Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:02:40 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Binh thư yếu lược  (Đọc 188505 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2008, 08:30:43 pm »


V - QUÂN TƯ (Đồ ăn uống)

Lương. Phép trù lương, đại ước tính hằng năm thì nên lập đồn, tính hằng tháng thì nên vận chở, tính hằng ngày thì nên lưu cấp. Đường đi nghìn dặm thì việc vận chở và lưu cấp phải cùng làm, mà khi dời đổi không thường thì việc chuyển dời và lưu cấp cũng phải cùng làm. Nhưng khi cấp bách quá, không kịp dùng chảo nồi thì dùng lương khô. Bằng lấy được lương của địch, cùng là không mà làm ra vẻ có, rỗng mà làm ra vẻ đầy, đường vận tải đứt mà bị vây lâu, phải tìm trăm thức để nuôi sống, thì đó chỉ là cách cứu nhất thời, chứ không thể làm thường xuyên được. Việc ăn là việc gốc của dân, là việc tính mệnh của binh, tất phải mưu sao cho không hết, chở sao cho có luôn, hộ vệ sao cho chu đáo, tiêu dùng sao cho có chừng.


*
*   *


Sách Yên thủy thần kinh:

Phép dùng khi không có nước. Phàm gặp chỗ đóng dinh không có nước, thì tìm nơi nào có nhiều lau sậy mọc và có lỗ mối đùn, ở dưới tất có suối ngầm; hay tìm đường có dấu chân thú đi, theo đó không xa hẳn là có nước.

Phép cướp lương. Phàm quân địch xông lại cướp lương thì mũi nhọn tất hăng, quân lương của ta ít, nên lánh mũi nhọn ấy đã, đợi khi chúng trở về, vai mang hẳn nặng, trong bụng tất sợ ta, ta sai quân phục ở đường trọng yếu, vùng dậy đánh là lấy được lương.


*
*   *


Phép nấu cơm trên cật ngựa1.
_________________________________
1. Ở đây trích 2 chương của Hổ trướng khu cơ, đây xin bỏ, xem Hổ trướng khu cơ ở sau.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2008, 09:09:29 pm »


*
*   *

Sách Võ bị chế thắng chí1:

Đem lương. Phàm nghìn dặm đem lương, quân có sắc đói, kiếm củi hái rau rồi sau mới nấu cơm, thì quân không được ngủ no. Huống chi đi sâu vào đất địch, xe chở lương không thông được, phải đánh úp địch để lấy lương. Tuy nói lấy lương ở địch, nhưng cũng lo nó làm cách vườn không nhà trống để chờ mình. Vậy nên mỗi người phải đem vài đấu lương khô có thể dùng được vài tuần. Nếu rút quân ở đường, cách cõi còn xa, lương chứa thiếu thốn, tức phải chọn những trâu ngựa gầy còm để cho quân ăn, ngõ hầu giữ được sức người, không bị giặc làm khốn. Dùng gạo một thạch, đem chưng chín lên, rồi bỏ vào nước tương mà ngâm, dùng lửa sấy khô, lại chưng lại sấy, làm thế mươi lần, có thể được độ 2 đấu. Mỗi lần lấy ăn chỉ một lẻ to, trước lấy nước nóng mà ngâm, đợi cho trương lên, rồi sau đem nấu ăn, mỗi người có thể ăn được 50 ngày.

Muối 3 đấu, đem trộn với gạo, bỏ vào trong nồi, dùng than lửa rang, làm cho săn lại không tan, mỗi người có thể ăn được 50 ngày, đem đi tháng hè thì hợp.

Vải to một thước, lấy một thăng giấm chua tẩm đem phơi khô, hễ giấm hết thì thôi, mỗi khi ăn, cắt lấy một tấc mà nấu, có thể ăn được 50 ngày.

Lấy bột tiễu mạch gói một tấm bánh chưng, tẩm vào một đấu giấm, đem phơi khô, bao giờ hết giấm thì thôi, mỗi lần ăn, lấy bằng 2 quả vông mà nấu, một người có thể ăn được 50 ngày.

Lấy 3 đấu đậu, giã ra như cao, thêm vào 5 đấu muối, nắm làm bánh, phơi khô để ăn, to bằng hột táo, để thay tương, mỗi người có thể ăn được 50 ngày.

Như lúc gay go lắm thì các đồ quân trang bằng da cũng có thể nấu ăn để cứu đói được.

Trên đường hành quân thì tước lấy vỏ cây thông, mỗi 10 đấu vỏ thông thì cho vào 5 lẻ gạo để nấu, sai nấu chín nhừ ra, nửa đấu một người có thể ăn được một ngày.

Mỗi người đem đi nửa cân vừng, gặp lúc khát thì nhấm 30 hột là khỏi khát ngay; cũng có thể đem ô mai hay tương quả; mỗi người mang theo một quả bầu hay ống tre, túi da, có thể chứa độ 2 cân, liệu nước ở đường trước mà đựng nước đem theo. Quân ngựa thì mỗi người đem tương khô cho ngựa, sợ ngựa khát.

Đời gần đây lính biên phòng đi xa thì có các thứ bánh bột, cơm nắm, túi miến. Bánh bột dùng bội gạo làm miến, hòa vào nước sôi làm thành bánh, dày một phân, đợi nguội cắt vòng như con cờ, phơi khô cất đi, như ở dinh trại thì dùng nước nóng ngâm mà ăn, như đi đường và trong chiến trường thì ăn khô, vị ngon mà khỏi khát, hơn các thứ bánh tạp. Còn cơm nắm túi miến thì đều làm theo phép thường, duy phải phơi cho rất khô, để có thể đem đi và để lâu.


Tìm nước. Trong khi hành quân, nên trước chọn suối nước. Theo phép cũ thì quân đi trước và quân đi sau phải trông coi việc cỏ nước, giữa đường gặp nước thì nên kéo cờ đen để báo cho mọi người.

Phàm quân đến đâu thiếu nước, thì xem chung quanh đấy thấy có dấu đường ngựa bò đi, thì tìm xem dấu đến đâu, hẳn là có nước.

Phàm ngoài đồng thấy nơi nào chim muông tụ họp hay nơi có loài chim nước họp thì đấy phải có nước.

Phàm chỗ đất mọc lau sậy cỏi lác và có đống mối đùn thì ở dưới hẳn có suối ngầm.

Có thuyết nói lạc đà hay biết chỗ có nước, khi đi đường bị khát, thì nó quỳ xuống trên cát, đào dưới đấy thì có mạch nước.

Đại phàm quân đi về tháng mùa đông, mỗi người đều mang một cục nước đá, trời lạnh không tan được, cũng có thể phòng khát.

Phàm suối nước ở cách dốc núi thì lấy ống trúc lớn, chọc thủng mắt đi, để ngọn ống này đút vào gốc ống kia, rồi lấy dâu và vôi hay sáp ong gắn liền cho khỏi chảy nước, đẩy đầu ống trúc cắm vào trong nước tới 5 thước, rồi ở cuối ống đốt củi thông hay cỏ khô, khiến cho hơi ở trong ống trúc ngầm thông vào nước, thì nước từ trong chảy ngược lên.
_________________________________
1. Võ bị chế thắng chí, quyển 5, chương “Quân ta”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2008, 09:17:05 pm »


VI – HÌNH THẾ

Sách Kinh thế:
 
Xem nơi đóng quân.

Phàm tiến quân đánh địch, trước hết phải xem hình thế đất địch: mười dặm thì có hình thế mười dặm, trăm dặm thì có hình thế trăm dặm, nghìn dặm hay mấy nghìn dặm đều có hình thế cả; tức trong khoảng mấy nghìn dặm, một dinh một trận cũng đều có hình thế. Một hình thế tốt có họng, có lưng, có hông hữu, hông tả, có chỗ căn cơ yếu hại, mà có thể cậy được là cậy ở núi, cậy ở sông, cậy ở thành vách, cậy ở quan ải hiểm trở, cỏ cây rậm rạp, đường sá lẫn lộn. Đánh địch thì phải biết đường nào nên tiến, chỗ nào nên đánh, đất nào nên tới, chỗ hở nào nên lợi dựng, núi nào nên đặt phục, đường lối nào nên qua, chỗ hiểm nào nên giữ, để tiện cho quân kỵ, quân bộ, tiện cho đoản binh trường binh, tiện cho trận ngang trận dọc; đã tính toán rồi thì sau mới có thể chẹt họng hay vỗ lưng, hoặc xuyên hông, hoặc nắm nơi căn cơ yếu hại. Cậy núi thì tìm phép để vượt qua núi; cậy sông thì tìm phép để sang qua sông; cậy thành vách, quan ải, đường sá, cỏ cây, thì tìm cách bạt thành, phá vách, vượt quan qua ải; đốt cây trừ cỏ, khảo xét những đường to ngõ tắt. Thế ở ngoài thì đừng khinh suất mà vào sẽ như cá trong nồi, khó mà thoát khỏi. Thế ở trong thì đừng đi quanh lượn, sẽ như hổ tìm dê trong chuồng, không thể ăn được. Cho nên thành mà không có quân phục thì khó đánh; quân mà không có hướng đạo thì khó tiến; núi sông nhờ người ngựa mà giữ bền, nếu người có thể chống cự được thì núi sông có hiểm gì đâu?

Đất có hình thế ở nước Thục không đâu bằng núi Điếu-ngư. Xin kết với chư hầu, nếu dúng được người và chứa thóc mà giữ thì có thể giỏi hơn 10 vạn quân nhiều lắm. Ba Thục không đủ giữ được.

*
*   *

Trước có người bạn hỏi ta rằng: Địa lý thế nào?1


*
*   *


Sách Tôn tử:

Hình đất có nhiều thứ, có thông, có quải, có chi, có ải, có hiểm, có viễn. Ta có thể đi, địch có thể lại, thì gọi là thông. Hình đất thông ta chiếm trước, lấy được chỗ cao sáng, lợi đường vận lương, đánh thì có lợi. Có thể đến dễ mà trở về khó, thì gọi là quải (vướng). Hình đất quải hễ địch không phòng thì ra đánh thắng được, bằng địch có phòng thì ra đánh không thắng được, khó trở về, không lợi. Ta ra mà không lợi, nó ra cũng không lợi, thì gọi là chi (cầm). Hình đất chi, địch tuy lấy lợi nhử ta, ta không ra, đem quân bỏ đi, để địch ra nửa chừng mà đánh thì lợi. Hình đất ải (hẹp) mà ta đến ở trước rồi thì phải đóng chặn cửa ải mà chờ địch. Như địch đến ở trước, nếu nó đóng chặn cửa ải thì ta không theo vào, không đóng chặn thì ta theo vào. Hình đất hiểm mà ta ở trước thì phải đóng trên cao để chờ địch. Như địch ở trước thì ta bỏ đi không theo vào. Hình đất viễn (xa) thì thế đều nhau, khó mà khiêu chiến, chiến thì không lợi. Phàm sáu hình đất ấy là đạo lý về đất, người làm tướng gánh vác không thể không xét kỹ2.
________________________________
1. Đoạn này trích ở Hổ trướng khu cơ, đây xin bỏ, xem Hổ trướng khu cơ ở sau.
2. Tôn tử, thiên X.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2008, 09:24:48 pm »


*
*   *

Trong phép dùng binh, có đất tán, có đất khinh, có đất tranh, có đất giao, có đất cù, có đất trọng, có đất dĩ, có đất vi, có đất tử. Nước chư hầu tự đánh ở đất mình, gọi là đất tán (tan). Lấn vào đất người mà không được sâu, gọi là đất khinh (nhẹ). Ta được thì lợi, họ được cũng lợi, gọi là đất tranh (giành). Ta có thể đi, họ có thể đến, đó gọi là đất giao (xen nhau). Đất chư hầu kề liền ba nước, đến trước mà được quân của thiên hạ giúp thì gọi là đất cù (đường thông). Vào sâu đất người, quay lưng lại nhiều thành ấp, thì gọi là đất trọng (nặng). Rừng núi hiểm trở lầy lội, đường sá khó đi, thì gọi là đất dĩ (lún). Lối đi đến thì hẹp, lối về thì cong, họ ít có thể đánh ta nhiều, thế gọi là đất vi (vây). Đánh gấp thì còn, không đánh gấp thì mất, thế gọi là đất tử (chết). Cho nên đất tán thì không nên chiến đấu; đất khinh thì không nên dừng quân; đất tranh thì không nên đánh; đất giao thì không nên bỏ dứt; đất cù thì giao kết; đất trọng thì cướp lấy; đất dĩ thì đi tới; đất vi thì lập mưu; đất tử thì đánh. Gọi là người giỏi dùng binh đời xưa biết làm cho địch. trước sau không tiếp kịp nhau, nhiều ít không cậy nhau, sang hèn không cứu nhau, trên dưới không giúp nhau; binh tan mà không hợp, binh hợp mà không đều; hợp với lợi thì động, không hợp với lợi thì dừng1.


*
*   *


Cải biến của chín đất, cái lợi của sự co duỗi, cái lẽ của tình người, không thể không xét. Phàm đem quân vào đất người, ở chỗ sâu thì phải chuyên, ở chỗ cạn thì phải tán. Bỏ nước vượt bờ cõi mà mang quân đi, đó là ở đất tuyệt; bốn mặt đều có đường thông, đó là đất cù; đi vào sâu là đất trọng; đi vào cạn là đất khinh; trở lưng ra nơi vững, trước mặt thì chật hẹp, đó là đất vi; ở vào nơi không thể tiến được, đó là đất tử. Thế cho nên ở vào nơi đất tán thì ta phải một lòng; ở vào nơi đất khinh thì quân phải liên tiếp; ở vào đất tranh thì ta ruổi đi sau; ở vào đất giao thì ta giữ cẩn thận; ở vào đất cù thì ta kết cho chặt; đất trọng thì ta phải tiếp lương thực; đất dĩ thì ta phải tiến lên (cho mau); đất vi thì ta đóng chặn chỗ hở; đất tử thì ta tỏ là không cần sống. Cho nên tình của binh, địch vây thì chống, không được thì đánh, nó qua thì theo2.


*
*   *


Quân đi, thích chỗ cao mà ghét chỗ thấp, quý chỗ sáng mà rẻ chỗ tối3. Phàm hình đất các nơi đều có khác nhau, gọi là tuyệt giản, thiên tỉnh, thiên lao, thiên la, thiên hãm, thiên khích4. Quân đi gặp những hình đất ấy thì kíp xa ngay mà đừng có tới gần. Ta lánh xa cho địch tới gần, ta hướng vào đấy cho địch dựa vào đấy5. Thế cho nên hành quân nên xa sau chỗ hại đó.
_________________________________
1, 2. Tôn tử, thiên XI.
3. Tôn tử, thiên IX.
4. Mai Nghiêu Thần, một nhà chú giải sách Tôn tử (Tôn tử thập gia chú) chú rằng: Trước sau hiểm dốc, nước chảy ngang ở giữa là tuyệt giản (suối ngăn); bốn mặt đều có suối khe chảy về là thiên tỉnh (giếng trời); ba mặt cách tuyệt, dễ vào khó ra là thiên lao (cũi trời); cỏ cây chằng chịt, gươm mác khó trở là thiên la (lưới trời); thấp lội trơn bẩn, xe ngựa chẳng thông là thiên hãm (bẫy trời); hai núi chạm nhau, đường hang chật hẹp là thiên khích (khe trời)
5. Xem Tôn tử, chương IX.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2008, 10:45:36 pm »


*
*   *

Người đánh giỏi vì có đất mà mạnh, vì có thế mà thắng; như chuyển nghìn hòn đá ở trên núi nghìn nhẫn1, chỉ nhờ có địa thế. Binh vì có đất mà mạnh; đất vì có binh mà hay. Người giỏi dùng binh thì (địch ở) núi cao chớ nghển (lên mà đánh, địch) dựa vào gò chớ đón (mà đánh)2, quý chỗ sáng mà rẻ chỗ tối, nuôi lấy sống mà ở chỗ chắc3, thế thì không có hại gì hết.


*
*   *


Xưa Cao tổ giữ đất Quan-trung, Quang-vũ giữ đất Hà-nội, đều là nơi rễ sâu gốc bền để chế thiên hạ, tiến có thể thắng được địch, lui có thể đủ giữ bền, cho nên dù có khi khốn bại mà sau cùng thành được nghiệp lớn. Tướng quân vốn lấy Duyện-châu làm đầu..., và Hà Tế4 là đất trọng yếu của thiên hạ..., đó cũng là Quan-trung, Hà-nội của tướng quân, không thể không dẹp trước... 5. Nay địa thế không có lợi, chưa thấy có nơi nào dùng được. Nên chọn gò cao để giữ, khiến địch không thắng được. Địch giữ chỗ hiểm lấy làm bền, trước mặt là núi cao, sau lưng là thành dài, quân ta ở trên núi đánh xuống hẳn phải vỡ.


*
*   *


Sách Hồng vũ đại định:

Phép địa lợi ở trên núi cao đánh xuống thấp: Địa thế ở trên núi cao lợi, xông đánh xuống thấp thì thắng; lợi dùng cán thương, không lợi dùng lá chắn. Ta tới trận địa, trước phải nhằm nơi gò cao mà giữ, khiến địch ở dưới thấp; hay ở nơi gò cao chằm lấy, thì ta nên đến trước gò cao khiến địch ở dưới thấp.

Lời quân sấm nói:

      Đất nổi gò cao, đến chiếm ào ào.
      Núi không cỏ cây, nước không sông dài,
      Lợi cao đánh thấp, không lợi ẩn nấp.
      Từ cao đánh hăng, giặc không dám đương.


Đó là nói lợi cao đánh thấp. Nếu giặc đã chiếm giữ làm kế lâu dài thì ta không đánh.
_________________________________
1. Nhẫn: đơn vị để đo chiều cao đời xưa.
2. Xem Tôn tử, chương VII.
3. Xem Tôn tử, chương IX.
4. Duyện châu là miền tây-nam tỉnh Hà-bắc và miền đông-bắc tỉnh Sơn-đông.
Hà Tế là sông Hoàng-hà về tỉnh Hà-bắc và sông Tế-giang về tỉnh Sơn-đông.
5. Trích Tam quốc chí, Ngụy thư, “Tuân Húc truyện”. Đây là Tuân Húc nói với Tào Tháo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2008, 10:50:16 pm »


*
*   *

Sách Võ kinh:

Thái tôn nói: Thái công nói lấy bộ binh và quân xa kỵ để đánh tất phải dựa vào gò mả hiểm trở, mà Tôn tử lại nói rằng chỗ đất thiên khích và nơi gò mả thành cũ, quân không nên ở là thế nào?

Tĩnh nói: Việc dùng binh là ở một lòng; một lòng là cấm giới rõ ràng, bỏ sự ngờ vực. Nếu chủ tướng có chỗ nghi kỵ thì quân tình lay động; quân tình lay động, thì địch thừa hấn mà đến. Đóng dinh giữ đất chỉ tiện cho quân sự mà thôi. Đến như những nơi giản, tỉnh, hãm, khích1 và các chỗ lao, la2 thì nhân sự không tiện, cho nên nhà binh phải bỏ mà lánh đi, để phòng địch thừa thế đánh ta. Gò mả thành cũ không phải là nơi hiểm tuyệt, ta được nơi đó mà lợi thì sao lại bỏ mà đi? Lời Thái công nói là điều chí quan yếu cho nhà binh vậy3.


*
*   *


Sánh Kinh thế:

Người giỏi dùng binh cần phải lượng thế. Ở vào một góc, mà thiên hạ lung lay, không ai ở yên được, là vì nắm được chỗ tay trên vậy. Lấy ít chọi nhiều mà bền sắc phải tránh phải vỡ, không ai dám tranh, là vì chẹt được nơi trọng yếu vậy. Phá một dinh mà mọi dinh đều tan, được một xứ mà các xứ đều theo, là vì triệt được chỗ họ nhờ vậy. Trận chẳng đợi phải giao hợp, ngựa chưa phải dùng roi cương, địch trông bóng cờ mà đã vội vàng thua chạy, là vì làm nhụt khí nó vậy. Biết xem thế đặt, biết lập thế quân, khéo dùng kỹ thuật, đánh không đâu là không lợi.

Chế người ta ở lúc nguy nan, chẹt người ta ở chỗ sâu hẳm, nhử người ta vào chỗ phục binh, trương máy đặt cạm, tất tính là địch không thể thoát thì mới phát, vì phát sớm thì địch trốn, mà phát chậm thì lỗi thời. Cho nên người giỏi dùng binh đưa người ta vào chỗ không biết. Cái đạo hành binh, quý nhất là biết địa lợi, địa lợi không rõ thì rất khó ra quân kỳ đặt quân phục. Đến chỗ nào thì tướng và quân coi dinh trước hết phải đem hình thế hiểm dễ của sông núi vẽ thành đồ bản, non non, nước nước, không thể lẫn lộn, mà không cần tô điểm trang hoàng cho đẹp mắt, nhưng phải chủ thích rõ ràng quân ta nên do đường nào mà tiến, nơi nào nên giữ, nơi nào nên đặt phục, nơi có hay không dấu chia đường, nơi nào có thể hợp quân, nơi nào có thể quyết chiến, quân giặc tất do nơi nào mà đến, nơi nào nó có thể mai phục, nơi nào nó có thể chặn sau lưng ta, bằng đối địch thì quân ta nên đóng nơi nào để có địa lợi, nơi nào núi hiểm hang sâu, có rừng rú hay không, trong ấy rộng hay hẹp, nơi nào có thể phục binh được bao nhiêu tên, nhất thiết ghi rõ, dâng lên cho đại tướng, lại thêm ý kiến của mình châm chước kỹ càng.
______________________________
1, 2. Thiên giản, thiên tỉnh, thiên hãm, thiên khích, thiên lao, thiên la: Xem chú giải ở trên.
3. Võ kinh trực giải, phần “Lý Vệ công vấn đối”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2008, 08:38:21 pm »


VII – PHÒNG BỊ1

Phàm việc chưa nghĩ đến được thì lòng hẳn sợ, lòng sợ thì thảng thốt không tính toán được, đó là điềm thua. Cho nên phải tính địch đánh úp thì lấy gì mà ứng, địch xông lại thì lấy gì mà chống, địch cắt đôi thì phân làm sao, bốn mặt địch lại thì đánh làm sao. Phàm những việc khó khăn gian hiểm thì dự trù mà phân bố, cần có phép nhất định và tính cả phép không nhất định, rồi sau lòng mới yên khí mới định, xảy gặp thì không sợ, trong bước lụy mà không nguy. Người xưa làm việc quân, qua sự hiểm vượt sự khó, làm yên không lo, nếu không có mưu trí kỳ dị, lo nghĩ trong chỗ không ngờ, đặt phép trong chỗ không phòng, địch lớn không sợ, địch nhỏ không khinh, kế hoạch chu đáo không dám cậy mà phải làm chu đáo hơn thì làm thế nào được!

Cần. Người dùng binh không lúc nào là không nguy, cho nên không lúc nào là không cẩn thận. Vào trong quân thì như người có trinh sát; ra ngoài cõi thì nghiêm sợ như lúc giao trận; khi được lấy thì nghiệm cái gì không hại; gặp sự hiểm thì phải tìm kẻ gian; địch đến thì lo có mưu; ta ra quân thì có kế trước; cẩn thận mà làm việc quân, đó là đạo hay nhất.

Biết. Một là thông; hai là điệp; ba là trinh; bốn là hướng. Thông là thông biết mưu kế của địch. Điệp là biết sự thực hư của địch. Trinh là biết sự động tĩnh ẩn hiện của địch. Hướng là biết được núi sông rậm rạp, đường sá quanh co, thế đất hiểm dễ. Biết được mưu kế thì biết được cách phá; biết được hư thực thì biết được cách đánh; biết được động tĩnh ẩn hiện thì biết thừa cơ; biết được sông núi đường sá thì biết được lối đi lại.

Trời. Gió giật ào ào, cần phòng ngọn gió; các sao đều động, hẳn có mưa sa; mây mù bốn phía, sợ có quân nấp đánh úp; gió dữ mưa to, sấm sét dồn dập, thì gấp chuẩn bị nỏ khỏe. Người khéo nhân thì không việc gì là không thừa cơ; người giỏi phòng thì không dịp nào là không ứng dụng. Trời chưa từng không do ở người, duy người là có thể nhân mà lấy dùng vậy. Cần gì phải cầu nghiệm ở đâu?

Nhân. Phàm giặc đánh ta là có bảy điều nhân: ngày đêm mỏi mệt thì nhân ta nhọc; cầm cự lâu ngày thì nhân ta lười; gió mây mù tối thì nhân ta lơ; tên hết súng thưa thì nhân ta thiếu; ụ đơn bờ yên thì nhân ta sơ hở; lửa cháy rối ren thì nhân ta nguy cấp; thanh đông kích tây để nhân ta không ngờ. Đó là bảy điều nhân. Thành còn hay mất, không thể không phòng bị vậy.

*
*   *

Lương Huệ vương2 hỏi Uất Liệu tử3 rằng: Hoàng đế dùng cả hình và đức cho nên trăm đánh trăm thắng, có thế không? Uất Liệu tử thưa: Hình để đánh kẻ có tội, đức để giữ nước, không phải là chỉ thời giờ âm dương thuận trái của trời đâu. Hoàng đế làm đó chỉ là nhân sự mà thôi. Sao thế? Ví nay có một cái thành, đông tây đánh cũng không lấy lại được. Vậy cả bốn phía cũng không có thời nào thuận để nhân đó mà đánh được ư? Nhưng không đánh lấy được là vì thành cao hào sâu, binh khí đầy đủ, tiền thóc chứa nhiều, tướng sĩ cùng một lòng vậy. Nếu dưới thành hào nông giữ yếu thì đánh lấy được ngay. Do đó mà xem thì thời giờ của Thiên quan không bằng việc người vậy.

Xét thiên “Thiên quan” nói: Trở lưng ra nước mà bày trận là tuyệt địa; quay mặt vào chằm là bệnh quân. Võ vương đánh Trụ, trở lưng ra sông Tế-thủy, quay mặt vào chằm núi mà bày trận, lấy 22.500 người đánh hàng ức vạn quân của Trụ mà diệt được nhà Thương, phải đâu Trụ đánh trận không được thời giờ của Thiên quan? Tướng nước Sở là Công tử Tâm đánh nhau với người Tề. Bấy giờ có sao chổi mọc chuôi ở về địa phận nước Tề. Chuôi ở nơi nào thì nơi ấy thắng, điều ấy tỏ là không nên đánh. Công tử Tâm nói: Sao chổi biết gì, cứ đánh nhau với sao chổi mà đảo ngược nó lại thì thắng4. Rồi đánh nước Tề, cả thắng.

Hoàng đế nói: Trước phải thờ thần thờ quỷ, trước phải tìm xét và dùng trí khôn, gọi là thiên quân chỉ là nhân sự mà thôi. Việc binh có khi thắng ở triều đình, có khi thắng ở đồng nội, có khi thắng ở nơi chợ búa: Đấu thì được, nằm thì may mà không thua, đó là không ngờ địch sợ hãi mà chết vậy. Chết mà thắng, không phải là toàn thắng; không toàn thắng thì không có quyền đánh. Cho nên minh chúa trong khi đánh giặc, họp trống họp còi, dè dùng đồ binh khi, không cầu mà thắng vậy. Việc binh có khi bỏ phòng bị, triệt uy lực mà thắng được, vì cớ có phương pháp, có đồ dùng đã định sớm rồi. Đối phó với địch đã chu tất, thống suất cũng chắc chắn, năm người làm ngũ, mười người làm thập, trăm người làm tốt, nghìn người làm suất, vạn người làm tướng, đã chu tất, đến nơi đến chốn, hễ người nào sớm chết thì sớm thay, chiều chết thì chiều thay, cân nhắc được địch, hiểu biết được tướng, mà sau mới cử binh.

*
*   *

Cho nên phàm khi họp quân, đường xa nghìn dặm thì định một tuần, trăm dặm thì định một ngày phải họp ở đất địch. Quân đến họp trước vào sâu đất địch, nếu nhầm đứt mất đường thì nên đóng ở thành to ấp lớn, khiến quân lên thành mà bức nguy mấy lớp, thế gọi là bức địa hình để đánh yếu tái5. Giữ một thành ấp mà mấy đường bị chặn, rồi theo đó mà đánh ngay. Tướng suý địch không tin nhau, quân quan địch không hòa nhau, hình phạt có thể không theo, ta đánh là thua ngay. Quân cứu của địch chưa đến mà một thành đã đầu hàng. Bến cầu chưa mở, yếu tái chưa sửa, chỗ hiểm chưa đặt, cừ đập chưa bày, như thế thì tuy có thành cũng không giữ được. Đồn xa chưa vào, quân thú chưa về, như thế thì tuy có người cũng như không người vậy. Lục súc chưa họp, ngũ cốc chưa thu, của cải không góp, như thế thì tuy có lương cũng như không lương vậy. Phàm thành ấp rỗng không mà của hết, thì ta thừa lúc mà đánh. Binh pháp nói rằng “một mình ra một mình vào, quân địch không thể tiếp mũi nhọn mà phải hàng”, ấy chính là thế.

*
*   *

Trong khi vội vã thì đại tướng dùng thuật gì mới có thể liền được hàng trận và nghiêm được hiệu lệnh, khiến quân không tự rối loạn? Thưa rằng: Người giỏi dùng binh hễ có động thì phòng bị, chọn 24 người quân kỵ nhanh nhẹn mạnh khỏe chia ra tám phương, mỗi phương 3 người, cách nhau 1 dặm, ngày dùng cờ, đêm dùng trống làm hiệu; kỵ thứ nhất thấy giặc, ban ngày thì dựng cờ, kỵ thứ hai cũng thế, kỵ thứ ba thì ruổi chạy để báo cáo; ban đêm thì dùng trống. Như ban ngày sương mù che phủ, gió sấm dữ dội, cờ phất không thấy, trống đánh không nghe, thì phải chạy gấp để báo. Đấy gọi là phép bát quái thám kỵ, ở lúc vội vã có thể phòng bị được. Ví trời đất có biến thì đem khinh binh mà xông đánh. Đại trận không thể động càn được, xem địch động tĩnh thế nào rồi sau mới đánh. Cho nên phải thường chỉnh túc. Đó đều là tùy theo sự biến chuyển của trời.

Ta có thể lấy đó mà chế người thì nghĩ ngay rằng người có thể lấy đó mà chế ta để đặt ngay một kế mà phòng bị. Ta có thể lấy đó mà phòng trí khôn của người thì người cũng có thể lấy đó mà phòng bị sự khống chế của ta, ta lại nghĩ ngay một kế để phá sự phòng bị của người. Ta phá sự phòng bị của người thì người phá sự phòng bị của ta, mà ta lại đặt ra một kế để phá cái phá của người. Người đã bị phá, lại có thể đặt một cái phá để phá cái phá; cái phá của cái phá đã đặt, thì lại có thể làm cho bền thêm cái phá của ta, để lấp cái phá của người mà thi hành cái phá của ta, cuối cùng rồi không bị người phá. Hết phép này ra phép khác, sự việc nối nhau mà tiến, thực là sâu lắm, sâu lắm.
_________________________________
1. Chương này, tham khảo Võ kinh trực giải phần “Uất Liệu tử”
2. Lương Huệ vương: Người thời Chiến quốc, họ Tất tên là Oánh, con Ngụy Vũ hầu, tự xưng là Lương Huệ vương, đóng đô ở Đại-lương.
3. Uất Liệu tử: Họ Uất tên Liệu, người thời Lương Huệ vương, làm sách Uất Liệu tử 25 thiên. Sách này được xem là một sách trong bảy bộ của Võ kinh, hiện nay thất truyền.
4. Ý nói đảo ngược sao chổi lại cho chuôi chỉ về Sở, tức là cứ quyết đánh là thắng.
5. Thành lũy trọng yếu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2008, 08:44:55 pm »


VIII – ĐIỀM VỀ VIỆC BINH1

Thái công nói: Điềm được thua tinh vi mà có thể thấy trước được. Như ba quân vui vẻ, sĩ tốt sợ phép, biết kính mệnh lệnh của tướng, đều mừng được đánh giặc, bảo nhau cùng mạnh bạo lên, khen nhau về oai võ, đó là cái điềm mạnh. Bằng ba quân sợ sệt, hàng ngũ không đều, cùng sợ là giặc mạnh, bảo nhau là đánh không lợi, lấy tai mắt ra hiệu cho nhau, nói sự quái gở không thôi, mọi miệng lừa nhau, không sợ pháp lệnh, không trọng tướng mệnh, đó là cái điềm yếu.

Ba quân tề chỉnh, trận thế vững bền, ngòi sâu thành cao, lại có lợi về mưa to gió lớn, ngọn cờ chỉ trước, ba quân không có việc gì, tiếng chiêng trống trong mà cao, uyển chuyển vang lên, đó là điềm thắng to. Nếu như hàng trận không vững, cờ bay rối ren, mưa gió trái tiết, sĩ tốt sợ hãi, quân một ít hơi, ngựa trận sợ chạy, xe binh gãy trục, tiếng chiêng trống thấp mà đục, đó là điềm thua to vậy.


IX – PHÉP DÙNG GIÁN ĐIỆP

Ta nói đạo dùng gián có ba điều, ba điều ấy là gì? Ta thuộc quen người ấy, ta biết được tâm tình, lại biết được tài đủ làm việc được, rồi ta mới dùng. Đó là điều thứ nhất. Ta có ơn lớn với người, người mong vì ta mà chết thì ta dùng, đó là điều thứ hai. Ta biết được tài của người mà ta không biết được lòng của người, nhưng ta có thể nắm được tính mệnh của cha mẹ vợ con người, thế thì người ấy có thể dùng được, đó là điều thứ ba. Cho nên nói đạo dùng người có ba điều, không phải là ba điều ấy thì không thể dùng được. Nhưng thực ba điều ấy rút lại chỉ có một điều mà thôi. Một điều ấy là gì? Là phải thử. Thử có hai cách. Ta biết được tài của người, nhưng không biết rõ lòng của người, ta phải thử. Để họ vào nơi tiền của và sắc đẹp xem có động lòng không; để vào nơi dao cưa, xem có đổi nét mặt không. Ta biết được lòng người, nhưng không biết rõ tài của người, ta phải thử. Nhân việc không chuẩn bị để xem họ ứng biến thế nào; khiến họ ngặt không thể ra tay vào đâu để xem họ xử trí thế nào. Cho nên nói có hai cách thử, không dùng hai cách ấy thì không thử được. Tuy nhiên, phép thử cũng chỉ có một mà thôi. Một là thế nào? Giấu kín mà thôi vậy. Ta giấu kín mà thử, khiến cho người kia không biết là ta sắp muốn dùng. Như thế rồi sau mới dùng làm gián điệp được.

Tôn tử nói: Gián điệp có năm loại: Hương gián, nội gián, phản gián, tử gián, sinh gián. Năm loại gián đều dùng, không ai biết được đường lối, thế gọi là kỷ cương của thần, là vật báu của vua vậy.

Hương gián là nhân người quê của địch mà dùng. Nội gián là nhân người làm quan của địch mà dùng. Phản gián là nhân gián điệp của địch mà dùng. Tử gián là do sự nói dối ở ngoài khiến cho gián điệp của ta biết mà truyền cho gián điệp của địch. Sinh gián là do gián điệp trở về báo cho biết. Cho nên trong việc ba quân, thân không ai thân bằng gián điệp, thưởng không gì thưởng hậu bằng gián điệp, việc không gì kín bằng việc gián điệp. Không phải thánh trí thì không thể dùng được gián điệp; không phải nhân nghĩa thì không sai được gián điệp; không phải tinh vi thì không thể nắm được thực của gián điệp. Tinh vi thay! Tinh vi thay! Không nơi nào là không dùng gián được. Việc của gián chưa phát mà đã nghe trước thì người nghe với người bảo đều phải chết. Phàm muốn cất quân, muốn đánh thành, muốn giết được thì phải biết trước tên họ của những người yết giả, môn giả, xá nhân ở tả hữu của người chủ tướng, gián của ta phát tìm mà biết. Phải tìm gián của địch lại thám ta để nhân mà cho họ lợi, dẫn họ về nhà. Cho nên có thể sai khiến phản gián được, nhân đó mà biết được. Cho nên hương gián, nội gián có thể sai khiến được, nhân đó mà biết được. Cho nên dùng tử gián mà việc dối trá có thể khiến bảo cho địch, nhân đó mà biết được. Cho nên sinh gián có thể khiến đúng kỳ được. Công việc của năm loại gián, chủ tướng tất phải biết. Biết được phải do phản gián, cho nên người phản gián không thể không hậu đãi. Ngày xưa nhà Ân dấy lên thì Y Chí2 ở nhà Hạ; nhà Chu dấy lên thì Lã Nha3 ở nhà Thương. Duy bậc minh quân hiền tướng mới biết dùng bậc thượng trí làm gián, cho nên tất thành công lớn. Đó là điều quan yếu của nhà binh, ba quân nhờ đó mà hoạt động vậy4.

Điệp là tai của quân, có khi vì điệp mà thắng, có khi vì điệp mà thua. Địch có tướng ngu, có thể chuyên dùng điệp; địch có tướng trí, không nên chuyên dùng điệp. Ta có điệp khéo thì địch bèn cố nêu ra hình tích, có bày tỏ mệnh lệnh, cố liệt lậu bí ẩn để nhử ta. Ta nghe rằng nếu khéo dùng điệp thì dùng điệp của địch, điều ấy không thể không xét vậy. Gián là làm khiếp sợ lòng dạ địch, giết người yêu của địch mà làm rối mưu kế của địch. Việc của gián thì có sinh có tử, có thư có văn, có nói có vè, dùng hát, dùng của, dùng vật, dùng tước, dùng người địch, dùng người làng, dùng bạn, dùng gái, dùng ơn, dùng uy.

Nhân người của địch tìm xem sơ hở của ta, ta đem của đút cho, khiến nó đảo ngược hết công việc.

Sách Chu lễ nói: Đi tuần trong nước đề truyền tin, đó cũng là chước phản gián vậy. Cách dùng gián, thánh nhân vẫn cũng có làm. Phàm dùng binh muốn quyết thắng, không thể không dùng gián. Dùng gián không thể không giữ bí mật. Nếu không phải là bậc đại trí, ai có thể như thế được. Cho nên công việc của gián làm, xem việc mà cử ra thì thấy có tám thuật.

1. Hai nước đương chống nhau, giả làm mỏi mệt, sợ tiết lậu ra lời nói, đem của đút cho kẻ được yêu chuộng, nhân sở cầu mà trúng vào, sau sai sứ giả đến đem ngọc lụa và xe ngựa để cầu hòa, lặng xem nó kiêu mạn, rồi ngầm kén tinh binh, chia đường sớm hôm tiến gấp để nhân nó không phòng bị mà đánh. Đó là lấy sứ giả làm gián.

2. Bắt được người địch, đem điều nó muốn thám, tiết lộ ra, khiến cho nó được nghe, ngầm sai thả ra cho nó trốn đi, khiến địch cho đó là điều thám được mà tin, nhưng ta thì không thế. Đó là lấy người địch làm gián.

3. Địch đến làm gián, ta giả làm không biết, đảo ngược công việc mà cho thấy. Địch biết được việc giả mà ta thì xuất kỳ bất ý mà cử sự. Đó là cách nói ngược lại mà làm gián.

4. Địch đưa phản gián đến, ta đem nhiều của đút cho khiến nó đảo ngược lời nói để phản lại địch. Đó là dùng ngược người của địch làm gián.

5. Đánh nhau với địch, giả làm thua nhỏ, tức dẫn nó vào vách sâu, tỏ ra vẻ sợ, bèn khiến nói những lời quê mùa ngớ ngẩn, mà trương hoàng thế mạnh của quân ta, khiến cho địch biết đó là ta dùng gián, nó hẳn đem lòng sợ mà lấy lời nói cưỡng để gián lại. Khi nó đã đi, tức thì dùng kỳ binh theo đánh úp ngay. Đó là dùng gián rõ làm gián.

6. Địch có người yêu ở trong, sai kẻ tâm phúc đem đồ rất quý đến nhà biếu, khiến ngầm mua được địch tình. Đó là dùng của báu làm gián.

7. Địch có kẻ mưu thần thì ngầm đem vàng bạc đút cho, khiến cho kẻ thân tín của địch gây chuyện gièm pha ở trong, ngoài thì đem việc để ứng với sự gièm pha ấy, khiến cho vua tôi ngờ nhau mà cùng hại nhau. Đó là lấy người nói gièm làm gián.

8. Tìm những người tin cậy của địch, khiến cho thỏa lòng sở dục, ngầm kiếm tìm động tĩnh và ngôn ngữ của họ. Đó là dùng người làng để làm gián điệp.

Thế cho nên biết dùng gián là điều mầu nhiệm của nhà binh. Nhưng không phải là bậc hiền trí thì không thể dùng được. Cho nên phép dùng gián là cốt ở sự nhỏ kín ngấm ngầm. Người chúa giỏi cần phải chú ý.

*
*   *

Phàm dùng binh trước hết phải dùng gián để thăm dò mà tùy cơ ứng biến; hoặc thăm dò biết bên địch có việc tranh trưởng, có sự không hòa, có kẻ bất đắc dĩ mà theo, có khi cầm vàng mà sai làm, có khi bị bắt sống mà thả ra, có khi đến thám mà giả làm không biết, có khi nói phao mà truyền thuyết, có khi tha tội mà bảo lập công, có khi bỏ sót giấy tờ giả làm thất lạc, có khi sai người đem giấy tờ để cho địch bắt được. Sự vận dụng tài tình cốt ở một lòng, có thể lấy ý mà liệu, khó mà nói trước, vận dụng cho linh hoạt, cơ mưu không thể lường.
_______________________________
1. Thiên này phần nhiều là những điều mê tín, chúng tôi không dịch, chỉ dịch đoạn đầu có ý nghĩa hợp lý ít nhiều.
2. Y Chí: Tức Y Doãn, có tên là Chí, đi cày ở đất Sần, vua Thang nhà Thương đón về giúp vua Thang đánh Hạ Kiệt.
3. Lã Nha: Tức là Lã Thương, tên là Tử Nha, cũng gọi là Lã Vọng, nguyên là họ Khương, cũng gọi là Khương Tử Nha hay Khương Nha.
4. Tôn tử, thiên XIII.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2008, 08:48:43 pm »


X – DÙNG CÁCH LỪA DỐI

Lừa. Điều cốt yếu để đánh được địch không phải chỉ dùng sức mạnh để chống, còn phải dùng thuật để lừa. Hoặc dùng cách lừa của ta mà lừa nó; hoặc nhân cách lừa của nó mà lừa nó; lừa bằng tình, lừa bằng lợi, lừa bằng vụng, lừa bằng khôn, cũng lừa bằng sự lẫn lộn hư thực, lấy sự lừa của nó để làm cho nó bị lừa, nó lừa mà ta thì biết. Cho nên người giỏi việc binh lừa người mà không bị người lừa.

Vụng. Khi gặp giặc mạnh, ta đóng chặt cửa thành hay lui quân để giữ, thì nên chịu là kèm vụng vậy. Địch có thắng, nếu không tổn hại cho chiến cuộc, thì dù có nói khinh nhờn ta cũng phải nhịn, có đánh ta cũng phải lánh, có kế gì đến ta cũng phải nhận. Phàm những điều ấy là vì khi nên kém vụng thì làm kém vụng vây. Thậm chí, địch không có mưu gì lạ mà ta lo thực thà, địch vốn nằm yên mà ta chờ nó hoạt động, phàm những điều ấy không hẳn là vụng, mà vụng cũng không mất gì. Thà khiến ta có phòng khống mà đừng khiến nó có thực. Từng xem lại chuyện xưa, có khi lấy một cái vụng mà làm thua được danh tướng, nên công hoàn toàn, là vì khéo dùng được phép vụng vậy.

Thuận. Đại phàm chống lại thì càng làm cho thêm bền ra, chi bằng cứ thuận chiều để đưa đến chỗ hỏng. Khi địch muốn tiến, thì ta mềm mại tỏ là yếu để cho nó tiến. Khi địch muốn lui thì ta tản ra mở đường sống cho nó lui. Khi địch cậy mạnh thì ta đóng quân xa để bền giữ mà xem vẻ kiêu của nó. Khi địch nấp uy thì ta giả vờ cung kính để chờ xem thực tình, nhân mà đánh úp, kế mà bắt lấy, nó kiêu thì ta thừa, theo đó mà thu lấy thắng lợi.

Kế. Kế có khi có thể chế được người ngu mà không chế được người trí, có khi chế được người trí mà không chế được người ngu. Một là dùng kế để làm kế, một là dùng không phải kế mà làm kế. Chỉ một cách dùng kế mà trí ngu đều chế được cả. Giả như người trí kia làm ngu thì dùng kế ngu mà đối phó, người ngu kia làm trí thì dùng kế trí mà gieo vào. Nên vượt qua cái tầm sở kiến của địch và chống lại cái nghi của địch thì không kế nào là không thành công. Cho nên kế phải nhân người mà đặt.

Trắc. Hai tướng mới gặp nhau, hẳn có thử nhau. Hai tướng cùng giữ nhau, hẳn có sự tính lường. Lường về địch để lánh thực mà đánh vào sơ hở; lường về chỗ địch lường ta mà bày tỏ sự kém để đi đến chỗ hơn; lường tính ở chỗ hư để mà dối địch. Thế là một sự lường tính mà lợi được cả hai mặt. Lo ở chỗ không lo, đó là thuật hay, là đạo thắng vậy.

Xảo. Việc đời nếu không lấy đạo thường mà làm nên thì phải lấy xảo, huống chi việc quân. Nắm được một cái sở đoản của địch thì phá được trăm cái sở trường của nó. Nhân một cái sở trường của ta thì cứu được trăm cái sở đoản của ta. Thế gọi là khéo nhân và khéo chế. Ta giả yếu khiến cho giặc lơ là; ta giao nộp khiến cho giặc ngạo; ta quen ở yên khiến cho giặc yên; ta hay thử cho giặc coi thường; ta quấy luôn cho giặc hao tổn; ta khua động cho giặc đề phòng; ta trêu mắng cho giặc tức giận. Đó gọi là cái xảo khinh kẻ ngu. Bỏ chỗ thắng đến chỗ bại; bỏ chỗ mềm đến chỗ rắn, lấy cùn làm sắc; lấy lui làm tiến. Đó gọi là cái xảo lấy cong mà vào. Mạnh mà tỏ là yếu, sống mà cho là chết, được mà không cho là được, thua mà không cho là thua. Đó gọi là cái xảo làm trái.

Dùng dương mà người ta không lường được là dương, thì dương mà hóa âm vậy. Dùng âm mà người ta không lường được là âm, thì âm mà hóa dương vây. Cho nên hoặc giả dương để làm âm, hoặc vận âm để chế dương. Tóm lại không ngoài cách dùng kỳ nắm cơ, đánh úp và đặt phục mà thôi.

Người giỏi dùng binh, không đủ thì tỏ là có thừa, có thừa thì tỏ là không đủ. Có thừa mà tỏ là không đủ, địch không biết thế nào mà lường cho đúng được. Như Tôn tử1 nước Tề cứu Hàn đánh Ngụy. Bàng Quyên2 vốn khinh nước Tề là nhát. Tôn tử nhân thế mà làm theo, bèn khiến người tại đất Nguỵ làm 10 vạn cái bếp, sáng ngày mai giảm làm 5 vạn bếp, rồi lại giảm làm 2 vạn bếp. Bàng Quyên ngờ là quân sĩ Tề trốn mất, bên bỏ quân bộ đi, cùng với quân khinh nhuệ gấp đường đuổi theo, đến Mã-lăng. gặp phục binh vùng dậy, muôn nỏ bắn ra, quân Ngụy rối loạn.

Xin hỏi khi bắn hết tên thì làm thế nào? Bó rơm khô làm người, đêm dựng trong thành, quân địch tranh nhau mà bắn, thì tên bay vào đầy hố. Hay ở trong thành, giương lọng đi lại, địch ngờ là chủ tướng bèn bắn tên như lông dím bay vào, ta nhờ được tên của địch. Cách xảo ấy còn gì bằng.

Bỏ vật để cho loạn, bỏ người để cho động, bỏ lũy trại đất đai để cho kiêu, có cái nên bỏ thì bỏ, nếu tiếc thì khó thành. Không sợ không thành công.
________________________________
1. Tôn tử đây là Tôn Tẫn, cháu xa đời của Tôn tử trước là Tôn Võ.
2. Bàng Quyên: Tướng nước Ngụy (thời Chiến quốc), bị Tôn Tẫn đánh cho bị thua, tự tử ở đất Mã-lăng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2008, 11:07:18 pm »


BINH THƯ YẾU LƯỢC
QUYỂN III


I – LIỆU THẾ GIẶC


Sách Võ kinh:

Võ vương hỏi: Làm thế nào mà biết được thực hư ở trong lũy địch?1.

Thái công nói: Lên cao trông xuống để biết sự biến động: nghe trống không kêu, mõ không tiếng, xem ở trên lũy thấy nhiều chim bay mà không sợ, thấy trên lũy không có khói, biết đó hẳn là địch trá để lừa ta.

Thái công nói: Quân địch mới họp có thể đánh; người ngựa đến ăn có thể đánh; thời trời không thuận có thể đánh; địch đương bôn tẩu có thể đánh; không đề phòng có thể đánh; mỏi mệt có thể đánh; tướng lìa quân sĩ có thể đánh; lặn lội đường dài có thể đánh; qua sông có thể đánh; không rỗi có thể đánh; bị ngăn trở ở đường hẹp có thể đánh; quân đi loạn hàng có thể đánh; lòng sợ hãi có thể đánh.

Nghe chiêng trống, xem hàng ngũ mà biết được tài; lấy thua mà dụ, lấy lợi mà nhủ để biết được tình; làm động lòng cho sợ, quấy rối cho lúng túng để biết được thái độ; đó là xét ở việc. Niềm nghĩ dấy lên thì ta phải biết; mưu kế đặt ra thì ta phải rõ: trí mà có thể che được, xảo mà có thể giấu được, lòng ta phải xét; đó là xét ở ý. Nếu như ý chưa dấy mà điều nghĩ trước đổi cả, ta biết lòng địch để biết địch, địch nghĩ sau lòng ta mà suy ra, thì mưu có thể gieo vào được.

Tranh chiến tức là tranh việc; quân tranh giao chiến, tướng tranh mưu kế, tướng tướng tranh cơ với nhau. Phàm người ta mà biết, không tranh sức mà phải tranh lòng, không tranh ở người mà tranh ở mình. Phàm người ta mà biết, không tranh ở việc làm mà tranh ở đạo, không tranh công mà tranh ở chỗ không công. Công ở chỗ không công mới là công lớn, tranh ở chỗ không tranh mới là giỏi tranh.

Thế có lúc không thể đánh ngay được, thì nên kéo dài; thế địch rất sắc, tạm phải chờ nó lơ là; địch đến rất nhiều, tạm phải chờ nó trễ nải; gọi quân chưa đến phải chờ tập họp được; người mới phụ chưa hiệp phải chờ cho họ tin; mưu kế chưa nên phải chờ cho nó lớn mạnh lên; thời chưa đánh được thì tạm dừng đánh, vì kẻ vụng quý ở giữ. Kéo dài là thế phải đánh mà cứ chần chừ... Động phải là không thua; quân ra phải là vạn toàn; việc binh không có làm thử.
_________________________________
1. Xem Võ kinh trực giải, phần “Lục thao”.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM