căn cứ chiến đấu mới được Mỹ lập nên ở Khe Sanh để chủ yếu phục vụ cho các chiến dịch ngăn chặn Đường mòn Hồ Chí Minh cũng như làm mồi nhử Tư lệnh quân Bắc Việt – Đại tướng Giáp – đưa quân tấn công vào căn cứ có vẻ như đơn lập này. (Khi gặp tướng Giáp vào tháng 9 năm 1994, tôi hỏi ông rằng có phải chiến lược ở Khe Sanh là một chủ ý nhằm lặp lại chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi ông đã vây hãm quân Pháp, buộc họ phải đầu hàng. Ông nói rằng ông biết khả năng tăng cường không quân của Mỹ tại đây khiến việc lặp lại một trận Điện Biên Phủ là không thể - vì thế ở Khe Sanh, ông chỉ tìm cách gây tổn thất sinh lực lớn cho quân Mỹ để làm giảm ý chí chiến đấu của họ).

Sự xuất hiện của một đơn vị cỡ Sư đoàn 312 khiến người Mỹ tin rằng mồi nhử của họ đã phát huy tác dụng.

Khánh đến Khe Sanh vào tháng 3 năm 1967 nhằm đáp trả lại hành động lập căn cứ của quân Mỹ. Chính ngay tại đây, thời kỳ quân ngũ của ông đã bị rút ngắn – Khe Sanh trở thành trận đánh cuối cùng của ông chống lại người Mỹ.

Vào một buổi sáng, trinh sát Sư đoàn 312 phát hiện một máy bay do thám của Mỹ, chiếc OV-10 Bronco, đang bay lượn trên đầu. Họ quyết định không bắn máy bay, thay vào đó tiếp tục ẩn nấp vì họ thấy rằng có thể dụ quân Mỹ vào trận phục kích.

Tư lệnh Sư đoàn 312 hiểu rất rõ chiến thuật của người Mỹ; ông biết rằng sự xuất hiện của chiếc OV-10 có nghĩa là quân Mỹ đang tìm kiếm các địa điểm tốt để đổ quân. Khi chiếc OV-10 lượn qua hai ngọn đồi ngay giữa nơi đóng quân của Sư đoàn 312, Sư đoàn trưởng không muốn phía Mỹ biết rằng quân của ông đang ở đó cho đến khi một cuộc phục kích được thực hiện. Kế hoạch của ông là chờ tới khi người Mỹ đổ quân xuống mới phát động một cuộc tấn công tầm cỡ sư đoàn. Mục đích của Sư đoàn 312 không phải là chiếm các địa điểm của kẻ thù mà là gây ra thương vong lớn cho lực lượng Mỹ vốn đang vượt trội về quân số.

Như dự đoán, Thủy quân lục chiến sau đó được chuyển tới hai ngọn đồi bằng trực thăng. Từ đỉnh ngọn đồi thứ ba cách đấy 400 mét, Khánh và trung đội của ông ẩn mình chờ đợi. Hai phần ba trung đội 22 người của ông là tân binh, chỉ mới 17-18 tuổi; nhưng Khánh biết rằng ông có thể đặt niềm tin vào họ.

Sáng hôm đó có nhiều đợt Thủy quân lục chiến đến. Tuy nhiên, Khánh ngạc nhiên nhận thấy rằng đối phương không đào hầm hố hoặc thiết lập các công sự chiến đấu. Khi chiếc trực thăng cuối cùng rời đi, Tư lệnh Sư đoàn 312 phát lệnh tấn công.

Chỉ sau vài phút, Thủy quân lục chiến trên các ngọn đồi kia đã rơi vào địa ngục. Được trang bị AK-47 cùng với B40 và B41 – đồng thời được pháo binh yểm trợ - Sư đoàn 312 đã khiến Thủy quân lục chiến bất ngờ. Vừa trườn tìm chỗ nấp, Thủy quân lục chiến vừa triển khai một nỗ lực phòng thủy nhanh chóng mà sau đó trở thành một trận đánh kéo dài sáu tiếng.

Lúc Khánh chỉ huy đơn vị tấn công, Thủy quân lục chiến đã gọi pháo binh và không quân bắn yểm trợ. Hỏa lực quá mạnh của đối phương buộc trung đội của Khánh phải tháy đổi vị trí nhiều lần trong suốt cuộc chiến.

Bốn giờ sau khi trận chiến bắt đầu, Khánh nằm trên mặt đất, tiếp tục chỉ huy đơn vị đánh mạnh vào Thủy quân lục chiến. Một quả đạn pháo rơi cách vị trí ông năm mét. Mảnh pháo xuyên qua cẳng chân bên trái khiến máu chảy không ngừng. Nhiều binh sĩ chạy đến trợ giúp Khánh, nhưng ông bảo họ hãy tới giúp đỡ hai người lính đang bị thương nặng cũng do quả đạn pháo này. Biết rằng mình sẽ sớm bất tỉnh, ông xé tay áo buộc chặt quanh chân để cầm máu. Rồi quên đi vết thương nặng ấy, ông tiếp tục chiến đấu.

Đến khi ngưng trận, Khánh kiệt sức. Ông đuối dần, và lần đầu tiên, cảm thấy đau đớn vô cùng ở chỗ vết thương. Dây băng chỉ làm chậm chứ không ngăn chảy máu được. Từ nơi lỗ thủng ở chân, ông thấy ống xương bị gãy nghiêm trọng.

Trận đánh kết thúc, Sư đoàn 312 bắt đầu một nhiệm vụ khó khăn là chuyển thương binh tới các điểm sơ cứu. Hai người lính thay nhau cõng Khánh trên lưng. Đường đến nơi sơ cứu chỉ chừng hai cây số nhưng cây bụi và đồi dốc đã khiến nhiệm vụ này vô cùng cam go. Chuyến đi mất khoảng ba tiếng đồng hồ.

Một bác sĩ và ba y tá đón thương binh ở điểm tiếp nhận. Khám vết thương của Khánh, vị bác sĩ biết rằng ở đây ông không thể làm gì hơn cho bệnh nhân. Vết thương ở chân cần được mổ gấp – một ca phẫu thuật mà điểm tiếp nhận này thiếu phương tiện tối thiểu để thực hiện. Khánh cần được chuyển tới bệnh viện chiến trường chính. Không xe chuyên chở, bệnh nhân có thể đối mặt với một chuyến đi thập tử nhất sinh kéo dài nửa tháng trên băng ca. Vị bác sĩ biết rõ những nguy cơ trong một chuyến đi như thế đối với Khánh – nhưng không có sự lựa chọn nào khác. Phẫu thuật là hy vọng duy nhất. Sau khi băng bó vết thương và tiêm moóc-phin, bác sĩ lập tức cho chuyển Khánh đi.

Một hình ảnh đối nghịch gai góc, giữa lúc Khánh được chuyển đi bằng băng ca thì Thủy quân lục chiến bị thương trong cùng trận đánh ấy đã được chăm sóc y tế đầy đủ, sau khi được sơ tán khỏi chiến trường hàng giờ trước đó.

Suốt hành trình bằng cáng ấy, Khánh lúc tỉnh lúc mê. Trong những khoảnh khắc tỉnh táo ngắn ngủi, Khánh được cho ăn. Nhưng ông hầu như chẳng ăn gì mà chỉ uống nước. Ông bị giảm cân nghiêm trọng – từ 58 xuống còn 36 cân. Đáng ngại nhất là sự mất sắc của cái chân bị thương – cho thấy quá trình hoại tử bắt đầu. Khánh biết rằng nếu không được chăm sóc y tế kịp lúc, nhiễm trùng có thể lan ra toàn cơ thể. Tốt nhất thì bị mất chân; mà xấu nhất thì mất mạng. Ông đang chạy đua với thời gian.

Khi nhóm tới bệnh viện chiến trường, Khánh tái đi nhanh chóng. Bác sĩ điều trị đưa ông tới ngay phòng mổ để cưa chiếc chân đang dần thối rữa. Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, Khánh liếc nhìn xuống chỗ trũng trên chăn do chiếc chân vừa bị cưa tạo nên. Hình ảnh chiếc chân cụt mà ông bắt gặp không khiến ông hoang mang.

“Tôi cảm thấy may mắn khi mình vẫn còn sống”, ông nói. “Ngay từ buổi đầu nhập ngũ, tôi đã biết rằng nguy cơ chết chóc là rất cao. Giờ đây, tôi là một người may mắn – tôi sống sót. Rốt cuộc thì tôi chỉ mất một cái chân, tôi vẫn còn một cái nữa”.

Bảy ngày sau ca phẫu thuật, Khánh được chuyển ra Bắc. Lần này ông lại di chuyển dọc Đường mòn Hồ Chí Minh, nơi ông từng đi bộ nhiều năm về trước. “Ít ra thì lần này tôi cũng không phải đi bộ mà được ngồi xe tải”, ông nói.

Nằm trên võng sau thùng xe tải, Khánh hướng ra miền Bắc. Xe chỉ đi vào ban đêm và thực hiện hành trình khá suôn sẻ, thường mỗi đêm đi được một trăm cây số.

“Hoàn cảnh của tôi thế mà có chút lợi đấy”, Khánh trầm ngâm. “Vì xe tải này trở thương binh nên nó luôn được ưu tiên lưu thông trên đường ra Bắc. Tôi cứ nghĩ bụng, ‘Mình mới may mắn làm sao’ ”. Chuyến đi kéo dài khoảng ba tuần.

Nhưng cuộc di chuyển này cũng không tránh khỏi các rắc rối thường thấy đối với những người đi dọc Đường mòn – đoàn xe bị máy bay Mỹ tấn công ba lần. Mỗi lần như vậy, hiệu lệnh báo động được phát đi từ các trạm quan sát để thông báo máy bay Mỹ sắp tới. Thời điểm phát báo động đủ sớm để mọi người có thể xuống xe, chuyển thương binh vào điểm trú ẩn và giấu xe.

Chuyến đi của Khánh kết thúc tại một bệnh viện ở Thanh Hóa, cách Hà Nội 150 cây số về phía Nam. Ông dưỡng bệnh ở đấy một tháng rưỡi. Trong vòng năm năm sau đó, ông dùng nạng để đi lại cho đến khi nhận được một cái chân giả. Năm 1989, ông nhận một chiếc chân nhân tạo mới, rất linh hoạt được sản xuất bởi đất nước từng cướp đi chiếc chân thật của ông.

Ngày nay, Khánh luôn coi mình là một người may mắn. Ông, khác với nhiều đồng đội của mình, đã qua mặt cái chết ở Khe Sanh để tiếp tục sống và kể lại câu chuyện này.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Tám, 2011, 11:22:19 pm gửi bởi chuongxedap » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2011, 11:03:13 pm »


PHẦN 2
VẬN MAY CỦA NGƯỜI SỐNG SÓT



Trong chiến tranh Việt Nam, mỗi ngày là một cuộc chiến sinh tồn.


Trên chiến trường, nhiều biến chuyển đóng vai trò quyết định đối với việc một cuộc chiến cuối cùng sẽ thành công hay thất bại. Nhận thức được rằng một số yếu tố trong phương trình sống sót là điều bất biến, người lính nhận thấy những điều khác cũng có thể có vai trò trong đó. Vì thế, sự sống sót đôi khi là chuyện may rủi. Lúc này điềm may không đến với người lính nhưng lúc khác nó lại xẩy ra – như những trường hợp sau đây cho thấy:




CHẠY TÌM SỰ SỐNG

Lê Minh Đạo tự cho mình là người may mắn. Trong khi chiến tranh Việt Nam cướp đi rất nhiều mạng sống của các gia đình ủng hộ chính quyền Hà Nội trong suốt cuộc chiến thì gia đình của Đạo vẫn còn nguyên vẹn. Bố và bố vợ, hai người anh em trai của ông Đạo, tất cả đều phục vụ quân đội và đều sống sót. Riêng Đạo thì có một lần suýt trở thành thành viên thiệt mạng duy nhất của gia đình. Trong khoảnh khắc ấy, Đạo và một người lính Mỹ đã cùng dồn chú ý vào một điểm – tính mạng của chính ông.

Tháng 6 năm 1968, trung đoàn của Đạo đang hoạt động tại Đồng Khởi, tỉnh Bến Tre – một khu vực đã bị Chất độc Cam làm cho trơ trọi. Đơn vị Đạo lúc đó không hề biết là quân Mỹ đã thả thiết bị nghe lén xuống. Thiết bị nghe lén đã phát huy tác dụng, phát hiện ra trung đoàn của Đạo di chuyển qua đây.

Khi Đạo và đồng đội dừng lại nghỉ ngơi, một chiếc máy bay trinh thám của Mỹ lượn tới. Trong lúc quần thảo trên bầu trời, phi công hẳn đã liên lạc về căn cứ, bởi chỉ vài phút sau thì máy bay tấn công ập đến. Bom, tên lửa, đạn súng máy tuôn xuống xối xả. Đạo cùng đồng đội vội vã chạy tìm nơi ẩn nấp.

Sau một lúc, Đạo chợt thấy mình và đồng đội đang lao đầu vào một nơi trống trải. Giống như con đại bàng trông thấy mồi, một chiếc trực thăng sà xuống ngay trên đầu họ. Máy bay bay thấp đến nỗi Đạo có thể nhìn thấy bên trong qua cửa hông của nó. Tim nhảy dựng lên, Đạo vừa chạy vừa nhìn lên và trong khoảnh khắc, mắt ông bắt gặp đôi mắt người lính Mỹ đứng trên cửa máy bay.

“Tôi thấy một người lính trẻ, vẻ mặt anh ta đầy phấn khích”, Đạo nhớ lại. “Tôi nhìn anh ta trong khi anh ta giương khẩu phóng lựu M-79 lên chuẩn bị bắn”.

Đạo cuống lên khi người lính Mỹ chĩa khẩu M-79 thẳng về phía ông. Chỗ cây bụi gần nhất lúc ấy cũng cách Đạo hàng trăm mét, ông biết rằng mình không thể tới kịp nơi ẩn nấp được.

Trái tim Đạo gần như ngừng đập khi ông nghe tiếng phụt của quả đạn được bắn đi từ khẩu M-79. Ông đứng chết trân nhìn viên đạn rơi cách mình hai mét, ngay giữa Đạo và một đồng đội. Khi Đạo sụp xuống như một phản xạ tự nhiên thì quả đạn lại không phát nổ. Ông dường không tin vào mắt mình khi thấy quả đạn nằm bất động trên mặt đất. Thật may mắn làm sao, đó là một quả đạn lép – tính mạng của Đạo đã được cứu.

Nhưng lúc đó Đạo không có thời gian để nghĩ về vận may vì chiếc trực thăng đã quần lại để rượt đuổi tiếp. Đạo và đồng đội chạy tìm chỗ ẩn nấp. Trước khi máy bay hoàn tất vòng cua, hai người đàn ông đã kịp chạy vào rừng.

Khi máy bay lướt qua trên đầu, Đạo tự nhiên mỉm cười. Ông hiểu cảm giác bẽ bàng của xạ thủ trẻ người Mỹ trên chiếc trực thăng kia khi để sổng con mồi. Số phận đã giúp Đạo được sống để tiếp tục chiến đấu – và cũng bằng cách ấy, đã giúp gia đình ông sống sót vẹn toàn qua cuộc chiến.





BỊ CHÔN SỐNG


Phạm Tấn Thành, sinh năm 1932, tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm mười lăm tuổi. Trải nghiệm chiến đấu chống Mỹ đầu tiên của ông là lúc 34 tuổi, vào tháng 1 năm 1966, khi Lục quân Mỹ mở Chiến dịch Crimp. Nhiệm vụ của chiến dịch này là vây đánh du kích quân hoạt động ở khu vực Củ Chi. Và đấy là trải nghiệm đáng nhớ nhất đối với Thành.

Là một đại úy phục vụ trong lực lượng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở địa đạo Củ Chi, Thành chỉ huy ba mươi người. Khi quân Mỹ tiến tới, đơn vị của Thành nổ súng và liên tục di chuyển để khiến đối phương bối rối.

Đến lúc đơn vị tăng của Lục quân Mỹ mở đường tấn công, nhóm của Thành lùi lại và chui vào hầm trú ẩn nối với hệ thống địa đạo Củ Chi. Họ cố gắng bám trụ cho tới khi hỏa lực vượt trội của xe tăng buộc họ phải rút hẳn vào địa đạo. Thành cùng bốn đồng đội vừa kịp rút vào thì chiếc hầm trú ẩn ban nãy sập xuống sau khi bị xe tăng bắn trúng. Vụ nổ lập tức làm bít lối vào địa đạo, loại Thành cùng nhóm của ông ra khỏi cuộc chiến.

Địa đạo bị bít một đầu, nhóm người tìm cách tới cửa bên kia để chui ra với hy vọng có thể đánh thốc vào sườn quân Mỹ. Họ nghe tiếng xe tăng di chuyển ầm ầm trên đầu. Trước đó, địa đạo đã bị bom dội trúng nên khi xe tăng chạy ở phía trên thì một đoạn hầm trước mặt Thành sập xuống. Lúc bấy giờ Thành và đồng đội đã bị bít lối ra cuối cùng. Họ bị giam hãm trong một đoạn đường hầm dài chừng 100 mét với lượng dưỡng khí ít ỏi.

Kinh nghiệm từ thời chiến đấu chống Pháp dạy cho Thành phải giữ bình tĩnh giữa lúc nguy nan. Khi đã bị cắt đứt liên lạc với đơn vị, ông biết rằng mình cần phải hành động để trở lại với cuộc chiến. Ông quyết tâm tìm một lối ra, nhưng cũng chuẩn bị tinh thân sẵn sàng cho tình huống thất bại.

Thiếu dụng cụ đào bới, Thành sử dụng nòng khẩu AK-47 thay cho cuốc chim để đào đất phía trên đầu. Các thành viên thay nhau đào theo cách này. Đó là công việc nhọc nhằn và mất thời gian. Sau khi một người đào đất xuống, người đứng kế tiếp sẽ đẩy đất ra phía sau.

Thành rất tự hào khi trong hoàn cảnh ấy mà mọi người vẫn không hoảng loạn. Bị chia cắt với phần còn lại của thế giới trong một cái mồ dưới đất, phải làm việc trong bóng tối và không có đủ dưỡng khí là điều kiện rất dễ khiến những người đàn ông cứng rắn nhất cũng trở nên bấn loạn. Nhưng ở đây, dù còn rất trẻ, họ vẫn giữ được bình tĩnh. Thành không ngạc nhiên. Ông rất hiểu những người lính của mình và luôn tin tưởng rằng họ có thể phối hợp tốt cùng nhau trong hoàn cảnh như thế này.

Dưỡng khí bên trong hầm cạn dần. Không có ánh sáng nên thật khó để biết được công việc đào bới đã tiến triển đến đâu. Tuy nhiên, họ cứ cắm cúi đào lên phía trên vì biết rằng đó là hướng đi duy nhất của họ.

Khoảng một tiếng trôi qua. Giờ đến lượt Thành đào. Ông thay phiên người đồng đội nhưng ngay sau đó đã ngừng tay. Chú ý lắng nghe, Thành chợt nhận ra rằng chỉ vài phân nữa là lên tới mặt đất. Tuy nhiên, do không biết chắc quân Mỹ còn ở trên đấy hay không nên ông nghe ngóng một hồi rất lâu. Không có âm thanh gì lạ, ông cũng không biết sự tĩnh lặng này có nghĩa là gì. Liệu có phải quân Mỹ đang nằm im chờ nhóm của Thành trồi lên từ huyệt mộ - hay là đã rút đi rồi? Và chỉ cần một cú thọc mũi súng mạnh, Thành đã được hít thở dưỡng khí và bắt gặp một chiến trường im ắng.

Không bị khuất phục bởi hoàn cảnh nguy nan, năm chiến sĩ lập tức trườn lên mặt đất, tập hợp lại và theo điều lệnh đối với những đơn vị bị chia cắt trong một trận chiến, họ tiếp tục chuẩn bị chiến đấu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2011, 11:04:50 pm »


BAY ĐẾN TỰ DO


Kể từ khi hoàn tất hành trình dọc Đường mòn Hồ Chí Minh vào năm 1964, Trung tá Phan Lương Trực hoạt động tại Quân khu 8, phía Đông Sài Gòn. Ở đây, ông trở nên thông thuộc hệ thống địa đạo Củ Chi, sử dụng nó để di chuyển khắp quân khu. Ông thường xuyên đi trinh sát, tận dụng hệ thống địa đạo để tiếp cận mục tiêu. Nhưng một chuyện xẩy ra vào năm 1968 suýt chút nữa đã cướp đi mạng sống của ông.

Hầu hết các hoạt động bên ngoài địa đạo đều được tiến hành về đêm, nhưng đôi khi một vài nhiệm vụ đòi hỏi phải thực hiện ban ngày. Trực cùng một người lính được điều đi để trinh sát hoạt động của quân Mỹ. Họ đi dưới một địa đạo để tiến gần hơn tới mục tiêu, sau đó chui vào một đường hầm thứ cấp.

Do vóc dáng hơi cao hơn người Việt Nam trung bình, ông Trực phải cúi gập người trong suốt lối đi khá dài này. Không được thoải mái, nhưng ông biết nếu đi trên mặt đất sẽ dễ dàng bị phát hiện giữa lúc đang cố gắng tiếp cận mục tiêu.

Dù đường hầm tối, ông Trực vẫn không dùng đèn soi. Bốn năm sống dưới địa đạo đã giúp ông trở thành một người thành thạo, có thể đi lại dễ dàng trong bóng tối dưới đường hầm.

Tới địa đạo thứ cấp, hai người tiếp tục tiến lên. Trực biết vị trí cửa ra vào còn cách vài trăm mét nữa. Khi cảm giác rằng mình đã tới nơi, ông đưa tay lên sờ soạng tìm tấm gỗ dùng làm nắp ngăn cách ánh sáng bên ngoài với đường hầm tối bên trong. Bàn tay đụng ngay tấm gỗ trên đỉnh đầu, Trực cảm thấy hãnh diện về khả năng định vị của mình. Ông từ từ đứng dậy, khẽ đẩy chiếc nắp gỗ hé lên và thò đầu ra quan sát xung quanh trước khi chui ra. Nhưng khi Trực vừa đứng lên, phơi mình trong ánh nắng mới len vào vùng tối dưới hầm, ông chợt giật mình khi có tiếng động mạnh phía trong đường hầm. Một âm thanh quang quác rộ lên, tiếp đó là tiếng vỗ cánh điên cuồng.

Để cải thiện cuộc sống, người ta nuôi heo và gà dưới lòng địa đạo Củ Chi. Rõ ràng là có một con gà đã sổng truồng dưới hầm, chạy dọc địa đạo chính và tiến ra hầm thứ cấp. Trông thấy ánh sáng khi Trực vừa nhấc nắp hầm lên, con gà đã chộp lấy cơ hội để thực hiện bước cuối cùng trong hành trình đào thoát.

Giật mình vì âm thanh quang quác, tay Trực đẩy mạnh nắp hầm, trong chốc lát tạo ra lối thoát cho con gà. Chớp lấy cơ hội, con gà bay ra ngoài, cánh của nó quyệt vào người Trực. Như choàng tỉnh, Trực bắt đầu lo lắng, không phải về việc làm mất con gà mà bởi một âm thanh rất quen thuộc mà ông sớm nhận ra là tiếng trực thăng. Thật là một thời khắc tồi tệ khi vừa mới mất gà thì trực thăng Mỹ ập đến.

Ở thời kỳ đầu, nắp địa đạo được che phủ bằng cây bụi để người ra vào tránh bị phát hiện. Tuy nhiên, trong những năm sau đó, hóa chất làm trụi lá đã khiến cây cối héo khô. Trong khi bản thân nắp hầm vẫn được ngụy trang tốt thì những người chui ra từ bên trong sẽ dễ dàng bị phát hiện, buộc phải tức tốc chạy hàng trăm mét để tới trốn trong khu rừng gần nhất.

Do con gà thoát ra giữa thành thiên bạch nhật nên chắc hẳn viên phi công trên chiếc trực thăng kia đã phát hiện ra. Trực đành đóng cửa hầm lại, trở về với thế giới tối tăm của mình và chờ đợi.

Pha đào thoát của con gà đã khiến phi công chú ý, anh ta cho máy bay lượn vòng để quan sát. Sau một khoảng thời gian tưởng chừng như vô tận, âm thanh phát ra từ cánh quạt trực thăng rốt cuộc cũng tan dần. Trực tiếp tục đợi thêm một chặp nữa để biết chắc rằng chiếc máy bay không trở lại. Tới lúc đoan chắc máy bay đã rời xa, ông từ từ đẩy cửa lần thứ hai. Chỗ ẩn nắp của ông không hề hấn gì sau sự cố, và ông cùng đồng hành rời địa đạo, nhanh chóng biến vào vạt rừng gần đấy.

Khi đã được cây rừng che chở, Trực nhìn đồng hồ. Đã gần mười phút trôi qua kể từ lúc chiếc trực thăng rời đi. Sự yên ắng khiến ông thêm tin tưởng rằng mình đã không bị phát hiện. Nhưng và lúc Trực và người đồng hành chuẩn bị tiếp cận mục tiêu, ông lại chợt nghe những âm thanh rất quen thuộc.

Nghe tiếng rít của một quả đạn pháo 175 mm, Trực nhận ra rằng niềm tin ban nãy của mình là không đúng – trên thực tế, vị trí của ông đã bị con gà đào thoát tố cáo. Hai người bèn chạy trở lại miệng hầm giữa lúc mặt đất rung chuyển bởi những quả pháo 175 mm. người đồng hành của Trực đến được cửa hầm trước và nhanh chóng chui qua khe cửa hẹp. Trực kém may mắn hơn. Trong khi ông đang chờ đợi đến lượt mình trườn vào, một quả pháo đã phát nổ ở cự ly gần. Bị thương nặng, Trực nằm vật ra đất, phần trên cơ thể, cẳng chân và bàn chân lỗ chỗ mảnh đạn. Ông chìm vào hôn mê. Giữa lúc pháo 175 mm nổ rung chuyển mặt đất xung quanh Trực, có một bàn tay thò ra từ miệng hầm và kéo ông vào bên trong. Người đồng hành dìu Trực, lúc này đang bất tỉnh, tới hầm chính và sau đó đến bệnh viện trong địa đạo.

Sau một tháng dưỡng bệnh, Trực trở lại địa đạo để chiến đấu. Nhưng theo ông được biết thì con gà kia đã không bao giờ trở lại.







SAI LẦM SUÝT CHẾT


Quân Mỹ chủ động khích lệ thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào ngũ theo một chương trình ân xá có tên gọi “Chiêu hồi”, hay “Open Arms” (Mở rộng vòng tay). Vào ngày 17 tháng 5 năm 1970, chương trình đó gần như đã thành công trong mục tiêu bắt giữ một sĩ quan cấp cao của Việt Cộng, Đại tá Nguyễn Văn Sĩ, Tư lệnh Khu 2. (Về mặt chiến trường, Hà Nội chia miền Nam Việt Nam thành ba quân khu và sáu vùng. Vùng 2 bao gồm phần lớn tỉnh Long An. Là một tư lệnh vùng, Sĩ báo cáo trực tiếp lên Tư lệnh Việt Cộng, Tướng Trần Văn Trà).


***


Ngày 29 tháng 4 năm 1970, quân Mỹ mở rộng hoạt động ra bên ngoài Việt Nam, qua Campuchia. Mười ba chiến dịch mặt đất quy mô lớn đã được mở để quét sạch các cứ địa của quân Bắc Việt đặt trong phạm vi 19 dặm cách biên giới miền Nam Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Văn Sĩ đi về giữa Việt Nam và Campuchia để điều phối hoạt động của Việt Cộng trong khu vực. Trong các chuyến đi, ông luôn có hai vệ sĩ hộ tống.

Theo quy định lúc bấy giờ, ông Sĩ, với tư cách là tư lệnh cấp cao, không được hoạt động trong cùng một khu vực quá hai hoặc ba ngày để tránh bị lộ. Ngay khi tới địa điểm mới, đội bảo vệ phải tìm ra một chỗ ẩn náu để phòng tình huống khẩn cấp. Thông thường, chỗ ẩn náu là một hố nhỏ được đào sâu vào lòng đất mà chỉ có Sĩ và nhóm bảo vệ biết được. Mặc dù Sĩ chỉ dừng chân tại một địa điểm không quá 48 tiếng đồng hồ nhưng đào hầm luôn là nhiệm vụ đầu tiên mà nhóm bảo vệ thực hiện khi tới nơi, cho dù việc đào hầm có chiếm một phần lớn thời gian hoạt động.

Vài tuần sau khi quân Mỹ tấn công vào Campuchia, Sĩ lúc ấy đang hoạt động ở Svay Rieng, Campuchia. Ông và nhóm của mình đã qua mặt được các đơn vị Quân lực Việt Nam Cộng hòa đóng cách đấy chỉ năm cây số. Đến Svay Rieng từ ba ngày trước, Sĩ phạm phải một sai lầm suýt chết người. Trái với điều lệnh quân đội, ông đã quyết định lưu lại tại một địa điểm quá khung thời gian cho phép là 48 – 72 tiếng.

Sáng 17 tháng 5, Sĩ họp bàn kế hoạch với vị sĩ quan điều hành cho tới 1 giờ sáng. Mệt rã, hai người rời cuộc họp để đi ngủ. Quân lệnh không bao giờ cho phép hai sĩ quan cấp cao ở cùng một chỗ, ngoại trừ khi tham gia chiến dịch. Vì thế, họ đi theo hai hướng khác nhau để ngủ qua đêm. Đây là một cách thức để làm giảm nguy cơ mất cùng lúc hai chỉ huy cấp cao. Sau khi tới nơi ngủ với sự canh gác của nhóm bảo vệ, Sĩ ngủ thiếp đi. Ông thức dậy vào lúc 6 giờ sáng.

Sau bữa sáng, Sĩ và các vệ sĩ tới đóng ở một nơi mới cách làng 300 mét. Tại đây, họ sẽ dễ dàng đến nơi ẩn nấp, và nhóm bảo vệ tranh thủ chợp mắt do đã thức trắng đêm hôm trước.

Trong khi các vệ sĩ ngủ, Sĩ ngồi canh chừng. Ông chợt nghe tiếng máy bay trên đầu. Khi nó tới gần, ông nhận ra đó là một chiếc máy bay chỉ điểm. Sĩ bắt đầu nghi ngờ khi thấy chiếc máy bay cứ đảo vòng tìm kiếm. Ông đánh thức nhóm bảo vệ, lệnh cho họ lập tức lục soát toàn bộ khu vực xung quanh để hủy đi bất cứ dấu hiệu nào cho thấy họ ở đây. Sau đó cả ba chui vào nơi trú ẩn và chờ đợi.

Sau chừng nửa tiếng, quân Mỹ đã có mặt khắp nơi. Biết rằng mình và đồng đội bị lọt vào giữa một trận càn lớn ở khu làng do quân đội Mỹ thực hiện nhưng Sĩ không ngờ rằng mục đích của chiến dịch này là nhằm tìm bắt ông.

Từ nơi ẩn nấp, Sĩ và đồng đội không thể quan sát được hoạt động của địch; họ chỉ biết nằm im nghe ngóng. Tiếng binh lính hô tiến, lùi lẫn trong tiếng gầm rú của xe bọc thép đang quần thảo. Cả ba chẳng dám thò đầu ra khỏi nơi trú ẩn bởi sợ rằng quân Mỹ đang ở quá gần. Chờ đợi trong tư thế co quắp lại trong hầm là cực kỳ khó chịu, nhưng họ vẫn ở đấy, bất động.

Tình trạng đó tiếp diễn trong nhiều giờ. Nỗi lo lớn nhất của Sĩ là quân Mỹ có chó đánh hơi. (Để chống lại chó đánh hơi, Việt Cộng sử dụng thủ thuật bôi xà phòng lên người – nhưng do Sĩ và đội bảo vệ không được báo động trước về sự có mặt của quân Mỹ nên họ chưa kịp thực hiện điều đó). Có lúc, Sĩ đã đại tiện ngay tại nơi trú ẩn. Sau đó, ông rất sợ bị chó đánh hơi được.

Chẳng bao lâu, tiếng nói của binh lính Mỹ đã ở rất gần. Sĩ rút súng ngắn ra chĩa vào đầu. Ông thà tự bắn mình còn hơn rơi vào tay kẻ địch.

Tới khoảng 6 giờ chiều, tiếng ồn bắt đầu tan. Tất cả yên tĩnh trở lại. Tuy nhiên, cả ba tiếp tục ở trong hố vì không biết chắc liệu tất cả lính Mỹ đã đi hết hay vẫn còn một nhóm nhỏ được bố trí ở lại mai phục. Cuối cùng, một người bảo vệ trồi ra khỏi miệng hố. Cẩn thận quan sát trong khu vực, anh biết chắc rằng quân Mỹ đã rời đi. Anh trở lại thông báo cho Sĩ. Nhẹ nhõm, cả nhóm nhanh chóng rời đi.

Vừa rút lui, Sĩ vừa lo ngại cho sự an toàn của người sĩ quan điều hành. Ông không biết rõ liệu người kia có thoát khỏi bàn tay của quân Mỹ hay không. Hai ngày sau, ông biết về số phận của người kia.

Sáng sớm ngày 17 tháng 5, người sĩ quan điều hành kia đã tới chỗ quân Việt Nam Cộng hòa để đầu hàng theo chương trình Chiêu hồi. Tóm được một sĩ quan cấp cao của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, quân Việt Nam Cộng hòa lập tức thông báo với người Mỹ, lúc bấy giờ đang đóng cách Svay Rieng 30 cây số. Một chiếc trực thăng Mỹ liền bay tới để chở người này về thẩm vấn tiếp. Người đó liền khai với quân Mỹ rằng ông ta đã họp với ông Sĩ ngay tại Svay Rieng chỉ vài giờ trước. Nhận định rằng Sĩ có thể đang ở trong vùng cũng như tầm quan trọng của việc bắt giữ ông, quân Mỹ đã phản ứng ngay, mở một đợt càn và lục soát khẩn cấp.

Sau này Sĩ thổ lộ rằng ông chưa bao giờ có linh cảm về sự phản bội của viên sĩ quan điều hành trong buổi sáng hôm ấy. Điều mà Sĩ không biết đó là người sĩ quan kia vừa mới chuyển vợ từ Mỹ Tho lên Sài Gòn, rõ ràng là đang chuẩn bị cho một cuộc đào ngũ – sự phản bội mà Sĩ cho là một thất bại trong bản lĩnh tư tưởng của sĩ quan kia.

Tính hiệu quả của chương trình Chiêu hồi vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng có lẽ thành công lớn nhất đối với Mỹ là chương trình này đã gây ra một không khí lo sợ cho quân du kích. Như Sĩ nhìn nhận, nó tạo ra một mối đe dọa thường trực cho sự nghiệp của họ, bởi họ không bao giờ biết được người nào thiếu bản lĩnh chiến đấu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2011, 04:34:31 pm »


PHẦN 3
BI KỊCH THƯỜNG DÂN


Đã qua lâu rồi cái thời mà quân đội đánh nhau trên những chiến trường cách xa nơi dân thường sinh sống. Ranh giới chiến trường trong thế kỷ 20 và 21 là không có giới hạn; vạch xác định khu vực chiến trường ngày càng mờ đi và “tổn thất bên lề” ngày càng lớn hơn.

Trong cuộc xung đột này, chiến tranh bao trùm toàn nước Việt Nam – từ nơi chiến trận ở miền Nam cho đến các cuộc dội bom ở miền Bắc. Khi mà ranh giới của chiến trường là vô hạn thì có một kết cục không thể tránh khỏi – không thể giới hạn ảnh hưởng chỉ trong phạm vi người lính chiến. Chừng nào chưa có loại vũ khí “thông minh” có thể phân biệt được người tham chiến và kẻ ngoài cuộc, chừng ấy dân thường vẫn còn chịu thương vong. Chiến tranh Việt Nam – một cuộc chiến mà thương vong dân thường lên tới hai triệu người – không là ngoại lệ, và có lẽ là một ví dụ rõ nhất.

Sau đây là những câu chuyện riêng tư của thường dân Việt Nam – họ là bậc phụ huynh, là người anh chị em, là con cái – phải chịu mất mát và đổ vỡ từ cuộc chiến tranh vốn đã nhấn chìm đất nước của họ trong một thời gian quá dài.





KHÔNG NGÀY ĐOÀN TỤ

Là một phụ nữ rất đẹp dù đã ngoài bảy mươi, những đường nét và khuôn mặt phúc hậu của bà Bùi Thị Mè dường như tương phản với cái bi kịch vẫn còn trĩu nặng trong trái tim bà. Chỉ có tấm huy chương mà bà đeo trên ngực chiếc áo dài, được đất nước trao tặng thể hiện sự biết ơn với sự hy sinh lớn lao của bà là gợi cho người ta biết rằng bà có một câu chuyện khổ đau để kể.

Bà Mè và chồng, ông Nguyễn Văn Nhơn, là giáo viên. Giai đoạn 1942-1957, họ là một đôi vợ chồng hạnh phúc với bốn người con trai lớn – Sanh, Tài, Đại, Đạo – cùng hai con gái út. Trong nhiều năm, họ quản lý một trường học ở Chợ Lớn, ngoại ô Sài Gòn. Nhưng ngay sau khi đứa con út chào đời, Nguyễn Thị Bình, chính quyền Sài Gòn buộc họ đóng cửa trường.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, giữa lúc người Pháp tỏ rõ ý định tái thuộc địa hóa Việt Nam, bà Mè và ông Nhơn gia nhập phong trào cách mạng đánh đuổi Pháp. Họ rất thất vọng khi chiến thắng Điện Biên Phủ trước người Pháp vào năm 1954 đã không dẫn tới thống nhất cho Việt Nam. Tiếp tục mở trường dạy học, họ quyết tâm làm hết sức mình vì mục tiêu thống nhất đất nước. Hướng đi ấy khiến họ càng trở nên khó chịu đối với chính quyền Sài Gòn.

Đóng cửa trường học, gia đình chuyển vào Sài Gòn sống với người thân. Tại đây, họ bị từ chối giấy phép mở trường nên phải dạy trẻ ngay tại nhà. Năm 1960, khi biết rằng chính quyền Sài Gòn đang chuẩn bị bắt họ vì các hoạt động chống chính quyền, hai ông bà lên kế hoạch rời thành phố. Họ sợ rằng nếu để các con trai – từ mười hai đến mười tám tuổi - ở lại thì cảnh sát Sài Gòn sau này có thể bắt các con để buộc cha mẹ phải đầu hàng. Vì thế, họ quyết định mang theo các con trai, chỉ để lại hai con gái – mới ba và chín tuổi – cho người cô nuôi. Họ xuôi xuống đồng bằng sông Mê Kông.

Chọn được chỗ ở miệt đồng bằng, bà Mè và chồng lại mở trường học tại tỉnh Trà Vinh, dùng làm cơ sở để triển khai hoạt động chống chính quyền Sài Gòn. Là nhà giáo, họ luôn nỗ lực để đảm bảo rằng con cái được thụ hưởng nền giáo dục tốt nhất có thể. Thế nên các con trai của họ được giáo dục tốt hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Điều này đã dẫn tới một kết quả ngoài mong đợi cho gia đình; đó là những người con trai lớn đều nhanh chóng trở thành giáo viên. Cuối cùng, cả bốn người con trai đều đi dạy học, góp phần cải thiện thu nhập gia đình. Sự trợ giúp về tài chính của các con trai đã tạo điều kiện cho bà Mè và ông Nhơn dành nhiều thời gian hơn để thúc đẩy các mục tiêu cho phong trào Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thông qua “ngôi trường” mới của mình.

Năm 1964, khi nhịp độ chiến tranh tại miền Nam dâng lên, bà Mè và chồng quyết định rời đồng bằng để chuyển đến vùng căn cứ của Mặt trận. Tổng hành dinh nằm trong rừng sâu bên ngoài Sài Gòn, cách xa các khu vực thường xuyên có quân chính phủ tuần tra. Nơi này nằm tại tỉnh Tây Ninh, được biết đến với tên gọi “Chiến khu R”.

Họ đưa người con trai lớn nhất, cậu Sanh, đi cùng; những người con còn lại tiếp tục nghề dạy học.

Trong khi cha mẹ tham gia các hoạt động của Mặt trận ở Chiến khu R cũng như nỗ lực tuyển thêm nhiều người vào lực lượng của mình thì Sanh chuyển nghề. Với tài hát hay và múa giỏi, cậu bắt đầu biểu diễn cho các khán giả ở Chiến khu R, và cậu trở nên rất nổi tiếng. Nhưng rồi vào năm 1967, cậu đã xung phong nhập ngũ để tham gia cuộc tấn công Tết Mậu Thân.

Chẳng bao lâu sau khi Sanh bước vào con đường binh nghiệp thì bà Mè và ông Nhơn lại nhận được thông tin về một quyết định khác. Là những nhà hoạt động cách mạng chống chính quyền Sài Gòn, họ không thể nói rằng quyết định đấy khiến họ ngạc nhiên. Tài gửi cho họ một lá thư. Cậu nhẹ nhàng giải thích cho cha mẹ biết rằng, điều mà họ cảm nhận được từ thẳm sâu trái tim là không thể tránh khỏi. Được chứng kiến sự dấn thân của cha mẹ đối với sự nghiệp của Mặt trận, cả ba người con trai còn lại đều tuyên bố đã quyết định gia nhập cuộc chiến chống lại chính quyền Sài Gòn.

Tài, có lẽ là người nhạy cảm và ăn nói lưu loát nhất trong số các anh em trai, cảm thấy cần phải giải thích cặn kẽ cho cha mẹ lý do tại sao mình theo chân các anh em tham gia cuộc chiến chống Mỹ. Toàn bộ bức thư như sau:

“Ngày 25-5-1967,

Ba Má kính yêu!

Viết thư này con xin báo tin cho Ba Má rõ là đầu tháng tư năm 1967, con đã làm đơn tình nguyện xin ra bộ đội chiến đấu và đã được chấp thuận. Đáng lý ra con phải viết thư trước cho Ba Má để nói rõ ý định của con, nhưng vì đường sá xa xôi cách trở và thời gian đi qua vùn vụt không thể chờ đợi, nên con định đến đơn vị con sẽ báo tin cho Ba Má rõ luôn thể. Mong Ba Má hiểu và tha lỗi cho con.

Con biết, được tin Bé Năm, rồi đến con ra bộ đội, Ba Má sẽ rất lo, nhứt là Má. Vì có bà mẹ nào, nhứt là một bà mẹ Việt Nam, lại không lo lắng khi con mình xông pha và con cũng tin rằng Ba Má rất tự hào và vừa lòng với việc làm của tụi con.

Xa Ba Má mấy năm nay, lúc nào con cũng nghĩ đến Ba Má, và càng nghĩ đến Ba Má con càng thấy cần phải nỗ lực phục vụ nhiều hơn cho cách mạng để Ba Má được vừa lòng và tự hào, vì có những đứa con đã không ngần ngại cống hiến tất cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng cao cả. Con đã chọn lấy con đường cầm súng giết giặc vì chính con đường này là gay go nhứt nhưng cũng vinh quang nhứt. Và cũng chỉ con đường duy nhứt này là hợp lý và mới phát huy hết được khả năng sẵn có của con. Xin ra đơn vị chiến đấu, con không chỉ nghĩ đến giai đoạn đánh Mỹ trước mắt thôi đâu Ba Má ạ. Đường cách mạng còn rất dài, con còn phải đeo đuổi và cống hiến nhiều hơn nữa, không phải chỉ tuổi thanh xuân mà là cả cuộc đời con. Vì vậy mà ngay từ bây giờ, con nghĩ rằng cần phải tích cực cải tạo rèn luyện bản thân để phục vụ cho giai đoạn hiện tại rất vinh quang và cho cả tương lai đầy hứa hẹn. Mà nơi thử thách, rèn luyện tốt nhứt cho tuổi trẻ chúng con hiện nay chính là chiến trường.

Và trên đường chiến đấu, nếu một trường hợp không may nào đó đến với con, con sẽ sẵn sàng nhận lấy vì con nghĩ rằng thà để cho những người thân thương tiếc nhưng tự hào vì con chớ quyết không để cho Ba Má có một đứa con hèn hạ, anh Hai và các em con có một đứa em, một người anh nhục nhã.

Chưa lúc nào con ra đi đầy tự tin và nhiệt tâm như hiện nay. Ba Má hãy tin tưởng nơi con. Con xin hứa với Ba Má là trong những thư sau, con sẽ báo với Ba Má không những chỉ sức khỏe, ý nghĩ và tình cảm thôi, mà con sẽ báo cho Ba Má rõ thành tích và chiến công của con, của đồng đội và tập thể đơn vị con.

Riêng về con, thể lực của con hiện nay rất dồi dào, đủ sức để đánh giặc nhiều năm nữa. Con đã được bổ sung vào một D bộ binh của T3.

Bé Năm thì hiện đang ở một tiểu đoàn pháo binh của T3, em có viết thư cho con, tiến bộ và phấn khởi lắm.

Bé Tư vẫn còn công tác ở Vĩnh Long. Em có hơi băn khoăn về công việc của mình. Con đã có viết thư động viên Bé Tư.

Ba Má kính yêu! Viết thư này cho Ba Má đang lúc ta lắm thế chủ động tấn công địch dồn dập và có lẽ không bao lâu nữa con sẽ được đánh trận đầu tiên, con nguyện sẽ làm vừa lòng Ba Má, nguyện xứng đáng với sự chăm sóc dạy dỗ của Đảng và tập thể, xứng đáng là một chiến sĩ Giải phóng quân kiên cường.

Con xin gởi đến Ba Má tất cả tấm lòng thương nhớ của một đứa con xa cách. Ba Má chuyển lời con thăm tất cả các cô, các bác, các chú ở chung được đầy đủ sức khỏe và đạt được nhiều thành tích trong công tác.


Con của Ba Má!
Nguyễn Huỳnh Tài
1.
________________________________
1. Thư này được chép theo bản in trong cuốn hồi ký Kể chuyện đời mình của Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Mè. Thư còn có đoạn tái bút không được dẫn lại trong Chân trần, chí thép của tác giả Zumwalt: “P.C: Vừa rồi con có chụp hình. Con gởi kèm theo đây Ba Má xem và gởi cho Bé Bảy, vì em có bảo con chụp hình gởi cho em. Con rất mong thư và tin tức ở trên ấy vì đã lâu con không được tin gì”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2011, 04:36:50 pm »


Bà Mè nhận lá thư với xúc cảm lẫn lộn. Một mặt bà tự hào khi các con trai đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh chiến đấu cho lý tưởng, cũng như bà chấp nhận quyết định nhập ngũ của các con, mặt khác bà không khỏi phiền muộn. Bà biết các con đều chưa được huấn luyện chiến đấu là bao trên con đường chông gai trước mặt.

Cuối năm 1967, cảm giác chung lúc đó là miền Nam có thể được giải phóng. Trong khi chuẩn bị cho cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968, bà Mè biết rằng các con sẽ tham gia vào chiến dịch này.

Bà cảm thấy đỡ lo hơn khi bốn đứa con không phục vụ cùng đơn vị. Điều đó có nghĩa là không nhất thiết tất cả những đứa con của bà sẽ cùng tham gia một trận đánh khốc liệt.

Như đã hứa, Tài tiếp tục trao đổi thư từ với mẹ để bà có thể biết được tình hình của cậu và những người anh em kia. Đôi khi anh em lại gặp nhau trên chiến trường – và những người kia thường nhắc Tài viết thư cho mẹ. Bà Mè luôn mong mỏi những lá thư vốn thường mất cả tháng trời mới tới tay người nhận.

Biết rằng các con đang lăn lộn chiến đấu hằng ngày, bà luôn cố gắng tập trung vào công việc.

Cuối tháng 2 năm 1968, bà Mè đang làm việc tại một khu khá hẻo lánh của Chiến khu R cùng với một nhóm đồng sự. Bà nhớ đó là một ngày đẹp trời và bà ngồi bên bàn làm việc trong căn lều mái lá. Một thượng cấp bước vào và, hơi do dự một chút, tiến tới chỗ bà.

“Có tin xấu”, ông nói. “Tôi vừa được thông báo rằng Tài và Sanh đã ngã xuống trên chiến trường!”. Tài, mới 24 tuổi, mất vào tháng 12 tại tỉnh Cần Thơ, nhưng phải hai tháng sau thì tin tức mới tới được với bà Mè. Thật là họa vô đơn chí khi tin tức về cái chết của Tài đến đúng lúc với cái chết của đứa con lớn tuổi nhất, cậu Sanh, 26 tuổi. Sanh bị trúng đạn chết tại An Lạc, quận Bình Chánh nhiều ngày trước đó, trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân.

Bà Mè run rẩy toàn thân. “Khi nghe tin, điều đầu tiên tôi nghĩ là chắc có gì đó nhầm lẫn. Làm sao tôi có thể mất hai đứa con trai cùng lúc? Nhưng khi nhận ra đó là sự thật, tôi thấy cơ thể mình nhẹ hẫng. Tôi chạy vào hầm trú ẩn và khóc. Nước mắt xối xả như mưa. Tôi cảm thấy như có ai đó đang cắt đi từng phần cơ thể của mình. Chồng tôi làm việc ở gần đấy đã tới an ủi tôi”.

Bà Mè đã có sự chuẩn bị tinh thần cho việc có thể mất đi một người con, nhưng chưa hề chuẩn bị cho việc mất hai người con cùng lúc. Bà cũng chưa chuẩn bị cho những điều sẽ xẩy ra sau đó.

Tuần kế tiếp, bà Mè trở lại làm việc, cố nén nỗi đau mất mát. Nhưng bà vẫn linh cảm có điều gì chẳng lành. Các đồng sự đôi khi nhìn bà rồi vội vã lảng đi. Bà liền tới chỗ người chỉ huy và khẩn nài: “Xin hãy nói cho tôi biết liệu còn tin gì xấu nữa không. Đừng có giấu. Tôi cần biết!”. Người chỉ huy ấn bà ngồi xuống, rồi nói rằng ngay sau khi nhận được tin hai người con của bà Mè mất, ông còn nhận được thêm tin báo rằng đứa con thứ ba của bà, tên là Đại, 22 tuổi, bị giết ở Vĩnh Long, trong khi đứa con thứ tư là Đạo, 20 tuổi, bị thương nặng. Nhiều đồng sự chạy tới an ủi bà Mè nhưng rồi cũng khóc lên trước những tin xấu mà bà mới nhận được. Trong khi đó, bà không thể nhỏ được giọt nước mắt nào – bà cảm thấy cả người tê dại.

Người con trai tên Đạo rốt cuộc đã qua khỏi. Không muốn để bà Mè cùng ông Nhơn mất thêm người con thứ tư nếu cậu đi vào nơi hiểm nguy, viên chỉ huy của Đạo đã ra lệnh cho cậu về công tác cùng cha mẹ tại Chiến khu R. Người chỉ huy biết rằng mệnh lệnh của mình không đảm bảo rằng Đạo sẽ có một cuộc trở về an toàn – vì Chiến khu R thường xuyên là mục tiêu tấn công của máy bay. Nhưng ông biết rằng cha mẹ của Đạo sẽ cảm thấy yên tâm phần nào khi con trai ở cùng với họ. Thế là Đạo đi một mình, trực chỉ tỉnh Tây Ninh và Chiến khu R.

Chuyến đi tới Chiến khu R kéo dài trong nhiều tuần. Suýt chút nữa thì chuyến đi đã kết thúc với việc bà Mè mất đi người con trai thứ tư, khi Đạo may mắn thoát chết trong một cuộc pháo kích trên đường tới căn cứ.

Một tháng sau khi nhận được tin người con thứ ba tử trận, bà Mè bước ra khỏi phòng làm việc ở Chiến khu R với một nỗi kinh ngạc khi Đạo chạy tới chào mẹ. Dòng nước mắt dồn nén hôm nào giờ được dịp tuôn xối xả. Dòng nước mắt ấy, cũng như tình thương của người mẹ dành cho con trai, đã khiến bà Mè không nhận thấy sự thay đổi ngoại hình của Đạo khi bà ôm cậu trong vòng tay, không thấy rằng khuôn mặt con đã bị thương tích làm biến dạng. Một quả đạn M-79 phát nổ đã găm nhiều mảnh vào mặt và một mắt của Đạo.

Ôm đứa con (trai) duy nhất còn lại trong tay, bà Mè nhớ lại ước nguyện đoàn tụ sau chiến tranh mà bốn anh em đã bày tỏ trước khi vào quân đội. Giờ thì bà Mè biết rằng ngày đoàn tụ đó chẳng bao giờ đến nữa.

Sau những đau thương ấy, bà Mè được phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, một sự tôn vinh dành cho những người mẹ chịu nhiều mất mát về người thân – có thể là mất hết tất cả con cái hoặc từ bà người trở lên.

“Là một người mẹ”, bà Mè nói, “tôi thấu hiểu tâm tư của những người có con đối mặt với hiểm nguy của chiến tranh, có con ngã xuống trên chiến trường và chẳng thể đưa con tới nơi an nghỉ cuối cùng. Tới hôm nay”, mắt bà Mè ngấn lệ, “tôi vẫn chưa thể tìm được hài cốt của một người con trai, và tôi biết mình sẽ không bao giờ tìm được”.

Đáng ngạc nhiên là nỗi đau mất ba người con trai và một phần cơ thể của người con thứ tư không khiến bà Mè nung nấu lòng hận thù đối với người Mỹ vốn chịu trách nhiệm về bi kịch của gia đình bà. Trong khi hầu hết các bà mẹ có thể nổi giận, bà Mè lại khác. Bà cảm thông với những bà mẹ Mỹ không tìm thấy hài cốt đứa con đã ngã xuống trên chiến trường ở một vùng đất xa xôi.

Có lẽ bà là người thấu hiểu nỗi đau ấy của những bà mẹ Mỹ hơn bất cứ người mẹ nào khác.


***


Chuyện của bà Mè chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện. Một góc trưng bày ở Bảo tàng Quân đội tại Hà Nội có danh sách những bà mẹ Việt Nam chịu nhiều mất mát về gia đình. Chưa phải toàn bộ, danh sách này liệt kê hàng chục bà mẹ, kết lại với nhau tạo nên một cảm giác mất mát khôn cùng về những người mẹ chịu cảnh người đầu bạc khó kẻ tóc xanh, về những người con đã mất vốn lẽ ra phải sống lâu hơn mẹ mình. Có rất nhiều người mẹ Việt Nam phải chịu nỗi đau mất mát như thế. Bà Nguyễn Thị Điểm1 mất chồng và hai con trai; bà Trần Thị Tràng – mất chồng và năm người con, còn đứa con thứ sáu bị thương; bà Huỳnh Thị Tân – mất năm người con. Một báo cáo hậu chiến cho biết chỉ riêng tại Sài Gòn đã có hơn 1.400 bà mẹ mất ba con trở lên.

Mất đi một người con là nỗi đau lớn cho bất cứ bà mẹ nào; và rõ ràng những bà mẹ chịu khổ đau nhất là những người phải chứng kiến toàn bộ thế hệ con cái của mình ngã xuống trên chiến trường Việt Nam. Mất đi người con trai duy nhất hay tất cả con trai thì nỗi đau vẫn vô cùng vô tận. Nếu bi kịch đơn thuần chỉ là con số thống kê thì có hai người mẹ đứng đầu về sự mất mát: mẹ Nguyễn Thị Thứ đã chứng kiến chiến tranh cướp đi chín người con, một người con rể và một người cháu; và mẹ Nguyễn Thị Rành, mất tám người con và hai đứa cháu. Nỗi đau mất mát lớn lao ấy vẫn không làm giảm quyết tâm hướng về chiến thắng của các mẹ. Thông điệp này đã được nêu rõ trong bức thư của một bà mẹ, bà Nguyễn Thị Loan, vào tháng 1 năm 1968. Sau khi mất đi người con trai nhỏ, Lê Viết Dũng, bà đã xin chính quyền cho phép người con trai còn lại của mình, Lê Viết Hùng, nhập ngũ để trả thù cho em.

Nỗi chịu đựng âm thầm của những bà mẹ Việt Nam mấ con trong chiến tranh là vô cùng lớn lao. Nó nhắc tôi nhớ lại câu chuyện của một bà mẹ Pháp chờ đợi đứa con trai chở về từ chiến trường trong một cuộc chiến khác vào thế kỷ trước2. Người con trai duy nhất của bà – là tất cả những gì bà có trên cõi đời này – tham gia một trận đánh lớn trong Chiến tranh Pháp-Phổ. Bại trận, những người lính Pháp đào ngũ mất hết nhuệ khí kéo nhau đi qua làng. Người mẹ ấy đã đứng hàng giờ liền trên đường làng, xem từng gương mặt binh sĩ. Sau cùng, khi bóng tối đổ xuống con đường làng vắng vẻ và người lính đào ngũ cuối cùng đã đi qua, bà thốt lên: “Tạ ơn Chúa! Nó không phải là kẻ trốn chạy”.


***


Nỗi đau mà một gia đình gánh chịu khi có nhiều anh em ruột cùng phục vụ trong một đơn vị và hy sinh là câu chuyện mà người Mỹ từng trải qua thời Thế chiến thứ hai. Ở Trân Châu Cảng, có tới hai mươi nhóm anh em ruột chết trong cuộc tấn công bất ngờ của người Nhật Bản. Sau đó chưa đầy một năm, bi kịch đã giáng xuống gia đình Sullivan với năm anh em ruột cùng tử trận khi con tàu chở họ bị trúng ngư lôi từ tàu ngầm Nhật Bản và chìm với gần như toàn bộ thủy thủ đoàn.

Sau bi kịch Sullivan, Chính phủ Mỹ đã áp dụng quy định không bắt buộc đối với việc cho xuất ngũ đứa con duy nhất còn lại của một gia đình sau khi người anh em của anh ta tử trận. Đây là một quy định phổ biến thời chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, một chính sách như vậy là khó có tính thực tiễn – nếu như không muốn nói là bất khả - đối với phía Hà Nội, do họ thiếu nhân lực trầm trọng trong cuộc chiến. Kết quả là nhiều gia đình ủng hộ chính quyền Hà Nội – chẳng hạn như gia đình bà Mè – đã phải trả giá rất đắt.

(Tình cảm mẹ con thì ở nền văn hóa nào cũng vậy. Khi ngồi nghe bà Mè kể về nỗi đau mất con, trong đầu tôi văng vẳng lời than khóc của một người mẹ mất con trai trong Nội chiến Mỹ. Louisa Meigs, vợ của một vị tướng Lục quân Mỹ, sau khi mất đi đứa con trai vào năm 1864, đã viết: “Khi thấy cỏ mọc xanh trên đầu con trai mình, trái tim tôi tràn ngập nỗi đau; tôi giống như một bà Rachael khóc con và khước từ mọi lời an ủi…”).
________________________________
1. Tức Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thanh Tùng, sinh 1941.
2. “Thế kỷ trước” ở đây là thế kỷ 19.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2011, 09:13:23 pm »


ĐỨA CON CỦA RỪNG


Nguyễn Thị Bình là con gái út của bà Bùi Thị Mè và Nguyễn Văn Nhơn (thân sinh của ba người con trai chết trận trong chương “Không ngày đoàn tụ”). Ba năm sau khi Bình chào đời vào năm 1957, cha mẹ và các anh trai để cô cùng một người chị lại cho bà cô nuôi.

Năm 1964, người cô sợ rằng chính quyền Sài Gòn có thể tìm bắt hai cô bé, lúc này đã mười ba và bảy tuổi, để làm con tin buộc cha mẹ chúng phải trở về. Thông qua một hệ thống liên lạc sử dụng những người truyền tin tình nguyện, người cô bày tỏ nỗi lo lắng tới cha mẹ hai cô bé đang công tác tại Chiến khu R. Họ đi đến quyết định để hai bé tới ở cùng cha mẹ tại căn cứ càng sớm càng tốt.

Vào ngày trù định, một người giao liên tình nguyện tới nhà bà cô để đưa hai cô bé tới bến xe đò. Họ lên một chiếc xe đò thẳng tới Tây Ninh, nơi ông Nhơn đang nóng lòng chờ đợi. Khi tới nơi, mọi người chẳng có đủ thời gian để chào hỏi. Ông Nhơn hối hả dẫn ba người đi bộ vào rừng sâu, vào một thế giới khuất bóng mặt trời – và cũng khuất khỏi tầm mắt của kẻ thù trên cao – nhờ cây cối rậm rạp.

Phải mất chọn một ngày mới tới được Chiến khu R. Hành trình gian khó nhưng Bình rất vui khi gặp cha và nóng lòng được gặp mẹ. Ông Nhơn dẫn mọi người đi qua những con đường nhỏ nhớp nháp, do người dân địa phương tạo ra để cho xe bò đi. Rất ít người ngoài cuộc biết đến sự tồn tại của phần lớn những con đường kiểu này. Lúc chập tối thì ông Nhơn và hai cô con gái đã đến doanh trại.

Chiến khu R được thiết kế và tổ chức với đủ các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động hoạch định và triển khai chiến lược tổng thể của Mặt trận cho toàn cuộc chiến. Nó không chỉ có trung tâm chỉ huy và điều hành mà còn có cơ sở hỗ trợ để thực hiện các chức năng này. Nhằm tránh nguy cơ toàn bộ sở chỉ huy bị triệt phá, căn cứ được xây dựng dàn trải trên một khu vực rộng. Có một trường học cho trẻ em ở đây. Cùng với khoảng năm, sáu mươi đứa trẻ khác, Bình coi ngôi trường là nhà trong phần nửa quãng đời tuổi thơ của mình. Niềm mong mỏi được ở cạnh cha mẹ đã sớm bị dập tắt khi cô được dẫn tới ngôi trường mới – cũng là nhà mới.

Trường có các lớp từ 1 tới 6. Lúc tới nơi, Bình mới bảy tuổi và được xếp vào lớp 1; người chị gái mười ba tuổi, đã quá tuổi đi học, được bố trí làm nữ hộ lý ở đâu đó tại Chiến khu R. Bình bị tách khỏi cả cha mẹ lẫn chị gái.

Học sinh sống cùng nhau ở trường như một gia đình. Do phụ huynh luôn bận rộng tại Chiến khu R; và nơi họ sống, làm việc cách xa trường học nên hiếm khi họ thăm con cái – kể cả những cuộc viếng thăm chớp nhoáng.

Khoảng ba tháng thì Bình mới được gặp cha mẹ một lần – thường là gặp bất ngờ chứ không hẹn trước. Việc quân địch tăng cường không kích và pháo kích cũng như mở các chiến dịch mặt đất trong khu vực đã khiến trường nhiều lần phải đóng cửa. Trong những dịp đó, trẻ con được trả về cho phụ huynh hoặc được tổ chức thành từng nhóm ba người và bố trí ở khắp nơi tại Chiến khu R dưới sự giám sát của người lớn để bảo đảm an toàn. Sự phân tán trẻ con như vậy là nhằm giảm nguy cơ tổn thất sinh mạng lớn trong trường hợp trường bị tán công. Trước khi rời Chiến khu R, Bình cảm thấy hàm ơn kế hoạch thông minh này – mà nếu không tuân thủ thì chắc cô đã lâm vào thảm họa. Cô thấy việc cha mẹ tới thăm con mà không báo trước là điều cực kỳ quan trọng.

Những tháng đầu ở Chiến khu R là giai đoạn cực kỳ khó khăn.

“Lúc mới đến”, cô hồi tưởng, “tôi sợ tất cả mọi thứ - kể cả những thứ có thật lẫn điều tưởng tượng: tôi sợ ma, thú rừng, côn trùng, rắn – và bom. Lần đầu tiên nghe tiếng bom, tôi đã lấy mền trùm kín đầu và run cầm cập. Sau vài tháng, tôi quen dần và cuối cùng chẳng sợ gì nữa”.

Lúc mới tới Chiến khu R, Bình là một cô bé bảy tuổi nhút nhát; cô rời nơi này bảy năm sau, khi đã trở thành một thiếu nữ không biết sợ là gì, khi đã có đủ sự tự tin rằng mình có thể vượt qua mọi tai ương.

Nhưng cuộc sống trong rừng chẳng bao giờ dễ dàng.

Có năm giáo viên được bố trí làm việc ở trường. Thêm vào đó, có mười hai người khác hỗ trợ chăm sóc trẻ, chỉ dẫn trẻ cách vào rừng trú bom.

“Chúng tôi luôn là mục tiêu của các trận không kích tại Chiến khu”, Bình giải thích. “Vì thế, điều đầu tiên người lớn dạy chúng tôi đó là đào giao thông hào và hầm trú ẩn. Ban đầu người lớn đào cho chúng tôi, về sau thì chúng tôi tự đào. Chúng tôi phải đào hầm thường xuyên do trường phải dời chỗ liên tục”.

Tìm kiếm thức ăn cũng là một nhiệm vụ thường trực của trẻ. Bình kể:

“Chúng tôi tự tìm kiếm thức ăn. Chỉ có gạo là được cấp. Nhưng lắm lúc gạo cũng thiếu nên chúng tôi phải tự tìm kiếm đồ ăn. Mọi người chỉ ăn hai bữa mỗi ngày, thường là không có bữa sáng. Mỗi khi đói, tất cả cùng vào rừng kiếm trái cây. Chúng tôi được dạy cách nhận biết những thứ ăn được và không ăn được. Chúng tôi có thể ăn nhiều loại lá cây. Đôi khi chúng tôi nhặt được sách viết cho lính Mỹ, trong đó miêu tả cặn kẽ các loại nấm ăn được, không ăn được. Lũ trẻ chúng tôi cũng được chỉ cách làm bãy bắt thú nhỏ. Chúng tôi ăn rắn và bọ cạp. Có hai loại bọ cạp trong rừng. Một loại rất độc. Đó là loài thân nhỏ, màu nâu. Loài kia khá lớn, dài khoảng một tấc, màu đen. Đây là những thứ ăn được, và thật may là chúng bò rất chậm. Bọ cạp núi rất dễ bắt. Chúng bò đầy nhóc quanh hầm trú ẩn. Có một ít thịt trong càng của nó, khoảng nửa thìa; thịt có vị giống tôm. Càng là bộ phận duy nhất có thể ăn được. Lần đầu thấy bọ cạp tôi rất sợ, nhưng rồi tôi nhanh chóng học cách xua đi sợ hãi. Mấy cậu nhóc trong lớp hay bắt bọ cạp dọa con gái. Nhưng chúng tôi luôn được dạy phải can đảm bởi hầu hết đều phải tự lo cho bản thân. Cũng có nhiều lúc lũ con trai bày cho chúng tôi cách kiếm thức ăn”.

Do giáo viên không có được sự hỗ trợ cần thiết về giảng dạy nên số lượng môn học trong trường khá hạn chế. “Chúng tôi chỉ học văn và toán”, Bình kể tiếp. “Không có đủ giáo viên để dạy thêm cái gì nữa, và cũng chẳng có cuốn sách nào”.

Khi máy bay ném bom, số học sinh mới đến thường rất lo lắng cho cha mẹ. Phần lớn trẻ em đều may mắn khi cha mẹ không hề gì. Nhưng một vài em thì không có được may mắn ấy. Bình kể: “Thông thường, tất cả học sinh trong trường đều biết tin cha mẹ của một bạn học chết trước khi bạn đó biết; nhưng chúng tôi giữ im lặng. Người lớn thường an ủi và chăm sóc đứa trẻ đó trước khi thông báo về cái chết. Sau khi đứa trẻ biết tin, chúng tôi cố gắng không nhắc lại chuyện buồn. Tất cả mọi người thường quá bận rộn với những việc phải làm hằng ngày để sống sót đến mức không có thời gian để nghĩ tới chuyện khác – kể cả bi kịch gia đình. Nhưng chúng tôi luôn cố gắng chăm nom đứa trẻ bất hạnh ấy và giúp nó nguôi ngoai. Mọi người sống gần gũi và cư xử với nhau như một đại gia đình. Chúng tôi làm bất cứ việc gì mà chúng tôi thấy cần thiết”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2011, 09:14:26 pm »


Không mất cha mẹ ở Chiến khu R nhưng Bình cũng không thoát khỏi bi kịch cá nhân. Tháng 2 năm 1968, cô bé được giáo viên và bạn bè chăm sóc đặc biệt, một sự quan tâm chỉ dành cho những ai mất đi người thân. Cô bé biết có điều gì đó bất ổn nhưng chẳng biết đó là gì. Lúc đầu cứ tưởng rằng cha hoặc mẹ đã chết hoặc bị thương, rồi cô cảm thấy nhẹ nhõm khi được thông báo đi gặp phụ huynh.

“Tôi linh cảm có điều gì đó bất ổn nhưng chẳng ai nói cho tôi biết về cái chết của ba người anh. Tôi được đưa tới ở với cha mẹ một thời gian. Một đêm nọ, khi tôi sắp ngủ thì có mấy người bạn của cha mẹ tới. Lúc ấy ông bà tưởng tôi đã ngủ rồi. Tôi giữ im lặng tuyệt đối để nghe họ trò chuyện. Tôi nghe những người kia chia buồn và bắt đầu nói về cái chết của các anh. Lúc bấy giờ tôi mới biết điều gì đã xẩy ra. Tôi khóc lặng lẽ nhưng chẳng bao giờ nói với cha mẹ về nỗi mất mát đó. Tôi ở với họ chừng một tuần hoặc mười ngày thì đi”.

Chiến khu R bị ném bom thường xuyên, nhưng trước giờ ngôi trường lại chưa bao giờ trúng bom cả. Tuy nhiên, vào đầu năm 1971, điều mà phụ huynh lo sợ nhất đã ập đến. Bình vẫn còn lưu giữ ký ức kinh hoàng; nhưng rất nhiều bạn học của cô thì không thể.

“Tôi bị sốt rét và được đưa tới bệnh viện”, cô kể. “Cha mẹ tôi cũng bị sốt rét, vì thế chúng tôi ở bên nhau. Lúc ấy cả nhà đang ở trong căn hầm dành cho bệnh nhân. Đột nhiên máy bay ập tới ném bom mà không hề có báo động trước. Lúc ấy việc dạy học đang diễn ra dưới các căn hầm có mái chữ A được làm bằng gỗ và che lớp đất dày chừng hai tấc – trường không có hầm trú bom. Chúng tôi phải chuyển chỗ liên tục nên không có thời gian đào hầm trú ẩn lớn. Hôm đó trường trúng bom. Đó là lần đầu tiên bom rơi trúng trường học. Mười ba trẻ và hai người lớn chết. Tôi quen tất cả các nạn nhân… Khi máy bay gia tăng ném bom Chiến khu R, người ta đã quyết định gửi trẻ em ra miền Bắc”.

Trong hành trình ra Bắc dọc theo Đường mòn Hồ Chí Minh, trẻ em được chia thành từng nhóm từ mười sáu tới mười tám người, với ba người lớn đi theo. Những trẻ nhỏ tuổi nhất và sức khỏe kém nhất được phân bố đều cho các nhóm. Mỗi nhóm được đánh số và một lịch trình được phổ biến với ngày khởi hành được định sẵn. Ngày khởi hành của các nhóm được sắp xếp chênh nhau chừng 10-15 ngày. Cái chết của mười ba đứa trẻ trước đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân tán nguy cơ thương vong ra các nhóm khác nhau. Một bi kịch như thế không được phép lặp lại đối với hành trình ra Bắc; đó là mệnh lệnh.

“Chúng tôi biết thời điểm xuất phát trước một tháng”, Bình kể. “Trước lúc khởi hành, trẻ con được ở với cha mẹ hai tuần. Chia tay cha mẹ cũng không có gì nặng nề lắm bởi tới lúc ấy, bọn trẻ đã quen với việc sống xa cha mẹ. Tuy nhiên, với phụ huynh thì lại khác. Cha tôi không muốn để tôi ra Bắc vì tôi thường xuyên lên cơn sốt rét và ông sợ tôi sẽ chết dọc đường. Đó là thời khắc vô cùng khó khăn cho ông”.

Nỗi lo lắng của người cha đối với chuyến đi sắp tới của Bình là dễ hiểu. Không ít người lính khỏe mạnh hơn con ông nhiều đã chết khi đi dọc Đường mòn. Với cái chết của một nửa số con cái cùng với một người con không còn lành lặn, bi kịch mà chiến tranh gieo lên gia đình ông đã quá khủng khiếp rồi.

Trước khi đi, trẻ em được hướng dẫn nên mang theo thứ gì và gói ghém ra làm sao.

“Chúng tôi phải đem theo một cái võng, mùng chống muỗi, một chiếc mền mỏng và vài thứ khác. Mọi thứ đều được nhét vào ba lô làm bằng cách gấp một mảnh vải lại và khâu xung quanh. Để tạo thành hình ba lô, người ta thường lấy viên sỏi đặt vào hai góc đáy và lấy dây thép siết lại. Dây đeo được đính vào góc ba lô. Người ta cũng thường lồng vào trong một túi nhựa để giữ đồ vật khỏi bị ướt. Chúng tôi mang theo nhiều túi nhựa”.

Sau thời gian ở cùng cha mẹ, Bình trở lại với các bạn trong nhóm. Họ tập hợp vào lúc 5 giờ sáng ngày 19 tháng 5 năm 1971 để bắt đầu hành trình tới ngôi nhà mới.

“Chúng tôi không hề lo lắng hoặc hồi hộp vào lúc xuất phát”, Bình kể tiếp. “Tất cả đều đã quen với thay đổi. Nhưng tôi nhớ là hồi đó mình cũng nhớ nhà – không hẳn là nhớ cha mẹ mà là nhớ ‘ngôi nhà’ ở trong rừng… Sau một thời gian dài, chúng tôi đã quen với cuộc sống ở đó… Tất cả đều có cảm giác sẽ nhớ miền Nam”.

Ngay sau khi xuất phát, Bình nhanh chóng được ngầm nhìn vẻ đẹp của núi rừng. Hoa nở rực rỡ, điểm sắc cho những vạt rừng tươi đẹp.

“Mỗi ngày chúng tôi lại đến một binh trạm mới”, cô kể. “Đôi lúc nhóm chỉ mất nửa ngày để đi hết một chặng; lúc khác thì mất nhiều thời gian hơn. Nhanh chậm là tùy vào sức khỏe. Điều kỳ lạ là trong suốt chuyến đi tôi không bao giờ lên cơn sốt rét, trong khi hồi ở Chiến khu R thì tuần nào cũng bị. Có lẽ do tôi đã trưởng thành hơn và sung sức hơn. Những người khác vốn chưa hề bị sốt rét lại hay ốm đau dọc đường. Đối với họ, lẽ ra hành trình chỉ mất ba tháng, thì đằng này phải mất tới bốn, năm tháng. Khi xẩy ra ốm đau, người bệnh sẽ được để lại các binh trạm”.

Người ốm ở lại binh trạm cho tới khi đủ khỏe mới đi tiếp bằng cách nhập vào các nhóm Bắc tiến kế tiếp. Rất nhiều nhóm bị hao hụt do có thành viên bị bệnh.

“Có một nhóm khi tới nơi chỉ còn bốn người”, Bình kể. “Tôi có một người bạn bị rớt lại, phải theo một nhóm khác ra Bắc”.

Khi đến binh trạm, các thành viên nghỉ ngơi, ăn uống và ngủ sớm để sáng hôm sau khởi hành sớm. Một người dẫn đường của binh trạm, được gọi là “giao liên”, sẽ dẫn nhóm tới nửa đường. Tại đây, giao liên của binh trạm kế tiếp sẽ đón họ.

Buổi sáng ở các binh trạm có một thủ tục quen thuộc trước khi xuất phát.

“Mọi người được cấp cơm”, Bình kể tiếp. “Cơm gói trong những tấm vải cắt từ dù của quân Mỹ. Cơm đại hội lăn tròn và nén lại thật chặt. Làm như vậy cơm sẽ lâu thiu”.

Cha Bình có chuẩn bị một ít cá kho cho cô để ăn với cơm. Các binh trạm chỉ tiếp cơm nên mọi người phải hái măng rừng để ăn kèm. Tuy nhiên, do bộ đội đi lại trên Đường mòn quá nhiều nên măng tre cũng bị hái sạch. Một quãng dài rừng núi chẳng còn gì ăn được. “Lá sắn ăn được nhưng ăn nhiều thì bị ngộ độc”, Bình giải thích. “Do không tìm được thức ăn, chúng tôi lấy lá sắn nấu canh với muối. Một vài lần hiếm hoi ở binh trạm có dưa muối. Họ cho vào chảo lớn nấu cho chúng tôi ăn”.

Thú rừng cũng không có để săn bắn. “Suốt chuyến đi chúng tôi chẳng thấy một con thú nào”, Bình nhớ lại. “Có vẻ như chúng đã bị bom đạn giết sạch rồi”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2011, 09:19:11 pm »


Bình có ấn tượng tốt về những người giao liên, họ luôn nghe ngóng xem có máy bay do thám hay không. Nếu nghe tiếng máy bay (nhiều lúc không thể nhìn thấy do rừng rậm), người giao liên liền dự đoán khu vực do thám rồi dẫn mọi người tránh đi. Đó là một cách làm thông minh bởi những khu vực do thám thường bị ném bom ngay sau đó. Người giao liên có thể cho mọi người dừng lại để chờ nguy hiểm qua đi hoặc đi nhanh hơn để vượt qua một khu vực đầy bất trắc.

“Ở những nơi chúng tôi đi qua trên Đường mòn không có hầm trú ẩn”, Bình cho biết, “vì thế mọi người thường ẩn nấp dưới gốc cây hoặc tảng đá lớn. Hầu như ngày nào cũng có thả bom. Người Mỹ thả bom vì họ biết có Đường mòn ở đấy, chứ không hẳn là nhằm vào đoàn chúng tôi. Một vài trẻ em ở các nhóm khác thiệt mạng – nhưng không nhiều. Các giao liên rất hiểu hoạt động của không quân Mỹ nên thường hướng dẫn chúng tôi rất cặn kẽ… Họ luôn chọn những lộ trình tốt nhất có thể - đôi khi chúng tôi phải băng qua nơi không có lối mòn”.

Hiếm khi các giao liên cho đoàn nghỉ ngơi – họ luôn giục mọi người tiến về phía trước. “Chúng tôi đi liên tục…họ không bao giờ chờ. Nhiều đứa trẻ phải chạy mới bắt kịp. Đôi khi người lớn không theo kịp trẻ con. Có lúc, một số người trong nhóm tới binh trạm trước cả tiếng đồng hồ so với số còn lại, nhưng không ai lạc đường… Chúng tôi luôn ngủ ở binh trạm, không bao giờ ngủ dọc Đường mòn. Chỉ khi nào bị lạc đường thì người ta mới phải ngủ dọc Đường mòn”.

Bình nhớ lại lần chạm mặt với một người lính phía bên kia hai tuần sau ngày khởi hành:

“Một lính biệt kích miền Nam bị bắt. Anh ta bị áp giải theo đoàn chúng tôi để ra Bắc; tay bị trói quặt ra sau. Tôi rất tò mò, suốt ngày cứ đi sát sau anh ta… Không ai nói chuyện với anh ta, kể cả người giao liên… Tôi chưa bao giờ gặp một binh sĩ kẻ thù nên rất chi tò mò”.

Đây không phải là lần duy nhất Bình chạm mặt với lính biệt kích Việt Nam Cộng hòa. Cô nhớ lại một lần trực thăng thả biệt kích xuống rừng:

“Biệt kích địch thường được trực thăng thả xuống để cài cắm vào khu vực Đường mòn. Tôi nhớ có lần trông thấy hai tay biệt kích vừa được thả xuống đã lập tức vẽ một ký hiệu lớn bày tỏ mong muốn đầu hàng. Sau đó, họ ẩn nấp và chờ bộ đội từ binh trạm ra. Các chiến sĩ của binh trạm đã tóm được họ. Hai người ấy có rất nhiều đồ ăn; bộ đội lấy hết và đưa cho chúng tôi”.

(Năm 1961, Cục Tình báo Trung ương Mỹ triển khai chương trình bí mật, đưa biệt kích Việt Nam Cộng hòa đột nhập vào lãnh thổ Bắc Việt. Chiến dịch này, được Lầu Năm Góc tiếp quản năm 1964, đến năm 1968 đã thất bại nặng nề khi gần 500 lính biệt kích bị giết, bị bắt hoặc trở thành điệp viên hai mang. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara và cựu Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Việt Nam, tướng William C. Westmoreland, đã bị chỉ trích nặng nề về chiến dịch trên. Chương trình đã được đặc tả trong cuốn sách của Sedgwick Tourison nhan đề: QUÂN ĐỘI BÍ MẬT, CUỘC CHIẾN BÍ MẬT: CHIẾN DỊCH BI THẢM CỦA WASHINGTON Ở BẮC VIỆT. Lời kể của Bình giải thích tại sao một số lính biệt kích Việt Nam Cộng hòa không trở về).

Trong phần lớn hành trình, giao liên men theo dọc bờ suối; không khí ở những nơi này rất mát mẻ. Trẻ con đôi khi có thể dừng lại để tắm tắp.

Nhưng đi dọc bờ suối cũng rất nguy hiểm.

“Khó khăn nhất là lúc mưa ập tới”, Bình giải thích. “Lũ quét cuồn cuộn dọc suối. Không có thời gian để chuẩn bị đối phó với lũ. Khi nghe tiếng ầm ầm thì cũng là lúc nước ập đến rồi. Những lúc đó chúng tôi thường trèo lên các tảng đá cao. Đang mùa khô nhưng đôi lúc có mưa lớn. Nhóm đã gặp lũ quét hai hay ba lần gì đó. Phần lớn chúng tôi không biết bơi nên thật là nguy hiểm. Sau khi lũ đi qua, dòng suối trở nên rộng hơn và khó vượt qua. Thế là người lớn phải buộc dây vào cây rồi cầm đầu dây còn lại băng qua sông, sau đó buộc vào thân cây ở bờ phía bên kia. Trẻ em một tay giữ ba lô, tay kia nắm dây để qua suối. Ba lô được cho vào một bọc nhựa để khi cần có thể làm phao cứu sinh. Chúng tôi được huấn luyện kỹ càng để có thể thích nghi với bất kỳ hoàn cảnh nào, vì thế tất cả trẻ con vượt sông suối mà không gặp vấn đề gì lớn. Nếu sợ thì sẽ gặp rắc rối. Còn nếu không sợ thì sẽ vượt qua bất cứ thách thức nào”.

Ba tháng và một tuần kể từ ngày rời Chiến khu R, nhóm của Bình hoàn tất cuộc trường chinh. Họ tới Binh trạm 5 ở địa đầu tỉnh Quảng Bình, giáp với Lào vào ngày 27 tháng 8 năm 1971. Chặng đi tới Binh trạm 5 là chặng cuối cùng họ đi bộ. Nhóm hoàn tất phần còn lại của hành trình bằng xe tải.

Khi đi bộ, lũ trẻ chỉ đi vào ban ngày; nhưng khi di chuyển bằng xe tải,  nhóm chỉ đi vào ban đêm. Họ được đưa đến tỉnh Quảng Bình. Tới bờ sông Gianh, cả đoàn lên thuyền qua sông, rồi sau đó tới Vinh, từ đấy đi tàu ra Thường Tín, Hà Tây.

Khi đến Thường Tín, trẻ em trong đoàn của Bình được đưa tới một khu trại đặc biệt trong vòng ba tháng. Tại đây, họ được gặp lại các bạn học thời Chiến khu R và chờ những người còn chưa đến. Đêm đầu tiên ở trại, họ được chiêu đãi một bữa tối đặc biệt – có thịt. Dù không có nhiều nhưng món ăn này làm tất cả thích thú. Mọi người cũng được khám sức khỏe và kiểm tra sốt rét.

Khi tất cả trẻ con đã đến nơi, một trường học đặc biệt dành cho người miền Nam được mở. Do việc học ở miền Nam bị giới hạn và thường hay gián đoạn, người ta cho rằng trẻ em miền Nam không thể theo kịp trẻ ở miền Bắc, vốn được đi học đều đặn.

Bình và các bạn học ở chung ký túc xá. Tại đây, trẻ được dạy các môn rất mới – địa lý, sinh học, lịch sử, v.v. Chính quyền cung cấp cho lũ trẻ áo quần và thực phẩm. Thêm vào đó, học sinh còn nhận được tiền tiêu vặt. Bình đã ở nơi đây trong suốt phần còn lại của cuộc chiến tranh. Khi trẻ em đến Hà Nội an toàn, chính quyền bắt đầu thông báo với phụ huynh ở miền Nam. Do đường bưu vận không ổn định, Bình phải đợi tới chín tháng mới nhận được tin từ cha mẹ nói rằng họ đã biết cô bé tới nơi bình an.

Được chính quyền chăm sóc rất chu đáo nhưng lũ trẻ vẫn không nguôi nhớ nhà. Chúng mong mỏi được trở về miền Nam quê hương. Tình hình vào thời điểm lũ trẻ tới miền Bắc cũng làm dấy lên câu hỏi liệu sống ở Hà Nội có an toàn hơn Chiến khu R hay không. Bấy giờ tất cả mọi người đối mặt hai mối đe dọa lớn: máy bay B-52 và lũ. Do máy bay B-52 gia tăng ném bom miền Bắc, lũ trẻ lại được tách ra thành từng nhóm nhỏ sống với các gia đình địa phương.

Năm 1974, Bình sung sướng khi được đón những vị khách bất ngờ - cha mẹ cô. Sau khi người Mỹ rút khỏi cuộc xung đột thì việc đi lại dọc Đường mòn trở nên nhanh chóng và dễ dàng. Không còn máy bay địch đe dọa, cha mẹ Bình đà thực hiện hành trình ra Bắc rất dễ so với chuyến đi khổ ải mà Bình từng trải qua.

Hai người ra Hà Nội bởi cha Bình bị bệnh mắt nặng. Tới Hà Nội được một thời gian, ông tiếp tục sang Liên Xô để phẫu thuật và dự kiến sẽ dưỡng bệnh trong sáu tháng. Khi ông lên đường sang Moskva; mẹ Bình – bà Mè - ở với con gái. Thế rồi, cha của cô đã trở lại Hà Nội chỉ hai tuần sau khi phẫu thuật. Ông nóng lòng được trở về Chiến khu R khi nhận thấy chiến thắng ở miền Nam đang cận kề. Bình rất vui trong thời gian được ở với cha mẹ trước khi chia tay.

Với sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975, Bình và các bạn học rất háo hức trở lại miền Nam. Nhưng tất cả đều thất vọng khi biết rằng phải học xong thì mới về được. Lũ con trai trở nên nóng nảy trong việc thuyết phục các giáo viên cho chúng trở về nhà, thậm chí chúng còn dọa đốt ký túc xá.

Cuối cùng, vào tháng 8 năm 1975, trường học giải tán và các học sinh được đưa xuống Hải Phòng để từ đó lên tàu thủy vào Sài Gòn. Bình gặp lại chị gái, người cũng ra Bắc vào năm 1974. Bốn năm trước, cô bé phải mất ba tháng để đi bộ dọc Đường mòn mà không bị bệnh tật gì; giờ đây cô chỉ mất vài ngày hành trình trên biển nhưng lại bị say sóng khủng khiếp.

Tàu cập cảng Vũng Tàu, thành phố nằm phía Nam Sài Gòn, và hôm sau thì đến nhà máy đóng tàu Ba Son ở Sài Gòn. Cha mẹ tới đón Bình và người chị gái. Gia đình ngụ tại một khách sạn giữa Sài Gòn trong đêm đoàn tụ đầu tiên.

Ngày hôm sau, có một gia đình chịu nhiều mất mát trong cuộc đấu tranh trường kỳ để thống nhất đất nước đã trở về ngôi nhà mà mười lăm năm trước đó họ buộc phải ra đi. Đó là một thời khắc đầy cảm xúc đối với Bình. Được trở về nhà là niềm hạnh phúc, nhưng đó cũng là một trải nghiệm đau đớn; cô biết rằng ba người anh trai của mình sẽ không bao giờ xuất hiện nơi ngưỡng cửa ngôi nhà nữa.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM