Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 06:40:04 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vạn Lý Trường Chinh  (Đọc 40426 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #60 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2011, 03:00:23 pm »

Trên đường tới Côn Minh, sư đoàn của Lâm Bưu bắt được một đoàn công voa của quốc quân chở nhiều dụng cụ y tế và thuốc men đi Quí Châu. Khi sư đoàn của Lâm Bưu tới gần cổng thành Côn Minh thì các nhân vật quan trọng của Quốc dân đảng đang có mặt tại Côn Minh lật đật bỏ chạy. Trong lúc Lâm Bưu rầm rộ phô trương cuộc tấn công Côn Minh, và tướng Long Vân sẵn sàng sửa soạn một cuộc tấn công lại hồng quân thì vợ chồng Tưởng Giới Thạch hốt hoảng dùng xe lửa chạy trốn qua Việt nam. Trong lúc đó Lưu Bá Thừa thống lĩnh đại quân tiến về sông Kim Sa.

Không lực của quốc quân luôn luôn là một mối lo sợ cho hồng quân, nhất là hồng quân không có súng phòng không, và các phi cơ của Tưởng mặc sức hoành hành. Khi một bộ phận hồng quân tiến về Vân Nam trong âm mưu làm nghi binh, thì bị phi cơ quốc quân tiến tới oanh kích. Lúc đó Hạ Tử Trân đang đi theo một đơn vị thương binh. Hạ Tử Trân vội ra lệnh che dấu các thương binh còn nằm trên cáng. Nhưng ngay lúc đó các phi cơ quốc quân đã xà xuống và xả súng máy vào đám thương binh. Nhiều thương binh và phu khiêng cáng bị tử nạn ngay trong đợt đầu. Hạ Tử Trân trông thấy một thương binh cố ngồi nhỏm dậy khỏi chiếc cáng mà không được. Khi phi cơ quốc quân quay lại tấn công lần thứ hai thì Hạ Tử Trân nhảy lên cáng, lấy thân mình che cho người thương binh. Một trái bom nổ rất gần và Hạ Tử Trân bị thương nặng, trên người có ít nhất 16 vết thương. Nàng bất tỉnh luôn mấy ngày. Khi hồi tỉnh, Hạ Tử Trân dặn y tá đừng cho Mao biết tin, sợ Mao lo lắng vô ích. Người ta phải đặt nàng lên cáng và khiêng đi theo. Ðôi khi người ta phải cõng nàng khi đi qua những chỗ khó khăn.

Cuộc đời của Hạ Tử Trân chỉ là những thảm kịch. Vì bị thương nên khi tới Diên An sức khỏe của Hạ Tử Trân rất suy nhược, nhưng vẫn sinh được một con gái. Mao rất cần đàn bà. Trong lúc Hạ Tử Trân bệnh hoạn thì Mao bắt đầu tán tỉnh một cô đào Thượng Hải tên là Ngô Quảng Mỹ, còn có tên là Lily, nói rất giỏi tiếng Anh và là thông dịch viên cho nhà báo Mỹ Smedley tại Diên An. Lập tức Ngô Lily lọt vào cặp mắt thèm thuồng của Mao. Hạ Tử Trân thường hay cãi lộn với Mao mỗi khi Mao tán tỉnh Lily. Trong lúc lưu lại Diên An, Lily tham gia một ban kịch. Hạ Tử Trân giận dữ Smedley đến nỗi hăm dọa giết Smedley, vì Hạ Tử Trân nghĩ rằng Smedley mở đường cho Lily tán tỉnh Mao. Về sau để tránh rắc rối thêm, người ta phải gửi Ngô Lily đi khỏi Diên An theo một ban kịch lưu động, và Smedley cũng phải cắt ngắn thời gian làm việc tại Diên An.
Năm 1937 Hạ Tử Trân rời Diên An đi Tây An, hy vọng tìm đường về Thượng Hải để chữa những vết thương đang mang trên người, nhưng đúng lúc đó thì Nhật chiếm Thượng Hải. Mao và đảng gửi Hạ Tử Trân qua Mạc tư khoa chữa bệnh, tại đó Hạ Tử Trân sinh được một đứa con trai, đứa con thứ sáu của nàng với Mao và cũng là đứa con cuối cùng. Hạ Tử Trân vui vẻ trong chuyến đi chữa bệnh tại Nga sô. Mao rất cần vợ ra đi để có cơ hội tìm được một người bầu bạn mới, mạnh khỏe hơn, đẹp hơn và vừa ý hơn. Hạ Tử Trân lâm vào cảnh đen tối khi đứa con trai chết vì bệnh sưng phổi, trong lúc Nga sô chưa có thuốc trụ sinh để trị bệnh sưng phổi. Nàng bắt đầu mắc bệnh tâm thần, nhưng vẫn ở lại Mạc tư khoa. Mao gửi đứa con gái của Hạ Tử Trân sang với nàng để giúp nàng khuây khỏa bớt cô đơn.

Mãi đến năm 1948 Hạ Tử Trân mới trở về Trung hoa để được biết rằng Mao đã được đảng cho phép ly dị với mình từ lâu rồi. Mao đã có người vợ mới là Giang Thanh. Giang Thanh rất thù ghét Hạ Tử Trân. Giang Thanh là một cô đào hát Thượng Hải, đã biết tính ham đàn bà của Mao và đã lợi dụng cơ hội Hạ Tử Trân ra đi để chinh phục Mao. Hạ Tử Trân muốn trở về Bắc Kinh, nhưng Giang Thanh ra lệnh cấm không cho Hạ Tử Trân được vào Bắc Kinh. Năm 1950 Hạ Tử Trân gặp Mao một lần tại Thượng Hải và một lần nữa tại đại hội đảng Lư Sơn. Nhưng Mao rất lạnh lùng với Hạ Tử Trân, không nghĩ tới tình nghĩa xưa kia khi hai người còn chia xẻ những gian nan của chiến trường, và những công ơn của Hạ Tử Trân đã làm cho Mao.

Một thời sức khoẻ của Hạ Tử Trân không tệ lắm, mặc dầu vẫn có những cơn xúc động tâm thần vì bị chồng ruồng bỏ và mất hết con cái; ngay con đẻ của nàng cũng bị Giang Thanh cướp về nuôi. Ðôi khi nàng bị những chứng ảo tưởng và những cơn hoảng sợ. Tại Thượng Hải, Hạ Tử Trân sống trong một căn chung cư tầm thường. Lúc đó Trần Nghị làm thị trưởng Thượng Hải, và Trần Nghị đã tìm cách giúp đỡ Hạ Tử Trân. Khi rời Thượng Hải đi nhận chức vụ khác, Trần Nghị để lại cho Hạ Tử Trân căn nhà hai tầng lầu mà Trần Nghị đã ở, nhưng Hạ Tử Trân vẫn sống một cuộc đời ẩn dật. Hạ Tử Trân đang bị cái bóng lớn của Giang Thanh đè nặng lên đời sống. Ðã có thời Giang Thanh thành công tách rời hai mẹ con Hạ Tử Trân, và cấm các đồng chí cũ đến thăm Hạ Tử Trân.

Khi Mao chết năm 1976, Hạ Tử Trân được mời tới Bắc Kinh và được phép nhìn Mao trong quan tài bằng kiếng. Rồi Giang Thanh và nhóm Tứ Nhân Bang bị bắt. Từ đó các đồng chí cũ đến thăm Hạ Tử Trân trong bệnh viện quân đội. Hạ Tử Trân ngồi trên xe lăn, chảy nước mắt tiếp bạn cũ. Năm 1979, Hạ Tử Trân được bầu vào một chức vụ quan trọng và tên tuổi bắt đầu xuất hiện trên báo chí. Ngày 29-4-1984, Hạ Tử Trân mất tại Thượng Hải vì bị đứt gân máu. Hạ Tử Trân được các bạn trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh ca ngợi là một người đàn bà can đảm, và hết lòng với Mao. Nhưng tình yêu và lòng hy sinh của Hạ Tử Trân chỉ được đáp lại bằng một sự phản bội, một sự phụ tình cay đắng.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #61 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2011, 03:01:03 pm »

Qua Sông Kim Sa

Con đường sống còn duy nhất của hồng quân là phải vượt qua sông Dương Tử để tiến lên miền bắc. Tưởng Giới Thạch cũng biết được ý đồ định vượt sông Dương Tử của hồng quân nên bố trí quốc quân dọc sông Dương Tử rất nghiêm mật, không cho hồng quân thực hiện được cuộc đào tẩu. Trong hoàn cảnh của một con chim mắc lưới, Mao đã đặt kế hoạch vượt qua sông Dương Tử một cách vô cùng thận trọng bằng cách đánh lừa Tưởng Giới Thạch. Trước hết hồng quân từ Quí Châu tiến về Vân Nam bằng ba nhóm tách biệt, một phần là để tránh tướng Sử Du, một viên tướng cừ khôi và đáng sợ nhất của Quốc dân đảng. Sử Du đang hờm quân chờ đợi hồng quân tại phía tây Quí Châu.

Sứ quân của Vân Nam là tướng Long Vân, người nhỏ thó nhưng rất quỷ quyệt, đã làm giầu bằng độc quyền thuốc phiện. Tướng Long Vân cũng không trung thành với Tưởng lắm, và lúc nào cũng để tâm đề phòng Tưởng, không kém gì phải đề phòng cộng sản. Long Vân tuy đứng về phe Tưởng nhưng lúc nào cũng sợ Tưởng ra tay hại mình. Mỗi khi Tưởng muốn họp bàn với Long Vân và muốn Long Vân về Nam Kinh thì trước khi Long Vân đi Nam Kinh thì bà Tống Mỹ Linh, vợ của Tưởng, phải tới Vân Nam trước làm con tin. Khi nào Long Vân đi họp trở về bình an thì Tống Mỹ Linh mới được trở về Nam Kinh.

Khi hồng quân đã vào đến địa phận Quí Châu, Mao thành công lừa được Tưởng Giới Thạch bằng những cuộc chuyển quân loạn xạ, từ bắc xuống nam, rồi từ đông sang tây, hoặc ngược lại. Ngay các tướng của hồng quân cũng phải bối rối, không hiểu được ý định của Mao. Tướng Long Vân trong thành Côn Minh cũng rất hoảng sợ trước áp lực của hồng quân đổ dồn vào Vân Nam, vì Long Vân đã gửi đoàn quân thiện chiến nhất của Vân Nam đi giải vây Quế Dương, và trong tay Long Vân bấy giờ chỉ còn một số địa phương quân, chưa quen đánh những trận lớn. Mao đã thành công lừa được quốc quân bỏ xa sông Dương Tử để Mao bất thình lình quay trở lại con sông này. Thoạt đầu Tưởng cho rằng sự chuyển quân hỗn loạn của hồng quân là một dấu hiệu địch quân đang nao núng, và chẳng mấy chốc sẽ thảm bại.

Khi quân Vân Nam bị Mao lừa đi giải vây cho Quế Dương thì lập tức hồng quân quay ngược về hướng tây của tỉnh Vân Nam một cách dễ dàng bình yên như chỗ không người, vì Vân Nam không còn quân phòng thủ nữa. Ba lộ quân cộng sản tiến như bay về sông Dương Tử tại một khúc được gọi là sông Kim Sa, nhưng thực ra sông Dương Tử và sông Kim Sa là một.

Thoạt đầu hồng quân tiến về Long Khai. Nhưng thuyền bè tại đây đã bị đốt hết theo lệnh của Tưởng. Các phi công của Nam Kinh báo cáo đội tiền phương hồng quân đang xây một cây cầu tre qua sông. Ðược tin đó, Tưởng hết sức phấn khởi vì phải mất nhiều tuần lễ mới dựng xong được cây cầu, và Tưởng có đủ thời giờ chuyển quân tới bao vây và tiêu diệt hồng quân tại đó. Nhưng vào một buổi tối, tiểu đoàn hồng quân đang có nhiệm vụ thiết lập cây cầu, được lệnh di chuyển tới một địa điểm khác. Chỉ trong một ngày và một đêm, hồng quân đã làm một cuộc tiến quân dài 85 dậm và tới được Chu Bình Trấn. Mặc giả làm quân Quốc dân đảng, tiểu đoàn hồng quân tiến vào thị trấn lúc chập tối mà không gây một nghi ngờ nào, và lặng lẽ tước khí giới của toán quốc quân phòng thủ.

Các phi cơ quốc quân bay trên khu vực ngày đêm để tìm ra mọi hoạt động của hồng quân, trong khi bên dưới hồng quân đang chạy đua với thời gian. Hồng quân tiến thẳng về sông Kim Sa từ ba đường khác nhau: Ðệ nhất quân đoàn được lệnh chiếm bến phà Long Châu, đệ tam quân đoàn chiếm bến phà Hồng Nhân, trung đoàn cán bộ chiếm bến phà Cao Bình, trong lúc đệ ngũ quân đoàn đoạn hậu để đề phòng quốc quân đuổi theo. Ðường tiến quân của hồng quân về sông Kim Sa rất khó khăn và vất vả, vì cho tới ngày nay cũng chưa có một đường lộ nào chạy từ Vân Nam ra sông Kim Sa; chỉ có những đường mòn nhỏ hẹp. Trên đường đi qua xứ thuốc phiện, hồng quân tịch thu được rất nhiều thuốc phiện và vàng bạc của nhà giầu. Cuối cùng hồng quân phải bỏ thuốc phiện lại, hoặc phân phát cho nông dân ở dọc đường, và chỉ cố vác theo tiền đúc bằng bạc. Nhờ tiền này, hồng quân đã có thể "mua đường" khi đi qua khu vực của người Lô Lô.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #62 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2011, 03:01:40 pm »

Ngày 3-5, Lâm Bưu và đệ nhất quân đoàn chạy như ma đuổi về hướng bắc, và tới bến phà Long Châu ngày hôm sau. Quân đoàn của Lâm Bưu chạy nhanh quá đến nỗi khá nhiều quân yếu đuối chạy không kịp, bị thụt lại sau, rồi bị quốc quân bắt được và bắn chết. Nhưng tình thế có vẻ bất lợi cho Lâm Bưu tại Long Châu. Không có một chiếc thuyền bên này sông, và dòng sông rất rộng và nước chảy xiết. Lâm Bưu ra lệnh làm một chiếc mảng bằng tre, nhưng nước sông chảy mạnh quá, cuốn phăng chiếc mảng đi. Nhưng dù chiếc mảng hoạt động được thì việc chuyển quân qua sông cũng rất nguy hiểm, vì dòng sông quá rộng và hồng quân trên chiếc mảng sẽ dễ làm mồi cho phi cơ của quốc quân. Trong lúc đang lúng túng bên bờ sông thì ngày 6-5, Lâm Bưu nhận được lệnh của Mao phải quay xuống bến phà Cao Bình, và phải có mặt đúng ngày 7-5. Nếu Lâm Bưu đến nơi sau ngày 7-5, thì Mao sẽ không bảo đảm quân của Lâm Bưu có thể qua sông an toàn được.

Từ hàng ngàn năm, bến phà Cao Bình là nơi qua sông nổi tiếng của những đoàn khách thương đi Vân Nam, mang theo muối, bạc, da thú và lúa gạo từ Tứ Xuyên, và những khách thương từ Vân Nam đến, chở theo thuốc phiện, vàng và những hàng hóa đặc biệt của Vân Nam. Trung đoàn cán bộ gặp may mắn và mau lẹ làm chủ được bến phà Cao Bình. Chính bến phà này đã giúp toàn thể hồng quân qua được sông Dương Tử trong suốt chín ngày sau đó. Khi tới gần bờ sông Kim Sa, toán hồng quân tiền phương nhận được một sự bất lợi đầu tiên: quốc quân đã rút hết thuyền và phà về bên kia sông rồi. Tuy nhiên, hàng ngày vẫn có một số cảnh sát mặc thường phục, dùng thuyền trở lại bên này sông để quấy nhiễu làm tiền những người có máu mặt. Chính nhờ những cảnh sát tham nhũng ấy, hồng quân có được phương tiện qua sông. Thực ra quốc quân tại vùng Cao Bình cũng không ngờ hồng quân có thể tới bến phà được, vì nghĩ rằng Cao Bứnh chỉ là bến phà phụ, không quan trọng bằng những bến phà khác. Khi toán cảnh sát mặc thường phục tới sách nhiễu quần chúng và nghe ngóng tin tức, thì bị một đại đội hồng quân kiềm chế ngay. Toán hồng quân liền dùng chính thuyền của cảnh sát qua bên kia sông, và không bị quân trú phòng bên kia sông nghi ngờ. Hồng quân mau lẹ giải giới được toán quân trú phòng đang mải chơi mà chược hoặc hút thuốc phiện.
Hồng quân thanh toán được tất cả toán quân trú phòng tại thị trấn ấy.

Trung đoàn cán bộ làm chủ được bến phà Cao Bình ở cả hai bên bờ, và chiếm được bảy chiếc phà. Lực lượng nòng cốt của trung đoàn tản ra làm một phòng tuyến rộng 30 dậm, chiếm được một ngọn núi, vượt qua một thung lũng ở bờ phía bắc, và đánh đuổi toán quốc quân đến tăng cường từ Tứ Xuyên. Ngay khi trung đoàn cán bộ thanh toán xong đội quốc quân trú phòng tại Cao Bình thì hồng quân bắt đầu qua sông. Hồng quân tìm được 26 người sinh sống bằng nghề chở thuyền, và chính những người này đã đắc lực giúp hồng quân qua sông mau lẹ. Mỗi người được trả lương một quan tiền, hoặc được trả bằng thuốc phiện, nếu họ muốn. Dòng sông hẹp nên mỗi chuyến qua sông chỉ mất chừng mấy phút, và mỗi chiếc phà chở được khoảng từ 20 tới 60 người.

Bờ sông dốc đứng ngay tại chỗ bến phà, và bờ bên kia là một giải đất hẹp. Cách bờ sông khoảng vài chục thước là một tảng đá lớn cao ba thước. Chính trên tảng đá này, Lưu Bá Thừa và Diệp Kiếm Anh đứng suốt 9 ngày để theo dõi và điều khiển công cuộc vượt sông. Ðôi khi phi cơ quốc quân cũng bay qua, nhưng dòng sông chỗ này quá hẹp không thể oanh tạc được. Lừa ngựa sợ không dám đứng trên thuyền, nên được kéo bơi theo thuyền. Trong suốt 9 ngày đêm, thuyền qua lại không lúc nào ngừng. Ban đêm hồng quân đốt lửa sáng rực một góc trời, để việc qua sông được tiếp tục. Ðây là một chuyến vượt sông dễ dàng và thành công nhất. Trong suốt chín ngày hồng quân không thiệt một nhân mạng. Ðàn bà và các thương binh được chuyển sang sông bằng những thuyền riêng.

Mao, Chu Ân Lai, và các cấp lãnh đạo qua sông vào lúc sáng sớm ngày 1-5. Vừa qua sông, Mao lập tức bắt tay vào công việc trong một hang đá bên bờ sông, để theo rõi tình hình của hồng quân. Chu Ân Lai và các lãnh tụ khác cũng làm việc trong những hang đá gần bên. Thời tiết lúc đó tại Vân Nam cực kỳ nóng nực. Sự nóng bức đã gây rất nhiều khó khăn cho trung đoàn cán bộ trong việc chiếm giữ và bảo vệ bến phà. Họ phải trèo lên những đường núi hóc hiểm trong lúc mồ hôi đổ ra như tắm.

Ðệ tam quân đoàn của Bành Ðức Hoài gặp khó khăn tại bến phà Hồng Nhân về phía nam bến phà Cao Bình. Bành Ðức Hoài cho bắc một cầu nổi qua sông, và trung đoàn 13 được lệnh qua sông đầu tiên. Nhưng dòng nước chảy mạnh quá, cuốn trôi cả cây cầu đi. Chu Ân Lai ra lệnh cho họ tới bến phà Long Châu của Lâm Bưu, nhưng quyết định này phải hủy bỏ ngay khi Chu Ân Lai được tin Lâm Bưu cũng gặp khó khăn tại bến phà Long Châu. Cuối cùng hai quân đoàn của Lâm Bưu và Bành Ðức Hoài phải quay về bến phà Cao Bình. Ðệ tam quân đoàn qua sông ngày 7-5, và đệ nhất quân đoàn ngày 8-5. Ðệ ngũ quân đoàn gồm khoảng năm ngàn quân phải đương cự với một sư đoàn quốc quân khoảng mười ngàn người do tướng Ngô Quý Vệ chỉ huy. Trận đánh xảy ra tại phía nam bến phà Cao Bình, và kéo dài một tuần lễ. Cuối cùng đệ ngũ quân đoàn cũng qua được sông Kim Sa ngày 8 và 9 tháng 5. Ðệ cửu quân đoàn giữ nhiệm vụ bảo vệ mặt sau của hồng quân. Ngày 6-5 đệ cửu quân đoàn cũng qua sông tại một địa điểm cách xa bến phà Cao Bình trên ba mươi dặm về phía bắc.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #63 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2011, 03:02:13 pm »

Trong thời gian chín ngày khi hồng quân đang mải vượt sông Kim Sa thì khoảng sáu trung đoàn cảm tử quốc quân của sư đoàn 13 đuổi tới gần bến phà Cao Bình. Nhưng đạo quân này bị đẩy lui vì một cuộc tấn công bất ngờ của đệ ngũ quân đoàn. Quốc quân phải rút lui dọc theo sông Kim Sa. Tưởng Giới Thạch nhận thấy sự thay đổi trong chiến thuật của hồng quân và triệu tập một buổi họp tại Quế Dương để nghiên cứu cách đối phó. Bây giờ Tưởng chủ trương một cuộc truy kích trường kỳ và tấn công có kế hoạch. Sư đoàn 13 quốc quân tách quá xa các lực lượng quốc quân khác, và hoang mang trước những biến chuyển của chiến trường, nên không dám liều lĩnh tấn công hoặc tìm sáng kiến mới. Sư đoàn 13 đành phải đóng quân tại chỗ để chờ thời cơ.

Mao ở lại bến phà Cao Bình cho đến lúc đệ nhất quân đoàn hoàn tất việc qua sông ngày 8-5, thì Mao di chuyển cùng với bộ phận chỉ huy theo một đường mòn trong núi để tới Ðông An. Lưu Bá Thừa vẫn tiếp tục đứng trên trên tảng đá bên bờ sông, cho tới khi người lính cuối cùng qua sông. Lúc đó súng máy của hồng quân bắt đầu sẵn sàng để chống lại đại quân của Tưởng đang tiến tới. Tất cả thuyền được kéo qua bên này sông để phá hủy không cho quốc quân xử dụng. Các người chèo thuyền được thưởng mỗi người 30 quan tiền. Nhưng khi hồng quân đi rồi thì tất cả những người chèo thuyền cho hồng quân bị quốc quân bắt và xử tử hết. Cuối cùng Lưu Bá Thừa từ giã tảng đá bên bờ sông, nhẩy lên ngựa và phóng theo con đường mòn trên núi, đuổi theo Mao và lộ quân chỉ huy.

Sau khi qua sông Kim Sa, hồng quân đã ở phía bắc sông Dương Tử. Cuộc vượt sông Kim Sa là một chiến thắng quan trọng của hồng quân. Nhưng chiến thắng này không phải hoàn toàn chỉ là công lao của Mao và các lãnh tụ cộng sản. Từ lúc xâm nhập địa phận tỉnh Vân Nam, hồng quân cảm thấy được sự hậu thuẫn của quần chúng, và của cả viên chức địa phương. Các đơn vị địa phương của quốc quân không chiến đấu đúng mức, có thể vì họ không thù ghét cộng sản như các khu vực khác, hoặc có thể vì họ hèn nhát, tham sống sợ chết. Sứ quân Long Vân của Vân Nam dường như đang đi giây giữa Tưởng và cộng sản. Long Vân không trợ giúp hồng quân, nhưng cũng muốn bảo toàn lực lượng quân sự của Vân Nam bằng cách tránh đụng độ với cộng quân. Long Vân học được một bài học từ sứ quân Quí Châu.

Sứ quân Vương Gia Liệt của Quí Châu tung quân đánh lớn với hồng quân, và quân của Vương Gia Liệt chịu nhiều tổn thất nặng nề. Họ Vương mất uy tín với dân chúng Quí Châu và Tưởng Giới Thạch. Thay vì trả công cho sự hy sinh của Vương Gia Liệt, Tưởng cho Vương Gia Liệt lựa chọn một trong hai chức vụ: tỉnh trưởng Quí Châu hoặc tư lệnh quân đội Quí Châu. Trước kia Vương Gia Liệt vừa là tỉnh trưởng vừa là tư lệnh Quí Châu. Cuối cùng Vương Gia Liệt đành phải nhận chức tư lệnh quân đội. Tuy vậy Tưởng vẫn chưa tha. Tưởng xúi giục các sĩ quan dưới quyền Vương Gia Liệt đòi tăng lương. Cuộc xung đột giữa Vương Gia Liệt và các sĩ quan dưới quyền trầm trọng đến nỗi Tưởng phải đứng ra can thiệp. Tưởng cách chức Vương Gia Liệt và thuyên chuyển viên cựu sứ quân Quí Châu về làm việc tại một trường quân sự. Tưởng bổ nhiệm một người của mình vào chức vụ tư lệnh Quí Châu thay thế Vương Gia Liệt. Long Vân không muốn trở thành một Vương Gia Liệt thứ hai.

Lòng tham lam ích kỷ của Tưởng có thể là một yếu tố chính đưa đến thất bại không tiêu diệt được hồng quân, trong lúc hồng quân đang tả tơi chạy qua hết khu vực của sứ quân này đến khu vực của sứ quân khác, mà không một sứ quân nào thực tâm muốn diệt cộng sản, vì họ cũng sợ Tưởng như cộng sản vậy. Nếu các sứ quân của Quảng Ðông, Quảng Tây, Vân Nam và đông đảo các sứ quân khác tin tưởng vào Tưởng Giới Thạch, và thực tâm ngăn chặn tiêu diệt cộng sản thì hồng quân không thể nào đi hết được cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Ngay tại bến phà Cao Bứnh, hồng quân qua sông suốt chín ngày mà không thấy quân của Long Vân xuất hiện. Có thể giữa Long Vân và hồng quân đã có một sự thỏa hiệp trước chăng? Sau này Long Vân từ bỏ Tưởng Giới Thạch và gia nhập hàng ngũ cộng sản.

Ngày 10-5, khi quốc quân đuổi kịp tới bờ sông Kim Sa thì toàn thể hồng quân đã qua sông an toàn. Hồng quân cũng cẩn thận phá hủy mọi phương tiện chuyển vận qua sông. Quốc quân đành quay về và tìm đường khác ngăn chặn hồng quân. Tuy qua được sông, nhưng sự nguy hiểm của hồng quân chưa hết. Con đường bắc tiến của hồng quân sẽ dẫn họ đi qua một vùng rất nguy hiểm của giống người Lô Lô, một bộ lạc bán khai sống tại một khu vực rất hiểm trở, và rất thù ghét giống người Hán tộc.

Sau khi qua sông, hồng quân đánh chiếm được thị trấn Hoài Lý, và tại đây Mao Trạch Ðông phải tổ chức một đại hội trong một tiệm lò rèn bên ngoài thành phố. Ðã có những sự chống đối Mao trong chiến dịch tại Vân Nam, đặc biệt là Lâm Bưu. Tại Hoài Lý, Lâm Bưu gửi cho Mao một lá thư yêu cầu Mao giao phó trọng trách chỉ huy hồng quân của mình cho Bành Ðức Hoài. Ðây là một hình thức từ chức để phản đối Mao. Lâm Bưu than phiền Mao đã bắt hồng quân phải di chuyển quá nhiều không cần thiết. Lâm Bưu tuyên bố: "Chiến thuật này làm cho hồng quân kiệt lực. Cung cách chỉ huy của Mao sẽ không thể chiến thắng." Lâm Bưu đề nghị bổ nhiệm Bành Ðức Hoài làm tư lệnh chiến trường, và giới hạn quyền của Mao vào các vấn đề chính trị và kế hoạch, cùng với các nhân viên khác trong Bộ chính trị như Chu Ân Lai và Vương Gia Tường. Lần đầu tiên, sau Tuân Nghĩa, Mao phải đương đầu với một thách đố mới.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #64 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2011, 03:02:42 pm »

Bành Ðức Hoài lúc đó 37 tuổi, là tư lệnh gan dạ của đệ tam quân đoàn, một viên tướng có dáng người và vẻ mặt rất oai phong, một thân thể lực lưỡng nhờ một tuổi trẻ lao động cực khổ. Bành có một biệt danh là "Ông tướng miệng rộng", vì khi Bành cười, miệng Bành mở rộng từ tai bên này tới tai bên kia. Bành là con một nông dân nghèo khổ tại Hồ Nam. Bà nội của Bành Ðức Hoài phải đi ăn xin để nuôi các cháu. Chính Bành cũng từng đi ăn xin và làm nghề chăn trâu. Năm 1916 Bành đi lính cho một sứ quân. Về sau Bành được vào học trường quân sự Hồ Nam, và năm 1928 thì Bành gia nhập hồng quân. Thời kỳ hiển hách nhất của Bành là nắm quyền tổng tư lệnh hồng quân tại Cao Ly chống lại quân đội Hoa Kỳ và đồng minh của Hoa Kỳ. Sau chiến tranh Cao Ly, Bành Ðức Hoài được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng. Bành là người ăn nói bộc trực. Sau này khi chống lại Mao trong chiến dịch Ðại Nhảy Vọt, Bành bị cách chức, bị bắt, và sau này bị Hồng vệ binh tra tấn, nhưng Bành vẫn một mực quát mắng những kẻ tra tấn mình. Sau đó Bành Ðức Hoài bị bỏ mặc chết về bịnh ung thư.

Lâm Bưu thì khác hẳn Bành Ðức Hoài, cả về hình dáng và tâm trí. Lâm Bưu trẻ hơn Bành Ðức Hoài mười tuổi, người mảnh khảnh nhỏ con, mặt trái soan và có vẻ đẹp trai. Bành Ðức Hoài thường nói chuyện với binh sĩ thuộc hạ, trong khi Lâm Bưu xa lánh binh sĩ thuộc hạ, có thể vì tính tình bẽn lẽn nhút nhát. Lâm Bưu từng chiến thắng những trận danh tiếng, tử tế với thuộc hạ, nhưng ít nói. Lâm Bưu thường thích ở một mình và tránh xa đám đông. Sau này khi tới Diên An, các lãnh tụ cộng sản thường tổ chức những buổi khiêu vũ vào tối thứ bẩy. Các lãnh tụ như Mao, Chu Ðức, Bành Ðức Hoài và Chu Ân Lai rất ham khiêu vũ với những người đẹp đến từ Thượng Hải, nhưng Lâm Bưu thường tránh sàn nhảy, mặc dầu được nhiều người đẹp Thượng Hải mời khiêu vũ. Lâm Bưu cuối cùng kết hôn với Diệp Quần, một trong số những mỹ nhân đến từ Thượng Hải.

Lâm Bưu vốn là một "con cưng" của Mao, cũng như trước kia Tưởng Giới Thạch rất quý mến Lâm Bưu khi Lâm Bưu còn là thuộc hạ của Tưởng, trước khi Lâm Bưu đi theo cộng sản tại Thượng Hải năm 1927. Thân phụ Lâm Bưu là chủ một công xưởng kỹ nghệ tại Hồ Bắc. Năm 1932, lúc mới có 24 tuổi, Lâm Bưu đã trở thành tư lệnh đệ nhất quân đoàn. Bây giờ tại Hoài Lý, Lâm Bưu cũng mới chỉ có 27 tuổi, thế mà đã nổi tiếng can trường và có tài lừa địch quân vào cạm bẫy do mình đặt ra. Lâm Bưu là một viên tướng không bao giờ ra quân mà chưa nắm chắc phần thắng. Sự tương phản giữa hai tướng tư lệnh hồng quân thực là rõ rệt, nhưng họ bổ túc cho nhau trong suốt cuộc Trường Chinh. Lâm Bưu có biệt tài đánh bất ngờ, tấn công vào mạn sườn địch quân hoặc đánh những trận nghi binh. Bành Ðức Hoài sở trường trong những trận đánh trực diện, cận chiến, tàn sát.

Vào lúc hồng quân dừng lại tại Hoài Lý thì hồng quân quả thực mệt nhoài. Ðệ nhất quân đoàn của Lâm Bưu từ ba sư đoàn bây giờ chỉ còn lại hai sư đoàn. Ðệ tam quân đoàn của Bành Ðức Hoài chỉ còn lại bốn trung đoàn. Ðệ ngũ và đệ cửu quân đoàn thì không còn dùng danh từ sư đoàn nữa. Mao phải tổ chức hồng quân một lần nữa, đưa tất cả những nhân viên chính trị ra cầm súng tại các đơn vị quân sự. Trong số những người bị thuyên chuyển từ chính trị sang quân sự trong đợt này có Ðặng Tiểu Bình. Tuy nhiên hồng quân đã chạy thoát các cạm bẫy hiểm độc của Tưởng. Bây giờ họ sẽ đi về hướng nào để tránh những cái bẫy tương tự?

Một số lãnh tụ bắt đầu nghi ngờ sự lãnh đạo của Mao, và kết án Mao đã bỏ chạy trước địch quân, và đã tạo ra một sự phá sản quân sự cho hồng quân. Người ta bắt đầu nói tới một tam đầu chế mới, gồm các tướng Bành Ðức Hoài, Lâm Bưu và Lưu Bá Thừa. Nhưng một lần nữa, Mao lại chứng tỏ tài năng khuyến dụ của mình. Mao dễ dàng đương đầu với các thách đố mới, và mỉa mai đề nghị của Lâm Bưu. Mao chỉ trích sự than phiền của một số lãnh tụ là thiếu tinh thần tiến bộ. Chính Bành Ðức Hoài đã phải làm một bản tự kiểm thảo, và do đó sự chống đối Mao xẹp xuống.

Câu hỏi thứ hai được nêu ra tại đại hội là hồng quân sẽ làm gì sau Hoài Lý. Mao đã đề nghị hồng quân tiến qua khu vực của người Lô Lô để đến sông Ðại Ðộ, mặc dù biết rằng Tưởng sẽ đặt một cạm bẫy tại đó. Hồng quân cũng có thể tránh cầu Ðại Ðộ bằng cách chạy về vùng núi non của Tây Tạng. Nhưng mọi người hy vọng sau sông Ðại Ðộ thì hồng quân có thể gia nhập với quân đội của Trương Quốc Ðào. Toàn thể đại hội đồng ý quyết định của Mao tiến về sông Ðại Ðộ.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #65 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2011, 03:03:32 pm »

Ði Qua Khu Vực Của Người Lô Lô

Bây giờ bỏ sông Dương Tử đằng sau lưng, hồng quân sắp phải chinh phục một kẻ thù mới. Hồng quân sắp phải vượt qua những núi rừng của Tân Cương bằng một con đường mà trước kia quân đội Mông Cổ của Hốt Tất Liệt đã từng đi qua. Ðây là khu vực hùng cứ của một giống người còn rất man rợ, gọi là người Lô Lô, một giống dân từ lâu đời bị người Hán đánh đuổi đến tận vùng đất khô cằn và hiểm trở này. Người Lô Lô nghèo đến nỗi cả đàn ông lẫn đàn bà chỉ có một mảnh khố che thân, còn trẻ con thì phải trần truồng. Người Lô Lô rất thù ghét người Hán và rất nghi kỵ người lạ. Ñt khi nào quân đội Trung Hoa đi qua vùng núi non này mà không bị tổn thất nặng nề.

Riêng địa hình ở đây cũng đủ gây khó khăn rồi. Rặng núi Hỏa Sơn thật là khủng khiếp. Trên ngọn núi này không một cây cỏ gì có thể mọc được, và không ai có thể tìm được một giọt nước tại đây. Theo truyền thuyết thì trước kia Tôn Ngộ Không phải trèo qua ngọn núi này để đi thỉnh kinh cùng với Ðường Tăng trong truyện Tây Du Ký; và khi trèo qua ngọn núi này thì lông dưới hậu môn của Tôn Ngộ Không cháy hết. Người Trung Hoa tin rằng kể từ ngày Tôn Ngộ Không trèo qua núi Hoả Sơn, giống khỉ đều không có lông dưới hậu môn. Ngoài ra trong vùng còn có một con suối chứa một thứ nước độc kỳ lạ, có tác hại mạnh đến cơ quan phát âm. Người nào uống phải nước suối này thì cứ cười cho đến chết.

Trên đường tiến tới con sông Ðại Ðộ, hồng quân phải đi qua ngọn núi Hỏa Sơn và có thể lạc tới con suối nước độc kể trên. Nhưng mối lo tâm phúc của các lãnh tụ hồng quân là phải đương đầu với giống người Lô Lô. Khu vực của người Lô Lô rộng bao nhiêu thì không ai biết được, vì chưa ai từng vào được khu vực của họ, và nếu vào được thì cũng không sống sót để trở về. Có hai giống người Lô Lô: Một giống được gọi là "Lô Lô Xương Ðen" và giống kia gọi là "Lô Lô Xương Trắng". Người Trắng là nô lệ của Người Ðen, và Người Ðen thuộc giới quý tộc. Những Người Trắng gồm có một số người Hán, và những người bị bắt làm nô lệ từ những bộ lạc khác như Miêu, Tây Tạng... Người Trắng được phép làm một số nghề sản xuất, nhưng quyền kiểm soát đều nằm trong tay Người Ðen. Người Trắng không bao giờ được kết hôn với Người Ðen. Nếu một người đàn bà Ðen làm tình với một người Trắng mà bị bắt được thì sẽ bị hành hạ cho đến chết. Trường hợp một người đàn ông Ðen bị bắt được làm tình với một người đàn bà Trắng thì sẽ bị phạt tiền rất nặng. Tuy người Lô Lô được coi là chậm tiến bán khai, nhưng họ cũng đủ thông minh để khai thác làm chủ những người không thuộc giống của họ. Người Lô Lô còn là những chiến sĩ can trường. Người Hán nhiều lần tấn công xâm nhập khu vực của họ, nhưng cuối cùng cũng phải rút lui.

Người Lô Lô cũng trồng lúa, nhưng không đủ để dùng suốt năm. Khi nào họ ăn hết lúa gạo của họ, họ mở những cuộc tấn công xuống những thung lũng của người Hán để cướp lúa gạo. Họ không có một thứ quần áo nào nhất định. Họ mặc những gì họ cướp được của người Hán. Hồng quân đã từng chạy qua các khu vực của người thiểu số, như người Miêu tại Quí châu, người Sơn tại Vân Nam, và hồng quân được người Miêu và người Sơn đối đãi khá thân thiện. Nhưng lần này khi hồng quân tới gần khu vực của người Lô Lô, thì dân chúng mgười Hán bỏ chạy và bị người Lô Lô ngăn chặn và cướp bóc của cải của người Hán. Khi dân chúng yêu cầu hồng quân giúp họ đánh người Lô Lô trả thù cho họ, thì hồng quân tìm cách thỏa hiệp với người Lô Lô.

Khi hồng quân tiến vào rặng núi chạy qua khu vực của người Lô Lô, họ trông thấy hàng ngàn người đứng trên sườn núi, mang đủ loại vũ khí, từ súng tới dáo mác. Họ chạy đi chạy lại và hò hét, dường như muốn ngăn chặn hồng quân. Hồng quân bắt buộc phải đi sát vào nhau, và tiến bước rất thận trọng để đề phòng một cuộc phục kích bất ngờ. Khi hồng quân tới một nơi gọi là Kumatzu, khoảng mười dậm bên trong khu vực người Lô Lô, thì đụng phải một đám đông người đứng chặn trước mặt. Hồng quân bắt buộc phải dừng lại. Ðám người Lô Lô la lên những tiếng lạ lùng, và làm những cử chỉ diễn tả nếu hồng quân cứ tiếp tục tiến lên thì một cuộc đụng độ không tránh khỏi. Ðúng lúc đó từ hậu quân, một toán công binh đi chậm nên thụt lại chừng một trăm thước và lập tức bị người Lô Lô tấn công. Toán công binh không có vũ khí, mà chỉ mang theo những dụng cụ bắc cầu thôi. Toán công binh bị tước tất cả dụng cụ và bị lột cả quần áo, nhưng không bị hành hung. Cuối cùng toán công binh phải rút lui.

Khi hồng quân dừng lại thì người Lô Lô bao vây chung quanh. Hồng quân yêu cầu tìm một người thông ngôn, và trình bày lý do phải đi qua khu vực để tiến về phía bắc với mục đích tấn công quân Quốc dân đảng, và hồng quân không thù nghịch người Lô Lô, và sẽ không ở lại trong khu vực của họ. Mặc dù những lời giải thích này, người Lô Lô vẫn vung vũ khí và không cho hồng quân đi qua, và muốn đi qua thì phải trả tiền lộ phí. Hồng quân đồng ý trả cho người Lô Lô 500 quan tiền đúc bằng bạc để được đi qua bình yên. Khi người Lô Lô trông thấy tiền bạc thì tất cả nhào tới vồ lấy. Sau khi hồng quân phân phát tới vài ngàn quan tiền rồi mà người Lô Lô vẫn còn đòi thêm.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #66 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2011, 03:04:02 pm »

Ðúng lúc ấy thì từ cửa một thung lũng nhỏ hẹp, bụi mù tỏa lên. Một con lừa đen dẫn đầu một đoàn lừa và ngựa đang phóng tới chỗ hồng quân. Trên con lừa đen dẫn đầu là một người Lô Lô cao lớn khoảng 50 tuổi. Ðám đông người Lô Lô đang ồn ào đòi thêm tiền của hồng quân lập tức im lặng, khi trông thấy người đàn ông ấy. Người ta được biết người đàn ông ấy là người chú thứ tư của Siêu Diệp Tần, chúa bộ lạc Lô Lô. Hồng quân hy vọng có thể thương thảo với người đàn ông mới tới này, để tìm một giải pháp hòa bình đi qua được khu vực của người Lô Lô. Khi hồng quân cho biết tư lệnh hồng quân muốn nói chuyện với người đàn ông mới tới thì ông ta bằng lòng ngay, và nhảy xuống lừa rồi vẫy tay cho mọi người Lô Lô khác im lặng. Biết người Lô Lô rất quý trọng tình anh em, đại diện của hồng quân đề nghị tư lệnh hồng quân Lưu Bá Thừa kết nghĩa anh em với Siêu Diệp Tần. Người chú của Siêu Diệp Tần được tặng một số vũ khí và tỏ ra rất vui lòng được liên kết với hồng quân, rồi lập tức sai người đi thông báo cho Siêu Diệp Tần về việc kết nghĩa anh em với tư lệnh hồng quân.

Các lãnh tụ hồng quân e ngại nếu không thỏa hiệp được với người Lô Lô thì đại quân không thể đi qua vùng đất này an toàn được. Thế nào cũng có đổ máu vô ích, và sự tổn thất của cả hai bên không thể biết trước sẽ lên tới mức nào. Khi được biết cơ hội kết thân với người Lô Lô, Lưu Bá Thừa vội vã tiến lên gặp Siêu Diệp Tần để dự lễ kết nghĩa anh em. Buổi lễ được tổ chức trước một hồ nước trong, bên trong một thung lũng nhỏ. Ba người, Lưu Bá Thừa và hai chú cháu Siêu Diệp Tần bước tới bờ hồ chuẩn bị làm lễ. Trước hết, một con gà lớn bị cắt tiết cho máu nhỏ vào ba tô lớn đựng đầy nước hồ trong vắt. Ba người quỳ xuống bên cạnh nhau, trước ba tô nước pha trộn máu gà. Lưu Bá Thừa là người đầu tiên tuyên thệ: "Trước hoàng thiện và hậu thổ, tôi Lưu Bá Thừa, tuyên thệ rằng tôi vui lòng trở thành anh em kết nghĩa với Siêu Diệp Tần." Thề xong, Lưu Bá Thừa uống cạn tô nước nhuộm máu gà. Chú cháu Siêu Diệp Tần chỉ vào xác con gà và tuyên thệ: "Kẻ nào phản lại lời thề kết nghĩa ngày hôm nay sẽ chết giống như con gà này." Thề xong hai chú cháu cùng uống cạn tô nước pha máu gà của họ.

Sau buổi lễ thì trời cũng gần tối, nên hồng quân đành phải tạm rút lui ra ngoài khu vực của người Lô Lô để đóng quân nghỉ, chờ sáng hôm sau sẽ lên đưòng. Chú cháu Siêu Diệp Tần được mời tới dự một bữa tiệc tại trại của hồng quân. Vì biết người Lô Lô rất giỏi uống rượu, hồng quân đem tất cả rượu có được trong các làng bên cạnh khoản đãi họ. Mặc dầu thế, cũng không đủ cho những người khách Lô Lô say.

Ngày hôm sau Lưu Bá Thừa tặng người Lô Lô hai trăm khẩu súng trường và một ngàn quan tiền bằng bạc đúc, để được phép đi qua khu vực của họ. Thế là hồng quân được phép đi qua vùng đất dữ một cách an toàn, nhưng mỗi chặng đường, hồng quân vẫn phải mua những thứ cần dùng của người Lô Lô và phải trả bằng bạc. Người Lô Lô không nhận tiền giấy. Tất cả hồng quân được lệnh phải tặng quà cho người Lô Lô, nhưng người Lô Lô tham lam, không bao giờ thỏa mãn, càng cho nhiều họ càng đòi hỏi nhiều hơn. Người Lô Lô khám xét cả đến túi quần áo của mỗi hồng quân, hoặc tự động thò tay vào túi của hồng quân để lục lọi. Người Lô Lô đã cướp của hồng quân tất cả mọi thứ mà hồng quân có thể bỏ lại được. Dầu vậy, hồng quân vẫn phải cố chịu đựng và chấp nhận hành động ăn cướp trắng trợn của người Lô Lô. Hồng quân được lệnh phải cực kỳ thận trọng, không được làm mất lòng người Lô Lô, và phải học biết những tục lệ kỳ quái của người Lô Lô để tránh xúc phạm đến họ. Người Lô Lô đòi hỏi hồng quân phải cung cấp vũ khí cho họ, và được hồng quân đồng ý ngay.

Khi hồng quân tiến vào khu vực người Lô Lô thì lực lượng truy kích của Tưởng Giới Thạch không đuổi theo nữa. Tưởng nghĩ rằng hồng quân sẽ phải đụng độ với giống người Lô Lô cực kỳ hung hãn, và người Lô Lô sẽ giúp Tưởng tiêu diệt hồng quân. Tuy vậy, Tưởng vẫn cẩn thận phái phi cơ bay tuần thám để theo dõi tình hình. Tưởng cũng ra lệnh lực lượng tiền phương của Quốc quân phải tới phòng thủ tại hai yếu điểm trên sông Ðại Ðộ: đó là một bến phà tại An Sơn Trang và một cây cầu treo bên trên An Sơn Trang, được gọi là cầu Ðại Ðộ.

Trong khi đó hồng quân an toàn qua được khu vực của người Lô Lô. Một số người Lô Lô đã gia nhập hồng quân, và hướng dẫn hồng quân đi theo những con đường tắt bí mật mà chỉ người Lô Lô mới biết được. Nhờ thế hồng quân đã có thể tiến tới sông Ðại Ðộ một cách mau lẹ hơn sự tính toán của Tưởng Giới Thạch. Nhờ sự cộng tác của người Lô Lô, hồng quân vượt qua được ngọn núi Hỏa Sơn nguy hiểm một cách dễ dàng. Khi đi hết rặng núi Tân Cương, hồng quân bây giờ không còn được núi rừng che chở nữa, nên phải bắt đầu ngày nghỉ đêm đi để tránh gặp phải phi cơ của quốc quân. Ðến cuối tháng tám, hồng quân tới được An Sơn Trang nằm trên bờ sông Ðại Ðộ mà chưa bị quốc quân khám phá. Hồng quân mệt nhừ qua chặng đường vừa qua, nên tất cả gục xuống bên bờ sông để ngủ. Nhưng Mao và các lãnh tụ hồng quân đứng trên ghềnh đá, nhìn xuống dòng sông hiểm ác đang cuồn cuộn chảy dưới một trận mưa đầu mùa hạ, và nghĩ cách vượt qua con sông ngay trong đêm đó.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #67 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2011, 03:04:54 pm »

Vượt Cầu Ðại Ðộ

Bây giờ hồng quân phải đương đầu với một thử thách mới: đó là con sông Ðại Ðộ, một con sông nổi tiếng hiểm ác. Ðây là chướng ngại lớn nhất trong suốt cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Sông Ðại Ðộ khởi nguồn từ một cao nguyên băng giá và đổ xuống phía nam rồi gia nhập vào sông Dương Tử. Dòng sông chảy xiết nên không thể dùng làm một thủy lộ được. Ngay việc dùng phà chở người và hàng hóa băng ngang qua sông cũng rất nguy hiểm. Nước sông đập vào ghềnh đá, gầm réo như sấm và tung lên từng đám mây những giọt nước nhỏ như sương mù sau khi đập vào bờ đá. Các điểm qua sông chính là một cây cầu làm bằng xích sắt hoặc giây thừng lớn và bến phà An Sơn Trang.

Trong lịch sử Trung Hoa đã từng có nhiều đoàn quân bị chặn lại, và bị đánh tan tành bên bờ con sông hiểm ác này. Trận đánh gần nhất trong lịch sử là toán quân cuối cùng của loạn Thái Bình Thiên Quốc cũng sa vào hiểm địa này rồi bị quân nhà Thanh bao vây và tiêu diệt trọn mà không có đường chạy trốn. Tại bến sông An Sơn Trang, nước sông réo lớn đến nỗi người ta nói rằng đó là hồn ma của hàng chục ngàn loạn quân Thái Bình than khóc đòi trả thù, vào những lúc canh khuya. Khi đám tàn quân Thái Bình bị vây hãm tại bờ sông Ðại Ðộ mà không có cách gì qua sông được, họ nhất định không chịu đầu hàng. Họ quyết định thà chết đói sau khi ăn hết thịt ngựa, hoặc chết chìm dưới dòng sông hơn là đầu hàng quân nhà Thanh. Loạn quân Thái Bình cũng làm những chiếc mảng thật lớn, chở được khoảng năm ngàn quân, nhưng khi những chiếc mảng này ra đến giữa lòng sông thì bị súng đại bác của quân Thanh bắn tan tành, khiến xác loạn quân làm nghẽn cả dòng sông. Viên chủ tướng của loạn quân Thái Bình đầu hàng mà vẫn bị triều đình nhà Thanh xử tử bằng cái chết xé xác phân thây. Chu Ðức nói với các thuộc hạ rằng nếu hồng quân đầu hàng Tưởng Giới Thạch, thì cũng sẽ chịu chung một số phận như những loạn quân Thái Bình đầu hàng nhà Thanh.

Tưởng Giới Thạch cũng thuộc lịch sử và cũng biết dòng sông Ðại Ðộ có thể là tử địa cho hồng quân. Tưởng ra lệnh cho các sứ quân đồng minh tại Tứ Xuyên là Lưu Hoàng và Lưu Vệ Hồi, và các tướng Quốc dân đảng phải truy nã với hy vọng diệt hết được hồng quân, như trước kia quân nhà Thanh đã tiêu diệt được loạn quân Thái Bình tại bờ sông Ðại Ðộ. Tuy nhiên hồng quân không bao giờ mắc phải cái lỗi lầm sinh tử của loạn quân Thái Bình. Khi loạn quân Thái Bình tới bờ sông Ðại Ðộ, viên chủ tướng đã dừng lại ba ngày bên bờ sông để ăn mừng sinh nhật của đứa con trai mới lên bốn tuổi. Chính việc dừng lại để ăn mừng sinh nhật đã giúp quân nhà Thanh có đủ thời giờ tập trung và bao vây loạn quân Thái Bình. Trái lại, các lãnh tụ hồng quân đều cố gắng vượt con sông càng sớm càng tốt.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #68 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2011, 03:05:26 pm »

Hồng quân có thể dùng ba địa điểm chính để vượt qua sông. Ðịa điểm thứ nhất là cây cầu treo bắc qua sông được gọi là cầu Ðại Ðộ. Ðây chính là con đường lịch sử để đi tới Tây Tạng, Ấn Ðộ và Âu châu, nhưng cũng là con đường khó khăn nhất. Cây cầu được thiết lập từ đời vua Khang Hy năm 1701, do thái thú Lục Ðịnh đứng ra trông coi, vì thế chiếc cầu này cũng còn được gọi là Lục Ðịnh Kiều. Cây cầu làm rất là đơn sơ, chỉ có 13 sợi xích lớn bắc treo ngang dòng sông. Hai bên cũng có bốn sợi xích dùng làm thành cầu để cho người ta có chỗ vịn tay. Thành cầu này rất cần thiết, vì cầu rất tròng trành, nếu không có chỗ vịn, người qua cầu có thể bị hất xuống sông rất dễ dàng. Thân cầu có 9 sợi xích treo song song với nhau, bên trên đặt những tấm ván. Ði lại trên cây cầu Ðại Ðộ rất nguy hiểm, vì không những cầu rất cao mà còn đung đưa như một chiếc võng lớn trên một dòng sông nước chảy cuồn cuộn. Lúc mới làm xong cầu, Lục Ðịnh thu tiền qua cầu. Khi Lục Ðịnh chết rồi thì không ai thu tiền qua cầu nữa, và những người bạo gan, can đảm cứ tự do qua cầu.

Ðịa điểm thứ hai là An Sơn Trang, cách cầu Ðại Ðộ khoảng trên 100 dậm. An Sơn Trang chính là nơi đám loạn quân Thái Bình cuối cùng sa vào tử địa. Tại đây có một bến phà. Ðịa điểm thứ ba là một con đường nhỏ chạy qua Phú Lâm mà hồng quân đang đi tới. Con đường này dẫn tới Vân Nam và Tân Cương.

Bộ tư lệnh hồng quân thi hành một kế nghi binh để đánh lừa quốc quân, trong lúc đại bộ phận của hồng quân tiến tới bến phà An Sơn Trang. Một cánh hồng quân được lệnh tiến tới tấn công Phú Lâm để cầm chân quốc quân tại đây. Lúc đó quốc quân đã bố trí ba trung đoàn tại cầu Ðại Ðộ, một trung đoàn tại bến phà An Sơn Trang, và hai trung đoàn nữa đóng cách bến phà khoảng 10 dậm. Hồng quân quyết định phải dùng bến phà An Sơn Trang để qua sông. Ðây là một thị trấn nhỏ, có chừng trên một trăm gia đình, và do hai đại đội quốc quân phòng vệ. Cả khu vực An Sơn Trang chỉ có một chiếc phà. Hồng quân bắt buộc phải quét sạch trung đoàn quốc quân bên kia sông để chiếm được chiếc phà duy nhất đó.

Vào khoảng gần nửa đêm, toán hồng quân đầu tiên tới một triền sông Ðại Ðộ, cách An Sơn Trang vài dậm.
Toán hồng quân mệt mỏi này quyết định nằm nghỉ lại bên bờ sông để đợi lệnh. Trên bờ sông có một vài căn nhà, và bên dưới là một dòng sông gầm réo như tiếng ma kêu quỷ khóc giữa đêm khuya. Trong lúc toán hồng quân mệt mỏi chúi xuống ngủ thì viên chỉ huy nhận được lệnh phải tấn công quốc quân thật bất ngờ, tại An Sơn Trang ngay đêm đó, và chiếm lấy chiếc phà để qua sông. Viên chỉ huy bỗng kinh ngạc trông thấy một chiếc phà của quốc quân đang qua bên này sông. Chiếc phà ấy đã bất tuân lệnh của Tưởng Giới Thạch cấm không cho một chiếc phà nào được qua bên này sông. Thực ra lúc đó bên kia sông chỉ có một trung đoàn của sứ quân Lưu Vệ Hồi. Các toán quân tăng cường khác của quốc quân vẫn chưa tới kịp, nhưng phía quốc quân tin rằng chỉ một trung đoàn của sứ quân Lưu Vệ Hồi cũng đủ cầm chân hồng quân rồi.

Viên trung đoàn trưởng quốc quân là người địa phương nên biết rất rõ đường lối trong vùng. Hắn tin rằng phải một thời gian nữa hồng quân mới có thể tới được bờ sông Ðại Ðộ, vì thế hắn chưa vội cẩn mật đề phòng. Vợ viên trung đoàn trưởng vốn là người An Sơn Trang, vì thế viên trung đoàn trưởng vẫn dùng phà trở lại bên này sông để thăm viếng gia đình vợ và để ăn nhậu. Chính nhờ cơ may này, hồng quân đã bắt sống được viên trung đoàn trưởng và chiếm được chiếc phà. Viên chỉ huy hồng quân chia quân của mình làm ba cánh, một tiểu đoàn tiến chiếm An Sơn Trang, một tiểu đoàn dùng chiếc phà mới bắt được, qua sông tấn công một địa điểm khoảng vài dậm phía lưu vực sông để đánh lạc hướng địch quân, còn một tiểu đoàn ở lại giữ vững vị trí bên này sông.

Toán quân phòng vệ An Sơn Trang không bao giờ ngờ hồng quân có thể đến sớm như vậy. Phần đông còn mải mê chơi mà chược, và khi bất thần thấy hồng quân tấn công thì chỉ còn một cách bỏ chạy tán loạn. Hồng quân chiếm được An Sơn Trang một cách thật dễ dàng. Tiểu đoàn hồng quân dùng phà qua sông gặp khó khăn. Dòng sông thật là hung dữ mà hồng quân thì không biết điều khiển chiếc phà, trong khi đó quốc quân bên kia sông đang chiếm những vị trí thuận lợi để pháo kích hồng quân đang qua sông. Hồng quân đặt một dàn súng máy tại bờ sông, nấp sau những khối đá an toàn. Nhưng vấn đề khó khăn nhất vẫn là làm sao qua được bờ bên kia. Hồng quân không thể bơi qua sông được, vì nước sông chảy cuồn cuộn như thác lũ.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #69 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2011, 03:05:58 pm »

Về sau hồng quân tìm được một số người chèo thuyền, và lựa một số cảm tử quân cho qua sông trong chuyến đầu tiên, với hỏa lực yểm trợ mạnh mẽ. Ðây là một chuyến đi cảm tử vì quân trú phòng Quốc dân đảng đông đảo hơn, và nằm chờ sẵn trong những vị trí phòng thủ an toàn. Chiếc phà tròng trành nghiêng ngửa và bị hỏa lực của quốc quân bắn xối xả. Nhưng nhờ sự can đảm và hỏa lực yểm trợ quyết liệt của hồng quân, toán cảm tử quân cũng sang được bờ bên kia. Toán hồng quân cảm tử lên được bờ, dùng lựu đạn liệng vào ổ phòng thủ của quốc quân, khiến quốc quân phải rút lui tới những ngọn đồi gần đó. Toán hồng quân cảm tử đã làm chủ được bến phà làm đầu cầu cho hồng quân tiếp tục sang sông.

Hồng quân đuổi theo quốc quân đang rút lui và bắt được thêm hai chiếc phà nữa. Ðến trưa ngày hôm sau thì cả trung đoàn hồng quân đã sang được sông. Trong ba ngày, từ 26 đến 28 tháng 5, ba chiếc phà tại An Sơn Trang đã chở được một sư đoàn hồng quân qua sông. Tuy dòng sông Ðại Ðộ không rộng, nhưng vì nước chảy cuộn xoáy và có nhiều đá ngầm, nên phải mất 4 tiếng đồng hồ cho một chiếc phà đi từ bờ sông phía nam sang bờ sông phía bắc. Với một tốc độ như thế thì phải mất một thời gian khá lâu mới chở hết được hồng quân qua sông. Hồng quân rất e sợ phi cơ quốc quân có thể khám phá ra mục tiêu, và tạo ra những tổn thất khủng khiếp cho hồng quân, trong lúc hồng quân mỗi lúc một tập trung đông đảo hơn bên bờ sông tại An Sơn Trang.

Mao mở một cuộc họp khẩn cấp tại An Sơn Trang với Chu Ðức, Chu Ân Lai, Bành Ðức Hoài và Lâm Bưu. Tất cả quyết định phải tiến về cầu Ðại Ðộ, nguồn hy vọng cuối cùng của hồng quân để thoát về miền bắc Trung Hoa. Nếu hồng quân thất bại tại cầu Ðại Ðộ thì họ đành phải quay trở về đường cũ, qua khu vực người Lô Lô và Vân Nam. Hồng quân muốn tránh số phận đã xảy ra cho loạn quân Thái Bình. Sự thất bại tại cầu Ðại Ðộ có nghĩa là sự thảm bại của cuộc Vạn Lý Trường Chinh và cộng đảng Trung Hoa.

Sáng ngày 23-5, một trung đoàn hồng quân đầu tiên từ An Sơn Trang tiến về phía cầu Ðại Ðộ, một khoảng cách chừng 100 dậm, với nhiệm vụ chiếm cho bằng được cây cầu. Trung đoàn được lệnh trong vòng ba ngày phải tới cầu Ðại Ðộ. Con đường đi thật vô cùng khó khăn, phải đi qua những đường núi gập ghềnh nhỏ hẹp, hết đi lên lại đi xuống những bờ đá cheo leo. Bên trái họ là mép núi, dựng đứng cao vòi vọi, vươn lên tới những đám mây mù mịt, sườn núi quanh năm tuyết phủ. Bên phải họ là con sông chảy như thác, xủi bọt trắng xóa. Toán quân được lệnh tiến quân hỏa tốc chỉ xảy chân một bước là rơi xuống mất tích dưới dòng nước cuồng nộ ngày đêm. Khi đi được khoảng mười dậm thì con sông hẹp lại và bờ đá của hai bên dòng sông rất gần nhau, và quốc quân đóng bên kia sông trong những khe núi an toàn, bắt đầu khai hỏa tấn công hồng quân.

Cuối cùng hồng quân không thể tiến lên được nữa, và bắt buộc phải quay trở lại, tìm một con đường khác an toàn hơn sau rặng núi. Con đường mới tuy mất nhiều thời giờ hơn, nhưng không còn bị quốc quân tấn công ngang sườn nữa. Tuy vậy hồng quân vẫn phải đương đầu với các toán quốc quân phục kích tại một khe núi. Rồi lại có những con sông nhỏ và rất sâu chắn ngang đường tiến quân, và những cây cầu nhỏ bắc ngang qua những con sông này đã bị quốc quân phá hủy rồi. Hồng quân phải chặt cây làm cầu. Tại một khe núi hẹp, một tiểu đoàn quốc quân trấn giữ chờ sẵn từ những mỏm núi bên trên. Hồng quân phải dừng lại, phái một đơn vị đi vòng quanh núi để tấn công phía sau của quốc quân, trong lúc một tiểu đoàn hồng quân khác giả đò tấn công phía trước mặt quốc quân. Quốc quân tập trung hết hỏa lực vào khe núi trước mặt, và không phòng thủ mặt sau.

Chừng một giờ sau, hậu quân của quốc quân chợt rối loạn. Rồi hồng quân ở cả hai mặt tiền và hậu xung phong tàn sát khiến quốc quân phải bỏ chạy. Ngày 24-5, khi còn cách cầu Ðại Ðộ 60 dậm nữa thì trung đoàn nhận được lệnh của Lâm Bưu, buộc trung đoàn phải tiến thật nhanh và phải chiếm được cây cầu ngày 25-5. Lúc đó lực lượng chính của quốc quân cũng đang tiến về cầu Ðại Ðộ, và nếu hồng quân không chiếm ngay được cây cầu thì cơ may không bao giờ tới nữa. Trung đoàn hồng quân đành phải cố gắng thi hành mệnh lệnh, không dám dừng lại để ăn uống, mà phải vừa đi vừa nhai gạo sống cho đỡ đói. Nhiều người buồn ngủ và sợ có thể bị té xuống sông trong lúc di chuyển, nên hồng quân đã phải dùng thừng quấn ngang bụng, nối liền cả một tiểu đội vào với nhau, để khi một người lao đao sắp té thì người khác kịp níu lại.
Một chướng ngại nữa trước khi tới cầu Ðại Ðộ là núi Mãnh Hổ, tại đó quốc quân đã phòng thủ cẩn mật. Cũng may cho hồng quân lúc đó là mùa sương mù. Chính sương mù dầy đặc đã giúp hồng quân tiến sát được tới các vị trí phòng thủ của quốc quân mà không bị khám phá. Hồng quân thảy lựu đạn vào các vị trí phòng tuyến đầu, khiến quốc quân hoảng hốt bỏ chạy. Tuy vậy hồng quân vẫn còn cách cầu Ðại Ðộ trên 20 dậm nữa. Hồng quân phải trèo lên ngọn núi Mãnh Hổ, và đúng lúc đó thì trời đổ một trận mưa thật lớn như trút nước xuống, khiến cuộc tiến quân càng thêm chật vật trên những con đường cheo leo và bùn trơn như mỡ. Khi qua được bên kia núi Mãnh Hổ, hồng quân trông thấy quốc quân bên kia sông cũng đang vội vã tiến tới phòng thủ cầu Ðại Ðộ. Hồng quân bắt buộc phải tới cây cầu đúng 6 giờ sáng ngày hôm sau. Chợt quốc quân bên kia sông đốt đuốc sáng rực lên, chứng tỏ quốc quân nhất quyết đi suốt đêm để tới cây cầu. Hồng quân cũng tìm những cây xậy để làm đuốc, và bỏ lại tất cả lừa ngựa, hành lý và vũ khí nặng, và chỉ đem theo vũ khí cá nhân cho nhẹ để tiến mau lẹ hơn. Hồng quân đang chạy đua với quốc quân bên kia sông để cố tới cây cầu trước đối phương. Dòng sông Ðại Ðộ bỗng đỏ thẫm vì ánh lửa rọi xuống từ hai bên bờ. Nhưng quốc quân bên kia sông lại tưởng hồng quân là một đơn vị quốc quân khác cũng đang tiến tới bảo vệ cầu Ðại Ðộ.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM