Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 12:40:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tiểu luận về chiến tranh  (Đọc 49808 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #40 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2011, 05:56:37 pm »

XVIII
Đã đăng trên tờ "The Pall Mall Gazette" số 1744, ngày 15 tháng Chín 1870

Hình như vẫn còn có những quan niệm hoàn toàn không chính xác về các cuộc vây đánh đang được tiến hành ở Pháp. Một số đồng nghiệp báo giới của chúng tôi, như tờ "Times", nghiêng về ý kiến cho rằng tuy quân Đức hoạt động dã chiến thì tuyệt vời nhưng họ không giỏi vây đánh; một số khác cho rằng cuộc vây đánh Xtơ-ra-xbua được tiến hành nhằm mục đích chiếm lấy thành phố ít hơn là để thí nghiệm và để rèn luyện thực tế cho các công trình sự và các chuyên gia pháo binh Đức. Sở dĩ tất cả ý kiến như thế được đưa ra là vì Xtơ-ra-xbua cũng như Tun, Mét-xơ cũng như Phan-xbua cho tới nay đều chưa đầu hàng. Rõ ràng là người ta hoàn toàn quên mất rằng trong cuộc vây đánh cuối cùng được tiến hành trước cuộc chiến tranh này, cuộc vây đánh Xê-va-xtô-pôn, sau khi đã đào xong chiến hào còn phải mất 11 tháng nữa cứ điểm mới buộc phải đầu hàng.

Để sửa đổi những ý kiến non nớt như thế, những ý kiến mà chỉ những người không am hiểu về quân sự mới có thể truyền bá, cần nhắc để họ nhớ rằng vây đánh thực ra là gì. Tường của phần lớn các cứ điểm đều có xây ba-xti-ông, nghĩa là các góc của các cứ điểm đều có bộ phận nhô ra hình năm cạnh gọi là ba-xti-ông, dùng hỏa lực của nó yểm hộ cho khu vực trước các công sự cũng như con hào trực tiếp ở dưới chân các công sự ấy Trong hào ấy; cứ giữa hai ba-xti-ông lại có công sự hình ba góc độc lập gọi là ra-vơ-lanh yểm hộ cho một phần ba-xti-ông và cho cuốc-tin, tức là đoạn tường ở giữa hai ba-xti-ông ấy; ra-vơ-lanh có hào bao quanh. Phía ngoài của hào chính là một con đường có yểm trợ, tức là một con đường rộng được sự yểm hộ của đỉnh lũy tức là ụ bằng đất cao khoảng 7 phút, phía ngoài có dốc thoai thoải. Trong nhiều trường hợp, để tăng thêm khó khăn cho tấn công người ta còn làm thêm những công sự khác. Dưới chân tường của những công sự ấy đều có xây một lớp đá hoặc bảo vệ bằng hào chứa nước để không thể cường tập vào những công sự chưa bị phá hoại, những công sự ấy được bố trí sao cho công sự lớp trong khống chế lớp ngoài, nghĩa là ở cao hơn công sự lớp ngoài, còn công sự lớp ngoài lại khống chế khu vực xung quanh từ đỉnh tường của nó.

Để tấn công lại cứ điểm đó người ta vẫn còn dùng phương pháp do Vô-băng cải tiến mặc dầu pháo nòng có rãnh của bên bị vây có thể buộc bên bao vây cải tiến phương pháp ấy nếu như khu vực trước cứ điểm là một khoảng rộng hoàn toàn bằng phẳng. Nhưng, vì hầu hết tất cả những cứ điểm ấy đều xây dựng trong thời kỳ mà pháo nòng trơn chiếm địa vị thống trị, nên khu vực công sự xa hơn 800 i-ác-đơ thường không được tính đến và hầu như bao giờ bên bao vây cũng có thể hành quân kín đáo ở cự ly ấy không cần đào chiến hào chính quy. Do đó trước hết cần bao vây cứ điểm, đánh bật đơn vị cảnh giới và những đơn vị khác của nó, trinh sát công sự, đưa pháo công thành, đạn dược và các chiến cụ khác đến, lập kho tàng. Trong cuộc chiến tranh này, cuộc bắn phá đầu tiên bằng pháo dã chiến cũng thuộc vào thời kỳ chuẩn bị, thời kỳ này có thể kéo dài nhiều thời gian. Cuộc bao vây lỏng Xtơ-ra-xbua bắt đầu ngày 10 tháng Tám, cuộc bao vây chặt bắt đầu khoảng ngày 20, từ 23 đến 28 Xtơ-ra-xbua đã bị bắn pháo nhưng chỉ đến ngày 29 cuộc bao vây chính quy mới bắt đầu. Cuộc vây đánh chính quy được coi là bắt đầu từ lúc đào hào song song đầu tiên, nghĩa là chiến hào mà đất đào ra được đắp về phía cứ điểm để che dấu và bảo vệ những người đi lại trong hào. Hào song song đầu tiên này thường bao quanh công sự của cứ điểm ớ cự ly 600 đến 700 i-ác-đơ. Trong hào đặt các đại đội pháo bắn dọc; chúng được bố trí trên tuyến kéo dài của các chính diện, nghĩa là của phía tường mà hỏa lực khống chế khu vực nằm phía trước; cái đó là để đối phó với toàn bộ bộ phận sẽ bị tấn công của cứ điểm. Nhiệm vụ của những đơn vị pháo ấy là bắn dọc theo các chính diện kể trên, bằng cách đó tiêu diệt pháo và pháo thủ ở đó Muốn thế cần ít ra 20 đơn vị pháo có 2 hoặc 3 khẩu, cả thảy chừng 50 khẩu trọng pháo. Ở hào song song thứ nhất cũng thường đặt một số cối để bắn phá thành phố hoặc kho của quân đồn trú có trang bị phòng đạn pháo; khi có pháo hiện đại thì cối chỉ cần cho mục tiêu thứ hai, đối với mục tiêu thứ nhất thì hiện nay pháo nòng có rãnh là đủ rồi.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #41 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2011, 05:57:01 pm »

Từ hào song song thứ nhất người ta đào về phía trước những hào tiếp cận theo một tuyến mà kéo dài ra sẽ không chạy ngang qua công sự nào để không một công sự nào có thể bắn hỏa lực dọc vào nó; hào tiếp cận sẽ đào lên phía trước theo chữ chi cho đến khi cách công sự chừng 850 i-ác-đơ, ở đây sẽ đào hào song song thứ hai, đó là chiến hào giống hào song song thứ nhất nhưng ngắn hơn. Thông thường hào này đào vào đêm thứ tư hoặc thứ năm sau khi bắt đầu đào chiến hào. Ở hào song song thứ hai người ta đặt những đại đội pháo phản pháo, cứ trước mỗi chính diện bị tấn công, và hầu như song song với chính diện đó, đặt một đại đội; những đại đội pháo ấy có nhiệm vụ tiêu diệt pháo và phá hủy tường cứ điểm thẳng phía trước nó cũng như cùng với các đại đội pháo bắn dọc hình thành hỏa lực đan chéo. Các đơn vị pháo phản pháo cần tất cả chừng 60 khẩu pháo cỡ lớn. Tiếp đó bên bao vây lại tiến về phía trước, đào chiến hào chữ chi mới ngày càng ngắn hơn và gần nhau hơn khi càng gần cứ điểm. Cách công sự chừng 150 i-ác-đơ người ta đào hào nửa song song cho các đơn vị cối và ở dưới chân gla-xi cách công sự chừng 60 i-ác-đơ người ta đào hào song song thứ ba, trong đó cũng đặt các đơn vị cối. Việc này có thể kết thúc vào đêm thứ chín hoặc thứ mười kể từ khi bắt đầu đào chiến hào.

Ở cự ly gần công sự như vậy, nhưng khó khăn thực sự đã bắt đầu Lúc đó, hỏa lực pháo của bên bị vây, về mặt khống chế khu vực trống trải, thì hầu như đã bị đè bẹp, nhưng hỏa lực súng trường bấn từ tường cứ điểm trở thành có hiệu lực hơn bao giờ hết; nó sẽ làm chậm trễ một cách nghiêm trọng công việc trong chiến hào. Hào tiếp cận bây giờ phải đào hết sức thận trọng theo một kế hoạch khác mà chúng tôi không thể trình bày tỉ mỉ ở đây. Đêm thứ mười một, bên bao vây có thể tiến đến các góc nhô ra của đường có che kín, trực diện với bộ phận nhô ra của các ba-xti-ông và các ra-vơ-lanh; còn ngày thứ mười sáu, họ có thể hoàn thành việc đào hào bọc gla-xi, nghĩa là đào chiến hào ở bên kia đỉnh gla-xi, ven theo gla-xi, song song với đường có che kín. Chỉ bấy giờ, họ mới có thể đặt pháo để phá hủy lớp bao bằng đá của tường để bảo đảm cho quân lính vượt hào vào cứ điểm và làm câm họng những khẩu pháo bên sườn ba-xti-ông bắn dọc theo hào và cản trở việc vượt hào. Những sườn ấy của ba-xti-ông có thể bị phá hủy và pháo của nó có thể bị tiêu diệt vào ngày thứ mười bảy, bấy giờ mới có thể mở được đột phá khẩu. Đêm hôm sau có thể xuống đến hào và xây dựng xong đường đi có che kín qua hào để bảo vệ đơn vị xung phong khỏi bị hỏa lực bên sườn và cuộc tấn công xung phong có thể bắt đầu.

Trong bài khảo cứu đại cương này, chúng tôi thử điểm qua quá trình vây đánh một trong những kiểu cứ điểm yếu nhất và giản đơn nhất (thành sáu góc kiểu Vô-băng) và xác định thời gian cần thiết cho các giai đoạn khác nhau của cuộc vây đánh nếu như cuộc vây đánh không bị những cuộc xuất kích thành công phá vỡ và trong điều kiện bên phòng ngự không biểu lộ tính tích cực đặc biệt và tinh thần dũng cảm và không có phương tiện gì đặc biệt. Nhưng như chúng ta đã thấy, ngay trong tình hình có lợi như vậy cũng cần ít ra 17 ngày đêm mới có thể mở được đột phá khẩu ở tường chính của cứ điểm và, do đó, mở đường cho cuộc xung phong vào cứ điểm. Khi đủ binh lực và được cung cấp tốt, quân đồn trú không có lý do nào về quân sự buộc họ đầu hàng trước thời hạn đó; xét theo quan điểm quân sự đơn thuần, nghĩa vụ bình thường của bên bị vây là giữ vững ít nhất là trong thời hạn ấy. Nhưng có một số người tỏ ý không hài lòng là Xtơ-ra-xbua còn chưa bị hạ, mà Xtơ-ra-xbua mới chịu đựng cuộc vây đánh chính quy có 14 ngày đêm và có công sự ngoại vi ở phía chính diện bị tiến công khiến nó có thể giữ vững lâu hơn ít ra là 5 ngày đêm so với thời hạn trung bình. Họ không hài lòng về chỗ Mét-xơ, Tun và Phan-xbua vẫn chưa đầu hàng. Thế nhưng chúng ta còn chưa rõ chiến hào vây đánh Tun đã đào chưa dù chỉ là một tuyến thôi, còn về các cứ điểm khác thì chúng ta biết rằng chúng hoàn toàn chưa bị vây đánh chính quy. Còn về Mét-xơ thì hình như lúc này người ta không có ý định vây đánh chính quy cứ điểm đó; rõ ràng là phương pháp hữu hiệu nhất để chiếm Mét-xơ là làm cho đạo quân của Ba-den kiệt sức mà phải đầu hàng. Những cây bút sốt ruột ấy cần biết rằng rất ít có những viên chỉ huy cứ điểm đầu hàng đội trinh sát gồm 4 lính thương kỵ hoặc ngay dù dưới tác động của pháo kích nếu họ còn trong tay quân đồn trú tương đối đầy đủ và dự trữ cần thiết. Nếu như Stết-tin năm 1807 đã đầu hàng trung đoàn ky binh, nếu các cứ điểm biên giới của Pháp năm 1815 đã đầu hàng sau một cuộc bán pháo ngắn, thậm chí vì sợ bị bắn pháo, thì chúng ta chớ nên quên rằng Vuếc-thơ và Spi-khéc-nơ gộp lại cũng không bằng I-ê-na hoặc Oa-téc-lô, vả chăng sẽ vô lý nếu nghi ngờ điều này; trong quân đội Pháp có nhiều sĩ quan có thể chống được vây đánh chính quy ngay dù với quân phòng thủ gồm quân cảnh vệ lưu động
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #42 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2011, 05:57:40 pm »

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐÁNH BẠI QUÂN PHỔ
Đã đăng trên tờ "The Pall Mall Gazette" số 1746, ngày 17 tháng Chín 1870

Sau cuộc chiến tranh ở I-ta-li-a năm 1859, khi mà lực lượng quân sự Pháp đạt tới đỉnh cao nhất của nó, ông hoàng Phổ Phi-đrích- Các-lơ chính là người hiện nay đang thực hiện việc bao vây đạo quân của Ba-den ở Mét-xơ- đã viết một cuốn sách mỏng "Làm thế nào để đánh bại quân Pháp"[64]. Hiện nay, khi mà những lực lượng quân sự khổng lồ của Đức, được tổ chức theo hệ thống của Phổ, đang quét sạch tất cả trên đường đi của chúng, thì người ta bắt đầu tự đặt cho mình câu hỏi: trong tương lai ai sẽ đánh và làm thế nào để đánh bại quân Phổ? Và khi mà cuộc chiến tranh - lúc đầu thì nước Đức chỉ tự vệ chống lại chủ nghĩa chauvinisme[1*] Pháp- rõ ràng đang chuyển một cách dần dần nhưng chắc chắn thành một cuộc chiến tranh vì lợi ích của chủ nghĩa chauvinisme mới của Đức, thì cũng nên xét tới vấn đề đó.

Thượng đế bao giờ cũng đứng về phía các tiểu đoàn lớn - Na-pô-lê-ông trước đây thường thích giải thích như vậy nguyên nhân thua được trong các trận chiến đấu. Và nước Phổ chính đã hành động theo nguyên tắc ấy. Nó đã lo làm sao để có được những "tiểu đoàn lớn". Năm 1807, khi mà Na-pô-lê-ông cấm Phổ không được nuôi một đội quân hơn 40.000 người, thì nó bắt đầu phục viên tân binh sau 6 tháng huấn luyện, và đã gọi những người mới vào thay thế họ; và năm 1813, với một dân số là 4 triệu rưỡi người, nó đã có thể lập được một đội quân thường trực gồm 250.000 người. Về sau, cũng nguyên tắc ấy- nguyên tắc phục vụ ngắn hạn ở trung đoàn và làm hậu bị dài hạn với tư cách những người phải làm nghĩa vụ quân sự- đã được áp dụng một cách đầy đủ hơn, và ngoài ra, nguyên tắc ấy đã được làm cho thích ứng với những nhu cầu của chế độ quân chủ chuyên chế. Người ta giữ họ phục vụ ở trung đoàn tù 2 đến 3 năm, để không những huấn luyện kỹ cho họ về quân sự, mà còn để đào luyện họ một cách nghiêm khắc, dạy cho họ đến mức hoàn hảo việc quen phục tùng một cách vô điều kiện.

Chính đó là chỗ yếu của hệ thống Phổ. Nó phải dung hòa hai nhiệm vụ khác nhau, và rốt cuộc xung khắc nhau. Một mặt, nó có tham vọng biến mỗi một người đàn ông, về thể chất có khả năng phục vụ được, thành một người lính, và có được một quân đội thường trực mà mục đích duy nhất là làm trường học dạy cho các công dân biết cách sử dụng vũ khí, cũng như làm cái hạt nhân mà họ sẽ tập hợp lại ở chung quanh trong trường hợp bị nước ngoài tấn công. Về mặt ấy, hệ thống đó chỉ là một hệ thống thuần túy có tính chất phòng thủ. Nhưng mặt khác, cũng chính quân đội đó phải là chỗ dựa quân sự, là thành trì chủ yếu cho một chính phủ hầu như là quân chủ chuyên chế, nhưng để thực hiện mục đích đó thì cần phải biến trường huấn luyện quân sự cho công dân thành một trường học tuyệt đối phục tùng cấp trên, thành một trường huấn luyện ý thức quân chủ. Chỉ có thể đạt tới được điều đó với một thời hạn phục vụ dài. Chính ở đây đã bộc lộ tính chất không thể điều hòa được của hai nhiệm vụ đó. Chính sách đối ngoại phòng thủ đòi hỏi phải huấn luyện một số lượng lớn trong những thời hạn ngắn, để có thể có được một lực lượng hậu bị đông đảo đề phòng khi bị tấn công tù bên ngoài; còn chính sách đối nội thì lại đòi hỏi phải huấn luyện một số lượng hạn chế trong một thời gian dài hơn, để có được một đội quân chắc chắn để phòng khi nổ ra khởi nghĩa ở trong nước. Chế độ quân chủ hầu như chuyên chế đó đã chọn con đường trung dung. Nó đã giữ người lính tại ngũ trong cả 3 năm, và đã giới hạn số lượng người được gọi nhập ngũ tùy theo phương tiện tài chính của nó. Chế độ nghĩa vụ quân sự phổ thông được ca tụng, trên thực tế không có.Nó biến thành chế độ tuyển mộ, chỉ khác với việc tuyển mộ ở các nước khác là nó cực nhọc hơn. Chế độ tuyển mộ đó tốn kém hơn, thu hút nhiều người hơn, giữ họ ở ngạch hậu bị của quân đội trong một thời kỳ dài hơn là bất cứ một nơi nào. Trong lúc đó thì cái mà lúc ban đầu là nhân dân được vũ trang để tự bảo vệ, thì giờ đây sẽ biến thành một quân đội ngoan ngoãn, sẵn sàng đi tấn công, thành một công cụ phục vụ cho chính trị của tập đoàn thống trị cầm quyền.

Năm 1861, dân số nước Phổ vượt quá 18 triệu một ít, và hàng năm 227.000 thanh niên tới tuổi 20 bị gọi ra phục vụ quân sự. Về thể chất, già một nửa trong bọn họ có thể phục vụ được, nếu như không phải phục vụ ngay, thì cùng lắm cũng chỉ vài năm sau thôi. Nhưng đáng lẽ mỗi năm tuyển vào quân đội 114.000 tân binh thì người ta chỉ gọi không quá 63.000 người vào hàng ngũ quân đội; như vậy, hầu như một nửa dân số nam giới, về thể chất có thể phục vụ quân sự được, đã không được huấn luyện sử dụng vũ khí. Bất cứ một người nào đã đến nước Phổ trong thời gian chiến tranh, chắc cũng đều ngạc nhiên về số lượng rất lớn những thanh niên cứng cáp, khỏe mạnh, từ 20 đến 32 tuổi, đang yên ổn ngồi nhà. Cái trạng thái "tạm thời không có dấu hiệu của sự sống" mà các phóng viên đặc biệt đã nhận thấy ở Phổ trong thời gian chiến tranh, trạng thái đó chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của chính họ mà thôi.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #43 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2011, 05:58:23 pm »

Từ năm 1866, số người hàng năm được gọi nhập ngũ ở Liên đoàn Bắc Đức không vượt quá 93.000, với một dân số là 30.000.000 người. Nếu như lấy tất cả những nam thanh niên, về thể chất có thể phục vụ được, thì ngay cả sau một cuộc chọn lọc nghiêm ngặt nhất về mặt y tế, số lượng của họ ít nhất cũng là 170.000 người. Một mặt, những lợi ích của vương triều, và mặt khác là những nhu cầu tài chính, đã quyết định việc hạn chế số người được gọi nhập ngũ. Quân đội vẫn là một công cụ ngoan ngoãn để thực hiện những mục đích của chế độ chuyên chế ở trong nước và để tiến hành những cuộc chiến tranh ở nước ngoài vì lợi ích của tập đoàn cầm quyền; nhưng tất cả những lực lượng mà quốc gia có trong tay để phòng thủ thì còn xa mới được chuẩn bị để sử dụng.

Tuy vậy, hệ thống đó vẫn có một ưu điểm rất lớn so với chế độ thường trực lỗi thời của những quân đội lớn khác ở lục địa. So với những quân đội ấy thì Phổ đã gọi nhập ngũ một số lính đông gấp hai lần từ một số lượng dân cư tương ứng. Và nó đã biết đào tạo họ thành những người lính tốt nhờ hệ thống của nó, một hệ thống đã làm kiệt quệ những tài năng nguyên của nó, một hệ thống mà nhân dân có lẽ không bao giờ chịu để yên nếu như không có những sự xâm phạm thường xuyên của Lu-i-na-pô-lê-ông đến biên giới vùng Ranh, và nếu như không có sự mong muốn thống nhất nước Đức; mà muốn làm được việc này - như người ta đã nhờ bản năng mà cảm thấy được- thì đội quân đó là một công cụ cần thiết. Nhưng nếu như an ninh của vùng Ranh và sự thống nhất nước Đức được đảm bảo, thì nhất định người ta sẽ không thể chịu đựng được hệ thống quân sự ấy.

Ở đây chúng ta tìm ra được lời giải đáp cho câu hỏi: làm thế nào để đánh bại quân Phổ. Nếu như một quốc gia,: cũng đông như thế, cũng có năng lực, anh dũng và văn minh như thế, thực hiện trên thực tế điều mà ở Phổ chỉ nằm ở trên giấy, nếu như nó biến mỗi một người công dân về thể chất có thể phục vụ được thành một người lính; nếu như quốc gia đó đóng khung thời hạn thực sự phục vụ trong thời bình và thời hạn huấn luyện trong những giới hạn chỉ thực sự cần thiết cho mục đích đó thôi; nếu như nó duy trì một tồ chức cần thiết để bổ sung biên chế trong thời chiến bằng cái phương thức cũng hiệu quả như nước Phổ đã làm trong thời gian gần đây, - thì chúng tôi khẳng định rằng khi ấy, so với nước Đức đã Phổ hóa, nước đó cũng sẽ có một ưu thế to lớn giống như cái ưu thế to lớn của nước Đức đã Phổ hóa so với nước Pháp trong cuộc chiến tranh hiện nay. Theo ý kiến của những người có uy tín bậc nhất ở Phổ (kể cả ông bộ trưởng chiến tranh, tướng Phôn Rôn), thì thời hạn phục vụ 2 năm là hoàn toàn đủ để biến một thanh niên nông thôn thành một người lính tốt. Với sự cho phép của các ngài sĩ quan thông thái rởm của hoàng đế, chúng tôi thậm chí còn muốn khẳng định rằng, đối với đại đa số tân binh thì chỉ 18 tháng- hai đợt mùa hạ và một đợt mùa đông- là đủ. Nhưng thời gian phục vụ chính xác là một vấn đề thứ yếu. Người Phổ, như chúng ta đã thấy, đã đạt được những kết quả tuyệt vời sau sáu tháng phục vụ, hơn nữa họ đã đạt tới kết quả ấy với những người vừa mới thoát khỏi chế độ nông nô. Điều chủ yếu là ở chỗ phải thực sự thi hành nguyên tắc nghĩa vụ quân sự phổ thông.

Và nếu như cuộc chiến tranh sẽ tiếp tục đến tận cùng - điều mà bọn phi-li-xtanh Đức hiện nay đang ủng hộ- tức là cho đến lúc chia cắt nước Pháp, thì chúng ta có thể tin chắc rằng, người Pháp sẽ áp dụng nguyên tắc ấy. Cho đến nay, họ là một dân tộc thượng võ nhưng không phải là một dân tộc quân sự. Họ căm ghét việc phục vụ trong một quân đội như quân đội Pháp, dựa trên một hệ thống thường trực với một thời hạn phục vụ lâu và với một lực lượng hậu bị không lớn lắm đã được huấn luyện. Họ sẽ vui lòng phục vụ trong quân đội với một thời hạn phục vụ thực tế ngắn và lưu lại dài hạn trong lực lượng hậu bị; họ thậm chí sẽ còn làm nhiều hơn nữa, nếu như điều đó cho phép họ có thể rửa được nhục và khôi phục lại sự toàn vẹn của nước Pháp. Và lúc đó, "các tiểu đoàn lớn" sẽ ở về phía nước Pháp, còn kết quả hoạt động của các tiểu đoàn đó chì cũng sẽ giống như trong cuộc chiến tranh hiện nay nếu như nước Đức không thực hiện cũng hệ thống ấy. Nhưng điều khác nhau sẽ như sau: nếu như hệ thống lan-ve của Phổ là một hệ thống tiến bộ so với hệ thống thường trực của Pháp, vì nó rút ngắn thời hạn phục vụ và tăng thêm số người có khả năng bảo vệ đất nước của mình, thì hệ thống mới, hệ thống nghĩa vụ quân sự phổ thông thật sự, cũng vậy: nó sẽ là một bước tiến so với hệ thống của Phổ. Trong thời gian chiến tranh, các lực lượng vũ trang sẽ tăng lên tới những quy mô còn to lớn hơn nữa, nhưng quân đội thời bình thì sẽ ít hơn; mỗi một công dân của đất nước sẽ phải tự chính mình, chứ không phải thông qua một người thay thế, tham gia vào cuộc đấu tranh vũ trang để giải quyết những vụ xung đột giữa những kẻ cầm quyền; công cuộc phòng thủ sẽ trở nên mạnh hơn, còn việc tấn công thì sẽ trở nên một công việc khó khăn hơn và bản thân việc tăng quân đội cuối cùng sẽ dẫn đến việc giảm bớt các chi phí và sẽ biến thành một đảm bảo cho hòa bình.

---------------------------------------------------------------

Chú thích

[1*]. chủ nghĩa sô-vanh

Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #44 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2011, 05:59:12 pm »

XIX
Đã đăng trên tờ "The Pall Mall Gazette" số 1754, ngày 27 tháng Chín 1870

Công sự ở Pa-ri đã chứng tỏ giá trị của nó. Chỉ vì nhờ có nó mà hơn một tuần quân Đức vẫn không thể chiếm được thành phố. Năm 1814 trận chiến đấu kéo dài nửa ngày trên điểm cao Mông-mác-tơ-rơ đã buộc thành phố phải đầu hàng. Năm 1815 nhiều công sự bằng đất được xây dựng hồi đầu chiến dịch đã kìm chân quân địch được một thời gian; nhưng sự chống cự của các công sự này sẽ rất ngắn nếu như quân đồng minh không hoàn toàn tin tưởng rằng thành phố sẽ đầu hàng không qua chiến đấu[65]. Trong cuộc chiến tranh hiện nay, quân Đức chỉ trông đợi ở giới ngoại giao một điều là họ đừng can thiệp vào hoạt động quân sự của chúng. Và những hoạt động quân sự ấy trước trung tuần tháng Chín diễn ra nhanh chóng, mãnh liệt và kiên quyết đã trở thành chậm chạp, do dự, tâtonnante[1*] từ ngày mà các đạo quân Đức tiến vào phạm vi khống chế cửa dinh lũy lớn và Pa-ri. Điều đó hoàn toàn tự nhiên. Chỉ riêng việc bao vây một thành phố lớn như vậy đã đòi hỏi thời gian vô sự thận trọng ngay khi tiếp cận nó với một đạo quân 200.000 hoặc 250.000 người. Thậm chí lực lượng như thế vị tất đủ bao vây thực sự thành phố này từ tất cả các mặt. Mặc dù trong trường hợp này thành phố không có một đạo quân thích hợp với những trận đánh lớn và với hoạt động dã chiến. Tình trạng Pa-ri không có một đạo quân như thế đã được chứng minh một cách hết sức hùng hồn bằng kết quả bi thảm của cuộc xuất kích của tướng Đuy-cơ-rô gần Mơ-đông[66]. Ở đây quân chủ lực đã hành động rõ ràng là tồi hơn quân vệ binh quốc gia, họ đã thực sự "tháo chạy", dẫn đầu là lính du-a-vơ nồi tiếng. Điều đó rất dễ giải thích. Cựu binh chủ yếu là binh sĩ của các quân đoàn Mác-ma-hông, Đơ Phai-i và Phê-lích Du-ê đã chiến đấu ở Vuếc-thơ, họ đã hoàn toàn mất tinh thần do hai cuộc rút lui tai họa và 6 tuần lễ liên tục thất bại; hoàn toàn tự nhiên là những điều kiện ấy ảnh hưởng đặc biệt mạnh mẽ đến lính đánh thuê vì rằng lính du-a-vơ chủ yếu gồm những người đi lính thay cho những người bị gọi nhập ngũ, họ không đáng có một tên gọi khác. Người ta hy vọng dùng những người như thế để đem lại tinh thần bất khuất cho tân binh chưa được huấn luyện bị bồ sung vào các tiểu đoàn chủ lực đã bị sứt mẻ. Sau sự kiện ấy, có thể chờ đợi những cuộc xuất kích nhỏ có thể thắng lợi ở nơi nào đó, nhưng chưa chắc sẽ có những trận đánh ở địa hình trống trải.

Thêm nữa, quân Đức khẳng định rằng pháo của họ khống chế Pa-ri từ những điểm cao gần Xô, nhưng không thể tin vào lời nói đó. Nhưng điểm cao gần nhất mà họ có thể bố trí bất cứ đơn vị pháo nào ở phía trên Phông-ten-ô-rô-dơ đều cách pháo đài Van gần 1.500 mét do đó cách trung tâm thành phố đến 8.000 mét hoặc 8.700 i-ác-đơ. Quân Đức không có pháo dã chiến mạnh hơn cái gọi là pháo nòng có rãnh 6 phun (đạn nặng chừng 15 phun), mà dù họ có pháo nòng có rãnh 12 phun với đạn nặng 32 phun thì tầm bắn xa nhất của pháo này cũng không vượt 4.500- 5.000 mét theo góc bắn mà càng pháo cho phép. Do đó lời khoác lác như thế chắc chắn không dọa được người Pa-ri. Chừng nào mà ít ra hai pháo đài chưa bị chiếm thì Pa-ri chẳng sợ gì bị pháo kích, nhưng , ngay cả khi đó thì đạn pháo cũng rất tản mạn trên diện tích rộng của thành phố nên tổn thất sẽ tương đối nhỏ, còn như ảnh hưởng về tinh thần thì hầu như bằng số không. Ta hãy xem, để đánh Xtơ-ra-xbua người ta đã sử dụng một khối lượng pháo lớn như thế nào, thế thì để buộc Pa-ri phải đầu hàng, người ta cần phải có nhiều pháo hơn gấp bao nhiêu nữa cho dù chúng ta chú ý rằng cuộc tấn công chính quy dựa vào hào song song đương nhiên chỉ hạn chế ở một đoạn nhỏ của công sự cứ điểm? Chừng nào mà quân Đức chưa thể tập trung được vào ngay sát Pa-ri tất cả pháo binh ấy với đạn dược và tất cả vật tư cần thiết khác thì chừng đó Pa-ri còn an toàn. Chỉ khi nào tất cả các phương tiện vây đánh đã chuẩn bị xong thì mới xuất hiện sự nguy hiểm thật sự.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #45 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2011, 05:59:48 pm »

Bây giờ chúng ta thấy rõ rằng công sự của Pa-ri có sức mạnh to lớn như thế nào. Nếu như cộng thêm vào sức mạnh thụ động ấy vào cái lực lượng chỉ đơn thuần có đề kháng thôi ấy, sức mạnh tích cực tức lực lượng tấn công của quân đội chân chính thì ý nghĩa của công sự sẽ tăng lên ngay tức khắc. Trong khi quân vây đánh không tránh khỏi bị sông Xen và Mác-nơ chia cắt ít ra thành ba cụm độc lập không thể liên lạc với nhau bằng cách nào khác hơn là những chiếc cầu xây dựng ở phía sau trận địa của họ, tức là chỉ có thể liên lạc với nhau bằng đường vòng mất nhiều thời gian, thì chủ lực của quân đội Pa-ri có thể dùng lực lượng ưu thế tùy ý tấn công bất cứ cụm nào trong ba cụm ấy, gây cho chúng thiệt hại, phá hoại bất cứ công sự nào được bắt đầu xây dựng và rút lui dưới sự yểm trợ của các pháo đài trước khi viện binh của quân bao vây tới. Nếu quân hiện có ở Pa-ri không quá yếu so với lực lượng vây đánh thì nó có thể làm cho việc vây kín cứ điểm không thể thực hiện được hoặc có thể chọc thủng vòng vây bất cứ lúc nào. Việc bao vây kín một cứ điểm bị vây là cần thiết đến mức nào nếu cứ điểm ấy có thể nhận viện binh từ bên ngoài, điều đó có thể thấy được qua ví dụ Xê-va-xtô-pôn, ở đây cuộc bao vây bị kéo dài chỉ vì viện binh của Nga thường xuyên đến được qua khu bắc cứ điểm mà lối vào chỉ bị cắt đứt vào phút cuối cùng. Chiến sự ở Pa-ri càng phát triển thì càng thấy rõ sự khinh suất hoàn toàn của các tướng lĩnh của Na-pô-lê-ông trong cuộc chiến tranh này, vì sự khinh suất ấy mà hai đạo quân đã bị hy sinh, còn Pa-ri bị bỏ lại không có phương tiện chủ yếu để bảo vệ, không có lực lượng có thể tấn công để đánh trả tấn công.

Còn như việc cung cấp lương thực cho một thành phố lớn như vậy thì chúng tôi thấy dường như thậm chí lại ít khó khăn hơn so với các cứ điểm nhỏ hơn khi bị vây. Một thủ đô như Pa-ri không những có tổ chức thương nghiệp tốt để cung cấp lương thực cho mình bất cứ lúc nào mà còn vừa là thị trường chính và vừa là khu vực kho tàng mà người ta đem nông phẩm của một vùng rộng lôn đến đây trao đổi. Lợi dụng những điều kiện thuận lợi ấy, một chính phủ tích cực có thể dễ dàng thi hành những biện pháp để chuẩn bị dồi dào dự trữ cho suốt thời gian bị vây lâu trung bình. Chúng tôi không thể phán đoán người ta có làm việc đó hay không nhưng chúng tôi không thấy nguyên nhân khiến cho việc ấy không thể làm được, mà hơn nữa lại làm một cách nhanh chóng.

Dù sao, nếu cuộc chiến đấu sẽ tiếp tục "đến cùng" như chúng tôi nghe người ta nói hiện nay, thì sau khi các hoạt động vây đánh, bắt đầu cuộc chống cự chắc sẽ không dài. Lớp đá bao ngoài của các e-xcác-pChú thích

[1*]. rụt rè, tiến hành một cách dò dẫm

[2*]. escarpe: bờ dốc lòng của hào.

Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #46 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2011, 06:00:23 pm »

TIN TỨC VỀ ĐÀM PHÁN[67]
Đã đăng trên tờ "The Pall Mall Gazette" số 1758, ngày 1 tháng Mười 1870

Chúng tôi hoàn toàn cho rằng tin tức về đàm phán mà chúng tôi chuyển tới bạn đọc hôm qua theo giả thuyết mà ông Giuy-lơ Pha-vrơ đưa ra là phù hợp với thực tế, đương nhiên trừ những sai lầm nhỏ như nói rằng hình như Bi-xmác định thôn tính Mét-xơ, Sa-tô-sa-lanh và "Xu-át-xông". Rõ ràng là ông Pha-vrơ không hiểu vị trí địa lý của Xu-át-xông. Bá tước đã nói về Xác-bua, một địa điểm như người ta đã chỉ ra từ lâu nằm trong phạm vi đường biên giới chiến lược mới trong khi Xu-át-xông ở xa giới tuyến ấy như Pa-ri hoặc Tơ-roay-ơ. Thuật lại cuộc hội đàm ấy, có lẽ ông Pha-vrơ đã chuyển đạt không hoàn toàn chính xác một số từ.

Nhưng khi ông đưa tin về các sự việc mà báo chí bán chính thức của Phổ bác bỏ thì châu Âu trung lập thường hay thích tin vào lời ông hơn. Vì vậy nếu ở Béc-lin hiện nay người ta tranh cãi về lời tuyên bố của ông Pha-vrơ về đề nghị nộp Môn-va-lê-ri-en thì rất ít người tin rằng ông Pha-vrơ bịa đặt ra điều đó hoặc hoàn toàn hiểu sai ý của bá tước Bi-xmác. Tin tức mà ông Pha-vrơ thông báo chứng tỏ rõ rằng ông hiểu tình hình thực tế kém như thế nào và quan niệm của ông về tình hình ấy lộn xộn và mơ hồ như thế nào. Ông đến để đàm phán về ngừng bắn, một cuộc ngừng bắn phải đưa đến hòa bình. Chúng tôi vui lòng tha thứ cho giả định của ông cho rằng Pháp vẫn còn có thể buộc kẻ thù từ bỏ mọi tham vọng cắt nhượng lãnh thổ; nhưng thật rất khó nói ông hy vọng đạt được đình chiến theo những điều kiện nào. Điều khoản mà rút cục người Đức đòi kỳ được là sự đầu hàng của Xtơ-ra-xbua, Tun và Véc-đen, mà hơn thế nữa quân đồn trú ở đó phải trở thành tù binh. Về sự đầu hàng của Tun và Véc-đen thì dường như đã đồng ý trên chừng mực nào đó. Nhưng Xtơ-ra-xbua? Yêu cầu ấy đã bị ông Pha-vrơ coi như là một sự nhục mạ thực sự:
"Thưa bá tước, Ngài quên rằng Ngài đang nói chuyện với người Pháp. Hy sinh đội quân phòng thủ anh dũng đã được toàn thế giới, đặc biệt là chúng tôi, khâm phục, là một sự hèn nhát và tôi không hứa với Ngài sẽ báo tin rằng Ngài đã đưa ra cho chúng lôi một đề nghị như thế".

Chúng ta thấy rằng câu trà lời ấy ít xét tới tình hình thực tế đến mức nào, chúng ta chỉ thấy trong đó sự bùng cháy của tình cảm yêu nước. Vì ở Pa-ri tình cảm này quả thực hết sức mãnh liệt nên đương nhiên lúc này không thể không tính đến nó; nhưng cũng phải cân nhắc kỹ những thực tế hiện nay. Xtơ-ra-xbua đã bị vây đánh chính quy khá lâu do đó có thể tin chắc rằng nó sắp sửa thất thủ. Một cứ điểm bị vây đánh chính quy có thể chống cự một thời gian nhất định; nhờ dốc hết sức mình nó thậm chí có thể kéo dài cuộc phòng thủ thêm mấy ngày; nhưng nếu quân đội không đến cứu viện nó thì có thể rút ra một cách chuẩn xác như toán học kết luận về sự thất thủ tất yếu của nó. Tơ-rô-suy và các nhà công trình quân sự cao cấp ở Pa-ri biết đặc biệt rõ ràng điều đó; họ biết rằng không chỗ nào có quân đội đi cứu viện Xtơ ra-xbua, thế mà Giuy-lơ Pha-vrơ, đồng sự của Tơ-rô-suy trong chính phủ dường như lại không chú ý đến tất cả cái đó. Điều duy nhất mà ông ta thấy trong yêu cầu đòi Xtơ-ra-xbua đầu hàng là sự nhục mạ đối với bản thân, đối với đội quân phòng thủ Xtơ-ra-xbua và nhân dân Pháp. Nhưng đương sự chính - tướng U-rích và đội quân phòng thủ của ông- không nghi ngờ gì hết đã làm đầy đủ để bảo vệ danh dự của mình. Nếu như bằng cách tránh cho họ mấy ngày cuối cùng của cuộc chiến đấu hoàn toàn tuyệt vọng mà có thể làm tăng thêm triển vọng mong manh về cứu vãn nước Pháp thì đối với họ đấy không phải là sự nhục mạ mà là một phần thưởng hoàn toàn xứng đáng. Không nghi ngờ gì hết, tướng U-rích thà đầu hàng theo lệnh của chính phủ để đổi lấy sự nhượng bộ ngang nhau của phía địch hơn là đầu hàng dưới sự đe dọa công kích cường tập và không có sự đền bù gì cả.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #47 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2011, 06:00:52 pm »

Trong thời gian ấy Tun và Xtơ-ra-xbua thất thủ, còn Véc-đen, chừng nào Mét-xơ còn đứng vững, thì hoàn toàn không có ích gì về quân sự đối với quân Đức. Vì vậy tuy không có sự đồng ý ngừng bắn, quân Đức đã giành được hầu như tất cả những cái mà Bi -xmác đã mặc cả với Giuy-lơ Pha-vrơ. Như vậy, tựa hồ như chưa bao giờ có kẻ chiến thắng đề nghị ngừng bắn với những điều kiện ôn hòa và rộng lượng hơn và cũng chưa bao giờ có kẻ bại trận bác bỏ những điều kiện ấy một cách phi lý hơn. Trong cuộc đàm phán ấy, Giuy-lơ Pha-vrơ đương nhiên không tỏ ra xuất sắc về mặt trí tuệ, mặc dù ông ta dường như có bản năng khá chuẩn xác; nhưng Bi -xmác lại đóng vai trò mới là kẻ chiến thắng rộng lượng. Đề nghị của Đức theo như ông Pha-vrơ hiểu là hết sức có lợi và nếu như nó chỉ là cái mà Pha-vrơ nghĩ tới thì nên tiếp nhận tức thời. Nhưng đề nghị ấy chứa đựng một cái gì đó nhiều hơn là Pha-vrơ nhìn thấy trong đó.

Giữa hai quân đội ở địa hình trống trải, vấn đề ký kết đình chiến được giải quyết một cách dễ dàng. Người ta xác lập giới tuyến,- một giải đất trung lập giữa hai bên tham chiến chẳng hạn- thế là vấn đề được giải quyết xong xuôi. Nhưng ở đây trên địa hình trống trải chỉ có một quân đội; quân đội kia tuy vẫn tồn tại nhưng bị giam chặt trong những cứ điểm ít nhiều đều bị bao vây. Tất cả những cứ điểm ấy sẽ ra sao? Địa vị của chúng khi đình chiến ra sao? Bi -xmác cố im lặng lơ đi tất cà những điều đó: Nếu như ký kết đình chiến hai tuần và trong đó không nói gì đến những thành phố ấy thì đương nhiên ngoài việc tiến hành hoạt động quân sự chống lại những đội quân phòng thủ và công sự ra, phải duy trì status quo[1*]. Như vậy Bi-trơ, Mét-xơ, Phan-xbua, Pa-ri và ai biết được bao nhiêu cứ điểm khác vẫn bị bao vây và cắt đứt mọi tiếp tế và liên lạc như trước; những người ở trong đó vẫn tiếp tục tiêu hao dự trữ lương thực của mình như không có đình chiến gì cả, do đó đình chiến sẽ đem lại cho bên vây đánh những kết quả hầu như cũng giống tiếp tục tác chiến. Chẳng những thế, thậm chí có thể xảy ra tình trạng là trong thời gian đình chiến một hoặc mấy cứ điểm trong số ấy dùng cạn dự trữ và buộc phải lập tức đầu hàng quân bao vây họ để khỏi chết đói Do đó thấy rằng bá tước Bi -xmác quỷ quyệt bao giờ cũng định lợi dụng đình chiến để buộc các cứ điểm của địch đầu hàng. Đương nhiên nếu như cuộc đàm phán tiếp tục và đưa tới chỗ dự thảo hiệp định thì bộ tham mưu Pháp sẽ phát hiện được điều đó và tất cũng đưa ra những yêu cầu về các thành phố bị bao vây khiến toàn bộ mưu đồ ấy chắc sẽ bị thất bại. Nhưng về phía mình ông Giuy-lơ Pha-vrơ có trách nhiệm phải nghiên cứu kỹ càng đến nơi đến chốn đề nghị của Bi-xmác và bóc trần âm mưu sâu kín của ông ta. Nếu ông Giuy-lơ Pha-vrơ đưa ra câu hỏi rằng trong thời gian đình chiến địa vị của các thành phố bị bao vây sẽ ra sao thì ông sẽ không tạo cho bá tước Bi -xmác cơ hội trưng ra trước tất cả mọi người sự rộng lượng giả dối của ông ta mà ông Giuy-lơ Pha-vrơ không thể vạch trần được, tuy rằng việc đó chẳng khó khăn gì. Đáng lẽ làm việc đó thì ông lại nồi nóng trước yêu sách đòi Xtơ ra-xbua phải đầu hàng và giao nộp đội quân phòng thủ làm tù binh khiến cho toàn thế giới thấy rõ rằng thậm chí sau những bài học xót xa của hai tháng gần đây người đại biểu của Chính phủ Pháp vẫn không đánh giá nổi tình hình thực tế vì rằng ông ta vẫn còn ờ sous la domination de la phrase[2*].

--------------------------------------------------------------------------

Chú thích

[1*]. hiện trạng

[2*]. dưới sự chi phối của câu chữ

Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #48 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2011, 06:01:28 pm »

XX
Đã đăng trên tờ "The Pall Mall Gazette" số 1759, ngày 3 tháng Mười 1870

Ngay cả sau những sai lầm không tài nào hiểu được, những sai lầm đã dẫn tới chỗ quân đội Pháp bị tiêu diệt trên thực tế, điều làm người ta ngạc nhiên là nước Pháp thực ra đã bị kẻ chiến thắng chế ngự, tuy chúng mới chiếm được một phần tám lãnh thổ Pháp. Bộ phận đất nước thực sự bị quân Đức chiếm chỉ bó hẹp ở tuyến đi từ Xtơ-ra-xbua đến Véc-xây và từ Véc-xây đến Xê-đăng. Bên trong dải đất hẹp này quân Pháp còn giữ các cứ điểm Pa-ri, Mét-xơ, Mông-mê-đi, Véc-đen, Ti-ôn-vin, Bi-trơ và Pban-xbua. Việc theo dõi, bao vây hoặc vây đánh những cứ điểm đó đã cuốn hút hầu như toàn bộ lực lượng được đưa sang Pháp cho tới nay. Có thể quân Đức còn đủ kỵ binh để quét sạch địch khỏi khu vực xung quanh Pa-ri đến Oóc-lê-ăng, Ru-ăng và A-mi-en, thậm chí xa hơn nữa; nhưng hiện nay không thể nghĩ đến chuyện chiếm đóng một khu vực thực sự rộng lớn nào. Đúng là ở An-da-xơ, về phía nam Xtơ-ra-xbua, hiện có chừng 40.000 hoặc 50.000 quân lan-ve và số quân của đạo quân này có thể tăng hầu như gấp đôi sau khi hội quân với đại bộ phận quân đoàn vây đánh từ Xtơ-ra-xbua kéo đến. Hình như những đơn vị này được dùng để tiến về miền Nam nước Pháp; người ta khẳng định rằng chúng nhất định sẽ tiến về Ben-pho, Bơ-dăng-xông và Li-ông. Cả ba cứ điểm này đều là dinh lũy lớn có lô-cốt độc lập ở khá xa tường chính của cứ điểm; việc vây đánh thậm chí phong tỏa chặt cả ba cứ điềm ấy cùng một lúc đòi hỏi phải có binh lực lớn hơn binh lực của đạo quân này. Vì vậy chúng tôi tin rằng lời khẳng định ấy được truyền bá chỉ thuần túy để đánh lạc sự chú ý và đạo quân mới của Đức chỉ có sự chú ý tối thiểu đối với những cứ điểm ấy; nó sẽ tiến vào thung lũng sông Xô-na, vào vùng phì nhiêu nhất của Buốc-gun-đi, tàn phá vùng này rồi tiến về sông Loa-rơ để bắt liên lạc với quân bao vây Pa-ri và tùy tình hình mà hoạt động. Nhưng ngay cà binh lực lớn đó khi chưa liên lạc trực tiếp được với đạo quân ở Pa-ri, một sự liên lạc cho phép nó không cần đến sự liên lạc trực tiếp và độc lập với vùng Ranh, cũng chỉ có thể sừ dụng vào tập kích chứ không thể khống chế một vùng rộng lớn. Vì vậy hoạt động của nó trong mấy tuần sắp tới sẽ không làm tăng thêm phần lãnh thổ Pháp bị quân Đức chiếm lĩnh thực tế, phần này vẫn chỉ bó hẹp ở một phần tám toàn bộ lãnh thổ Pháp như trước kia; song dù sao nước Pháp cũng đã bị chiếm trên thực tế, mặc dù nó không muốn thừa nhận điều đó. Làm thế nào mà điều đó có thể là như vậy?

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng đó là sự tập trung quá đáng trong toàn bộ hệ thống quản lý, đặc biệt là hệ thống quản lý quân sự ở Pháp. Cho đến gần đây nước Pháp còn chia thành 23 quân khu vì mục đích quân sự, mỗi quân khu ấy, trong chừng mực có thể, có đội quân đồn trú gồm một sư đoàn bộ binh với kỵ binh và pháo binh. Giữa các viên chỉ huy các sư đoàn ấy và bộ trưởng bộ lục quân không có khâu trung gian. Ngoài ra những sư đoàn ấy là tổ chức thuần túy hành chính chứ không phải tổ chức chiến đấu. Người ta không trù định biên chế các trung đoàn thuộc các sư đoàn này thành lữ đoàn trong thời chiến; thời bình chúng chỉ thuộc quyền cùng một viên tướng về mặt kỷ luật. Trong trường hợp có nguy cơ chiến tranh, người ta có thể đưa vào những quân đoàn, sư đoàn hoặc lữ đoàn hoàn toàn khác nhau. Hoàn toàn không có bộ tư lệnh sư đoàn, trừ cơ quan làm chức năng hành chính hoặc giúp việc cho cá nhân viên tướng chỉ huy.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #49 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2011, 06:02:01 pm »

Dưới thời Lui-Na-pô-lê-ông, 23 sư đoàn ấy được biên chế thành 6 quân đoàn, mỗi quân đoàn do một nguyên soái nước Pháp chỉ huy. Nhưng các quân đoàn này cũng như các sư đoàn nói trên không phải là những đơn vị cố định để đề phòng chiến tranh. Chúng được tổ chức ra vì mục đích chính trị chứ không phải vì mục đích quân Chú thích

[1*]. "Sự nguy hiểm bắt đầu từ chỗ mà sông Ranh xa rời chúng ta"

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM