Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:11:32 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sống chìm  (Đọc 9651 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
canaris
Thành viên
*
Bài viết: 78



WWW
« vào lúc: 13 Tháng Mười, 2010, 11:17:16 pm »

Tác giả: Lê Tri Kỳ
Nhà xuất bản: Công an Nhân dân
Năm xuất bản: 1984
Số hoá: canaris


Nghĩ về một loại truyện
(Lời tác giả)


Những truyện sau đây không mới. Cũng không lạ.
Truyện gần nhất xảy ra từ Đại chiến 2. Truyện cũ hơn bắt nguồn từ trước Đại chiến 1. Nhân vật truyện không ít người sinh ra từ thế kỷ 19.

Đã cũ lại nhàm. Truyện nào cũng đã được viết thành sách rồi. Có truyện, riêng nó, đã là đề tài cho hàng trăm pho sách, hàng ngàn thước phim. Thứ sách và phim ấy, gần sáu bảy chục năm qua, liên tục gây nên những cơn sốt cao huyết áp kéo dài cho hàng triệu con người để xúc động. Nó cũng thu về cho các nhà sáng tác, nhà sản xuất những lợi nhuận khổng lồ. Nó đã tỏ ra là một thứ hàng đắt khách không kém gì các món ăn hợp khẩu vị.


Vào những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20 này, khi mà cứ ba bốn tháng người ta thay mốt áo quần, thì những truyện vừa cũ vừa nhàm ấy tưởng đã bị đem xếp vào góc nào đó của các viện bảo tàng mới phải. Thế mà lạ thay, năm nào chúng ta cũng đọc được hàng chục, hàng trăm cuốn sách dày cộp viết về những truyện cũ ấy. Bằng nhiều tài liệu mới phát hiện thêm, với cái nhìn đã được khoảng cách thời gian hơn nửa thế kỷ gạn lọc bởi điều vô lí và huyền thoại, các ký giả thời nay vẫn còn say mê dựng lại từng truyện và dẫu đúng dẫu sai, cũng cố gắng nêu lên những vấn đề chính trị, xã hội, chuyên môn của truyện để mong góp một lời bàn mới vào kho dư luận người đời trước.


Thì ra những truyện đó chưa bao giờ chết hẳn trong lòng người. Dẫu cũ rích, nó vẫn có sức sống riêng buộc lịch sử phải công nhận một cách nghiêm túc.

Truyện gì mà ghê gớm vậy?

Đó là truyện những điệp vụ và điệp viên nổi tiếng vào thời kỳ hai cuộc Đại chiến. Truyện “tình báo - phản gián”, gọi theo lối quen mồm. “Truyện trinh sát” hay là “truyện trinh thám”, nếu muốn gọi một cách bao quát và đúng tiếng “nhà nghề”. Nhưng chính xác và đúng đắn hơn, phải gọi đó là truyện những sự kiện và con người, vào thời điểm ấy, đã góp phần tác động thánh thiện hay ma quái của mình thúc đẩy hoặc kéo lùi bánh xe lịch sử…

Nói như vậy tưởng không quá đáng. Còn e la chưa nói hết.

Vi ít có loại truyện nào tác động trực tiếp tới diễn tiến lịch sử, in hằn sâu hơn vào vẻ mặt lịch sử, gây rung động chính trị, xã hội, đạo đức sâu sắc và kéo dài hơn là những truyện điệp vụ. Những điệp vụ nói riêng - và những cuộc đấu tranh lấy thủ đoạn trinh sát làm biện pháp chính để chống lại mọi kẻ thù bí mật nói chung - đều là những việc làm đi thẳng vào khía cạnh sắc nét và kín đáo nhất của một vấn đề, đi vào ngọn nguồn của hành động, vào hậu trường của vở diễn, vào bếp nước của cuộc sống bên ngoài, tóm lại là đi vào lĩnh vực thực chất ít được phô bày trên “thông cáo chung” hay “bị vong lục”; cho nên nó là nguỵ của hoa, là màu của máu, cô đọng như tinh dầu, hấp dẫn như cội nguồn của chân lí…


Cũng ít có cuộc sống nào lại bị dồn ứ đến thế như cuộc sống của điệp viên, một loại trinh sát chính trị cắm sâu trong lòng địch. Sống giả như thật, sống thật như giả. Tình cảm phải đảo ngược, ham muốn phải giấu kín, thói quen phải che đậy… Tính cách một điệp viên như hạt xoàn nhiều mặt, mặt nào cũng phát sáng, tia sáng đẹp lẫn tia sáng chết người. Hoàn cảnh của điệp viên là hoàn cảnh của người lính đơn thương độc mã chống mọi kẻ thù, mọi thứ vũ khí, trên nhiều hướng một lúc, buộc anh ta phải phát huy điều sở trường nhất để chiến thắng hoặc bộc lộc chỗ yếu cơ bản nhất nếu thất bại. Hoàn cảnh điệp viên, vì vậy, có thể ví như một tổng thể trọn vẹn của các hoàn cảnh điển hình nên nhìn từ chỗ nào cũng dễ nhận ra người chiế sĩ rõ nét.


Chúng ta đã biết nhiều truyện cung đình lắt léo, dữ dội. Tuy thế, loại truyện này thường chỉ bó hẹp trong một loại người đặc biệt, xa rời quần chúng; ít khi vượt khỏi phạm vi một thành trì, một gia đình hay dòng họ, xoay quanh những vụ tranh giành nhỏ nhen hay mưu toan cục bộ. Truyện điệp vụ và điệp viên không thế. Hầu hết đều mở rộng phạm vi ra một hoặc nhiều quốc gia, đụng chạm tới sự sống còn của cả dân tộc. Người điệp viên được tuyển mộ từ mọi tầng lớp xã hội để rồi giả làm mọi nghề trong xã hội. Cảm xúc, suy nghĩ, tâm hồn của điệp viên, tốt hay xấu, đều mang đậm nét đặc trưng của con người bình thường, gần gũi. Tính cách của điệp viên, vì vậy, có giá trị xã hội sâu sắc dễ khiến cho người đời quan tâm tìm hiểu chừng nào đó còn là điều khó hiểu.


Chắc chắn đó là nguyên nhân chính đã khiến cho các truyện điệp vụ điệp viên nói riêng, và loại truyện trinh sát bí mật nói chung, có sức sống dai. Về mặt sáng tác văn học, đó cũng là đặc điểm quan trọng nhất làm cho truyện không những mang đầy đủ nhân tố của một đề tài văn học, mà còn trở thành lĩnh vực phong phú, hấp dẫn, thuận tiện cho sáng tác văn học tìm hiểu những điều bí ẩn, sâu xa nhất của con người vốn là đối tượng muôn đời của nó…

Ngoài ra, còn phải kể tới một nguyên nhân phụ.

Mỗi truyện loại này gắn liền tất yếu với một công trình điều tra khám phá tự nó đã là một cốt truyện hoàn chỉnh và hấp dẫn. Cứ mỗi bước, nó lại phơi bày ra một điều mới lạ, không phải bằng con đường dễ dãi, mà thông qua những thủ đoạn ít ai thi thố trong cuộc sống bình thường nên càng dễ gợi hiếu kỳ người đọc. Chưa cần gắn bó mấy với nội dung chính, cái cốt truyện điều tra ấy vẫn có một sức quyến rũ giác quan ma quí có khi lấn át cả ý nghĩa chính của toàn bộ tác phẩm để trở thành cốt truyện trung tâm nếu tác giả cũng bị cuốn hút theo vì động cơ này hay động cơ khác… Ngược lại, càng gắn bó với nội dung chính của sách, nó càng đóng góp nhiều vào chất lượng văn học của tác phẩm vì nó có cái lợi riêng để truyền tới người đọc những ý nghĩ và những rung động đậm đà, sắc cạnh, lí thú và bất ngờ thông qua những chi tiết chính trị, xã hội, chuyên môn chọn lọc một cách đúng đắn trong kho chi tiết dồi dào và đầy nét riêng biệt của nó.


Truyện “tình báo và gián điệp” trong hai cuộc Đại chiến đã được phổ cập từ lâu trên thế giới. Ở các nước phát triển, dân chúng hầu như ai cũng biết. Nhưng, trừ một số tác phẩm nghiêm túc của các nhà nghiên cứu chuyên đề không thích hợp mấy với người đọc trung bình, điều đáng tiếc là những kẻ lái sách và những cây bút phiêu lưu không tưởng trong xã hội tư bản, vì mục đích lợi nhuận, đã nhào nặn những câu chuyện hết sức sâu sắc ấy thành hàng hoá thị trường xuyên tạc không ít, thậm chí còn phản lại ý nghĩa thật sự của truyện.


Chính là dưới thực trạng đáng buồn ấy mà các truyện điệp vụ và điệp viên nổi tiếng thế giới đã đến với số bạn đọc Việt Nam ít ỏi có điều kiện đọc sách nước ngoài và được tiếp tục truyền bá một cách tuỳ tiện… Ba mươi năm chiến tranh không cho phép hoạt động văn học của chúng ta đi vào lĩnh vực này một cách nghiêm túc, trong khi tại các vùng tạm bị chiếm thời Pháp trước đây và thời Mỹ sau này những truyện ấy vẫn được tung ra thị trường cho những kẻ lái sách mặc sức thu lợi bất chấp sự thật lịch sử bị xuyên tạc đến đâu và người đọc bị đầu độc và lừa phỉnh đến đâu.


Để cho bạn đọc Việt Nam và bạn đồng nghiệp trong lực lượng Công an không đến nỗi xa lạ với những sự kiện lớn trên trận tuyến ngầm trong thiên hạ, tôi cố gắng giới thiệu tập này một số điệp vụ và điệp viên đã từng được dư luận thế giới bàn tán sôi nổi, có chú ý dành lại những truyện của các nước anh em và bầu bạn cho một dịp khác.


Làm việc này, tôi không khai phá một miền đất lạ vì đã từ rất lâu, các bậc đàn anh trên văn đàn thế giới vẫn đạt được những thắng lợi vang dội, và thời gian gần đây, một số nhà văn trong nước, được sự giúp đỡ của ngành Công an cũng đang thu hoạch những kết quả bước đầu đáng khích lệ… Càng không hề nghĩ rằng chỉ có một công thức như ở đây để chụp cho các truyện trinh thám, truyện vụ án và đồng loại. Mỗi chuyện đời vốn có hàng trăm cách kể; mỗi người kể lại có tài riêng… Là một cán bộ Công an cầm bút, tôi tự thấy mình có trách nhiệm góp phần chứng minh thêm rằng cái chất văn học của đề tài này nó không hề thua kém-nếu không nói là đậm đà hơn-bất cứ loại đề tài nào. Và cũng từ điều ấy, đặt vấn đề cho mình phải nhận ra, trong sự ham thích của bạn đọc, những ước mơ tìm hiểu chính đáng về chính trị, xã hội, tâm lí khó bắt gặp trong những tác phẩm “văn học thường tình”, những ước mơ thật là sắc cạnh mà người hoạt động văn học không thể giản đơn xếp vào cái rọ những “thị hiếu thấp kém” để từ chối phục vụ và gạt đi một loại truyện đầy sức sống và khá cứng đầu. Tuy nhiên cũng còn ít nhiều mong rằng đừng có ai đó, vì lí do này hay lí do khác, mà vô tình bôi bác hoặc tầm thường hoá, bằng sáng tác của mình, những câu chuyện loại này, nhất là khi nó phản ánh cuộc đấu tranh của toàn Đảng, toàn dân ta trên trận tuyến thầm lặng chống bọn phản cách mạng, bọn gián điệp, bọn tội phạm hình sự và mọi kẻ thù bí mật khác; một cuộc đấu tranh mà bốn mươi năm bảo vệ cách mạng đã chứng minh là lúc nào cũng gay go, quyết liệt, phức tạp và chưa một giờ đình chiến.


Vì vậy, nếu những non yếu về tay nghề trong tập này có làm cho bạn thất vọng, thì đó là do người viết bất tài chứ hoàn toàn không phải vì truyện thiếu điều hấp dẫn.

Ngược lại, nếu bạn thấy thích thú, thì bạn vẫn có quyền chê trách rất chính đáng rằng:

-Ôi, tay tác giả mới xoàng làm sao! Truyện của người ta như thế này, giá vào tay mình thì còn phải biết!
Được như vậy, người viết đã ất vui mừng vì mình không đến nỗi làm một việc tẻ nhạt.


L.T.K
Logged

Khi con sinh ra mọi người đều cười chỉ mình con khóc.
Con hãy sống sao cho: khi con chết đi, mọi người đều khóc chỉ mình con cười.
canaris
Thành viên
*
Bài viết: 78



WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2010, 11:23:19 pm »

Sống chìm
(Viết về vụ Scapa Flow)

Sáu thập kỉ tròn vừa trôi qua. Bây giờ, có nhắc đến anh ta, dẫu ở bên này hay bên kia trận tuyến, thì cũng ít ai còn quan tâm tới chuyện anh ta là bạn hay thù. Vì điều sâu sắc nhất anh để lại trong lòng người là sự tự nguyện chôn vùi những năm đẹp nhất đời mình trong một cuộc sống tẻ nhạt, bị lãng quên, để đến lúc cần thiết thì lập nên công trạng lớn.


Chuyện xảy ra một ngày tháng 10 năm 1939, nhưng cội nguồn thì phát sinh từ năm 1923. Nó làm xôn xao dư luận địa cầu đang nóng bỏng khói lửa tháng đầu của Đại chiến 2. Cách xa nó ngàn vạn dặm, những người Việt Nam theo dõi chiến sự cũng nghe đồn đại về nó tuy chưa hề có ai được đặt chân tới nơi nó xảy ra: Biển Bắc.


Cái biển nào mà nghe xa vời vợi thế? Mở tấm bản đồ thế giới, ta thấy nó nối liền với Bắc Cực, nham nhở những vịnh, những hốc, những cù lao, bán đảo và quần đảo; bờ bãi sứt mẻ lượn hình rồng rắn qua đầu, qua lưng, qua vai, qua bụng nhiều quốc gia nổi tiếng: Ăng-lê, Bỉ, Đức, Đan-mạch, Hà-lan, Na-uy, Thuỵ-điển… Vài trang sách “địa lí toát yếu” cho ta biết thêm nó nằm trong trong khu vực khí hậu ôn đới không có những đổi thay đột ngột, không có những vành đai gió bão như hai chị cả của nó là Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, nhưng nó lạnh lùng, nham hiểm, thích ẩn mình dưới lớp sương mù phương bắc, không có gì hấp dẫn để thu hút loài người tới, trừ bạn dân chài trót gắn bó cuộc đời với những đàn sư tử biển, cá voi và hải sản Bắc Cực.


Thường tình ra, nó dễ bị người đời quên lãng. Nhưng ngược lại, đến nay nó vẫn được nhắc tới, và trong tương lai có thể còn được nhắc tới ồn ào hơn vì cứ mỗi cuộc chiến tranh nổ ra ở châu Âu thì nó trở thành vùng chiến lược quan trọng liên quan đến tất cả các nước tham chiến hay trung lập. Hồi Đại chiến 1, những trận giao chiến lớn nhất giữa Hải quân Đồng minh với Hải quân Đức chẳng đã xảy ra trên Biển Bắc đó sao?


Nhưng đó là chuyện đã qua. Chiến tranh kết thúc thì nó trở lại là cái Biển Bắc tẻ nhạt không có gì đáng làm mồi cho những cuộc tranh giành đẫm máu. Vì vậy mà vào những năm cuối thập kỉ 20, giữa thời kỳ thanh bình nhất sau Đại chiến 1, không ai lấy làm ngạc nhiên khi thấy một chàng trai lạ tìm đến kiếm sống ở một thị trấn nhỏ trên vùng hiu quạnh nhất của Biển Bắc, thị trấn Kiếc-ôn thuộc quần đảo Oóc-cát, tận cùng phía bắc xứ Ê-cốt giá lạnh. Chàng trai làm một nghề hiền lành: sửa chữa đồng hồ; mang hộ chiếu của một quốc gia cũng rất hiền lành: đất nước Thuỵ-sĩ. Còn cái tên thì đáng tin cậy hơn nữa. Nó đặc sệt âm thanh Thuỵ-sĩ: Anbe Oócten.


Là người nước ngoài di cư tới, thời gian đầu, Oóc-ten không phải dễ dàng được tin cậy. Vô tâm đến mấy, thì người dân đánh cá và chính quyền Kiếc-ôn cũng hiểu được tầm quan trọng của quê hương mình được che đậy sau màn sương mỏng. Nếu quần đảo Oóc-cát nghèo nàn, đất núi cằn cỗi, không có gì hứa hẹn đối với người dân làm ăn bình thường, thì trái lại, nó rất hấp dẫn đối với nhà quân sự. Giữa sáu mươi bảy hòn đảo ấy, cách thị trấn Kiếc-ôn không xa, có một nơi mà cả thế giới đều biết tiếng: vịnh Xcapa Flô (Scapa Flow).



Sơ đồ trận đánh tiêu diệt chiến hạm HMS Royal Oak


Thời ấy, nước Anh nhất địa cầu về lực lượng Hải quân, vịnh Xcapa Flô lại là căn cứ vững chắc nhất của lực lượng hùng mạnh ấy. Chính tại đây, bảy mươi chiến hạm của Đức thua trận, cùng số binh lính thuỷ đi theo, bị lùa về an trí theo Hiệp định đình chiến ngày 11 tháng 11 năm 1918, làm cho cái vinh quang của căn cứ Xcapa Flô thêm rực rõ. Và cũng chính nơi đây, bọn tù binh Đức đã tìm cách đánh chìm hầu hết số bảy mươi chiến hạm chiến lợi phẩm đó, làm cho tiếng tăm của Xcapa Flô càng nổi nưh cồn và nhà đương cục Anh vội vã ra sức củng cố, xây dựng, bố phòng, biến nó thành một nơi bất khả xâm phạm… Từ dạo ấy, chưa có nhà quân sự nào dám nghĩ ra chuyện phiêu lưu tới gần vịnh Xcapa Flô, nó chi điều lọt vào căn cứ?


Những chuyện mà mọi người dân Kiếc-ôn đều biết ấy, Oóc-ten hoàn toan vô tâm. Anh còn mải kiếm sống, làm bất cứ việc nhỏ nhặt nào để có tiền, vì anh tỏ ra khá nghèo túng. Được trời phú cho cái khéo tay, anh xin làm thuê cho mấy nơi một lúc. Một cửa hàng thủ công mỹ nghệ. Một hiệu kim hoàn… Lúc rảnh rỗi, anh về nhà riêng bày ra sửa chữa đồng hồ để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Anh làm việc gì cũng chu đáo, cẩn thận, khéo tay. Một chiếc đồng hồ anh chữa, dùng hàng năm vẫn chạy tốt, cứ như là đồng hồ Thuỵ-sĩ!... Tiếng lành đồn xa, dân Kiếc-ôn tìm tới anh ngày càng đông. Gì chứ tặng cho nhau chiếc vòng tay, quản bút máy, món hàng mỹ nghệ vào các dịp kỉ niệm ngày cưới, ngày sinh thì dân Kiếc-ôn này sẵn có phong tục. Còn các chàng lính thuỷ ở căn cứ hải quân khổng lồ gần đấy thì khỏi phải nói. Thị trấn nào mà chẳng là nơi cho đời lính xả láng nhỉ? Anh lính thuỷ nào lại thiếu một người thân dừng lại trên bờ hoặc một người yêu phương xa để kỉ niệm chiếc lược đồi mồi hay mảnh gương lồng trong chiếc mỏ neo bằng bạc chạm nhỉ… Tất cả, họ đều đến nhờ Oóc-ten và bao giờ cũng được anh giúp đỡ tận tình, tính giá phải chăng, mặc dầu anh không giấu giếm ước mơ của mình là một ngày kia sẽ đủ tiền để mở một cửa hiệu sửa chữa đồng hồ riêng, thoát khỏi cảnh làm thuê làm mướn…


Sau hai năm Oóc-ten đã thành như người dân địa phương. Các ông bà già thích giàn nho bầu rượu thì mời anh về nhà ăn bữa cơm gia đình và tán chuyện thời thế. Dân đánh cá nay đây mai đó thì thích nài anh đi với họ một chuyến ra khơi làm ăn hay thăm một hòn đảo lạ. Các chàng lính thuỷ, trong khi chờ anh trau chốt nốt vật tặng người yêu phương xa thì thích tỉ tê với anh về đời lính, cuộc sống riêng trên tàu, những trận đánh nhau và những công việc nặng nhọc. Bọn trẻ con đặc biệt yêu mến anh vì anh hay cho chúng nó những tấm sô-cô-la Thuỵ-sĩ nổi tiếng, ngắm nhìn chúng nó vừa gậm sô-cô-la vừa bi bô khoe chuyện về người bố hay người mẹ thường là công chức các cơ quan đóng ở Oóc-cát…


Năm 1932, Oóc-ten xin nhập quốc tịch Ăng-le. Chẳng còn ai nhớ tới điều anh gốc Thuỵ-sĩ, càng không hề nghi ngờ về một gốc gác lạ lùng hơn. Trong tình cảm của người Kiếc-ôn, Oóc-ten là hình ảnh trọn vẹn của một công dân đất nước nữ hoàng Ê-li-da-bét, nếu Oóc-ten không chính tự mình sòng phẳng nhắc mọi người nhớ tới gốc gác của mình… Thì điều đó có hề chi? Yêu thương đất mẹ càng là chuyện đáng khen chứ sao! Huống hồ đó là đất nước Thuỵ-sĩ nhỏ bé, trung lập, chưa hề làm hại ai? Oóc-ten cho biết bên ấy anh còn cha mẹ, anh em, bà con, bạn bè. Năm thì mười hoạ, những người này cũng đến Kiếc-ôn thăm anh, ở lại dăm bữa nửa tháng rồi về. Là dân một nước lùi sâu trong lục địa, ít khi nhìn thấy biển rộng sông dài, nên tiếp xúc với phong cảnh miền Oóc-cát, cũng có người thích thú xin ở lại luôn. Họ đều được Oóc-ten giúp đỡ tìm công ăn việc làm thích hợp quanh vùng. Tuy nhiên số này không nhiều. Còn lại thì thăm viếng xong đều trở về Thuỵ-sĩ nhưng vẫn giữ liên lạc bình thường với Kiếc-ôn. Nhờ vậy mà Oóc-ten nhận được thư từ và bưu phẩm từ quê nhà gửi sang đều đặn, từ số báo mới ra, cuốn sách mới in cho đến tấm sô-cô-la Thuỵ-sĩ nổi tiếng, mà không một ai mảy may nghi ngờ.


Cuộc sống của anh cứ thế êm ả trôi đi… Cho tới ngày anh tậu được một cửa hiệu sửa chữa đồng hồ, thuê hẳn một người đàn bà giúp việc, trở thành một ông chủ nhỏ rồi, mà cuộc sống của anh vẫn bình dị, quê mùa như mọi cuộc sống của người dân thị trấn nhỏ.
Logged

Khi con sinh ra mọi người đều cười chỉ mình con khóc.
Con hãy sống sao cho: khi con chết đi, mọi người đều khóc chỉ mình con cười.
canaris
Thành viên
*
Bài viết: 78



WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2010, 11:24:39 pm »

Tháng 9-1939, Đại chiến 2 bùng nổ.

Oóc-ten là người dân đầu tiên ở thị trấn Kiếc-ôn kéo cờ Anh quốc lên nóc cửa hiệu, khẳng định một mảnh đất xa vời của Vương quốc Ăng-lê trên Biển Bắc. Cũng là người hăng hái bỏ ra nhiều tiền nhất để mua công trái quốc phòng. Anh tâm sự với bạn bè: “Tôi đã là một công dân Anh thì không thể là người Thuỵ-sĩ trung lập. Rất tiếc là tôi đã quá tuổi quân dịch không ra trận được, nhưng tôi quyết tâm làm tròn nghĩa vụ đối với Tổ quốc Anh”.


Quả thật từ hôm ấy người ta thấy anh hàng ngày bám lấy máy thu thanh, theo dõi tình hình chiến sự với niềm xúc động ít có… Những phút ngại ngùng xa xưa, từ ngày anh mới đặt chân tới thị trấn Kiếc-ôn năm 1927, bây giờ dẫu chuyển sang tình trạng chiến tranh, thì vẫn là một trò cười cho ai đó còn nhớ…


Nhưng Oóc-ten thì ngược lại. Chiến tranh đối với anh là điều thiêng liêng. Lúc này là lúc anh phải lần lại từng bước trong cuộc đời trường chinh dằng dặc của mình để tính toán bước đi quyết định…

Tên anh không phải là Anbe Oóc-ten. Tên thật của anh là An-frết Oe-rinh (Alfred Whering). Thuỵ-sĩ không phải là quê hương anh. Quê hương anh là nước Đức. Thời kỳ Đại chiến một, anh phục vụ trong Hải quân Đức của vua Uy-liêm đệ nhị. Anh là một trong những sĩ quan có uy tín của thiết giáp hạm “Đô đốc Hippe”. Trận thuỷ chiến lớn nhất trên Biển Bắc trong Đại chiến 1 cũng có anh dự. Đó là trận Giút-lan (Jutland) ngày 31 tháng 5 năm 1916, gần vịnh Lim-phio, ngoài khơi bắc Đan-mạch. Nếu hai bên chỉ dùng tàu nhỏ như giai đoạn đầu thì chưa hẳn mèo nào cắn mưỡu nào. Đô đốc Scheer còn cầm chắc chiến thắng là đằng khác! Nhưng rồi đô đốc Gien-li-cơ (Jellicoe) của Anh đã tung vào trận hạm đội chiến lược của mình. Nó gồm toàn chiến hạm cỡ lớn, có chiếc tới hai ba vạn tấn như chiếc Rôi-ơn Oac (Royal Oak) mà nước Đức không thể có. Thế là Scheer phải cho hạm đội Đức rút lui để khỏi bị tiêu diệt. Tổng kết, Ăng-lê thiệt hại gấp rưỡi về số tàu đắm và gấp bốn, gấp năm về số người chết; nhưng người Đức vẫn chịu mang tiếng chiến bại vì phải rút lui trước những con quỉ thép của Ăng-lê do chiếc Rôi-ơn Oac dẫn đầu!


Mối căm giận găm mãi trong lòng cho tới ngày Đức thua trận hoàn toàn! Lính thuỷ giải ngũ, nhưng An-frết Oe-rinh vẫn được giữ lại trong sổ lương tuy không còn việc gì để làm.

Cuộc sống tẻ nhạt kéo rê cho đến năm 1923. Đối với nhiều người Đức thì đó là một năm đáng ghi nhớ. Năm mà chủ nghĩa phục thù của Đảng quốc xã đã bắt đầu đánh bại đường lối chính trị ngập ngừng của nền Cộng hoà Vây-ma (Weimar) hèn yếu. Năm của những đội biệt kích cảm tử Quốc xã, của những vụ bạo động ồn ào ở Muy-nich hay ở hạt Ruya do Pháp chiếm đóng… Trong quân đội và hải quân, ý chí phục thù rửa hận đó tất nhiên còn cao hơn ngoài dân nhiều. Các tướng lĩnh và sĩ quan cũ đều tâm niệm không bao lâu nữa, chỉ trong vòng mười lăm, hai mươi năm tới, là họ sẽ có cuộc chiến tranh mới, “cuộc chiến tranh phục thù của họ”.


Thời kỳ ấy, đô đốc Ca-na-ri, chỉ huy tình báo quân sự của nước Đức phát-xít những ngày đầu chiến tranh này, mới là một sĩ quan được giới quân phiệt trao cho trách nhiệm bí mật tổ chức màng lưới tình báo hải quân tương lai. Ca-na-ri nhớ đến viên sĩ quan tài năng của thiết giáp hạm “Đô đốc Hippe” đang nằm khàn. Thế là Ca-na-ri gọi An-frết tới, giao cho một việc quan trọng. Theo kế hoạch của Ca-na-ri, từ nay An-frết Oe-rinh trở thành đại diện chính thức cho một hãng đồng hồ nổi tiếng của Đức. Trong vai trsẵn sàng long trọng đó của một hãng công nghiệp hiền lành, Oe-rinh phải chu du khắp châu Âu, nguỵ trang dưới hoạt động kinh doanh để điều tra các căn cứ hải quân và các kiểu chiến hạm mới của các nước… Sau ba năm thu thập thêm nhiều kiến thức về tàu chiến và quân cảng, ông đại diện hãng đồng hồ Đức liền được gửi sang Thuỵ-sĩ, xứ sở của nghề đồng hồ. Oe-rinh vào học việc ở một hãng sản xuất đồng hồ Thuỵ-sĩ và không bao lâu, với cái khéo tay trời phú, bản thân anh cũng trở thành một tay thựo chữa đồng hồ giỏi. Năm 1927, anh rời Thuỵ-sĩ sang Hà-lan làm ăn. Không còn ai biết anh là người Đức, đã có thời kỳ đi lính. Ca-na-ri trang bị cho anh một tấm hộ chiếu Thuỵ-sĩ mang cái tên Anbe Oóc-ten dễ mến. Một thời gian sau, Oóc-ten lại di cư sang kiếm sống tại thị trấn Kiếc-ôn, thủ phủ của quần đảo Oóc-cát, gần vịnh Xcapa Flô nổi tiếng mà không một ai tìm ra được chỗ bất hợp lý nào trong những mắt xích của chuỗi đời anh. Để di cư từ quê hương Đức sang đất nước Ăng-le cách nhau chỉ mấy giờ xe lửa tốc hành, anh đã mất năm năm và suýt mọc rễ ở hai quốc gia khác.



Đô đốc Wilhelm Canaris - Chỉ huy cơ quan tình báo quân sự Đức Quốc xã Abwehr


Thế rồi, như ta đã biết, hàng loạt công việc tẻ nhạt nhưng thiết thân đối với cuộc sống của người dân địa phương đã được Oóc-ten tiến hành cần mẫn, thầm lặng trong năm, sáu năm liền, cho tới năm 1932, khi anhnhập quốc tịch Ăng-lê, thì coi như anh hoàn thành sự lột xác. Từ đó trở đi, anh có thể an tâm hoạt động tình báo mà không ai mảy may nghi ngờ. Anh liên lạc với trung tâm ở Thuỵ-sĩ, nhận giấy tờ, chỉ thị qua thư từ, bưu phẩm của “gia đình” mà tiếng “người bố” dùng để chỉ đích thân Ca-na-ri. Anh đón những điệp viên trung tâm phái tới dưới vai bạn bè, thân thích sang du ngoạn, giúp trung tâm gài thêm tai mắt dưới vai những người bà con hâm mộ non nước vùng Biển Bắc mà xin ở lại…


Giờ đây thì điều chờ đợi đã đến. Đại chiến thế giới lần thứ hai vừa nổ ra sau mười sáu năm Oóc-ten sửa mình chờ đón nó. Mười sáu năm dọn lại một ngày, có khi một giờ. Đừng ai trách Oóc-ten, trước những giây phút lịch sử như vậy, đã không khỏi bỏ ra một ít thời gian nhìn suốt lại toàn bộ cuộc đời… Tới đây thuở tóc còn xanh, lúc này mái tóc ấy đã lên màu tiêu muối.

Một đêm tháng Mười năm 1930.

Gần một tháng đã qua, kể từ ngày phát-xít Đức tràn qua Ba-lan, lôi cuốn thế giới vào cuộc chiến đẫm máu.
Chiều hôm ấy, Oóc-ten sai đóng cửa hiệu đồng hồ sớm hơn thường lệ. Ông giải thích cho người đàn bà giúp việc:

-Ta nghỉ sớm tí chút. Hôm nay trời mưa, vắng khách!

Rồi ông trở về nhà riêng của mình.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười, 2010, 11:29:59 pm gửi bởi canaris » Logged

Khi con sinh ra mọi người đều cười chỉ mình con khóc.
Con hãy sống sao cho: khi con chết đi, mọi người đều khóc chỉ mình con cười.
canaris
Thành viên
*
Bài viết: 78



WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2010, 11:25:36 pm »

Nhà ông khá khang trang, bày biện đúng mốt Ăng-lê. Lò sưởi đang cháy. Trên bếp lửa, một ấm nước pha trà reo nhẹ… Ông đến cạnh máy thu thanh, ấn nút tìm nghe bản tin chiến sự trong ngày như thường lệ… Thế rồi, trong âm thanh lò sưởi đang reo và cái đài đang mở, Oóc-ten nhẹ nhàng bước tới góc tủ, lôi ra một máy phát sóng ngắn được nguỵ trang như chiếc rađiô lỗi thời bỏ xó. Buổi truyền tin bắt đầu… Oóc-ten chỉ cần phát mấy tiếng ngắn gọn cho tử tước Bu-lô, tuỳ viên Hải quân Đức tại thủ đô nước Hà-lan lúc này còn trung lập. Từ La Hay, tin tức được nhanh chóng báo về Đức cho Ca-na-ri, và vị chỉ huy ngành tình báo quân sự quốc xã lập tức hành động. Tất cả những tàu ngầm của Hải quân Đức đều nhận được mệnh lệnh. Tử tước Bu-lô có trách nhiệm bắt liên lạc với Oóc-ten để bàn bạc. Gunle Priên (Guntle Prien), chỉ huy chiếc tàu ngầm B.06, được lựa chọn để thi hành kế hoạch đặc biệt.

Vậy thì Oóc-ten đã báo cáo gì về trung tâm?

Ông ta báo cáo một điều mà toàn thế giới chưa ai biết, thậm chí không ai ngờ, nhưng chỉ riêng ông ta là nắm chắc. Đó là điều “căn cứ hải quân khổng lồ Xcaphương án Flô bất khả xâm phạm, vào những ngày này, đang buộc phải phơi bụng ra, bất lực trước mọi cuộc tấn công của tàu ngầm nếu có”.


Bằng cách nào mà Oóc-ten nhìn được những gì chìm sâu dưới đáy biển? Rất nhiều năm sau, tình báo Anh vẫn không đủ bằng chứng để trả lời câu hỏi ấy. Đành đoán mò… Đoán rằng có thể một lính thuỷ ba hoa nào đó, trong lúc ngồi đợi Oóc-ten trau chuốt vật kỷ niệm hình mỏ neo, đã vui mồm hiến câu chuyện làm quà… Có thể do bọn trẻ vừa nhấm nháp thỏi sô-cô-la Thuỵ-sĩ vừa bi bô thuật lại câu chuyện nghe lỏm được ở nhà… Hay là những người thợ làm việc ở cảng?... Không hiểu nữa. Điều chắc chắn là Oóc-ten biết rất nhiều và rất đúng. Ông biết rằng: phải đợi một tháng sau ngày chiến sự bùng nổ, người ta mới toé ra là công cuộc bố phòng ở căn cứ Xcapa Flô tồi hết chỗ nói! Toé ra là bao nhiêu lưới thép, bẫy ngầm chắn các luồng đột nhập căn cứ từ phía Đông tới đều biến đi đâu hết, cái bị hà đục, cái mục nát cuốn theo thuỷ triều… Cuối cùng người ta phải dỡ vứt tất để thay thế bằng những công sự mới. Nhưng vật tư thay thế thì phải về xin tận miền Nam nước Anh kia! Ý thức ra tầm nguy hiểm, Chính phủ Anh đã vội cho đoàn vận chuyển lên đường. Khốn thay, lại là đường sá thời chiến! Tắc nghẽn chỗ này, dồn ứ chỗ kia. Rồi giấy tờ, nguyên tắc! Tóm lại, là dù có tới nơi thì cũng phải sang tuần sau mới mong lắp đặt xong được.

Thế đó, mười sáu năm chỉ để báo cáo có chừng ấy.

Không ai bằng Gunle Priên thấu rõ những nỗi nguy hiểm của cuộc hành quân. Lệnh trên là phải cho tàu ngầm B.06 nổi lên mặt nước tiến về mũi phía đông hòn Pô-mon thuộc quần đảo Oóc-cát. Đêm tối như bưng. Trời lại mưa và sương mù dày đặc. Không thể thấy gì cách năm mét, nói chi đến một tầm nhìn xa nghề nghiệp? Khu vực này nhan nhản tàu “cút-tơ” tuần tiễu Ăng-lê. Chỉ cần một động tĩnh nhỏ là hàng chục ngọn đèn pha sẽ chiếu sáng khắp khu vực và phát hiện ra ngay chiếc B.06. Càng gần tới bờ biển nước Anh thì càng lo vấp phải đá ngầm vốn là nỗi khiếp sợ xưa nay của tàu bè qua lại vùng này… Nhưng rồi con sói biển Priên vẫn điều khiển tàu của mình đến được toạ độ qui định. Y ra lệnh tắt máy và cầm ống nhòm quan sát đường nét mập mờ của bờ biến lượn lờ phía xa… Kia rồi, qua màn sương đục, Priên vừa nhận ra một ánh lửa… Đúng như ám hiệu Ca-na-ri qui định. Hai chớp dài, một chớp ngắn… Priên cho thả xuồng cao su và một tay chèo xuống. Xuồng có nhiệm vụ vào bờ biển nước Anh đón một người bạn… Một lúc sau, thuyền trở về, mang theo người thợ chữa đồng hồ thị trấn Kiếc-ôn… Priên đón Oóc-ten lên tàu ngầm, và lập tức chiếc B.06 lặn xuống đáy biển…


Oóc-ten trải tài liệu lên bàn tham mưu. Ông đã vẽ được bản đồ chi tiết của căn cứ Xpaca Flô, tường tận đến từng mét, đúng là bản đồ hải quân nhà nghề! Ông chỉ dẫn những nơi sơ hở, mất lưới, mất bẫy trên con đường xâm nhập từ phía Đông. Priên nghiên cứu kỹ bản đồ rồi bước tới đài chỉ huy. Chiếc B.06 bắt đầu lần mò đi dưới đáy biển. Nó vòng phải, quẹo trái, luồn lách qua bao nhiêu chướng ngại vật thiên nhiên, vượt khỏi những chỗ vừa để trống bố phòng và cuối cùng lọt được vào trong căn cứ.

-Chuẩn bị ngư lôi!-Priên lệnh.

Lính trên tàu nghiêm chỉnh vào vị trí chiến đấu không sót một ai. Họ hiểu rất rõ rằng một lỗi thao tác nhỏ lúc này sẽ dẫn tới cái chết cầm chắc của mọi người… Chiếc kính tiềm vọng quay tròn bốn phía sục mồi… Đúng là họ đang ở trng căn cứ Xcapa Flô, điều mà trước họ, chưa có chiếc tàu Đức nào, chưa có anh lính thuỷ Đức nào dám làm… Trong làn sương mỏng, kính tiềm vọng phát hiện ra bóng dáng đồ sộ của nhiều chiếc thông báo hạm, tuần dương hạm… Mặc, họ bỏ qua. Con mồi chính của họ là chiến hạm Rôi-ơn Oac kia! Chiếc Rôi-ơn Oac, thủ phạm gây ra mối quốc nhục của họ trong trận Giút-tlan năm 1916. Chiếc Rôi-ơn Oac đối thủ đáng sợ, và cho đến nay vẫn là đối thủ bất khả chiến thắng của mọi lực lượng hải quân trang bị bằng tàu nhỏ. Nó kia rồi! Dù neo xa, neo sâu vào phía trong cùng căn cứ, thì nó vẫn lừng lững, ngông nghênh nổi bật lên khỏi lũ tàu khác.


Tàu B.06 tắt máy. Kính tiềm vọng xoay ngang trở dọc để có thể thâu tóm tình hình chiếc Rôi-ơn Oac trọn vẹn nhất.

Priêng lại ra lệnh. Quả ngư lôi thứ nhất được phóng đi. Một tiếng nổ kinh khủng rung chuyển bờ biển. Chưa hết ngân vang thì tiếng nổ thứ hai tiếp theo liền. Qua kính tiềm vọng, Oóc-ten trông rõ chiếc Rôi-ơn Oac hai vạn chín nghìn một trăm năm mươi tấn cháy rừng rực như ngọn núi lửa và chìm xuống đáy căn cứ hải quân mạnh nhất của nước Anh. Chiến thắng oanh liệt trong trận Giút-tlan hơn hai mươi năm trước, giờ nó bị đánh chìm ngay trên đất mẹ, mang theo trong lòng nó một ngàn hai trăm lính thuỷ, trong đó chỉ có ba trăm chín mươi sáu người thoát chết!



Tàu chiến HMS_Royal_Oak của Hải quân Hoàng Gia Anh

Niềm hân hoan của những người Đức say men phục thù quốc xã thật khó bút nào tả xiết khi chiếc B.06 trở về cập bến quân cảng Ki-en mấy ngày sau. Một cuộc liên hoan chưa từng thấy được tổ chức để đón tiếp vị anh hùng vừa chiến thắng trận Xcapa Flô là… Gunle Priên.


Trước công chúng, Priên được gắn Huân chương Hải quân. Anh ta đi tới đâu thì hoa rải kín đường trước bước chân anh và hàng đàn thiếu nữ y phục trắng tinh theo sau chân anh. Một bữa tiệc thịnh soạn được tổ chức tại Câu lạc bộ sĩ quan, tiếp theo là một dạ hội chào mừng chiến thắng… Cứ nửa giờ, đài phát thanh quốc xã lại một lần loan tin chiến thắng vĩ đại kèm theo những lời bình luận lạc quan của nhiều nhân vật am hiểu. Không ít nhà chiến lược quả quyết rằng đã chiến thắng được ở Xcapa Flô thì con đường để cho Hải quân Đức tiến sang Na-uy, Đan-mạch và cả Vương quốc Ăng-lê không còn là khó mở… Các nhà chiến thuật thì khẳng định rằng với chiến thắng Xcapa Flô, thời đại những chiến hạm khổng lồ làm mưa làm gió trên mặt biển đã chấm dứt, và từ nay số phận các trận thuỷ chiến sẽ do lực lượng tàu ngầm của mỗi bên quyết định…
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười, 2010, 11:31:52 pm gửi bởi canaris » Logged

Khi con sinh ra mọi người đều cười chỉ mình con khóc.
Con hãy sống sao cho: khi con chết đi, mọi người đều khóc chỉ mình con cười.
canaris
Thành viên
*
Bài viết: 78



WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2010, 11:32:18 pm »

Trong niềm hân hoan ồn ào ấy chung quanh chiến tích của vị anh hùng Gunle Priên, không ai chú ý đến một người ăn mặc dân sự, đã quá tuổi thanh xuân, cũng vừa ở dưới tàu B.06 lên, đang cố tình tránh xa các nơi náo nhiệt, vẻ mệt nhọc, cúi đầu đi một mạch về khách sạn “Sư tử vàng” giữa thành phố cảng Ki-en. Vài nhà báo nhạy cảm thoáng nhận ra sự lạ, vội chạy đi tìm hiểu. Đài phát thanh, thông cáo của Hải quân, danh sách các bàn tiệc đều có nêu rõ tên tuổi từng người trong chiếc tàu ngầm lịch sử, từ vị chỉ huy đến anh phụ bếp không bỏ sót một ai, nhưng chẳng nơi nào nhắc tên một người dân sự như vậy. Họ sục vào khách sạn. Khách tới đây buộc phải đăng ký tên. Quả nhiên họ tìm ra tên con người bí mật ấy, một cái tên cha sinh mẹ đẻ, đã biến mất mười sáu năm ròng, tới giờ này mới được công khai ghi vào sổ sách: An-phrết Oe-rinh.


Oe-rinh ngủ một giấc mê mệt đến tận sáng hôm sau.

Tiếng rao của các em bé bán báo quảng cáo chiến tích anh hùng của Gunle Priên đánh thức ông dậy. Nỗi mệt nhọc còn in trên gương mặt, nhưng ông vẫn mua một tờ báo, rồi tránh những đường phố đầy hoa và thiếu nữ áo trắng, ông vừa xem báo vừa tìm đường ra ga Ki-en. Ông mỉm cười nghĩ tới vẻ lúng túng của Priên lúc này… Không rõ thằng võ biền dũng cảm ấy xoay xở ra sao trước những điều phải kể với lũ nhà báo? Hắn có biết đầu cua tai nheo gì đâu! Không khéo bây giờ hắn đang phải học vai anh chàng Tác-ta-ranh xứ Ta-rát-xcông nọ, mở đầu câu chuyện về chiến công của mình bằng một lời ba hoa văn vẻ: ”Các ngài hãy tưởng tượng xem, một đêm trời tối như bưng, sương mù dày đặc, bên bờ vịnh Xcapa Flô”…


Tiếng còi tàu nhà ga làm Oe-rinh chợt tỉnh. Ông mua tấm vé xe lửa về thành phố Hăm-buốc. Tại đây, ông đáp máy bay về Béc-lin để gặp đô đốc Ca-na-ri đang đợi…

Thiên hạ mất dấu vết Oe-rinh từ lúc ấy.

Nhiều năm về sau, màng lưới tình báo, phản gián Anh và một số nước Đồng minh cũng có thời kì chú ý dò la tung tích của Oe-rinh, nhưng không hề thấy anh ta xuất hiện ở nơi nào khác. Điều không bình thường đói với một điệp viên có nhiều khả năng như vậy… Họ đành chọn phương pháp điều tra hạ sách nhất là… đoán mò!
Đoán rằng trong cuộc gặp mặt với Ca-na-ri có lẽ đã xảy ra những chuyện bất đồng giữa hai người nên Oe-rinh bất mãn rút khỏi trận tuyến… Một cuộc đời như vậy tránh sao khỏi nhiều điểu uẩn khúc?


Cũng đoán rằng nếu những tên phát xít từ xương tuỷ, như loại Ca-na-ri, đã nhìn ra cuộc Thế chiến 2 từ mười sáu năm trước, thì biết đâu lần này lại chẳng đang chuẩn bị cho một trận đánh mới có thể xảy ra hai mươi năm sau, nên đã tung anh thợ chữa đồng hồ tài năng lên đường trước? Và nếu quả như vậy thì các cơ quan tình báo đối phương xin đừng có mất công tìm theo dấu vết Oe-rinh khi anh ta còn chưa quyết định ngày đóng cửa hiệu đồng “vì hôm nay trời mưa, vắng khách”!
Logged

Khi con sinh ra mọi người đều cười chỉ mình con khóc.
Con hãy sống sao cho: khi con chết đi, mọi người đều khóc chỉ mình con cười.
Trang: 1   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM