Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 07:35:27 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhật Ký Viết Lại  (Đọc 332214 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nguyenminhson356
Thành viên
*
Bài viết: 228



« Trả lời #10 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2010, 08:40:51 am »

Chào bác Sauchinbaymot@ : Nhìn những quyển nhật ký những kỷ vật vô giá của người lính chúng em thật cảm động ,thời gian đã làm úa vàng những dòng chữ những cuốn nhật ký đó đã cùng dân tộc Việt Nam ghi lại lại lịch sử đất nước .Cám ơn bác đã gìn giữ được những kỷ vật vô giá đó ,bác đóng dấu tên bác vào đi bác ,nếu có ai cần tư liệu phải được sự đồng ý của bác mới được sử dụng .Chúng em rất mong đón đọc những dòng tiếp theo .
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Tám, 2010, 10:21:55 am gửi bởi nguyenminhson356 » Logged

Một ba lô, cây súng trên vai.
Người chiến sĩ quen với gian lao...
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #11 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2010, 09:47:45 am »


       Nhiệt liệt hoan nghênh bác SauChinBayMot vào chơi với anh em quân sử !

       Bác SauChinBayMot có biết bác này không ? Bác ấy cũng nhập ngũ 6/9/71 đấy.
Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #12 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2010, 11:20:55 am »

Bác Sauchinbaymot viết hay lắm. Đọc thấy ngấm với tâm trạng lính lắm.
Bác giữ được nhiều kỷ vật vô giá thật.
Bài đầu của bác cho thấy hứa hẹn những bài viết tuyệtt hay.
Cảm ơn, trân trọng và chờ đợi để được sống lại những ngày quân ngũ qua các trang viết của bác.
Logged

q.trung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 450


« Trả lời #13 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2010, 11:45:32 am »

Hoan nghênh 6971 tham gia quân sử, cách giới thiệu của bạn rất ấn tượng, hy vọng là chúng ta sẽ được đọc những trang nhật kí sống động lửa chiến trường ( và nếu có thêm yếu tố "hoa "như tiêu chí của to pic thì thật là mỹ mãn)
 bạn mải học, không chịu rèn luyện chữ viết, chữ xấu quá Grin Grin Grin (nhưng tác phẩm đồ họa rất chuyên nghiệp đấy)
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #14 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2010, 10:10:40 pm »

Chào bác 6971. Bác đã làm cho bao người lính được sống lại cái thời ngày xưa của mình.Cám ơn bác ,cám ơn những trang viết đã úa màu vì thời gian.
Logged
nguyenquochung
Thành viên
*
Bài viết: 283


« Trả lời #15 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2010, 06:37:41 pm »

     Đến phục mấy bác thời đánh Mỹ. Dù người bài ít, người bài nhiều, nhưng bác nào bác nấy cũng đều viết lách đâu ra đấy. Đọc mà sướng không biết để đâu cho hết. Đúng là "Tài hoa ra trận".
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #16 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2010, 09:37:54 pm »

2.“Kẻ thù buộc ta ôm cây súng!”


Cuối năm 1971, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt và quyết định. Ta và địch đều dốc lực. Miền Bắc tổng động viên, huy động nhập ngũ cả sinh viên và giảng viên, lực lượng vẫn được xem là vốn để dành cho tương lai của nước nhà. Phải có hôm nay mới có ngày mai. Đó là ngày 6/9/1971 lịch sử. Nhiều nghìn sinh viên, giảng viên đã rời giảng đường, nhập ngũ.

Những người ngày ấy ra đi, sau còn sống trở về, lập nên “Hội Sáu Chín Bảy Mốt – 6/9/71”. Có cả những đàn anh đi trước, như anh Phạm Tiến Duật, lính Sáu Tư, những đàn em đi sau, như bạn Lê Xuân Tường, lính Bảy Hai, cũng xin bằng được một “Suất Bảy Mốt”. Hội lính tráng, có quyền lợi, bổng lộc gì đâu mà “suất”, mà xin, cứ đầu tháng Chín, sau Quốc khánh ít ngày, nhớ ới nhau một câu, thế thôi, là lại có dịp nhâm nhi vui buồn, dưng dưng, ăm ắp kỷ niệm lính.

“Bạn ơi! Chuẩn bị xong chưa? Khoác ba-lô ta cùng đi” (Q.1-Tr.3)

Lời bài hát quen thuộc thời đó được trích lại ở ngay trang đầu cuốn nhật ký thứ nhất, như một lời tựa, cô đọng, thúc giục. Nhưng thực sự đâu cần chuẩn bị. Miền Bắc, miền Nam, đã sôi sục từ đầu những năm 60, sau máy chém 10/59, rồi thảm sát Phú Lợi, chiến thắng Ấp Bắc, Núi Thành, sự kiện 5/8/1964, chiến thắng Khe Sanh, ... Cả dân tộc, lúc nào cũng chuẩn bị xong, cũng sẵn sàng, khoác ba-lô là đi.
 
Năm ấy, tôi đang nghỉ hè ở quê thì nhận được giấy báo lên trường tập trung. Biết chắc là sẽ “đi bộ đội”. Thế là chào Thầy Mợ và em gái, không mời mọc, cỗ bàn liên hoan, cũng không bịn rịn nước mắt, tôi xuôi Hà Nội.

Mùa hè năm đó có lũ lớn, đê sông Hồng vỡ ở Cống Thôn, quê tôi lũ tràn bờ thuỷ lợi, mênh mông nước. Bé Lê, học sau tôi 2 lớp, trốn mẹ tiễn đưa tôi hơn hai chục cây số theo quốc lộ 2 trên chiếc xe Phượng Hoàng xích hộp. Đến quãng đường ngập nước đâu đó gần Xuân Canh, 2 đứa chia nhau trái na cuối vụ rồi chia tay, em tần ngần quay về còn tôi đi vòng vèo tiếp lên đê ven Đuống, về Hà Nội. Lên văn phòng khoa, thấy có tên mình trong danh sách 17 người của lớp Lý 1 (lớp B1), thế là đi. “Tiền tuyến gọi”, như tên một bộ phim nổi tiếng thời đó. Chỉ cần đủ sức khoẻ, không phải diện chính sách, không phải con một, trúng tuyển là đi. Không ồn ào, hô hét, chỉ thoáng bịn rịn, bâng khuâng. “Nghĩa vụ quân sự”, không cần huyết thư xin đi, cũng không có đơn xin ở lại. Thật sự tự nhiên, nhẹ nhàng như hơi thở.


"Giấy báo nhập ngũ" -
Ngày ấy là: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ... Ủy ban hành chính xã ...

Sinh viên Đại học tổng hợp được biên chế gọn vào 2 đại đội. Sinh viên các khoa Lý, Sinh, Sử vào đại đội 23 (c23), các khoa Toán, Hoá, Văn và các thầy vào c24, sinh viên Đại học Nông nghiệp vào c22, cùng thuộc tiểu đoàn 6 (d6), trung đoàn 101 (e101), sư đoàn 325 (f325). Trường cấp III Bến Tre thị xã Phúc Yên của tôi khoá Bảy Mươi được 3 đứa vào Đại học Tổng hợp, Phạm Nguyên Bảng lớp Văn, Nguyễn Vinh Lan lớp Hoá và tôi lớp Lý, thì cả 3 lại cùng nhập ngũ đợt này. Lớp Lý 1 đi 17 người, tách 2 đứa, Hùng “cóc” và Khiết đi công an vũ trang, còn thì về cả c23, phân vào 2 trung đội. Bình “răng vàng”, Chính “nẹp”, Khoa, Kính và Phúc về b2, còn 10 đứa: Dũng, Hạnh, Hiệc, Hùng, Minh, Phải, Phú, Sơn, Tốn, và tôi về b3. Tôi được phân về tiểu đội 8, tiểu đội lại chia thành 4 tổ tam-tam. Tổ của tôi có Lê Minh, Xích Hạnh và tôi. Tôi được cử làm tổ trưởng, chức bé như chân kiến nhưng là  “chức” đầu tiên trong đời.

Những ngày đầu đóng quân ở Sở Thượng, một làng ven đô thoang thoảng vị tanh của một làng cá ven sông Hồng và bồng bềnh những ao bèo tây ngợp hoa, mỗi cánh hoa như chiếc lông đuôi công, có đính một mặt trời tím biếc, nhỏ xíu xịu.
 
Tổ tôi được phân ở nhà chị Dịu. Nhà có 4 người, toàn là phụ nữ,  mẹ chị, chị và 2 em gái. Lần đầu tôi thực sự hiểu thế nào là tình Quân – Dân – Cá - Nước. Tuổi ăn, tuổi ngủ mà bữa cơm lính đầu tiên, đêm lính đầu tiên, tôi đã trằn troài, nhớ lại đề văn luyện thi học sinh giỏi từ hồi lớp 7, lớp cuối cấp II thời đó: “Đêm đầu tiên bé Tý ở nhà Nghị Quế”.
  
6/9/71
Ôi cuộc đời và thời gian. Có ai biết trong đầu Tài đang nghĩ gì? Ngoài kia, nghe cuộc đời trăn trở, bịn rịn trên khoé mắt đỏ hoe của bạn bè !!
 Xe đưa mình đi. Từ nay là bộ đội rồi.
Thấy trong lòng mình xốn xang, rạo rực vô vàn ý nghĩ khi nuốt miếng cơm đầu tiên của đời bộ đội.
Đêm nằm nhớ lại cái đề văn của thầy Dục: “Đêm đầu tiên bé Tý ở nhà nghị Quế”! - Sở Thượng. (Q1-Tr.8 )



Thử thách đầu tiên là lần đi lấy gạo ở Ba Hàng. Cán bộ khuyến khích mượn quang gánh của dân, gánh được nhiều và dễ hơn so với địu bằng ba-lô. Mỗi đứa chỉ toòng teng hai chục cân gạo mà cả lũ “dài lưng tốn vải” bò lê, bò càng ra mấy cây số đường. Tôi còn đỡ, vì thời ở quê đã từng kẽo kẹt gánh phân, gánh mạ ra đồng, đi lấy củi trong Tam Đảo, chứ Chính “nẹp”, dân thị xã Vĩnh Yên, thân hình lòng khòng như que củi, lần đầu tiên trong đời đặt chiếc đòn gánh tre lên xương bả vai, đau rát như ai cắn, phải lót hẳn chiếc khăn mặt lên chỗ vai đặt đòn gánh vẫn không chịu nổi. Đã là gánh thì phải một tay đặt lên đỡ hờ trên đòn gánh, tay kia vung vảy nhịp nhàng, đỡ nặng. Nhưng Chính lại dùng cả 2 tay nâng đòn gánh lên ngang tai, gánh bằng tay, lắc lư, bùng biêng như người cử tạ, mặt mũi đỏ găng, nom ngồ ngộ, thương thương.
 
Được 3 tuần, cả đơn vị được lệnh hành quân rời Sở Thượng, nhưng chưa rõ đi đâu. Tạm biệt Sở Thượng, nơi tôi đã nhận 5 đồng “lương” đầu tiên trong đời mà lính thường gọi là “phụ cấp binh nhì”. Rời khỏi Sở Thượng, chúng tôi hành quân về phía ga Văn Điển. Đoàn quân có dừng lại nghỉ bên bờ một nhánh sông nhỏ, không biết sông Tô Lịch, sông Nhuệ hay sông Đáy, để chờ lên tàu quân sự.  

Đó là đêm 11/8 âm lịch, gần trung thu. Trời đẹp, mảnh trăng non thượng tuần lặn sớm, để lại vòm trời ngút ngàn sao, trông như một ruộng mạ mênh mông, vô bờ, ai mới quải ban chiều, không đều tay, mạ chưa kịp ngồi, mống mạ còn li ti trắng. Không gian cuối thu ngạt ngào, thơm thảo mùi lúa ngậm đòng lẫn với mùi mồ hôi và quần áo mới của lính trẻ. Tốp lính c24 phía trước, nghe rõ giọng Hoàng Nhuận Cầm, khoa văn, say sưa, nghiêng ngả hát. Tiếng ghi-ta bập bùng lẫn với nhịp thìa gõ  lanh canh vào vung nồi quân dụng, nghe không hẳn vui, không hẳn buồn, rất lính.  

Chuyến tàu quân sự lùi lũi chạy từ phía Hà Nội xuống. Vậy là sẽ đi vào phương Nam. Nhưng khi bộ đội đã lên chật toa, thật bất ngờ, tàu lại chạy ngược về phía ga Hà Nội, qua cầu Long Biên, chạy lên phía Bắc. Tàu chạy tuyến Thái Nguyên, suốt đêm, trưa hôm sau đỗ lại giữa đường, ven rừng, không thấy cột ghi, không thấy nhà ga, chỉ bạt ngàn những rừng mỡ song sóng dưới nắng trưa. Lính xuống tàu, hành quân qua những vạt đồi với những địa danh chưa một lần nghe thấy: Mỏ Trạng, Cầu Gồ, Nhã Nam.

C23 đóng quân ở xóm Mạc, trên mấy quả đồi gần nhau, nhìn chếch sang dinh cụ Đề Thám, rất gần. Yên Thế đang giữa mùa hoa ké, chớm sang mùa hoa dẻ. Đắp thao trường, nhận súng AK, tập gói bộc phá, tập ném lựu đạn thật, rồi xạ kích bài I, bài II, bia chữ A, bia thằng còm. Đời tân binh, tuần tự.    

29/9
Xin chào Sở Thượng. Sở Thượng thắm thiết tình người. Sở Thượng đầm ấm, trù phú của hạ du. Sở Thượng có bờ đê và gió nhẹ, tanh nồng mùi của sông nước Nhị Hà. Sở Thượng có thứ hoa sen Nhật bản ngắm say lòng người. Sở Thượng thân yêu, con người và cảnh vật!
Cảnh hành quân bắt đầu. Đi dưới vòm sao rộng rãi và ngút ngát những đồng lúa. Ráng đỏ cuối cùng ở chân mây đã lịm đi. Lũ tôi cùng thời gian đi vào đêm. Gió xôn xao, rặng dừa thiêm thiếp ngủ.
Lại làng rồi lại 1 làng nữa. Còng lưng xuống cho dễ đi. Bám sát nhau nhé. Lại nhớ nhà rồi à? Hò lên đi. Lại vui rồi. Lại đi thôi.
Qua Hà thành. Điện lờ mờ, bịn rịn, cây im lìm lưu luyến.
Kìa Parabol cổng trường Bách khoa úp xuống mặt đường. Kìa liễu công viên. Kìa tất cả của hạ du … Đêm rỉ rả côn trùng và lao xao âm điệu tự nhiên ... (Q.1-Tr.13)


30/9
Nắng gắt. Gắt ghê gớm. Mồ hôi vã ra. Núi đồi rồi. Những tình cảm mãnh liệt bỗng lai láng lên.
“Chiều hành quân qua những đồi hoa sim - Những đồi hoa sim màu tím hoa sim”
Rạo rực trong cảm xúc.
Nghỉ lại ở 1 gia đình người dân tộc. Đây là đỉnh đồi. Tắm suối. (Q.1-Tr.13)


30/9
Lại xuyên đêm mà đi. Rả rích mưa rơi. Hơi nhớ nhà. (Q.1-Tr13)

1/10
Ngày đầu tháng. Ở gia đình một bác nông dân đông con. Đây gần đồng bằng hơn, mặc dù nhà ở lưng đồi. Những ngày vất vả nhất bắt đầu. (Q.1-Tr.14)

5.10
Những công việc thực sự của một người lính. Đắp thao trường.
Lại nói tục một câu với bạn bè rồi. Đáng hổ thẹn quá.
Những rung động sâu sa, những cảm xúc xốn xang, kì lạ ... khi nhận khẩu AK. Một chặng đường mới. Một chặng đời mới.
Súng ơi, còn duyên nợ với ngươi nhiều. (Q.1-Tr17)

1/11
Ngày đầu tiên của tháng sinh nhật đến như mọi ngày thường. Biến cố đặc biệt nhất là Tài bắt đầu được người ta cho làm quen với dư âm của chiến trường. Mình chạy lên như mọi người. Giật nụ xoè. Ném. Lặng đi, không biết gì nữa. Nổ! Thấy khói đen và mùi thuốc khét lẹt. Giữ lại cái dây nụ xoè làm kỷ niệm. Tối, trăng tỏ, trong sáng và mát dịu. Hôm nay đến lượt mình gác đêm đây- X. Mạc (Q.1-Tr.46)

4/11
Đi bắn xạ kích. Đồi dẻ trắng ngà những tán hoa.
Kết quả bi đát của đợt tập và bắn đạn thật. Gửi thư cho Lô và Bố Mẹ (Q.1-Tr49)

15.11
Nào, ghi gì cho ngày hôm nay nào?
Hôm nay, mình không ghi nhật kí vào lúc cuối của một ngày, khi đồng hồ báo lịch nhích sang một ngày mới.
Bây giờ là 3 giờ chiều. Buổi chiều ở đồi xóm Mạc thơm thơm mùi nắng. Cả đại đội đi hành quân rồi. Mình không ngờ cái điều khủng khiếp ấy lại đến được với mình. Vừa sợ, vừa lo, vừa buồn.
Hai tiếng trước, mình đeo gần 30 kg chạy từ đồi xóm Mạc sang đại đội. Tới nơi tập trung để đi hành quân, mình đứng vào hàng, đặt ba lô xuống. Và thế là không biết gì nữa. Chỉ thấy tiếng người xì xầm …, chỉ biết đi, nằm … như một cái máy.
Bây giờ anh y tá vừa dìu mình về nhà. Anh kể lại: ở hàng quân, mình ngã lăn ra đất, rồi lại lồm cồm bò dậy. Lảo đảo, loạng choạng. Mắt chắc là không nhìn thấy gì nữa. Mặt tái mét. Anh em đổ xô lại. Họ kêu mình ở lại, nghỉ, đừng đi. Mình nói lắp bắp như một người không hồn:
- Được, tôi đi được. Đừng báo cáo, tôi đi được.
Rồi chóng mặt, rồi nôn, rồi không biết gì. Họ tiêm, họ cởi quần áo, họ đắp khăn, ... Cứ thế lịm đi hơn 1 giờ.
Mình bị cảm, mình bị ngất.
Cái xác thịt kiêu căng ấy đổ xuống cùng với sự chủ quan của nó. Giờ này mình mới thấm thía, mới hiểu sâu sắc những lời dặn dò mà bao giờ mình cũng cho là công thức và vô nghĩa. Giờ này mình mới hiểu được cái phần xác tồn tại bên cạnh phần hồn của mỗi con người. Giờ này mình mới thấy rõ sự chín chắn của những người lớn tuổi và cái nông nổi chủ quan của mình. Trước mắt chờn vờn bao nhiêu gương mặt. Đầu vẫn nhức ong ong. Mình nằm xuống và mong ngủ được.
Ngoài kia, cuộc sống náo nức, rạo rực đang đợi mày, gọi mày, bỏ xa mày và đe doạ mày. Xóm Mạc (Q.1-Tr. 77)

16.11
Không phải nghỉ để viết mà là bệnh tật bắt mình nghỉ. Nằm nghe, nghe dư âm lẻ loi, tách bạch, rền rĩ, dai dẳng của bên ngoài. Tiếng con mái mơ, tiếng con chào mào, tiếng bầy trẻ nhỏ, … Tất cả dìu dịu đi vào ý nghĩ.
Đúng vào buổi sáng không đi tập vì ốm, mình nằm nhớ đến Bà Ngoại và thấy thấm thía câu nói của L. Tolstôi : “Tôi chỉ thấy trên đời có 2 điều Ác thực sự. Đó là Hối hận và Bệnh tật. Còn điều Thiện chẳng qua chỉ là không có 2 điều Ác này”. (Q.10Tr.78)

21.11
Hôm nay, được ngắm con sông Thương. Đẹp mê hồn. Mới thấy lần đầu mà đã say đắm. Con sông với mặt nước trong như mắt yêu đời, tha thiết và nên thơ làm sao.
    “Sao tên sông lại là Thương,
    Để cho lòng anh nhớ.,
    Người xưa bảo:
    Đây đôi dòng lệ nhỏ
    Những suối buồn tới gửi mênh mang
    Đò về Nhã Nam,
    Đò qua Phủ Lạng
    Mưa chiều nắng rạng, đã bao năm
    Nỗi đau cũ thật không cùng
    Sông cũng thành nước mắt”. (Q.1-Tr.83)

22.11
Hôm qua gặp lại ở Bố Hạ bao nhiêu là người thân. Toàn là người cùng làng. Có Trường, bạn cùng xóm, cùng lớp i-tờ, cùng chăn trâu, cùng cày bừa nhọc nhằn, vất vả khi còn ở quê. Gặp Kỳ, bạn học ngây ngô cũ.
Đêm nay sẽ bắn xạ kích bài 2. Hôm qua Tố khổ và Phát động căm thù. Công việc của người lính cứ thuận gió, thuận buồm như là được sắp đặt sẵn vậy. -Đồi Dẻ. (Q.1-Tr.84)


Tôi còn nhớ một kỷ niệm bắng nhắng đáng ăn đòn lần đi xin tre làm hội trường đại đội. Tiêu chuẩn, mỗi người xin một cây. Hôm đầu chỉ xin quanh xóm đã đủ. Lính mách nhau: Viết sẵn mấy tờ “Chứng nhận gia đình đã góp tre cho bộ đội”, khi xin chỉ việc hỏi tên chủ nhà, điền vào. Người xin, người cho đều vui. Xóm nhỏ, hơn chục nóc nhà, chỉ mấy hôm sau mỗi nhà đã có dăm tờ chứng nhận, lính đành phải đi xin ở các xóm xa.

Tiểu đội trưởng Thành của chúng tôi ở nhà cô giáo Ngọ. Chúng tôi chưa kịp xin tre nhà cô thì đã thấy một tập giấy chứng nhận đặt trên bàn thờ. Chắc lính các trung đội khác nhanh chân hơn. Nhìn luỹ tre nhà cô còn dày lắm, tôi và Lê Minh bàn kế lười.

Nhà cô giáo chỉ có 2 người, cô giáo và bố cô. Ông cụ mê cờ lắm, rảnh ra lúc nào là rủ bộ đội “làm ván cho vui”. Sáng ấy, tôi giả bộ tranh thủ làm mấy ván cờ với cụ trước khi đi xin tre. Ván đầu cụ thua. Ván sau thua nhanh hơn. Ván thứ 3, đang lúc thế cờ của cụ áp đảo tôi thì như tình cờ, Minh xuất hiện gọi tôi đi xin tre kẻo muộn. Tôi xin phép dừng để tối đánh tiếp. Cờ đang bốc, cụ không cho tôi đứng lên. Rồi chính cụ ra chỉ tay cho 2 đứa tôi chặt phăng 2 cây tre đực dài sượt ngay đầu lũy nhà mình, một cho tôi, một cho Minh. Đủ chưa? Bây giờ thì pháo mã đến tối cũng được. Mấy ván sau và cho đến tận trưa, thế cờ của cụ mạnh như chặt tre. Tôi thua liền liền. Cả già, cả trẻ đều vui. Viết lại kỷ niệm này, xin được xem như một thẻ hương tạ lỗi của 2 đứa trẻ hư là tôi và Minh tới cụ ở nơi vĩnh hằng.
(Còn nữa ...)
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Tám, 2010, 09:51:13 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #17 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2010, 09:40:29 pm »

2. "Kẻ thù buộc ta ôm cây súng" - Tiếp theo

Sau gần 3 tháng huấn luyện tân binh ở đất cụ Đề, cuối tháng 11, chúng tôi rời đất Yên Thế, quê hương cụ Đề Thám, hành quân qua một vùng ngập lụt ven sông Cầu, xuôi về Ngọc Kim Long, Quế Võ.

25.11
Tuổi lính không đếm bằng tháng ngày, không đếm bằng bình minh hay hoàng hôn mà đếm bằng bước chân đi và đếm bằng những xóm thôn, làng mạc mình đã qua. Lại giã từ xóm Mạc, nơi đồi núi trung du, xứ sở của hoa dẻ, để tiếp tục đi.
3 giờ sáng dậy hì hục xếp ba-lô, ăn cơm. Khi không gian còn lờ mờ, xóm Mạc còn yên ả trong đêm, cả lũ lại đi. Xin chào tất cả. Chào xóm Mạc. Xóm Mạc có bé Điểm sụt sùi, bịn rịn buổi sớm đưa lũ tôi đi.
Qua những đồi dẻ, cả đội hình dài tít tắp của tiểu đoàn như con trăn trườn về xuôi.
Qua làng, qua xóm, qua quốc lộ.
Ôi, đường tàu, ôi, tàu kìa. Tất cả như đã bẵng xa hàng năm rồi. Cả lũ bồi hồi, ngơ ngác. Anh lính chiến là như vậy đấy.
Giờ nghỉ lại đây, một xóm vùng lụt. Bẩn ôi là bẩn. Mệt ôi là mệt. Giấc ngủ chập chờn. (Q.1-Tr.92)

26.11
Dậy từ 2 giờ sáng để nấu cơm. Lại đi. Đi miết mải. Bỏ lại thị trấn Sen Hồ sau lưng. Sớm nay thấm mệt. Ba lô cóc đè rát trên lưng. Cả lưng và người nhừ nhẫn, ê ẩm. Bữa nay được đi trên quốc lộ 1. Đường nhích dần về thủ đô, nhích dần về Phương Nam. Qua Đáp Cầu, nhìn thấy sông Cầu. Có phải con sông Cầu năm năm vào mùa nước vẫn dâng lũ lên tới tận cầu Treo làng mình?
Hôm nay đi ít. Nghỉ lại ở gia đình một anh nông dân vừa bị thuỷ tề làm khốn khổ. Cái đói, cái rét, và hơn cả là cái đau đớn, dằn vặt ở bên trong những người dân cần mẫn, tần tảo ấy. Nhìn nồi cháo bẹ với ốc và rau cải mà ruột đau như xé. Họ sống vất vả lắm.
Chiều tối, cùng Hùng đi dạo chơi ngoài đồng. Rồi vào một gia đình ông lang giàu có chưa từng thấy. (Q.1-Tr.95)

27.11
Đã là ngày thứ 3. Sớm nay đi từ 5h, thấy thoải mái. Mê mải ngắm ông mặt trời nổi dần lên từ chân mây xa. Ngắm mặt nước vùng lụt rộng mênh mang. Trưa nắng quá. Đến nơi tập kết rồi. Ở  nhà một người đàn bà goá, có 4 đứa con trai. Những đứa trẻ lam lũ. Ngọc Kim Long (Q.1-Tr. 96)


Kể từ Quế Võ, đã đến độ đủ lông, đủ cánh, lác đác lính bắt đầu “tách đàn, chia tổ”. Nay một nhóm đi thiết giáp, mai một nhóm đi pháo phòng không. Quân số đại đội cứ ngày một vơi dần, chỉ còn non nửa.

28.11
Mình xung phòng đi nấu bếp – Vì chẳng có ai đi. Giờ cả tiểu đội đi sinh hoạt. Mình là anh nuôi nên được ở nhà. Hôm nay họ xôn xao (không biết là lần thứ bao nhiêu) về việc biên chế. Mình tự nghĩ: Cứ cho là những khả năng xấu nhất sẽ đến với mình. Ngọc Kim Long (Q.1-Tr.98)

1.12
Ngày đầu của tháng cuối năm. 41 đồng đội chuyển sang Phòng không. Giờ chia tay của người lính với nhau không bịn rịn, lưu luyến mà lại nao nao, nôn nóng. Nhớ lại cây gạo ở luỹ làng. Mùa quả gạo chín, những quả gạo nở nứt ra những múi bông gạo trắng mịn. Hạt gạo có bông theo gió trời bay mãi xa xa. Mỗi hạt một phương trời. Mùa giống mới náo nức bắt đầu. Hôm nay đi có Hoàng Kim Kính (Kính hâm) và Bùi Nguyên Hạnh. Kính, Hạnh đi rồi, buổi chiều cùng Tốn đi chơi ở thị trấn Phả Lại. Đây là đất Hải Dương. Thị trấn nhỏ như hình ảnh mà văn học thường viết: Một cái phố xép đổ ra bờ sông. Dẫu sao cũng có vẻ phố phường. Lần đầu tiên được biết kiểu phố xá như Phả Lại (Q.1-Tr 104)


Hồi ở Nhã Nam, chúng tôi ở mấy xóm thôn vùng đồi, heo hút, trước đó chưa hề có bộ đội đóng quân. Nhưng về Quế Võ, chúng tôi ở đúng nơi có một đơn vị vừa xong huấn luyện, mới lên đường vào B. Chúng tôi đổi hòm thư mới (hòm thư là địa chỉ theo cách gọi của quân đội, gồm một dãy số), thực ra là lấy ngay hòm thư của đơn vị trước, vừa đi. Tôi viết thư báo ngay hòm thư mới về nhà và tuần sau đã nhận được thư nhà, anh tôi gửi, và một thư nữa, gửi tên tôi, nhưng viết sai họ, Trần Tài, không thấy tên và địa chỉ người gửi. Tôi hồi hộp bóc xem. Thì ra không phải thư cho tôi. Những dòng thư của một người vợ trẻ, ở quê, viết cho chồng.

Phần đầu thư chị khoe chuyện quan hệ mẹ chồng nàng dâu đã càng ngày càng êm thấm, không còn như khi anh vẫn ở nhà, còn phần sau bức thư là những dòng nồng nàn, đặc sánh tình vợ chồng mà tôi chưa trải qua nên không hiểu hết, nhưng nhớ mang máng là mộc mạc, trong sáng, cao thượng và hy sinh lắm. Tình cảm điển hình của các cặp vợ chồng thời chiến xa cách nhau. Người vợ ao ước có giọt máu của chồng để lại, trước khi anh đi B. Cuối thư người vợ nhắn, chị đã tính lịch kỹ càng, hẹn thứ bảy, 11/12, gần trưa, anh ra đón chị ở Đông Du. Chắc anh Trần Tài thuộc đơn vị đã đóng quân ở Ngọc Kim Long ngay trước khi chúng tôi đến thế chân. Thư không có địa chỉ người gửi, tôi chẳng có cách nào báo cho chị biết, chồng chị, người trùng tên  với tôi, đã vào chiến trường rồi. Tôi ấp ủ kế hoạch thứ bảy, 11/12, sẽ tìm cách trốn ra Đông Du gặp chị, dù chưa biết mặt, ít nhất cũng tránh cho chị cảnh bơ vơ, mỏi mắt chờ chồng đón.

6.12
Tối qua nhận được 2 thư. Thư của anh Phong. Gia đình vẫn bình thường. Và thư nhầm của Trần Tài (trùng tên và địa chỉ hòm thư). Vợ Trần Tài than vãn về nỗi khổ đau âm ỉ của mình khi xa chồng và nỗi buồn vì không hiểu sao lấy nhau đã hơn 1 năm rồi mà vẫn chưa có con. -Ngọc Kim Long (Q.1-Tr.109)


Ngày 7/12, tôi cũng được gọi lên ban chỉ huy đại đội, gặp 2 cán bộ tuyển quân. Nghe nói là họ tuyển trinh sát cho trung đoàn. Sướng đến run cả người. Hỏi gì, nói nấy, vâng dạ trôi chảy, ngoan ngoãn. Nhưng chưa có hồi âm về chuyện trinh sát thì ngay tối ấy, tôi và một số chiến sỹ, cũng nhận lệnh “tách đàn”. Tạm biệt a8, tạm biệt c23. Cánh tân binh từ lớp Lý 1 có Kính và Hạnh đi phòng không không quân đợt trước, lần này đi tiếp 7 người nữa, nghe nói đi hoả lực, cũng rời khỏi 325, còn lại 6 người ở c23.
 
Chẳng biết đi hơn hay ở lại hơn, nhưng thế là phải xa nhau. Sau này được biết, đợt chúng tôi là đợt cuối cùng của lính Sáu Chín Bảy Mốt rời khỏi f325. Số còn lại được biên chế vào các đơn vị của e101. Sáu người còn lại của lớp Lý 1 về c18 thông tin (Chính, Khoa, Phúc, Tốn) và c14 hoả lực (Hùng, Phải).
  
Thế là nhỡ nhàng ý định ra Đông Du để báo tin cho vợ của người lính trùng tên với mình. Chúng tôi hành quân về tận Quán Rãnh, Việt Yên, rất xa Đông Du. Đành chịu. Cầu cho anh Trần Tài đã trở về bình yên sau chiến tranh và anh chị đã con đàn cháu đống.
 
7.12
Sớm cùng Đặng Hùng ra cánh đồng Cầu Tự bắt cua. Cái trò trẻ con ấy mà giờ sao thấy lý thú, hấp dẫn làm vậy. Bắt mê mải tới trưa. Đầu ngón tay bị càng cua băm xây xát. Được gần đầy giỏ.
Nồi canh riêu cua vàng ngậy. Buổi chiều thoắt qua như chiếc bóng.
2 trung uý ở trung đoàn gọi mình lên, ngồi đối diện nói chuyện. Mình không ngờ là họ đang chọn mình đi trinh sát.
Tối, bây giờ, mình vừa nhận được lệnh đi. Bổ sung vào đơn vị hoả lực. Gian khổ đây. Một nấc đời mới bắt đầu. Thế là đã qua đi 3 tháng lẻ 1 ngày rồi. Những gì đang chờ đợi mình đây?
Mình thấy thấm thía là ở trong quân đội con  người luôn luôn động và may nhiều hơn khôn.
Xin chào C23 nhé. Nơi bắt đầu giở những trang trắng đầu tiên của đời lính chiến, nơi có những con đường mơ ước (thênh thang) bị cụt và lại bắt đầu những ngả đường ước mơ mới mẻ. Chào tạm biệt những người lính chiến cùng đơn vị đầu tiên. (Q.1-Tr.114)

8.12
Đêm qua, đã nằm xuống rồi mới lại hay tin Đặng Hùng không được đi lần này. Mình vùng dậy và ôm chăn màn chạy sang nhà Hùng. Cơn gió lạnh đầu mùa kéo về tê tái, rít trên đốc nhà, đu cong những bụi tre. Nằm tâm sự với Hùng.
Hôm nay ngày chẵn. Sớm dậy lại chia tay. Cái cảnh cơm bữa của bộ đội. Nhưng bữa nay là mình đi. Xa Hùng và Tốn rồi. Lính với nhau biết hứa hẹn điều gì? Trở về chốn cũ gặp nhau? ừ, thì cứ ước mong giản dị như vậy đi. Ôm hôn Hùng và Tốn 2 lần vẫn thấy chưa đủ. Biết đâu được có những gì đợi chờ lũ trẻ này. Biết đâu lại chẳng được ôm hôn nhau như thế này lần nữa? Và biết đâu vô vàn điều không ngờ tới nữa (Q.1-Tr.116)

  
Rời c23, chúng tôi kéo quân ngược lên phố Thắng. Đơn vị mới là d10, nghe cán bộ chỉ huy nói là tiểu đoàn cơ động trực thuộc bộ. Trước mắt được lêu têu thêm mấy tuần chờ đợi. Ngày ngày, lính d10 học chính trị, huy động đi đóng phim thời sự, đóng cảnh lính hành quân thành hàng tít tắp dọc bờ sông Thương, sông Cầu, tối đánh cờ và tán dóc. Ngong ngóng chờ lệnh điều chuyển của bộ. Nghe cũng oai oai. Coi như hết thời “lính mới tò te”.

9.12
Lần ngược con đường bữa trước đã đi. Lại Nội Roi, Thị Cầu, Sen Hồ, … Giờ dừng lại ở Việt Yên. Những điều mới mẻ đang đợi chờ. -Việt Yên (Q.1-Tr.117).

14.12.71
Họ biên chế mình vào cái đơn vị kì lạ này. Tất cả đều ngơ ngác như rơi vào một hành tinh xa lạ nào đấy. Tất cả lơ đễnh, phó thác như những quân sừng trong bàn cờ. Kẻ nói đây là đơn vị cơ động, người lại nói là đơn vị hoàn chỉnh.
Ai mà đoán biết được những gì sắp tới, nhất là đối với người lính chiến. Chỉ biết rằng đã qua đi 3 tháng huấn luyện, 3 tháng “vỡ lòng” vất vả mà tế nhị, “tức cười” của đời lính.
Giờ cả tiểu đoàn trực thuộc bộ. Không còn thuộc cái tổ 325 cũ nữa.
Kể từ 25.11, tất cả những trật tự, khuôn khổ chặt chẽ, khắt khe bị phá vỡ. Đời lính nhàn rỗi, thoải mái như đang ngao du vậy. Chỉ quanh co với bữa cơm hàng ngày. (Q.1-Tr.119)

« Sửa lần cuối: 22 Tháng Tám, 2010, 09:57:43 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #18 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2010, 11:20:15 pm »

    Đến phục mấy bác thời đánh Mỹ. Dù người bài ít, người bài nhiều, nhưng bác nào bác nấy cũng đều viết lách đâu ra đấy. Đọc mà sướng không biết để đâu cho hết. Đúng là "Tài hoa ra trận".
Các bạn thân mến! Quả thực ý tưởng viết 1 cuốn sách về thế hệ SV cầm súng ra trận ấp ủ trong tôi từ những năm tháng cầm súng. Ngày đó sau khi từ Quân y viện trở về trong người chỉ còn duy nhất một cuốn lịch Nhân dân chấm từng ngày, vài hôm có điều kiện mới viết nhật ký căn cứ vào cuốn sổ lịch để trong túi áo. Cuốn nhật ký cùng cuốn sổ điểm học tập của trường ĐHXD đã bị mất khi đánh nhau. Tuy nhiên cuốn sổ lịch vẫn còn cho nên tôi lại viết lại. Thời điểm đó mặt trận cánh Đông QT tương đối yên ắng nên có điều kiện để viết lại. Cùng tiểu đội lúc đó có Minh người Hà Tĩnh vốn là SV ĐHSP Vinh thấy tôi hay ra một góc để viết lách và rất quan tâm đến ý tưởng của tôi. Cậu ta vốn là lính bắn tỉa của Sư đoàn đưa về nên chưa hình dung những trận quần nhau với địch ở chốt như thế nào. Có lẽ cùng là cảnh SV nên dễ thông cảm, cậu ta khuyến khích tôi viết nhưng thật là khó vì mình chỉ biết về mình làm sao viết về người khác được. Cậu ta khuyên tôi nên viết đề cương cho cuốn sách. Tôi bảo: đề cương như thế nào. Thế là cậu ta vạch ra đề cương trên cơ sở những ý của tôi. Đầu tiên cuốn sách lấy tên là Những ngày cầm súng với lời để tặng những ai có một thời cầm bút nay buộc phải cầm súng với kết cấu gồm 3 phần: Phần 1: Hòa bình và Chiến tranh với bối cảnh chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của Mỹ và lớp lớp SV nhập ngũ. Phần 2: Vào lửa dựng lại quá trình lên đường đi B và những trận chiến khốc liệt. Phần 3:Trở về quê mẹ viết về những người lính bị thương trở về và lại đi học với biết bao khó khăn do sức khỏe cũng như kiến thức bị hổng và những trăn trở về nhân tình thế thái đầy phức tạp khi về với cuộc sống đời thường nhưng trong lòng vẫn không nguôi nhớ tới những trận chiến ác liệt và đồng đội của mình. Đại khái chúng tôi vạch ra một đề cương như thế. Minh đề nghị đổi tên là Cửa đời vì binh nghiệp chính là 1 cuộc đời mới của mỗi người lính.

Cuối năm 1973 có 1 đoàn nhà báo vào đơn vị, trưởng đoàn là nhà báo Duy Đức (chính ông là tác giả cuốn ký sự lịch sử Trung đoàn Thủ Đô) cùng 2 nhà báo nữa tôi không còn nhớ tên. Họ hỏi rất nhiều chuyện nhất là khi thấy tôi đeo kính và lại là 1 SV ở Hà Nội. Một anh có nói về những người lính SV các anh đã gặp ở cánh Tây chính vì vậy anh rất muốn dựng 1 bức tranh về những người lính SV. Tôi đưa cho anh ấy bản đề cương mà tôi với Minh vạch ra (khoảng gần 3 trang giấy năm hào hai  ). Thực ra gọi đề cương nhưng chỉ là những gạch đầu dòng những gì muốn viết mà thôi. Thế rồi đoàn nhà báo rút đi, trước khi đi người phóng viên đó xin tờ đề cương để mang về và hứa sẽ viết về những người lính SV. Sau đó một loạt bài viết về vùng giáp ranh đăng trên báo QĐND nhưng không 1 bài nào viết về những người lính SV.

Về sau 2 cuốn nhật ký (đã viết lại) cùng cuốn sổ lịch đều bị cháy, muốn dựng lại thì mình chẳng còn bất cứ một dữ liệu nào mà trí nhớ nhiều khi cũng bị lầm lẫn. Ý tưởng viết 1 cuốn sách về những người lính SV với tôi vẫn còn đó nhưng quả thực khó vô cùng. Tôi rất muốn các bạn như TTNL, 6971, tau khong sô .... nhưng người có khả năng văn chương hãy viết đi, viết về thế hệ chúng ta để tri ân những ngươi đồng đội của chúng ta trước khi hy sinh vẫn ấp ủ một ngày mai trở về tiếp tục cầm bút.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Tám, 2010, 10:38:55 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #19 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2010, 09:25:46 pm »

. . . Nhìn những quyển nhật ký những kỷ vật vô giá của người lính chúng em thật cảm động ,thời gian đã làm úa vàng những dòng chữ những cuốn nhật ký đó đã cùng dân tộc Việt Nam ghi lại lại lịch sử đất nước .Cám ơn bác đã gìn giữ được những kỷ vật vô giá đó ,bác đóng dấu tên bác vào đi bác ,nếu có ai cần tư liệu phải được sự đồng ý của bác mới được sử dụng...

Cám ơn NMSon356 về lời đánh giá và nhắc nhở. Nhưng 6971 nghĩ rằng không ai có thể dùng kỷ vật vô giá mà bạn nói (3 cuốn nhật ký đã úa vàng) vào việc gì đó xấu hay tư lợi cho riêng mình, mà chỉ có thể dùng nó vào việc tốt, việc thiện, kể cả tác giả. Trên mỗi con chữ ấy có sẵn tên "đời lính chiến" rồi mà, cần gì đóng dấu tên nữa.

6971 rất vui vẻ nếu ai đó sử dụng dù có xin phép hay không. Hơn  thế nữa, 6971 cũng rất sẵn sàng nếu ai đó cần photo các đoạn nhật ký gốc (phần in nghiêng, màu đỏ), chỉ có điều, chữ xấu và phần lớn là bằng mật mã tự tạo. 6971 chỉ gắng giữ gìn bản gốc cho mai sau.

Tiện thể, xin gửi lại tấm ảnh 3 cuốn NK gốc, tuần trước đã đưa lên, nhưng đánh số sai 2 quyển 2 và 3.   


Hẹn sớm gặp lại trong câu chuyện thứ 3: Chuyện lớp dự khóa bay.

Logged

Nhật ký Viết lại
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM