Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 12:38:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đất trời  (Đọc 45624 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #30 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2011, 10:28:31 am »

Hãn đoán chừng đó có lẽ là một phần ba lực lượng của Lợi.  Sau, Hãn biết là mình nhầm.  Gần như đó là toàn bộ chiến binh Lam Sơn. 

Trước hôm chia tay, Lợi tìm Trãi kéo ra một góc đồi.  Lợi hỏi, giọng thành khẩn :
   
-  Tôi nghe Trí Viễn nói ông có sách Bình Ngô, có mang theo không ?

Trãi ngần ngừ, tay chỉ vào đầu, mỉm cười :

-  Sách tôi không mang theo, nhưng vẫn nhớ …

- Thế thì xin ông chỉ giáo cho chúng tôi là bọn nhà nông mông muội.  Thật tình, giặc bắt bức, tôi nhún mãi nhưng chúng cứ xấn tới lột thóc, lột lúa.  Không nhún được mãi, tôi mới kéo người nhà vào Lam Sơn chứ có phải có ý đồ to lớn gì đâu...

Buổi tối cuối cùng ở Lam Sơn, Trãi mới có dịp chuyện trò với Viễn. Nay, Viễn đã đưa toàn bộ vợ con vào ở Hà Tĩnh. Hai năm qua, Viễn lại đẻ thêm hai đứa, trề môi khoe là toàn con trai. Kéo được dăm chục dân đinh, Viễn dậy võ cho họ. Ðến khi có biến ở Mường Yên, Viễn kéo đồng bọn về ra mắt Lê Lợi và xin sát nhập vào nghĩa quân, hiện là phó tướng dưới quyền Lưu nhân Chú.

Bữa tiệc chia tay, Trãi xin với Lợi cho Viễn tham dự.  Ðến cuối tiệc, Lợi trân trọng mời Trãi nói về Bình Ngô sách.  Uống được một vài chén rượu, Trãi nhấp giọng, rồi mạnh bạo :
   
- Nhà Minh thâm hiểm, cướp nước ta, chia châu, đặt huyện, thay đổi phong tục bắt để răng trắng, bím tóc dài, biến người ta thành người Ngô. Hoạn loạn đã đến tột cùng, dân ta gan óc lầy đất, xã tắc thành gò cho thỏ chui cáo chạy, làng mạc hoang phế hóa ra bãi hoang cho chim đỗ, rừng rậm cho hổ beo trấn ngự.  Hoạn loạn tột cùng thì trịï bình ắt tới, đó là vận hành của trời, hanh thông của thời.  Thiên thời ở một chữ Tâm, lấy gậy làm cờ thì nhân tâm là gió để phất.  Nhân nghĩa càng sâu, ảnh hưởng càng xa, không đánh cũng thắng, vận hội bắt đầu xoay vần... Bình Ngô dựa vào sách Tâm công. Ðầu tiên là Nhân Nghĩa. Giặc lấy hung tàn, ta dùng đạo nghĩa. Việc nhân nghĩa cốt để yên dân… 
   
Ngồi cạnh, Hãn nhìn phản ứng  chung quanh, lẳng lặng bấm tay Trãi. Trừ Lợi và Linh nghe chăm chú, đám võ biền ngơ ngác rồi tiếp tục ngồm ngoàm đánh chén.  Ðợi cho Trãi  dứt lời, Ðinh Lễ là em cô cậu của Lợi, tợp một ngụm rượu rồi ồm ồm hỏi :
   
- Ừ thì Tâm công, nhưng cũng cần đại đao mã tấu để mà chém giặc chứ.  Ông chỉ rao nhân nghĩa có đuổi được chúng đi không ?

Bọn Lê Vấn, Lê Ngân, Lê Sát... được thể cũng nhao nhao lên mỗi người một tiếng.  Sát cùng tuổi nhưng thuộc hàng cháu Lợi, cao giọng :
   
- Ông người Kinh lộ có học, nhưng  hiểu thì ông chỉ hiểu chút ít về đám lê dân chúng tôi xưa nay có chữ nghĩa gì đâu. Bảo với hàng dân là tâm công, không đánh cũng thắng,  thì người ta gọi thế là đánh giặc bằng nước bọt nước giãi, chẳng có ai tin theo đâu...

Trãi giật mình thót bụng. Những điều chàng tin không hiển nhiên như chàng nghĩ. Hồi tưởng buổi gặp Hãn và Xảo ở phường Yên Hoa, Trãi nhớ lại thái độ có chút ngờ vực của cả hai người vốn chẳng phải là hạng tầm thường.  Nhìn cách hành xử của đám võ tướng Lam Sơn, Trãi thấy thật rõ cái khoảng cách giữa mình và họ. Lợi có vẻ ngượng ngùng, khoác vai Trãi đứng dậy rồi kéo ra. Khinh khỉnh, Sát nâng chén quay về phía Ngân và Lễ, hô to ‘‘Cạn chén nào, bất chiến tắc thắng cũng như không uống mà say. Nước lã là rượu, anh em ơi ! ’’. Cả bọn lăn ra cười ngả cười nghiêng.  Nhìn Lễ khạc nhổ phì phì, Hãn phá lên cười, lôi Viễn đứng dậy.  Khi ra đến cửa, Hãn quay đầu nói với lại :
   
- Kính chào chư vị !  Chư vị cứ uống, hễ say là thế nào giặc cũng sợ.  Say rồi nói tục, thế nào giặc cũng hãi.  Nói ngông, nói cuồng không còn phép tắc, thế nào giặc cũng chạy. Sách ấy gọi là tửu công, uống đến nôn mửa ra là bách chiến bách thắng, ha ha ha...
   
Ngoài hàng hiên, Trãi mặt trắng bệch nghếch mắt ngó lũ võ biền bò lăn bò càng trên chiếu rượu. Hãn ghé vào tai Trãi thì thào ‘‘... Dám là bà Chúa lỡm anh em mình thật ! ’’ rồi bước xuống chân nhà sàn. Viễn đã đứng chờ, nét bực bội hiện trên mặt.  Lợi bước theo, nắm tay Trãi, ngập ngừng :

- Ông bỏ qua cho họ.  Họ là những người chất phác, nghĩ gì nói nấy.  Cứ gặp người Kinh là họ sợ bị phỉnh bị gạt, nên họ nghĩ  ông lỡm họ không chừng !

Không về ngay Mường Một với Hãn, Trãi ngược ra Hoa Lư đi tìm Ðạo Khiêm đã bặt mất tin từ lâu.  Ngồi chống con đò lắc lư cạnh bờ, Trãi ngửng lên.  Vòm lá trên đầu xanh mởn buổi đầu xuân đu đưa trì kéo bóng cây trong dòng nước lơ lửng khoan thai trôi về cuối ngạn.  Vút cao trước mắt, triền núi chót vót không thấy ngọn ưỡn lên với lấy khoảnh trời trong vắt.
Nhà đò vạch bụi ló ra tươi cười :
   
- Nhà cháu hỏi được rồi, ông ạ.  Chùa Thiện Chính còn ở tít trong, chống thêm nửa ngày mới đến.  Nhìn trời, nhà đò lẩm bẩm - Xuôi gió, chắc vào giờ Mùi thì là tới thôi...
   
Trãi giúp đẩy con đò tròng trành ra giữa dòng.  Ðứng đầu mũi, nhà đò chống rồi đẩy, mắt hấp háy nắng chói.
   
-  Nhà đò có mấy cháu ?
   
-  Dạ, sáu.  Hai trai, bốn gái.
 
-  Các cháu lớn chưa ?

- Con gái đầu năm nay mười lăm.  Ðứa út thì lên năm, thưa ông.
   
-  Ðông con, chắc vất vả nhỉ ?

-  Nhà cháu làm đồng, xong lại đánh cá.  Nhờ trời, cái ăn không đủ nhưng chưa đến nỗi đói mà chết.  Năm nay con bé lớn đi lấy chồng, đỡ một miệng nhưng lại thêm
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #31 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2011, 10:29:50 am »

Ðổi câu chuyện, Trãi dè dặt :
   
-  Ở vùng này có yên không bác ?
   
-  Trừ cuối vụ khi quan quân từ đồn Ninh Hạ đến thu thuế, còn lại thì cũng yên...

-  Khi thu thuế thì sao ?

-  Hàng dân giấu thóc, giấu tơ.  Quan quân thì khám, rồi thu.  Không thóc, không tơ phải nộp tiền.  Không tiền thì tra khảo đánh đập đốt nhà phá cửa...  Hoặc bắt phu dịch, đi mò châu, săn voi, bắt gấu.  Cứ đến cuối vụ là hàng dân ẩn vào rừng sâu, núi cao...  Trong rừng có giấu cung nỏ dao kiếm.  Vào lùng bắt thì phải chống lại, năm nào cũng có người tử thương.
Chép miệng, Trãi hỏi :

-  Giờ thì thế, nhưng trước thì sao ?

- Thời tiền triều nhà Hồ có đỡ hơn một chút, nhưng lại bị nạn bắt lính !  Nhà cháu cũng xung quân đấy chứ.  Bị vây ở Lỗi Giang, lính chúng cháu hỏi nhau liều chết mà đánh giặc Ngô để làm gì ?
   
- ...

-  Có đứa bảo, non sông mình thì mình phải giữ.  Ðứa khác chửi rồi hỏi mày có giữ thì giữ cho ai, chứ chẳng phải mày giữ cho mày.  Giữ thì mày được gì ?  Còn non sông thì vẫn đó, giặc nó có lấp sông dời núi đâu...  Thế là mười phần bỏ chạy đến chín !

Trãi chợt nhớ một câu chuyện trên đường ra Phá Lũy năm xưa. Trước sự thất bại quá nhanh của nhà Hồ, Trãi lân la hỏi gần hỏi xa, chuyện trò với một anh thợ rèn. Anh ta bảo từ khi Quí Ly  lên ngôi vua thì anh ta phải nung chuông đổ sắt, rèn gấp đôi, toàn là đao kiếm cho triều đình.  Trước, anh nuôi được vợ con.  Sau, anh chỉ nuôi được con, vợ phải đi ở đợ.  Ðến khi quân Minh qua, anh ta bị bắt lính.  Anh nghĩ, đánh nhau mà thắng thì lại tiếp tục rèn gấp đôi, chỉ nuôi được con, vợ vẫn đi ở đợ. Thôi thì  vua quan nào cũng được, miễn là cho sống thì vua quan người Ngô hay người Việt cũng thế. Vậy thì thua, thua cho nhanh là thượng sách. Bạc là dân, bất nhân là lính ? Trãi thầm hỏi. Không.  Không phải là dân bạc.  Bắt họ sống chết bảo vệ cho vua quan là những kẻ đẩy họ vào cảnh khốn khổ ư ?  Dùng lời lẽ hão huyền những là tự do với độc lập, rồi sau đó lại sưu cao thuế nặng, lại nô lại dịch thì thử hỏi ai bạc hơn ai ?
Nhìn nhà đò, Trãi chậm rãi :

- Không lấp sông dời núi, nhưng nay giặc bắt mình làm tôi mọi, cấm búi tóc, vấn khăn, nhuộm răng, mặc váy...

Nhà đò nhìn Trãi, vẻ ngạc nhiên nhưng chỉ hềnh hệch cười :

- Úi dào, thì có thế thật.  Nhưng thưa ông, chỉ vậy thì không sợ.

Trãi gặng :
   
- Thế thì sợ gì ?

- Sợ nhất vẫn là sợ đói, mà đói thì vì sưu cao thuế nặng.  Năm đầu giặc chiếm đóng, hàng dân nói với thổ quan xin giảm thuế là theo, còn chống là chuyện của mấy ông đồ nho lắm chữ lắm nghĩa.  Nhưng sau, sưu thuế cứ tăng dần, bọn thổ quan thổ binh đè đầu bóp cổ, nhũng nhiễu đến không sống được.  Ở Mường Thôi, người ‘‘ trại ’’ chống thuế đào hào đắp lũy.  Rồi Mường Nanh cũng bắt chước nổi dậy...  Sắp loạn, mà loạn to đấy.  Nhà cháu nghe nói ở châu Ngọc Ma, quan quân nhà Minh bị đánh tan tác, không biết có phải không ?

Trãi giả tảng không nghe, quay đầu nhìn lên triền núi. Từ vách đá, dẫu chỉ có chút đất cằn, những nhánh cây khẳng khiu vẫn đâm ra ngạo nghễ chọc ngang trời.  Sự sống, điều huyền diệu tự biện minh cho tất cả.  Chết vì non sông gấm vóc, vì trung quân ái quốc chỉ thuần từ miệng lưỡi thêu vẽ huyễn hoặc.  Ðó là bài học Trãi thấm thía nhờ bác nhà đò và anh thợ rèn. Và nghĩ lại, cái sách Tâm công như  Trãi trình bầy với đám võ biền Lam Sơn không một mảy may thuyết phục vì đúng nó cũng chỉ  là ngôn từ. Nhưng Trãi vẫn băn khoăn. Thế thì những con người bình thường kia có thể chết cho cái gì ?  Ðộng lực nào khiến họ dấn thân chấp nhận mang đời mình ra đánh đổi ?
 
Ðể sống ! 

Liều chết để tìm ra đường sống ? Có thể lắm.  Nhưng nếu không chỉ phát xuất từ bản năng mà là một chọn lựa bó buộc thì  liều chết để tìm ra đường sống lại là nghịch biện oái oăm và thê thảm nhất của loài người. Từ khi nghĩ ra điều đó, mọi chủ đề trong Bình Ngô sách sau viết lại đều dựa trên nền tảng sự sống.  Cho một tập thể của những con người có thật. Tức là những con người biết sợ đói và tìm cách tồn tại sống còn với mọi quyền lực.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #32 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2011, 10:30:53 am »

Chùa Thiện Chính, lửng lơ giữa trời và đất, mang dáng dấp nửa thiên tiên nửa phàm tục.  Từ bờ sông, lên một dốc núi vây quanh chỉ có vách và vực.  Cây cao nhìn xuống thấy thân mà không thấy gốc, um tùm lấn mọc đến tận rìa núi chênh vênh.  Chùa gồm năm gian, chĩa xòe ra như trạm trổ vào lòng đất một mỏm núi chót vót, ngạo nghễ nhìn ra dòng sông Mã quanh co tít tắp chân mây.  Sân chùa vắt vẻo giữa hai hàng bạch đàn, phía trước là một phiến đá bằng phẳng óng ánh nhô ra vực núi sâu hoắm nhìn xuống mà chột dạ.
   
Vạch cây leo lên đến cổng chùa, Trãi nhờ một chú tiểu vào thông báo. Lát sau, Ðạo Khiêm thủng thẳng bước ra, miệng reo :
   
- Thí chủ !  Cái hẹn trên đường về xuôi từ ải Phá Lũy thế mà đã quá mười năm rồi. Thảo nào bần tăng máy mắt cả tuần trăng, không đoán được là gặp cố nhân.

Trãi vái Ðạo Khiêm, tươi cười :
   
- Ðến ăn của bố thí nhà chùa dăm bữa, kẻ ăn mày này không có gì dâng lên lễ Phật, xin thày mở lòng từ bi đánh cho hai chữ đại xá.

Nắm tay Trãi, Ðạo Khiêm nhìn tròng trọc :
   
- Hề gì, rau cỏ là của cả nhân gian.  Này, thí chủ tóc có bạc đi nhưng vẫn thần thái lắm.  Bần tăng xin mừng.  Nào, vào đây, vào đây...

Vừa nói, Ðạo Khiêm vừa kéo Trãi đi, miệng gọi chú tiểu ra xách cái bị Trãi mang theo bên mình.  Trong  chiếc áo nâu sồng phủ đến gót chân, Ðạo Khiêm gày gò nhưng rắn chắc,  nhẹ lướt đi trên nền sân đất nện.  Dưới hàng lông mày rậm rì nay đã bạc thếch, mắt sư lung linh sáng quắc lên dưới ánh nắng đầu trưa. Ðến thềm, Sư đẩy Trãi vào trước, rồi bắt ngồi, miệng vui vẻ :
   
- Uống với nhau ấm trà đã nhé...
   
Sau tuần trà, Trãi quá mệt xin phép đi nằm. Khi tỉnh giấc sau một cơn ngủ vùi, mặt trời chỉ còn là một vệt lay lắt sáng cuối chân mây. Cơm chiều nhà chùa có cà dầm tương và rau rừng luộc với gừng non.  Ăn xong trời đã xẩm tối. Ðạo Khiêm thắp đèn, nhẩn nha :
   
- Bần tăng ở cửa Phật thì yên ổn đã đành, chứ thí chủ chắc là chẳng sóng cũng gió.

Chép miệng, Trãi kể lại mười năm sống trong sự quản thúc của Hoàng Phúc ở Ðông Quan để bảo toàn mạng cho cha đi đầy. Khi nghe cha mất, Trãi định bụng thoát ly, nhờ Hà Trí Viễn liên lạc với Hãn.  Hãn hẹn chàng vào Trường Yên.  Chưa kịp sửa soạn, Phạm Văn Xảo biết giặc rục rịch, cho người đến đưa đi ngay. Quả nhiên, tối hôm đó quân Minh đến xục xạo góc thành Nam để bắt chàng. Nhưng lúc ấy, Trãi đã theo cửa Tây  đến ven sông, xuống ẩn trong một chiếc thuyền buôn. Hai ngày sau, thuyền nhổ neo rồi dọc sông Nhị, ra tới biển men bờ chạy vào cửa Thần Phù. Thuyền đi được một ngày thì gập bão. Thật một sống hai chết, đúng làthuyền ai đội sóng Thần Phù, khéo tu thời  nổi vụng tu thời chìm. Lên được bờ, Trãi theo đường bộ vào Trường Yên như đã hẹn, nhưng đợi mà không thấy Viễn. Mãi khi vào đến Thanh Hóa, Trãi mới biết là Viễn đã rời Nhị Khê sau lần ám toán hụt Hoàng Phúc.  Kể đến đấy, Trãi quặn lòng nhớ đến Xuyến. Chàng ra đi mà không thể ghé đến giã từ Xuyến như dự tính. Và rồi từ đấy là bặt vô âm tín mặc dầu chàng đã nhiều lần nhờ người đi dò hỏi kiếm tìm. Cúi đầu, chàng bần thần im lặng. Nghe Ðạo Khiêm hỏi, Trãi như sực tỉnh, trầm ngâm :
   
- ...Thế là tại hạ ở Mường Một với Hãn và Nguyễn Chích từ hai năm nay.  Nghĩa quân ở cái thế rút thì phải đến cửa Thần Phù ra biển, vừa khó khăn, lại bất trắc.  Vả lại, phất cờ được là chỉ vì chống thuế má và phu dịch.  Chích là một tay hảo hán nhưng tầm nhìn chỉ có đến Trường Yên.  Quá núi Tam Ðiệp, Chích coi như là việc người khác, không dính dấp đến dân Mường...

Thở dài, Trãi lẩm nhẩm  :
   
-  Cái bản sắc dân tộc chưa đủ mạnh, dẫu rằng trên ba trăm năm trước đã có người ngâm nga ‘‘ Nam quốâc sơn hà nam đế cư...’’.  Rồi bà Chúa lại lỡm - Trãi cười nhạt - Thế là đi không rồi về cũng không...
   
-  A di  dà Phật, bà Chúa nào lỡm ?  Bần tăng không hiểu...

Nhìn nét mặt Ðạo Khiêm ngơ ngẩn dưới ánh đèn, Trãi bật cười :
   
-  Thầy thứ lỗi, tại hạ lắm khi nói như mê như lẫn.  Ở cửa Phật, ai lại dám nói đến ông Hoàng bà Chúa, thật là phạm thượng...
   
-  Không đâu !  Cửa Phật chẳng hẹp hòi đến thế.  Thí chủ cứ kể.

Ðạo Khiêm cười mỉm khi nghe xong chuyện bà Chúa Tiên Dung lỡm Trãi, cái sách lược Tâm công bị đám nghĩa sĩ Lam Sơn bỏ cho bay theo hơi rượu, và cuộc tái ngộ bất ngờ với Viễn. Lim dim nhìn Trãi, sư rót trà.  Nhấp một ngụm, sư  thủng thẳng :

- Năm kia Viễn có ghé chùa thăm bần tăng. Ðược dăm ngày, Viễn nóng ruột đòi đi...

Nhắm mắt, Ðạo Khiêm hồi tưởng lại cánh rừng nằm dưới chân Phá Lũy.  Buổi trưa hôm đó, Trãi ngủ mê mệt.  Dựa lưng vào thân cây, Ðạo Khiêm tập trung thiền tịnh trong khi Viễn bỏ ra bờ con suối nhỏ róc rách đổ về xuôi.  Khi hé mắt nhìn, Khiêm thấy Viễn tay xách xác một con rắn ra bỏ cạnh Trãi.  Ngạc nhiên, Khiêm đứng dậy lẻn người sau một rặng cây. Không để ý, Viễn ngồi, mắt ngó trừng trừng vào xác rắn.  Ngửng lên nhìn mặt trời đổ lửa, Viễn giơ cao cây gậy, mất kiên nhẫn há miệng thét cho Trãi choàng dậy.  Lúc đó, Viễn thẳng cánh quật vào đầu rắn.  Cái ơn cứu mạng Trãi thật ra là ngụy tạo bởi một thằng bé con. Khiêm rùng mình sởn gai ốc trong cái nóng hừng hực. Không biết động cơ nào thúc đẩy Viễn, Ðạo Khiêm niệm kinh Giải Oan rồi lẳng lặng lẩn đi để cho Trãi và Viễn lên đường.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #33 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2011, 10:31:43 am »

Về chùa, câu chuyện xưa chìm vào quên lãng cho đến khi, mười năm sau, người gõ cổng chùa hỏi Ðạo Khiêm lại là Viễn. Nay  Viễn đã trưởng thành chứ không phải cậu bé năm xưa dưới chân ải Phá Lũy. Chân tay kềnh càng, mắt ốc nhồi, da bắt nắng cháy đen màu đồng mun, râu ria Viễn lởm chởm nhìn bợm trợn như tướng cướp. Kể lể cảnh sống của mình ở Nhị Khê những năm qua, Viễn nói về Trãi bị giam lỏng ở Ðông Quan, và rồi khẩn khoản xin Khiêm giảng cho nghe. Khiêm hỏi ‘‘ Giảng gì ? ’’.  Viễn chìa ra một cuốn sách đã mất bìa, lật đến đoạn ‘‘…Huyệt mộ có ‘‘con long ’’ từ xa chạy đến kết cục, chuyển vần lên xuống, gặp dòng nước sinh ra ‘‘con xà ’’ nhỏ như sợi khói, bỗng nổi lên ‘‘mộc tinh ’’ góc cạnh đầy đủ giữ gìn chân khí, bên tả lại có ngôi ‘‘ thể tinh ’’, trước có án, dưới án là một giải ‘‘sà chim ’’, chạy đến nơi ‘‘long hổ ’’ bày ra, khe nhỏ bọc lại, tả che hữu đỡ nhìn thì là quả ấn, cây gươm, cái mũ, quản bút đúng là ‘‘quý cách ’’, không thể sai được... ’’.  Ðợi cho Khiêm đọc xong, Viễn thưa  ‘‘ Bạch thầy, đằng sau huyệt mộ là một rặng đề.  Rặng đề này bị trốc gốc.  Nước khe dưới chân cũng bị lấp.  Thế nghĩa là thế nào ? ’’.  Lắc đầu, Ðạo Khiêm chậm rãi  ‘‘ Bần tăng đi tu, không để tâm đến những chuyện này.  Thí chủ nhầm người hỏi rồi ! ’’.  Năn nỉ mãi, cuối cùng Khiêm mách ‘‘ Chuyện phong thủy thì phải tìm Vũ Lại. Nhưng ông ta là phương sĩ, rày đây mai đó.  Bần tăng nghe ông ta thỉnh thoảng lại về núi  La ở vùng Nghệ... ’’.
Kể cho Trãi nghe đến đó, Ðạo Khiêm ề à :
   
-  Thế là hôm sau Viễn lên đường đi ngay.  Bần tăng đoán là Viễn ra La Sơn, rồi bặt tin cho đến nay mới biết Viễn đã vào Lam Sơn tụ nghĩa ...
   
Trãi bấy giờ mới vỡ lẽ.  Số là hôm sau bữa cỗ ở Lam Sơn, Hãn hỏi Viễn ‘‘ Sao chú không tìm ta mà vào đây ? ’’.  Viễn đáp ‘‘ Bác đừng giận em.  Núi Lam địa hình địa vật là thế ‘’ Long Ẩn ’’, đất Mường Một của Chích bì làm sao được ! ’’.  Hãn bật cười ‘‘...chú bây giờ lại thêm nghề địa lý à ? ’’.  Viễn ậm ừ  ‘‘ ...thì em nghe người ta bảo thế ! ’’.  Lảng chuyện, Viễn khoe ‘‘ hai năm rồi, em lại đẻ thêm hai đứa nữa.  Con trai cả, thêm binh  cho bác Hãn đấy... ’’.

Lý Tử Cấu là người độc nhất đi lại với Ðạo Khiêm từ năm bảy năm nay.  Người huyện Bình Quang, Tử Cấu đỗ thái học sinh cùng kỳ với Trãi, được Hồ Quí Ly bổ làm Hữu dục đức để dạy đám hoàng tôn.  Cấu từ chối.  Giặc Ngô sang, Hoàng Phúc đặt học viện, nghe tiếng đi tìm Cấu bổ làm Học quan.  Chỉ hôm sau, Cấu đi mất, không để lại một dấu vết gì.  Vào Trường Yên, Cấu mang theo ba thồ sách, ở ẩn một nơi ngay cả Ðạo Khiêm cũng không biết là đâu.  Thỉnh thoảng, vào tuần trăng tròn, Cấu lại thình lình đến thăm chùa.  Câu đầu tiên nói với Ðạo Khiêm cứ luôn luôn chỉ một câu  ‘‘ Ða tạ lão huynh lại cho uống trà Sơn Hầu ’’và xong là Cấu cười vang như tiếng chuông ngân.
   
Mỗi lần Cấu đến, Ðạo Khiêm sai đám tiểu đi hớt sương mai đọng trên đám hoa súng nằm giạt bên bờ sông.  Còn trà, tình cờ một buổi Khiêm gặp một lũ vượn chí chóe tranh nhau những búp non, nhai rồi nhổ, nhưng sau một lát thì nằm lăn quay ra ngủ đến độ chẳng còn biết trời trăng gì.  Ðến gần, Khiêm mới biết đó là những cây trà mọc trong rừng.  Sai tiểu nhặt bã trà đem về sấy cho khô, Khiêm uống thử.  Hương trà tuy nồng, nhưng uống thì chỉ còn ngây ngất.  Khiêm sai ướp với hoa bạch lan mọc một rặng sau chùa, vị trà thanh hẳn.  Rồi từ khi Tử Cấu đi lại thì chỉ pha với sương mai theo cái cách cầu kỳ của vị khách quái lạ này.  Cấu đặt tên cho trà là Sơn Hầu trà, lại đùa cợt bảo Khiêm ‘‘ ...khỉ đi tu, uống trà thế này cũng sẽ đạt chánh quả nữa là lão huynh ! ’’.
   
Lần trăng tròn tháng này, Cấu đến, ngạc nhiên thấy Trãi.  Buổi tối hôm đó, ba người  ra ngồi trên vạt đá nhô ra khỏi núi vào cuối giờ Tuất.  Vào mùa nồng, nước sông Mã bốc hơi khiến trăng nhô lên nhìn to như cái nia thóc, màu vàng lợ, lừng lững nhích khỏi chân mây.  Trong tiếng gió rì rầm, thỉnh thoảng chim bay ngang kêu quang quác.  Rồi tiếng vượn hú, tiếng sói tru phá đi tịch mịch, khiến núi rừng chập chùng thêm huyền bí, thêm đe dọa.  Khiến con người thêm mỏng mảnh, yếu đuối và bơ vơ giữa thế gian đang chuyển từ sắc xám mờ sang màu đêm thăm thẳm.

Trãi buột miệng ngâm nga :

‘‘ Thân ngoại phù danh yên các quýnh

Mộng trung hoa điểu cổ sơn u. ’’

nghĩa  là:

Danh hờ thân tạm như sương khói

Mộng hoa núi cũ tiếng chim kêu.

Ðạo Khiêm nhếch miệng, từ tốn :

- Ðã phù trần, ắt phù danh thôi !  Tiếng chim kia kêu nghe được đấy mà là hư âm.  Ánh trăng kia thấy được đấy thế rồi cũng thành hư ảnh.  Nhị vị nhìn mà xem...

Theo ngón tay Ðạo Khiêm trỏ, trăng nhô dần trên bầu trời, thu nhỏ dần, hóa ra một quả cầu đỏ lòm.  Ðến độ cao không còn hơi nước, trăng xanh mướt, trở lại kích thước mắt người vẫn thấy, dịu dàng buông trên vạn vật thứ ánh sáng huyền ảo ma quái.  Trãi cố nén tiếng thở dài, đăm chiêu hớp từng ngụm trà.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #34 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2011, 10:33:00 am »

Nhìn theo ngón tay Ðạo Khiêm, Tử Cấu hắng tiếng, rồi lại đùa :
   
- Kẻ này người trần mắt thịt nhìn chỉ thấy ngón tay trỏ của cao tăng chứ có trăng đâu !
Ðạo Khiêm co tay lại miệng hỏi :

- Thế ngón tay đâu rồi ?
   
- Thì hạ tay xuống, nó không có đó, nhưng nó vẫn còn đấy.  Cái hư ảnh thật ra có thì chỉ có ở trong đầu ta...

Lý Tử Cấu bất chợt cười, rồi tiếp :
   
- ...như thế, tất cả qui về cái ta.  Nó có, nó ở đấy.  Không có nó, ai nói được hai chữ có - không ?
   
-  Ðược, cứ cho là thế đi !  Nhưng cái ta ở đâu mà ra ?  Dẫu nó có đấy, cái từ đâu nó có mới là câu đáng hỏi.

Trãi đặt chén trà xuống, nhẹ nhàng :

-  Nhưng hỏi, rồi bảo nó từ tình cờ trùng trùng duyên khởi, thưa thầy, có phải thực là câu trả lời không ?
   
-  Từ duyên khởi,  cái ta đặt mình vào qui luật nhân quả là từ đó không còn dấu vết tình cờ ban đầu.  Ðể rồi ngộ ra  hạnh phúc như cứu cánh của mỗi kiếp nhân sinh.  Ðạt được nó, Phật dạy, phải dứt nghiệp quả.  Dứt nghiệp, cần buông bỏ được cái ta. Muốn vậy,  diệt đi hỉ - nổ - ái - ố, khai mở lòng từ - bi - hỉ - xả.  Nếu đạt cứu cánh, thì cái ta là từ trùng trùng duyên khởi hay không liệu có quan trọng gì ?

Trãi nhẹ nhàng :

-  Trong cõi người ta, có ai chỉ riêng có mình mà đạt được hạnh phúc ?
   
-  Tất cả !  Rồi ai cũng đạt được, nhưng sớm muộn tùy người, không phải một sớm một chiều...
   
-  Bạch thầy, xã hội đảo điên vì cương thường nghiêng ngả.  Trong bầy đàn, con thú dữ hiếp con thú lành, vốn là từ tự nhiên.  Giữa chốn nhân vi, khác được là bởi con người biết cùng nhau theo Ðạo thánh hiền.  Ðạo lấy hai chữ nhân nghĩa làm mẫu mực cho con người sống với nhau vì chẳng một ai sống riêng lẻ được cả. Cái cứu cánh hạnh phúc kia có ai riêng chỉ mình mà đạt được !
   
Trãi thiết tha nói, mắt long lanh sáng dưới ánh trăng đang lu dần đi.  Mây che.  Nhưng lại gió.  Trăng lại ló ra tươi tắn như vừa tắm gội.  Ðạo Khiêm chậm rãi :
   
- Lành thay!  Trăng còn đó.  Mỉm cười nhìn Tử Cấu, Khiêm dí dỏm - ngón tay bần tăng cũng còn.

Lại chỉ tay lên trăng, Khiêm vui miệng :
   
- Thế là nhìn trăng thấy ngón tay, nhìn ngón tay là thấy trăng.  Nhân nghĩa Ðạo thánh hay Từ bi Ðạo phật thì cũng vậy.  Quay sang Trãi, Khiêm ôn tồn - Mừng cho thí chủ đã đại thành với sách Tâm công.  Bần tăng chỉ xin với thí chủ đôi điều...

Trãi nhìn Khiêm, khẽ cúi đầu.  Khiêm thì thào :

-  Là chín bực phù đồ không bằng một  mạng sống…  Và ánh trăng đêm nay ! 

Ðúng như vậy, Trãi không bao giờ quên được đêm trăng hôm ấy.  Ðó là thảm kịch lớn nhất đời Trãi, lớn hơn cả những người đời sau gọi là vụ án Vườn Vải.  Oái oăm và bất ngờ thay, đó cũng là bước ngoăït không đảo ngược lại được của một thời sử sách lưu truyền.
   
Không rõ đầu đuôi lời Ðạo Khiêm, buổi tối hôm ấy Lý Tử Cấu tò mò hỏi :
   
-  Sách Tâm công là gì ?

Trãi kể, rồi lan man nói đến chuyện đám võ biền Lam Sơn giễu cợt. Thương hại Trãi, Ðạo Khiêm an ủi :
   
- Thí chủ nhớ cho rằng ở miệt núi đất Thanh Hóa, người  ‘‘ trại ’’ là dân Mường.  Sống quây quần với nhau thành sách, thành động... họ đâu đã có dịp dùi mài kinh sử để thấu hiểu lẽ thế thời.  Vì vậy phản ứng của họ vẫn là phản ứng thuần bản năng.  Khi họ còn yếu, nếu sách Tâm công tránh cho họ tiêu vong đổ máu, họ sẽ theo nhưng theo không phải vì tin mà vì để tồn tại.  Nhưng họ mạnh, a di đà Phật, thì  chính họ sẽ làm máu đổ.  Lúc đó, Tâm công mới là lúc cần cho chúng sinh trong bể khổ.

Tử Cấu bỗng phá lên cười.  Nhìn Trãi đăm chiêu khổ sở, Cấu hồn nhiên :
   
- Ðệ chịu huynh.  Chứ đệ thì mất một cái lông chân mà có lợi cho thiên hạ đệ cũng không làm.  Ngược lại, đệ cũng không đi lấy một cái lông chân nào của ai...  Huynh chắc rõ rằng ‘‘ hậu kỳ thân nhi thân tiền, ngoại kỳ thân nhi thân tồn ’’?  Ðặt mình ra sau, hóa ra mình lên trước.  Kéo mình ra ngoài thì thân mình mới còn.

Trãi chép miệng :

- Theo đòi Lão - Trang ‘‘ đốt mình làm đuốc để chỉ soi cho chính mình ’’, rồi bảo ‘‘ hòa kỳ quang, đồng kỳ trần ’’, cho đến ‘‘ vong tình, lạc tính ’’thì đệ cũng đã được đọc được nghe...  Nhưng vừa hòa với ánh sáng lại vừa đồng với bụi bậm thì đệ chưa thấy.  Vứt tình đi mà  vẫn thú vẫn vui, đệ không tin...
   
- Ðệ xưa cũng như huynh, ta cùng là đám đệ tử Danh gia mà ra cả.  Cương thường là cách xếp đặt xã hội trong đó con người ở tư thế soi vào nhau để tìm lấy mình.  Ðó là con người tự thân không tìm được bản ngã, tất rồi chỉ vong thân. Và vong thân vì chính cái xã hội bầy đàn họ tạo ra...  Nói thật, đệ cũng đã quằn quại như huynh cho đến khi gặp được một cơ duyên kéo đệ ra khỏi cõi mù mờ của trí tuệ.  Từ đó - Tử Cấu nhìn Ðạo Khiêm - đệ gần gũi với Phật gia về lý giải thân phận và hạnh phúc của con người.  Và rồi tìm kiếm cứu cánh của nhân sinh.  Vì thế, đệ bàng quang với đại sự , những nào là giặc là ta,  nào là đánh là hòa, là thắng là bại...
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #35 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2011, 10:33:50 am »

Ðạo Khiêm niệm a di đà rồi chậm rãi :
   
-  Lý thí chủ có thể kể cho bần đạo nghe về cái cơ duyên đó không  ?  Chữ duyên trong kinh Phật vẫn cứ là huyền cơ trong cõi ta bà này...
           
Hồi tưởng mùa đông năm ấy bên bờ sông Cầu, Tử Cấu nhấp giọng rồi chậm rãi kể.  Ngồi đợi đò, Cấu bỗng nghe tiếng hát văng vẳng, giọng bay tít lên cao rồi dội lại trong gió chiều lành lạnh.  Vạch lau lách, Cấu dò theo tiếng hát lúc có lúc không, lúc hư lúc thực, lúc còn lúc mất.  Ðến lúc nhà đò gọi, Cấu mới quay về bến, hỏi :
   
- Ai hát đó ?

Nhà đò sằng sặc cười :
   
- À, mụ điên !  Con mụ đến bến này nửa tháng, nay không biết chui rúc sống ra sao mà thỉnh thoảng lại cất tiếng hát, nhưng chưa ai thấy mặt mũi thế nào !
   
Ngồi đò, đến giữa dòng, tiếng hát lại cất lên.  Lần này, Cấu nghe loáng thoáng được vài thanh âm.  Lên bến, Cấu ngần ngừ rồi bảo nhà đò chở mình ngược lại.  Tiếng hát khi đó cất lên nghe đã thành câu.  Lại mò mẫm, Cấu đi dần tới.  Tiếng hát run lên trong không gian đục ẩm :
   
‘‘ Bui một tấc lòng, ai người biết
     
Chèo quơ nước ngược, chuyến đò ngang ’’

nghe tức tưởi lời than khóc một định mệnh oái oăm.  Trước mắt Cấu, người đàn bà đó bụng mang dạ chửa,  hai tay ôm bụng cao vượt ngực.  Mắt ngơ ngác nhìn ra bờ lau gió dạt, người đàn bà lập cập run lên từng chặp.  Tóc xõa bay trong gió, áo quần mỏng manh tơi tả, nàng vẫn đẹp. Ðẹp cái vẻ đẹp gần gũi với chết chóc nát tan. Như không thấy Cấu, nàng ngửng mặt bất chợt cười khanh khách, miệng lập đi lập lại, ‘‘…đã bảo mà, đã bảo mà !’’. Nàng bất chợt lại ôm mặt tức tưởi, hồn trí phiêu bạt đâu đâu, thể phách dập dờ trôi ngang một chuyến đò nước ngược.
   
Lấy tấm áo kép đắp lên vai cho nàng, Cấu im lặng ngồi nhìn sông nước. Vẫn không biết có Cấu ở bên, nàng lại lẩm nhẩm hát rồi cười vu vơ.  Bất ngờ, nàng thì thào :
   
-  Chàng ơi !  Ðiều kỳ diệu của sự sống là trong từng cái nhỏ nhoi !

Thình lình, nàng rống lên khóc.  Tay vả vào mặt mình, miệng tiếng còn tiếng mất, nàng thét :
   
-  Ðừng lo đời thiếu mình để kết cục mình thiếu tất cả...
   
Cứ thế, nàng la thét cho đến xẩm tối thì kiệt lực ngất đi. Ðêm hôm ấy,  Cấu bẻ cành khô vun vào châm lửa, lấy lương khô ra chia cho nàng khi nàng hồi lại.  Không ăn, nàng nằm cạnh đống lửa, mắt lạc đi nhìn bầu trời đầy sao, thỉnh thoảng reo ‘‘ Sao băng, sao băng ’’ rồi chốc chốc lại hát lại cũng đúng một câu hát có nước ngược và chuyến đò ngang...Trong bóng đêm, không ai nhìn thấy mặt Trãi căng ra. Môi mím chặt, chàng cắn răng kìm xúc động, tay bừng bựt run lên từng chặp. Sao băng, sao băng…Chàng ngửng lên, hàng chùm sao nhạt nhòa từ thinh không chụp xuống thế gian dưới này, cõi thế gian nổi trôi bất hạnh…
Giọng xúc động, Cấu nói tiếp  :

-  Hôm sau, đệ dìu nàng ra bến đò.  Cứ để thế thì chắc nàng chết mất.  Nhà đò ngạc nhiên, lẳng lặng chèo.  Nàng cất tiếng hát, lại vẫn đúng một câu hát.  Ðến giữa dòng, nàng đột nhiên vừa hát vừa nhảy xuống. 

Trãi không còn nghe thấy gì ngoài tiếng sụp đổ của cả vũ trụ vào cõi trống không.

Tiếng Cấu văng vẳng mơ hồ :

-  Nước xiết, đò tròng trành.  Thế là nàng biến mất.  Như một giấc mơ...  Nhưng nàng  để lại câu hát kia, và những lời  khiến Lý Tử Cấu này vượt được bức vách u mê.  Ðại sự cho là gì thì cũng chẳng bằng cái sự sống kỳ diệu trong từng cái nhỏ nhoi...

Trãi đứng vùng lên, chân loạng choạng bước về phía mỏm đá nhô ra đầu núi. Trăng gần tàn, màn sương đêm trắng như sữa bắt đầu nhợt nhạt loãng ra.  Nước mắt đầm đìa, Trãi nhìn xuống vực sâu mờ ảo dưới ánh trăng trăn trối.  Vực sâu có sức kéo hút những kẻ vô cùng bất hạnh. Trãi cúi xuống như cúi xuống chính cuộc đời mình. Rồi Trãi ngửa mặt nhìn lên. Chi chít sao trời đổ sập xuống vùi lấp cái mất mát chẳng thể đắp bù cho hết một đời người. Gió  lại lạnh lùng hắt vào khe núi những tiếng réo gọi ma quái. Lồng ngực căng tức như sắp vỡ tung, Trãi gập người hộc ra một bụm máu. Hít một hơi thật sâu, chàng choáng váng. Không khí ùa ngập tràn vào nóng như lửa thiêu. Chênh vênh, Trãi lại nhìn xuống. Dưới kia là giải sông, nước chảy, cứ chảy mãi rồi cũng sẽ gặp nước sông Cầu để cùng nhau đổ về biển cả. Lúc ấy, Xuyến ơi,  biển  là nơi  xum họp cuối cùng cho mọi chia ly.  Ðưa hai tay lên ôm mặt, Trãi oằn người ngã chúi mặt xuống, mắt bấu vào cái thăm thẳm ám ảnh gọi mời.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #36 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2011, 10:37:04 am »

Chương 4
NGẬM LỜI, MỘT THUỞ…

Hóa ra Ðào Nương, cô bé ca nhi bị giặc hiếp trên đường ra ải Phá Lũy và sau trở thành vợ Phi Bảo, cũng là người họ Ðào ở Ðào Xá.  Khi Bảo kể cho cha nghe câu chuyện xưa, Phi Khanh thở dài bảo    ‘‘...con hạ tay dao không cứu cô ta, một phần vì cha.  Vậy, cả cha con mình đều can nhiệm.  Nhưng tại sao giờ con nói với cha’’.   Bảo thưa ‘‘ Vì bị ám ảnh.  Hình như nếu không theo cha để phụng dưỡng, có lẽ con đã đưa cô ta về xuôi...’’.  Khanh lại dặn ‘‘ ...đâu đã muộn.  Con đi tìm cô  ta đi.  Rồi một ngày nào đó con đưa cô ta về.  Chỉ thế, con mới nên người.  Ði, thôi đi ngay đi...’’.  Sau đó mấy hôm, Bảo dò tìm và lên đường.  Khi ấy  Ðào Nương ở với người chị đã lấy chồng.  Gặp Bảo, Ðào Nương sầm mặt xuống, đi vào không chịu tiếp.  Bảo ngồi lì ở cửa suốt ba hôm, rút cục người chị vào kể lại cái hoàn cảnh chàng theo hầu cha trên đường đi đày, không thể động tay động chân làm gì được.  Ðào Nương chịu gặp Bảo, nhưng thấy mặt là òa lên khóc.  Nàng nức nở hỏi ‘‘... Ðến đây làm gì ? ’’.  Bảo đáp, đã xin với cha cho chàng cưới Ðào Nương làm vợ.  Ðào Nương lắc đầu ‘‘ Không.  Em có còn trinh tiết gì mà lấy ! ’’.  Bảo ứa nước mắt, nói chữ trinh kia cũng có năm bảy đường.

Ngày về đến Nhị Khê, Bảo và Ðào Nương chỉ thấy có điêu tàn.  Nhà cửa, ruộng đồng ngơ ngác. Hàng dân phiêu dạt đến độ trên những cánh đồng sũng nước đám cò trắng lênh khênh đi lại như chỗ không người. Họ hàng nhà Bảo kể lại chuyện Viễn ám toán Thượng Thư Hoàng Phúc và khuyên nên đi ngay.  Ðào Nương đòi về Ðào Xá.  Khi ấy, cái chuyện Ðào Nhi dùng trâm đâm Hoàng Phúc đã xảy ra.  Trong  thôn, không còn ai dám hát, đám ca nhi tứ tán.  Ông chú Ðào Nương, tên Ðào Phương, dân làng gọi là Ðào lão, mắt đã lòa. Lão kiếm ăn bằng cách bắt ếch nhái, bữa đói bữa no, sống vạ vật như thú hoang. Bảo và Ðào Nương đưa ông cùng đi về Thanh Hóa dịp đó.

Dự định trồng chè như Bảo đã kể với Trãi từng bước thành hình. Và thành công hơn mức tính toán.  Chỉ đến năm thứ hai, Bảo và Ðào Nương đã qui tụ được gần trăm nóc gia quanh hai cái đồi chè ở tả ngạn sông Lam.  Nhờ biết tiếng Tàu, Ðào Nương giao dịch thẳng với đám quan nhà Minh, thuế đóng chỉ độ một phần ba tiền bán chè, đường kinh doanh tương đối thuận lợi.  Ðến năm thứ ba thì khác.  Ðám sai nha cho người vào đếm từng gốc chè, ước lượng giá bán rồi đòi thu đến hai phần ba.  Bảo bàn với dân trại chè rút sâu vào mé biên giới Lão Qua, nhưng việc chưa ngã ngũ.  Ðám tráng niên tìm cách giấu một phần lượng chè hái được trong rừng, có kẻ sửa soạn giáo mác.  Việc sinh nhai ngày một khó, đã có người chán bỏ đi, số còn lại nhẫn nhục chịu đựng.  Ít lâu sau, nghĩa quân Lam Sơn liên lạc với Bảo, đề nghị bảo vệ trại chè chống sưu thuế nhà Minh.  Năm thứ tư, sai nha và đám lính Tây đô bị nghĩa quân chặn đánh khi vượt Mường Thôi đi vào vùng sông Lam.  Bảo biết tình thế, xin với nghĩa quân cho lập một đội tự vệ, và đóng nửa lượng chè hái mỗi năm góp vào việc đại sự.

Ðứng sau hẳn một lằn ranh bạn - thù, người cả trại chè phập phồng, trừ Ðào Nương.  Trái với cách nghĩ thường tình, Ðào Nương phấn chấn ra mặt.  Cùng với Ðào lão, Ðào Nương chế biến hát giặm dân gian thành những thể điệu có tính thời sự.  Tiếng giặm có nghĩa là điền vào một chỗ thiếu, và hát giặm thường gồm những câu năm chữ, vần ở cuối câu, cứ hai câu cuối mỗi đoạn lại láy cả ý lẫn lời.  Bài sau được hàng dân hai vùng Nghệ Tĩnh hàng trăm năm sau cũng còn người hát :

Trời chưa phong quang

Giặc Ngô đó, trời chưa phong quang

Em đánh tiếng thưa sang

Trời chưa mở rộng phong quang

Thì đợi chi hỡi chàng

Mà còn ở lại đây

Mà còn ngồi bó tay

Tình đó với nghĩa đây

Giống như đọ nước đầy

Bưng nhẩn nhẩn trên tay

Thu chưa về, đông tới

Còn bóng giặc, chim bay

Còn bóng giặc, chim cũng phải bay

Bớ chàng, chàng có hay ?
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #37 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2011, 10:37:46 am »

Nhận được tin Ðạo Khiêm báo về Mường Thôi, Hãn sốt ruột sai người đi thẳng vào trại chè liên lạc với Phi Bảo.  Nghe xong, Bảo vội vã thu xếp lên đường vào Trường Yên.  Hai ngày sau, Bảo vào chùa Thiên Chính.  Ðạo Khiêm buồn bã lắc đầu :

- Bần tăng không hiểu... Cái buổi tối hôm ấy, thình lình đường huynh ngã vật xuống, tính mạng tưởng như tuyệt...

Không đợi Ðạo Khiêm dứt lời, Bảo ngắt :

- Xin thày cho vào xem sao...

Khiêm niệm A di đà, đi trước.  Vào trái sau ở mé Ðông, Khiêm lần tràng hạt chậm rãi bước.  Một tiểu đồng tiến lên mở cửa.  Lọt sáng bên ngoài ùa vào, yếu ớt phớt lên vách đất một giải lờ mờ hư ảnh.  Theo sau Ðạo Khiêm, Bảo đến cạnh một chiếc giường đơn.  Nhìn xuống, Bảo quặn lòng.  Trãi nằm thiêm thiếp, mắt hõm sâu, nhắm nghiền, hai gò má cao gồ lên như hai trái núi.  Bảo ngồi xuống, tay nắm lấy tay Trãi.  Bàn tay xương xẩu lạnh ngắt bỗng run nhẹ lên.  Nhìn ngực Trãi phập phồng thoi thóp, Bảo khẽ lay gọi.  Trãi  nhếch mắt, gắng gượng mở ra, rồi lại khép lại.  Ðạo Khiêm nhẹ kéo tay Bảo.  Khi hai người ra đến ngoài sân, Khiêm bảo :

- Ðường huynh còn yếu lắm, nhưng không mệnh hệ nào !

Lúc đó, Bảo xin Khiêm kể lại sự tình.  Trước khi Lý Tử Cấu dứt lời về cái duyên vượt được u mê qua lần gặp một người đàn bà điên ở sông Cầu, bỗng nhiên Trãi chúi ngã từ mé vực, nhưng áo móc vào một bụi cây, may chưa rơi xuống.  Người nhà chùa đổ ra cứu Trãi lên.  Trãi từ lúc đó hôn mê.  Ðợi Trãi hoàn hồn, Ðạo Khiêm hỏi chuyện.  Trãi á khẩu, không đáp được.  Chàng chỉ nhìn, cái nhìn đã mất hẳn thần triù.  Ðạo Khiêm thở ra :

- Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát !  Cái nghiệp.  Cũng từ cái nghiệp mà ra.  Trong cõi huyền cơ này bần tăng chẳng làm gì được !

Phi Bảo bặm môi lắc đầu.  Tối hôm đó, Bảo ra đứng nơi hòn đá tảng chòi ra bờ vực.  Không trăng không sao, trời tối ngòm.  Chẳng ai phân biệt được mặt đất này trên đây và vực sâu hun hút dưới kia, nếu không có tiếng gió hú lên và tiếng chân thú đạp lá xào xạc thỉnh thoảng mơ hồ vẳng tới.  Cơ sự này, không thể để Trãi ở chùa mãi.  Vài ngày sau, Bảo xin với Ðạo Khiêm đưa Trãi về trại chè.
Lúc ấy, Trãi đôi khi tỉnh dậy.  Nhận ra Bảo, ánh  mắt chàng có thoáng chút vui, mồm mấp máy, nhưng vẫn không nói được một lời.  Bảo mừng, thủ thỉ :

- Không sao !  Em đưa anh về.  Thuốc thang chỉ dăm bữa nửa tháng là khỏi !

Trãi nghe, gượng nhếch mép.  Khỏi ?  Nhưng ta bệnh gì ?  Cái căn bệnh nằm dưới đáy sông Cầu, giải nước cuốn đi, đếân nơi nao rồi ?  Chèo quơ nước ngược.  Rồi bão bùng.  Chia ly.  Chuyến đò sang ngang làm sao  vào được bến đến được bờ !  Nước mắt Trãi lại ứa ra.  Bảo lẳng lặng lau mặt cho anh, không nói gì nữa.

Thuê phu cáng, hai tuần trăng sau Bảo đưa Trãi về trại chè.  Ðạo Khiêm chống gậy tiễn một thôi đường.  Khi chia tay, Khiêm niệm Phật, rồi ghé vào tai Trãi thì thầm :

- Thí chủù ơi, nếu muốn thì nương mình cửa Phật.  Chùa Thiện Chính lúc nào cũng đợi người lành !

Trãi nhìn, khóe mắt biết ơn, tay ra dấu chào Khiêm.  Chỉ còn da bọc xương, Trãi khẽ cựa mình trên chiếc cáng cứ bồng bềnh trôi nổi như đám mây ẩn hiện sau những tàn cây rừng xanh thẳm.  Chưa bao giờ chàng thấy mình yếu đuối đến vậy.  Chưa bao giờ chàng thấy mình thừa thãi đến vậy.  ‘‘ Sao băng, sao băng...’’.  Tiếng réo gọi sao trời chập chờn ở đâu thoảng lại.  Trãi nhắm mắt.  Chàng chỉ mong là một vì sao băng mang vệt sáng cuối cùng của một thân phận chẳng níu được vào đâu để tìm ra hy vọng.

Như vậy, cái giấc mơ có người nối dõi của Bảo vẫn chưa thành.  Ðứa gái út của Bảo và Ðào Nương năm nay lên bốn.  Khi đẻ nó ra, Ðào Nương có vẻ buồn, nhưng Bảo cười, đùa ‘‘ Một trăm con trai không bằng cái lỗ tai con gái ’’ và đặt tên là Nguyễn Phi Anh.  Lên một, nó chưa biết đi đã biết nói.  Ríu rít cả ngày, trại chè gọi nó là con Vàng Anh, tên một loài chim trong chuyện cổ tích.
Vàng Anh suốt ngày lê la với Ðào lão.  Cả hai cứ thoắt một cái lại vào với Trãi, nay Bảo xếp cho ở một trái nhà.  Sau vài tháng về trại chè, Trãi bình phục, xong bệnh á khẩu vẫn không chữa được.  Muốn nói điều gì, Trãi phải cầm ngón tay người đối thoại viết chữ.  Khổ một nỗi, nếu gặp người mù chữ thì chịu.  Ðào lão xưa có đi học nhưng bỏ ngang, để hết thì giờ vào chuyện đàn sáo.  Còn Vàng Anh, nó phải nhờ Ðào lão nói lại mỗi khi trò chuyện gì với Trãi.  Cái mối kết tay ba đó tạo ra vô số chuyện ngộ nghĩnh, chính là bởi Vàng Anh. Bắt chước mẹ, nó bịa ra những bài hát, rồi líu lo :

Em với ánh trăng vàng

Nay đem cho bác cho ông

Mặt nước vui reo cười

Tung tăng múa máy trên dòng...
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #38 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2011, 10:38:42 am »

Ðào lão thường hấp háy, kéo nhị đệm vào, miệng móm mém cười chỉ thấy lợi.  Còn Trãi, Trãi sửng sốt.  Chàng nhớ lại những câu hát trong Kinh Thư, mang so sánh rồi giật mình.  Những câu hát  từ miệng đứa bé bốn tuổi xứ Ðại Việt này tuyệt vời, đọ chẳng kém gì Kinh Thi của xứ sở xưng mình là trung tâm nền văn minh của quần nhân trên trái đất.  Và dĩ nhiên là hơn hẳn những thứ  thơ văn sao chép của đám thư lại  chỉ biết nhai lại từ phú thi ca Tiền Hán với Thịnh Ðường.  Hơn ở chỗ nó thật.  Nó mang chữ tình như chất keo gắn bó con người vào với nhau.  Và gắn bó cả vào với thiên nhiên vạn vật.

Từ bấy giờ, Trãi thấy rõ cái giới hạn của chữ nghĩa kinh điển.  Chàng thèm nói.  Nói được bằng lời khác với viết thành văn tự.  Nhớ trong óc là nhập tâm.  Nó khác với nhớ qua sách vở, vốn là nhập trí. Văn hóa truyền khẩu có thể truyền không xa, lượng truyền không rộng, nhưng hơn văn tự ở chỗ là truyền sâu vào lòng người.

Trãi ngẫm lại lời mình nói với Ðạo Khiêm khi xưa trên chùa Thiện Chính, than rằng bản sắc dân tộc không đủ mạnh, dẫu ‘‘ Nam quốc sơn hà nam đế cư ’’.  Trãi hồi tưởng nỗi băn khoăn trong cuộc đối đáp với Hoàng Phúc ở Ðông Quan. Chàng sợ rằng đã học Luận Ngữ, Trung Dung,  thì dẫu nói ‘‘ Ðạo Thánh có một, nhưng mỗi nơi lại thờ một cách ’’ đểõ phân biệt ta với người cũng chỉ là nói mạnh.  Nói vì phải nói, nói đến cùng hóa há miệng mắc quai ? Nay, Vàng Anh đã trả lời câu hỏi này. Rằng không, không phải vậy !  Văn tự không thể thay cho những lời hát dân dã. Những câu ca dao tục ngữ hát giặm hát ví mới thực sự chuyên chở đời sống tâm linh của người Ðại Việt.
 
Còn với kinh điển, vấn đề là học gì ?  Chính cái học có lựa chọn thực hư, đánh giá tốt xấu, sẽ qui định cách thờ Ðạo Thánh.  Ðạo tỏa ra, lan rộng, ngấm sâu thì thành một với đời sống.  Ðó, gọi là phong tục.  Nghĩa là cách làm người với nhau.  Và làm người vì nhau.  Trong các hành xử đi từ cá nhân đến gia đình, rồi từ làng thôn cho đến cả đất nước, bản sắc của một dân tộc biểu hiện ra.  Nó là một thực thể.  Nó biến hóa linh động.  Nó phát xuất từ quá khứ, nhưng không chỉ lập lại quá khứ mà là cách mang hiện tại trên bước đường đi vào tương lại cho một cộng đồng.

Ngồi nghe Vàng Anh líu lo, Trãi chợt nhớ một câu hát chàng nghe từ thuở còn nhỏ  ‘‘ Này ai tát nước bên đàng.  Xin đừng múc ánh trăng vàng đổ đi ’’ .  Kinh thi có đâu được một câu thơ đến như vậy.  Còn thi nhân, may ra chỉ có Lý Bạch hoặc Vương Duy là có thể đạt cái đẹp đó.  Trãi vào mài mực.  Ngẫm nghĩ một lúc, Trãi viết ‘‘ ...Tứ Thư, Ngũ Kinh chỉ uốn nắn một phần đời sống.  Ðạo làm người Ðại Việt không chỉ ở đó.  Bản sắc một dân tộc nằm trong sự sống của dân tộc đó.  Nó có trước và vượt trên văn tự.  Nó tự khẳng định như một toàn thể.  Bản sắc là văn hóa.  Và văn hóa của một dân tộc là ngôn từ.  Ta giữ được ngôn từ, là ta tồn tại.  Ngôn từ mỗi ngày một đẹp là ta tiến hóa.  Ngược lại ta giật lùi.  Tụt hậu cho đến khi ta không còn là ta, thì ta nói tiếng người, hát nhạc người, ăn cơm người, nghĩ bằng đầu người.  Nghĩa là ta mất văn hóa, chập chờ thành cái bóng người khác như một hồn ma. Nghĩa là ta  không sao bấu víu được gốc cội của mình ’’.

Năm Kỷ Hợi ( 1419 ), Tổng binh Lý Bân sai làm hộ tịch trên khắp đất Ðại Việt.  Về mặt binh bị, Bân tiến đánh nghĩa quân ở Ðà Sơn, Mường Chánh, Lư Sơn và Vu Sơn.  Sang năm Canh Tý ( 1420 ), Lê Lợi mai phục ở Bến Bồng đánh tan một đạo quân Minh, lấy được Mường Nanh và Mường Thôi.  Lý Bân và Phương Chính phản công, nhưng thua, phải lui về cố thủ Tây Ðô.  Lợi tiến lên Lỗi Giang, phái Lê Sát và Lê Hào đánh Tây Ðô.  Hàng dân châu Diễn nơi nơi hưởng ứng, khí thế nghĩa quân như diều gặp gió.

Ðến năm Canh Sửu ( 1421 ), nhà Minh phái bọn Mã Kỳ, Trần Trí và Sơn Thọ vào bình định.  Lê Lợi thắng được vài trận phục kích, nhưng nay mất một thế lực đồng minh là quân Lão Qua.  Hậu cứ của nghĩa quân Lam Sơn không an toàn như trước.  Lợi vào thế bị kẹp, xoay trở rất khó khăn, ảnh hưởng trong dân gian càng ngày càng giảm.  Trong tình thế ấy, Trần Nguyên Hãn ngược sông Lam đến Lư Sơn gặp Lợi vào buổi lập thu.  Sau khi bàn bạc xong xuôi, Hãn tiếp tục đi vào trại chè thăm Trãi.  Hà Trí Viễn xin theo.

Khu nhà nằm giữa hai ngọn đồi chè khoảng trăm nóc gia, chia thành thôn thượng và thôn hạ.  Phi Bảo hớn hở đón Hãn, và khi biết Viễn là người đi cùng, chàng chắp tay cám ơn Viễn đã chăm sóc phần mộ tổ nhà mình trong suốt mười năm.  Hãn và Viễn đòi đến gặp Trãi ngay.  Nhưng khi đó, Trãi và Vàng Anh đi câu trên bờ sông Lam, mãi sẩm tối mới về.  Hãn thấy Trãi, chồm dậy nắm vai, mừng mừng tủi tủi :

- Thì vẫn chú đây.  Ta đã sợ...

Viễn lừng lững đến cạnh Trãi, nắm tay, miệng ề à :

- Em cũng sợ...  Nhưng em biết rồi bác cũng qua.  Người ta có số cả mà.

Trãi chỉ vào miệng, lắc đầu, mỉm cười.  Trãi vẫn á khẩu, không nói được.  Nắm ngón tay trỏ của Hãn, Trãi viết vào khoảng không :

- Ngậm lời.  Trời bắt vậy...
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #39 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2011, 10:39:36 am »

Cười ha hả, Hãn mượn lời Hàn Dũ, đáp :

- Bất bình tắc minh.

Bấy giờ, Hãn mới thấy những thay đổi trên khuôn mặt Trãi.  Xưa, đôi mắt Trãi sắc lẻm, ánh tinh anh lấp loáng trên gò má nhô cao.  Nay, đôi mắt đó trở nên trầm tĩnh. Và cái nhìn không  giấu được nét u buồn thấp thoáng.  Chạnh lòng, Hãn bùi ngùi :

- Chớp mắt mà xa nhau đã sắp hai năm...

Trãi gật đầu, tay chỉ vào miệng rồi lại viết vào khoảng không :

- Thiên hình !  Vô ngôn !

Buổi tối, mọi người quây quần chung quanh một mâm cơm đạm bạc.  Phi Bảo kể cho Hãn và Viễn nghe tình hình trong vùng.  Dạo này, bọn quan quân nhà Minh lại bắt đầu sục sạo, không còn e dè như trước.  Hãn dặn phải cảnh giác và phác họa cho Bảo và Trãi hoàn cảnh chung ở Thanh - Nghệ.  Lẳng lặng nghe, Trãi không góp chuyện.  Vàng Anh, khi nào cũng ngồi cạnh Trãi, giương cặp mắt tròn to lên nhìn, bi bô bảo đánh giặc cần tiếng hát.  Ðào Nương suỵt con, nhưng Hãn dịu dàng hỏi :

- Hát thế nào ?

Nhìn Trãi gật đầu ý khuyến khích, Vàng Anh nói :

- Ðào ông đệm cho cháu nhé...

Ðợi lên dây đàn xong, nó nhịp tay xuống mặt phản, miệng cười rồi hát theo điệu Quan họ :
     
Trèo lên núi dốc
     
Dựa gốc cây rừng
     
( ối a ), ta dựa gốc cây rừng
     
Dưới kia, quân thù dưới kia
     
Thù này, ( ôi ) ta phải trả
     
Ta đuổi nó ( ôi à là ) ta đuôỉ nó ( ôi à )…

Ðào Nương bật miệng hát theo.  Và rồi đám con gái Phi Bảo cũng đồng thanh cất tiếng.

Hãn ngạc nhiên, nhưng nét vui hiện trên mặt.  Hà Trí Viễn ề à hát theo, giọng ồ ồ lắm khi át tiếng mọi người.  Nắm ngón tay Trãi, Hãn viết :

- Lại chú.  Trò này của chú hẳn...

Trãi viết, đáp :

- Không.  Ðệ làm sao nghĩ đến nổi...  Là họ đấy.  Có được thế, là do hàng dân mà ra cả.  Chúng ta là bề nổi.  Chiều sâu một dân tộc là ở họ, trong họ.  Và sức bật, nó đến từ cuộc sốâng !

Ðến đêm, khi mọi người đã yên ngủ, Hãn nắm tay Trãi viết hai chữ :

- Ðại sự ?

Trãi lắc đầu.  Nắm tay Hãn thật lâu, lòng Trãi quặn xót như sát muối.  Hình ảnh Xuyến trên dòng sông Cầu lại hiện ra.  Trãi viết :

- Ðiều kỳ diệu của sự sống là trong từng cái nhỏ nhoi.

Hãn thở dài.  Trãi quơ dưới chiếu, hai tay đưa lên cho Hãn một cuối sách, tựa là Nam Dao chí, mắt sáng lên nhìn.  Ðỡ lấy, Hãn đọc lời tựa xong, nhìn Trãi dò hỏi.  Trãi lại viết :

- Ðệ chép xong được bốn trăm câu ca dao và tục ngữ, gói ghém tâm và tình của hàng dân kết tinh từ thế hệ trước qua thế hệ sau. Ðây là sự sống, và là cách làm người với nhau của dân Ðại Việt.  Bây giờ, đệ mới hiểu rằng sở dĩ cha ông ta thời Lý - Trần đánh đuổi được xâm lăng là vì dân ta khác với quân xâm lăng.  Ðằng sau gươm giáo một cuộc chiến là cuộc xung đột văn hóa.  Chính nó mới giải quyết thắng, bại... 

Nắm vai Trãi, Hãn buột miệng :

- Chú thấy gì ở cái tâm và cái tình của dân ta ?

Trãi lại nắm ngón tay Hãn, viết tiếp :

- Ðệ thấy dăm điều...  Nhưng đặc biệt nhất là cái khả năng hòa mà không đồng, giống như cây tre trước gió lớn. Cây cong theo chiều gió thổi nhưng khi hết gió, cây lại thẳng mình  đứng trong trời đất.  Tại sao ?  Cái hệ ‘‘ quân thần, phụ tử, phu phụ ’’ nhập vào từ Trung Quốc do bọn nhà nho là để củng cố một  Ðế Chế tồn tại trong xã hội nông nghiệp.  Xã hội này tất phải phụ hệ.  Vì nó dựa trên sức mạnh thể chất của đàn ông, thời bình thì đi cày, thời loạn thì đi lính.  Nhưng đó đâu phải là lẽ tất nhiên.  Huynh xem, lúa thì dân ta đã cấy từ thời cổ đại.  Ðến khi phương Bắc xâm lăng, những kẻ đứng lên giành lấy độc lập đầu tiên là hai Bà.  Thuở đó, đệ nghĩ gia tộc dân Lạc Việt ta đặt trên nền tảng mẫu hệ.  Gia tộc phụ hệ có thể chỉ đến trong giai đoạn Bắc thuộc một nghìn năm.  Nhưng nó còn nhợt nhạt lắm, hàng dân đâu có tùng phục mù quáng.... Huynh thử đọc - Trãi lật Nam Dao chí, tay chỉ - mắt nhìn thúc giục.  Hãn ghé chiếc đèn dầu vào gần:
 
Ðàn ông năm bẩy đàn ông
 
Ðem bỏ vào lồng cho kiến nó tha

Và rồi không nhịn được, Hãn cười ằng ặc khi đọc :
 
Gái chinh chuyên lấy được chín chồng
     
Về viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi
 
Không may quang đứt lọ rơi
 
Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM