Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 11:57:55 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Binh thư yếu lược  (Đọc 188524 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2008, 11:09:01 pm »


*
*   *

Thế đã nên, cơ đã đến, người đã tập hợp mà lại dùng dằng kéo dài, đó là làm biếng quân vậy. Quân tướng lười, thời sắp không lợi, nước sắp khốn, cầm quân trên cõi mà không quyết chiến, đó là làm mê quân vậy.

Ta có chí mà chậm thì người sẽ tính trước ta; thấy mà không quyết định thì người sẽ phát trước ta. Ta phát mà không nhanh thì người sẽ thắng trước ta. Khó được ấy là thời, dễ mất ấy là cơ, nên phải làm nhanh vậy.

Quá nữa, địch không thể đánh chớp nhoáng mà thắng được, thì ta phải dùng cách giằng co; giằng co ở phía trước thì địch không thể vượt được; giằng co ở phía sau thì không ai dám chống, dám ra. Địch mạnh mà cô thế, thì giằng co cả đầu và đuôi, khiến nó chạy vạy mỏi mệt; địch giỏi mà tiến trước, thì ta phải gieo vào đoạn giữa, khiến cho đầu đuôi không thể ứng nhau, thế lớn mà rộng, quân nhiều mà tản, lúc ở chỗ này, lúc ở chỗ kia, làm cho nó hợp thì khó mà tụ được, chia thì khó mà giữ được. Ta bèn gồm quân lại, nhắm thẳng một hướng mà có thể thắng vậy.

Hoạt động gấp sức thì không việc gì là không tốt.

Người tất thắng, có khi do dũng mà thắng; có khi do trí mà thắng, có khi do đức mà thắng; có khi nhiều lần thắng; có khi một lần thắng. Thắng được người dũng là do trí. Thắng được người trí là do vụng. Thắng được đức thì cần phải sửa mình. Người giỏi thắng không cần thắng nhiều lần mà cần toàn thắng, cần bảo đảm thắng. Nếu nhòm lợi nhỏ thì chỉ khêu giận cho địch, làm bền chí địch, làm kiêu khí của quân ta mà khinh tiến, làm nhụt chí của quân ta mà sơ hở. Thế là bất thắng.



*
*   *


Sách Kinh thế:

Khó khăn về sức thì mượn sức của địch; không thể giết được thì mượn gươm của địch; không có của thì mượn của của địch; không có sản vật thì mượn sản vật của địch; ít quân tướng thì mượn quân tướng của địch; không đủ mưu trí thì mượn mưu trí của địch. Ta muốn làm mà dụ địch để sai khiến, đó là ta mượn sức của địch vậy. Ta muốn giết mà lừa cho địch giết, đó là ta mượn gươm của địch vậy. Yên giữ được cái sở hữu, thì làm tan được tải sản của địch. Khiến nó tự đánh nhau, đó là ta mượn quân của địch. Đảo việc làm của nó làm việc làm của ta, nhân kế nó để thành kế của ta, đó là ta mượn mưu trí của địch. Không phải tự ta làm, cứ ngồi mà được việc. Ta không ra tay được, thì mượn tay người khác. Thậm chí có khi lấy địch mà mượn địch. Mượn địch của địch, khiến địch không biết mà cuối cùng để cho ta mượn; phỏng khiến địch đã biết mà không thể không để cho ta mượn, thì đó là cách mượn khéo vậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2008, 11:11:18 pm »


*
*   *

Trì (Cầm).

Theo đạo trời thì nổi lên sau là thắng. Việc binh nên đánh vào chỗ dễ mà không đánh vào chỗ khó. Uy dữ thì tan, sắc nhọn thì gãy. Cho nên địch đem quân đến, thế không thể ở lâu được thì ta cầm. Thế bách, kíp muốn thắng ngay, thì ta cầm. Địch đánh có lợi, ta đánh không lợi, thì ta cầm. Thời nên giữ yên, động trước thì nguy, thì ta cầm. Hai kẻ địch đánh nhau, hẳn có người thương bại, thì ta cầm. Có quân mà nghi nhau, hẳn đến mưu hại nhau, thì ta cầm. Địch tuy có trí năng, nhưng trong có kẻ cản trở, thì ta cầm. Nó ở thế hiểm, ta ở thế yên, thì ta cầm. Nó đói mà ta no, thì ta cầm. Nó nhọc mà ta rỗi, thì ta cầm. Thiên thời sắp hại, địa nạn sắp hãm, nhuệ khí sắp nhụt, thì ta cầm. Cầm cho nó đã mệt, bấy giờ ta nổi dậy mà đánh, thì sức vẹn mà công nhiều. Đáng gấp thì thừa cơ, lợi hoãn thì cầm lại. Kéo dài để bền sức mình, cầm lâu để làm khốn địch. Dùng sau làm trước, đó là điều bí của phép binh.


Hỗn (Lộn sòng).

Lộn sòng vào chỗ hư, thì địch không biết đâu mà đánh. Lộn sòng vào chỗ thực, thì địch không biết đâu mà lánh. Lộn sòng kỳ với chính, thì địch không biết biến hóa làm sao. Lộn sòng với quân, lộn sòng với tướng, thì địch không biết đâu mà nhận cho đúng. Lộn sòng tướng địch để lừa quân. Lộn sòng quân địch để lừa tướng. Lộn sòng quân và tướng địch để lừa thành dinh. Cùng một cờ xí với nó; cùng một áo giáp với nó; cùng một trang phục với nó; giả làm tướng mạo như nó, thừa cơ chui vào, phát tự lòng bụng nó, đánh ở bên trong nó, ta tự phân biệt mà nó không thể phân biệt được, đó là giỏi lộn sòng vậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2008, 11:24:24 pm »


*
*   *

Địch nhàn thì làm cho nó nhọc, có hai thuật: Đêm đánh trống nghiêm quân như là sắp ra trận, đến sáng thì nghỉ, chờ nó trễ nải thì chợt ra; chuẩn bị tối để đánh ban ngày, chuẩn bị ban ngày để đánh tối, đổi thay mà xung đột, không cho nó nghỉ ngơi. Thế.gọi là quấy rối rõ1. Hoặc mộ quân mặc giả hiệu áo địch, nhân lúc nó trễ mà cướp dinh, thừa gió mà nổ súng, chợt nổi mà chém giết, chợt dừng mà im lặng, làm cho hô thì tan, gọi thì họp, muôn người như một, tối đi sớm về, ra phương đông vào phương tây, ngờ thần ngờ quỷ, không tiếng tăm, không dấu vết. Thế gọi là quấy rối ngầm.

Địch no thì làm cho đói, có hai thuật: Địch có thuyền lương, mộ người dùi cho chìm. Địch giữ kho chứa, dừng gian mà lấy. Xe lương thì bắt, dùng thuốc súng đốt đi. Thế gọi là hại rõ. Đánh thuốc độc vào nước suối để cho người bị khát; đánh thuốc độc vào rơm cỏ để cho ngựa bị đói; đổ đất vào bao và đong cát để giả tiếng2. Thế gọi là hại ngầm. Tuy thế, không thể không giữ tĩnh vậy. Giữ trận ngồi yên, Từ-thành3 không sao lường được. Gà chó không tiếng, quân Kim thua chạy ở Thuận-xương4. Ngỡ đêm không đi, kẻng canh không điểm. Ồn ào thì dễ sợ, yên lặng thì chẳng khi nào là không thắng. Tuy thế, không thể không nhàn rỗi vậy. Tới quân địch mà vội vàng nóng nẩy thì nó thừa được. Rửa cửa quét nhà thì địch mạnh phải sợ. Uống rượu đánh bạc ở Chiên-uyên5, cởi áo ở Tân-đình6, ở ngoài cỏ dư, cơ hội nào cũng là ứng được. Tuy thế, không thể không nghỉ ngơi vậy. Không mất tiết độ ăn uống, không tuyệt sức người và ngựa, không liều rét nóng quá mức. Xin nói về điều cốt yếu. Cần để cho thân thể nghỉ ngơi địch thiếu mà ta thừa, thế cách nhau kể gấp trăm. Tuy vậy, không thể cứ ngồi chờ. Hán vì giữ được Hưng-thế7 nên Tào Sảng không thể tiến. Đường chẹt được Hổ-lao8 nên quân Hạ phải lùi. Ngô Giới giữ được đồn Đại-tán9 nên Ba-hán được toàn. Thực vì mất Âm-bình10 nên Thành-đô bị đổ. Yên mất Đại-nghiễn11 nên Quảng-cố mất. U bỏ Du-quan12 nên ngựa Hồ vào chăn. Vì không giữ được Thái-thạch13 nên Hầu Cảnh quẫn. Vì thả cho địch qua sông Hoàng-hà mà giặc Kim vỗ bung cười, ăn năn không kịp. Không quên việc kiến đắp thành, bỏ chỗ dễ mà làm chỗ khó, xe trước đã bị đổ nhiều rồi. Tuy vậy không thể không cầm giữ vậy.
_________________________________
1. Quấy rối rõ: Tức là quấy rối một cách rõ ràng, trái với quấy rối ngầm là quay rối một cách ngầm kín.
2.   - Bao đất: Tổ Địch, thứ sử Đại-châu của nhà Tấn, sai tướng trấn Đông-đài, rồi cho lấy đất đựng vào bao giả làm gạo, sai một nghìn quân chở lên đài để cho địch tưởng rằng quân mình no nê lắm.
      - Đong cát: Đàn Đạo-tế là tướng nhà Tống, đời Nam Bắc triều đánh nhau với quân Ngụy, thiếu lương, đêm sai quân đong cát, rồi lấy ít gạo còn lại đổ lên trên. Sáng ngày địch thám thấy, tưởng quân Đạo-tế còn nhiều lương, nên không truy bức nữa.

3. Từ-thành: Tổ Đĩnh người Bắc Tề, làm thứ sử Từ-châu, khi ấy người nước Trần đến đánh, nhân dân nhiều người làm phản. Đĩnh sai không đóng cửa thành, người coi thành đều xuống cả dưới thành ngồi im lặng, đường thì cấm người đi lại. Địch không hiểu thế nào, tưởng là người chạy đi hết bỏ thành không, không phòng bị. Thốt nhiên Đĩnh đem quân xông ra hò hét, quân địch kinh hãi chạy tan.
4. Thuận-xương: Tên đất, thuộc tỉnh An-huy, Trung-quốc, Lưu Ỷ đời Tống Cao-tôn đánh phá Kim thái tử là Ngột-truật ở đấy. Khi hai quân cầm cự nhau ở thành Thuận-xương, Ngột-truật đêm sai người đến gần thành nghe ngóng, thấy trong thành im lặng không có tiếng gà chó.
5. Chiên-uyên: Tên châu, thuộc tỉnh Trực-lệ, Trung-quốc. Tống Chân-tôn năm Cảnh-đức thứ 1, Khiết-đơn đem quân sang xâm lấn, Khấu Chuẩn yêu cầu vua thân đi đánh và ra Chiên-uyên. Quân lính thấy vua đến, đều hoan hô vang mấy dặm đường, đánh giết quân Khiết-đơn quá nửa. Vua về hành cung, giao cho Khấu Chuẩn ở đấy đánh dẹp. Nhưng sai người dò xem Khấu Chuẩn làm gì, thì chỉ thấy Chuẩn và Dương Úc hàng ngày uống rượu đánh bạc mà thôi. Hai quân cầm cự nhau hơn 10 ngày, quân của Chuẩn bắn chết thống tướng của Khiết-đơn là Khát-lẫm. Khiết-đơn xin hòa.
6. Tân-đình: Cũng có tên là Lao – Lao-đình, thời Ngô làm ở trên núi Lao-lao, nay thuộc tỉnh Giang-tô, Trung-quốc. Thời Nam Tống, Lưu Dụ, Vương Hưu phạm phản, Tiêu Đạo-thành (sau là Nam Tề Cao đế) đem quân đi đánh. Khi đến Tân-đình, thành lũy chưa đắp xong mà quân của Hưu-phạm đã đến Tân-lâm. Đạo-thành cởi áo nằm khềnh ở Tân-đình để yên lòng quân.
7. Hưng-thế: Tên núi, thuộc tỉnh Thiểm-tây, Trung-quốc. Ngụy Phế đế năm Chính-thủy thứ 5, Tào Sảng đem 6, 7 vạn quân sang đánh Thục. Thục đóng quân ở núi Hưng-thế, quân Sảng không tiến được, phải đem quân về. (Tam quốc chí, Ngụy thư, Truyện Tào Sảng).
8. Hổ-lao: Tên đất, tức là Thành-cao sau này, thuộc tỉnh Hà-nam, Trung-quốc.
9. Đại-tán: Tên một quan ải, tức là Đại-tán quan, thuộc tỉnh Thiểm-tây, Trung-quốc, ở chỗ đường quan yếu của Tần Thục qua lại. Đời Tống Cao-tôn, người Kim đến xâm lấn đất Hán-dương. Ngô Giới đem quân đến đóng giữ ở Đại-tán quan, bảo toàn được đất Ba-thục (Tống sử, Truyện Ngô Giới).
10. Âm-bình: Hán đặt làm huyện, Ngụy đổi làm quận, thuộc đất Chi (Tây-nhung), thành cũ thuộc tỉnh Cam-túc. Khi Ngụy đánh Thục, Đặng Ngải do đường Âm-bình tiến quân, Thục Hậu chúa phải hàng.
11. Đại-nghiễn: Tên núi, thuộc tỉnh Sơn-đông, Trung-quốc. Nam Yên Mộ-dung Đức đóng đô ở Quảng-cố. Thời Đông Tấn. Lưu Dụ đem quân đánh Nam Yên, khi đi qua núi Đại-nghiễn rồi, vẻ mừng hiện ra mặt, quả nhiên diệt được Nam Yên.
12. Du-quan: Tên cửa ải, tức là Sơn-hải quan ngày nay, tại tỉnh Hà-bắc, Trung-quốc.
13. Thái-thạch: Tên bến, tức là bến Ngưu-chử, thuộc tỉnh An-huy, Trung-quốc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2008, 12:29:25 pm »


*
*   *

Sách Võ kinh:
 
Võ-hầu1 hỏi về phép có thể đánh địch.

Khởi2  thưa: Dùng binh phải biết rõ tình hình của địch hư thực thế nào, rồi nhắm vào chỗ nguy mà đánh. Địch mới ở xa đến; hàng ngũ chưa ổn, có thể đánh; ăn mà chưa phòng bị, có thể đánh; đương rối ren, có thể đánh; nhọc mệt, có thể đánh; chưa được địa lợi, có thể đánh; lỗi thời không theo, có thể đánh; lặn lội đường dài, quân sau chưa nghỉ, có thể đánh; qua sông nửa chừng, có thể đánh; đường hiểm, đường hẹp, có thể đánh; cờ xí loạn động, có thể đánh; số trận dời đổi có thể đánh; tướng lìa quân sĩ, có thể đánh; lòng sợ, có thể đánh; phàm gặp các trường hợp đó, nên kén quân tinh nhuệ để xung đột trước, rồi sau chia quân mới đến, cứ việc đánh gấp, không phải ngờ gì nữa3.

Võ-hầu hỏi: Hai quân đối nhau, không biết rõ người tướng. Ta muốn dò xem, thì nên dùng thuật gì?

Khởi thưa: Sai người hèn mà dũng, đem quân tinh nhuệ để đánh, cốt thua chạy mà không cốt được. Xem địch đuổi đến, một ngồi một đứng, có thể biết được họ hay dở thế nào. Nếu đuổi theo mà giả cách không đuổi kịp, thấy lợi mà giả cách không biết, tướng như thế gọi là trí tướng, đừng nên đánh nữa. Nếu thấy chúng om xòm, cờ xí rối rít, quân tự đi đứng, binh hoặc dọc ngang, đuối theo còn sợ không kịp, thấy lợi còn sợ không được, đó là ngu tướng, dù nhiều quân cũng có thể bắt được4.


*
*   *

Phàm dấy quân phải xét rõ quyền biến trong ngoài, để tính xem quân đủ hay thiếu, lương thừa hay không đủ, so sánh đường lối ra vào, rồi sau mới dấy quân dẹp loạn, thì tất có thể vào được. Đường lớn mà thành nhỏ, trước hết phải thu lấy đất. Thành lớn mà đất hẹp, trước hết phải đánh thành đã. Đất rộng mà người ít thì chặn chỗ ách. Đất hẹp mà người nhiều, thì đắp bờ lớn để đi tới. Đừng làm mất địa lợi của dân, đừng cướp mất thời làm ruộng của dân. Chính trị thì rộng rãi, nghề nghiệp cứ bình thường, cứu chữa những thói tệ, như thế thì đủ ra chính lệnh cho thiên hạ được. Nay các nước Chiến quốc đánh nhau, nước lớn đi đánh nước có đức, quân từ một ngũ đến một lượng5, một lượng đến một sư, mệnh lệnh bất nhất, làm cho lòng dân không ổn định, chỉ chuộng kiêu ngạo xâm lấn, chỉ mưu lo xử kiện, quan lại chỉ lo xét việc, như thế thì thường hỏng cả. Ngày chiều đường xa, lại có khí nản, quân mỏi tướng tham, chỉ tranh cướp nhau, như thế thì dễ thua lắm.

Phàm tướng khinh, lũy thấp, quân chúng náo động, thì có thể đánh được; tướng trọng, lũy cao, quân sợ thì có thể vây được; phàm vây thì mở cho có lợi nhỏ, khiến dần mòn yếu đi thì sẻn tiếc mà không dám ăn. Quân đánh đêm là vì sợ. Quân tránh việc là vì lìa lòng. Đợi người đến cứu, hẹn đánh mà khao khát, đều là lòng nóng mà khí nản; khí nản thì bại quân, hỏng mưu thì hại nước.
_________________________________
1. Võ-hầu: Tức là Vệ Võ-hầu, thời Chiến quốc.
2. Tức là Ngô-Khởi.
3. Xem Ngô tử, thiên II.
4. Xem Ngô tử, thiên IV.
5. Quân chế xưa, 25 người là một lượng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2008, 12:33:28 pm »


*
*   *

Sách Tôn tử:

Binh là đạo dối trá, cho nên giỏi mà tỏ là không giỏi, dùng mà tỏ là không dùng, gần mà tỏ là xa, xa mà tỏ là gần, đem lợi để nhử người, gây loạn để đánh người; thấy chắc thì phải phòng, thấy mạnh thì phải tránh; trêu cho nó tức; nhún cho nó kiêu; nó nhàn thì khiến cho nhọc; nó thân thì khiến cho lìa; đánh ở chỗ không phòng, ra ở chỗ không ngờ. Đó là chỗ giỏi của nhà binh, mà không thể truyền trước vậy1.

Phàm chưa đánh mà miếu toán2 đã được, là tính được nhiều; chưa đánh mà miếu toán không được, là tính được ít. Tính được nhiều thì thắng, tính được ít thì không thắng, huống chi là không tính ư? Ta xem đó thì thấy rõ sự được thua vậy.


*
*   *

Cho nên phép dùng binh, gấp mười thì vây, gấp năm thì đánh, gấp đôi thì chia, ngang nhau thì chiến, ít hơn thì biết trốn; không bằng thì biết lánh. Cho nên nhỏ mà chỉ biết liều thì bị địch lớn bắt.


*
*   *

Phàm tướng là người giúp nước; giúp chu đáo thì nước hẳn mạnh; giúp sơ hở thì nước hẳn yếu. Cho nên nhà vua có ba điều lo: không biết rằng quân không nên tiến mà cứ bảo tiến; không biết rằng quân không nên thoái mà cứ bảo thoái, thế gọi là buộc quân. Không biết công việc ba quân mà trị ba quân như trị nước thì quân sĩ sinh hoặc; không biết quyền biến của ba quân mà cùng gánh vác trách nhiệm về ba quân, thì quân sĩ sinh ngờ; ba quân đã hoặc và ngờ thì các nước chư hầu sẽ đến đánh, thế gọi là loạn quân, dẫn đường cho địch thắng mình... Cho nên nói: Biết người biết mình, trăm đánh không nguy; không biết người mà biết mình, thì một được một thua; không biết người mà không biết mình thì hễ đánh là nguy3.

*
*   *

Bụi cao mà nhọn là có xe lại; thấp mà rộng, là có quân bộ lại; tán mà vắt vẻo là có người hái củi; ít mà bay đi bay lại là dinh quân. Lời nhũn mà thêm phòng bị, ấy là tiến vậy. Lời mạnh mà quân tiến nhanh, ấy là lùi vậy. Xe nhẹ cho ra trước, ở vào một bên đường, ấy là bày trận. Không ước mà xin hòa, ấy là có mưu. Bôn tẩu mà bày quân, ấy là hẹn. Nửa tiến nửa lùi, ấy là nhử. Dựa vào binh khi mà đứng, ấy là đói. Vục nước mà uống, ấy là khát. Thấy lợi mà không biết tiến, ấy là nhọc. Chim họp, ấy là không người. Đêm la hò, ấy là sợ hãi. Quân rộn, ấy là tướng không trọng. Cờ xí lay động, ấy là rối loạn. Quan lại tức giận, ấy là mỏi. Cho ngựa ăn thóc, giết bò ăn thịt, ấy là thiếu lương cỏ. Quân không treo nồi, không trở về nhà, ấy là giặc cùng. Rì rầm xúm xụm, thong thả nói với nhau, ấy là mất lòng quân. Thưởng luôn là quẫn; phạt luôn là khốn. Trước dữ tợn rồi sau sợ quân, thế là không tinh rất mực. Hạ mình đến xin tạ, ấy là muốn nghỉ ngơi4.
_________________________________
1. Tôn tử, thiên I.
2. Sự tính toán của triều đình. - Miếu toán đã được nghĩa là mưu kế của triều đình đã dự tính sự thắng trận.
3. Tôn tử, thiên III.
4. Tôn tử, thiên IX.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2008, 12:36:32 pm »


*
*   *

Sách Bảo giám:
 
Sinh địa là nơi tả hữu tiền hậu không phải là đất tử tuyệt, đâu cũng có đường vận lương. tiến thoái đều lợi cả. Sinh địa tuy nói là lợi của nhà binh, có thể dùng được chỉ có sáu trường hợp thôi: Đem quân vào sâu được đó là một trường hợp khá dùng; quân ngựa tinh sắc, trận thế quen biết, đó là hai trường hợp khá dùng; tướng trầm nghị, giới lệnh nghiêm, đó là ba trường hợp khá dùng; ta mạnh địch yếu, đó là bốn trường hợp khá dùng; đại tướng vốn có ân tín cho quan quân phục theo, đó là năm trường hợp khá dùng; tướng sĩ thích đánh, đó là sáu trường hợp khá dùng. Không dùng được có hai trường hợp: Quân lính nhớ nhà, đó là một trường hợp không thể dùng; tiến thì lợi lui thì hại, đó là hai trường hợp không thể dùng. Sự lợi hại của đất sinh và đất tử há không nên xét kỹ sao?

Tử địa: Dựa núi cách sông, đường nước đường lương đều dứt. Tử địa tuy nói là hại của nhà binh, nhưng có thể dùng để đánh được có bốn trường hợp: Ân uy của tướng rõ rệt, quan quân phục theo, đó là một trường hợp; quân ta cùng quân địch ngang nhau, ta đánh thì lợi, để nó đánh thì hại, cần sai quan và quân tử chiến, đó là hai trường hợp; bị địch bức bách, lương cỏ đều hết, đó là ba trường hợp; quân trước đã bị phá, quân sau vẫn còn như cũ, đó là bốn trường hợp. Còn không thể dùng thì có ba trường hợp: Nó đông mà ta ít, đó là một; lợi hại chưa rõ mà ép quân cưỡng làm, đó là hai; dùng dằng chưa quyết, đó là ba.

Xem động tĩnh thì biết là dũng hay nhát:

Cất chân bước cao, mất trông không liếc ngang, đó không phải là tướng trầm tĩnh. Ở lúc kịch mà đơn giản. Ở lúc nguy mà yên tĩnh. Xưa Tạ Huyền nhà Tấn, đương lúc quân Tần áp cõi thế như núi Thái đè chồng trứng, mà Huyền cứ đánh cờ như không. Khấu Chuẩn nhà Tống, đương khi quân Khiết-đơn vào cướp, thư ngoài biên báo tin gấp mà Chuẩn vẫn uống rượu và đánh bạc tự nhiên. Thế mới phải.

Thấy người ngồi như hổ, đi lại như chim cắt bay; đem quân tới địch thì uy giận gấp bội lên; thấy thế lợi thì cứ tiến, không nhìn lại sau; người quân tử cầm quân thì tiến thoái quả quyết, xem người thì thênh thả vui tươi, chí thì ở trừ tàn bạo, đó là khí độ của người tướng quốc. Thấy ác không giận, thấy lành không mừng, nhan sắc không thay đổi, đó là lượng của người thiên tử.

Được sự thắng nhỏ, gặp sự thua nhỏ, mà mừng lo hình ra nét mặt, hễ thấy động thì động, thấy tĩnh thì tĩnh, nhát mà không tính toán gì, cất chân thì thần sắc không định, mà hay lấy lời nói để thắng người, đó là tướng ngu vậy.

Xem ngôn luận của người tướng mà biết được thua: Xưa Hàn Tín nói với Cao đế, Cảnh Cam nói với Quang-vũ, lời bàn trong lều cỏ của Gia-cát, bài sách Bình biên1 của Vương Phác, đều là không phụ lời nói. Tướng Thục là Vương Chiêu-viên đem quân đánh nhà Tống, vung cánh tay nói: “Ta đi lần này lấy Trung nguyên như giở bàn tay”, tự ví với Gia-cát Lượng, mà mới đánh một trận bị bắt ngay.


*
*   *

Địch có mưu thần, thì dùng gían điệp để phá; địch có chứa cất, thì sai người đốt đi; địch có trồng cấy, thì đánh lừa mà cắt đi, địch có nhân dân, thì cưỡng bức mà bắt đi; ngầm đem của đút cho gián điệp của địch, hiến dâng gái đẹp để cho mê hoặc, biếu ngựa tốt để làm cho đãng lòng; dùng mọi cách để lừa, cho đến khi ở ngoài thì bị khốn, ở trong thì mê hoặc, khiến việc nước hỏng bét, bấy giờ ta đem quân mà đánh thì có thể không mệt nhọc mà lập được công. Người giỏi dùng binh nên mưu làm khốn địch; địch khốn thì ta nhàn; lấy nhàn mà đánh khốn, không thua thì đợi gì?
_________________________________
1. Bình biên sách: Đời Thế tôn Bắc Chu, Vương Phác dâng kế sách dẹp yên biên cương, nói là đất Giang Hoài nên lấy trước, nghị luận rất hùng. Thế tôn rất tin dùng Phác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2008, 12:44:00 pm »


*
*   *

Ta không đắc chí ở Hán-đông1 thì ta bày ba quân của ta, bày giáp binh của ta, đem võ lực mà tới đó. Địch sợ phải tính mưu, nên khó dùng gián vậy. Các nước ở Hán-đông có Tùy là lớn hơn. Tùy tự kiêu, tất bỏ nước nhỏ. Nước nhỏ mà lìa thì lợi cho nước Sở2. Thiếu sư Tuấn xin làm ra vẻ yếu quân để khiến Tùy kiêu. Nước Giảo nhỏ3 mà khinh suất, khinh suất thì ít mưu, xin đừng ngăn trở người kiếm củi để nhử họ.

Quần Sở nhẹ nhõm, dễ lay động. Nếu đánh nhiều trống thì quân Sở là quân đánh đêm ắt phải trốn. Thần nghe sách Binh pháp nói: “Đánh ở nơi không đủ mà giữ ở nơi có thừa”. Lại nói: “Người thiện chiến khiến người đến mà không bị người khiến đến”. Nay Đơn Khương muốn làm giặc, nên chỉnh sức binh ngựa, luyện tập quân sĩ, chờ cho nó đến, lấy nhàn đợi nhọc. Đó là đạo đánh thắng vậy.

Quân giặc nhiều quân ta ít, đi thong thả thì dễ bị theo kịp, đi nhanh thì nó không thể nào lường được. Giặc thấy số bếp của ta ngày thêm thì cho rằng có quân các quận đến đón. Quân ta nhiều mà đi nhanh, hẳn nó sợ đuổi ta. Tôn Tẫn thì tỏ ra càng ngày càng yếu4, ta nay tỏ là mạnh vì thế có chỗ không giống nhau.

Trung-quốc yên ổn, quên việc đánh trận đã lâu. Kỵ binh họp ở ngoài đồng, đánh giáo đánh cung, quyết thắng trong lúc bấy giờ, Nhung Địch thì sở trường ở chỗ ấy mà Trung-quốc thì dỡ. Nỏ mạnh cưỡi trên thành, bền dinh cố giữ để đợi giặc suy, Trung-quốc thì sở trường ở chỗ ấy mà Nhung Địch thì dỡ. Nên phải dùng trước cái sở trường mà xem sự biến; đặt mưu mở thưởng, mà bảo cho nó ăn năn; đừng tham công nhỏ mà loạn mưu lớn.


*
*   *

Trăm trận trăm thắng, không bằng không đánh mà khuất phục được quân người, đó là trước làm thế địch không tthể thắng để chờ thế của địch mình có thể thắng5. Trần-thương6 dù nhỏ, thành giữ chắc bền, chưa dễ hạ được. Vương quốc dù mạnh, đánh Trần-thương không vỡ. Quân Trần-thương hẳn mệt, mệt mà đánh vào, đó là đạo toàn thắng.

Tào Tháo đã phá được Lưu Bị, thì đất Hứa-hạ không phải là bỏ không. Vả Tháo khéo dụng binh, quân dù ít chưa thể khinh suất mà đánh vậy. Nay không bằng hãy đợi lâu, ngoài thì kết nạp với các anh hùng mà sửa sang nông chính, rồi sau kén những người tinh nhuệ, thừa lúc sơ hở mà lần lượt ra. Cứu phía hữu thì đánh phía tả, cứu phía tả thì đánh phía hữu, khiến ta chưa có thể bị làm nhọc mà địch đã khốn trước. Không tới ba năm, ta có thể ngồi mà thắng được. Quân Bắc dẫu nhiều, mà gan mạnh không bằng phương Nam. Quân Nam dù tinh, nhưng lương chứa không bằng phương Bắc. Phương Nam thì may ở sự đánh mau; phương Bắc thì lợi ở sự hoãn quân. Nên thong thả giữ lâu để chờ đợi ngày tháng.
________________________________
1. Hán-đông: Quận Hán-đông của nhà Hậu Ngụy, nhà Tùy bỏ, trị Sở ở phía tây-bắc huyện Chung-tường tỉnh Hồ-bắc ngày nay.
2. Đây là nước Sở thời Ngũ đại, đô ở Trường-sa tỉnh Hà-nam ngày nay.
3. Giảo: Tên một nước thời Xuân thu. Sở đánh Giảo, Mạc-ngao Khuất-hà nói: Giảo nhỏ mà khinh suất, khinh suất thì ít mưu, xin đừng ngăn trở người kiếm củi để nhử giặc.
4. Tôn Tẫn: Người nước Tề, thời Chiến quốc, cháu ba đời của Tôn Võ, làm quân sư cho Tề Uy vương, đánh bại Bàng Quyên, tướng nước Ngụy. Tôn Tẫn đem quân vào đất Nguỵ, đặt 10 vạn bếp, đến ngày mai chỉ để 5 vạn bếp, lại ngày mai chỉ để 3 vạn. Bàng Quyện tưởng là quân Tề càng ngày càng suy bỏ bộ binh mà đuổi, bị Tẫn đánh bại ở Mã-lăng.
5. Tôn tử, thiên IV.
6. Trần-thương: Thành Trần-thương nay ở Thiểm-tây. Thời Tam quốc, Hán vương ra đánh Trần-thương, đánh bại quân của tướng Ngụy Ung vương Chương Cam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 11:52:15 pm »


*
*   *

Đạt1 quân ít mà lương thực chi dụng được một năm; quân ta gấp bốn lần quân Đạt, mà lương ăn không đủ một tháng. Lấy một tháng mà chọi một năm, sao lại không nên đánh chóng? Lấy bốn kỳ mà đánh một chính, cho mất đi một nửa mà thắng cũng cứ làm. Thế là không kể tử thương và lương thực vậy. Nay giặc đông ta ít, giặc đói ta no, nhưng mưa nước như thế, công sự không làm được, dù có thúc giục cũng chẳng làm gì. Từ phát quân ở Kinh sư, không lo đánh giặc, chỉ sợ giặc chạy. Nay lương ăn của giặc đã gần hết mà vòng vây chưa khép. Cướp lấy trâu ngựa, thu lấy rơm củi, đó là cách đuổi cho nó chạy đi vậy. Phàm việc binh là lừa dối, khéo nhân sự biến. Giặc nhờ có nhiều quân và cậy trời mưa, cho nên dù khốn đốn cũng chưa chịu bó tay. Nên bảo cho nó là không thể làm gì để cho nó ngồi yên, lấy lợi nhỏ để làm cho nó sợ.


*
*   *

Mậu2 là con rể của chúa, nhút nhát không có mưu chước, nay cho Diên3 5000 tinh binh thẳng từ Bao-trung đi quanh núi Tần-lĩnh mà sang phương Đông, qua đường tí ngọ mà lên Bắc, không quá mười ngày có thể đến Trường-an. Mậu nghe Diên ập đến thì hẳn bỏ thành chạy, thóc của để quốc và của tán dân4 cũng có thể đủ ăn. Phương Bắc và phương Đông tụ họp với nhau phải hơn hai mươi ngày, mà ông do Tà-cốc lại cũng đủ để đến. Như thế thì một lần cất quân mà từ Hàm-dương trở về Tây có thể yên định được.
Người xưa tính toán rồi sau mới đánh. Quân Ngụy5 không thể đánh có bốn điều: Đem quân vào đất khách, lợi ở đánh ngoài đồng, đó là một điều; vào sâu gần kinh kỳ, đóng quân ở đất chết, đó là hai điều; quân trước của ta đã thua, trận sau mới vững, đó là ba điều; quân họ nhiều, quân ta ít, không thể địch lại, đó là bốn điều. Quân ta tự đánh trên đất mình, đông mà không thắng thì lòng quân khó bền; thành lũy chưa sửa, địch đến mà không phòng bị, chẳng bằng đắp lũy vững, giữ bền quân để cho giặc già (mệt mỏi chán nản) đi.


*
*   *

Đại nghiệp của ta mới dựng. Diêu Hưng6 cũng là người giỏi trong một thời, chưa có thể mưu được. Nay chuyên giữ vững một thành, nó hẳn gồm sức để đánh ta, sự mất có thể đứng mà đợi được. Chi bằng ta đem quân kiêu kỵ rong ruổi, xuất kỳ bất ý mà đánh, nó cứu ở trước thì ta đánh ở sau, cứu ở sau thì ta đánh ở trước, khiến nó chạy vạy mà mỏi mệt. Ta thì ăn chơi tự nhiên. Không đến mười năm, đất Hà-đông sẽ về ta hết, đợi khi Hưng đã chết, con nối ngôi nhỏ yếu, sẽ dần dần lấy Trường-an, cái đó là trong kế hoạch của ta vậy.


*
*   *

Người Ngô sắc sảo, thì thuyền ghe là lối đánh liều chết của họ, thế khó tranh chọi được. Nay nên nghiêm quân để chờ, đừng nên giao chiến. Xin mượn kỳ binh và nghìn người, ngầm sang sông đánh úp vào lũy họ, khiến họ lui thì không biết lui đâu, đuổi thì không đánh ai được. Đó là chước phá Triệu của Hàn Tín vậy. Việc binh quý ở nhanh chóng. Ta nhờ cái uy thắng trận luôn, vỗ về những quân mới quy phụ, khua trống mà kéo về Tây, thì người ở Trường-an trông bóng mà sợ hãi. Trí không bằng mưu, sức mạnh không bằng quyết đoán, lấy Trường-an dễ như rung lá khô thôi. Nếu ta êm đềm tự chết ở dưới thành bền, nó có mưu sẵn, sửa sang dự bị để chờ ta, ta ngồi phí cả ngày tháng, quân ngày lìa bỏ, việc lớn hỏng mất.
_________________________________
1. Đạt: Tức là Mạnh Đạt, vốn là tướng củs Lưu Chương ở Ích-châu (Thục), khi Lưu Bị vào đất Thục thì Đạt hàng, được làm thái thú Tân-thành. Sau lại hàng Ngụy. Đến khi muốn trở về Thục thì bị giết.
2. Hạ-hầu Mậu là rể Tào Tháo.
3. Tức là Ngụy Diên, đây là lời Ngụy Diên nói với Khổng-minh (Xem Tam quốc chí).
4. Để quốc là nước phong của vương hầu - Thóc của tán dân là thóc của dân rải rác các nơi.
5. Tức là Tào.
6. Diêu Hưng: Tức là Hậu Tần vương, một trong 16 nước ở đời Tần, về chủng tộc Khương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 11:55:16 pm »


*
*   *

Thế-sung1 kho tàng đầy dẫy, các tướng đều là người tinh nhuệ ở Hoài-tây cả, nhưng thiếu lương ăn là bởi bị ta cầm giữ. Kiến-đức là tướng tự phương xa đến, cũng nên bẻ gãy khí sắc bén đi, chứ nếu thả cho hắn đến đây thì hai giặc hợp nhau, chuyển thóc ở Hà-bắc để biếu Lạc-dương, chiến tranh bắt đầu, thì thống nhất biết đến bao giờ được. Nay nên chia quân để giữ Lạc- dương, hào sâu lũy cao, đừng nên giao chiến. Đại vương thân đem quân kiên nhuệ, trước giữ chỗ cao trong thành, lấy quân nghỉ ngơi đợi quân mệt nhọc, quyết có thể được. Kiến-đức đã phá rồi, Thế-sung ắt phải thua. Không đầy hai tuần, hai chúa ấy đều sẽ bị bắt cả.

Giặc bày sức không đương nổi, thì dễ dùng kế để khuất, khó dùng lực để tranh. Nay chúng có hào sâu lũy cao để bẻ gãy mũi nhọn của ta, nhưng đám quản ô hợp không giữ lâu được, lương thực cạn hết, tự phải lìa tan, không cần đánh mà bắt được.

Quân cứu bại của nó, chước không phải lập sẵn, thế không thể giữ lâu; chi bằng ta hãy đậu ở bờ phía Nam, hoãn lại một ngày, nó hẳn phải chia quân về giữ, quân chia thì thế yếu, nhân lúc trễ nải mà đánh thì nhất định thắng. Nếu gấp đánh ngay thì nó gồm sức đánh liều, quân Sở mạnh sắc, mình chưa dễ đương nổi.

Đất của Tiêu Tiển2, phía Nam ra ngoài Lĩnh-biểu, Phía Đông đến hồ Động-đình, ta đem quân vào sâu, nếu đánh thành chưa vỡ được mà quân viện bốn mặt họp lại, ta trong ngoài bị địch, tiến thái không được, dẫu có thuyền ghe cũng chẳng dùng được. Nay bỏ thuyền ghe để cho trôi xuống chật sông, quân viện trông thấy, hẳn bảo là đất Giang-lăng đã vỡ, chưa dám khinh tiến, đi lại nhòm ngó, chậm lại hàng tuần, ta lấy là phải được.

Vua Tần ở trong thì chia cắt quần hùng, ở ngoài thì uy phục Nhung Địch, độc lập làm đế, đó là cái tài sai khiến được đời. Nay đem hết quân mà đến cũng không địch nổi. Mưu chước của ta không gì bằng đóng quân không đánh, trải ngày giữ lâu, chia sai kỳ binh, cắt đường vận tải, lương thực đã hết, cầu đánh không được, muốn về không có đường, thế là có thể thắng được.

Tướng mạnh của địch bất quá là bọn Sử Tư-minh3, An Thủ-trung, Điền Càn-chân, Trương Trung-chí, A Sử-na, mấy người mà thôi. Nay nếu sai Lý Quang-bật từ Thái-nguyên đến Tỉnh-kinh, Quách Tử-nghi từ Mã-dực đến Hà-đông, thì Tư-minh, Trung-chí không dám lìa Phạm-dương, Thường-sơn; Thủ-trung, Càn-chân không dám lìa Trường-an, thế là dùng hai quân mà trói buộc tướng. Theo Lộc-sơn chỉ còn Thừa-khánh thôi. Xin Quách Tử-nghi đừng lấy Bút-dương, khiến cho các đạo quân ở hai kinh phải lùi. Quân Bệ hạ ở Phù-phong, cùng với Tử-nghi và Quang-bật mà đánh, nó cứu ở đầu thì đánh ở đuôi, cứu ở đuôi thì đánh ở đầu, khiến giặc đi lại mấy nghìn dặm, chạy vạy mỏi mệt. Ta thì thường lấy thế nhàn mà đợi thế nhọc. Giặc đến thì tránh mũi nhọn, giặc đi thì nhân nó mệt, không đánh thành, không chặn đường, sang xuân lại sai Kiến-ninh làm tiết độ đại sứ Phạm-dương, cùng là lấp đường ra phương Bắc, cùng với Quang-bật nam bắc tựu nhau để giữ Phạm-dương, lật đổ sào huyệt của giặc, giặc thua thì không có lồi về, ở lại thì không được yên; rồi sau đại quân họp lại mà đánh thì hẳn bắt được.

Hai quân đánh nhau, quý tiến mà kiêng lui. Nay vô cớ bỏ 500 dặm đất thì thế giặc càng thêm mạnh. Chi bằng dời quân đến Hà-dương, bắc liền với Trạch-lộ; lợi thì tiến lấy, không lợi thì lui giữ, trong ngoài ứng nhau, khiến giặc không dám lấn sang miền Tây. Đó là thế tay vượn vậy.

Quân của Nho quét đất mà lại, lợi ở sự đánh chóng. Nên giữ đồn hiểm yếu, đắp bền hào lũy, dẹp không đồng nội, để cho già quân nó đi. Bấy giờ cho quân khinh kỵ ra, cướpp lấy lương thực, đoạt lấy những vật nó cướp được, khiến nó tiến thì không được đánh, lui thì không có lương. Có thể bắt sống được.
_________________________________
1. Kiến-đức, Thế-sung: Thời Tùy sắp mất. Đậu Kiến-đức chiếm giữ Hà-bắc xưng là Trường-lạc vương lại xưng là Hạ vương, sau hợp với Vương Thế-sung. Tần vương Thế-dân đánh Sung, Kiến-đức đem quân đến cứu, Thế-dân bắt được chém ở Trường-an.
2. Tiêu Tiển: Cháu bốn đời của Lương Tuyên đế. Tùy Dạng đế cho làm chức lệnh ở La-xuyên. Khi hiệu úy Nhạc-châu là Đồng Cảnh-trân làm phản, Tiển mộ binh vài nghìn người để đánh. Sau tiếm xưng hoàng đế, dời đô đến Giang-lăng. Đường Lý Tĩnh đánh bắt được.
3. Sử Tư-minh: Thời Đường Khai-nguyên, theo An Lộc-sơn làm loạn. Sau xưng là Yên đế, bị con giết chết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 11:57:55 pm »


*
*   *

Cơ. Thế liên hệ là cơ; việc chuyển biến là cơ; vật yếu hại là cơ. Có khi ngay trước mặt là cơ, nháy mắt một cái không phải cơ nữa. Có khi nhận được là cơ, bỏ mất tức không có cơ nữa. Mưu thì nên sâu, giấu thì nên kín; định là do sự biết, lợi là do sự quyết. Phàm dấy quân, phải chia trước sau của thế lớn, hoãn cấp để định việc, so sánh tình hình lợi hại của mình và của người để dùng phép mà giữ mình và chế người. Hoặc nghiêm ngoài để giữ trong; hoặc bền gốc để rộng nền; hoặc cắt cánh để cô thế; hoặc bắt chủ để tan quân; hoặc đánh mạnh cho yếu sợ; hoặc chống hoặc đánh; hoặc dẹp, hoặc vỗ; hoặc vây hoặc giữ; hoặc xa hoặc gần; hoặc kiêm làm cả hai cách; hoặc chuyên lực vào một phép; xem xét, tham chước, quyết định; vả lại mềm mỏng mà làm, nhởn nhơ chờ biến; rồi chuyển sang đánh mà tiến, có thể đại thắng được.

Thực hư. Phàm giặc kết trại lâu ngày, chợt thấy một hôm bếp lửa bội thêm, đó hẳn là kế bỏ trại mà lui, cho nên trước làm ra kế ấy để khiến ta bền lòng. Ta kíp sai du binh mai phục trước ở đường trọng yếu, chờ nó đi qua mà đánh, chắc chắn là toàn thắng. Đó là yếu lược lấy thực làm hư vậy.

Kế sai khiến anh hùng. Kẻ sang thì lấy kiêu ngạo mà khích; kẻ giàu thì lấy xa xỉ mà khích; kẻ nghèo thì lấy giàu mà khích; kẻ bạo thì lấy giận mà khích; kẻ dũng thì lấy mạnh mà khích; kẻ trí thì lấy cơ mà khích; kẻ nhân thì lấy yêu mà khích; kẻ nghĩa thì lấy thẳng mà khích; kẻ lễ thì lấy nhũn mà khích; kẻ tín thì lấy hẹn mà khích; xa thì lấy gần, thân thì lấy sơ, tôn thì lấy ti, nhỏ thì lấy lớn, ít thì lấy đông, khỏe thì lấy yếu, lợi thì lấy hại, thành thì lấy bại, tối thì lấy sáng, hư thì lấy thực, nhàn thì lấy nhọc, ưa thì lấy ghét. Đến như công tư, tà chính, phải trái, mừng giận, thảm vui, đi lại, theo chống, liêm tham, siêng lười, rộng ngặt, lành dữ, khéo vụng, thuận nghịch, đều thế cả. Cùng là thân yêu thù oán, trung quốc ngoại di1, dũng mãnh mưu kế, quật cường lễ nghĩa, hà khắc khoan hồng, ngược ngạo nhún nhường cũng thế. Nhưng có kẻ tiến thì lấy lui mà khích; đánh thì lấy giữ mà khích; lâu thì lấy chóng mà khích; đói thì lấy no mà khích; gặp chước dùng chước, rồng tung khóa sắt lên không; lấy mưu đánh mưu, phượng bẻ lồng vàng bay bổng. Cá về biển lớn, phải đâu là cá cắn câu; chim liệng trời cao, há phải là chim bị nhốt. Cao thấp mặc họ cao thấp, đều vào roi vọt tay ta; dọc ngang mặc họ dọc ngang; đều bị tay ta giá ngự. Đó là kế sai khiến anh hùng, đâu đâu cũng có công hiệu ra quỷ vào thần.

Kế lâm cơ ứng biến. Mây mưa rợp trời, mưa tuyết đầy đường, cuốn giáp ngậm tăm, rảo chạy đến bờ dốc, rừng rậm, hang sâu, chôn giáo đặt phục để đánh úp; khi chính chính đường đường thì hào sâu luỹ cao; khi nhanh nhanh chóng chóng thì chặn gươm bẻ giáo; ly gián để nhân chỗ sơ hở; kiêu lười thì nhân chỗ trễ tràng; kẻ nhọc mệt thì nhân họ mỏi mệt; kẻ om sòm thì nhân họ rối ren; quân ngang dọc thì nhân họ không chỉnh đốn; quân sơ suất thì nhân họ không đề phòng. Cho nên dùng binh ví như dùng thuốc, tùy bệnh mà chữa. Sự thực chưa rõ mà đã thấy trước, ta phòng bị càng nghiêm; sự việc chưa động mà đã nghe trước, ta chuẩn bị càng khéo. Đó là lâm cơ ứng biến, há chẳng phải là ra quỷ vào thần sao!
_________________________________
1. Chữ Trung quốc ngoại di ở đây có nghĩa là nếu là người Trung-quốc thì lấy người ngoại di mà khích.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM