Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:14:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhật Ký Viết Lại  (Đọc 331355 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #130 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2010, 05:58:01 pm »

Bác Cầm là lính cao xạ của trung đoàn 223 thuộc QK Trị Thiên. Năm 1975 e223 yểm trợ cho e4 đánh ở bắc Huế nên khá biết nhau. Năm 2003 Công ty cùng tham gia mục " gặp nhau cuối tuần " trên VTV3, em mới gặp cái bác đi đâu cũng cắp cái điếu cày, từ đấy quen nhau. 2007 ngồi uống bia với nhau bác ấy gần như khóc vì được nhà nước cấp cho 5 tỉ để làm phim " Cỏ Cháy", còn hứa với em :" cho mày đóng vai trung đoàn trưởng". Em bảo :" Bố chỉ biết làm thơ thôi, 5 tỉ làm sao làm nổi bộ phim về Quảng Trị này". Đến nay vẫn thấy im ắng quá, thằng em chờ mãi ngày lên hình, hy vọng là " ngôi sao màn bạc" càng xa vời  Grin
Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #131 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2010, 06:01:14 pm »



Cũng tối ấy, nghe Thịnh (6971 từ khoa văn DHTH HN) thông báo về tiến trình làm phim "Mùi Cỏ Cháy", gồm các thông tin sau:

- Nhắc lại ý tưởng dựng bộ phim về liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, từ những năm 2005-2006, khi cuốn Sống mãi tuổi 20 đang nổi, và hiện trạng bộ phim bây giờ. Quyết tâm và hứa hẹn "cỏ sẽ cháy" vào dịp 40 năm (6/9/2011).

- Giới thiệu mấy lời của đạo diễn phim: Hoàng Nhuận Cầm

- Giới thiệu mấy lời của quay phim chính (...)


       Phim "Mùi Cỏ Cháy" là bộ phim về các liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Thượng Lân và Đặng Thùy Trâm. Kịch bản phim của Hoàng Nhuận Cầm.

       Đây là bộ phim do một hãng điện ảnh tư nhân thực hiện với kinh phí ban đầu là "số không". Nhưng ngay sau khi có thông tin về làm phim về các liệt sỹ của "Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ". Đoàn làm phim liên tục nhận được sự ủng hộ của rất nhiều nhiều cơ quan, tổ chức và các cá nhân. Cựu chiến binh Quảng Trị nhập ngũ 6/9/1971 ủng hộ 500 triệu đồng, . . . có một anh "xe ôm" nằng nặc xin ủng hộ 50 ngàn đồng. Kịch bản phim được đưa ra hội đồng thẩm định quốc gia với đề nghị cấp kinh phí 1 tỷ đồng, rồi ngành đường sát, xưởng phim QDND, SGGP,. . . mỗi đơn vị ủng hộ theo khả năng của mình cả về kinh phí, nhân lực và vật lực.

       Lần đầu tiên có một bộ phim không kinh phí ban đầu và được rất nhiều lực lượng ủng hộ như vậy. Thật chưa từng có !

       Mọi người cũng biết bộ phim Đừng Đốt về liệt sỹ Đặng Thùy Trâm được nhà nước cấp kinh phí 16 tỷ đồng. Hiện nay kinh phí ủng hộ cho bộ phim "Mùi Cỏ Cháy" mới có vài tỷ đồng (không kể phần đóng góp nhân lực và vật lực).

       Hôm 6/9/2010, anh Thịnh vẫn đề nghị các cựu chiến binh hãy tiếp tục ủng hộ tài lực và vật lực cho bộ phim !

       Bộ phim này đã được chính thức trao cho đạo diễn Hữu Mười.

       Giá mà ae QuânSử có cách nào ủng hộ được . . . !
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #132 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2010, 06:14:31 pm »

      Ae có thể tham khảo thêm vè bộ phim "Mùi Cỏ Cháy" theo đường link này:

       http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=61070&ChannelID=4
Logged

sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #133 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2010, 09:28:19 pm »

16. Chuyện lớp dự bị C185, Đại học KTQS

Cuối tháng 3/1974, các vết thương tiến triển tốt, tôi được ra viện với tờ chứng thương trong tay, trở về c20. “Những ngày ở quân y viện buồn tẻ và hèn hạ, kém cỏi” với lờ mờ chút ảo giác “ra Bắc” trở nên lạc lõng như một cơn mưa lạc mùa. Trở lại với C20, đơn vị đã chuyển lên phía Trường Phước, trên miền Tây, bên bờ bắc Thạch Hãn, cách sông khoảng 1-2 cây số, không còn ở Trà Liên nữa. Lại ở rừng, ở đồi, nhưng là lán trại mái vách đều bằng cỏ tranh, không còn phải chui hầm nữa. Tiếc những tháng ngày Trà Liên sôi động nhưng êm đềm, đằm kỷ niệm quân dân. Nhớ cha Cò, mụ Miến.
 
11/4/74 :  ...
Ngày 30.3.1974, tôi trở về với đơn vị, với những chiến sỹ quân báo mà tôi bao giờ cũng mến yêu.
Tôi phát khóc được vì tình cảm của đơn vị với tôi.


Về lại c20, về lại a8 sau gần 3 tháng nằm viện, không tả nổi mừng vui. Gặp lại Lê Minh, buồn xen vui. Hai đứa nhắc nhiều đến Hồ Bảo, giờ đây đang ở ngoài Bắc. Lần này là lần thứ hai Minh và tôi xa Bảo, nhưng lần trước 2 đứa ra Bắc học binh địa, Bảo vào Nam, còn lần này thì ngược lại, Bảo đã ra Hà Nội, 2 đưa tôi ở lại Quảng Trị. Đại đội vẫn “giữ chỗ” a trưởng a8 cho tôi!

A8 ở tách xa khỏi đại đội với một nhiệm vụ rất “ất ơ”. Một tiểu đoàn bộ binh của ta vừa chuyển đi, đơn vị mới chưa đến tiếp quản. A8 nhận bàn giao địa bàn, hầm lán của đơn vị bộ binh cũ, chờ bàn giao lại cho đơn vị mới. Địa bàn sát sông, bên kia sông vẫn là ta, nhưng qua chốt ta, không xa đã là địch. Trong khi chờ đơn vị mới đến nhận bàn giao địa hình, 6-7 đứa của a8 phải nghi binh thành cả tiểu đoàn mấy trăm người để địch không phát hiện việc đổi quân, tạm trống vị trí. Hàng ngày, kể cả đêm, anh em cắt cử nhau đến vị trí đóng quân của các đại đội cũ đánh kẻng và đốt lửa sao cho ngày càng nhiều khói càng tốt, đêm thì ánh lửa bập bùng, như mẹo nghi binh của Khổng Minh trong Tam Quốc. Công việc này cũng buồn, nhưng dù sao vẫn hơn hồi ở viện 43. Anh em trong tiểu đội nuôi rất nhiều gà, có cả 2 đàn gà mới nở và một chú cún con. Hao hao cuộc sống gia đình dù không có phụ nữ và con trẻ.

C20 sau vụ A74 cũng bị xệch xoạc một thời gian ngắn. Mất đại trưởng – Trụ cột chính của đại đội, mất một trung đội trưởng chủ chốt, một tiểu đội trưởng, một tiểu đội phó, một tổ trưởng, một liên lạc, một trinh sát thông tin và trinh sát trẻ Ngạc, trường hợp hy sinh duy nhất kể từ sau hiệp định Bảy Ba. Sư đoàn giúp c20 sắp xếp lại và bổ sung cán bộ, nhanh chóng bình phục “vết thương”, chuẩn bị cho những nhiệm vụ mới. Đã bàn đến thành lập B74 để thực hiện nhiệm vụ luồn sâu mà A74 đã khởi động nhưng bị dở chừng. Tôi không biết mình có còn được tham gia không. Một cảm giác rã rượi, bất lực và buồn như con thú sắp bị đàn bỏ rơi.    

Về c20 được đúng 1 tháng, đang ngày ngày thả gà, dạy chó, đánh kẻng và đốt khói nghi binh thì ngày 1/4 có lệnh triệu tôi lên Ban 2. Hồi hộp, chưa rõ chuyện gì. Lên đến ban, đầu tiên là mấy câu hỏi han của các anh trên Ban về vụ tai nạn A74 ở Ba Lòng, về tình hình thương tật của tôi, sau đó các anh bảo tôi về a12 nghỉ, sáng sau ra nhà khách sư đoàn, có cán bộ ngoài Bắc vào gặp. Vẫn bồn chồn chưa rõ chuyện gì. Buổi tối ngồi với anh em a12, nghe  bàn tán: Hình như quân pháp về điều tra “vụ A74”. Trách nhiệm thuộc về ai, rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho “B74”. Tôi gân cổ cãi, đỏ rựng cả vết thương trên 2 bờ mắt hãy còn nham nhở sẹo. Tai nạn là tai nạn, trách nhiệm gì! Mọi người cười: Giỏi thì mai cãi quân pháp!

Sáng sau tôi sang nhà khách sư đoàn. Có một sỹ quan đã đứng tuổi đang chờ tôi. Ông đeo lon thượng uý. Đúng là sỹ quan ngoài Bắc vào thật, trong chiến trường đâu có ai đeo quân hàm. Chẳng nhẽ hệ trọng thế ư? Ông tự giới thiệu ngắn gọn: Tôi tên Bình, rồi chuyển sang hỏi tôi về chuyến đi công tác hồi đầu năm (A74) và tình hình sức khoẻ sau khi ra viện. Câu hỏi chung chung, chưa thấy có vẻ gì là điều tra. Dù vậy, tôi hết sức tỉnh táo và nhăm nhăm trả lời theo định hướng: vụ A74 là một tai nạn, không ai có lỗi cả, chỉ có công thôi. Ông Bình vẫn thủng thẳng: Thôi, khoẻ là mừng rồi. Và bất ngờ ông bảo tôi: “Vừa rồi, trước khi vào đây, tôi có qua nhà đồng chí. Bà cụ khoẻ còn ông cụ ... không được khoẻ lắm”. Tôi giật mình. Thầy Mợ tôi thì liên quan gì tới vụ A74, tới cái ông Bình này? Khó hiểu. Tôi bần thần. Ông Bình vỗ vỗ vai tôi: “Tôi từ Ban cán bộ trường Đại học kỹ thuật quân sự vào. Nhiệm vụ của tôi là vào đón một số anh em sinh viên đã trưởng thành qua chiến đấu, đưa ra đào tạo về kỹ thuật, phục vụ mục đích phát triển lâu dài của quân đội”. Thật không? Thế mà cứ tưởng là quân pháp về điều tra vụ A74.  

Thì ra, ông Bình vào Quảng Trị, đến f325 với một danh sách các sinh viên mặc áo lính đã qua thẩm định lý lịch kỹ càng, cả ở trường cũ, cả ở địa phương. Việc còn lại là tìm gặp tận mặt từng người. Tôi là một trong số những người có tên trong danh sách ấy, may mắn còn sống và đang còn tại ngũ tại f325.

Bây giờ vấn đề lại hoàn toàn khác. Không chỉ mình tôi, một số sinh viên khi gác bút nghiên lên đường nhập ngũ cũng chỉ xem việc này là “nghĩa vụ quân sự”, mong sớm đến ngày hoàn thành để trở về trường tiếp tục đèn sách chứ không xem binh nghiệp là cả đời mình. Theo học đại học quân sự là in dấu ấn binh nghiệp lên cả cuộc đời, “phục vụ mục đích phát triển lâu dài của quân đội” – như ông Bình nói. Biết tôi băn khoăn, ông Bình bảo: “Đồng chí được tổ chức lựa chọn, một vinh dự chứ không phải là bắt buộc. Cứ suy nghĩ rồi quyết định. Đi hay không là quyền đồng chí. Tôi còn ở nhà khách vài ngày nữa. Nếu quyết định đi học, phục vụ lâu dài trong quân đội, đồng chí báo cho tôi qua Ban 2, chậm nhất là sáng thứ 2, ngày 8/4, để còn làm thủ tục, kịp sáng 11/4 lên đường ra Bắc”.

Tôi cám ơn thượng uý Bình, đem theo tâm trạng tơ vò về c20. So với những quyết định điều động sang d10, về dự khoá bay, vào c20, ra d74, thì quyết định lần này gây cho tôi nhiều đắn đo hơn cả. Những lần trước dù sao cũng là nhận quyết định, nhận lệnh, “quân lệnh như sơn”. Lần này là ngã ba, rẽ lối nào, có cả quyền mình và lại liên quan tới cả cuộc đời mai sau. Tối khuya, tôi cùng Lê Minh đi dạo ngoài đồi tranh. Tôi kể câu chuyện ông Bình và khả năng ra Bắc. Cả 2 đắn đo, do dự, nghiêng phải, nghiêng trái. Cuối cùng Minh khuyên tôi: “Chiến tranh sẽ kết thúc, chúng mình sẽ có cơ hội về trường nếu còn sống, nhưng chưa thể biết đến bao giờ điều đó mới đến. Học đại học kỹ thuật quân sự là suốt đời bộ đội, nhưng là bộ đội kỹ thuật, có khác gì về học khoa Lý đâu. Nhận lời đi, ít nhất cũng được về thăm Bố Mẹ”. Ý cuối cùng của Lê Minh đã hoàn toàn thuyết phục tôi, nhất là khi tôi mới biết Cha tôi đang rất yếu.    

Thứ bảy, chủ nhật tôi thu xếp đồ đạc, quân trang. Lính có của cải gì đâu, nhất là khi rời chiến trường, gọn lắm, nhẹ lắm. Quý nhất là cuốn nhật ký chiến trường thì đã gần hết trang lại bị dính mưa, loang lổ, nhoè nhoẹt từ hôm giải hàng binh sang Gio Linh. Chiếc rút dép đã mòn vẹt. Thêm mấy kỷ vật lặt vặt, vừa là chiến lợi phẩm, vừa là kỷ niệm chiến trường: chiếc chăn thám báo Mỹ, mấy dải dù pháo sáng, chiếc ba-lô dù và bàn cạo cụp xoè của Tám Hiếu, mấy con tem “đồ nho” của phía Sài Gòn. Đáng giá nhất là tấm bản đồ Quảng Trị đã sờn mép, nhằng nhịt dấu chì thì đã bị thất lạc trên đèo Ba Lòng hôm 8/1/74. Không kịp tạt qua Trà Liên chia tay Cha Cò, Mụ Miến và mấy nhà dân thân quen. Bịn rịn, quyến luyến nhất vẫn là dành cho a8. Quê mình Hương Canh, “Ai về mua vại Hương Canh”, làng trung du với những bức tường nhà xây bằng tiểu sành. Hỏi nhà “Cụ Giáo”, người lớn tuổi trong làng ai cũng biết. Ra Bắc nhớ tìm a trưởng nhé!

Ở nhà khách sư đoàn đã có 2 người từ các trung đoàn lên. Tôi ngỡ ngàng, sung sướng vì một trong 2 người lại là Phạm Chính, Chính “nẹp”, dân Lý 1, lính cũ c23, lính 6/9/71, từ e101 lên, vốn cùng quê với tôi. Người còn lại từ e95 lên, vốn sinh viên xây dựng, lính 5/72, tên là Văn Đình Ưng. Ông Bình vui vẻ: “Đủ bộ ba kết nghĩa vườn đào rồi”. Sáng 14/4/1974, chúng tôi lên xe ra Bắc, để lại sau lưng biết bao kỷ niệm của những tháng năm “chinh chiến,  bão bùng”.

Chúng tôi đến sông Bến Hải khi nắng đã gần đứng bóng. Cầu Hiền Lương bị bom địch cắt gẫy vẫn chưa kịp bắc lại. Chúng tôi qua sông Bến Hải trên cây cầu mới, hình như là cầu phao, do công binh lắp, cách không xa cầu Hiền Lương cũ.

Lại được nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng thân yêu bên bờ Bắc. Đất đai đã kịp hồi xanh màu cỏ nhưng chưa kịp liền những vết sẹo bom chi chít ngập đầy nước. Đâu đó trên thượng nguồn là Bãi Hà, nơi cách đây hơn 1 năm tôi cũng vượt con sông này mà chưa định được ngày trở lại. Bâng khuâng Bến Hải, Thạch Hãn, những con sông xứ Quảng Trị, một thời như những vết cắt, chia đôi bờ Bắc – Nam.


(Còn nữa ...)
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Chín, 2010, 10:57:09 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #134 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2010, 09:56:38 pm »

(Tiếp theo)
16. Chuyện lớp dự bị C185, Đại học KTQS

 
11/4/74
... Ngày 2.4, một anh ở ban cán bộ trường Đại học kỹ thuật quân sự đến tìm tôi theo sự giới thiệu của Đại học tổng hợp.

Hôm nay theo ông ta ra Bắc. Tình cờ gặp lại Chính. May quá. Toán ra Bắc gồm 3 người. Tài, Chính (2 bộ xương) và 1 nhân vật thuộc e95, có vẻ sâu sắc và phúc hậu, cả khắc khổ nữa.

Chia tay!

Tôi sung sướng đọc lại cuốn sổ này. Đầy ắp những vui buồn.

Có lẽ đây là những ngày chinh chiến, bão bùng nhất của đời tôi. Không phải 20 tháng với cái nghĩa sòng phẳng của thời gian mà là 20 tháng với vô vàn biến cố sâu sắc tưởng như đủ trải ra cho cả 20 năm. -Đông Hà (Q2. Trang cuối).


Những dòng nhật ký chia tay c20, tạm biệt Quảng Trị cũng vừa vặn tới trang cuối cuốn nhật ký lính thứ hai, viết từ ngày rời Hương Canh, về Hà Nội rồi hành quân vào Nam. Tôi bùi ngùi, nâng niu, cất nhật ký vào ba-lô và lấy cuốn sổ được tặng hôm dự Hội nghị Thanh niên Quyết thắng ra. Qua Bến Hải, ra Bắc, sang sổ mới.


14/4/74
Tạm biệt Phương Nam nhé! Đằng sau lưng - Bên kia sông - là những kỷ niệm đầy máu và nước mắt. Ta chôn vùi nhiều thứ ở đấy.

Bờ sông Bến Hải, kỷ niệm trở về đầy ắp, nặng trĩu. Nhớ Minh và các chiến hữu khác. Cười mà mắt nặng nước. - Bắc (Q.3-Trang đầu tiên).


Ra tới thị trấn Hồ Xá, nghỉ ăn trưa, ông Bình bất ngờ nói: “Bây giờ tớ phải quay lại Quảng Trị. Còn các cậu, mỗi người được về phép 1 tuần, sau đó tập trung tại ban cán bộ trường đại học quân sự ở Vĩnh Yên, gặp đại uý Hùng. Chúc bình an và học giỏi. Cho gửi lời thăm hỏi tới gia đình. Thế nào hoà bình cũng gặp nhau”. Chúng tôi thật sự sững sờ, cả về nội dung cũng như cách chuyển xưng hô tôi – đồng chí thành cậu – tớ. Ba đứa bịn rịn, rưng rưng chia tay ông Bình, đoán rằng ông còn quay lại đón thêm những chiến sỹ sinh viên của các sư đoàn khác.

Mãi sau này, ba đứa chúng tôi gặp lại “sư phụ” Bình một cách rất tình cờ, sau khi đã thất lạc ông trong mịt mùng những năm tháng bom đạn Bảy Tư, Bảy Nhăm, rồi vật lộn bát cơm manh áo mưu sinh thời kỳ vất vả sau chiến tranh. Chao ôi, khóc, cười, thời gian. Thì ra lần ấy ông Bình giấu bọn tôi. Không phải ông quay vào đón thêm các sinh viên như đã đón 3 chúng tôi. Ông nhận lệnh quay vào tăng cường cho chính f325. Gỡ quân hàm cất vào ba-lô, ông rong ruổi theo f325 rượt địch suốt dọc chiều dài đất nước, đến tận Xuân Lộc rồi Sài Gòn, 30/4. Sau Bảy Nhăm, ông về lại bộ phận tổ chức Đại học Kỹ thuật quân sự rồi sau về hưu, điền viên nơi quê nhà Ninh Bình cùng vợ con.

Cho đến một tối đầu hè 2004, đang xem tivi, ông thấy giới thiệu người giao lưu trên chương trình “Hỏi đáp về thi đại học” tên là Văn Đình Ưng, phó văn phòng bộ Đại học. Tên quen quá, có phải Văn Đình Ưng f325, từ Quảng Trị ra học Đại học Kỹ thuật quân sự đấy không? Đâu còn dáng dấp cậu lính e95 tái mét nước da sốt rét năm xưa. Ông viết thư hỏi thẳng đài truyền hình. Họ không trả lời câu hỏi của ông, biết đâu mà trả lời, nhưng họ gửi cho ông số điện thoại của ông Ưng. Thế là khoảng một tháng sau có buổi hội tụ ở Vĩnh Yên, bộ ba “vườn đào” với “Sư phụ” Bình, chủ nhật 13/6/2004, sau đúng 30 năm 2 tháng kể từ buổi chia tay ở Hồ Xá.


Hội ngộ ở Vĩnh Yên ngày 13/6/2004, sau 30 năm 2 tháng thất lạc
Từ phải: Vợ chồng Chính, "sư phụ" Bình, 6971 và Văn Đình Ưng

Cảnh hội ngộ của lính như chúng tôi gặp lại ông Bình nghe ly kỳ nhưng đâu có hiếm hoi ở đất nước đã mấy chục năm loạn lạc. Cuộc gặp lại đại trưởng Ngơi cũng tình cờ như vậy. Chúng tôi, nhất là Hồ Bảo và tôi, đã cố dò hỏi. Chẳng ai biết gì về ông sau vụ A74 ở Ba Lòng. Chỉ biết ông bị chấn thương cột sống, khá nặng. Chắc điều trị, an dưỡng rồi phục viên về quê, đâu đó ở Ninh Bình. Khoảng 1997-1998, Duyên (a12), giờ là cán bộ giảng dạy trường Đại học sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, đang tất bật mùa tuyển sinh, một hôm tình cờ nhìn thấy ở bến xe một ông già lưng khòng khòng, có lẽ từ quê lên, đưa con hay cháu đi thi đại học. Sao nom dáng quen lắm. Duyên đến gần: Có phải bác là bác Ngơi? Ôi, đúng rồi, anh Ngơi, đại trưởng Ngơi.

Hai tuần sau đó, chúng tôi có cuộc tụ tập vui vẻ ở nhà Duyên trong khu tập thể Đại học ngoại ngữ Hà Nội. Anh Ngơi lụi cụi tha từ Ninh Bình ra một tải ốc nhồi Bích Động, Hoa Lư. Lại râm ran chuyện Ban 2, chuyện c20, chuyện người mất, người còn. Đã lắm.

Thế rồi, đáng tiếc, sau tối vui vẻ đó, chúng tôi chưa kịp tổ chức về Bích Động quê anh thì anh lại mất tích. Chúng tôi không thể nào tìm được anh nữa. Đến tận buổi gặp mặt lịch sử lần đầu tiên của các cựu trinh sát C20 hồi 9/2009, chúng tôi lại phải ra lời hiệu triệu: Các nhóm trinh sát bủa theo các hướng tìm A. Ngơi. Đến khoảng tháng 11 thì A. Khâm tìm được. Thì ra, sau cuộc gặp nói trên, A. Ngơi bị tai biến não tương đối nặng. Mọi thứ bị quên hết. Nhờ sự chăm sóc tận tình của gia đình và bệnh viện, gần đây anh đã bình phục. Sáng 1.1.2010, Thắng "quản" với TTNL và 6971 về Ninh Bình thăm anh. Mừng lắm lắm.  

(Còn nữa ...)
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Chín, 2010, 10:58:26 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #135 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2010, 10:51:39 pm »

(Tiếp theo)

16 Chuyện lớp dự bị ĐHKTQS

Trở lại chuyện bộ 3 chúng tôi. Sau khi rời Hồ Xá, đến Thanh Hoá thì Ưng xuống, rẽ về thăm nhà, Chính và tôi về thẳng ga Hàng Cỏ (Hà Nội), rồi cả 2 ngược ngay tàu về Vĩnh Phúc. Tôi xuống ga Hương Canh, Chính xuống ga Vĩnh Yên, sau tôi một ga.

Về đến Hương Canh khoảng 9-10 giờ sáng. Nhà tôi cách ga chừng 2 cây số. Trên đường làng, từ ga về nhà, gặp nhiều người làng, ờ à, chỉ trỏ. Phúc đức, con cái nhà ai sống trở về kìa! Tôi khoác ba-lô, vết thương chân trái vẫn hơi đau, hớt hải, đi như chạy, bật cổng lao vào sân. Thầy tôi ngồi trên chiếc tràng kỷ tre trước hiên nhà. Người già yếu quá! Mợ tôi lụi cụi rau cỏ dưới vườn. Lưng đã còng! Nhạt nhòa nước mắt. Vui mà buồn, buồn mà vui, tôi về nhà tháng Tư, lúa chiêm đang đòng, đến tháng Mười, lúa mùa lại về đòng, thì Thầy tôi đi!

Lên trường, chúng tôi được phân vào Lớp dự bị của khoa cơ bản (c185). Cùng lớp còn có nhiều lính từ các đơn vị khác, nhưng chỉ có 3 chúng tôi là từ chiến trường về, người còn khét lẹt mùi thuốc súng. Phần lớn trước khi nhập ngũ đều đã là sinh viên, chỉ vài người mới tốt nghiệp lớp 10 (lớp 12 bây giờ). Tất cả coi như bằng nhau, cùng ôn thi vào đại học. Lớp dự khoá không ở khu trường chính ngay chân dốc Láp (thị xã Vĩnh Yên) mà ở sâu trong mấy khu đồi bạch đàn Tam Lộng, dưới chân núi Trống, chỉ cách nhà tôi 3-4 cây số.

3/5/74 :
Ba đứa mang về đây sắc thái riêng của Phương Nam. -Tam Lộng (Q.3, Tr.n)


Lại được đèn sách, ôn thi. Thấy sướng lắm dù đầu óc đâu còn được như xưa. Trầy trật, cay cú suốt đêm với mấy bài toán khó như đánh đố của thầy Đông. Nhìn mấy cậu lính trẻ, Nhất, Thanh, Biên, Phiệt, mới hết lớp mười, mơm mởn, phới phới mà thèm. Lại thêm cồn cào trong sâu thẳm là nỗi “nhớ rừng”. Nhớ Lê Minh, Khuê, Hồ Bảo, nhớ a8, cha Cò, mụ Miến, Trà Liên. Nhận thư Minh từ Quảng Trị, thư Bảo từ trại an dưỡng ở Hải Hưng. Thì ra giống nhau, “Ta nhớ Mình, Mình nhớ Ta”.

Trích thư Lê Minh:

“... Mặc dù chúng mình nhớ tất cả nhưng M vẫn muốn nhắc lại. Từ những ngày đầu gắn bó, đó là những đêm gác. Cho đến nay mình vẫn thích cái trò câu công cống lý thú và gây những tiếng cười khoái trá bất ngờ – Mùa hoa dẻ và hoa ké. Buổi tối ở quán bia Ngã Tư Sở gặp một anh bạn cùng khoa, năm thứ tư – Bia và bánh sừng bò. Những ngày buồn như bị bỏ rơi của những ngày đầu về Xê mình, chỉ gặp nhau những tối thứ 7 hoặc những tối mọi người đi xem. Mình nhớ mãi chuyện 3 quả lựu đạn mà chia đôi mỗi người vẫn có 2 quả trong những lần kiểm tra vũ khí. Những ngày rách rưới nghịch ngợm ở xóm Bơn, buổi tập tiện y ở Thạch Thất - Rồi trên đường vào, lang thang - Đêm ở bến phà Ghép, ăn dừa, thức thâu đêm và hát nghêu ngao. Buổi hoàng hôn ở Quỳnh Lưu mà Tài đã nói với mình về màu tím mung lung, mờ ảo ở chân trời, bụi tím bủa xuống không gian, lắng đọng ở những dãy núi xa - và nhiều, nhiều nữa, chuyện thùng lương khô và những ngày ông trùm của “bình định” -

- Nhớ, nhớ tất cả và ở mỗi kỷ niệm nhỏ ấy Minh lại thấy mình vẫn đang sống như vậy mặc dù chỉ trong ý nghĩ. Minh nghiệm rằng những người bạn rồi cũng phải xa nhau nhưng ai mà ngờ được, chẳng ai tiên tri được sự xa nhau bất ngờ của tụi mình. Cũng như trước đây 1 năm chẳng ai dám đoán trước một sự gì chắc chắn của 1 năm sau. Còn Minh lúc ấy cũng nghĩ rằng có lẽ chúng mình cũng không được ở gần nhau vì những nguyên nhân gì đó.

Thế là ba năm rồi! Mà cũng mới chỉ ba năm sao M nghĩ thấy thay đổi nhiều quá, M thấy nhiều sự việc quá hơn ba năm thường và có những sự chịu đựng, chờ mong làm cho mình thấy nó dài quá! ...”.  



“Cùa, Quảng Trị ngày 17/10 - Tài thân yêu!
Đã lâu không nhận được thư Tài. Hôm rồi Tất ra ngoài này không gặp, nghe nói Tài đi viện. Thế nào thế, tình hình sức khoẻ lủng củng thế - Có gì thì viết thư cho M biết đi chứ. Những thư M nhận được của Tài, Tài chưa nói gì rõ ràng lắm - Cả sức khoẻ lẫn tình hình học hành - Mấy lá thư Tài đều nói không nhận đựơc thư M - Sao thế nhỉ? M viết thư cho Tài lần này là lần thứ 6 đấy - Thôi không sao. Bây giờ nói sơ qua vài thứ Tài nghe.

Tình hình toàn tuyến từ bấy đến giờ không có gì khác và nói chung là im lặng. Thời gian tháng 7, 8 mình có cải thiện một số điểm nhỏ (không ăn thua gì). Đợt Xê mình có đi bên kia, cũng là chuẩn bị một điểm lớn nhưng tình hình này thì còn lâu. M đi đợt trước và đã về hồi đầu tháng 7 sau đó lại tiếp tục đợt khác (M không tham gia). Lần cuối cùng của đợt ấy có Sơn (trọc) và một bê trưởng (Tài chắc không biết) ... trước lúc bình minh. M cũng được nghe kể lại sự việc thôi. Nói chuyện Xê mình thì vẫn ở đấy, tập tành có căng hơn, hết mùa nắng cháy ở đây đã vất vả, bây giờ mùa mưa cũng khổ, đi tập ướt thuột luột hết. Mấy ông lãnh tụ toàn mới và không hợp khẩu vị lắm. Anh Dụ bây giờ lên Ban, anh Thêm chuyển đi. Lính tráng dạo này lớn hơn hẳn so với  dạo trước rồi thành ra cũng khó bảo ban. Còn làng Trà lâu nay M cũng không ghé qua.Đã lâu, mụ Miến, cha Cò nhận được thư Tài: “Tài viết vui zữ, nhưng mạ cũng vui được xí rứa thôi!”. Nghĩ cũng tội. Ông cụ ốm luôn và yếu hơn trước, bà cụ khá hơn. Thôn xóm dạo này khá rồi, vụ trước thừa thóc, thi nhau bán cho nhà nước, làm ăn đã ổn định, đáng phấn khởi. Bà con hỏi thăm chú Tài luôn. Mọi chuyện bí mật thế rồi mà vẫn lộ, họ biết nhưng lơ mơ nên cũng phải nói khéo họ mới tin”.



Trích thư Hồ Bảo:
“Tài ạ, Tài có nhớ tối hôm nay không? 6 tháng rồi, cái tối này là tối trước khi xuống vực đấy. Lúc này khoảng sau khi về Cùa xem văn công hụt, đường về đã có dấu hiệu của sự không may mà có đứa nào nghĩ tới đâu nhỉ. Hôm sau cứ ung dung như thường. Sao lúc ấy mình cứ thấy nhởn nhơ vậy. Có ai ngờ được những bước ngoặt lớn của đời mình đâu. Cả cái đêm “nhóm” lang thang trên sông Thạch Hãn mình cứ nghĩ rằng một năm sau chưa thể có gì thay đổi, chưa tan đâu. Ngốc thật.

Những ngày chúng mình sống với nhau thật nhiều kỷ niệm không bao giờ quên được. Có lẽ đấy là những ngày “chinh chiến” duy nhất của mình, rồi đây chẳng còn nữa. Nhớ lắm Tài ạ. Những ngày ấy thật hay, nghĩ lại nhớ lại mình sao thấy vẫn rất gần, xao xuyến, vui, ân hận vì nhiều cái làm chưa tốt, không nhìn rõ mình. Nghĩ đến bọn nó, Minh, Tất, Việt ... đang lặn lội, bụi bờ mà thương và lo quá, thấy thật vô lý vì mình đã xa vời”.



Ôn thi được khoảng 1 tháng thì vết thương sọ não của tôi cựa quậy, cứ phải đi viện triền miên, hết bệnh xá trường lại quân y viện 109. Bác sỹ Phương, trưởng trạm y tế của trường, quyết định gửi tôi đi khám lại tổng thể các vết thương bằng phương tiện hiện đại hơn. Tôi được gửi hẳn về bệnh viện 108 ở Hà Nội để chụp và khám lại phần sọ não. Kết quả xác định là vết thương ở đầu bị rạn xương sọ, gây ảnh hưởng đến não. Tôi phục mấy ông bác sỹ viện 43 hồi còn ở Quảng Trị, chẳng cần chụp gì, chỉ  mắt trần mà đã tiên đoán những tiềm ẩn của vết thương đầu của tôi.

Hết một đợt điều trị và khám bệnh, trở về đơn vị thấy đồng đội đã nước rút được mấy “cua” rồi, cũng lo. Nhưng chỉ mấy hôm sau, thấy ban cán bộ gọi tôi lên. Đại uý Hùng yêu cầu tôi gặp bác sỹ Phương, chủ nhiệm bệnh xá trường để chính thức làm thủ tục giám định lại sức khoẻ, nhất là phần thương tật.

Tôi được bác sỹ Phương phụ trách bệnh xá trường gửi đến hội đồng giám định thương tật của đoàn an dưỡng 222 ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Đoàn an dưỡng hẹn mấy tuần sau sẽ có đợt giám định thương tật. Tôi chuẩn bị sẵn giấy tờ, gồm giấy chứng thương, bệnh án của quân y viện 43 ở chiến trường và các kết quả khám và điều trị ở quân y viện 108 và 109. Hôm xác định thương tật, hội đồng xem hồ sơ, hỏi tôi vài câu rồi hội ý và đánh giá tôi mất 35% sức khoẻ, có lẽ chủ yếu là do vết thương sọ não và mắt, xếp thương tật loại 2/8 vĩnh viễn. Hội đồng hỏi tôi: Có ý kiến gì không. Thật quá bất ngờ đối với tôi. Tôi cũng chưa hề tìm hiểu trước ý nghĩa những con số thương tật 35%, loại 2/8, nhưng có vẻ như thế là hết thời “lính chiến”.

Trở lại đơn vị, gặp lại cảm giác lạc lõng, bơ vơ như bị bỏ rơi giống như hồi mới rời quân y viện 43 về c20. Mọi người đang hối hả, say mê những ngày ôn cuối cùng trước kỳ thi, còn tôi lơ lửng chờ quyết định, hoặc trở vào Quảng Trị, hoặc về các đoàn an dưỡng, hoặc về trường cũ.  

Giữa tháng 9, thiếu tá Vọng, trưởng ban cán bộ gọi tôi lên. Ông vỗ mặt tôi bằng câu hỏi: Đồng chí đeo cái gì trên cổ thế? Thưa thủ trưởng, kỷ niệm chiến trường ạ. Cái gì thế? Thưa thủ trưởng, cái thẻ lính ạ. Của ta hay của địch? Dạ, của hàng binh địch tặng ạ. Thôi, kỷ niệm thì cất đi, ai lại đeo thẻ lính của ngụy thế. Rồi ông hỏi: Nhớ 325 không? Tôi cười. Tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần trở lại Quảng Trị, dù khả năng đó không nhiều. Mấy ngày sau, thứ tư, ngày 25/9/1974, tôi nhận quyết định chuyển ngành, rời khỏi quân ngũ. Trên quyết định ghi ngày 23/9. Tôi lần đếm theo nhật ký. Đúng 1.111 ngày mặc áo lính, được phong cấp 2 lần, lần đầu vượt cấp từ binh nhì bỏ qua binh nhất lên hạ sỹ, lần sau hạ sỹ lên trung sỹ, phụ cấp cao nhất 17 đồng/tháng, chức vụ cao nhất là tiểu đội trưởng, 3 lần là học viên (Lớp dự khoá bay, Lớp binh địa và cuối cùng là Lớp dự bị Đại học kỹ thuật quân sự), đến khi rời quân ngũ cũng vẫn đeo quân hàm học viên, không có ngôi sao nào.

25.9
Người ta trao cho mình chiếc chìa khoá. Còn mùi khét của TNT, mùi tanh của máu và mặn mặn của nước mắt. Ôi chiếc chìa khoá mà bao lâu ta chỉ dám thầm mơ ước, giờ mới là sự thực.
Những ngả đường mới mở ra. Những vấn đề lớn, nhỏ phải định lại. Cuộc sống lăn những bước náo nức, bồi hồi.

Phút này nhớ Minh nhiều nhất. – Vĩnh Yên. (Q.3-Tr.n)


Lẽ ra việc được trở lại trường Đại học Tổng hợp tiếp tục học tập phải là chuyện vui, trở về đàng hoàng, vinh quang sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng cũng có những lý do để gợn buồn. Buồn đến hối hận là khi nghe tin tôi rời quân ngũ, Thầy tôi đã sững sờ. Người buồn lắm. Quân đội là trường học lớn nhất, tốt nhất để học thành người. Sao con lại rời bỏ cơ hội đó?

Thầy tôi đang ốm nặng. Lẽ ra tôi phải giấu Người chuyện về trường. Tôi rời quân ngũ được 1 tháng, mới về trường làm xong thủ tục và đang học những buổi đầu tiên thì sáng 28/10/1974, Thầy tôi ra đi. Chắc chắn Người có mang theo nỗi buồn chưa lắng hết về tôi. Cũng như câu chuyện với các liệt sỹ Dương Văn Lô, Đỗ Triệu, day dứt với những người đã khuất thật chẳng dễ gì nguôi ngoai.

Thử thách căng thẳng đầu tiên khi trở lại cuộc đời sinh viên là phải quyết định học bám đuổi luôn năm thứ 2, khi đó mới bắt đầu năm học mới, để tiết kiệm thời gian, hay học lại năm thứ nhất cùng các sinh viên mới vào trường, để chắc chắn không bị bì bẹt. Tôi quyết định liều theo năm thứ hai. Bù lại những sa sút đáng kể về trí tuệ và sự mất tập trung vì nỗi “nhớ rừng” là khát khao học đến khó tả. Thèm học, đôi khi học lén lút như nhân vật chính trong chuyện Tình yêu cuộc sống của Jaclondon giấu bành mì dưới đệm giường.

Còn đọng lại đầy ắp trong nhật ký những ngày đầu trở lại trường không phải là về những cố gắng trong học tập mà là nỗi “nhớ rừng”. Ngồi ở giảng đường Thượng Đình mà tâm trí đang rong ruổi theo 325 trong Quảng Trị, nhất là sang đầu năm Bảy Nhăm.    

21.3.1975
Sửng sốt. Cổ thành bỏ trống. Plâycu, Công Tum cũng vậy. Huế huyên náo. Mình không ngờ mọi chuyện lại như vậy. Tất cả như trong mơ. Sao lại thế nhỉ? Mấy ngày này tâm hồn xôn xao, rộn rạo. -Thượng Đình

26.3.1975
Chiến sự sải những bước dài kỳ diệu. Bến Hải kéo dài tới bờ Hương Giang. Cửa Hội bấp bênh, coi như của ta. Một dải từ phá Tam Giang tới đèo Hải Vân. Tuyệt quá. Cái máu của người lính chiến sôi lên. - Thượng Đình.

30.4.1975
Kinh ngạc tới bàng hoàng. Chấm dứt những năm tháng căng thẳng, khốc liệt của chiến tranh. Đất nước và con người hồi sinh.


Sau hoan hỉ, tưng bừng, choáng ngợp pháo hoa khải hoàn là góc khuất của người lính, là hội chứng nhớ rừng.

1.5.1975
Pháo hoa tưng bừng, rực rỡ. Nhớ những trái hoả châu soi mói ở động Ông Do.

27.5.1975
Nhớ Lê Minh quá. Sao bẵng tin lâu thế? Cái gì đã xẩy ra ở phương Nam xa xôi ấy?

Nhớ Trà Liên, xóm nhỏ phương Nam mà mình quen thân, gắn bó. Bây giờ ra sao rồi? Tháng 6, mùa lũ, nước Thạch Hãn có ngập mênh mang nữa không? Bé Thương đã lên lớp 3 chưa?- HN.


31.5.1975
Ngày cuối của tháng đầy xúc động.
Bảo đến. Thư Tất gởi từ Biên Hoà ra. Sau năm tháng không biết tin gì về c20, giờ đầy những tin sửng sốt. F mình chiếm Đà Nẵng đầu tiên. Tiến thẳng vào Sài Gòn. F mình phụ trách hướng Đông-Bắc. C20 luôn là người tiên phong. Đau đớn vì Dân hy sinh. Dân chất phác và điều chính là biết kiềm chế mình. Những kỷ niệm với Dân. Minh bị xây xát nhẹ. Rùng mình.

Cùng Bảo nhắc lại những kỷ niệm gắn bó ở c20. Ở Bảo, có một thứ tình cảm đặc biệt. – HN.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Chín, 2010, 08:18:47 am gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
nguyenquochung
Thành viên
*
Bài viết: 283


« Trả lời #136 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2010, 11:17:37 pm »

     Cuộc đời trận mạc của bác 6971 đến là độc đáo. Rõ ràng là lính chiến chính cống đánh nhau ở địa bàn ác liệt vào loại bậc nhất trên chiến trường miền Nam, thoát chết vài lần cũng đều do may mắn cả. Ấy vậy mà suốt một thời bom bay đạn thổi ấy, bác hình như không phải bắn viên nào thì phải ?
Logged
Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #137 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2010, 12:10:02 am »

là lính trinh sát mà nổ súng là điều không hay đấy.
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #138 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2010, 07:49:16 am »

     Cuộc đời trận mạc của bác 6971 đến là độc đáo. Rõ ràng là lính chiến chính cống đánh nhau ở địa bàn ác liệt vào loại bậc nhất trên chiến trường miền Nam, thoát chết vài lần cũng đều do may mắn cả. Ấy vậy mà suốt một thời bom bay đạn thổi ấy, bác hình như không phải bắn viên nào thì phải ?

Cám ơn bác NQChung đã đọc và bắt mạch chính xác. Xin thành khẩn khai: 1.111 ngày đêm mặc áo lính, 6971 bắn tất cả 8 viên đạn. 3 viên AK bài 1, 3 viên AK bài 2, đều nhắm vào bia và 2 viên M79 (cối cá nhân bộ binh cho) bắn nghịch xuống ruộng nước ở Ái Tử (11/1972).

Cám ơn các bạn QSVN, đêm qua, sau khi 6971 port những dòng NK cuối cùng ở chiến trường, thì thấy báo con số lần truy cập NKVL của 6971 cũng là 6.971. Có khi lần truy cập thứ 6.971 lại chính là Bác NQChung!

 
Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #139 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2010, 08:05:54 am »

Ký ức của bạn,nhật ký của  bạn thật hay,thật xúc động bạn  Sauchinbaymot ạ,từng dòng từng dòng mình đọc,mà hình ảnh nó cứ hiển hiện,ký ức cũng từng dòng từng dòng mà ùa về với mình,những vùng  đất,tên làng,tên sông chỉ có điều hồi đó các bạn đang học DH rồi nhập ngũ.Còn mình lúc đó  đang học năm cuối của DHQS.

Bác HTH ơi, theo bác viết thì Bác là cựu SV DHKTQS. 6971 chỉ rẽ qua lớp dự bị vài tháng thôi, có được tính là cùng trường không?

Bác có biết những người nhắc trong NKVL bây giờ ra sao không:

Thầy Đông giỏi toán lắm?
Ông Hùng, Ông Vọng ở ban cán bộ
Ông Thịnh, ký quyết định ra quân cho 6971
Bà Phương, bác sỹ
Bé Cơ cấp dưỡng
...
Logged

Nhật ký Viết lại
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM