Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 10:58:55 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lam Sơn Thực Lục  (Đọc 15543 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
KGBFSBCIA
Thành viên
*
Bài viết: 231


« Trả lời #10 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2011, 10:25:08 pm »

Trong khoảng vài chục dặm, xác chết chồng lên nhau! Từ đó giặc không dám ra nữa. Giặc tự liệu thế ngày cùn-quẫn, viện binh lại không đến, bèn đưa "ống thiếc" (?) cáo cấp với Nghệ-an.

Ngày hai-mươi-sáu tháng chín, bọn Phương Chính, Lý An, bỏ thành Nghệ-an mà về, chỉ để lại Sài Phúc, đóng cửa trại cố chết chống giữ. Bọn An, Chính lật đật không lên được trên bờ, tự cưỡi thuyền xuống bể, đêm trốn.

Bọn Lê Khả nghe tin giặc tới, từ Ninh-kiều gấp đường mà tiến, gặp giặc ở cầu Luội (?) đón đánh cho quân giặc thua to, bị chém hơn nghìn đầu, và chết đuối rất đông. Còn tàn quân đem nhau chạy vào thành Tam giang.

Sau đó tướng giặc là Vương Thông, lại từ Ôn-khâu tiếp đến. Mới trong năm ngày, đem đại quân hợp với hơn mười vạn quân của hai Nội-quan Trấn thủ là Sơn Thọ, Mã Kỳ cùng lũ Phương Chính, Lý Lượng. Trần Hiệp, mặt thủy, mặt bộ đều tiến, đánh Lê Triện, Lê Bí, ở các trại Cỗ-sở, Độ-ngoại.

Chúng đóng trại chạy dài đến mười dặm, mũ, giáp lòa trời! cờ tàn rợp nội! Tự cho là đánh một trận có thể quét sạch quân ta! Bọn Lê Triện liệu chống không nổi, bèn cáo cấp với Lê Lễ, Lê Hối, Lê Chiếu, Lê Xí. Lê Lễ khi ấy đã phục quân ở Thanh-đàm để đợi giặc.

Nghe tin báo của Triện tới nơi, bèm đêm đem hơn ba nghìn quân tinh-nhuệ, và hai thớt voi, đến cứu bọn Triện. Cùng nhau góp sức xông đánh ở mấy nơi Tố-động, Ninh-kiều, cả phá quân giặc chém Trần Hiệp, Lý Lượng và hơn năm vạn đầu giặc.

Quân giặc chết đuối rất đông, bị bắt sống hơn trăm người. Khí-giới, lừa ngựa, bạc, vàng, vải lụa, cùng các xe lương-thảo bỏ lại rất nhiều không thể đếm xiết. Tướng giặc là bọn Vương Thông, Ánh, Mã Kỳ, Sơn Thọ, chỉ chạy thoát được thân, vào thành Đông-đô cố giữ để đợi chết! Bọn Khả, Lễ, Bí, Xí, thừa thắng tiến thẳng sát thành bổ vây. Khi ấy Nhà-vua đương đóng dinh ở Thanh-hóa, hội-họp các quân ở Hải-tây (?).

Kịp khi được thư báo tin thắng trận của Lê Lễ, bèn chính mình cầm đại quân, và hai mươi thớt voi, chia hai đường thủy bộ ngày đêm cố sức tiến. Tháng mười-một năm ấy, đến cầu sông Luống. Sai bọn Lê Bị lĩnh thủy-quân từ sông nhỏ thẳng tiến lên miệt thượng nguồn.

Còn Nhà-vua thì thân đem đại quân, hội-đồng với bọn Lê Lễ, vây thành Đông-đô. Cả mặt thủy, mặt bộ giáp đánh, đêm phá được trại ngoài của giặc, gỡ được hết những người nước ta bị giặc bắt hiếp, cùng cướp được thuyền giặc và khí-giới rất nhiều. Giặc biết các quân-dân ở phụ thành đều theo về với ta.

Xem thế càng ngày càng quẫn, bèn lại đắp thêm tường lũy, cố chết giữ để đợi quân cứu viện. Nhà-vua tới Đông-đô trong ba ngày đầu, nhân-dân ở kẻ chợ cùng các phủ, huyện, châu và các tù-trưởng ở biên-trấn, đều tấp-nập đến cửa trại quân, xin ra sức liều chết, để đánh thành giặc ở các nơi. Nhà-vua đem lòng son để phủ-dụ, yên-ủi. Bảo cho biết rõ lẽ thuận, nghịch, lui, tới.

Phàm sĩ thứ tới cửa trại quân, Nhà-vua đều nhún mình, hậu lễ tiếp đãi. Và đều tùy tài cao thấp, cắt-đặt làm các chức. Đem tước thưởng mà cổ-lệ họ, khiến ai nấy đều tự cố gắng; lấy hình-phạt mà bó-buộc họ, khiến ai nấy đều tự e dè. Vì thế người ta thảy đều nô-nức, thề hết sức liều chết.

Nên đến đâu cũng được thành công. Nhà-vua bèn chính mình dốc các tướng-sĩ đánh thành Đông-đô. Mà giặc thì đánh trận nào thua trận nấy, khí đã nhụt, lòng đã nản, kế đã cùn, viện-binh đã tuyệt! Giặc bèn cho sứ sang giảng hòa, xin cho được đem toàn quân về nước.
Logged
KGBFSBCIA
Thành viên
*
Bài viết: 231


« Trả lời #11 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2011, 10:25:59 pm »

Nhà-vua xét ý họ đến nói, cũng hợp với lòng Nhà-vua. Vả chăng binh pháp dạy rằng: "Không đánh mà khuất được quân của người, ấy là mưu hay nhất trong các mưu hay!". Bèn hứa cho, và giao-hẹn với chúng, cần nhất phải đưa thư lấy các quân đóng giữ ở các nơi về.

Nhất thời quân giặc phải họp cả ở Đông-đô, cùng nhau về nước Nhà-vua cũng sắp ngay ngựa, voi, binh-lính, đi lại và giao-thông mua bán với giặc. Giặc quả y lời hẹn, thân tự tư giấy, lấy các quân giặc ở Diễn-châu, Nghệ-an, Tân-bình, Thuậnhóa, họp đủ ở trại Bồ-đề, hẹn ngày về nước, trả lại địa-phương cho ta.

Không ngờ những kẻ làm quan với giặc là lũ Nhữ Linh, Nhữ Hốt, nghiệp dĩ bán nước để lấy chức trọng, quyền cao của giặc, thật là ác sâu tội nặng! Sợ sau khi giặc về, tất không có lý nào sống được, bèn ngầm bày mưu phản gián. Nói rằng: "Xưa kia Ô Mã Nhi thua ở sông Bạch-đằng, đem quân ra đầu hàng, rồi bị ông quận Vạn-kiếp (tức Hưng đạo Vương) dùng mưu đánh lừa. Lấy tàu lớn chở cho về nước. Lại sai bọn người tài lặn, sung làm phu chở tàu.

Khi ra ngoài bể, đêm rình cho ngủ kỹ bèn lặn xuống nước đụt đáy tàu ra cho chết đuối hết, không một người nào được về!". Giặc nghe mưu ấy, bèn sinh lòng ngờ. Mới lại đắp thêm lũy, đào thêm hào, làm kế sống tạm bợ! Bề ngoài nói giảng hòa, bên trong tính mưu khác. Nhà-vua sợ nó tráo-trở, bèn ở bốn bên cửa thành, ngầm đặt quân phục. Rình giặc ra vào, bắt hơn ba nghìn quân thám-thính của giặc, cùng năm-trăm con ngựa. Từ đó giặc không dám ra nữa.

Việc cho sứ đi lại bèn cắt đứt. Khi ấy quân ta có hơn năm vạn tinh binh, cùng lòng góp sức. Mà quân giặc thua hoài, ngồi để chờ chết! Trong khoảng chỉ, vạch, bắt, tha, quyền ở cả ta. Nhà-vua bèn sai các tướng chia quân ra đánh các thành. Quốc Hưng lĩnh quân đánh hai thành Điêu-kê, Thị-kiều (Đáp-cầu), chúng đều ra đầu cả. Truyện "Lam Sơn Thực Lục " được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)

Bọn Khả, Đại đánh thành Tam-giang, hơn một tháng thì thành ấy hàng. Bọn Lê Triện, Lê Sát, Lê Lý, Lê Thụ, Lê Lãnh. Lê Hốt đánh thành Xương-giang. Bọn LêLự, Lê Bôi đánh thành Ôn-khâu. Trong khoảng quay gót mấy thành đều vỡ.

Chỉ có bốn thành Đông-đô, Cổ-lộng, Tây-đô, Chí-linh, là chưa hạ mà thôi. Lúc trước Nhà-vua đóng dinh ở thành Phù-liệt, hơi xa với giặc.

Sau bèn dời về dinh Bồ-đề ở bên Bắc sông, đối diện với thành Đông-đô, để đón đường về của chúng. Ngày đêm luyện-tập các tướng; kén thêm quân-sĩ; sắp đồ dùng đánh thành; chứa oai nuôi sức; tập nghề võ; giữ hiệu-lệnh phân minh. Chia sai các tướng chẹn giữ các đường quan-ải, dứt quân cứu-viện của giặc. Khi ấy các tướng-sĩ phần nhiều dâng thư khuyên Nhà-vua đánh các nơi thành Đông-đô.

Nhà-vua nói:

- Đánh thành là hạ sách! Ta đánh vào thành vững, hàng tháng, hàng năm không hạ nổi. Quân ta sức mệt, khí nản. Nếu viện-binh của giặc lại đến thì trước mặt, sau lưng đều bị giặc đánh, đó là thế nguy! Không bằng nuôi oai chứa sức, để đợi ít ngày.

Viện-binh dứt thì thành tất phải hàng. Làm một được hai, đó mới là kế vạn-toàn vậy. Năm Đinh-vị, ngày mồng-mười tháng sáu, tướng giặc là Trần viễn Hầu đem năm vạn quân, một nghìn ngựa, từ Quảng-tây sang, cứu-viện các thành. Đến ải Pha-lủy (Nam-quan), tướng giữ ải của ta là bọn Lê Lựu, Lê Bôi, đánh cho thua to, chém hơn ba nghìn đầu, bắt được hơn năm trăm ngựa, cả phá đước giặc mà về.
Logged
KGBFSBCIA
Thành viên
*
Bài viết: 231


« Trả lời #12 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2011, 10:27:06 pm »

Nước Minh cậy mình mạnh lớn, không trông gương bánh xe đổ trước, lại cho đem hơn hai mươi vạn quân, ba vạn con ngựa, sai bọn Tổng-quản là An-viễn-hầu Liễu Thăng, cùng Kiềm-quốc-công là Mộc Thạnh, Bảo-định-bá là Lương Minh, Đô-đốc là Thôi Tụ, Thượng-thư là Lý Khánh, Hoàng Phúc, đi chia làm hai đường. Bọn Liễu Thăng từ Ôn-khâu tiến sang, bọn Mộc Thạnh từ Vân-nam đi lại. Ngày mười-tám tháng chín, đều đến cả đầu biên-giới.

Nhà-vua triệu các tướng bàn rằng: - Giặc vốn khinh ta, cho người nước ta tính nhút-nhát, lâu nay vẫn sợ oai giặc. Nghe tin đại-quân đến, tất là khiếp sợ. Huống chi lấy mạnh lấn yếu, lấy nhiều thắng ít, là sự chi thường.

Giặc nào phải không biết luận đến; thế thua được của đấy, đây; cơ tuần-hoàn của thời-vận. Vả chăng quân đi cứu-cấp, cần nhất phải cho mau-chóng. Quân giặc tất nhiên cố sức đi gấp đường. Tức như lời binh-pháp đã dạy: "Xô tới chỗ lợi mà ngày đi năm mươi dặm, tất quệ bậc thượng tướng".

Nay Liễu Thăng sang đây đường-sá xa xôi. Đem ba nghìn gái đẹp (?), khua chiêng, dóng trống, hẹn cùng đi bằng ngày; long quân khổ vì mệt-nhọc. Ta lấy thong-thả mà đợi quân mệt-nhọc, không có lẽ nào là không thắng! Bèn sai bọn Lê nhân Chú, Lê Sát, Lê Thụ, Lê Lãnh, Lê Liệt, đem một vạn tinh binh, năm thớt voi, ngầm phục ở ải Chi-lăng để đợi.

Nguyên trước Lê Lựu giữ ải Pha-lũy, thấy giặc đến lui giữ ải Truy. Giặc lại tiến đánh ải Truy. Bọn Lê Sát, Lê nhân Chú giữ Chi-lăng, giặc lại tiến bức Chi-lăng. Bọn Lê Sát, Lê nhân Chú sai Lựu ra đánh, rồi giả vờ thua mà chạy. Quả-nhiên quân giặc mừng rỡ, Liễu Thăng thân đem đại-quân tiến vào chỗ phục.

Bọn Chú, Sát tung hết quân phục ra, bốn mặt đều vây, xông đánh quân giặc, cả phá được chúng chém bọn Liễu Thăng, Lý Khánh, cùng hơn một vạn quân giặc. Chiến-cụ của giặc, nhất thời bị đốt hết. Nhà-vua lại sai bọn Lê Lý, Lê văn An, đem quân đến tiếp. Tỳ-tường của giặc là bọn Thôi Tụ, Hoàng-Phúc, thu nhặt đám quân tàn, lại gượng tiến đến ải núi Mã-yên. Bọn Sát, Chú, Lý, đem các tướng tung hết quân ra đánh. Giặc lại thua to.

Ta chém được hơn hai nghìn đầu; bắt được lừa, ngựa, trâu, bò, quân-lương, khí-giới, không biết bao nhiêu mà kể! Quân giặc cho là thành Xương-giang chưa vỡ, tự lấy làm chắc. Kịp khi tới Xương-giang, thấy thành đã bị hãm rồi, tưng-hửng thất-vọng, càng hoảng-hốt cả sợ. Liền ngày đêm đắp lũy tự giữ lấy pháo hiệu làm tin, để thông tin với các thành ở Đông-đô, nghe tiếng pháo thì đến tiếp-ứng.

Thế nhưng các thành ở Đông-đô, tự cứu mình không rồi, biết đâu đến chuyện khác! Nhà-vua liền sai các tướng, mặt thủy, mặt bộ đều tiến, vây đánh quân giặc. Lại chia quân ra, chặn giữ các ải Mã-yên, Chi-lăng; Pha-lũy, Bàng-quan. Bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc muốn tiến không được; muốn lui không xong, bèn giả vờ xin hòa. Nhàvua nhất định từ chối không cho. Sai bọn Lê Hối, Lê Vấn, Lê Khôi, lĩnh ba nghìn quân, bốn thớt voi, cùng bọn Lý, Sát, Nhân Chú, Văn An đánh phá quân giặc.

Giặc toàn quân bị hãm mất. Ta chém năm vạn đầu, bắt sống được Thôi Tụ, Hoàng Phúc cùng hơn ba vạn quân giặc. Giáo, mác, lừa, ngựa, vàng, bạc, lụa là, gấm, đoạn, từng hòm, từng đống, chứa chất như núi, không thể kể xiết!

Còn bọn Kiềm-quốc-công là Mộc-Thạnh, Bảo-định-hà là Lương Minh, từ Vân-nam sang năm vạn quân, đóng đồn ở chợ Lê-hoa, cầm cự với bọn Lê Khải, Lê Trung, Lê Đại. Nhà-vua liệu chừng Mộc Thạnh tuổi già, trải việc đã nhiều, lại vốn nghe tiếng quân ta, tất ngồi nhìn sự thắng bại của quân Liễu Thăng, không dám tiến liều!
Logged
KGBFSBCIA
Thành viên
*
Bài viết: 231


« Trả lời #13 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2011, 10:27:57 pm »

Liều viết thư kín bảo bọn Sát, Khả, Đại, chỉ nên đặt quân phục để chờ, hãy chớ đánh nhau với giặc. Kịp khi quân Liễu Thăng đã thua, Nhà-vua bèn lấy một viên Chỉ-huy, ba viên Thiên-hộ trong đám quân bắt được, cùng là bằng sắc, ấn-tín của Liễu Thăng; đưa sang trại quân Mộc Thạnh! Bên Mộc Thạnh trông thấy cả kinh, bèn chạy trốn, vỡ lỡ, giầy, xéo lên nhau!

Bọn Khả, Trung, Đại thừa thắng tung quân đuổi đánh, chém hơn vạn đầu, bắt được năm nghìn con ngựa; cùng là khí-giới, vàng bạc, của báu, lụa là, không thể đếm xiết. Khi ấy các thành giặc ở Đông-đô cùng các nơi khác, nghe tin hai lộ cứu binh đều đã thua vỡ, nhưng lòng còn nghi-hoặc, có điều chưa tin hết, nên vẫn còn đóng cửa thành chống giữ.

Nhà-vua bèn đem các tướng giặc bắt được là bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc cùng hơn ba vạn quân, hai vạn ngựa, và các thứ gươm, giáo, chiêng, trống, cờ tàn, sổ sách, quả ấn Song-hổ-phù của giặc, để rao bảo các thành! Quân giặc mới khiếp sợ, đều cởi áo-giáp xin hàng.

Ngày mười-sáu tháng chạp, tướng giặc là Vương Thông, Mã Ánh, Lý An, Trần Trí, Nội-quan là Mã Kỳ, Sơn Thọ, Phương Chính, Đặc Khiêm, cùng các viên chỉ-huy giữ thành Tây-đô là Hà Trung, giữ thành Chí-linh là Cao Tường, bèn đem tất cả các hạng ngụy quan (người nước ta làm quan với giặc) lớn, nhỏ, và những nhân-dân nước ta bị bắt hiếp vào trong thành, đưa trả về đủ số.

Chỉ xin được cho đem quân về Tàu. Các tướng sĩ cùng nhân-dân nước ta, không kể già, trẻ, trai, gái, bấy lâu khổ vì mọi sự tàn-ác của giặc: giết hại cha, mẹ, bà con họ, bèn đem nhau cố xin Nhà-vua giết cho hết bọn chúng để bỏ giận cho Trời, Đất, Thần, Dân; để hả lòng các trung-thần, nghĩa-sĩ; để yên-ủi các hồn vô tội chịu oan khuất; để gột rửa nỗi nhụt vô cùng cho Nước-Nhà! Nhà-vua với các tướng cùng người trong nước mà bảo họ rằng: Truyện "Lam Sơn Thực Lục " được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)

- Một lòng báo oán là thường tình của con người ta. Nhưng không thích giết người là bản-tâm của bậc nhân-giả. Vả chăng người ta đã ra hàng mà ta lại giết đi thì không còn gì không lành hơn nữa!

Dữ kỳ hả cái giận trong một sớm, mà chịu mang tiếng giết kẻ đầu hàng với muôn đời, thì sao bằng để sống hàng ức, vạn mạng người, mà dứt mối chiến-tranh về sau trong hai nước? Sử xanh chép lại, nghìn thủa còn thơm!

Như thế lại không tốt đẹp hay sao? Bèn không nghe lời họ. Rồi sai các tướng giải vây lui ra. Lại đưa cho hơn năm-trăm chiếc thuyền, chi cấp cho đủ lương-thảo.

Và đem các tướng giặc bắt được là bọn Thôi-Tụ, Hoàng Phúc; quân mới sang hơn hai vạn; quả ấn Song-hổ-phù của Liễu Thăng; cùng quân giặc trấn thủ ở các thành, trai, gái, lớn nhỏ, hơn ba mươi vạn; giao cả cho tướng giặc là bọn Vương Thông; bằng lòng cho hoặc thủy, hoặc bộ, tùy tiện muốn về đường nào thì về.

Lại sai sứ dâng biểu xin lỗi. Khi bọn Vương Thông về tới Long-châu, vua Minh đã biết trước quân Minh cùn-quẫn, việc đã đến thế, không còn làm thế nào được. Bèn sai sứ-thần đem sắc-thư, truyền cho các tướng đem quân về Tàu, trả lại đất cho An-nam. Còn việc vào chầu dâng cống, lại theo lệ cũ đời Hồng-vũ, thông sứ đi lại.

Từ đó giáo, mác dẹp tan; đất đai lấy lại; trong nước thái-bình, nhân-dân yên nghiệp như cũ. Nhà-vua từ khi khởi nghĩa, đến lúc bình được giặc, lấy lại được nước, bao nhiêu giấy tờ đi lại ở trong quân, đều sai văn-thần Nguyễn Trãi làm ra.
Logged
KGBFSBCIA
Thành viên
*
Bài viết: 231


« Trả lời #14 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2011, 10:28:41 pm »

Quyển 3

Năm Mậu-thân (1428), tháng ba, Nhà-vua hội hết cả các tướng cùng các quan văn, võ, định phong, hành thưởng. Cứ theo công cao, thấp, mà sắp đặt phẩm cấp. Lại chia trong nước làm mười lăm đạo. Mỗi đạo đặt quân coi giữ. 

Mỗi quân đặt một viên tổng-quản; lớn, nhỏ ràng-buộc nhau; trong ngoài gìn-giữ nhau. Các đạo lại đặt ra chức Hành-khiển, chia giữ sổ-sách quân và dân.

Sai sứ đi các nơi, tế các thần kỳ của Núi, Sông, Đền, Miếu; lễ tạ các lăng-tẩm các triều vua trước. Truy-tôn các Tổ-tông và dâng thêm thụy hiệu. Ngày mười bốn tháng tư, Nhà-vua lên ngôi Hoàng-đế, lấy niên hiệu là Thuận-thiên. Bèn sai Nguyễn-Trãi làm bài Bình Ngô Đại Cáo
Logged
KGBFSBCIA
Thành viên
*
Bài viết: 231


« Trả lời #15 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2011, 10:32:17 pm »

Phụ lục

Âm không cùng thì Dương không nẩy. Loạn không cực thì đức không sinh. Đó là lời bàn thông thường xưa, nay! Nước Việt ta từ nhà Nhuận-Hồ trái đạo, trong nước mất trông mong. Người Minh nhân dịp ấy đem quân sang lấn. Giả-vờ làm quân nhân-nghĩa; ngấm-ngầm tính việc xâm-lăng!

Tàn-hại nhân dân; cướp lấy của báu. Rồi đó gồm nuốt nước ta, chia đặt quận, huyện. Thay-đổi phong-tục của ta; hiếp trao quan-tước của họ. Dân ta trong lúc ấy, đã khổ về chính-lệnh nhà Hồ nghiêm-ngặt, lại thảm nỗi quan-lại bên Minh rút-bòn! Quần-chúng thở-than, không kêu-gọi vào đâu cho được!

Dù đương-thời có những trang quyền-biến, trí-thức, cũng chẳng qua náu hình, lẩn bóng, tránh tiếng, trốn đời để giữ mình cho khỏi bị hại mà thôi! Ví không có bậc Thánh-nhân ra, thu lại đám dân tan-tác, cứu cho vận nước long-đong, thì ngôn ngữ ta đã nói theo Tàu; áo-mũ ta đã mặc theo Tàu, dân-chúng biết lấy ai nương-nhờ? Ngôi nước biết bao giờ khôi-phục? Trời giúp nước ta, đốc sinh ra đức.

Thái-tổ Cao hoàng-đế chúng ta, lấy tài thông-minh, trí, dũng; làm việc hỏi tội, cứu dân. Trong lúc mới cất quân khởi nghĩa; Không để cho quan-tước dụ nổi; không để cho oai-thế hiếp nổi.

Tuy gặp lúc nhiễu-nhương, mà lòng càng vững; trải cơn cùn-quẫn mà chí càng hăng. Tới khi tiếng nghĩa đồn dậy, gươm thần vung dài, mà các dũng-tướng, mưu-thần xúm lại như mây họp! Tướng võ thì bọn Trịnh Khả, Lê Xí, thường lập được công to. Tướng văn thì bọn Nguyễn Trãi, Văn Linh, hằng bày ra kế giỏi...

Cho nên có thể lấy được ít mà địch được nhiều, lấy yếu mà chống nổi mạnh! Vả chăng trong lúc xông-pha hàng trận, không quên nghiên-cứu lược-thao. Có khi đặt mai-phục mà dùng kỳ-binh. Có khi nó định lừa mà ta phản lại!

Tiến quân Vua như chẻ cây nứa! Phá lũ giặc như bẻ cành khô! Các tướng bên Minh, dùng hùng-hổ như bọn Liễu Thăng, Lương Minh, đều thua trận mà mất đàu! mưu-trí như bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc, cũng hết kế mà dương mắt! Lũ giặc hơn hai mươi năm, quét trừ trong một sớm! Mặt non sông từ đó đổi mới!

Ánh Nhật, Nguyệt, từ đó lại trong! Đất-cát lại đất-cát nước Nam! Nhân-dân lại nhân-dân giống Việt! Áo-xiêm, phong-tục, lại đúng như xưa! Nền-nếp, mối-giềng, lại sáng như cũ! Nhà-vua đã làm xong việc đuổi trừ quân tàn-bạo, lại suy rộng tấm lòng "không ham giết người". Phàm những quân, tướng người Minh bị bắt, đều cấp thuyền cho đưa về nước, khiến cho hơn mười vạn người được đội đức tái sinh.

Nếu chẳng phải bậc Thần Võ không cần giết người, có sao được thế? Gia-dĩ hiểu đạo giao-hảo láng-giềng, rõ nghĩa tôn-trọng nước lớn. Liền sai sứ-thần, sửa lại việc hòa-hảo cũ. Tỏ ra rằng: công-việc thuận trời, giữ nước, nếu chẳng phải bậc người hiểu sâu về nghĩa-ý của Thánh-hiền, có dễ được như thế đâu! Xin xét về đời cổ mà bình-phẩm chuyện đó: Vũ-đế nhà Triệu cùng vua Hán đều tự làm vua nước mình, gồm có đất ở ngoài Ngũ-lĩnh, đóng đô ở Phiên-ngu, thật là vua anh-hùng.
Logged
KGBFSBCIA
Thành viên
*
Bài viết: 231


« Trả lời #16 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2011, 10:32:59 pm »

Thế nhưng chẳng qua cũng là một người Tàu sang cai-trị nước ta, chưa được chính-thống. Vua Tiên-hoàng nhà Đinh, đánh tan mười hai Sứ-quân, thống nhất được bản-đồ, dựng nên nước ta, thực là vua chính-thống. Thế nhưng lỡ vì không cẩn-thận đề-phòng việc nhỏ, gây ra sự chẳng lành, mà nước cũng mất theo. Truyện "Lam Sơn Thực Lục " được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)

Vua Thái-tổ nhà Lý, nhân vua Ngọa-triệu thất đức, bèn có Thiên-hạ. Nhưng về nghĩa vua, tôi, sai, trái danh-phận, không thể không mang thẹn ở trong Trời, Đất! Vua Thái-tông nhà Trần, nhân vua Chiêu-hoàng quá yêu, bèn chiếm ngôi báu; nhưng về trong buồng-the, ở lỗi đạo hằng, không thể không để cười mãi đến muôn đời! Truyện "Lam Sơn Thực Lục " được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)

Còn Nhà-vua thì từ núi Lam mà khởi nghĩa, giận giặc Tàu mà cất quân. Rút lại có thể lấy nhân mà giết lũ bất nhân; lấy chính mà đánh phường bất chính; khôi-phục nước ta sau hồi giặc Minh; gồm lấy thiên-hạ ở tay người Minh ...

Tới khi mảnh giáp dẹp yên, bốn phương phẳng-lặng, ban lời đại-cáo, để lên ngôi vua. Được nước như vậy kể rất là chính-đáng. Sách dạy rằng: "Người quân-tử trọng sự ở cho chính". Lại nói rằng: Bậc vương-giả trọng sự nhất-thống". Nhà-vua đã được như thế vậy! Lại rõ mực-thước trị nước, biết phép-tắc truyền nhà, soạn ra sách Thực Lục, bày-tỏ nỗi khó-khăn gây nên vương-nghiệp, để răn-bảo con-cháu đời sau: chớ lấy giàu-sang mà sinh kiêu-xa; chớ lấy yên-vui mà nhãng phòng-ngừa.

Ấy, dựng nghiệp, để mối là thế! Kìa những việc làm của các vua Triệu, Đinh, Lý, Trần, có sánh bì đâu được một phần muôn? Công-đức của Nhà-vua to-tát: đất rộng, trời dài! Ân-trạch của Nhà-vua thấm-nhuần: non cao, biển cả!

Vậy thì Tông-miếu được bền. Đế-nghiệp được vững, cho đến ức, vạn năm, đều là nhờ ở công, đức của Nhà-vua gây nên vậy. Phải đề-phòng đầu mối họa-loạn, có khi vì yên-ổn mà gây nên. Phải đón-ngăn ý-nghĩ kiêu-xa, có khi vì sung-sướng mà sinh sự! Có như thế thì họa là mới giữ-gìn được. Nên Trẫm nghĩ làm ra bộ sách này, thực là rất trông-mong cho con-cháu đời sau!
Logged
Trang: « 1 2   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM