Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 24 Tháng Năm, 2024, 04:34:51 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những mảnh rời ký ức- phần 3  (Đọc 300296 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
star
Thành viên
*
Bài viết: 127


Paracel Islands & Spratly Islands Of VIETNAM


« Trả lời #510 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2013, 02:55:27 pm »

Kính gửi bác Lixeta:

Đã hơn 4 năm kể từ khi em được đọc những bài viết của bác trên diễn đàn Dựng Nước - Giữ Nước. Những trao đổi, chia sẻ, những dòng hồi kí đã hóa thân thành những tiểu thuyết sử thi đã giúp em hiểu hơn rất nhiều điều, về Binh chủng Tăng - Thiết Giáp, về những người lính bộ đội Cụ Hồ, về truyền thống, về nghệ thuật đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam ta.
 
Nhân dịp Đại Đội Xe Tăng 4 được phong tặng danh hiệu Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân, em xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành của em với bác. Kính chúc bác và gia đình luôn khỏe mạnh, hạnh phúc và thành công.
Logged

Những việc ta làm, thành - bại ngày hôm nay,
Sẽ có sử sách ngày mai ghi chép lại.
Dân tộc ta còn mãi là nhờ lòng cương quyết,
Mấy ngàn năm oanh liệt chống quân thù.
(Câu Thơ Yên Ngựa)
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #511 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2013, 11:14:14 am »

Một đoạn đời đáng nhớ

Gần 40 năm trước, nhiệm vụ đã cho tôi cơ hội đến với Trường Cơ Điện.
Còn giờ đây, cơ duyên lại cho tôi gặp gỡ NTL, NHL- những CCB- SV Cơ Điện trên VMH.
Tình thân ái của nững CCB như ngọn gió thổi bùng những ký ức về "Một đoạn đời đáng nhớ"- đoạn đời tôi thực hiện nhiệm vụ HL các sinh viên Cơ- Điện khóa 10.
Xin chia sẻ cùng các quê và các bạn!


Nghe lão LTN bảo đi vào TPHCM họp mặt khóa ĐH Cơ điện Việt Bắc mà mình thấy “choáng”. Công nhận mấy ông này mạnh thật. Quân tướng chủ yếu ở ngoài này mà lại tổ chức gặp nhau ở trong đó không “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” thì làm sao làm được. Thôi thì cũng chúc mừng các lão. Nhân tiện thấy người Cơ Điện chơi sang thế thì bắt quàng làm họ cái. Thực ra thì cũng không phải bắt quàng bắt xiên đâu vì tôi cũng có tý chút dính dáng đến trường Cơ Điện với nhiều kỷ niệm sâu sắc phết chứ chả chơi Grin

Năm 1979, sau cuộc tiến công xâm lược của quân TQ Chủ tịch nước đã ban hành Lệnh Tổng động viên, đồng thời Nhà nước ta có chủ trương đẩy mạnh xây dựng lực lượng dự bị động viên rộng khắp để tăng cường sức mạnh nền quốc phóng toàn dân, chiến tranh nhân dân đối phó với kẻ thù truyền kiếp đang cận kề bên kia biên giới. Trong đó nguồn sĩ quan dự bị được nhằm đến là các đối tượng sinh viên sắp tốt nghiệp đại học. Căn cứ vào đặc thù của mình, các đơn vị quân đội hướng đến các ngành và chuyên ngành đào tạo của các trường ĐH mà gần hoặc có liên quan sẽ cử người về đó huấn luyện. Sauk hi HL xong sẽ động viên một số vào quân đội, còn đa số sẽ nhận quân hàm sĩ quan dự bị và về công tác bình thường, khi nào đất nước cần sẽ động viên họ thành quân thường trực. Với chủ trương đó, binh chủng TTG được phân công về HL tại 2 trường: ĐH Nông nghiệp 1 tại Châu Quỳ và ĐH Cơ điện Việt Bắc tại Thái Nguyên. Sở dĩ như vậy là vì trường Cơ Điện và Khoa Cơ khí nông nghiệp đào tạo ra các kỹ sư cơ điện và máy nông nghiệp. Mà máy kéo, máy cày hay máy gì đó thì cũng có chút họ hàng gần với máy xe tăng. Thế thôi! Và thế là các sĩ quan cơ quan BTL thì đi HL tại ĐH Nông nghiệp 1, còn Trường sĩ quan TTG được giao nhiệm vụ đi HL tại trường Cơ Điện.

 Thời gian đó tôi cũng mới ra trường được khoảng nửa năm. Mới chỉ có nửa năm thôi mà tôi cảm thấy nó dài dằng dặc như hàng thế kỷ. Nói như vậy bởi trong quãng thời gian ấy tôi đã kịp đi qua 4-5 đơn vị với những cương vị rất khác nhau, làm những nhiệm vụ cũng rất khác nhau. Tháng 2.79, khi quân TQ nổ súng xâm lược các tỉnh biên giới phía bắc thì khóa chúng tôi đang học năm cuối. Không kịp thi tốt nghiệp, Khóa chúng tôi ra trường tỏa đi khắp nơi nhận nhiệm vụ. Nhiệm vụ đầu tiên tôi đảm nhiệm là trợ lý tham mưu Đoàn HL T55. Chả là lúc đó LX viện trợ cấp tốc cho quân ta một số lượng lớn xe T55. Đó là loại trang bị khá mới mẻ đối với CB-CS nhà ta. Đoàn T55 được thành lập để HL chuyển loại cho cán bộ và thành viên kíp xe nhằm đảm bảo cho họ nhanh chóng làm chủ vũ khí và sau đó sẽ thành lập một số đơn vị mới đưa về các quân đoàn chủ lực. Được hơn một tháng, khi xây dựng kế hoạch HL xong xuôi. Ở cơ quan đã ít việc đi thì tôi lại được cử xuống làm trung đội trưởng một trung đội HL nạp đạn. Giao quân xong, ngay lập tức tôi được điều về làm lớp trưởng một lớp HL các kỹ sư được động viên vào QĐ theo Lệnh Tổng động viên của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Kết thúc 3 tháng HL đối tượng này lại lập tức sang bảo đảm HL cho lớp tập huấn cán bộ 2 lữ đoàn về trang bị mới. Lớp tập huấn vừa kết thúc lại được giao ngay nhiệm vụ đi HL ở trường Cơ Điện. Đúng là quay như chong chóng nên mệt mỏi vô cùng. Lại còn mới cưới vợ nữa chứ.
Để thực hiện nhiệm vụ này, nhà trường thành lập một bộ khung gồm gần chục sĩ quan do đại úy Nguyễn Tạ Toản- giáo viên chiến thuật làm đoàn trưởng. Bộ khung đó gồm cả cán bộ quản lý và giáo viên. Tôi được giao nhiệm vụ trợ lý kế hoạch kiêm giáo viên Quân sự chung- nghĩa là xây dựng lịch HL và dạy những môn phổ thông nhất cho một người lính- từ điều lệnh nội vụ đến các luật lệ, quy định v.v… liên quan.  Trước khi lên đường chúng tôi ngồi cùng nhau xây dựng Chương trình HL cho đối tượng này. Theo đó, 3 tháng HL sẽ được chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn 1,5 tháng. Giai đoạn 1 sẽ HL kỹ chiến thuật BB và điều lệnh, luật lệ… tại trường Cơ Điện. Giai đoạn 2 sẽ đưa học viên về TSQTTG để HL chuyên ngành (kỹ thuật TTG).  Sauk hi được phê chuẩn tôi có nhiệm vụ sắp xếp kế hoạch HL cho đến từng ngày và từng giờ. Thực tình là chúng tôi cũng khá lo lắng bởi đối tượng thì mới mẻ, người thì ít, lại phải thực thi nhiệm vụ ở nơi xa đơn vị. Tuy vậy, với riêng tôi lại có phần thích thú bởi sẽ có thêm cơ hội để đi và khám phá.

Một sáng cuối thu 1979, hai chiếc xe tải Giải Phóng đưa đoàn chúng tôi lên đường đi Thái Nguyên. Sở dĩ chúng tôi được đi xe tải là bởi còn phải chở theo cả quân trang để phát cho sinh viên, đồng thời chở theo tiêu chuẩn gạo 1,5 tháng của anh em tôi và một lô súng ống cùng với một số học cụ nữa. Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân lên đất Thái Nguyên nên háo hức lắm. Suốt dọc đường đi cứ nhăm nhăm xem đồi chè Thái Nguyên thế nào mà ngon thế song chả thấy. Rồi cả Khu gang thép TN ống khói vút trời mây nữa cũng chả thấy đâu. Chỉ thấy cảnh vật cũng na ná như cái miền “bán sơn địa” Chí Linh quê nhà.

Trường Cơ Điện lúc đó đã chuyển về vị trí hiện tại cách QL3 chừng 1 km và đã được đầu tư xây dựng tương đối cơ bản. Nhà hiệu bộ và giảng đường là mấy ngôi nhà ba tầng. Còn ký túc xá sinh viên là mấy ngôi nhà 5 tầng khá khang trang. Tôi phấn chấn nhìn quanh và tự nhủ: “Trường sở thì khá đây. Chỉ không biết học sinh thế nào. Hy vọng chúng cũng lành như lớp kỹ sư chứ không quậy như cánh nạp đạn hồi trước”. Vì đã có hợp đồng trước nên xe chạy thẳng vào căn nhà dành cho chúng tôi nằm ở trung tâm khu KTX sinh viên. Có vẻ như đây là khu nhà dành cho đội ngũ bảo vệ, phục vụ KTX thì phải. Mặc dù đã cũ song nhà còn khá tốt và với chúng tôi thì thế cũng là quá tốt rồi. Lúc đó cũng đã gần trưa, chúng tôi quẳng vội cái ba lô vào giường rồi quay ra khẩn trương khuân vác quân trang, súng ống, học cụ… xuống để giải phóng xe ngay.

 Khi mọi việc đã ổn ổn, hai chiếc xe đã quay đầu chạy ra chúng tôi mới có thời gian sắp xếp chỗ nằm và nghỉ ngơi uống nước. Cái lúc tất bật, ồn ào thì không thấy gì, còn vào chính lúc này tôi lại thấy ù ù trong tai một thứ tiếng ồn nghe rất khó chịu. Có cảm tưởng như mình đang ở Gò Vấp dưới cánh máy bay hôm đi duyệt binh thử năm 1975 ấy. Hôm ấy, máy bay lên xuống liên tục, toàn loại hạng nặng nên đến cả những lính xe tăng già đời như bọn tôi, động cơ 500 mã lực nổ bên tai vẫn ngáy ầm ầm mà còn thấy lộng óc. Hôm nay cũng gần gần như vậy. Tôi chạy ra ngoài ngó nghiêng xem cái thứ tiếng động đó phát ra ở đâu thì chợt phát hiện thấy nổi bật trên nền trời trong xanh một chiếc quạt gió- na ná như cái cối xay gió, đối thủ của chàng Don Kihote- ngự trên đỉnh ngôi nhà 3 tầng của Hiệu bộ đang quay tít mù. Hỏi thăm một anh chàng đang đứng gần đó thì biết đó là một cái máy phát điện chạy bằng sức gió. Đó là sản phẩm của thày trò nhà trường tự làm và đang chạy thử nghiệm. Tôi nghĩ bụng: “Kết quả chuyên môn thì không biết ra sao song  chắc cái “sáng kiến” này rồi cũng bỏ xó thôi”. Tôi đoan chắc các cán bộ nhân viên ngồi trong ngôi nhà Hiệu bộ ấy sẽ chẳng làm được việc gì trừ việc nhét bông vào tai khi nó chạy. Tuy nhiên tôi cũng thấy hơi thú vị: ít ra người ta còn động não để nghĩ ra một thứ gì đó hữu ích. Là con nhà kỹ thuật, tôi cũng hay mày mò “phát minh, sáng chế” nên khoái cái vụ này lắm.

Nhưng nhân bảo như thần bảo. Vài ngày sau thì không thấy nó chạy nữa song vẫn nằm trơ trơ trên đó như tượng đài sống về tinh thần phát huy sáng kiến của thày trò trong trường.

Buổi chiều, ổn định chỗ ăn ở xong thì đại úy Toản chỉ tôi và thằng Đức- giáo viên bắn súng: “Bây giờ, các cậu đi với tôi đi trinh sát địa hình để lựa chọn vị trí các thao trường huấn luyện. Với lại cũng phải làm cái kế hoạch đánh địch tại chỗ nữa chứ. Bộ phận còn lại ở nhà phân loại, sắp xếp quân trang để mai cấp phát cho nhanh”. Thằng Đức làu bàu: “Đúng là bệnh nghề nghiệp. Đã lên đến đây rồi mà vẫn còn kế hoạch đánh địch tại chỗ. Đánh ai? Đánh mấy con mụ bán quán ngoài cổng ấy”. Chả là bác Toản là giáo viên chiến thuật mà nên nhìn đâu cũng thấy khả năng địch tấn công. Nói vậy thôi song hắn vẫn cun cút xỏ giày vào và đi theo.

Nhìn cái bãi đất đỏ bằng phẳng lúp xúp cỏ và cây bụi to bằng vài sân bóng đá nằm kẹp giữa nhà trường và đường QL3 tôi bảo với anh Toản: “Chỗ này để HL bắn súng được đấy, phải triển khai cùng một lúc được hàng chục bệ”. Anh Toản gật đầu: “Được đấy!” rồi xăm xăm dẫn đầu đội hình lội ra thăm thú. Tuy nhiên, chỉ được mấy bước thì anh dừng lại và hét lên: “Đứng im!”. Hai thằng tôi cứng người vì tưởng đoàn trưởng phát hiện ra bom mìn hay rắn rết gì đó. Lại thấy bác ấy bịt mũi, xua tay nên chúng tôi hiểu ngay. Không phải bom mìn nhưng đúng là “mìn” thật! Trước mặt chúng tôi là bãi đất đã được san ủi bằng phẳng- chắc là mặt bằng cho một công trình gì đó rất lớn song hiện tại chưa dung đến. Trên bãi đất đó giờ đây dày đặc “mìn” và la liệt giấy chùi. Những cơn gió mạnh đã dồn đám giấy quẩn vào chân các bụi cỏ phía xa trắng xóa. Đoàn trưởng Toản vừa bịt mũi vừa lắc đầu ra hiệu cho chúng tôi quay lại. Cả ba vừa tức vừa buồn cười. Bác Toản nhăn nhó: “Có lẽ KTX nhà trường này không xây nhà vệ sinh hay sao ấy?”. Công nhận, đó đúng là một cái WC lộ thiên của toàn trường thì phải. Tôi pha trò: “Chắc là sinh viên trường này khoái cái món “nhất quận công…” hay sao ấy, he he”.

Không sử dụng được bãi đất đó, bọn tôi phải đi sâu vào trong dãy đồi bạch đàn đằng sau khu hiệu bộ để tìm. Cũng may không khó khăn lắm vì trong đó là cơ sở cũ của trường, có cả một sân bóng đá nho nhỏ. Còn đồi bạch đàn thì vô tư. Chúng tôi quyết định: học ĐL đội ngũ thì ở sân KTX; học bắn súng tại bãi bóng đá; còn học chiến thuật BB thì tại đồi bạch đàn cạnh sân bóng. Với biên chế 3 trung đội mà có 3 thao trường riêng cộng với một giảng đường học lý thuyết là tạm ổn rồi.

Như vậy, ngày đầu tiên đến với trường Cơ Điện của bọn tôi thật chẳng vui vẻ tý nào. Cái hăm hở của tôi đã bị ấn tượng ban đầu làm cho nhụt đi một chút. Tối hôm đó, chẳng biết lạ nhà, lạ giường hay sao đó mà tôi thật là khó ngủ Undecided.
Logged
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #512 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2013, 12:11:21 pm »

Đúng là năm 1979 là năm đầu tiên, ta có chủ trương huấn luyện sỹ quan dự bị cho các sinh viên đại học đã làm luận án tốt nghiệp.
Cái đầu tiên, bao giờ cũng cũng đáng nhớ.
Bác Lixeta viết tiệp ạ, em kê dép ngồi hóng.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #513 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2013, 07:20:24 am »

Một đoạn đời đáng nhớ-2

Ngay sáng hôm sau chúng tôi tổ chức cấp phát quân trang cho học viên. Chỉ trừ mấy anh CCB về học thì tỏ ra bình thường còn cậu nào cậu ấy đều tỏ ra rất thích thú và vui vẻ khi xúng xính trong bộ quần áo mới. Các cậu lại càng đua nhau làm dáng khi xuất hiện mấy nữ sinh viên thấp thoáng sau đầu hồi chỉ trỏ, ngắm nghía. Chẳng biết có cậu nào báo không mà đã thấy một tay thợ ảnh đột nhập vào khu vực và bấm lia lịa hình ảnh những chú tân binh. Thấy thái độ vui vẻ và trân trọng bộ quân phục của số đông sinh viên này tôi đoan chắc họ sẽ là những học viên tốt. Cũng ngay sáng hôm ấy, chúng tôi HL buổi đầu tiên- đó là bài giảng về “Pháp lệnh dự bị động viên” do chính trị viên Uyển giảng. Kế hoạch đã làm xong rồi, tôi chỉ có vài bài giảng trong cả khóa nên cũng có khá nhiều thời gian để “khám phá” nơi đây.

Điều bất ngờ tiếp theo tôi tình cờ phát hiện được là Trường Cơ Điện té ra lại là một mỏ bia hơi Hà Nội “xịn”. Chả là trong lúc toàn đại đội đã bước vào học bài học đầu tiên thì anh Toản gọi tôi và một tên nữa vào bãi tập bắn để đo đạc một cách cụ thể hơn và đào đắp bệ nằm tập ngắm. Công việc cũng chẳng nặng nhọc cho lắm song dưới cái nắng ong ong của tháng Tám ta cũng thấy hơi mệt và đặc biệt là rất khát nước. Mãi đến gần trưa công việc mới xong, chúng tôi uể oải chuẩn bị ra về. Đúng lúc ấy, một chiếc xe tải nặng nề xịch đến đỗ trước khu nhà căng- tin của trường. Từ trên xe người ta vần xuống mấy bom bia nặng trịch. Đám đông đã chực sẵn ở đó bắt đầu nhao vào chen lấn. Chỉ lát sau đã thấy vài anh hể hả quay ra, hai tay hai cốc bia vàng óng sủi bọt. Khi biết đó là bia hơi Hà Nội, chúng tôi lập tức triển khai đội hình cực kỳ hợp lý: người xếp hàng mua vé, người xếp hàng lấy bia, người chuẩn bị bàn ghế… Và chỉ mấy phút sau, hơn chục cốc bia đã xếp hàng nghiêm chỉnh trước mặt 3 anh em chúng tôi. Bia ngon tuyệt. Không biết người ta bảo ôn thế nào mà nó vẫn giữ được cái hơi mát lạnh đến lịm người. Đang khát khô cả cổ, làm một hơi hết cả cốc rồi mà vẫn chưa tin là tại sao ở cái xứ sở xa xôi này lại có nguồn bia ngon như thế? Cũng như ở mọi quán bia hơi bây giờ, con người trở nên dễ gần và cởi mở hơn. Những câu chuyện giữa những người không quen biết mà vẫn nở như ngô rang bên cốc bia sủi bọt. Vì vậy, chỉ sau vài cốc bia bọn tôi đã biết: Là đứa con đầu lòng của nền công nghiệp nặng Việt Nam nên Khu gang thép Thái Nguyên được “trên” ưu tiên mỗi ngày 1 xe tải bia hơi. Trong khi đó, Trường Cơ Điện là cơ sở đào tạo cán bộ kỹ thuật trực tiếp cho Khu gang thép nên cũng được 4 bom bia mỗi ngày- trừ thứ 7, chủ nhật. Có lẽ do ở gần Hà Nội hơn nên xe chở bia bao giờ cũng qua trường trước rồi mới về bên kia nên vẫn giữ được chất tươi nguyên của bia. Rất nhanh chóng chúng tôi nắm được lịch bia về là tầm 10 giờ trưa hàng ngày.

Hồi đó, tôi mới phát hiện ra một viên sỏi trong niệu quản phải. Khi tôi hỏi các bác sỹ ở Viện 109 cho tôi chọn 1 trong 2 giải pháp: Mổ hoặc uống nhiều nước kết hợp vận động mạnh. Như đã kể, tôi chọn giải pháp thứ hai và khi lên đây gặp được mối bia ngon tôi quyết định cứ uống thật nhiều hy vọng nó sẽ tống sỏi ra- đúng nghĩa là “chạy thận” nhỉ! Mà lúc ấy, với lương Trung úy (khoe tý: mặc dù không thi tốt nghiệp song căn cứ thành tích chiến đấu và học tập nên tôi được phong trung úy khi ra trường) chừng hơn 80 VND thì cũng đủ uống bia nhòe vì mỗi cốc có 0,3 VND thôi.

Vậy là từ hôm đó, cứ tầm gần trưa, khi thì một mình khi thì rủ thêm tay nào đó rỗi rãi tôi lại lảng vảng vào khu căng- tin và khi xe vừa về tôi đã là người có mặt đầu tiên. Có khi còn giúp mấy chị bán căng- tin vần bia xuống và đưa vào trong nhà nữa. Sau đó là xếp hàng làm vài cốc. Cũng chỉ vài hôm, chị bán bia đã quen mặt và bao giờ cũng có vẻ ưu tiên chú bộ đội trẻ nghiện bia. Có lẽ đó là người đầu tiên ở trường này tôi quen- tất nhiên, trừ số học viên do mình quản lý Grin.

Nhiệm vụ huấn luyện dần đi vào nề nếp. Hầu hết số sinh viên khóa này được chọn đi đào tạo SQDB đều tỏ ra “quán triệt” tốt nhiệm vụ. Họ hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với đất nước trước họa xâm lăng nên yên tâm học tập, cơ bản là chấp hành tốt kỷ luật. Cũng chẳng biết có thật như vậy không nhưng nhà nước cũng có “mẹo” của mình- mẹo nắm đằng chuôi- tức là vẫn giữ bằng của các cậu. Nếu các cậu không hoàn thành khóa học sẽ bị treo bằng vậy nên các cậu cũng không dám quậy phá gì. Đồng thời, ngoài khung cán bộ quân đội, chúng tôi còn được sự hỗ trợ của các trung đội phó, tiểu đội trưởng là các CCB về học. Họ thường khá lớn tuổi- cũng tầm chúng tôi, thường đã trải qua chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu nên sống đúng mực, gương mẫu, lại hiểu tâm lý học viên và chính họ  đã giúp chúng tôi rất nhiều trong công tác quản lý bộ đội. Lão LTN không học khóa này chứ nếu học khóa này chắc cũng sẽ được nhận một chân trung đội phó- oách phết đấy. Cũng vì vậy mà chúng tôi không đến nỗi quá vất vả và bận rộn như huấn luyện các đối tượng khác.

Về phía chúng tôi, trừ mấy cán bộ trung đội xuống ăn ở cùng học viên để duy trì kỷ luật, còn lại BCH đại đội và cánh giáo viên trợ lý vẫn ở riêng. Ngoài giờ làm việc hành chính chúng tôi khá thảnh thơi nhưng cũng chẳng đi đâu xa, tay nào hang hái lắm cũng chỉ ra đến chợ “T 3 nhất” là cùng. Mà không biết tại sao cái chợ lại có tên như thế. Lại nhớ hồi mới lên Vĩnh Phú, nghe nói có chợ “số 8” mà tôi cứ buồn cười. Hỏi: “Thì ra chợ ở đây người ta đánh số à? Thế chợ số 1, số 2 ở đâu?” bà chủ nhà không biết trả lời thế nào. Mãi sau mới lúng búng: “Không biết. Thấy người ta gọi thế thì biết thế thôi”. Té ra cái chợ đó nó nằm ở Km số 8 của đường 2B từ Vĩnh Yên lên Tam Đảo. Có vậy thôi. Còn chợ “T 3 nhất” này thì nhất những gì chẳng biết?.  Roll Eyes

Xung quanh cái sân láng xi măng của khu nhà chúng tôi ở là mấy cái ghế đá. Vào các buổi chiều muộn thường mấy anh em lại túm tụm ở đó hóng mát và tán gẫu mà thôi. Mấy tay nghiện chè vẫn áp dụng bài “thử chè” từ Vĩnh Phúc sang, mà chợ ở đây lại rất nhiều hàng chè nên thường xuyên có chè uống. (Mặc dù hơi xí hổ một chút song cũng đã đến lúc giải mật bài nếm chè của SQ trường TG: Chợ số 8 cạnh trường 5 ngày họp 1 lần. Những ngày phiên chợ nhiều hàng chè lắm. Thì mỗi nhà đều có một mảnh vườn trồng được mấy luống chè. Đến lứa hái về sao lên được cân hơn, cân kém lại đem ra chợ bán thành ra hàng chè cứ la liệt ra. Mỗi hàng thường là một cái mẹt bày hàng đặt trên miệng cái thúng nhỏ. Các SQ trẻ nhà ta đến mỗi hàng chè, miệng thì hỏi- nếu đó là một cô gái trẻ thì tán nịnh vài câu “em thế này, em thế kia…”, tay thì vốc một vốc rõ to đưa lên miệng nhấm nhấm ra vẻ sành chè lắm. Tiếp đó là vài câu bình phẩm, có khen có chê nhưng chủ yếu là chê và trả lại chè. Lẽ ra khi trả thì phải xòe cả nắm tay cho chè rơi xuống, đằng này lại chỉ he hé cho vài cánh chè rơi ra, còn thì nắm tay lại và đứng lên đi sang hàng khác. Khi rời khỏi hàng ấy thì cũng đồng thời cho tay vào túi quần để nhả hàng ra. Chỉ sau vài hàng chè như thế sẽ có chừng độ hơn lạng chè trong túi đủ uống 2- 3 ngày. Vài tay như thế sẽ đủ uống đến phiên sau). Bài đó lại được đem ứng dụng ở chợ “T 3 nhất” nơi đây- cũng có nhiều hàng chè như chợ số 8- nên cũng có chè uống đều đều. Và buổi chiều họ thường đem theo một ấm trà ra đó rồi thi nhau bình phẩm về chè của lão này, lão kia thu hoạch được. He… he… Không trồng, không mất tiền mua mà vẫn có chè uống. Không thích uống chè mấy nên tôi thường ngồi xa trung tâm và hút thuốc một mình. Grin
Logged
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #514 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2013, 07:30:59 am »

Năm 1980 em lên Sông Đà, gập rất nhiều quân ĐH Cơ Điện mới tốt nghiệp đầu năm 1980.
Chúng nó đều đã học SQDB khóa đầu (1979).
Hôm nay đọc ở đây, té ra, chúng đều là học viên của bác LXT hết.  Grin
Đúng là trái đất tròn.
Chúng kể rằng, học SQDB xe tăng, bài thi tốt nghiệp, có mục lái xe tăng và bắn 12ly7 trên tháp pháo. Còn pháo chính 100 thì không.
Nay mới có dịp hỏi bác LXT xem chúng nó có nổ hay không  Wink
Em vẫn kê dép, ngồi hóng chuyện bác kể  Grin
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #515 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2013, 10:18:38 am »

Năm 1980 em lên Sông Đà, gập rất nhiều quân ĐH Cơ Điện mới tốt nghiệp đầu năm 1980.
Chúng nó đều đã học SQDB khóa đầu (1979).
Hôm nay đọc ở đây, té ra, chúng đều là học viên của bác LXT hết.  Grin
Đúng là trái đất tròn.
Chúng kể rằng, học SQDB xe tăng, bài thi tốt nghiệp, có mục lái xe tăng và bắn 12ly7 trên tháp pháo. Còn pháo chính 100 thì không.
Nay mới có dịp hỏi bác LXT xem chúng nó có nổ hay không  Wink
Em vẫn kê dép, ngồi hóng chuyện bác kể  Grin

He...He...! Đúng khóa mình HL đấy. Khóa đầu tiên và cũng là duy nhất của TTG huấn luyện cho Cơ Điện. Từ đó về sau thì binh chủng TTG chỉ huấn luyện cho ĐH Nông nghiệp 1 thôi. Hiện tại khoa Quân sự của ĐHNN1 vẫn là các sĩ quan TTG biệt phái Undecided

Tuy nhiên, các chú Cơ Điện ấy nổ cũng hơi khiếp. Với thời gian HL chuyên ngành có 1,5 tháng thì mục tiêu đặt ra chỉ khiêm tốn là cho họ làm quen, có chút khái niệm về TTG mà thôi, trong đó cũng có thực hành lái cơ bản chừng 30 phút, bắn 1 bài đơn giản nhất (bài bắn tập 1) từ súng đại liên // bên pháo. Còn khi thi không ai bắt họ phải thi lái và bắn cả Grin
Logged
Zin Ba Cầu
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1001



« Trả lời #516 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2013, 10:54:18 am »

     Chào quê LiXeTa
 
Vậy là qua đoạn cầm súng, cầm lái về cầm bút lại tham gia cầm phấn cầm que chỉ bảng làm thầy. Xin bày tỏ lòng kính nể Quê.
Tôi hiện giờ trưa thứ 5 hàng tuần thỉnh thoảng có tham gia nhậu với mấy anh em CCB SV Bách khoa. Hôm qua ngồi cạnh 1 ông ra trường 1978 đc nhập ngũ về trừong sĩ quan tăng thiết giáp làm giáo viên dạy cơ bản.
 Ông này tên là Huy( xoăn ) có biết bác, chắc quê có nhớ ông này.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #517 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2013, 07:24:51 am »

     Chào quê LiXeTa
 
Vậy là qua đoạn cầm súng, cầm lái về cầm bút lại tham gia cầm phấn cầm que chỉ bảng làm thầy. Xin bày tỏ lòng kính nể Quê.
Tôi hiện giờ trưa thứ 5 hàng tuần thỉnh thoảng có tham gia nhậu với mấy anh em CCB SV Bách khoa. Hôm qua ngồi cạnh 1 ông ra trường 1978 đc nhập ngũ về trừong sĩ quan tăng thiết giáp làm giáo viên dạy cơ bản.
 Ông này tên là Huy( xoăn ) có biết bác, chắc quê có nhớ ông này.

Ơ! Quê này sường nhỉ: Trưa thứ Năm thì ngồi với hội Bách Khoa, chiều thứ Bảy thì ngồi với hội 19C Ngọc Hà. Đời này mấy ai được như vậy Huh

Thứ Năm nhậu với Bách Khoa
Thứ Bảy lại tới Ngọc Hà uống bia
Mặc ai đi sớm về khuya
Còn ta vui bạn, vui bè cứ vui Grin

Hội Huy Xoăn thỉnh thoảng tôi vẫn gặp. Thời gian họ ở Trường SQTTG không dài lắm song cũng nhiều kỷ niệm và rất tình cảm Grin

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #518 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2013, 07:28:07 am »

Một đoạn đời đáng nhớ-3

Một buổi chiều sau ngày khai giảng chừng vài hôm, lúc chúng tôi đang ngồi trà lá như thường lệ thì có 2 cậu học viên tiến lại gần. Một cậu mặt tròn xoe, hai má hơi phúng phính và đặc biệt dễ nhớ là có cái răng khểnh rất duyên. Cậu kia thì mặt dài, người mảnh khảnh rất dáng thư sinh. Vì không trực tiếp quản lý bộ đội nên tôi chưa thuộc tên các cậu. Sau khi chào chung tất cả mọi người, hai cậu đứng xích lại gần chỗ tôi. Răng khểnh lễ phép: “Thưa thày, thày cho chúng em hỏi một tý ạ”. Tôi vui vẻ: “Được thôi!- Thấy hai tên có vẻ còn hơi ngần ngại nên tôi chủ động đứng dạy- Ta lui ra ngoài này một tý”.

Ba anh em tôi xích ra phía ngoài một chút, chỗ có đống pa- nen bê tông để ngổn ngang rồi ngồi xuống nói chuyện. Tuy nhiên, chỉ sau vài câu trao đổi thì tôi đã đoán ra chuyện hỏi bài chỉ là cái cớ. Lý do chính là các cậu muốn làm quen với tôi, còn làm quen để làm gì thì chịu. Câu chuyện dần dần thân mật và gần gũi hơn. Đến lúc này thì tôi đã biết tên của “răng khểnh” là Th. Và “mặt dài” là T. Cả hai đều là người Hà Nội, cùng học với nhau suốt 5 năm ở đây và chơi rất thân vởi nhau. Quả thật, hai cậu này lúc nào cũng như hình với bóng. Vì chưa trao đổi được các nhân vật này nên tôi xin phép được viết tắt tên Grin.

Thêm vài ngày nữa thì tôi biết Th. Còn được gọi là “Th. Gái”. Ngẫm nghĩ lại tôi thấy cái tên này quá đúng với cậu ta. Ngoài khuôn mặt tròn và cái răng khểnh như con gái thì tính nết của cậu ta cũng lại càng giống con gái hơn. Ăn nói thì nhỏ nhẻ, dịu dàng, khi đi lại hai tay vung vẩy đánh đường xa rất điệu đà, lại thích nấu nướng, giặt giũ, thích chăm sóc người khác... Riêng với tôi thì cậu ta càng ngày càng tỏ ra quý mến hơn. Ngày nào Th. Cũng phải tìm cách gặp tôi được ít nhất một lần. Khi thì chỉ nói mấy câu, khi thì dúi cho tôi một vài cái kẹo hay điếu thuốc lá… Tôi vui vẻ đón nhận tình cảm của cậu ta và nghĩ bụng cũng thấy vui vui vì có một cậu em ngoan ngoãn dễ mến như vậy.

Một chiều, Th. Đến tìm tôi và nói: “Hôm nay sinh nhật bạn em. Anh đi với bọn em cho vui”. Tôi hơi ngần ngừ một chút vì chẳng có quà gì song hai thằng nằn nì mãi nên đành tặc lưỡi đồng ý, cũng quên chẳng hỏi đó là bạn nào. Thấy tôi đồng ý, hai tên vui lắm kéo tôi đi luôn. Tuy nhiên, khi thấy bọn hắn đưa đến khu KTX dành cho nữ sinh viên thì tôi giật mình lùi lại. Nói thêm một chút về một điểm khác biệt của trường Cơ Điện với các trường ĐH khác trên toàn quốc là nữ sinh rất ít. Tôi không biết chính xác là bao nhiêu song có lẽ chỉ vào khoảng 5% mà thôi. Giữa một cộng đồng đông đảo nam sinh, các cô nữ sinh viên ít ỏi như mì chính cánh và nghe nói là được chiều chuộng lắm (không biết LTN có bóng hồng nào ở đây không?). Về phía nhà trường có vẻ cũng quan tâm nên dành cho họ một nửa nhà KTX (hình như nhà 10 thì phải) riêng biệt, có rào dậu phân chia cẩn thận chắc để ngăn chặn mọi sự xâm nhập bất hợp pháp. Về phía các cô gái, chắc do được cưng chiều nên cũng rất hay làm cao- ấy là tôi cũng nghe nói thế thôi chứ đã có cơ hội nào tiếp xúc với họ đâu. Với chừng đó thông tin, lại mới cưới vợ nữa nên tôi đã quyết định sẽ cố gắng giữ khoảng cách với cái đám này càng xa càng tốt. Thế mà hai cái thằng này lại kéo tôi xuống đây. Tôi thật sự ngại…
Vậy là khi đến trước cửa khu KTX nữ sinh tôi quyết tâm dừng lại không vào.

Khi thấy tôi đứng sững lại, cả hai thằng đếu tỏ ra ngạc nhiên: “Tại sao anh không vào? Có ai cấm đâu?”. Biết nói thế nào với chúng bây giờ. Cuối cùng tôi chỉ trả lời đơn giản: “Anh ngại lắm. Chưa quen biết gì mà xuất hiện đường đột thế này thì chả hay ho gì”. Bọn hắn không chịu cái lý lẽ ấy. Th. Gái bảo tôi: “Đây là sinh nhật đứa bạn thân của em. Chúng em chơi với nhau lâu rồi nên chúng nó quý em lắm. Khi chúng nó mời em em đã nói sẽ đưa cả anh đến. Chúng nó vui lắm”. Tôi vẫn lắc đầu. Dùng dằng một lúc, lời qua tiếng lại mấy câu tôi vẫn không vào. Đến lúc này thì Th. Gải phụng phịu dỗi: “Anh không vào thì bọn em cũng không vào. Mà em khóc đây này”. Tưởng cậu ta dọa nên tôi mặc kệ và cứ quay đi. Không ngờ cậu ta khóc òa lên thật. Không thể tưởng tượng có thằng đàn ông con trai mà khóc dễ dàng đến thế, tôi thật sự luống cuống. Từ trong cửa nhà bọn con gái đã lố nhố mấy cái đầu nhìn ra, tôi càng cuống hơn nên vội xuống nước: “Ơ, cái thằng này. Thế mà khóc ngay được. Nín đi, anh sẽ vào vậy”. Thế là hắn lại nín ngay lập tức được mới lạ chứ. Mà lại cười nói ríu rít được ngay rồi túm tay tôi lôi vào nhà.

Lúc chúng tôi vào thì bàn tiệc đã sẵn sàng. Không thấy có bánh ga- tô, cũng không có nến nhưng có rất nhiều hoa. Trên cái bàn học kê giữa nhà, bên cạnh một lọ hoa tươi rất to là mấy đĩa bánh kẹo, hoa quả. Tôi liếc nhìn xung quanh,  Phòng KTX thì kê 5 cái giường 2 tầng nhưng chỉ thấy có 5 cô ở đó thôi, chắc là do nữ sinh viên ít nên được ở rộng như vậy. Chúng tôi ngồi xung quanh cái bàn. Th. giới thiệu tôi với mọi người và ngược lại. Cho đến giờ tôi chỉ nhớ tên 2 cô bạn thân nhất của Th. là Hồng- người Hà Nội và Loan- người Quảng Ninh rất xinh.  Hôm đó là sinh nhật của Loan. Không biết có phải do niềm vui ngày sinh nhật hay do có chút phấn son trang điểm nhẹ nhàng mà trông cô càng nổi trội, trái ngược hẳn với tưởng tượng của tôi về các cô sinh viên Cơ Điện suốt ngày dầu mỡ với máy móc như mấy cô thợ sửa chữa xe tăng ở đơn vị tôi.

Thủ tục đã xong, Hồng đưa thêm một đĩa to bánh rán các cô tự làm lấy lên bàn và mọi người vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ. Nói cho công bằng, mặc dù đã từng nhiều lần xông pha vào chốn KTX nữ sinh viên mấy năm người yêu học đại học song tôi vẫn là một kẻ nhát gái và khá vụng về khi nói chuyện với các cô gái. Vì vậy, tôi cũng chỉ góp chuyện qua loa nhát gừng thôi. T. cũng chẳng khá hơn. Cũng may có anh chàng Th. mồm mép nhanh nhảu nên câu chuyện cũng khá rôm rả và vui vẻ. Tôi để ý thấy hình như mấy cô gái trong phòng này coi Th. như bạn cùng giới ấy. Có lẽ chính vì thế mà cậu ta phải mang cái hỗn danh Th. Gái chăng!

Có vẻ như các cô đã chuẩn bị bánh rán ăn trừ luôn bữa tối hay sao ấy mà làm rất nhiều. Cái đĩa bánh cứ vơi đi một ít lại thấy Hồng tiếp thêm vào nên cứ như đĩa bánh Thạch Sanh ấy. Phải công nhận bánh rán các cô tự làm mà ngon chẳng kém ở quán mấy. Hay là tại thời buổi đói kém, hết độn ngô lại đến bo bo nên ăn gì cũng thấy ngon? Nhưng rồi cuộc vui cũng phải đến lúc kết thúc. Liếc đồng hồ thấy gần đến 7 giờ, tôi nhắc hai cậu trai: “Sắp đến giờ sinh hoạt tối rồi đấy!”. Biết ý vậy nên Th. xin phép ra về. Hôm sau, Th. lại đến tìm tôi. Sauk hi dúi cho tôi điếu thuốc lá đã nhàu nhàu, cậu ta tỷ tê: “Cái Loan nó có cảm tình với anh đấy. Để em giới thiệu anh với nó nhé”. Tôi giật mình, thằng này nói thật hay đùa đây? Nhưng dù thật hay đùa cũng không thể được. Tôi trợn mắt: “Không được! Anh đã nói với em là anh có vợ rồi kia mà”. Hắn phụng phịu: “Anh chỉ nói dối thôi chứ anh làm gì đã có vợ. Em hỏi trung đội trưởng của em rồi”. Tôi kiên quyết: “Không được làm thế đâu nhé!”. Ngay chủ nhật tuần ấy tôi xin cho 2 thằng tranh thủ và đưa vợ tới nhà Th. chơi thăm gia đình mà cũng để khẳng định với hắn là tôi nói thật. Grin
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #519 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2013, 03:52:22 pm »

...Sau khi dúi cho tôi điếu thuốc lá đã nhàu nhàu, cậu ta tỷ tê: “Cái Loan nó có cảm tình với anh đấy. Để em giới thiệu anh với nó nhé”. Tôi giật mình, thằng này nói thật hay đùa đây? Nhưng dù thật hay đùa cũng không thể được. Tôi trợn mắt: “Không được! Anh đã nói với em là anh có vợ rồi kia mà”. Hắn phụng phịu: “Anh chỉ nói dối thôi chứ anh làm gì đã có vợ. Em hỏi trung đội trưởng của em rồi”. Tôi kiên quyết: “Không được làm thế đâu nhé!”...

@LXT: Lúc ấy quê xử lý như thế là đúng nhưng chắc về sau thì lại tiếc đấy Grin. Chẳng khác gì khi hành quân vào Nam dừng chân tại nhà dân thấy các cô thôn nữ TH, NA, HT, QB mắt lúng la lúng liếng mà có dám là gì đâu. Về sau nhớ lại thì lại tiếc:'' Giá như..." : Tongue
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM