Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:49:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa  (Đọc 387920 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #560 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2010, 11:01:57 am »


CHUYỆN CŨ NHỚ LẠI (4)
Lê Việt
(tiếp theo)

Khoảng giữa trưa ngày hôm đó, chiếc OV10 cứ lượn đi lượn lại quanh khu vực cầu, thấy hiện tượng khác thường cả đơn vị đã vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Quả nhiên một lúc sau mấy chiếc F4 kéo đến và chúng tôi thấy một tiếng nổ bụp, đó là tiếng nổ của pháo khói do chiếc OV10 bắn ra chỉ điểm mục tiêu cho F4 đánh phá cầu. Nhận ra mục tiêu, mấy chiếc F4 chọn hướng mặt trời, tăng độ cao rồi bổ nhào. Đại đội tôi tập trung hoả lực của cả 4 khẩu đội bắn chiếc đầu tiên và cả 4 khẩu đều thông báo đã bắt được mục tiêu. Trong đơn vị tôi là trắc thủ đo xa có nhiệm vụ dùng máy đo xa để đo khoảng cách từ mục tiêu đến trận địa. Lúc đó tôi cũng đã bắt được mục tiêu và đo được cự ly khoảng 4.000 m, tức thì đồng loạt cả 4 khẩu đội nổ súng, những chùm đạn vun vút lao lên, nhưng vì đây là loạt đạn đầu tiên và hơn nữa đơn vị tôi chưa nhiều kinh nghiệm trân mạc nên đạn còn cách xa mục tiêu nhiều lắm. Chiếc F4 vẫn bổ nhào và cắt được bom. Tuy nhiên sau loạt đạn đó, trận địa chúng tôi đã bị lộ và lập tức bị tấn công. Lại một chiếc F4 tăng độ cao và bổ nhào, trong máy đo xa tôi thấy chiếc F4 đang lao thẳng xuống trận địa, sau vài giây 2 quả bom được tách ra khỏi bụng máy bay. Một loạt đạn nữa lại tung lên nhưng ngay sau đó là một tiếng nổ chát chúa, nhức óc làm rung chuyển cả trận địa, không khí xung quanh bị ép lại, khói bom mù mịt, trận địa đã bị trúng bom. Sau khi ném trúng trận địa, mấy chiếc F4 quần đảo một lúc ném thêm vài quả bom nữa vào khu vực cầu rồi chuồn thẳng.

Đây là lần đầu tiên chúng tôi bị đánh vào trận địa. Trận ấy đơn vị tôi hy sinh 3 người, bị thương hơn chục người. Ba người hy sinh là các anh Thanh, Tự, Thảo trong đó anh Thanh là trẻ nhất, anh là sinh viên năm thứ 2 khoa Sinh đại học tổng hợp, cùng nhập ngũ với tôi. Mấy ngày sau chúng tôi được lệnh rút ra nhưng trong đêm rút lui đó chúng tôi còn bị pháo hạm từ ngoài biển tới tấp bắn vào, may mà không bị thương vong gì.

(còn tiếp)
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #561 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2010, 10:15:09 am »



CHUYỆN CŨ NHỚ LẠI (5)
Lê Việt
(tiếp theo)

Sau khi từ cầu Trúc Khê rút ra chúng tôi lại về trận địa cũ để bảo vệ lựu pháo và ngày 16/4/1972 là ngày tôi cũng không thể quên được vì đây là ngày tổn thất nặng nề nhất của đơn vị tôi. Hôm đó trời Quảng Trị trong veo, mới sáng ra mà trời đã nắng gắt, cái kiểu nắng chỉ có ở dải đất miền Trung này. Trận địa chúng tôi nằm ở một vạt đồi cỏ tranh, thứ cỏ có cạnh rất sắc chạm vào là xước da chảy máu  và đặt trận địa ở đây rất dễ bị lộ vì thân cỏ tranh rất mỏng, chỉ đi qua một vài lần hoặc chạm vật gì vào là cỏ rạp xuống và OV10 ở trên cao rất dễ phát hiện ra. Dưới cái nắng chói chang và hầm hập như thế, chúng tôi vẫn phải bám trận địa và cảnh giới trên không. Tới tầm khoảng giữa trưa chúng tôi thấy xuất hiện một chiếc OV10 cứ lượn đi lượn lai quanh khu vực trận địa. Một lúc sau một tốp F4 kéo đến và mọi người đoán chắc chúng đã phát hiện ra đơn vị tôi. Rồi một tiếng bụp quen thuộc vang lên, chiếc OV10 đã bắn một quả pháo khói vào khu vực trận địa, ngay lập tức có 2 anh ở gần đó mang xẻng đào đất để dập quả pháo đó, nhưng dập chưa xong thì lại tiếp tiếng bụp thứ  2, chiếc OV10 tiếp tục bắn quả nữa. Ngay sau quả pháo khói thứ 2, mấy chiếc F4 liên tục bổ nhào cắt bom vào trận địa. Ngay loạt bom đầu tiên một quả bom đã rơi trúng công sự của khẩu đội 4 làm toàn bộ 6 người hy sinh. Lúc đó tôi đang đứng dưới công sự cá nhân thì thấy anh Định là C trưởng chạy sang thông báo toàn bộ khẩu đội 4 đã hy sinh và động viên chúng tôi chiến đấu trả thù cho khẩu đội 4, tôi có ngờ đâu đây là lần cuối cùng tôi nhìn thấy anh Định.

Trận đánh tạm dừng mấy phút thì một tốp F4 khác lại kéo đến liên tiếp tấn công vào trận địa chúng tôi, lần này chúng dùng cả bom phá, bom bi. Một quả bom phá rơi trúng chỉ huy sở nơi có hầm thông tin, hầm cá nhân của C trưởng và chính trị viên. Anh Chương chính trị viên và anh Định C trưởng đã hy sinh ngay sau loạt bom đó. Lúc này toàn bộ trận địa bị tê liệt, mất sức chiến đấu và bắt đầu khắc phục hậu quả.

Trong tâm trí tôi đến bây giờ vẫn còn in đậm hình ảnh không thể nào quên khi đi qua khu vực khẩu đội 4. Đó là cảnh tượng một khẩu pháo 37 ly nặng hơn 2 tấn bị bom ném trúng hất lên hẳn bờ công sự, ám đen khói bom. Thi thể của các anh trong khẩu đội bị xé nát ra từng mảnh và có những mảnh còn dắt vào khẩu pháo. Mùi khét lẹt của bom, mùi thi thể, mùi của nhựa cây lúp xúp, mùi của đất bị cầy tung…tất cả quện lại thành một thứ mùi khó tả mà chỉ có ai ở chiến trường mới tưởng tượng ra nổi  Cũng không hiểu sao mà nhanh thế một bầy quạ từ đâu kéo đến, chúng đậu đen trên khẩu pháo và bụi cây nhỏ gần đấy để tìm kiếm mùi tanh của xác chết.

Khẩu đội 4 có 6 người gồm anh Mâu (khẩu đội trưởng) và anh Ngô Quang Ngọc cùng quê Gia Lâm, anh Thường người dân tộc Thổ quê Thái Nguyên, anh Chí quê Vĩnh Phú, anh Nguyễn Văn Đống sinh viên năm thứ 2 khoa Hoá là người có biệt tài cắt tóc rất đẹp và anh Thẩm Quang Oánh đã tốt nghiệp khoa Lý nhà ở phố Cửa Đông, Hà Nội. Trong số họ chị có anh Mâu và anh Thường là có vợ con. Viết tới đây tôi chợt liên tưởng tới thông tin rằng hàng vạn liệt sĩ của chúng ta vẫn chưa tìm thấy phần mộ. Vâng  Thế thì các anh trong khẩu đội 4 kia có bao giờ tìm thấy phần mộ ? Thế mới hiểu thế nào là sự tàn khốc của chiến tranh. Sau này trong một lần vào thăm chùa Chân Tiên trên phố Bà Triệu, Hà Nội tình cờ tôi đọc thấy tên anh Thẩm Quang Oánh được khắc trên Bia các liệt sĩ của phường Vân Hồ. Phải chăng đó cũng là chút an ủi với anh.

(còn tiếp)
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #562 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2010, 11:24:53 am »

CHUYỆN CŨ NHỚ LẠI (6)
Lê Việt
(đoạn kết)

Thiệt hại ngày hôm đó là nặng nhất trong toàn bộ chiến dịch đối với đơn vị tôi. Hôm đó chúng tôi bị hy sinh 9 người, ngoài 6 người trên còn 3 người khác ở sở chỉ huy bị trúng bom. Đó là anh Nguyễn Hữu Định C trưởng quê Nho Quan, Ninh Bình ; anh Nguyễn Văn Chương chính trị viên nhà ở phố Lò Sũ Hà Nội và anh Vũ Sĩ Lâm sinh viên năm thứ 3 khoa Hoá nhà ở Phố Huế, Hà Nội. Riêng 3 anh này vẫn còn thi thể. Do thiệt hại quá nặng nề, đại đội tôi mất sức chiến đấu hoàn toàn và phải chờ tới đầu tháng 5/1972 sau khi ta giải phóng Đông Hà đơn vị tôi mới được tăng cường bổ sung người và xe pháo để tiếp tục tham gia chến dịch.

Sau này tới tháng 11/1972 chúng tôi mới được lệnh rút ra Bắc, có lúc chúng tôi đã vượt Động Ông Do tiến sát sông Mỹ Chánh, đã mấy lần bị B52 ném bom rải thảm, cuộc sống cực kỳ gian khổ, vất vả, đầy nguy hiểm và lúc nào cũng cập kề cái chết, thế nhưng chúng tôi đã vượt qua và những gì xảy ra với chúng tôi trong 2 tuần đầu tiên đặt chân vào Quảng Trị là những điều không bao giờ quên được.

Bây giờ ngồi hồi tưởng những ngày ở Quảng Trị tôi vẫn thường tự hỏi tại sao ngày ấy mình lại có thể chịu đựng được đến như vậy ? Tôi thuộc lớp người sinh ra lúc kháng chiến chống Pháp sắp kết thúc và hoàn toàn trưởng thành trong lòng chế độ mới, được tiếp thu một nền giáo dục mới. Phải chăng vì thế mà ý thức về trách nhiệm công dân đã thấm vào lớp thanh niên ngày ấy trong đó có tôi. Đầu những năm 70 thế kỷ trước ở vào cái độ tuổi 18, 20 lúc bấy giờ vấn đề lý tưởng, mục đích với tôi vẫn là một cái gì xa xôi, trừu tượng nhưng tôi chỉ nghĩ một điều đơn giản là nước mình đang có chiến tranh, bao nhiêu người phải đi bộ đội, rồi sẽ có lúc mình cũng phải đi bộ đội, phải đi B (tức là vào Nam chiến đấu). Nhiều người quanh mình đã làm như vậy, mình không thể trốn tránh và cũng không dám trốn tránh, dù sao lúc ấy vẫn là trẻ con mà, ai bảo gì thì làm vậy, ai bảo gì cũng nghe. Có lẽ chính vì thế mà mình đã chịu đựng được những gian khổ trong chiến trường và cả những năm trong quân ngũ sau này.

Chuyện cũ nhớ lại là như thế đấy, ký ức chiến tranh là như thế đấy các bạn ạ  Câu chuyện mà tôi vừa kể không biết có ai đọc nó không nhỉ ? Nhưng viết xong những điều này tôi thấy yên tâm và tinh thần thoải mái vì dù sao những kỷ niệm trong đầu bao lâu nay đã được viết ra. Bài viết như một nén hương xin được thắp cho các đồng đội của tôi đã hy sinh trong chiến dịch Quảng Trị. Xin cám ơn các anh đã hy sinh thay cho tôi và trong đời thường hôm nay có lúc gặp chuyện không vui thì các anh lại trở thành nguồn động viên an ủi tôi trong cuộc sống.

Hà Nội, tháng 8/2006
L.V
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #563 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2011, 09:21:18 am »

Hôm nay 27/1, cách đây 38 năm (27/1/1973) Hiệp định Paris về hòa bình ở VN được ký kết. Việc ngừng bắn theo Hiệp định Paris có hiệu lực từ 7 giờ sáng ngày 28/1/1973. Trước đó đêm 25/1 địch tiến hành cuộc hành quân Tăng-gô Citi âm mưu chiếm lại khu vực Nam Cửa Việt nhằm ngăn chặn con đường vận chuyển của ta từ biển qua Cửa Việt để lên Đông Hà và từ đó sẽ cắt ngang đường 1 ở khu vực Nam sông Bến Hải nhằm chiếm lại những vùng chúng đã mất trước ngày 30/3/1972. Dưới sự yểm trợ của máy bay B52 và các máy bay chiến thuật cùng các pháo hạm của Hạm đội 7 Mỹ với hàng chục trận địa pháo từ Gia Đẳng, Hải Lăng liên tục bắn phá vào khu vực Nam Cửa Việt, địch dùng một lữ đoàn đặc nhiệm bao gồm lữ đoàn 147 TQLC với một thiết đoàn hơn 100 xe tăng và xe bọc thép từ Gia Đẳng, Tam Cát theo mép biển chọc sâu vào sau  lưng tuyến chốt của chúng ta ở Long Quang và Thanh Hội. Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt giữa các đơn vị chốt giữ của ta chống lại các đợt tấn công của lũ Trâu điên, Cọp biển. Xe tăng thiết giáp của địch phát huy tác dụng trên những trảng cát phẳng mênh mông không hạn chế tầm nhìn, trong khi các ổ đề kháng của chúng ta hoàn toàn bị phơi mình giữa cát trắng không hề có vật che chắn. Nhiều xạ thủ chống tăng buộc phải vùi mình trong cát để chiến đấu. Cho tới 9 giờ sáng 28/1 hai bên ngừng chiến, lúc này  địch chiếm được cảng Mỹ ở mép biển còn cảng ngụy nằm ở phía trong sông, ta và địch mỗi bên một nửa. Ở nhiều vị trí khác xe tăng địch đã thọc sâu vào đội hình của e101 như cao điểm 12 nơi e bộ 101, đã diễn ra những trận chiến quyết liệt của các cán bộ chiến sĩ e bộ dưới sự chỉ huy của thủ trưởng Bùi Đức Ngoan chỉ với AK và lựu đạn. Đằng sau chúng ta đã là sông Cửa Việt, không còn đường rút.

 Quyết không cho địch cắt con đường vận chuyển của ta vào Đông Hà, sau khi được tăng cường các đơn vị bạn từ phía bờ Bắc, đêm 29/1 ta nổ súng phản kích địch giành lại những phần đất bị mất. Đến ngày 31/1 toàn bộ lữ đoàn 147 TQLC và hơn 100 xe tăng thiết giáp của địch bị tiêu diệt buộc địch phải lui về vị trí xuất phát. Trận Cửa Việt kết thúc, ý định của địch định tràn ngập lãnh thổ bị phá sản. Tuyến phòng thủ cánh Đông của ta được giữ vững cho đến khi ta giải phóng hoàn toàn Quảng Trị ngày 19/3/1975.

Tổn thất của e101 ngày đó lớn quá, suốt dải Nam Cửa Việt qua các xã Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng trong các NTLS ở đây có hàng ngàn ngôi mộ đồng đội chúng ta chưa được tìm thấy tên đã hy sinh trong những ngày ấy.

Với những chiến sĩ của e101/f325 bên cạnh ngày 16/9 còn có ngày 27/1 không bao giờ phai nhòa trong tâm trí những người lính già đầu bạc hôm nay
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Giêng, 2011, 10:57:13 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
quochunguic
Thành viên
*
Bài viết: 17


« Trả lời #564 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2011, 09:37:53 am »

Chú Tường ơi  vậy là chú chiến đấu cả bên bộ binh và bên pháo cao xạ ạ, bố cháu là giáo viên Sở GDDT Hà nội thì phải đi ngay sau năm 72 sau lệnh tổng động viên mặc dù lúc đó đã 32 tuổi
Logged
ancakho
Thành viên
*
Bài viết: 281


« Trả lời #565 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2011, 09:54:03 am »

Các bác 101 thật kiên cường, may mà các bác còn giữ được đầu cầu để quân ta qua sông chiếm lại vùng địch lấn chiếm.

Hồi giờ em chỉ nghe địch chiếm mất cảng của Việt, Mặt Trận và Bộ phải huy động lực lượng lớn để chiếm lại... có biết đâu các bác 101 còn trụ lại được như thế!
Logged

”˙ıɐ uầɹʇ ɯốnɥu ểđ ớɥɔ' ʇénb ıùɥɔ ɯăɥɔ ờıƃ ờıƃ' ƃuás ƃuơưƃ ıàđ ưɥu ɯâʇ' ềđ ồq ıộɔ àl uâɥʇ“
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #566 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2011, 10:14:39 am »

Đọc bài bác lexuantuong1972, mới thấu hiểu được nỗi lòng của người đồng đội.

Hôm nay, ngày 27/01/2011 xin được dành một phút mặc niệm tưởng nhớ những người anh hùng của trung đoàn 101 năm xưa (27/01/1973) trên chiến trường Cửa Việt.
Logged

ThangLong69
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 162


« Trả lời #567 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2011, 10:52:03 am »

Đọc bài bác lexuantuong1972, mới thấu hiểu được nỗi lòng của người đồng đội.

Hôm nay, ngày 27/01/2011 xin được dành một phút mặc niệm tưởng nhớ những người anh hùng của trung đoàn 101 năm xưa (27/01/1973) trên chiến trường Cửa Việt.

      Kính tặng các anh ở trung đoàn 101 và các đơn vị khác đã làm nên chiến thắng Cửa Việt đầu năm 1973 bài hát "Tiếng hát trên sông Cửa Việt "
http://baicadicungnamthang.net/nghe-bai-hat/5722/tieng-hat-tren-song-cua-viet-.html
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #568 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2011, 11:15:31 am »

Ngày này làm sao quên được phải không bác Tường, đã có lần bác lixeta ngậm ngùi nhắc đến trong topic "Những mảnh rời ký ức" mà.
Ở đây, trong diễn đàn có bài ca mà bác Tường yêu thích:
http://www.quansuvn.net/index.php/topic,4116.70.html
Giá hôm ở Đồng Hới, lúc "hai ông Tường", một bác xe tăng một bác bộ binh, một bác Xây dựng một bác Tổng hợp song ca mà ghi lại được hình ảnh hoặc băng để post lên diễn đàn cho chúng em xem với nhỉ.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #569 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2011, 12:56:45 pm »

Chú Tường ơi  vậy là chú chiến đấu cả bên bộ binh và bên pháo cao xạ ạ, bố cháu là giáo viên Sở GDDT Hà nội thì phải đi ngay sau năm 72 sau lệnh tổng động viên mặc dù lúc đó đã 32 tuổi

Chú chưa bao giờ ở pháo cao xạ hay pháo mặt đất cả, chỉ là lính bộ binh. Chú được biết năm 1972 có đợt quân HN trong đó rất nhiều giáo viên nhập ngũ và họ hầu như được phiên chế vào pháo cao xạ. Không biết bố cháu có biết chú Linh là giáo viên của khu Đống Đa không? Chú Linh vào cao xạ nhưng chủ yếu ở Hàm Rồng sau đó bị thương hiện là trưởng phòng LĐ và TBXH quận Đống Đa.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM