Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:50:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhật Ký Viết Lại  (Đọc 331337 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« vào lúc: 19 Tháng Tám, 2010, 09:42:29 pm »

Gửi lên một tấm ảnh, xin được xem như là lời mở đầu cho chủ đề:

Nhật Ký Viết Lại




Hẹn sớm gặp lại

6971
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Tám, 2010, 10:04:39 am gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #1 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2010, 10:35:48 am »

Sauchinbaymot.
6/9/1971
Lại là một người lính sinh viên nữa.
Chờ nghe chuyện của bạn
Logged

nguyenquochung
Thành viên
*
Bài viết: 283


« Trả lời #2 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2010, 10:46:16 am »

  Lại có thêm một bác đánh Mỹ xuất hiện, hân hoan đón chào bác.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #3 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2010, 11:03:25 am »

Xin chao 6971, đáng nhẽ bạn phải xuất hiện từ lâu mới phải, thôi muộn còn hơn không.

Các bạn thân mến, hôm qua tôi vừa nhắc tới những người lính trinh sát quả cảm của c20/f325 sau chiến tranh trở về tiếp tục đi học và trở thành những nhà KH làm rạng danh cả thế hệ những SV-CS thành cổ Quảng trị, và hôm nay một trong 3 người đó đã tái xuất giang hồ trên diễn đàn của chúng ta.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
tau khong so
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 146



« Trả lời #4 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2010, 02:11:10 pm »

Gửi lên một tấm ảnh, xin được xem như là lời mở đầu cho chủ đề:
Nhật Ký Viết Lại
Hẹn sớm gặp lại

6971
[/quote]
------------------------------------------------------------------------------------------------------- Chào 6971! Tôi rất vui khi có thêm cựu chiến binh thời đánh Mỹ tham gia diễn đàn. Tôi rất tâm đắc với cách giới thiệu của đồng đội. Xin được làm quen với đồng đội, thay lời giới thiệu về mình bạn xem trang đầu của " Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu "  Ở đó tôi nói chúng ta Hành quân đến 4 giờ 25 của sự nghiệp, giờ đây tôi nói chúng ta đã bắt đầu dùng đồng hồ đếm ngược. Mong tin, bài của đồng đội. Tau khong so
Logged
nguyenminhson356
Thành viên
*
Bài viết: 228



« Trả lời #5 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2010, 06:27:33 pm »

Bác: sauchinbaymot@ ơi bác kể lại viết lại những năm tháng hào hùng mà bác đã từng tham gia và trải qua để anh em tụi em học và noi gương bác nhé !
Logged

Một ba lô, cây súng trên vai.
Người chiến sĩ quen với gian lao...
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #6 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2010, 09:11:35 pm »

Xin gửi Lời chào tối thứ Sáu tới các thành viên và khách của Một thời Máu và Hoa!

« Sửa lần cuối: 20 Tháng Tám, 2010, 09:27:48 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #7 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2010, 09:26:20 pm »

1. Quên mình hay Khúc mở đầu

Đời lính chiến, nói cho to tát, chứ với không ít trong số chúng tôi, thế hệ chúng tôi, chỉ là ngắn ngủi vài năm mặc áo lính. Nhiều chục năm trước và sau lính là đâu đó dưới mái trường, giảng đường, cánh đồng, xưởng máy, xứ mình, xứ người, ... Vương một chút lính, dẫu chỉ đôi ngày, một đêm hành quân lằn vết quai ba-lô trên bả vai gầy, một mảng cháy thơm đáy nồi quân dụng, ùng oàng bom đạn gần xa, cũng xin được một chiện son “lính chiến”, đã như bỏ một dúm muối vào cốc nước đường, ngang ngang, dăng dẳng, chẳng thể gạn mặn để lấy riêng ra vị ngọt ngào. Ngồi với nhau, lang thang, chìm nổi chuyện gì rồi cũng lại lắng về chuyện “nước sông, công lính”, miên man, vô tận, nao nao gợn buồn, rân rấn mi mắt, nhưng lẫn chút tự hào và hàm ơn số phận.

Những câu hỏi cũ sờn: “Bọn mày có nhờ hồi ở ..., cái lần ở ..., trận ở ..., có nhớ thằng này, thằng kia không?”. Nhớ chứ, quên sao được! Sẹo còn mờ đi chứ kỷ niệm thời “lính chiến” thì quên sao được. Là ước muốn như vậy, chứ thời gian mài thì tượng nhân sư còn mòn nữa là trí nhớ. Mười rồi hai mươi, ba mươi, thoắt đã ba nhăm năm kể từ những năm ấy. Lãng đãng đã quên, nhoè. Gặp nhau, đã hoa lau trên đầu, lác đác đã chuyện buồn, chuyện hiếu. Nhân chứng, chẳng thể thêm, người còn, người mất, chỉ theo một chiều, vơi vợi đi thôi. Vội kể, vội tìm, vội hỏi.
 
Ba mươi nhăm năm, đủ xa để rơi rụng những vụn vặt, vân vi theo bụi phong trần, để có thể du di, xân xiu đôi chút nhầm lẫn mà không ai bắt bẻ đúng sai, nhưng lại không quá xa để đến nỗi hờ hững, thành chuyện cổ tích, chuyện người xưa, vô tình, vô cảm.

Cũng may, thời ấy có nhiều người lính ghi nhật ký, những sử gia nghiệp dư không lương. Buổi tối viết chuyện buổi trưa, nóng hổi, người đi trong hàng quân viết về chính mình, về người đi ngay trước, ngay sau, sát sạt. Thế mà nhìn lại chữ mình, đọc lại văn mình hơn ba nhăm năm về trước, là lạ, ngường ngượng, thương mà phục, phục mà thương. Nhiều khi nhật ký còn mà người thì không. Rồi quyển mất, quyển còn, lưu lạc, tha phương, còn được mấy mươi.

Có lẩn thẩn không khi mình quên chính mình. Nghe đồng đội nhắc lại kỷ niệm về mình, mình đọc lại nhật ký của mình mà ngỡ ngàng. Ý nghĩ, tình cảm, câu văn thời ấy, bây giờ, dù vẫn là cùng một hệ gen, nhưng sao khác nhau nhiều thế, đôi chỗ khác đến khó hiểu, đến bực mình. Nhật ký viết lại, như mang bức hình trắng đen mấy mươi năm trước, đã nhợt nhạt, loang lổ nhưng vô giá để truyền thần lại bằng bút màu, bằng photoshop. Đặt hai bức hình bên nhau, đâu phải để so sánh, khen chê một cách khập khễnh, bất công mà chỉ để gật gật, lắc lắc, ngẫm về con người, về đất nước, về thời gian.
 
Nhớ một tối cuối năm trước, trong một căn phòng trọ nhỏ, ấm cúng ở Yokohama bên bờ vịnh Tokyo, bên nồi lẩu nấm, tôi là khách, chủ là 2 nghiên cứu sinh kinh tế rất hiếu khách. Chủ hỏi khách: “Có phải thời các anh, các chị, nhật ký như là một cách đăng đàn, viết nhằm cho người khác đọc mình? Thấy chị Thuỳ Trâm viết cho bạn chị đọc”. Phải mà cũng không. Có đăng đàn thì cũng là lính bộc bạch với nhau hay lính với cha mẹ, với người yêu của lính. Có thể có chút lên gân, gọt rũa, che khó, giấu khổ, chứ đâu đăng đàn mưa nói thành nắng, đói thành no, yêu thành ghét được. Sau lớp vỏ mỏng như hoa văn nếu có ấy vẫn là sự thực sần sùi, dày dạn, chắc nịch của “đời lính chiến”, không thể nhầm lẫn, xuyên tạc, không cần bóp nặn, thêm thắt.

Dù không ai cấm, nhưng lính làm thơ, viết nhật ký thường bị xem là uỷ mị, hâm hâm, nên thường giấu giếm đồng đội, nhất là cấp trên hay chính trị viên. Tôi cũng vậy. Viết nhật ký là viết trộm, viết đêm hôm, bên bờ suối, trên võng, trong màn, viết dưới hầm và cả dưới ánh sáng hoả châu của địch.
Thanh thản, rỗi rãi, ngày viết một lần, vài dòng, cao hứng, xông xênh thì hai, ba lần, có khi cả vài trang, viết cả những ý nghĩ vu vơ, nhưng nhiều khi lại quá sẻn lời, kiệm chữ, chỉ thấy mấy gạch đầu dòng cô đọng. Bận bịu, căng thẳng, cam go, cố gạn thời gian, dăm ngày viết một lần, đặc sánh. Lần bị thương nằm bất động trong quân y viện 43 ở Cam Lộ, thèm viết lắm mà không viết được, viết được mấy dòng rồi đành bỏ dở, để đến khi khỏe, viết bù, dồn 3 tháng, đầy ắp, nhật ký đã thành hồi ký.

11.11.71
Ông mặt trời đỏ lừm lựm chìm dần xuống triền Tam Đảo. Hoàng hôn về chầm chậm trong rừng bạch đàn. Thế là hết buổi chiều nghe giảng chính trị. Trong trí nhớ vẫn tâm niệm một điều lí thú: Năm tháng qua đi, con người sống và trở nên nhiều tuổi hơn chứ chưa hẳn là già đi. Mỗi ngày ghi nhật kí một lần vẫn thấy chưa đủ, vẫn thấy có bao điều cần ghi. Viết nhật kí cần mẫn như ông thợ rèn mài dao, mài mãi vào xấp lịch, mài mỏng nó đi. -Xóm Mạc. (Q.1, Tr.65)

2.8.1973
Miền Đông- Chợ vùng giải phóng- Buổi chiều nhìn về Miền Tây xa xăm và hùng vĩ- Giấc mơ và sự nặng nợ, nặng tơ của mình với “CTC” - Dĩ vãng và cuốn sổ bìa đỏ vẫn thoi thóp sống - Tuân và những chuyện lôi thôi hồi còn ở 108 - Tuổi trẻ (16-25) và những đặc trưng của nó, những đặc trưng có tính chất công thức và những đặc trưng có tính chất táo bạo, lập dị - Cả một ước mơ hão huyền khi “Trở Về” và một sự bực tức, một cơn gió nóng, một tiếng trực thăng của giặc, một “Ông mả to” ven đường 4, -....
Một ngày là một trang những hỗn độn của lí trí và vật chất. Maria đã nói với Pie về anh mình - Anđrây Bonconski - rằng: “Sự yên lặng sẽ giết chết anh tôi”. -Đại Hào. (Q.2-Tr.69)

Đêm Giao thừa (22.1.74)
Lại viết sau nhiều đêm, nhiều ngày muốn viết mà không viết được. Hai chục ngày mà đủ sự việc, đủ ý nghĩ để kéo giãn ra đủ cho hai chục tháng, hai chục năm. Những điều muốn viết ...
Đành bỏ dở vì ánh sáng và đầu óc. - Quân y viện 43 -Cam Lộ. (Q.2-Tr.97)

11/4/74
Những gì đã xẩy ra ở những trang cuối này? Sao lại có vẻ uể oải, gián đoạn và bí hiểm thế?
Ngày 6.1, chúng tôi chụp ảnh kỉ niệm. Sáng ấy, cả toán lên ô tô đi. Đi-Đi vào sau lưng địch.
Những sự khủng khiếp xảy ra vào 10:15. Ngạc, chiến sỹ quân báo trẻ mà ta rất mến và nuông chiều đã hy sinh. Bảo, Minh, anh Ngơi, Nguyệt, Anh Tài, .. đều bị trọng thương. Đầu tôi bị vỡ mảng nhỏ, 2 mắt đều bị, cả chân trái nữa. Còn sống. Ông Đại tá chính uỷ khóc khi nghe tin bộ phận A74 bị.
Ngày 30.3.1974, tôi trở về với đơn vị, với những chiến sỹ quân báo mà tôi bao giờ cũng mến yêu. Những ngày ở quân y viện buồn tẻ và hèn hạ, kém cỏi.
Ngày 2.4, một anh ở ban cán bộ trường ĐHKTQS đến tìm tôi theo sự giới thiệu của ĐHTH.
Hôm nay theo ông ta ra Bắc.
Tôi sung sướng đọc lại cuốn sổ này. Đầy ắp những vui buồn. Có lẽ đây là những ngày chinh chiến, bão bùng nhất của đời tôi. Không phải 20 tháng với cái nghĩa sòng phẳng của thời gian mà là 20 tháng với vô vàn biến cố sâu sắc tưởng như đủ trải ra cho cả 20 năm.-Đông Hà. (Q.2-Tr.99)


Một chiều hè, đầu tháng Sáu, Bảy Hai, khi đang học trinh sát binh địa ở Ba Vì, tôi ngờ ngợ phát hiện có dấu hiệu ai đó đã lục ba-lô và đọc trộm nhật ký của mình. Đồng đội, chỉ là tò mò thôi. Nhưng cả lũ lính trẻ cùng tắm truồng với nhau bên suối không ngượng, chứ bị xem trộm nhật ký thì vừa ngượng vừa ấm ức, tức tưởi, đến đỏ mặt, dào nước mắt. Từ đấy tôi nặn ra thứ mật mã của riêng mình, cho riêng việc viết nhật ký. Không quân cơ, tuyệt mật mà chỉ là sợi chỉ buộc chân voi, chân ngựa, để không e ngại, ngượng ngùng, để mình với chính mình, để được thật là mình hơn.



(Nhật ký mã hóa)

Lúc đầu cũng chỉ mã hoá chơi chơi, đơn giản, sau thấy có hứng, cứ phức tạp thêm. Một thứ “Chữ Nôm La-tinh” ra đời, nhằng nhịt đan xen đủ loại quy tắc, ký hiệu, tiếng Nga, tiếng Tàu, tiếng lóng. Ban đầu lủng củng, lẫn lộn, sau quen dần, thì cũng như là một ngoại ngữ, rồi cũng viết thạo, đọc dễ, nhoay nhoáy.
Bẵng đi, đã hơn ba chục năm, bây giờ đọc lại, chỉ còn hiểu lõm bõm. Dở cười, dở khóc. Có theo quy tắc mật mã chuẩn nào đâu. Lại phải lần lần như khảo cổ chữ người xưa trên bãi đá Sa Pa. Một tuần, hai tuần, nửa tháng, mãi rồi cũng tường minh vì dù sao vẫn là những chuyện của chính mình, chỉ ẩn khuất, lãng đãng đâu đó trong trí nhớ, tìm là thấy.

Thời kỳ lính chiến, khó khăn, thiếu thốn cả đến bút mực. Ban đầu tôi viết nhật ký bằng bút máy Trường Sơn, mực Cửu Long xanh đen, hết mực, thay bằng thuốc đỏ, thuốc tím, luôn luôn có trong túi cứu thương, hết nữa thì dùng đến bút chì. Tiếc là thời đó chưa có bút bi! Nhưng cũng còn may, nghiệp vụ trinh sát binh địa của tôi buộc phải luôn có vài cây chì đen 2B trong túi cóc ba-lô.



(Nhật ký viết bằng bút chì và thuốc đỏ)

Quyển nhật ký khi còn ở ngoài Bắc, viết dài dòng, nhiều chỗ dông dài, những yêu, những ghét, hờn dỗi, ngông nghênh. Quyển sau, thời kỳ ác liệt ở Quảng Trị, viết gọn gàng, sẻn so, chắt chiu, cô đọng, đã thấy sống, thấy chết. Quyển sau nữa, khi Quảng Trị và bom đạn đã ở xa, thấy trầm lặng, suy tư, thăm thẳm nỗi “nhớ rừng”.



(Ba cuốn nhật ký)
Logged

Nhật ký Viết lại
Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #8 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2010, 06:46:19 am »

Chào bác sauchinbaymot ! Hoan hô bác đã vào QSVN.
Logged
hatuyenha
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2403


« Trả lời #9 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2010, 08:02:19 am »

 Bạn Sauchinbaymot thân mến,hoan nghênh lính xếp but nghiên kể lại bằng những dòng nhật ký đáng trân trọng.Thật giống những suy nghĩ của bọn mình -những cô lính sinh viên khi bị mất toàn bộ chìa khóa của các túi du lich để sổ nhật ký của bọn con gái. Sau đó lại tìm được tất cả chìa khóa được giắt ở phên nhà tắm nữ.  thế là cả bọn lại nghĩ ra một mỗi đứa một ký tự riêng cho mình để cán bộ chính trị có đọc cũng không hiểu  gì hì...hì...hì...
Mong được đọc những dòng nhật ký chân thật này,rất cám ơn người lính sau chiến  trận lại đóng góp trí tuệ cho nền KH nước nhà .
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM