Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 24 Tháng Năm, 2024, 02:35:31 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nó và tôi  (Đọc 264561 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #120 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2012, 10:46:43 am »

Bác nhuthin@ kính mến: Thỉnh thoảng gợi lại chuyện vui một thời cho xôm thôi. Em nhớ cái thời 7x ấy, trường nào cũng đầy áo lính. Đặc biệt là các trường các khoa chuyên về KHXH. Năm mới chúc bác sức khỏe ngày càng tốt.

@qtdc: Tháng 7/1975 sau khi ra quân tôi vào thăm mấy người bạn ở ĐHSP,thấy một hình ảnh rất là vui và đầy hứng khởi: tất cả các CCB-SV trở lại trường vì chưa thu xếp được chỗ ở nên tạm thời được bố trí ở tạm tại hội trường lớn, một hội trường lợp lá cọ khá lớn, xung quanh chỉ thấy toàn mầu xanh áo lính đang phơi và đặc biệt tại cổng vào ai đó tinh nghịch lấy vôi viết lên 1 tấm cót dòng chữ: Doanh trại Quân đội nhân dân Việt Nam trường ĐHSP HN. Trong khi đó tại các trường ĐH kỹ thuật có lẽ việc học hành vất vả hơn nên yếu tố lãng mạn ở đây không như ở các trường KHXH, trong số anh em CCB trở về không ít người còn nợ nhiều môn thi trước khi đi bộ đội giờ phải lo trả nợ nên cắm đầu ôn lại bài. Một yếu tố nữa là tại các trường SP và KHXH nữ sinh viên rất nhiều nên mấy anh chàng lính trở về cảm thấy rất hãnh diện được đẹp trong mắt ai, trong khi ấy tại các trường kỹ thuật nữ rất ít thì làm le với ai đây Cheesy mà các bác biết đấy nữ sinh viên của các trường này thì đẹp thôi rồi.

Năm mới chúc bác mạnh khỏe, bằng an và thành công. Lúc nào anh em mình hội ngộ nhau ở 19C NH nhé.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Giêng, 2012, 08:23:49 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #121 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2012, 11:14:59 am »

    Một yếu tố nữa là tại các trường SP và KHXH nữ sinh viên rất nhiều nên mấy anh chàng lính trở về cảm thấy rất hãnh diện được đẹp trong mắt ai, trong khi ấy tại các trường kỹ thuật nữ rất ít thì làm le với ai đây Cheesy mà các bác biết đấy nữ sinh viên của các trường này thì đẹp thôi rồi.

-----------
    Bác LXT khoe thế này thì đúng là làm cay mũi lính về học các trường kỹ thuật thật.

   Nhưng phải công nhận bác nói quá đúng. Lính về ĐHBK cũng nhiều bác ạ. Trong lớp đến nửa phần là lính. Không gian trong lớp xanh rì (lính về được phát quân phục lần cuối nên cũng không đến nỗi mặc áo bạc màu quá đến lớp.)

   Nhưng phải nói là nữ rất ít nên dù sắc chưa thật mặn mà mà mình vẫn phải chiều họ chứ không mong họ ngưỡng mộ mình. Thế cho nên ngày thứ bảy, chủ nhật, trong sắc áo xanh rợp trời vùng Cầu Giấy có góp phần không nhỏ của lính trường khác mà sang tìm "đồng đội" đấy bác ạ.

   Lính về học ĐHBK ít lấy được bạn gái trong lớp. Chả hiểu tại sao.

   Bác kén được một cô giáo nên cũng có lý do nở nang mặt mũi nhỉ.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #122 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2012, 11:29:41 am »

   Một yếu tố nữa là tại các trường SP và KHXH nữ sinh viên rất nhiều nên mấy anh chàng lính trở về cảm thấy rất hãnh diện được đẹp trong mắt ai, trong khi ấy tại các trường kỹ thuật nữ rất ít thì làm le với ai đây, mà các bác biết đấy nữ sinh viên của các trường này thì đẹp thôi rồi.

-----------
    Bác LXT khoe thế này thì đúng là làm cay mũi lính về học các trường kỹ thuật thật.

   Nhưng phải công nhận bác nói quá đúng. Lính về ĐHBK cũng nhiều bác ạ. Trong lớp đến nửa phần là lính. Không gian trong lớp xanh rì (lính về được phát quân phục lần cuối nên cũng không đến nỗi mặc áo bạc màu quá đến lớp.)

   Nhưng phải nói là nữ rất ít nên dù sắc chưa thật mặn mà mà mình vẫn phải chiều họ chứ không mong họ ngưỡng mộ mình. Thế cho nên ngày thứ bảy, chủ nhật, trong sắc áo xanh rợp trời vùng Cầu Giấy có góp phần không nhỏ của lính trường khác mà sang tìm "đồng đội" đấy bác ạ.

   Lính về học ĐHBK ít lấy được bạn gái trong lớp. Chả hiểu tại sao.

   Bác kén được một cô giáo nên cũng có lý do nở nang mặt mũi nhỉ.


@Trinhsat: Sau khi tôi chuyển về ĐHSPNN tháng 12/1975, quả thật đúng là một rừng hoa nhất là các nữ SV của ĐHSPNN. Tôi được anh em tin cậy khi về đây phải lập 1 chốt đầu cầu cho anh em tập kích đối phương. Ngày ấy đi xe bus vào Cầu Giấy vui lắm, lên xe biết ngay là con gái trường nào, xếp theo đẳng cấp thì đầu tiên là ĐHSPNN, kế đến CĐSPHN (10+3), hai trường này con gái HN rất nhiều, rồi đến ĐHSP, ĐH thương nghiệp và cuối cùng là ĐHGTVT.

Cứ chiều thứ bẩy toàn trai BK, XD và các trường kỹ thuật đến đón các em trường tôi. Bác biết đấy dân XD ở Hương Canh về để kịp đón em toàn phải bỏ tiết để về kịp giờ đón. Đến năm sau thì số lưu học sinh từ các nước Đông Âu về với xe đạp cuốc, áo bay và những trang phục đẳng cấp của lớp người may mắn hơn chúng ta đã đánh bạt những chàng lính cựu trở về với 2 bàn tay trắng với trợ cấp phổ biến hồi ấy là 30 đ/tháng Angry Angry Angry

Còn cô giáo của tôi cũng là SV CĐSP, khi tôi trở về cô ấy đã là giáo viên vừa ra trường rồi. Tôi đã kể trong Ngược dòng ký ức
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Giêng, 2012, 11:49:16 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
HaHoi
Thành viên
*
Bài viết: 513


« Trả lời #123 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2012, 12:06:27 pm »

Những năm 1980 em học trong Cao đẳng SP HN, ở lớp bên cạnh có anh bộ đội chắc mới ở Biên giới phía bắc hoặc K về, chỉ diện áo lính khi đến trường! Số con trai ít ỏi ở trường em cảm thấy kém tự tin  khi đứng gần anh ấy, trông dày dạn từng trải hơn hẳn lũ ranh con bọn em. Quả nhiên đến năm thứ 3 đã thấy có chị lớp Nga văn ( hình như thế ) rất xinh và mô đéc hàng ngày mang cặp lồng của anh ấy xuống hâm nóng ở bếp trường một cách rất chi là phục tùng ! Điều này ám ảnh em cho đến tận bây giờ, cứ nhìn thấy các bác bộ đội là thấy các chị xinh xinh bị quơ hết ráo ! Grin
Chắc 37 năm trước, các bác cũng là nỗi "ám ảnh" cho mấy anh cổ cồn trắng khi các bác vào trong các trường SP nhỉ ?
Thôi, em luyên thuyên mãi , hôm nay mới gửi lời chúc mừng năm mới tới các bác được bởi mấy hôm rồi em ở Bắc Kạn, chỉ lướt web được chứ gõ bàn phím khó quá.  Vì vậy : Năm mới, em chúc toàn thể các bác CCB kính mến một năm mới vạn sự như ý và đầy sức khỏe !
Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #124 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2012, 12:11:40 pm »

    (Ảnh chụp trước vườn hoa Hạ Nghị Viện Sài Gòn 30/4/75)      
  Tấm ảnh này không hề “mông, má”, của một thợ chuyên nghiệp chụp kỷ niệm. Đố ông phó nháy Thaiminhhung biết, ông ta chụp kiểu gì?

     NhuThin ! Có phải đây là ảnh chụp lấy ngay phải không. Lúc bấy giờ cái máy ảnh này trông to hơn bình thường. Giấy ảnh đặt trong một cái ngăn mỏng ở phía sau, có thể rút ra được. Có thể người thợ đã che đi một nửa để chụp. Sau đó che nửa kia để chụp. Cuối cùng rút ảnh ra, đếm mấy giây rồi bóc ảnh khỏi lớp giấy có hóa chất. Vậy là đã "rửa ảnh" xong.

     Chẳng biết có đúng không ?
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Giêng, 2012, 01:24:29 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

nhuthin
Thành viên
*
Bài viết: 80


« Trả lời #125 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2012, 12:42:36 pm »

    Tôi nghi Tichtuongnhule đã được tôi cho  XEM ảnh này, à nói "bí quyết" của nó. Nhưng quá đúng! Đó là AN ORIGINAL POLAROID LAND PHOTOGRAPH.
Logged
nhuthin
Thành viên
*
Bài viết: 80


« Trả lời #126 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2012, 07:58:37 am »

Huế mộng, Huế mơ

      
    
  Miền tây tỉnh Quảng Trị, mồng một tết năm Ất Mão, tức ngày 12/2/1975, đúng ngày sinh nhật tôi vừa tròn 23 tuổi.

Những đợt gió mùa đông bắc cuối cùng như cố níu giữ cái giá lạnh của mùa đông năm ngoái. Nhưng vô ích, đất trời đang cựa mình, mùa xuân đã hiện diện trên những chồi non xanh biếc nhan nhản khắp cánh rừng.

      Hôm qua, tôi cho tiểu đội ăn bữa cỗ tất niên thật đàng hoàng. Đàn gà hoa mơ choai choai, mang từ Gia Độ lên đem  thịt hết. Có cả bánh chưng và thịt lợn v.v . Anh Thành, nguyên tiểu đội trưởng, sau này được điều lên trung đoàn rẽ qua thăm.  Tôi với anh có nhiều kỷ niệm trận mạc. Những trận giữ chốt ở Tám Cát, Thanh Hội năm 72 ác liệt nhất. Rất nhiều lần, hầm pháo trúng đạn tăng, đạn M72, M79, thành công sự vỡ toang, khói mù mịt. May mắn không sao, lại lồm cồm bò dậy tiếp tục bắn. Hồi ấy, mang tiếng, anh là B trưởng, tôi khẩu đội trưởng, nhưng trận nào cũng  trực tiếp làm xạ thủ số một. Anh là một người lính dũng cảm, tôi kính phục anh. Lúc chia tay, anh nói nhỏ : “Có lẽ chỉ mồng mười là lên đường vào trận. Nhớ giữ gìn”. Trong ánh mắt anh, tôi biết, anh còn muốn nói nhiều điều. Những thằng lính qua được Quảng Trị năm 1972 đều đã thành tinh, nhưng bom đạn vô tình, không nói hay được.
    
       Đêm ngày 21/2 năm 1975, trung đoàn 101 sư đoàn 325, bí mật vượt sông Ba Lòng. Nước như đóng băng, lạnh thấu thịt, thấu xương. Sau mười ngày hành quân vất vả, mặc dù có lúc được di chuyển bằng cơ giới, qua A Sầu, A Lưới, chúng tôi đã tập kết tại một cánh rừng già  phía  tây nam Huế. Trên đường hành quân tôi có gặp lại Dũng C1, nguyên sinh viên trường ĐH Xây Dựng. Nó vác khẩu súng trường bắn tỉa của Hungary, dài ngoẵng như cái sào giữa hàng quân. Chỉ kịp vẫy tay chào nhau. Sáu tháng trước, ở Gia Độ, nó còn  xách một con gà đến thăm tôi... Kế tiếp là những ngày làm đường, kéo pháo lên các điểm cao, như cha anh ta ở trận Điện Biên  năm xưa.
    
      Giữa tháng 3/1975, lo sợ bốn sư đoàn tinh nhuệ nhất của Quân lực VNCH ở vùng chiến thuật I có thể chung số  phận như Tây Nguyên. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, triệu tướng Ngô Quang Trưởng về Sài Gòn ra lệnh rút quân khỏi vùng chiến thuật I. Trung tướng Ngô Quang Trưởng vô cùng đau đầu. Vừa hôm qua, ông  tuyên bố hùng hồn với hạ cấp là tử thủ. Vậy mà hôm nay? Mà hàng vạn quân,  với xe pháo súng đạn và rất có thể còn đám vợ con lính, thêm dân thường, “ rút lui có trật tự” ...là không tưởng. Thảm cảnh như đám quân vùng Cao Nguyên là khó tránh. Nhưng đó là quyết định của Tổng Thống.
 
      Ngô Quang Trưởng lập tức ra lệnh cho tướng Lâm Quang  Thi, tư lệnh tiền phương quân đoàn I, bỏ Quảng Trị  triệt thoái  chiến  thuật về Đà Nẵng.

     Để đảm bảo cho cuộc hành quân đường bộ, Ngô Quang Trưởng điều lữ đoàn TQLC 258 về trấn giữ đèo Phước Tường, phía bắc đeò  Hải Vân, phia nam Thừa Thiên Huế. Cùng án ngữ đường quốc lộ số một, còn có lữ 468 TQLC, và liên đoàn Biệt  Động quân 15.

     Không để địch tháo chạy dễ dàng, trung đoàn 101 sư đoàn 325,  được lệnh tấn công  một lọat các điểm cao thuộc tuyến phòng thủ đường I trên dãy núi hình yên ngựa, tiếng địa phương gọi là Kim Sắc, cắt đứt đường rút lui , tạo điều kiện cho các sư đoàn khác tiêu diệt địch. Vị trí này rất hiểm yếu. Một bên là đồi núi một bên là đầm phá, thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên, cách đèo Phước Tường hơn hai chục km về hướng nam.

    Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Giảng rất lo lắng. Mấy đêm nay ông không yên giấc. Yếu tố bắt ngờ đã không còn. Tuần trước, anh em kéo pháo hò vang cả một cánh rừng. Hôm qua, một tên lính hèn nhát bỏ trốn sang phía địch. Nhưng thế trận của năm 75 đã khác. Ông rất tin tưởng anh em, những người lính đã cùng ông vượt qua thời  khắc khó khăn ở Quảng Trị năm 1972.

     Chiều ngày 21/3/1975, bên cánh rừng dầy đặc những cây song, mây và những cây lá nón, đơn vị được lệnh đêm nay bắt đầu nổ súng. Năm giờ chiều nấu cơm, nắm thêm mỗi lính một nắm cho trưa mai... còn chiều mai thì lương khô. Khoảng 10 giờ đêm bắt đầu xuất phát. Rừng tối đen như mực và yên tĩnh  lạ thường. Chỉ nghe thấy tiếng vũ khí va vào cây lách cách, tiếng thở gấp gáp xen lẫn tiếng côn trùng. Muôn loài như đang chìm sâu vào giấc ngủ. Anh em cứ dò dẫm theo ánh lân tính trong đám lá mục của người  đi trước dẫm lên phát ra. Khỏang hai tiếng sau thì đến vị trí tập kết, chuẩn bị cho giờ G.

     Lần này, tiểu đội 12,7 ly của tôi  phối thuộc với đại đội 9, D3 bộ binh. Tiểu đội tranh thủ đào ngay hố cá nhân  tránh pháo. Anh em rất tự giác. Đều  là lính cựu cả,  rất biết phải làm gì. Không lâu sau, pháo binh của ta  bắt đầu lên tiếng. Sau đó là tiếng bộc phá mở hàng rào và  bản nhạc chiến tranh đến hồi cao trào nhất. Các loại nhạc cụ khói lửa thi nhau trình tấu. Cái bản nhạc ấy có sức  mê hoặc, đến lạ kỳ. Người tôi cứ râm ran, ngây ngất, mùi thuốc súng, tiếng nổ và ánh chớp. Đã hơn hai năm rồi kể từ cái trận Cửa Việt ấy. Võng  thương binh, liệt sĩ lác đác khiêng ngược ra, sau mỗi lúc một nhiều và rất nhiều.
  
     Đến sáng, tiếng súng thưa dần, tầm chín mười giờ thì dứt hẳn. Ta đã chiếm được điểm cao. Bám theo bộ binh, chúng tôi tiến lên. Trên cao điểm tan hoang. Một đoạn khoảng bốn năm mét rào dây thép gai, lẫn cây ken dầy bị bộc phá quét bay. Đuôi của những quả đạn cối 120 ly của ta còn sót lại giữa những hố rộng như cáí thúng, xung quanh rất nhiều máu. Địch rút xuống chân cao điểm. Chúng tôi tiếp tục truy kích. Cứ theo dòng suối cạn mà lao xuống, vấp ngã, rồi lại gượng dậy lao đi.Tôi luôn chạy cuối của đội hinh khẩu đội. Kinh nghiệm trận mạc đã dậy tôi, không để cho bất kỳ một người lính nào của tiểu đội bị tụt, tạt khỏi đội hình. Súng được tháo nhỏ cho cơ động. Chỉ cần mất một bộ phận thì khẩu 12.7 ly  chỉ còn là mớ sắt vụn.

     Xuống được  chân cao điểm thì đã quá mệt, chúng  tôi bắt gặp xác của một người lính Cộng Hòa ngã ngiêng bên bụi cây. Miệng rỉ máu, mắt mở trừng trừng nhìn bầu trời, bộ quần áo rằn ri, điểm nâu non. Có lẽ lính Biệt Động. Trước mặt là cao điểm 82. Địch đang lợi thế. Từ trên cao điểm chúng trút đạn xuống thung lũng như mưa. Cần phải  vượt qua thung lũng trống trải này. Anh em trong tiểu đội bám sát bộ binh, nhanh chóng tiến được đến chân cao điểm. Tôi không còn hơi sức nào nữa, đành nằm vật giữa thung lũng, trơ trọi lại một mình. Những quả M79 nổ  vây  quanh. Đạn bắn thắng réo ngang tai rất khủng khiếp.  Không thể dính đạn được. Tôi cố lấy một hơi cho lại sức,  vùng dậy cắm đầu chạy, lao vào bụi cây ven  điểm cao. Anh em bộ binh tỏ ra rất dũng cảm và thiện chiến. Vừa bắn B40, kết hợp với nhịp AK đều đặn, tự tin vừa  tiến lên đồi. Địch bắt đầu rút chạy. Chúng bắn trả rất yếu ớt.

     Bò lên được chừng 2/3 đồi, bỗng  tôi phát hiện một xoong cơm nhỏ, dưới đáy xoong còn ấm lửa. Bên cạnh, một khúc cá khô vứt chỏng trơ. Có lẽ của một lính Cộng Hòa nào chưa kịp ăn. Mà cũng kham khổ nhỉ. Thịt ba lát, thịt gà hộp,  ê hề ngày nào đâu rồi ? Tự dưng lại thấy đói. Bát cơm từ chiều qua đến giờ đi đâu hết. Tặc lưỡi, “ cám ơn nhé”, rút cái thìa US bất ly thân ra, tôi chén luôn. Đang nhai dở miếng cá mặn chát thì bất ngờ nghe thấy tiếng khẩu 12,7 ly  quen thuộc  lên tiếng: “Thùng, thùng...thùng” rất đĩnh đạc. Hay quá, không có mình anh em vẫn xoay sở tốt.

      Nhưng sao  thế nhỉ?  Địch đang chạy lên lưng chừng cao điểm 162 đối diện mà đạn vạch đường của khẩu 12,7 ly cứ chúi xuống chân đồi. Không khéo vào anh em bộ binh đang truy kích mất. Quăng vội xoong cơm, tôi lao lên. Chạy lại khẩu 12,7 ly, thằng Bình”Méo” đang nghiến răng xiết cò, vỏ đạn văng tứ tung, khói bay mù mịt.”Mày bắn kiểu gì thế”, tôi gào lên. Nó ngơ ngác, không hiểu chuyện gì. Đảo mắt nhìn, ôi cái thước ngắm, thủ phạm là đây. Đáng phải để cự ly 1500 m, thì nó đã đặt nhầm 150 thước. Không mất thì giờ giải thích, tôi vội đẩy thước lên, bắn đi. Luồng lửa chụp đúng đội hình đang tháo chạy của địch. “Bắn đẹp lắm Bình ơi!” tôi thốt lên.

    Ngay dưới cao điểm 82 về hướng đông là quốc lộ số I. Tiểu đội được lệnh chốt lại trên cao điểm, khống chế không cho bất kỳ một tên lính Cộng Hòa  nào chạy về hướng nam. Cứ thấy lấp ló bóng áo rằn là  khẩu 12,7 ly lại xả một tràng dài. Vậy mà vẫn có một tên, vớ đâu được một chiếc Honda, liều mạng phóng vụt qua.
    
     Phía nam chân cao điểm là một trận địa pháo trống không. Pháo Đội B. Chúng đã kịp kéo pháo chạy từ bao giờ. Đối diện  là Đầm Cầu Hai, như một tấm gương lớn lấp lánh dưới ánh mặt trời ban trưa, tuyệt đẹp!
  
   Một chiếc xuồng máy, chở lính đang rẽ sóng hướng về phía nam. Đẩy thước ngắm lên 2000 m, tôi chỉ cho Bình “Méo”. Nó quay súng lại xiết cò. Cái  miệng của nó rất buồn cười, thường ngày đã hơi lệch, nay càng xệch  thêm. Đạn rơi lõm bõm xung quanh xuồng. Chiếc xuồng vội vàng quay mũi dông thẳng ra hướng biển. Các xạ thủ sướng quá,  tranh nhau bắn.  

    Tầm quá trưa, anh em tranh thủ giở cơm nắm ra ăn. Tôi không thấy đói, có lẽ vì đã kịp nạp khúc cá khô lúc sáng. Giữa cao điểm, xác của một người lính Cộng Hòa  toang thây vì một quả cối 82 ly,  rất gớm ghiếc. Chúng  tôi lấy tạm một chiếc poncho phủ lên.  Gần đấy, chẳng hiểu sao lại có một chú chó cũng dính đạn nằm chềnh ềnh. Ngắm chú  chó một lúc, thăng Mộc (Nó), bảo tôi : “Hay là làm một đùi ?”. “Liệu có kịp không?” tôi hỏi lại nó. Sắp phải sang cao điểm 162 đến nơi. Anh em bộ binh đã chiếm được cao điểm lâu rồi. Chẳng nói chẳng rằng, nó rút con dao ra xả thịt thoăn thoắt, thật không hổ danh là một thợ làm giò chả, trước khi vào quân ngũ. Loáng một cái, nó đã bắc xong một cái bếp, xoong là một chiếc thùng đạn đại liên của địch vứt lại. Trong lúc đó, thỉnh thoảng khẩu 12,7 ly lại bắn một loạt xuống đường nhựa để thị uy.

   Chúng tôi vừa chén xong món thịt cầy dã chiến, không giềng ngon tuyệt, thì liên lạc đạị đội 9 mò lên, đem theo lệnh cho  tiểu đội chuyển sang cao điểm 162 và cử  bốn lính đưa hai liệt sĩ về tuyến sau. Thằng cha đại đội trưởng C9 quá đáng thật. Mình đi phối thuộc chiến đấu chứ có phải làm vận tải đâu? Chắc hắn tiếc bốn khẩu AK trong đội hình đây. Nhưng đó là mệnh lệnh. Miễn bàn.

   Xuống chân đồi, tôi nhận ra một trong hai chiến sĩ hy sinh, đang được đặt ngay ngắn bên đường là Giát “Đen”. Tôi biết nó từ hồi ở  Quảng Trị năm 1972. Ban đầu nó nổi tiếng là dát. Bất kể, nghe thấy tiếng súng, chẳng biết của ta hay địch là chúi đầu vào hầm. Nhưng chỉ sau vài trận, nó đã trở thành  một xạ thủ B40 lỳ lợm. Giát bị một viên 12,8 ly xuyên qua mạng sườn phải. Rất đáng tiếc. Chiến sĩ thứ hai tôi không biết tên. Khiêng Giát phía sau võng, ngược chiều gió, mùi máu tanh mặn, máu của đồng  đội, của anh em, xộc vào mũi, giống hệt mùi máu của anh Châu, của Hồng, của Khánh đã hằn sâu trong trí não tôi suốt cuộc đời.

      Trên cao điểm 162 lộng gió, đêm xuống rất mau. Cùng với bộ binh, chúng tôi sửa sang lại công sự đề phòng địch phản công. Cũng chẳng cần sửa nhiều. Bản thân cao điểm đã là một cứ điểm phòng ngự lý tưởng mà địch đã bỏ lại. Sau khi cắt gác xong, trung sĩ tiểu đội trưởng 12,7 ly là tôi lăn ra ngủ một giấc ngon lành.

    Tại  sở chỉ huy quân đoàn I QLVNCH ở Đà Nẵng, Trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh quân đoàn,  thức thâu đêm. Tin tức từ hạ cấp dồn dập đưa về, đường quốc lộ số I đã bị cắt đứt nhiều đoạn từ hôm qua. Cầu Thừa Lưu đã bị đánh sập. Lữ đoàn TQLC 258 chốt ở đèo Phước Tường trở nên vô nghĩa.

    Cộng quân khôn ngoan đã chọn khâu yếu nhất trong tuyến phòng ngự đường bộ tại Phú Lộc tấn công. Không còn lựa chọn nào khác, 4 h sáng ngày 25/3/1975, Ngô Quang Trưởng ra lệnh cho rút  lữ đoàn TQLC 258 về Đà Nẵng, đồng thời điện cho trung tướng  Lâm Quang Thi, rút lui theo đường biển. Hàng vạn quân, đủ các sắc  lính thuộc sư đoàn TQLC , sư đoàn bộ binh số I, liên đoàn Biệt Động 14, 15, thiết đoàn I, Bảo An v.v hỗn  loạn tháo  chạy ra cửa Thuận An, Tư Hiền. Không cầu phao, không tầu thuyền, mạnh ai nấy tìm đường tẩu thoát. Cảnh tượng không khác gì  ngày tận thế.

     Tảng sáng, tôi giật mình tỉnh dậy, tiếng đại bác 130 nòng dài của ta bắt đầu lên tiếng. Tiếng hú, rít của trái phá bay qua đầu, hướng ra biển nghe sao mà hùng tráng. Tuyến phòng ngự của địch đã hoàn toàn tan rã. Anh em bộ binh tràn xuống đường, tiểu đội vội vàng tháo súng bám theo. Rải rác trên đường, xác lính Cộng Hòa ngã trong  mọi tư  thế. Chúng tôi cứ ngược đường quốc lộ tiến quân. Xe tăng, quân trang, quân dụng của địch vứt ngổn ngang. Trên cánh cửa của một ngôi nhà ven đường, một dòng chữ bằng phấn viết vội, nguệch ngoạc: “Cố đô Huế  mồ chôn Cộng Sản”, vào lúc này trông nó thật vô duyên  và hài hước.
  
     Tầm chiều, còn cách Huế 20 km, chúng tôi vẫy được một chiếc xe đò, nghe nói nhiều đơn vị khác đã tiến vào nội đô, chiếc xe băng băng chở anh em lướt đi. Hai bên đường dân chúng vỗ tay reo hò.
  
     Nửa tiếng sau, chúng tôi đã có mặt tại một dãy phố đông  dân. Tiểu đội đóng quân tại một biệt thự vô chủ, sang trọng bên An Cựu.

    Thành phố đã lên đèn, phố xá vắng dần, rồi vắng  tanh, ánh  đèn vàng hưu hắt. Huế vụt ẩn mình trong màn đêm đầy bí ẩn và trầm mặc. Thằng Bình “Méo” lôi đâu ra được một chiếc xe máy Mobilet, nhảy lên đạp thử. Tiếng nổ ròn đều. Tôi bảo nó :
-   Tao với mày lượn một vòng thăm Cố Đô.
     Nó gật đầu
    Tôi ngồi sau, xe phóng như điên, thằng  Bình gào lên trong gió: “Có mát không?”

     Thật kỳ diệu, mấy đêm trước còn dò dẫm dưới ánh lân tinh trong cánh rừng già. Vậy mà giờ đây, hai thằng phi thẳng lên cầu Tràng Tiền.

      Đứng trên cầu, tôi  ngắm giải lụa Hương Giang, lững lờ trôi như vô can trước thế sự. Chẳng khác gì một người đàn bà đẹp bạc tình, để mặc cho hai gã đàn ông si mê  đang ẩu  đả.

      Nhưng cũng đáng cho cuộc tranh giành. Quả là một dòng sông đẹp, đã làm tốn bao giấy mực của các  tao nhân mặc khách, sẵn hồn thi ca.

                                       Sao anh không về chơi thôn Vỹ...  
  
     Bất giác tôi lại nhớ đến Hàn Mặc Tử. Hồn chàng đang phiêu du nơi nao.
  
      Dưới triền sông, bỗng một ánh lửa tóe lên, kèm theo tiếng nổ, tiếng đạn đập thành cầu rít lên ghê rợn. Một phát súng bắn lén phũ phàng kéo tâm hồn thẩn thơ của một thằng lính lạc loài về thực tại.
  
    “Súng đạn không đùa với khách thơ”.
     Ôi Huế của tôi. Huế mộng, Huế mơ..!
    
                                                                                        
                                                                                        
Tháng 1 năm  2012
                                                                                                   Như Thìn

  


Huyện Phú Lộc Đầm Cầu Hai, địa điểm trung đoàn 101 cắt đứt đường QL số I, tháng 3/1975
    

« Sửa lần cuối: 22 Tháng Giêng, 2012, 09:38:01 am gửi bởi nhuthin » Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #127 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2012, 04:33:34 pm »

Huế mộng, Huế mơ
 ... Để đảm bảo cho cuộc hành quân đường bộ, Ngô Quang Trưởng điều lữ đoàn TQLC 258 về trấn giữ đèo Phước Tường, phía bắc đeò  Hải Vân, phia nam Thừa Thiên Huế. Cùng án ngữ đường quốc lộ số một, còn có lữ 468 TQLC, và liên đoàn Biệt  Động quân 15.

Chào bác NhuThin,

Mấy tiếng nữa giao thừa. Nhà thì bề bộn việc, nhưng toàn việc bếp núc, thành ra cánh mày râu lại rỗi. Vào VMH thấy 12ly7 của e101 vẫn liên thanh, là mừng rồi.

Thế bác NhuThin theo học binh địa bao giờ, khóa nào mà có cái sơ đồ Huế chuyên nghiệp thế?

Nhưng về TQLC thì có vẻ bác nhớ sai. TQLC có 3 lữ, đánh số theo 9 số tự nhiên, nhưng cách 3, là các lữ: 147 - 258 - 369, không có lữ 468 đâu.

Nhân năm mới THÌN, chúc Bác và gia đình vạn sự như ý, vạn sự tốt đẹp, sức khỏe dồi dào, Rồng bay, Phượng múa.
Logged

Nhật ký Viết lại
SaigonTrai
Thành viên
*
Bài viết: 16


« Trả lời #128 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2012, 06:38:44 pm »

Lữ đoàn 468 được thành lập đầu tháng 1 năm 1975 gồm có 3 tiểu đoàn tân lập gồm Tiểu đoàn 14,16 và 18.  Tổng cộng TQLC có 4 lữ đoàn gồm 147, 258, 369 và 468. 
Logged
nhuthin
Thành viên
*
Bài viết: 80


« Trả lời #129 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2012, 07:42:36 am »

  Cám ơn 6971 có lời chúc tót đẹp  . Chúc bạn năm Nhâm Thìn nhiều niềm vui và hạnh phúc.
  Cám ơn SaigonTrai đã giải thích cặn kẽ hộ lữ TQLC 468. Chính mình cũng ngỡ ngàng về lữ đoàn này vì hồi ở QT 72 chỉ biết đến  147. 258,369. Và duyên nơ nhiều nhất với 147. Đặc biệt là tiểu đoàn Trâu Điên. Đánh nhau với chúng rất mệt. Suốt từ  ven thành cổ đến tận Cửa Việt. Nhưng chiến dịch Huế Đà nẵng, năm 1975, lữ 147 bị xóa sổ . Hơn 4000 lính của các tiểu đoàn 3, 4, 5, ..7  thiệt mạng. Chúc bạn nhiều hạnh phúc nhân năm mới.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Giêng, 2012, 09:46:52 am gửi bởi nhuthin » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM