Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:57:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phan Châu Trinh  (Đọc 23222 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 04:30:48 pm »

Sách tại vnthuquan.net

Chương 1

Phòng giam chật chội dành cho tử tù ở Hộ Thành (Huế) đối với Phan Châu Trinh bữa nay không còn hôi hám, khó chịu nữa, kể cả đàn muỗi vo ve ông cũng thấy hay như tiếng đàn tiếng sáo dìu dặt trên dòng sông Hương trong vắt, lững lờ trôi xuôi dưới ánh trăng huyền ảo. Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh (1). Phan Châu Trinh rung đùi khẽ ngâm và nhếch môi cười một mình.

Kể từ cuộc biểu tình "cúp tóc, xin xâu" khởi nguyên ở huyện Đại Lộc rồi lan ra các tỉnh miền Trung, khiến cho hàng trăm người bị bắt, bị hại, ngay cả cụ nghè Trần Qúy Cáp - người bạn thân thiết của ông đang làm giáo thụ ở Khánh Hòa cũng bị hãm hại, đem ra pháp trường chém ngay không cần báo về triều đình xin ý kiến như luật định. Có lẽ trong lịch sử hàng ngàn năm của nước nhà chưa có triều đại nào mà kẻ sĩ bị bắt bi giam nhiều đến thế. Tội nhất là hơn chục học trò của ông, đúng hơn là học trò của bạn ông - Trần Quý Cáp. Họ cảm phục thầy, noi gương thầy, không bận tâm đến mũ cao, áo rộng mà ra sức… duy tân.

Nhớ hồi mới ở Nhật Bản về, ông dẫn anh cử nhân trẻ Nguyễn Bá Trác đến thăm nhà cụ Phủ Trân. Thực tâm, ông và Nguyễn Bá Trác muốn đến thăm Phan Khôi, con trai cụ Phủ Trân hơn là thăm cụ Phủ Trân, dù cụ rất tốt, biết đạo biết đời, từ dân tới quan chưa ai có một lời đàm tiếu, trái lại họ rất qúy nhân cách của cụ. Cụ chỉ là vị quan của xứ thuộc địa mà dám cãi lộn với quan Pháp, rồi trả lại áo mũ, từ quan về quê nhà vui thú ruộng vườn khi chưa vào tuổi bốn mươi.

Từ khi biết những chàng trai trẻ đất Quảng này, ông thường nói với mọi người rằng, sau lớp ông thì Phan Khôi và Nguyễn Bá Trác là cặp tiến sĩ tương lai. Thú thật, ông rất phục tài và chí của hai người bạn trẻ này.

Vừa bước vào đến sân, cụ Phủ vui mừng bước ra ra chào khách với câu nói vui: "Cửu bất kiến quân, quân dĩ trọc". Phan Khôi cũng kịp bước ra. Mọi người mừng rỡ bước vào nhà trò chuyện, không ai nhắc tới đầu tóc của Phan Châu Trinh. Dĩ nhiên đầu tóc ông không trọc như câu bông đùa của cụ Phủ, nhưng đã cắt ngắn bờm xờm trong vành khăn nhiễu quấn, khác với hầu hết mọi người dân Việt Nam, nhất là những người bước vào cửa Khổng sân Trình lúc bấy giờ.

Trong ba ngày, ông và cụ Phủ trò chuyện về thế nước, về việc khai hóa dân trí, lập hội buôn, hội học để cạnh tranh với người ngoài. Những việc ông nói, cụ Phủ thấy cũng có phần đúng, bởi trong việc làm ăn buôn bán, dân ta chẳng biết gì, mặc dù thánh nhân từng dạy "Phi thương bất phú". Chuyện này từ đâu ? Sách vở ông đã đọc nhiều, nhưng cụ Phủ cũng chẳng hề kém cạnh, nên hai người mãi đàm đạo như không muốn dứt ra. Cả hai cùng nhất trí rằng, khi nhà Lê xác lập đã đưa văn hóa Đại Việt phát triển lên đỉnh cao, đó là tổ chức thi cử Nho học đển kén chọn nhân tài ra làm quan, điều hành bộ máy nhà nước. Ruộng đất tư hữu phát triển. Kinh kỳ đã xuất hiện phố phường được Nguyễn Trãi ghi lại trong cuốn Dư địa chí. “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến", điều ấy đã nói lên nhân dân ta ngày đó đã không chỉ có biết làm cho nền nông nghiệp phát triển mà còn phát triển cả tiểu thủ công nghiệp. Thời kỳ này (thế kỷ XV), Nho giáo được đề cao và cũng chính vì đề cao quá mà tư tưởng bảo thủ "dĩ nông vi bản" đã chi phối mạnh. Ngay cả vua Lê Thánh Tông còn mạt sát giới thương nhân thì làm sao dân đen không lấy việc khai thác đất đai, trồng cây, chăn nuôi duy trì nền kinh tế ?

Sau ba ngày trò chuyện, Phan Châu Trinh ngỏ ý với cụ Phủ cho Phan Khôi theo ông và Nguyễn Bá Trác đi chơi đây đó vài hôm. Cụ Phủ đồng ý ngay và có lời gửi gắm. Phan Châu Trinh vui vẻ, cười nói:

- Tôi chỉ sợ cụ trách, em nó theo tôi sẽ không được như ý nguyện ban đầu.

Cụ Phủ hơi nhíu mày rồi cười nói:

- Khâu hà vi thị thê thê giả dư ? Vô nãi vi nịnh hồ ?(2)

Phan Châu Trinh đáp:

- Phi cảm vi nịnh dã, tật cố dã.(3)

Cụ Phủ bước tới, choàng tay ôm bờ vai của Phan Châu Trinh như đã hiểu được lòng nhau, rồi chúc mọi
người thượng lộ bình an.

Ba thầy trò sang làng Phong Thử (huyện Điện Bàn) thăm hiệu buôn Diên Phong. Đây là một trong những cơ sở điểm của phong trào Duy Tân phát động thời gian qua. Cử nhân Mai Dị (4) thấy ba người liền đứng dậy chạy ra tay bắt mặt mừng. Sau bát nước chè sủi bọt, Phan Châu Trinh gợi ý lên Gia Cốc (huyện Đại Lộc, cách Phong Thử hơn mười cây số) chơi, Mai Dị đồng ý, vội vàng bàn giao công việc lại cho anh em.

Trời mùa đông ở Quảng Nam lúc nào cũng ủ dột và có cái lạnh thấu xương, nhưng ai nấy cũng đều phải xắn quần tận háng, bởi bùn có chỗ ngập quá ống quyển. Tuy trời không mưa sụt sùi như mấy ngày qua, nhưng mọi người đều khoát áo tơi vừa phòng những trận mưa bất thình lình, vừa chống lạnh. Lội bộ ra tới bờ sông, bốn thầy trò lên thuyền ngược dòng Phan Chau Trinh - Vu Gia. Nước sông lúc rày đục ngầu phù sa từ thượng nguồn đổ về. Những ruộng dâu hai bên bờ xanh mướt. Tiếng hát huê tình của ai đó cứ theo gió đưa về làm cho bốn thầy trò lắng nghe, không ai nói với ai lời nào.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2021, 12:33:33 pm gửi bởi ptlinh » Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #1 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 04:31:35 pm »

- Thưa qúy thầy, cập bến Núi Lở hay bến Gia Cốc ?

Bốn thầy trò như sực tỉnh cơn mơ. Phan Châu Trinh sửa lại thế ngồi, nói:

- Chú cập bến Gia Cốc. Chúng tôi muốn xuống đó.

Lên thuyền, trời bắt đầu mưa lâm râm. Phan Châu Trinh nói:

- Gia đình chúng ta tới thăm hôm nay là gia đình ông Học Tổn. Ông này hay lắm, chữ nghĩa không nhiều như các anh nhưng rất ham đọc tân thư, say thuyết tự do nhân quyền không thua gì cụ Minh Viên (Huỳnh Thúc Kháng), cụ Thai Xuyên (Trần Quý Cáp) - thầy của các anh. Hưởng ứng lời kêu gọi của anh em, ông đã mở tiệm buôn và một sở vườn trồng quế, trồng chè ở làng An Chánh(5) phía trên đây một chút. Đường từ bến đò vào nhà hầu hết là đất cát pha nên ít trơn trợt, nhưng có không ít chỗ nước ngập quá gối. Đi một thôi một hồi, theo hướng chỉ tay của Phan Châu Trinh, ba người thấy một nếp nhà chòi sơ sài ở trên đồi, bốn phía cây cối um tùm càng thấy vắng vẻ và cái lạnh của mùa đông như đọng lại nơi ấy.

Những cây chè xanh được chủ nhà trồng làm hàng rào đã trổ lá xanh mượt và được cắt xén khá kỹ trông thật đẹp mắt. Chiếc cổng tre rộng mở như luôn muốn mời mọc khách đường xa. Hai hàng cỏ tóc tiên và hoa mười giờ tươi mát trải dài từ cổng vào đến tận thềm nhà như hân hoan đón chào bước chân của khách.

Nghe người nhà báo có khách xa tới tìm, ông Học Tổn bước ra tận thềm đón chào với giọng nói xởi lởi:

- Quý hóa quá ! Quý hoá quá ! Xứ khỉ ho cò gáy này mà đón được bước chân của qúy ngài chẳng khác nào nhà tôm nhà tép được đón rước thần long. Đúng là ngày tốc hỷ. Từ sáng tới giờ, chim khách kêu không biết bao nhiêu bận, tôi không ngờ mấy cụ không ngại gió mưa lên thăm tôi. Mừng lắm. Quý lắm.
Vừa nói, ông vừa múc nước phục vụ từng người rửa ráy rồi hể hả mời mấy thầy trò cụ phó bảng vào nhà.
Phân ngôi chủ khách đâu vào đó, người nhà đã mang lên để trước mặt mỗi người một bát chè xanh nghi ngút khói.

Không đợi mời đến lần thứ hai, mọi người bưng bát nước lên uống và khen chè ngon.

Ông Học Tổn vui vẻ nói:

- Nếu qúi ngài không chê thì cứ ở đây chơi bao lâu cũng được, còn chè xanh thì người nhà của tôi hãm
suốt ngày, qúi ngài cần lúc nào là có lúc đó. Cây nhà lá vườn, chẳng có chi ngại. Tôi với cụ Phó bảng đây coi như người nhà. Cụ phó bảng với qúi ngài hạ cố đến chơi với gia đình chúng tôi là phước đức lắm rồi. Nói thiệt, chừ có chết, tôi cũng mãn nguyện.

Mọi người vui vẻ trò chuyện.

Trước khi đi ngủ, Phan Khôi khèo nhẹ hai người bạn lại gần, nói:

- Hai anh thấy nhà này có chi lạ không ?

Nguyễn Bá Trác cùng Mai Dị như cùng nói một lần:

- Cái đầu !

Cả ba cùng mỉm cười rồi lên giường ngủ.

Nhà ông Học Tổn, từ chủ đến trai bạn (người làm công trong nhà) chừng hai chục người. Ai nấy đều không có tóc dài búi tó như Phan Khôi, Mai Dị, Nguyễn Bá Trác. Tất cả họ đều cắt ngắn như cụ Phó bảng. Cả ba chàng trai trẻ biết, cụ Phó bảng đã gieo mầm tư tưởng dân quyền ở vùng đất này và đã bén rễ.
Gà trong chuồng đã hòa cùng tiếng gà rừng xa xa tắc te gáy sáng.

Ba chàng trai trẻ vùng dậy, định bước lên nhà trên đi vài bài quyền cho ấm người. Nhưng họ chưa phải là những người dậy sớm. Cụ Phó bảng và ông Học Tổn đang ngồi lấy khăn lau mồ hôi trên người và đang xem đám trai bạn tập luyện.

Ba người tấn thối lưỡng nan, chưa biết tính sao cho phải, thì nghe cụ Phan lên tiếng:

- Mấy anh cử, anh tú của tôi còn muốn vào ngủ nướng hả ? Ra đây đi vài bài quyền cho anh em học hỏi coi.

Ba người không chút ngần ngại, bước ra, cởi áo, bái tổ, xuống tấn cùng đánh bài quyền Mai hoa như thường ngày ở sân tập. Tuy đường quyền của họ không vững bằng một số trai bạn của nhà ông Học Tổn, nhưng trong số trai tráng cùng thời không phải ai cũng được như họ.

Sở dĩ, những học trò quê ông biết thêm dăm ba đường quyền ngọn cước là nhờ lúc phong trào Nghĩa hội lên cao, ai ai cũng lo tập quyền, tập côn để phò vua giúp nước. Khi Nghĩa hội tan rả, phong trào tập luyện võ nghệ vẫn rầm rộ và nhà giàu lo sợ bị đánh cướp theo kiểu "thế thiên hành đạo" của những anh hùng Lương Sơn Bạc nên không ngại tốn kém, rước các võ sư về dạy võ cho con cái, cho người thân để giữ của. Và nhờ vậy, trai tráng mỗi làng càng ham thích tập luyện võ nghệ ngày đêm. Sự tập luyện ấy đã lôi kéo các nho sinh ham thích tập quyền. Bản thân ông cũng nhờ những ngày cùng cha vào núi theo Nghĩa hội mà biết thế nào là nhảy cao đá lẹ. Khi cha bị hại, ông mới trở về nhà. Những thành đạt của ông có được như ngày nay đề nhờ người anh cả chu toàn. Nhìn lại lớp trai trẻ bây giờ, ông thấy họ thông minh và có điều kiện làm được cái gì đó hơn lớp người của ông. Cứ tin như vậy.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #2 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 04:32:57 pm »

Ông Học Tổn vỗ tay khen ngợi. Những thầy cử, thầy tú mà quyền cước như thế quả là văn võ song toàn. Mọi người đều nở nụ cười vui rồi cùng ngồi lên bộ phản gõ lau người, đàm đạo chuyện thời tiết, chuyện mùa màng.

Chuyện đang say thì người nhà đã lên mời chủ và khách vào bàn dùng cơm sáng.

Giữa bữa cơm, mỗi người ít nhiều cũng có một vài chén rượu ấm người, Phan Châu Trinh mở đầu câu chuyện:

- Người đời, nhất là bọn nhà nho chúng ta, hay có tính rụt rè, không dám làm việc. Mỗi khi có việc đáng làm, họ thường tìm cớ trách trút, có khi họ nói: việc nhỏ không xứng đáng. Trong ý họ, đợi đến việc lớn kia. Nhưng nếu họ đã có ý không muốn làm thì đối với họ việc nào cũng sẽ là nhỏ cả, thành thử cả đời họ không có việc mà làm.

Nhìn khắp mọi người một lượt, Phan Châu Trinh thong thả nói tiếp:

- Nếu lấy bề ngoài mà đoán một người là khai thông hay hủ lậu thì trong đám chúng tôi ngồi đây duy có ba anh - vừa nói, Phan Châu Trinh vừa chỉ Phan Khôi, Nguyễn Bá Trác, Mai Dị - là hủ lậu hơn hết, vì ba anh có cái đùm tóc như đàn bà.

Những người ngồi ăn cùng mâm đều hé môi cười, dù không ai dám cười thành tiếng.

Thấy ba chàng trai trẻ bẽn lẽn, ông nói tiếp:

- Nào, ba anh thử "cúp" cái búi tó ấy có được không ? Đừng nói với chúng tôi, việc nớ là việc nhỏ nghe.
Việc ni mà các anh làm không được, tôi đố các anh còn làm được cái chi ra hồn.

Nghe giọng nói khá nghiêm của ông, Mai Dị đỏ mặt tía tai, ngồi thẳng người lên, nói một cách dứt khoát:

- Cúp thì cúp chớ sợ chi. Phó bảng như cụ mà còn cúp được thì nghĩa lý gì thứ cử nhân, tú tài bọn tôi.

Cử nhân Nguyễn Bá Trác phụ họa theo:

- Thì sợ chi.

Phan Khôi cũng hứng chí, uống hết chút rượu còn lại trong chén, hùng hổ phụ họa theo hai bạn:

- Thì sợ chi !

Lúc đó, mọi người ngồi cùng mâm cười ầm cả lên ra chiều khoái trá, khiến không ít người đang ở dưới nhà ngang cũng chạy lên dòm thử. Khi biết chuyện, họ phì cười rồi trở xuống.

Họ cười cũng phải thôi. Ngày ông chủ của họ khuyên họ cắt búi tóc, họ cũng khổ tâm lắm, vì mấy đời qua có ai dám làm những điều nghịch đạo rứa đâu. Tóc tai là máu huyết của cha mẹ, chỉ có những kẻ bất hiếu mới làm như vậy, chớ nào ai dám. Khi thấy họ chần chờ, ông chủ tháo tung cái khăn nhiễu xuống, họ mới té ngửa, búi tóc của ông chủ được cắt phăng từ lúc nào. Người như ông chủ của họ chữ nghĩa thấm ra da, ăn ở có nghĩa có tình, làng trên xóm dưới chưa ai có lời chê trách. Không học ông thì học ai ? Nghĩ vậy, họ đồng tình ngồi xuống để cho ông chủ cắt phăng cái búi tóc để dành hàng chục năm qua. Mới đầu quả có khó chịu, nhưng họ cũng thấy được sự tiện lợi khi không còn cái búi tóc trên đầu. Bữa ni thấy mấy ông cử, ông tú xung phong cắt búi tóc, họ không cười sao được. Họ lấy làm sung sướng khi có những ông nghè, ông cử làm y như họ, và họ càng qúy càng phục ông chủ của họ hơn.

Cơm xong, ngoài trời vẫn mưa.

Ông Học Tổn bảo người nhà mở cái trại đạp lúa, thả bức mành xuống che bớt gió. Mỗi người ngồi trên chiếc ghế đẩu để sẵn. Phan Châu Trinh ngồi gần đó nhìn ông Ấm Đôn, em ruột ông Học Tổn lấy kéo cắt búi tóc của từng người. Tóc của họ bỏ đầy vào chiếc thúng. Khi mọi người bước ra khỏi trại đạp lúa, có mấy người đàn bà chạy vào bưng thúng tóc ra. Họ biết, những người đàn bà sẽ dùng mớ tóc ấy làm chang bới đầu. Người này nhìn người kia thấy đầu tóc của mình như có cái trã úp lên coi thiệt kỳ, nhưng cụ Phan cứ trầm trồ khen: "Cúp khéo quá ! Coi đẹp quá !", nên họ cũng tin và thấy mình thật sự… trưởng thành.

Chơi nhà ông Học Tổn vài hôm, bốn thầy trò kéo nhau về hiệu buôn Diên Phong. Thấy đầu tóc của bốn thầy trò, các ông Phan Thúc Duyện, Phan Thành Tài, Lê Dư cũng nghệch mặt ra cười, nhưng sau mấy lời nói của Phan Châu Trinh, không những chỉ có họ chịu hớt cái búi tóc mà có đến mấy chục người vừa làm công, vừa học trò tình nguyện làm theo. Ngày hôm sau các vị thân hào nhân sĩ ở địa phương nghe Phan Châu Trinh về, đến thăm chơi cũng được Phan Châu Trinh vận động “cúp” tóc, trong đó có bạn bè của ông như Trần Qúy Cáp, Huỳnh Thúc Kháng. Và dường như lúc đó, ai cũng có thể là thợ hớt tóc. Lê Dư mới được hớt cái búi tó ngày hôm trước thì ngày hôm sau trở thành "người thợ lành nghề" hớt tóc cho ông nghè Huỳnh Thúc Kháng.

Từ đó trở đi phong trào hớt tóc ở Quảng Nam dấy lên mạnh mẽ, nhất là chỗ nào có trường học theo lối mới của phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Trần Qúy Cáp, Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng thì nơi đó là… "cái ổ cúp tóc". Động viên phong trào, Phan Khôi làm một bài vè để mỗi khi cúp tóc người thợ ca theo cho vui: 

Tay trái cầm lượt.

Tay phải cầm kéo.

Cúp hè ! Cúp hè !

Thăng thẳng cho khéo !

Bỏ cái hèn mầy,

Bỏ cái dại mầy.

Cho khôn, cho mạnh,

Ở với ông Tây !…(6)
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #3 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 04:34:11 pm »

Cái may ở đó mà cái họa cũng ở đó. Người dân xứ Quảng từng bước hiểu được mình là ai, mình phải làm gì giữa cuộc đời này, thì những người góp công làm nên chuyện ấy đều phải bị chém, bị tù. Khi bà con huyện Đại Lộc kéo xuống huyện đường đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, quan huyện trốn chạy, họ bèn kéo luôn xuống tỉnh. Các huyện khác không biết sao nghe được cũng bắt chước làm theo, rồi dân các tỉnh miền Trung cũng vậy. Ai nhập vào đoàn biểu tình là sẵn sàng để cho anh em cắt phăng cái búi tó của ngàn đời qua. Những ngày đó đâu đâu cũng vang lên câu ca:"Cúp hè ! Cúp hè ! Thăng thẳng cho khéo…". Chính từ việc đó mà nhà nước bảo hộ gọi là vụ án "cúp tóc xin xâu".

Tội nghiệp ! Những người tuổi trẻ ấy bây giờ ra sao ? Hơn mười học trò ông đưa ra Bắc, chưa học được chữ nào đã tan đàn xẻ nghé. Nghe đâu có đứa chạy xuống Nam Định trốn tránh cũng bị bắt về chịu án tù, có đứa tìm đường trốn qua Nhật Bản chưa biết sống chết ra sao. Nghĩ mà thương cho những người dân lành. Bao đời qua, họ cặm cụi làm ăn sống qua ngày, không biết mình là ai giữa cõi đời này. Con chó cùng đường còn quay lại cắn xé, còn họ là con người nên họ chấp nhận mọi bất công, cắn răng chịu đựng. Họ tự an ủi, số phận như thế đành chấp nhận như thế không ai cưỡng lại số trời. “Người ta lắm loại người ta, Người chín đồng rưỡi người ba quan tiền" chớ nào ai cũng như ai đâu. Thôi, bỏ chín làm mười, ráng sống có nghĩa có nhân để kiếp sau được đền bù, để đời con cháu tốt hơn. Mấy ai giàu ba họ, mấy ai khó ba đời. Ở hiền gặp lành, chắc chắn ông trời cũng có lúc đoái thương. Nghĩ vậy và làm như vậy.

Khi cuộc dân biến ở Trung kỳ nổ ra, thì ông đang ở Hà Nội và là người đầu tiên bị bắt về Huế, tuyên án tử hình. Cái chết đối với ông chẳng có gì đáng kể dù phải để lại ba đứa con (một trai, hai gái) còn tuổi ăn tuổi học. Nhưng ông có muốn gì cũng không được nữa rồi. Thì thôi, đời cua, cua máy; đời cáy, cáy đào. Ông còn chỉ biết trông chờ vào phước nhà, vào chính tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau giữa mấy mẹ con và hai bên nội ngoại, nhất là ý chí vươn lên của bản thân từng đứa con ông. Thực ra, việc làm của ông từ nhỏ đến giờ, ông không chút hổ thẹn với tổ tiên. Ông đã cố gắng hết sức lực và trí tuệ của mình để làm được cái gì đó cho dân cho nước, trong đó có đại gia đình của ông, con cháu của ông sau này. Với ông, sống có ích hơn là sống thọ.

Nhớ lại đoạn đời đã qua, Phan Châu Trinh nghĩ ba đứa con của ông không đến nỗi nào. Bởi đến năm mười tuổi, ông mới được cho cho khai tâm. Nhưng chỉ được ba năm, ông phải thôi học. Ngày đó (1885) kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Bình lập chiến khu chống Pháp và ban hịch Cần vương. Lúc này, thân phụ của ông là Phan Văn Bình từng là học trò thi trường Ba (tú tài), nhưng muốn lập công danh từ thanh gươm yên ngựa nên nhập ngũ và sau đó được giữ chức Quản cơ sơn phòng (7) dưới quyền Sơn phòng chánh sứ Trần Văn Dư. Khi tiến sĩ Trần Văn Dư thành lập phong trào Nghĩa hội, biến vùng rừng núi Quảng Nam thành căn cứ đầu não cho phong trào Cần vương, thân phụ ông cũng tham gia và được giao chức vụ Chuyển vận sứ (Cool đóng tại sơn phòng A Bá. Các sơn phòng Trà Mi, A Bá, Dương Yên… là những khu vực có địa thế thuận lợi cho công cuộc kháng chiến lâu dài. Lúc này, ông đã được thân phụ dẫn theo, vì mẹ mất sớm và là đứa con út. Những ngày sống ở sơn phòng A Bá, ông được các chú, các bác dạy võ nghệ, bắn cung, cưỡi ngựa… những mong tiếp tục thay thế cha anh đuổi giặc báo quốc.

Nghĩa hội đã có nhiều trận thắng lớn làm chủ cả tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt, các cánh quân của Nghĩa hội từ các sơn phòng kéo về bao vây, đánh chiếm được tỉnh thành ở La Qua, khiến cho Bố chánh Bùi Tiến Tiên, Tuần vũ Nguyễn Ngoạn phải bỏ thành chạy vào Quảng Ngãi. Án sát Hà Thúc Quán cũng cuốn gói tháo chạy. Nghĩa hội tự tổ chức công việc nội trị như một nước riêng. Nhưng sau đó, Pháp và Nam triều huy động một lực lượng hùng hậu do tướng Schants cầm đầu cùng với Tiễu phủ sứ Nguyễn Thân đem quân tấn công vào các vùng do Nghĩa hội kiểm soát. Trần Văn Dư bị ám hại, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu được nghĩa sĩ, nghĩa dân tôn lên làm Hội trưởng Nghĩa hội. Nhưng cũng từ đó, các căn cứ hậu bị của Nghĩa hội ở Trung Lộc, An Lâm, Dương Yên, A Bá… bị tấn công mạnh, lực lượng nghĩa quân dần dần tan rã vì vũ khí không tương xứng. Bên cạnh đó, Nghĩa hội bị đòn tâm lý chiến của địch đâm ra nghi kỵ lẫn nhau. Tú Đĩnh (Trần Đĩnh - người làng Gia Cốc, huyện Đại Lộc) lãnh tụ 9 xã miền nguồn bị Nghĩa hội giết; thân phụ ông cũng bị cuốn vào vòng nghi kỵ ấy và bị hại. Ông được những người tâm phúc của cha đưa về với gia đình.

--------------------------------------------------------------

Chú thích:

(1) Xưa nay người sống ai không chết ? Giữ lại lòng son rọi sử xanh.- Thơ Văn Thiên Tường.

(2) Câu này chép trong Luận ngữ, khi Vi Sinh Mẫu bảo Khổng tử rằng: "Ông Khâu, tạo sao không ở yên mà cứ miệt mài đi du thuyết như thế ? Phải chăng ông làm việc nói khéo để lấy lòng người ư ?"

(3) Đây là câu trả lời của Khổng tử cũng được chép trong Luận ngữ: "Tôi không dám làm việc nói khéo, nhưng tôi ghét gười cố chấp".

(4) Mai Dị, Nguyễn Bá Trác, Phan Khôi là bạn bè cùng thầy, cùng dự khoa thi hương 1906.

(5) Nay thuộc xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc.

(6) Chi tiết này dựa theo Phan Khôi, Lịch sử tóc ngắn, Ngày nay, số 149, ngày 15-2-1939.

(7) Chức võ quan trông coi công việc ở biên giới vùng núi.

(Cool Như hậu cần ngày nay.

Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #4 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 04:35:28 pm »

Chương 2

Sau gần ba năm gián đoạn sách đèn, vợ chồng người anh cả của ông là Phan Văn Cừ rước thầy về nhà dạy ông học chữ bốn năm. Vào tuổi hai mươi mốt, thấy ông học hành tiến bộ, vợ chồng người anh bàn tính rồi cho ông đến thọ giáo cụ cử nhân An Tráng (Phạm Đạo Mẫn). Tại đây, ông được kết bạn với Huỳnh Thúc Kháng. Sách đèn và tình thương yêu của anh chị đã giúp ông quên đi nỗi buồn mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bốn năm sau (1896), nghe lời khuyên của anh chị, ông lập gia đình với cô gái họ Lê (Lê Thị Tỵ - 1877), người làng An Sơn cùng huyện (nay là xã Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam). Tuy cưới vợ rồi nhưng hai bên gia đình vẫn động viên ông tiếp tục theo nghiệp sách đèn. Năm sau đứa con trai đầu lòng ra đời là niềm vui của cả hai họ. Biết được sự hi sinh quá lớn của hai bên gia đình, ông chí thú học hành. Năm 1898, Phan Châu Trinh được bổ vào ngạch học sanh, thụ nghiệp với quan đốc học Trần Đình Phong (Mã Sơn). Nơi đây, ngoài Huỳnh Thúc Kháng, ông còn kết thân với nhiều người bạn mới, trong đó có Trần Quý Cáp. Tuy học hành vào loại xuất sắc, nhưng nhiều lần lạc đệ cho đến năm 29 tuổi bảng hổ mới đề tên. Có đi có tới. Ông đã gắng công đi và đã tới đích.

Khoa Tân Sửu (1901 - Thành Thái thứ 13), có 9 người đỗ tiến sĩ, 13 người đỗ phó bảng. Quảng Nam không có ai đỗ tiến sĩ, nhưng có đến bốn phó bảng và Phan Châu Trinh là một trong bốn phó bảng ấy. Nghĩ cũng tiếc, song cũng lấy làm vui là quan Hội chủ khảo Cao Xuân Dục tâu xin các viên trúng phó bảng cũng được cấp cho áo mũ, cấp ngựa trạm khi trở về nhà chớ không như các khóa trước và được vua ân chuẩn (1).

Niềm vui ấy không chỉ cho mỗi mình ông mà còn cho thầy, cho bạn, cho hai bên gia đình nội ngoại, cho xóm làng… Tội nhất là người anh cả của ông, khi nghe tin em đỗ phó bảng thì cứ như người cuồng, cười đó khóc đó. Khi áo mũ về làng, ai cũng vui mừng ra mặt, riêng người anh cả của ông nằm mệp luôn trước bàn hương án, đứng dậy không nổi khiến ông cũng ứa nước mắt. Lúc này, ông càng ý thức hơn thế nào là chữ hiếu và trả hiếu. Năm trước, ông đỗ cử nhân, anh ông cũng vui như vậy nhưng chưa đến độ đứng không vững, ngồi không yên như những ngày này. Thương quá !

Mọi việc đâu vào đó. Màn đêm trở về trả lại sự yên tĩnh cho xóm làng, ông vui với vợ và đứa con trai đầu lòng một chốc, rồi cầm lấy tay vợ xem mạch, nói:

- Mạch này chắc là con gái mình ạ. Có nếp có tẻ rứa là mừng. Nhưng trai gái gì cũng quý, mình cố gắng dạy dỗ con nên người.

- Thầy hắn nói…

- Không phải tôi nói mà cuộc đời đã dạy tôi vậy. Anh hai (Phan Văn Cừ) có tốt thế nào đi nữa mà chị hai không thương yêu tôi như con thì tôi không có được ngày nay đâu. Theo tôi, lời răn dạy của người phụ nữ
có tác dụng rất lớn đối với những đứa trẻ.

- Em biết rồi…

Định nói thêm đôi lời với vợ, thì thằng con làm nũng, nên ông đành để cho vợ dỗ con. Ông bước lên nhà trên thắp mấy nén nhang rồi ngồi yên một mình trước bàn thờ gia tiên.

Trong làn khói trầm nghi ngút, ông nghĩ rất lung. Ông nhớ tới cha tới mẹ, nhớ tấm lòng của vợ chồng người anh cả cùng bà con họ hàng, chòm xóm, nhớ tới những chú những bác đã không ngại nắng mưa, khuya sớm dạy cho ông những đường quyền ngọn cước…

Nhớ… Nhớ…

Mình phải làm gì, nên làm gì ? Câu hỏi ấy cứ như vây lấy ông và nước mắt cứ chảy ra…

Cái chết của cha, ông không thể nào quên. Nhưng thù ai ? Trách ông Hường Hiệu (Nguyễn Duy Hiệu) ư ? Có trách cũng rồi. Những người như ông ta chỉ là thứ quân tử Tàu, sẵn sàng chấp nhận cái chết chỉ cần để lại chút danh thơm không xấu mặt với tổ tiên, chứ không hề suy nghĩ tìm một chiến lược lâu dài. Thân phụ ông cũng vậy. Họ chỉ là những… anh hùng Lương Sơn Bạc. Khi các sơn phòng bị quân triều đình đánh úp, lẽ ra với vai trò Hội chủ được nghĩa dân, nghĩa sĩ tin cậy thì ông phải có kế sách gì hay hơn việc khuyên Phan Bá Phiến nên hi sinh trước, còn ông sẽ ra nộp mình cho quân triều đình bắt.

Trước khi ra nộp mình, ông đốt tất cả giấy tờ, ấn tín, giải tán nghĩa binh về quê làm ăn.

Lúc đưa ông về Huế, nhiều người đến dụ hàng, khuyên ông khai những đồng đảng để được nhẹ tội, nhưng ông trước sau chỉ một lời: “chỉ có mình Hiệu này làm giặc, còn mọi người nếu có chỉ là bắt buộc mà thôi".
Việc làm cuối đời của ông ta (Hường Hiệu) quả rất đáng kính trọng, nhưng không phải việc làm của người cơ trí. Với ông, làm người có lúc coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, nhưng phải có lúc coi cái chết nặng tựa Thái Sơn, chớ không thể đem tính mạng cha sinh mẹ đẻ ra đánh đố được. Nghĩ tới đây, Phan Châu Trinh thấy người dễ thở hơn, nhẹ nhàng hơn.

Chú thích:

(1) Việc này sau thành lệ, chứ các khoa trước ân sủng đó chỉ dành cho những người đỗ tiến sĩ còn phó bảng thì không có. Đến khoa Canh Tuất (1910 - Duy Tân thứ 4), bộ Học xin cho các viên trúng phó bảng cũng được dự ban yến như những người đỗ tiến sĩ.

Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #5 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 04:38:54 pm »

Chương 3

Những ngày sống ở quê nhà, Phan Châu Trinh mới có điều kiện chăm sóc gia đình. Ông đích thân làm tất cả những gì có thể làm được, từ việc đưa anh đi đây đó, thắp hương cho tổ tiên, cám ơn những sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của mọi người trong thời gian ông ăn học đến việc tắm rửa cho con, chẻ củi, sửa lại nền nhà… Những việc làm vụn vặt đã có người, nhưng ông vẫn thích tham gia.

Khi ông đang chăm sóc người anh bị bệnh thì ông được triều đình bổ làm Hậu bổ ở Huế. Nghe tin ấy, ai cũng mừng, kể cả người anh cả của ông đang thoi thóp trên giường bệnh. Lòng ông cũng vui, dù sao đã học cũng phải hành. Mặc dù các thánh nhân đều nói rằng: “Khả dữ cộng học, vị khả dữ thích đạo. Khả dữ thích đạo, vị khả dữ lập, vị khả dữ quyền” (1), nhưng ông tin vào bản thân, tin vào sở học của mình. Hoạn lộ có nhiêu khê thật, song không vì thế mà đánh mất chính mình, đánh mất lòng tin của nhiều người, nhất là những người nông dân nghèo khó ở quê ông nói riêng, xứ sở này nói chung. Ít ra, ông cũng làm được như Tử Sản: "Kỳ hành kỷ dã cung; kỳ sự thượng dã kính; kỳ dưỡng dân dã huệ; kỳ sử dân dã nghĩa"(2).
Gia đình chuẩn bị những thứ cần thiết cho ông về kinh nhậm chức, nhưng cứ thấy ông nấn ná và thường thở dài, mọi người đều hiểu ông đang lo lắng cho bệnh tình của người anh cả. Và buổi họp gia tộc được tổ chức.

Trọng tâm của buổi họp, mọi người khuyên ông nên xuất chính, những chuyện còn lại ở nhà, bà con sẽ góp mỗi người một tay không sao cả. Lòng hiếu thảo của ông, gia tộc chứng nhận, người anh cả của ông đang mê man trên giường bệnh cũng hiểu, nếu còn tỉnh táo thì cũng nghĩ như mọi người. Lệnh vua không nên cưỡng, vả lại phước bất trùng lai, hãy thuận theo lẽ tự nhiên.

Phan Châu Trinh ngồi trầm ngâm lắng nghe, nhưng trong lòng thì buồn rười rượi. Ông biết người anh cả của mình sống không được bao ngày nữa, bởi ông đã tham khảo một số danh y trong vùng và họ đều đồng ý với ông, mạch của anh cả của ông là mạch tử, sống nhiều lắm không quá nửa tuần trăng. Nếu ông đi thì khó mà vuốt mắt cho anh lần cuối cùng. Và một khi đã nhậm chức mới mấy ngày lại phải từ quan về thọ hiếu anh thì còn ra thể thống chi. Với người anh cả, ông không thể không làm vậy được. Anh cũng như cha và người anh của ông đã làm trọn vai trò người cha đối với ông: cho ông ăn học nên người, cầm trầu rượu đi hỏi vợ, cưới vợ cho ông… “Sinh sự chi dĩ lễ. Tử táng chi dĩ lễ, tế chi dĩ lễ" (3). Những lời dạy của thánh hiền còn đó, sao ông lại vội quên chỉ vì chút danh chút phận ?

Dường như đọc được ý nghĩ của ông, người trưởng tộc lên tiếng:

- Các bác, các chú có mặt ở đây chữ nghĩa rõ ràng không bằng cháu, nhưng hiểu đời chắc có hơn cháu. Các bác, các chú ở đây không dám múa búa trước cửa Lỗ Bang, nhưng cũng võ vẽ biết ít nhiều điều thánh hiền dạy. Khổng tử dường như có dạy: "Phụ tại quan kỳ chí, phụ một quan kỳ hạnh, tam niên vô cải ư phụ chi đạo, khả vị hiếu hỷ"(4). Do vậy, cháu nên xem lại.

Phan Châu Trinh chỉ biết nói lời cám ơn, và cuộc họp gia tộc coi như chấm dứt. Ông trở lại giường bệnh chăm sóc cho anh. Thấy ông bước vào, vợ ông đứng dậy nhường chỗ và hỏi:

- Mấy chú, mấy bác khuyên mình nên đi phải không ?

Phan Châu Trinh gật đầu rồi ngước nhìn vợ, hỏi:

- Ý mình thế nào ?

- Em không biết. - Vợ ông cúi đầu vân vê tà áo. - Ra làm quan cũng tốt, nhưng bất hiếu thì người ta cũng cười. Dĩ nhiên, mình làm quan thì không ai dám cười ra mặt nhưng họ sẽ cười thầm. Hồi nhỏ, cha em thường dạy…

- Mình cứ nói, tôi không trách chi đâu

- Cha em thường dạy, con người mà bất trung bất hiếu thì… không còn là con người. - Nói xong, vợ ông biết mình lỡ lời, nên ấp úng: - Em… Em… xin lỗi mình.

Phan Châu Trinh mỉm cười, đứng lên ôm lấy bờ vai của vợ, nói:

- Mình nói đúng lắm. Cha dạy không sai đâu. Thôi mình đi lo công việc đi. Mọi chuyện của tôi, tôi biết sắp đặt.

Vợ ông vặn mình ra khỏi vòng tay chồng, kéo tay áo chùi nước mắt. Phan Châu Trinh nhìn vợ bước xuống nhà ngang trong lòng cũng không biết được những giọt nước mắt ấy vui hay buồn.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #6 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 04:39:55 pm »

Phan Châu Trinh giật mình thức giấc, mồ hôi đổ đầm đìa khắp người. Bên ngoài mặt trời đã lên, rọi những tia nắng vàng ươm vào căn phòng, ông biết mình đã chợp mắt cũng đã hơn một canh giờ. Suốt ngày hôm qua cho tới khi vợ ông vào thay để ông ngả lưng một chút, thì người anh cả của ông đi ngoài suốt. Mấy lần phục thuốc cũng chẳng ăn thua gì. Trong giấc ngủ chập chờn, ông lại thấy thân phụ của ông đầu đội kim khôi, cưỡi con ngựa trắng về dẫn người anh cả của ông đi như ngày nào dẫn ông lên sơn phòng A Bá. Ông cố vươn người kéo anh lại nhưng bị cây trường thương trên tay thân phụ chặn đứng tầm vói của ông. Ông đành ứa nước mắt nhìn theo cho đến lúc bóng con ngựa trắng khuất sau khúc quẹo đường làng. Điềm lành hay dữ ? Oâng thật lòng không dám nghĩ tiếp, vội vã lên nhà thăm anh.

Phan Châu Trinh thấy lòng nhẹ hẳn. Người anh cả của ông vẫn còn nằm đó. Giấc mơ cũng chỉ là giấc mơ thôi. Ông định đưa tay thăm mạch anh, thì vợ ông bước vào với thau nước ấm.

- Mình coi lau thân thể anh hai.

Không chờ ông hỏi, vợ ông nói tiếp:

- Từ khi mình ngả lưng, anh hai đi thêm mấy lần nữa, em thấy cũng đã sạch rồi. Khi nãy, anh hai cũng nuốt
được vài hớp nước cháo.

Phan Châu Trinh vừa nghe vợ nói, vừa sờ mạch cho anh, rồi lật hai mi mắt của anh lên coi. Ông cúi xuống sát người bệnh, nói:

- Anh có nghe em nói không ? Em tắm rửa cho anh nghe ?

Bờ môi ông Cừ hơi động đậy, Phan Châu Trinh cúi thấp hơn với hi vọng nghe được những gì người anh cả muốn nói, nhưng chẳng nghe được gì. Ông Cừ dường như cố hết sức còn lại nắm lấy bàn tay của người em út. Phan Châu Trinh sung sướng nắm chặt bàn tay lạnh giá của anh.

- Em tắm cho anh nghe. Anh ráng khoẻ lên rồi anh em mình đi ra kinh chơi. Em nhậm chức sẽ được đội mũ
cánh chuồn, mặc áo thụng, đeo thẻ bài ngà trước ngực. Lúc đó, em sẽ mặc suốt ngày để anh hai coi cho sướng mắt.

Vừa nói, Phan Châu Trinh vừa lấy khăn nhúng nước ấm lau rửa khắp người ông Cừ.

Khi mặc đồ sạch cho anh, Phan Châu Trinh không cầm được nước mắt. Ao ước đơn giản của anh hai ông đến lúc chết cũng chưa được toại nguyện, dù việc đó chẳng có chi xa vời đối với ông.

Nước mắt ông Cừ cũng đổ xuống hai bên khóe. Phan Châu Trinh lau nước mắt cho anh.

- Em nói thiệt đó. Em đã được triều đình gọi ra làm quan. Em đang chờ anh mạnh rồi anh em mình cùng đi.

Cặp môi ông Cừ động đậy và dường như có phần hồng lên. Phan Châu Trinh ngước nhìn vợ, nói như ra lệnh:

- Mình ra gọi hết người nhà, bồng luôn thằng Dật, con Đậu vô đây. Nhanh lên.

Khi mọi người đến đông đủ, ông Cừ như hồi quang phản chiếu. Ông mở tròn mắt nhìn khắp mọi người một lúc khá lâu ra chiều vui lắm, rồi nhè nhẹ đưa cánh tay lên như muốn vẫy chào. Phan Châu Trinh hiểu ý liền đỡ cánh tay anh, nhưng ông thấy cánh tay người anh đã lạnh toát. Lúc đó là lúc người anh cả của ông trút hơi thở cuối cùng.

-------------------------------------------------------------------

Chú thích:

(1) Câu này là của Khổng tử nói trong Luận ngữ. Trình tử, Dương thị, Hồng thị… cùng nói ý ấy. "Có hạng
người, có thể cùng học, chưa có thể cùng tiến đến chính đạo. Có hạng người có thể cùng tiến đến chính đạo, chưa có thể cùng giữ vững được chính đạo. Có hạng người có thể cùng giữ vững được chính đạo, chưa có thể cùng cân nhắc sự nặng nhẹ quyền biến".

(2) Luận ngữ: "Giữ mình thì khiêm cung; thờ người trên thì kính cẩn; nuôi dân thì có ân huệ; khiến dân thì hợp nghĩa".

(3) Khổng tử trả lời Phan Trì: "Cha mẹ sống, phụng sự cho hợp lễ. Cha mẹ mất, tống táng cho hợp lễ; tế lễ cho hợp lễ".

(4) Người cha còn sống thì xem chí hướng của người con; khi người cha mất thì xem việc làm của người con; nếu trong ba năm sau khi cha mất, người con không thay đổi đạo của người cha, mới có thể gọi là người con hiếu vậy.

Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #7 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 04:40:49 pm »

Chương 4

Cuối cùng, hai người bạn thân thiết của ông cũng được sắc ban Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Khoa này (Giáp Thìn, Thành Thái thứ 16 - 1904) có một người đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, 5 người đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân và 5 người đỗ phó bảng. Quảng Nam chỉ có 2 người và hai người đó là bạn thiết của ông, thế là vui. Tội nghiệp, niềm vui ấy không chỉ cho bản thân cụ Minh Viên (Huỳnh Thúc Kháng), hay cụ Thai Xuyên (Trần Quý Cáp) mà còn cho cả làng, cả tỉnh. Ông biết, sau ngày áo gấm về làng, hai người bạn của ông sẽ tiếp tục làm những việc cần làm chứ không nhất thiết phải ra làm quan. Nhớ lại vào năm ngoái, khi ông từ quan về nhà, hai người bạn của ông lấy làm lạ. Nhưng sau khi ông cho họ xem "Thiên hạ đại thế luận", "Qùi ưu lục" của Nguyễn Lộ Trạch cùng những "Tân thư", nhất là sách của Montesquieu, J.J.Rousseau, Voltaire qua bản dịch của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu… thì hai người bạn của ông không còn nghĩ ông "cuồng". Họ đều thấy rằng, cái “cuồng” của cụ phó bảng chưa chắc đã không chút gì bổ ích cho quốc dân. Bởi sau khi nghiền ngẫm những bộ sách ấy, một ý thức hệ mới như được hé ra trong họ. Tư tưởng dân quyền và dân chủ làm cho họ ngất ngây. Ông khuyên anh em cần phải học, phải thi đỗ. Lúc ấy không ai dám nói các ông là những người vì thi hỏng mà sinh ra bất đắc chí.

Sau khi ở nhà cư tang cho anh một năm thì ông được bổ thừa biện bộ Lễ, chỉ một thời gian ngắn, ông được thăng thự trước tác. Với mọi người, con đường làm quan của ông khá hanh thông. Nhưng cũng nhờ những ngày ở Huế, ông mới được làm quen với những người tân học như Thân Trọng Huề, Đào Nguyên Phổ… Qua những người này, ông đọc được nhiều báo mới, sách mới. Thì ra lâu nay, ông như con ếch ngồi đáy giếng. Đầu óc của thiên hạ như trời như bể chứ nào chỉ nhai đi nhai lại mấy cuốn giáo khoa suốt ngàn năm qua không có chút gì đổi mới. Suốt ngày chỉ "Thiên - trời, địa - đất, thất - mất, tồn - còn…", rồi nào là Khổng tử viết, Mạnh tử viết… thì tới lúc nào đầu óc người dân Annam của ông mới mở ra ? Với guồng máy hiện giờ con đường làm quan chưa phải là con đường duy nhất cứu dân cứu nước. Từ khi hình thành chữ viết, người xưa đã cấu tạo chữ cát (tốt lành), gồm chữ sĩ ở trên, chữ khẩu ở dưới, nghĩa là miệng của kẻ sĩ như ông chỉ nói ra toàn những chuyện tốt lành. Nhưng trước cảnh nước nhà như thế này, thì những người như ông cứ ngày ngày nói toàn những chuyện trong tứ thư, ngũ kinh là có thể giúp người dân An nam của ông hiểu được quyền sống, quyền làm người ư ? Chắc chắn là không ? Bởi đọc từ sách vở, nghe những gì người đi trước nói lại, thấy những gì đã và đang diễn ra trước mắt ông bao năm qua, thì người dân quê ông vẫn vậy, vẫn sợ bóng sợ gió, vẫn nhẫn nhục chịu đựng những áp bức, bất công mong sống cho qua hết kiếp người, vẫn "một sự nhịn là chín sự lành", vẫn "tránh voi chẳng xấu mặt nào"… chứ chưa hề biết mình là ai, mình cần phải làm gì để khẳng định được mình giữa cuộc đời này, kể cả trong công việc làm ăn.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #8 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 04:41:53 pm »

Chờ niềm vui lắng xuống, Phan Châu Trinh cùng với Huỳnh Thúc Kháng đến nhà Trần Qúy Cáp chơi. Một nếp nhà tranh được sửa chữa khang trang, hai người đều biết ấy là phần thưởng của dân làng dành cho ông nghè của làng. Đó là niềm tự hào của họ. Quả đúng như vậy. Khi biết có hai người đến chơi thì bà con trong xóm cùng kéo tới chúc mừng. Phan Châu Trinh cũng có cảm giác như mình cùng đỗ khoa này. Và chẳng mấy chốc, mùi xào nấu bốc lên thơm ngát. Thấy hai ông nhìn nhau ái ngại thì vị trưởng tộc vuốt râu cười ra chiều sung sướng, nói:

- Thằng nghè nhà tôi tuy đỗ đầu đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, nhưng hắn rất phục tài hai vị. Tuy mới gặp hai vị lần đầu, nhưng thằng nghè nhà tôi kể về hai vị nhiều lắm. Cụ nghè Minh Viên đồng khoa với thằng nghè nhà tôi sém chút nữa là giật tam nguyên (Huỳnh Thúc Kháng đỗ Hương nguyên, Hội nguyên - VG), cụ Tây Hồ đây cũng không thua kém gì, đã xuất chính rồi mà chán cảnh quan trường, từ quan về quê dạy học. Tôi hiểu và qúi trọng hết. Chữ nghĩa thì chúng tôi đựng không đầy vỏ lúa, nhưng tấm chân tình thì chúng tôi có thừa. Thằng nghè nhà tôi giật giải lần này chứng tỏ làng tôi có mạch khoa bảng, phúc đức dòng họ nhà tôi, làng tôi còn dày, còn vượng, rứa là mừng lắm. Chỉ cần chừng đó là chúng tôi có đi ăn xin cũng sẵn sàng nuôi nó và gia đình suốt đời, nên các cụ đừng ngại. Dù hắn có ra làm quan hay ở nhà cày ruộng cũng vẫn là cụ nghè của làng. Bao năm qua, hắn ở nhà vừa dạy học, vừa cày ruộng, chúng tôi vẫn qúy trọng, bây giờ cũng thế chẳng có chi quan trọng. Quan nhất thời, dân vạn đại, ấy mà. Chúng tôi tuy ít học, nhưng rất hiểu điều ấy. Mấy cụ đến chơi là vinh dự cho làng tôi. Có mắm ăn mắm, có muối ăn muối miễn hai cụ đừng chê là chúng tôi chu toàn được tất.

Cả hai anh em đứng dậy đáp lễ. Phan Châu Trinh thưa:

- Thưa bác, chúng cháu với anh nghè nhà ta là chỗ bạn bè, xin bác và bà con đối xử chân tình như đối xử với con cháu trong nhà là qúy lắm rồi, chứ một tiếng là cụ nghè, hai tiếng là cụ phó bảng, chúng cháu thấy… khó quá.

Cụ trưởng tộc vuốt râu cười khà khà:

- Các anh nói rứa là chúng tôi hiểu được cái tâm của các anh, nhưng đây là lễ. Tiên học lễ, hậu mới học văn. Tuổi của các anh là con cháu, nhưng tác của các anh là bề trên. Theo chỗ tôi hiểu, cụ tôi dùng ở đây không phải tiếng gọi người sinh ra ông bà mình, mà là tài năng. Chẳng phải các anh cũng đã gọi nhau như thế ư ?

Huỳnh Thúc Kháng mỉm cười, chắp tay xá dài, nói:

- Quả có như vậy, nhưng đây là trong nhà, người nhà. Bác gọi cụ nghè nhà ta là thằng nghè thì cũng gọi tụi con y như vậy mới thật tình.

Cụ trưởng tộc lại vuốt râu cười khà khà ra chiều thích thú.

- Thôi được ! Thôi được ! Nhưng tiếng gọi đầu môi không quan trọng. Quan trọng ở chỗ tấm lòng. Nhưng các anh hãy để tôi thủ lễ cho lớp con cháu học tập, chứ chẳng lẽ làng tôi khi chưa có ai đỗ ông nghè, ông cống thì phong hóa tốt tươi, nay có người đỗ đạt rồi thì phong hóa lụn bại ? Nếu thiệt sự như rứa thì chúng tôi chẳng mong ai đỗ đạt làm chi.

Hai người nhìn nhau mỉm cười, lắc đầu trước lý sự của cụ trưởng tộc. Lúc ấy cũng vừa lúc Trần Qúy Cáp và một số học trò đi chơi ở đâu kéo về với con heo mọi bị trói khiêng đi lủng lẳng ra chiều vui vẻ lắm.

Kể từ đó, căn nhà tranh ba gian hai chái của Trần Qúy Cáp lúc nào cũng chật người và chuyện nổ như bắp rang. Bà con trong làng từ già đến trẻ, kể cả những cô gái tuổi độ trăng tròn nếu rảnh lúc nào thì đến giúp gia đình lúc nấy, kẻ gánh nước người nấu chè, nấu cơm, làm bếp, đi chợ… Xong việc thì vào nghe các ông nghè, ông cử nói chuyện, bình thơ. Tuy không hiểu gì mấy nhưng họ nghe cũng sướng bụng. Chữ nghĩa thánh hiền học mót được chữ nào hay chữ ấy chớ dễ dầu gì cái làng nho nhỏ như ri mà tập trung được một lúc nhiều anh tài như thế. Kinh nghiệm cho họ biết, những hôït lúa mót được đều là những hột lúa chắt. Chữ nghĩa thánh hiền thấm vô người không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc chứ có chết chóc chi mà sợ.
Tối tối, nam nữ còn lại nhà tổ chức hát hò khoan. Các ông nghè, ông cử cũng chia làm hai phe giúp hai bên đối đáp. Thật là những buổi hát tuyệt vời, trước đây họ có mong cũng không được, có ước cũng không xong.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #9 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 04:43:01 pm »

Chương 5

Túc tắc bằng nhiều phương tiện, họ cũng đã đến thành Bình Định. Trong thời gian lưu lại để thăm thú đây đó, nhất là tìm thêm người cùng chí hướng thì gặp lúc trường Bình Định có kỳ khảo hạch. Cả ba người bàn nhau phải tìm cách phá chơi. Mới đầu là ý tinh nghịch của tuổi trẻ, nhưng khi cả ba người đều đồng ý thì
Phan Châu Trinh nói:

- Tại sao chúng ta không nhân cơ hội này mà lên án lối học khoa cử lỗi thời để tiếp tục đẩy nhân dân ta vào chỗ lầm than, kể cả lên án việc bần cùng hóa dân ta của Nam triều và ngoại bang ? Theo tôi, anh em mình phải nên "phá" theo cách ấy thì có ý nghĩa hơn.

Cả Huỳnh Thúc Kháng lẫn Trần Qúy Cáp đều gật gù ra chiều đồng ý. Một lát sau, Huỳnh Thúc Kháng hỏi:

- Cụ xướng được thì họa được, dĩ nhiên chúng tôi cùng họa. Nhưng chúng ta lấy đề tài gì ?

Phan Châu Trinh đáp:

- Nội dung chính như các cụ đã đồng ý, còn phần tôi, tôi sẽ làm bài thất ngôn bát cú với tựa là… Chí thánh thông thánh (1).

Nói xong, Phan Châu Trinh khẽ ngâm:

Thế cục hồi đầu dĩ nhất không,

Giang sơn vô lệ khấp anh hùng.

Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,

Bát cổ văn chương túy mộng trung.

Trường thử bách niên cam thóa mạ,

Bách tri hà nhật xuất lao lung !

Chư quân vị tất vô tâm huyết,

Bằng hướng tư văn khán nhất thông.(2)

Cả hai người nhìn Phan Châu Trinh ra chiều thán phục rồi cùng lên tiếng khen:

- Hay ! Xứng danh phó bảng !

Huỳnh Thúc Kháng nói:

- Nếu chúng ta cùng làm thơ hết thì chẳng lấy chi gọi là náo động. Vả lại, chuyến Nam du này chúng ta đi ba người, ai ai cũng biết. Nếu trong kỳ khảo hạch này mà có cùng lúc ba bài thơ như vậy thì chẳng khác nào lạy ông tôi ở bụi này. Tôi nghĩ, để tôi và anh nghè Thai Xuyên cùng hợp tác làm bài phú sẽ hay hơn. Phan Châu Trinh đồng tình với ý kiến ấy. Bởi quan đốc học dốt tới đâu cũng không thể cho rằng ba bài thơ của họ làm là những bài thơ của những học sanh trường tỉnh. Ông yên lặng ngồi hút thuốc chờ cho hai bạn bàn bạc nhau từng ý từng lời. Và chẳng bao lâu, bài "Lương ngọc danh sơn phú” được hình thành, Phan
Châu Trinh lấy làm thích thú ngâm ngợi:

Hỡi hỡi những đồng bào Nam Việt !

Cùng giống nòi phải biết thương nhau.

Giang sơn này bốn ngàn thâu,

Mà nền văn hóa bấy lâu thế nào ?

Lo cuộc đời trải bao biến cuộc,

Bao anh hùng chịu nhọc sao phen ?(…)

Hỡi người trí thức kia ơi !

Trên thời quan lại dưới thời thư sinh.

Nên vì nghĩa vì danh một chút,

Quẳng mũ đi vứt bút đứng lên.

Đừng cam chịu tiếng ươn hèn,

Hơi tàn còn thở chớ quên phục thù…(3)

Với tài ấy thì đỗ tiến sĩ chẳng lấy gì làm xấu hổ.- Phan Châu Trinh thầm nghĩ.

Cả ba người vui vẻ đi chơi tiếp coi như mọi chuyện trên đời chẳng có gì hơn việc du sơn ngoạn thủy. Sau khi dùng bữa xong, Trần Qúy Cáp nói:

- Khi cải trang vào khảo hạch, ắt chúng ta phải mạo danh, mà nên mạo như thế nào, các anh đã nghĩ tới chưa ?

Hai người lúc đó mới ớ ra. Huỳnh Thúc Kháng nói:

- Phải ! Cụ Thai Xuyên tính không sai.

Phan Châu Trinh vẫn giọng hồn nhiên như chẳng có gì:

- Ra đầu bài được thì ắt phải có lời giải rồi, lo chi.

Trần Quý Cáp nói:

- Tôi nghĩ, chúng ta chỉ nên dùng một tên, như vậy mới tỏ rõ ý nguyện của chúng ta.

Cả Phan Châu Trinh lẫn Huỳnh Thúc Kháng như cùng lên tiếng một lần:

- Đúng !

Trần Qúy Cáp nói:

- Theo tôi, ở đây họ Đào là một dòng họ lớn nên ta lấy họ Đào. Mục đích của chúng ta lần này là làm cho
mọi người thấy được giấc mộng ngu muội của mình. Do vậy, theo tôi, chúng ta cùng lấy tên là Đào Mộng
Giác.

Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng thừa nhận cái tên ấy rất có ý nghĩa.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM